Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Thơ MẬT ĐẮNG - H Thanh Thủy sưu tầm và giới thiệu.



GIÁNG SINH VỚI NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ - Thiện Ý.


GIÁNG SINH VỚI NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ.     *Thiện Ý.
Thấm thoát mà đã 41 năm xa quê hương kể từ sau biến cố 30/4/1975, người Việt khắp nơi ở hải ngoại nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng, không phân biệt tôn giáo, đang chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh với các sinh hoạt, ý nghĩa và tâm tình khác nhau. Bởi vì, Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, đi vào truyền thống sinh hoạt văn hoá nhân loại, để trở thành dịp vui chung của mọi người trên Trái đất.
Thông thường hàng năm, vào tuần lễ thứ tư và cũng là tuần lễ cuối cùng của mùa Giáng sinh, các nhà thờ Công giáo Việt Nam tại thành phố Houston và các vùng phụ cận, thuộc giáo phận Galveston Houston, đều thiết kế những cây thông và hang đá trang hoàng đèn sao lấp lánh, vốn là những biểu tượng không thể thiếu trong mùa Giáng sinh. Đặc biệt tại thành phố Houston, bang Texas từ nhiều năm qua, năm này cũng thế, Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức đại Lễ Giáng sinh, tập trung hàng chục ngàn giáo dân tại George Brown Convention Center ở Downtown Houston. Đại Lễ Giáng sinh thường diễn ra từ 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12 do Đức Tổng Giám mục Giáo phận Galveston Houston chủ tế, cùng với các linh mục Việt - Mỹ trong giáo phận; với nhiều ca đoàn của các giáo xứ Việt Nam trong giáo phận trình diễn hợp xướng thánh ca để mừng Chúa ra đời. Sau đó là các nghi lễ đón mừng Giáng sinh được cử hành riêng tại mỗi giáo xứ. Đồng thời, các nhà thờ thuộc giáo hội Chính thống, Tin lành thuộc nhiều giáo phái khác nhau cũng cử hành các nghi thức riêng để đón mừng Giáng sinh.
Mặt khác, đối với mọi người không cùng tôn giáo, thuộc nhiều sắc dân khác nhau, không riêng gì người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ, hàng năm sau Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào cuối tháng 11, người ta bắt đầu chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh. Bầu không khí Giáng sinh bắt đầu lan toả khắp nơi, từ các công, tư sở đến các cửa hàng ở các trung tâm thương mại, các siêu thị, bắt đầu trang hoàng những hình ảnh, màu sắc biểu tượng Giáng sinh, như cây thông giăng mắc đèn mầu, hỏa châu lấp lánh, Ông già Noel bằng hình ảnh hay hình nộm hoặc người thật hoá trang sống động, với nhạc Giáng sinh réo rắt khắp nơi nơi.
Trong khi đó, các tư gia của người Việt tha hương, cũng trang trí cây thông Giáng sinh trong nhà và treo đèn kết hoa ra tận cửa, trước sân, trên mái nhà, với ánh đèn chớp sáng đủ màu. Một số gia đình, nhất là các tín đồ Kitô Giáo theo truyền thống Đông Phương như Việt Nam ta, thì vẫn giữ lại phần nào lối trang trí Giáng sinh truyền thống như những Giáng sinh năm nào ở quê nhà, với hang đá Bethlhem có máng cỏ bò lừa và hình tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ.
Đồng thời từ mấy tuần trước lễ Giáng sinh, người ta lo gửi thiệp chúc mừng đến thân nhân, bạn bè ở xa và mua quà tặng cho nhau. Vì vậy, đối với các nhà kinh doanh, đây là một trong những mùa gặt hái lợi nhuận lớn nhất trong năm. Tất nhiên, trái ngược lại, đối với giới tiêu thụ, thì đây lại là dịp phải tiêu tốn tiền bạc khá nhiều, theo tập quán và hấp lực của mùa “Big sale’’, để làm công việc mua sắm quà cáp.
Tựu chung, Giáng sinh đã trở thành ngày Lễ hội vui chung cho toàn thể nhân loại trên Trái đất. Bởi vì Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, để trở thành một truyền thống sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của nhân loại. Và vì vậy, mùa Giáng sinh, chính là thời gian mà mọi người đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Thơ TA VẪN CÒN TA *2016 - Huỳnh Văn Huê.


 
TA VẪN CÒN TA
( 12-12-2016 )


Vào giảng đường năm ấy
Mình cùng khóa mười hai
Năm hai không mười sáu
Mình lại về gặp nhau
    Thời gian đâu dừng lại
    Bốn mươi sáu năm qua
    Tóc nào không phai sắc
    Tình xưa chẳng đổi thay
Tàn vui mình tạm biệt
Hẹn lòng sẽ gặp nhau
Biết bao nhiêu cách biệt
Nhưng "Ta Vẫn Còn Ta"...

HUỲNH VĂN HUÊ (12 - 2016 )

Sưu tầm NHỮNG BỆNH... VÔ DUYÊN - Bs Đỗ Hồng Ngọc.


NHỮNG BỆNH... VÔDUYÊN!
 
BS Đỗ Hồng Ngọc

Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh.
Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên.
Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra(iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn mt phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364).
Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).
Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp...
Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...
Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay.
Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao?
Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh... vô duyên đáng tiếc.
Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ.
Báo Paris match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo...
Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp.
Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả!
Tây gọi những người sính xét nghiệm là"examinite".
Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over - investigation, "thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989).
Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ.
Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.
Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói!
Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn"(labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập..." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được!
Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh.
Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.
Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp
với sở thích và sức khỏe.
Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!

Thơ ĐÃ QUA MÙA THƯƠNG KHÓ - LTS .


Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Thơ CÁNH ĐỒNG CHIỀU - Tiến Nguyễn ( H Thanh Thủy sưu tầm và giới thiệu )


CÁNH ĐỒNG CHIỀU

Thơ : Tiến Nguyễn
Viết ngày : 9.12.2015

Chiều nhạt nắng gió đông về se lạnh
Sương đong đưa lấp lánh bóng hoàng hôn
Nắng chiều rơi còi mục tử thúc dồn
Trâu trở lại xóm thôn qua ngõ vắng.

Ánh trăng lên khi trời vừa tắt nắng
Phía xa xa văng vẳng tiếng gà chiều
Mục đồng ngân trầm bổng khúc sầu tiêu
Trên đồng lúa cánh diều bay lả lướt

Dưới chân đê đoàn người đi lũ lượt
Quay trở về chân cất bước vội vàng
Bóng chiều rơi lẩn khuất dưới sương tan
Đàn cò trắng bay ngang trong nắng muộn

Trăng nhô nhấp khi màn đêm buông xuống
Cảnh chiều tà thắm nhuộm bóng xa xa
Đường quanh co lối nhỏ bước về nhà
Vài thôn nữ ngân nga trong tiếng hát

Chiều đồng quê lúa vàng thơm bát ngát
Trĩu trên cành nặng hạt một niềm vui
Trở về thôn rộn rã bao tiếng cười
Niềm hạnh phúc vui tươi trong lúa mới ./.


Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Truyện SÔNG DÀI - Hồ Đình Nghiêm ( DH sưu tầm và giới thiệu )




Tản văn KHO BÁU CỦA... - LPQ.


KHO BÁU CỦA TRÒ CHƠI LỚN HƯỚNG ĐẠO VÀ KHO BÁU CỦA CUỘC CHƠI LỚN NGOÀI ĐỜI

Các em Tráng sinh thân yêu!
Đêm nay, bên lửa dặm đường cuối năm, anh sẽ kể cho các em về một kỷ niệm và chia sẻ suy nghiệm theo dấu chìm trôi của cuộc đời.
Năm 1969, trong một kỳ trại liên Đạo, trò chơi lớn "Tìm Kho Báu" bắt đầu sau khi tàn lửa. Anh dẫn đội vượt qua các trạm thử thách tìm đến đích là mật thư dấu dưới một bếp lửa tàn. Giãi mật thư ra nội dung: "Kho báu nằm trong túi Trại trưởng, mật khẩu là lời hứa thứ hai". Thế là toàn đội chạy hơn cây số đến một cái đình, Trại trưởng khoác áo lửa đang đứng chống gậy. Chào! Anh đọc mật khẩu là lời hứa thứ hai:
..."Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào"
Trại trưởng móc từ túi áo lửa trao cho anh "Kho báu"  là lá cờ Trại có đủ chữ ký của các huynh trưởng và căn dặn:
..."Kho báu cuộc đời là lời hứa thứ hai của Hướng đạo"
Anh kể thêm một chuyện đáng nhớ nữa. Một lần phỏng vấn bà chủ quán Bún bò Huế về bí quyết quán nổi tiếng ngon chất và đã tồn tại hơn 50 năm, bà nói: "Bí quyết của mệ nằm trong túi của khách hàng". 

