Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Cuộc sống: KHÔNG OÁN TRÁCH - Lê Xuân Sang st>.





 KHÔNG OÁN TRÁCH

Tại một thành phố của nước Mỹ, có một vị khách trung niên bắt taxi đến sân bay. 

Sau khi lên xe, vị này phát hiện ra chiếc xe mà mình đang đi không chỉ có vẻ ngoài bắt mắt mà bố trí trong xe cũng rất ngăn nắp, trang nhã. Tài xế ăn mặc rất chỉnh tề, lịch sự. Khi xe vừa chạy, ông ấy liền nhiệt tình hỏi hành khách xem độ ấm trong xe đã thích hợp chưa? Không lâu sau, ông lại hỏi hành khách muốn nghe nhạc hay radio? Hành khách lựa chọn nghe nhạc và một đoạn hành trình thoải mái của hai người bắt đầu.

Khi xe dừng trước một đèn đỏ, lái xe quay đầu lại và bảo cho vị khách biết trên xe có tờ báo buổi sáng và tạp chí định kỳ. Ngoài ra, phía trước còn có một tủ lạnh nhỏ, trong tủ lạnh có nước trái cây và cocacola, hành khách có thể tự lấy dùng, nếu muốn uống cà phê, bên cạnh cũng có bình thủy chứa cafe nóng.

Người tài xế mở lời: 

- “Tôi là một người dễ nói chuyện, nếu anh muốn nói chuyện phiếm thì tôi có thể nói cùng anh. Nếu anh muốn nghỉ ngơi hoặc ngắm phong cảnh, tôi sẽ yên lặng lái xe, không quấy rầy anh.”

Sự phục vụ đặc biệt này khiến vị khách thực sự ngạc nhiên, anh không khỏi nhìn vị tài xế thắc mắc, khó hiểu. Vị khách cất lời hỏi: 

- “Từ bao giờ anh bắt đầu sự phục vụ này vậy?”

Trầm mặc một lát, vị tài xế nói:

- “Thực ra, khi mới bắt đầu, xe của tôi cũng không có cung cấp dịch vụ toàn diện như bây giờ. Tôi cũng chỉ giống những người khác, hay phàn nàn, thường xuyên càu nhàu khách, phàn nàn chính phủ bất tài, phàn nàn tình hình giao thông không tốt, phàn nàn xăng quá đắt đỏ, phàn nàn con cái không nghe lời, phàn nàn vợ không hiền thục… cuộc sống mỗi ngày quả thực là ảm đạm.

Nhưng một lần, tôi vô tình nghe được một cuộc đàm thoại về cuộc sống trong một tiết mục quảng cáo. Đại ý là nếu bạn muốn thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống của bạn, đầu tiên hãy thay đổi chính mình. 

- Nếu bạn cảm thấy luôn không vừa lòng thì tất cả những chuyện phát sinh đều khiến bạn cảm thấy như gặp xui xẻo. 

- Trái lại nếu bạn cảm thấy hôm nay là một ngày may mắn, như vậy hôm nay mỗi người bạn gặp phải, đều có thể là quý nhân của bạn.

Cho nên tôi tin rằng, nếu tôi muốn vui vẻ, phải thôi phàn nàn, phải thay đổi chính mình. Từ thời khắc đó, tôi quyết định sẽ đối xử tử tế với mỗi hành khách của mình.

Năm thứ nhất, tôi sửa sang xe trong ngoài sạch sẽ, trang trí mới hoàn toàn. Tôi luôn nở nụ cười với mỗi hành khách, kết quả là thu nhập năm đó của tôi tăng lên gấp đôi.

Năm thứ hai, tôi dùng lòng chân thành của mình để quan tâm chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn của khách hàng. Đồng thời tôi cũng khoan dung và thăm hỏi khách hàng nhiều hơn. Thu nhập năm thứ hai của tôi tăng gấp đôi năm thứ nhất. 

Đến năm thứ ba, cũng chính là năm nay tôi đã biến chiếc xe của mình thành một chiếc xe “5 sao” độc nhất này. Ngoài thu nhập tăng lên, hiện tại khách hàng mà tôi chở phần lớn đều là khách quen.

Đến nơi, tài xế xuống xe, ra phía sau giúp hành khách mở cửa, cũng đưa một tấm danh thiếp đẹp, nói: 

-“Mong lần sau có thể tiếp tục phục vụ anh.”

Việc làm ăn của anh tài xế không hề bị ảnh hưởng khi nền kinh tế trở nên đình trệ. Anh đã thay đổi, không chỉ sáng tạo ra một nguồn thu nhập tốt, mà còn tạo nên một cuộc sống bình yên như vậy.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp phải không ít người luôn mang trong lòng tâm oán trách. Họ oán trách cha mẹ không công bằng, oán trách công việc quá nhiều, oán trách bạn bè không hiểu mình, thậm chí trời mưa hay trời nắng cũng oán trách…

Họ không biết được rằng, oán trách là một loại cảm xúc xấu nhất khiến mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn trở nên kịch liệt hơn. Nó không chỉ khiến cho sức khỏe của chính bản thân người ấy xấu đi mà còn khiến người thân bạn bè dần dần xa lánh họ.

Mục sư người Mỹ – Will Bowen đã viết trong cuốn “A Complaint Free World” (Thế giới không có lời phàn nàn) rằng :

- " Những người phàn nàn quanh năm cuối cùng có thể bị cô lập và bị mọi người xung quanh xa lánh. Oán giận là một loại độc dược. Nó có thể làm giảm nhiệt huyết, phá hủy ý chí, hạ thấp địa vị, hủy hoại cả tâm và thân của con người. Cho nên, oán trách vận mệnh chi bằng hãy cải biến vận mệnh, oán trách cuộc sống chi bằng hãy cải thiện cuộc sống"


Từ fb Liên Tôn Nữ Mỹ

Thơ : THÁNG SÁU TRỜI MƯA - Thuy Hà.

 



THÁNG SÁU TRỜI MƯA. 

Hạ hồng ơi! Khoan đi ... Chờ đã nhé

Xin chút mây...Xin chút nắng hanh vàng

Xin một tí ngọt ngào từ phượng thắm

Xin giọt mưa bay rất đổi dịu dàng.


Tháng sáu trời mưa...Mưa chiều rả rích

Mưa nghiêng nghiêng giăng trắng xóa con đường

Bỗng nhớ một người của mưa xưa mờ mịt

Đi bên nhau mong mưa mãi... Đừng dừng.

THUY HÀ. 

Thơ : CHO EM XIN - Xuân Duyên.

 





CHO EM XIN..

Cho em xin một mùa mưa tháng sáu

Từng giọt buồn thưa thớt bỗng rào buông 

Chợt lòng nghe se sắt nỗi buồn thương

Nhặt tim vỡ bồi hồi như mộng ảo

Cho em xin hồng xinh nở bên rào

E ấp dưới trời cao cùng mây trắng

Nhìn đi em dòng điện giăng tĩnh lặng

Ngẩn ngơ hoài ánh nắng cuối chiều nghiêng

          LÊ XUAN DUYÊN - 6/2022

Bài hát hay: MỘT MÌNH - Kim Dung.


 Sáng tác và trình bày Kim Dung 

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Thơ tranh: HẠ CUỐI - Thạch Thảo.

 Thơ tranh : HẠ CUỐI



Thơ: THÁNG SÁU - Thuy Hà.

 



THÁNG SÁU.

Tháng Sáu dang vòng tay

Nối liền trời và đất

Bằng muôn hoa khoe sắc

Bằng mưa chiều bay bay.


Tháng Sáu nghiêng bờ vai

Hoa tường vi rộ nở

Tử đằng tím mộng mơ

Ngỡ ngàng rung cánh mỏng.


Tháng Sáu xinh môi hồng

Sóng sánh giọt mật ong

Trải nắng vào hoa cỏ

Cho hạ vàng mênh mông.


Tháng Sáu thơm bờ tóc

Tha thướt áng mây trôi

Nghe theo lời mời mọc

Của gió cùng rong chơi.

THUY HÀ. 

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Tâm linh: MA ! - Dieu Le.

 



MA!

Cũng nhờ hai lần gặp ma ấy mà tôi có thể sống được đến ngày hôm nay, hơn nữa, họ còn giúp tôi nhận ra sức mạnh của luật nhân quả ghê gớm đến mức nào.

Nhắc đến ma thường khiến cho con người ta sợ, nhưng riêng tôi thì tôi xúc động nhiều hơn.

Tôi tên Thoi Phánh, một người Hoa lớn lên trên đất Việt. Nhà tôi nằm trên đường Nguyễn An Ninh, khu Bến Đình, thành phố Vũng Tàu. Năm 1990, khi ấy tôi 22 tuổi, sống bằng nghề buôn gỗ, nhưng không phải là gỗ rừng, mà chỉ là gỗ những cây ăn trái mà người ta muốn chặt bỏ. Ai bán thì tôi đến đốn hạ, rồi chở về bán lại cho các xưởng cưa.

Công việc này thường phải đi đây đi đó xa xôi, lại khá nặng nhọc, cần rành về kĩ thuật, nên tôi tuyển lựa ra 3 người cộng sự, mỗi lần đi mua cây đều gọi đi làm cùng. Lâu dần thành một ê kíp phối hợp ăn ý, mặc dù trên danh nghĩa thì tôi là chủ, nhưng anh em sống với nhau rất hòa đồng, thân mật.

Một lần, tôi cùng với ba người cộng sự ấy lên Long Khánh ( Đồng Nai) để mua cây xoài.

Cưa chặt xong xuôi thì trời tối, tôi để cây lại, chờ sáng mai sẽ có xe đến chở sau. Còn tôi nhận tiền rồi cùng ba gã cộng sự kia đi về. Bốn thằng leo lên ba chiếc xe 67, phi nhanh trên con đường tối thui trở về nhà.

Đó là một con đường rất hoang vắng, dài thăm thẳm chạy xuyên qua những vườn, rẫy trồng cây ăn trái. Cảnh vật tối tăm, tịch mịch. Đang chạy, chợt mắt tôi đảo qua thấy một khổi gì đó đen thui, to lù lù trên cây. Tính tò mò, tôi gọi ba gã cộng sự dừng xe lại:

- Ê, tụi bay, hình như tao vừa thấy một con gấu, nó ở trên cây kia kìa.

Một gã bảo :

- Mày khùng hả? Long Khánh làm gì có gấu?

Nói thế nhưng cả đám vẫn quay lại xem sao. Bước lại gần, soi đèn pin lên thì… ông giời ơi, chẳng phải gấu cọp chi cả, mà là một người đàn ông mặc áo mưa, treo cổ chết lủng lẳng trên một cây me.

Tá hỏa tam tinh, ba gã kia la toáng lên, rồi co giò chạy thục mạng, bỏ lại mình tôi giữa màn đêm hoang vắng với cái xác treo cổ.

“Có phúc cùng hưởng mà có họa thì thân ai nấy chịu” Haiizzz !

Nhưng không sao, tôi trời phú cho từ bé đã gan góc cùng mình, những chuyện này không làm tôi sợ lắm. Hít một hơi trấn tĩnh lại, tôi bước đến vái cái xác người đàn ông ấy mấy vái, rồi khấn thế này:

- Tôi với ông vốn không quen biết, tình cờ gặp ông đây cũng là một cái duyên, mà duyên gặp này tiếc rằng cũng là khi ông đã tử rồi. Ba thằng kia nó cũng bỏ tôi chạy mất, thôi thì tôi chỉ có thể giúp ông báo công an xã để người ta truy ra ông ở đâu rồi đem về nhà cho người thân tẩm liệm.

Thế rồi tôi chạy đi báo công an. Họ tới đưa xác người đàn ông xuống, lục trong người thì thấy chứng minh nhân dân, rồi theo đó đưa xác về nhà. Tôi tính thích bao đồng, nên cũng đi theo về đến nhà ông ta luôn.

Vào nhà ông ta, thì câu chuyện lại càng buồn hơn. Vợ chồng ông có ba đứa con còn rất nhỏ, trong đó thì một đứa bị tật nguyền, gia cảnh nghèo xơ xác. Không biết có phải vì túng quẫn quá mà ông ta tự tử không nữa. Thấy hoàn cảnh ấy tôi cũng không đành lòng bỏ mặc.

Lục trong túi đếm được hơn 300 ngàn (năm 1990 thì 300 ngàn không hề nhỏ), tôi chạy đi mua một chiếc quan tài. Rồi rút nốt chiếc nhẫn hai chỉ vàng trên tay, tôi đưa cho người vợ lo tiền mai táng cho người đàn ông xấu số kia.

Sự việc xong xuôi, tôi trở về và cũng không suy nghĩ gì về việc đó nữa. Vẫn đi buôn gỗ như trước, chỉ có một điều lạ, là tôi luôn gặp may mắn, làm ăn phất lên như diều gặp gió.

Cứ thế mấy năm sau, lần đó tôi được người ta giới thiệu lên Tây Ninh mua cây. Lần đó tôi mang theo khá nhiều tiền, đi buôn bán làm ăn mà, thêm một sợi dây chuyền ba chỉ vàng trên cổ nữa.

Cũng như mọi khi, tôi gọi ba gã cộng sự quen thuộc đi cùng.  Đốn cây, nhận tiền xong xuôi thì trời đã tối, phải xin chủ nhà cho chúng tôi ngủ lại. Nhà có hai cha con, đàn ông với nhau cả nên họ vui vẻ chấp thuận. Cả ngày làm mệt nhoài rồi, nên leo lên giường là tôi ngủ ngay.

Đang đêm, khi đang say giấc ngủ ngon, tôi lạc vào một giấc mơ, và thấy một người đàn ông xa lạ bước đến, nói như hét vào mặt tôi :

- Ông mau thức dậy đi ! Tôi là người đi theo bảo vệ ông suốt mấy năm nay để trả nợ ông đây.

Tôi ngơ ngác hỏi lại:

- Mà ông là ai ?

- Tôi là người treo cổ ở Long Khánh đó, ông nhớ chưa ? Ở ngoài sau nhà, họ đang mài dao rựa, dao mác để giết ông cướp tiền và vàng của ông đó. Giờ ông hãy đạp cái cửa sổ này ra, rồi nhằm thẳng hướng đông chạy thật nhanh, ông sẽ gặp một cái am của ni cô. Chỉ có đường đó ông mới thoát thân được thôi, ngoài ra chạy đường nào ông cũng chết hết.

Ngay đó thì tôi bừng tỉnh.  Quả nhiên tôi thấy có tiếng bước chân đang tiến lại gần, cách tôi tầm 6- 7 mét. Không suy nghĩ nhiều, tôi lập tức y theo lời chỉ dẫn của hồn ma trong mơ. Dùng hết sức, tung chân đạp mạnh vào cái cửa sổ. Đúng là nó không có kiên cố gì, ăn một cú đạp thì văng ra liền. Bản năng sinh tồn trỗi dậy, tay vơ nhanh lấy túi tiền, tôi phi ra ngoài, nhằm thẳng hướng đông chạy thục mạng.

Đằng sau, một đám thấy tôi chạy liền phóng theo bám gót. Tôi ngoái lại thì nhận ra ngay ba dáng người thân quen, chính là ba tên cộng sự, tên nào cũng dao rựa, dao mác lăm lăm trên tay.

Hiểu ngay ra vấn đề, tôi tăng tốc chạy. Chạy trối chết, chạy quên sống chết.\

Vừa là đêm tối khó thấy rõ, vừa gặp tôi chạy quá nhanh, và cũng vì bất ngờ không hiểu sao tôi biết trước mà tỉnh dậy, bỏ chạy như vậy, chỉ một lát sau ba gã kia đã bị tôi bỏ mất dấu.

Tôi cứ thế tiếp tục chạy, được một lát, quả nhiên gặp một cái am. Tôi nhanh chân leo qua hàng rào vào trong, thì thấy một sư cô đang thức, chắc là dậy sớm tụng kinh hay sao đó.

Trông thấy tôi, sư cô cũng hoảng sợ. Nên tôi vừa thở hổn hển, vừa kể lại mọi chuyện, xin cô thương tình cho tôi trốn ở đây. Cũng may sư cô tin lời tôi, nên nói:

- Thôi con ở lại đây chờ đến khi trời sáng rồi đi ra, bây giờ cũng là 4 giờ sáng rồi.

Tôi cảm ơn sư cô, rồi kiếm một góc ngồi, chậm rãi suy nghĩ lại mọi việc, mà lúc nãy nhanh quá tôi chưa kịp hiểu hết. Nhân tình thế thái thay đổi thật nhanh, mới anh anh em em đó, chỉ vì tiền mà nỡ xuống tay giết nhau cho đành. Sau đêm đó ba tên ấy cũng bỏ trốn không bao giờ tôi gặp lại nữa. Đến khi trời sáng, tôi cáo biệt sư cô, rồi một mạch đi về Vũng Tàu.

Tôi lục tủ lấy hai cây vàng và một triệu đồng, đem đến nhà người đàn ông treo cổ chết ở Long Khánh mấy năm trước. Tôi kể lại sự tình đêm qua, rồi tặng số tiền vàng đó cho vợ con ông ta như một lời cảm ơn. Trước bàn thờ ông ấy, tôi thắp nén nhang mà khấn rằng:

- Ân nghĩa duyên nợ giữa tôi với ông xem như đến đây cũng đã trọn vẹn. Tôi giúp ông, rồi ông theo tôi bảo vệ suốt mấy năm, và cứu mạng tôi. Thôi coi như huề, không ai nợ ai, ông không cần theo bảo vệ tôi nữa. Ông đừng vương vấn cõi trần này làm gì nữa, mà lo siêu thoát đi đầu thai đi.

Từ nhỏ, trong nhà theo đạo Phật, nên tôi cũng biết Đức Phật dạy rằng vũ trụ này có 6 cõi luân hồi, trời – a tu la – người – ngạ quỷ (tức cõi ma quỷ) – súc sinh - địa ngục. Nghe rồi để đó chứ tôi không tin. Phải qua sự việc này rồi thì tôi mới biết đó là sự thật. Cảm ơn ông vì đã cứu tôi một mạng, cảm ơn vì đã cho tôi mở mang hiểu biết, nhận ra lời Phật dạy không phải là hư vọng, rằng cõi thế giới này không chỉ có loài người và súc sinh.

Kể từ đó thì tôi không còn gặp hồn ma ông ấy lần nào nữa. Nhưng mà chuyện gặp ma thì tôi vẫn còn thêm một lần nữa, thậm chí còn ma mị hơn lần này.

Nhân quả thật là đáng sợ. Tiếc thay cho những ai không biết, không tin nhân quả, buông lung theo lòng sân hận, tham lam, mặc tình tạo ác, đến khi quả báo đến thì đã quá muộn.


DIEU LE.



Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Thơ : BIẾT TỎ CÙNG AI - Kim Dung.





 KHÔNG ĐỀ.

( BIẾT TỎ CÙNG AI )***

Muốn ngủ mà sao thao thức hoài

Nỗi niềm không biết tỏ cùng ai

Thời gian cứ thế trôi chầm chậm

Bỏ lại mình em với đêm dài


Lặng lẽ đường trần em bước đi

Giật mình ngoảnh lại hết xuân thì 

Tóc xanh ngày ấy pha sương tuyết

Ngồi đếm đời mình vui mấy khi


Trăng hỡi trên cao trăng có buồn

Cho người trần thế lắm tai ương

Cứ như trăng đó mình một cõi

Không phải sầu đau nước mắt tuôn


Nắng tắt chiều phai nhạt ước mơ

Có còn chi nữa để mong chờ

Còn đây một chút ngày tháng vội

Và cả trời mây xám mịt mờ

KIM DUNG.

___________

Ghi chú : *** Tựa do MCHX blog, theo lời thơ của chính tác giả.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Thơ: NHỚ ĐỪNG QUÊN - Thuy Hà.

 





NHỚ ĐỪNG QUÊN. 

Gió nuối tiếc nhìn mây ngàn xa khuất

Giọt mưa chiều còn đọng lại lung linh

Như nước mắt tràn bờ mi u uất

Rơi miên man trên lá cỏ yên bình.


Mưa bồi hồi tiễn người ngang lối cũ

Có hàng cây lay lắt gió đợi chờ

Tiếng mưa rơi tựa như lời nhắn nhủ

Nhớ đừng quên dù năm tháng mịt mờ.

THUY HÀ. 

Tản mạn: VIẾT VỀ TRỊNH CÔNG SƠN - Khánh Ly.



( Tranh: Lê Sa Long )


VIẾT VỀ TRỊNH CÔNG SƠN.

 ( ... Trong một căn phòng, không phải bên cạnh sông Hương mà ở ngay giữa lòng thành phố Montreal. Bên ngoài tuyết rơi, chúng tôi ngồi với nhau, những người bạn cũ. Hát lại những bài hát ngày xưa. Hoặc những tình ca mới. Mỗi người một ly rượu, khói thuốc mù mịt, mỗi người ngồi sát nhau trên chiếc thảm, trước lò sưởi... Không ai cảm thấy lạnh. Không chút lạnh lẽo nào giữa chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Anh hát đi. Không Mai hát đi. Giang hát đi. Mai ngâm thơ đi...


"Mà sao giấc ngủ không dài. Mà đêm không ngắn mà trời cứ mưa. Ở đây tôi sống như thừa. Có đem men rượu tẩm vừa lòng nhau.” -Nguyễn Bính. )


Cũng mùa Đông, một đêm nào đó, năm 1974 ở nhà anh chị Lễ ở Huế. Ngôi biệt thự bên cạnh sông Hương. Ngoài trời cũng tối và lạnh như đêm nay. Mùa Đông ở Huế. Chúng tôi cũng ngồi sát nhau như đêm nay. Lúc đó tôi vừa 30 tuổi. Tóc vẫn còn xanh. Lòng còn tha thiết yêu đời sống. Một buổi sáng tôi bỗng thấy mặt trời lên cùng tôi và biển cả. Nước mắt tôi tuôn như mưa. Tôi nhớ mùa Đông ở Huế. Mùa Đông ở Huế và anh.


17 mùa Đông lặng lẽ đi qua, tôi vẫn nhớ những ngày âm u lạnh lẽo của Huế. Tôi có thể quên nhiều điều, tôi có thể quên tất cả để chỉ nhớ về những con đường của Sài Gòn - nơi tôi đã ở và đã từ đó ra đi... nhưng không bao giờ tôi quên được những ngày tháng ngắn ngủi, vội vàng ghé Huế. Đến vội vàng. Đi vội vàng mà chẳng thể nào quên được. Một thứ tình lạ thường đã trói buộc Huế trong trái tim tôi. Một trói buộc mơ hồ nhưng mạnh mẽ, đằm thắm. Tôi lớn trong hơi thở có Huế. Chính Huế cho tôi hơi thở.


Bây giờ là cuối Đông. Những bông tuyết bay trong chiều, đậu trên những cành cây trụi lá, gầy guộc. Chúng tôi đi bên nhau. Tia nắng dịu dàng đậu trên những bông hoa nhỏ bé, lấp lánh, tấm thảm dầy trắng tinh, chỉ có vết chân bé nhỏ của những chú sóc nghịch ngợm chạy tới ăn những hột bắp rang no bụng mà anh liệng ra để dụ chúng lại gần. Anh cười vui, ánh mắt long lanh thơ dại. Tôi ít thấy anh cười mà cũng không bao giờ thấy anh tỏ vẻ buồn bã.


Chúng tôi tìm đến một thân cây lớn, một nửa ngập dưới tuyết, ngồi nghỉ chân. Tuyết vẫn rơi. Chỉ có hai chúng tôi giữa một vùng trắng mênh mông yên lặng. Chẳng lẽ không có gì để nói, không còn gì đáng nói sau mười mấy năm vắng nhau? Có chứ. Anh đã nói, không phải với riêng tôi, mà ở những bài hát. Tôi đã nghe và hiểu từ đó...


“Có đường xa mà gió chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên... Tôi là ai mà còn khi đau lẻ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai. Là ai. Là ai mà yêu quá đời này... Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo...”


Tôi bỗng thương anh thêm và càng quý trọng những giây phút bên anh. Cũng vội vàng, ngắn ngủi như những lần tôi ghé Huế. Tuy nhiên, tôi nghĩ, như thế có lẽ tốt hơn. Bởi vì những điều như thế đã cho tôi cái cảm tưởng là không hề bao giờ, giữa chúng tôi có cái khoảng cách 17 năm. Lá vẫn rơi trên lối chúng tôi đi. Những khóm hoa nắng vẫn lấp lánh trên đường chúng tôi đi. Tất cả vẫn rất còn rực rỡ.


Quay về căn phòng nhỏ. Ánh lửa như hồng thêm, ấm áp thêm bên ly rượu màu hổ phách, cay nồng. Cởi áo lạnh ra, trông anh gầy hơn xưa nhiều song so với lần gặp nhau ở Paris năm 1989, anh có vẻ khỏe hơn. Bên cạnh anh là Hoàng Xuân Giang của quán Văn ngày xưa. Giang đã có vợ, con gái lớn rồi. Hoàng Xuân Sơn cũng đùm đề một gánh thê nhi nặng trĩu hai vai. Phạm Nhuận to béo hơn xưa, vui vẻ cười nói ồn ào bên cạnh Hoàng Xuân Sơn nhỏ nhẹ thư sinh. Hoàng Xuân Giang vạm vỡ khỏe mạnh như loài cây hoang trong rừng già và anh, anh mỏng manh và thật đằm thắm. Nhìn quanh, tôi thấy như mình đang sống trong thần thoại 20 năm là đây. Chỉ ở một buổi chiều cuối đông tại thành phố Montreal. Còn ai nữa nhỉ? Chắc chắn là còn thiếu một vài người. Trong tôi, một thoáng ngậm ngùi.


Chúng tôi chia tay nhau, dưới ánh đèn đường vàng vọt, trước cửa nhà anh Quế. Mai gặp lại. Anh và tôi trở về nhà Tâm. Nỗi vui làm tôi khó ngủ như ngày xưa sau mỗi buổi hát, chúng tôi thường ngồi lại với nhau, chia cho cạn niềm vui còn sót lại. Những niềm vui không thể để vung vãi, bỏ phí. Phải uống hết, phải nuốt hết vào lòng. Chúng tôi đã sống bằng những niềm vui không nhiều trong đời. Tôi tự cho mình là cái bóng của anh và cũng được hưởng niềm vui đó.


Tôi mở cửa phòng rất nhẹ. Anh đã ngủ yên. Chỗ tôi nằm cách chỗ anh một sải tay. Tôi khẽ nằm xuống, kéo mền len, nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Tôi nghĩ lát nữa đây, khi mặt trời lên trên thành phố này, khi tôi thức dậy, tôi sẽ nhìn thấy anh. Tuyết vẫn bay ngoài cửa sổ nhưng ngày sẽ đẹp.


Anh dậy rất sớm và việc làm đầu tiên trong ngày của anh là ra khỏi nhà. Tìm đến một quán café, ngồi đó hút thuốc và nhìn người qua lại trên đường phố... “Phải nhìn thấy mọi người, một ngày không thấy ai, buồn dễ sợ”. Tôi nhìn anh cười không nói. Cái nhìn và nụ cười là câu trả lời. Ngày xưa anh cũng thế. Chúng tôi cùng nhau xuống phố. Vẫn im lặng đi bên nhau với nỗi hân hoan hạnh phúc không thành tiếng... “Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi. Đường đến anh em, đường đến bạn bè. Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát. Để thấy tiếng cười rộn rã bay...”.


Đó là những điều rất thật thà anh đã nói, đã làm, để sau cùng “Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước này cần một trái tim. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”.


Tôi thấy anh yêu đời thật sự. Anh cười với ông Phạm Duy, ông Trầm Tử Thiêng, ông Duy Khánh và các bạn qua điện thoại. Anh hát và chỉ cho tôi, cắt nghĩa cho tôi những bài hát mới. “Nhớ đừng có hát như trả bài nhé.” Giọng anh hát khỏe hơn lần gặp ở Paris.


“Thôi anh hát đi, anh hát hay hơn em.” Anh cười, mắt anh cũng cười. “Anh bao giờ cũng hát hay hơn Mai.”


Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng của năm 1967. Chúng tôi, những người bạn nghèo, đến với nhau, gắn bó không ngờ. Gia đình anh giàu, gia đình Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang cũng giàu. Nhưng cá nhân chúng tôi đều nghèo. Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly café cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nảy mầm ở đó. Quán Văn, cái tên quán dễ nhớ và dễ thương, mọc lên chơ vơ giữa lòng Sài Gòn trăm ngàn màu sắc. Những tấm ván ép hư bể, được ghép lại, nhỏ hơn cái bếp ở đây, chỉ dành làm chỗ pha café. Mọi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi trên cái nền xi măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp đẽ nhất của một thời tôi còn trẻ.


Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui. Chúng tôi không cần thiết biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết không rời. Đến với nhau qua sự run rủi của định mệnh. Không thề thốt, không hứa hẹn... Đến và ngồi với nhau. Một lần rồi thì có nghĩa là mãi mãi. Giang đó, Sơn đó, Nhuận đó, Thảo đó, anh và tôi... từ những ngày lăn lóc đó cho đến bây giờ vẫn không dời đổi. Qua những bài hát của anh, sự kết hợp những người trẻ thật khít khao vừa vặn. Ai đến cũng được, ai đi cũng được...


“Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...”. Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Đời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè chẳng bao giờ tôi quên... dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người – thì trong trái tim bầm giập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất.."


Trích trong cuốn "Đằng Sau Những Nụ Cười" do Khánh Ly viết.



#nhactrinhcongson #nhactrinh #trinhcongson #nhacvn #trinhcongsonquote

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Hương xưa: CUNG TIẾN, MỘT CUNG ĐÀN... - Nguyễn Thị Bích Hậu.

 




CUNG TIẾN, MỘT CUNG ĐÀN ĐÃ ĐỨT!…


Tất cả những ai yêu nhạc miền Nam đều biết các bài hát Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa của ông. Lạ lùng thay, 3 ca khúc đó đều viết khi ông còn ở tuổi thiếu niên (14 đến 16 tuổi).


Sau này ông có nói là do bị ảnh hưởng Đường thi và các nhà thơ VN thời tiền chiến, chớ không phải được chắt lọc từ những ký ức thật trong cuộc sống của mình.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông cho biết:


Hỏi: Khi Cung Tiến nổi tiếng với những nhạc phẩm như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa”, nhạc sĩ thích người ta biết đến trong vai trò nào? Một nhạc sĩ hay một nhà kinh tế?


