Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Từ phương xa: CON NGƯỜI VỚI CON KHỈ - Sưu tầm.

 




CON NGƯỜI VỚI CON KHỈ 

Một con khỉ đang được huấn luyện để hái dừa tại trung tâm khỉ Samui Monkey Center trên đảo Samui, Thái Lan. (Pornchai Kittiwongsakul/ AFP via Getty Images)
Hãng Target đã trở thành công ty Hoa Kỳ mới nhất tuyên bố ngừng bán sản phẩm nước cốt dừa hiệu Chaokoh, do cáo buộc bắt khỉ để hái dừa như nô lệ.
Theo truyền thông Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ động vật, nhà cung cấp dừa tại Thái Lan của hãng Chaokoh bị cáo buộc đã bắt khỉ hoang dã và huấn luyện để buộc chúng đi hái dừa.
Trong thông cáo gởi truyền thông, Target cho biết hãng coi cáo buộc này là nghiêm trọng, và đã bắt đầu ngừng bán sản phẩm nước cốt dừa Chaokoh từ tháng 11 năm ngoái.
“Bằng cách ngừng bán nước cốt dừa hiệu Chaokoh, Target đã gia nhập cùng hàng ngàn công ty khác để từ chối hưởng lợi từ sự khốn khổ của những con khỉ bị xiềng xích,” tổ chức bảo vệ động vật PETA nói.
“PETA xác nhận rằng các nhà sản xuất sản phẩm từ dừa ở Thái Lan đang sử dụng lao động từ loài khỉ và nói dối về việc này. Do đó, các cửa hàng Hoa Kỳ không nên tiếp tục bày bán nước cốt dừa hiệu Chaokoh trên kệ hàng của họ.”
Theo PETA, 26,000 cửa hàng, bao gồm cả các hãng bán lẻ lớn như Wegmans, Food Lion và Stop & Shop, đã ngừng làm ăn với hãng Chaokoh.
Trong khi đó, Chaokoh bác bỏ cáo buộc sử dụng sức lao động từ động vật. Hãng này nói rằng họ đã kiểm tra đồn điền trồng dừa của những nhà cung cấp, vốn là một bên thứ ba không thuộc quản lý của hãng, và không phát hiện nơi nào sử dụng khỉ để thu hoạch dừa.
Nhiều cửa hàng Hoa Kỳ khác cũng đã ngừng bán nước cốt dừa Chaokoh, bao gồm cả Costco.
Tại Thái Lan, truyền thống nông dân dùng khỉ để hái dừa đã có từ lâu, nhưng nay vấn đề đạo đức được nêu ra từ các quốc gia Tây Phương, nơi chiều hướng ăn chay đang gia tăng. Giới thuần chay (vegan) không chỉ chọn món ăn họ muốn tiêu thụ mà còn quan tâm đến nguồn gốc của món ăn.

D.H sưu tầm và giới thiệu. 

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Cuộc sống: CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY- Sưu tầm.

 




CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY 

Đây là câu chuyện có thật do chính người trong truyện thuật lại. Ông là một giáo viên người Anh. Mỗi khi kể, ông thường không cầm được nước mắt, xúc động nghẹn ngào. Ông nói:

Nhà tôi ở một phố giữa Thủ đô Luân Đôn. Một hôm, tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi ăn mặt tồi tàn, rách rưới; mặt mũi gầy gò, xanh xao; chìa những bao diêm khẩn khoản mời tôi mua giúp một bao. Tôi mở ví tiền và chép miệng:

- Rất tiếc là tôi không có xu lẻ.

- Thưa ông , không sao ạ.Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng . Cháu chỉ chạy loáng một lát đến hiệu buôn để đổi, rồi hoàn lại cho ông tiền lẻ còn thừa.

Tôi chăm chú nhìn cậu bé và lưỡng lự :

- Thật chứ ?

- Thưa ông , thật ạ. Cháu không phải là một đứa dối trá.

Nét mặt của cậu bé trông rất cương trực và tự hào tới mức làm tôi tin và giao ngay cho cậu một đồng tiền vàng. Nhưng năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua mà vẫn không thấy cậu trở lại.

Tôi bắt đầu nghi ngờ cậu bé. Nửa giờ sau, chờ mất công, tôi lững thững tiếp tục cuộc dạo chơi và tự nhủ:

- '' Cần rút kinh nghiệm, không nên tin vào bọn trẻ này''!

Vài giờ sau, khi trở về nhà, tôi ngạc nhiên , thấy có một cậu bé đang đợi tôi. Diện mạo cậu bé này rất giống cậu bé đã cầm tiền của tôi, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn và thoáng một nỗi buồn tuyệt vọng:

- Thưa ông , có phải ông vừa đưa cho Rô-be một đồng tiền vàng không ạ ?

Tôi khẽ gật đầu . Cậu bé tiếp :

- Thưa ông , đây là tiền lẻ hoàn lại... Robert nhờ cháu... mang đến trả ông…

Robert là anh cháu… chúng cháu mồ côi… Anh cháu không thể mang tiền trả ông được.. vì anh ấy bị xe đụng… đang nằm ở nhà và khó lòng… sống nổi…

Em bé không nói được hết câu vì những tiếng nấc xé lòng.

Tôi sững sờ cả người, tim se lại vì hối hận, hỏi dồn:

- Vậy bây giờ Robert ở đâu? Hãy đưa tôi đến.

Sau khi dừng lại một chút trước chiếc hầm nhỏ của một căn nhà đổ nát, em bé nói:

- Thưa ông, đây là nhà của chúng cháu.

Trong một góc tối của căn hầm, cạnh chiếc bếp lò cũ kĩ đã tắt ngắm từ lâu, giữa một đống giẻ rách, tôi nhận ra Robert nằm dài, bất động. Mặt em lúc này trắng bệch. Một dòng máu đỏ từ trán chảy xuống. Robert đưa mắt nhìn về phía tôi, giọng thều thào, yếu ớt:

- Thưa ông, ông hãy lại gần đây.

Tôi quỳ xuống bên em, cầm lấy bàn tay em- bàn tay khẳng khiu, gầy gò, đáng thương, lạnh ngắt.

- Charley, em đưa tiền trả ông rồi chứ?

Cậu bé gật đầu, mắt vẫn sưng mọng.

- …Ôi! Đấy, ông xem, cháu không phải là đứa dối trá mà.

Tôi cúi sát xuống người em, cầm lấy bàn tay em, hôn vào chỗ trán bị thương nứt rạn và nói với Robert rằng:

-” Em hãy bình tâm, dù bất cứ tình huống nào, tôi cũng sẽ nuôi nấng Sác-lây cho em”.

Tôi nói dịu dàng, âu yếm an ủi Robert, để cái chết của em được thanh thản. Bàn tay khốn khổ của em nằm gọn trong tay tôi lạnh dần, lạnh dần…

Em bé nghèo túng của tôi đã từ giã cõi đời quá ngắn ngủi như vậy đấy. Cái chết đó làm cho tôi thấy rằng, trong cuộc đời tôi chưa hề được thấy một cử chỉ, hành động nào đẹp đẽ, cao cả như vậy. Một tâm hồn vô cùng cao thượng ẩn náu trong một em bé sống trong cảnh rất đỗi cực khổ nghèo nàn.

Sưu tầm

#ncctv

Thơ: ĐÊM NHỚ TRĂNG VỀ - Hà Thu Thủy.

 




ĐÊM NHỚ TRĂNG VỀ

Chim nhớ tầng không cao vời vợi

Hàng cây nhớ gió để lay lay

Lá nhớ mùa thu bình yên đợi

Hoa vàng nhớ nắng nở mê say.

Cỏ nhớ bước chân trần rón rén

Con đường nhớ dáng của người qua

Dòng sông nhớ bến xưa hò hẹn

Con thuyền trôi nhớ sóng chan hòa.

Bình minh nhớ sương và nhớ nắng

Trưa hè nhớ tiếng võng đong đưa

Chiều nhớ giọng ru hời xa vắng

Đêm nhớ trăng về...em nhớ anh.

hathuthuy (1-2021)

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Tản mạn: VẠT LỤC BÌNH NAM BỘ - Trần Mạnh Hảo.

 




SƠN NAM - VẠT LỤC BÌNH NAM BỘ

Trần Mạnh Hảo


Không hiểu sao, mỗi lần nhớ đến nhà văn Sơn Nam, tôi lại hình dung đến những vạt hoa lục bình trên các kênh rạch, sông ngòi của miền Nam. Lục bình, loài hoa “vừa đi vừa nở”, như một bài thơ tôi viết thuở nào, là một thứ hoa quá bình thường, thậm chí quá tầm thường, do trời trồng, cứ phiêu dạt, cứ lang bạt kỳ hồ như mây bay gió thổi, như số phận và tâm hồn của người nghệ sĩ. Lục bình vừa đi vừa sống, vừa đi vừa nở hoa, vừa đi vừa sinh sôi và tan rã. Nương trên sông nước, có lúc loài hoa xê dịch này chạy như bay về phía chân trời, chạy như đang bị nghìn thượng nguồn lũ lụt đuổi bắt, chạy như đang trôi tuột về phía hư vô, về phía không còn gì, để bấu víu và tồn tại…


Quả thực, Sơn Nam là loài lục bình chuyên đi bộ, trôi bộ trên những vỉa hè của Sài Thành. Ông cứ tưng tửng như thế mà đi vào lòng người, mà đi vào văn học. Học theo phép trôi nổi, vô bờ bến của hoa lục bình, chừng như Sơn Nam cứ tưng tửng suốt hơn bảy mươi năm mà đi bộ trên những vỉa hè bụi bậm quanh co của con người. Đốm lục bình trên cạn này có cảm giác như trôi không nghỉ, vừa đi vừa ngậm cái sâu kèn bốc khói, thảng hoặc cười ruồi một cái rất bí hiểm, hoặc gật đầu chào một bóng mây, quờ tay lên khoảng không như tính vịn vào sự hụt hẫng của bước chân phận số. Trên dòng đời trôi dạt, cuộn xoáy về vô định ấy, trong hoang sơ im lặng chợt trổ ra bông lục bình, đột ngột như tiếng khóc oa oa sơ sinh của mang mang thiên cổ, có lúc lại đầy đặn, ấm áp tươi vui như tiếng cười của trời đất. Nhìn lên trời, đám mây tưng tửng kia chợt như một dề lục bình của cao xanh, trôi đi muôn đời bí hiểm mà sao chưa học được phép nở hoa của bông lục bình hoang dã.


Gió kia thổi tưng tửng lên miệt vườn và Sơn Nam cứ thế mà đi tưng tửng đến mọi người. Ông có cái dáng cổ quái như người đã ở miệt vườn từ mấy trăm năm, từ độ ông bà mình đầu tiên mở đất Nam Bộ. Ông giống như một tùy phái của Thoại Ngọc Hầu vừa thu nạp dân binh đi mở kinh Vĩnh Tế về, lội bộ qua vài ba trăm năm đến với chúng ta như lội qua vài ba công ruộng. Sơn Nam đã ở đô thành gần này hơn nửa thế kỷ mà cái dáng của ông vẫn như là dáng của dân miệt vườn chay. Ông chưa hề bị nhiễm chất thị thành, hệt như ông già Nam Bộ này vừa theo mùa nước nổi bắt được mấy xâu chuột, kêu bạn bè kiếm vài chùm bông điên điển về nướng chuột nhậu chơi. Ông có cái dáng dân chài lưới của U Minh thượng, U Minh hạ hơn là cái dáng của dân làm văn, viết sử.


Sơn Nam là nhà văn của nông thôn, mà là nông thôn Nam Bộ, một nông thôn thuần phác mà dữ dằn, chịu chơi mà nghĩa khí, nhân hậu mà ngang tàng. Cái miệt vườn trong văn chương của Sơn Nam là một miệt vườn xưa, nơi con người và cá sấu còn tranh giành nhau từng tấc đất, nơi cọp ngồi lù lù giữa buổi chợ chiều, nơi mũi lao thường biết cách dẫn đường con người bằng cách phóng đi như tên bắn về phía hoang vu, tăm tối và nỗi sợ trước một thiên nhiên được cấu tạo bằng nỗi niềm của người xa xứ.


Ông chính hiệu là nhà văn của buổi đầu mở đất, của những người bị phát vãng, bị lưu đầy từ miền Trung, miền Bắc vào, của dân trốn nợ, của kẻ thất tình quá mà bỏ xứ, của những anh hùng Lương Sơn Bạc, muốn tìm tự do nơi xứ cọp hơn là phải sống tù túng, sợ hãi trong sự áp bức của cõi người toàn quan ôn, chúa ác. Sơn Nam là một nhà Nam Bộ học, một cuốn từ điển của thời đầu mở đất Đồng Nai. Ông tiếp tục truyền thống văn chương của những Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ… Văn ông giản dị chừng nào, mộc mạc chừng nào lại sâu sắc mà hàm súc chừng ấy. Đọc ông, tôi cứ nhớ đến Tuốchghênhiép, một nhà văn phong tục của Nga ở thế kỷ mười chín với “bút ký người đi săn” nổi tiếng trên thế giới. Tuốchghênhiép là một biên niên sử của nông thôn Nga thời Sa hoàng, với những trang trại và những cỗ xe tam mã, những mệnh phụ phu nhân và những mối tình phù phiếm gió bay, những nông nô và số phận tẩm toàn nước mắt, những cánh rừng tai ga hư thực và những hươu nai chỉ lấy sự chạy làm vũ khí. Cũng như Tuốcghênhiép, Sơn Nam là một nhà văn phong tục của miền Nam, của những huyền thoại thời kỳ khai điền lập ấp.


Văn của Sơn Nam không ào ào như gió chướng, lại không trong veo như nước cất trong phòng thí nghiệm, mà nó là thứ chất lỏng hồng hào có tên là phù sa, chỉ cần vốc lên đã thấy mỡ màu cả bàn tay. Dưới ngòi bút của ông, những mảnh vụn bình thường nhất của thiên nhiên, những góc khuất nhất của hồn người chợt như được khoác lên một thứ ánh sáng mới, được bước ra sân khấu của ngôn từ với vẻ mặt trang trọng và cảm động. Những cảnh, những đời, những tâm sự của ông dù với tính cách hảo hớn, hào hùng nhất, sảng khoái và chịu chơi nhất bao giờ cũng pha một giọng kể trầm buồn, u hoài, xa vắng. Nói cho cùng, Sơn Nam là nhà văn của nỗi buồn con người. Hình như nỗi buồn đau mới có khả năng tạo ra cái đẹp của nghệ thuật? Thế giới nguy hiểm hơn, dễ đổ vỡ hơn nếu chỉ tồn tại bằng tiếng cười, bằng sự hoan lạc. Những câu chuyện mà Sơn Nam kể cho chúng ta thường pha chất dân gian, pha chút tiếu lâm nguyên thủy miệt vườn, đôi khi cái cười đi qua còn lưu lại nước mắt. Làm cho người đọc cảm động, còn tác giả tuồng như vẫn tỉnh queo, vẫn lầm lũi đi tìm những mảnh đời khác, những câu chuyện khác, gom nhặt chất liệu như đi mót lúa.


Sơn Nam dáng dấp nhỏ con như núi của phương Nam nhưng rắn rỏi, gân guốc. Gương mặt ông khắc khổ, hun hút như được chạm khắc bởi nỗi niềm tù túng của lịch sử có nét hao hao gương mặt của tượng đá Phù Nam. Đôi mắt ông nhìn tôi vừa xuyên suốt, vừa u u minh minh, vừa sáng quắc vừa lờ đờ, hệt như là đôi mắt của quá khứ. Ông cười lành như cái cười của nghé, của bê. Đôi lúc đang ngồi cười nói, ông chợt im lặng như quên mất tiếng nói, thậm chí như thể ông đã để quên hai lỗ tai ở nhà. Và chợt thấy ông cười ruồi như cười với người trong mơ. Đôi khi ông thất thường như mưa nắng, song ông vẫn là người bình dị, chưa một lần tỏ ra kênh kiệu ta đây. Ông có khả năng chơi thượng vàng hạ cám. Lớp trẻ quý mến ông ở tấm lòng thành thật, cởi mở và chịu chơi, thậm chí lẹt xẹt, hề hề.


Thỉnh thoảng gặp ông, tôi lại thấy nhà văn Sơn Nam của chúng ta già đi một tí. Duy giọng nói ông còn hào sảng, tiếng cười hì hì của ông sao mà trẻ thơ dường vậy. Con người càng già đi, tâm hồn càng trở về thời thơ ấu. Với những tập truyện ngắn bút ký xuất sắc, với những tập biên khảo uyên thâm, với những phát hiện mới mẻ về chân dung tinh thần của người Nam Bộ, Sơn Nam quả rất xứng đáng với ý nghĩa của tên tuổi mình.


Dòng sông đuổi bắt chân trời, chẳng có gì trên đời có gan bám theo dòng sông về vô tận ngoài chấm lục bình kia. Lục bình như một biểu tượng sâu xa của kiếp người, vẫn trổ hoa trong mưa gió. Như một đóa lục bình văn học, tâm hồn Sơn Nam đang trôi trên những trang văn về phía chân trời của cuộc sống.

T.M.H


Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Thơ: CHỈ LÀ EM THẤY NHỚ ANH THÔI - Phương Ngô.

 





CHỈ LÀ EM THẤY NHỚ ANH THÔI.


Anh ơi lời hẹn ước 

Như vừa mới hôm qua 

Tim em còn nức nở

Sao hôm nay nhạt nhòa.


Câu thơ còn dang dở

Nụ tình chưa đơm hoa

Sao lời yêu òa vỡ

Cả một trời xót xa.


Em gom từng cánh lá

Em nhặt từng nụ hoa

Xin yêu thương một thuở

Trả em về ngày xưa. 


Ngày bước chân vô định  

Ngang qua miền nhớ thương 

Tình cờ hay duyên số 

Cho mình thương thật thương.


Vậy mà tình theo gió

Khi đông còn đẫm sương 

Nụ tình chưa kịp nở

Môi son hóa hững hờ.


Anh bây giờ xa quá 

Bao giờ đến ngày xưa 

Ngày mi ngoan khắc khoải 

Bỗng hóa ra dại khờ.


Bài thơ tình em viết 

Chẳng bắt đầu từ đâu 

Chỉ biết rằng không thể

Nói quên là quên đâu.


Biết đâu lời yêu cuối 

Cũng hóa ra tình đầu

Nên đừng quên anh nhé

Người em yêu từ lâu. 


Phương Ngô. (Viết cho mùa ở lại)

FB- Thư Tình Cuối Mùa Thu.

Ảnh ST.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Đời sống: HẠNH PHÚC LÀ GÌ? - Sưu tầm.

 




HẠNH PHÚC LÀ GÌ? 

Ai cũng biết trong tiếng Anh, "happiness" có nghĩa là "hạnh phúc". Nhưng hạnh phúc là gì?


H — Healthy (Sức khỏe)

Giữ gìn sức khỏe mỗi ngày, bạn sẽ lớn lên thật khoẻ mạnh và hạnh phúc! Ăn đúng bữa, tập thể dục, và ngủ đủ giấc đồng thời từ bỏ những thói quen có hại cho sức khoẻ. Có một thể chất khoẻ mạnh giúp bạn vượt qua được nhiều khó khăn ở phía trước.


A — Attitude (Thái độ)

Bạn có biết chú lừa Eeyore trong "Winnie the Pooh" không? Chú luôn gặp phải những tình huống tồi tệ nhất. Và chú đã bỏ cuộc khi chưa kịp khởi đầu việc gì. Nếu bạn có một thái độ tích cực, bạn sẽ tự tin vào chính mình. Hãy luôn tự nhủ và quyết tâm rằng "Mình có thể làm được điều đó."


P — Present (Hiện tại, món quà)

Hãy sống mỗi ngày và mọi ngày ở hiện tại. Hiện tại là một món quà, hãy tận dụng hết những gì cuộc sống mang lại cho bạn chứ đừng lo lắng về những gì đã xảy ra ngày hôm qua hay sẽ xảy ra ngày mai. Bắt đầu từ ngày hôm nay và nghĩ về mục tiêu lâu dài trong cuộc sống bạn nhé!


P — Play (Vui chơi)

Bạn bận rộn đến mức đầu óc căng như ong vò vẻ? Đã đến lúc bạn phải thư giãn … Bạn chỉ cần ngồi một mình, thả hồn ra cửa sổ, ra ngoài ngắm mây trời, cây cối, thiên nhiên..


I — Inward (Nội tâm)

Hạnh phúc đích thực bắt nguồn từ chính bạn chứ không thể chịu tác động bởi những lời nói hay việc làm của người khác. Inward cũng có nghĩa rằng hạnh phúc không thể bán, rằng của cải vật chất không mang lại hạnh phúc. Tình yêu thương, sự cảm thông và lòng can đảm đều là những thứ không cần phải mua vì đã có trong chính con người bạn đó.


N — Nut (Hạt)

Hãy thử tưởng tượng một hạt bạn hay ăn với phần bên trong mềm mại được bảo vệ bởi lớp vỏ cứng bên ngoài. Chúng ta cũng như vậy đấy, vẻ bề ngoài chỉ là lớp vỏ để bảo vệ cho phần "nhân" ngọt ngào của bạn ở bên trong.


E - Express Yourself (Bộc lộ chính mình)

Đừng ngồi chờ phép màu nào sẽ đến mà phải tự biết làm sao để có được phép màu cho mình. Thử vẽ một bức tranh, chụp một kiểu ảnh, viết một câu chuyện tình thương v.v… Đó cũng là cách bạn bộc lộ mình đó, thật kỳ diệu biết bao! Hãy bộc lộ cảm xúc thật của mình!


S - Simple (Đơn giản)

Tại sao bạn cứ làm phức tạp cuộc sống của mình lên nhỉ? Hãy bằng lòng với những gì mình có và không cần phải níu kéo quá sức. Hãy dành thời gian với gia đình của bạn và cùng nhau lắng nghe và chia xẻ.


S - Smile (Nụ cười)

Khi bạn cảm thấy thất vọng, buồn bã thì hãy cố gắng nghĩ ra hay làm điều gì đó để cười, để xoa dịu tâm trạng và cảm xúc của bạn. Bạn chính là người bạn thân nhất của bạn đó.


Vậy bí quyết của hạnh phúc đích thực tức là bạn không thể mua được tình yêu thương và thời gian là vô giá. Hãy sống mỗi ngày như thể nó không bao giờ quay trở lại và tận dụng hết sức những gì mình có. Vậy, hạnh phúc thực sự không phải là khó, phải không các bạn?


SƯU TẦM. 

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Viết từ phương xa: TÌNH MUỘN - Hoàng Nguyên Linh.








 

           Tình muộn

Trích trong tập truyện “Mẹ Và Những Mùa Xuân” của Hoàng Nguyên Linh.

      Nơi tôi dạy ngày trước là một trường nữ trung học nổi tiếng ở Thủ Đô. Thành phần ban giảng huấn đa số là phái nữ, nam giáo sư chỉ có vài vị. Hôm khai giảng năm đó có một nam giáo sư mới đổi về và hiện diện trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng giáo sư.  Bà hiệu trưởng giới thiệu  chàng với mọi người. Đôn đứng lên cúi đầu chào. Hội đồng gíao sư vỗ tay mừng đón Đôn. Đôn cúi đầu một lần nữa như để cám ơn tràng vỗ tay của các bạn đồng nghiệp rồi mới ngồi xuống. Đôn ngồi bên tôi. Chàng người nhỏ bé, dáng dấp hiền lành và hơi nhút nhát trước trước các nữ đồng nghiệp. Đôn còn rất trẻ, có thể kém tôi cả mười tuổi, đó là ý nghĩ ban đầu của tôi về chàng.

      Đôn dạy toán còn tôi dạy môn Việt Văn. Tôi với chàng dạy cùng giờ và những lúc ra chơi Đôn hay đến ngồi bên tôi để nói chuyện. Tôi nghĩ sở dĩ Đôn hay ngồi bên tôi có lẽ vì ngày đầu Đôn đã ngồi bên tôi nên như là một thói quen? Ngày tháng kế tiếp nhau, Đôn vẫn nói chuyện với tôi bình thường nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp đôi mắt chàng hơi khác lạ. Cái giác quan thứ sáu cho tôi biết là Đôn thích tôi nhưng chàng rất kín đáo theo cái kiểu “yêu trộm nhớ thầm”.

      Tôi đã lập gia đình và có một con. Có lẽ “gái một con trông mòn con mắt” nên chàng thích nói chuyện với tôi ? Nhưng cả Đôn và tôi không ai nói ra điều gì, vậy mà không hiểu tại sao một số đồng nghiệp đã bàn tán về  Đôn và tôi, có lẽ họ thấy Đôn hay ngồi nói chuyện với tôi chăng? Khi tôi sinh đứa con thứ ba thì Đôn lấy vợ, thế là bao nhiêu đồn đãi, xầm xì Đôn mê tôi được dẹp tắt. Ngày đám cưới của Đôn đa số đồng nghiệp trong trường đều đến dự, nhưng tôi chỉ gửi quà mừng và không tới. Tôi vất vả với 3 đứa con, không đi đâu được, còn chồng tôi từ ngày tôi sanh đứa con thứ hai thì không bao giờ đi chung với tôi nữa. Tôi không muốn nghe người ta hỏi  “Anh đâu hở chị ?”  hoặc “Anh có đi không ?”.

      Tôi không thích mọi người biết cái thiếu hạnh phúc của tôi… Tôi với chồng tôi luôn khác ý nhau, tôi cố gắng giữ gìn cho gia đình khỏi đổ vỡ và các con tôi khỏi buồn. Rồi tôi sinh đứa con thứ 4, thứ 5 và thứ 6, mỗi đứa chỉ cách nhau chưa đầy 18 tháng. Trong khi đó thì chồng tôi không để ý đến nỗi vất vả của tôi phải chăm sóc 6 đứa con. Chồng tôi hay tìm cách gây gổ với tôi, đôi khi còn dùng thói vũ phu đề đánh tôi nữa. Tôi cố gắng chịu đựng vì thời đó đâu mấy ai ly dị chồng, nhất là nghề “cô giáo” càng không cho phép tôi làm điều đó. Hình như chồng tôi đã có vợ hai và đã có con với người này. Tôi vì quá chán nản nên chẳng cần tìm hiểu và cũng chẳng ghen tuông làm gì, tôi chỉ mong sao cho chóng thoát ra khỏi cảnh này. Rồi một ngày phải đến đã đến, sức chịu đựng của tôi có giới hạn và tôi đã phải đi đến quyết định ly dị chồng.

      Cái tin tôi ly dị chồng đã làm rung động trường tôi dạy. Tất cả các giáo sư và nhân viên trong trường đều biết chuyện. Họ không hiểu tại sao một cô giáo đã một thời nổi danh là đẹp, có nước da trắng hồng và mịn màng, mái tóc lúc nào cũng óng mượt, đã có 6 mặt con mà còn ly dị chồng. Đa số nhìn tôi không mấy thiện cảm. Họ không hiểu được nỗi khổ của tôi. Họ chỉ nhìn bề ngoài, một nữ giáo sư đẹp, có 6 con chắc là phải có hạnh phúc lắm. Họ nghĩ tôi ly dị chồng là để cặp với một anh chàng nào khác chăng ? Cũng may là Đôn đã lấy vợ nếu không họ sẽ nghi ngờ Đôn với tôi. Tôi rất khổ tâm trước búa rìu của dư luận. Ban đầu tôi cũng buồn lắm, nhưng rồi tôi tự an ủi là tôi sống cho tôi, tôi sống theo lương tâm của tôi, tôi không làm điều gì sai trái với đạo đức. Lấy chồng được hơn 10 năm, tôi đã cố gắng chịu đụng để khỏi mang tiếng xấu, có hại cho thanh danh của tôi, thanh danh của một nữ gíao sư, nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn nên đành phải đi đến quyết định ly dị chồng.

     Từ khi ly dị, chồng tôi không ngó ngàng gì tới các con. Tòa án chỉ ra lệnh trừ một phần lương của chồng để chu cấp cho các con. Đời sống kinh tế thật vất vả. Tôi phải xin đi làm thêm việc thứ hai. Nhờ có kiến thức ngoại ngữ nên tôi xin được việc làm bán thời gian cho môt hãng thầu ngoại quốc. Các giờ dạy của tôi được xếp vào buổi sáng nên nguyên buổi chiều tôi đã đi làm thêm và mướn người trông coi các con và chợ búa, cơm nước, tối về tôi kèm các con học bài. Tôi sống trong cô đơn nhưng được tự do và từ nay không bị người chồng quấy rầy nữa.  Cuộc sống của tôi cứ thế trôi đi, các con tôi khôn lớn dần và học hành rất chăm chỉ. Họ hàng rồi đến bạn bè bắt đầu nể nang tôi và khâm phục tôi là người đảm đang. Thời gian này tôi ít gặp Đôn vì tôi với chàng dạy khác giờ nhau và mỗi người có một cuộc sống riêng…

     Biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra, bẩy mẹ con tôi được hãng thầu Mỹ cho đi định cư tại Hoa Kỳ. Chính người xếp chở chúng tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất rồi đưa lên máy bay C130 cùng với một số đồng bào Việt Nam khác. Máy bay tới thẳng đảo Guam ở Thái Bình Dương, hai tuần lễ sau mấy mẹ con tôi tới trại Fort Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas miền trung nước Mỹ. Fort Chaffee là một căn cứ cũ của quân đội Mỹ cũng giống như trại Campleton ở California do chính phủ Mỹ dùng cho những người tỵ nạn tạm trú. Chúng tôi ở trại Fort Chaffee hơn một tháng thì được nhà thờ Peace Lutheran Church ở St. Louis thuộc tiểu bang Missouri bảo trợ. Hội viên nhà thờ luân phiên nhau săn sóc gia đình tôi. Họ đưa tôi đi chợ, đưa các con tôi đi học. Tôi được hội thiện nguyện Lutheran tìm cho một việc làm rất thích hợp với khả năng tôi đó là chương trình giới thiệu văn hoá Á Đông cho học sinh bản xứ. Đầu tiên tôi chỉ cho học trò cách viết của người Việt Nam và người Trung Hoa. Nét đặc biệt của chữ Việt là các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã , nặng. Các dấu này mà thay đổi thì ý hoàn toàn khác.

      Tôi viết lên bảng năm chữ : HAY TRONG CAY VAO CHUA rồi thay đổi các dấu, câu này sẽ trở thành “ Hãy trông cậy vào Chúa”  hoặc “ hãy trồng cây vào chùa”, chữ VO DE sẽ trở thành “vợ đẻ” hay “vỡ đê” vân vân. Về chữ Tàu cũng vậy. Người Tàu hay dùng lối tượng hình để tạo nên chữ viết. Từ hình mặt trời người Tàu có chữ “Nhật”, từ chữ “nhật” thêm đám mây bay qua sẽ thành chữ “Nguyệt”, cao hơn “Đại”(lớn) là “Thiên” (trời). Hình hai cánh cửa là chữ “Môn” (cửa), để chữ “Thị” (chợ) vào chữ “môn” thành chữ “Náo” (ồn ào), để chữ “Nguyệt” (mặt trăng) vào chữ “môn” thành chữ “Nhàn” (nhàn hạ). Tôi liên tưởng tới câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ “ Thị tại môn tiền náo, Nguyệt lai môn hạ nhàn” (chợ ở trước cửa thì ồn ào, mặt trăng đến trước cửa thì nhàn hạ), nhưng tôi chỉ nghĩ và mơ hồ về ngày xưa trong những giờ dạy Việt Văn chứ không dám nói nhiều sợ học trò không hiểu. Tôi nghĩ đến ngôi trường tôi dạy, nhớ đến bạn cũ, trường xưa, nhớ đến đám học sinh với áo dài trắng, tóc thề xõa bên vai:

(Ý kiến thêm của người đọc:Tấm hình minh họa này chắc không phải học sinh ngày xưa,,.. đâu mà đồ sộ vậy?!)

 

“ Chừ em tóc xoã  bờ vai

Nghiêng nghiêng vành nón chờ ai cổng trường

Gặp em hồn bỗng vấn vương

Thấy em như thấy tình thương thuở nào

Mới nhìn lòng đã xôn xao

Bâng khuâng chưa  biết làm sao bây giờ

Nghe đâu tiếng hát vu vơ:

“Cho tôi gửi một bài thơ yêu nàng”

Nhưng rồi không dám bước sang

Ngày ngày đứng đợi xem nàng cười duyên”…

     Mấy câu thơ tôi đã đọc trong một tạp chí nào đó bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Người ta thích các em, người ta mê các em là phải. Các em học sinh của tôi, không bao giờ tôi quên được hình ảnh các em. Các em bay lượn như bướm, líu lo như chim. Tôi nay phiêu bạt ở phương trời này, tên  các em, nét mặt dễ thương của các em như Mặc Lan, Ngọc Lan, Ngọc Hà, Ngọc Huệ, Ngọc Duyên, Kim Oanh, Kim Anh, Tuyết Tường, Thư Dung… tôi vẫn còn nhớ.  Nay tôi đứng ở đây, cũng bảng đen, phấn trắng nhưng thấy xa lạ làm sao. Tôi khẽ thở dài rồi cố gắng quay về với hiện tại… Các lớp tôi dạy, học sinh đều thích thú và nhà trưởng rất toại nguyện về việc làm của tôi nhưng công việc này chỉ có tính cách tạm thời và được ký từng năm một, không có bảo hiểm sức khỏe nên ông hiệu trưởng đề nghị tôi thi lấy bằng hành nghề giáo viên và ông đã hướng dẫn tôi.  Ba năm sau tôi trở thành giáo viên chính thức của School District tại St. Louis và hội nhập với đời sống mới.

      Lâu dần tôi cũng cảm thấy mến trường, mến bạn và thương yêu đám học trò và cũng có những học trò đến thăm tôi, thư từ cho tôi, gửi những thiệp Giáng Sinh, thiệp sinh nhật cho tôi. Trong khi đó các con tôi lần lượt tốt nghiệp đại học, đi làm và ra ở riêng. Hơn 25 năm sau tôi xin về hưu trí. Những giờ rảnh rỗi tôi tham gia làm những việc từ thiện trong nhà thờ như giúp họ điền những giấy tờ, hướng dẫn cách khai thuế cá nhân hoặc đưa đón những người không có phương tiện di chuyển. Tôi cũng bắt đầu liên lạc với hội cựu giáo sư và học sinh nơi trước kia tôi đã dạy ở Việt Nam. Các học trò cũ của tôi hàng năm vẫn tổ chức những cuộc họp mặt bạn bè và mời thầy cô tham dự. Tôi được Măc Lan, học trò cũ khẩn khoản mời về chơi. Mặc Lan giữ kín không cho biết những ai tham dự và chỉ nói đông lắm, cô đến cô sẽ thấy và Mặc Lan hẹn sẽ đón tôi ở phi trường LAX khi tôi về đến nơi. Ngày ra đi tôi hồi hộp gặp lại bạn bè và học trò. Tôi ra khỏi máy bay và đi qua chỗ thân nhân đứng đợi nhưng không thấy ai đón tôi. Tôi nghĩ có lẽ Mặc Lan bị kẹt xe nên đến trễ. Tôi định đi thẳng đến chỗ lấy hành lý rồi mới gọi điện thoại, bất ngờ tôi gặp Đôn. Chàng chạy lại ôm chầm lấy tôi. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi sau gần 30  năm trời không gặp. Đã lâu lắm rồi tình cảm tôi như đã nguội lạnh, bây giờ tôi mới được một người đàn ông ôm tôi. Vòng tay chàng thật chặt, hình như má chàng cũng chạm vào má tôi. Tôi như sống lại trong thời xuân sắc. Tim tôi rộn ràng, hồi hộp mà tôi tưởng chừng như đã chết từ lâu. Buông tôi ra rồi Đôn mới nói:

   -Rất vui mừng gặp lại chị. Sao chị có khỏe không ?

   -Cám ơn anh. Tôi cũng thường. Lâu quá rồi anh nhỉ ? Sao may lại gặp anh ở đây.

   -Cô học trò tên Mặc Lan cho biết chị đến nên tôi xin ra đón chị.

Tôi xúc động:

   -Thì ra anh đi đón tôi. Cám ơn anh nhiều. Tôi lại tưởng anh đi chơi đâu về chứ.

Chúng tôi vừa đi đến chỗ lấy hành lý vừa nói chuyện tiếp:

   -Các bạn đồng nghiệp anh có gặp ai không ?

   -Tôi có gặp một vài vị nhưng các chị ấy nghiêm trang quá, tôi sợ nên không dám quen thân.

   -Sao anh không sợ tôi, anh còn dám ôm tôi nữa ?

   -Xin lỗi chị, tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ tại mừng quá. Ngày xưa ở trong trường tôi cũng chỉ hay nói chuyện với chị thôi mà.

   -Không sao đâu. Tôi cũng nghĩ vậy nên để nguyên cho anh ôm và không phản đối. Tôi cũng vui mừng và xúc động lắm khi gặp lại anh.

   -Chị biết tính tôi. Lúc đầu tôi không muốn tham gia hội hè gì cả, sau Mặc Lan nói có chị về nên tôi mới tới dự. Tôi xin đi đón chị trước các cô ấy không cho đi, tính bắt bí, tôi phảỉ nằn nỉ mãi mới được đi đón đó.

Nghe Đôn nói tôi thấy chàng vẫn chân tình như ngày xưa nhưng bạo dạn hơn. Tôi mơ hồ như có chuyện gì sắp xẩy ra. Tôi vừa vui lại vừa lo. Tôi bảo Đôn:

   - Mải nói chuyện nên quên chưa hỏi thăm anh lúc này ra sao ?

   - Bà xã tôi mất cách nay bẩy năm rồi. Các con đã lập gia đình và ở riêng. Tôi bây giờ sống một mình…

     Sợ Đôn buồn nên tôi không hỏi thêm về gia đình chàng nữa. Đôn giúp tôi lấy hành lý rồi chúng tôi ra xe để về nhà Mặc Lan, học trò cũ của tôi và Đôn.

     Trên đường về, cả Đôn và tôi mỗi người như theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hình ảnh trường xưa bạn cũ hiện ra nơi tôi.  Thời gian qua mau tôi tưởng như mới ngày nào… Xe dừng lại đánh thức tôi trở về với thực tại. Đôn phải khó khăn lắm mới tìm được chỗ đậu xe. Khi chúng tôi vào nhà  mọi người đã đông đủ. Tiếng vỗ tay vang lên xen lẫn với tiếng cười. Trong buổi họp mặt hình như chỉ có tôi từ xa đến còn đa số các gíáo sư khác đều ở Orange County hoặc Los Angeles County. Các bạn đồng nghiệp và học sinh cám ơn tôi đã đến họp mặt dù đường xá xa xôi. Người vui nhất và săn sóc tôi nhiều nhất là Đôn. Cả học trò và giáo sư thỉnh thoảng cũng xen vào những câu nói đùa tôi với Đôn. Tôi thấy thật vui khi gặp lại đông đủ mọi người. Bao kỷ niệm được gợi lại. Có học sinh đem khoe hình ảnh chụp với thầy cô ngày trước, có em đưa ra khoe cuốn lưu bút ngày xanh, Mặc Lan mang quyển Thông tín bạ ra khoe, có kèm theo lời phê và chữ ký của tôi trong đó: “Học hạnh song toàn, kết quả mỹ mãn”. Tháng trước Mặc Lan có gọi điện thoại cho tôi và nói em rất cảm động và biết ơn tôi về lời phê bình đó. “Lời phê bình này em chỉ có một lần trong đời và em luôn ghi nhớ, chính nhờ lời phê bình đó mà em đã cố gắng sao cho xứng đáng với nhận xét của cô về học vấn và đức hạnh, em đã mang theo cuốn học bạ này sang Mỹ và sẽ giữ mãi trong đời em…”.

     Những người học sinh Việt Nam có tình như thế, có lòng như thế tôi tin là họ phải thành công trên trường đời. Ngày nay Mặc Lan đã là một nữ bác sĩ nổi danh và nhiều em khác nữa cũng thành công không kém. Bữa tiệc họp mặt kéo dài đến gần nửa đêm mới chấm dứt mặc dù cuộc hành trình khá xa nhưng vì quá vui nên tôi vẫn không thấy mệt. Mặc Lan dành cho tôi phòng riêng và tôi ở lại chơi một tuần. Ngày nào Đôn và học trò cũng luân  phiên nhau đến đưa tôi đi chơi.

      Đôn và các học trò đề nghị tôi bỏ St. Louis về sống ở California.  St. Louis là một thành phố cổ kính, người dân ở đây rất mộ đạo. Nhà thờ san sát trong thành phố, cứ cách mấy con phố lại có một nhà thờ. Ngày Chủ nhật là ngày của Chúa. Chợ và các tiệm lớn đều đóng cửa để mọi người đi lễ nhà thờ. St. Louis mùa Đông rất lạnh và buồn, khó thích hợp với người về hưu trí như tôi. Các con tôi nay đã lớn và ở riêng,  nhưng tôi chỉ hứa để về suy nghĩ và bàn lại với các con chứ chưa có quyết định gì cả.

      Ngày vui qua mau. Tôi phải trở lại St. Louis. Đôn bịn rịn đưa tiễn tôi tận phi trường. Từ đó tuần nào Đôn cũng gọi điện thoại cho tôi. Rồi một hôm Đôn đến St. Louis thăm tôi và đề nghị tôi về chung sống với chàng. Tôi thật khó nghĩ, không biết tính sao, mấy chục năm nay tôi vẫn sống độc thân được thì nay cứ tiếp tục như vậy đâu có sao. Tôi gọi các con tôi về để giới thiệu Đôn và tôi hỏi ý kiến các con. Tất cả các con đều vui vẻ tán thành nhưng tôi vẫn thấy e ngại vì tôi nay đã lớn tuổi và đã có cháu nội, cháu ngoại. Các con tôi tán thành là một việc nhưng còn người thân và bè bạn nữa. Họ sẽ  ngạc nhiên lắm khi một bà giáo có 6 mặt con trước đã ly dị chồng, nay  từng này tuổi đầu mà còn tái giá. Làm sao tôi tránh khỏi miệng lưỡi người đời…

     Tôi đang chần chừ suy nghĩ thì nhận được thư của con trai lớn từ Washington DC gửi về. Đại ý con trai tôi viết:

Thưa mẹ,

     Con đã hỏi ý kiến các em. Nay con viết thư này kính tin mẹ rõ. Tất cả chúng con không những chỉ yêu mẹ mà chúng con còn kính phục mẹ nữa. Một mình mẹ đã đảm đang, nuôi nấng và dạy dỗ chúng con nên người. Mẹ vất vả mà không hề kêu than, mẹ cô đơn mà không hề oán trách. Mẹ cố gắng vươn lên trong mọi tình huống khó khăn. Mẹ là tấm gương cho chúng con noi theo. Chúng con hiểu đời sống tình cảm của mẹ rất cô đơn nhưng mẹ lấy cái vui của chúng con làm nguồn vui của mẹ. Nay chúng con đã trưởng thành, đã đi làm và không được ở gần mẹ. Mẹ đã sống vì chúng con và sống cho chúng con. Chúng con không khỏi xúc động khi những việc hệ trọng, liên quan đến đời sống tình cảm của mẹ mà mẹ cũng đặt chúng con lên trên những quyết định của mẹ. Mẹ nói nếu một trong các con phản đối thì mẹ sẽ từ chối đề nghị của chú Đôn.

      Chúng con đã gặp chú Đôn tháng trước, tất cả các em con đều vui mừng khi có người sẵn sàng cùng mẹ đi nốt quãng đường còn lại. Chú Đôn đã yêu mẹ từ lâu, chúng con mong mẹ nhận lời chú để mẹ và chú sống với nhau, an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Tất cả chúng con đều yêu thương mẹ nhưng chúng con đều đã có gia đình và ở xa. Chúng con tin là chỉ có chú Đôn mới làm được việc này…

      Cuối thư tất cả các con cùng ký tên và viết thêm hàng chữ  “con yêu mẹ nhiều”.

Tôi như muốn trào nước mắt khi đọc xong lá thư của các con và cũng thầm phục con trai lớn đã cẩn thận lấy chữ ký của các em cho tôi yên tâm.

     Ngày đám cưới của Đôn với tôi được tổ chức đơn gỉản tại Peace Lutheran Church. Tôi không phải là tín đồ đạo Tin Lành nhưng nhà thờ này đã bảo trợ và giúp đỡ gia đình tôi nên tôi tổ chức ở đây như là một lời cám ơn đối với họ. Tất cả các con và các cháu tôi đều về tham dự. Ngoài một số hội viên nhà thờ, tôi không mời ai cả. Tôi chỉ gửi thiếp báo tin đến một số bạn bè và kèm theo thư cám ơn đến nữ Bác Sĩ Trần Nguyễn Mặc Lan, cô học trò đã cho tôi cơ hội gặp lại Đôn.

     Con gái và con dâu đã lo quần áo đám cưới và giúp tôi trang đìểm. Tôi soi bóng mình trong gương  thấy tôi đẹp và trẻ hẳn ra. Tôi hồi hộp sung sướng. Đôn giắt tay tôi ra xe để đi đến nhà thờ. Ngồi sau hàng ghế Đôn nói nhỏ bên tai tôi “anh yêu em ngay từ ngày đầu tiên đổi về trường nhưng hôm nay mới thật sự có em” . Tôi ngả đầu lên vai Đôn và nắm thật chặt tay chàng như muốn giữ chàng mãi bên tôi và nói nhỏ trong nghẹn ngào “ em cám ơn anh. Chúng mình sẽ ở bên nhau mãi nghe anh”.

     Tiếng chuông nhà thờ ngân vang như để đón mừng mối tình mới đang nồng nàn yêu thương nhau…    

Hoàng Nguyên Linh


Thơ xướng họa : GỬI NẮNG CHO EM - Vọng Thanh & Lan Phương.

 





GỬI NẮNG CHO EM


Ở nơi anh giờ không có mùa đông

Mà ở nơi em mùa này rét run từng cơn gió 

Anh gửi chút nắng phương nam về em nơi đó

Em cuộn lại vo tròn, và nhớ sưởi con tim


Dẫu gì ...

 Anh cũng sẽ về  dù là chuyến xe đêm

Em đừng buồn như những áng mây trôi về miền lữ thứ 

Anh dễ khóc như mưa một đời cô lữ

Em đừng ngoảnh lại nhìn, anh...

 viễn xứ... một đời đau....


VỌNG THANH

13/12/2020


...............................


Ở nơi em...

giờ... rét mướt mùa đông

Anh gởi nắng xua tan những chiều đêm lạnh gió

Em giấu cất vào đây và nhớ về nơi đó 

Chỉ chút nồng nàn khi lệ nhỏ buồng tim


Rồi! Thì anh về...

Một chuyến xe đêm

Em không trách anh đâu bởi em là người luôn tha thứ

Nước mắt đàn ông có mềm lòng cô lữ

Ngoảnh lại làm gì chỉ cố giữ niềm đau..


Anh từng nói với em anh không thích tiếng còi tàu...

Hành lý trên vai anh  giản đơn là một tình yêu cuối

Em cũng đặt cược cuộc đời mình cho anh suốt cả dặm đường rong rủi

Đông cuối ngày... sân ga buồn... Em một mình giữa phố núi nắng... mong manh.


#LanPhuong

🍁🍁🍁🍁🍁


(Lan Phương  họa y Vận, y Đề với bài thơ của tg Vọng Thanh)

Thơ: TÓC NGẮN - Xuân Duyên.






 TÓC NGẮN

Em - Ngày xưa tóc ngắn

Nắng, gió mãi ấm đầu

Đâu rồi hoa cài tóc

Quay quắt buồn, mắt nâu

  Em - ngày xưa tóc ngắn 

  Ngân ngấn, giọt lệ tuôn

  Lê gót hài lặng lẽ 

  Để nỗi niềm muôn phương 

Chừ em hoài tóc ngắn 

Để đợi một người thương 

          XUÂN DUYÊN - 1/2021

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Thơ: DẪU YÊU CŨNG CHỈ LÀ THƠ - Thạch Thảo.

 



DẪU YÊU CŨNG CHỈ LÀ THƠ


Đường muôn ngả biết về đâu?

Lắm chông gai lại lũng sâu chực chờ.

Có yêu xin chỉ là mơ

Có thương cũng chỉ là thơ thôi mà.


Cho đời thơm xíu hương hoa

Cám ơn người chút thật thà dễ thương.

Sân nhà ai ngát văn chương

Đổ nghiêng mộng ướt cả vườn chiêm bao.


Ngôn từ nào đẹp trăng sao

Ru đêm thao thức, ngọt ngào vu vơ.

Dẫu yêu xin chỉ là thơ

Dẫu thương cũng chỉ là mơ thôi mà.


Tương tư  người rót hương hoa

Dặn rồi, sao vẫn lòng ta ...chết chìm!


Thạch Thảo Bình Dương

(1-2021)

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Thơ : MÙA MÀNG - Thuần Châu.

 




MÙA MÀNG


Mát ruột nông gia hạt lúa ngời

Mùa màng rộn rã tiếng chân vui

Rơm bay trắng tóc, hương đồng trải

Thóc chất cao đầu, ruộng cỏ phơi

Nón áo vội vàng xuôi ngược bước

Mắt môi vồn vã nhỏ to cười

Nắng mưa, sương gió...tan vào mộng

Mộng thắm quê hương, mộng đỏ đời.

                            Thuần Châu

Cuộc sống: BẢY CÂU TRẢ LỜI MINH TRIẾT - St trên FB.

 





7 CÂU TRẢ LỜI ĐẦY MINH TRIẾT 


Có 7 câu hỏi mà một vị thánh trả lời một cách rất thâm sâu:


     1. Vật gì sắt bén nhất trên thế giới này?


Vật nhọn nhất là lưỡi của con người. 

Con người dùng lưỡi có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim, cảm giác của người khác.


     2. Nơi nào xa nhất trên thế giới này?


Quá khứ là nơi xa nhất. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta giàu cỡ nào, chúng ta không thể quay về quá khứ nên chúng ta phải sử dụng tốt ngày hôm nay và những ngày sắp tới.


     3. Cái gì lớn nhất trên thế giới này?


Ham muốn là thứ lớn nhất trên thế giới. Nhiều người trở nên khốn khổ vì họ cho phép ham muốn thoải mái. Hãy cẩn thận với ham muốn.


     4. Cái gì khó và nặng nhất trên thế giới này?


Lời hứa là thứ khó nhất trên thế giới này.

 Dễ dàng nói nhưng cực kỳ khó làm.


     5. Cái gì nhẹ nhất trên thế giới này?


Sự khiêm nhường là thứ nhẹ nhất trên thế giới. Rất dễ để quên đi sự khiêm nhường và rời bỏ sự khiêm nhường. Hãy nhìn vào rất nhiều người đang đuổi theo tiền tài và danh vọng. Họ đơn giản từ bỏ sự khiêm nhường vì nó nhẹ.


     6. Cái gì gần nhất với chúng ta trên thế giới này?  


Cái chết là thứ gần nhất với chúng ta trên thế giới.

 Cái chết là chắc chắn và có thể đến với chung ta bất cứ lúc nào.


     7. Cái gì dễ làm nhất trên thế giới này?


Việc dễ làm nhất là làm người khác đau buồn. 

Cho nên chúng ta nên  thận trọng với loại việc dễ làm này !


St trên FB. 

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Thơ : YÊU MÀU HOA TÍM - Phước Liêu.

 




YÊU MÀU HOA TÍM 

Cuối đông gió lạnh thêm nhiều 

Lòng buồn chợt nhớ một chiều đã qua

Sương rơi ướt lạnh buốt da

Sao mình lại nhớ người ta xa vời 

Yêu thương thì hãy giữ lời 

Như cành hoa Tím trọn đời thủy chung


PHƯỚC LIÊU 20-12-2020

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Viết từ phương xa: DẠY CON TIẾNG VIỆT - Hồ Thị Kim Hoàn.

 


DẠY CON TIẾNG VIỆT. 

( Viết bài này, nhớ chị Tiền Ngọc Thanh, chị đã khuyến khíchw em viết, mãi hôm nay em mới thực hiện được lời hứa với chị. Cảm ơn chị thật nhiều! )


Năm 1985, tôi đã trải qua 10 năm “trăng mật” theo đúng như ước muốn. Giờ đã đến lúc tôi phải có con. Vấn đề khiến tôi quan tâm là con tôi có biết tiếng Việt không, khi nó được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ?

Thời gian ấy, tôi nhìn lại 10 năm qua, thế hệ thứ hai đã không biết nói tiếng Việt, lý do lớn là cha mẹ phải đi làm vất vả lo kế sinh nhai nên không có thì giờ với con, con ở trường suốt ngày bên thầy cô và bạn bè nên không có cơ hội học tiếng Việt. 

   Tôi đã nghe những lời than phiền của bậc ông bà: không tiếp chuyện với các cháu được vì bất đồng ngôn ngữ. Ông bà học hoài không giỏi tiếng Mỹ, mà con cháu thì mù mờ tiếng Việt, cho nên không thể cảm thông nhau. Chỉ việc kêu tên cháu thôi mà ông bà cũng phát âm sặc mùi  tiếng Việt: “Đen nhồ ơi! (Daniel). Cá tỳ à! (Kathy). Ổ Gà nè! (Olga)”.


   Khi mang thai con, tôi dành nhiều thì giờ để tìm tòi trong sách vở. Tôi đọc được ý kiến hướng dẫn cách dạy con không quên cội nguồn. Tóm lại ý chính quan trọng là: 

- Đừng lo con không biết tiếng Mỹ.

- Phải nói toàn tiếng Việt với con từ khi mới sinh cho tới lúc nó đến trường. Sau đó nó sẽ dễ hội nhập tiếng Mỹ rất nhanh. 

- Cho con đi trường Việt ngữ vẫn chưa đủ, vấn đề chính là cha mẹ ở nhà phải nói tiếng Việt với con. 

Tôi hoang mang quá! Chẳng lẽ tôi để con đến trường mà không biết tiếng Mỹ hay sao? Nhưng tác giả nào cũng nói thế, chẳng lẽ sai? Thôi thì đọc sách phải... theo sách vậy!


Tôi đặt cho con cái tên Việt Nam chính hiệu “Nguyễn Tử Khang”. Lúc 1 tuổi nó đã nói nhiều lắm. Nó mê mẹ và cứ theo năn nỉ mẹ nghỉ làm để ở nhà chơi với con. Tôi xiêu lòng và rất khó khăn khi quyết định ở nhà. Lúc đầu buồn và chật vật lắm, nhưng rồi cũng quen. Sau này nhìn lại, tôi thấy không hối tiếc vì đó là sự chọn lựa đúng của tôi, trong thời gian bên cạnh con từng giờ từng phút, tôi đã hưởng hết niềm vui và hạnh phúc tràn đầy. 

   Tôi không nói 1 tiếng Mỹ nào với con. Mỗi năm tôi đều đưa con đi tham dự những chương trình Trung Thu, Tết… do người Việt tổ chức. Tôi cũng dạy con hát nhạc Việt Nam, nó hát hay nhất là bài quốc ca “Này công dân ơi…”, và bài “Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu…” Nó thả hồn vào bài hát một cách kiêu hùng và trân trọng khiến mọi người tán thưởng.

   Đến 6 tuổi, nó phải đi trường học trong lúc chỉ biết vài tiếng Mỹ đơn sơ. Tôi lo lắng vô cùng! Làm sao nó nghe được cô giáo? Làm sao nó nói chuyện cùng bạn bè?

   Ngày đầu tiên đưa con đi học, nước mắt tôi tuôn rơi, tôi cứ đứng nhìn đứa con khờ khạo, lạc lõng giữa đám trẻ con Mỹ líu lo nói cười. Mẹ có sai lầm không? Mẹ có lỗi với con không? Dường như nó hiểu được tâm trạng của mẹ, nên nó giục: “Mẹ về đi, con tự lo được mà!”

Tôi quay ra ngoài cổng trường, đến 1 góc khuất ngồi khóc như mưa. Tội nghiệp con quá! Chỉ vì muốn con biết tiếng Việt mà mẹ để con lâm vào tình trạng này!

   Thế mà chỉ 3 tuần lễ thôi, nó về nhà nói toàn tiếng Mỹ, sau đó thì không nói tiếng Việt nữa. Tôi phải “ban hành sắc lệnh” cấm nói tiếng Mỹ ở nhà. Mỗi khi nó quên, thì tôi đành phải nói “mẹ không hiểu con nói gì?” Nó miễn cưỡng… dịch qua tiếng Việt cho mẹ hiểu.

   Tôi lại tiến hành công việc làm cô giáo dạy con học Việt ngữ ở nhà. Nhưng nó học 1 cách uể oải và lười biếng. Tôi nghĩ nó cần môi trường lớp học có bạn bè chung quanh mới được. Nên tôi tìm thấy “Trường Việt ngữ Văn Lang” ở San Fernando Valley. Tuy lái xe đi xa 40 phút, nhưng tôi quyết định phải chịu khó đưa con tới trường học, vì tôi nhìn thấy một ngày không xa, nó càng thông thạo tiếng Mỹ thì càng lãng quên tiếng Việt, sẽ đến lúc mẹ con bất đồng ngôn ngữ, không thể cảm thông nhau nữa. Điều ấy tôi không hề muốn.

   Vậy đó, mỗi chúa nhật tôi dành trọn thì giờ cho con. Nó thích thú với bạn bè và thầy cô ở lớp học Việt Ngữ. Học ròng rã mấy năm, đến hết lớp mà chẳng muốn… ra trường.

   Tôi cảm thấy mỗi tuần học ở trường có 1 buổi vẫn chưa đủ, nên tôi cần góp phần vào, bằng cách luôn nhớ nói tiếng Việt với con, viết Note cho con đọc, viết email mỗi ngày mặc dầu không có chuyện gì đáng nói. Tôi kiên trì như thế cho đến khi nó đi học xa nhà, thì tôi email và viết thư còn thường xuyên hơn nữa, từ chữ dễ, dần dần đến chữ khó. Ôi, biết bao tâm sức của người mẹ  để cho 1 đứa con thông thạo tiếng Việt. 

   Sau này tôi cũng đưa con út là Khiêm đi trên con đường của anh hai nó. Lại 1 cuộc hành trình dài từ khi tóc nàng hãy còn xanh, cho đến lúc … bạc trắng mái đầu. 

   Nhưng niềm vui mà tôi nhận được cũng xứng đáng lắm. Kết quả như thế này:

- Ba mẹ tôi rất vui vì con tôi nói chuyện thoải mái với ông bà ngoại. 

- Khi đến khu phố VN, nó đọc được chữ Việt, kể cả… thực đơn trong tiệm ăn.

- Vì không bị trở ngại về ngôn ngữ, cho nên tôi vẫn còn được làm 1 người bạn thân để chia sẻ tâm sự cùng 2 đứa con.

- Lần đầu Khang trở về từ trường nội trú Berkeley, nó nói: Con cảm ơn bố mẹ đã dạy con tiếng Việt, vì lên đại học con mới thấy tụi bạn giỏi lắm, có đứa biết vài thứ tiếng nữa đó. Con cảm thấy mình hãnh diện vì biết tiếng nước mình! 

   Ôi, lời cảm ơn của con cũng đủ bù đắp công khó của bố mẹ. Đây là việc tôi nên làm. Tôi xem như là một trong những ước mơ mà tôi đạt được trong cuộc đời mình. Tôi cũng không quên những người đi trước đã viết sách hướng dẫn cho tôi biết cách giúp con học tiếng Việt. Tiếng Việt của con tôi gắn liền với cuộc sống của nó, sẽ không bao giờ mất đi.


Hồ thị Kim Hoàn

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Đời sống: NGƯỜI DO THÁI DẠY CON - Sưu tầm.

 





 NGƯỜI DO THÁI. DẠY CON. 


Người Do Thái rất chú trọng vào việc giáo dục con trẻ, đặc biệt là về tiền bạc. So với các dân tộc khác trên thế giới, họ có những nguyên tắc dạy con vô cùng độc đáo, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính vì những lý do đó mà dù chỉ là số ít nhưng họ là những người giàu có bậc nhất trên thế giới.


THỜI ĐIỂM DẠY CON VỀ TIỀN BẠC


Hầu hết chúng ta quan niệm rằng cho trẻ biết đến tiền sớm sẽ khiến chúng sinh hư xuất phát từ quan niệm cũ kỹ của chúng ta rằng tiền bạc là kẻ xấu. Trong khi đó, các bậc cha mẹ Do Thái lại ngược lại, họ cho con tiếp xúc với tiền bạc từ rất sớm. Hầu hết, trẻ con Do Thái đều được dạy về tiền khi mới chập chững đi lại, cha mẹ người Do Thái không hề trốn tránh trong việc đề cập về tiền, họ dạy con biết nguồn gốc của tiền bạc, phải làm gì để có tiền và tiền có thể mua bất cứ thứ gì con muốn.


Cha mẹ sẽ theo sát hướng dẫn các kỹ năng quản lý tiền bạc cần thiết để trẻ em có thể biết cách quản lý tiền bạc. Dưới đây là thời điểm khác nhau trong các giai đoạn mà trẻ em Do Thái làm quen với tiền bạc


- 3 tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá.

- 4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn.

- 5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý.

- 6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.

- 7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không.

- 8 tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt.

-  9 tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá với cửa hàng, biết giao dịch mua bán.

- 10 tuổi: Con học cách tiết kiệm từ tiền được cho để mua những món đồ có giá trị lớn hơn. 

- 11 tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi.

-  12 tuổi: Biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm.

 

- Từ 12 tuổi trở lên: Cùng bố mẹ tham gia các hoạt động quản lý tài sản. 


DẠY CON VỀ GIÁ TRỊ CỦA TIỀN BẠC.


Trong khi chúng ta hay có suy nghĩ rằng người nghèo là người tốt còn những người giàu có là độc ác (hình ảnh phú ông và người nông dân quá quen thuộc trong các câu chuyện cổ tích của chúng ta) thì người Do Thái ngược lại, họ không hề xem thường mà luôn đề cao giá trị của tiền bạc.


Trong triết lý của họ, tiền không phải để áp bức kẻ khác hay thống trị bất cứ ai, nó đơn giản là công cụ để đạt ước mơ công bằng và hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Tiền bạc là để giải phóng thời gian dành cho tâm linh.


Cha mẹ Do Thái sẽ giảng giải cho con hiểu về giá trị và công dụng của đồng tiền bằng những trò chơi đơn giản để giúp trẻ nâng cao nhận biết về đồng tiền. Đối với họ, tất cả là từ sức lao động mà ra và trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền và biết trân trọng sức lao động. 

 

Đến tuổi lên 10, đa số trẻ em Do Thái đã hiểu ý nghĩa của việc dành dụm tiền. Cha mẹ định hướng cho trẻ dùng số tiền ấy để đầu tư sinh lời và giới thiệu những cách đầu tư an toàn cho trẻ.


Trẻ lúc này sẽ được cha mẹ mở cho tài khoản riêng mang tên mình ở ngân hàng, chúng sẽ trải nghiệm việc cùng cha mẹ thực hiện các thủ tục ngân hàng. Con sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với tài khoản này, và chi dùng rất thông minh để không xài phí “gia tài” của mình. 

 

Đồng thời, họ cùng con lập kế hoạch chi tiêu, liệt kê tất cả những chi phí trong gia đình. Sau đó, cha mẹ sẽ kiểm tra và chỉ cho con biết những điểm nào trong kế hoạch chưa hợp lý và cách chi tiêu phù hợp.


Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ em cũng được dạy cách quản lý sử dụng năng lượng trong gia đình, chi phí sinh hoạt hàng tháng, dành dụm tiền đóng học phí các lớp ngoại khóa, dành tiền học đại học…


CON CŨNG CÓ THỂ TỰ KIẾM TIỀN.


Không chỉ hướng dẫn con cách tiêu tiền mà người Do Thái còn khuyến khích con cái tìm cách tăng thu để bảo vệ tài khoản.

 

Họ bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua những ví dụ thực tế trong lao động.


Phụ huynh Do Thái còn khuyến khích con lao động kiếm tiền tiêu vặt như làm việc nhà, giúp việc tại cửa hàng tạp hóa, dọn vệ sinh, kinh doanh,…  Đồng tiền từ sức lao động của chính mình là bài học vỡ lòng cho trẻ em Do Thái, mang đến của cải vật chất và cả tinh thần.

  

Có nhiều người còn khơi gợi sức sáng tạo của con khi bảo con trẻ vào trong sân chơi, xem có thể tự mình làm việc gì hay không. Sau đó chúng trở về cho cha mẹ biết rằng chúng có thể làm gì, và có thể nhận được bao nhiêu tiền khi làm việc này.

 

Quá trình này nguyên là một cuộc đàm phán: Bọn nhỏ đi khắp nơi tìm nhu cầu, sau đó mới đến đàm phán với cha mẹ chúng rằng chúng muốn được bao nhiêu tiền công. Như vậy, chúng sẽ học được cách “đề xuất” và “mặc cả”. Hơn nữa, bọn nhỏ sẽ không nhận được món tiều tiêu vặt cố định, trừ khi bọn chúng tìm ra cơ hội kiếm tiền.

 

QUY TẮC 5 CHIẾC LỌ


Để con biết sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan, cha mẹ sẽ cho con cái 5 chiếc lọ. Trên mỗi lọ được dán nhãn cụ thể như sau: 10% đóng góp xã hội, 20% đầu tư, 10% làm từ thiện, 10% tiết kiệm, và 50% dùng để chi tiêu.

 

Mỗi ngày, trẻ được bố mẹ cho 10 Shekel (tiền Israel) và sẽ bỏ vào mỗi lọ đóng góp xã hội, tiết kiệm, từ thiện 1 đồng, 2 đồng cho lọ đầu tư và 5 đồng cho chi tiêu. Sau đó, lọ từ thiện sẽ được mở vào cuối tuần để giúp đỡ người khác.


Lọ đóng góp xã hội sẽ được mở vào cuối tháng.


Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt như khi gia đình xảy ra chuyện, có người đau ốm.


Còn lọ đầu tư chỉ được mở khi đó đã đầy tiền.

 

Về phần lọ dùng để chi tiêu, trẻ sẽ tự phải tính toán xem sẽ dùng như thế nào. Nếu tiêu hoang phí, trẻ sẽ không còn tiền để sử dụng.


Với 5 chiếc lọ, cha mẹ Do Thái đã dạy cho con cái một bài học đắt giá về việc phân bổ, lên kế hoạch và sử dụng tiền hợp lý. Ngay cả khi con tiêu hoang phí thì cũng là con tự chịu trách nhiệm và rút ra bài học sau những sai lầm chi tiêu của mình.


MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KHUYẾN KHÍCH CON LÀM GIÀU.


Người Do Thái dạy con cách làm giàu và khuyến khích con kiếm tiền không phải để khoe khoang hay đạt được lối sống xa xỉ mà chỉ với mục đích cuối cùng là dùng tiền cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Họ xem tiền bạc như là phương tiên để thực hiện triết lý sống cao cả. Quản lý tốt tiền bạc, thái độ với đồng tiền được xem như cách giáo dục đạo đức và nhân cách cho trẻ. Từ những bài học về tiền bạc, con trẻ sẽ được truyền thụ nhân sinh quan về cuộc đời.


Mục đích để trẻ hiểu luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần truyền bá tri thức, rèn kỹ năng sinh tồn mà ý nghĩa sâu xa là giúp con trẻ trang bị những hiểu biết cần thiết và giá trị đúng đắn của cuộc đời.

 

Hơn nữa, chúng cũng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện hay gây quỹ cộng đồng để thấy rằng số tiền mình kiếm được tuy không nhiều cũng đã có thể cùng góp sức để có thể san sẻ với những người bất hạnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp và công bằng hơn.


Sưu tầm 


Mục Vụ Do Thái Lời Sự Sống Việt Nam

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Cuộc sống: ĐỘC TỐ GIẾT ĐÀN ÔNG - Sưu tầm.

 




ĐỘC TỐ GIẾT ĐÀN ÔNG !


Ngày xưa, một cô gái xinh đẹp cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân và muốn giết người bạn đời của mình.


Một buổi sáng, cô ấy chạy đến bên mẹ và nói với mẹ "mẹ ơi, con mệt mỏi với chồng con lắm rồi, con không còn muốn chung sống với anh ấy nữa. Con muốn giết anh ấy nhưng sợ Luật Pháp bắt con phải chịu trách nhiệm, mẹ có thể giúp được không? "


Người mẹ trả lời:


- Được, con gái của mẹ, mẹ có thể giúp con, nhưng có một nhiệm vụ nhỏ kèm theo.


Cô con gái hỏi "nhiệm vụ gì”? Con sẵn sàng và sẵn sàng đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào kèm theo để đưa anh ta biến mất"


Được, người mẹ nói:


1. Con sẽ phải làm hòa với chồng con, để không ai nghi ngờ con khi anh ta chết.


2. Con sẽ phải làm đẹp bản thân để trông trẻ trung và hấp dẫn hơn với chồng con.


3. Con phải chăm sóc chồng con thật tốt và trân trọng anh ấy.


4. Con phải kiên nhẫn, yêu thương và ít ghen tuông hơn, có thái độ lắng nghe hơn, tôn trọng và vâng lời hơn.


5. Tiêu tiền của con cho anh ấy và đừng tức giận ngay cả khi anh ấy từ chối đưa tiền cho con bất cứ điều gì.


6. Đừng lên tiếng phản đối, hãy khuyến khích hòa bình và dành tình yêu thương để con không bao giờ bị nghi ngờ khi chồng con chết.


Người mẹ hỏi: Con có thể làm tất cả những điều đó?

Cô ấy đã trả lời: Vâng con có thể.

Được! Bà mẹ nói.


Con hãy lấy bột này và đổ một chút vào bữa ăn hàng ngày của nó, nó sẽ từ từ giết chết nó.


Sau 30 ngày cô gái về với mẹ và nói.


Mẹ ơi, con không có ý định giết chồng nữa. Đến bây giờ con càng yêu chồng con hơn vì anh ấy đã hoàn toàn thay đổi, chồng con

giờ là một người chồng vô cùng ngọt ngào so với những gì con tưởng tượng.


Con có thể làm gì để ngăn chất độc giết chết anh ấy?


Mẹ ơi giúp em với!


Cô ấy cầu xin với một giọng điệu buồn bã.


Người mẹ trả lời: Đừng lo lắng con gái của mẹ. Những gì mẹ đưa cho con hôm trước chỉ là Tinh bột nghệ. Nó sẽ không bao giờ giết anh ta.


Trên thực tế, con là liều thuốc độc đang dần giết chết chồng con trong sự căng thẳng và chán nản.


Đó là khi con bắt đầu yêu, tôn trọng và trân trọng chồng con, con mới thấy anh ấy thay đổi thành một người chồng tốt và ngọt ngào.


Đàn ông không thực sự xấu xa, nhưng cách chúng ta phán xét họ quyết định phản ứng và cảm xúc của họ đối với chúng ta.


Là phụ nữ nếu con biết thể hiện sự tôn trọng, tận tâm, yêu thương, chăm sóc thì anh ấy sẽ 100% ở bên con.


SƯU TẦM. 

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Cuộc sống: MẸ GÀ CON VỊT - Sưu tầm.





 MẸ GÀ CON VỊT. 


Có một vị giáo sư chuyên nghiên cứu về loài gà.

Một ngày kia, ông phát hiện trong rừng có một con chim trĩ đẻ được khá nhiều trứng, liền lặng lẽ nhặt lấy mấy quả mang về. Vừa khéo lúc đó lại có một con gà mẹ cũng đẻ trứng, ông bèn lấy trứng của gà mẹ rồi bỏ trứng chim trĩ rừng vào đó .


Gà mẹ nhìn thấy trứng không giống nhau. Do dự một hồi, nhưng vẫn chấp nhận ấp những quả trứng lạ này, vừa điềm đạm lại vừa cẩn thận,như là đang ấp trứng của chính mình . Sau một thời gian, chim trĩ con nở ra, gà mẹ dẫn chúng vào trong rừng, dùng móng vuốt đào bới đất, tìm kiếm sâu bọ giữa đất và rễ cây.. Liên miệng “cục…cục…” gọi mấy con chim trĩ non đến ăn.


Chứng kiến cảnh ấy, vị giáo sư hết sức ngạc nhiên. Lũ gà con vốn đều được cho ăn thức ăn nhân tạo, vì sao gà mẹ có thể biết chim trĩ con không ăn thức ăn chăn nuôi mà chỉ thích ăn giun dế?


Giáo sư lại lấy một số trứng vịt cho gà mẹ ấp. Lại như lần trước, gà mẹ vẫn không quản nhọc ấp số trứng ấy nở ra đàn vịt con. Sau đó, gà mẹ lại dẫn theo đàn vịt con đến bên hồ nước để chúng tập bơi lội...


Hai sự việc bất ngờ ấy giúp vị giáo sư chợt nhận ra một đạo lý:


Loài gà vốn bị cho là “não nhỏ”, ngốc nghếch, không có tình cảm nhưng thực ra chúng vừa có tình thương, lại có trí tuệ. Gà mẹ không chỉ bao dung, ấp số trứng lạ không phải mình đẻ ra, mà nó còn hiểu được đặc tính của những con trĩ con, vịt con ấy rồi dẫn dắt chúng thực hành kĩ năng sinh tồn mà tạo hóa đã ban cho.


Lại nói về chuyện trên, con người trong hoàn cảnh ấy sẽ ứng xử khác biệt hoàn toàn. Rất có thể ta sẽ bắt lũ vịt con học tiếng gà kêu, bắt chim trĩ rừng ăn thức ăn nhân tạo.

Nghĩa là ta luôn muốn cưỡng ép người khác theo quan điểm, suy nghĩ của mình mà chẳng hề quan tâm tới cá tính, thói quen và sở thích của người khác. Những xung đột, hiểu lầm cũng bắt nguồn từ đây.

Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân“. Đại ý : Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Người quân tử chính là như vậy, không ép buộc, cưỡng chế người khác, chỉ một lòng lấy thiện đãi người.


Lễ nghĩa phương Đông và phương Tây, thì việc tôn trọng sở thích, quan điểm của người khác là biểu hiện của văn hoá, của trí tuệ


Một đoàn thể có thể hài hòa ổn định hay không, then chốt chính là việc mỗi cá thể trong đó có thể tôn trọng, bao dung, lấy tấm lòng từ bi để đối đãi với nhau . Nếu hãy còn tính toán, trách móc lẫn nhau thì sẽ không thể sống thanh thản dù chỉ một khắc.


– Một con gà mái có thể lấy trí huệ của tình thương để đối đãi với loài vật có ngoại hình và tập tính sống khác biệt với mình. Vậy là con người chỉ nên dùng trí huệ thanh tịnh hóa giải tranh chấp. Lấy thiện lương hoá giải hận thù thì cuộc sống này mới có hoà hợp, viên dung, tươi đẹp .. Có câu rằng :

“ Sẽ ngớ ngẩn nếu nghĩ mình luôn đúng. Và ai nấy đều sai. Thực sự

người biết sống - là sống giữa nghìn khác biệt” ...


2. Xem bức ảnh gà mẹ và lũ vịt con và bao ảnh về tình yêu thương bất ngờ giữa nhiều loài trong lòng ta có động lòng trắc ẩn ko nhỉ?


Chợt nhớ Lão Tử dạy : “Người đối với ta thiện . Thì lấy thiện đãi . Kẻ đối với ta bất thiện vẫn dùng thiện để đáp lại “


Trang Tử thì có câu: “ Kẻ tiểu nhân nhìn ai cũng thù địch .. Người quân tử đi khắp thiên hạ - không ai là kẻ thù “ là vậy !


( Sưu tầm )

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Hồi ức: ĐẠP BÁNH TRÁNG - Sưu tầm.

 





Một cách dạy con của người xưa.

ĐẠP BÁNH TRÁNG. 


Khi ra đường người ta thường hay mang theo tiền dằn túi, nói để phòng hờ rủi ro ‘đạp bánh tráng’ thì có tiền mà trả. Ðây là một câu nói đùa nhưng ‘tai nạn’ này đã thật sự xảy ra với anh em chúng tôi.


Vào niên học 1955, Tuấn, anh tôi, học lớp ba thầy Tươi, còn tôi học lớp tư thầy Quang trường Tiểu học Tây Ninh. Năm ấy, học sinh trường chúng tôi có nhiều bạn mới di cư từ miền Bắc đến học chung. Các bạn này thường mặc áo vải nâu. Tôi không rõ do chính phủ cứu trợ, phát cho đồng bào di cư vải màu này hay đó là màu được người quê miền Bắc ưa chuộng. Thấy ngồ ngộ nên má tôi may cho anh em chúng tôi, mỗi đứa một cái áo sơ-mi màu nâu ‘di cư’ để mặc đi học.


Ðoạn đường trước trường Tiểu học Tây Ninh trong những năm ấy đầy dẫy những gánh hàng rong, xe cà-rem, xe nước đá … Học sinh phải đi qua chốn nhộn nhịp, lôi cuốn này trước khi đến trường.


Trưa hôm ấy, anh em chúng tôi đang tung tăng bước vào cổng trường bỗng dưng có ai túm áo chúng tôi từ sau lưng kéo lại. Ðó là một bà mặc áo túi, cũng một màu nâu như áo sơ-mi của chúng tôi nhưng đã bạc màu, đầu bà đội chiếc nón lá rách bươm. Chúng tôi chưa kịp nói gì bà đã la lớn lên:


“Chúng mày chạy đâu cho thoát? Ðạp vỡ bánh đa của bà thì phải đền!”

Anh em chúng tôi phân trần:

“Ðâu có, anh em tui đâu có đạp bánh đa của ai !”

Nhưng bà không nghe, kéo anh em chúng tôi đến văn phòng Hiệu trưởng.


Ba tôi là thầy giáo Sen, dạy lớp tư. Ngày hai buổi đi dạy học ông chở chúng tôi theo luôn bằng xe mobylette. Khi anh tôi lên lớp ba ông mới cho phép anh dẫn tôi đi học, lội bộ từ nhà đến trường cùng với chúng bạn.


Hôm ấy, nhờ ai đó thông báo nên ba tôi đến ngay văn phòng Hiệu trưởng. Gặp ba, anh em chúng tôi mừng rỡ vì nghĩ rằng ông sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi tội đạp bể bánh tráng mà bà bán hàng đã vu oan. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi nói không có đạp bể bánh tráng, ông nhìn bà bán hàng rồi không hiểu sao ông xin lỗi bà, hỏi bà bị thiệt hại bao nhiêu và ung dung móc bóp lấy tiền đền.


Bà ta đòi sáu đồng cho 12 bánh đa bị bể, mỗi cái giá năm cắc, nhưng bỗng nhiên bà lại chăm chú nhìn mặt anh em chúng tôi một lát, rồi lắc đầu nói:


“Ôi, lạy Chúa tôi ! Tôi nhầm thầy ạ. Hai cậu này tóc cúp ngắn còn hai cậu học sinh chạy đùa, đạp vỡ bánh đa của tôi, cũng mặc áo màu này nhưng tóc để dài. Thôi, tôi xin lỗi thầy, tôi không dám nhận tiền của thầy đâu. Tội chết!”

“Vậy thì bà cho phép tôi đền giùm cho hai cậu học trò ấy nhen!”


Ba tôi vừa nói vừa đưa cho bà bán bánh đa tờ 10 đồng và ông xin bà giữ trọn số tiền, khỏi thối lại. Ông phải cố gắng thuyết phục bà ấy mới nhận số tiền.


Sau khi bà bán bánh đa đi rồi, ba tôi biểu: “Thôi, hai đứa đến lớp học đi!” nhưng anh em chúng tôi vẫn đứng lại, mặt mày ngơ ngác không hiểu vì sao ba lại đền bà bán hàng đến 10 đồng. Riêng tôi, trong lòng cũng có tiếc số tiền ‘lớn’ ấy vì thời đó mỗi ngày tôi chỉ được ba má cho năm cắc để ăn bánh mà thôi.


Chần chừ trong giây lát tôi mới dám hỏi ông. Ba tôi không trả lời ngay mà dắt chúng tôi ra ngoài hành lang rồi ông ngồi xuống, một chân quỳ, một chân co gối, ôm cả hai chúng tôi vào lòng và nói:

“Ba thấy bà ấy nghèo quá, phải đành đoạn bỏ nhà, bỏ cửa, di cư vào Nam, nên ba tặng cho bà chút tiền làm phước đó mà! Hai đứa về lớp học giỏi, ba thương.”


Ðó là bài học phước thiện đầu tiên ba dạy anh em chúng tôi.


Chiều hôm ấy, ba tôi đi dạy học về nhà với vài cái bánh đa cột trên ghi-đông xe. Ông kể chuyện ‘đạp bánh tráng’ cho má tôi nghe và nói rằng bà bán bánh đón ông ở cửa trường, biếu cho ông năm cái bánh bà mới nướng còn nóng hổi. Chiều hôm ấy, má tôi hái đu đủ làm món gỏi xúc bánh đa thay vì bánh phồng tôm, cả nhà ai cũng khen ngon.


Hai mươi năm sau, năm 1975, vào khoảng giữa tháng năm, một hôm tôi nằm chèo queo, một mình trên chiếc ghế bố, trong căn lều trại tị nạn Orote Point ở đảo Guam. Hình ảnh ‘đạp bánh tráng’ năm xưa chợt đến với tôi, mang theo một nỗi buồn ray rứt. Tôi có ngờ đâu mình cũng phải bỏ xứ ra đi, không một đồng xu dính túi, như bà bán bánh đa năm ấy, và tôi tự hỏi lần này bà ta có cơ hội rời bỏ quê hương ra đi như năm 1954 hay không. Và… và tôi nhớ đến ba má tôi, anh chị em tôi còn kẹt lại ở quê nhà thật nhiều …


Sưu Tầm

Thơ : CHÚT NHỚ CHÚT THƯƠNG - Xuân Duyên

 





CHÚT NHỚ, CHÚT THƯƠNG

Đường trắng xóa mờ sương dài cô tịch

Chuông ngân nga day dứt biết bao dường

Tay xoa xuýt cơn lạnh vẫn còn vương 

Em - góc phố chờ Noel lặng lẽ

Đừng quay gót hãy chờ nhau anh nhé 

Bao dỗi hờn đừng để trái tim đau

Trái thông rừng em nhớ đã từng trao

Rực rỡ lắm dưới trời hồng đêm ấy

Bỗng em nghe  lòng bừng lên thoáng vậy

Em ngoan hiền chợt một chút thương thương

Cô gái bình yên bên góc giáo đường 

Trong phút chốc,màu sắc xanh tỏa sáng 

Noel về rồi ...

   ấm áp cả trời sang

             XUÂN DUYÊN - 12/2020

Đó đây: TÁC PHẨM BẰNG CÁT - Kim Thoa st và gt.




NHỮNG TÁC PHẨM BẰNG CÁT.

Khó tin những con vật khổng lồ sống động này lại chỉ là... cát Chỉ từ cát, Andoni Bastarrika - nghệ sĩ đến từ Viện Mỹ thuật Tây Ban Nha - tạo ra những phù điêu động vật khổng lồ sống động y như thật, khiến người xem choáng ngợp. Bastarrika vốn là nghệ sĩ tự do không qua đào tạo. Trước đây, anh sở hữu một cửa hàng bán hoa quả và hành nghề trị liệu cổ truyền Nhật Bản 'shiatsu'. Cho đến hè 2010, anh mới phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của mình trong lần đi biển với các con gái, khi bọn trẻ nhờ anh phụ giúp hoàn thành một tác phẩm bằng cát. Từ đó. Andoni theo đuổi niềm đam mê này. Để tạo những phù điêu đặc sắc, Bastarrika phải chuẩn bị từ 500 đến 1.500 kg cát. Các tác phẩm của anh đều được thao tác bằng tay. Nhờ trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ, ý tưởng và cảm hướng thường đến trực tiếp với anh. Để hoàn thành một tác phẩm điêu khắc bằng cát hoàn chỉnh, Bastarrika phải mất từ 6 đến 12 giờ. Sau khi được chụp ảnh lại, nó sẽ bị gió thổi bay hoặc chính tác giả phá bỏ để có không gian làm tác phẩm khác. Nghệ sĩ này coi cát là bậc thầy của mình. Theo anh, không giống như những gì thế giới hiện đại thường cố gắng thuyết phục chúng ta, sự phá hủy những tác phẩm nghệ thuật này thể hiện con đường ngắn ngủi của chúng ta trên Trái đất cũng như sự suy tàn của chúng ta. "Làm việc với cát thực sự là một thử thách. Tôi làm việc với cát chất lượng thấp, điều này có nghĩa tôi không thể đắp tượng cao được", anh nói. Mục tiêu của Bastarrika là mô tả sự tự do và khiến mọi người choáng ngợp trước vẻ đẹp lạ lùng nhưng mang tính phổ quát. Bastarrika thú nhận rằng anh không biết cuộc phiêu lưu này sẽ đưa mình đến đâu. Anh rất thích làm việc với trẻ em và sẵn sàng làm ở bất cứ đâu, dù là Australia, châu Phi, hay châu Âu. Hạ Vũ (Nguồn: brightside.me)




Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Đời sống: XÓM HỐ Ở GÒ VẤP - Sơn Nam.






 XÓM HỐ Ở GÒ VẤP

Sơn Nam


Đất Sài Gòn bằng phẳng nhưng cũng có vài “tiểu hình thế”, thí dụ như chùa Gò, gò Mây, Bàu Cát, Đầm Sen, nhà thờ Hầm, cầu Hang, xóm Hố. Chẳng biết còn xóm Hố nào khác chăng, riêng tôi thì chỉ mới biết một xóm ở phường 7, quận Gò Vấp. Rất xứng danh là “hố”, cả một khu vực rộng cỡ 300 mét bề dài, thấp khoảng 3 mét hơn so với vùng phụ cận. Nên nhớ Gò Vấp cao hơn chín mét so với mặt nước biển, nơi chân gò thấp hơn để có nơi tháo nước. Đi vào xóm, ngỡ như đi dạo chơi xứ Đà Lạt. Con đường nhỏ khoảng hai mét, nhà bên kia lề cất trên cao, như trên sườn đồi; bên này thì nhà lè tè, nóc nhà thấp hơn nền nhà bên kia. Trẻ con nô đùa như ở trên bờ đê, còn bên này ta đứng dưới mặt ruộng. Nghe nói cách đây không lâu, khi mưa to thì nước trên gò trút xuống, chảy theo những cống ra tận rạch Vàm Thuật của sông Sài Gòn. Nay thì ống cống mất rồi, nhà dân lao động chen nhau san sát, cao nhất chỉ có một tầng. Không cây cao, bóng mát. Mưa ào ạt đập vào vách lá, vào mái tôn, vào cánh liếp… Nắng chang chang nấu nung con người, gió cứ hắt bụi. Không là ổ chuột; gẫm lại sướng hơn những xóm ở quận 8, quận 6. Chưa bị ô nhiễm, rác rến dễ gom, dễ hốt, không khí dễ thở. Về đêm, thấy trăng non, trăng già. Hừng sáng, thấy mặt trời mọc; chiều tối, mặt trời xuống đỏ ửng. Mọi người còn có chổ đứng dưới ánh mặt trời


Dân xóm Hố sống với nghề gì?


Nghề đạp xích lô. Ngon lành nhất là người đủ tiền sắm chiếc xích lô đậu chật căn nhà bề ngang hai thước. Còn tay, còn chân là còn sống. Dọc đường, mua một ngàn đồng đậu rồng về chiên xào, ăn sống là bửa cơm ngon miệng. Dạo nó, báo chỉ giảng rằng đậu rồng ăn bổ, hột đậu rồng giàu chất dinh dưỡng như sữa bò. Nói vậy thì hay vậy, nào ai thay thứ sữa bò đó bao giờ? Thịt thì đủ loại “thứ phẩm” ngon lành. Lò heo, lò bò gần xóm, dường như vài người đến công ty sát sinh lớn là Vissan để mua đầu heo, ruột heo, chế biến lại, bỏ mối nơi khác. Rau cải Gò Vấp lừng danh vành đai xanh của thành phố. Một số trai trẻ làm nghề phụ hồ – phong trào xây cất dạo này rầm rộ, mỗi ngày lĩnh hơn 10,000 đồng, tự túc cơm nước, ăn xong dư được năm bảy ngàn. Đàn bà, phụ nữ gánh chè hoặc đẩy xe cà rem, đủ sống. Trong xóm bày ra mua bán vặt vạnh. Với hai trăm đồng, trẻ con có thể mua trái mận, hoặc vài trái xơ ri, cục kẹo. Vài người lớn tuổi dường như mang phong cách “văn minh nhàn rỗi” để giết thời giờ tụ tập lại đánh bài tứ sắc. Thỉnh thoảng nghe hô lên “9, 13″. Hoặc “13, 15″ ngon lành nhất là bài tới 17 ăn 40. Ăn thua nhỏ, đôi ba ngàn.


Phụ nữ ở đây xinh đẹp, nhưng chẳng chịu thi hoa hậu, vì không tin chắc qua được vòng loại. Trẻ con tới lui trong xóm, có dép nhưng lại thích đi chân đất. Vài đứa giành lấy vỏ bưởi lột ra, đem úp ngược lên đầu, như kiểu mão vua quan. TV không thiếu, máy cassette ai cũng có, đôi nhà mua đầu máy video cũ. Trời lạnh, trẻ con mặc áo ấm của người lớn, tay áo lòng thòng, phất phơ như nhân vật trong múa rối. Không ai thích nhạc Rock, nhưng say mê nhạc có làn hơi dân tộc. Máy cassette văng vẳng ra nào: “Huế của ta ơi, ta có Huế tự hào”; nào “đêm khuya vắng vẻ, càng thấy thương ngoại ô buồn”; hoặc “mạ ngoài đồng, em cấy lúa ba trăng”.


Mua giấy số lai rai, nhưng mười năm qua chưa thấy ai trúng bạc triệu! Người giàu nhất ở ven xóm Hố này là… ông chủ trại hòm (quan tài), bà con gọi đùa đó là mặt hàng mua không cần trả giá. Và cũng là món hàng không cần giấy bảo trì, bảo hành gì cả. Chết rồi, tạm có cái “bao bì” vàng son như thiên hạ.


Tết năm ngoái, một thi sĩ say rượu đến xóm để “quậy” chơi, ngâm thơ huyên thuyên. Vài người nhớ mặt, xác nhận đó là nhân tài Bùi Giáng. Có người nảy ra sáng kiến: ”Giáng” cũng đồng âm với con gián, con rệp. Con gián tương ứng với con nhền nhện, bèn đánh đề số 33, nhưng lại trật lất. Bà con bảo mấy ông thi sĩ làm thơ quá cao siêu, chẳng ích lợi cụ thể nào cho dân nghèo cả. Ăn cơm dưới đất mà chê khen truyện trên trời.


Làm sao bây giờ? Phường 7 và phòng giáo dục quận Gò Vấp đã nghĩ đến kế hoạch dài lâu. Mở lớp học tình thương, trẻ em và thanh niên lớn tuổi đến khá đông. Đến học được phát tập, phát bút, và thỉnh thoảng chút ít tiền. Vài gia đình đã được hưởng trợ cấp xóa đói giảm nghèo… Bởi vậy tuy nghèo nhưng ai nấy vẫn cười tươi, bám lấy xóm.


(Trích "Tuổi Già - Sơn Nam) .

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Thơ vui: TA HOÀI CÒN TA - H.V.H

  



 Đầu năm DL 2021 và cũng là sắp bước sang năm mới Âm lịch Tân Sửu, xin có một bài thơ vui:


Thơ "báo cáo":TA HOÀI CÒN TA


Thời gian nhẹ lướt qua mau 

Năm mười tám tuổi ta vào trường xưa 

Đời người thế cuộc đẩy đưa 

Tóc xanh giờ trắng cũng vừa bảy mươi !

Gặp nhau ai cũng vui tươi 

Vì qua dâu bể còn cười bên nhau 

Thời gian quý giá biết bao 

Giảm bớt bia rượu để vào… tám mươi

Phương xa bè bạn góp vui

Cảm ơn! Xin giữ chờ người về thăm (*)

Bạn xưa nơi chốn xa xăm 

Tình thân vẫn vẹn TA HOÀI CÒN TA...


H.V.H

---------------

Ghi chú : (*) Để giữ sức khỏe và cũng để chờ các bạn phương xa hẹn về họp mặt ( nhưng vì COVID mà chưa về được! ) nên anh em "k12 quốc nội" chưa sử dụng đến "hiện kim" các bạn ấy đã gửi về.

   Và… bạn đọc thông cảm, đây là thơ vui để "báo cáo" nên chưa đạt lắm chuẩn mực của thơ!