Các tráng sinh thân mến, nhiều em hôm nay đã và đang bước vào đời. Có em đang khởi nghiệp, có em đang từng bước chinh phục khó khăn, thử thách của cuộc sống... Kho báu mà các em đang đi tìm là nằm trong túi của người đời!

Khi nghĩ về những chặng đường qua, anh nhớ lời của bà mệ chủ quán, làm ăn chân chính bằng nổ lực lao động của mình, khách hàng sẽ vui vẻ móc túi cho ta kho báu sống. Anh cũng nhớ lời dặn của anh Trại trưởng, khi tìm ra kho báu rồi thì phải nhớ khẩu quyết của một hướng đạo sinh đó là lời hứa thứ hai "Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào".
Năm tháng sẽ qua đi theo chìm trôi của mỗi đời người. Khi tự suy gẫm lại cuộc đời anh càng không bao giờ quên những kỷ niệm đó như bàng bạc lời một bài thánh ca:
..."Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.."
Hay câu kinh kệ nhắc ta hàng ngày:
..."Cho đi là hạnh phúc, nhận lại là niềm vui"

Lửa dặm đường cũng đã tàn, anh chúc các em có một đêm ngon giấc, và mỗi một người sẽ tìm ra KHO BÁU của chính mình...

Sóc Điềm Đạm (1973)

P/s: Dẫu biết Hướng đạo là trò chơi của trẻ em, là công cuộc giáo dục của người lớn. Nhưng mỗi HĐS còn là một nhân tố của xã hội, hành trang ĐỜI của chúng ta là CHO và NHẬN. Nên giúp ích được gì cho tha nhân, phụng sự được gì cho xã hội thì chúng ta đã giữ LỜI HỨA CỦA HƯỚNG ĐẠO.
Xin sẻ chia, đồng hành với các Trưởng đã và đang thực hiện các dự án giúp ích xã hội.

LPQ ( 12/2016 )

Thơ XIN TRẢ LẠI ANH - Đỗ Mỹ Loan.

Thơ DÃ QUỲ - Xuân Duyên.



Thơ THƯƠNG ... NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐAU - NQVu ( H Thanh Thủy sưu tầm và giới thiệu )


THƯƠNG . . . NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐAU 

Thương ... người đàn bà đau
Gối lệ nhòa đêm trắng
Đong đếm những nhọc nhằn
Chắt chiu từng sầu muộn

Thương ... người đàn bà đau
Gom ... nỗi đời cay đắng
Gom ... nỗi niềm vãi vương
Giấu ... tâm can chấp chới

Thương ... người đàn bà đau
Vẫn nụ cười tươi mới
Đón mỗi bình minh sang
Tin yêu ... tự vỗ về !

Thương ... người đàn bà đau
Tìm sâu nơi đáy mắt 
Giông bão vừa đi qua
Thấy gì chăng , tàn tích ? !

Thương ... người đàn bà đau
Trải một đời giông tố
Còn chút gì ... kiêu sa 
Còn chút gì ... hương say ? !

Thương ... 
Người
Đàn bà
Đau ... !

                    NQVu 23/11/16

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Thơ PHÚC ÂM CHO MỘT MÙA ĐÔNG - Hà Thu Thủy.

PHÚC ÂM CHO MỘT MÙA ĐÔNG
phuc_am_buon-content
Nghiêng vai xỏa tóc buồn
Mây đùn trên tháp chuông
Mắt ngước lên vời vợi
Nương theo gió đi tìm .
Nắng ngoan hiền nở nụ
Trên dòng tóc âm u
Em gọi lên thật khẽ
Mà dư âm thiên thu.
Tay đan làn cỏ mượt
Ru nhỏ khúc chiều thương
Cỏ hồn nhiên khép mắt
Yên ổn giấc bình thường
Cát ơi! Hoàng hôn tím
Sao cứ mãi im lìm
Biết không mùa đông tới
Em bồi hồi đầy tim .
Sao phương nào tụ lại
Theo gió ngàn lung lay
Ngọn đông phong tê tái
Chiếc lá cuối cùng bay.
 HÀ THU THỦY