Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Thơ : TÌNH LỤY- LỤY TÌNH - Trần Lực.







Cuộc sống : CON GIÁN - Sưu tầm.





CON GIÁN.

_ Một con gián, không biết từ đâu, bay vào nhà hàng và đậu lên vai một quý bà.
Quý bà vô cùng hoảng hốt. Khuôn mặt sợ đến tái mét, bà vừa la hét, vừa nhảy ra khỏi ghế ngồi, cố lắc thật mạnh để tách con gián ra.
Con gián bay sang đỗ lên vai một quý bà khác. Quý bà này cũng sợ hãi không kém và tạo ra một sự hỗn loạn còn lớn hơn.
Và cứ thế, con gián chuyền từ người này sang người khác. Sự hỗn loạn ngày càng gia tăng.
Cuối cùng người bồi bàn cũng chạy tới. Anh lấy chiếc khăn xua nhẹ và con gián vô tình bay sang vai anh. Rất bình tĩnh, anh chậm rãi đi ra cửa, rồi chạm nhẹ vào nó. Con gián tự bay ra vườn. Sự hỗn loạn kết thúc.

Kết Luận.

"Nhìn qua, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, sự hỗn loạn là do con gián mang lại. Nhưng qua cách xử lý của người bồi bàn, chúng ta hiểu là không phải thế. Sự hỗn loạn thực tế đã được tạo ra bởi những hành động của các quý bà đối với con gián, chứ không phải bản thân con gián".
Trong cuộc sống, những chuyện ta không mong muốn vẫn luôn xảy ra. Chẳng hạn, nhỏ thì như chuyện: cơm sống, canh mặn; hoặc lớn hơn như chuyện: trẻ con hàng xóm đánh nhau hay anh chồng nhậu say xỉn... Bản thân chúng chưa phải là vấn đề, chính thái độ và cách xử lý không thích hợp của chúng ta mới thực sự biến chúng thành vấn đề."

Nguồn: sưu tầm

Tản mạn : CHỢ BÀ HOA - Sưu tầm ( VN Express )


Chợ Bà Hoa - ngôi chợ Sài Gòn gợi nỗi nhớ miền Trung

Ở khu vực Bảy Hiền, Tân Bình từ lâu đã xuất hiện một ngôi chợ - chợ Bà Hoa. 

Như một điểm hẹn, thuở đầu, người Quảng khắp đất Sài Gòn tìm về đây để buôn bán những đặc sản quê xứ. Ngày nay, chợ Bà Hoa ngoài trở thành địa điểm mua sắm của người dân trong khu vực còn là nơi để những người miền Trung tìm lại cho mình chút dư vị quê nhà.
Tọa lạc tại đường Trần Mai Ninh, quận Tân Bình, từ lâu chợ Bà Hoa đã được biết đến như là khu chợ người Quảng Nam. Phần lớn tiểu thương trong chợ là người Quảng bày bán những món đặc sản của quê hương. Người miền Trung cũng về đây tập trung buôn bán rất đông đúc.
Khi được hỏi về nguồn gốc của chợ, nhà văn Trần Nhã Thụy (Quê Quãng Ngãi) cho biết: “Theo chỗ tôi được biết thì chợ Bà Hoa được đặt theo tên của người phụ nữ tên Hoa, người mua đất làm chợ. Thời gian lập chợ là khi nào thì chưa thấy ghi rõ, chỉ biết là có từ... lâu lắm. Chợ Bà Hoa còn có tên là chợ Linh Hoa, Linh là tên người chồng của bà Hoa. Nhưng nói chung vẫn gọi là chợ Bà Hoa, hay chợ làng dệt Bảy Hiền". Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay chợ Bà Hoa cũng hòa cùng nhịp đập của thành phố trẻ, trở nên rộn ràng nhộn nhịp nhưng vẫn phần nào giữ được những nét riêng của mình.
Nhắc đến miền Trung và xứ Quảng nói chung, không thể không nhắc tới những nét độc đáo về ẩm thực. Tiêu biểu về ẩm thực miền Trung có thể kể đến là các loại mắm, như mắm ruốc, mắm cá nục, mắm cái... Hiếm có khu chợ nào ở Sài Gòn lại bày bán chúng nhiều như ở đây. Ngoài ra còn có các loại nem chả nổi tiếng như nem Quy Nhơn, chả bò Đà Nẵng…cũng được nhập về để phục vụ nhu cầu của những khách hàng yêu thích chúng.
Những món ăn đặc sản tươi ngon được chuyển vào từ miền Trung xa xôi. Ảnh: Khánh Dân (Thanhnhnienonline)
Dọc hai bên chợ là rất nhiều quầy bán những món bánh dân dã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người con lớn lên ở miền Trung như bánh ú, bánh ít. Xen giữa chúng là mùi thơm béo của những mẻ bánh thuẫn được nướng ngay tại chỗ, đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Trung những dịp lễ Tết. Hình ảnh người thợ bánh lấm tấm mồ hôi bên bếp lò chắc hẳn sẽ gợi lại cho không ít người con xa quê những ký ức cùng gia đình, khi còn là một đứa trẻ ngóng từng mẻ bánh được ra lò để được đưa lên mũi hít hà cái mùi thơm ngọt quyến rũ kia.
Những mẻ bánh vàng ươm thơm béo hẳn sẽ làm chùn chân không ít người
Ngoài ra ở chợ Bà Hoa ta còn tìm được những món bánh tưởng như chỉ có thể tìm thấy ở quê như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh xèo miền Trung. Bánh xèo miền Trung nhỏ hơn nhiều so với người họ hàng ở miền Tây của nó. Giòn rụm từ trong ra ngoài, mỗi chiếc bánh xèo miền Trung chỉ to cỡ bàn tay, mỗi chiếc lại được ăn kèm với bánh tráng mềm và sau sống chấm mắm mặn. Một đĩa 3-4 chiếc bánh mới được ra lò nóng giòn, dễ dàng làm người ta xua đi cơn đói xế chiều để tiếp tục cuộc hành trình khám phá ngôi chợ.
“Hi vọng rằng dẫu mai này, xã hội có phát triển thế nào chăng nữa thì những ngôi chợ đặc thù làng quê này vẫn còn, không chỉ để lưu giữ những món ngon mà còn giữ lại cái tình quê mộc mạc nồng nàn... ”. (Nhà văn Trần Nhã Thụy)
Chợ Bà Hoa còn có một điểm đặc biệt, mà người dân ở đây đầy tự hào đưa nó trở thành một đặc sản khắp cả đất Sài Gòn này hiếm có nơi nào khác có được. Đó là giọng Quảng. Những “răng, mô, chi, rứa” trong sinh hoạt và trong cách buôn bán khiến không khi nơi đây thanh bình đến lạ lùng.
Những mặc cảm về giọng địa phương đôi khi cũng xuất hiện, nhưng chắc chắn là không phải ở đây. Những tiểu thương gốc Quảng ở đây, có người đã gắn bó với chợ Bà Hoa từ những ngày đầu lập chợ, đến bây giờ vẫn rặc một tiếng nói quê xứ mà chẳng hề lai qua giọng Sài Gòn. Ca sĩ Ánh Tuyết từng có cho một một album hát bolero bằng tiếng Quảng. Cô chia sẻ rằng đó là cách để một người con như cô tri ân tiếng nói quê mình, rằng “hát giọng Quảng để dành cho người Quảng, người cần học nghe tiếng Quảng, người yêu tiếng Quảng, cảm tình đặc biệt với xứ Quảng và cả người chỉ yêu... một người Quảng".
"Đi đâu giao tiếp với người Sài Gòn hoặc dân xứ khác, nếu họ không nghe thì chúng tôi sẽ nói chậm lại, chứ không cố gắng chỉnh giọng cho giống dân thành thị, vì đây là 'đặc sản' quê hương mình mà". (ca sĩ Ánh Tuyết)
Cần cù, chịu khó nhưng cương trực, thẳng thắn, lại rất lạc quan, vui tính và trọng tình nghĩa, dù sống trong cảnh cực khổ, đói rách họ luôn tin vào tương lai của chính mình, thành thật và chất phác. Tất cả những tính cách của người dân đất Quảng nói riêng và miền Trung nói chung đều xuất hiện ở chợ Bà Hoa. Nơi đây như trở thành một phần văn hóa của người Quảng ở Sài Gòn, để dẫu bao đổi thay của thời cuộc, những bình dị mộc mạc nhất về một ngôi chợ miền quê vẫn còn đọng lại đâu đó trong từng nụ cười, từng tiếng rao của những người dân lao động.
Ở chợ không có cái sân si, chen chúc, náo nhiệt, mà đâu đó phảng phất những bình yên dung dị của những vùng quê miền Trung thân thuộc.
Thực hiện: Duy Lam
 

Món lạ quê hương: BÁNH TRÁNG ĐẬP - Nguyễn Long Chiến.





BÁNH TRÁNG ĐẬP

Hội An có món ăn dân dã này từ rất sớm. Chưa nhìn, chỉ nghe "bánh tráng đập", người ta không hình dung ra món ăn quen thuộc bất kỳ ai từng sống ở Hội An đều có kỷ niệm về nó.
Ở Sài Gòn, một quán ăn người Quảng (Ngãi), giới thiệu món này với tên "bánh tráng ráo ướt", muốn giải thích món ăn này gồm một bánh tráng ráo (bánh nướng) phủ bằng một bánh ướt mới ra lò đang nóng.
Cả hai tên gọi đều nói lên những đặc điểm của món ăn.
Bánh tráng đập nghe...ấn tượng hơn. Đập là động tác gây ra âm thanh, và đúng đối với món ăn, phải dùng tay đập nhẹ, bánh nướng bể ra những miếng vừa cầm để chấm mắm đưa vào miệng.
Bánh sẽ chẳng thành đặc sản nếu không có nước chấm, mắm chấm.
Mắm chấm chắc chắn quyết định phần hồn của bánh tráng đập. Màu mắm thường hơi sẫm nâu, nước hơi đặc, sóng sánh ít mỡ cá từ con mắm, dầu phụng chiên thơm, ít ớt bột rắc bên trên.  Khi ăn, ngoài hương vị thúc dục cồn cào, người ta còn thưởng thức âm thanh rôm rốp trong miệng, giòn giã, vui tai như tiếng cười của các cô con gái. Hương mắm nồng nàn, không thể diễn tả làm sao, cứ nhớ mãi như nhớ mùi mồ hôi dìu dịu của thiếu nữ là người yêu đang xuân hay mùi mồ hôi mặn một nắng hai sương của người mẹ quê kham khổ.
Ăn xong, khi ra về, nếu là dân "sành điệu" không ai uống nước sau đó. Hãy lẳng lặng thưởng thức mùi thơm của mắm, không phải chỉ trên đường về nhà, còn cả trên con đường đời khi ai đã xa Hội An.
Tôi đôi lần ăn lại món này khi có dịp trở lại Cẩm Nam, cái nôi của bánh tráng đập Hội An.
Ngon thì có ngon đối với khách vãng lai, nhưng đối với dân Quảng tâm hồn "mắm cái" như tôi, mắm đã làm mất đi phần hồn cốt bánh tráng đập nổi tiếng: ngọt quá.
Chất ngọt của đường đang hủy hoại tinh túy hầu hết món ăn hiện nay không chỉ ở miền Nam.
Vâng, chén mắm pha đường ngọt không ngon bằng chén mắm mặn mà nguyên chất.
Tôi có bảo thủ quá không?

NGUYỄN LONG CHIẾN (FACEBOOK)

Thơ vui kỷ niệm: NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA - Lê Xuân Sang.



(Chiều 29.7.2015 ngồi quán cà fe, bên máy tinh bảng để nhớ về trường xưa.
Có bổ xung hình NHÀ 5 ÔNG vừa mới tự cất xong năm 1972.
Trái qua : Tuyên,Chức ,Sang ngồi là Còn)

Thơ
NHỚ VỀ TRƯỜNG XƯA

Ngày xưa có một ngôi trường
Từ nơi xa lắc, cuối đường nước Nam
Chân ướt, chân ráo lên đường
Đến nơi xa ấy dễ thường có quên
Trường ấy có một cái tên
là Nông lâm Súc kế bên cái. ...chùa😆
Sớm tối nghe mõ búa xua
Ngọc Hưng tịnh xá là chùa Việt Nam
Phía sau tịnh xá là nhà
Một dãy cư xá lá dừa nước thôi
Đó là chỗ ở bọn tôi
Thầy cô vui vẻ về ngôi trường mình
Có thầy đủ cặp mới tinh
Có thầy chiếc bóng, chưa rinh cô nào
Sáng sáng ra dạo bờ ao
Thăm bầy cá đém bao giờ. ...đem cân
Cá thấy, cá quậy rần rần
Tụi bây bình tỉnh, tao "phân" công bằng .....
Tụi bây đừng có. ...lăng tăng
Để tao kể tiếp những ngày ở đây
Đầu tiên là nhà thầy Lân
Một thầy hiệu trưởng bình dân ai bằng?
Sáng thầy lên lớp nhân văn
Chiều làm vài xị vui cùng anh em
Thảo-Đệ chiến hữu kế bên
Đó là cư xá những ngày đầu tiên
Dần dần thêm mấy bạn hiền
Năm ông thầy giáo mới vô tháp tùng
Cất căn nhà lá mới hung
Sang, Chức, Năm Võ cùng là Tuyên râu,
Thứ năm là bạn văn Còn
(Sau nầy chuyển xuống tận vùng Bạc Liêu)
Cư xá tưởng có bấy nhiêu
Ai dè sau đó tăng thêm mấy nhà
Tiếp đến là cặp Hồng -Ty
Rồi đến Tâm -Phát liền thì kể bên
Sau cùng thầy Kía đứng tên
Là căn nhà chót dãy nhà chúng cư.
Cuộc đời cũng lắm suy tư
Đổi thay, thay đổi từ từ biến thiên
Đầu tiên Lân -Thảo ra đi
Kế đến thầy Đệ cũng thì đi theo
Và người mới đến thế vì
Là cặp Phương -Lượm ở nhà thầy Lân
Rồi hai thầy Chức và Năm
Tạ từ nhà cũ để mà ra riêng
Để hai thầy trẻ ưu phiền
Phòng không chiếc bóng đó là Sang-Tuyên
Chiều chiều đi dạo triền miên
Quanh hồ nước ngọt gọi là Tịnh Tâm
Từng bước rồi từng bước thầm
Những chiều đơn lẻ trầm ngâm cuộc đời
Cuộc đời đâu phải chuyện chơi
Một hôm công bố. ...rồi đời trường ta!
Ngôi trường ký ức mặn mà
Giờ đây cũng chỉ còn là hư vô
Thôi thì một lốc một lô
Kỷ niệm xưa ấy một bồ ghi nhanh.

LÊ XUÂN SANG.

Thơ : MỘT NGÀY KHÔNG CÓ NHAU - Văn Châu.




MỘT NGÀY KHÔNG CÓ NHAU…

Một ngày không có nhau
   - buồn quá phải không Người?
Mọi thứ xung quanh
   đều trở thành vô nghĩa
Nghe gió lạnh
   lùa về từ muôn phía
Chăn đắp thế nào
   cũng hụt hẫng, chông chênh.

Một ngày không có nhau
   - gậm nhắm nỗi cô đơn
Để trân quý, nâng niu
   những điều đang có
Mà bấy lâu nay
   trót hững hờ, bỏ ngõ
Mãi trách cứ, dỗi hờn,
   buồn giận vu vơ.

Một ngày không có nhau
   - vô vị lắm nhạc – thơ
Tiếng hát, giọng ngâm
   còn có ai đồng cảm?
Mỗi lúc nắng, mưa
   ai sẻ chia tâm trạng?
Đành lẻ bóng một mình
   tiếc nhớ những ngày qua.

Một ngày không có nhau
   - đời thật lắm xót xa
Anh lặng lẽ
    đi lên đầu con dốc
Chỉ có sương thôi,
    bốn bề lạnh ngắt
Bỗng dưng thèm
    ...hơi ấm một vòng tay.

Người ở nơi nào
    tận cuối nẻo chân mây???

            Văn Châu

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Đó đây : CÂY CẦU TRE ĐỘC ĐÁO - Sưu tầm.

Chiếc cầu tre tấp nập xe cộ ở Campuchia


Những chiếc cầu tre “lắt lẻo, gập ghềnh, khó đi” không có gì xa lạ với người Việt Nam. Nhưng hãy nhìn chiếc cầu tre bắc qua đảo ở Campuchia này. Nó có thể chứa hàng trăm xe cộ đi lại, và điểm ấn tượng nữa là cầu được làm lại mới hàng năm khi nước sông bắt đầu rút vào mùa khô.


Kết quả hình ảnh cho bamboo bridge in kampong cham
Chiếc cầu tre bắc qua đảo như một biểu tượng của thành phố Kampong Cham. (Ảnh: Internet)

Kampong Cham, thành phố phía Đông của Campuchia nằm bên cạnh sông Mekong có 2 cây cầu chính vượt sông. Bên cạnh đó, nó còn có một cây cầu tre nhỏ một chiều nối thành phố với một hòn đảo nơi có vài ngôi làng và những cánh đồng lúa. Hòn đảo này được bao quanh bởi những bãi cát trắng tuyệt đẹp.
Trong mùa mưa, bạn chỉ có thể đến hòn đảo bằng thuyền nhưng vào mùa khô, khi nước sông Mekong rút xuống, bạn có thể băng qua cây cầu tre này để đến hòn đảo.
TW_ARTWATERENESS_KAMPONG_CHAM_PUENTE_BAMBU (1)

Khi nhìn chiếc cầu từ 2 phía bên cạnh, bạn sẽ thấy rất nhiều cọc tre đan xen nhau tạo thành một khung cảnh rất đẹp. Chúng được làm bằng tay năm này qua năm khác, và đó cũng là cách người ta làm lại chiếc cầu hàng năm, đối với tôi điều đó rất ấn tượng.
Tôi thích đi qua cầu tre bằng xe đạp. Mỗi khi đi lên cầu, cây cầu lại lúc lắc, đung đưa theo những chiếc xe, mang lại cho bạn cảm giác tuyệt vời như một cuộc phiêu lưu.
Kết quả hình ảnh cho bamboo bridge in kampong cham

Vào ban đêm, chiếc cầu sẽ được thắp sáng bằng những bóng đèn nhỏ. Tôi từng đi qua cây cầu trong cơn mưa lớn, những cây tre trở nên ẩm ướt nhưng mùi tre lại mang lại một cảm giác dễ chịu.
Cây cầu có một khung làm bằng gậy tre và những tấm phên tre được làm từ những thân tre chẻ đôi đan lại với nhau giúp làm giảm tác động của xe cộ.
Lúc đầu, đi qua cây cầu bên cạnh một chiếc xe hơi khá đáng sợ, vì trọng lượng của xe làm sàn uốn cong, nhưng sau một vài lần, bạn sẽ thấy thư giãn hơn khi nhận ra cây cầu đủ mạnh để chịu lực.
TW_ARTWATERENESS_KAMPONG_CHAM_PUENTE_BAMBU (2)


Vì đây là cây cầu một chiều nên thường có một người ở mỗi bên kiểm soát giao thông bằng máy bộ đàm, họ làm nhiệm vụ điều phối xe đi từ mỗi bờ như một đèn tín hiệu giao thông.
Người ta thường sửa chữa cây cầu trong giờ thấp điểm ít xe đi lại. Các công nhân cắt tre và thay thế những chỗ bị hư hỏng để con đường luôn ở trạng thái tốt nhất.
TW_ARTWATERENESS_KAMPONG_CHAM_PUENTE_BAMBU (4)

Vào ngày Tết Khmer, giao thông trên cầu ùn tắc nghiêm trọng, từ đầu đến cuối tràn ngập xe hơi và xe gắn máy. Khi đến đảo, tôi còn thấy mặt đất đầy dép lào của những người đi xe đạp bị mất dọc đường. Ngày hôm đó, những nhân viên có trách nhiệm kiểm soát lượng xe phải làm việc rất vất vả.
TW_ARTWATERENESS_KAMPONG_CHAM_PUENTE_BAMBU (10)


Tôi thích tất cả mọi thứ từ cây cầu này: Những cọc tre, một sự thật là nó được làm lại hàng năm, hay được tu sửa liên tục để giữ cho nó ở điều kiện tốt,… Có lẽ trong thời gian tới cầu tre sẽ được thay thế bằng một cây cầu kiên cố hơn, nhưng tôi hy vọng họ sẽ giữ lại cây cầu truyền thống này.
Theo Artwatereness

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Thơ: THƯƠNG - Hà Thu Thủy.




THƯƠNG.

Thương lắm nha tiếng em cười dòn dã.
Thật reo vui như pháo nổ ngày xuân.
Dù tim tôi có tan như xác pháo.
Em vô tình dẫm đạp bước đi qua.
Thương lắm nha tà áo bay trong gió.
Em ngây thơ áo trắng tuổi học trò.
Ngồi bên nhau em xây bao mộng đẹp.
Tôi khóc thầm tình không trọn đâu em.
Thương lắm nha cô gái nhỏ nhà quê.
Luôn mơ mộng tình là bài thơ đẹp.
Muốn nói ra nhưng sợ em vở mộng.
Cuộc đời mà...đâu có giống giấc mơ.
Tôi cũng giống như một con đò nhỏ.
Sẽ có ngày rời bỏ bến sông xưa.
Để em buồn như lục bình trôi nổi.
Bồng bềnh theo dòng nước...đợi chờ ai

HÀ THU THỦY - 26/10/2019

Thơ : MÙA THU Ở TRÊN CAO - Xuân Duyên.




MÙA THU Ở TRÊN CAO

Mùa thu ở trên cao
Có lá rừng xao xác
Bức tranh buồn ai tạo?
Nhánh lan hồng ai trao?
   Mùa thu ở trên cao
   Có nắng vàng hanh bóng
    Chim kêu vang về tổ
    Tìm khoảng trời mênh mông
Mùa thu ở trên cao
Có sắc màu hoa cỏ
Tình yêu nào bỏ ngỏ
Cho ngạt ngào hương bay
             
XUÂN DUYÊN -10/2019

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Từ phương xa: CÔ GIÁO TỴ NẠN (p.cuối) - Nguyễn Khắp Nơi





Cũng vì tình thân với người Việt, đã có nhiều người mời Jenny dự đám cưới của họ, và cô rất vui khi được mặc áo dài để bưng mâm ngũ quả đi

Trong một buổi barbecue mời tất cả các . . . cư dân của đảo Galang, cô giáo Jenny lại gặp lại người thanh niên thường hay lảng vảng ngoài lớp học của cô hồi còn ở trại tỵ nạn. Anh chàng cũng vẫn đứng một mình, tay cầm lon coca xoay qua xoay lại chứ không bắt chuyện với ai. Cô giáo Jenny nghĩ rằng anh này chắc . . . không biết tiếng Anh, hoặc là ít nói, nên đã tới nói chuyện với anh ta.Anh vui vẻ nói chuyện, tự giới thiệu tên là Sơn, hiện đang làm việc cho Australia Post, tại Blackburn Mail Centre. Cô Jenny rất là ngạc nhiên khi biết anh . . . biết nói tiếng Anh, và lại nói khá nữa:

“Ah! Vì anh biết nói tiếng Anh rồi, nên mới không tham dự lớp học của tôi ở trại tỵ nạn, có phải vậy không?”

Lại trái với dự đoán của Jenny khi anh con trai trả lời:

“Không phải vậy.Hồi đó, quả thực tôi dở tiếng Anh lắm.Vì tình trạng chiến tranh, tôi chỉ mới học hết lớp 11 mà thôi. Đến khi Việt Cộng chiếm miền Nam, tôi là con Lính Cộng Hòa nên đâu có được tiếp tục học nữa, tôi phải đi bán hàng với mẹ để kiếm sống cho gia đình, bao nhiêu tiếng Anh tôi học ở trường, tôi quên hết trơn, nên tôi đâu có biết học từ đâu? Thấy cô dậy học, tôi cũng muốn vô học, nhưng thấy mình lớn rồi, vô học không biết một câu tiếng Anh tiếng U nào hết . . . mắc cở với đám con nít lắm . . . nên tôi chỉ đứng ngoài nghe lén mà thôi. Hơn nữa, cô nói tiếng Anh của người Úc . . . khó nghe quá, tôi nghe như là . . . vịt nghe sấm . . . chẳng hiểu cô nói gì hết, thì làm sao mà học?”

Cô giáo Jenny lúc nào cũng có thói quen nghề nghiệp, cô khuyến khích Sơn:

-“Anh nói tiếng Anh hay lắm, lại được làm ở Australia Post thì đời sống cũng khá lắm rồi . . . nhưng nếu anh muốn, anh có thể đi học lại, vô đại học học nghành nào mà anh thích, biết đâu lại có tương lai sáng sủa hơn!”

-“Tôi cũng muốn lắm, nhưng tôi . . . mới học xong lớp 11 chứ chưa tốt nghiệp trung học, làm sao tôi có thể vô đại học được?Hơn nữa, tiếng Anh của tôi chỉ đủ để làm việc thôi, chứ chưa đủ để học đại học đâu.”

-“Anh đừng lo, tôi có thể giúp anh về phần tiếng Anh, anh sẽ dư sức học. Ở Úc có những trường cao đẳng, gọi là trường TAFE (Technical And Further Education) dành cho những người chưa học xong trung học, tôi sẽ giới thiệu anh với chú tôi, một giáo sư của trường Footscray Institute of Technology (FIT- sau này nhập chung với trường Đại học Victoria University) để chú giải thích cho anh nhiều hơn.”

Khi về nhà, anh Sơn mới kể lại câu chuyện cho người bạn cùng phòng là anh Lê Hữu Giàu nghe.Anh Giàu cũng khuyên anh Sơn nên đi học để có tương lai khá hơn.

Thế là anh Sơn đi gặp Giáo sư Douglas Ramm để vấn kế. Ông Douglas làm đúng luật, đã đưa đơn cho anh điền để học thử ba môn học về Civil Engineering xem kết quả ra sao cái đã. May mắn, anh đậu hết cả ba môn toán học này, ông Douglas liền hướng dẫn anh một lần nữa nộp đơn xin học khóa Bachelor of Civil Engineering.

Thực sự thì Sơn chưa muốn hoàn toàn định cư ở bên Úc, đầu óc của anh vẫn còn hướng về Việt Nam: Khi Sơn còn ở trên đảo Galang, anh đã có nghe về Phong Trào Phục Quốc của Tướng Hoàng Cơ Minh, Sơn định cư tại Úc đúng vào thời điểm Phong Trào Phản Chiến bộc phát rất lớn, Sơn nhớ lời cha dặn là ráng tìm cách gia nhập bất cứ tổ chức kháng chiến nào, để trở về Việt Nam tiêu diệt bọn Cộng Sản, khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu tràn đầy tự do và lòng nhân ái. Do đó, khi được chấp nhận cho học, Sơn phân vân không biết nên lựa chọn con đường nào? Anh đem việc này ra bàn với Jenny.Tiếc thay, cô giáo Jenny chỉ có thể giúp anh trau dồi Anh ngữ thôi, chứ không có khả năng giúp anh về vấn đề này, nên Sơn quyết định không nộp đơn xin học, mà chờ tin để trở về Việt Nam cùng với các bạn bè trong nhóm.

Buồn thay, tổ chức phục quốc càng ngày càng im tiếng và không có ai liên lạc với anh để nói tới ngày về cả. Sơn đành phải nộp đơn xin đi học và bảo lãnh cha mẹ qua Úc chung sống.

Muốn tỏ tình với một cô gái đã là chuyện khó rồi, huống chi cô gái này lại còn là cô giáo dậy tiếng Anh nữa, công việc càng trở nên phức tạp và . . . khó khăn hơn.

Một lần đến nhà Jenny ăn cơm tối, Sơn đem theo cây đàn hát tặng Jenny bản nhạc “Nắng Chiều”:

“. . . Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn em anh nói: “Mến em!”
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi . . .”

(Nhạc Lê Trọng Nguyễn)

Hát xong bản nhạc, Sơn đã hỏi Jenny bằng tiếng Việt:

“Jenny à . . . nếu tôi muốn nói . . . anh yêu em . . . bằng tiếng Anh, thì . . . làm cách nào để nói?”

Jenny thích bản nhạc Nắng Chiêu quá, đang lo hát theo, nên không biết mánh của Sơn, cô ngây thơ trả lời:

“Thì nói . . . I love you . . . dễ mà.”

Thế là Sơn vừa khẩy đàn vừa nhìn Jenny mà hát câu hát để đời:

“I love you . . . I love you . . . and I love you . . .”

Sơn hát đến lần thứ ba thì Jenny mới hiểu, cô đỏ mặt hỏi lại Sơn bằng . . . tiếng Anh:

“Are you serious?”

Sơn lại trả lời bằng . . . tiếng Việt:

“Anh nói thiệt mà!”.

Sơn tốt nghiệp thủ khoa khóa Civil Engineer của FIT vào năm 1990.Một tháng sau khi cha mẹ Sơn qua định cư ở bên Úc, Jenny và Sơn làm đám cưới. Jenny rành đủ sáu câu về đám cưới Việt Nam, nên cô đòi đủ thứ . . . nào là áo cưới cô dâu, vương miện, bông tai, dây chuyền vàng, ngũ quả, heo sữa và pháo nổ . . . thậm chí cả phong bao lì xì cho đám con nít giữ cửa ở nhà gái khi rước dâu cũng phải có đầy đủ.

Ba Mẹ của chàng rể Sơn mới từ Việt Nam qua, nghe đằng nhà gái nói tiếng Anh líu lo cứ như là chim hót, chẳng biết người ta nói cái gì, nhưng cũng biết đó là những lời chúc tụng cho cô dâu chú rể.Khi mẹ chồng được mời ra đeo dây chuyền cho cô dâu, thiếu điều bà phải bắc ghế đứng lên mới quàng dây chuyền qua cổ cô dâu Tây được. Đằng nhà gái lần đầu tiên nhìn thấy cô dâu và đám phù dâu mặc áo dài thật là đẹp, thấy người nhà bưng các khay đựng đủ thứ bánh trái, rồi lại được nghe pháo nổ đì đùng khói bay khét lẹt . . . thật là vui . . . vui quá xá là vui.

Vì tốt nghiệp ưu hạng, Sơn được học bổng của chính phủ để học Master, nhưng việc đầu tiên của người chồng và người con là phải lo làm ăn kiếm tiền lo cho gia đình và phụng dưỡng cha mẹ, nên Sơn đã từ chối học bổng để đi làm với công ty xây cất John Holland, và được cử đi làm việc ở Kuching, Mã Lai.

Đứa con gái đầu lòng tên Lanna của hai vợ chồng ra đời vào tháng 4 năm 1993, chỉ một tháng sau là Jenny đã được hưởng Mother day lần đầu tiên trong đời.

Cô gọi điện thoại về Úc chúc mừng mẹ:

“Chúc mẹ một ngày “Mother day” vui vẻ . . . và cũng một ngày “Mother Day” vui vẻ cho chính con nữa . . . vì con cũng đã là mẹ của bé Lana rồi.”

Đến năm 1995, em trai của Lana cũng đã chào đời, được ba mẹ đặt tên là Liam (Từ khi Jenny mới bắt đầu mang bầu, hai vợ chồng đã bàn tính suốt chín tháng trời để tìm cách đặt tên cho con, những cái tên nào vừa có sắc thái của Vương Quốc Anh, lại vừa vẫn có vẻ là một cái tên Việt Nam. Lana cũng có nghĩa là Lan và Liam cũng có thể đọc là Liêm.Ông Bà Nội cũng đọc tên các cháu được, mà Ông Bà Ngoại cũng cảm thấy happy khi gọi tên hai đứa cháu của mình.)

Khi các con đã lớn, và cha mẹ đã có phần già yếu, Sơn và Jenny quyết định xin trở về Úc làm việc. Lana thi đậu vào trườngMac Roberson và tốt nghiệp VCA với số điểm ưu hạng 99.30 nhưng cháu lại không muốn học Y, Nha, Luật . . . mà chỉ muốn theo gót của mẹ, học Art ở Melbourne University, thời giờ rảnh thì cháu . . . đi làm việc thiện nguyện. Còn Liam thì học IT ở RMIT University với ước mơ trở thành . . . tài tử đóng phim, trong khi Jenny thì đi dậy trở lại ở VUT – Victoria University of Technology.

Lana và Liam được mẹ cho biết gốc gác của mình là . . . dân tỵ nạn Việt Nam, vượt biên tới đảo và được định cư ở Úc, nên lâu lâu, hai chị em đùa dỡn với nhau, Liam đóng vai Việt Nam, nói với chị:

“Tôi là . . . Vietnamese Boat people . . . tôi không biết nói tiếng Anh . . .”

Lana đóng vai cô giáo, nghiêm trang trả lời:

“If you be good . . . I will teach you how to speak English . . .”

Jenny và Sơn nhìn nhau cười.

Vào khoảng tháng Ba Năm 2011,trận bão Yasi đã tàn phá hầu hết những trang trại trồng chuối ở Queensland, giá bán chuối ở các siêu thị vọt lên tới con số kỷ lục là $14.00 một Ký, có nơi còn không có chuối để mà bán.

Sáng sớm ngày Mother’ Day năm 2011, ba cha con mặc quần áo đẹp đẽ, trịnh trọng lái xe đi chợ, khệ nệ đem một gói quà thật lớn đưa tặng cho mẹ. Hai chị em cùng la lớn:

“Happy Mother’ Day my dear Mummy”.

Jenny mở gói quà ra: Một nải chuối với năm trái chín vàng óng ánh.

Jenny sung sướng cười thật tươi, nhưng vẫn cự nự chồng:

“Chuối mắc lắm, anh mua làm chi cho tốn tiền.”

Lana và Liam lại đồng thanh nói:

“Chúng con có tiền . . . chúng con mua tặng mẹ.”

Phần của Sơn là một bó hoa đỏ thắm đưa tặng vợ.

Jenny bị cancer ruột từ năm 2006, coi như đã lành bệnh sau nhiều ca mổ, nhưng đến cuối năm 2011 thì bệnh của cô lại tái phát, qua những vết sẹo còn lại của những ca mổ trước đây. Sơn nghỉ làm suốt ngày luẩn quẩn tại bệnh viện St. Vincent lo chăm sóc cho Jenny. Nhà thương thấy vậy, cho Sơn mướn luôn một phòng để ăn ngủ tại chỗ cùng với vợ.

Những ngày cuối của cuộc đời, hai đứa con cũng nghỉ học để ở bên cạnh mẹ.

Lana và Liam nắm tay mẹ mà nói:

“Mẹ sẽ khỏe lại mà . . . Mother’s Day năm tới chúng con sẽ lại mua chuối cho mẹ ăn nữa nha.”

Sơn so lại phím đàn, hát cho Jenny nghe bản nhạc “Bên Kia Sông”:

“. . . Này người yêu, người yêu anh ơi!
Bên kia sông là ánh mặt trời
Này người yêu, người yêu anh hỡi!
Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối
Bên kia núi, núi cao chập chùng
Bên kia suối, suối reo lạnh lùng
Là bài thơ, toàn chữ hư vô . . .”

(Nhạc của Nguyễn Đức Quang.)

Cô Giáo Tỵ Nạn Jenny Ramm ra đi vào ngày 10-01- 2012 với tuổi đời 58 còn rất trẻ trung, để lại chồng và hai đứa con.

Từ bốn phương trời, những người dân Việt tỵ nạn ở đảo Galang trước đây đã được cô giáo Jenny dậy học tiếng Anh đã gởi thơ chia buồn đến cho gia đình:

“Jenny . . . chúc chị ra đi bình yên . . . Tên của chị, hình bóng của chị, tiếng Anh của chị dậy . . . sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí óc chúng tôi . . .”

Cô Giáo Tỵ Nạn Jennifer Joy Ramm, đã đem tất cả lòng nhiệt thành và tuổi trẻ của mình ra để phục vụ người tỵ nạn khắp bốn phương trời, nhất là người tỵ nạn Việt Nam

CÔ DÂU CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN . . . LÀ NHƯ THẾ ĐẤY.

Nguyễn Khắp Nơi
(Viết theo lời kể của anh Nguyễn Sơn và các con.)