Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Chuyện dịch : NỔI OAN CỦA THẦN CHẾT - Nam Nguyen dịch.

 



NỔI OAN CỦA THẦN CHẾT... 


— Ông có phải là thợ rèn không?


Một giọng nói bất ngờ vang lên sau lưng, làm cho thợ rèn giật mình. Ông cũng không nghe thấy có người mở cửa và đi vào trong.


— Bà đã bao giờ thử gõ cửa chưa? – ông trả lời thô, vừa trách mình vừa trách người khách quá nhanh nhẹn.

— Gõ cửa à? … Chưa thử, - giọng nói đáp lại.


Thợ rèn lấy khăn trên bàn, lau tay và từ từ quay lại, lúc đó đang nghĩ trong đầu sẽ trách mắng khách lạ như thế nào. Nhưng rồi mọi lời nói còn nguyên trong đầu vì trước mặt không phải là một vị khách bình thường.


— Ông có thể uốn lại cái lưỡi hái của tôi không? – giọng nói nữ khàn hỏi.

— Vậy là hết? Kết thúc? – thợ rèn thở dài và vứt khăn lau tay đi.

— Chưa hết, nhưng tệ hơn trước rất nhiều - Thần Chết đáp.

— Hợp lý - Thợ rèn đồng ý - không thể tranh cãi được. Giờ tôi phải làm gì?

— Uốn lại cái lưỡi hái - Thần Chết kiên trì nhắc lại.

— Và sau đó?

— Sau đó mài lại nếu được.


Thợ rèn nhìn chiếc lưỡi hái. Đúng vậy, trên lưỡi có mấy vết sứt mẻ, và hình dạng cũng như sóng rồi.


— Tôi hiểu rồi - ông gật đầu - còn tôi phải làm gì? Cầu nguyện hay đóng gói đồ đạc? Lần đầu, nên còn bỡ ngỡ…

—  À… Ý ông là vậy - Thần Chết lắc đầu và mỉm cười - tôi đến đây không phải vì ông. Tôi chỉ cần sửa lại cái lưỡi hái. Ông làm được không?

— Vậy là tôi chưa chết? – thợ rèn hỏi, tay thì tự sờ lại người.

— Ông biết rõ hơn. Ông cảm thấy thế nào?

— Có lẽ là bình thường.

— Có buồn nôn, chóng mặt, đau đầu không?

— Không - thợ rèn không tự tin trả lời, đồng thơi lắng nghe cơ thể mình.

— Vậy thì ông không có gì phải lo - Thần Chết trả lời và đưa liềm cho ông.


Thợ rèn cầm nó bằng tay cứng đơ và bắt đầu xem kĩ hơn. Công việc này chỉ cần nửa tiếng, nhưng vì biết ai sẽ đứng sau lưng chờ, nên có lẽ phải mất ít nhất vài tiếng.

Thợ rèn từ từ bước đến cái đe và cầm lấy cây búa.


—  Bà có thể ngồi xuống. Chẳng nhẽ cứ đứng mãi?! – thợ rèn đề nghị với giọng dễ chịu và mến khách.


Thần Chết gật đầu và ngồi lên ghế, dựa lưng vào tường.

Công việc đã gần xong rồi. Ông uốn cho lưỡi thẳng rồi, cầm đá mài và nhìn vị khách.


—  Xin lỗi vì sự thẳng thắn, tôi không thể tin là tay tôi cầm thứ đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng! Không có vũ khí nào trên thế giới có thể so sánh với nó. Thực sự không thể tin nổi.


Thần Chết đang ngồi thoải mãi và nhìn nội thất trong xưởng bỗng dưng căng thẳng hơn. Đầu của vị khách từ từ quay về phía thợ rèn.


— Ông vừa nói gì? – vị khách hỏi nhỏ.

— Tôi nói là không tin là đang cầm vũ khí mà…

— Vũ khí? Ông nói vũ khí?

— Có lẽ tôi nói hơi quá, nhưng…


Thợ rèn chưa kịp nói xong. Thần Chết ngay lập tức đứng dậy và đã đứng trước mặt thợ rèn rồi.


— Ông nghĩ tôi đã giết bao nhiêu người? – khách hỏi.

— Tôi… Tôi không biết, - thợ rèn cố gắng trả lời và nhìn xuống.

— Trả lời đi! - Thần Chết cầm vào cằm ông và bắt nhìn thẳng - bao nhiêu?

— Tôi không biết…

— Bao nhiêu? – vị khách hét vào mặt thợ rèn.

— Làm sao tôi biết được? – thợ rèn cố gắng nhìn đi chỗ khác.


Thần Chết thả ông và im lặng vài giây. Sau đó quay lại chỗ ngồi và thở dài.


—  Vậy là ông không biết bao nhiêu? Tôi sẽ nói cho ông là tôi chưa bao giờ, nghe rõ không? Tôi chưa từng giết ai. Ông nghĩ sao?

— Nhưng… Là sao?…

— Tôi chưa từng giết người. Tôi đâu cần làm điều đó, con người tự làm việc đó rất tốt mà? 

Con người tự giết lẫn nhau. Con người! Con người có thể giết vì những tờ giấy, vì phẫn nộ và căm thù, thậm chí con người có thể giết chỉ để giải trí. 

Còn khi con người thấy chưa đủ, họ bắt đầu chiến tranh và giết nhau hàng trăm, hàng nghìn. Con người thích. Con người phụ thuộc vào máu của người khác.

 Và ông biết điều gì tệ nhất không? 

Con người không thể tự thừa nhận điều đó! 

Các người thà đổ hết lỗi cho tôi, - vị khách im lặng một lúc -  ông có biết trước đây trông tôi thế nào không? 

Tôi là một cô gái xinh đẹp, tôi đón tiếp các linh hồn với hoa và dẫn họ đến nơi họ thuộc về. Tôi mỉm cười với họ và giúp họ quên đi những gì đã xảy ra với họ. Đã lâu lắm rồi… Hãy nhìn tôi bây giờ!


Vị khách hét lên, đứng dậy và bỏ mũ trùm ra.


Trước mặt thợ rèn là một bà già mặt mũi nhăn nheo. Những sợi tóc bạc, môi khô, răng lệch. Nhưng đáng sợ nhất là đôi mắt. Đôi mắt vô hồn nhìn thợ rèn.


— Hãy nhìn xem tôi đã thay đổi thế nào! Ông biết vì sao không? – bà bước về phía thợ rèn.

— Không - ông lắc đầu.

— Tất nhiên là không biết rồi - bà nhếch mép - các người đã biến tôi thành như vậy!

 Tôi đã chứng kiến người mẹ giết con, anh em giết nhau, tôi chứng kiến một người có thể giết 100, 200, 300 người khác chỉ trong một ngày!.. 

Tôi đã khóc khi nhìn thấy, tôi la hét vì không hiểu, vì bất lực, vì sợ hãi… 


Đôi mắt của Thần Chết bắt đầu lấp lánh.


—  Tôi đã thay chiếc váy xinh đẹp sang bộ đen tối này, để không rõ vết máu của những người mà tôi tiễn.

 Tôi trùm mũ để họ không nhìn thấy tôi khóc. 

Tôi không tặng hoa cho họ nữa. Con người đã biến tôi thành quái vật. Xong lại đổ hết lỗi cho tôi. Tất nhiên rồi, vì như thế là đơn giản nhất… - bà nhìn chằm chằm ông thợ rèn, - tôi chỉ tiễn, chỉ lối, tôi không giết người… 

Hãy trả lại liềm của tôi, kẻ ngốc!


Thần Chết giật chiếc liềm, quay đi và bước về phía cửa.


— Tôi có thể hỏi thêm một câu không? – tiếng nói từ sau lưng.

— Ông muốn hỏi là vậy thì vì sao tôi luôn mang chiếc lưỡi hái này đúng không? – vị khách dừng lại trước cửa nhưng không ngoảnh mặt lại.

— Đúng vậy.

— Trên con đường đến thiên đàng… đã từ lâu cỏ mọc um tùm...

NAM NGUYEN (dịch).


Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Thơ tranh: NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI - Thạch Thảo BD.

 


Thơ : ĐẾN VỚI DÒNG SÔNG - Thuy Hà.

 



ĐẾN VỚI DÒNG SÔNG. 

Khi buồn lại đến với dòng sông

Nhìn nước chảy yên bình thanh thản

Ngắm hàng cây nghiêng trong gió lộng

Nhớ con đò đưa khách qua sông.


Sông còn đó sao giờ thấy lạ

Chắc  đò xưa đã đổi người chèo

Gió nhạt nhòa lạc về muôn nẻo

Giấu mây vào tím thẫm bờ xa.

THUY HÀ. 

Thơ : BÂNG KHUÂNG - Kim Dung.




 BÂNG KHUÂNG 


Mỗi ngày tóc mỗi bạc thêm

Biết còn có đươc bao đêm để sầu

Để buồn thao thức lo âu

Chuyện ngoài tầm với cớ sao nặng lòng

Hình như trời đã sang đông 

Dăm ba chiếc lá rơi trong nắng chiều

Một trời trống vắng đìu hiu

Một đời đành lỡ với nhiều ước mơ 

Bâng khuâng đứng giữa đôi bờ

Khổ đau hạnh phúc thẩn thờ bước chân.

KIM DUNG 

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Vui cười : NỖI KHỔ ĐÀN ÔNG - Sưu tầm.

 NỖI KHỔ ĐÀN ÔNG. 



SƯU TẦM 

Lịch sử : MINH OAN... - Gia Nghĩa chia sẻ.

 




MINH OAN TRẦN KHẮC CHUNG VÀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA 

       


Từ xưa đa số người Việt mặc nhiên cho rằng Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công Chúa là một mối tình. Họ kể truyền miệng đời này qua đời khác thành ra vô tình đã “Đóng Đinh” đó là một mối tình như có thực. Chính tôi từ mấy chục năm qua cũng tin như vậy. 

Cứ cho là trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân Công Chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người “Tình cũ” lại được “tái hợp”. 


Cuộc cứu hộ Công Chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài có đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.

Mãi cho đến khi thành phố Huế xây dựng Trung tâm văn hóa Huyền Trân, mà dân Huế gọi là Đền thờ Huyền Trân Công Chúa; tôi có dịp đến viếng, tìm hiểu cặn kẽ, đọc kỹ sử liệu và văn bia tại đền thờ, thật sự tôi đã sững sờ, ngỡ ngàng khi biết ra sự thật có trong sử liệu và văn bia tại Đền Thờ do Ban Nghiên Cứu Sử uy tín đã viết lại cho đúng sự thật. Ôi! Một nỗi oan đã kéo dài với thời gian mấy thế kỷ, mà không ai minh oan cho hai người. 


Theo sử liệu, khi Công Chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long, chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, Lão Tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão Tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được Lão Tướng dạy cho học thêu thùa. 

Công Chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của Danh Tướng Trần Hưng Đạo. Lúc đó, Lão Tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô Công Chúa 13 tuổi là cháu ngoại của Trần Hưng Đạo được. Thuở xa xưa trên 700 năm trước đó, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.


Cho đến khi vua Trần sai đi cứu Công Chúa là vì Lão Tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được Công Chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. 

Lúc này Công Chúa mới sinh Hoàng Tử được 2 tháng. Lão Tướng Khắc Chung đã tương kế tựu kế, vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành (Chế Mân chết, Chế Cũ lên nối ngôi vua cũng chỉ mới trên dưới 15 tuổi, là con trai của bà Hoàng hậu lớn của Chế Mân, còn con của Huyền Trân là Chế Chí mới sinh được 2 tháng) vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép Công Chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua Cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa. 

Triều đình Chiêm Thành đã bị mắc mưu của Lão Tướng Việt Nam, đã bằng lòng cho Công Chúa Huyền Trân ra biển để bái biệt vua cha. 

Vừa hay trời phù hộ cho Lão Tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, Lão Tướng đưa Công Chúa qua thuyền nhẹ, và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. 


Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới Công Chúa nhà Trần. 

Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của Lão Tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. 

Tại sao phải giấu tung tích? 

Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung và Công Chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hải trình ra Bắc. 

Tuy được cứu thoát, nhưng Công Chúa trong tâm trạng mất một đứa con trai đầu lòng mới 2 tháng tuổi, cùng với nỗi đau vừa mất chồng, cùng nỗi sợ hãi vừa thoát lên giàn hỏa thiêu. Thử hỏi trong tâm trạng đau buồn mất chồng, mất con, và lo sợ như thế, còn tâm trạng đâu để dan díu, ngoại tình? 


Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung và Công Chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. 

Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. 

Đó là nỗi oan của Lão Tướng Trần Khắc Chung và là nỗi oan của sương phụ Huyền Trân mà ngày nay chúng ta phải hiểu và đánh giá lại cho rõ ràng.  

Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc cứu bệnh cho dân. 

Tôi ước mong rằng người Việt Nam ta ai cũng có dịp đến viếng đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế để có dịp tận tường đọc kỹ văn bia và sử liệu chính thức đáng tin cậy để minh oan cho Công Chúa Huyền Trân và Lão Tướng Trần Khắc Chung. 

Riêng tôi, sau lần có dịp đến viếng đền thờ và đọc cặn kẽ sử liệu, văn bia. Tôi đã thắp hương cúi đầu chân thành tạ lỗi với người xưa, vì mình đã lầm tưởng mấy chục năm qua chỉ vì hai chữ “tương truyền”, oan cho một người phụ nữ đoan hạnh và một vị Lão tướng tài ba.


GIA NGUYỄN ( chia sẻ từ Thành Phố Gió.)

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Thơ: RỒI CŨNG QUA... - Kim Dung.

 



RỒI CŨNG QUA ...


Giật mình tuổi đã xế chiều

Bâng khuâng một chút thật nhiều nghĩ suy

Ngày nào chập chững bước đi

Mà nay đã thấy mắt mi nhạt nhòa

Kiếp người với những âu lo

Lo đêm giông bão lo ngày gió mưa

Đôi khi ngồi nhớ chuyện xưa

Vẫn còn ray rứt vẫn chưa thỏa lòng

Nhìn ra vũ trụ mênh mông

Thấy mình nhỏ bé cũng không là gì

Nên dù có ước điều chi

Cũng không qua lẽ huyền vi đất trời

Thôi thì hãy cứ rong chơi

Buồn vui ngày tháng một đời cũng qua.

Kim Dung

Thơ: LỤC BÁT TRẦN GIAN - Thuy Hà.

 




LỤC BÁT TRẦN GIAN.

Tháng ngày vùn vụt trôi qua

Ngồi buồn ngẫm nghĩ nhớ ra nợ đời

Nợ bông lúa chín của trời

Nợ manh áo mặc của người thế gian

Nợ đời... Nợ những gian nan

Nợ tình yêu lắm đa đoan muộn phiền

Nợ anh...Chuyện cũ truân chuyên

Chúng mình không thể đoàn viên xum vầy

Chiều buồn... Nợ áng mây bay

Đêm về... Nợ bóng trăng lay hiên nhà

Cuối cùng ta nợ cả ta

Nợ điều đã hứa... Nhớ ra chưa làm

THUY HÀ. 

 


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Đời sống : NGON NHƯNG CẨN THẬN! - Van Hieu Pham.

 



NGON NHƯNG CẨN THẬN! 

Những lúc gần đây tại hải ngoại (tại VN cũng có lâu rồi!) có thấy xuất hiện một món giải khát mới.  Đó là trà sữa hay Bubble tea.

Đây là một món giải khát khá ngon và thường được bán tại các tiệm nước ở phố Tàu. Rất đẹp mắt. Uống bằng ống hút thật lớn. Mát rượi, nhai hơi dai dai, ngon ơi la ngon.


Các viên bột bán tapioca đều được sản xuất từ Đài Loan và Trung Quốc. Nhà kinh doanh vì lợi nhuận đã sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, những chất cấm để làm phụ gia. Rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu thụ.


Đó là các chất plastic, các loại dầu thực vật rẻ tiền, hóa chất lạ có arsenic ( thạch tín ), các chất phụ gia bị cấm, sulfate sodium ( chất tẩy rửa ), đường hóa học v,v…


Uống thường xuyên có thể bị cancer, bệnh tim mạch và có hại cho não.

VAN HIEU PHAM. 

Thơ : THƯƠNG NHỚ TRIỀN MIÊN - Thuy Hà.

 



THƯƠNG NHỚ TRIỀN MIÊN 

Nếu như sông không có lục bình hoa tím

Thì cô bé ngày xưa chẳng biết hẹn hò

Bằng những bài thơ đựng trăm ngàn kỷ niệm

Về cầu Gành,Cù Lao Phố nối bờ vui.


Nếu như nắng bên kia sông không vàng rực

Thì vạt áo dài đã chẳng khóc tương tư

Cũng bởi hoàng hôn vội buông rèm thao thức

Nên răng khểnh đành khép lại nụ cười duyên.


Nếu như mây ngang nhà anh không dừng lại

Thì chẳng có cơn mưa bất chợt làm quen

Luống cuống bốn mắt nhìn nhau đầy vụng dại

Để gần cuối  đời vẫn thương nhớ triển miên.

THUY HÀ. 

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Thơ : MÀ NGƯỜI ĐÂU HAY - Thạch Thảo BD.

 



MÀ NGƯỜI ĐÂU HAY


Đến với người 

bằng lời thơ ngọt ngào âm điệu, 

Đến với người 

rụt rè như buổi mới yêu.

 

Có con chim vịt kêu chiều 

Khắc khoải giấu tận cùng sâu kín. 

Theo người từ bình minh nắng giọi, 

Theo người từng giấc chiêm bao, 

Theo người dù bão giông gió giật, 

Vì sao yêu, mà thấy...nhói đau. 

Nét cọ cực kỳ lã lướt, 

Ngòi bút tay tiên có thép gang. 

In dấu lòng ta, hàng hàng vết cắt, 

Thắt thõm, phập phồng, chút xíu ...dối gian.

 

Người là bóng liêu trai, chập chờn ma quái 

là thỏi nam châm lực hít không rời 

hút ta vào quỹ đạo...khát khao ơi 

Ta yêu người... 

mà người đâu có hay,,,!


Thạch Thảo Bình Dương

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Thơ : DÒNG SÔNG THƯƠNG NHỚ - Tạ Trung.




DÒNG SÔNG THƯƠNG NHỚ. 

 Quê tôi có dòng sông thương nhớ

Nhánh lục bình theo sóng trôi xuôi

Hàng dừa nước trái đang mời gọi

Đám trẻ con bơi hái mỗi ngày


Cây cầu khỉ nằm ngang vững chãi

Mỗi chiều buông tan chợ em qua

Nhà tranh thô vách đất hiền hòa

Tiếng mẹ hát ru hời con ngủ


Nơi bến nước vẫn nằm xưa cũ

Chiếc xuồng con ba lá thân thương

Theo cha đi buông lưới đêm trường

Cá tôm quẩy đầy khoang lấp lánh


Dòng sông đó trăng về óng ánh

Sáng soi xem lúa trổ trên đồng

Ngơ ngẩn nhìn hướng mắt xa trông

Bóng em đứng trên triền đê nhỏ


Quê hương ơi mãi là muôn thuở

Dấu yêu từng mảnh đất vườn rau

Tuy đi xa vẫn nhớ dạt dào

Chiếc xuồng cũ, dòng sông thương nhớ!

TẠ TRUNG.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Thơ : LÁ TƯƠNG TƯ - Nguyễn Phước Ái Duyên.

 .  



 LÁ TƯƠNG TƯ 

Em ngồi gom lá tương tư

Thả theo cơn gió gọi Thu trở về 

Bên thềm còn chút nắng hè

Vẩn vơ tìm kiếm lời thề Hạ xưa.


 Tơ trời quyến luyến nhẹ đưa

Đan từng sợi nhớ vẫn chưa nhạt màu

Thu còn vắng bóng nơi đâu?

Để cho lá héo khô sầu Thu ơi!


Mênh mang chiều tím khung trời 

Nỗi niềm sao cứ chơi vơi trong lòng

Thu nay ai đợi, ai mong

Một người đi mãi biệt không dáng hình.


 Em ngồi đây với riêng mình

Tháng ngày qua giữ mối tình chờ Thu

Hỏi rằng chiếc lá tương tư

Có tìm chốn cũ hay chừ bay xa?


 29/9/2020

Nguyễn Phước Ái Duyên 

( Bài thơ được nhạc sĩ Trương Như Thoại phổ nhạc và đã xuất hiện ở trang bìa của Tạp Chí Sông Hương... )

Chuyện kể: NGƯỜI QUEN - Bs Phan Quý Nam.





 CHUYỆN KỂ NHÂN NGÀY 30/4/1975.

     Mời xem câu chuyện thú vị, nhân bản — cuộc hội ngộ giữa 2 chứng nhân thời cuộc: một BS trung uý trưng tập là tù nhân học tập cải tạo và một sĩ quan bộ đội quản giáo. Câu chuyện kết thúc có hậu và dễ thương.


NGƯỜI QUEN


BS. Phan Quý Nam

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.


Những ngày cuối năm, bệnh viện ít nhộn nhịp. Người nằm bệnh tại các khoa thường nôn nao xin bác sĩ về sớm để còn kiếm tiền mua áo mới cho con và sửa soạn đón Tết. Chỉ có những bệnh thật nặng mới phải nằm lại theo yêu cầu của bác sĩ và một số trường hợp chính người nhà bệnh nhân xin ở lại bệnh viện để … trốn Tết vì quá nghèo. Khu vực hành chánh của bệnh viện, gồm cả ban giám đốc, buổi chiều càng vắng vẻ hơn.


Cuốn sách mua hồi đầu tuần mới đọc chưa hết 2 chương còn nằm trên bàn làm việc. Tôi lật từng trang sách định đọc tiếp nhưng không tập trung được vì thấy có bóng dáng một anh bộ đội cứ đi qua đi lại trước phòng như muốn tìm hỏi việc gì. Bước vội ra cửa vừa lúc anh nhìn vô phòng:

     - Hình như anh muốn kiếm ai?        

     - Dạ, báo cáo đồng chí, em muốn tìm giám đốc.

     - Thưa tôi đây, anh tìm có chuyện gì không?

     - Dạ, báo cáo đồng chí thủ trưởng, em muốn nạp đơn xin giảm viện phí.

     - Vậy thì mời anh vào


Cô thư ký thấy khách vào, định rót nước mời thì tôi yêu cầu:

     - Em cho xin 2 ly cà phê đá đi, khát nước quá.


Tôi nhìn anh, gợi chuyện:

     - Sao thấy anh... quen quen, mà anh là bộ đôi đóng quân ở đâu?

     - Báo cáo đồng chí thủ trưởng, em là bộ đội miền bắc, quê ở Thái Bình, khi giải phóng có thời gian dài đóng quân ở Trảng Lớn, sau đó chuyển lên Đồng Ban cho đến bây giờ. 

     - A quê lúa Thái Bình. Trước đây, hồi còn đi học trung học, tôi có đọc sách của mấy nhà văn (trong này) viết về quê lúa Thái Bình, nhất là Hải Hậu…

     - Báo cáo đồng chí thủ trưởng, Đó là quê em…Hình như thủ trưởng là người trong này?

     - Mà sao anh hỏi vậy?


Anh ngập ngừng:

     - Dạ, tại thấy thủ trưởng nói chuyện…”khác” với với cấp trên của em.

     - À, không dấu gì anh, Tôi ra bác sĩ ra trường trước 1975, học ở Huế. Mà hồi Trảng Lớn anh ở đơn vị nào nhả?

     - Báo cáo đồng chí thủ trưởng ở L1T1( trung đoàn 1, tiểu đoàn 1)

     - Nhưng anh làm gì ở đó?

     - Báo cáo đồng chí thủ trưởng, em làm quản giáo, quản lý các sĩ quan ngụy quân đi cải tạo.

     - Hèn gì thấy quen quá. Tôi nhớ ra rồi, anh phải là… thiếu úy X. không?


Anh trố mắt nhìn tôi, vừa dò xét, vừa thận trọng:

     - Báo cáo, đúng là khi đó em là thiếu úy, sao thủ trưởng biết tên em?

     - À , hồi đó , tôi là y sĩ trung úy cải tạo ở L1T1 và anh là quản giáo của tôi. Có lần nửa đêm, anh gọi tôi lên bắt làm kiểm điểm vì kết tội tôi “coi thường cách mạng” “không khai báo trung thực với cách mạng, có thành tích giết nhiều cán bộ nên mới đăng ký nghĩa vụ đã thăng quân hàm trung úy. Ai có lệnh đi nghĩa vụ, nếu ở Thủ Đức, học một năm gắn quân hàm chuẩn úy, ai học lâu hơn ở Võ Bị Đà Lạt, gắn quân hàm thiếu úy, còn anh, mới vào lính đã mang quân hàm trung úy, vậy mà lý lịch không thấy khai thành tích chống phá cách mạng, giết hại bao nhiêu cán bộ. Láo…”.”Chắc anh không nhớ, hồi đó anh chửi tôi ngoan cố, đập bàn đá ghế tùm lum...”


Mồ hôi trán anh đổ ra. Anh hốt hoảng nhìn tôi, tay chân lúng ta lúng túng, mặt cúi gầm nhìn đất “Em xin lỗi thủ trưởng”. 


Một thoáng, trong đầu tôi hiện nhanh loạt hình ảnh đói lạnh, cơ cực của những ngày “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá…” trong trại cải tạo, khác với (một lần đi công tác ở Đức), có thấy lằn ranh “vô hồn”ngày xưa là vết tích của bức tường Berlin ô nhục, nơi hai chân mình đứng chênh vênh bên hai bờ tử sanh, lằn ranh như phân cách giữa nề nếp giáo dục và bản năng hoang dã, giữa tình người và sự cuồng trí; rồi những đêm trực kinh hoàng trong mùa dịch sốt xuất huyết làm việc không ngơi tay đầy tiếng rên khóc hoảng loạn của trẻ con, của những người dân nghèo, ít học, thiếu thốn đủ thứ thuốc men, phương tiện…Và bây giờ, ngồi đây...

     -,Báo cáo đồng chí thủ trưởng, hồi đó em không biết, chỉ làm theo lệnh chính ủy. Thời gian đầu, chúng em chưa biết, sau này thấy có nhiều người như thủ trưởng quá, chính ủy đi hỏi lại mới biết là mình thiếu hiểu biết, kết tội sĩ quan cải tạo máy móc, ngu xuẩn…


Tôi hít vào một hơi thật dài rồi nói nhanh:

     - Thôi anh uống cà phê đi, nước đá tan hết rồi. Chuyện cũ, tôi quên rồi, bây giờ tôi là thầy thuốc anh là người cần giúp đở, thế thôi. Yên tâm đi. Rồi tôi đọc hai câu thơ như đọc cho chính mình nghe và tôi biết chắc anh nghe mà chẳng hiểu gỉ cả:


Ngày mai, chẳng hiết ra sao nữa, 

Mà có ra sao, cũng chẳng sao!


Anh thở ra nhè nhẹ, hai tay bưng ly cà phê, lắp bắp:

     - Mời thủ trưởng?


Tôi cũng bưng ly:

     - Dạ, mời anh. Mà người nhà anh đau ra sao? Gọi tôi là bác sĩ được rồi, dễ nghe hơn.


Anh nói một hơi:

     - Bố em ngoài Thái Bình vào thăm, chẳng may bị sốt ho kéo dài, bác sĩ chẩn đoán là Viêm Phổi có nước màng phổi đã nằm điều trị, chích thuốc 2 tuần, bác sĩ báo vài ngày nữa có thể  xuất viện về điều trị tiếp ở nhà. Nhưng em sợ viện phí nhiều quá, không đủ tiền nên y tá  có hướng dẫn làm đơn xin giảm 50%. Mong thủ trưởng giúp em. Báo cáo thủ trưởng, ngày xưa chỉ làm theo lệnh trên. Hồi đó, em còn trẻ, dốt nát…

     - Tôi hiểu, thôi cho tôi xem lá đơn. Tôi liếc nhanh những hàng chữ nghiêng ngã, xiêu vẹo rồi trả lời:

     - Bây giờ như thế này nhé. .Thiếu tá X xin giảm 50% nhưng tôi ký duyệt miễn phí cho anh 100% vì anh là…người quen. Được không?


Anh như không tin vào lời tôi nói, trố mắt nhìn không chớp vào người đối diện, người một thời là tù cải tạo của mình:

     - Thật không thủ trưởng. Xin lỗi,… báo cáo…, bác sĩ nói thật chứ?

     - Hổi nhỏ , tôi được dạy, không nói gạt người khác vì bất cứ lý do gì…


Có khách và cô thư ký lấp ló ngoài cửa, tôi nói nhanh:

     - Bây giờ tôi là thầy thuốc. Trong gia đình, ba tôi vẫn dạy tôi, “trước khi trở thành thầy thuốc, trước khi trở thành người quản lý, con phải học làm một con người đã”. Thôi sắp Tết rồi, thay mặt bệnh viện, tôi chúc mừng bác trai lành bệnh, chúc bác và gia đình anh năm mới sức khỏe, nhiều may mắn. Anh chờ cô thư ký đóng dấu rồi nhận lại lá đơn, về gửi lại cho cô y  tá. Bây giờ tôi có khách, không thể lên thăm bác trai cùng anh, xin lỗi nghe. Thôi chào tạm biệt thiếu tá X. Ở Đồng Ban, ngày xưa, tụi tôi phá rừng, làm đường, làm cầu ở đó. Bây giờ chắc khác xưa nhiều lắm…?


Anh nói lí nhí mấy câu gì tôi không nghe rõ, rồi đứng dậy, vội vàng đi theo cô thư ký lấy lá đơn có ký tên, đóng dấu và bước đi lính quýnh. Lâu lâu, lại ngoái nhìn phía sau như sợ tôi đòi lại lá đơn

Tôi ngồi yên trên ghế nhìn ra sân bệnh viện chiều cuối năm. Những tia sáng xuyên qua tàn lá vẽ thành những vệt nắng nhảy múa lung linh sau từng cơn gió nhẹ như minh họa cho bản nhạc xuân vui tai ai đang mở ở phòng bên cạnh. Bầu trời phía trên như cao hơn, xanh hơn mọi ngày.


20/6/2016

( Nguồn : Minh Hiep Nguyen facebook )

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thơ : MẸ TÔI - Donry Nguyễn.

 



MẸ TÔI

Mẹ tôi vốn gốc nhà nông 

Cấy lúa trên đồng mặt cháy da đen

Làng Mẹ nghèo cát trắng chang chang

Sau mùa gặt còn theo nghề lưới biển.

Đôi lúc vui vui Mẹ ngồi kể chuyện

Thời con gái gian nan...

Tát nước đồng khô, dệt vải nuôi tằm

Mùa đói kém còn buôn khoai buôn sắn 

Phú Thứ - Phú Nhiêu đường xa gánh nặng...

Đôi chân trần thấm đẫm giọt mồ hôi!


Mẹ gặp Cha tôi hồi lúc tuổi hai mươi

Khi ông dạy lớp Bình dân học vụ

Mẹ nghĩ giản đơn: lương giáo làng thôi cũng tạm thời sống đủ

Thoát cảnh nhà nông khuya sớm nhọc nhằn

Nên Mẹ nhận lời cất bước sang sông

Mà không có chút tình yêu trai gái...

(Ai đã sống qua tầm thời đại

Chắc biết hồi nhờ mai mối nên duyên).


Mẹ bằng lòng cuộc sống bình yên

Ngày hai buổi nấu cơm, cha tôi đi dạy học

Cũng chẳng cao sang nhưng không còn khó nhọc

Ba anh em tôi chào đời trong khúc hát yêu thương...


Cứ tưởng thanh bình sẽ tỏa mát quê hương

Ai đâu biết vài năm thì chiến tranh tràn đến

Quân đội tảo thanh bắt cha tôi giam vào Khu chiến 

Mẹ bàng hoàng thu dọn gánh tản cư!

Nhà thanh bần tài sản có chi dư

Một đầu thúng Mẹ tôi chất nồi niêu xoong chảo

Tôi trai lớn cõng trên vai bao quần áo

Đầu thúng kia Mẹ gánh đứa mới lọt lòng

Đó là một ngày lạnh lẽo mùa đông

Hàng tre đứng bên đường tiễn đưa lặng lẽ

Tôi bé quá không làm sao ngăn đôi dòng lệ

Đang lăn dài trên mắt Mẹ thân yêu....


Đường tản cư gian khổ biết bao điều

Mẹ lại phải tảo tần hơn trước nữa

Buôn thúng bán bưng...chạy ăn từng bữa

Nhà chuyển hoài từ thành phố đến miền quê...

Tiền không nhiều nhưng con cái lê thê

(Mẹ tôi lại sinh thêm vài đứa nữa!)

Cha cười bảo: 

“Có hào con thì không hào của”

Mẹ chúng mày mát tay nuôi không sẩy một đứa nào!...

Bữa cơm thường ghé độn với ngô rau

Miếng cơm cháy anh em tôi thay nhau nạo vét

Mẹ lại nói:

“Của không ngon đông con cũng hết”

Anh em nghèo nữa nó sẽ thương nhau...


Một đời người thấm thoát qua mau...

Chúng tôi giờ đã lớn

Cha tôi không may mất sớm!

Cảnh nhà quạnh trước quạnh sau

Mẹ tôi gầy mắt kém chân đau

Chỉ còn được niềm vui nhìn đàn con nên chồng nên vợ

Con cũng có đứa thành danh, đứa còn nặng nợ

Luôn quây quần ngày giỗ chạp đông vui...


Mẹ nuôi tôi ăn học một đời

Tôi bất lực không đủ lời viết lên tình thương của Mẹ...

Khi lưu lạc chân trời góc bể 

Mới đẫm niềm thương nhớ héo hon...


Mẹ già có tám người con

Hoa Sen tám cánh vuông tròn tựa nhau

Cầu trời cho Mẹ sống lâu

Để đàn con cháu được hầu Mẹ yêu!


-Chàng Đông Ry Nguyễn

Nhìn ra ngoài : ĐIỀU BẤT NGỜ... - St trên mạng.

 


( Hình ảnh minh họa được sưu tầm trên mạng )

ĐIỀU BẤT NGỜ... 


Năm 1968, tại tiểu bang Neveda nước Mỹ, có cô bé 3 tuổi tên là Edith một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của chữ “OPEN” trên chiếc hộp đựng quà trong nhà mình, và nói với mẹ rằng đó là chữ “O’’.


Mẹ của cô bé rất ngạc nhiên nên hỏi, vì sao con biết được đó là chữ “O”? Edith trả lời là cô giáo ở trường dạy thế!


Thật không ngờ, người mẹ ngay lập tức viết đơn khởi kiện trường mầm non mà cô bé đang theo học. Lý do khởi kiện của bà mẹ làm cho mọi người vô cùng kinh ngạc: đó là bà kiện trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Bởi vì khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà…Nhưng sau khi trường mầm non dạy cô bé nhận biết đó là chữ “O”, thì Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này. Và bà mẹ đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho con gái mình là 1000 USD.


Đơn kiện gửi lên tòa án đã làm cho toàn bộ tiểu bang Nevada vô cùng kinh ngạc và không ngừng tranh luận. Các thầy cô giáo của trường mầm non cho rằng bà mẹ này nhất định là bị điên. Những phụ huynh khác thì cho rằng bà mẹ này có chút chuyện bé xé ra to, ngay cả luật sư cũng không tán thành cách làm của thân chủ mình. Ba tháng sau, nằm ngoài dự đoán của mọi người, kết quả là trường mầm non thua kiện. Bởi vì toàn bộ thẩm phán viên của đoàn thẩm phán đều bị câu chuyện mà bà kể khi biện hộ cho con gái mình làm họ xúc động.


Câu chuyện bà kể và quá trình biện hộ trước tòa như sau: “Tôi đã từng đến ở một số nước ở Phương Đông du lịch. Một lần tôi ở trong một công viên, nhìn thấy 2 con thiên nga, một con bị cắt bỏ 1 cánh bên trái được thả ở cái hồ lớn; con kia thì còn nguyên vẹn không bị gì và được thả ở cái hồ nhỏ. Tôi hỏi nhân viên quản lý ở đó thì họ trả lời rằng: Làm như thế là để cho 2 con thiên nga này không bay đi mất. Con thiên nga bị mất cánh bên trái không thể bay vì không giữ được thăng bằng, còn con kia vì thả ở hồ nhỏ nên không đủ không gian để lấy đà bay. Lúc đó tôi vô cùng khiếp sợ, khiếp sợ sự thông minh của người Phương Đông.


Hôm nay, tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi cảm thấy con gái tôi giống con thiên nga đó trong nhà trẻ. Họ đã cắt đứt một cánh tưởng tượng của Edith, đã nhốt con bé trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm. Edison cũng có trí tưởng tượng không thực tế, mới phát minh ra được bóng đèn điện; Newton là bởi có tư tưởng sáng tạo ra cái mới từ đó mới phát hiện ra lực hấp dẫn của trái đất. Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, bởi vì một con thiên nga không có cánh thì vĩnh viễn không thể bay lên được”.


Sau khi bà biện hộ, tiểu bang Nevada đã căn cứ vào toàn bộ đoạn biện hộ trước tòa của bà mẹ để sửa đổi “Luật bảo hộ giáo dục cho công dân”, trong đó có quy định quyền lợi của trẻ em tại trường học:

- Quyền được chơi

- Quyền được hỏi tại sao?

Cũng chính là quyền được sử dụng trí tưởng tượng. Vòng tròn là gì? Trong não trẻ em có thể có hàng vạn câu trả lời, xin đừng nói với các em rằng đó chỉ là 1 vòng tròn, đừng bẽ gãy chiếc cánh tưởng tượng của các em. Khi con thiên nga bị mất đi chiếc cánh thì nó không thể bay, khi chúng ta bị mất đi chiếc cánh thì sẽ không bao giờ tìm được thiên đường của niềm vui sáng tạo nữa.


Sưu tầm

#TDDGiaoDuc

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Tản mạn : VÌ SAO CHIẾC ÁO... - Hồ Quỳnh Châu.

 



Câu chuyện không phải ai cũng biết ..

VÌ SAO CHIẾC ÁO

     CẦN CÓ 5 NÚT  ?

    .      

Ngày ấy, tôi là một thợ may nghèo, không có tay nghề nên chỉ dám mở một cửa hiệu nhỏ chủ yếu nhận đồ sửa chữa quần áo là chính. Một lần, được một anh bạn thân tặng một quyển sách tự học cắt may. Giọng anh vui vẻ: Thấy em khéo tay nên anh tặng em quyển này biết đâu lại giúp được gì cho nghề nghiệp.

Từ đó tôi bắt đầu học cắt may một cách say sưa.

Khi bước đầu có chút kiến thức về nghề, rồi được nhiều người động viên, tôi liều mở một cửa hiệu khá to ngay trên mặt phố. Cửa hiệu của tôi khá đông khách. Ngoài ra còn có cả hơn chục người tới xin học việc.

Chưa thật sự có nhiều kiến thức và tay nghề cũng chưa cao nên mỗi khi định dạy học sinh cắt cái gì thì tối hôm trước tôi ôn luyện cái đó, nghĩa là theo kiểu “cơm chấm cơm” như người ta thường nói. Vậy mà học sinh không hề phát hiện mà còn khen: Chị giảng dễ hiểu như giáo viên vậy. Ngày ấy tôi thường rất tự hào.

Nhưng có một lần…

Một bác khách hàng đến may chiếc áo bà ba. Áo bà ba rất khó cắt mà tôi lại chưa cắt bao giờ nên lưỡng lự muốn từ chối. Nhưng cuối cùng tôi liều nhận lời vì không muốn mọi người biết là mình còn yếu kém, sẽ bị giảm uy tín.

Hôm cắt chiếc áo bà ba, tôi đã thức trắng một đêm mò mẫm từng chút một, cuối cùng thì nó cũng thành. Rồi khi may cũng vậy, tôi cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, tự tay là phẳng phiu rồi treo lên chiếc móc, ngắm nghía gật gù ra chiều thích thú.

Bác khách hàng rất thấp, chỉ đến vai tôi nên chiếc áo ngắn cũn cỡn. Khi đơm nút thấy chia khoảng cách làm năm như thông thường thì quá dầy, vì vậy nên tôi quyết định chia làm bốn cho cân xứng với chiếc áo. Làm xong việc ấy, tôi cảm thấy rất lí thú vì nghĩ mình đã có một cách tân tuyệt vời, chắc hẳn sẽ được khách hàng ưng ý.

Đúng hẹn, bác khách hàng đến lấy và mặc thử. Bác soi gương, ngắm trước ngắm sau rất lâu. Tôi thì thót tim, chỉ sợ bác ấy chê xấu và bắt đền. May quá bác cởi ra và bảo tôi cho vào túi. Tôi vui sướng như mở cờ trong bụng.

Đang gấp chiếc áo tự nhiên bác ấy cầm tay tôi và bảo:

Ơ! Sao em đơm cho chị có bốn cái nút thế này?

Tôi giải thích: Vì cái áo ngắn quá nên đơm năm nút nhìn rất xấu. Em đã thử đặt rồi nhưng nhìn rất vô lý! Đây là sự cải tiến của em đấy, chị biết không.

Bác hơi cau mày: Nhưng từ xưa đến giờ không ai làm như thế! Áo thì phải có năm nút chứ em!

Tôi hơi phật ý: Em đã nói rồi. Đây là một cải tiến của em. Chị mặc trông đẹp mà.

Nhưng áo thì phải có năm chiếc nút mới đúng. Cải tiến gì thì cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ.

Câu đi câu lại nhưng có lẽ bác ấy cũng không phải là người quá khó tính nên đã nhận chiếc áo với vẻ mặt không vui. Còn tôi thì thầm nghĩ, bác ta thật vô lý, đã làm đẹp cho mà lại không biết điều.

Tuy trả được chiếc áo nhưng suốt cả ngày hôm đó tôi làm việc trong tâm trạng không thoải mái, bứt rứt khó chịu và thắc mắc rất nhiều về cái áo, tại sao nhất định cứ phải là năm cúc mà không phải là bốn hay sáu…

Hôm sau, tôi về nhà lục tung hòm quần áo của mẹ lên và đếm gần chục chiếc áo cả cũ lẫn mới và thấy cái nào cũng 5 chiếc nút cả. Nghĩ lại câu nói hôm qua của bác khách hàng “cải tiến nhưng cũng phải tôn trọng truyền thống em ạ” tôi bỗng cảm thấy hình như mình đã có điều gì không phải.

Từ sau ngày ấy mỗi khi ra đường tôi thường nhìn chằm chằm và những người già mặc áo bà ba để đếm từng chiếc nút như người lẩn thẩn. Và đúng là chiếc áo bà ba nào cũng có đủ năm chiếc nút . Lạ thế !

Nhiều năm trôi qua, tôi bỏ nghề may chuyển sang nghề bán hoa tươi, quên dần bác khách hàng năm xưa. Câu chuyện cũ cũng tưởng như trôi vào quá khứ.

Một buổi chiều tôi đang cắt những tờ báo cũ để gói hoa cho khách, thì bất chợt nhìn vào góc tờ báo có dòng chữ: “Bí mật năm chiếc nút áo”.

Như người chết đuối vớ được cọc, tôi cầm tờ báo đọc lấy đọc để.

Câu chuyện kể rằng: 

Ngày xưa học trò toàn mặc áo bà ba, trên chiếc áo quy định năm chiếc nút là tượng trưng cho năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Mỗi lần thầy giáo gọi, học trò lên bảng đầu cúi thấp khoanh tay trước ngực, khi trả lời không được, thầy giáo thường bắt trò vân vê 5 chiếc nút áo và bắt nói về ý nghĩa của từng chiếc cúc một.

Chiếc nút áo trên cùng là chữ Nhân (người thiếu chữ Nhân sẽ trở thành kẻ độc ác). Chiếc thứ 2 là chữ Nghĩa (người thiếu chữ Nghĩa sẽ trở thành kẻ bội bạc). Cứ như vậy cho đến chiếc cuối cùng.

Chao ôi! Tôi vừa sung sướng vì đã giải được những thắc mắc của mình mấy chục năm nhưng lại xấu hổ về sự thiếu hiểu biết của mình. Giá như ngày ấy tôi hiểu được ý nghĩ của từng chiếc nút áo thì đâu dám cả gan “cải tiến” cái áo bà ba thành bốn cái nút  như vậy. Hóa ra, sự cách tân của tôi chỉ là một việc làm liều lĩnh và điên rồ.

Sáng nay trời chớm Đông se lạnh, tôi mở tủ để lấy quần áo, tự nhiên tôi lại chọn cho mình cái áo có đủ 5 chiếc nút để mặc và chợt nghĩ đến bác khách hàng thấp bé ngày nào.

Bây giờ không biết bác đang sống ở nơi đâu. Nếu đọc được những dòng này, xin bác hãy quay lại gặp tôi ở cửa hàng hoa.

Gặp lại bác, dù không còn làm nghề may nữa nhưng tôi nhất định sẽ tưởng nhớ lại nghề cũ để may đền bác một chiếc áo bà ba thật đẹp, có đủ năm chiếc nút .

HỒ QUỲNH CHÂU.

Thơ : LỜI TÌNH THUỞ ẤY- Thạch Thảo BD.

 




LỜI TÌNH THUỞ ẤY 


Ngon như me ngào, xí muội  

Ô mai ngòn ngọt, chua chua  

Que kem lành lạnh bốc khói 

Beo béo hương vị yaourt. 


Hấp dẫn mùi bánh trán trộn  

Tê tê đầu lưỡi hít hà  

Cay cay ớt dằm trái sấu  

Thơm tràn cốc ổi, xuýt xoa. 


Lời tỏ tình đầu tiên ấy 

Phập phồng nắng sớm tinh khôi  

Thập thò giống tên ăn trộm  

Tiếng yêu chưa nói thành lời. 


Như hương đầu mùa trái chín  

Vườn tình ngát mộng hoàng hoa  

Chiêm bao thần tiên lãng đãng  

Long lanh đọng giọt sương sa. 


Lặng lẽ hương thầm ngan ngát  

Lời tình trú mãi trong ta  

Từng đêm dịu dàng tỏa mộng 

Êm đềm như bản tình ca. 


Thạch Thảo Bình Dương

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Thơ : MÙA THU THÁNG 10 - Xuân Duyên.

 



MÙA THU THÁNG 10

Tháng mười 

Mùa thu còn tắt nắng?

Con đường vàng lá thoáng bâng khuâng

Đá mòn ngày xưa sao hờ hững?

Hái nửa vầng trăng hoá lại gần

Tháng mười 

Mùa thu chiều tắt nắng

Liêu xiêu ngõ vắng có ai chăng?

Yêu kiều bóng dáng bên song cửa

Man mác đêm buồn chút lâng lâng

         XUÂN DUYÊN -  10/2022

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Thư giãn : CUỘC GỌI KHÔNG NHẦM - Đông Ry Nguyễn.

 



CUỘC GỌI KHÔNG NHẦM

(trích đoạn trong tiểu phẩm hài “Những cuộc điện đàm” chưa in ra sách)


- Chào anh buổi sáng…

- Chào em buổi chiều…

- Em vừa vào đọc thơ anh, hay quá anh ơi…

- Cảm ơn em, nhưng em còn hay hơn!

- Ơ hay, em có biết làm thơ đâu?

- Em là bài thơ hay nhất mà tạo hoá đã sáng tạo ra, đâu cần làm thêm nữa…

- Hihi anh nói khéo quá đi, em cảm ơn anh…

- Anh chỉ nói sự thật…

- Em không dám nhận đâu, bên đó giờ lạnh không anh?

- Tàm tạm…đủ cho những người có vợ cảm thấy ấm áp và những ai một mình trở nên trống trải…

- Em cũng một mình nè…trống trải lắm anh ơi! 

- Thế…ông xã em đâu?

- Ảnh mất mười năm rồi anh ạ!

- Em hành hạ sao mà ảnh mất sớm vậy?

- Rượu hành chứ không phải em, ban đầu thì ảnh uống rượu, riết rồi rượu uống ảnh…

- Anh hiểu, nếu anh ở Việt Nam chắc rượu cũng…uống anh ngủm cù đeo rồi!

- Thì vậy đó…cả làng cả xóm ai cũng uống cả!

- Chúc mừng em được tự do!

- Tự do nhưng buồn…mà anh ơi…

- Gì em?

- Em đọc thông tin của anh, em chỉ thua anh có…18 tuổi thôi…

- Uý trời…vậy kêu bằng chú đi…

- Không, em thích kêu…chú bằng anh thôi ạ…

- Kêu vậy mai mốt lên chùa Điều Ngự gặp nhau!

- Anh định đi tu à?

- Ừ…em (cháu) kêu chú bằng anh thì anh (chú) phải vô chùa tu thôi…

- Đi tu không dễ đâu chú anh à…

- Dễ ợt…anh đi tu nhiều lần rồi!

- Trời! Tu kiểu gì mà nhiều lần vậy?

- Thì tu qua một khoá, tốt nghiệp xong hạ sơn hành đạo, hành…hết đạo lại đi tu khoá khác…

- Đạo mà cũng…hết sao anh?

- Đạo vốn vô cùng…nhưng thuyền anh có hạn, chở được bao nhiêu dụng bấy nhiêu, hết rồi thì phải đi học tiếp chớ…

- Mèn ơi…nói chuyện với anh cười chết được…anh coi có bà con bạn bè làm mai cho em một người, đặng em qua ở gần anh em học làm thơ cho dzui đi anh…

- Việc này phải hỏi vợ anh…mà anh nghĩ bả sẽ hổng chịu đâu!

- Em ở gần cả anh lẫn chị cho dzui chớ có bắt cóc anh đi đâu mà sợ?

- Biết vậy, nhưng phụ nữ mà, em biết rồi đó, đâu ai thích có cô hàng xóm trẻ đẹp hơn mình đâu!

- Vợ anh bao nhiêu tuổi?

- Anh không biết!

- Vợ chồng mà không biết?

- Ừ…như tất cả những người đàn ông lịch sự khác, không bao giờ anh hỏi tuổi của phụ nữ, kể cả vợ mình…

- Ngộ hén, bên em muốn lấy nhau là phải đi coi tuổi, xem có hạp nhau không, nên vợ chồng đều biết tuổi nhau…

- Coi có hạp nhau rồi mới lấy, mà sao anh thấy họ bỏ nhau rần rần vậy em?

- Duyên nợ mà anh, còn duyên thì ở, hết nợ thì dong…

- Cũng buồn nhỉ!

- Buồn lắm, ở một mình, mấy thằng cà chớn nó tưởng mình thèm đàn ông…cứ đi nhậu say về gõ cửa, tức chết đi được…anh coi có ai làm mai giùm cho em một người đi anh!

- Bạn anh ở một mình không ai nhắc nhở tắm giặt, bay mùi già hôi lắm em chịu nổi không?

- Em sẽ tắm rửa xà bông, ảnh sẽ thơm lựng liền…

- Rồi…tiền bạc nữa, mấy ảnh chỉ lãnh tiền già mỗi tháng chưa tới ngàn đô, không nuôi nổi em đâu!

- Em sẽ đi làm Neo nuôi ảnh…

- Đừng tưởng bở, ở đây đi cày như trâu, cực lắm em à…

- Em chịu cực quen rồi, anh cứ yên tâm…

- Còn cái dzụ kia nữa…yếu lắm!

- Em sẽ tẩm bổ…hì hì 

- Chắc hông đó?

- Chắc mà…em bảo đảm với anh luôn..

- Bây giờ…em nói cái gì cũng ngon hết, mai mốt em chán…em bỏ bạn anh, ổng tìm anh mắc đền, anh phải làm sao!

- Làm người ai làm vậy anh, có gì em cũng chờ cho ảnh qua đời xong một năm, mãn tang rồi em mới sang sông chớ…

- Trời….


Một bàn tay êm ái vỗ nhẹ sau lưng:

- Nè…nói chuyện với ai mà mùi mẫn vậy chàng?

- À…à…con em gái nó gọi hỏi thăm em à…

- Chớ hổng phải cái cô gọi nhầm hai lần trước hả?

- Không phải, lần này gọi đúng số…

- Hay quá, cô em tên gì?

- Chết cha! anh quên hỏi, để anh gọi lại…

- Thôi khỏi, em gái mà không biết tên…đưa cái phone của anh cho em!


Hôm nay coi bộ ngày không được tốt, tại mình không xem lịch kỹ, thôi thì hôm khác sẽ kể chuyện tiếp vậy…


-Chàng Đông Ry Nguyễn