Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Em gái viết cho anh ANH TÔI... - Ngọc Sương.


(MCHX blog xin được giới thiệu bài viết vô cùng cảm động của một người em gái viết về người anh vừa quá vãng... )



ANH TÔI, NGUYỄN NGỌC XUÂN.
Mùa xuân là mùa đầu tiên của 4 mùa xuân hạ thu đông trong thiên nhiên, là mùa tuơi trẻ nhứt của một đời người. Mùa xuân tượng trưng cho sự bắt đầu phấn khởi, hy vọng tràn trề, sung mãn mọi điều. Anh tôi mang tên Xuân mà Ba tôi đặt trong ý hướng đó. Anh tôi có dáng người cao thanh lịch như những tài tử nổi tiếng Pháp thời Alain Delon, Jean Paul Belmondo... Tính tình anh nghệ sĩ phóng khoáng, chơi đàn guitar rất hay nhứt là loại nhạc classic.
Khuôn mặt anh hình chữ điền nên anh thông minh vả học giỏi. Suốt quãng đời học sinh, từ lúc anh học trường tiểu học Nguyễn Du, trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa rồi cho đến khi anh tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Saigon, anh hoạt động, học hỏi, tìm tòi, trao dồi kiến thức nên hầu hết thầy cô bạn hữu đều quí mến anh. Anh tôi ít nói, tánh hiền hậu, cho nên dù học giỏi biết nhiều mà không khi nào "gáy" hay "nổ" như những người thường tình khác. Chính vì vậy mà thời trai trẻ, " học giỏi đẹp trai con nhà ... không giàu", anh có nhiều bạn gái cảm tình đặc biệt với anh. Ngày anh tốt nghiệp QGHC giữa năm 1973, các bạn học của anh có người về làm phó quận hay phó tỉnh nội an ở địa phương, anh được ở lại Saigon và được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Quỹ Ứng Trước thuộc cục thông tin quốc nội, tại Phủ Tổng Uỷ Dân Vận mà Tổng Trưởng là ông Hoàng Đức Nhã, ông muốn trẻ trung hoá bộ máy hành chánh, ông giao các sinh viên trẻ mới ra trường đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong phủ. Lúc đó anh tôi mới 22 tuổi. Phiên họp đầu tiên khi anh nhận nhiệm vụ, các nhân viên của anh đa số là những người đáng tuổi cha chú. Trong bụng anh lo nhưng bề ngoài anh ra vẻ cương nghị lãnh đạo, sau nầy tôi nghe anh tâm sự với Ba tôi như vậy, nhưng anh nói nhờ vậy mà anh trưởng thành ra. Anh có một người bạn gái thân dạo đó là chị Thành, em của chị thư ký của anh. Chị Thành là phó giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, chi nhánh đường Triệu Đà trong Chợ Lớn. Anh và chị Thành thân nhau đến nỗi tính chuyện hôn nhân. Đùng một cái, biến cố lịch sử của đất nước xảy ra, hoàn cảnh người dân cũng thay đổi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Anh tôi và chị Thành mất liên lạc, sau nầy anh tôi mới biết trong lúc hỗn loạn, chị Thành đã vội vã theo gia đình lên tàu ra ngoại quốc.
Quyển vở đã sang trang, anh tôi cố gắng quên hết quá khứ vàng son tuổi thanh niên, thích ứng cuộc sống mới theo bánh xe lịch sử, và anh luôn hy vọng. Trong năm đầu sống trong chế độ mới, vì có khả năng âm nhạc, anh tham dự làm việc cho đoàn văn công thành phố. Và cũng chính cơ duyên nầy anh đã gặp ca sĩ Trang Mỹ Dung. Anh đàn, chị Dung hát, cảnh sinh tình, rồi 2 người quyết định lấy nhau. Đám cưới được tổ chức ở Saigon, không phải đám cưới chạy giặc, dù đơn giản nhưng có nghi thức đàng hoàng giữa sự chứng giám của 2 họ trai và gái. Từ 1975 cho đến khi VN mở cửa năm 1989 bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giới nghệ sĩ ở miền nam ở lại thường theo các đoàn văn nghệ đi lưu diễn ở miền tây và các tỉnh miền trung. Chị