Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thầy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA.
***
Đến Mỹ, đi dọc ngang theo các con đường trong các khu dân cư, điều đầu tiên làm tôi chú ý, không phải là các ngôi nhà hay vườn cây, mà là những thùng thư có nhiều kiểu dáng tùy theo vị trí đặt, ví như hình hộp chữ nhật hay hình vuông, trên vách trước nhà. Hình ống dài ngay sát đường đi ở mặt tiền nhà, hoặc như những cái thùng có hình bầu dục phía trên. Và đặc biệt, nhiều gia đình còn trang trí thùng thư riêng trong những dịp lễ Giáng sinh, Tết Tây... với các hình thù như ông Noel, con tuần lộc hay chiếc thuyền buồm bằng những sợi dây thừng thắt lại hay các chùm đèn màu rất thú vị!
Khác với ở quê nhà Việt Nam, thời gian gần đây, nhất là trong tình hình mạng lưới Internet phủ đến làng quê, cùng với các loại điện thoại Smartphone rộ nở, cần liên lạc, thăm hỏi, giao dịch v.v... người ta chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn, hoặc một lá thư điện tử (email)... là có thể trao đổi với nhau một cách dễ dàng, thuận lợi. Bưu điện, trước là cơ quan độc quyền duy nhất của nhà nước trong việc liên lạc bằng thư tín dần dần trở nên thất nghiệp? Nhiều “bưu điện văn hóa” ở phường, xã hoặc vùng nông thôn phải đóng cửa, dẹp tiệm. Nhiều bưu tá, người đưa thư phải nghỉ việc hay chuyển sang nghề khác. Thư viết trên giấy, bỏ vào bì thư gửi đi, đã trở thành lạc hậu? Nhiều bà má già lụm khụm, ngày xưa còn sử dụng từ “đi đánh dây thép” giờ cũng biết hỏi con cháu “tụi bây đã điện thoại chưa?”... Vậy mà nước Mỹ, một cường quốc, văn minh tiến bộ hàng đầu thế giới, vẫn còn duy trì hình thức thư tín trên giấy, với những lá thư xinh xắn gửi đến từng người cần trao đổi, liên hệ và cả chuyện tình cảm thân mật là điều hết sức nhân văn và thú vị. Các cơ quan chính phủ, bệnh viện, bảo hiểm, ngân hàng, tòa án v.v... tất cả vẫn giao dịch với mọi người qua hình thức thư tín, và vì vậy, chuyện đưa thư và bảo đảm thư đến đúng tay người nhận vẫn là điều hết sức quan trọng, biểu hiện uy tín cao của ngành bưu điện của xứ sở cờ hoa.
Cứ suy từ gia đình tôi, tất cả sáu người, cứ hai, ba ngày là nhận được vài ba lá thư: Thư của bảo hiểm, thư của bệnh viện, của bác sĩ gia đình. Thư gửi bill thanh toán của các dịch vụ điện, nước, gas, Internet, cùng các thư quảng cáo, hay thiệp chúc mừng của bè bạn, người thân...Thùng thư hầu như lúc nào cũng có thư. Đặc biệt là những món quà “đặc sản” từ anh em trong nước gửi qua, hay những ấn phẩm, sách báo bạn bè gửi tặng. Bưu tá hay người đưa thư cứ “hồn nhiên” “quăng” trước cửa nhà, ngay trên bậc thềm, vẫn không hề bị mất hay thất lạc? Thật kỳ lạ!
Người đưa thư ở nơi khu vực tôi ở là một người đàn ông gốc Mễ, râu quai nón rậm rạp, luôn cười vui sởi lởi, thảng hoặc khi tôi gặp, chào hỏi dăm ba câu, là ông vội vả xốc cái túi xách nặng trĩu thư và bưu phẩm hối hả tìm sang nhà khác. Hầu hết những người đưa thư thường phải tự lái chiếc xe của bưu điện, xe thiết kế riêng, có đít vuông, sơn màu trắng và xanh dương có vẽ biểu tượng đầu đại bàng. Họ đậu xe, ôm chồng thư tín, ấn phẩm xuống và đi bộ hết khu vực, sau đó lại chạy xe qua khu vực khác. Tôi để ý, nếu nhà nào mới, hay thay chủ hoặc đổi người đưa thư, thì họ tự ghi tên mình trên một mảnh giấy nhỏ và dán trên nắp thùng thư, ngầm thông báo cho gia chủ biết tên của người đưa thư, để khi cần có thể biết mà trao đổi hay khiếu nại.
