Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Hương xưa: HỌA SĨ DUY LIÊM - Sưu tầm.

HỌA SĨ DUY LIÊM - NGƯỜI VẼ BÌA TỜ NHẠC TRƯỚC 1975 (Trước năm 1975, các hình bìa tờ nhạc phần lớn được trình bày bằng các hình vẽ. Hồi ấy có ba họa sĩ nổi tiếng nhất chuyên vẽ bìa nhạc là Phi Hùng, Duy Liêm và Kha Thùy Châu. Khán giả sẽ không bao giờ quên được những hình bìa ấn tượng của các bài hát Thương Về Miền Trung, Chuyến Đò Không Em, Đêm Tâm Sự… qua nét vẽ của họa sĩ Duy Liêm. Bài viết dưới đây là của người con rể của Duy Liêm viết về sự nghiệp của ông) Thời niên thiếu, thú tiêu khiển của tôi là vẽ lại những hình bìa các bản nhạc. Tôi say sưa sưu tầm những bản nhạc, không vì nhạc mà vì những bức họa bìa nhạc của họa sĩ Duy Liêm. Rồi lên đường du học, duyên tiền định, người tôi yêu lại là trưởng nữ họa sĩ Duy Liêm, đó là Duy Nga, người đã cho tôi ba đứa con gái thông minh xinh đẹp. Nhờ Duy Nga, tôi có được một bộ sưu tập tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu, sơn khắc, kim nhũ, bìa nhạc, bìa sách khá phong phú của họa sĩ Duy Liêm. Họa sĩ Duy Liêm, sinh năm 1914 tại Phan Thiết. Vào những năm cuối đời, ông sống ở Việt Nam, hai mắt bị mù, bị suyễn kinh niên. Bình sinh ông ít thích ai viết về ông, mỗi lần có ký giả đến gặp là ông bỏ đi mất, ông vẫn đùa “hữu xạ tự nhiên hương, hà tất phải bôi bù xít”. Nhưng bây giờ thì ông không “thoát” được vì người viết là con rể trong nhà và có lẽ tôi là người có được nhiều nhất các tác phẩm của ông. Họa sĩ Duy Liêm thời trai trẻ Tôi muốn so sánh ông với Katsushika Hokusai, một họa sĩ trứ danh Nhật Bản đã ảnh hưởng đến đời sống mỹ thuật của người Nhật từ thế kỷ 19 đến nay. Với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, họa sĩ Duy Liêm xứng đáng với sự so sánh ấy. Họa phẩm của ông đi vào đời sống người Việt hằng ngày. Ai cũng nhớ đến những màu sắc vui tươi, những đường cong, nét gẫy hình khối, từ tờ giấy bạc thời Việt Minh, đến áo dài bà Ngô Đình Nhu, bức tranh Nhạc Sầu đoạt giải nhất Đông Nam Á hiện còn trang hoàng nơi phòng khách vị Thủ tướng Mã Lai, đến bìa nhạc, bìa sách từ 1954 đến 1990, đến tranh sơn mài Thành Lễ, Lam Sơn, đồ gốm Biên Hòa, tranh thêu Thu Hà, thảm, đồ thủ công, bìa sơn mài, hộp sơn mài… và hàng trăm tấm tranh lụa, sơn dầu đã được bán ra ngoại quốc. Tranh Thành Lễ được sao đi sao lại hàng trăm, hàng nghìn bản mỗi mẫu từ mấy chục năm nay, tranh sơn mài Thành Lễ hiện diện trong mỗi gia đình Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại nhưng ít ai biết đến tác giả các bức tranh ấy là họa sĩ Duy Liêm. Thành Lễ và Duy Liêm cùng học Trường Mỹ thuật Trang trí Gia Định (Ecole d’Art decoratif de Gia Định). Thành Lễ ngừng học từ năm thứ hai, ra đời kinh doanh ngành sơn mài và Duy Liêm tốt nghiệp năm 1937 là họa sĩ chính của Thành Lễ từ đó. Tài kinh doanh của Thành Lễ và nghệ thuật của Duy Liêm đã đưa nghệ thuật sơn mài từ một tiểu công nghệ bản xứ qua những lần huy chương vàng Hội chợ Paris và các hội chợ quốc tế khác, thế giới đã biết đến sơn mài Việt Nam. Các tác phẩm của Duy Liêm đã tạo nên công ăn việc làm cho hàng ngàn người các ngành sơn mài, đồ gốm, thảm thêu và các nghệ nhân miền Nam vẫn kính trọng ông là bậc thầy của nền tiểu công nghệ Việt Nam. Duy Liêm và tranh sơn mài Nhiều bức sơn mài đã trải qua “tam sao thất bản”, nhiều bức trải qua các tay thợ vụng về đã làm sai lạc rất nhiều so với bản chính. Các hãng sơn mài trong nước, cũng như các hãng Thành Lễ của Hoàng Đình Tuyên (con rể Thành Lễ), của Nguyễn Thành Vinh (con ruột Thành Lễ) đã sửa đổi thêm thắt làm sai lạc và mất vẻ thẩm mỹ rất nhiều so với bản chính. Đó là lý do sự sa sút của ngành sơn mài những năm gần đây. Những tác phẩm đắc ý nhất của ông là tranh lụa, tôi dược may mắn có những tác phẩm đắc ý của ông: “Giấc hè” - một thiếu phụ cho con bú ngủ quên trên võng trưa, con ngủ, mẹ còn lộ bộ ngực trần. “Du Xuân” - hai thiếu nữ đi giữa vườn hoa xuân. “Suối tóc” - bộ tranh thiếu nữ ngồi chải tóc trên giường tre bên bụi chuối đong đưa ngoài vườn. “Hái sen” - thiếu nữ hái sen bờ ao. Đề tài tranh ông rất phong phú đa dạng từ cảnh chài lưới Phan Thiết đến đền Angkor, vinh quy bái tổ, cảnh ghe thuyền trên sông, cung điện Huế và đề tài ông thường vẽ nhất có lẽ là thiếu nữ Việt Nam. Sơn dầu, ông vẽ nhiều nhất tranh lập thể và lõa thể. Các nhạc sĩ miền Nam ngày trước, muốn nhạc phẩm mình ăn khách, theo lời khuyên nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, Diên Hồng, Sống Mới… là phải cố cho được bìa của Duy Liêm vẽ, vì thế mỗi bản nhạc viết xong là các nhạc sĩ thường phải xách đàn dẫn ca sĩ đến hát cho Duy Liêm nghe để vẽ bìa. Nhạc hay, Duy Liêm có hứng sẽ vẽ bìa đẹp, còn nhạc dở thì dù có năn nỉ, đắt tiền gấp đôi, nhạc vẫn bù trớt. Vì thế, giới nhạc sĩ miền Nam, từ Hoàng Thi Thơ, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết… đều rất thân thiết với Duy Liêm và qua ông đã đưa lên danh vọng người cháu gái là ca sĩ Thanh Thúy. Những năm tháng cuối của cuộc đời, khi mắt Duy Liêm chưa mờ hẳn mà còn lờ mờ thì các con vẽ theo ý ông và ông sửa chữa, sau đó thì các con của ông đã trở thành các họa sĩ. Duy Sĩ, họa sĩ một hãng phim hoạt họa ở Portland (Mỹ), đã từng được giải thưởng lớn truyền hình Mỹ. Quốc Hoàng, họa sĩ chính các hãng sơn mài, thay thế ông. Họa sĩ Vẹt (Hồ Đắc Vũ), con rể (Canada). Đây là lúc để tổng kết lại một đời sáng tác của một họa sĩ đa tài, đa tình, đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ về lượng cũng như về phẩm, để lại bao nhiêu mối tình và ba mươi người con từ trong nước ra đến ngoài nước. Đó là điều hiếm có đối với một họa sĩ một nước nghèo, nghệ thuật hội họa chưa được trân trọng như các nước tiên tiến. Tôi mơ ước mai sau sẽ xây dựng một viện bảo tàng hội họa Duy Liêm ở Phan Thiết, quê hương ông, hay ở Gò Vấp, nơi ông sống và sáng tác, để sưu tầm toàn bộ sự nghiệp của ông ước lượng 40.000 hay 50.000 tác phẩm, từ sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, bình, hộp, thảm, sứ… - những tác phấm đã nâng cao nghệ thuật sơn mài Việt Nam lên tầm quốc tế, một sự nghiệp đồ sộ - tôi nghĩ không kém gì các họa sĩ tiếng tăm trên thế giới. Họa sĩ Duy Liêm đã qua đời năm 1994, hưởng thọ 80 tuổi. Nhất Uyên (Nguồn: Thế Kỷ 21 số 49, Tháng 5-1993)

Thơ: KỶ NIỆM ĐỒI HOA - Ngọc Minh.

 KỶ NIỆM ĐỒI HOA  


Hoa  dã  quỳ  thoang  thoảng hương đưa 

Thấp  thoáng  ai...như  người  xưa  cũ 

Dã  quỳ  ơi  sao  mà  quyến  rủ 

Như  tình người yêu dấu  chẳng mờ phai 


Em  đứng  giữa  khung  trời  gom  cô  quạnh 

Ươm  niềm vui  nảy  nở  khúc  ru  tình  

Dào  dạt  trời  mây  vẽ  giấc mơ xanh...

Dắt  díu  nhau  tìm  dấu  mùa  hoa  cũ  ...


Hoa  mùa  đông hoa  vàng  ôi  quyến  rủ 

Chập  chùng hoa chập chùng cánh đồi chiều 

Mà nghe  như...ngàn vạn nỗi hoang  liêu 

Choàng lên đỉnh đông sầu em dịu vợi 


Có  ai  về  chiều  nay  nghe  gió  hỏi  

Thung lũng buồn lay lắt  ngọn sầu đông 

Hoa  vẫn vàng  người  còn  đứng ngóng trông 

Biền biệt gió còn lưng  trời phiêu bạt. 


Ngọc Minh      

Hà nội 14.12.2020

Cuộc sống: ĐẠI HẠ GIÁ - St trên mạng.





 ĐẠI HẠ GIÁ!

Thời buổi này còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử v...v... hạ giá! Tôi cầm mảnh bằng đại học cạ cục mãi chưa tìm ra việc làm, cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Leon Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ” nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi:

- Nên cười hay nên khóc, thưa chư liệt vị?

Cách đây ít lâu, một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh do Khai Trí tái bản. Cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẻ, tôi mua. Loại ấn bản này đây, gặp loại khách biên biết, bán cũng được lời.

Ngoài bìa và một số trang ruột của mỗi cuốn, đều có ấn dấu son hình ellipse: “Bibliothèque - Đô Bi - Professeur” (Thư viện - Đô Bi - Giáo Sư). À, té ra ông lão vốn từng là giáo chức. Thảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngoảnh lại nhìn những tài liệu - tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe. Lòng tôi chợt se lại!

Chiều 25 Tết. Ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm, chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy, lá vàng rơi trên giấy. Sài Gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ Vũ Đình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lết vệ đường như tôi.

- Anh mua bánh bò, bánh tiêu?

Một chị hàng rong đến mời. Tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ từ điển. Chị ngồi thụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu, chị nói:

- Anh có bán... trả góp không?

- Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại, tôi nào biết chị là ai, ở đâu?

- Tôi cần mua cả hai - chị nói tiếp - xin anh giữ, đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ, tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.

Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Đô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ, không đủ tiền mua một lần nên chị xin trả góp.

Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:

- Chị hãy cầm lấy, kịp làm quà Tết cho thầy. Tôi cũng xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.

- Nhưng...

- Đừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.

Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quít trả tôi một ít tiền.

- Chao ôi, quý hóa quá! Cảm ơn... cảm ơn... anh nhá!

Mai lại, chị Tám trả góp tiếp. Chị kể :

- Thầy Bi thảm lắm... Gần Tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách, mừng mừng tủi tủi tội ghê, anh à!... Thầy cũ trò xưa khóc, khóc mãi!

Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và thét to:

“Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski... ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô... ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là "TẤM LÒNG”.

ST

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Thơ : GỞI CON CHIÊN NGOAN - Thạch Thảo.

 





GỞI CON CHIÊN NGOAN


Đất trời trở lạnh Noel đến

Tưởng tượng đêm nay có một người.

Co ro quỳ gối bên chân Chúa

Khấn nguyện an bình cho lứa đôi.


Háo hức phố xưa chùn áo nhỏ

Cũng đến nhà thờ dự lễ đêm.

Hang đá, thông xanh...đèn nhấp nháy

Cầu ngôi cao rót mộng êm đềm.


Thưa Chúa ...dẫu là ngoại đạo

Nhưng niềm tin vẫn ở trong con

Tay Thánh ban ơn cùng thế giới

Giúp đời an lạc cứu quê hương.


Lầu chuông rộn rã vang hồn Chúa 

Có chở lời yêu đến một người?

Con chiên ngoan đạo riêng lòng nhỏ

 Hạnh phúc tràn vui. Chỉ thế thôi.


 Thạch Thảo Bình Dương (24-12-2020)

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Viết từ phương xa: Ổ BÁNH GIÁNG SINH - Nguyễn Thị Thanh Dương.

 

Ổ Bánh Giáng Sinh


Thắng Cu Tí của tôi thật là “gà tồ”, 14 tuổi, to cao hơn cả mẹ, nhưng vẫn trẻ thơ dễ thương khi vòi vĩnh tôi: - Mẹ làm bánh Giáng Sinh đi, con muốn được thấy mẹ làm bánh và ăn bánh của mẹ. Nếu đây là lời đề nghị của bố nó thì tôi sẽ chột dạ, cho là anh ta nói…móc mỉa tôi, nhưng thằng Cu Tí hiền lành ngây thơ thế kia, những gì nó nói ra là tiếng nói thật từ trái tim nó. Tôi hỏi lại cho chắc ăn: -Tại sao năm nay con muốn mẹ làm bánh? Những năm trước chúng ta vẫn mua bánh ở tiệm cơ mà? - Con có một thằng bạn thân nó khoe với con đầy vẻ hãnh diện rằng mỗi mùa Giáng Sinh mẹ nó đều làm bánh tại nhà, vừa vui vừa ngon hơn ở tiệm. Con nhớ, lâu lắm rồi đó, mẹ cũng đã làm bánh cho mùa Giáng Sinh, con và Bố đã ăn rất nhiều, phải không mẹ?


Tôi nhớ lại cái lần tôi lò mò làm ổ bánh Giáng Sinh, năm đó Cu Tí mới 8 tuổi. Có lẽ trong ký ức Cu Tí, cái cảnh bừa bộn trong bếp, nào máy đánh trứng, nào khay, nào thìa, nào bơ, đường, bột…Và tôi thì xắn tay áo (làm bánh mà làm như sắp sửa đi…đánh nhau) mặt dính bột, tay dính bơ, còn bố nó thì chạy đi chạy lại, lăng xăng theo mỗi lời sai bảo của tôi, đã là một cảnh tượng vui mắt chưa từng thấy trong đời, nên nó còn nhớ mãi cho đến giờ? Và nhất là ổ bánh nướng bị khét, tôi bắt hai bố con nó ăn cho bằng hết còn hơn là…vứt vô thùng rác, trong khi tôi lại kiên nhẫn đánh trứng để làm lại ổ bánh khác.

Cái bánh thứ hai, rút kinh nghiệm, không khét, nhưng tới phần trang hoàng kem mới là nhiêu khê, rách việc. Khi tôi nhìn các thợ làm bánh biểu diễn trên ti vi hay trong các cửa chợ sao mà dễ dàng và gọn gàng thế? Còn tôi bày đủ đồ nghề ra bàn, hoa cả mắt, màu xanh màu đỏ loạn xà ngầu, tới phần trang trí những cành Hoa Hồng thì tôi…chơi tất cả các màu, xanh, đỏ, vàng, tím, hồng, cam… từ hoa tới lá, tới cành. Chồng tôi gọi đó là loại hoa “hiếm quý” trên cõi đời vì màu sắc “đa dạng” của nó. Vậy mà Cu Tí của tôi vẫn thích mê, vẫn sung sướng khen đẹp, khen mẹ tài ba, vì Cu Tí chưa thấy ổ bánh nào có nhiều màu sắc “nổi bật” như thế, sặc sỡ như thế.

 Tôi cảm động, thương Cu Tí quá, nó là người duy nhất khen tôi, kể từ khi tôi biết vào bếp nấu nướng cho đến giờ.

Sau mùa Giáng Sinh đó tôi không còn hứng thú làm bánh Giáng Sinh nữa mà chỉ order ở tiệm là sẽ có ổ bánh nhanh gọn nhất. Thế mà năm nay Cu Tí nhớ lại và “xúi” tôi làm bánh, lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, ai nỡ từ chối, dù tôi đã hết hứng thú làm bánh từ lâu rồi.

 Tôi hớn hở nhận lời:

- Con yên trí, đêm Giáng Sinh này chúng ta sẽ có một ổ bánh “home made” đàng hoàng. Cả nhà mình sẽ diễn lại cảnh vui như ngày xưa, bố sẽ phụ giúp mẹ…

Cu Tí khoái chí:

-         Cả con nữa mẹ ạ. Bây giờ con lớn rồi, cũng hữu ích cho mẹ được mà.

Thế thì còn gì bằng, năm nay tôi sẽ có hai người phụ tá, hi vọng ổ bánh sẽ hoàn tất nhanh chóng và tốt đẹp hơn và có ý nghĩa là vợ chồng con cái được dịp quây quần vui vẻ, chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh huyền diệu.

  Hai ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi mua về những vật liệu làm bánh cake. Chồng tôi giật mình như vừa trông thấy một điều bất bình thường:

-         Hình như…em định làm bánh hả ?

-         Anh đã thấy cụ thể, lù lù ra đấy mà còn “hình như” cái gì nữa. Em sẽ làm bánh Giáng Sinh đấy. Rồi sao?

-         Anh tưởng mấy năm qua em đã quên đi cái chuyện làm bánh rồi, tưởng anh được yên thân. Bây giờ lại…

Tôi trấn an, thông cảm:

-         Anh đừng lo, 6 năm qua, em đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm từ bạn bè, sách báo, và vẫn có…

-         Có anh phụ tá, chứ gì? Anh ta ngán ngẩm ngắt lời tôi.

-         Chẳng những có anh mà có cả Cu Tí luôn. Chính nó đề nghị em làm bánh và hứa sẽ phụ giúp nên lần này chắc anh sẽ đỡ…vất vả hơn lần trước.

Tôi dịu dàng tâm lý chiến:

-         Cu Tí muốn thấy mẹ làm bánh, muốn được ăn cái bánh “sản xuất” tại nhà. Chúng ta hãy làm những gì có thể làm để mang lại niềm vui cho con trong ngày lễ Giáng Sinh trọng đại này. Anh nhé!

Anh ta vẫn còn nhăn nhó:

-         Có ý nghĩa thật đấy, nhưng chỉ khổ cho anh, phải dọn dẹp, rửa ráy khay, chậu, đồ nghề dính đầy bơ sữa của em, Những hình ảnh ấy  vẫn còn ám ảnh anh cho đến bây giờ.

Thấy mặt tôi “sưng” lên, anh ta vội vàng sửa lại:

-         Tuy nhiên cũng… OK, nhưng lần này em nhớ chuẩn bị đúng màu trộn vào kem trang hoàng ổ bánh nhé. Cu Tí lớn rồi, không còn bé như năm xưa đâu, nó sẽ biết rằng trên khắp thế gian này không có cây hoa Hồng nào mà hoa lá cành có đủ tất cả các màu như 7 sắc cầu vồng đâu nhé.

                        ***           ***             ***

Hôm sau, tôi bày tất cả đồ nghề, vật liệu ra bàn bếp, tưởng rằng Cu Tí sẽ vui thích xà vào như ngày xưa, nhưng nó lỉnh đâu mất. Tôi không muốn để phí giây phút hạnh phúc này, chạy lên lầu tìm con, tôi ngạc nhiên thấy Cu Tí ngồi ru rú trong phòng, nó nhìn tôi bằng đôi mắt có lỗi và đầy vẻ bồn chồn khác thường:

-         Mẹ ơi, con xin lỗi, con không giúp mẹ được. Nhưng mẹ cứ làm bánh đi, đó là ngày vui của gia đình mình.

-         Thế con bận gì nào?

Nó leo lên giường, trùm mền, thảm sầu:

-         Con không được khoẻ, con cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi thôi. Nếu bất cứ ai đến đây tìm con, mẹ nói con …không có nhà  nhé.

Tôi không còn ngạc nhiên nữa mà hoảng hốt lên, tốc mền ra, sờ trán thằng Cu Tí:

-         Con có nóng sốt gì đâu. Con bị gì? Để bố đưa con đi bác sĩ.

Cu Tí kéo mền lên lại và cương quyết:

-         Khỏi cần! Con bảo đảm với mẹ là…mai con sẽ khỏi, nhưng với điều kiện như con vừa mới nói, con không muốn gặp ai.

Tôi lại chạy bay xuống nhà dưới, nước mắt ràn rụa, thông báo cho chồng:

-         Anh ơi, Cu Tí nhà mình làm sao ấy.  Mới mấy hôm trước nó hớn hở đòi em làm bánh để nó tham dự cho vui. Bây giờ nó “xù”, không thèm xuống, mà còn nói những điều em không hiểu nổi…

Nghe tôi kể, chồng tôi cũng thắc mắc:

-         Hồi nào đến giờ, bạn bè đến, nó đều vui vẻ cơ mà?

-         Trông nó lo lắng, khác thường lắm anh ạ. Cu Tí nằm trùm mền, chán đời như một thằng đàn ông vừa bị lay off, vợ bỏ, và nhà cửa, xe cộ, bị nhà băng kéo vậy đó.

Chồng tôi chợt reo lên như nhà phát minh vừa tìm ra đáp số:

-         Anh biết rồi, Cu Tí đang yêu!

-         Nó mới 14 tuổi, ngây thơ trong trắng. Con em, em biết mà…

Chồng tôi vẫn khăng khăng:

-         Nó đang tương tư đấy em ơi. Thằng con trai cao lớn, đẹp trai như Cu Tí thiếu gì con gái theo, làm gì mà nó không xúc động?

-         Thế thì chán quá, em chẳng còn tâm trí nào làm bánh nữa, trong khi con em đang đau khổ vì một con ranh con nào đó. Hừ! để em phải hỏi nó cho ra lẽ…

Tôi lại hồng hộc chạy lên lầu, nhưng cửa phòng Cu Tí đã đóng chặt, bên trong im lìm, tôi không thể làm gì khác hơn là đi xuống nhà. Chồng tôi nhìn đống vật liệu bừa bộn trên bàn và “sung sướng” đưa ra ý kiến:

-         Hay là dẹp làm bánh đi, em nhé?

Từ rầu rỉ tôi vùng lên:

-         Chuyện đâu còn đó, kế hoạch làm bánh đã lập ra, vật liệu đã chất một đống đây, thì em phải làm . Cu Tí vẫn muốn được ăn bánh của em cơ mà.

Tuy vậy tôi vẫn  bắt tay làm bánh với tâm trạng hoang mang, đầu óc nghĩ lung tung, không biết chuyện gì đang xảy ra cho con tôi? Cầm máy đánh trứng làm sao mà để bắn tung toé trứng vào cả mặt, cả tóc tôi. Chồng tôi đứng bên cạnh, may mà anh ta “né” được, nên không bị gì, nhưng cũng cằn nhằn:

-         Em cẩn thận kẻo văng xuống sàn nhà, đừng trách sao lại có kiến, có dán.

-         Cho dù em có làm văng xuống sàn nhà, nhưng lỗi là tại…anh không lau chùi sạch sẽ. Tôi cãi và tiếp tục sai bảo:

-         Thôi, anh chuẩn bị cân cho em 200 gram đường, 250 gram bột mì và lấy giùm em 1 gói va ni trong cái hộp nho nhỏ màu trắng đặt giữa cái hũ màu vàng và màu xanh, để ở cái tủ gỗ phía bên phải, gần cái oven đấy.

-         Trời ơi, gói va ni mà em cất giữ như kho tàng quý báu ấy, muốn tìm được cũng điên đầu. Em mà hối quá, anh cân lộn bột mì thành đường bây giờ.

-         Nếu thế thì chết em đấy, thiếu bột khi nướng bánh sẽ xẹp. Đã mấy lần anh phải ăn bánh xẹp kiểu ấy rồi. Anh chưa ngán à ?

Chồng tôi đang cân đong, đo đếm, thì đúng lúc đó chuông cửa reo, khách nào mà …không biết điều, đến ngay vào lúc cả hai vợ chồng tôi đều bận bịu thế này?

-         Ai thế nhỉ? Chắc có liên quan đến thằng Cu Tí? Để anh ra xem…

Chồng tôi nói và bỏ mặc đường bột bơ vơ trên bàn, hối hả ra mở cửa. Một lát anh ta quay vào:

-         Có hai đứa bạn gái cùng lớp Cu Tí, đòi gặp Cu Tí.

-         Anh có hỏi tụi nó chuyện gì không?

-         Anh chưa hỏi, vì tụi nó nói chỉ có thể nói chuyện này với con mình thôi. Em là phụ nữ, chắc sẽ dò hỏi tụi nó dễ hơn.

Đến lượt tôi bỏ mặc thố trứng đang đánh dở dang, nằm bơ vơ bên cạnh đống đường bột cũng đang bơ vơ nhu thế, lau sơ mặt và tay, tôi bước ra phòng khách. Hai cô bé xinh xẻo, tuổi cỡ Cu Tí đang ngồi đợi ở ghế sôfa.

-         Cháu chào bác ạ.

Hai đứa cùng đứng dậy chào tôi. Tôi đáp lại:

-         Bác chào hai cháu, hai cháu là ai?

-         Thưa bác, hai cháu là bạn thân của nhau và cũng là bạn cùng lớp của Steve. Cháu tên là Amanda Nguyễn và bạn đây là Cindy Nguyễn. Chúng cháu muốn gặp Steve có chuyện khẩn cấp.

Tôi hồi hộp thầm đoán, chắc đây là nguyên do Cu Tí có thái độ “trùm mền” hôm nay. Tôi phải điều tra cho ra ngọn nguồn mới được, xem đứa nào là “thủ phạm” đã làm  trái tim con tôi “rướm máu”,  con tôi “đau khổ” như thế.

Tôi hỏi:

-         Amanda và Cindy muốn gặp Cu Tí có chuyện gì?

Con Amanda mở tròn đôi mắt to đen hạt huyền của nó lên. Đẹp thế, mà tôi cũng chẳng lòng dạ nào mà khen:

-         Cu Tí là ai hả bác??

Rồi đến lượt con Cindy cũng tròn vo đôi môi cong cong, xinh xẻo lên mà hỏi:

-         Cu Tí nghĩa là gì hả bác?

-         Cu Tí nghĩa là…

Tôi đâm ra bối rối, biết giải nghĩa tên “Cu Tí” thế nào bây giờ? Những nick name người Việt Nam đặt dễ thương thật đấy, nhưng giải nghĩa ra thấy …kỳ kỳ làm sao! Như Cu Tí, Cu Tèo, Gái Lớn, Gái Nhỏ. Ở xóm tôi tại Việt Nam khi xưa, có nhà đặt tên con là “Thằng Vẹo”(vì chân nó có tật, đi xiêu vẹo một chút) con Ù ( mập ù) con Nị ( vì bé tí nị) Gọi từ bé cho đến lớn thì chết tên luôn, dù bây giờ anh Vẹo đã chữa đôi chân bớt vẹo, có vợ đẹp con khôn. Còn con Ù, con Nị, đã là hai cô gái xinh đẹp, có khối chàng đang theo đuổi.

Tôi giải thích:

-         Cu Tí là cái tên Việt Nam bác gọi ở nhà của thằng Steve ấy mà. Thế hai cháu muốn gặp Steve chuyện gì thì cứ nói với bác, bác sẽ giúp cho. Steve dặn bác là hôm nay nó không muốn tiếp ai hết.

Hai con bé nhìn nhau, rồi cùng thì thầm với nhau gì đó. Con Amanda lên tiếng:

-         Steve không muốn tiếp tụi cháu thật hả bác?

  Tôi dỗ dành hai con bé:

-         Bác là mẹ Steve. Hãy coi bác như một người để tâm sự đi. Bác sẽ hiểu hai cháu muốn gì và biết đâu sẽ giúp được hai cháu…

Cindy nói:

-         Nếu Steve không muốn gặp tụi cháu, thì tụi cháu phải nói ra thôi và nhờ bác nói lại với Steve nhé.

Tôi lại hồi hộp như sắp sửa phải nghe một chuyện…kinh dị. Cindy tiếp:

-         Cháu và Amanda cùng…yêu Steve, tụi cháu muốn gặp gỡ tay ba, để Steve muốn chọn ai thì chọn. Thẳng thắn, rõ ràng như vậy, còn hơn là hai đứa cứ yêu và Steve cứ im lặng.

Thôi chết rồi, đây là một chuyện tình, mà lại là chuyện tình tay ba, mối tình “tam giác” mới éo le. Tôi kinh hoàng nhớ đến những chuyện tình tay ba gây án mạng, đổ máu đã từng đăng trên báo. Tôi cố trấn tỉnh để hỏi tiếp hai con nhỏ nhãi ranh đang yêu kia:

-         Các cháu yêu Steve hồi nào? Sao lại đòi Steve lựa chọn vào đúng dịp lễ này?

Con Amanda lại mở to đôi mắt đẹp như mơ của nó:

-         Có tình yêu vào mùa lễ Giáng Sinh mới vui chứ bác. Tụi cháu sẽ có lí do tặng quà cho nhau, sẽ hẹn nhau đi chơi phố .

Tôi nghĩ thầm, hai con bé này ảnh hưởng ti vi, phim ảnh quá rồi. Còn Cu Tí, dưới sự dạy bảo và kiểm soát của tôi, tôi vẫn tin nó là một thằng “ ngốc nghếch” không hơn không kém.

Với tâm hồn của một người mẹ, của một người phụ nữ, tôi dịu dàng nói chuyện với hai con bé rằng: hai cháu và Steve, còn rất trẻ, tương lai ở phía trước, các cháu phải ngoan ngoãn, chăm lo học hành. Ở tuổi này, mọi thứ, từ ăn ở, học hành, đều lệ thuộc vào cha mẹ, gia đình, thì yêu nhau để được gì? Sẽ ảnh hưởng đến việc học, đến tư cách của các cháu. Thay vì Amanda và Cindy dành nhau trái tim của Steve, tại sao cả ba không là tình bạn? Các cháu sẽ không mất gì cả, hai cháu vẫn là đôi bạn thân và cùng có Steve. Khi nào các cháu khôn lớn trưởng thành, tình yêu mới đích thực là tình yêu

Hai con bé lại nhìn nhau, ánh mắt trao đổi như công nhận tôi nói có lý, sẽ không ai mất gì cả, còn hơn là  sẽ mất một người bạn, và mất cả người mình thương.

  Cindy nói:

-         Vâng chúng cháu sẽ vâng lời bác. Bác cũng nói với Steve như thế nhé?

-         Chúng cháu hứa sẽ cùng là bạn với Steve. Amanda nói tiếp.

Tôi thở phào, nhẹ nhỏm:

-         Vậy tối mai là Christmas Eve. Bác mời hai cháu đến đây ăn mừng lễ Giáng Sinh với gia đình bác, với bạn Steve nhé?

Hai con bé vui mừng nhận lời và chào tôi ra về.

Tôi lên lầu để nói chuyện với Cu Tí, dù vẫn tin tưởng ở con mình nhưng nếu tôi đã lầm thì đây cũng là dịp để tôi dạy dỗ, chỉ bảo Cu Tí như đã làm với Amanda và Cindy.

Có lẽ Cu Tí đã biết nãy giờ tôi tiếp hai khách của nó, nên cửa phòng đã mở. Thấy tôi vào, nó thò đầu ra khỏi tấm mền, hỏi ngay:

-         Hai con đó về chưa mẹ?

Tôi ngồi xuống bên cạnh con:

-         Chúng nó đã về rồi. Con hãy nói cho mẹ nghe đi, có phải hai đứa nó yêu con không?

Cu Tí gật đầu.Tôi hỏi tiếp:

-         Vậy con yêu đứa nào?

Tức thì Cu Tí trợn mắt lên, phản đối:

-         Ai nói với mẹ thế? Hai con đó thích con, nhưng con không thích con nào hết.

Tôi nhìn cử chỉ và nhìn sâu vào đôi mắt Cu Tí, tôi sung sướng biết là Cu Tí ngây thơ vô tội trong “chuyện tình” này.

-         Hai con này cứ theo con hoài, con chẳng biết làm sao, vì con chỉ coi chúng nó như những đứa bạn cùng lớp thôi. Hôm qua, nó đưa con tờ giấy này…

Cu Tí móc túi áo, đưa tôi tờ giấy có ghi mấy hàng chữ: “Steve, Chiều mai Amanda và Cindy sẽ đến nhà Steve để chúng ta cùng nói chuyện. Trước mặt ba người, Steve phải lên tiếng chọn, ai sẽ là người yêu của Steve nhé”.

Đúng là trẻ con thời đại này và ở xứ Mỹ này, biết yêu sớm và thẳng thắn như Mỹ. Trong khi Cu Tí đã được chúng tôi dạy dỗ theo phong tục rất Việt Nam, đã biết yêu là gì đâu, ngoài chuyện học hành. Hèn gì thằng Cu Tí sợ, phải lập kế giả bệnh, trùm mền để trốn tránh.

Tôi kể cho Cu Tí nghe Amanda và Cindy đã hiểu ra và sẽ giữ tình bạn với con như trước. Cu Tí vui mừng ôm chầm lấy tôi:

-         Mẹ giỏi quá! Vậy mà con đã lo âu suốt từ hôm qua đến giờ, vì chẳng biết tính sao.

Rồi nó tung mền, vùng dậy:

-         Bây giờ con xuống bếp phụ mẹ làm bánh đây.

                  ** *   ***   ***

Đêm Christmas Eve, chúng tôi sửa soạn bày tiệc ra bàn, ổ bánh Giáng Sinh tôi làm được đặt ngay chính giữa, tuy màu sắc không tréo ngoe, nhưng cũng…không đẹp hơn ổ bánh cách đây 6 năm là bao. Chắc tài cán tôi chỉ cỡ đó, không…thụt lùi là may rồi. Ổ bánh có công của Cu Tí rất nhiều, nó đã chia sẻ một nửa sự vất vả mà 6 năm trước bố nó phải gánh chịu một mình. Tuy bề ngoài ổ bánh trông “vô duyên” thế, nhưng tôi hi vọng chất lượng bánh thơm ngon, vì bơ để làm kem tôi mua loại đắt tiền, với chủ ý lấy nội dung  “cứu bồ” cái hình thức, mà tôi đã tiên đoán trước, không thể nào sai được.

Đúng giờ, hai con bé Amanda và Cindy đến, chúng khệ nệ bưng theo một ổ bánh Giáng Sinh đã mua từ cửa tiệm nào đó để làm quà. Chồng tôi mở hộp bánh ra và đặt cạnh ổ bánh của tôi. Dĩ nhiên, ai cũng thấy “Hai khung trời khác biệt” giữa hai ổ bánh, một bên thì lộng lẫy, hoa mỹ, một bên thì vụng về, méo mó.

Chồng tôi nói với riêng tôi:

-         Cái ổ bánh kia đẹp xấu không quan trọng bằng trong ngày lễ tươi vui này, chúng ta biết rằng con chúng ta vẫn ngoan ngoãn, trong sáng và em đã giúp được hai con bé kia thoát ra được cái vòng tình yêu vụng dại, ngớ ngẩn. Thắt chặt lại tình bạn bè của ba đứa nó.

Trẻ con thường mau quên, nhìn Amanda và Cindy cùng nói chuyện tíu tít với thằng Cu Tí, tôi hiểu chúng nó vẫn chỉ là ba đứa trẻ, ba đứa bạn học cùng lớp. Tôi ngắm nhìn hai ổ bánh Giáng Sinh và thì thầm một mình:

- “ Hỡi hai ổ bánh Giáng Sinh, một đẹp, một xấu kia! Cả hai đều là tấm lòng chân thành, thương mến với Steve, với thằng Cu Tí và gia đình chúng tôi đêm nay. Đây mãi mãi là hai ổ bánh Giáng Sinh đẹp nhất trên cõi đời này.”.

               Nguyễn thị Thanh Dương

Hương xa: KỲ TÍCH TRONG ĐÊM GIÁNG SINH - Phong Luu

 





KỲ TÍCH TRONG ĐÊM GIÁNG SINH


   Một công ty nọ có truyền thống tổ chức tiệc và rút thăm trúng thưởng vào Giáng Sinh mỗi năm. Theo quy định rút thăm trúng thưởng, mỗi thành viên tham gia đều phải đóng góp 10 USD làm lệ phí. Toàn công ty có 300 người, phần thưởng chính là tổng số tiền 3000 USD của 300 người gộp lại, ai may mắn sẽ được mang số tiền đó về nhà.


Vào ngày tổ chức lễ bốc thăm, không khí náo nhiệt tưng bừng hơn bao giờ hết, ai nấy cũng mong đợi tới giờ vàng để thử vận may của mình. Mỗi người đều được phát một mẩu giấy để ghi tên mình trước khi bỏ vào thùng bốc thăm trúng thưởng. 


Trong lúc chuẩn bị ghi tên, một cậu nhân viên trẻ chợt phân vân suy nghĩ: “Cô lao công Sarah là người có gia cảnh khó khăn nhất. Con cái lại mắc nhiều bệnh tật, mà cô thì không có tiền để phẫu thuật cho con. Giá như cô có được số tiền này thì tốt biết mấy, nhưng cô lấy đâu ra 10 USD để tham gia?"


Nghĩ rồi, cậu không đắn đo mà quyết định sẽ ghi tên cô Sarah thay vì ghi tên mình lên đó. Mặc dù biết cơ hội quá mong manh, chỉ có 1/300 cơ hội, nhưng cậu vẫn cầu mong vận may mỉm cười với cô.


Đến lúc chuẩn bị rút thăm, không khí hồi hộp và căng thẳng. Mọi người cùng nhìn lên khán đài khi giám  đốc công ty chọn ra tấm phiếu may mắn. Ở bên dưới, cậu thanh niên trẻ không ngừng cầu Chúa. Chúa ơi! hãy giúp đỡ cô Sarah…


Vị giám đốc từ từ mở mẩu giấy ra… Mọi người đều nín thở chờ đợi đến mức tiếng kim đồng hồ cũng có thể nghe thấy. Khi nhìn vào cái tên trên tấm phiếu may mắn, vị giám đốc bất giác mỉm cười… Rồi ông đọc to lên… Kỳ tích thật sự đã xuất hiện khi cái tên Sarah được xướng lên. 


Những tràng vỗ tay chúc mừng vang lên không ngớt, tràn ngập cả hội trường. Cô Sarah vừa vui mừng, vừa bất ngờ vì không biết mình được tham gia. Khi bước lên bục nhận phần thưởng, cô rối rít cảm ơn:

- Tôi thật may mắn! Có số tiền này con tôi được cứu rồi. Cảm ơn mọi người! Cảm ơn mọi người!.


Buổi tiệc diễn ra trong những tiếng nói cười, và tiếng nâng ly chúc tụng. Chàng nhân viên trẻ miên man suy nghĩ về cái kết có hậu của đêm Giáng Sinh năm ấy, bởi mọi thứ xảy ra như một kỳ tích. 


Cậu vừa bước dạo xung quanh, vừa chúc tụng mọi người một Giáng Sinh vui vẻ. Vô tình đi qua thùng phiếu, thuận tay cậu rút lấy 1 tờ ra xem, và… Lạ chưa kìa, trên mảnh giấy đó có tên cô Sarah. Cậu không dám tin vào mắt mình nên vội vàng rút ra thêm một mẩu giấy khác, và một mẩu giấy nữa... Tất đều có tên cô Sarah trên đó.


Một nỗi xúc động dâng trào trong lòng cậu, giống như những cơn sóng thuỷ triều dâng lên mãnh liệt. Những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng tuôn rơi. Cậu nhận ra một điều, thế giới này thực sự tồn tại kỳ tích. Có điều, kỳ tích đó không phải từ trên trời rơi xuống, mà nó được tạo ra bởi những con người có tấm lòng lương thiện quanh ta.❤️


Phong Luu (nguồn Internet)

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Chuyện hương xa: DUYÊN PHẬN- Phong Luu st.

 





DUYÊN PHẬN

Tác Giả: Fulton Oursler

Dịch Giả: Nguyễn Hiến Lê


 - Ngày cô bé Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Có lẽ hồi ấy các bạn đã được nghe phong phanh câu chuyện đó. Nhưng báo chí không nêu tên mà cũng không kể chi tiết nên hôm nay tôi xin thuật lại tường tận.

Pierre đã được ông nội để lại cho một cửa tiệm bán đồ cổ. Trong cái tủ kính nhỏ xíu anh chất đủ các thứ đồ kỳ cục: vòng, mề đay đeo vào dây chuyền có từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ.


Buổi chiều, mùa đông hôm đó, một em gái đứng áp trán vào tủ kính, trố mắt ngó kỹ từng vật cổ lỗ đó như muốn kiếm một vật gì. Bỗng em ngững đầu lên, vẻ khoan khoái rồi đẩy cửa bước vào tiệm.

Tiệm tối tăm mà còn bừa bãi hơn mặt tiền nữa. Có những ngăn tủ muốn sập vì chất quá nặng: hộp đựng tư trang, súng lục cũ không còn dùng được nữa, đồng hồ chuông đèn; còn trên sàn thì chất đống nào là giá để củi trong lò sưởi, đờn măng-đô-lin và những đồ cũ kỹ khó mà phân loại được.

Pierre ngồi ở sau quầy. Mặc dầu mới ngoài ba mươi mà tóc của anh đã hoa râm. Anh ngó cô bé.

Em hỏi:

- Thưa ông, con có thể coi chuỗi ngọc lam bày ở tủ kính không ạ?

Pierre kéo tấm màn, lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé xem. Những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trong bàn tay xanh xao của anh. Em đỡ lấy, thốt lên lời khen:

- Đẹp quá! Xin ông gói lại thành một gói đẹp cho con.

Pierre lạnh lùng ngó em:

- Có ai sai em đi mua hả?

-Thưa không. Con mua cho chị Hai con. Chị đã nuôi nấng con từ khi má mất. Đây là lễ Noel đầu tiên chị em con được ở gần nhau. Con muốn tặng chị một món quà đẹp.

Pierre nghi ngờ hỏi:

- Em có bao nhiêu tiền?

Em mở khăn tay ra, đổ lên bàn một nắm bạc xu, bảo:

- Con đã đập con heo của con ra đấy.

Pierre Richard ngó em, vẻ trầm tư. Rồi anh ý tứ cầm chuỗi ngọc lên, sợ em trông thấy giá tiền. Nói thẳng cách nào cho em biết được? Cặp mắt xanh đầy tin tưởng của em gợi cho anh nhớ lại vết thương lòng thời trước.

Quay lưng lại em, anh bảo:

- Em đợi một chút nhé.

Rồi vừa lúi húi làm một việc gì đó, anh vừa quay lại hỏi:

- Em tên gì?

- Thưa, Joan Grace.

Khi quay lại thì trong tay anh đã cầm một gói nhỏ bao bằng giấy lụa đỏ và cột bằng một băng lụa màu xanh lá cây. Anh đưa cho em bé và bảo:

- Này, coi chừng em đừng đánh rơi nhé.


Em Joan mỉm cười rạng rỡ, chạy vụt về nhà. Anh nhìn theo, một nỗi buồn mênh mông dâng lên trong lòng. Em nhỏ đó và chuỗi ngọc lam khêu gợi lại một vết thương lòng không bao giờ lành hẳn của anh. Tóc em vàng như lúa chín, mắt em xanh như nước biển; mới mấy năm trước, anh đã yêu một thiếu nữ cũng có mớ tóc đó, cặp mắt đó. Chuỗi ngọc đã tính để tặng nàng.

Nhưng một chiếc cam nhông trượt bánh trên con đường trơn trợt một đêm mưa đã làm tiêu tan ước mơ.


Từ đó anh sống cô độc, ôn lại hoài nỗi khổ tâm. Anh ân cần lễ độ tiếp khách, nhưng ngoài công việc ra, anh thấy đời trống rỗng vô nghĩa một cách khủng khiếp. Lầm lì, không giao thiệp với ai, anh rán quên mà không quên được, nỗi thất vọng như sương mù cứ mỗi ngày mỗi dày đặc.


Cặp mắt xanh của em Joan Grace gợi cho anh hình ảnh người yêu. Vào dịp lễ này, khách hàng tới đông, ai cũng bộc lộ niềm vui làm cho anh càng đau lòng. Khách qua đường bước vào tiệm, chuyện trò, sờ mó các món đồ, trả giá lăng xăng. 

Đêm Noel đã khuya rồi, khi người khách cuối cùng bước ra, Pierre Richard thở phào nhẹ nhàng. Thôi thế là qua được năm nay. Nhưng anh đã lầm.


Cửa thình lình mở ra, một thiếu nữ xông vào. Anh thấy nhói ở tim: thiếu nữ có vẻ mặt quen quen nhưng anh không nhớ rõ đã gặp ở đâu, hồi nào. Tóc cô vàng hoe, mắt xanh thăm thẳm. Cô im lặng lấy trong túi xách ra một gói nhỏ bao vội vàng một thứ giấy lụa đỏ, lại có cả cái băng lụa màu xanh lá cây đã mở ra rồi. Và những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trên bàn:

- Chiếc chuỗi ngọc lam này có phải của tiệm ông không?

Pierre ngước mắt lên nhìn cô, nhẹ nhàng trả lời:

- Phải.

- Phải ngọc thật không?

- Nhất định rồi. Không phải thứ ngọc quý nhất nhưng ngọc thật đó.

- Ông có nhớ đã bán cho ai không?

- Bán cho một cô bé. Tên em là Joan. Em mua để tặng quà Noel cho chị Hai của em.

- Giá bao nhiêu?

Pierre nghiêm mặt đáp:

- Tôi không khi nào nói giá tiền khách hàng đã trả cho tôi.

- Em Joan chỉ có ít đồng tiền tiêu vặt làm sao em có đủ tiền mua chuỗi ngọc này?

Trong lúc đó, Pierre vuốt kỹ lại tờ giấy lụa, gói lại chuỗi ngọc. Anh bảo:

- Em đã trả đắt hơn hết thảy các người khác. Có bao nhiêu tiền em đưa tôi hết.


Hai người làm thinh. Cửa hàng bỗng tĩnh mịch lạ thường. Tiếng chuông từ một giáo đường ở gần đó bắt đầu đổ, văng vẳng đưa lại. Cái gói nhỏ đặt trên bàn, vẻ thắc mắc dò hỏi trong cặp mắt thiếu nữ và cảm giác hồi sinh kỳ dị dồn dập dâng lên trong lòng Pierre, tất cả những cái đó đều là do tình yêu của một em nhỏ.

- Nhưng sao ông lại làm như vậy?

Pierre vừa đưa gói nhỏ đó cho cô vừa trả lời:

- Hôm nay là ngày Noel. Tôi bất hạnh không có ai để tặng quà. Cô cho phép tôi đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Noel vui vẻ với gia đình nhé!

Thế là trong tiếng chuông đổ hồi, giữa một đám đông vui vẻ, Pierre Richard và một thiếu nữ mà anh chưa biết tên, cùng nhau bước qua một ngày mới đem lại nguồn hy vọng tràn trề trong lòng mọi người.


Phong Luu (ST)

Thơ : CHỞ SẦU VÀO HƯ VÔ - Hà Thu Thủy.







CHỞ SẦU VÀO HƯ VÔ.

 Tú cầu hồng trong nắng

 Tháng mười hai mênh mông

Mây trên trời phiêu lãng

Trôi theo gió bềnh bồng.

Anh lạc về phương ấy

Có còn nhớ quê nhà

Và tình đầu vụng dại

Bây giờ xa đã xa.

Em vẫn thế đi về

Ngõ nhỏ nở nhiều hoa

Rất nhiều điều chưa kể

Cùng nỗi buồn lê thê.

Tựa như con tàu vội

Trên ngọn sóng nhấp nhô

Anh quên đường bỏ lối

Chở sầu vào hư vô.

HÀ THU THỦY. (12/2020 )

Tản mạn: BÚN BÒ HUẾ - Đỗ Duy Ngọc.-

 





BÚN BÒ HUẾ.

------------------

 Món bún bò Huế bây giờ có mặt khắp nơi, trong và ngoài nước. Tuy không nổi tiếng như Phở, nhưng bún bò Huế cũng được người dân mọi miền ưa chuộng. Nhưng phải nói thật một điều là bún bò Huế bây giờ lần lần mất chất Huế. Tô bún bò Huế bây giờ đã mất đi cái hương vị truyền thống. Bún bò Huế phải có hai thứ không thể thiếu là ruốc và sả. Mà phải là ruốc Huế chánh hiệu và loại sả nhiều tinh dầu. Đi vào quán bún bò bây giờ rất nhiều quán chẳng có mùi ruốc mà cũng không có mùi sả, thế thì sao gọi là bún bò Huế. Nhiều quán ở miền Nam xài ruốc Vũng Tàu, nhưng ruốc Vũng Tàu mùi không giống mùi ruốc Huế nên tô bún bỗng vô duyên. Sợi bún cũng không còn như xưa, ngày trước ở Huế, mấy lò bún đục cối ép bún bằng đinh ba phân, sợi bún ép ra lớn hơn sợi bún để ăn bún thịt nướng. Không phải bún nào cũng ăn với gì cũng được. Sợi bún ăn bún bò khác, sợi bún ăn bún mộc cũng khác với sợi bún ăn thịt nướng. Loại nào phải đúng với loại ấy. Bây giờ lại còn chế thêm thịt bò tái, bò viên ở tô bún bò, biến tô bún bò có một phần của phở. Trật lất hết. Bún bò đúng chỉ là bò, ngon nhất là bò bắp luộc chín. Heo thì dùng giò, giò sau mới ngon. Mà dân Huế cũng lạ, nếu đi biếu thì thường là biếu giò trước mà ăn thì chỉ chọn giò sau. Cái lạ nữa la trong kho tàng ẩm thực Việt Nam chẳng có món ăn nào là sự hỗn hợp của bò và heo. Bò là bò, heo là heo. Người Huế khéo chọn bò vốn nấu thì teo, heo hầm lâu thì nở thành một món ăn ngon. Lạ rứa hỉ? Giò thì có giò nạc, giò gân, giò khoanh, giò móng, giò búp. Giò khoanh là phần trên có thịt, có xương, có da, giò móng là phần dưới cùng của cái giò, có móng, gió búp là chỉ có thịt và da, giò gân là phần gần móng có xương nhỏ và gân, ăn nghe sần sật, giò nạc là miếng thịt trên cùng của giò, toàn thịt nạc, ăn ớn ghê lắm. Mỗi loại giò có vị ngon riêng tuỳ khẩu vị của mỗi người. Xưa nữa thì người ta gọi là bún bò giò heo. Nghĩa là chỉ có bò với heo trong nồi bún. Dần dần người ta thêm chả cua, chả tôm, huyết heo hầm bà lằng, bún bò không còn là bún bò giò heo mà là bún thập cẩm. Nhưng sợ nhất vẫn là thịt bò tái trong tô bún bò, một sự cách tân, pha trộn khó chấp nhận.

Bún bò ngày xưa nấu trong nồi nhôm tròn không quai, người ta bảo nồi đất nấu cơm, nồi đồng nấu cháo và nồi nhôm nấu bún. Nấu nồi nhôm mau sôi mà nóng giữ được lâu. Giờ thấy quán nào còn cái nồi nhôm đó thì hầu hết chủ là gốc Huế. Pha ruốc trong nồi bún bò cũng là một nghệ thuật, làm sao tô bún vẫn còn hơi ruốc mà không nồng mùi ruốc, không phải ai cũng làm được. Cũng có người sau khi chặt và rửa sạch giò, để ráo rồi ướp với ít nước ruốc, trước khi đem nấu, làm thế miếng thịt đậm đà, ăn không ngấy.

Nồi bún bò ngày xưa cũng đỏ au, không chỉ có ớt mà còn do dầu điều. Giờ tô bún trắng nhách như nước phở, nhìn hết muốn ăn. Màu đỏ hoà với màu xanh của hành, màu nâu của thịt bò thái mỏng cộng với khoanh giò khiến tô bún bò chánh hiệu nhìn hấp dẫn làm sao, nhìn mới ngon làm sao. Còn một điều nữa mà giờ người ta ăn bún bò trật bậy. Đó là không ai ăn bún bò bằng muỗng. Chỉ với đôi đũa, người ăn húp sùm sụp vừa bún, vừa thịt, vừa nước vào miệng, tất cả mới thành hương vị đủ thứ quyện lại của món bún bò. Ăn kiểu bây giờ, thịt đi đằng thịt, bún đi đường bún, nước đi đường nước, chẳng giống cái chi cả. Người ta cho rằng ăn như thế là kiểu ăn của người nhà quê, không sang. Nhưng ăn như thế mới đúng kiểu, cũng như người Pháp ăn gà phải dùng tay, ai ăn bằng nĩa người ta cười cho là không biết ăn. Người ta còn bảo:

Thịt gà, cá nướng, đàn bà.

Cả ba thứ ấy đều dùng bằng tay he..he

Húp một hỗn hợp như thế mà cắn thêm miếng ớt nghe cái bụp nữa thì đúng là thưởng thức trọn vẹn cái ngon của món bún bò. Ăn bánh bột lọc cũng vậy, chỉ chấm bánh với nước mắm xáy trái ớt xanh cũng chưa đã miệng, ăn cái bánh, cầm chén nước mắm, mà phải nước mắm nhỉ mặn nha, không phải thứ nước chấm lờ lợ chua chua ngọt ngọt bây giờ người ta hay dùng, cầm chén nước mắm mặn đó mà húp một miếng, ôi chao ôi!  Cay, mặn cộng với béo, bùi, dai của cái bánh bột lọc, ngon thấu trời! Cái ngon của sự húp là vậy đó.

Bây chừ đi mô cũng thấy quán bún bò Huế, nhưng khó thấy quán bún ngon, cũng chẳng tìm thấy tô bún Huế chính gốc không pha tạp. Bún bò Huế bây giờ nhiều nột nêm, bột ngọt mà thiếu cái ngọt thanh của xương, của ruốc.

Bún bò ở miền Nam thì ngọt đường, bún bó ở Bắc thì mì chính. Miếng giò không còn thơm, ngậy, béo mà không ngán như xưa, có lẽ bây giờ nuôi heo tăng trọng. Nước lại trong veo như nước lèo của phở hay hủ tíu. Lại thêm đủ thứ rau. Bún bò xưa không ăn với rau, bây giờ thì tía tô, chuối xắt, rau muống chẻ, chẳng khác chi bún riêu. Ngay ở Huế, ở trong tiệm tô bún bò cũng lai căng và chẳng còn ngon. Người ta lại bảo ăn bún bò Huế ở Sài Gòn đôi khi cũng còn chất Huế hơn ở Huế. Nói thế thôi chứ muốn ăn bún bò Huế còn chút hương xưa, nên tìm gánh bún của mấy O, mấy Mệ đi bán rao ở đường phố, ở vỉa hè xứ Huế. Lớp người bình dân đó ít lai tạp, cũng ít chạy theo thị hiếu nên ít nhất cũng còn chút truyền thống ở gánh bún của mình. Dừng chân ở bên đường, bên đôi quang gánh có nồi bún đỏ lòm nghi ngút khói thoảng mùi ruốc Huế lẫn mùi sả hăng hăng. Cầm tô bún một tay, tay kia cầm đôi đũa, húp một miếng, cắn miếng ớt cay thấu đít, ôi chao, ngon lạ ngon lùng. Rứa mới là bún bò Huế.

Xã hội thay đổi, cuộc sống đổi thay, đời sống cũng theo đà tiến hoá mà không còn như cũ. Nhưng có một thứ không nên thay đổi, không nên chạy theo thị hiếu đó là những món ăn truyền thống. Thế giới phẳng, người Việt toả ra khắp nơi trên thế giới. Họ không mang được ngôi nhà đi theo. Họ không mang được cây đa, giếng nước, ngôi làng đi theo. Cái mà con người ly hương mang theo được là những món ăn của quê nhà, món ăn của kỷ niệm, món ăn của ký ức. Thế nên đừng biến tấu nó, đừng lai tạp nó, đừng  canh tân nó mà cứ nên giữ cái chất, cái hương, cái mùi, cái vị của một thời xưa cũ. Đấy cũng là một cách để yêu quê hương, cũng là một cách giữ quê nhà trong lòng mình

     -Đỗ Duy Ngọc.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Thơ: RỪNG CAO SU - Ngọc Hạnh Nguyên.





 RỪNG CAO SU.

Miền Nam tôi không hề có mùa thu.

Không có những cánh rừng phong vàng rực

Nhưng mỗi khi  cuối năm trời trở lạnh.

 Rừng cao su lại đỏ rực tuyệt vời.

Những chiếc lá trước khi lìa cành rụng.

Lại tặng đời bức tranh đẹp như mơ.

Tôi bước đi giữa rừng cây vàng đỏ.

Đạp lá khô xào xạc dưới bàn chân.

Hồn rung động thầm cảm ơn tạo hoá.

Tặng cho người những nét đẹp thiên nhiên.

Ngọc Hạnh Nguyên

Thơ : MÙA NOEL NĂM ẤY - Xuân Duyên.

 





MÙA NOEL NĂM ẤY 

mùa Noel năm ấy 

Em mang cả trời yêu

Gió đùa dáng liêu xiêu

Như xua bàn tay vẫy

  Mùa Noel năm ấy

  Em mang miền nhung nhớ

  Mắt cười như bỡ ngỡ

  Cuối giáo đường có hay!

Thông xanh vẫn dịu dàng 

Chuông ngân đỗ miên man

Em về nơi góc phố

     Để đợi một người sang 

            XUÂN DUYÊN - 12/2020

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Thư giãn: THƠ THẨN - Đinh Văn Sơn.

 

( Hình ảnh st và chỉ có tính cách minh họa )


THƠ THẨN

Đinh Văn Sơn

Lại cũng là chuyện về hưu .Hưu rồi ông có thì giờ để chăm lo bản thân và gia đình .Đi ra đi vào cũng chán , có thằng cháu tập tành vô mạng internet lập Facebook chat chít với bạn bè .Thấy người ta làm thơ hay thế là ông cũng tập tành làm thơ , thật là ngẫu hứng hồi nào tới giờ dốt văn chương bỗng dưng về chiều nổi hứng làm một bài thơ đăng thử xem sao , thơ rằng :

Người ấy bây giờ đang ở đâu ?

Có hay gió khóc nghẹn mưa sầu

Trăm năm có nhớ người trong mộng

Duyên kiếp trông chờ cuộc bể dâu

Bài thơ vừa đăng lên lập tức bạn bè vô ào ào comt chúc mừng , ai cũng khen bài thơ quá hay , họ khen ông nức nở làm ông phổng cả mũi .Biết là họ khen kiểu xã giao cho vui nhưng ông cảm thấy phấn khích vì còn có người quan tâm để ý đến mình .Bỗng có cô nào đó sồn sồn nhảy vào họa lại bài thơ :

Người ấy bây giờ đang ở đây !

Nhớ thương nước mắt cạn vơi đầy

Trăm năm có biết người đang đợi

Duyên trời đã định khó đổi thay

Ông vừa xem cười khanh khách vỗ đùi thích thú , ờ thì cũng vui thật .Vậy mà bấy lâu nay ông nghe nói chơi phây phiếc là gì , ông đâu biết bây giờ thấy thật là thú vị .Thấy ông chồng mãi mê xem trên cái alo bà vợ bê mâm cơm ra giục chồng :

- Ăn cơm đi ông ơi kẻo nguội !

- Ơ cái bà này thì tí nữa ăn có sao đâu ! Tôi đang trả lời cho người ta đang đợi nè

- Ờ phải rồi , trả lời với con nào đó trên mạng thì nhẹ nhàng êm ái còn vợ nhà thì đớp chát như hàng tôm

- Ơ cái bà này , tôi có đốp chát gì bà đâu chẳng qua mình phải trả lời cho lịch sự

- Thì phải rồi , trả lời cho người ta thì lịch sự còn vợ ở nhà thì bất cần lịch sự à ?

Nói xong bà ngoe nguẩy bỏ vào trong .Từ ngày có Facebook ông đâm ra nghiện , ngày cũng như đêm vò đầu bứt tai tìm ý tưởng mới cho mấy bài thơ .Ông thơ thẩn đi ra đi vào như người mất hồn .Chiều về bà có dịp nấu cháo điện thoại với con gái út :

- Ba mầy về già đổi tánh rồi , hồi nào tới giờ có biết làm thơ văn đâu bây giờ ngẫu hứng ngồi đâu thơ thẩn đó , riết rồi không biết xem mẹ có còn trong nhà này nữa không !

- Ờ thì ba nghỉ hưu rồi nên có thì giờ tham gia chơi Facebook cho vui , chẳng qua là chát chít trên mạng thôi , chứ ba mà hẹn hò với ai là con đi với mẹ làm tới bến luôn á !

- Chấp ổng luôn đó , con nào mà ba đầu sáu tay nhảy vào đây , mẹ vái lạy cho không luôn đấy !

- Ối xời ơi , ba già rồi mẹ ơi .Cho thì không ai lấy nhưng hở ra là mất đấy !

Ờ nghe con gái nói bà đâm ra lo .Hồi nào tới giờ ổng ít có ăn chơi, đàn đúm chỉ lo chí thú làm ăn nay sa vào cõi mạng chơi trò phây phiếc gì đó , không khéo ổng mê con nào đó trên cõi ta bà thì chết thật .Để hôm nào ổng ngủ say mình mở cái alo của ổng xem có hẹn con nào không .

Rồi cái ngày hôm đó cũng sẽ đến , số là buổi chiều muộn đứa con gái út có cuộc họp quan trọng trong công ty , chồng nó thì đi công tác xa nên nó nhờ ông đón đứa bé ở trường mẫu giáo .Lúc dẫn xe ra ông lật đật bỏ quên chiếc điện thoại trên bàn .Vậy là bà có dịp mở ra xem cái bí mật trên chiếc alo .

Lò mò cuối cùng bà cũng mở được trang Facebook cá nhân của ổng .Chả có gì ngoài mấy bài thơ dở hơi cám lợn vậy mà đám bạn bè của ổng tung hô như vịt nghe sấm .Bọn họ tự sướng đấy mà , người tung kẻ hứng chứ thơ này đọc nghe muốn ói .Nghe đâu họ còn bàn dự định gom hết lại rồi hùn tiền in thơ ra sách đem bán .Bố đời thật , thơ này nếu mà in ra cho mấy thằng dở hơi cám lợn đọc à ?

Bà tức lắm , hai hôm sau kêu đứa con gái chỉ cho cách chơi Facebook , bà tập tễnh lập nickname " Mắt Nai " .Vừa lập xong là kết bạn với ông ngay , ông vốn là người phong lưu tình cảm .Rất thích kết giao với bạn bè , ông chấp nhận ngay .Bà nhắn liền cái tin trong Messenger :

- Chào anh , em là Mắt Nai đây !

- Chào em , anh vừa kết bạn với em đấy

- Dạ , bấy lâu nay em hâm mộ anh quá trời .Em đọc không sót bài thơ nào của anh cả.

- Ờ cảm ơn em , thơ anh cũng thường thôi mà

- Ôi trời ơi , thơ anh là tuyệt phẩm thi ca .Em ngưỡng mộ anh vô cùng

- Cảm ơn em , anh sẽ cố gắng làm thơ thật hay để không phụ lòng người hâm mộ

- Vậy có thể nào cho em một cái hẹn để hai ta cùng đàm đạo được không anh ?

- Ờ , ờ được chứ ! cho địa chỉ anh đi ngay

- Dạ , chờ em anh nhé !

Hehe vậy là cá cắn câu rồi , người ta nói " lấy vàng thử đàn bà , lấy đàn bà thử đàn ông " .Thì ra bấy lâu nay ông cũng chỉ là nhà sư chưa cạo tóc , anh hùng nào cũng chết dưới tay mỹ nhân !

Bà đứng dậy thay quần áo chuẩn bị cho cuộc gặp mặt với nhà thơ mới quen trên facebook !

ĐINH VĂN SƠN.

Tản mạn : CHỒNG RƠI - Vân Phương.






 CHỒNG RƠI

Trước nay chỉ nghe "vợ nhặt", "con rơi" chứ chưa nghe "chồng rơi" bao giờ .

Nhưng thời đại ngày nay có nhiều ông chồng bị bỏ rơi tội nghiệp lắm cơ !

Nhà kia có ba cô con gái rất ngoan ngoãn xinh đẹp giỏi giang thành đạt.

Cô chị cả cách cô em út 15 tuổi.

Chắc vì cha mẹ khát con trai hay bị  vỡ kế hoạch, nên cô ba mới được ra đời .

Ngày ấy (từ những năm 80) vợ chồng nào đẻ con thứ ba là bị vi phạm chính sách Kế hoạch hoá gia đình của nhà nước, mỗi gia đình chỉ được sinh một hoặc hai con thôi, vì dân giầu nước mạnh...vv ...

Nhiều khẩu hiệu được dựng lên khắp phố phường thôn bản có nội dung như thế !

Ai vi phạm sinh con thứ ba, là bị xử phạt tiền bằng giá một tạ thóc, xong mới được làm khai sinh cho con.

Làm việc cho nhà nước thì bị cắt thi đua, chậm lên lương, thậm chí  ngành y tế và sư phạm còn buộc nhân viên thôi việc nữa cơ .

Nên ai dám đẻ con thứ ba là gan to lắm đấy !

Cô ba được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh xã hội như vậy nên cũng hiểu nguyên nhân mình được ra đời.

Cô buồn và mặc cảm bản thân lắm, nghĩ mình nên là con trai cho cha mẹ vui lòng mới phải.

Thế là cô cố sống mạnh mẽ, ương ngạnh, bướng bỉnh như một thằng con trai thực thụ, từ cách nói năng ăn mặc...

Cha mẹ cô lo lắng sợ con mình bị rối loạn giới tính, nên hết sức yêu chiều gượng nhẹ với con.

May quá, đến tuổi cô cũng biết yêu và đi lấy chồng.

Cha mẹ cô thở phào nhẹ nhõm.

Ba chị em lần lượt bay đi.

Khi các con gái sinh cháu ngoại, thì bà ngoại cũng đi theo chúng để đỡ đần việc nhà và cháu dại.

Bà cứ lần lượt đi vòng vèo nhà ba cô con gái năm sáu vòng như vậy trong chục năm trời. Mỗi cháu bà ở chăm nuôi 18 tháng, cho đến khi cháu cứng cáp đi trẻ được thì bà lại quay sang cháu khác. Vị chi 6 cháu chẳng mất gần chục năm ư !

Tội nghiệp ông chồng bị bỏ rơi ở nhà buồn bã cô đơn, có bữa bỏ cơm thèm phở thì nguy to.

Cái tuổi ngoài 50-60 các ông ấy mới hay "dại dột" nhé !

Các bà cứ lo bỏ nhà đi giữ cháu kẻo mất ông xã có ngày đấy nha !

Tội nghiệp các ông quá !

Tôi có anh bạn của chồng có hoàn cảnh như vậy.

Suốt ngày anh lên Facebook buồn bã than vãn, làm thơ, viết stt, thơ thẩn, thẩn thơ, cơm niêu nước lọ, nghĩ mà ái ngại cho cánh đàn ông quá !

Mười năm nay anh sống như vậy, sao mà chịu được cô đơn, chẳng may "say nắng" cô nào thì chắc bị chửi te tua chứ nào ai thông cảm cho nhỉ ! Khổ quá ! 

Các con ơi, hãy nghĩ cho cha mẹ một chút nhé !

Cả đời vất vả nuôi con nay lại chăm cháu, hết cháu lớn lại đến cháu bé,  biết bao giờ cha mẹ mới được nghỉ ngơi chăm sóc cho nhau hả con ?./.

VÂN PHƯƠNG. 


Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Sưu tầm : Ở ĐÂU CÓ PHỤ NỮ - Những Câu Chuyện Thú Vị.

 





Ở ĐÂU CÓ PHỤ NỮ...


Trong bản nhỏ miền núi có ông già độc thân sống cùng một đứa cháu trai. Một buổi tối có người gõ cửa.


– Ai đấy? đứa cháu hỏi.

– Tôi là giàu có, người gõ cửa trả lời.

– Ông ơi, cháu mở cửa cho giàu có vào nhà ông nhé, đứa cháu hỏi ông.

– Không, ông già trả lời, ông có cháu ở đây thì đã giàu có rồi, còn cháu cũng đã giàu có vì có ông đây.


Một lúc sau lại có tiếng gõ cửa.


– Tôi là hạnh phúc, làm ơn cho tôi vào nhà.


Ông già bảo đứa cháu:


– Ta cần hạnh phúc mà làm gì nữa. Hai ông cháu mình sống với nhau thì đã là hạnh phúc rồi.


Một lúc sau nữa lại có tiếng gõ cửa.


– Ai đấy?, đứa cháu hỏi.

– Tôi là phụ nữ.


Đứa cháu nói với ông:


– Ông ơi, có người phụ nữ gõ cửa nhưng mà ta sẽ không mở cửa ông nhỉ, ta không cần phụ nữ đúng không ông.


Ông già bảo đứa cháu:


– Không phải thế đâu con ạ. Đàn ông ta nên mở cửa cho phụ nữ vào vì ở đâu có phụ nữ, ở đó có hạnh phúc, tình yêu và giàu có.

.Sưu tầm

#ncctv