Trang Mỹ Dung cũng là 1 trong những nghệ sĩ đó. Và dĩ nhiên khi chị Dung đi lưu diễn là có anh tôi đi cùng. Vợ đâu chồng đó mà, lại là vợ chồng son nữa. Anh nói từ miền tây sông nước đến miền trung khô cằn sỏi đá, ra Huế cổ kính buồn lặng lẽ, tỉnh thành đến thôn quê nơi nào anh cũng biết. Còn tuổi trẻ còn xông pha nhưng đi mãi cũng chùn chưn, anh quay về Saigon làm kế toán trưởng trường cao đẳng vật tư, mà hiệu trưởng là chị Nguyệt, chị bà con của chị Dung. Trong giai đoạn nầy đời sống dân miền nam rất cơ cực, luật lệ xã hội không rõ ràng, đời sống thụt lùi đến bần cùng, gạo không đủ ăn phải độn thêm khoai, lương của một người đi làm công chức (lúc đó gọi là công nhân viên nhà nước) gói ghém lắm cũng sống chí 1 tuần đến 10 ngày, cho nên ai cũng bương chải tìm đủ cách để tranh đấu cho sự sống. Ai có khả năng bương chải giỏi, biết lợi dụng thời cơ lúc giao thời, có thể được "giải thoát" ra khỏi cảnh bần hàn. Anh tôi, cũng như rất nhiều người khác mang tư tưởng của kẻ sĩ, anh không quen chụp giựt bon chen giữa một xã hội rất khác trước.
Anh và chị Dung từ từ có quan niệm sống không tương đồng để đi đến ly dị sau hơn 12 năm sống chung, mặc dù anh đã chọn chữ tình trên tất cả ngay trong ngày hôn lễ, khi có một người bạn thân học chung ở QGHC, chạy tất tả từ Nha Trang vô Saigon rủ anh đi vượt biên, vì nhà anh bạn đóng tàu, và còn chỗ dành cho anh tôi. Anh tôi đã không đủ bản lĩnh để quyết định tức thời. Một quyết định mà có thể đã thay đổi vận mệnh của anh. Thời kỳ đó trong nước đời sống đói khổ ai ai cũng bôn ba trôi dạt nơi nầy nơi khác để tìm đường sống. Đa số bạn bè anh tôi tìm đường bôn ba xứ người, còn anh thì bôn ba "quốc nội" cũng chì vì chữ tình của anh tôi quá nặng. Anh thương Ba thương Má, thương vợ, thương em. Anh nói: "không đâu bằng quê hương mình cho dẫu nó đang khó thương, người ta sống được thì mình cũng sống được". Anh nói vậy nhưng sau thời gian anh làm việc ở nhiều chỗ như là manager cho Minh Tâm hotel ở quận 5, hay manager cho hãng giày Biti's và nhiều chỗ khác tôi không nhớ rõ, anh tôi than vãn "bây giờ tụi nó làm việc 'ngộ 'quá...!". Anh bỏ chỗ làm nầy rồi làm chỗ khác, rồi anh gặp chị Hạnh, người vợ sau của anh. Chị Hạnh không phải là người của công chúng. Như những người phụ nữ Việt Nam bình thường khác, chị Hạnh biết chịu thương chịu khó, chăm chút cho anh tôi từ bữa ăn giấc ngủ, chu đáo để ý đến sức khỏe và cả tinh thần của anh. Khi anh tôi phán quyết chuyện gì, chị phục tùng tuyệt đối. Cũng vì cảm kích đức tính của chị Hạnh, nên khi chị đề nghi với anh tôi ra Đà Nẵng sống để phụ giúp đứa con gái lớn mở công ty dán giấy tường ngoài đó, anh đã đồng ý. Ra ĐN sống, anh bắt đầu "về hưu non". Ngày ngày, anh lái xe hơi đưa rước cháu ngoại đi học, dạy dỗ tụi nó. Buồn thì anh ra mấy quán cà phê mà anh gọi là "café romantic" đọc sách coi Internet, viết văn làm thơ, viết bài cho site nhà NQ. Nghe anh kể, những lúc thời tiết đẹp, anh hay đi bộ vào sáng sớm hoặc chiều xuống dọc bờ biển ĐN. Biển ĐN rất đẹp. Gió biển rất tốt cho sức khỏe. Anh đã nhìn tận mắt chỗ mà thủy quân luc chiến Mỹ đổ bộ đầu tiên vô VN năm 1965.
