CÁI SỐ MỆNH PHỤ THỜI THƯỢNG. (phần cuối)
Hơn thế nữa, trước ngày đi sang Mỹ, Nam đã căn dặn Diệu là nên đem theo nhiều quần áo để mặc tạm trước khi mua sắm đồ mới thì nàng gọi Nam là “đồ bần tiện” không muốn bỏ tiền để cho nàng đi đua đòi với thiên hạ, cho nên khi sang tới Mỹ nàng chỉ mang vỏn vẹn có vài ba bộ quần áo mà nàng thích nhất. Ngày hôm sau, Nam phải chở Diệu ra ngoài mall để Diệu đi mua sắm tốn mất cả ngàn đô và mất suốt cả ngày trời làm cho Nam phải méo mặt lên. Theo như Diệu nghĩ, mình là vợ của kỹ sư thì phải ăn mặc bảnh bao hàng hiệu theo kiểu kỹ sư mới đúng mode chứ ai lại đi ăn mặc xoàng xĩnh bao giờ.
Trong sáu tháng đầu, Diệu phải đi học nail và học tiếng Anh chỉ vì Nam nói rằng mọi người ở bên Mỹ này đều phải đi làm cả chứ ở nhà ngồi không thì buồn lắm. Thật ra thì Diệu cũng chỉ muốn ngồi không ở nhà thôi chẳng muốn đi làm gì hết, nhưng vì nhịn chồng bước đầu cho nên Diệu mới làm theo. Ban ngày thì Diệu đi học nghề còn mỗi tối người con gái duy nhất của Nam là Tina lúc đó đang học năm thứ ba đại học đều bỏ vài tiếng đồng hồ để dạy kèm Diệu cách phát âm của ngôn ngữ mới cho nên Diệu học rất lẹ. Vả lại hai người cũng gần bằng tuổi nhau cho nên họ hiểu nhau và thân mật hơn đồng thời công việc học hỏi mọi thứ trên nước Mỹ cũng dễ dàng hơn đối với Diệu. Còn một điểm mà Diệu thích ở Tina nhất là cái giọng nói lơ lớ nửa Việt nửa Mỹ, chỉ vì Tina sinh đẻ và trưởng thành tại nơi đây. Bởi thế trong trời gian này, Diệu đã âm thầm cố gắng tập cái giọng nói lơ lớ này để mai sau chứng tỏ cho người ta biết rằng là mình cũng ở Mỹ lâu năm rồi.
Khi lấy bằng nail xong, Diệu xin được việc làm trong một tiệm nail cách nhà khoảng hơn hai mươi lăm dặm. Ngày đầu tiên đi làm, Diệu cảm thấy tủi thân vì nàng chưa bao giờ phải phục vụ cho ai cả nhưng giờ đây phải hầu hạ tay chân cho người khác cho nên cái ý tưởng viển vông trở thành mệnh phụ phu nhân của Diệu nay đã tan thành mây khói. Diệu tự hỏi tại sao thằng chồng của nàng lại để nàng đi làm việc tồi tàn như thế? Ít ra nó cũng phải để nàng đi ăn học đàng hoàng tới nơi tới chốn giống như con Thủy bạn của nàng vậy. Nhưng tại sao nó chỉ là một công nhân xoàng của hãng điện thôi mà nó dám mạo nhận nó là kỹ sư điện nữa chứ, đúng là một tên láo khoét gian manh. Khi xưa Nam còn nói là Nam phải ở cảnh “gà trống nuôi con” vì mẹ của Tina bỏ nhà đi theo người yêu, nhưng khi biết ra thì Nam và người vợ trước đã ly dị cũng tại vì vấn đề tiền bạc mà thôi. Giờ đây mọi sự thật đều lộ ra Diệu cảm thấy rất là ấm ức trong lòng, có ngày thì mày cũng biết tay của bà, nàng nghĩ thầm trong bụng.
Qua đến ngày thứ hai, vì đến trễ cho nên khi Diệu bước vào trong tiệm thì Diệu ngỡ ngàng gặp lại Thủy đang ngồi làm móng chân cho khách. Diệu rất là ngạc nhiên vì cứ tưởng Thủy là một dược sĩ thì phải làm cho một dược phòng lớn lao của Mỹ nào đó mà tại sao giờ đây đi làm nghề nail ở trong tiệm này? Thoạt đầu Diệu thấy Thủy rất là bối rối và thẹn thùng khi gặp lại Diệu tại đây, trong một hoàn cảnh éo le, nhưng sau đó thì Thủy cho biết sự thật là gia đình của Thủy được hưởng tiền trợ cấp của nhà nước vì họ được liệt kê trong hạng gia đình nghèo với đông con cái. Còn chuyện chồng của Thủy làm lớn trong nhà nước của Mỹ đó là chuyện họ nói đùa với nhau cho nghe hách dịch thế thôi, vì ăn được tiền trợ cấp của nhà nước cũng như là đã làm việc cho họ rồi, Thủy cắt nghĩa cho Diệu nghe như thế. Còn về việc trở thành dược sĩ, Thủy cũng biện minh cho rằng người Việt kiều nào về nước cũng phải nói cho thật nổ để thiên hạ nghe mà phục mình chứ ai mà về nước lại nói mình đi làm nail bao giờ. Diệu nghe thấy cũng có lý và tự nhủ chắc có lẽ một ngày nào đó mình sẽ nói như vậy thôi chứ không thì mấy đứa bạn trong xóm cười cho thúi đầu lên. Vả lại Diệu nghĩ nếu nói như thế thì đâu có mất mát gì đâu mà ngược lại người ta còn phục mình ra phết.
Suốt bốn năm chung sống với Nam, Diệu cảm thấy thương nhau thì rất ít mà gây gổ với nhau lại nhiều, nhất là hai năm trước đó khi Tina lấy chồng và đi ra ở riêng. Có nhiều lần Diệu đi làm về thì Nam hỏi: “Hôm nay em về trễ thế?” thì Diệu nghĩ là Nam đã có ý kiểm soát bước đi của nàng từng phút từng giây. Còn sau khi Diệu nói chuyện trên điện thoại với ai đó thì Nam hỏi: “em đang nói chuyện với ai mà vui thế?” thì nàng nghĩ rằng Nam đang kiểm soát cử chỉ của nàng từng ly từng tí. Hoặc là nhiều lúc Diệu đang ngồi thừ suy nghĩ mông lung thì Nam hỏi: “em đang suy nghĩ gì đó?” thì nàng lại nghĩ rằng Nam đang kiểm soát tư tưởng của nàng. Thường xuyên những câu hỏi như thế đưa đến sự cãi vã của hai người và sau đó thì Diệu lại kết án Nam là muốn chiếm đoạt cả tinh thần lẫn thể xác của nàng. Rồi cuối cùng Diệu đe dọa là sẽ ly dị nếu như Nam không từ bỏ những ý định ấy.
Sự bất đồng và gây gổ liên tục đã làm cho Diệu bực mình cho nên mỗi khi rảnh rỗi ngồi không ở trong tiệm nail, Diệu đều kể cho những người thợ làm chung hoặc là khách quen của nàng nghe. Khi kể xong, Diệu còn chê là Nam đã già và nàng cũng nói rằng “lấy phải thằng chồng già như thế thật là xấu hổ”. Trong số những người nghe chuyện này của Diệu có một người Mỹ tên là John, tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng lại là khách quen và rất sộp của Diệu. John có cảm tình với Diệu từ lâu. Nhiều lần khi nghe Diệu kể xong chuyện gia đình nàng thì ông ta mỉm cười rồi nói đùa với Diệu là:
“Cô ly dị chồng cô đi, tôi sẽ lo cho cô trọn cuộc đời này. Cô không phải đi làm gì cả.”
Lúc đó Diệu cũng đùa lại và hỏi rằng: “Có thật như thế không?”
“Thật chứ, tại sao ai để một người xinh đẹp như cô làm việc cực nhọc như thế này?”
Ông ta trả lời và trước khi ra về ông ta có để lại số điện thoại cho Diệu. Rồi sau đó ông thường đem quà đến tặng Diệu trong những dịp lễ.
Cuối cùng sau một trận xào xáo và chửi bới với Nam, Diệu thu xếp tất cả đồ đạc của mình rồi gọi điện thoại cho John tới để đưa nàng về sống chung. Chỉ vài tháng sau đó với sự hướng dẫn tận tình của John và luật sư của ông ta, Diệu đã ly dị Nam. Nàng đã hoàn toàn lấy lại sự tự do để đi theo bước đường mệnh phụ phu nhân của mình và đúng như lời chú Tư Thành nói trước đây Diệu không cần phải làm việc gì hết, chỉ nằm nhà mà hưởng.
--- oOo ---
Sau hơn sáu năm trời sống tại nước ngoài và một ngày vào đầu mùa xuân, Diệu đi cùng với John trở về thăm gia đình ở Việt Nam lần đầu tiên. Diệu rất là hãnh diện vì mình nay đã trở thành một Việt kiều và điều hãnh diện hơn thế nữa là đã trở về cùng với một ông chồng người Mỹ giàu có. Mỗi lúc đi ra hoặc đi vào trong xóm với John, lúc nào Diệu cũng sổ những tràng tiếng Anh líu lo líu lít, rồi một điều cũng “honey”, hai điều cũng “honey” với John. Có nhiều lúc những người quen cùng xóm tới hỏi thăm Diệu thì nàng trả lời bằng cái giọng lơ lớ mà nàng đã học ở Tina trước đó. Thậm chí có nhiều lúc nàng chỉ nhìn họ trân trân như là không hiểu họ nói gì nữa, sau đó Diệu chỉ lắc đầu làm như không còn nhớ tiếng Việt rồi chỉ ra dấu cho Trang thông dịch lại. Trang, lúc đó cũng đang học Anh ngữ để chuẩn bị lấy chồng Việt kiều, đành phải làm một thông dịch viên bất đắc dĩ cho chị của mình. Những câu đối đáp, thông dịch lại giữa Trang và Diệu đã làm cho những người trong xóm nhìn họ một cách khâm phục. Cũng vì thế làm cho Diệu hỉnh mũi lên một cách thích thú. Diệu thầm nghĩ giờ đây ta mới chính hiệu là một mệnh phụ phu nhân rồi.
Trong một ngày đẹp trời, Diệu cùng với John nắm tay nhau thơ thẩn đi trong xóm thì Diệu bất chợt nghe giọng nói của bà Thanh rổn rảng phát ra từ nhà của bà ta:
“Chị Sáu ơi, cái con Diệu vậy mà giỏi quá đi. Mới đi ra nước ngoài có mấy năm mà nó lấy được thằng chồng người Mỹ giàu có là giỏi lắm rồi đó. Đi đâu tụi nó cũng nói tiếng Mỹ như sấm như sét vậy, tôi phục nó quá đi. Tôi còn nghe nói dạo này nó quên hết tiếng Việt nữa đó nghe bà.”
Nghe nói như thế lỗ mũi của Diệu từ từ nở to ra. Trong lòng Diệu đắc ý và đầy sảng khoái. Mấy bà già này cũng biết đều lắm đó, biết trọng nàng như thế là tốt lắm rồi, Diệu nghĩ thầm trong bụng. Nàng làm một cái ghi chú nho nhỏ trong đầu là chiều nay sẽ kêu con Trang đem vài cục kẹo sô cô la qua tặng cho họ. Vừa nghĩ tới đó Diệu lại nghe giọng the thé của bà Sáu vang lên:
“Trời ơi, con Diệu quỷ này tệ quá xá rồi. Mấy năm trước, thằng chồng Việt kiều trẻ măng về cưới nó. Mà thằng đó coi cũng đẹp trai lắm chứ, nhưng không hiểu tại làm sao nó lại bỏ người ta đi? Tội nghiệp cho thằng đó hết sức vậy đó. Còn bây giờ lại dắt về một ông Mỹ già khằng khú đế, mình mẩy đầy lông lá, vậy mà nó cũng chịu được tui cũng không hiểu được nữa. Đồ con gái gì đâu mà lăng nhăng quá đi.”
Khi nghe tới đây Diệu cảm thấy đầu óc của mình nóng bừng bừng và tức cành hông lên được. Tại sao bà Sáu này dám cả gan nói xấu nàng như thế? Diệu muốn đi thẳng vào nhà của họ để chửi cho bà Sáu một trận tơi bời cho biết tay và cũng để cho những người trong xóm này đừng có nói xấu nàng nữa. Nhưng lúc đó nàng cũng suy nghĩ kịp thời là mình đang đóng vai chính trong một vở bi hài kịch: “người Việt kiều không còn nhớ tiếng Việt Nam nữa”. Nếu như mình không còn nhớ tiếng Việt thì làm sao mà biết họ nói xấu mình đây? Diệu thầm nghĩ.
Tối hôm đó, Diệu vùi đầu trong giấc ngủ đầy hậm hực và tức tối.
Jimmy V. Jim Dieu
10/26/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét