Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Thơ : THUYỀN TRĂNG - Hoàng Ánh Nguyệt

THUYỀN TRĂNG 
bienhoas3
Bên sông êm đềm
Một người lẳng lặng
Chờ ánh trăng lên
Thấy vì sao lạc
Bay qua màn đêm
Kìa con thuyền trăng
Lơ lửng giữa trời 
Tỏa ánh sáng ngời
Trời khuya thăm thẳm
Ánh trăng vàng nhạt
Từng cụm mây bạc
Lấp lánh ngàn sao
Trời đất bao la
Dòng sông yên vắng
Thương bóng con thuyền 
Chìm dưới lòng sông
Suy nghĩ vẩn vơ
Nhìn trăng mãi miết
Bầu trời xanh biếc
Lồng bóng gương trong
Vầng trăng sắp tàn
Bình minh sắp đến
Nỗi niềm lưu luyến
Thương nhớ về trăng
Lòng những bâng khuâng
Yêu trăng tha thiết
Buồn ơi da diết
Mơ mãi trăng về. 

Hoàng Ánh Nguyệt(SJ, 04.2019) (ngo-quyen.org)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Chuyện phương xa : LỜI HỨA - St trên mạng.

Tản mạn : CHIM HẢI ÂU - Nguyễn Thế Việt.




Chim hải âu. 

Ngày xa xưa, có quen một bạn thủy thủ, anh ấy kể chuyện về những đàn chim hải âu bay lượn dzỡn sóng giữa đại dương mênh mông. 
Tôi mường tượng cảnh biển rộng bao la,nhũng con sóng nhấp nhô và đàn hải âu vui đùa trên ngọn sóng,trong lòng cảm nhận một khung trời tự do bao la. . .bỗng nhiên ,tôi hỏi :"các anh có bắt làm thịt không? "
Giọng bạn tôi chùng xuống :"chúng tôi tin ,hải âu là linh hồn những người thủy thủ đã chết trong những chuyến hải hành, họ được thủy táng và hóa kiếp thành chim hải âu bay lượn khắp đại dương. 
Câu chuyện bi thương đầy ắp tính nhân văn ấy, ăn sâu trong tiềm thức.

Mùa này, cứ vào khoảng tháng 3, tháng 4, đàn hải âu từ khơi xa,trở về cửa sông Rạch giá,chúng bay lượn, kiếm mồi trên sóng nước (có lẽ mùa này,ở cửa sông có nhiều mồi ưa thích của chúng) và người ta đã lợi dụng cơ hội này,ném mồi cho chim và quay phim chụp hình. 
Các bạn muốn trải nghiệm hình ảnh đàn chim hải âu như clip dưới đây, hãy đến caphe Cánh buồm,tp Rạch giá vào khoảng 8 giờ 9 giờ sáng nhé. 
Và đừng bao giờ có tư tưởng "thử xem thịt loài chim này ngon không? "nhé.

NGUYỄN THẾ VIỆT. 

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Truyện cười : NGHỀ KHÓC MƯỚN - Võ Tòng Đánh Mèo.

Nghề khóc mướn
Tôi nhớ hồi nhỏ, gần nhà tôi có một chị làm nghề khóc mướn. Chị khóc rất hay và thảm thiết, nhất là khi tiếng khóc của chị được ban nhạc đám ma đệm cho, và được khuếch đại qua cái loa đặt trên mái nhà, thì sẽ bay rất cao, vang rất xa, truyền tải được cái không khí tang tóc đi cả thôn, cả xã, mang được cái bi thảm, thê lương đến từng ngõ, từng nhà… Dù cả làng hôm đó chỉ có một cái đám ma, nhưng nếu mời được chị tới khóc, thì sẽ có cảm tưởng rằng cả làng nhà nào cũng có đám!
Tôi dùng cụm từ “nếu mời được” là bởi việc mời chị tới khóc không phải chuyện dễ. Gặp hôm chị bị ốm, bị cảm, bị nghẹt mũi thì dù có trả cát-sê cao bao nhiêu chị cũng không tới. Chị bảo bị ốm thì cột hơi sẽ yếu, khiến cho âm vực không khỏe, tiếng khóc khó vang xa; còn khi nghẹt mũi thì tiếng khóc nghe sẽ rất bí bức, ngột ngạt, làm cho người nghe khó cảm nhận được thông điệp mà chị muốn truyền tải qua lời than tiếng khóc. Tóm lại, chị sẽ không vì tiền mà hủy hoại đi danh tiếng mà chị đã dày công gây dựng.
Nếu chị không ốm cũng không có nghĩa là sẽ chắc chắn mời được chị, bởi chị có một nguyên tắc: không đi làm trong những ngày kinh nguyệt. Thực ra, với người bình thường thì cái nguyên tắc này cũng không phải vấn đề gì lớn lắm, một tháng chỉ vài ba ngày là xong, nhưng chị thì khác, chị mắc chứng rối loạn kinh nguyệt, một tháng có khi chị bị vài lần, một lần có khi bị vài tháng. Bởi vậy, nhà nào có đám, ngoài việc cầu cho linh hồn người chết được yên nghỉ dưới suối vàng, thì còn phải cầu luôn cho chị không dính ngày đèn đỏ.
Tưởng nghề của chị dễ kiếm ăn, nhiều đứa hám tiền cũng lao vào đòi cạnh tranh với chị. Nhưng vào rồi mới thấy cái nghề khóc thuê không hề đơn giản. Bởi giọng chúng nó yếu, xử lý kém, khóc không đúng kèn, khóc chênh, khóc phô. Có đứa đang khóc bị gia đình tang chủ ném nải chuối vào đầu, chỉ thẳng tay vào mặt, chửi: “Cút ngay! Khóc như mày thì thà tao gọi người nhà tao ra khóc còn hay hơn!”.
nghe khoc muon
Bởi thế, nghề khóc mướn ở làng tôi thời ấy không ai qua được chị. Vào những hôm tốt ngày, nhiều đám ma (cũng giống như các đôi vợ chồng hay chọn ngày tốt để làm đám cưới thì người làng tôi cũng hay chọn ngày tốt để làm đám ma) thì việc chị phải chạy sô là chuyện bình thường. Chị khóc xong đám này, lệ chưa kịp khô, đã vội vàng chạy sô sang đám khác. Vào những đợt cao điểm của mùa đám, gia đình tang chủ muốn được chị tới khóc, thường phải đặt lịch trước từ nửa tháng.
Nhưng rồi một ngày, chị bị cả làng la ó, tẩy chay vì khóc nhép. Hóa ra, chị đã cấu kết với ban nhạc, ghi âm bài khóc của chị vào một băng cát-sét rồi đến nhà đám cứ thế mở ra. Chị chỉ việc vật vã, trợn mắt, đớp đớp mồm, còn mọi việc khác đã có ban nhạc lo. Gia đình tang chủ phát hiện, ném nải chuối vào mặt chị, chị cong đít chạy, nhưng không phải chạy sô, mà là chạy thoát thân. Chị chạy mất tiêu rồi mà tiếng khóc của chị vẫn vang lên trong loa: sầu não, ỉ ôi…
Sau đó, gặp chị, tôi hỏi: “Hóa ra, trước giờ chị toàn khóc nhép à?”. Chị bảo: “Tùy đám! Đám nào trả nhiều tiền, hoặc nhà có uy quyền, được nhiều người quan tâm, chú ý thì chị khóc thật, còn không thì…”. Tôi nghe thế liền tức thì phản ứng: “Vậy đâu có công bằng? Đều là người chết cả, ở đâu cũng phải được quan tâm thương khóc giống nhau chứ?”. Chị cười, rồi bình thản trả lời: “Ai bảo với em rằng người chết thì ở đâu cũng được quan tâm giống nhau? Một người chết ở trong rừng và một người chết ở Hồ Gươm, ai được quan tâm hơn? Một cụ già chết vì tuổi cao sức yếu và một cô gái trẻ chết vì bị hiếp dâm cắt cổ, ai được quan tâm hơn? Kẻ nào thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận, kẻ đó sẽ được tạo điều kiện để được quan tâm, thương xót nhiều hơn em ạ! Thay vì ngồi đó than vãn, đòi hỏi sự công bằng – thứ đang trở nên vô cùng mơ hồ và xa xỉ trong xã hội bây giờ – thì sao em không đứng dậy và làm gì đó có ý nghĩa hơn? Để sau này, khi em chết đi, biết đâu sẽ có nhiều người hơn quan tâm, thương khóc em hơn?”.
Câu nói của chị với tôi từ dạo ấy, cho tới mấy hôm nay, tôi thấy vẫn không sai!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Vui cười : CHỈ VÌ MỘT... CÂY TĂM ! - St trên mạng.