Ở ĐN an lành nhưng anh cảm thấy buồn vì không có bạn bè cùng thời, xa quê nhà Tân Ba. Cho nên mỗi năm 2 lần, tết và mùa Vu Lan, anh vô Saigon và về nhà Tân Ba để gặp các em, để đốt nhang Ba Má, và nhứt là anh muốn gặp các bạn học NQ ngày xưa như anh Thu, anh Tùng, anh Dũng và nhiều anh khác nữa. Tội nghiệp anh tôi, 2 năm gần đây nhứt, anh cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe sa sút dần anh muốn về Biên Hòa Tân Ba nhưng không được, cho tới ngày gia đình TB vĩnh biệt anh. 
Làng quê Tân Ba, nơi anh tôi lớn lên cùng gia đình ruột thịt, cũng như những vùng nông thôn khác, đa số dân sống bằng nghề nông gồm trồng lúa và hoa mầu, còn vườn cây ăn trái chỉ là phụ ,chỉ một số tư gia có đất rộng mới có. Tuy vậy, vì Tân Ba gần Biên Hoà, cũng là một xứ thương mại có Chợ, có lò gạch, trại cưa, v. v... Anh tôi cùng nhiều anh bạn học cùng quê về học chung lớp ở trường trung học NQ như anh Thu, anh Châu, anh Danh, anh Phát. Ba tôi và Ba anh Trầm Vĩnh Châu là nhà giáo, Ba anh Diệp Cẩm Thu là nhà mua bán, ba anh Phạm Sơn Danh là nhiếp ảnh gia, chủ tiệm chụp hình Phạm Lung ở Biên Hoà, Ba anh Phát là công chức ở Ty Công Chánh Biên Hòa.
Sống và lớn lên giữa vùng dân quê, nhứt là trong lúc quê hương còn chiến tranh, tôi biết anh tôi có mang hoài bão. Anh muốn mang sở học, sự hiểu biết của mình, làm cái gì đó, không phải chỉ là chuyện vinh thân phì gia, mà có ích nước lợi dân, khai hoá dân trí. Những ngày anh còn làm việc cho chính phủ VNCH, anh nói con đường quan lộ của anh mà thẳng tắp, thì khoảng 30 tuổi anh phải là bộ trưởng, để có cơ hội thực hiện các ước vọng của anh. Nhưng, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", dòng đời đưa đẩy với số phận nghiệt ngã, sự yếu mềm tình cảm của anh đã thắng tài năng của anh.
Cuộc đời anh tôi là những chuỗi ngày đầy hối tiếc. Tết năm 2015, vợ chồng tôi từ xa về thăm quê nhà TB, anh cũng từ ĐN bay về, anh em vui mừng gặp nhau dưới mái nhà Ba Má để lại. Trưa mùng 3 tết, lúc chỉ có tôi và anh tôi, 2 anh em ngồi bên tách trà nhâm nhi miếng mứt, nói chuyện xưa nay, tôi nhớ anh nói : "thời thế bây giờ tạo ra nhiều loại anh hùng lắm, anh 5 (anh tôi thứ 5 trong nhà) thì dở quá, không có chút anh hùng nào hết trong thời thế nầy !...".Tôi nói với anh :"Em suy ngẫm ra 1 điều. Con người không ai hay hơn ai hết, chỉ là may mắn và không may mắn mà thôi. Anh cứ sống vui sống khỏe đi, anh em gặp nhau vầy là vui rồi. Que sera sera!... lâu rồi sao không thấy anh 5 chơi đàn?" . Anh cười nhẹ nói: "cung đàn đã lỡ rồi, chơi gì nữa !...". Tôi không ngờ định mệnh an bày, đó là lần cuối cùng tôi gặp anh tôi. Biết rằng ai cũng một lần chết, nhưng anh tôi ra đi hơi sớm và đột ngột quá. Dù người Mỹ hay nói chết không theo lịch, không theo tuổi tác (dead no calendar), gia đình tôi đau đớn tột cùng khi biết không bao giờ gặp anh tôi nữa trong cõi đời vô thuờng nầy. Nếu, nếu thực sự có kiếp nầy và kiếp sau, tôi cầu nguyện cho anh tôi mãn nguyện tất cả hoài bão anh có từ kiếp anh mới vừa buông tay sang kiếp mới nhẹ nhàng sáng sủa. Trong lúc viết những dòng nầy, tôi nghẹn ngào thương nhớ anh tôi. Mong thời gian là thần dược giúp tôi giảm bớt cơn đau nầy. Tôi xin cúi đầu cảm tạ tất cả quí Thầy Cô và quí thân hữu gần xa đã thương tưởng và cầu nguyện cho anh tôi, Nguyễn Ngọc Xuân.
Nguyễn Thị Ngọc Sương - Rochester, MN
đầu thu 2017.




anhtoi2
Nguyễn Ngọc Xuân, Đệ Nhứt B1, Ngô Quyền



anhtoi
Xuân, Lâm, Châu, Tâm



anhtoi3

Nguyễn Tất Nhiên, Thọ, Tâm,  .., Diệp Xuân, Lâm, Ngọc Xuân

anhtoi1
Lâm, Tâm, Thu, Liễu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét