Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Cuộc sống : CHỈ MỘT CHỮ "ĐỢI" - Quan Võ (st trên FB)

 



  CHỈ MỘT CHỮ "ĐỢI"


Biết bao nhiêu người thua bởi chỉ một chữ “Đợi” trong cuộc đời.


Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (Sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng:

- “Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.


Lúc đó Thân Loan trả lời: 

- “Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.


Vị thiền sư nói:

 - “Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.


Thân Loan nghe xong liền nói: 

- “Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.


Vị thiền sư nghe xong liền nói:

- “Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.


Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi. Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”:


   Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.


  Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi:


1 - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, 

      bạn sẽ chết vì đói.

2 - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi 

      suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

3 - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, 

      thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

4 - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, 

      muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

5 - Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có 

      nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.


Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! 


 Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có

 ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình 


    (Sưu tầm)


Thiên nhiên : PHƯỢNG TÍM - St trên FB.

 



PHƯỢNG TÍM ( JACARANDA )


Phượng Tím tên khoa học là Jacaranda mimosifolia,  thuộc họ Bignoniaceae, nguồn gốc Nam Mỹ,  không cùng  họ với Phượng Đỏ , được kỹ sư Lương Văn Sáu sinh năm 1942, quê An Giang, tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông Pháp mang từ Pháp về trồng tại Đà Lạt năm 1962 Cây phải trồng bằng hạt, vì thế sau khi đã du nhập một số cây vào Việt Nam, việc nhân rộng khá chậm chạp vì không thể giâm cành, mãi đến năm 1994, kỹ sư nông học Lương Văn Sáu mới thành công việc nhân giống Phượng Tím bằng phương pháp chiết cành, rồi dùng một loại hoá chất  kích thích  việc mọc rễ và đã thành công .


Sau ông , nhiều chuyên viên sinh học  đã áp dụng phương pháp này nên từ khởi đầu chỉ có 3 cây phượng tím , ở đầu dốc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (Chợ đêm Đà Lạt), ở vườn hoa Bích Câu (gần Vườn hoa Đà Lạt) và  ở trước cổng vào nhà hàng Thủy Tạ ( Khoảng năm 2009 cây này  ngã đỗ vì bão và đã được trồng cây khác vào đúng vị trí ấy và năm 2019, lại bị ngã đổ lần nữa và cũng được trồng lại ).


    Nay Đà Lạt đã có đường Phượng Tím, trải dài 6200m từ  đầu đường Trúc Lâm Yên Tử. Từ đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai tới Trung tâm chợ Đà Lạt Hiện nay ở Sài Gòn, Khánh Hoà, Cần Thơ, Hà Nội cũng  đã lác đác trồng Phượng Tím. Ở Huế cũng có vài cây Phượng Tím nhưng ra hoa rất ít. Loại cây này thích hợp với khí  hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới Tại Mỹ, Phượng Tím có thể thấy ở bang California, tây nam Arizona, đông nam Texas và Florida...

Ở Châu Âu, ta có thể thấy trên toàn bộ bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha, quần đảo Balearic, Andalusia, Bồ Đào Nha,  Hy Lạp,Ý và đảo Malta, Sip Phượng  Tím cũng được trồng nhiều ở Úc và được xem là hoa thi cử. Các cô cậu học trò vẫn kháo nhau nếu hoa phượng tím rớt trên đầu, kết quả thi cử chắc chắn sẽ tốt. 

Phượng Tím ra hoa rộ vào tháng 3, 4 ở Việt Nam . Mầu tím nên thơ, rợp cả một khoảng trời thơ mộng góp thêm bội phần cảm hứng và  lãng mạn cho tâm hồn du khách ngắm nhìn.

( ST )

Một thời : COI BÓI TRÊN ĐỒI... - Võ Thu Phương.

 



COI BÓI TRÊN ĐỒI NÔNG LÂM.


Hồi đó các lớp đều phải thay phiên nhau đi trực giảng đường chữ U. Cứ chiều xuống, ban cán sự lớp kêu sinh viên xách chiếu lên canh chừng giảng đường, tới sáng hôm sau thì tha cho về. Đêm dài buồn quá, nên nhiều anh hay bày chuyện coi bói giúp mấy nhỏ con gái chưa có người yêu. Nhưng mấy chị lớn tuổi trong lớp dặn kỹ lắm: “Cho coi bói nhưng đừng cho tụi nó nắm tay.” Mình hỏi tại sao không cho nắm tay thì mấy chị nạt: “Hỏi ngu vừa thôi”.

Võ cô nương năm đó mới 17 tuổi, có tiếng là ngu nhất phòng nội trú.

Cả lớp ngồi đuổi muỗi tới 12 giờ đêm là buồn ngủ khủng khiếp. Không biết chữ U có cái gì trong đó mà đêm nào cũng bắt sinh viên thay nhau canh gác. Nữ sinh ngồi ngáp bên này, nam sinh ngồi đánh bài bên kia.

Mấy anh lớn tuổi nghe mình ngáp to quá thì kêu: “Phương ơi, qua đây thằng YY coi bói cho.” Anh YY nổi tiếng coi bói hay, anh coi cho đứa nào là đứa đó có người yêu liền. Vậy là mình mừng quá, chạy qua nhập bọn với mấy anh. Nhưng ngu thì ngu nha, cũng vẫn nhớ lời mấy chị dặn, nên mình chìa tay ra mà cười toe toét:

- Cho coi bói đó nhưng không được nắm tay.

Mấy anh cười ầm lên:

- Không nắm tay sao coi được?

- Ừa, dzậy đó. Chỉ được coi, nhưng không được nắm.

Vậy là anh YY chán, bói lung tung, không thấy nói gì tới tình yêu. Sau lần đó, mình không thèm cho anh nào coi bói nữa.

*

Thất vọng với chuyện coi bói nắm tay của bên nam sinh, nữ sinh chuyển qua tự coi bói cho nhau. Trong phòng mình có chị XX, người thâm trầm ít nói. Mà người càng ít nói, càng đạt được sự tin cậy. Vì vậy mà khi chị chuyển sang hành nghề bói toán, cả cư xá đồn nhau kéo tới nhờ vả. Phải khó khăn lắm mình mới xin được chị chiếu cố cho một xuất tình duyên. Thời đó, chả đứa nào thèm xem bói chuyện thi cử hay tiền bạc, mấy thứ đó có cũng như không, tụi mình chỉ thích xem bói chuyện yêu đương thôi.

Chị XX chuyên bói bài. Mỗi lần chị coi bói, cả đám ngồi bệt dưới đất thành khẩn nghe chị phán. Mình chỉ mới nhìn chị xóc bài thôi là run lắm rồi, khấn vái lia lịa, cứ cầu cho chị bói ra anh người yêu tương lai của mình. Chị XX đặt 4 con bồi xuống đất, xếp thành hàng ngay ngắn, rồi chị trịnh trọng nói:

- Con Phương chú ý nghe, tập trung nghe. Mày nghĩ tới 4 người đang để ý mày đi.

