Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Tản mạn: ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY - Quỳnh Giao.

 




ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY. 

Thơ Quang Dũng không nhiều, nhưng lãng mạn và có hào khí trượng phu thời chinh chiến. Nổi tiếng nhất và được miền Nam phổ vào nhạc là hai bài "Mắt Người Sơn Tây" và "Đôi Bờ".


Nhạc sĩ Cung Tiến yêu thích hai bài thơ trên và phổ y nguyên thành hai ca khúc riêng, là "Đôi Bờ", và "Đường Hoa". Khi soạn "Đường Hoa" sau này, có lẽ Cung Tiến tránh bị trùng với tác phẩm của Phạm Đình Chương nên dùng tựa "đường hoa" từ câu:


Em mơ cùng ta nhé

Bóng ngày mai quê hương

Đường hoa khô ráo lệ…


Nhạc sĩ Phạm Đình Chương thì gom cả hai bài để phổ thành ca khúc trác tuyệt và đặt tựa là "Đôi Mắt Người Sơn Tây". Phải chăng chữ "đôi" thêm vào "mắt người Sơn Tây" là của "đôi bờ"? 


Trong ba ca khúc, bài "Đôi Mắt Người Sơn Tây" của Phạm Đình Chương là phổ biến hơn cả, và được nhiều người trình bày, từ lớp ca sĩ ngày xưa cho đến nay. Ông soạn bài này năm 1969 trên căn gác nhỏ đường Ngô Tùng Châu Sài Gòn và ghi lại trong tập nhạc in tại Hoa Kỳ năm 1990 là viết khi nhớ quê ngoại, nhớ những năm đi kháng chiến chống Pháp, và nhớ Quang Dũng. Ít người nhớ là chính Phạm Đình Chương đã khiến thơ Quang Dũng có nhiều độc giả ở trong Nam, khi hai miền còn cách biệt.


Bài hát viết trên cung Do thứ, nhịp Slow chậm rãi, tha thiết. Bốn câu mở đầu ad libitum, hát tự do không cần nhịp, là từ bài thơ "Đôi Bờ":


Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai

Sông xa từng lớp lớp mưa dài

Mắt em (ôi mắt em) xưa có sầu cô quạnh

Khi chớm Thu về (khi chớm Thu về) một sớm mai…


Những chữ nhắc lại là của Phạm Đình Chương thêm vào. Câu mở này rất khó hát, lúc đầu nỗi nhớ cao vút đến nốt Mi trên dòng kẻ thứ 5 ở hai chữ “nhớ” quạnh quẽ, rồi xuống dần đến nốt Sol thật thấp ngoài hai dòng kẻ và gây tiếc nuối bùi ngùi. Ngoài tình cảm, đoạn này dùng nhiều hơi để câu hát được luyến quện (legato) chứ không ngắt đoạn. Nhiều người hát câu này bị tác giả lắc đầu. 


Riêng Quỳnh Giao trộm nghĩ thì chỉ Hoài Bắc mới diễn câu bất hủ này đến chỗ "đạt". Thái Thanh hát nức nở quá, mà ông anh nói cái buồn ở đây nó u uẩn lắm, và nghiêm trang lắm. Nghiêm trang nhưng không được "cứng", thế mới khó!


Đoạn nhạc tiếp nối là lời thơ "Mắt Người Sơn Tây", nhịp Lento chậm rãi, tha thiết. Phạm Đình Chương đảo lộn các đoạn thơ trước sau. Ông mở đầu bằng đoạn thứ năm của cả bài thơ:


Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều luân lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây (lập lại)

Em hãy cùng ta mơ

Mơ một ngày đất mẹ

Ngày bóng dáng quê hương

Đường hoa khô ráo lệ…


Câu tiếp theo, ông lại dùng đoạn thơ mở đầu:


Tôi từ chinh chiến đã ra đi

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc

Non nước u hoài (lập lại) ngày chia tay


Em vì chinh chiến thiếu quê hương

Sài Sơn, Bương, Cấn mãi u buồn

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương…


Từ đầu bài, dù thấp thoáng âm điệu Đông phương và tình tự quê hương, nhưng đến câu cuối này "Em có bao giờ, em có bao giờ, em thương nhớ ơ ớ… thương…" thì lại có giai điệu rất Huế. Chữ "nhớ" cuối cùng như một dấu nặng, kéo dài và lên cao vút rồi mới buông vào chữ "thương". Khi hát bài này trên sân khấu vùng Hoa Thịnh Đốn nhân dịp kỷ niệm 45 năm nhạc Phạm Đình Chương, ông hỏi Quỳnh Giao: "cháu là người Huế, nghe chú hát có ra “Huế” không?”…


Ca khúc còn đặc biệt là khi chính tác giả trình bày, ông cảm khái đọc đoạn cuối của bài thơ khi dàn nhạc đàn dạo giữa bài:


Bao giờ ta gặp em lần nữa

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Còn có bao giờ em nhớ ta…


Người viết rất trân quý cách ông đọc câu thơ. Vì vậy, khi thực hiện đĩa nhạc "Thơ Tình Phổ Nhạc" vào năm 2002 thì ông mất được hơn 10 năm rồi, nên Quỳnh Giao hỏi Phạm Thành, trưởng nam của Phạm Đình Chương, cho dùng lại đoạn đọc thơ độc đáo này. Nhờ kỹ thuật tối tân, phòng thu của Hoa Kỳ đã cắt và ráp đúng vào đoạn dạo nhạc. Cũng không dễ gì cho Duy Cường là người viết hoà âm. Anh phải canh cho đoạn dạo nhạc vừa đúng để cùng kết thúc với đoạn diễn đọc này của Hoài Bắc Phạm Đình Chương.


Coda tức là câu kết của Phạm Đình Chương mới là đẹp và sáng trên sân khấu:


Đôi mắt người Sơn Tây

Đôi mắt người Sơn Tây

Buồn viễn xứ khôn khuây…


Chữ "buồn viễn xứ" kéo thật dài và cao tới nốt Fa trên dòng kẻ thứ 5, là đoạn ca sĩ trổ giọng với làn hơi phong phú và buông xuống chữ "khuây" kéo dài với bốn mesures (ô nhịp) để cùng kết thúc với dàn nhạc. Thật là "coup de rideau!" như tác giả vẫn tự hào.


Đấy là lý do mà nhiều ca sĩ ưa trình bày tác phẩm này trên sân khấu. Khán giả sẽ tán thưởng với tràng pháo tay giòn giã bất tận… 

QUỲNH GIAO (17-9-2013)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét