Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Viết từ phương xa: DẠY CON TIẾNG VIỆT - Hồ Thị Kim Hoàn.

 


DẠY CON TIẾNG VIỆT. 

( Viết bài này, nhớ chị Tiền Ngọc Thanh, chị đã khuyến khíchw em viết, mãi hôm nay em mới thực hiện được lời hứa với chị. Cảm ơn chị thật nhiều! )


Năm 1985, tôi đã trải qua 10 năm “trăng mật” theo đúng như ước muốn. Giờ đã đến lúc tôi phải có con. Vấn đề khiến tôi quan tâm là con tôi có biết tiếng Việt không, khi nó được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ?

Thời gian ấy, tôi nhìn lại 10 năm qua, thế hệ thứ hai đã không biết nói tiếng Việt, lý do lớn là cha mẹ phải đi làm vất vả lo kế sinh nhai nên không có thì giờ với con, con ở trường suốt ngày bên thầy cô và bạn bè nên không có cơ hội học tiếng Việt. 

   Tôi đã nghe những lời than phiền của bậc ông bà: không tiếp chuyện với các cháu được vì bất đồng ngôn ngữ. Ông bà học hoài không giỏi tiếng Mỹ, mà con cháu thì mù mờ tiếng Việt, cho nên không thể cảm thông nhau. Chỉ việc kêu tên cháu thôi mà ông bà cũng phát âm sặc mùi  tiếng Việt: “Đen nhồ ơi! (Daniel). Cá tỳ à! (Kathy). Ổ Gà nè! (Olga)”.


   Khi mang thai con, tôi dành nhiều thì giờ để tìm tòi trong sách vở. Tôi đọc được ý kiến hướng dẫn cách dạy con không quên cội nguồn. Tóm lại ý chính quan trọng là: 

- Đừng lo con không biết tiếng Mỹ.

- Phải nói toàn tiếng Việt với con từ khi mới sinh cho tới lúc nó đến trường. Sau đó nó sẽ dễ hội nhập tiếng Mỹ rất nhanh. 

- Cho con đi trường Việt ngữ vẫn chưa đủ, vấn đề chính là cha mẹ ở nhà phải nói tiếng Việt với con. 

Tôi hoang mang quá! Chẳng lẽ tôi để con đến trường mà không biết tiếng Mỹ hay sao? Nhưng tác giả nào cũng nói thế, chẳng lẽ sai? Thôi thì đọc sách phải... theo sách vậy!


Tôi đặt cho con cái tên Việt Nam chính hiệu “Nguyễn Tử Khang”. Lúc 1 tuổi nó đã nói nhiều lắm. Nó mê mẹ và cứ theo năn nỉ mẹ nghỉ làm để ở nhà chơi với con. Tôi xiêu lòng và rất khó khăn khi quyết định ở nhà. Lúc đầu buồn và chật vật lắm, nhưng rồi cũng quen. Sau này nhìn lại, tôi thấy không hối tiếc vì đó là sự chọn lựa đúng của tôi, trong thời gian bên cạnh con từng giờ từng phút, tôi đã hưởng hết niềm vui và hạnh phúc tràn đầy. 

   Tôi không nói 1 tiếng Mỹ nào với con. Mỗi năm tôi đều đưa con đi tham dự những chương trình Trung Thu, Tết… do người Việt tổ chức. Tôi cũng dạy con hát nhạc Việt Nam, nó hát hay nhất là bài quốc ca “Này công dân ơi…”, và bài “Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu…” Nó thả hồn vào bài hát một cách kiêu hùng và trân trọng khiến mọi người tán thưởng.

   Đến 6 tuổi, nó phải đi trường học trong lúc chỉ biết vài tiếng Mỹ đơn sơ. Tôi lo lắng vô cùng! Làm sao nó nghe được cô giáo? Làm sao nó nói chuyện cùng bạn bè?

   Ngày đầu tiên đưa con đi học, nước mắt tôi tuôn rơi, tôi cứ đứng nhìn đứa con khờ khạo, lạc lõng giữa đám trẻ con Mỹ líu lo nói cười. Mẹ có sai lầm không? Mẹ có lỗi với con không? Dường như nó hiểu được tâm trạng của mẹ, nên nó giục: “Mẹ về đi, con tự lo được mà!”

Tôi quay ra ngoài cổng trường, đến 1 góc khuất ngồi khóc như mưa. Tội nghiệp con quá! Chỉ vì muốn con biết tiếng Việt mà mẹ để con lâm vào tình trạng này!

   Thế mà chỉ 3 tuần lễ thôi, nó về nhà nói toàn tiếng Mỹ, sau đó thì không nói tiếng Việt nữa. Tôi phải “ban hành sắc lệnh” cấm nói tiếng Mỹ ở nhà. Mỗi khi nó quên, thì tôi đành phải nói “mẹ không hiểu con nói gì?” Nó miễn cưỡng… dịch qua tiếng Việt cho mẹ hiểu.

   Tôi lại tiến hành công việc làm cô giáo dạy con học Việt ngữ ở nhà. Nhưng nó học 1 cách uể oải và lười biếng. Tôi nghĩ nó cần môi trường lớp học có bạn bè chung quanh mới được. Nên tôi tìm thấy “Trường Việt ngữ Văn Lang” ở San Fernando Valley. Tuy lái xe đi xa 40 phút, nhưng tôi quyết định phải chịu khó đưa con tới trường học, vì tôi nhìn thấy một ngày không xa, nó càng thông thạo tiếng Mỹ thì càng lãng quên tiếng Việt, sẽ đến lúc mẹ con bất đồng ngôn ngữ, không thể cảm thông nhau nữa. Điều ấy tôi không hề muốn.

   Vậy đó, mỗi chúa nhật tôi dành trọn thì giờ cho con. Nó thích thú với bạn bè và thầy cô ở lớp học Việt Ngữ. Học ròng rã mấy năm, đến hết lớp mà chẳng muốn… ra trường.

   Tôi cảm thấy mỗi tuần học ở trường có 1 buổi vẫn chưa đủ, nên tôi cần góp phần vào, bằng cách luôn nhớ nói tiếng Việt với con, viết Note cho con đọc, viết email mỗi ngày mặc dầu không có chuyện gì đáng nói. Tôi kiên trì như thế cho đến khi nó đi học xa nhà, thì tôi email và viết thư còn thường xuyên hơn nữa, từ chữ dễ, dần dần đến chữ khó. Ôi, biết bao tâm sức của người mẹ  để cho 1 đứa con thông thạo tiếng Việt. 

   Sau này tôi cũng đưa con út là Khiêm đi trên con đường của anh hai nó. Lại 1 cuộc hành trình dài từ khi tóc nàng hãy còn xanh, cho đến lúc … bạc trắng mái đầu. 

   Nhưng niềm vui mà tôi nhận được cũng xứng đáng lắm. Kết quả như thế này:

- Ba mẹ tôi rất vui vì con tôi nói chuyện thoải mái với ông bà ngoại. 

- Khi đến khu phố VN, nó đọc được chữ Việt, kể cả… thực đơn trong tiệm ăn.

- Vì không bị trở ngại về ngôn ngữ, cho nên tôi vẫn còn được làm 1 người bạn thân để chia sẻ tâm sự cùng 2 đứa con.

- Lần đầu Khang trở về từ trường nội trú Berkeley, nó nói: Con cảm ơn bố mẹ đã dạy con tiếng Việt, vì lên đại học con mới thấy tụi bạn giỏi lắm, có đứa biết vài thứ tiếng nữa đó. Con cảm thấy mình hãnh diện vì biết tiếng nước mình! 

   Ôi, lời cảm ơn của con cũng đủ bù đắp công khó của bố mẹ. Đây là việc tôi nên làm. Tôi xem như là một trong những ước mơ mà tôi đạt được trong cuộc đời mình. Tôi cũng không quên những người đi trước đã viết sách hướng dẫn cho tôi biết cách giúp con học tiếng Việt. Tiếng Việt của con tôi gắn liền với cuộc sống của nó, sẽ không bao giờ mất đi.


Hồ thị Kim Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét