Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Truyện vui: ... CÒN MAY MẮN HƠN - Hoài Nguyễn (phóng tác)

 



... CÒN MAY MẮN HƠN 

Sau cuộc "gặp gỡ” dữ dội ở bụi chuối sau vườn bà cô của Thị Nở, Chí Phèo đâm ra ngất ngây cô ả nên nhờ cậy Lão Hạc cùng Giáo Thứ mai mối và tổ chức cưới hỏi Thị Nở cho gã. Tổ ấm thì vẫn cái lò gạch bỏ hoang từ thuở nào…

Thấm thoát mà vợ chồng Chí Phèo cũng chung sống được chục năm trời với bốn đứa con hai trai hai gái “truyền nhân” của vợ chồng gã và cả những đứa con có triển vọng nối nghề của bố!

Bá Kiến cũng thay đổi thái độ thù ghét gã, cung phụng cho Chí Phèo rượu thịt đủ đáp ứng nhu cầu của gã nên công việc đòi nợ thuê của Chí cũng phát triển tốt đẹp…

Một hôm Chí xách chai rượu ra ngồi nhâm nhi một mình trước cửa lò gạch tổ ấm của nhà gã thì Thị Nở trong lò gạch chui ra, vừa cầm cái gương soi vừa khóc nức nở cứ như khóc bà cô của ả vừa mới chết già!

Ả cầm cái gương soi đi soi lại cái mặt của ả rồi thận trọng đặt chiếc gương dưới đất, ngồi xuống bên cạnh Chí Phèo, ả bật tiếng thở dài:

- Giời ạ! Tôi đã già, béo và xấu xí đến mức này sao?

Chí Phèo cũng chẳng mảy may nghe ả nói cái gì, cứ cầm chai rượu nốc vài hớp rồi cầm miếng dồi chó nhai ngấu nghiến…

Thị Nở tiếp tục than vãn …

- Làm đàn bà đúng là số khổ! Chung sống với ông mới có mười năm trời, đẻ cho ông bốn lứa mà nhan sắc tôi tàn tạ hơn xưa kia quá nhiều, đến mức không còn dám soi cả gương, chỉ quanh quẩn trong cái lò gạch chứ đừng nói là đi đây đó trong cái làng Vũ Đại này…

Nhai xong miếng dồi chó, tu thêm hớp rượu đế, Chí Phèo đưa mắt nhìn vợ phá lên cười rồi lè nhè:

- Bà nhận xét nhan… nhan sắc bà là… là hoàn toàn chính xác đó! Nhưng bà còn… còn may mắn hơn tôi, còn… còn sung sướng hơn tôi nhiều, còn… còn than thở cái nỗi gì nữa chứ!

Lúc này Thị Nở mới bực mình tru tréo:

- Ối giời ơi! Làng nước ơi! Đàn ông các ông chỉ ăn nhậu suốt ngày, có lo lắng việc nhà việc đồng áng gì đâu mà xuống sắc! Lại còn cạnh khóe với tôi là may mắn, sung sướng hơn ông? Hơn cái chỗ nào, ông nói thử xem?

Chí Phèo tiếp tục tu thêm hớp rượu rồi thủng thẳng nói…

- Này nhé! Tôi nói cho bà biết! Bà mới chỉ ngắm bà trong gương có chút xíu thôi mà đã đau khổ, than thở như vậy rồi…Còn tôi đã phải ngắm nhìn bà ngày này qua ngày nọ, cả mười năm nay rồi mà tôi có than vãn tiếng nào đâu!

Lúc này Thị Nở bật khóc - Ối giời ơi! Cái đồ chết giẫm… Chồng ơi là chồng…

------------------------------

Hoài Nguyễn phóng tác – 09/12/2020

Quanh ta : MÓN QUÀ NHỎ - Bạch Cúc.

 


MÓN QUÀ NHỎ

Cách đây chỉ hơn tháng, vào những ngày Đà Nẵng có bão nên mưa trắng trời trắng đất, tôi có việc phải ra ngồi quán cafe sát lề đường, rồi tôi thấy:

Một anh bán vé số bị tật toàn thân, người nhỏ thó như cậu bé, xương sống và chân tay vẹo vọ, thân hình rúm ró trong chiếc áo mưa mỏng dính dưới cơn mưa rất nặng hạt. Anh bước đi từng bước vô cùng chậm chạp, phải khó nhọc lắm anh mới lê được từng bước chân, từ lòng đường bước lên vỉa hè, đôi tay anh run rẩy vì giá lạnh, cầm xấp vé số mỏng dính được gói cẩn thận trong túi nilong trắng, nhưng cũng muốn chực rớt. Có lẽ, anh đã cố sức lắm, mới lê bước được đến chỗ tôi ngồi, và gần như là kiệt sức, anh cứ đứng yên một chỗ, vừa thở vừa nhìn tôi, không thốt được một lời. Còn tôi:

Tôi ngồi bất động, ngây người nhìn anh, tôi cũng câm lặng không thể thốt được câu nào. Hai đôi mắt nhìn nhau, và hình như có gì đó đau đớn bóp nghẹt trái tim tôi, rồi truyền giao cảm, thương cảm đến người đàn ông đó, khiến cả 2 cùng nhìn nhau, mắt cùng trào lệ!

Tôi bắt đầu nói, nói một cách vô ý tứ, tôi bảo anh: "Sao mưa lớn thế này, mà anh lại đi bán?"

Lời nói vô ý thốt ra, không kịp phanh lại nữa! Đến giờ phút này, tôi vẫn cho rằng đó là 1 lời  nói "nhẫn tâm", và vô duyên thậm tệ, bởi, sau câu nói của tôi, anh cúi đầu thinh lặng trong ít giây, rồi chậm rãi nói những câu nhát gừng, vô cùng e ngại:

"Không... không đi bán... không được cô à, tôi,... tôi... không có tiền mua đồ ăn!"

Câu nói ấy khiến tâm tư tôi thật sự rúng động, nước mắt tôi trào ra, tôi lúng túng, cúi gầm mặt xấu hổ, và, ít giây sau, tôi lục ví, gửi biếu anh ấy vài tờ tiền mệnh giá rất nhỏ, tôi bảo tôi không biết dò vé số, mong anh dò dùm tôi!

Và, người đàn ông ấy bỗng nở một nụ cười hiền lành, vô cùng thánh thiện, ánh mắt anh long lanh, tràn ngập sự ngạc nhiên lẫn bối rối. Anh cứ đứng ngây người nhìn tôi, như rất ngạc nhiên, rồi lúng búng trong miệng hỏi lại:

"Cô cho tôi thật hả? Cô cho tôi thật ư?..."

Tôi gật đầu, và lúc này là òa khóc thật sự! Tôi không kìm được cảm xúc, chỉ bởi tại cơn mưa làm tôi khóc! Chỉ tại cái đói, cái khổ cực của đồng bào khắp nơi nơi khiến tôi khổ tâm! Tôi nào giúp được gì được cho ai, ngoài vài đồng lẻ cho những mảnh đời nhọc nhằn, mưu sinh vất vả trên hè phố!

Và có một sự thật, là đã nhiều năm rồi, tôi luôn có 1 thói quen, đó là gom góp, tích trữ rất nhiều tiền lẻ trong ví, mệnh giá cao nhất chỉ là 20k đồng, nhưng đa số là tờ 10k đồng, bạn biết vì sao không?

Vì, Việt Nam mình là đất nước thiên đường, nơi có rất, rất nhiều người già, người tàn tật, trẻ em bán vé số, bán hàng rong, ăn xin lê la khắp nơi nơi! 10k đồng với bạn và với tôi, không là gì cả, nhưng với họ, lại là một món quà quý báu!

Thật lòng, tôi không khá giả, tôi hiếm hoi lắm mới có thể đóng góp được chút gì đó cho các quỹ từ thiện. Thế nên tận đáy lòng tôi, luôn là sự ray rứt, buồn khổ, tôi thấy mình bất lực trước thực trạng nghèo đói, cùng cực của đồng bào tôi trên khắp mọi miền tổ quốc, mà tôi chẳng thể làm được gì. Thế nên, chẳng còn cách nào khác, tôi chỉ biết dành dụm những đồng bạc lẻ, nó có thể là vô giá trị với rất nhiều người, nhưng lại là món quà quý cho những người già cả, người khuyết tật, trẻ em nghèo khó, mồ côi, đang nhọc nhằn mưu sinh trên khắp mọi nẻo đường!

Bạn cứ nhẩm tính mà xem, để bán được 1 tờ vé số 10k đồng, người bán chỉ lời được 1.1k đồng. Vậy, một ngày họ phải lội bao nhiêu cây số, chịu sự dằn hắt, lắc đầu, từ chối của bao nhiêu người, phải nhọc nhằn lê chân từ sáng sớm đến tối khuya, bất kể là trời mưa, trời nắng hay gió bão để bán được 100 tờ vé số? Và, một ngày cao nhất họ bán được bao nhiêu tờ? Phải chịu đựng bao nhiêu xui rủi, lỡ chẳng may gặp quân lừa đảo, khốn nạn giựt dọc, hay bán ế không kịp trả đại lý, là ôm sô nguyên cọc vé số. Vậy, tiếp theo họ phải bán bao nhiêu tờ vé số, mới bù đắp được thiệt hại này?

Và, tôi đã từng lặng rơi nước mắt, không thể kìm nén cảm xúc, khi tờ 10k của tôi, dù chỉ là 1 món quà nhỏ nhưng trân trọng trao đi, kèm câu nói: "Con không biết dò vé số, ông/bà giữ dùm con 1 tờ và dò dùm con!" đã nhiều lần... bị từ chối!

Sự thật, có những con người nghèo khổ, cùng cực kiếm từng đồng xu, nhưng đầy lòng tự trọng, họ run run đôi tay, đẩy lại tờ 10k cho tôi với cái lắc đầu thận trọng, bởi họ không phải là kẻ ăn xin! Hoặc, họ không tin đó là món quà nhỏ được trao tặng một cách dễ dàng, bởi với họ, kiếm được 1k đồng là phải nhọc nhằn lắm. Vì thế, họ luôn dè dặt hỏi lại tôi: "Cô cho tôi hả?", với đôi mắt đầy nghi hoặc, nhưng đã bắt đầu ầng ậc nước!

Tôi không giàu có, tôi chỉ có một tấm lòng, đơn giản chỉ là một chút quà nhỏ đơn sơ, dành tặng cho người bảo vệ giữ xe, hay bất cứ ai già cả, khuyết tật, trẻ em vô tình gặp trên đường đời, mời tôi tấm vé số hay món hàng rong. Cũng như, bao năm nay, tôi nhọc tâm viết từng câu truyện, dành tất cả thời gian tôi có, để gửi đi rất nhiều thông điệp, dành tặng miễn phí cho các bạn!

Và, không ai biết, tôi đã phải cắn răng chấp nhận nuốt giận, khi chính những người thân yêu nhất, và rất nhiều bạn bè, cho tôi là "háo danh, ngáo like, ảo tưởng bản thân"! Ngay cả đứa con trai bé bỏng, nó buồn lòng, luôn oán trách, phàn nàn tôi viết chi lắm thế, có đẻ ra tiền được đâu? Có lẽ, con trai tôi, và chính các bạn không biết:

Tôi tận lực viết trên Fb này, dồn mọi tâm tư vào nó, viết phục vụ độc giả, không cần nhận được 1 xu, chỉ với 1 mục đích duy nhất:

Mong các bạn ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã mà tôi kêu cầu! Tôi không có nhiều tiền để cho bất cứ ai, tôi chỉ có thể kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng, cho những hoàn cảnh tôi biết rõ họ đã vào bước đường cùng. Các bạn để ý sẽ thấy, tôi chưa bao giờ đưa số tài khoản của chính mình lên công khai, bởi đó là sự minh bạch, là lòng tự trọng, nguyên tắc bất di bất dịch của chính tôi. Tôi chỉ là cầu nối chuyển giao thông tin, tôi không nhận tiền từ thiện, tôi sợ mang tai mang tiếng, nhân phẩm mình không ai hiểu, bị vấy bẩn thì ai rửa cho mình?

Và, tôi hân hoan, tự tạo rất nhiều món quà nhỏ, thì mong bạn cũng tự tạo cho chính mình những món quà, chỉ để trao ban... Dù chỉ là một món quà nhỏ, nhưng đó lại là một biển ân tình, và xin hãy để gió cuốn đi, mang hơi ấm tình người phủ khắp nhân gian!

Những món quà nhỏ được trao đi, không phải chỉ là hạnh phúc, là may mắn cho người nhận, mà là:

Ân phước và bình an cho chính chúng ta!

Yêu thương tất cả các bạn! ❤️

BẠCH CÚC.

Tản mạn : " BÀI THÁNH CA BUỒN" - Le Van Quy st.

    Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời      thanh niên (1968) Ảnh do tác      giả cung cấp.


BÀI THÁNH CA BUỒN. 

 “Hầu như tất cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ khi hát Bài Thánh Ca Buồn của tôi”

-Nhạc Sĩ Nguyễn Vũ


Mỗi dịp Giáng sinh về, từ làng quê cho đến thành phố, đâu cũng vang lên giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như: Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas… Để rồi cũng trong không khí ấy, người nghe bỗng nhiên thấy lòng chùng lại bởi một giai điệu sâu lắng trầm buồn đến nao lòng: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Lời hát ray rứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối về một cuộc tình đã xa.

Nguyên bản lời ca Bài Thánh Ca Buồn tôi viết nguyên bản là “Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Cái sai cơ bản ở đây ở đây rất khó chấp nhận được là chữ “thay” của tôi bị đổi thành chữ “phai”. Hai chữ này về mặt ý nghĩa rất khác nhau”.

Tôi viết: Áo trắng thay màu, có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã đã đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây từ chiếc áo nữ sinh đã thay qua màu áo cưới. Nếu như hiểu theo kiểu “áo trắng phai màu” thì tôi không hiểu nó “phai” kiểu gì nữa. Áo trắng mà đã phai thì chắc từ trắng đổi thành màu cháo lòng à (?!)”.

Trong ca khúc Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ, có đoạn ca sĩ hát khi nghe có vẻ rất hợp lý đó là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Thật ra đây là đoạn ca từ bị nhiều ca sĩ hát nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong bài hát được của tôi Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”.


Vì sao không phải là “thánh đường” mà lại “thế trần”? :

Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất cả đều hân hoan đón đợi lễ Giáng Sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Chính vì điều đó, tôi chọn câu: “Thế trần đón Noel”. “Thế trần” ở đây là đảo ngược hai từ “trần thế” có nghĩa là “thế gian” là cõi của tất cả mọi người.Tôi rất mong các ca sĩ và mọi người hát đúng nguyên theo nguyên bản bài hát và ca từ của tôi”.

Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ ra đời vào tháng 10.1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber) vang lên tại nhà. Bài hát này gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu. Thuở khi tôi chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà tôi ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Mỗi lần chuông nhà thờ đổ, tôi lại thấy bóng dáng một người con gái rất xinh đi lễ ngang nhà. Tôi lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng Sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên…

Về mặt nghệ thuật âm nhạc, Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ được viết theo tiết tấu của giai điệu slow rock, giọng La trưởng (A). Tác giả dùng hình thức ba đoạn đơn (ABA’), một cấu trúc thường gặp trong nhiều bản tình ca trong âm nhạc thế giới cũng như tân nhạc Việt Nam. Hình thức ba đoạn đơn có một đặc điểm, trong đa số trường hợp, đoạn A’  không giống hoàn toàn đoạn A. Sự tái hiện đó có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp cho tác phẩm đạt tới tính như trước về mặt cấu trúc.

Ca khúc Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ mang đầy đủ những điều căn bản để làm nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, ca khúc này vẫn luôn là một trong những bài tình ca Việt Nam tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ, thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn của một nhạc sĩ.

“Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm Thánh Vô Cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên hát bài hát này và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc ‘hot’ nhất trong mùa Giáng sinh năm đó”.

Mỗi mùa Giáng sinh về, Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: “Đến nay, Bài thánh ca buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài thánh ca buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?”.

Tôi, Nguyễn Vũ muốn nói về một ca sĩ cố tình hoặc vô tình hát sai ca từ của tác phẩm âm nhạc cũng là trăn trở chung của rất nhiều nhạc sĩ hiện nay. Khi sáng tạo nghệ thuật, người nhạc sĩ luôn để lại những dấu ấn, tâm tư cá nhân trong mỗi tác phẩm cụ thể. Mỗi ca từ đều là sự chọn lọc rất tinh tế để gửi gắm  những ý nghĩa của mình. Hát đúng và trung thành với nguyên bản của tác phẩm là tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật và tôn trọng người sáng tác ra tác phẩm đó.


Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời thanh niên (1968) Ảnh do tác giả cung cấp


LE VAN QUY Sưu tầm 


Thơ: THÁNG CHẠP - Đồng Ánh Liểu.

 



THÁNG CHẠP. 

Đông rét mướt ủ hương nồng tháng chạp

Cả đất trời e ấp sắp vào xuân 

Hàng cây cũ đã trút lá bao lần

Chờ chồi mới dâng nàng Xuân tươi đẹp


Mà cuối năm thời gian sao chật hẹp 

Ngày nối ngày khép lại những lo toan

Người hối hả xuôi ngược với gian nan

Người tĩnh lại trầm ngâm dòng suy nghĩ


Một năm nữa đã sắp qua rồi nhỉ

Mình già thêm ... ngơ ngác mừng tuổi đời

Chẳng như thời con trẻ mong Xuân tươi

Được hớn hở theo mẹ đi chợ tết


Giờ Xuân sang trán hằn thêm từng vệt

Nếp thời gian ghi dấu những thăng trầm

Đời  mỗi người trĩu nặng gánh mưu sinh

Mấy khi ngồi ngẫm nhân tình thế thái 


Thời gian trôi có bao giờ trở lại

Tóc xanh rồi dần bạc trắng như mây

Ta còn đây đâu phải mãi sum vầy

Nay gặp gỡ mai ly tan có thể


Ừ! Cuối năm giữ tâm mình vui vẻ

Sống chầm chậm cảm nhận vị bình yên

Dòng thời gian cứ tất bật triền miên

Đời bao lần đếm Xuân sang mỗi độ?


Cứ An nhiên ngắm mai đào đua nở

Tạ ơn đời còn được đón Xuân sang!

Đồng Ánh Liễu


Xứ người : ĐIỂM BÁO SÁNG NAY - Thu Nguyen.

 



ĐIỂM BÁO SÁNG NAY


Cô gái mồ côi gốc Việt sinh ra tại Cần Thơ thành sao Hollywood: "Tôi không biết mẹ ruột mình là ai, còn sống hay đã chết"

Cái tên Lana Condor bắt đầu được biết đến tại Hollywood lần đầu tiên vào năm 2016 qua vai diễn dị nhân Jubilee trong phim X-men: 

Apocalypse. Vai diễn đầu tay đã được tham gia vào một series bom tấn, đây là điều bất cứ diễn viên nào tại Hollywood cũng đều khao khát.

Sau thành công trong X-men, Lana tiếp tục nhận một vai nhỏ trong phim Patriots day có tài tử Mark Walhberg đóng chính. Và chỉ vỏn vẹn 2 năm sau, cô gái sinh năm 1997 đã thuận lợi có được vai nữ chính trong một bộ phim điện ảnh của Hollywood. To all the boys I've loved before - bộ phim tình cảm do Lana đóng chính vừa ra mắt trên kênh Netflix đã gây được tiếng vang lớn, tiếp nối làn sóng trỗi dậy của các diễn viên gốc Á tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Lana mang trong mình dòng máu 100% thuần Việt, là một đứa trẻ bị bỏ rơi được cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi tại một trại cô nhi ở Cần Thơ khi mới 2 tháng tuổi. Tâm sự với tờ Elle, Lana cho hay mọi người thường thấy ngại ngùng khi đề cập đến việc cô là con nuôi nhưng bản thân cô gái gốc Việt lại rất cởi mở về nguồn gốc của mình.

"Bố mẹ tôi thường mặc đồ truyền thống Việt Nam trong ngày di sản ở trường. Bố mẹ còn muốn tôi thử ăn đồ Việt Nam để biết về nguồn cội của mình", nữ diễn viên trẻ kể.

Sinh ra là người châu Á nhưng lại có bố mẹ da trắng, Lana cảm thấy dễ dàng liên hệ được với nhân vật mà mình thủ vai trong To all the boys I've loved before bởi cô gái trong câu chuyện có gốc Hàn Quốc, sống với bố người Mỹ.

Kể về người mẹ ruột Việt Nam của mình, Lana chia sẻ: "Tôi không biết gì về mẹ ruột. Tôi có suy nghĩ về người mẹ sinh ra mình nhưng tôi không biết bà là ai, bà đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Từ khi còn nhỏ tôi luôn coi mẹ nuôi là mẹ mình và yêu bà bằng cả trái tim".

Năm 1997, bố mẹ nuôi của Lana - ông Bob Condor và bà Mary Haubold đã lặn lội nửa vòng Trái đất đến Việt Nam xa xôi với mong muốn nhận nuôi một bé gái. Cặp vợ chồng người Mỹ kết hôn khá muộn, khi cả hai đã 35 tuổi nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc có con. Bà Mary Haubold sảy thai nhiều lần và phải từ bỏ việc sinh con dù khao khát có được một gia đình trọn vẹn.

Đầu tiên, hai vợ chồng muốn nhận nuôi con tại Trung Quốc vì nơi đây có quá nhiều bé gái bị bỏ rơi, đó là hậu quả của chế độ chỉ cho phép sinh một con. Nhưng rồi định mệnh đưa ông bà đến với Việt Nam vì có lời đồn rằng việc nhận con nuôi tại đây nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Suốt nhiều tháng rong ruổi khắp các cô nhi viện từ Bình Dương đến TP HCM, ông bà Condor tiêu tốn hàng chục nghìn đô la tiền đặt cọc làm hồ sơ cũng như chi phí sinh hoạt tại nơi đất khách quê người nhưng vẫn không có được một cơ may nhận con. Những hy vọng tưởng như sắp tắt, thần may mắn đã mỉm cười với họ. Một cô nhi viện tại Cần Thơ đã gọi điện cho họ với lời quảng cáo rằng ở đó có rất nhiều "bé trai vô địch".

Lặn lội đến tỉnh miền Tây trong một ngày mưa gió, lội qua nhiều con đường bùn đất, hai ông bà mới tìm được tới cô nhi viện.

Khi vừa tiếp xúc với những đứa trẻ tại đây, ông Bob Condor đã bị thu hút ngay bởi một bé gái xinh xắn, và ông có cảm nhận rằng cô bé chính là con gái mình. Bé gái có tên khai sinh là Trần Đồng Lan, lập tức được ông bà Condor nhận nuôi và đặt tên là Lana với ý nghĩa gần với tên gốc của cô. 

Quá xúc động trước hoàn cảnh của các em bé mồ côi Việt, ông bà quyết định nhận nuôi thêm một bé trai hơn Lana 3 tháng tuổi và đưa cả 2 anh em về Mỹ.

Tuy thiệt thòi vì là cô nhi nhưng Lana Condor lại may mắn khi được một gia đình Mỹ giàu có và học thức nhận nuôi. Bố nuôi Lana là một nhà báo hai lần nhận đề cử giải thưởng Pulitzer danh giá.

Cô lớn lên trong sự bao bọc của gia đình, có riêng bảo mẫu người Việt Nam, được theo học các trường nghệ thuật danh tiếng hàng đầu nước Mỹ. 

Và bằng tài năng của mình, cô gái mồ côi gốc Việt đã có được chỗ đứng tại Hollywood, nơi vốn không có nhiều sự ưu ái cho các gương mặt châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Và năm nay, "cơn sốt mới nổi" Lana Condor là một minh chứng cho những nổ lực của tài năng mang trong mình dòng máu thuần Việt.


(THU NGUYEN)

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Thư giãn : KẾT BẠN... - Trần Vãn (FB)

 


Bài hát hay: MƯA - Kim Dung.


 SÁNG TÁC : KIM DUNG

TRÌNH BÀY : THÁI HÒA

Thơ : MẮT NAI RƠI - Xuân Duyên.

 



MẮT NAI RƠI..

Đầu đông sao vẫn mưa? 

Không nhiều, hạt lưa thưa

Đủ ướt bàn tay mõi

Em đứng chờ hay chưa?

Thôi thì cứ mãi ngày xưa

Tóc em tuyết trắng theo mùa bóng mây

Cô nàng má đỏ hây hây

Tự tình nho nhỏ ..đường bay lưng trời

Tuổi em cứ chơi vơi

Hoa bên rèm ai với

Trăm năm nghìn dâu bể

Còn lại mắt nai rơi

                XUÂN DUYÊN - 12/2023

Thơ : CÂY ĐỦNG ĐỈNH - hathuthuy.

 



CÂY ĐỦNG ĐỈNH 

Đủng Đỉnh ơi! Đủng Đỉnh à!

Ngày xưa ba má về nhà với nhau

Bước qua vòm lá cổng chào

Kết bằng Đủng Đỉnh trái dào dạt buông

Tên cây nghe thật dễ thương

Như lời chúc phúc chung đường bên nhau

Mâm trầu xanh với buồng cau

Bước qua Đủng Đỉnh bạc đầu thủy chung

.  .  .  .  .  .  .  .

Gió đưa ba má về trời

 Đủng Đỉnh ở lại vời vời nhớ thương

Chiều nay đi dạo quanh vườn 

Nhìn cây Đủng Đỉnh vấn vương bùi ngùi.

hathuthuy

Ngẫm : RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU - vanhoaphatgiao.

 



RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU. 

Câu ca dao của người xưa, thật là sâu sắc

“Ruột Đau Chín Chiều”: đó là những chiều nào?

Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?


Ta thường nghe câu ca dao: 

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Hoặc:

Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau


Thực ra nói đến chín chiều là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, người xưa thường dùng “cửu tự cù lao - chín chữ cù lao” là 09 điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là: 

1 - Sinh (sanh đẻ) 

2 - Cúc (nâng đỡ)

3 - Phủ (vuốt ve, trìu mến)

4 - Súc (cho bú mớm)

5 - Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)

6 - Dục (dạy dỗ)

7 - Cố (trông nom)

8 - Phục (xem tính nết mà uốn nắn)

9 - Phúc (bảo vệ)

Vì vậy mới có câu: ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...

Nhân những ngày cuối năm tìm hiểu và tự nhắc nhở mình đôi điều về chín chữ cù lao để gọi là xin đền đáp trong muôn một thâm ân cha mẹ.


Nguồn: vanhoaphatgiao

Thơ : ĐÃ LỠ THƯƠNG RỒI - Thạch Thảo BD.

 



ĐÃ LỠ THƯƠNG RỒI


Nhà thờ chuông đổ. Đêm sao sáng

Rực rỡ đèn hoa. Chúa Giáng trần.

Cùng sánh vai anh, bên máng cỏ

Dẫu mình ngoại đạo…biết ăn năn.


Áo hoa khép nép, quỳ chân Chúa

Ngoan ngoản cùng anh, cũng nguyện cầu.

Hạnh phúc cho mình và tất cả

Nhà nhà thân ái, mãi bền lâu.


Đã lỡ thương rồi, đâu có ngại

Dẫu em ngoại đạo vẫn theo chàng.

Tình yêu vun đắp cho tròn kiếp

Thương hết đời nhau. Nhé…nhé thương.


Noel rực sáng trời hoa nến

Xin Chúa ban ân thơm phước lành.

Cho dẫu con là người ngoại đạo

Vẫn tin có Chúa ở cao xanh.


Đã lỡ thương rồi, đâu có ngại

Dù tam tứ núi…quyết lòng qua.

Sông sâu biển lớn…mình cùng vượt

Mới thấy tình yêu rất mặn mà.


Hồn lỡ sa vào trong ánh mắt

Thương yêu rồi, mãi nhớ vì nhau.


TX Noel 2023

THẠCH THẢO - BD



Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Phương xa : VUA HỘT VỊT LỘN... - Ngọc Lan.

 



VUA HỘT VỊT LỘN Ở MỸ…


Ý tưởng tìm hiểu, viết bài về Hột Vịt Lộn Long An đến trong đầu tôi một cách rất đơn giản: trên đất Mỹ này, ngay tại Little Saigon này, lại có người gốc Việt “dám” dấn thân vào một nghề mà “Mỹ nghe tên đã chạy làng.” Đó là sản xuất và bán hột vịt lộn.


Thế nhưng, câu chuyện kể của ông Thomas Chín Đàm cùng phóng viên Người Việt ngay tại lò ấp trứng của ông gần chợ Bến Thành và dọc đường từ Bolsa hướng đến vùng Ramona ở San Diego khi lên thăm nông trại nuôi vịt, trồng mía của ông, đã vẽ nên một bức tranh rất khác về chủ nhân của Hột Vịt Lộn Long An, một triệu phú với bài học “biến rác thành tiền” và “công thức làm ra tiền.”


Ngược về quá khứ


Thật khó mà nghĩ được đằng sau tấm bảng hiệu Hột Vịt Lộn Long An (Long An Farms) nằm trên con đường nhỏ Weststate cạnh chợ Bến Thành, Westminster, là cả một dàn 30 máy ấp trứng để mỗi tháng cho ra khoảng nửa triệu trứng vịt lộn gửi đi khắp các tiểu bang để bán. Chưa tính đến trứng gà, trứng cút, trứng ấp riêng cho các hãng dược phẩm bào chế thuốc chích ngừa trái rạ (chicken-pox), là một dàn xe tải bảy chiếc lớn nhỏ chỉ dùng để đi giao trứng và mía cho các nơi. Hơn thế nữa, đàng sau tấm bảng hiệu đó còn không biết bao nhiêu nông trại nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cút, nuôi ngỗng, nuôi thỏ, nuôi cả chuột bạch vừa lấy thịt, lấy trứng, hoặc cung cấp cho các phòng thí nghiệm tại các trường học trong vùng, được gầy dựng khắp nơi.


Thương hiệu Hột Vịt Lộn Long An ra đời từ một tình cờ được đưa đến cho ông Thomas Chín Đàm, người đang làm công việc bán máy may công nghiệp khi đó mới ngoài 30 tuổi.


“Đó là năm 1995, có một ông người Đức chuyên nghề ấp trứng gà cho các trường học, các phòng thí nghiệm, để làm thuốc chích ngừa trái rạ, chuẩn bị về hưu nên muốn bán lò ấp trứng của ông với giá $100,000, chỉ cần trả trước $50,000,” ông Chín nhớ lại.


Khi thấy ông gốc Việt còn đắn đo chưa muốn mua, ông gốc Đức bèn giới thiệu một số khách hàng sẵn có của ông, dù không nhiều.


Nhìn những máy ấp trứng gà làm vaccine, trong đầu ông Chín lại nghĩ đến chuyện “liệu máy này có ấp được trứng vịt để cho nó thành trứng vịt lộn được không?” Ông Chín đưa cho ông người Đức vài trứng vịt nhờ ấp thử.


“Thay vì trứng gà làm vaccine chỉ ấp 3-4 ngày thì trứng vịt ông ấp chừng hai tuần, khi con vừa lớn mình mang ra ăn thì thấy giống y chang hột vịt lộn.” Một ý tưởng lóe lên.


“Họ chỉ mình cách làm nhưng cái khó là trứng ở đâu mà ấp? Thế là phải đi tìm nguồn trứng.”


Nông trại nuôi vịt mà ông Chín liên lạc được ở thời điểm đó chính là nông trại Ramona ở San Diego của một người Philippines (mà chỉ ít lâu sau ông Chín đã mua hẳn và làm chủ cho đến hôm nay).


“Khi đó họ ấp trứng vịt, mình ấp trứng gà trao đổi cho nhau. Nhưng mà họ không có trứng đều. Lúc mình cần thì họ không có, lúc họ dư thì mình không cần. Khi đó tôi thấy chỉ khi mình tự sản xuất thì mới điều tiết được sản phẩm.” Nghĩ là làm. Ông Chín quyết định mua luôn nông trại nuôi vịt Ramona để “tự cung tự cấp.”


Bằng giọng nói của người Nam Định đã “lai” giọng Nam khá nhiều, người đàn ông trong bộ đồng phục của Hột Vịt Lộn Long An kể lại chuyện ngày đầu lập nghiệp một cách tự tin, cởi mở: “Lỡ chơi rồi chơi luôn! Lúc đó tôi cầm hết hai cái nhà, vay thêm nợ để mua cả lò ấp trứng lẫn nông trại nuôi vịt.”


Chủ nhân Long An Farms nói bằng giọng tỉnh rụi, “Tôi cũng chết lên chết xuống với mấy con vịt nuôi. Nuôi, ấp, rồi nó chết, tùm lum hết, chứ không phải trôi chảy liền đâu. Chưa kể bán chịu cho người ta, người ta giựt không trả tiền nữa.”


Thời gian khốn khó, vật vã với gà với vịt của ông Chín kéo dài đến 6 năm. “Suốt thời gian đó, mỗi lần nhìn bà xã là bà hỏi ‘cần tiền nữa rồi phải không.’ Anh em cũng chạy trốn hết vì mình mượn nhiều quá rồi.”


Tuy nhiên, khi bờ vực phá sản cận kề thì sự kiện 9-11 của năm 2001 xảy ra. Trong đời, thảm họa của người này đôi khi lại trở thành sự cứu rỗi cho người khác. Ông Chín “sống” lại từ thời điểm ấy.


Lấy “trái rạ” nuôi hột vịt lộn


Vẫn bằng cách nói chân tình, ông Chín tiếp tục, “Năm 2001 tưởng đâu là phá sản rồi, đùng cái 9-11 xảy đến, chính phủ cần thuốc chích ngừa trái rạ. Trước đó tôi cũng làm loại vaccine này nhưng mà Mỹ không cần, không mua, nên làm ra chỉ để bán cho các nước nghèo thôi.”


Sẵn lò, sẵn trứng, ở thời điểm cả nước suy sụp vì khủng bố, ông Chín lại nhận được từ chính phủ hợp đồng trị giá $1 triệu để cung cấp cho họ vaccine ngừa trái rạ.


“Họ đưa trước cho mình 10%, tức $100,000. Khi đó tự dưng mình sống lại,” ông Chín cười tươi tắn.


Ông “tiết lộ” thêm, “Làm nghề gì có liên quan đến thuốc men là có ăn, làm $1 bán $30, còn làm chợ, làm ăn uống lời chỉ vài phần trăm thôi” và “Thời buổi khó khăn, chỉ có kinh doanh thực phẩm và thuốc men là vững chắc, vì ai cũng phải ăn, cũng phải cần thuốc men.”


Theo chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An, “trứng gà để làm vaccine hay làm trứng lộn đều giống nhau, chỉ khác cách làm. Trứng để làm thuốc chỉ ấp 3 ngày rưỡi, xong bỏ vi khuẩn vô trong quả trứng, đóng lại giao đi để họ làm thuốc chích ngừa trái rạ. Trứng gà ấp tiếp khoảng 2 tuần thành trứng gà lộn, còn vịt thì khoảng 3 tuần, đến tuần thứ tư thì nở ra con.”


“Máy ấp trứng lộn hay trứng làm vaccine đều như nhau, chỉ khác dụng cụ đựng trứng. Mỗi máy ấp được khoảng 10,000 trứng. Ngay tại lò ở Little Saigon có 30 máy ấp, ở nông trại San Diego có thêm 20 cái chuyên ấp trứng nở thành con,” ông Chín giải thích.


Người đàn ông từng phải làm 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần trong suốt nhiều năm liền để thử nghiệm với trứng gà trứng vịt tâm sự, “Tôi khởi đầu nghề ấp trứng là để làm hột vịt lộn nhưng không thành công, trong khi làm thuốc chích ngừa lại thành công. Nhưng vì nhu cầu trứng lộn là có thật và rất vững chắc nên khi có được tiền rồi thì tôi quay trở lại với nghề mình muốn, là làm trứng lộn.”


Với số tiền ứng trước $100,000 của chính phủ, một năm sau, ông Chín kiếm được $1 triệu, đủ trả hết nợ, chuộc lại những căn nhà cầm cố, và quan trọng hơn là “có tiền mua gà vịt thoải mái luôn để nuôi để ấp.”


“Với hột vịt lộn, người Philippines chiếm đến 70% thị trường tiêu thụ, người Việt chỉ có 30%. Thế nên tôi thuê nông dân Philippines thứ thiệt nuôi vịt cho mình, làm quản lý nông trại cho mình. Còn gà thì người Mỹ có kinh nghiệm hơn nên tôi thuê Mỹ nuôi gà cho tôi,” ông nói tiếp.


“Làm thuốc thì đơn đặt hàng khá ổn định, cứ mỗi năm chính phủ cần bao nhiêu trứng họ báo cho mình biết, rồi năm tới cứ làm cái mới, lúc nào họ cũng để dành vaccine sẵn sàng, ‘khi cần là có đạn mà bắn.’ Còn trứng lộn thì chỉ để ăn chơi thôi.”


Ông cho biết, “Tỉ lệ trứng ấp làm thuốc ít hơn trứng lộn nhưng lời nhiều hơn. Làm trứng lộn chiếm 70% nhưng lời chỉ 30%.”


Trả lời câu hỏi “So với ngày đầu thành lập Hột Vịt Lộn Long An, đến nay lợi tức của công ty đã phát triển lên bao nhiêu lần?” Ông Chín nói tỉnh rụi, “Không biết. Chỉ biết hồi năm đầu mới làm, bán chỉ được chừng sáu, bảy chục ngàn, giờ khoảng 3-4 triệu một năm.”


Và đâu chỉ dừng lại ở hột vịt lộn, trứng gà lộn, trứng gà trái rạ, người đàn ông vừa bước qua tuổi 50 này còn biến “rác thành tiền” từ việc nuôi cút làm vaccine, nuôi thỏ làm thuốc ngừa thai, nuôi chuột cho phòng thí nghiệm, nuôi ngỗng làm thuốc cho những phụ nữ hiếm muộn, và đặc biệt, trồng mía không phải để ép thành nước mía mà chủ yếu lấy phấn mía làm thuốc giảm cân.


Ông Chín Đàm đã áp dụng bài học “biến rác thành tiền từ bó rau muống của mẹ” và học công thức làm giàu từ Samuel Brannan, triệu phú đầu tiên của California…


NGỌC LAN


Hồi ức : NHỚ NHỮNG NĂM... - Đỗ Duy Ngọc.




 NHỚ NHỮNG NĂM DẠY HỌC Ở CỦ CHI.


Trước năm 75, tôi có đi dạy giờ mấy trường tư thục. Lúc ấy thầy giáo dạy từ đệ nhất cấp trở lên gọi là giáo sư. Dạy giờ là kiểu dạy hợp đồng, dạy giờ nào tính tiền giờ đó, hết niên khoá nếu dạy không đạt yêu cầu, nhà trường sẽ gởi một bức thư từ chối cho niên khoá tiếp. Nếu dạy tốt, được đánh giá cao cũng sẽ nhận thư của nhà trường trân trọng mời ông tiếp tục niên học tới có chữ ký của Hiệu trưởng cùng cái dấu đỏ.


Sau 75, chính quyền mới cho học thêm mấy tháng gọi là bồi dưỡng chính trị và kiến thức của chế độ mới ở trường Đại học Sư phạm Thành phố. Xem như là khoá đầu tiên ra trường của ĐHSP sau thống nhất. Thi xong chờ phân công. Con của "nguỵ quân, nguỵ quyền" không được nhận nhiệm sở, đành kiếm nghề khác sống. Cũng may tỉnh Bến Tre thiếu giáo viên trầm trọng nên vớt một số về cho dạy mấy trường ở vùng sâu, vùng xa. Thành phần bị nghi ngờ về tư tưởng hoặc bị gán cho tội lỗi gì đấy cũng không được đi dạy. Tôi nằm trong số đó lại thêm bị một số đoàn viên báo cáo không tốt nên đành định ra chợ trời kiếm cơm.


Ơn trời, tôi có cô bạn có quan hệ mật thiết với Hiệu phó trường, nhờ vậy tôi được chiếu cố cho về Bạc Liêu. Đường về Bạc Liêu thời đó trắc trở, gian truân lắm, đi từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới tới nơi sau khi qua không biết bao nhiêu là trạm gác. Thế nhưng Sở Giáo Dục Bạc Liêu cũng không nhận vì lý do lý lịch đen thui, cha, anh đều là "nguỵ quyền", hồ sơ lại bị nhiều phê bình ác ý. Lại thêm có anh chàng học cùng trường về trước dèm pha. Thế là khăn gói trở về sau mấy tháng đợi chờ vô vọng.


Nhưng thế mà lại may, Sở Giáo Dục thành phố chấp nhận cho tôi về dạy trường cấp 3 Phú Hoà. Nhận quyết định, cứ nghĩ là ở Phú Thọ Hoà, tưởng không xa lắm, cũng được. Nào ngờ trường đấy nằm ở ngã tư Tân Quy, huyện Củ Chi. Hồi đấy xe cộ khó khăn, xe khách chạy bằng than, muốn lên được xe phải chen nhau qua cửa sổ. Nhiều lúc không leo lên được phải đứng ở bục gỗ sau xe, lò than nóng hừng hực, lâu lâu lại rớt ra mấy hòn than đỏ rực. Xe chỉ đến chợ Hóc Môn, đi bộ hoặc đi xe ngựa vào bến xe lam. Xe chạy qua Cầu Xáng, qua Tân Thạnh Tây mới đến trường.


Trường nghèo, chỉ có khoảng sáu phòng học, sân trường đầy những cây bã đậu. Bảng tên trường liêu xiêu, tróc sơn nằm chơ vơ nhìn ra cánh đồng trống. Cảnh buồn hiu. Trước trường là tỉnh lộ chạy hết đường sẽ đến con sông đi qua tỉnh Bình Dương. Nhìn cảnh trường oải thiệt là oải. Mà cũng đành, thời đã thế thế thời phải thế thôi.


Từ nhỏ cho đến giờ phút đó, tôi chỉ học ở các trường to, sân rộng, lầu cao, phương tiện đủ đầy. Giờ lại đến một ngôi trường với những phòng quét vôi loang lổ, bảng đen sờn hết sơn, mái lợp fibro ciment. Cửa sổ phòng học nhìn ra bãi đất ngút ngàn lộng gió. Chất độc khai hoang thời chiến tranh khiến cỏ cây xác xơ, chẳng có cây nào sống nổi. Nhìn quá nản lòng chiến sĩ.


Trời đã về chiều, những đám nắng vàng vọt chiếu trên những đám cỏ trơ trọi khiến khung cảnh càng thêm nản lòng. Dáo dác nhìn quanh, thấy có căn phòng phía trước ngổn ngang ghế bàn. Cửa khép hờ, tôi gõ cửa. Có tiếng vọng ra: Ai đấy, vào đi.


Tôi vào, phòng có mỗi chiếc bàn và lung tung đồ đạc, giấy tờ cùng chiếc máy đánh chữ. Một ông trung niên da ngăm đen, tóc hớt ngắn đang kéo thuốc lào. Ông mặc áo thun ba lỗ đã ngã màu cháo lòng và chiếc quần tây bộ đội đã cũ nhàu. Sau khi rít một hơi thật sâu, ông ngửa mặt lên trời thở ra làn khói mù mịt rồi hất hàm hỏi: Đi đâu đấy, hỏi ai?


Tôi bảo: Tôi được Sở Giáo Dục phân công về đây dạy học. Cho tôi gặp Hiệu trưởng. Vừa nói, tôi vừa đưa giấy cho ông. Ông nheo mắt nhìn tôi, lại bảo: Tôi là Hiệu trưởng đây. Xem nào. Dạy môn gì? Tôi bảo: Môn Văn. Ông nhịp nhịp bàn tay như có ý bảo tôi ngồi xuống. Thầy xếp ba lô ở đây, tối xếp mấy cái bàn ngủ rồi mai tôi bảo Hiệu phó xếp giờ cho Thầy. Tối đến thầy cô xếp bàn thành giường, mắc màn ngủ trong phòng. Lúc đó chưa có điện, đêm thắp đèn dầu, sáng ra mũi ai cũng đầy bồ hóng đen thui.


Buổi đầu tiên trình diện để khởi đầu những năm tháng làm thầy của tôi diễn ra như thế đấy. Tôi tự nhủ, chắc gắng thời gian ngắn ở đây rồi rút thôi, làm sao mà tồn tại ở chốn này cho nổi.


Người tính không bằng trời tính, định ở đó thời gian ngắn rồi tìm cách thoát, ai ngờ ở đến năm năm. Năm năm biết bao kỷ niệm, buồn có, vui cũng không thiếu. Chính các em học trò đã níu chân tôi lại năm năm. Lúc đấy các em là học trò nhà quê, lạ lẫm với ông thầy lúc nào cũng mang giày da, áo chẽn, quần loe, tóc phủ mang tai, râu ria lún phún. Lên lớp dạy nói lớn đến nỗi cả trường nghe giảng. Trò quý Thầy và Thầy cũng thương cho hoàn cảnh của trò.


Các em hồn nhiên và rất tình cảm, kính trọng Thầy Cô. Xem Thầy Cô như thần tượng của mình. Ngay phụ huynh các em cũng thế. Dạy được một năm, tôi đưa vợ về ở luôn trong trường. Nhà trường phân cho chái nhà phên tre, mái tranh. Ngày nóng hầm hập, đêm con bọ xít bay đầy, tiếng ễnh ương kêu oàm oạp, mùa mưa lội bì bõm.


Lần đầu tiên vợ tôi đi chợ Phú Hoà Đông, các bà, các cô ở chợ rủ nhau đi xem mặt vợ Thầy Ngọc, bởi vợ tôi có khuôn mặt của người ngoại quốc. Rồi các người bán hàng chẳng chịu lấy tiền, vợ tôi ngại quá từ đấy không dám ra chợ nữa, chỉ nhờ người khác mua giúp.


Tình cảm của học trò thời ấy đẹp lắm, quý lắm. Đã hơn 47 năm rồi, các em ấy bây giờ đã qua tuổi sáu mươi nhưng tình thân càng ngày càng đầy chứ không hề vơi. Chính cái tình ấy khiến tôi không nỡ bỏ các em mà đi. Hơn nữa, năm 1978, tôi làm hồ sơ đi Pháp, đang chờ giấy xuất cảnh nên cũng không muốn thay đổi cuộc sống vì sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý hồ sơ của công an và lãnh sự Pháp.


Thời kỳ đó cuộc sống vô cùng khốn khó. Lãnh lương có mấy chục đồng mà đóng tiền mua nhu yếu phẩm hết gần một nửa. Mỗi tháng mua được nửa ký thịt heo chẳng ngon lành gì. Cá thì ươn, gạo hẩm. Tiêu chuẩn 13 ký gạo mà hơn nửa là bột mì với bo bo. Thèm đủ thứ.


Vợ tôi có mang con trai đầu lòng, chỉ thèm miếng thịt gà mà chẳng có để ăn. Đẻ con phải làm đơn qua 4 cửa với đủ chữ ký rồi nhờ người quen giới thiệu mới mua được bốn hộp sữa bò. Bột ngọt, tiêu hột phân chia bằng muỗng. Vải, vỏ xe phải bốc thăm. Nhiều lúc nữ được quần đùi mà nam lại bốc được vải mùng vệ sinh của phụ nữ.


Ban đêm mấy thầy rủ nhau đi bắt bù tọt về ăn cho có chút đạm. Ai nấy đều ốm tong teo, bụng thon, ngực lép nhưng lên lớp thì rất nhiệt tình và thương quý học trò như những đứa em, con cháu của mình. Chính cái tình ấy đã giúp cho rất nhiều thầy cô từ thành phố về vẫn đứng trên bục giảng suốt mấy năm.


Rời trường đấy sau năm năm để đổi về thành phố, tôi vẫn nhớ như in những khuôn mặt của các em. Những khuôn mặt hiền lành, thân tình khó tìm ở thời buổi bát nháo bây giờ. Ra đời, nhờ lý lịch các em đa số làm quan chức, giờ đã về hưu. Lâu lâu gặp lại, cuốn phim của gần năm mươi năm trước lại quay về.


Hôm nay ngày 20 tháng 11, ngày của nhà giáo, kỷ niệm tràn về, viết một bài ngắn để nhớ về một đoạn đời đã qua đi. Nhớ những người đồng nghiệp cùng đồng cam cộng khổ thời gian khó, nhớ những người đã mất, những người đang ở phương xa.


Đoạn đời không dễ gì quên. Chúc các em, những người học trò trường Trung Phú, Củ Chi ngày xưa luôn hạnh phúc, vui khoẻ và luôn giữ được mối thân tình đã có. Mãi thương quý các em.

ĐỖ DUY NGỌC. 

Sài Gòn, 20.11.2023


Tản mạn : MỘT NÉN NHANG... - Bùi Chí Vinh.

 



MỘT NÉN NHANG CHO NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 


Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời tối 28-11 tại bệnh viện Fountain Valley, California hưởng thọ 87 tuổi. 

Tôi gặp anh vài lần lúc đi với Huỳnh Phan Anh, Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Đạt và ngồi ở quán cà phê của Vũ Trọng Quang trong con hẻm đường Cao Thắng, quận 3. Lần đầu gặp, anh dòm tôi như dòm một con khủng long từ thời tiền sử còn sót lại. Bởi đơn giản là anh quá kín đáo, quá chuẩn mực, quá ấm áp từ dáng vóc đến cách ăn nói. Anh sinh ra là để cầm bút, ôm ghi ta trong thư phòng, thính phòng sang trọng chứ không phải để đối đầu với cuộc sống man rợ như tôi. 

Con người nho nhã ấy làm sao chịu nổi sự đau đớn của bài SINH NGHI HÀNH khi Nguyễn Đạt kêu tôi đọc cho anh nghe. Tôi đọc như tra tấn tác giả những ca từ mật ngọt trong bài nhạc EM ĐẾN THĂM ANH ĐÊM 30. 

"Tay em lạnh để cho tình mình ấm - Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm - Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan - Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết". 

Vậy đó. Giờ thì nhà văn lừng lẫy của tác phẩm ÁO MƠ PHAI, của TRO THAN đã biến mất. Giờ thì muốn đọc lại SINH NGHI HÀNH hay "hành" anh đến trố mắt kinh dị cũng không được... 


BÙI CHÍ VINH 


LỜI THƠ CUỐI CHO NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 


Giờ thì chàng thơ lãng mạn nhất Sài Gòn đã ra đi 

Anh bốc hơi như một làn khói trắng 

CĂN NHÀ XƯA không rơi vào quên lãng 

Nơi bàn tay anh đã vun xới dịu dàng 


Anh đã cày trên những sợi dây đàn 

Đầu ngón bật máu để đơm hoa kết trái 

Những bài thơ tình đứng im không động đậy 

Dù anh qua tận California hòng chạy trốn chính mình 


Tôi vẫn thấy "môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm" 

Và "trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết" 

Và tôi biết không có gì là chấm hết 

Khi trên thế gian còn văn thơ nhạc Nguyễn Đình Toàn... 

30-11-2023

BÙI CHÍ VINH. 

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Phương xa : CHĂN BÒ- Nguyễn Hiệp (fb)

 



CHĂN BÒ 

(Các sắc màu cuộc sống Canada).


Năm 2016 tui qua đất nước này để tìm kiếm cơ hội định cư . Qua khảo sát , tìm hiểu thì nông nghiệp phù hợp với khả năng của hai vợ chồng nên quyết định xông pha xứ người . 

Trải qua hơn sáu năm lăn lộn và bươn trải với nghề nuôi heo . Giờ đã tạm ổn định cuộc sống , nuôi heo thì tui đã có bài viết rồi giờ kể chuyện nuôi bò của ông hàng xóm . 


Mang tiếng là hàng xóm nhưng để đến nhà ổng phải đi khoảng hai cây số mới vô đến căn nhà ổng ở với gia đình trên đất của ổng. Giống bò mà ổng nuôi là giống Angus .


Vào mùa xuân các con bò cái và bò cái tơ sẽ được cho chăn thả cùng với con đực . Khác với heo , con bò giống sẽ giao phối trực tiếp với khoảng 30 con bò cái . Thời gian mang thai là gần 8 tháng . Bò sơ sinh có trọng lượng từ 24-30 kg . Sau 6 tháng bê con sẽ có trọng lượng 150-180 kg và được cai sữa . Bò cai sữa sẽ được tuyển lại con cái để gây giống tiếp . Những con thương phẩm sẽ được nuôi vỗ béo đến tuổi trưởng thành ( 2 năm tuổi) . Lúc này bò đực sẽ nặng khoảng 800kg - 1 tấn , bò cái nặng 500-700 kg . 


Vào mùa hè , bò được ổng thả ngoài đồng trên đồng cỏ quy hoạch sẵn và luân phiên thay đổi để có đủ cỏ tươi theo tiêu chuẩn "diet" 20 con/150 acres tuỳ theo phẩm chất đất khu vực ( cỏ mọc tốt hay không ) . Ổng khoái tui vì tui bán phân thải ra từ trại heo bơm lên đất của ổng hàng năm . Cỏ mọc tốt hơn nên ổng nuôi 40 con/ 150 acres ... 


Mùa đông tuyết phủ trắng trời ổng lùa bò vào một khu đất chắn gió bằng những cuộn cỏ xếp liên tiếp . Ổng lái một chiếc xe tải có máy trộn cỏ khô, thân lúa , thân bắp và các loại hạt ngũ cốc , rải cho lũ bò ăn . Không như trâu bò ở quê mình mới 10 độ đã quy tiên ,chờ dân miền xuôi lên giải cứu . Trời mùa đông ở xứ này có khi xuống âm 30-40 độ mà lũ bò vẫn bình thản ăn và nghỉ trong ngập tuyết . Có thể vì cấu tạo cơ thể của giống bò này có nhiều lớp mỡ nên chúng coi thường cái lạnh mùa đông ở đất nước lá phong này . Và vì vậy nên thịt bò xứ này mới mềm để hợp với món beefsteak chăng ? 


Để nuôi 250 con bò ổng phải có 10 quarter trồng cỏ để đủ cho bò ăn . Một quarter có diện tích khoảng 160acres.

Mỗi acre là 0,4 hecta vậy ổng dành ra hơn 600 hecta để nuôi chúng...hic nhiều đất quá ! 


Chăn nuôi bò là một phần trong công việc của ổng. Ổng trồng lúa mì ( wheat) , lúa mạch ( barley ) , hạt cải dầu ( canola) ... và lúa , hạt , bắp cũng tăng thêm lợi nhuận trong chăn nuôi bò . À quên nói rằng :sau khi kết hôn năm 1978 hai vợ chồng ổng đã làm lụng và đến nay sở hữu có 7000 acres -khoảng 2,800 hecta (!).


Ở tuổi bảy mươi ổng vẫn làm việc hăng say không phải vì mê tiền mà vì yêu lao động .


Đất nước Gia-nã-đại này có hàng trăm nghìn nông dân như ổng góp phần vào sự phồn vinh của nền kinh tế nông nghiệp nhất nhì thế giới . 

Xin ngả nón kính phục tính cách của họ , những người dân đã hình thành quốc gia Gia-nã-đại .


Bài viết chỉ mô tả phần nhỏ cuộc sống thường ngày ở đây . Mọi thiếu sót mong có góp ý để hoàn thiện hơn . 

NGUYỄN HIỆP (FB) 

Canada mùa Đông 2023 


Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Thơ : TIỄN NGƯỜI - Từ Kế Tường.

 



TIỄN NGƯỜI


Người nhẹ không như lá

Bay vào cõi sương sầu

Một ngày mây trắng quá

Vô ảnh đến ngàn sau


Áo chân như tan biến

Lời kệ đẵm vào thơ

Đường không đi không đến

Tâm hướng vọng vô bờ


Hôm qua đài sen trắng

Còn thả bóng mỏng manh

Chuông ngân vào nguyệt lạnh

Gửi nhân gian thơm lành


Ôi tiếng đàn mộng ảo

Bản sô nát ánh trăng

Như bước người đi dạo

Bỏ lại một lần chăng?


Tiễn người về xanh thẳm

Rừng núi lộng mây ngàn

Tay phù hư cõi tạm

Ta che nắng mưa tan

TỪ KẾ TƯỜNG.

(Bến Lặng 24-11-2023)

Bên ngoài : HÃY CHỌN NGƯỜI CÓ TƯƠNG LAI - Sưu tầm.

 



Trong một lần Elon Musk làm diễn giả cho một hội nghị ở Hoa Kỳ về đầu tư và tài chính, phần hỏi đáp, ông nhận được một câu hỏi khiến mọi người phải bật cười.

- Thưa ông, là người giàu nhất thế giới, ông có thể chấp nhận việc con gái mình kết hôn với một người đàn ông nghèo và bình thường không?

Elon Musk nói: Trước hết, hãy hiểu rằng “Giàu có” không có nghĩa là có một tài khoản ngân hàng hoành tráng. Giàu có trước hết là khả năng tạo ra của cải.

Ví dụ: Một người nào đó trúng xổ số hoặc thắng bạc. Ngay cả khi anh ta thắng 100 triệu thì anh ta cũng không trở thành người giàu: Anh ta chỉ là người nghèo với rất nhiều tiền. Đó là lý do tại sao 90% triệu phú xổ số trở lại nghèo khổ sau 5 năm.

Ta có thể gặp những người giàu có nhưng không có tiền. Ví dụ: Hầu hết các doanh nhân. Họ đã và đang trên con đường trở nên giàu có ngay cả khi họ chưa có tiền, bởi vì họ đang phát triển trí thông minh tài chính của mình và với tôi đó chính là sự giàu có.

Người giàu và người nghèo khác nhau như thế nào?

Nói một cách đơn giản: NGƯỜI GIÀU CÓ THỂ CHẾT ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ, TRONG KHI NGƯỜI NGHÈO CÓ THỂ GIẾT NGƯỜI ĐỂ CÓ TIỀN.

Nếu bạn thấy một người trẻ quyết định rèn luyện, học hỏi những điều mới, luôn cố gắng cải thiện bản thân không ngừng, hãy tin rằng anh ta là một người giàu có.

Nếu bạn thấy một người trẻ tuổi nghĩ rằng anh ta nghèo là do khách quan, rằng người giàu toàn là người xấu, kẻ trộm và luôn chỉ trích người khác, hãy tin rằng anh ta là một người nghèo.

Người giàu tin rằng họ chỉ cần thông tin và học hỏi để thành công, người nghèo nghĩ rằng người khác phải cho họ tiền để họ cất cánh.

Tóm lại, khi tôi nói rằng con gái tôi sẽ không lấy một người đàn ông nghèo, tôi không nói về tiền bạc. Tôi đang nói về khả năng tạo ra của cải ở người đàn ông đó.

Xin lỗi vì đã nói điều này, nhưng hầu hết tội phạm đều là những người nghèo. Khi đứng trước đồng tiền, họ mất lý trí, đó là lý do họ cướp giật, trộm cắp… Đối với họ đó là lối thoát vì họ không học hỏi được kỹ năng tự mình kiếm tiền.

Như chuyện về người bảo vệ nghèo của một ngân hàng, một lần anh tìm thấy một chiếc túi đầy tiền, anh ta đã lấy chiếc túi và đi đưa cho giám đốc ngân hàng.

Mọi người gọi người đàn ông này là đồ ngốc, nhưng thực tế người đàn ông này chỉ là một người giàu chưa có tiền.

Để cám ơn, ngân hàng mời anh làm lễ tân, ngoài giờ làm anh đi học. Ba năm sau anh được đề cử làm giám đốc khách hàng và 10 năm sau anh trở thành quản lý khu vực của ngân hàng này, dưới quyền anh có hàng trăm nhân viên. Thu nhập của anh bây giờ gấp nhiều lần số tiền anh trả lại ngày nào, lại có vị trí xã hội và lòng tự hào mà việc giấu diếm số tiền không thể đem lại!


VẬY, HÃY CHỌN NGƯỜI CÓ TƯƠNG LAI!

SƯU TẦM TRÊN FB. 

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Phương xa : NHẬT BẢN KHÔNG CÓ... - Mỹ Lan Phạm.

 



NHẬT BẢN KHÔNG CÓ NGÀY NHÀ GIÁO...


Một lần nọ tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp người Nhật, thầy giáo Yamamota:

 -Khi nào thì nước Nhật kỷ niệm ngày Nhà giáo, và các bạn tổ chức như thế nào?

Ngạc nhiên bởi câu hỏi của tôi, anh bạn Nhật trả lời:

 -Chúng tôi không có ngày Nhà giáo nào cả.

Nghe thấy câu trả lời của anh ta, tôi cũng không biết có nên tin hay không nên tin nữa. Trong tôi nảy ra ý nghĩ: “Tại sao một đất nước có nền khoa học, kỹ thuật và kinh tế phát triển như thế, mà lại cư xử thiếu tôn trọng với nhà giáo, với công sức lao động của họ”

Rồi sau giờ làm việc Yamamota mời tôi về nhà làm khách. Bởi anh ta sống xa trường học, nên chúng tôi đi bằng tàu điện ngầm. Vào giờ cao điểm buổi chiều, các toa của tàu điện ngầm chật cứng như nêm.

Khó khăn lắm tôi mới lách được vào trong toa, tôi đứng tay ghì chặt vào tay vịn. Bỗng đâu có một ông cụ, ngồi bên cạnh, nhường chỗ cho tôi. Không thể hiểu được hành vi tôn trọng từ một người đứng tuổi, tôi không thể chấp nhận lời đề nghị của ông. Nhưng ông cụ cứ khăng khăng nên buộc lòng tôi phải ngồi. Sau khi ra khỏi tàu điện ngầm tôi đề nghị Yamamota giải thích hành vi của ông cụ. Yamamota cười và chỉ vào chiếc huy hiệu thầy giáo trên áo tôi, và nói: 

- Ông cụ này nhìn thấy chiếc huy hiệu nhà giáo của bạn và để tỏ lòng tôn trọng cương vị của bạn nên đã nhường ghế ngồi của mình. 

Bởi là lần đầu tiên đến làm khách tại nhà của thầy giáo Yamamota, không tiện đến tay không, nên tôi quyết định mua quà. Tôi chia sẽ ý nghĩ của mình với Yamamota, anh bạn ủng hộ tôi và nói, phía trước có cửa hàng dành cho các nhà giáo, nơi có thể mua hàng với giá ưu đãi. Một lần nữa tôi lại không kìm nén được cảm xúc của mình:

- Đặc quyền chỉ dành cho các nhà giáo?, tôi hỏi.

Khẳng định lời của tôi, Yamamota nói:

- Ở Nhật Bản, thầy giáo đó là nghề được tôn trọng nhất, người được tôn trọng nhất. Các doanh nhân người Nhật rất là vui mừng, khi có các nhà giáo đến các cửa hàng của họ, họ cho đó là một vinh dự lớn đối với họ.

*

Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, tôi đã nhiều lần nhìn thấy cách người Nhật vô cùng tôn trọng các thầy cô giáo. Trong tàu điện ngầm có hẳn những chỗ riêng biệt cho họ, có những cửa hàng riêng biệt mở cho họ, các thầy cô giáo không phải xếp hàng mua vé cho bất kỳ loại phương tiện công cộng nào. Tuy không có một ngày lễ riêng cho các nhà giáo Nhật Bản như ở Việt Nam, nhưng vẫn tuyệt vời khi mỗi một ngày dường như đã là một ngày hội...

  Hãy để niềm tự hào đập trong ngực tất cả mọi chúng ta. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước tên gọi Thầy Cô giáo...


Sưu tầm

My Lan Phạm (https://www.facebook.com/pham.mylan)

Truyện tiếng Nam Kỳ: ÔNG GIÀ CÂU CÁ - Tử Yếng.

 



Truyện tiếng Nam Kỳ || ÔNG GIÀ CÂU CÁ.

Hồi chiều, qua đi dọc mé kinh coi thiên hạ giăng lưới, kiếm cá.

Đi rảo một hồi lâu qua mới ghé lợi cái quán cốc cất trên mấy cái cọc nhô ra mé nước, trong đó có độ chục người vừa ngồi uống nước, vừa nói chuyện tầm phào.

Dưới mé gần mấy bụi ô-rô có ông già đầu đội nón rách, 1 tay cầm cây dầm bơi lợi đậu kế bên qua uống nước, đoạn rồi cái ổng quăng câu rồi ngước mặt lên tằng hắn cái.

" Ừm,mmm...thầy hai ơi, thầy có huởn tay làm ơn cho qua xin ngụm trà đi thầy, sáng giờ uống nước kinh chột bụng quá đa!"

Tui nghe kêu cái chưng hửng rồi cũng lấy bình rót vô cho ổng 1 chung

" Thưa, trà đây"

Ổng khoát tay " hông hông, thầy lấy cái chén cái tô hay cái tượng đều đặng, chớ 1 chung này thắm tháp chi, như cọp ăn bù-mắt thầy ơi'

Thấy ổng cũng vui tánh, tui cũng tình thiệt lợi lấy cái tô rót cho ổng, ổng uống rồi cái lia lịa cảm ơn nhoi trời đất.

Rồi ổng giật trúng 1 con cá bự lung lắm, tháo câu xong ổng không câu nữa, rồi lấy nón rồi quạt, vấn thuốc rê lên giấy quyến rồi hút.

"Sao Thầy hông câu nữa đa"-tiu ló đầu ra hai tay gác lên cái tay vịn ở gần cây cột

" Ôi.. thầy ơi, 1 con đủ ăn cử chiều rồi đa, câu nhiều quá làm gì cho hết đặng, mắt công gọng hao lu hao kiệu nữa chớ chi. già rồi ăn qua ngày thôi, mà tui thấy thầy hơi lạ nha, chả hây thầy dân đây hay dân đâu lợi chơi"

'Dạ thưa con cũng dân chánh gốc đây, tại tự nhỏ đi học bên Tây nên ít về, mới về độ 2 năm nay"

"Chà chà, thấy dáng thầy bận áo dài láng-cón tui biết là dân có học mà con cháu nhà ai đa'

" Dạ thưa con là con bà 12 cháu ông Ngũ"

" Vậy đa, cháu của anh năm nay lớn bộn đa, nghe nói học bác-vật mừ, giờ mần sở nào"

"Dạ thưa giờ con lãnh chức chủ-quận bổn quận"

" Mèn đét ơi, mần quan coi sang cả sau ngồi quán cốc này, chà cha, chớ coi thầy bình dân qua cũng lấy làm mừng lắm đa, chớ mà hung hảng bà con mệt bộn lắm'

"Dạ đâu dám đâu Thầy, kẻ làm quan ôi cũng biết lễ-ngỡi Thánh-Hiền, học trường Tây cho biết cái khoa học nhưng lễ nghi vẫn giữ chớ, thấy kẻ sa cơ, người cùng thất thế phải hiệp tay tương trợ chớ lỵ, đời cá ăn kiến, kiến ăn cá mấy hồi Cửu ơi "

" Thầy nói phải đa, nhơn sanh cốt sống nhau cái ích lợi, chớ sách dạy Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn mà, cái bọn trời đánh thánh giật, ăn hiếp người thời cũng có ngày vong mạng, tán tận lương tâm mà ông trời có mắt thầy hai ơi'

"Dạ Thầy dạy phải lắm đa"

Nói chuyện với ổng một lát cái trời sụp tối, ổng nói xuống ghe chở về nhà rồi khi lên bờ tui xá tạ ổng, âu đời này kẻ nghèo còn có cái khí-phách hảo-hớn trượng-phu, còn biết luận luân-thường đạo lý, ăn không cầu no, ngủ không cầu ấm chỉ cốt ở sự hạnh-phước yêu thương nhau, làng xóm huề nhã tương ái.

Nói chuyện với ổng càng làm tui cố gắng tiết chế, làm tốt cho bổn quận, giảm thuế khóa, cho dân thơ thới, mở mang thêm học hiệu, chớ thời này thấy ổng sống vui thiệt nhưng nghèo quá qua không đành lòng đặng đa.

Tg: Tử Yếng


Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Phương xa : GIẢI TỎA ĐỀN BÙ... - Duy Lễ.

 



GIẢI TOẢ ĐỀN BÙ Ở MỸ

Duy Lễ 


Chúng tôi cưới nhau xong thì trở thành tay… đen (người ta tay trắng, còn mình tay đen) vì nợ (năm 2003). Chồng láo ngáo mới qua Mỹ, vợ còn đang đi học nên rất nghèo! Vậy mà hai năm sau cũng mua được căn nhà cũ do mượn ngân hàng (năm 2005).


Lần đầu tiên được lên chức chủ nhà, ngày đi làm, chiều về dồn hết sức cho căn nhà: cắt cỏ, chặt cây, dọn dẹp… Vì căn nhà bỏ hoang khá lâu, nên công việc ngập đầu!


Hơn hai năm sau, khi chuyện nhà cửa đâu vào đó thì một ngày đẹp trời, chúng tôi nhận được giấy từ Quận thông báo sẽ… giải tỏa, lấy đất để mở rộng đường! Họ nói sẽ có người tới đo đạc rồi sẽ thông báo chính thức sẽ lấy bao nhiêu đất, có lấy nhà hay không và cả giá cả đền bù bao nhiêu.


Một cảm giác hụt hẫng, lo sợ, bế tắc… vì không biết làm sao. Trong gia đình đã có người bị giải tỏa trong dự án kênh Nhiêu Lộc, thời ở Việt Nam cũng nghe qua về vụ Thủ Thiêm… nên lo sợ vì không biết tụi tư bản giãy chết này sẽ xử ta sao đây?


Trong cơn quẫn trí chợt nhớ ra một người khách hàng. Ông này rất rành rẽ về luật pháp, nhất là về nhà đất. Thế là đem câu chuyện của mình kể cho ông ta (với vẻ mặt đưa đám) và nhờ ông ta cho ý kiến. Sau khi nghe mình kể xong ông ta mỉm cười và phán một câu: Mày thật may mắn!


Tui trợn tròn hai mắt vì ngạc nhiên. Tui nghĩ chắc tiếng Anh tui quá tệ nên ổng hiểu chuyện này qua chuyện nọ. Tôi vội vàng chạy ra xe lấy tờ thông báo của quận cho ông ấy coi, rồi nói tiếng Anh tôi quá tệ nên nhờ ông đọc giúp tờ giấy này.


Ổng lại mỉm cười: Tao hiểu mày nói gì mà. Mày may mắn mà! Quận sẽ đền cho mày số tiền nhiều hơn giá trị của nhà, đất họ lấy. Mày không phải lo lắng gì hết, cứ đợi họ gửi tờ giấy thứ hai về đi. Khi nhận được tờ giấy đó xong, mày sẽ biết được họ sẽ đền cho mày bao nhiêu. Dù cho mày đồng ý với số tiền đó mày cũng nói không đồng ý. Họ sẽ tăng tiền lên. Mày nên đồng ý lần này vì nếu không đồng ý thì phải ra tòa phiền phức, mà cũng chẳng được thêm đâu.


Trút được gánh nặng ngàn cân, hai vợ chồng hồi hộp chờ đợi lá thư từ quận. Và rồi ngày đó cũng đến, họ đưa ra giá đền bù mình rất hài lòng (trị giá hơn một chiếc xe mới tinh dù chỉ lấy ít đất trước nhà). Hai vợ chồng làm đúng bài bản ông khách chỉ dẫn.


Mấy tuần sau lại một lá thư khác từ Quận được gửi tới. Số tiền lúc đó quá lớn đối với chúng tôi. Nó gần bằng 1/4 giá trị căn nhà chúng tôi đã mua mấy năm trước… Từ đó chúng tôi có vốn làm ăn và trở nên khá giả hơn. Sau khi dự án hoàn thành, họ làm vệ sinh sạch sẽ, làm mới con đường vào nhà. Cám ơn Quận đã giải tỏa và đền bù!


Đầu năm nay, chúng tôi lại nhận được lá thư từ quận. Họ lại muốn lấy đất mở rộng đường! Hai vợ chồng không buồn như ngày xưa mà lại vui. Vợ bảo mong sao họ lấy hết đất, hết nhà!!! Cuối cùng họ chỉ lấy có chút xíu thôi!


Chúng tôi vẫn dùng bổn cũ soạn lại. Điều đặc biệt là lần nào cũng vậy, ngoài tiền đền bù cho đất sẽ lấy, họ luôn trả thêm một khoản tiền thuê đất. Họ bảo họ có thể đổ ít đất đá, hoặc khi đào bớt có thể đất cát sẽ tràn qua phần đất của mình.


Hôm qua Chúa nhật, chúng tôi nhận được cú điện thoại của nhân viên đền bù. Bà ấy hỏi chúng tôi có muốn bà đem tiền (check) tới nhà không? Chừng một giờ sau, bà tới tận nhà đưa tiền, vui vẻ, niềm nở. Tôi không phải trả bất cứ khoản phí nào cho bà cả. Tôi nói đùa muốn gặp bà nhiều lần nữa trong tương lai. Dù chỉ vài ngàn đồng nhưng cách nhân viên công vụ làm việc khiến tôi rất vui.


Mười mấy năm trước tôi chỉ là công dân hạng hai nhưng vẫn được đối xử công bằng như tôi được đối xử ngày hôm nay (là một công dân Mỹ). Không cần biết lấy đất, nhà của người ta vì mục đích phục vụ cho việc gì: mở đường, xây nhà thương, trường học nhưng người bị lấy đất, nhà phải được đền bù xứng đáng! Đó là nguyên tắc của bọn tư bản giãy chết!


Tôi có một mong muốn tột bậc, một ước mơ tột… đỉnh là những người dân Thủ Thiêm và nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam, được đối xử và đền bù chỉ bằng bọn tư bản giãy chết đối xử với công dân hạng hai của nó, là tôi hạnh phúc lắm rồi!

DUY LỄ.

( Trên FB Nguyễn Xuân Diện )

Thơ : NẾU KIẾP SAU - Đồng Ánh Liễu.

 



NẾU KIẾP SAU ...


Nếu kiếp sau chúng mình còn được gặp

Người có là tri kỷ của ta không?

Có cùng ta tha thiết kể chuyện lòng

Cùng thấu hiểu - cầu mong nhau hạnh phúc


Nếu kiếp sau trong vòng đời trong đục 

Hai đứa mình gặp từ lúc còn thơ

Người có thương đôi mắt sáng ngây ngô

Mà ở cạnh bên đời ta mãi mãi 


Nếu kiếp sau hai chúng mình gặp lại

Người có cầu được sánh bước bên ta

Chia chuyện đời - chia cả những xót xa

Cùng nhau vượt những can qua trần thế


Nếu kiếp sau được gặp nhau - có thể!

Ta ước người luôn kề cận bên ta

Lau giùm ta giọt nước mắt nhạt nhoà

Và yên lặng cho ta bờ vai ấm


Có kiếp sau xin đừng là lạ lẫm

Rồi thâm trầm lặng lẽ bước qua nhau

Như kiếp này - tình tri kỷ thâm sâu

Cũng xa xót - cả đời đâu có gặp...!


Duyên hay Nợ trời cao đã sắp đặt

Phận không tròn - kiếp này mãi xa xôi..


ĐỒNG ÁNH LIỄU. 


Thơ tranh : CHÚT XƯA NGẬM NGÙI - Thạch Thảo BD.

 


Thơ : MIẾNG CƠM TRẮNG... - Liên Phạm.

 



MIẾNG CƠM TRẮNG ĐẦU TIÊN

       (để nhớ những năm 1977- 1978)


Mỗi bữa cơm tôi vẫn mời Mẹ trước

Dẫu cho bao năm tháng Mẹ xa rời

Miếng đầu tiên luôn luôn là cơm trắng

Tưởng tiếc thời xưa ấy- Mẹ và tôi


Có món ngon nhớ những ngày khoai độn

Quanh xóm giềng nhà khác cũng không no

Rau tập tàng nấu lên ăn qua bữa

Thương tôi còn nhỏ quá, Mẹ nhường cho...


Từng hạt cơm ngày đó là hạt ngọc

Nồi đầy khoai, cơm chỉ dính quanh vành

Tôi thường ngắm những hạt rời ít ỏi

Nói: "Mẹ à, cơm trắng đẹp long lanh!"


Ai ngờ được lúc thiếu thì gần gũi

Nhà đơn sơ vẫn ấm áp cùng nhau

Giờ khoai sắn giá cao còn hơn gạo

Mẹ xa rồi, nhớ quá biết tìm đâu!


Cơm thơm chín, bưng chén đầy tôi gọi:

"Mời Mẹ về, Mẹ dùng bữa cùng con!"

Miếng cơm trắng đầu tiên lòng hoài niệm

Mẹ ngày xưa chẳng mấy món ăn ngon...

LIÊN PHẠM- 30/10/23

( Trang Văn Chương Miền Nam )



Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Cuộc sống : CHỈ MỘT CHỮ "ĐỢI" - Quan Võ (st trên FB)

 



  CHỈ MỘT CHỮ "ĐỢI"


Biết bao nhiêu người thua bởi chỉ một chữ “Đợi” trong cuộc đời.


Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (Sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng:

- “Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.


Lúc đó Thân Loan trả lời: 

- “Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.


Vị thiền sư nói:

 - “Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.


Thân Loan nghe xong liền nói: 

- “Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.


Vị thiền sư nghe xong liền nói:

- “Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.


Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi. Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”:


   Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.


  Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi:


1 - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, 

      bạn sẽ chết vì đói.

2 - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi 

      suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

3 - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, 

      thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

4 - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, 

      muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

5 - Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có 

      nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.


Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! 


 Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có

 ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình 


    (Sưu tầm)


Thiên nhiên : PHƯỢNG TÍM - St trên FB.

 



PHƯỢNG TÍM ( JACARANDA )


Phượng Tím tên khoa học là Jacaranda mimosifolia,  thuộc họ Bignoniaceae, nguồn gốc Nam Mỹ,  không cùng  họ với Phượng Đỏ , được kỹ sư Lương Văn Sáu sinh năm 1942, quê An Giang, tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông Pháp mang từ Pháp về trồng tại Đà Lạt năm 1962 Cây phải trồng bằng hạt, vì thế sau khi đã du nhập một số cây vào Việt Nam, việc nhân rộng khá chậm chạp vì không thể giâm cành, mãi đến năm 1994, kỹ sư nông học Lương Văn Sáu mới thành công việc nhân giống Phượng Tím bằng phương pháp chiết cành, rồi dùng một loại hoá chất  kích thích  việc mọc rễ và đã thành công .


Sau ông , nhiều chuyên viên sinh học  đã áp dụng phương pháp này nên từ khởi đầu chỉ có 3 cây phượng tím , ở đầu dốc trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (Chợ đêm Đà Lạt), ở vườn hoa Bích Câu (gần Vườn hoa Đà Lạt) và  ở trước cổng vào nhà hàng Thủy Tạ ( Khoảng năm 2009 cây này  ngã đỗ vì bão và đã được trồng cây khác vào đúng vị trí ấy và năm 2019, lại bị ngã đổ lần nữa và cũng được trồng lại ).


    Nay Đà Lạt đã có đường Phượng Tím, trải dài 6200m từ  đầu đường Trúc Lâm Yên Tử. Từ đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai tới Trung tâm chợ Đà Lạt Hiện nay ở Sài Gòn, Khánh Hoà, Cần Thơ, Hà Nội cũng  đã lác đác trồng Phượng Tím. Ở Huế cũng có vài cây Phượng Tím nhưng ra hoa rất ít. Loại cây này thích hợp với khí  hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới Tại Mỹ, Phượng Tím có thể thấy ở bang California, tây nam Arizona, đông nam Texas và Florida...

Ở Châu Âu, ta có thể thấy trên toàn bộ bờ biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha, quần đảo Balearic, Andalusia, Bồ Đào Nha,  Hy Lạp,Ý và đảo Malta, Sip Phượng  Tím cũng được trồng nhiều ở Úc và được xem là hoa thi cử. Các cô cậu học trò vẫn kháo nhau nếu hoa phượng tím rớt trên đầu, kết quả thi cử chắc chắn sẽ tốt. 

Phượng Tím ra hoa rộ vào tháng 3, 4 ở Việt Nam . Mầu tím nên thơ, rợp cả một khoảng trời thơ mộng góp thêm bội phần cảm hứng và  lãng mạn cho tâm hồn du khách ngắm nhìn.

( ST )

Một thời : COI BÓI TRÊN ĐỒI... - Võ Thu Phương.

 



COI BÓI TRÊN ĐỒI NÔNG LÂM.


Hồi đó các lớp đều phải thay phiên nhau đi trực giảng đường chữ U. Cứ chiều xuống, ban cán sự lớp kêu sinh viên xách chiếu lên canh chừng giảng đường, tới sáng hôm sau thì tha cho về. Đêm dài buồn quá, nên nhiều anh hay bày chuyện coi bói giúp mấy nhỏ con gái chưa có người yêu. Nhưng mấy chị lớn tuổi trong lớp dặn kỹ lắm: “Cho coi bói nhưng đừng cho tụi nó nắm tay.” Mình hỏi tại sao không cho nắm tay thì mấy chị nạt: “Hỏi ngu vừa thôi”.

Võ cô nương năm đó mới 17 tuổi, có tiếng là ngu nhất phòng nội trú.

Cả lớp ngồi đuổi muỗi tới 12 giờ đêm là buồn ngủ khủng khiếp. Không biết chữ U có cái gì trong đó mà đêm nào cũng bắt sinh viên thay nhau canh gác. Nữ sinh ngồi ngáp bên này, nam sinh ngồi đánh bài bên kia.

Mấy anh lớn tuổi nghe mình ngáp to quá thì kêu: “Phương ơi, qua đây thằng YY coi bói cho.” Anh YY nổi tiếng coi bói hay, anh coi cho đứa nào là đứa đó có người yêu liền. Vậy là mình mừng quá, chạy qua nhập bọn với mấy anh. Nhưng ngu thì ngu nha, cũng vẫn nhớ lời mấy chị dặn, nên mình chìa tay ra mà cười toe toét:

- Cho coi bói đó nhưng không được nắm tay.

Mấy anh cười ầm lên:

- Không nắm tay sao coi được?

- Ừa, dzậy đó. Chỉ được coi, nhưng không được nắm.

Vậy là anh YY chán, bói lung tung, không thấy nói gì tới tình yêu. Sau lần đó, mình không thèm cho anh nào coi bói nữa.

*

Thất vọng với chuyện coi bói nắm tay của bên nam sinh, nữ sinh chuyển qua tự coi bói cho nhau. Trong phòng mình có chị XX, người thâm trầm ít nói. Mà người càng ít nói, càng đạt được sự tin cậy. Vì vậy mà khi chị chuyển sang hành nghề bói toán, cả cư xá đồn nhau kéo tới nhờ vả. Phải khó khăn lắm mình mới xin được chị chiếu cố cho một xuất tình duyên. Thời đó, chả đứa nào thèm xem bói chuyện thi cử hay tiền bạc, mấy thứ đó có cũng như không, tụi mình chỉ thích xem bói chuyện yêu đương thôi.

Chị XX chuyên bói bài. Mỗi lần chị coi bói, cả đám ngồi bệt dưới đất thành khẩn nghe chị phán. Mình chỉ mới nhìn chị xóc bài thôi là run lắm rồi, khấn vái lia lịa, cứ cầu cho chị bói ra anh người yêu tương lai của mình. Chị XX đặt 4 con bồi xuống đất, xếp thành hàng ngay ngắn, rồi chị trịnh trọng nói:

- Con Phương chú ý nghe, tập trung nghe. Mày nghĩ tới 4 người đang để ý mày đi.

- Cái gì? Ở đâu ra? Em làm gì có tới 4 người?

Chi XX cằn nhằn:

- Chẳng lẽ học cả năm trời ở đây mà không có người nào để ý?

- Họ để ý hay không sao mà biết được. Chị phải bói cho em biết là đứa nào để ý em chứ.

Chị XX đâm bực mình:

- Thì mày nghĩ tới 4 người mày thích.

- Nhưng em chưa kịp thích ai mà 4 người nhiều quá, sao em có liền được.

Chị XX đuổi luôn:

- Khỏi bói cho mày nữa. Hèn gì ai cũng nói mày khờ nhất phòng. Có nghĩ thôi cũng không làm được.

Buồn qua chừng luôn.

*

Một lần khác, cơ hội lại đến. Mình nghe nhỏ bạn tố giác, phòng 9C hay rủ nhau đi coi bói ngoài Hồ Đá. Năn nỉ dữ lắm mấy chị mới cho theo, nhưng dặn kỹ: “Cho mày đi theo nhưng nói ít ít thôi nghe, không hỏi lung tung nghe”. Buổi chiều hôm đó mình không về nhà phụ má cho heo ăn, tắm heo mà khăn gói theo mấy chị đi tìm người yêu.

Hành trình ngang qua trại cưa, ở đó sinh viên Kinh Tế 10 trấn thủ nên chị em tản ra đi riêng lẻ, làm như không quen gì nhau, không có cùng mục đích đi chung. Nhà bà thầy bói ở đường ra Hồ Đá. Nghe đồn bà bói giỏi lắm, nhưng vẫn nhận bói làm phước cho sinh viên, không ra giá, ai cho gì nhận đó. Mà sinh viên cũng nghèo, có vài đồng đi coi bói là phải dành dụm dữ lắm.

Buổi chiều nắng rất khô. Mỗi khi xe chở đá chạy ngang, cả con đường chìm trong bụi đỏ. Vậy mà giữa màn bụi đỏ mịt mùng đó tụi mình vẫn bị mấy thanh niên trong công trường nhìn thấy, họ kêu réo um sùm:

- Mấy em ơi! Mấy em đi coi bói hả?

Họ cười hô hố, thiệt là xấu hổ, làm cả đám cúi đầu bỏ chạy.

Căn nhà nằm dưới chân đồi, hiu quạnh giữa đồng cỏ. Hoa cỏ lào mùa nắng không tím mà trắng xóa. Màu trắng phủ lan man tới tận thềm nhà. Bốn cái vách trống hoang, nhưng căn phòng coi bói được vây màn rất kín. Bởi vậy mà khi tới phiên, mình sợ chết khiếp, phải kéo một chị trong phòng đi theo.

Bà thầy bói ngồi trong bóng tối, không rõ dung nhan. Bao nhiêu năm sau đó, mình cứ hỏi, bà xấu đẹp ra sao, trẻ hay già, thậm chí là đàn ông hay đàn bà, nhưng không có câu trả lời. Chắc đứa nào khi vô phòng cũng run quá, không còn để ý tới người xem bói.

Bà thầy cầm tay mình, xem xét rồi nói:

- Người yêu cô thì nước da đen. Người không yêu cô thì nước da trắng.

- Ui! Mà anh đó tên gì vậy… dì?

Bà xua tay ra vẻ không thể nói thêm, thiên cơ bất khả lậu. Chị ngồi kế bên sợ mình hỏi ngu nữa, nắm tay lôi tuột ra ngoài.

Nhưng lời nói của bà như tiếng sét, nó phang xuống một phát ngay lỗ tai mình, làm mình bàng hoàng, ngây ngất. Kể từ hôm đó mình quyết tâm đi tìm anh nào có nước da màu đen. Nhưng con trai Nông Lâm anh nào cũng có nước da đen thui.

Thành ra gặp anh nào, mình cũng tưởng họ yêu mình.

Hoang mang đi tìm hết một quãng đời sinh viên, cuối cùng mình mới hiểu ra, bà thầy bói nói nhầm .

VÕ THU PHƯƠNG TT11

#nonglamngayyeudau


Nơi xa : TRẦN MỘNG TÚ - Cao La (st)




TRẦN MỘNG TÚ

Thi Sĩ Việt Nam Đầu Tiên 

Vào Sách Giáo Khoa Trung Học Mỹ 

----------------------------------------------


Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dạy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng Thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”

Hai tác phẩm trên được đem ra để dạy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe - McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường trung học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị Tổng Thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú

Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại. 

Bài diễn văn do Tổng Thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một “chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.”

Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nợi người đọc. Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình. Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào. 

Để quý vị thông cảm với tác giả Trần Mộng Tú, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn 2 bài thơ của thi sĩ bằng tiếng Việt dưới đây. Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh (Trong American Literature textbook) và bài Giấc Mơ Hòa Bình (Trong Vision of War, Dream of Peace)


Quà Tặng Trong Chiến Tranh


Em tặng anh hoa hồng

Chôn trong lòng huyệt mới

Em tặng anh áo cưới

Phủ trên nấm mồ xanh


Anh tặng em bội tinh

Kèm với ngôi sao bạc

Chiếc hoa mai màu vàng

Chưa đeo còn sáng bóng


Em tặng anh tuổi ngọc

Của những ngày yêu nhau

Đã chết ngay từ lúc

Em nhận được tin sầu


Anh tặng em mùi máu

Trên áo trận sa trường

Máu anh và máu địch

Xin em cùng xót thương


Em tặng anh mây vương

Mắt em ngày tháng hạ

Em tặng anh đông giá

Giữa tuổi xuân cuộc đời


Anh tặng môi không cười

Anh tặng tay không nắm

Anh tặng mắt không nhìn

Một hình hài bất động


Anh muôn vàn tạ lỗi

Xin hẹn em kiếp sau

Mảnh đạn này em giữ

Làm di vật tìm nhau.


Tháng 7/ 1969


Giấc Mơ Hòa Bình


Em nghe nói hòa bình

Trên những tờ nhật báo

Em nghe nói hòa bình

Trên miệng người lãnh đạo


Em để lòng khờ khạo

Ôm giấc mơ hòa bình

Mong chiến tranh chấm dứt

Anh giã từ đao binh


Tin về từ trận tuyến

Anh chết giữa chiến trường

Ôi giấc mơ khờ khạo

Chỉ còn là đau thương


Từ khi em ra đời

Từ khi có trí khôn

Em thấy toàn chém giết

Em thấy toàn máu xương


Từ khi em biết nghe

Từ khi em biết nói

Toàn những lời giả dối

Toàn những lời hứa suông


Từ khi em biết yêu

Từ khi em biết nhớ

Anh đã dặn đợi chờ

Rồi anh không về nữa


Ôi giấc mơ khờ khạo

Ôi giấc mơ hòa bình

Xây giữa lòng tham bạo

Chết trước khi thành hình


Ôi lòng non bé nhỏ

Như giấy trắng thơm tho

Vết mực đen loang lổ

Làm hoen ố hồn thơ


Em đã biết giận thù

Biết cuộc đời dối trá

Trang nhất nói hòa bình

Trang tư toàn cáo phó


Em không còn bồng bột

Tin những lời đầu môi

Em bắt đầu tỉnh ngộ

Thì đã mất anh rồi


Ôi giấc mơ hòa bình

Anh trả bằng sự sống

Em trả bằng tủi hờn

Bằng một đời đơn độc


Tháng 7/1969


Cao La    

   ( sưu tầm ) 


Ảnh :Nhà thơ nhà văn Trần Mộng Tú (Ảnh:Uyên Nguyên)