CHỈ VÌ MỘT... CÂY TĂM !

- Con đã gần 40 rồi đấy, lấy vợ đi kẻo sau này ăn cơm xong, muốn xỉa răng cũng không có người lấy tăm cho đâu!

40 năm sau, chàng trai ngày ấy, nay đã thành ông già 80 tuổi, nằm ôm đầu, bông nhét chặt hai lỗ tai. Xung quanh, lũ cháu mở nhạc ầm ĩ, nhảy nhót nô đùa đá bóng ở phòng ngoài. Ông thầm than thở:

- Ôi! Chỉ vì một cái tăm mà thân ta khốn khổ thế này đây!

SƯU TẦM TRÊN MẠNG. 

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

Vui cười : THƯ GIÃN CHÚT NHE - St trên mạng.


Thơ : MỘT KHÚC TÌNH CA - Văn Châu.



          ( Hình của MCHX blog )

MỘT KHÚC TÌNH CA

Hãy nắm tay anh thật chặt- đi em!
Ta sẽ dắt nhau về đồi cao lộng gió
Nơi ấy…hoa bốn mùa mãi nở
Cỏ mãi xanh, nắng mãi hanh vàng.

Ta sẽ về tận sông suối mênh mang
Tắm gội bớt bao nhọc nhằn, lam lũ
Đàn bướm trắng, chuồn chuồn- Vô tư lự
Em tha hồ mà đùa giỡn; tung tăng.

Mình sẽ gối đầu trên bãi cỏ xanh
Để mơ về những giấc mơ thật đẹp
Hãy để gió hát những lời tha thiết
Khúc ru tình, ta chưa kịp ru nhau.

Mộng vẫn uyên nguyên như thuở ban đầu
Lòng xao xuyến mỗi buổi chiều tan học
Hái vội nhành hoa cài trên mái tóc
Mong mãi còn thơm ngát đến xưa sau...

Ta hãy nhìn vào tận đáy mắt sâu
Im lặng. Để biết thế nào là hạnh phúc!
Em hãy tựa vào vai anh, nghe lồng ngực
thử xem còn ấm nóng, mặn nồng chăng?!
...
- Hỏi chút nè: Còn muốn gối tay anh?

Văn Châu (2016)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Thơ : BÓNG CHIỀU XA - Thạch Thảo.


BÓNG CHIỀU XA

Thôi về gói ghém tình thu lại
Để nhớ thương mong... có những chiều
Khói tỏa chòi tranh bên bếp lửa
Điệu ru nào ấm khoảng trời yêu.

Từ ấy mùa xưa thành cổ tích
Gió giận mưa hờn trăng lẻ loi
Rưng rức sầu riêng cay khóe mắt
Khuya đêm nghe gió khóc không lời .

Ta trách người đi hay trách ta ?
Sao mưa tí tách cứ rơi nhòa ?
Có hay Hạ cũ còn thao thức ?
Thút thít buồn chi ánh nguyệt tà?

Thôi về gói lại hương thầm cũ
Mong bước người đi thơm cỏ hoa.
Chôn kín tình thu sầu huyệt lạnh
Nhớ hờ thương hảo bóng chiều xa.

      Thạch Thảo NTTT

 Masteri Thảo Điền ngày 20-3-019

Thơ : TỰ TRÀO ĐẦU NĂM - H.V.H




TỰ TRÀO ĐẦU NĂM (2019)

Trái đất vẫn vần xoay 
Con người đành... chấp nhận! 
Thời gian đã trôi qua 
Thì không thể quay về! 

Hôm nay ngồi nhìn lại
Sinh nhật sáu bảy (*) rồi 
Âm lịch là... "lộc phát" (**)
Mình đã "phát" đó sao ?

Con cái đã trưởng thành 
Đủ ăn và đủ ở
Cháu nội ngoại mấy... "bầy"
"Lộc phát" đó chứ đâu! 😄

H.V.H (17-3-2019)
_______________
Ghi chú:
(*) 67 tuổi dương lịch 
(**) 68 tuổi âm lịch

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Câu chuyện nước ngoài: TÌM MUA THƯỢNG ĐẾ - Sưu tầm.





TÌM MUA THƯỢNG ĐẾ 

- Chú ơi, ở đây có bán Thượng Đế không?
Người chủ cửa hàng trợn mắt quát:
- Đi chỗ khác chơi, con nít quỷ…

Cậu bé Bonnie trạc 5, 6 tuổi, đi khắp các cửa hàng để tìm mua Thượng Đế trong nhiều tiếng đồng hồ, nhưng đều bị những người lớn quát mắng và đuổi đi…
Đến một cửa hàng thứ 29, cậu bé cũng hỏi người bán hàng câu hỏi đó. Lần này Bonnie được ông chủ 60 tuổi, gương mặt hiền lành, ân cần lắng nghe và hỏi han:
- Con muốn mua Thượng Đế thiệt sao? Nhưng nói cho ông biết là con mua để làm gì?
Cậu bé chảy nước mắt, trả lời:
- Dạ, Chú Rupp của con bị tai nạn, đang hôn mê sắp chết trong bệnh viện, mà bác sỹ nói “Chỉ có Thượng Đế mới có thể cứu được chú”, nên… con đi tìm mua Thượng Đế về để cứu chú của con.
- Ba mẹ con đâu? Ông lão chau mày hỏi.
- Dạ, ba mẹ con chết hết rồi, con chỉ có chú Rupp thôi.
Người đàn ông dừng lại trong cảm xúc và hiểu vấn đề, ông chùn lòng suy tư… rồi hỏi tiếp:
- Con sẽ mua Thượng Đế bằng cái gì?
- Dạ, con chỉ có 1 đô la thôi… Bonnie thút thít, lo sợ.
Ông chủ gật gù, suy nghĩ chút rồi ông cầm lấy 1 đô la của cậu bé đi vào trong. 
Chút sau ông bước trở ra với một lọ nước trên tay có dán dòng chữ “Nụ hôn của Thượng Đế” và đưa cho Bonnie.
- May mắn là giá của Thượng Đế cũng chỉ có 1 đô la. Con mang chai nước này về cho chú uống. Ông hy vọng chú Rupp của con sớm hết bịnh.
- Dạ, con cám ơn ông.
Thằng bé cầm chai nước chạy nhanh ra khỏi cửa tiệm. Ông chủ nhìn theo, đôi mắt ông đỏ hoe…

Bonnie chạy nhanh vô phòng bệnh của bệnh viện, mừng rỡ nói:
- Chú Rupp ơi con mang Thượng Đế về cho chú nè…

Mấy ngày sau, một nhóm bác sỹ chuyên khoa trình độ cao đã đến bệnh viện. Họ đã sử dụng kỹ thuật tiên tiến nhất để điều trị cho chú Rupp…
Sau nhiều tuần điều trị, điều kỳ diệu đã xãy ra. Chú Rupp của Bonnie đã hồi phục hoàn toàn… Khi biết được tổng số tiền viện phí trên hóa đơn, chú Rupp gần như ngất xỉu… Nhưng phía bệnh viện đã nói với chú rằng:
- Anh đừng lo vì đã có một người đến thanh toán tất cả viện phí cho anh rồi. Ông ấy là một tỷ phú về hưu và mở cửa hàng tạp hóa bán cho vui qua ngày… Nhóm chuyên gia y học cũng do ông bỏ ra một số tiền lớn tiền để thuê đến đây trị bịnh cho anh đó…
Chú Rupp cảm động rơi nước mắt…

Bonnie dẫn chú Rupp đến gặp người đàn ông để tạ ơn thì biết ông đã đóng cửa tiệm và đi xa…

Thời gian sau, chú Rupp nhận được một lá thư ở nước ngoài gửi về từ người ân nhân đó…
“Anh Rupp, anh thật may mắn có đứa cháu trai Bonnie. Vì muốn cứu anh, cháu đã cầm 1 đô la đi khắp nơi để tìm mua Thượng Đế… Anh hãy cám ơn Thựng Đế, vì chính Thượng Đế đã cứu tính mạng của anh…
Đọc xong, chú Rupp cúi mặt khóc, những giọt nước mắt như thay lời cảm tạ… 

Nhiều năm sau, cậu bé Bonnie lớn lên và trở thành bác sỹ. 
Nhớ về câu chuyện năm xưa, Bonnie quyết tâm sống đẹp và giúp tất cả mọi người với những gì anh có thể cũng để thay lời tạ ơn đến Thương Đế và người ân nhân đó, người đã gieo vào lòng anh một đức tin về cái tốt, cái đẹp, đức tin vào Thượng Đế…

Tình yêu và lòng bao dung của Thượng Đế hiện diện trong lòng người là chân lý vĩnh hằng..

( Sưu tầm từ FB VƯƠNG QUANG HÙNG)

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

Sưu tầm : GIA ĐÌNH LÀ GÌ ? - NĐC st và giới thiệu.






        ( Hình ảnh của MCHX blog :               Cháu nội dễ thương !... )

GIA ĐÌNH LÀ GÌ ?
Người Mỹ đã dùng danh từ FAMILY trong khi người Việt chúng ta gọi là
GIA ĐÌNH. Mời bạn đọc một mẫu chuyện dưới đây để tìm hiểu giá trị của
Family như thế nào nhé. FAMILY là gì?

Tôi va phải một người lạ trên phố khi người này đi qua. “Ồ xin lỗi”, tôi nói.

Người kia trả lời: “Cũng xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn cô”.
Chúng tôi rất lịch sự với nhau.

Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác. Tối nọ, lúc tôi đang nấu bếp thì
cậu con trai đến đứng sau lưng. Tôi quay người và đụng vào thằng bé
làm nó ngã chúi xuống sàn nhà.”Tránh ra chỗ khác”- tôi cau mày nói.
Con trai tôi bước đi, trái tim bé nhỏ của nó vỡ tan. Tôi đã không nhận
ra là mình đã quá nóng nảy

Khi đã lên giường, tôi nghe một giọng nói thì thầm: “Khi đối xử với
người lạ con rất lịch sự, nhưng với con mình con đã không làm như vậy.
Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa. Đó là
những bông hoa mà con trai con đã mang đến cho con. Tự nó hái lấy
những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh. Nó đã yên
lặng đứng đó để mang lại cho con điều ngạc nhiên, còn con thì không
bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của
nó”.

Lúc này thì tôi bật khóc. Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quì
xuống: “Dậy đi, con trai bé nhỏ, dậy đi. Có phải những bông hoa này
con hái cho mẹ không?”. Thằng bé mỉm cười: “Con tìm thấy chúng ở trên
cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm,
đặc biệt là bông hoa màu xanh”.

Thế bạn có biết từ family có nghĩa là gì không?

FAMILY = Father And Mother, I Love You

Bạn có cảm động không khi đọc xong mẫu chuyện nói trên? Chắc hẵn là
phải có rồi. Tôi nghĩ thế! Mời bạn đọc thêm một câu chuyện có thật khá
cảm động khác dưới đây:

Một người đàn ông, trong lúc đang chùi cho láng chiếc xe hơi của anh
ta, đứa con trai 4 tuổi của anh ta nhặt một hòn đá và rạch vào bên
hông xe.Trong cơn tức giận, anh ta chụp lấy tay đứa con trai và đánh
vào tay nó nhiều lần mà không nhận ra rằng anh ta đang đánh bằng cái
mỏ lết

Tại bệnh viện, đứa bé mất hết các ngón tay vì xương thịt dập nát. Khi
đứa trẻ thấy bố nó… Với đôi mắt đau buồn, nó hỏi: “Bố ơi các ngón tay
con đâu rồi?”. Anh ta rất đau lòng, không nói nên lời và trở lại bên
xe, đá vào chiếc xe nhiều lần.

Suy sụp bởi hành động vô ý thức của mình…., ngồi trước chiếc xe hơi,
anh ta nhìn vào vết xước trên hông xe….. thằng bé đã viết: “Con Yêu
Bố, bố ơi!”. Ngày hôm sau, người đàn ông tự tử…

Giận dữ và yêu thương không có giới hạn, hãy chọn YÊU THƯƠNG để có một
cuộc sống xinh tươi và đẹp đẽ. Đồ vật sinh ra là để SỬ DỤNG và con
người sinh ra là để YÊU THƯƠNG…. Vấn nạn của thế giới hôm nay lại là….
Con người bị SỬ DỤNG còn đồ vật thì được YÊU THƯƠNG !!!

SƯU TẦM .

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

Tùy bút : NHÀ VĂN DƯƠNG HÀ... - Nguyễn Thị Hàm Anh.




Nhà văn Dương Hà và Bên Dòng Sông Trẹm. Tuỳ bút Nguyễn Thị Hàm Anh





Lời giới thiệu: Nhà văn, nhà báo Dương Hà vừa qua đời vào hôm thứ Hai 20.8.2018 tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi. Tên thật Dương Văn Chánh, sinh ngày 25-2-1934 tại Bạc Liêu và sống ở Sài Gòn. Ông là một nhà báo, nhà văn nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975, từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn và là tác giả của gần 60 tác phẩm, trong đó cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” được nhắc đến nhiều nhất. Bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Thị Hàm Anh viết cách đây vài năm và xin đăng lại để tưởng nhớ một trong những nhà văn hóa có tiếng ở Miền Nam trước 1975.
(Việt Luận – The Vietnamese Herald)
(Chân dung nhà văn Dương Hà)
Tôi qua phà Thủ Thiêm. Nhìn sông Saigon rộng lớn vỗ sóng bên mạn phà, tôi liên tưởng đến tên một con sông của cuốn truyện vừa mới xem. Sông Trèm Trẹm ở Cà Mau chia vùng U Minh thành hai miền U Minh Thượng và U Minh Hạ. Dòng sông chảy qua huyện An Minh (Kiên Giang) và Thới Bình (Cà Mau) đã trở thành nổi tiếng khi nó được đặt tựa cho một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Dương Hà: Bên Dòng Sông Trẹm.
Tôi đang trên đường đến thăm nhà văn. Trước kia ông ở đường Cao Thắng- quận 3, nay dọn về Thủ Thiêm- quận 2 ở cùng với một người con gái. Con đi làm suốt ngày. Thủ Thiêm còn vắng vẻ, ít hàng quán, chợ búa nên thỉnh thoảng ông phải vào nội thành mua thức ăn về dự trữ. Một mình trong căn nhà rộng rãi, buồn quá nên ông ra quán nước gần đó. Điểm tâm xong, với ly bia trước mặt, ông thường ngồi đấy luôn từ sáng đến chiều tối mới về. Ngày nào cũng đều đặn, giống nhau như vậy.
Mặc dù bữa rượu hôm trước còn ngầy ngật nhưng ông vẫn nhất định kéo mọi người ra ngoài. Ông cười nói: Ngồi quán mới khí thế…
Nhà văn Dương Hà tên thật Dương Văn Chánh, sinh năm 1934 tại Bạc Liêu, đáng lẽ học ở Cần Thơ, ông bỏ quê lên Saigon sống. Ông là bạn đồng môn với nhà văn Ngọc Linh, Hoàng Hải Thủy, Phượng Hải ở trường Tân Thanh. Lúc bấy giờ Tân Thanh có hai chi nhánh. Một trường nằm trên đường Phạm Hồng Thái do kỹ sư Phan Út làm hiệu trưởng, trường kia nằm ở cư xá Đô Thành do ông Thái Sanh Khương đứng đầu nơi nhà thơ Trần Tuấn Kiệt theo học.
Ở thành phố một thời gian ngắn, ông bắt đầu thử sức vào nghiệp văn rất sớm. Từ năm mới mười mấy tuổi, ông đã gửi truyện ngắn cho báo Tin Điển của Nguyễn Dân.
Sau đó vào năm 1952, ông làm thư ký toà soạn cho tờ Mạch Sống, Nhân Loại. Rồi chuyển qua thử viết phóng sự gửi cho tờ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc.
Khoảng 53, 54, ông chuyển qua cộng tác với Saigon Mới. Bắt đầu công việc của một phóng viên quèn, ông chạy lui tới bệnh viện, tòa án, cò bót… để lượm lặt đủ loại tin cung cấp cho mục Từ Thành Ra Tỉnh. Tuy nhiên bà Bút Trà rất biết nhìn người, sau này bà không giao cho ông chạy phóng sự nữa mà chỉ chuyên viết tiểu thuyết hàng ngày thôi. Ông rất hợp với cái “e” của bà Bút Trà. Dần dần, giã từ luôn công việc phóng viên chuyên đi lấy tin vặt, nhà văn Dương Hà chỉ chuyên tâm vào lãnh vực tiểu thuyết. Mọi việc trở nên dễ dàng với ông. Khoảng 1955, 57, cùng lúc làm các phụ trang Điện Ảnh, Tân Nhạc, Kịch Trường, Sân Khấu…, ông viết feuilleton đầu tiên cho báo Saigon Mới, sau đó cùng lúc viết cho các tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ…
Truyện hàng ngày hấp dẫn, phù hợp với độc giả phụ nữ của báo. Loại tiểu thuyết này lôi kéo lượng độc giả tăng hẳn lên, nhờ thế báo bán rất chạy. Ông bắt đầu nổi tiếng nhà văn viết feuilleton ăn khách. Cứ vừa đăng hết truyện trên báo là ông cho ra sách ngay. Truyện đã lôi cuốn trên nhật báo nên khi in thành sách tiêu thụ rất nhanh. Những cuốn này về sau đều được tái bản nhiều lần.
Làm phóng viên phải chạy lấy tin nhưng viết tiểu thuyết chỉ cần nằm nhà. Ông thuê phòng ở khách sạn Đại Nam, ngồi viết miệt mài suốt ngày. Đến giờ, thợ sắp chữ các báo đến tận khách sạn lấy bản thảo của ông.
Sau thời kỳ Hồ Biểu Chánh là Lê Minh Hoàng Thái Sơn… Ngọc Sơn rồi đến giai đoạn tung hoành của thể loại tiểu thuyết tình cảm tâm lý xã hội feuilleton mà tiêu biểu là nhà văn Dương Hà, Trọng Nguyên, bà Tùng Long, bà Lan Phương…
Với giọng văn rặt Nam bộ, tiểu thuyết của ông rất được ưa thích. Ông lồng những câu chuyện tình yêu muôn đời vào bối cảnh thực tế. Khung cảnh, địa danh trong truyện đều có thật, ai cũng biết. Đó là màu đỏ quạch đặc biệt của nước sông Trèm Trẹm vào mùa mưa, hàng dừa nước ven kênh rạch, chiếc tam bản thương hồ ngược xuôi trên kinh Xã Thoàn, kinh Phó Sinh… Ngoài ra còn cảnh giã gạo, xay lúa, chèo thuyền… là những sinh hoạt ngày thường quen thuộc.
Vì thế khi đọc truyện, độc giả cảm thấy do địa danh có thực, trong bối cảnh với tình tiết thật mà ai nấy từng nghe đến, đi qua, thậm chí ở ngay đó. Những ngang trái, éo le, vì thế trở nên gần gũi, đời thường hơn. Câu truyện hư cấu dường như cũng biến thành chuyện thật xảy ra quanh quất. Tới nỗi ngay cả độc giả cũng có người tin nó từng xảy ra ở địa phương của mình.
Theo như cách viết tiểu thuyết bấy giờ, giống như Hồ Biểu Chánh, Lê văn Trương… nội dung truyện Dương Hà bao giờ cũng là những mối tình trắc trở, trong chiến tranh ác liệt, đạo lý cổ xưa vẫn được giữ gìn. Kẻ ác bị đền tội, người hiền lành nếu không nhận một kết cục có hậu thì đổi lại cũng được sự thông cảm, yêu mến của độc giả do nhân nghĩa luôn được đề cao.
Khi ấy thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết Dương Hà. Lúc đó, ông kết bạn thân với Hoàng Hải Thủy, Thanh Nam, Hoàng Anh Tuấn… Chủ nghĩa hiện sinh chỉ sau này mới xuất hiện với các nhân vật nổi loạn nằm trong một dòng văn học mới mẻ mang tên một loạt các tác giả mới.
Tác phẩm đầu tiên ra đời của ông là tập truyện ngắn có tên Bên Song Cửa. Sau này ông in sách ồ ạt. Tổng số đầu sách có đến năm, sáu chục quyển: Anh Ơi Đừng Yêu Em, Đứa Con Rơi, Em Vẫn Chờ Đợi Anh… Theo thời gian, sách bị mất, thất lạc, bị đốt cháy… nay chỉ còn sót giữ được độ bốn, năm quyển. May mắn trong đó có Bên Dòng Sông Trẹm.
Thật ra, đây không phải là cuốn tiểu thuyết ông thích nhất nhưng lại được độc giả ưa chuộng nhất. Khi nhắc đến tên Dương Hà là phải nhắc đến tác phẩm này. Đến nỗi rất nhiều người biết tiếng cuốn truyện dù chưa từng đọc qua.
Bên Dòng Sông Trẹm kể về mối tình trắc trở nhưng đẹp đẽ, đầy hy sinh cao quý giữa hai nhân vật chính là chàng điền chủ trẻ tuổi Triệu Vỹ và cô thôn nữ Mỹ Lan. Cuốn truyện phổ biến tới nỗi nhiều lần được đưa lên sân khấu kịch và cải lương. Hiện có hãng phim cũng đang muốn chuyển thể kịch bản dựng thành phim sau thành công của một số tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
Song song với việc viết feuilleton, ông còn ra báo. Đó là các tờ Miền Nam, Sống Mới, Diễn Đàn… nhất là nhật báo Dân và tuần báo Phụ Nữ Đẹp rất ăn khách. Vừa nhà xuất bản, vừa nhà in Đẹp, ông làm không xuể, lại cho ra nhà xuất bản Kim Lệ in sách của Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Nguyên Vũ… Nhà văn bản tính xuề xòa, công việc điều hành báo chí và nhà xuất bản chủ yếu do vợ ông trông nom. Bà quản lý giỏi nên nhà xuất bản phát triển mạnh mẽ. Vì thế ngoài lúc viết lách, ông dành thời gian chỉ rong chơi cùng bạn bè.
Vừa uống ngụm bia, ông lại nhấp ly rượu. Một vại bia và một ly rượu để trước mặt, ông uống xen kẽ tới lúc cả hai cùng cạn. Nhà tận ngoại ô, khó gặp bạn bè. Một bữa điểm tâm ngoài quán, một bữa tối sơ sài ở nhà, ông cứ mỗi ngày một mình đóng đô ngoài quán. Nhìn mông lung ra đằng trước quán, đám rau muống xanh biếc phủ dày mặt ao, ngoài xa xe cộ qua lại thưa thớt, ông than thở bạn già người mất hết, kẻ đi xa chẳng còn ai, độc ẩm mãi thật chán. Khi tôi hỏi còn viết tiểu thuyết nữa không, ông lắc đầu cười xòa:
– Tiểu thuyết gì nữa. Gác bút rồi. Bây giờ chỉ muốn viết hồi ký thôi.
Quả là ngay từ sát năm 75, ông đã bớt viết truyện mà chỉ in lại các tác phẩm cũ. Ông sống quá nhiều, kinh nghiệm, hiểu biết quá dày cho một cuốn hồi ký có thể ra đời. Nhưng rồi ông chỉ vào ly rượu trước mặt, lắc đầu nói ngay:
– Muốn viết lắm nhưng mắc cái này làm sao viết nổi!
Không phải bây giờ mới uống. Từ xưa vốn là người thích la cà, ông có thể ngồi uống với bạn bè cả ngày, cả buổi được. Một cuốn hồi ký chắc chắn rất hấp dẫn nhưng thật khó để thực hiện khi tuổi già đã nhấm nháp nỗi cô đơn vào men rượu.
Chỉ còn cuốn Bên Dòng Sông Trẹm mới tái bản nằm trước mặt ông. Đứa con yêu quý của đời văn sẽ còn lại mãi mãi với đời…
Nguyễn thị Hàm Anh

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Thơ : HÃY TẶNG THƠ THÔI... - Văn Châu.




HÃY TẶNG THƠ THÔI
- ĐỪNG TẶNG GIẤC MƠ

(Viết thay và viết theo lời của Nhỏ...)

Nhỏ chẳng thèm anh tặng giấc mơ đâu
Bởi giấc mơ nào rồi cũng tan thành mây khói,
...thành sương mai,
...thành nắng chiều tắt vội
Bỏ mặc Nhỏ ngồi đơn độc; bơ vơ.

Nhỏ muốn rằng anh tặng những bài thơ
(Dầu có thể- Anh không làm cho Nhỏ.)
Để mỗi khi lòng phong ba, bão tố
Sẽ tìm về nơi ấy chút bình yên!

Đã hứa rồi- Nhỏ sẽ chẳng hờn ghen
Với tất cả những ngôn từ anh viết
Thậm chí- có bài thơ sầu ly biệt
Nhưng hình như có bóng Nhỏ
- Phải không nào?!

Hãy viết đi anh
về mây - gió - trăng - sao,
Về hoa - bướm, thuở ban đầu gặp gỡ,
về hò hẹn, nguyện thề rồi tan vỡ...
Biết đâu- chúng ta sẽ được nhẹ lòng!

”Tình mình bây giờ như mưa trên sông
 mưa đầu sông, mưa cuối sông” (*)
Bài ca ấy, xưa anh thường hay hát
Để bây giờ...mỗi lần nâng phím nhạc
Nhỏ khóc thầm, Anh hỡi- Có biết không?

Thì đừng tặng chi những giấc mơ hồng
Mà hãy ngân lên những lời ru rất khẽ
Và có cả vài câu thơ anh nữa
Để Nhỏ tìm nơi ấy chút bình yên,
...
Để vỗ về cho Nhỏ giấc ngủ ngoan!

Văn Châu 
___________

(*) Trích Tình khúc Mộng Sầu của Trầm Tử Thiêng
 (Ảnh sưu tầm)

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

MỪNG NGÀY 8-3-2019 - MCHX blog.


MỪNG NGÀY 8-3-2019
   *một chút hương xưa blog*

Thơ : XƯA - Lưu Phương.



XƯA
bienhoasave5
Quê xưa biết mấy thân yêu,
Tuổi thơ đọng mãi sáo diều véo von.
Thơ ngây khẽ hé môi son,
Ngại ngùng quay gót, hãy còn luyến lưu.
Bao năm mòn mõi phiêu du,
Cầu Gành ơi, nhớ điệu ru thuở nào!
Cây Me, Dốc Sỏi xôn xao,
Noel đêm ấy, cứ mau bước cùng.
Còn thương một thoáng Biên Hùng,
Khiết Tâm có nhớ lạnh lùng đêm mưa?
Nhớ sao cái buổi xa xưa,
Thành Kèn ghi dấu sớm trưa đi về.
Tha hương mấy nẽo sơn khê,
Vẫn mong,vẫn đợi ngày về cố hương.
Biên Hòa mãi mãi nhớ thương
Cái ngày xưa ấy, vấn vương trong lòng.
  
                        Lưu Phương 

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Thơ : ĐỢI CHỜ - Thy Lệ Trang.

Truyện Nhật Bản: CHIẾC CHĂN - St trên mạng.




CHIẾC CHĂN.

Hình minh họa
Khi cô giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh, anh thường ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi cho cô.

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày.

Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.”

Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?”

Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ.

Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”.

Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở.

Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước.

Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa.

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó.

Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…”

Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy.

Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…

St trên mạng  

Tản mạn : HẢI ĐẢO HAITI VÀ TÔI - Thái Công Tụng.




   Hải đảo Haiti và tôi 
       Thái Công Tụng

Người Việt chúng mình ở Montreal thường gặp cộng đồng da đen ở thành phố này. Nếu gặp người da đen ở Montreal, từ người lái taxi cho đến cô y tá hoặc cảnh sát viên, thì xác suất đúng đến 90%  đó là người Haiti. Bà Toàn Quyền xứ Canada tên là Michaelle Jean cũng là người nhập cư từ Haiti đó !.Montreal có hơn trăm ngàn người từ Haiti di cư đến trước cả cao trào người Việt tới đây giữa thập niên 70 trong khi người mình chỉ chiếm chừng 40 ngàn người.
 Riêng người viết bài này cũng đã từng ở xứ đó đến 5 năm, từ 1976 đến cuối 1981, vì có làm chuyên viên nông nghiệp cho chính phủ Canada trong một dự án phát triển tại  hải đảo Haiti và dự  án có  tên gọi là DRIPP, viết tắt Développement régional intégré  Petit Goave-Petit Trou de Nippes  . Hải đảo Haiti nằm trong quần đảo Caraibes .

.Nhưng hãy trở lại hàng chục năm về trước, lúc đó vào thời đệ nhị thế chiến tôi còn  là học sinh truờng tiểu học tại một miền gò đồi miền Trung tại đó địa hình na ná giống như miền gò đồi của Quảng Nam, Quảng Tín như Đại Lộc, Quế Sơn, Trà Mi là những nơi tôi cũng đã từng đi qua đó nhiều lần sau này.  Còn các con sông quê tôi thì cũng na ná như các dòng sông Tranh, sông Thu Bồn, hiền hoà vào mùa nắng nhưng cũng gây nhiều tai ương khi mưa lũ.  
Cũng như các vùng quê hồi đó, nghĩa là các năm 1940, 1941, hoàn cảnh học hành chúng tôi rất khó khăn . Chúng tôi đi học không guốc không giày. Rất ít nhà gạch. 
 Khí hậu vùng quê tôi thì khắc nghiệt: mùa hè gió Lào thổi nóng khô đất, khô cây; mùa đông, gió lạnh rin rít chưa kể lụt lội . Bệnh tật thì sốt rét hoành hoành, vì lúc đó, không có thuốc thang.

Từ đồng bằng miền Trung với 'cái nắng gay gắt làm mắt nguời cay qúa' , mùa đông co ro bên bếp lửa của thời thơ ấu, ăn cơm trộn với khoai, bắp vì thiếu gạo, thì hơn  30 năm sau đó, tôi có dịp đi làm chuyên viên nông nghiệp ở hải đảo Haiti, nằm trong quần đảo Caraibes .

Quần đảo này gồm nhiều đảo rải rác, có đảo lớn như đảo Haiti, Cuba, Jamaica; có đảo nhỏ như Puerto Rico, Guadeloupe, Martinique. Có đảo độc lập từ lâu (Dominican Republic, Haiti, Cuba ), có đảo độc lập mới gần đây, cách đây vài chục năm (Jamaica, Barbados). Có đảo thuộc Anh như Antigua; có đảo thuộc Pháp như Guadeloupe, Martinique; có đảo vừa thuộc Pháp, vừa Hoà Lan như St Marteens; có đảo thuộc Mỹ như Puerto-Rico.

Địa lí 
Hải đảo Haiti không xa Cuba bao nhiêu. Đây là một hải đảo khá rộng, nhưng thuộc hai nước khác nhau: một nước có tên là  Haiti với người da đen, nói tếng créole, nhưng ngôn ngữ chính thức là Pháp ngữ còn nước kia có tên là Dominican Republic,  nói tiếng Spanish.
Diện tích toàn đảo này là 77 253 km2 (Viet Nam là 330 000km2) và riêng xứ Haiti có diện tích 27 750 km2 với trên 7 triệu dân còn  Dominican Republic bên cạnh lớn hơn (48 730 km2). Bài này chỉ đề cập đến Haiti là nơi tôi có dịp làm việc ở lại khá lâu tại đó 
Haiti có thủ đô là Port au Prince và dân số toàn xứ Haiti hiện nay chừng 8 triệu dân. Các thành phố quan trọng có tên là Cap Haitien, Gonaives, Cayes.  Tài nguyên chỉ có vài đồng bằng ven biển còn phần lớn là núi non. Các núi này trước kia rừng bạt ngàn, nhưng nay đồi trọc. 

Lịch sử 
Kha Luân Bố do nữ hoàng Tây Ban Nha gửi đi với mục đích tìm một đường khác qua Á Châu bằng cách đi về phía Tây trên Đại Tây Dương. 2 tháng sau đó, đoàn thám hiểm khám phá đảo này vào năm 1492, thấy đảo này đẹp qúa nên đặt tên là Hispaniola, nghĩa là Tiểu Tây Ban Nha.  Lúc đó,  cư dân đầu tiên là người thổ dân Arawak. Kha Luân Bố đi đi lại lại giữa Tây Ban Nha và vùng này nhiều lần . Ngay sau năm 1492, Kha Luân Bố trở lại đây năm 1493 với 17 chiến thuyền và 1500 người, đem theo nào bò, ngựa, nào hạt giống, gà vịt để khai phá trồng trọt .
Nhưng chỉ không đầy 50 năm sau  khi người Tây Ban Nha qua di dân tới đây thì đem theo bệnh mà người Arawak không chống cự được nên chết rất nhiều ; mặt khác, họ bắt dân này đào tìm vàng, rất khó nhọc, nên thổ dân chết hết. Ngày nay, không còn dân Arawak nữa.. Sau này khi nhân công thổ dân chết dần vì  làm việc kham khổ, thì người nô lệ da đen mới đến. Pháp, Tây Ban Nha, Anh đến các bờ biển  Tây Phi châu săn bắt dân đen, đem lên thuyền buồm (dạo đó, chưa có động cơ hơi nước, chứ làm gì có động cơ máy Diesel như ngày nay) và đưa đến vùng này trồng mía, trồng bông vải để cung cấp nguyên liệu cho các xứ thực dân. Trong các chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đó, người Phi Châu  chết rất nhiều vì đói khát trên tàu; số sống sót làm nông dân nô lệ cho các chủ đồn điền Pháp. Có một dạo, dân nô lệ da đen nổi dậy và đuổi được Pháp sau cuộc cách mạng tại Pháp năm 1789.Họ sợ Pháp thế nào cũng trở lại nên ra sức xây một cái pháo đài rất kiên cố trên đỉnh núi gần Cap Haitien. Những tảng đá đồ sộ do sức người tải lên chót vót núi để xây. Đây có thể nói là kỳ quan thứ 8 của thế giới; các du khách từ các du thuyền khi ghé Cap Haitien thường đi thăm kỳ công này trên núi . 
Vào thời lập quốc của Mỹ, người Mỹ phải sang Port-au- Prince để mua nô lệ da đen đem về  trồng bông vải ở các tiểu bang miền Nam; nông nghiệp Mỹ chưa có máy móc như bây giờ .Tóm lại người Mỹ da đen ở Mỹ hiện nay là gốc gác như vậỵ
 Haiti vì là nưóc da đen độc lập rất lâu nên là một trong những nước ký vào hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1945

Du lịch
Cũng như các hải đảo vùng Caraibes, Haiti sống nhờ du lịch. Thực vậy, nhờ vị trí địa lí không xa Mỹ và Canada bao nhiêu nên vào mùa đông, có nhiều dân du lịch, phần đông là người Canada nói tiếng Pháp, người Mỹ. Cũng có người Đức .Họ đến vì mùa đông biển ấm và luôn luôn có mặt trời, tóm lại nhờ 3S: Sand, Sea, Sun 
Du lịch ấy cũng còn gọi là du lịch Seacanoe , do tóm tắt từ các chữ:
Smell fresh air: thở không khí tươi mát
Eat better than in yours: ăn ngon hơn thường nhật
Avoid crowds: tìm nơi thanh tịnh
Consider excitement: tìm lại năng lượng phấn chấn
Alter your view of life: thay đổi lối nhìn cuộc sống
No nonsense:  lựa chọn khôn ngoan
Outlock stress: giảm thiểu căng thẳng
Earn a new experience: có thêm kinh nghiệm  

Mùa hè thì ít du khách vì mưa và dễ có bão nhiệt đới gây hư hại rất nhiều. Bão nhiệt đới khi thì tàn phá Cuba, khi thì Haiti, khi thì các hải đảo khác trước khi thổi vào lục dịa, phá hư các thành phố Mỹ, Mexico  .
Máy bay thì ngày nào cũng có chuyến bay đi Miami và các hãng hàng không lớn như Pan Am, Air France , Air Canada đều có máy bay đáp xuống. 

Nhà cửa
Tại thủ đô Port-au-Prince, nông dân tràn về đây ở chật chội tại một khu phố gọi là Carrefour với xe  chuyên chở kêu là 'tap tap' bóp còi inh ỏi, tranh giành lối đi với bộ hành.Ngày nào cũng thấy xe cán  chết chó. Vì dân tụ tập ở đây nên nhân công rẽ; do đó các hãng xưởng đủ mọi ngành: may mặc, xưởng làm baseball cũng ở đây, xưởng làm banh đánh golf cũng ở đây. Dân giàu có nhà trên núi như Pétionville, Kenscoff mà kiến trúc không thua gì các biệt thự trên đồi Hollywood. Để tận dụng nưóc mưa, mỗi nhà có hầm chứa nước mưa ngay dưới nhà: nuớc mưa từ trên mái nhà đưa xuống hầm và do đó, tiết kiệm được nhiều nước trong mùa nắng. Tôi thấy đây là một cách kiến trúc có thể ứng dụng cho Việt Nam (các vùng đất cao) vì vũ lượng ở nước mình nhiều mà nước mưa thì bỏ phí trôi đi hết.  

Nông nghiệp
 Phần lớn Haiti là núi non; đáp xuống phi trường Port-au-Prince tưởng chừng đáp xuống Nha Trang vì phi trường cũng sát biển, cũng nhiều mặt trời  và cũng có giãy núi .
Tôi đến đây từ 1976. Tại Haiti, lúc đó có rất nhiều dự án của nhiều nước giúp đỡ như Canada, Pháp, Mỹ, Liên Hiệp Quốc. Dự án bao gồm từ đường sá đến bảo tồn đất đai, dẫn nước, thủy điện, canh nông.. Ngay cả Đài Loan cũng có dự án nông nghiệp và hiện nay vẫn còn. Đài Loan rất o bế Haiti vì Haiti là một trong rất ít xứ trên thế giới còn công nhận Đài Loan. (Một nước khác còn công nhận Đài Loan hình như là Paraguay ). 
Dự án tôi làm cũng là một dự án  nông nghiệp bao gồm nhiều ngành: y tế, trường học, canh nông, làm đường, dẫn nước.
Xứ này chỉ có chừng 1/3 diện tích là trồng trọt được; núi non rất nhiều, trước kia là rừng sầm uất; ngày nay, dân đốn làm than củi nên không có rừng mà toàn đá, xương rồng, lùm bụi. Tuy nhiên cũng có những thung lũng trên núi trồng các cây như cà phê, chuối plantain, cây bơ, cây xoài, cam, qúit. Xoài Haiti xuất cảng sang Mỹ, sang Canada v.vXoài và bơ nhiều rơi rụng xuống đất, nên heo thả rong đi tìm ăn. Heo ở nhà quê là loại heo cỏ, đi rong kiếm ăn chỉ có vài trại heo kỹ nghệ gần các thành phố lón, nuôi gần các nhà máy làm đường nên có mật mía, trộn với cám, với hạt bắp..
Còn miền đồng bằng thì nông nghiệp như các xứ nhiệt đới khác: lúa, bắp, đậu. Có nơi trồng mía vì có nhà máy đường. Ven biển, nhiều dừa; dừa nhiều như miệt Bồng Sơn, Tam Quan bên ta:
 Công đâu công uổng công thừa
Công đâu múc nuớc tưới dừa Tam Quan .
Tôi ở lại đó đến 6 năm, từ 1976 đến cuối 1981. Đây là lúc tình hình rất phức tạp ở Viet Nam; hàng hàng lớp lớp bỏ xứ đi ghe chui qua Thái Lan, qua Mã lai, qua Indonesia ..Tôi nhận được nhiều thơ cầu cứu từ các trại tị nạn này từ các nhân viên cũ Bộ Canh Nông, nơi tôi làm việc trước 1974 và dĩ nhiên luôn luôn đáp ứng.  
Lúc đó, Mỹ và Việt Nam không có liên lạc ngoại giao; thư từ Bưu điện Haiti gửi về Việt Nam phải chuyển qua Pháp rồi mới về Việt Nam chứ bình thường có thể qua Mỹ rồi về Viet Nam. Lúc dó, Air France là hãng máy bay duy nhất đi về Việt Nam và chở hàng hoá, đặc biệt là thuốc men do Việt Kiều gửi về . 
Tín ngưỡng
Phần lớn dân chúng theo Công giáo. Hiện nay, Tổng Thống Haiti tên là Aristide thì trước đây là Linh Mục. Nhiều nhà thờ, họ đạo và dân chúng rất ngoan đạo. Ngoài ra, có tín ngưỡng dân gian gọi là vaudou . Vaudou là tín ngưỡng thờ thần linh xuất phát từ bên Phi Châu, vẫn theo người dân nô lệ trên đường qua xứ này: lên đồng, nhảy múa như ma nhập . 

Giáo dục
Phần lớn mù chữ vì không đủ trường học; trường học thíếu giáo viên, thiếu cơ sở. Thủ đô Port au Prince có một Viện Đại học nhưng cũng thiếu phương tiện như thư viện, phòng thí nghiệm. Lề lối giáo dục cũng như bên Việt Nam, nghia là học tủ, học thuộc lòng nhiều hơn.  

Tonton Macoute
Tonton Macoute là từ ngữ để chỉ đám mật vụ, công an chìm ở xứ Haiti này. Cần nói qua loa là nước Haiti, dưói trào cha là Tổng thống Francois Duvalier, xuất thân là Bác sĩ Nha Khoa khi chết đi, giao cho con Jean-Claude Duvalier tiếp tục làm Tổng Thống. Báo chí đặt tên cho cha là Papa Doc và con là Baby Doc là vì vậy .Chế độ này rất độc tài và tồn tại nhờ một hệ thống mật vụ chằng chịt nên mọi manh nha bạo động, đối kháng bị dập trong trứng nước. Ai chống đối bị giam hoặc bị trục xuất. Tổng Thống Jean-Claude Duvalier, khi đi tham dự một khai mạc hay hội nghị không bao giờ đến đúng giờ qui định trong chương trình. Sau đây, tôi xin kể hai câu chuyện có thật (Người thực, việc thực!) cho độc giả xem chơi:

Năm 1976, khi tôi đang ở phi trường Miami để đổi máy bay qua Port au Prince, tình cờ có một linh mục, thấy tôi là người Việt bèn gợi chuyện. Linh mục người Canada này trước kia có ở Viet Nam nên gặp lại người Việt rất thích nói chuyện. Trao đổi địa chỉ cho nhau, Linh mục đi Mexico còn tôi đi Haiti . Sau đó, tôi gửi thư thăm cha ở Mexico . Lâu sau đó, tôi được cha trả lời là thư đó bị kiểm duyệt rất kỹ . Hoá ra, Haiti sợ trong thư tôi có liên lạc gì vói nhóm chống đối chính quyền Haiti ở nước ngoài !
Một lần khác nữa, tôi thường đi công tác miền  núi  Haiti. Có một nhân viên phù động họ giao cùng đi với tôi làm khuyến nông. Đi nhiều lần với anh ta, bỗng một hôm, anh ta đến Sở rồi bỏ đi . Tôi mới té ngửa ra là anh ta làm mật vụ theo dõi tôi xem khi đi tiếp xúc với dân tình, có nhân cơ hội đó, tuyên truyền chống chính phủ không. Cũng may là tôi chỉ nói với dân làng về chuyên môn khuyến nông mà thôi chứ nếu chuyện khác thế nào họ cũng trục xuất ngay khỏi xứ .
Chính quyền không muốn mở trường dạy học vì dạy học dân có kiến thức, dân trí cao sẽ dễ bị lật đổ. 
Mãi đến đầu năm 1986, kinh tế bế tắc, đời sống khó khăn, dân chúng nổi dậy mới lật đổ và Jean Claude Duvalier trốn qua Pháp. Nhưng một thời gian 10 năm từ đó thì cũng là thời gian đảo chánh liên miên, như thời Viet Nam sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật. Mãi sau đó, một linh mục là Cha Aristide đưọc bầu lên làm Tổng Thống cũng bị quân nhân đảo chính. Tổng Thống Clinton nhờ Cựu Tổng Thống Carter và tướng Colin Powel qua khuyến cáo tướng đảo chánh qua Mexico tạm trú  để nhường lại cho Aristide . Linh mục Aristide cầm quyền được vài năm thì cũng tái phát bạo động nên Hoa Kỳ cũng ép Aristide đi lưu đày bên Phi Châu và hiện nay có cả hàng ngàn binh sĩ Liên Hiệp Quốc trú đóng gia hạn từng năm một theo quyết định hàng năm của Hội Đồng Bảo An .  
Và Liên Hịệp Quốc cử lính qua để giữ trị an. Nói trắng trợn ra, sở dĩ nguời Mỹ để ý đến xứ Haiti này là vì nếu tình hình rối loạn ỏ Haiti, thì sẽ có vô vàn dân Haiti chèo ghe chạy qua lánh nạn bên Miami nên họ phải đón đầu truớc. 

 Ngôn ngữ .
 Dân chúng sử dụng  tiếng Creole, một loại tiếng Pháp cổ vì xứ này trước kia do Pháp cai trị. Hiện nay, cũng có một số dân màu da hơi trắng vì có lai nhiều đời với người Pháp.. Tiếng créole rất gần tiếng Pháp nên ai đã biết tiếng Pháp thì dễ nói tiếng créole lắm.. Các lính Canada qua Haiti dễ học tiếng Creole hơn lính Mỹ 

Người Việt ở Haiti
Khi tôi mới đến Haiti năm 1976, tôi là người Việt thứ hai sau ông Phạm Hữu Vĩnh, lúc đó mới rời Haiti . Ông Vĩnh trưóc là Tổng Thư Ký Bộ Công Chánh qua Haiti làm cho Liên Hiệp Quốc bên đó. Năm 1980, có anh Kỷ sư Tôn Thất Thiều trước làm ở Nha Thủy Nông Bộ Nông Nghiệp cũng sang Haiti làm trong một dự án ở gần Port-au- Prince.Trong lúc làm việc ở xứ này, cũng có gặp vợ chồng một anh sinh viên y khoa tên là Đặng Văn Châu qua làm nội trú thực tập trong một bệnh viện của Đại học Mỹ thiết lập tại vùng đồi núi Artibonite, mục đích chữa trị cho dân nghèo sống hẻo lánh xa thủ đô . (Anh Đặng Văn Châu là con giáo sư Đặng Văn Chiếu, có lúc làm Khoa trưởng Đại học Y khoa Saigon ). Mãi những  năm sau này quãng 1985  có ông  Nguyễn Văn Hão, một thời làm Phó Thủ Tướng nội các Trần Thiện Khiêm và một người con ông Nguyễn Cao Thăng, chuyên viên kinh tế cũng có mặt ở xứ này . Những năm tôi còn ở Haiti từ 1976 đến cuối 1981, chỉ có mấy bà Việt Nam có chồng Mỹ làm cho USAID, chồng Pháp làm cho hãng xi măng. Cũng có mấy nữ tu Công giáo ở Cap Haitien, trước 1975, qua Nhật học  để sau đó về lại Việt Nam, nhưng thời cuộc đã đưa đẩy các nữ tu đó về Haiti, vì Haiti có nhà dòng (hình như dòng Mến Thánh Giá ? ), cùng dòng với các nữ tu. Các nữ tu này khi về Canada thì ở Sainte Anne de Beaupré cách thành phố Quebec chừng vài chục km về hướng Bắc . 

Người Haiti ở Mỹ
Vào khoảng các năm trước 1930, Haiti đã từng bị Mỹ chiếm đóng nên có một số di cư qua Mỹ, phần lớn ở miệt New York (Bronx). Sau này, vì dân số càng ngày càng đông và thủ tục nhập cảnh Mỹ khó khăn nên họ đi ghe chui nhiều lắm. Vì gần Miami nên nhiều thuyền chở dân Haiti thường đổ lén dân xuống bờ biển Florida; một số chết ngoài biển, một số bị Coast Guard chận lại ngay ngoài khơi . Nói thật ra, Mỹ không muốn da đen vào Mỹ, trong khi đó dân Cuba trốn thì vẫn được chấp nhận như thường. Và chính người Mỹ cũng sợ boat people tràn lan qua Mỹ nên ngoài khơi các đảo Dominican Republic, Cuba, Haiti luôn luôn có nhiều tàu tuần duyên tuần tiễu

Nguời Haiti ở Canada
Vì dân Haiti học tiếng Pháp từ tiểu học nên họ không bở ngỡ khi ở  Québec. Trước 1977, người xứ này qua Canada không cần visa nên đến rất đông, sau đó ở lại . Phần lớn  chạy taxi hoặc làm nghề may mặc. Và cũng nhờ người Haiti ở Canada và Mỹ gửi tiền về và bảo trợ cho thân nhân di dân qua nên xứ Haiti mới tồn tại chứ hải đảo thì diện tích có hạn mà dân số cứ tăng. Có trên 2 triệu người Haiti rải rác trên nhiều xứ và hàng năm họ chuyển tiền về cho gia đình. Tổng số tiền gửi hàng năm rất nhiều, bằng 1/3 của toàn GDP xứ đó. Thế mà nhiều người vẫn còn tiếp tục di cư sang các đảo kế cận như qua hải đảo St Marteens gần Puerto Rico,  sang Guyane thuộc Pháp. Nên mở dấu ngoặc ở đây là sau 1975, có nhiều người Mèo ở Cánh Đồng Chum bên Lào qua Pháp rồi sau đó qua Guyane lập nghiệp

Kết luận
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, chúng tôi nay đều đã đến tuổi cổ lai hi; bạn học củ tôi, có kẻ đã bước ra ngoài thời gian; có kẻ an bần lạc đạo; người thì xa nửa vòng trái đất; kẻ tận chân trời heo hút gió: 
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nhìn cảnh Haiti như Nha Trang với những làng chài ven biển, các xóm vệ đường, nhìn những chiếc thuyền buồm căng gió ở vịnh Port au Prince mà nhớ lại thuyền chài nhấp nhô quê mình, thời lãng du của dĩ vãng, nhìn  những làn khói xanh lơ từ những xóm nhà heo hút  ven núi, bèn nhớ bài hát của nhạc sĩ Trịnh Hưng:
 Tôi yêu quê tôi, yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa
Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ càng yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hoà
Yêu anh yêu em, yêu xóm yêu làng gần xa

                                                               Thái Công Tụng
( Nguyên GS HỌC VIỆN QUỐC GIA NÔNG NGHIỆP SG )