Trả lời: Tôi nhiều sở thích lắm, như văn chương, tiểu thuyết, thơ, thích hội họa, toán học và kinh tế học. Kinh tế học là ngành hồi đó tôi được học bổng đi ra ngoại quốc học. Tôi có rất nhiều sở thích nhưng âm nhạc vẫn là sở thích đầu tiên và cuối cùng trong đời của tôi.


Mười sáu tuổi đã viết lên những ca từ:


Lòng cuồng điên vì nhớ

Ôi đâu người đâu ân tình cũ

Chờ hoài nhau trong mơ

Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa


Một mùa thu xa vắng

Như mơ hồ về trong đêm tối

Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa


Chờ nhau hoài cố nhân ơi

Sương buồn che kín nguồn đời

Hẹn nhau một kiếp xa xôi

Nhớ nhau muôn đời mà thôi


Thời gian tựa cánh chim bay

Qua dần những tháng cùng ngày

Còn đâu mùa cũ êm vui

Nhớ thương biết bao giờ nguôi...


Quả là phi thường.


Ngoài âm nhạc, ông còn là một viên chức cao cấp của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước 1975


Ông mất tại Mỹ, ngày 10 tháng 5 ở tuổi 83, và mới được hỏa táng vào ngày 2 tháng 6 năm 2022. Cung đàn nào cũng đến lúc nghỉ ngơi.


NGUYỄN ĐÌNH BỔN


***


“CHỜ HOÀI NHAU TRONG MƠ, NHƯNG CÓ BAO GIỜ, THẤY NHAU LẨN NỮA”…


Nhạc sĩ Cung Tiến đã mất ngày 10/5 tại Mỹ và hỏa táng ngày 2/6/2022, thọ 85 tuổi. 


Nay ông sẽ là người muôn năm cũ của Hoài cảm, Hương xưa, và Thu vàng...


"Lòng cuồng điên vì nhớ

Ôi đâu người đâu ân tình cũ

Chờ hoài nhau trong mơ

Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng

Như mơ hồ về trong đêm tối

Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa"


Du Tử Lê từng gọi Cung Tiến là một hiện tượng, một thiên tài của nền tân nhạc Việt Nam. Bởi vì những bản hay nhất của ông như Hoài Cảm và Thu vàng đều viết khi ông mới 14-15 tuổi. Khi đó ông mới chớm bước chân vào làng tân nhạc, mà đã thành tựu rực rỡ.


Cung Tiến có một cuộc đời gắn bó rất nhiều với những chìm nổi thời cuộc.


Ông sinh năm 1938 tại Hà Nội, trong một gia đình có người cha là một thi sĩ tham gia Quốc dân Đảng. Gia đình ông di cư vào Nam từ 1954. Có tài ca hát và viết nhạc, ông tham gia chương trình biểu diễn của Đài phát thanh Pháp Á để tuyển chọn ca sĩ. Nhưng thi xong chưa tới đâu, về tới nhà thì bị ông thân sinh đem quần áo, đồ dùng vứt ra cửa. Gia đình muốn ông học hành đỗ đạt và làm một nghề gì đó bình thường, chứ không phải thành nhạc sĩ hay ca sĩ. 


Nhưng khi đó ông đã viết 2 bài ca nổi tiếng và được 2 sư phụ dạy dỗ ban đầu rất tâm huyết là nhạc sĩ Chung Quân và Thẩm Oánh. 


3 năm sau, do học giỏi, ông thi đậu học bổng du học ngành Kinh tế tại Úc. Ông từng tâm sự trong 1 bài PV trên báo NV rằng không phải vì ông thích học Kinh tế, mà vì khi đó đậu học bổng ngành đó nên không có lựa chọn nào khác mà phải học. Và ông học ngành này rồi cũng thấy ưa thích, trở thành chuyên gia. Tuy nhiên, âm nhạc vẫn là một đam mê cháy bỏng, do đó Cung Tiến vừa đi học kinh tế tại Úc từ 1957 tới 1963, đồng thời vẫn học thêm về âm nhạc tại Nhạc viện Sydney.


Tới 1970, khi nhận học bổng học master về Kinh tế tại Đại học đường Cambridge, Anh quốc, ông cũng tiếp tục vừa học nghề, vừa theo học các lớp học nhạc. 


Cả cuộc đời ông viết nhạc không nhiều. Nhưng khi viết bài nào cũng rất trau chuốt từ câu từ cho tới âm nhạc. Những ca từ trong ca khúc của ông đẹp như những bài thơ cổ đầy chất lãng mạn.


"Chiều buồn len lén tâm tư

Mơ hồ nghe lá thu mưa

Dạt dào tựa những âm xưa

Thiết tha ngân lên lời xưa

Quạnh hiu về thấm không gian

Âm thầm như lẫn vào hồn

Buổi chiều chợt nhớ cố nhân

Sương buồn lắng qua hoàng hôn"


“Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao

Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao

Còn đó tiếng khung quay tơ,

Còn đó con diều vật vờ

Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa

“Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi

Buồn sớm đưa chân cuộc đời

Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa

Dù có bao giờ lắng men đợi chờ"


Mặc dù vậy, Cung Tiến là một người rất khiêm cung. Ông tự nhận mình là một người nghiệp dư, viết nhạc để mà tiêu khiển, không chú ý tác quyền và không quan tâm tới việc lăng xê tên tuổi mình.


Ông cho biết rằng sở thích của ông là văn chương, tiểu thuyết, thơ, hội họa, toán học và kinh tế học.


Bởi vậy nên ngoài âm nhạc, ông viết báo và tham gia dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm, và Văn. Hai trong số các tác phẩm ông dịch và xuất bản ở Việt Nam là cuốn Hồi ký viết dưới hầm của Dostoievsky và cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn. 


Sau khi định cư tại Mỹ, ông làm kinh tế gia tại Bộ Tài nguyên thiên nhiên bang Minnesota. Về cuối đời ông về hưu và vợ vẫn sống tại tiểu bang này. Hàng ngày thú vui của ông rất giản dị là nuôi 2 con chó, đi chơi cùng chúng, viết nhạc và đọc sách. 


Vô cùng thương tiếc ông, con người rất đẹp của một thời đầy ly loạn. Giữa thời cuộc với biết bao biến động khủng khiếp đó, ông vẫn giữ được sự bình an trong tâm hồn của một trí thức, một nghệ sỹ lớn. 


Xin thành kính phân ưu cùng gia đình ông. 


NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU

Tranh vui: HÌNH XÂM ĐỘC ĐÁO - St trên mạng.

 

HÌNH XÂM ĐỘC ĐÁO!!! 



( XEM CHO KỸ NHÉ! )

Truyện: HẠT PHẤN CUỐI CÙNG - Lê Quang Trạng.

 




HẠT PHẤN CUỐI CÙNG


(Lê Quang Trạng, tác giả vừa đạt giải ba Giải thưởng văn học tuổi 20 - Cuộc thi văn học lần VII, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một thành viên trong Ban Giám Khảo)


.Lúc nhận dì về, mẹ nói để mẹ trang điểm cho dì. Mấy món mỹ phẩm cũ kỹ trong giỏ của dì đã cạn, mẹ đích thân đi chợ mua mấy món hàng mới. Mẹ nói, hồi sống chung, mẹ bị dị ứng với mấy món phấn son hàng chợ trời và mùi nước hoa nồng mùi lạ lẫm của dì.


Mẹ không thích mấy loại mỹ phẩm đó chút nào, nó gợi lên một sự nhàn nhạt và xa lạ. Nhưng lần này, mẹ khẳng định: “Mẹ biết, dì sẽ vui khi thấy mẹ mua cho những món mà dì thích nhất”…


Da mặt dì ngả màu hơi tím tái và có vẻ khô. Mấy nếp nhăn khổ ải hằn dấu tích một cuộc đời không mấy suôn sẻ. Đôi mắt dì không khép hẳn.


Mẹ nhẹ nhàng chấm từng miếng phấn, nhẹ nhàng tô lên môi dì thứ son rẻ tiền đậm một màu đỏ chót. Mẹ nói, chắc chắn dì sẽ vui, nhưng lại cằn nhằn cho coi: “Hồng còn gì nữa đâu mà Thắm phải bận lòng. Sao không để tiền lo cho tụi nhỏ”.


- Nhưng thôi, đừng giận Thắm, Thắm trang điểm cho Hồng lần này nữa thôi, Hồng…


Hồng là nghệ danh của dì từ hồi dì vừa mới bước qua cái tuổi hai mươi. Năm đó, lần đầu tiên dì theo đoàn lô tô Cát Tường về xóm Cổ Cò heo hút.


Xóm xa chợ, nằm chèo queo trong một cánh đồng, mấy chục nóc gia lưa thưa bên con đê bao chống lũ. Phải đi một đoạn dài mới đến chợ.


Cái chợ xã nằm ngay trên đất của sân banh, không có nhà lồng, chỉ là những mái lá tạm bợ để sáng sớm bày ra bán, đến sắp trưa thì chợ tàn.


Đoàn lô tô Cát Tường chọn sân banh làm nơi lưu diễn. Đoàn chừng chục người với một sân khấu di động và con chuột bọ. Cắm một cái trại ở góc sân banh, đoàn lô tô dựng sân khấu trên nền cỏ.


Trại cắm vừa xong, chiếc xe lôi chở cái loa bông bí chạy khắp các ngõ ngách của làng, quảng cáo đêm đại nhạc hội hoành tráng nhất xứ Cổ Cò, lần đầu tiên xuất hiện với dàn ca sĩ trai xinh gái đẹp.


Không khí mòn mỏi, buồn ngủ mỗi buổi xế chiều của xóm Cổ Cò được đánh thức bởi cái loa bông bí vừa chạy vừa rao; mấy ngọn đèn xanh đỏ, mấy con chuột bọ hí hửng hiện trong đôi mắt mỗi người.


Chiều đó, đồng nhà cắt lúa vừa xong, mẹ xin ông ngoại cho đi xem hát cùng đám bạn. Cả đám đi tắt đường đồng cho lẹ, níu lấy ánh đèn phía sân banh và tiếng máy dầu chạy phát điện mà đi là tới chỗ đoàn lô tô đang đóng.


Đêm coi hát đầu tiên, mẹ khen, “anh ta đẹp trai quá trời”. Trong khi đám bạn thì mê tít giọng hát của ca sĩ Phi Thanh Thanh thì mẹ lại ấn tượng với anh chàng đánh đàn ghita đệm cho ca sĩ tỏa sáng.


Đêm đó mấy đứa hâm mộ có dịp gặp các ca sĩ thần tượng của mình sau rèm sân khấu. Sau một hồi bắt chuyện, cả nhóm mời được mấy ca sĩ về chòi rẫy ở đồng nhâm nhi đặc sản xứ Cổ Cò. Thiện ý của “fan” vậy, mấy ca sĩ làm sao chối từ cho được.


Vậy là cả đoàn dọn dẹp đồ đạc vào trại, cử hai đứa trẻ nhất ở lại giữ, còn bao nhiêu thì kéo vào chòi rẫy giao lưu.


Mẹ không mê ca sĩ, mẹ nhìn anh đánh đàn không chưng diện, mà thấy chất phác thật thà, thêm tài nghệ, nên mẹ mê anh ấy. Mẹ nói với bạn đi cùng, “người ta nghệ sĩ và không có sặc sỡ lòe loẹt, thư sinh như thầy giáo, đẹp trai gì đâu”.


Bạn mẹ bĩu môi: “đẹp có đẹp, mà môi thâm dày cui thì nghi không tử tế”. Nhưng mẹ không tin cách nhìn mặt bắt hình dong như vậy. Người ta rành rành hiền hậu vậy, làm sao mà không tử tế cho được chứ.


Hôm đó nhậu đến khuya thì hai bên mới dám uống dày đến xáp lá cà cho say nồng tình nghĩa. Lúc cả hai bên say bí xí, cũng là lúc tiệc bắt đầu tàn; chia tay nhau, ai về nhà nấy.


Mẹ đi theo linh cảm về con đường tắt băng ngang đồng để về nhà. Lúc ra đến cây rơm thì thấy anh đánh đàn ghita đứng móc họng để ói.


Mẹ cười, người gì đâu nhậu không dám từ chối, về thì ráng ói ra cho bớt say. Thiệt hiền hết sức nói. Anh đánh đàn thấy mẹ nên có vẻ ngượng ngùng, rồi cả hai nói chuyện dài dài đường về.


Sau đó là mấy lần hẹn nữa, mẹ không nhớ. Chỉ nhớ có một đêm hẹn trời tối thui. Mưa to quá xá. Đêm đó anh ghita rủ nhậu, vì sắp chia tay Cổ Cò đi xứ khác. Mẹ vừa ngậm ngùi vừa nghe đau đáu trong lòng, cầm ly rượu nốc một cái cạn sạch. Cuộc nhậu nhắm nháp mồi là mấy câu mùi mẫn.


Lúc tiệc tàn thì cả hai say như hai cây đũa đi dựa vào nhau, nghĩ là nếu gió có thổi mạnh sẽ ngã về một trong hai phía. Trên đường về mẹ cứ tưởng nói chuyện sẽ bớt say, ai dè càng nói thì men càng ngấm.


Lúc đó cơn mưa ập đến, sét rạch mấy đường ghê gớm trên bầu trời. Mẹ sợ nên nép vào ngực anh ghita. Thấy không xong, cả hai chạy vào chòi rẫy bỏ hoang trú mưa.


Có sét, thường thì mưa sẽ mau tạnh. Nhưng xui sao hôm đó mưa dai dẳng đến gần sáng. Vì mệt lại thêm có phần say nên mẹ nằm lên mớ rơm trong chòi, lúc đó cứ ngỡ như nằm nệm.


Tiếng mưa to vậy mà cơn say thì cứ ngây ngây nên hai đứa ngủ từ lúc nào không biết. Đến lúc tỉnh dậy mới nhìn nhau e thẹn không nói được nên lời.


Đoàn lô tô dời đi sau khi đến Cổ Cò ăn nằm dầm mưa hai tháng. Đêm hát cuối cùng, dì Hồng thấy mẹ cứ đứng ngoài cánh gà nhìn vào bên trong sân khấu như quyến luyến.


Dì tưởng mẹ hâm mộ dì, nên dì cảm động quá trời. Dì dúi vào tay mẹ tờ giấy ghi địa chỉ nhà, nói: “Hồng đi ta bà, nhưng lâu lâu cũng về ngang thăm nhà, có gì vui buồn cứ viết thư cho Hồng nha”.


Mẹ bâng quơ ngó lơ tờ giấy, giá mà tờ giấy đó là địa chỉ của anh đánh đàn thì hay biết bao nhiêu. Nhưng anh kia chắc còn mắc cỡ, cứ loay hoay rồi lại tìm cách ngó chỗ khác, làm mẹ bị lạc trong đôi mắt của người ta.


Rồi bụng mẹ đội áo nhô lên, tôi bắt đầu ngọ nguậy bên dưới lớp áo mẹ. Ông ngoại biết chuyện, rút roi đánh mẹ, hỏi: “Của ai?”.


Lúc đó mẹ không biết phải nói sao, tay cầm chặt túi áo, cắn răng mà khóc. Ngoại cố moi trong túi áo mẹ ra cho được, thì bắt gặp tờ giấy đề địa chỉ của dì. Bữa sau ngoại đón tàu đò đi tìm người biên cái địa chỉ ấy hỏi rõ tội tình, cớ sao làm con gái ông “no bụng” rồi bỏ trốn.


Phải đi trật vuột mấy đoạn đường thì mới đến địa chỉ ghi trong tờ giấy. Ngôi nhà khang trang nằm nép sau hàng dừa cao vun vút làm ngoại phần nào nhẹ lòng.


Như dự đoán của ngoại, ba má dì khi nghe tin về con mình gây nên nông nỗi cho con gái ngoại, thì cả hai đều bật ngửa.


Nhưng khác với dự đoán phần kết của ngoại, ba má dì mừng đến rưng rưng, quyết nhất định phải cưới mẹ, cưới gấp ngay lập tức chứ không hề phiền lòng chối bỏ đẩy đưa.


Biết sẽ khó gọi thằng “con gái” về bằng tờ thư mấy dòng nhẹ nhàng chữ nghĩa. Ba má dì nhắn gửi tàu đò lên ngọn Cây Da, nơi đoàn mới vừa đặt chân đến hát hai hôm.


Lời nhắn có phần đau đớn ngậm ngùi, “má Hồng hấp hối, ba Hồng nhắn kêu Hồng về gấp chờ tang”. Dì vừa khóc vừa chạy về trong đêm.


Nhưng má dì thì không hấp hối. Má ngồi trên bộ ván ngựa đen mun, vừa ôm lấy dì vừa khóc. Bà không khóc vì đau mà khóc vì mừng, năn nỉ con: “Con thương ba má thì hãy cưới người ta, cho ba má có đứa cháu bồng hun hít. Nếu không ba má bỏ xứ đi luôn”.


Dì ngậm câm nhưng không khóc. Lúc đó dì biết, nếu dì không xuôi theo mọi chuyện, nỗi khổ ngặt nghèo này sẽ đè nặng lên nhiều đôi vai, trong đó có ba mái đầu bạc, một mái đầu xanh và còn đâu đó mái đầu chưa qua mùa tóc máu.


Đêm đó dì trằn trọc không ngủ được. Sáng sớm hôm sau, dì ra chợ cắt tóc, mua áo sơ mi, quần tây, dây nịt, nón kết… ra dáng đàn ông đàn ang. Duy chỉ giọng nói thì không sao sửa lại được.


Đám cưới tức tốc tiến hành. Bữa qua dạm hỏi, mẹ nhìn dì chưng hửng. Nhưng khi dì lén ra sau nhà, dì nắm tay mẹ nói: “Anh đánh đàn đào hoa, Hồng biết. Ảnh biết Thắm có con, ảnh đi biệt xứ rồi. Giờ Hồng cũng bị vào thế kẹt, Hồng không biết làm sao hơn?”.


Mẹ khóc ròng ôm lấy dì. Sau này mấy lần như thế nữa, người ta cứ nghĩ tụi nhỏ thương nhau quá, nên ôm nhau mừng khóc như mưa.


Tôi ra đời sau ngày đám cưới mẹ năm tháng. Rồi dì lặng lẽ bỏ đi khi tôi vừa mới biết ăn, biết nói. Mẹ kể, dì đi trong một bữa mưa to, gió ngoài đường hung hăng rất dữ.


Dì nói với mẹ rằng, dì không thể làm chồng, thì dù ở với mẹ, mẹ cũng khổ tâm. Nên thôi dì đi. Lúc đó ba má dì đã mất, tôi đã mãn tang ông bà nội của mình.


Sau này, không biết từ đâu mà dì lôi ba ruột của tôi về cho mẹ. Lúc đó ba đã sa cơ thất thế, về te tua với thân thể còm nhom và hai bàn tay trắng.


Mẹ vì nghĩa, vì thương tôi cần có một người cha nên mẹ nai lưng ra nuôi thêm ba, ngày ba bữa cơm và hai bữa nhậu. Từ dạo đó, dì lâu lâu ghé qua nhà thăm mẹ và tôi, vẫn hay dúi vào tay mẹ một số tiền, đủ để mua gạo trong mùa giáp hạt.


Mãi sau này, đến lúc tôi đã lớn khôn, tôi vẫn xem dì là một người dì, người mẹ, máu mủ ruột thịt chứ không phải người dưng.


Ba bắt đầu sáng xỉn chiều say, hết nhậu rồi đến hát hò. Dần thêm tật đánh vợ. Mấy lần dì ghé nhà, thấy ba đánh mẹ, dì can ngăn.


Ba sỉ vào mặt dì mà chửi: “Mầy là thứ đàn bà, biết gì chuyện nhà tao mà can”. Có lần trong lúc can ngăn, dì bị ba đánh te tua, mặt dì sưng to, phải về quê tịnh dưỡng, bỏ đoàn hát mấy tháng trời.


Dì nói: “Cái thằng vậy mà còn có chỗ được, chửi Hồng là con đàn bà, nghe sướng”.


Mùng ba Tết, dì ghé nhà lì xì mẹ con tôi. Lúc đó ba nhậu say từ đâu về xăm xăm vào nhà đá cái bình trà bể nát.


Không thấy ai lên tiếng, ba lên cơn, rượt mẹ, chửi: “Đồ đàn bà tụi bây là thứ ăn hại”. Dì biết ba chỉ rượt vậy thôi, chứ không đuổi theo kịp mẹ đâu. Nhà này ngày nào mà không đánh nhau, đánh như hát bội.


Nhưng hôm đó thì khác, sau khi rượt mẹ chạy hai vòng chưa hả hê, ba ra sau bếp rút cây dao phay. Dì ngồi trên võng, nhanh như tên bay, phóng ngay lại chỗ ba, giật lấy cây dao đang giơ cao sắp chém mẹ. Nhưng cuộc giành cây dao phay không đơn giản như dì tưởng.


Dì ốm yếu, vật làm sao lại ba – một người say nhưng lực lưỡng. Dì vờn với ba trên mặt đất mịt mùng cát bụi. Đến lúc nghe tiếng hét thất thanh thì tôi phát hiện ba giãy giụa mấy cái như con trùn quặn mình rồi nằm sải lai. Dì đứng run run, trên tay rơi xuống cây dao phay đầy máu.


Dì ôm tôi khóc như mưa. Lần đầu tiên tôi thấy dì rơi nước mắt. Nước mắt dì nóng hổi như có thể vừa rơi vừa bốc khói lên trời.


Dì lê bước ra đồn công an đầu thú. Hai tháng sau, tòa tuyên án. Mẹ tôi khóc ngất, an ủi dì, sẽ nhanh thôi Hồng, nhanh thôi, Hồng ráng cải tạo tốt trở về với Thắm, Hồng nghen…


Mẹ vẫn hay lủ khủ đồ đạc kem phấn cho dì mỗi lần vào trại thăm. Lần cuối cùng vào ngày mười sáu tháng tư.


Mẹ chết trân, đánh rơi mớ kem phấn tứ tung xuống đất, những vỉ phấn rơi, vỡ nát thành từng hạt trên nền trại giam. Khi rơi xuống đất rồi, chúng vẫn giữ y màu của mình, cho nền đất có một điểm màu trắng da người.


Người ta kể lại rằng, dì bị một nhóm tù nhân nam hành hạ mỗi đêm nhưng dì không biết nói sao với quản giáo. “Hồ sơ ghi nam thì ở phòng nam, chứ sao”. Dì không chống cãi, cũng không phân minh đúng sai. Dì chọn cách ra đi. Dì đi bằng một cái khăn rằn mẹ mua cho dì vào dịp vào thăm hồi tết…


Lúc hạ huyệt, các thầy tụng kinh cầu siêu. Mẹ nói, thầy hãy tụng cho cô Nguyễn Thị Minh Hồng tiêu diêu miền cực lạc… Mẹ nói chắc dì sẽ vui, vì về bên ấy, Đức Phật sẽ xác nhận dì là nữ. Nếu còn bị nhốt thì sẽ không bị nhốt chung với nam.


LÊ QUANG TRẠNG. 

Thơ: VÀO HẠ ! - Lan Phương.

 




VÀO  HẠ!


Hạ kéo khói bâng khuâng buồn sắc tím

Nhớ thương rơi những góc phố im lìm.


HẠ  có biết mỗi khi mùa theo lá

KÉO  ta về những rất lạ xa xưa

KHÓI  mắt cay... kỷ niệm mấy cho vừa

BÂNG  quơ buổi chiều mưa ta sánh bước 

KHUÂNG  lên môi giọt mềm ta có được

BUỒN  ráng chiều không rọi hết ưu tư

SẮC  thang mây nghiêng biếc... phố trầm tư

TÍM  ai đó áo chiều buông sắc tím

NHỚ THƯƠNG RƠI NHỮNG GÓC PHỐ IM LÌM.


LAN PHƯƠNG.

Tản mạn : NGÀN NĂM ĂN CHẤM VỚI CHAN... - Trần Tiến Dũng.

 




NGÀN NĂM ĂN CHẤM VỚI CHAN…


Gần đây, xuất hiện khuyến cáo rất lạ: Người Việt cần bỏ thói quen ăn cơm chan canh. Đứng tên cho những nhận định như vậy là nhiều nhà dinh dưỡng, trí thức, văn nhân, nhà báo… Họ suy xét từ quan điểm cá nhân, rồi không ngần ngại kết tội thói quen ăn cơm chan canh qua ngàn năm của người Việt là xấu, thậm chí là nguy hiểm cho sức khỏe. Lắm lúc, có khi tôi muốn có dịp để đọc cho họ nghe một câu ca dao truyền đời từ xưa lắm:


"Anh nói em cũng nghe anh,

Bát cơm đã trót chan canh mất rồi."


CHAN


Không biết có bao nhiêu dân tộc có thói quen chan canh ăn cơm? Lúc tôi sống ở Chợ Lớn, các gia đình người Hoa mà tôi biết chỉ húp nước canh riêng chớ không hề chan canh. Với nhiều dân tộc khác, món canh là soup ăn riêng, ít thấy chan ăn cơm.


Không ai biết người Việt chan canh ăn cơm từ lúc nào nhưng sẽ nhớ hoài ngàn năm màu sắc và hương vị chén cơm trắng chan nước canh rau vườn xanh mướt, đâu khác gì ruộng lúa chớm trổ đòng đòng; rồi tới bữa ăn khác, chén cơm trắng chan canh chua bông điên điển cá linh, với cảm xúc chộn rộn vàng rực mùa lúa chín. Sao quên được tuổi thơ bưng tô cơm chan nước mưa từ mái nhà lá, rồi ăn với cá bống kho tiêu. Tô cơm đó như một hồ nước nhỏ phản chiếu long lanh ánh sáng bầu trời tinh khiết quê nhà.


Với nhiều thế hệ người Việt, bưng chén cơm chan canh là ký ức sâu đậm, gọi thức cảm xúc mênh mông của đời người từng qua bao biến động lịch sử đất nước lẫn thăng trầm cá nhân. Người viết bài nhớ mãi dòng nước mắt của một họa sĩ sống lưu vong ở Úc châu, sau nhiều chục năm, lúc ông trở lại quê nhà được ăn chén cơm chan nước cơm. Làm sao có thể quên cảnh người thân ở miền Nam lớp trước, vào những năm sau biến cố 1975, trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, bị chế độ phân biệt đối xử vì lý lịch khốn khổ trăm bề, đã có những bữa ăn chan nước mắt.


Người họa sĩ ấy khóc vì nhớ chén cơm chan nước cơm lúc tuổi thơ đói sữa bú tay. Ăn cơm chan nước cơm có phải chăng là cách tiếp nối với đầu nguồn ngàn năm cách ăn cơm chan của người Việt? Ăn cơm chan nước cơm, nước lã, nước canh, nước mắm qua ngàn năm gợi lên hình ảnh các dòng sông lớn, khởi nguồn từ biết bao đời người, gia cảnh khổ nạn, như những dòng sông chảy đều phủ tràn sinh lực phì nhiêu cho mùa gặt mang lại hy vọng sinh tồn của các thế hệ.


Xin đừng quên, tập tục ăn cơm chan là giá trị nghệ thuật ẩm thực thật thà tối giản, để hướng tâm chung đến một nhận thức: Tất thảy chúng ta đều là những đứa con nông dân cùng chung thủy với cội nguồn dân tộc văn minh lúa nước.


Ăn cơm sao đặng mà mời

Nước mắt lênh láng rã rời hạt cơm

Mình ơi đừng đặng cá quên nơm…

(Ca dao)


CHẤM


Ai cũng biết hồn cốt của nghệ thuật ẩm thực Việt là nước mắm. Ngàn năm qua, từ các trí thức Nho giáo xưa, đến Tây học cận đại và toàn cầu học hiện đại, các vị trí thức khả kính đó đều sẽ nghiêm khắc la rầy bếp quán, bếp nhà nếu bữa ăn thiếu chén nước mắm, hoặc pha nước mắm nhạt nhẽo không vừa miệng; dù ít ai hạ cố đoái hoài làm sáng tỏ khoa học và nghệ thuật pha chế nước mắm.


May mắn thay, từng thế hệ người bà, người mẹ, người vợ Việt, vẫn truyền lưu trong khói bếp nhà tinh hoa cách pha chế và nghệ thuật pha chế nước chấm. Có người theo trường phái cân đo calori, phản đối: Nước chấm chế biến dù khéo tới đâu cũng chỉ nhắm thỏa mãn cho cảm giác khẩu vị, sao bổ dưỡng bằng thịt cá, rau củ… Và lập tức người theo chủ nghĩa sống để ăn, trả lời: Ăn mà không có nước chấm cho thêm ngon miệng thì sao có hưng phấn hấp thu dinh dưỡng? Ngài Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhờ sự truyền nghề pha chế nước mắm ngàn năm đó mà có được sự khoái khẩu húp nước mắm pha loãng đúng điệu tinh túy của món bún chả Hà Nội.


Theo dòng hải lưu với cá nục, cá cơm vượt Hoành Sơn; chén nước mắm với vài miếng tỏi, ớt xanh đâm mỏng như áng mây, ráng chiều của xứ Trung phần, kích thích vị giác ngon và lành đến mức thần linh từ đền đài Mỹ Sơn, Ninh Thuận… chỉ mong chờ được cúng dường cá hấp gói lá chuối chấm nước mắm. Không ai nếm được vị chén nước mắm pha ăn với cơm tấm sườn nướng, giúp bà Christine Hà đoạt quán quân Vua đầu bếp Mỹ (Master Chef) để biết ngon ra sao, nhưng một quán cơm tấm, trong hàng ngàn quán cơm tấm ở Sài Gòn, muốn đắt khách thì nước mắm pha phải đúng điệu khẩu vị Sài Gòn.


Qua hàng trăm năm, chén nước mắm pha “kiểu Sài Gòn” cho dân tứ xứ nhập cư vẫn luôn giữ đúng vị ngon Sài Gòn. Đó là một điều gần như là kỳ diệu. Có hỏi vị nước mắm pha “kiểu Sài Gòn” ra sao; khác với nước mắm ăn bì cuốn, bánh ít trần mặn, bánh xèo, bún thịt xào, bún chả giò, bún thịt nướng… thế nào, có lẽ chỉ nhận được câu trả lời: À, đâu ai có thể nói chính xác từng chi tiết của sự kỳ diệu, chỉ biết là nước mắm cơm tấm phải vừa miệng với người Sài Gòn ăn cơm tấm.


Có một câu hỏi mà người viết bài này tin là người Việt luôn lặp đi lặp lại sự tự vấn qua ngàn năm: Món này chấm với gì? Đó là câu hỏi của hầu hết người Việt trong mọi bữa ăn, dù là ăn cơm nhà, tiệc tùng hay cỗ ngày lễ Tết. Câu hỏi đó không chỉ khẳng định một điều có tính nguyên tắc bất di dịch: Một món ăn cho dù trong bữa tiệc sơn hào hải vị hay bữa cơm thường ngày, nếu không chấm đúng thứ nước chấm thì chắc chắn không còn là món ngon, sẽ gây ra chuyện ăn không đúng điệu, mất hứng thú trong thưởng thức. Vậy nên không có gì quá đáng khi nước chấm từ chỗ tưởng như là món phụ, món kèm, nhưng với khẩu vị và cách ăn của người Việt, lại trở thành món chủ trên mâm.


Thiển nghĩ, cũng không nên trả lời kiểu thống kê để kể ra cho hết các loại món chấm trong ẩm thực Việt. Chén nước mắm me, muối hột đâm ớt xanh, cũng là kết quả từ hành trình nhận biết sản vật phong phú, mà người yêu ẩm thực Việt trải qua, để chế biến sao cho phù hợp, để có thể thỏa mãn mọi người, từ các ông khoái nhậu, các đầu bếp hàng quán, quý thực khách, cho đến các bà nội trợ với tình yêu dành cho gia đình.


Nước chấm Việt, đơn giản thường là chén nước mắm ngon pha thêm với chút tỏi ớt, không dành riêng cho tầng lớp giai cấp nào. Sự phong phú vô song của các loại nước chấm Việt, mang lại sự hứng thú vô bờ, là giá trị bình đẳng văn hóa gần như duy nhất, là tinh hoa năng lượng sống truyền đời của một dân tộc ngàn năm ăn chấm với chan này.


“Con ơi ở lại với bà

Má đi làm mắm tháng ba má về

Má về có mắm con ăn

Có khô con nướng, có em con bồng”

(Ca dao)


Trần Tiến Dũng .

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Thơ: TẮM TRĂNG- Phan Hòa.

 


( Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng )


TẮM TRĂNG

Trăng non, trăng đã lên rồi

Cớ sao cứ trốn nhau hoài vậy em?

Hãy về đây tắm trăng đêm

Để ta thức giấc đi tìm câu thơ.


Nhẹ nhàng lối cỏ đường mơ

Lao xao gió thổi đôi bờ sông xanh

Giọt trăng, giọt nước long lanh

Tóc mây gợn sóng lượn quanh vai trần.


Trong veo tận đáy dòng Ngân

Khăn mềm che nửa gót chân Thiên Hà

Vẽ từng đường nét kiêu sa

Nàng tiên tạo dáng điệu đà cùng trăng.


Ô hay, mây cũng dùng dằng

Muốn dừng lại ngắm chị Hằng tắm đêm

Núi càng nhón gót cao thêm

Ngắm nhìn hình ảnh nổi chìm rõ hơn.


Giữa trời, giữa đất trống trơn

Câu thơ say ngất trong cơn phiêu bồng

Dưới trăng người đẹp thả rông

Ta thành tượng đá trời trồng nơi đây!


PHAN HÒA.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Bài hát hay: TÌNH QUÊ - Sông Bồ.

 


Sáng tác và trình bày : Trần Lực ( Sông Bồ)
... Ghe lui khỏi bến còn dầm
     Người thương đi mất chỗ nằm còn đây !
......
     Thò tay mà ngắt ngọn ngò...
     Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ !

Khoảng năm 2010 tôi gặp tác giả tại SG. Bạn có tặng tôi CD bài hát ( Lúc đó có tựa là "Tình Quê" và bạn vốn là bạn học cùng trường thời sv với tôi. ). Thời gian sau đó, cách đây 3 năm qua điện thoại, bạn muốn đưa bài hát này lên Youtube. Tôi đã nhờ một bạn Youtuber ( cảm ơn bạn Văn Đạo Phạm ) giúp thực hiện. Hôm nay xin hân hạnh giới thiệu đến quý bạn... 

HUỲNH VĂN HUÊ. 

Thơ : NỬA VẦNG TRĂNG HẸN - Thuy Hà.




NỬA VẦNG TRĂNG HẸN.

 Anh đi xa mang nửa vầng trăng hẹn

Bỏ lại em vầng trăng khuyết đợi chờ

Biết bao giờ anh mang vầng trăng nhớ

Về cho em trang trải hết vào thơ.?


Dẫu vẫn biết cuộc đời như gió thoảng

Nỗi chìm theo sóng cuộn giữa ngàn khơi

Để mỗi lần nhìn theo ngàn mây trắng

Là nhớ người... Cứ đầy mãi không vơi.

THUY HÀ.

Bài hát hay: THƯƠNG LẮM TÌNH QUÊ - Trần Lực (Sông Bồ)


 Tác giả : Trần Lực  (Sông Bồ).

 Ca sỹ trình bày : Như Thảo.


Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Thơ: BIỆT BIỆT NGƯỜI ĐI -Thạch Thảo.

 




BIỆT BIỆT NGƯỜI ĐI


Không còn nhau nữa từ đây

Hai phương bạt gió. Bèo mây rã rời.

Chiều đi. Sửng ngó cuối trời

Tê đau kỷ niệm. Nghẹn lời...lặng câm.


Dáng xưa giờ đã xa xăm

Hương xưa cũng hoá cát lầm bụi bay.

Tàn đêm rưng rức giọt cay

Nằm nghe gió hú. Đếm ngày nhớ quên.


Buồn vui thơn thớt gọi tên

Người đi biệt biệt. Sầu lênh đênh sầu.

Còn gì đâu, cuộc bể dâu

Lòng hoài the thắt. Chiêm bao giữa ngày.


Dõi xa mờ bóng chân mây

Lẽ nào bạt gió. Làm cay mắt chiều!


Thạch Thảo Bình Dương

Phương xa: NGƯỜI VIỆT PHƯƠNG XA - Đinh Yên Thảo.


( Preston Nguyễn cùng với cha và mẹ. )



 NGƯỜI VIỆT PHƯƠNG XA.

Hồi tháng 11 năm trước, Preston Nguyễn đã qua mặt một đầu bếp đầy kinh nghiệm trong vòng thi cuối cùng để giành được ngôi vị World Chef Champion cùng giải thưởng $7,500 tại cuộc thi nấu ăn quốc tế World Food Championships được tổ chức ngay tại Dallas, Texas. Bếp trưởng Jean-François của hệ thống khách sạn sang trọng Fairmont Hotel về nhì đã có thâm niên trên 20 năm, nhiều hơn hơn cả tuổi 18 của Preston khi tham dự cuộc thi và qua mặt ông.

World Food Championships (WFC) là một cuộc thi nấu ăn thường niên có các giải thưởng cao nhất thế giới nên đã quy tụ rất nhiều đầu bếp thượng thặng khắp nước Mỹ cùng thế giới bay sang tham dự. Cuộc tranh tài của WFC đã có khoảng hơn 1,500 đầu bếp đến từ mỗi tiểu bang và 40 quốc gia khác tham dự và thi đấu theo 10 hạng mục khác nhau như barbecue, burger, hải sản, soup, tráng miệng.... WFC có tổng giải thưởng tiền mặt lên đến hơn hai triệu đô la và được các kênh truyền hình quốc gia nổi tiếng về ẩm thực tường thuật. 

Preston Nguyễn đã dành riêng cho chúng tôi một cuộc trò chuyện đặc biệt kể về hành trình của em.

Preston bảo rằng em hoàn toàn không mong đợi gì việc chiến thắng, thậm chí cả việc được xếp hạng trong cuộc thi vì hạng mục Đầu Bếp (Chef Category) em tham gia được xem là khó khăn nhất trong 10 hạng mục nói trên khi các thí sinh là những đầu bếp chuyên nghiệp hay bếp trưởng từ các nhà hàng hay khách sạn danh tiếng, có cả những đầu bếp từng xuất hiện trên các chương trình nấu ăn của các hệ thống truyền hình chính từ khắp nơi đổ về. Preston bảo rằng được tham dự vào cuộc thi đã là điều may mắn.  

Qua các vòng thi và với chiến thắng bên trên, Preston tự tin bước vào vòng so tài "Final Table" cuối cùng tại South Carolina với chín đầu bếp trứ danh khác đã giành chức vô địch trong hạng mục của mình, để rồi trở thành đầu bếp trẻ nhất từng giành chức vô địch cuối cùng trong cuộc thi WFC lần thứ chín năm nay với giải thưởng 100 ngàn đô la. 

Từng là một trong những học sinh có tài về kiến trúc tại trung tâm huấn nghiệp của Nha Học Chánh Arlington của tiểu bang Texas, Preston bỏ ý định theo học và trở thành một kiến trúc sư để đi theo con đường nấu ăn. Preston kể rằng, dù yêu thích nhưng kiến trúc không đủ tạo cho em niềm đam mê như về ẩm thực, công việc mà mọi thứ đều sống động. Cha mẹ Preston đã rất ủng hộ quyết định của em với một mong muốn rằng, bất kể theo đuổi sự nghiệp nào, hãy cố gắng làm thật tốt. Tuy nhiên khi Preston bước vào đại học El Centro College tại Dallas để học nấu ăn, thì đồng thời em cũng tham gia các khoá huấn luyện về địa ốc như một kế hoạch dự phòng trong trường hợp chuyện nấu ăn không như mong đợi. 

Preston chọn lựa con đường sự nghiệp phi truyền thống của mình là ẩm thực thay vì kiến trúc hay các nghề nghiệp chuyên môn thông thường trong các gia đình Á Đông cũng có lý do. 

Preston kể rằng ông Nội em là ông Tâm Nguyễn, là một người tị nạn gốc Việt đã từng theo học những lớp nấu ăn tại một đại học ẩm thực Dallas hơn 30 năm trước. Cha của Preston là anh Peter Nguyễn, là một luật sư đang có văn phòng hành nghề và là một doanh nhân ngành địa ốc nhưng cũng từng theo học nấu ăn tại El Centro College, nơi Preston đang theo học hiện nay và cũng từng mở một vài nhà hàng nhỏ trước đây. Còn mẹ của Preston là Emma Nguyễn, là một phụ nữ gốc Mexico sinh ra và lớn lên tại Mỹ, cũng là một đầu bếp về bánh ngọt và dạy nấu ăn. Sự đam mê và gắn bó trong lãnh vực ẩm thực của cả gia đình đã truyền sang cho Preston từ khá sớm. 

Preston ca ngợi cha mình là "một ông vua về sốt và bậc thầy về gia vị", người đã dạy Preston phần lớn cách nêm nếm, sử dụng gia vị. Trong cuộc thi vừa qua, cha mẹ Preston là những người phụ bếp cho em khi mỗi đầu bếp tranh tài có được hai phụ bếp phụ giúp. Họ là một "golden team" đáng gờm trong bất cứ cuộc thi nào khi cha mẹ Preston cũng có sở trường và đầy kinh nghiệm nấu ăn. Có lẽ đó là lý do anh Peter Nguyễn hiện cũng đã quay lại El Centro College để học nấu ăn toàn thời gian cùng với con trai. 

Preston cho biết đã sử dụng một số gia vị Việt Nam trong các vòng thi của cuộc thi vừa qua như nước mắm, nước tương, bột năng, bột gạo, nghệ, hạt mè, ớt hiểm, cánh hồi, các loại rau thơm, dưa leo... để gia tăng và làm độc đáo thêm các hương vị món ăn của mình. Preston bảo chiếc bánh xèo mà em làm ăn như bánh xèo truyền thống Việt Nam nhưng có nhân và phong cách hoàn toàn mới lạ.

Dù còn mới mẻ trong các cuộc so tài nấu ăn, qua sáu vòng tranh tài với các đầu bếp thượng thặng, Preston bảo rằng em tự tin là bây giờ mình đã có đủ khả năng để chế biến những món ăn hàng đầu. Có lẽ Preston không quá lời bởi tờ Texas Monthly đã đề tựa rằng "Chàng thanh niên Arlington 19 tuổi có thể là đầu bếp giỏi nhất thế giới" khi viết về Preston Nguyễn và cuộc thi nấu ăn thế giới bên trên.

Khi được hỏi về các mục tiêu ngắn và dài hạn, Preston cho biết em sẽ tiếp tục theo học nấu ăn, trau dồi nghề nghiệp, huấn luyện với các nhà hàng địa phương và chuẩn bị các cách chế biến, gia vị các món ăn cho những cuộc thi nấu ăn sắp đến mà em tham dự, trong đó có một cuộc thi vào tháng 11 tới. 

Về lâu dài, Preston Nguyễn cho biết có thể em sẽ mở một nhà hàng kết hợp giữa ẩm thực Việt Nam và Mexico với kỹ thuật tân tiến nhằm tôn vinh và mang nét độc đáo riêng trong nền ẩm thực và văn hoá của cả hai quốc gia mà em đang mang giòng máu trong mình đến các thực khách. Preston bảo công việc đầu bếp khá vất vả nhưng khi nhìn thấy thực khách tận hưởng món ăn ngon của mình thì đó là niềm vui rất lớn để đáp trả công sức bỏ vào. 

Ẩm thực không đơn giản chỉ là việc nấu ăn, mà còn là sự kết hợp sáng tạo giữa phương pháp chế biến, gia vị, dinh dưỡng cho đến văn hóa, nghệ thuật cùng sự am hiểu nét đặc sắc, riêng biệt của những nền ẩm thực đa dạng và phong phú của các quốc gia khác. 

Trở thành chủ nhân một nhà hàng được xếp hạng Michelin, xuất hiện trên các chương trình ẩm thực truyền hình quốc gia, hay trở thành một tác giả hoặc youtuber dạy nấu ăn có đông đảo người theo... là con đường thử thách và khó khăn cho bất cứ một đầu bếp tài ba nào nếu muốn đề ra mục tiêu hay giấc mơ cuối cùng của mình. 

Tài năng và đam mê, con đường của Preston chỉ mới khởi đầu và chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội mở rộng khi giải thưởng quốc tế quan trọng này sẽ là nguồn khích lệ và cảm hứng lớn lao để Preston Nguyễn theo đuổi niềm đam mê của mình. 


Congratulations and best wishes, Preston!


Đinh Yên Thảo.


Tản mạn: VẨN VƠ LẮM CHUYỆN- Do Duy Ngoc.

 




VẨN VƠ LẮM CHUYỆN

 

Nhiều bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao. Ví dụ như những năm sau 1975, cơm không có ăn, toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh quanh bóng đá, bóng chuyền. Thời mở cửa, tiền bạc khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá người chơi, nhưng toàn tướng tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt. Từ cuối thập niên 80, sân tennis mở ra nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra đường mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike...với vợt Wilson, Head chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ. Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó là thú chơi trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể hiện đẳng cấp. Dần dà, khi phong trào Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành trò chơi bình dân, ít vốn, không còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi.


Một thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm. Đến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay. Tiệm cơm chay mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng. Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê...rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.


Từ chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vía... đều mang tiền, dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí. 


Chưa bao giờ mà câu A Di Đà Phật lại xuất hiện nhiều trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các comment. Tự hỏi họ có hiểu câu ấy muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu. Họ bắt con chim đang sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh. Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì. Tu theo phong trào, đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội. Một thời loạn tăng. Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà ngầu cả lên.


Lại thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa hiểu hết nghĩa bố thí của nhà Phật. "Vật để cho là mối liên kết giữa người cho và kẻ nhận. Vật này trước tiên hết phải thuộc về người cho sở hữu, nghĩa là nó là vật của người cho. Cho một vật không phải của mình thời không thành nghĩa bố thí được. Sau khi cho, vật ấy trở thành vật của người nhận, và người cho không còn quyền hạn gì đối với vật ấy nữa. Cho như thế có nghĩa là "xả bỏ" các sở hữu của mình, xả bỏ những gì mà mình có". Còn cho rồi mà vẫn cầu ân, kể lể thì đó chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.


Chơi lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành đột biến giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.


Có một hiện tượng khó mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam. Họ tụ tập thành hội đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào. Nam thanh, nữ tú đủ cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân. Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ?


Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, lòng ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.


Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong trí tuệ, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, kiểu cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp , có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.


Cũng không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.


DO DUY NGOC.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Thư giãn: CAO THỦ LÀ ĐÂY - Tuấn Mai (FB)





 CAO THỦ LÀ ĐÂY!

Một ông lão ở Florida có một trang trại. Trong trang trại có một cái hồ, một khu vườn ăn quả ngay bên cạnh và mấy chiếc bàn nhỏ. Cái hồ này, rõ ràng là được đào chỉ để bơi lội.

Chiều nọ, ông lão quyết định ra hồ xem mọi thứ ở đó ra sao.

Ông xách xô để tranh thủ hái ít hoa quả để về tối nhấm nháp.

Khi đến gần hồ, ông nghe thấy tiếng cười nói xôn xao. Lại gần chút nữa xem sao.

Trời ạ, có mấy cô gái trẻ đang tắm tiên tì tũm dưới hồ. Thấy người lạ, các cô liền hối hả bơi ra xa tít giữa hồ.

Một cô gái kêu lên: "Cụ mà không đi khỏi đây là bọn cháu vẫn ở dưới hồ đấy!".

Ông lão cau mày đáp:

-Lão nói cho mà biết nhá: lão đến đây không phải đến ngắm các cô tắm truồng, cũng chẳng phải để đuổi các cô lên bờ không quần áo...

Cầm chiếc xô lên, lão e hèm rồi tiếp tục :

-Mà lão chỉ đến cho cá sấu ăn thôi...


Từ fb Tuấn Mai/ Chau Nguyễn Thi

Thơ lịch sử: NGUỒN GỐC NGÀY 1-6 - Trần Thanh Thủy st và gt.

 




NGUỒN GỐC NGÀY MỘT THÁNG SÁU


Ngày mùng một tháng sáu

Ngày Quốc tế thiếu nhi

Nhưng nếu hỏi nguồn gốc

Nhiều người không biết gì...!

*

Ngày mùng một tháng sáu

Năm một chín bốn hai

Ngôi làng nhỏ, Tiệp khắc

Trong một buổi sáng mai...


Nhiều người vừa thức dậy

Sau một đêm yên bình

Tiếng chuông nhà thờ điểm

Rộn ràng đón bình minh...


Bất ngờ, Phát xít Đức

Ầm ầm tiến vào làng

Tiếng xe tăng, tiếng súng

Chát chúa và rền vang...


Trong làng, có tổng cộng

Một trăm chín ba người

Là nam giới, độ tuổi

Trên mười lăm tuổi đời...


Chúng gom lại, dùng súng

Giết sạch, ngay trong làng

Một hành động khủng khiếp

Một tội ác dã man...


Còn những người phụ nữ

Hai trăm mười ba người

Bắt lao động cưỡng bức

Khổ sai, nhiều năm trời...


Sáu mươi người, sau đó...

Chết trong trại tập trung

Nhiều người trong số họ

Trở thành người điên khùng...


Chúng bắt các em nhỏ

Cách ly khỏi mẹ cha

Tám tám cháu, bị giết

Bằng chất độc khí ga


Nhiều cháu khi bị giết

Chưa đầy một tuổi đời

Đây là tội diệt chủng

Tội ác chống loài người...


Toàn bộ ngôi làng nhỏ,

Nhà thờ sáu trăm năm

Chúng đã dùng bộc phá

Cho nổ tung, san bằng....

*

Sau này, để ghi nhớ

Tội ác, chúng gây nên

Người ta đã đúc tượng

Tưởng nhớ, tám tám em....


Năm Một chín bốn chín

Hội phụ nữ Á - Phi

Lấy ngày một tháng sáu

Làm ngày..."Tết thiếu nhi..."


Từ đó, các em nhỏ

Các nước trên hành tinh

Được vui chơi thỏa thích

Trong ngày tết của mình...


NT - 1/6 - PVP