Một lần tôi thử hỏi ông Browns, người đưa thư: Điều gì trở ngại nhất đối với người đưa thư ở Mỹ. Ông cười, thành thật trả lời: “Đấy là thời tiết, nắng, mưa. Nhất là tuyết như lúc này – ông chỉ tay vào những đống tuyết đã đóng băng trắng xóa cạnh nhà ... Ồ, còn dịch bệnh và... chó nữa! Nhiều người vô tình đã bị chó dữ cắn phải nghỉ việc...”. Ông đưa cái chân, có một vết sẹo dài sau bắp chuối, cười to “Đây, đây, nó đây...”. Tôi hiểu, có lẽ lòng yêu nghề đã khiến họ vượt qua trở ngại để có thể đem từng lá thư đến cho khách hàng, là người mang lại nhiều niềm vui và tất nhiên có nỗi buồn... đến cho người nhận thư mỗi ngày. Vì trước đây khi còn ở quê nhà, người viết bài từng có tâm trạng trông ngóng từng lá thư của người thân gửi đến, dù tin vui hay buồn. Và thật... bất mãn, buồn như chấu khi lá thư ấy bị thất lạc hay có người khác “cầm nhầm” lấy mất!
Tìm hiểu trên Google về nghề đưa thư ở nước Mỹ, thấy trang Việc làm Careet Cast đã thống kê và đưa ra kết luận vào năm 2015, nghề đưa thư là một trong mười nghề được xếp loại... “nghề tồi tệ” nhất nước Mỹ? Vì sao? Như trên đã nói, đó là nghề có thể đối diện với những hiểm nguy như về thời tiết, khi khu vực đưa thư có dịch bệnh và nhất là luôn có nguy cơ bị các... chú khuyển “đớp” bất cứ lúc nào. Mà có lúc, người đưa thư được đề nghị phát “Đả cẩu bổng” hoặc súng bắn hơi cay để đối phó với các chú cho to, bự, hung dữ, nhưng lại bị gia đình các khách hàng phản đối và ủy ban bảo vệ thú cưng lên tiếng chỉ trích, đành phải dẹp bỏ và khuyến cáo người đưa thư phải luôn đề phòng với những nhà có nuôi chó... dữ! Song có lẽ nhận định và đánh giá của Business Insider cũng đã “an ủi” phần nhiều những người đưa thư ở nước Mỹ là Nghề đưa thư là một trong 25 nghề không cần trình độ Đại học, đào tạo ngắn hạn nhưng có mức lương cao hấp dẫn: Hơn 56 ngàn USD một năm, vị chi hơn 4 ngàn đô một tháng, món tiền quả là không nhỏ? Và trong tương lai đến năm 2022, cũng theo báo nói, nước Mỹ còn thiếu cần tuyển thêm đến trên 100 ngàn người làm nghề đưa thư nữa! Đọc đến đây, thú thật tôi muốn... ước mình trẻ lại khoảng 15, 20 tuổi để sẵn sàng xin vào làm nghề... đưa thư, cái nghề mà suy ngẫm tôi vẫn thấy có cái gì đó rất nhân văn và hay hay khó nói!
Nghề đưa thư có từ lâu đời, rất xa xưa, khi mà các chế độ và triều đình phong kiến được thành lập, để truyền tin tức hay những chỉ thị, mệnh lệnh đến các vùng xa xôi, biên ải, biên trấn, cần phải có những người đưa thư hay những “bưu trạm” chuyển dịch. Người đưa thư được tuyển dụng phải là người có sức khỏe, am tường địa lý, khu vực mà mình phải đưa thư, truyền tin tức, mệnh lệnh, đôi khi còn phải giỏi võ nghệ để chống cự với bọn cướp bóc, thậm chí là thú rừng hung dữ gặp phải trên đường đi như cọp, beo, rắn rết v.v... Người đưa thư sử dụng các phương tiện di chuyển hiện có như đi bộ, đi ngựa, tàu, thuyền... miễn sao hoàn thành nhiệm vụ được giao càng sớm, càng tốt. Tất nhiên, ngày xưa còn có việc chuyển thư bằng chim bồ câu, nhưng được giới hạn trong bán kính nhất định, còn việc được thư, tin tức, mệnh lệnh và cả những hàng hóa, phẩm vật cần phải vận chuyển và quản lý bằng con người với phương châm nhanh nhất và đầy đủ nhất. Tức vật phẩm được nhận phải còn nguyên vẹn khi trao đến tay người nhận.
Về phía khách hàng, tức là người nhận thư, điều quan trong đòi hỏi là phải có một địa chỉ chính xác! Luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và vui vẻ, chia sẻ khi tiếp xúc cùng người đưa thư. Ở nước Mỹ, thư, bưu phẩm được đưa đến tay người nhận, chỉ cần xác nhận “ Ok”, ký tên vào giấy đã nhận, nếu thư hay bưu phẩm bảo đảm, khác với ở Việt Nam, hầu hết đều nhận một giấy “báo nhận thư hay bưu phẩm” và mời đến Bưu điện huyện, tỉnh hoặc “trung tâm” để nhận, người nhận phải tranh thủ thời gian chầu chực đi lại để nhận thư, bưu phẩm, nhưng việc quan trọng là phải mang theo giấy tờ Chứng minh nhân dân để “chứng minh” đúng người đi nhận, nhiêu khê và khá vất vả. Tuy nhiên, việc bưu phẩm, quà tặng đến nhà, được người đưa thư để “vô tư” trong thùng thư, phía trước cửa nhà hay trên hành lang, nghe các con tôi nói từ trước nay chưa hề bị mất hay “thất lạc” dù nhà ở sát cạnh đường đi, và cũng chẳng có rào, giậu gì. Song mới đây, trên các báo Việt ngữ, có đăng mẫu tin cảnh báo mọi người nên cẩn thận, bởi gần đến ngày lễ, nhất là các dịp Halloween, Giáng Sinh hay Tết Tây, Tết ta... Thiệp, quà tặng, thậm chí các phiếu chuyển tiền được bạn bè, bà con thân thích, người yêu v.v... quan tâm gửi cho nhau, và một số “người xấu” đánh hơi được điều này, canh me, các nhà có bưu phẩm gửi đến, gia đình chưa kịp nhận thì ra tay “nhận hộ”, gây thắc mắc, mất lòng tin đối với khách hàng và người đưa thư, khiến cảnh sát nhiều nơi phải vào cuộc!
Nghề đưa thư và ngành Bưu chính nói riêng, cần nhất là sự trung thực, thật thà và uy tín. Hầu hết mọi người dân nước Mỹ đều hài lòng với những người đưa thư, luôn xem người đưa thư như bạn bè, hay người thân thiện. Song cũng có những trường hợp hơi... bị hiếm như người đưa thư gian dối lấy thư của khách hàng, trong đó có cả bưu thiếp và chi phiếu chuyển tiền, thẻ mua hàng (Starbucks) như cô Smith nhân viên đưa thư ở Wauwatasa đã lấy hơn 6 ngàn thiệp mừng, tiền của khách hàng mà báo địa phương Milwauke Journal Sentinal đã đưa tin. Một con sâu làm rầu nồi canh. Dù sao vẫn không thể phủ nhận hình thức thư tin, và đưa thư của Bưu chính nước Mỹ vẫn luôn uy tín và giàu tính nhân văn, không làm tàn lụi đi một ngành nghề truyền thống lâu đời của nền văn minh nhân loại và thế giới. Và bạn hoàn toàn có thể yên tâm, thư tín, bưu phẩm từ khắp nơi gửi đến bạn, khi đến nước Mỹ là sẽ đến đúng ngay địa chỉ của bạn một cách vui vẻ và an toàn...
CHÍNH VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét