Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Thơ: QUÊ TÔI LẠI AN - NT





Quê tôi

Lại An 

Thân tặng các bạn Lê Quang, Đinh Văn Tài, Nguyễn Thị Khánh Linh (cùng học trường trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết và tiếp nối từ 1970-1974 tại Học Viện QGNNSG - khóa 12.)


Quê tôi đồng lúa ngát màu xanh

Gió thoảng mơn man lá lay cành

E ấp hàng cau buông tóc rủ

Rụt rè khóm trúc phủ bóng quanh

Cánh diều thong thả vờn trong gió

Cá lượn ao bèo đớp bóng nhanh

Mục đồng quay gót trâu ơi ới

Khói toả lam chiều trên mái tranh

Tôi nhớ quê tôi mùa lúa chín

Mẹ bắt trê vàng đem nấu canh


Phan Thiết 

Phan Thiết chiều về trên bến sông

Ghe thuyền san sát hông cạnh hông

Đỗ bến Cồn Chà trông biển gọi

Tôm cá đầy ghe vợ mong chồng


Sở muối 

Sở muối trưa hè nắng chói chang

Gánh muối trên vai bước nhịp nhàng

Em đẹp trinh nguyên ngang muối trắng

Nắng gió hôn em, trải đá vàng



Hàm Thắng

Quê tôi ngày ấy đã mất rồi

Cảnh cũ, tình xưa cũng hết thôi

Thanh long phủ kín, lui ruộng lúa

Nhà gạch xây cao, chẹn nương đồi

Màu đỏ thanh long thay lúa chín

Cánh diều bay mất chốn xa xôi

Em gái giờ đây trông rất vội

Không còn đưa mắt mĩm cười tôi

Ngày về quê cũ còn đâu nữa

Thương hải, tang điền tựa mây trôi

NT

QLD 21/09/2018

Chú giải:

Lại An: một xã miền quê trước 1975, cách thị xã Phan Thiết 5 cây số về hướng bắc.

Cồn Chà: Tên địa danh, nơi ghe tàu đánh cá đậu.

Sở muối: Vùng ruộng muối nằm sát thị xã Phan Thiết.

Hàm Thắng: Tên mới của xã Lại An sau 1975.

Thơ: QUỲNH CA- Hà Thu Thủy




QUỲNH CA

" ai mang cho em một đoá Quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm ?"
Đêm thu trôi êm thật yên bình
Theo vầng nguyệt sáng lung linh
     Thôi, em vội vàng quay gót
      Xoay tròn giấc ngủ phiêu linh
      Ru tình đi vào miên viễn 
      Để Quỳnh e ấp , xinh xinh
                   
HÀ THU THỦY -9/2018

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Viết từ phương xa : NGHỀ ĐƯA THƯ BÊN MỸ - Chính Vũ.






Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thầy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA.

***

Đến Mỹ, đi dọc ngang theo các con đường trong các khu dân cư, điều đầu tiên làm tôi chú ý, không phải là các ngôi nhà hay vườn cây, mà là những thùng thư có nhiều kiểu dáng tùy theo vị trí đặt, ví như hình hộp chữ nhật hay hình vuông, trên vách trước nhà. Hình ống dài ngay sát đường đi ở mặt tiền nhà, hoặc như những cái thùng có hình bầu dục phía trên. Và đặc biệt, nhiều gia đình còn trang trí thùng thư riêng trong những dịp lễ Giáng sinh, Tết Tây... với các hình thù như ông Noel, con tuần lộc hay chiếc thuyền buồm bằng những sợi dây thừng thắt lại hay các chùm đèn màu rất thú vị!

Khác với ở quê nhà Việt Nam, thời gian gần đây, nhất là trong tình hình mạng lưới Internet phủ đến làng quê, cùng với các loại điện thoại Smartphone rộ nở, cần liên lạc, thăm hỏi, giao dịch v.v... người ta chỉ cần một cuộc điện thoại, một tin nhắn, hoặc một lá thư điện tử (email)... là có thể trao đổi với nhau một cách dễ dàng, thuận lợi. Bưu điện, trước là cơ quan độc quyền duy nhất của nhà nước trong việc liên lạc bằng thư tín dần dần trở nên thất nghiệp? Nhiều “bưu điện văn hóa” ở phường, xã hoặc vùng nông thôn phải đóng cửa, dẹp tiệm. Nhiều bưu tá, người đưa thư phải nghỉ việc hay chuyển sang nghề khác. Thư viết trên giấy, bỏ vào bì thư gửi đi, đã trở thành lạc hậu? Nhiều bà má già lụm  khụm, ngày xưa còn sử dụng từ “đi đánh dây thép” giờ cũng biết hỏi con cháu “tụi bây đã điện thoại chưa?”... Vậy mà nước Mỹ, một cường quốc, văn minh tiến bộ hàng đầu thế giới, vẫn còn duy trì hình thức thư tín trên giấy, với những lá thư xinh xắn gửi đến từng người cần trao đổi, liên hệ và cả chuyện tình cảm thân mật là điều hết sức nhân văn và thú vị. Các cơ quan chính phủ, bệnh viện, bảo hiểm, ngân hàng, tòa án v.v... tất cả vẫn giao dịch với mọi người qua hình thức thư tín, và vì vậy, chuyện đưa thư và bảo đảm thư đến đúng tay người nhận vẫn là điều hết sức quan trọng, biểu hiện uy tín cao của ngành bưu điện của xứ sở cờ hoa.

Cứ suy từ gia đình tôi, tất cả sáu người, cứ hai, ba ngày là nhận được vài ba lá thư: Thư của bảo hiểm, thư của bệnh viện, của bác sĩ gia đình. Thư gửi bill thanh toán của các dịch vụ điện, nước, gas, Internet, cùng các thư quảng cáo, hay thiệp chúc mừng của bè bạn, người thân...Thùng thư hầu như lúc nào cũng có thư. Đặc biệt là những món quà “đặc sản” từ anh em trong nước gửi qua, hay những ấn phẩm, sách báo bạn bè gửi tặng. Bưu tá hay người đưa thư cứ “hồn nhiên” “quăng” trước cửa nhà, ngay trên bậc thềm, vẫn không hề bị mất hay thất lạc? Thật kỳ lạ!

Người đưa thư ở nơi khu vực tôi ở là một người đàn ông gốc Mễ, râu quai nón rậm rạp, luôn cười vui sởi lởi, thảng hoặc khi tôi gặp, chào hỏi dăm ba câu, là ông vội vả xốc cái túi xách nặng trĩu thư và bưu phẩm hối hả tìm sang nhà khác. Hầu hết những người đưa thư thường phải tự lái chiếc xe của bưu điện, xe thiết kế riêng, có đít vuông, sơn màu trắng và xanh dương có vẽ biểu tượng đầu đại bàng. Họ đậu xe, ôm chồng thư tín, ấn phẩm xuống và đi bộ hết khu vực, sau đó lại chạy xe qua khu vực khác. Tôi để ý, nếu nhà nào mới, hay thay chủ hoặc đổi người đưa thư, thì họ tự ghi tên mình trên một mảnh giấy nhỏ và dán trên nắp thùng thư, ngầm thông báo cho gia chủ biết tên của người đưa thư, để khi cần có thể biết mà trao đổi hay khiếu nại.

Một lần tôi thử hỏi ông Browns, người đưa thư: Điều gì trở ngại nhất đối với người đưa thư ở Mỹ. Ông cười, thành thật trả lời: “Đấy là thời tiết, nắng, mưa. Nhất là tuyết như lúc này – ông chỉ tay vào những đống tuyết đã đóng băng trắng xóa cạnh nhà ... Ồ,  còn dịch bệnh và... chó nữa! Nhiều người vô tình đã bị chó dữ cắn phải nghỉ việc...”. Ông đưa cái chân, có một vết sẹo dài sau bắp chuối, cười to “Đây, đây, nó đây...”. Tôi hiểu, có lẽ lòng yêu nghề đã khiến họ vượt qua trở ngại để có thể đem từng lá thư đến cho khách hàng, là người mang lại nhiều niềm vui và tất nhiên có nỗi buồn... đến cho người nhận thư mỗi ngày. Vì trước đây khi còn ở quê nhà, người viết bài từng có tâm trạng trông ngóng từng lá thư của người thân gửi đến, dù tin vui hay buồn. Và thật... bất mãn, buồn như chấu khi lá thư ấy bị thất lạc hay có người khác “cầm nhầm” lấy mất!

Tìm hiểu trên Google về nghề đưa thư ở nước Mỹ, thấy trang Việc làm Careet Cast đã thống kê và đưa ra kết luận vào năm 2015, nghề đưa thư là một trong mười nghề được xếp loại... “nghề tồi tệ” nhất nước Mỹ? Vì sao? Như trên đã nói, đó là nghề có thể đối diện với những hiểm nguy như về thời tiết, khi khu vực đưa thư có dịch bệnh và nhất là luôn có nguy cơ bị các... chú khuyển “đớp” bất cứ lúc nào. Mà có lúc, người đưa thư được đề nghị phát “Đả cẩu bổng” hoặc súng bắn hơi cay để đối phó với các chú cho to, bự, hung dữ, nhưng lại bị gia đình các khách hàng phản đối và ủy ban bảo vệ thú cưng lên tiếng chỉ trích, đành phải dẹp bỏ và khuyến cáo người đưa thư phải luôn đề phòng với những nhà có nuôi chó... dữ! Song có lẽ nhận định và đánh giá của Business Insider cũng đã “an ủi” phần nhiều những người đưa thư ở nước Mỹ là Nghề đưa thư là một trong 25 nghề không cần trình độ Đại học, đào tạo ngắn hạn  nhưng có mức lương cao hấp dẫn: Hơn 56 ngàn USD một năm, vị chi hơn 4 ngàn đô một tháng, món tiền quả là không nhỏ? Và trong tương lai đến năm 2022, cũng theo báo nói, nước Mỹ còn thiếu cần tuyển thêm đến trên 100 ngàn người làm nghề đưa thư nữa! Đọc đến đây, thú thật tôi muốn... ước mình trẻ lại khoảng 15, 20 tuổi để sẵn sàng xin vào làm nghề... đưa thư, cái nghề mà suy ngẫm tôi vẫn thấy có cái gì đó rất nhân văn và hay hay khó nói!

Nghề đưa thư có từ lâu đời, rất xa xưa, khi mà các chế độ và triều đình phong kiến được thành lập, để truyền tin tức hay những chỉ thị, mệnh lệnh đến các vùng xa xôi, biên ải, biên trấn, cần phải có những người đưa thư hay những “bưu trạm” chuyển dịch. Người đưa thư được tuyển dụng phải là người có sức khỏe, am tường địa lý, khu vực mà mình phải đưa thư, truyền tin tức, mệnh lệnh, đôi khi còn phải giỏi võ nghệ để chống cự với bọn cướp bóc, thậm chí là thú rừng hung dữ gặp phải trên đường đi như cọp, beo, rắn rết v.v... Người đưa thư sử dụng các phương tiện di chuyển hiện có như đi bộ, đi ngựa, tàu, thuyền... miễn sao hoàn thành nhiệm vụ được giao càng sớm, càng tốt. Tất nhiên, ngày xưa còn có việc chuyển thư bằng chim bồ câu, nhưng được giới hạn trong bán kính nhất định, còn việc được thư, tin tức, mệnh lệnh và cả những hàng hóa, phẩm vật cần phải vận chuyển và quản lý bằng con người với phương châm nhanh nhất và đầy đủ nhất. Tức vật phẩm được nhận phải còn nguyên vẹn khi trao đến tay người nhận.

Về phía khách hàng, tức là người nhận thư, điều quan trong đòi hỏi là phải có một địa chỉ chính xác! Luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và vui vẻ, chia sẻ khi tiếp xúc cùng người đưa thư. Ở nước Mỹ, thư, bưu phẩm được đưa đến tay người nhận, chỉ cần xác nhận “ Ok”, ký tên vào giấy đã nhận, nếu thư hay bưu phẩm bảo đảm, khác với ở Việt Nam, hầu hết đều nhận một giấy “báo nhận thư hay bưu phẩm” và mời đến Bưu điện huyện, tỉnh hoặc “trung tâm” để nhận, người nhận phải tranh thủ thời gian chầu chực đi lại để nhận thư, bưu phẩm, nhưng việc quan trọng là phải mang theo giấy tờ Chứng minh nhân dân để “chứng minh” đúng người đi nhận, nhiêu khê và khá vất vả. Tuy nhiên, việc bưu phẩm, quà tặng đến nhà, được người đưa thư để “vô tư” trong thùng thư, phía trước cửa nhà hay trên hành lang, nghe các con tôi nói từ trước nay chưa hề bị mất hay “thất lạc” dù nhà ở sát cạnh đường đi, và cũng chẳng có rào, giậu gì. Song mới đây, trên các báo Việt ngữ, có đăng mẫu tin cảnh báo mọi người nên cẩn thận, bởi gần đến ngày lễ, nhất là các dịp Halloween, Giáng Sinh hay Tết Tây, Tết ta... Thiệp, quà tặng, thậm chí các phiếu chuyển tiền được bạn bè, bà con thân thích, người yêu v.v... quan tâm gửi cho nhau, và một số “người xấu” đánh hơi được điều này, canh me, các nhà có bưu phẩm gửi đến, gia đình chưa kịp nhận thì ra tay “nhận hộ”, gây thắc mắc, mất lòng tin đối với khách hàng và người đưa thư, khiến cảnh sát nhiều nơi phải vào cuộc!

Nghề đưa thư và ngành Bưu chính nói riêng, cần nhất là sự trung thực, thật thà và uy tín. Hầu hết mọi người dân nước Mỹ đều hài lòng với những người đưa thư, luôn xem người đưa thư như bạn bè, hay người thân thiện. Song cũng có những trường hợp hơi... bị hiếm như người đưa thư gian dối lấy thư của khách hàng, trong đó có cả bưu thiếp và chi phiếu chuyển tiền, thẻ mua hàng (Starbucks) như cô Smith nhân viên đưa thư ở Wauwatasa đã lấy hơn 6 ngàn thiệp mừng, tiền của khách hàng mà báo địa phương Milwauke Journal Sentinal đã đưa tin. Một con sâu làm rầu nồi canh. Dù sao vẫn không thể phủ nhận hình thức thư tin, và đưa thư của Bưu chính nước Mỹ vẫn luôn uy tín và giàu tính nhân văn, không làm tàn lụi đi một ngành nghề truyền thống lâu đời của nền văn minh nhân loại và thế giới. Và bạn hoàn toàn có thể yên tâm, thư tín, bưu phẩm từ khắp nơi gửi đến bạn, khi đến nước Mỹ là sẽ đến đúng ngay địa chỉ của bạn một cách vui vẻ và an toàn...

CHÍNH VŨ

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Vui cười: XÁC ĐỊNH ĐƯỜNG VỀ - Sưu tầm trên mạng.




XÁC ĐỊNH ĐƯỜNG VỀ!!!. . 

Một bợm nhậu lảo đảo xin lỗi rồi ngước lên nhìn Tom hỏi:

- Này anh, anh thấy trên trán tôi có mấy cục u rồi?

Tom nhíu mày đếm rồi nói:

- 3 cục, ông đụng vào đâu mà lắm thế?
Bợm ta dường như không để ý đến câu hỏi của Tom, vừa đi vừa lẩm nhẩm:

- 3 cục vậy còn 4 cây cột điện nữa là về tới nhà rồi!

Thơ: GỬI SẮC VÀNG... - Hà Thu Thủy.




GỬI SẮC VÀNG... 

Gửi sắc vàng vào ngàn mây lãng đãng
Nhé đồng hoa hương tỏa rất nồng nàn
Trên nẻo thinh không lặng vào  yêu dấu
Rủ chim ngàn theo muôn dặm đường bay.
Xin một lần trở về ngày xưa ấy
Ngồi trên cỏ xanh đón giọt nắng vàng
Sung sướng thay thuở mình còn thơ dại
Có thiên đàng quanh gót ngọc thênh thang.

HÀ THU THỦY (26-9-2018)

Sưu tầm : MỘT TAI NẠN - Hà Mai Anh dịch thuật.





 MỘT TAI NẠN - THỨ SÁU, NGÀY 21
N
iên học này đã mở đầu bằng một tai hoạ. Sáng nay, cha tôi đưa tôi đi học. Tôi mải nhắc lại những lời tâm huyết của ông Perbôni đã nói với học trò hôm trước cho cha tôi nghe, nên tới trường lúc nào không biết. Tôi giật mình thấy một đám túm đông túm đỏ ở trước cửa.
Cha tôi bảo : "Chắc lại có sự chẳng lành gì đây." Chúng tôi khó nhọc mới len vào được. Phòng khách đầy những phụ huynh và những học trò mà lúc ấy các thầy giáo không tài nào xua vào lớp được. Mọi con mắt đều nhìn vào cửa buồng ông hiệu trưởng. Một ông đội mũ cao vừa đến, người ta thì thào : "Bác sĩ đấy".
Cha tôi hỏi một giáo sư thì ông trả lời :
_ Bánh xe đè phải chân nó.
Ông khác nói tiếp :
_ Và nghiền nát bàn chân.
Nạn nhân là một trò em lớp hai, đi học qua phố Đôra Grôtxa, thấy một em bé tuột tay mẹ dắt, ngã lăn trước một cái ôtô hàng đang vùn vụt chạy tới. Lập tức, cậu chạy ra lôi đứa bé kia dậy và ôm được nó lên rồi, nhưng không may, bánh xe lướt phải chân cậu. Cậu là con một viên Quan Ba pháo binh.
Trong khi chúng tôi đang nghe người ta kể lại như thế, thì ở ngoài có một người đàn bà xô đẩy mọi người và hốt hoảng chạy vào như một người điên. Đó là mẹ cậu Rôbetti, người học trò bị nạn. Một người đàn bà khác là mẹ cậu bé được cứu chạy ra ôm lấy bà, thổn thức khóc và đưa bà vào phòng ông hiệu trưởng. Ở ngoài, người ta nghe tiếng kêu đau đớn của bà Rôbetti.
_ Ôi Guiliô con ơi !...
Lát sau, một chiếc xe ngựa đỗ trước giậu, ông hiệu trưởng bế cậu Rôbetti ra. Cậu bé, sắc da nhợt nhạt, hai mắt nhắm nghiền, gục đầu vào vai ông hiệu trưởng. Phút ấy, trong phòng im lặng như tờ, người ta chỉ nghe thấy tiếng nức nở của bà mẹ thôi. Ông hiệu trưởng dừng bước giữa phòng, nâng cao cậu bé lên như để mọi người trông rõ. Tức thì các thầy giáo, các cô giáo, các phụ huynh và học trò, ai nấy đều phàn nàn thương cho cậu và khen cậu là người can đảm ít có. Mấy cô giáo đứng gần đấy liền hôn hai bàn tay xanh rớt của cậu. Cậu Rôbetti bỗng bừng mắt và hỏi sẽ :
_ Cặp sách tôi đâu ?
Mẹ em bé sống sót giơ cặp, vừa nói vừa khóc :
_ Em ơi! Cặp đây rồi, ta sẽ đem lại nhà cho em.
Thấy con nói được, bà Rôbetti mới lại hồn. Mọi người đều giải tán. Cậu bé bị thương được đưa lên xe rất cẩn thận. Xe bắt đầu chuyển bánh, chúng tôi vào lớp ai nấy đều cảm động và lặng thinh.

HÀ MAI ANH dịch thuật. 

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Từ phương xa : CỌP CHẾT ĐỂ DA... - Sưu tầm trên mạng.


CỌP CHẾT ĐỂ DA
NGƯỜI TA CHẾT ĐỂ TIẾNG 

KhoTinNhungThat5
 
Nơi đây an nghỉ Pancrazio Juvenales(1968-1993) Ông ta là một người chồng tốt, một người cha kỳ diệu, nhưng là một thợ điện quá tồi tệ. (Chắc bị điện giật chết)
 
KhoTinNhungThat1
KhoTinNhungThat2
 
Mẹ yêu Ba. Ba yêu nhiều bà.
Mẹ bắt gặp Ba đang đú dởn vói 2 bà trong hồ bơi. Đây là nơi an nghỉ của Ba.
 
KhoTinNhungThat3
KhoTinNhungThat4
 Anh nói với em là anh bị bệnh (mà em vẫn không tha?)

 
KhoTinNhungThat6
 
Gustava Gumerisanda Gutierrez Gusman (1934-1989 )
Hãy yên nghỉ. Tưởng nhớ từ những người con của cha, trừ 
Ricardo, kẻ chẳng đóng góp một xu teng nào cả .
 
 
KhoTinNhungThat7
Đây là nơi yên nghỉ của người vợ thân quý nhất đời tôi: Brunjida Jalamonte (1973-1997). Xin Chúa vui lòng đón nhận Nàng với niềm hân hoan như con đã tống gởi Nàng đến với Ngài.
 
 
KhoTinNhungThat8
 
TOMAS JIMOTEO CHINCHILLA, 1967-1989 , Hãy an giấc ngàn thu. Bây giờ Em đã trong vòng tay của Chúa. Xin Chúa hãy cảnh giác cái bóp tiền của Ngài.


Khi say mới biết ta yêu ai,
Khi bệnh mới biết là ai yêu mình,
Khi đứng lên bạn bè sẽ biết ta là ai,
Khi ngã xuống ta sẽ biết ai là bạn, là bè

(Sưu tầm từ trang : ngo-quyen.org)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Vui cười: CHUYỆN VỀ ĐÔI CHÂN- Sưu tầm trên mạng.





CHUYỆN VỀ ĐÔI CHÂN 

- Bố mua cho con chiếc xe nhé!

Bố Tý lắc đầu:

- Không.

Tý thắc mắc:

- Tại sao thế bố? Năm nay con đủ 18 tuổi rồi cơ mà, hơn nữa vài hôm nữa con cũng vào đại học rồi.

Bố Tý chậm rãi:

- Thế bố mẹ sinh con ra có hai chân để làm gì mà đòi mua xe máy chứ?

Tý tươi cười đáp:

- Dạ một chân để đạp số, một chân đạp thắng ạ.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Viết từ phương xa : DONOR - Diễm Vy





DONOR Chuyện có thật.
        (Sưu tầm trên facebook) 

Chuyện xảy ra gần 20 năm trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Arizona.
Tối hôm đó, bệnh viện của tôi nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn xe hơi thảm khốc. 

Trên xe là bốn em học sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng đi về với nhau sau bữa tiệc. 
Người lái xe 18 tuổi, say rượu và chạy xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải đang đậu bên lề đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy bị thương nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1 nữ bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. 
Em trai bị chấn thương sọ não và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. 
Em gái hôn mê bất tỉnh phải mổ gấp, không biết có cứu được hay không?
Thật đáng buồn, em trai tử vong là một em gốc Việt, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và đang sắp rời nhà để vào một trường đại học danh tiếng. 
Các em còn lại đều người ngoại quốc.
Lúc đó tôi đang làm tại khu ICU (Intensive Care Unit). 
Bệnh nhân tôi được giao đêm đó là em gái 17 tuổi của tai nạn vừa kể trên. 
Một cô bé người ngoại quốc, đẹp hay không thì tôi không biết vì cả khuôn mặt lẫn cái đầu tóc vàng của em đều tím bầm, sưng to như trái dưa hấu vì những cú va chạm kinh khiếp. 
Em đang được mổ não khẩn cấp trong phòng mổ.
Tôi được (hay bị) kêu vào phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.
Sau khi được biết nhiệm vụ của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối:

“Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của bác sĩ mà!”

“Tôi biết, nhưng người nhà của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ, và ráng van xin họ giúp chúng tôi,” 

bà y tá trưởng năn nỉ.
Sau một hồi bàn qua tính lại, tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử nạn, với nhiệm vụ là cùng bác sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ phận còn tốt trong cơ thể của em cho bệnh viện.
Một em trai 17 tuổi đang khỏe mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng cử viên tuyệt vời để làm người hiến tặng, vì hầu hết các bộ phận trong cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích hợp để cứu sống các bệnh nhân đang chờ đợi để được thay các bộ phận trong người. Đó là lý do bệnh viện hết sức cầu xin gia đình.
Thời gian đó, đối với người Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ thể còn rất mới mẻ. 
Nếu không là cho người thân trong gia đình, hầu như rất ít ai hiến tặng cho những người không quen biết. 
Huống hồ gì, chuyện cha mẹ đồng ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể của con thì hình như chưa hề xảy ra. 
Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế? Mất con đã đau đớn lắm rồi…

Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân trong phòng đợi, trong khi người con đang được chờ quyết định để rút tất cả ống support bên trong, tôi bắt đầu trình bày lý do. 
Quả như tôi lường trước, cho dù có van xin, nài nỉ, giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.
Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước nhanh như chạy ra khỏi phòng.
Phòng ICU rất vắng lặng vì ở đây toàn những ca rất nặng. 
Những y tá cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn với bệnh nhân của mình nên chỉ có một mình tôi ngồi tại nurse station. 
Thường thì ở ICU, mỗi y tá lãnh hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có một, vì một bệnh nhân mới chuyển sang phòng thường. 
Bệnh nhân còn lại là cô gái đang trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.
Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một chút cho đỡ mỏi mắt. 
Khi tôi ngẩng đầu lên thì vụt một cái, thoáng có một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.
Tôi đảo mắt nhìn quanh.
Không có ai cả!
Tôi vẫn thường thấy lao đao như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh thiếu máu kinh niên. 
Tôi dụi mắt nhìn kỹ lại một lần nữa, lần này thì thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến lại gần tôi.
Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi đang đi lại phía tôi ngồi. 
Cậu đi nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện trước mặt tôi mà không gây nên một tiếng động. 
Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền và ngây thơ đến nao lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. 
Chắc là cậu đi nuôi người nhà bệnh và lạc từ khoa khác sang.
Thấy cậu đứng yên lặng không nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ:

"Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?” 

Lạ thay, cậu trả lời bằng tiếng Việt:

"Em đi kiếm đồ!”
Giọng của cậu nhỏ và thanh, nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.

“Em bị mất cái gì à?”

“Em làm rớt cái ví trong xe. Trong đó có một món đồ rất quan trọng. Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”

Không đợi tôi trả lời, cậu quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.
Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra. 
Tôi rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.
Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi tự nhủ. 
Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và nhức đầu quá. 
Tôi đứng lên định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc ghế.
Vừa lúc đó, một cô bạn đồng nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt tôi, cô la lên:

"Oh my God! Trời ơi sao cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy ghê quá. Are you OK?”

“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy dùm tôi một cái áo lạnh được không?”

Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi và hấp nóng. 
Tôi mặc áo vào, ngồi co ro mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.
Tôi uống thêm hai viên Tylenol. 
Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu, và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy. 
Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?
Cả khu ICU này có 6 phòng. 
Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người nằm một phòng. 
Tôi coi lại danh sách bệnh nhân viết trên bảng treo trên tường. 
Không có bệnh nhân nào người Việt. 
Vậy cậu từ khoa nào đi sang đây?
Tôi đi lòng vòng với hy vọng gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu bé người Á châu không, ai cũng lắc đầu không biết.
Thất vọng, tôi trở về khoa đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải phẫu xong và chuyển về phòng ICU. 
Bác sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng. 
Chỉ có một hy vọng duy nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy lại ánh sáng.
Ba mẹ em ngồi bên giường trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. 
Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.
Người mẹ buồn rầu nói:

"Tội nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của nó đã chết?”

“Người yêu của Jane là anh Việt Nam ngồi chung xe hả bà?"

tôi hỏi:

“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau lắm. High school sweethearts mà. 
Hai đứa đều học giỏi và có tương lai. 
Thế mà, chỉ qua một đêm, một đứa ra đi vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.”

Bà sụt sịt khóc. Tôi ngập ngừng:

“Bác sĩ nói con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”

“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là cặp mắt của một người còn sống cho con tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao giờ muốn làm khổ ai.”

“Nhưng nếu đó là cặp mắt của một người vừa mới mất thì hoàn toàn có thể dùng được, chỉ có điều…” 

tôi bỏ dở câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha mẹ cậu bé Việt Nam thêm một lần nữa.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà mẹ thở dài:

"Cô y tá ạ, tôi biết nỗi đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp như thế nào.
Tôi không dám đòi hỏi gì thêm. 
Số phận con gái tôi bị mù thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc cho nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt qua…”

Xót xa nhưng cũng rất xúc động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ nắm lấy tay bà. Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên
tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi:

“Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”

“Dạ được. Ông cần gì không?”

“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi đến gặp gia đình người tử nạn trong tai nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total lost. 
Trước khi xe tow kéo xe đi, chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc ví này rớt trong xe. 
Nó thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này cho thân nhân của cậu.”

Ví, xe, người tử nạn… những mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự nhiên ráp nối lại với nhau một cách có trật tự. 
Tim tôi đập thình thịch và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. 
Chân tôi bắt đầu run lập cập và tay thì nổi da gà. 
Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói?
Không lẽ mình vừa gặp ma sao?
Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát:

"Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”

Ông ngần ngừ một chút rồi nói:

“Cũng được, nhưng trong ví không có gì quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe và một ít tiền mặt vậy thôi!”

Tôi tần ngần mở chiếc ví ra. 
Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ chỉ có tấm bằng lái xe. 
Tôi tò mò nhìn vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình của cậu bé vừa đến gặp tôi ít phút trước đây. 
Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu trong vắt thơ ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.
Vậy ra cậu chính là người đã chết đó sao?
Một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. 
Tôi thầm thì, nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: 

"Trong ví này có một vật rất quan trọng…”

“Cô nói gì?”

Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra xem lại và lật tới lật lui. Quả thật không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và $5, cùng tấm bằng lái.
Tai tôi văng vẳng nghe tiếng của cậu bé:

"Chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”

Tấm bằng lái!
Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái lần nữa. 
Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.
Trên bằng lái có tên, tuổi và hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.
Tim tôi đập thình thịch. 
Như vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe trước khi xe bị kéo đi; chính cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát gặp tôi để mọi người có thể biết được ý nguyện của cậu. 
Thì ra ngay từ khi mới có bằng lái, cậu đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn sàng hiến tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng nên đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. 
Có phải cậu đến tìm tôi vì biết tôi là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và muốn nhờ tôi tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ vật cuối cùng?

Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV.
Sau khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính thực đã ghi danh làm người “DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo rằng theo luật pháp, vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối cùng, cho hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.
Phái đoàn gồm các bác sĩ, cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví lại cho cha mẹ cậu và thông báo về tất cả những sự việc trên cho họ. 
Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với nhau, chúng tôi đều lui ra ngoài đứng chờ.
5 phút, 10 phút trôi qua. Một bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.
Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước ra. 
Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người cha nghẹn ngào nói với chúng tôi: 

"Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy, chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của cháu. Xin bệnh viện giúp cháu làm tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai đang chờ được giúp.”

Tôi bật khóc vì quá xúc động. Tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết định đau đớn và khó khăn nhưng rất cao cả này. 
Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì. Trên cao kia, tôi biết cậu bé đang nhìn xuống và mỉm cười.
Những ngày sau đó, có ít nhất là cả chục bệnh nhân đang chờ thay thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ được ghép những bộ phận trong cơ thể cậu bé. 
Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp mắt của cậu. Trên gương mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong veo luôn tỏa những tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu thương đến mọi người. 

Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại của em vẫn tiếp tục tồn tại.

****
Ngay sau cái đêm “gặp ma” trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. 
Tôi về bàn với chồng, và vợ chồng tôi đã cùng đi đến quyết định là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người “DONOR.”
Nếu một mai có người nào phải ra đi trước, chúng tôi không muốn người thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm những quyết định đau lòng thế cho mình.

Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. 
Thế thì tiếc làm chi cái xác thân tạm bợ này! 
Nếu sau khi mình ra đi mà vẫn còn có ích cho người khác thì đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô biên cho mọi người chúng ta rồi...

(Diễm Vy)