- Cái gì? Ở đâu ra? Em làm gì có tới 4 người?

Chi XX cằn nhằn:

- Chẳng lẽ học cả năm trời ở đây mà không có người nào để ý?

- Họ để ý hay không sao mà biết được. Chị phải bói cho em biết là đứa nào để ý em chứ.

Chị XX đâm bực mình:

- Thì mày nghĩ tới 4 người mày thích.

- Nhưng em chưa kịp thích ai mà 4 người nhiều quá, sao em có liền được.

Chị XX đuổi luôn:

- Khỏi bói cho mày nữa. Hèn gì ai cũng nói mày khờ nhất phòng. Có nghĩ thôi cũng không làm được.

Buồn qua chừng luôn.

*

Một lần khác, cơ hội lại đến. Mình nghe nhỏ bạn tố giác, phòng 9C hay rủ nhau đi coi bói ngoài Hồ Đá. Năn nỉ dữ lắm mấy chị mới cho theo, nhưng dặn kỹ: “Cho mày đi theo nhưng nói ít ít thôi nghe, không hỏi lung tung nghe”. Buổi chiều hôm đó mình không về nhà phụ má cho heo ăn, tắm heo mà khăn gói theo mấy chị đi tìm người yêu.

Hành trình ngang qua trại cưa, ở đó sinh viên Kinh Tế 10 trấn thủ nên chị em tản ra đi riêng lẻ, làm như không quen gì nhau, không có cùng mục đích đi chung. Nhà bà thầy bói ở đường ra Hồ Đá. Nghe đồn bà bói giỏi lắm, nhưng vẫn nhận bói làm phước cho sinh viên, không ra giá, ai cho gì nhận đó. Mà sinh viên cũng nghèo, có vài đồng đi coi bói là phải dành dụm dữ lắm.

Buổi chiều nắng rất khô. Mỗi khi xe chở đá chạy ngang, cả con đường chìm trong bụi đỏ. Vậy mà giữa màn bụi đỏ mịt mùng đó tụi mình vẫn bị mấy thanh niên trong công trường nhìn thấy, họ kêu réo um sùm:

- Mấy em ơi! Mấy em đi coi bói hả?

Họ cười hô hố, thiệt là xấu hổ, làm cả đám cúi đầu bỏ chạy.

Căn nhà nằm dưới chân đồi, hiu quạnh giữa đồng cỏ. Hoa cỏ lào mùa nắng không tím mà trắng xóa. Màu trắng phủ lan man tới tận thềm nhà. Bốn cái vách trống hoang, nhưng căn phòng coi bói được vây màn rất kín. Bởi vậy mà khi tới phiên, mình sợ chết khiếp, phải kéo một chị trong phòng đi theo.

Bà thầy bói ngồi trong bóng tối, không rõ dung nhan. Bao nhiêu năm sau đó, mình cứ hỏi, bà xấu đẹp ra sao, trẻ hay già, thậm chí là đàn ông hay đàn bà, nhưng không có câu trả lời. Chắc đứa nào khi vô phòng cũng run quá, không còn để ý tới người xem bói.

Bà thầy cầm tay mình, xem xét rồi nói:

- Người yêu cô thì nước da đen. Người không yêu cô thì nước da trắng.

- Ui! Mà anh đó tên gì vậy… dì?

Bà xua tay ra vẻ không thể nói thêm, thiên cơ bất khả lậu. Chị ngồi kế bên sợ mình hỏi ngu nữa, nắm tay lôi tuột ra ngoài.

Nhưng lời nói của bà như tiếng sét, nó phang xuống một phát ngay lỗ tai mình, làm mình bàng hoàng, ngây ngất. Kể từ hôm đó mình quyết tâm đi tìm anh nào có nước da màu đen. Nhưng con trai Nông Lâm anh nào cũng có nước da đen thui.

Thành ra gặp anh nào, mình cũng tưởng họ yêu mình.

Hoang mang đi tìm hết một quãng đời sinh viên, cuối cùng mình mới hiểu ra, bà thầy bói nói nhầm .

VÕ THU PHƯƠNG TT11

#nonglamngayyeudau


Nơi xa : TRẦN MỘNG TÚ - Cao La (st)




TRẦN MỘNG TÚ

Thi Sĩ Việt Nam Đầu Tiên 

Vào Sách Giáo Khoa Trung Học Mỹ 

----------------------------------------------


Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dạy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng Thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”

Hai tác phẩm trên được đem ra để dạy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe - McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường trung học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị Tổng Thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú

Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại. 

Bài diễn văn do Tổng Thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một “chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.”

Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nợi người đọc. Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình. Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào. 

Để quý vị thông cảm với tác giả Trần Mộng Tú, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn 2 bài thơ của thi sĩ bằng tiếng Việt dưới đây. Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh (Trong American Literature textbook) và bài Giấc Mơ Hòa Bình (Trong Vision of War, Dream of Peace)


Quà Tặng Trong Chiến Tranh


Em tặng anh hoa hồng

Chôn trong lòng huyệt mới

Em tặng anh áo cưới

Phủ trên nấm mồ xanh


Anh tặng em bội tinh

Kèm với ngôi sao bạc

Chiếc hoa mai màu vàng

Chưa đeo còn sáng bóng


Em tặng anh tuổi ngọc

Của những ngày yêu nhau

Đã chết ngay từ lúc

Em nhận được tin sầu


Anh tặng em mùi máu

Trên áo trận sa trường

Máu anh và máu địch

Xin em cùng xót thương


Em tặng anh mây vương

Mắt em ngày tháng hạ

Em tặng anh đông giá

Giữa tuổi xuân cuộc đời


Anh tặng môi không cười

Anh tặng tay không nắm

Anh tặng mắt không nhìn

Một hình hài bất động


Anh muôn vàn tạ lỗi

Xin hẹn em kiếp sau

Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau.


Tháng 7/ 1969


Giấc Mơ Hòa Bình


Em nghe nói hòa bình

Trên những tờ nhật báo

Em nghe nói hòa bình

Trên miệng người lãnh đạo


Em để lòng khờ khạo

Ôm giấc mơ hòa bình

Mong chiến tranh chấm dứt

Anh giã từ đao binh


Tin về từ trận tuyến

Anh chết giữa chiến trường

Ôi giấc mơ khờ khạo

Chỉ còn là đau thương


Từ khi em ra đời

Từ khi có trí khôn

Em thấy toàn chém giết

Em thấy toàn máu xương


Từ khi em biết nghe

Từ khi em biết nói

Toàn những lời giả dối

Toàn những lời hứa suông


Từ khi em biết yêu

Từ khi em biết nhớ

Anh đã dặn đợi chờ

Rồi anh không về nữa


Ôi giấc mơ khờ khạo

Ôi giấc mơ hòa bình

Xây giữa lòng tham bạo

Chết trước khi thành hình


Ôi lòng non bé nhỏ

Như giấy trắng thơm tho

Vết mực đen loang lổ

Làm hoen ố hồn thơ


Em đã biết giận thù

Biết cuộc đời dối trá

Trang nhất nói hòa bình

Trang tư toàn cáo phó


Em không còn bồng bột

Tin những lời đầu môi

Em bắt đầu tỉnh ngộ

Thì đã mất anh rồi


Ôi giấc mơ hòa bình

Anh trả bằng sự sống

Em trả bằng tủi hờn

Bằng một đời đơn độc


Tháng 7/1969


Cao La    

   ( sưu tầm ) 


Ảnh :Nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú (Ảnh:Uyên Nguyên)

Lạ nhưng có thật : CÂY CẦU VÔ DỤNG - cafebiz.vn.

 



CÂY CẦU V.Ô D.Ụ.NG NHẤT THẾ GIỚI CŨNG CHỈ VÌ…QUÁ HOÀN HẢO!

Nếu có lúc bạn cảm thấy mình v.ô d.ụng, thì hãy nhớ đến cây cầu này ở Honduras. Nó sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần ngay lập tức!

Cây cầu hiện đại “từng“ v.ô d.ụng nhất thế giới: Đó là cây cầu Choluteca, hay còn gọi là Puente Sol Naciente (Cây cầu m.ặt trời mọc), ở Choluteca, Honduras.

Nó không hề có đường đến, và cũng không hề có đường đi. Nó nằm ở kế bên con sông mà mình cần bắc qua. KẾ BÊN! Tr.ơ tr.ọi, lạnh lẽo, v.ô d.ụng! (như hình)

Không hề có một lỗi kĩ thuật nào trong tính toán của kỹ sư cả, tất cả đều hoàn hảo. M.ặt khác, nó còn là cây cầu hiện đại nhất thời đó, cũng như cây cầu lớn nhất được người Nhật xây dựng ở Mỹ Latin với chiều dài 484m.

Cây cầu được khởi công xây dựng vào năm 1996 để bắc qua con sông Choluteca ở Honduras. Phải nói qua là Honduras là một vùng đất kh.ố.c l.i.ệt nổi tiếng với những cơn b.ã.o t.à.n b.ạ.o, nên điều kiện đ.ầu tiên để xây cây cầu là nó phải đứng vững trước thời tiết kh.ắ.c ngh.i.ệt đó.

Một nhà thầu Nhật Bản đã chấp nhận thử thách này. Và vào năm 1998, cây cầu Choluteca hiện đại được hoàn thành, trở thành một thành tựu về kĩ thuật xây dựng thời đó. Nó trở thành niềm tự hào của cả Honduras, cũng như niềm vui của người dân quanh đó khi có thể dễ dàng đi qua con sông nhờ vào cây cầu hiện đại này mà không phải lo lắng.

Nhưng, chỉ vài tháng sau khi cây cầu được khánh thành thì một cơn b.ã.o ập đến: Cơn b.ã.o Mitch lịch sử. Mưa liên tiếp, ồ ạt và d.ồn d.ập trong 4 ngày 4 đêm, lượng nước mưa lên đến 1905mm. Khu vực đó bị ph.á h.ủ.y, tất cả đều bị l.ũ c.u.ốn tr.ôi: Nhà cửa, của cải, làng mạc, ngay cả đường đi cũng bị cu.ốn đi. Tuy vậy lại có một thứ duy nhất còn nguyên vẹn: Cây cầu Choluteca.

Cơn b.ão đi qua kh.ủ.ng kh.i.ếp đến đến nỗi làm thay đổi cả dòng chảy của của con sông bên dưới, làm nó chệch hướng đi, và chảy sang một hướng khác, ở KẾ BÊN cây cầu.

Từ đó cây cầu bị c.ô l.ập, không có đường đến, và cũng không có đường đi, không bắc qua được con sông cần bắc, cây cầu không đi đến đâu cả. Tất cả chỉ vì: Hiện đại và kiên cố quá! Đúng là hoàn hảo quá cũng là một cái t.ộ.i…

Vậy nên mới thấy, mọi thứ thật vô thường, bất kể điều gì cũng phải chịu sự điều khiển của thời gian thôi.

Ta tập trung quá nhiều vào giải pháp hoàn hảo cho vấn đề mà quên rằng chính vấn đề cũng sẽ thay đổi. Định nghĩa sự thành công hay là thất bại của bạn, cũng chỉ là hạt cát bay trong cơn gió thời gian, rồi nó sẽ là cát biển hay là cát sa mạc?

Thế giới thay đổi, thời thế thay đổi, và quan trọng là bạn có thể thay đổi để thích ứng hay không?

_____________

P/s: Cầu Choluteca trở nên “v.ô d.ụng” và dần dần bị rơi vào quên lãng khiến không ít người tiếc nuối. Cho đến năm 2003, cầu đã được nối lại với đường cao tốc.


Nguồn: Cafebiz.vn

Tản mạn : MÓN GIA TRUYỀN - Dạ Ngân.




MÓN GIA TRUYỀN


.Chuyện đi U Minh mua cá đìa ủ mắm thuộc về bà cô lanh lợi với trợ thủ là chị Hai. Những cần xé cá ướp muối được khiêng từ tam bản lên nhà. Bấy giờ mới là phần việc của má. Đưa cá vô khạp, cá lóc nguyên con, lòng cá để khạp nhỏ riêng, nhiều nhất là cá sặc và cá rô cho những cái khạp lớn. Khạp phải khô, những tấm mo cau và cây gài trên miệng khạp phải sạch, nắp đậy kết bằng lá dừa nước phải phơi cho dẻo cho thơm.


Nhà cận sông cận rạch, năm nào cũng đi mua cá tát đìa về để tự túc mắm cho mùa khô hạn năm sau. Từ đó xóm ấp đặt tên cho thứ nước mắm yếm thế ấy là “nước mắm đồng”, tức ủ từ cá đồng. Nhớ rõ từng quãng mùi bởi những giai đoạn cá mắm của má: mùi tanh lạnh khi cá được vớt rửa để bắt đầu thính (nước ấy má nấu ở góc vườn, cả một ngày vớt bọt cho nước trong ra); rồi mùi đường thốt nốt ngào ngạt trên cái bếp lò ấy trước khi đường cùng với nước sạch bọt kia khỏa lên khạp mắm; cuối cùng, hai tháng sau mắm thơm dậy khi mắm được chao với cháo nếp và đường cô sẫm màu.


“Làm mắm nhĩ đi má, đi má!” Mắm nhĩ là mắm ủ bằng cá cơm biển ở nhà dì Út em của má, thứ mắm ấy chan với bún thì hết biết và cánh đàn ông có việc lặn sông, tợp một ngụm, ấm sực người, không lo không sợ nữa. Nghe con ước mắm nhĩ, má không la mắng, má không có thời giờ, má sai con đi chùi những cái tĩn cũ cho sạch bong. Má cho tĩn vào giữa khạp, nước mắm sẽ từng ngày dâng lên và rỉ vào lòng tĩn.


Sinh thời ông bà nội sẽ được hưởng trước món mắm ruột cá với thứ mắm nhĩ kiểu này. Cơm gạo mới và mấy trái ớt hiểm xanh. Vẫy ghe bún dạo của mấy phụ nữ Khmer lại, bún suông để lên mâm, những cái chén mắm nhĩ vắt chanh đặt vòng vòng, bầy con của má vừa ăn vừa hít hà. Nhưng con nhỏ không đợi, con nhỏ lăng xăng trước. Khi má lấy cái tĩn ra, con nhỏ cầm cái muổng sà xuống. “Mồ tổ mầy, để chiều nay má kho khô, cho quẹt đã đời!” Nhưng cô nhỏ đã kịp ực một muỗng nước mắm nguyên chất cùng với bụm cơm nguội ma mãnh sẵn trong miệng.


Nghe miếng nhai ngọt từ đầu lưỡi, ngọt trong khoang miệng, rồi ngọt dần, tê mê cả thực quản và, chừng như dư vị của nó, còn mãi, đến tận hôm nay, miếng cơm vụng với nước mắm cá đồng!


Mẻ kho của má cũng công phu ngay khi nó là một mẻ đất nung vô danh từ một chiếc ghe thương hồ ngoài Phan Thiết xuống. Má đốt lò, đổ cám vào nồi nấu khô như vậy, gọi là “tan cho chín nồi”. Cô nhỏ không hiểu cái từ tan ở đâu ra, chỉ thấy lòng nồi thơm thơm, đen bóng lên, những cái nồi đất đủ cỡ cho việc kho cá, riêng cái nồi nhỏ nhất là dành cho việc kho quẹt. Má phải kho nhiều lần thịt để lòng nồi bóng mỡ. Để nồi mau “uống mỡ”, má còn thắng mỡ bằng nó, thế là cái nồi đã được tráng một lớp chống dính tuyệt vời.


Đầu tiên má cho nước mắm thường vào. Đường thốt nốt không chưa đủ, má còn cho vào đó nước cơm chắt từ khi cơm đang sôi. Nhỏ lửa hồi lâu, nước mắm đã sền sệt, bấy giờ mới rưới nước mắm nhĩ lên, và tóp mỡ nếu có, và tiêu xay. Nghe nước mắm kêu lục bục má mới đưa khỏi bếp, mùi kho quẹt tỏa khắp gian chái, lựng lên nhà, tràn ra sân.


Bữa ấy cơm phải nấu gấp đôi ngày thường bởi mẻ kho quẹt này. Cái mẻ luôn được chùi sạch trong ngoài, treo lên vách, “đứa nào làm bể thì chết với tao!”. Má không tiếc tiền mua cái nồi, má tiếc công tan nồi, công nâng niu nó.


Khi các con gái làm mẹ, nằm ổ, món kho quẹt của má càng trứ danh thêm. Má kho cá lóc hay cá trê vàng với thịt nạc, cùng công thức nước mắm xoàng, nước cơm sôi, đường thốt nốt và cuối cùng, nước mắm nhĩ có phần ưu đãi hơn. Bà đẻ ăn cơm bằng tô, với chuối xiêm chín hay khoai lang hấp, uống nước đậu nành rang vàng, chao ơi là má, mồ hôi độc thải ra, bầu sữa người mẹ trẻ căng cứng, những tô cơm của má thiện nghệ, diệu kỳ!


Rồi cũng sắp đến lúc các con "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa". Mẻ khô quẹt “nằm bàn” mỗi ngày từ khi má già sụ, hay khóc vì “tao nhớ ông bà ông vãi”, bởi người già ưa cơm nhão và món quẹt. Chỉ nước mắm ngon cô lên, cho tiêu vào, là đủ (nhưng những người chăm má không được quên cho vào nước cơm sôi, nghen). Và má ra đi, không mang theo gì, chỉ mang đi bàn tay cả một đời lam lũ và đôi bàn chân không quen guốc dép. Không, má ơi, má đã để lại tất cả, không liệt kê hết được. Và cái mẻ kho ấy đã được nhân ra, đứa con gái nào cũng biết tan nồi, biết kho quẹt đúng chuẩn.


Mỡ luôn sẵn ở các sạp chợ, lấy mớ tóp mỡ cho vào nước mắm cô sệt lên, má ơi, con cháu quây quần, quyết một bữa ăn ký ức, cơm mềm, căng bụng, má ơi. Không người mẹ nào mất đi là mất, không bao giờ.

DẠ NGÂN. 

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Cười chút : CHUYỆN BÁC BA PHI... - Năm Tu Huýt.




 CHUYỆN BÁC BA PHI

TÀU TỐC HÀNH


Một hôm Năm tui đang ngồi làm việc ở tòa soạn bỗng có anh xe ôm tới tìm và trao cho mảnh giấy quyến hút thuốc ghi nguệch ngoạc mấy dòng bằng phấn than đen kịn. Năm tui ngạc nhiên, thời bây giờ làm gì còn ai hút thuốc rê, thuốc giồng, quấn bằng giấy quyến? Thư viết:


"Tao không biết xài điện thoại di động, phải lái tàu tốc hành từ Cà Mau lên Sài Gòn thăm mày, đang đậu ở Bến Bạch Đằng, gần cột cờ Thủ Ngữ, mày ra liền, tao không bỏ tàu đi được. Ba Phi"


Năm tui lật đật theo ông xe ôm chạy ra Bến Tàu, ngay cột cờ Thủ Ngữ thì thấy Bác Ba Phi ngồi trên cái… bè chuối, cái bè nổi lêu nghêu, dập dờn trên mặt sóng lăn tăn. Nhìn kỹ, cái bè đặt trên… hai con cá lóc bông to bự chảng, mỗi con chắc cỡ trăm ký, dài mấy thước, to cỡ chiếc xuồng ba lá. Chúng đang quẫy đuôi, thờ phì phì.


Bác Ba Phi cười:


-Mày ngạc nhiên lắm hả, tàu tốc hành của tao đó. Dưới U Minh, mỗi lần đi đâu xa tao ra lung tràm huýt sáo và đưa tay ngoắc là vợ chồng thằng lóc bông này chạy vào mương gần nhà. Tao chỉ đặt cái bè chuối này lên, ngồi trên đó là vợ chồng nó hiểu ý chạy có cờ, tàu cánh ngầm chẳng xi nhê gì với nó nghen mậy.


Năm tui thắc mắc:


- Bác lên thăm cháu có chuyện gì gấp hả?


Bác Ba Phi giọng xởi lởi:


-Gấp chứ, nên tao mới đi tàu tốc hành riêng, đây là tàu...chuyên cơ đó nghen mậy.


-Có việc gì không bác Ba?


Bác Ba Phi bập bập điếu thuốc, nhả khói:


-Mùa này dưới U Minh nắng dữ lắm, tao sợ… cháy rừng, nên lên gấp gặp mày nhờ mày la một tiếng báo động để ở dưới người ta cảnh giác. Chứ năm nào cũng cháy rừng dữ quá. Cháy riết hết tràm, hết đước để tao hầm than làm phấn...viết thư giấy quyến khiếu nại với nhà báo thì làm sao. Gặp mày tao chỉ nói vậy thôi, giờ tao trở về dưới à.


Năm tui khẩn hoảng:


- Lâu lâu Bá Ba mới lên Sài Gòn một lần sao không ở chơi ít bữa?

Bác Ba Phi hấp tấp:

- Thôi, tao bận lắm không ở chơi được đâu. Hẹn mày dịp khác.

Năm tui thắc mắc:

- Có chuyện gì mà gấp dữ vậy bác Ba?

Bác Ba Phi chỉ tay xuống bè chuối:

- Con cá lóc cái có bầu nó sắp đẻ bầy ròng ròng. Tao phải cho vợ chồng cá lóc bông này về ngay U Minh cho vợ nó đẻ. Dưới đó có lung tràm rộng, vợ nó quần ổ thoải mái hơn sông Sài Gòn. Mỗi lần cá lóc bông của tao đẻ cả mấy trăm ngàn con ròng ròng chứ ít sao. Thôi tao bái bai mày nghen Năm nhà báo.


Nói xong Bác Ba Phi đưa hai ngón tay lên miệng, huýt toét một cái, vợ chồng cá lóc bông phóng vèo vèo, ngược sông Sài Gòn ra hướng Cần Giờ để ra biển Đông ngược về Cà Mau. Trong chớp mắt, "tàu tốc hành" của bác Ba Phi biến mất trên sóng nước.


Ai hổng tin chuyện này, tìm… vợ thằng Đậu mà hỏi.


NĂM TU HUÝT

Thư giãn : NGỤY BIỆN - Phuong Nam (FB).

 



NGỤY BIỆN  

Dạo này thằng bé nhà mình hay xem 

ti vi, bỗng hôm nay tự dưng nó hỏi: 

-  Bố ơi ! Tăng trưởng âm là gì hả bố, 

đã tăng trưởng sao lại là âm.

Tôi giải thích cho bé theo cách hiểu của mình :

- Thế này con nhé! Giống như nhà mình đây này, làm ra tiền không đủ chi cho cuộc sống hàng ngày, vay nợ tứ tung, giật gấu vá vai để sống đấy con .


Nó lại hỏi tiếp: 

- Tái cơ cấu công ty là gì hả bố?

Tôi trả lời: 

-  Đấy là công ty ấy vỡ nợ chứ có gì đâu, tiền vay, và tiền có sẵn từ trước, đều mất sạch, không có khả năng 

trả nợ nên phải lấy chỗ khác bù vào .


Nó lại hỏi tiếp :

- Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nghèo là gì ạ.

Do mệt, tôi bắt đầu nổi cáu :

- Vì khu rừng ấy có nhiều gỗ quý, 

tự dưng xông vào chặt bán lấy tiền thì không được, nên họ xin chuyển đổi rừng  sang dự án trồng tiêu, cafe… 

Phá rừng lấy gỗ bán xong trồng hay không tính sau.


Nó lại gân cổ tranh luận: 

- Sao không nói thẳng ra là khai thác rừng, vỡ nợ, không đủ ăn, mà vòng vèo thế bố nhỉ. 

Tôi bảo cháu: 

- Do ngôn ngữ việt nam phong phú và đa dạng nên họ nói lái đi cho dễ nghe ý mà.


Vậy bộ phận không nhỏ là gì hả bố....??

Tôi điên tiết lên.... 

- không nhỏ ... thì là to …. có thế mà cũng hỏi... cho mày ăn học tốn cơm gạo áo tiền !


Nó bỗng reo lên: 

- Con hiểu rồi, nếu cô giáo phê con học dốt, nếu bố hỏi con sẽ nói lái đi là: 

con học chưa đạt yêu cầu đề ra .

Tôi trợn mắt quát cháu: 

- Từ nay trở đi, bố cấm con không được xem ti vi nữa nghe không !!!


PHUONG NAM.

Thơ : ĐỨNG TRƯỚC BIỂN - Ta Trung (FB)

 


ĐỨNG TRƯỚC BIỂN. 

Đứng trước biển anh thấy mình quá nhỏ,

Biển bao la đến tận chân trời.

Như trước em, anh thấy mình quá bé

Có thể nào mơ ước được em ơi!

Biển và em, hai phạm trù vật chất

Em và biển, hai cuộc sống tinh thần.

Lòng biển rộng, lòng em cũng rộng

Tình anh thì… chỉ một chút mà thôi!

TA TRUNG. 

Thơ: CÓ NHỮNG ĐIỀU... - hathuthuy.

 



CÓ NHỮNG ĐIỀU BỒI HỒI NHƯ THẾ 


Có chiếc lá vàng khẽ khàng rơi xuống

Thật nhẹ nhàng sợ làm cỏ giật mình

Lá vàng rơi hay thời gian rơi rụng

Lênh đênh bay sao giống kiếp lục bình.


Có hoa nở giữa bình minh rạng rỡ

Lại có loài khoe sắc giữa chiều hôm

Có phải trong lòng quá nhiều đổ vỡ

Thì thấy gì cũng tím ngắt buồn tênh?


Có một điều nghĩ hoài... Chưa hiểu rõ

Là tình yêu... Thì cứ phải dở dang

Và cứ phải xa nhau thì mới nhớ

Phải giận hờn nước mắt mới miên man?


Có giọt nắng rớt bên thềm cô quạnh

Cũng có giọt vàng nhảy múa trên cây

Vạt nắng nào cũng làm tan sương lạnh

Cho cỏ ngọt ngào xanh lá thơ ngây.


Có dòng sông nước xanh màu ngọc bích

Lại có dòng đỏ nặng hạt phù sa

Nước sông nào cũng xuôi ra biển cả

Cũng lớn ròng chia trăm ngả đầy vơi.


Có vầng trăng rằm tròn vành mười sáu

Trải rộng ánh vàng vằng vặc tinh khôi

Có tình yêu chia đôi vầng trăng nhớ

Từ đó... Trăng xa cứ khuyết bồi hồi.

hathuthuy

Thơ : TUỔI GÌ - Kim Dung.

 



TUỔI GIÀ


Tuổi già thay đổi la thường

Sợ mưa sợ nắng sợ vương mắt sầu

Sầu nhưng không biết vì đâu

Sầu theo ngày tháng theo màu thời gian

Xin đời một chút bình an 

Mà sao chỉ thấy gian nan sớm chiều

Xin ngưòi một chút tin yêu

Cớ sao chỉ thấy hắt hiu cõi lòng

Một đời đếm bước long đong

Cuối đường cũng chỉ hư không ta về

KIM DUNG.

Thơ : CHÚT XƯA, NGẬM NGÙI - Thạch Thảo BD.

 



CHÚT XƯA.NGẬM NGÙI


Tình chợt đến, đi như gió thoảng

Buổi vàng thu, chiếc lá bay vèo.

Lạnh lùng như sóng xô bờ cát

Bãi vắng chiều hoang thêm hắt hiu.


Vô tình như gió hôn làn tóc

Gió cuốn, hồn nhiên sợi tóc bay.

Rơi rớt xa xăm, nào có biết

Sao nghe sầu rụng xuống vai gầy.


Tình chợt đến, đi như gió thoảng

Hững hờ đau mỗi bước chân qua.

Chân qua in dấu trong lòng cát

Mà giết đời riêng, xoá ngọc ngà?


Thôi về gói lại thời yêu dấu

Để nhớ để quên, bóng một người.

Chầm chậm chiều trôi…? Ai biết được?

Chút hương xưa còn mãi ngậm ngùi.


TX ngày 26-10-2023

Thạch Thảo BD

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Thế giới : SỨC MẠNH CỦA USD - ST

 



SỨC MẠNH CỦA USD.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) là cơ quan hoạt động độc lập không thuộc chính phủ Mỹ (12 ngân hàng dự trữ liên bang chi nhánh của FED nằm rải khắp nước Mỹ là những tổ chức tư nhân) là nơi duy nhất được quyền in và phát hành tiền giấy dollar Mỹ (chính phủ Mỹ sx và phát hành tiền xu).

2/3 số lượng dollar của nước Mỹ in và phát hành là lưu thông ngoài nước Mỹ, nên nhiều người nói nước Mỹ cứ in tiền vô tội vạ để làm giàu cho nước Mỹ và làm nghèo các nước khác...

Đây là một ngộ nhận sai lầm vì chính phủ Mỹ đâu có quyền in tiền giấy dollar. 


Sức mạnh của đồng USD, sức mạnh của nước Mỹ và những ngộ nhận trên được bạn Hoàng Xuân Kiểm giải thích qua bài viết dưới đây.


* ** **


Fb: Hoàng Xuân Kiểm 


Tôi vừa đọc phải một bài của 1 bạn trên trang Tin tức Ukraina - Thế giới nói rằng, sở dĩ các nước sợ chế tài Mỹ là vì rất cả phụ thuộc vào đồng đô la mà chỉ có nước Mỹ thì có quyền in ra ! 

Đây là quan điểm sai lầm của rất nhiều người do thiếu hiểu biết các quy luật kinh tế tài chính và ngân hàng...

Nếu in tiền mà tiêu thì sao còn phải làm...Dưới đây là lý giải của tôi để thông não một phần cho ai đó còn lầm lẫn...


Bạn sai ngay từ vạch xuất phát với mệnh đề: Mỹ cứ in tiền ra mua hàng là các nước trở nên phụ thuộc ! 

Cái này sai với quy luật tài chính, theo đó số tiền in ra hàng năm chỉ đúng với số tiền cũ hủy bỏ (do rách nát) + % tăng trưởng GDP. 

Điều này là quy tắc. Hoàn toàn không như mệnh đề của bạn đó. Nếu cứ in tiền ra được để mua thì chẳng thể có kinh tế nào cả mà chỉ có lạm phát !!! 

Từ cái sai này dẫn tới những kết luận rất sai khác. 


Thực chất sức mạnh Mỹ nằm ở công nghệ và khoa học kỹ thuật, những yếu tố làm tăng năng suất lao động.

Hãy xem:


1). Mỹ chỉ có dưới 2% dân số làm nông nghiệp nhưng là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc. Tại sao làm được? Là vì tự động hóa cao độ. Có 2 vợ chồng người việt ở Mỹ mà nuôi 800 000 con gà boyler (chúng ăn tự động tới máng, gà tự lấy nước uống). Theo lời kể của ông chồng người việt thì chỉ 2 tháng ông xuất chuồng với giá con gà chỉ có 0,49usd (nặng cỡ 1kg). Vậy 800 000 con thì thu về bao nhiêu tiền?


2). chỉ một tập đoàn Alphabet (công ty con là Google/Youtube) mỗi năm làm ra GDP ngang gần bằng GDP nước Nga!!!


3). Chỉ mỗi công ty mô tơ điện GE (Genegal electric) có tới 600 luật sư (theo dữ liệu trong cuốn Đắc Nhân Tâm)...

Chỉ 3 thí dụ nhỏ để bạn thấy các nước phụ thuộc đô la Mỹ không phải Mỹ có khả năng tự in tiền ra để mua hàng (trái mọi quy luật tài chính ngân hàng).


Từ năng suất lao động rất cao nhờ công nghệ cho nên người Mỹ thu nhập cao và hàng tháng tiêu dùng số tiền (hàng) rất lớn !!! Vì lý do này nước nào nhập khẩu được vào Mỹ thì đều thu được nhiều tiền do họ tiêu thụ khủng !

Cũng không riêng gì hàng hóa, kể cả ca sĩ muốn nổi tiếng toàn cầu thì phải được giới hâm mộ Mỹ yêu chuộng và có giải ở Mỹ ! Còn ca sĩ bất kỳ chưa thành công ở Mỹ thì cũng chỉ là hạng nghèo sau lũy tre làng.


* Mỹ vừa chuyển giao giúp đỡ cho Ukraina cái máy "printer" khủng để sản xuất các phụ tùng xe tăng sửa chữa tại chỗ. Đây là cỗ máy chuyển thép thành phụ tùng cần thay thế vào xe tăng khi nó bị hỏng. 


Hiện ở tp Lviv đã có cái Printer xây cất nhà cửa lập trình kiểu này do Mỹ tặng Ukraina.

Cỗ máy sẽ dựng lên ngôi nhà theo bản vẽ bằng chính bê tông nó làm ra trên máy và đặt đúng vào chỗ cần thiết theo bản vẽ cài sẵn... Một trường học 500m2 đã được máy Printer này xây dựng ở tp Lviv để cho chuyên gia Ukraina luyện tập thực hành. Một cỗ máy chỉ có 3 công nhân cấp kỹ sư làm việc! Nó sẽ dựng lên ngôi nhà đúng theo bản vẽ cài sẵn trong máy ! Tất nhiên nguyên liệu là xi măng + cát và thép được cấp đủ vào máy ! Bạn có thể hình dung máy xây dựng này tựa như cái bút bi khổng lồ mà mực chính là bê tông  lỏng. Kẻ tới đâu là một lớp mực bê tông để lại trên sàn và cao dần thành bức tường... !


* Lưu ý rằng, người sáng lập nên Alphabet (google/youtube) lại chính là một thanh niên Nga sang lưu học ở Mỹ Sergey Brin cùng với một thanh niên Mỹ cùng học ở Harvard!


SƯU TẦM. 

Thư giãn : GẶP GỠ HOA HẬU - ST

 



GẶP GỠ HOA HẬU! 

Cô hoa hậu dẫn đầu đoàn phụ nữ hậu phương đi thăm các thương binh ở quân y viện. 

Đến bên giường của một chiến sĩ, cô hỏi: 

- Nhiệm vụ của anh là gì? 

- Giao liên. 

- Vậy thì em hôn lên "đôi chân vạn dặm của anh" 

- Nàng nói rồi hôn lên bàn chân anh lính. 


Tiếp đó, "cô tiên" đến giường bên hỏi: 

- Còn anh? 

- Sĩ quan tham mưu. 

- Ôi, cho em hôn "bộ tổng tham mưu" của anh ! 

Hôn lên trán chàng sĩ quan xong, qua giường kế tiếp, 

cô hoa hậu dạn dĩ nựng yêu: 

- Nào, chàng trai dũng cảm, hãy nói cho em biết 

binh chủng của anh? 


Cậu lính trẻ hoảng hốt co đầu gối lên bụng, mặt đỏ bừng, lắp bắp: 

- Em... em xin chị... đừng... Em ở bên... pháo binh.


St.

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Nhìn ra xa: MỘT NGƯỜI XỨNG ĐÁNG... - Hoang Giang - (fb)

 



MỘT NGƯỜI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC DỰNG TƯỢNG TẠI VIỆT NAM


"Ngược đời!

Tỷ phú Mỹ mang tiền qua giúp Nhân Dân VNam.

Tỷ phú VNam mang tiền qua Mỹ mua biệt thự..."

Mấy hôm nay chắc các bạn cũng đọc tin về một tỉ phú Mỹ, ông Charles ‘Chuck’ Feeney, 89 tuổi, đã cho đi hết 8 tỉ USD, chỉ giữ lại 2 triệu USD để sống cùng vợ những ngày cuối đời.

Các bản tin cũng cho hay ông đã dành nhiều triệu đôla giúp Việt Nam nhưng ít bài nào cho biết cụ thể đó là gì.

Vừa qua Quỹ từ thiện Atlantic của ông Charles ‘Chuck’ Feeney tuyên bố đóng cửa ngày 15/9 sau đã cho đi hết tài sản của ông.

Theo tài liệu của Quỹ Atlantic, ông Charles F. Feeney, người sáng lập Quỹ Từ thiện Atlantic, có những chuyến thăm dò sang Việt Nam cuối thập niên 1990.

Các dự án từ thiện của ông tại Việt Nam là tiến hành từ 1997, kết thúc năm 2015. Tổng cộng 297 dự án của Atlantic hiến tặng cho 97 cơ sở địa phương, với tổng số tiền là 381,6 triệu đô la Mỹ.

Trong đó có các ví dụ như:

15 triệu xây dựng trường RMIT tại Hà Nội

11 các tổ chức tại Úc đã nhận được 68 triệu đô la Mỹ của Atlantic để làm việc tại Việt Nam.

2005–2016: 51,4 triệu cho xây dựng, cải tạo, trang thiết bị, đào đạo cán bộ và nâng cấp các trạm xá xã trong 8 tỉnh: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên

Huế, Vĩnh Long, Thái Nguyên, Cà Mau, Đăk Lăk và Yên Bái

2004–2006: 45 triệu nâng cấp và hỗ trợ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng

2005–2014: 4 triệu xây dựng năng lực chăm sóc chữa trị về mắt tại 8 tỉnh trọng điểm

2006: 4 triệu xây dựng và trang bị Khoa Mắt và Trung tâm Huấn luyện tại Bệnh viện Trung ương Huế

2009–2012: 2 triệu củng cố năng lực đào tạo cho Viện Mắt Trung ương

2009: 1 triệu cho Trung tâm Cộng đồng Huấn luyện Chăm sóc Mắt tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh

Những món hiến tặng cuối cùng ($2,5 triệu cho Sở Y tế Yên Bái; $1 triệu cho Đại học Y tế Công cộng)

(BBC)

Cách nay 3 ngày, ông đã đặt bút ký giấy đóng cửa quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies vì toàn bộ tài sản của ông đã được phân phát hết. Năm nay 89 tuổi, ông không còn là tỷ phú nữa vì đã tặng toàn bộ tài sản và tiền quyên góp là 8 tỷ usd cho người dân và các chương trình từ thiện. Ông từng TN đại học Cornell danh giá và là người giàu thứ 23 của thế giới dù xuất thân từ một khu phố nghèo ở tiểu bang New Jersey và lăn lộn kiếm sống. Vợ và 5 con của ông cũng theo gương ông, sống giản dị dù rất giàu có và cùng làm từ thiện.

Ông dành 3,7 tỷ USD cho giáo dục, 870 triệu USD cho nhân quyền và hoạt động thay đổi xã hội, 700 triệu USD cho chăm sóc sức khỏe, trong đó có 270 triệu USD để cải thiện nền y tế Việt Nam.

Ông còn cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam du học thạc sĩ tại Australia.

Ông Feeney từng có 6 căn hộ sang trọng ở Côte d’Azur (Pháp), Mayfair và đại lộ Park (New York). Ông đã bán tất cả và giờ đây ông thuê lại một căn hộ nhỏ chỉ có hai phòng ở San Francisco để sống.

Trên tường nhà ông có vài tấm hình chụp cùng gia đình, bạn bè. Ở trên có một kỷ niệm chương nhỏ ghi: "Chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD". Mặc dù là tỷ phú và là chủ chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free nổi tiếng toàn cầu nhưng xưa nay ông toàn đeo kính cũ, đi máy bay hạng phổ thông và uống rượu loại 2 tại các nhà hàng, chi tiêu dè sẻn và tiết kiệm. Mục tiêu của ông là làm từ thiện.

Câu chuyện ưa thích của ông là về con sóc ăn quả bồ đào mà ông hay kể lại :“Một con sóc thấy bồ đào trong vườn, muốn vào trong ăn một chầu cho đã, nhưng nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để gầy đi, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó chui được ra, bụng vẫn thót lại như lúc chưa chui vào.”

Ông hiểu rằng con người sinh ra trắng tay thì cũng nên tay trắng trở về với cát bụi! và “ tấm vải liệm không có túi”! Vì vậy hãy cho tất cả những gì có thể để có một cuộc đời hữu ích và sống thanh thản.

Ông cho biết "Tôi hạnh phúc vì cho đi toàn bộ tài sản trước khi hết thời gian của cuộc đời".

(Theo Fb Hoang Giang)


Ông Sanh năm : 1931 (92 tuổi), tại Elizabeth, NJ

Tốt nghiệp: Statler Hall – Nolan School of Hotel Administration…..

5 con 

Vơ: Helga Feeney (m. 1995)

Cha: Leo Feeney, Mệ: Madaline Feeney

Anh em: Arlene Fitzpatrick

Thư giãn : ĐẦY ĐỦ ĐÃ ĐỜI - St trên FB.



 ĐẦY ĐỦ ĐÃ ĐỜI ( Sưu tầm trên FB )

Nhân mùa tựu trường : ĐI HỌC Ở BA LAN- Mạc Việt Hồng (fb)

 



ĐI HỌC Ở BA LAN.


Hôm nay trên mạng xã hội, nhiều ông bố bà mẹ khoe, con cái họ được phát miễn phí laptop hiệu HP, trị giá khoảng 700usd. Đây là chương trình trợ giúp trẻ em của chính phủ Ba Lan, theo đó, mỗi trẻ em từ 10 tuổi trở lên sẽ được tặng 1 chiếc laptop để phục vụ cho việc học hành (tất nhiên nếu có thỉnh thoảng chơi điện tử thì cũng không sao )


Trẻ em Ba Lan đi học miễn phí và bắt buộc, tức nếu không cho con đi học bố mẹ sẽ gặp phiền toái với pháp luật. Nói là miễn phí vẫn chưa đầy đủ, bởi nhà nước còn cho thêm tiền nữa. Đầu năm mỗi trẻ được 300zl (tương đương khoảng 75usd tiền mua giấy bút). Sách giáo khoa được mượn, tiền ăn trưa tùy từng địa phương sẽ được miễn hoặc trợ giá. Mỗi tháng nhà nước cho mỗi bé (tới 18 tuổi) 125 usd, thời gian tới số tiền này dự tính lên 200 usd. Người Việt thường đẻ nhiều nên lĩnh vài suất là chuyện thường. 


Trẻ em đi học được miễn phí tầu xe công cộng, xe điện xe buýt các bé cử nhẩy lên đi thoải mái, bậc cấp 3 thì phải trả 1/2 vé. Nhà trường dậy hết và dậy đủ, chẳng phải học thêm học nếm gì. Những lớp bé (tới lớp 3) không có bài tập về nhà, nên trẻ em chơi... tẹt ga. Đi học ở đây thực sự là nhẹ nhàng, hạnh phúc, không những cho trẻ mà cho cả bố mẹ chúng. 


Điều đang nói là trẻ nhập cư, con cái của những người tị nạn cũng được như trẻ em bản xứ, thậm chí được hơn vì nhà trường dậy thêm ngôn ngữ miễn phí cho các cháu để giúp các bé hòa nhập.


Nghe vậy muốn tị nạn giáo dục rồi, phải không quý dzị?


(Fb: Mạc Việt Hồng)

* Ảnh của Tran Cao Cong, 2 bé sinh đôi nhà bạn ấy vừa nhận 2 laptop của chính phủ tặng

* Ba Lan là quốc gia Đông Âu, chuyển đổi thể chế từ 1990 - Theo Wikipedia. 

Thư giãn : CAO THỦ DẠY VỢ - St trên FB.

 



CAO THỦ DẠY VỢ

( Dạy vợ như thế này mới là dạy chứ ! )

Cả khu tập thể ai mà chả biết lão sợ vợ, thế mà tối qua thấy tiếng lão quát vợ rung cả tầng nhà. Nể quá ! Đàn ông phải thế chứ! Thương yêu vợ là một nhẽ, để vợ cầm roi dạy chồng lại là nhẽ khác. Cánh phụ nữ hiếu kì trong khu tập thể thì thầm gì với nhau, lúc sau kéo nhau sang đứng chật ngoài cửa nhà lão nghe ngóng.

Choang! Choang! (Tiếng bát đĩa vỡ) - Bụp! Bụp! (Tiếng đấm đá gì đó rất mạnh) kèm theo tiếng lão quát: Im mồm, cấm kêu! Hôm nay tôi nói cho cô biết nhé, cô đã làm nhơ cái mặt tôi ở khu chung cư này rồi, ai cũng bảo tôi sợ vợ, ngay cả mấy lão trong hội cờ tướng của tôi cũng biết, hễ thua cờ tôi là nói kháy, là đá đểu tôi giỏi chơi cờ vua hơn cờ tướng nhé, hậu to hơn vua nhé. Bây giờ thì đừng hòng. Hôm nay tôi phải dạy cho cô bài học, đừng có thấy chồng hiền mà đòi cưỡi cổ nhé! - Choang! Rắc! Rắc (Tiếng chân bàn chân ghế gì đó gãy) - Tôi cứ đi ra khỏi nhà là cô la, về muộn tí là cô chửi, gặp ai là phụ nữ thì cô cho tôi đã cặp bồ, cái ví của tôi cô xẻo hết từng đồng tiền lẻ, cái điện thoại của tôi mỗi khi tôi ở nhà là cô kẹp chặt trong nách, cô kiểm tra danh bạ, tin nhắn, cô kiểm tra các mạng xã hội tôi chơi, mỗi khi vui bạn vui bè uống với nhau cốc bia cốc rượu, về tới nhà là cô nói bóng nói gió… Nay tôi bảo cho cô biết, tôi hết chịu nổi rồi, cô một vừa hai phải thôi, nhớ chưa? Nhớ chưa? Nhớ chưa? Há miệng ra trước mặt tôi ngay, há ngay! - Bốp. Bốp. Bốp. (Chắc là tát vào hai má) - Bao lâu nay cô chửi tôi như hát hay, chửi như chửi bọn phản động, bọn tham nhũng lợi ích nhóm, bọn kinh doanh thần thánh nhé, tôi nín nhịn, đến hôm nay thì hết rồi nhé. Từ giờ, chừa ngay cái thói bắt nạt chồng nghe chửa, chồng nói một câu vợ phải dạ một câu, nghe chửa? Viu... viu...viu... (Ôi giời chắc là Bàng Long Cước của Lý Tiểu Long đá gió đây, Kinh!) - Cô đưa cái kéo cho tôi, đưa đây, tôi sẽ cắt trụi cái mớ tóc dài của cô để cô luôn nhớ rằng, cô là vợ, vợ tức là ở dưới chồng cơ, hiểu chưa, đưa kéo đây.

Ôi bà con ơi, không khéo có án mạng! phải cứu cô ấy chứ!

Mấy người dùng vai xô cửa, cánh cửa nhà bật tung, mọi người ùa vào trong nhà.

Lão hàng xóm mặt đằng đằng sát khí đứng giữa phòng, bát chén, cốc ly vỡ tung tóe mảnh nằm đầy dưới nền nhà, trên tay hắn là cái kéo làm vườn, cắt cành cây cảnh.

Một bà to béo choàng tay ôm ghì lấy lão:

+ Ấy... Bình tĩnh, bình tĩnh đi ông! Vợ nó dại thì mắng mỏ vợ đôi câu, bực lắm thì đánh nó một hai cái chứ ai lại hành hạ vợ thế!

- Nhưng không thể chịu được, điên lắm rồi các bà các chị ạ, phải dạy vợ cho ra dạy thôi.

+Thế cô ấy đâu, cô ấy đâu rồi?

- Trốn rồi!

+ Trốn ở đâu rồi?

- Về quê hôm qua rồi!

--------------

Sưu tầm