Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Truyện dịch TÂM HỒN CAO THƯỢNG - Edmond De Amicis ( Dịch giả : Hà Mai Anh )

( Cuối những năm 50, lúc còn ở bậc Tiểu học, thế hệ chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc những chuyện này... . Quyển sách đã góp phần dạy dỗ nhân cách cho chúng tôi... . Những chuyện như vậy có phải đã "xa" rồi chăng?... . 
Cũng xin được rất cảm ơn Phong Luu đã chia sẻ trên fb )


TÂM HỒN CAO THƯỢNG  (phần 53-54-55)
Tác giả: Edmond De Amicis - Dịch giả: Hà Mai Anh.

53.- ĐI NGOÀI PHỐ
Thứ ba, ngày 30, tháng năm
Hôm kia, khi con ở trường câm về, con đã xô phải một người đàn bà. Lần sau, con phải có ý tứ hơn vì ở phố con cũng có bổn phận. Lúc ở nhà, khi ở trường, con đã giữ gìn cử chỉ của con được đứng đắn, cớ sao ra phố là nơi công chúng qua lại, con lại sao lãng? Con ơi! Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước.
Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong.
Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào.
Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi cây gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con.
Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội.
Khi có đám ma đưa qua, đừng cười, nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người tạ thế.
Trông thấy những trẻ em trường Bà Phước xếp hàng đi qua, mù loà có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ thái độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu số và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn ra trước mặt con.
Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép. Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường. Con phải biết rằng chỉ liếc mắt trông qua cách cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc. Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà.
Nếu một mai con phải đi xa, con sẽ thấy hình ảnh thành phố con là nơi chôn nhau cắt rốn, là chốn quê hương của tuổi thơ hiển hiện luôn luôn trong óc con. Ở thành phố ấy, con đã tập đi những bước thứ nhất do tay mẹ con dắt ; ở thành phố ấy, con đã học bài thứ nhất do thầy con dạy, và ở đấy con đã làm quen với những người bạn thứ nhất trong đời con. Vậy con hãy yêu tỉnh thành con cùng là phố xá và dân sự, hễ ai nói động đến thành phố con, con phải hết lòng bênh vực.
Cha con.
------------

54.- 32 ĐỘ
Thứ sáu, ngày 16, tháng sáu
Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân. Cổ và chân đã thấy mỏi, đầu muốn ngả, mắt muốn nhắm. Anh Nêlli khổ về nóng nực, mặt mũi xanh xao thỉnh thoảng lại gục đầu xuống vở ngủ một giấc dài. Anh Garônê khôn hơn, bao giờ cũng có ý dựng sách trước mặt để thầy giáo khỏi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu. Còn anh Nôbix cứ kêu ra rả rằng lớp đông người quá, không đủ không khí thở. Coi đó, có thể biết: mùa hè đến: mùa hè đến, chúng tôi đã cố gắng biết là bao nhiêu để học tập.
Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy cây cối xanh tốt, bóng rợp rung rinh như muốn khêu gợi sự nô đùa mà tôi buồn. Ngày nào cũng phải ngồi giam trong buồng học với cái nóng nung người như thế này thì thực là khó chịu quá! Tuy nhiên, mỗi khi thấy mẹ tôi đón tôi ở cửa trường có ý thương hại thì tôi lại ra vể bình tĩnh. Mỗi khi mẹ tôi thấy tôi loay hoay viết lách và hỏi tôi: "Con có nhọc không?" thì tôi lại làm bộ nhanh nhẹn thưa "không" để mẹ tôi được yên lòng.
6 giờ sáng nay, mẹ tôi gọi dậy để học bài, thấy tôi uể oải, mẹ tôi khuyên:
- Con hãy chịu khó đi học, con ạ! Chỉ còn ngót tháng nữa, con sẽ được nghỉ hè. Mẹ sẽ cho con về quê chơi. Con còn sung sướng hơn bao nhiêu trẻ không có nghỉ hè. Con chẳng xem trong lúc trời nóng như thiêu như đốt, những đứa trẻ nhà quê phải dãi thân ở giữa cánh đồng? Những đứa trẻ học nghề luôn luôn phơi mặt bên cạnh lò nấu thuỷ tinh? Những cái nóng ấy còn khó chịu gấp mấy cái nóng ở nhà trường! Cố lên! Con ạ!
Thêm vào những tấm gương nhẫn nại mà mẹ tôi vừa nói, chúng tôi còn có cái gương hoạt động nữa vẫn ngay cạnh mình. Đó là Đêrôtxi. Anh không biết nhọc mệt là gì. Mùa hạ cũng như mùa đông, bao giờ anh cũng tỏ ra nhẹ nhàng, mau mắn.
Trong lớp còn có hai người học trò nữa vẫn tỉnh táo và chăm chú là anh Xtarđi, mới chế ra được môn thuốc chữa bệnh ngủ gật là tự véo vào đùi mình và Garôpphi, anh chàng làm tiền cứ luôn tay làm những cái quạt giấy để bán cho anh em. Nhưng người can đảm nhất có lẽ là anh Côrêtti, anh Côrêtti đáng thương, ngày nào cũng phải dậy từ gà gáy để vác củi giúp cha ; vì thế cứ đến gần mười một giờ là mắt anh híp lại, đầu anh rủ xuống... Biết thế anh hết sức cựa cậy hay tự đập vào gáy cho tỉnh ngủ: có khi anh xin phép ra ngoài để rửa mặt hay nhờ người ngồi bên cạnh cấu hộ cho rõ đau. Sáng nay, không gượng được nữa, anh gục xuống bàn làm một giấc thật say.
Thầy giáo gọi:
- Côrêtti!
Anh không biết gì.
Thầy giận gọi lần nữa:
- Côrêtti!
Bỗng một người bạn ở gần nhà anh đứng lên mách:
- Thưa thầy, anh ấy đội củi từ 5 giờ sáng ạ.
Thầy để yên anh ngủ và giảng tiếp bài. Nửa giờ sau, thầy sẻ xuống bàn, thổi vào trán anh, anh sực tỉnh, thấy thầy, sợ quá! Nhưng thầy vỗ vai anh bảo:
- Thầy không mắng con đâu. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của đứa trẻ lười. Sáng nay, con đã làm nhiều, thầy biết.
------------

55.- CHA TÔI
Thứ bảy, ngày 17, tháng sáu
Enricô ơi! Chắc hẳn những bạn con như Côrêtti và Garônê không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã đối với cha con chiều qua. Con phải thề cùng mẹ rằng từ rấy con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia - mà ngày ấy không thể tránh được - cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trăn trối. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tố của con; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ vì muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc.
Trừ lòng yêu con, thương con, còn ngoại giả cha con giấu hết. Nào con có biết: những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chằng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải chơ vơ và không nơi nương tựa! Nào con có biết: bao phen bị mối ưu phiền ấy ám ảnh, cha con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi! Nào con có biết: lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.
Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con ; bỗng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con khổ thống biết là dường nào? Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cái gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc còn bé... con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngày mai cũng không biết chừng!
Ôi! đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở xung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con đầu tang tóc rối, âm thầm chua xót! Thôi! Con ơi. Mẹ nói đã nhiều. Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi.
Mẹ con.
------------

Tâm Hồn Cao Thượng (phần 53-54-55)
Tác giả: Edmond De Amicis - Dịch giả: Hà Mai Anh.

Phong Luu (ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét