Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Thơ: CON ĐÒ XƯA - Hà Thu Thủy.




CON ĐÒ XƯA

Nhiều năm rồi cây âm thầm trút lá
Xuống dòng sông trôi vào cõi vô thường
Vào hư không lãng quên dần tất cả
Nắng gió sông đò cỏ lá yêu thương.

Lối xưa cũ dấu chân mờ mịt bụi
Con đò xưa cũng đầy nét phong trần
Nắng hình như cũng rơi rơi lạc lối
Gió gầy hơn trên cánh lá bần thần.

Em góp nhặt những yêu thương hoài niệm
Còn rơi rơi trong vệt nắng cuối chiều
Còn lặng lờ theo hoàng hôn ngát tím
Tiếng chuông chùa xa văng vẳng tịch liêu.

HÀ THU THỦY (29/5/2019)

Tự thuật vui: TUI LÀ CƯỚP BIỂN... - Lê Xuân Sang.




TUI LÀ CƯỚP BIỂN CARIBÊ

Ngày hôm qua 29.5.19, đứa cháu dẫn xuống viện mắt tái khám lần 3. Lạy trời cho lần này được mổ. Nhà xa chạy lên chạy xuống oải quá..
5h gọi xe grab chạy xuống SG đúng 6h. Vào bốc số là 129.
Sau hàng chục thủ tục như: khám mắt ( và lần nầy được mổ. Mừng hết lớn 😀😀) nếu được thì qua giai đoạn xác định mắt phải mổ, siêu âm ❤️ xem có bị tăng xông không, xét nghiệm máu xem có bị" sì da", viêm gan, viêm tùm lum không 😀😀,vv... Rồi qua tư vấn nên mổ theo giá nào, rồi đóng tiền. Đóng tiền cũng có nhiều loại, đúng tuyến, trái tuyến giá khác nhau. Trái tuyến nhưng có giấy chuyển viện giá khác, không có giấy chuyển viện giá khác 😀😀.
Sau khi qua hết mấy cái thủ tục đó là chờ..... lên thớt! Đồng hồ lúc này chỉ 10h  ,2 dượng cháu xuống căn tin ăn... sáng. Chờ 11h mổ
Theo lịch trình thì thời gian mổ từ 11h đến 14h.
Thiệt là số con rệp. Lúc đầu trong phòng chờ mổ có trên 50 người. Họ được vào phòng mổ ( bên cạnh )rồi ra đi ngã khác. Cuối cùng trong phòng còn 4 ông bà già, trong đó có....  tui 😀
Rồi họ kêu 4 ông bà già còn lại lên thớt luôn 1 lượt cho xong.
Trong phòng mổ có 4 cái giường cho 4 người, bs kêu lên nằm rồi lấy 1 tấm vải 40x40cm che cái bản mặt tui.
Sau đó tui nghe hình như bác sĩ móc mắt tui ra, đưa cho phụ tá chà giấy nhám nghe rột rẹt, xong gắn lại vào. Trong lúc  làm, họ bơm nước liên tục vào mắt. Thời gian chờ đợi hơi bị lâu nhưng mổ thì rất nhanh, chừng 10 phút và không đau vì đã được chích thuốc tê.
Khi bs nói xong rồi thì đồng hồ đúng 14h giờ.
Sau đó là khâu mua thuốc và kêu grab về BD. Về tới nhà là 16h
Theo hướng dẫn, 18h tui mới được mở băng mắt và nhỏ thuốc. Cha mẹ ơi vừa mở băng mắt ra, ánh sáng trắng chói loà. Đèn neon thấy 2 bóng song song 😀😀. Còn cây viết nằm trên bàn bốc hoài hổng trúng!
Nhưng sáng nay tình hình đỡ nhiều nhưng có điều mắt mổ còn ánh sáng trắng, còn mắt chưa mổ thì ánh sáng..... vàng! 🤣😂🤣
Cố gắng dưỡng mắt phải cho ổn định chờ 2 tuần sau mổ tiếp mắt trái cho nó công bằng, nếu không nó khiếu nại. He he

Tái bút: tui nói cho vui vậy thôi chớ bác sĩ mổ rất chuyên nghiệp và vui vẻ. Bà con nào chuẩn bị mổ cứ yên tâm lên thớt, không có việc móc mắt chà giấy nhám đâu. He he 😀😀

LÊ XUÂN SANG - (30-5-2019)

Câu chuyện phương xa: TÌNH NGƯỜI... - Phong Luu.




TÌNH NGƯỜI TRONG KHỐN KHỔ…

Người homeless (vô gia cư, lang thang nghèo khổ) luôn luôn là vấn nạn cho bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước văn minh tiến bộ nhất.
Họ nghèo khổ, cái đó thì ai cũng biết. Nhưng trong cái xã hội nghèo khổ thu nhỏ ấy, họ sống và cư xử với nhau như thế nào?.

******

Để trả lời cho câu hỏi đó, ký giả William James của tờ báo New York Times đã cải trang thành một người què chân, lang thang, nghèo khổ. Anh sống với những người vô gia cư ở thành phố Miami thuộc tiểu bang Florida Hoa Kỳ khoảng nửa năm để tìm hiểu cuộc sống của họ.

James đã tận mắt chứng kiến thật nhiều điều, ngày anh mới gia nhập vào đời homeless, một người đàn ông chân đi khập khiểng đã nhường cho anh cây gậy và nói với anh rằng: “Người anh em, hãy cầm lấy nó, như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều”.

Những người khác dẫn James đến nơi đặt thùng rác ở các siêu thị, đến các khu dân cư để lượm thức ăn và phế liệu mà người ta vứt bỏ. Họ cho James biết nơi nào có nhiều đồ phế liệu, những phế liệu nào đáng tiền và nên đi lượm vào giờ nào…

Có chàng thanh niên da đen thấy James đi đứng khó khăn quá, anh ta đưa cho James cả túi phế liệu đầy ắp và nói: “Này người anh em, anh hãy cầm lấy túi đồ này và nghỉ ngơi một chút đi!”.
James ngẩn người ra, không tin vào tai mình: “Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!”.
Người lang thang đó cười, nói một cách hồn nhiên vui vẻ: “Tôi dễ dàng hơn anh một chút”. Nói xong, liền quay người bỏ đi.

Có hôm James đói vì không kiếm được đồ ăn, thì một người đàn ông lưng còng đưa cho anh hai ổ bánh mì và nói: “Này người anh em, hãy ăn đi!“.
James ngại ngùng: “Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?”.
Người đàn ông cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Nói xong, liền lảng sang bên cạnh, bỏ đi.

James cầm hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt rơi lã chã, phải rất lâu sau đó anh mới bình tĩnh lại được.

********

Trong khoảng thời gian nửa năm chung sống với họ, James thấy mỗi con người ở đây đều có những phẩm chất tuyệt vời. những người vô gia cư ở giai tầng thấp nhất trong xã hội này, tuy cuộc sống vô cùng gian khổ, nhưng khi họ nhìn thấy người khác khó khăn, đều luôn chìa tay giúp đỡ, họ luôn thấy nơi bản thân mình có một phương diện mạnh hơn người khác. Bởi thế, câu nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” là câu mà James thường nghe không biết bao nhiêu lần trong một ngày.

Sau đó, James viết một loạt bài trên trang New York Times với tiêu đề: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” Loạt bài đã chạm vào trái tim, gây chấn động tâm hồn của hàng triệu độc giả. Một nhà bình luận nói, đó thực sự là một loạt bài đánh thức những trái tim đã ngủ quá lâu trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của một đất nước quá coi trọng sự riêng tư.

Bất kỳ ai đọc loạt bài đó, đều muốn ngả mũ chào những người vô gia cư mà họ gặp, với sự kính trọng thực sự. Tuy họ sống ở giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng họ luôn có thể nhìn thấy bản thân mình có ưu thế hơn người khác, và dùng chút ưu thế nhỏ nhoi ấy để giúp đỡ những người yếu hơn, mang đến cho người khác một loại cảm giác ấm áp và dũng khí để tiếp tục sống.

Rất nhiều người sau đó nhận ra rằng: Sự rách rưới, bẩn thỉu, tàn tật hay nghèo khó, không ngăn cản con người trở nên tôn quý và cao cả. Và không cần phải giàu có bạn mới có thể chia sẻ được nỗi đồng cảm và cho đi sự yêu thương…

Chúng ta chắc chắn giàu có hơn những người vô gia cư khốn khổ ấy, tại sao chúng ta lại thường kêu ca than phiền về số phận của mình?.

Thực ra cuộc đời mình sẽ đơn giản, hạnh phúc và giàu có hơn, nếu chúng ta có thể nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” với bất kì ai mà bạn gặp trên đường đời. Bởi vì, những người vô gia cư kia đã từng nói như vậy và đã từng giúp đỡ cho biết bao nhiêu người khác.

Bạn ơi! Hãy nói câu nói ấy ngay bây giờ, ngay cả khi bạn không có và không còn gì cả, ngoài… một trái tim.❤️

Phong Luu (viết lại từ nguồn Internet)

Tản mạn: CHƠI VỚI CHÁU - LPQ



       (Hình ảnh của MCHX blog)

CHƠI VỚI CHÁU

Có lẽ ở tuổi này được chơi với cháu là niềm vui, là hạnh phúc diệu kỳ.
Vì khi nhìn cháu chơi hồn nhiên cười, khóc, la hét, tung tấy qua từng động tác...rất tự do. Hồn nhiên lắc lư nhún nhảy và ê a ca hát, biểu cảm riêng...rất sáng tạo. Đầu óc thơ trẻ sẽ luôn được phát triển tích cực qua những sáng tạo hồn nhiên, tự do nầy.
Qua đấy, tôi ngẫm nghĩ rằng dù văn minh con người tiến bộ tới đâu cũng không thể tạo ra những robot hồn nhiên. Nhất là đỉnh cao của sự hồn nhiên là tự do sáng tạo.

Sáng tạo không thể nảy sinh trong một xã hội luôn đề ra những cấm đoán. Và một xã hội luôn vận hành dựa trên những cấm đoán, giả dối thì không thể nào phát triển.

Chơi với cháu, ít gì mình cũng được hưởng ké theo sự hồn nhiên của cháu.

LPQ

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Hồi ức : MÁ TUI - Nguyễn Thị Thêm.

MÁ TUI

Má tui hiền lành và cơ cực lắm. Mỗi khi nghĩ đến má, tui cứ hình dung má tui là một bà già trầu.

Cũng lạ. Tui bây giờ cũng đã 71 tuổi. Nhưng thú thiệt, đôi khi nhìn vào gương tui thấy tui cũng còn mướt lắm chứ bộ. Tui hổng có sửa đổi, bôm hút cái gì đâu nghen. Tui tự nhiên má sanh sao tui để vậy. Kể cả cái tên Thêm quê một cục khi vô quốc tịch tui cũng không đổi nữa là. Tui nói như vậy hổng phải tui khen tui đẹp. Tui xấu hoắc chứ có đẹp đẻ gì. Má tui và cả gia đình nội ngoại đều nói tui giống ba. Mèn ơi! giống má thì có nét  chứ giống ba thì có gì sắc sảo đâu. Có chăng là vẻ đẹp của một người đàn ông không đẹp trai.  Hi Hi.

Tui muốn nói là tui 71 tuổi rồi mà tui vẫn còn.. coi được. Nghĩa là chưa đến nổi...nhìn thấy ớn. Ra đường thiên hạ chưa thấy lọm khọm để  "Chào cụ". Nếu mà mặc áo dài vô thì ba vòng cũng còn rõ rệt. Dù vòng hai có phần hơi tăng trưởng hơn hồi xa xưa. Nói nào ngay nhan sắc dù đã tàn phai theo ngày tháng, nhưng ở cái xứ đầy đủ vật chất này phụ nữ thường trẻ lâu hơn. Các chị có đồng ý với tui không?

Má tui hồi đó cở tuổi tui là đã thành bà già trầu. Hổng phải, cở gần 60 bả đã ăn trầu ngoáy. Răng cỏ má tui như lược bị gảy răng, cái còn cái mất. Vì phải ngoáy nên bà có một cái giỏ trầu. Gia tài đó gồm cái ống ngoáy và chìa ngoáy trầu, cau tươi, bình vôi và cái hộp nhỏ đưng thuốc rê. Dưới chân bộ ván gỏ còn có cái ống nhổ cổ trầu bằng đồng.
 .
Thiệt tình tui thấy sao má tui ăn trầu ngon quá xá. Trầu cay, vôi  nóng, cau chát thế mà ba thứ bỏ vào ống ngoáy, xoáy cho nát, nó ra cái màu đỏ lòm. Má từ từ lấy đầu ống ngoáy lùa cái chất đỏ lòm đó vào miệng rồi ngồm ngoàm nhai. Nước cổ trầu đỏ thấy ớn nhổ vào cái lon đồng một cái phẹt. Má tui bây giờ không còn xỉa thuốc vì  răng đã đi chơi xa còn đâu mà xỉa.

Cô tui xỉa thuốc mới ghê, Một cục thuốc to kềnh cô bỏ vào giữa răng và môi trên. Nó độn môi cô lên một cục chù vù. Thỉnh thoảng cô lấy tay đẩy cục thuốc rê đi du lịch vòng quanh nướu. Hai ngón tay trỏ và tay cái nhuộm cổ trầu và thuốc lá có cái màu nâu nâu không bao giờ rửa sạch.

Mỗi khi má tui đang ăn trầu mà muốn nói là bà dùng lưỡi túm bả trầu vào một bên, nhổ nước cổ trầu ra rồi mới nói. Có nhìn mấy bà già ăn trầu  nói chuyện với nhau mới vui. Cả cái miệng đầy nước bả trầu vừa tém vừa nói thấy mà thương. Thỉnh thoảng má kéo cái khăn vắt vai chùi quanh mép. Hoặc lấy ngón tay trỏ và tay cái  tém cái miệng chùi nước bả trầu  tràn ra ngoài rồi trét lên khăn.

Người ta nói vôi làm răng chắc không bị sâu. Thế nhưng sao răng má tui đi du lịch ngoài không gian quá sớm . Phải ăn trầu ngoáy ngay cái tuổi vẫn chưa gọi là già.

 nhớmẹ2
Hồi đó tui còn nhỏ, thấy bà nội, má tui, bà Bảy, bà Hai, Bà Ba ăn trầu sao mà ngon quá. Tui lấy nửa lá trầu quẹt tí vôi, một miếng cau tươi của nội, tui bỏ vô miệng để nhai. Ngon đâu không thấy tui thấy cay xè và nóng muốn dộp lưỡi. Tui nhả ra không kịp vậy mà tui cũng bị say trầu một trận. Mặt tui đỏ bừng, đầu choáng váng, xoay mòng mòng. Từ đó tui tỡn không bao giờ dám mơ chuyện ăn trầu cho môi nó đỏ.

Có một dạo ba má tui gây lộn. Ba tui thách má tui bỏ trầu. Mặc dù ông ông đã chăm chút trồng cho má tui hai nọc trầu vàng thiệt to, rất xum xuê. Cũng như ông chừa nguyên một liếp vườn dưới chuyên trồng cau "Để cho má mày ăn".
nhớmẹ3

không biết hôm đó hai người giận nhau về việc gì. Quá nóng giận, ổng nổi cơn tam bành thách má tui bỏ trầu.
Má tui nhìn ổng. Đôi mắt hình hai viên đạn lửa lên nòng. Bà nghiến răng. Chỉ còn vài cái làm mẫu mà thôi. 
Bà dứt khoát:
-Ngày mai tui sẽ bỏ cho ông coi. Đừng thách tui.

Ô hô! Má tui đem bộ đồ nghề ống ngoáy, khay trầu dẹp vào góc tủ. Cái ống nhổ đổ sạch, chùi bóng nước đồng. Bà đoạn tuyệt với ông thần vôi mà không cần ra tòa.  Bà không ngáp, không mệt vì cơn ghiền trầu kéo đến. Tui nói :
-Hay má nhai gum hoặc ngậm kẹo cho đở buồn miệng. Má tui tỉnh bơ:
-Có chi mà buồn. Má không ăn là không ăn. Cho Ba mày biết má nói là má làm.
Thế là má tui bỏ trầu từ dạo ấy. Không biết ba tui giao ước gì với má tui. Ông thua trận có làm đúng như cam kết hay không. Chứ riêng tui phục lăn chiêng bà già trầu.
Dám nói, dám làm. Má tui là số một.
Người ta nói "Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng."
Tui thấy má tui bỏ trầu cũng vậy, có mua được cái gì đâu. Chỉ được cái là sân nhà không có những đốm đỏ đỏ dơ òm. Bà nội tui thiếu người cùng ăn trầu với mình. Nhất là mấy bà hàng xóm tiếc hùi hụi.

Các bạn biết tại sao không?
Bởi má tui có tài trị bệnh đẹn cho con nít.Mấy đứa con nít làm biếng bú hay ăn. Lưỡi cứ lè lè ra là mấy bà má bồng qua nhà tui. Má tui lật xấp đứa nhỏ xuống. Bà nhổ một bãi cổ trầu lên trên lưng và lấy tay chà từng chặng. Bà chà một hồi, những lông tơ bị gom lại, bà nhổ mấy cái lông đó đi. Lạ kỳ là mấy đứa nhỏ ít khi khóc. Má tui nói "Nó đã ngứa mà khóc gì?". Sau khi nhổ hết lông đẹn thì mấy đứa nhỏ lại ăn ngon, bú giỏi.
Tui không hiểu  lối trị bệnh bá đạo của má tui. Nhưng rất nhiều người rất tin tưởng và coi bả như bà thầy.
Bà thầy này mà ở bên Mỹ thế nào cũng  phải ra hầu tòa, bị phạt tiền trắng máu.

Má tui còn rất mát tay về mục xỏ lỗ tai cho con gái. Ngày xưa làm gì có thợ hoặc có đồ nghề xỏ lỗ tai như ngày nay. Má tui chỉ dùng một cây kim may và chỉ. Mấy bà hàng xóm hay bà con trong gia tộc có con gái thường đến nhà tui nhờ vả:
-Nhờ bác Sáu giúp dùm. Mai kia nó còn đeo bông để lấy chồng."
Nếu con bé hơi lớn mà sợ đau thì bà mẹ dụ dỗ:
- Con có muốn đeo tòn teng không? Nếu muốn thì ráng chịu đau một chút.

Má tui tốt bụng lắm. Ai nhờ gì là sốt sắng làm. Bả đang làm vườn ư? Dễ thôi, vô rửa tay rồi lau vô cái khăn trên đầu bất kể nó đã được đội mấy ngày. Bả sửa soạn đồ nghề. Mở hộp kim chỉ ra. Lấy chỉ mới xỏ vào kim rồi nhúng cả chỉ và kim vào rượu trắng. Bả kéo cái ghế ra sân ngồi để sáng nhìn cho rõ. Đứa bé sợ quá co rúm lại. Bà mẹ ôm con vào lòng, giữ chặc hai tay nó. Má tui giữ dái tai con bé rồi mân mê tìm trái tai, là điểm chính giữa. Bà nheo nheo đôi mắt và đâm một phát. Con bé ré lên một cái khóc um sùm. Bà cắt chỉ, thắt lại và qua tai bên kia hành sự tiếp.

Bà dặn về nhà chịu khó xoay qua xoay lại sợi chỉ cho nó mau lành. Nếu có rượu thì thấm vào để khỏi làm độc. Độ chưa tới nửa tháng là vết thương lành. Người nào có tiền thì mua bông tai đeo vô cho con. Người nghèo thì lấy cọng củ tỏi cắt cho vừa lỗ nhét vào. Cứ thế khi nào muốn đeo bông thì rút ra. Dễ ợt.
Tui và mấy đứa em bà con đều do một tay má tui xỏ lỗ tai. Sau này má tui đã già thị lực bà giảm nhiều mà cũng có người đem con đến nhờ vã. Nói ai đâu xa, con gái tui nè, cả hai đứa đều do ngoại xỏ lỗ tai. Bà đưa ra xa ngắm ngắm, mò mò rồi đâm cây kim một cái ngọt sớt. Bách phát bách trúng, mà có điều nó đi ngoài vòng an toàn, tức không vào ngay tâm điểm. Con bé tui lỗ tai xéo xẹo tức cười.

Có một lần con nhỏ em họ tui lấy chồng. Gần ngày đám hỏi mà nhìn lại lỗ tai chưa xỏ. Nó đạp xe đạp từ ngoài quận về nhà tui nhờ má tui xỏ lỗ tai để đeo bông cưới. Má tui già rồi, nó cũng lớn dái tai dày mo, má tui xỏ trần ai khoai củ. Sau một hồi hì hục trật vuột, nó cũng có chỗ để má chồng đeo đôi bông cưới ràng buộc một đời.
 Tội nghiệp nó, chịu đau đớn xỏ lỗ tai để làm đám hỏi. Nó gặp ngay thằng chồng con cưng, hư hỏng bài bạc rượu chè. Cuộc đời nó bầm dập thảm thương.


Ai cũng viết về mẹ. Tui cũng viết một chút về má tui. Bả thiệt là nhà quê và có nhiều chiêu rất lạ.

Tới đây, tui lại nhớ thêm một chiêu độc của má tui. 
 Số là anh tui có một người bạn thân. Má của anh này dữ tàn cơn gió lạnh. Bà mà nỗi tam bành lên là bà chưởi có bài bản hẳn hoi. Bà tên là Bà Sinh và ông anh đó tên là Tống. Một lần ảnh bị nhặm. Mắt đầy ghèn mở không lên. Mấy ngày không bớt. Má tui kêu anh tui tới nhà anh Tống dẫn ảnh tới nhà cho má tui biểu. Anh Tống tới nhà, vừa cố nhướng hai mắt để nhìn và chào má tui. Má tui bước ra ngậm một bụm rượu trắng phun ngay vào đôi mắt anh ấy. Anh Tống rú lên la lớn lảo đảo. Má tui nói anh tui dìu anh Tống nằm xuống nghỉ ngơi. Cả nhà tui hết hồn. Anh Tống là con một, lỡ đôi mắt có bề nào bà Sinh sẽ cào nhà chúng tui chả chơi.
Vậy mà kỳ lạ hôm sau mắt anh ấy bớt dần. Má tui phun thêm hai lần nữa là ảnh lành hẳn. May là rượu này do chính nhà tui nấu, chứ như rượu pha thuốc rầy như ngày nay chắc là anh Tống hết thấy đường. Hú hồn.


Má của con ơi!  Dù má  làm gì, ra sao, con cũng thấy má con của con rất đẹp rất hiền hòa, dễ thương. Trong trái tim con má hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Làm việc gì con cũng nghĩ về má và so sánh ngày xưa nếu gặp trường hợp này má sẽ làm sao? Con rất thèm được hôn má một lần nữa. Hôn trên đôi má thật mịn màng. Thèm được thò tay vào cái áo túi rộng thùng thình mò hai trái mướp khô cằn của má. Hít thật sâu mùi da thịt của má yêu thương. Mùi mồ hôi quen thuộc đã đổ ra hàng ngày để nuôi con khôn lớn, nên người.

Con ước ao, mai kia khi con qua đời. Con của con sẽ nhớ về con được một phần mười con nhớ về má như bây giờ là con đã toại nguyện trong lòng.
Hãy yên nghĩ đi, má thân yêu của con. Con của má cũng sẽ là một bà mẹ tốt. Con hứa với má như vậy.



Nguyễn thị Thêm.  


Thiên nhiên diệu kỳ : CÁ VOI NHẢY MÚA... - Phong Lưu st.




CÁ VOI NHẢY MÚA TRÊN ĐẠI DƯƠNG

Những sinh vật khổng lồ trên đại dương luôn luôn gây sự ngạc nhiên, thích thú lẫn e sợ cho những người đi biển.

Tại vùng vịnh Monterey thuộc Canada. Nhiếp ảnh gia Douglas Croft và người theo dõi cá voi Kate Cummings, đã chụp ảnh và quay được đoạn phim ghi lại cảnh con cá voi lưng gù phóng lên khỏi mặt nước, sát bên một con tàu của ngư dân. Kích thước khổng lồ của chú cá voi rõ ràng vượt trội so với con tàu.

Mặc dù cá voi lưng gù rất hay đến gần con người để trình diễn những màn nhảy múa hú hồn, nhưng chúng chẳng hại ai, đó chỉ là nhũng hành động vui đùa thân thiện làm quen của bọn chúng...

Phong Luu (theo LADBIBLE)

Thơ : NHỚ CỐ HƯƠNG - Hát Bình Phương.






Nhớ Cố Hương
Nghe tiếng đàn tranh giữa đêm trường
Ta bỗng chạnh lòng nhớ cố hương
Bao năm xa cách không trở lại
Lưu luyến trong lòng niềm nhớ thương...
            Ta nhớ khôn nguôi một dòng sông
            Mang nhiều kỷ niệm vấn vương lòng
            Có còn bóng dáng con đò nhỏ
Hờ hững chuyến đò khách sang sông.
Ta thấy xa xa khói lam chiều
Bay theo hướng gió thổi hiu hiu
Dưới đồng bầy trẻ đang đùa giỡn
Vui vẻ say mê tung cánh diều.
            Ta nhớ áo dài em thướt tha
            Trên đường quen thuộc bước về nhà
            Tà áo phất phơ bay theo gió
Thấp thoáng bóng hồng dáng kiêu sa.
Ta thấy ngôi chùa cạnh bến sông
Người Hoa thành kính gọi chùa Ông
Trên trần những nén nhang hình tháp
Khói hương bay tỏa tận bờ sông.
            Ta nhớ ngôi trường mái rêu xanh
Cây phượng trước sân lá đầy cành
Vài con chim nhỏ đang ríu rít
Bóng người đi tới vụt bay nhanh.
Ta thấy ngôi nhà ở ven sông
Ngoài vườn cúc nở với hoa hồng
Hoa bưởi trắng tinh thơm ngan ngát
Xen lẫn màu hồng hoa thanh long
            Cố hương yêu dấu nỗi nhớ mong
            Bao bọc Cù Lao bởi dòng sông
Chỉ cần nhắm mắt trong khoảnh khắc
            Kỷ niệm xa xưa chứa ngập lòng...

            Hát Bình Phương

Vui cười : LẬP LUẬN TRẺ CON - St trên mạng.


LẬP LUẬN TRẺ CON 


- Mẹ ơi, tại sao người ta lại nói là nghĩ nát óc ạ?

Mẹ Tý mỉm cười:

- Nghĩa là người ta suy nghĩ bằng đầu óc con ạ.

- Thế vậy ra mẹ khác người bình thường à? - Tý thắc mắc.

Mẹ Tý ngạc nhiên:

- Sao con lại nói thế?

- Hôm qua lúc nói chuyện với bố, mẹ bảo 'tôi nghĩ bụng...' - Tý gãi đầu - Vậy hóa ra mẹ suy nghĩ bằng bụng à?

- !?!

ST TRÊN MẠNG. 

Truyện thư giãn : NGÔI NHÀ MA ÁM - St trên mạng.

Ngôi nhà ma ám

Gia đình nọ, có tới 3 thế hệ sống chung với nhau. Dù người đông, phòng ít, nhưng nhờ khéo nhường nhịn và cư xử, nên cuộc sống của họ vẫn diễn ra khá hạnh phúc và êm đềm. Rồi tới một ngày, bắt đầu có những biến cố kỳ lạ xảy ra. Những người đầu tiên phát hiện ra sự kỳ lạ lại là hai đứa nhóc, con của vợ chồng anh cả: một đứa lên 4, và một đứa lên 5.
Một buổi sớm tỉnh giấc, thằng anh thấy em mình bị văng xuống đất, còn nó thì bị đẩy sát ra mép giường, trong khi đó bố mẹ nó vẫn ngủ say như chết. Rõ ràng, đêm qua, lúc đi ngủ, nó với thằng em nó nằm giữa, hai bố mẹ nằm hai bên, vậy mà bây giờ lại thành ra thế này. Hôm sau, và hôm sau nữa cũng thế! Hai anh em nó bắt đầu hoang mang, và quyết định đêm nay sẽ thức để rình xem chuyện quái dị gì đã xảy ra…
Khoảng quá nửa đêm, cánh cửa sổ bị gió giật tung, một luồng hơi lạnh thốc vào làm thằng anh rùng mình. Nó nhắm mắt, tim đập thình thịch, nằm im bất động …
ngo nha ma am
Rồi bất ngờ, nó thấy bố nó vùng dậy như bị ma nhập, lồm cồm bò qua người hai anh em nó len vào trong, chồm lên người mẹ nó, cào cấu, nghiến ngấu như muốn ăn tươi nuốt sống. Con ma này quá hung hãn, nó lồng lộn, giằng xé, lôi tuột quần áo của mẹ nó ra. Mẹ nó bị tấn công bất ngờ thì ú ớ không kịp phản ứng gì, chỉ nằm im giãy giụa. Rồi lát sau, mẹ nó bắt đầu tấn công lại con ma. Nó thấy mẹ nó cũng cào cấu và lôi tuột quần áo của con ma ra. Lúc này, trên người con ma chỉ còn lại mỗi cái quần sịp…
Thấy tình hình nguy cấp quá, nó mới nhè nhẹ quay sang thằng em, thì thầm:
– Em sang gọi cậu với mợ qua đây! Nhanh lên! Nhớ bò xuống rón rén thôi nhé, kẻo con ma nó biết!
Thằng em y lời, bò đi êm như con mèo. Loáng sau, đã thấy nó quay lại, thì thầm vào tai anh nó:
– Không ổn rồi anh ạ!
– Sao vậy?
– Cậu cũng đang bị ma nhập, đang vật lộn với mợ. Thậm chí, con ma nhập vào cậu còn không thèm mặc quần sịp!
Thế thì đúng là hết cách thật rồi. Nó đành ra hiệu cho em nó nằm im buông xuôi. Cuộc chiến giữa mẹ nó và con ma càng ngày càng căng thẳng. Lúc này, mẹ nó và con ma không còn nằm dọc nữa mà đã xoay ngang giường, rồi thình lình, mẹ nó co chân đạp mạnh một phát làm nó lăn ra mép giường, còn thằng em thì bay xuống đất…
Sáng hôm sau, nó đem chuyện hãi hùng đó kể lại cho bà nội nghe. Trái với suy nghĩ của nó, bà nghe xong thì không hề tỏ ra sợ hãi, mà chỉ mỉm cười xoa đầu nó rồi bảo:
– Cái hiện tượng ma ám này thì người lớn ai cũng bị mắc phải con ạ! Là bệnh kinh niên rồi!
– Khoảng bao nhiêu tuổi thì có nguy cơ mắc hả bà?
– Tùy con ơi! Có người 18, có người 16, thậm chí bây giờ, 13, 14 tuổi cũng đã bị con ma nó ám rồi!
– Vậy đến bao nhiêu tuổi thì sẽ hết bị hả bà?
– Cái này thì bà chịu! Bà có ông bạn, năm nay tám chục tuổi, sắp gần đất xa trời rồi, mà một tháng vẫn đôi ba lần bị ma ám đấy con! Ghê lắm!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Thơ : CÁNH PHƯỢNG XƯA - Văn Châu.




CÁNH PHƯỢNG XƯA (*)

Cánh phượng xưa ép vào trang lưu bút
Nhỏ có còn cất giữ lại đó không?
Màu kỷ niệm vẫn kiêu sa, đài các
Nên bâng khâng, khắc khoải mãi trong lòng!

Sáng nay, tình cờ ngang qua trường cũ
Nghe dạt dào thương nhớ đến rưng rưng…

Văn Châu ( 5/2019 )
______________
(*) MCHX blog mạn phép đặt tựa vì tác giả không đề tựa.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Thư giãn : CON CHÓ VÀNG... - St trên mạng.

Con chó vàng và ông lão đánh chó

Thấy con chó nào lấp ló là lão tiến lại gần nó rồi nghiêng ngó, nếu thấy không có ai quanh đó là lão tung cái thòng lọng ra siết chặt lấy cổ con chó, rồi vung cái gậy đánh chó đập liên tiếp vào đầu nó, mặc cho con chó kêu la nhăn nhó, chân co dúm dó…
Nhưng đó là hồi còn khỏe, còn sức thôi, chứ dạo gần đây, sức đã yếu, người đã mỏi, lão cũng không dám oánh những con chó to nữa mà chỉ rình rình bắt nạt những con bé. Sở dĩ lão sợ chó to là vì lần ấy, lão thấy một con Béc-giê to như một con dê, mắt lão sáng lên rồi nhủ thầm: “Đậu, ngon rồi, hôm nay bắt được con này về mình sẽ dành tiền đầu tư quả súng giảm thanh. Có súng giảm thanh thì đi bắt trộm chó nhàn lắm, chỉ việc bắn cái “Bọp” một phát vào đầu nó, thế là ung dung đến hốt xác cho vào bao thôi”.
Nghĩ rồi lão rón rén đến gần, quăng cái thòng lọng vào cổ con Béc-giê rồi siết mạnh. Nhưng lão không ngờ con Béc-giê này lại khỏe thế, nó hất một phát khiến lão ngã chúi chụi, lăn lông lốc, bổ ngửa ra đất. Rồi con chó tru lên dữ tợn, nhe răng chồm tới. Nó nhằm thẳng chym lão mà tớp. Rất may, lão đã kịp xoay người lại nên con chó chỉ ngoạm được vào mông lão, một mảng thịt trượt ra. Lão đau quá, ôm mông rú lên, rồi chợt nhớ đến cái gậy đánh chó vẫn đang cầm trên tay, lão vung lên loạn xạ. Con chó bị dính hai gậy vào đầu thì hơi chùn và khựng lại. Chỉ chờ có thế, lão vùng dậy chạy thục mạng. Đúng là súng giảm thanh chưa thấy đâu mà suýt nữa bị nó tớp mất cái súng lục, thật là nhục!
Ấy thế nhưng con vợ lão không có hiểu được cái vất vả, cái nguy hiểm mà lão phải chịu, phải đối mặt hàng ngày. Mụ ta thì chỉ thích mỗi ngày lão về phải vác theo vài con chó, để cho mụ hả hê xẻ thịt, lọc thịt, gọi người đến bán buôn, bán lẻ, tấp nập, rồi mụ ngồi dạng chân ra giữa nhà đếm tiền, cười khềnh khệch. Nhưng cái nghề đánh chó nó cũng giống như đi ăn trộm, giống như đi buôn, hôm được, hôm không. Những hôm lão về với cái bao nhăn nhúm, rỗng tuếch thì mặt mụ vợ lão cũng nhăn nhúm như cái bao. Rồi mụ gầm gừ, chì chiết, rồi chửi lão là đồ ăn hại, đồ vô tích sự…
Vợ chồng lão mà đứng cạnh nhau thì nhìn khá là lố bịch và buồn cười. Mụ vợ thì lùn lùn, béo ú, nung núc như cái bánh đúc, còn lão thì yếu ớt, gầy gò, phờ phạc, nhìn như lão Hạc. Thành thử, mụ hay cáu gắt cũng phải: sức lão như thế, làm sao phục vụ nổi mụ ta.
Sáng nay cũng vậy, lão vừa ngủ dậy, đang lòng khòng đứng ở sân, tay chân khuờ khoạng mấy động tác thể dục dưỡng sinh thì mụ vợ lão đã hằn học:
– Ông đang diễn tuồng đấy à? Nhìn ngứa cả mắt. Còn không mau vào chuẩn bị mà đi đánh chó đi.
– Hôm nay là mùng 1 tháng 5, quốc tế lao động mà, tưởng được nghỉ?
– Nghỉ à? Thế cái mồm có nghỉ ăn không? Cái tiền có nghỉ tiêu không? Mà ông mặc quần áo tử tế vào cho tôi nhờ, người thì loèo khoèo như cái cành cây queo mà lại cứ thích cởi trần mặc quần đùi. Khách người ta đến mua hàng giờ đấy, ông định làm trò cười cho thiên hạ à?
Con cho vang va ong lao danh cho
– Kệ họ, tôi cứ cởi trần mặc quần đùi đấy, để cho họ thấy rằng bà ngược đãi, hành hạ và bóc lột chồng bà như thế nào.
– À, được, vậy ông cởi luôn cái quần đùi ra đi, để cho họ hiểu lý do vì sao ông đáng bị đối xử như thế.
Lão không nói gì, lẳng lặng vào nhà mặc quần áo rồi chuẩn bị đồ nghề. Lão lang thang, lững thững, khật khưỡng qua từng con ngõ nhỏ vắng vẻ, đìu hiu. Dạo này nạn trộm chó hoành hành nên người ta cũng cảnh giác lắm, không dám thả chó rông ra như trước nữa, thành ra lão đi gần nửa ngày trời ngoài đường mà vẫn chưa thấy bóng dáng con chó nào. Vừa mệt vừa khát nước, lão ngồi nghỉ ở dưới gốc cây đu đủ cổ thụ rồi nằm lăn ra ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ, lão thấy mình lạc vào một cánh đồng bao la toàn là chó. Lão tha hồ đánh bắt mà không sợ ai phát hiện. Thế rồi mưa ập xuống trắng xóa cả cánh đồng, trắng xóa cả chó, lão lại đang khát nên cứ há miệng thật to, mặc cho những giọt mưa thốc thẳng vào mồm lão, mưa bắn tung tóe lên mặt lão thật sảng khoái.
Rồi lão giật mình bừng tỉnh và nhận ra rằng: không phải lão đang ở trên đồng cỏ mà là đang ngủ dưới gốc cây đu đủ. Và những giọt nước phi vào mồm, vào miệng lão nãy giờ không phải là nước mưa mà là nước của một con chó. Cái con chó này bé thôi, chỉ bằng con mèo. Nó vẫn đang nhấc một chân lên hênh hếch, chổng chym vào mặt lão rồi tè say sưa. Lão điên tiết vùng dậy, vật ngửa con chó ra rồi xông lên bóp cổ.
– ĐKM chó, dám tè vào mặt ông à?
Bị siết chặt cổ, con chó lấy hai chân trước quờ quờ tay lão như muốn gỡ ra rồi miệng nó phát ra từng tiếng ú ớ:
– Ối ối…Xin tha mạng cho ta, ta biết lỗi rồi…
Lão nghe vậy thì kinh ngạc quá liền buông con chó ra rồi lắp bắp:
– Ngươi…ngươi là…?
– Ta là chó.
– Là chó thì ta biết rồi, nhưng ý ta muốn hỏi ngươi là chó gì mà lại nói được tiếng người?
– Ta vốn là chó cưng của Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng rất cưng chiều ta, đi đâu cũng bế ta theo, ngủ cũng ôm ta ngủ. Thế rồi một hôm Ngọc Hoàng vô cớ, đùng đùng nổi giận quẳng ta xuống hạ giới, từ đó ta cứ lang thang, gặp gì ăn nấy, gặp đâu đái đấy.
– Tại sao vô cớ mà Ngọc Hoàng lại ném ngươi xuống hạ giới chứ?
– Nói là vô cớ thì cũng không hẳn, thực ra ta có mắc một lỗi, nhưng lỗi đó rất nhỏ và không đáng để Ngọc Hoàng phải đối xử với ta như thế.
– Ngươi đã mắc lỗi gì?
– Hôm đó Ngọc Hoàng cùng các quan trên thiên đình đang ăn lẩu. Cũng như mọi ngày, ông ấy vẫn bế ta trên tay rồi hỏi ta thích ăn gì thì ông ấy gắp cho. Đột nhiên ta buồn ỉa quá nên đã nhảy lên bàn ăn rồi ỉa một bãi vào trong nồi lẩu. Đấy, sự việc chỉ có thế thôi mà lão ấy quăng ngay ta xuống dưới này.
Lão nghe con chó trình bày thì tỏ vẻ rất cảm thông, rồi cũng không trách tội nữa mà tha cho nó đi. Thực ra, nếu là con chó to thì chắc lão cũng đập chết đấy, nhưng con này bé quá, có bắt về cũng chẳng bõ công mổ, rồi thui, rồi chặt. Được lão tha chết, con chó cảm ơn rối rít:
– Đa tạ ông đã không giết, ông thật tốt bụng. Từ nay, nếu ông cần gì, cứ đến gốc đu đủ này gọi ta, ta sẽ giúp ông toại nguyện.
Lão đem sự lạ về kể lại cho vợ nghe, ai ngờ, vợ lão trợn mắt lên quát ầm ĩ:
– Đồ ngu, thế là ông tha cho nó thật à? Sao không xin lấy cái gì đó?
– Xin gì? Tôi có cần gì đâu, tiền bạc có bao nhiêu bà cũng lột sạch, tôi đâu có giữ được cái gì cho riêng mình mà xin.
– Thì ông xin cho tôi. Chân tôi hơi ngắn ông ạ, ông đến xin con chó cho chân tôi dài ra khoảng nửa mét nữa đi, chỉ nửa mét thôi.
Lão không dám cãi lệnh vợ nên đành tất tưởi đến chỗ cây đu đủ gọi con chó. Sau khi nghe xong yêu cầu của lão, con chó cười tươi rồi nói:
– Đơn giản mà, ông cứ về đi, yêu cầu của ông sẽ được thực hiện.
Về tới nhà, lão thấy chân của vợ lão đúng là dài ra nửa mét thật, dài miên man với chi chít những vết hắc lào, lang ben. Tưởng là đã yên, ai ngờ, mụ vợ lại mon men tới ôm lão rồi thì thầm:
– Ông chịu khó ra gặp con chó lần nữa, bảo nó cho ngực tôi to lên gấp đôi nhé, được không?
– To làm gì nữa hả bà? Như bây giờ mà tôi vẫn phải dùng hai tay, gồng hết sức mới nâng lên được. Bà muốn to gấp đôi để tôi chết ngạt à?
– Ông dốt bỏ xừ! Người ta phải mất cả trăm triệu để bơm, mình đây không mất đồng nào mà vẫn có ngực to, tội gì không xin. Đi đi ông.
Sợ vợ nổi cáu, lão lại thất thểu ra chỗ con chó. Con chó nghe xong lại nói:
– Được rồi. Ông cứ về đi, yêu cầu của ông sẽ được thực hiện.
Quả thật, lúc về tới nhà, lão đã thấy vợ lão nằm ưỡn ra với hai quả ngực to tướng, chềnh ềnh, chiếm tới 1/3 diện tích cái giường. Mụ vợ nháy mắt lão tình tứ rồi nói với giọng rất khiêu khích, mời gọi:
– Lên đây với em, em cho thử hàng mới nè…
– Thôi, con lạy bà! Sáng đến giờ con đi đi lại lại mệt lắm rồi, giờ mà leo lên là chết đấy!
– Ừ, cũng phải, với lại, nhìn cái bộ dạng còm cõi, ốm yếu của ông tôi cũng mất hứng rồi. Ông mau ra gặp con chó, bảo nó biến ông thành Lý Đức ngay, có vậy mới phục vụ được tôi. Đi mau…
Đương nhiên là con chó lại đáp ứng yêu cầu của lão. Lão oai phong trở về nhà với một vóc dáng cao to, cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn. Mụ vợ thấy lão về với thân hình vạm vỡ, đồ sộ như vậy thì mắt sáng lên, chạy tới sờ nắn lung tung, săm soi, kiểm tra ríu rít.
– Oa!!! Giống anh Lý Đức thật. Mình lên giường tiến hành ngay thôi ông.
Nói rồi mụ vợ nhảy tót lên giường. Nhưng bỗng nghe tiếng “Rắc!!!” Chiếc giường xiêu vẹo rồi đổ sập xuống, nó đã quá cũ nát và không thể cáng nổi cái thân hình vốn đã ục ịch nay lại càng ục ịch hơn của mụ. Thấy thế, mụ lắc đầu ngao ngán:
– Ông ra bảo con chó cho mình cái giường mới thật đẹp, thật chắc nhé! Giờ cả tôi và ông đều đã to ra nhiều, sao nằm được cái giường cũ kỹ này nữa. Đi ngay đi ông.
– Đi suốt sáng đến giờ mệt rồi, không thích đi nữa.
– Ái zà! Hôm nay gớm nhỉ, lại dám cãi lệnh bà à? Chán sống rồi hả?
– Này thì lắm mồm này! – “Bốp!!!”
– Á, ông dám đánh tôi?
– Đương nhiên. Trước đây tôi gầy còm ốm yếu nên đành chịu để bà bắt nạt, giờ tôi là Lý Đức rồi, còn sợ bà nữa sao? Láo là đánh luôn. Này thì lắm mồm này! – “Bốp! Hự!!”
– Ối giồi ôi, làng nước ơi, cứu tôi với! Anh Lý Đức anh ấy đánh tôi…
– Này thì lắm mồm này! – “Bốp! Hự!!”

VÕ TÒNG ĐÁNH MÈO. 

Thơ : AI CHO EM MÙA HẠ - Xuân Duyên.



AI CHO EM MÙA HẠ

Ai cho em mùa hạ
Để nắng trãi lụa là
Yêu thêm màu hoa đỏ
Để ngọc ngà ươm xa
  Ai cho em mùa hạ
  Để đời ta chấm phá
  Yêu thêm hàng cây nhỏ
  Để mấy mùa phôi pha
       
 XUÂN DUYÊN - 5/2019

Thơ tranh : NGÀY CỦA MẸ - Nguyễn Thị Thêm.


Sưu tầm : PHÚC KHÍ CON NGƯỜI.


PHÚC  KHÍ  CON NGƯỜI. 
Nhà văn Lâm Ngữ Đường từng nói: “Phúc khí của một người không phải từ bên ngoài đến mà là từ nội tâm phát ra”. Suy ngẫm kỹ một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, người mà không có phúc khí, thường xuyên gặp vận rủi thường là người không chú trọng đến hành vi và lời nói của bản thân 
Thường xuyên nói lời cay nghiệt
Trong cuộc sống có những việc là thói quen thường ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang dần dần làm tổn hại phúc khí của chúng ta, dưới đây là 3 loại hành vi như vậy, nhất định không nên làm:
Người nói lời cay nghiệt thường là người rất hà khắc và ích kỷ, tự tư. Phàm là việc gì họ cũng đều chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tâm thái của họ thường xuyên không tốt và trong tâm luôn có sự ganh ghét đố kỵ và không thể tiếp nhận được người khác. Khi thấy công việc của người khác có chỗ hơn mình thì cho rằng họ được cấp trên ưu ái, được mọi người giúp đỡ. Khi thấy người khác có chỗ thiếu sót thì lập tức đàm tiếu, phê bình, cho rằng mình tài trí hơn. Trong tâm họ khuyết thiếu bao dung nên không thể nhìn được điểm tốt của người khác. Nhưng họ không biết được đạo lý rằng, một người đạt được thứ gì đó trong đời thì đều có sự trả giá tương xứng. Không ai có thể dễ dàng đạt được thành công mà không có sự kiên trì cố gắng.
Triết gia người Pháp, Montaigne từng nói, lúc phẫn nộ không thể dùng lời ác làm tổn thương người khác, càng không thể dùng lời cay nghiệt để chọc vào điểm yếu của người khác. Một người đang tức giận, nhất thiết không được bóc trần người khác. Bởi vì nếu làm như vậy sẽ có thể khiến sự tình không thể vãn hồi được xảy ra.
Trong cuộc sống, những lời nói cay nghiệt dù là ở mức độ nào cũng đều tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với cả người nghe và người nói. Người nói nhiều lời cay nghiệt chính là đang tích oán khí, phá hư phúc khí và làm bại hoại vận khí của bản thân mình. Cho nên, vô luận là ở hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng nên điều chỉnh tâm thái bản thân cho tốt, tích cực hướng về phía trước, làm một người phúc hậu, vì bản thân mà tích lũy thiện hạnh, làm cho nội tâm tươi sáng là điều chính yếu để phúc khí đến.

Không muốn cho đi, muốn độc chiếm công trạng

Đặc điểm của người bạc phúc chính là không muốn chia sẻ, muốn độc chiếm công trạng. Một người phúc hậu thường hiểu sâu sắc rằng trong cuộc sống mỗi một việc dù nhỏ cũng đều là tu hành. Họ hiểu rằng mỗi một sự chia sẻ trong cuộc sống đều là đang tích lũy thiện căn cho mình. Nhưng trong cuộc sống luôn có những người cho mình là tối quan trọng, có công trạng gì to nhỏ đều muốn chiếm giữ là của mình, khi có sai lầm thì đổ trách nhiệm cho người khác. Người như vậy chính là đang làm hao tổn phúc khí của bản thân và làm tổn hại người khác.
Một số người cho rằng, phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể chia sẻ, cho đi. Nhưng kỳ thực, ngay cả khi chúng ta không có những thứ vật chất ấy, chúng ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích. Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là chúng ta đã có thể chuyển một người buồn thành một người vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.
Kỳ thực, hết thảy giới tự nhiên đều là sống dựa vào nhau, nhờ vào nhau mà sống. Cho đi là một sự khoái hoạt, vui vẻ. Bởi vì cho đi không phải là hoàn toàn mất đi, mà là một cách thu hoạch cao thượng. Cho đi là một niềm hạnh phúc, bởi vì cho đi càng có thể khiến tâm linh mình tốt đẹp, phúc khí cũng theo đó mà đến.

Người khôn vặt, yêu thích chiếm lợi

Yêu thích chiếm lợi về mình là cách phá hư phúc khí của bản thân. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa thông minh và khôn vặt, cho rằng khôn vặt là biểu hiện của thông minh mà không biết rằng dùng cách khôn vặt chiếm lợi của người khác thì cuối cùng cũng phải hoàn trả.
Người ham chiếm lợi của người khác thường thường cuối cùng sẽ bị thiệt thòi lớn. Bởi vì trên đời không có mất thì không có được. Đời người phải hiểu được rằng muốn có hồi báo thì phải có trả giá.
Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích đức. Cổ nhân hiểu rằng, đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất.
Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Người thích chiếm lợi cho dù nhất thời có thể được đắc ý nhưng cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.
Phúc khí và đức hạnh của một người là có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi chúng ta hiểu được rằng phải thận trọng từ lời nói đến hành vi, làm nhiều việc tốt thì chính là đang tích lũy phúc đức cho mình. Trong cuộc sống, khi gặp phải những sự tình không thuận lợi, những sóng gió nhấp nhô hãy dừng lại và suy ngẫm xem có phải hay không bản thân đã làm chuyện bất thiện mà bị như vậy. Đó cũng chính là cách thủ giữ đức, bảo trì hậu phúc của bản thân mình.

ST TRÊN MẠNG.