Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Truyện năm Quý Mão (2023): BỌN MÈO "TỨ QUÝ" p. cuối - Huỳnh Văn Huê.





BỌN MÈO "TỨ QUÝ" (p. cuối) 

 ... nào là ông trả “lương”- ( ý ông muốn nói là cho ăn ) - định mức hạn chế nhưng dám mèo vẫn ngoan hiền và làm việc rất tuyệt vời ; rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát ! 

Mà bầy mèo này của ông chánh thấy cũng... ngoan đó chứ. Lúc sáng ra có nắng ấm thì cái bọn mèo “tứ quý” còn nằm phơi nắng trước hiên nhà, ý như để trình diện ông chánh... . Sau khi trình diện và ngụ ý để ông... “điểm danh” xong, chúng... biến đâu mất tiêu !?  Thì ra chúng đúng là vô cùng mẫn cán, luôn luôn lúc nào cũng có 1-2 con mèo lúc thúc ở trên mấy bồ lúa để chăm lo bảo vệ giữ gìn tài sản của ông. Còn số mèo còn lại ? Chúng đâu phải rảnh rang gì, có lẽ mấy con mèo còn lại phải lo công việc “tuần tra” các khu vực xa xa quanh khu nhà to lớn của ông chánh đấy chứ (?). Chúng biết... thay nhau có ca có kíp để phục vụ ông chánh như thế không phải mẫn cán thì là gì ? Thế còn gì bằng !!!

     

Ông chánh giàu có quyền uy đâu biết là trong khi kho lúa nhà ông an toàn như vậy nhưng cái bồ lúa cỏn con để cứu đói mùa giáp hạt của người dân nghèo chung quanh lại... khác ! Đám chuột ranh ma không biết sao lại thoải mái quay sang tấn công bồ lúa của họ, thậm chí có mấy trường hợp mèo của nhà dân nghèo lại bỏ nhà đi hoang (?!) .Ban ngày, lâu lâu một vài con mèo tội nghiệp này lén lút trở về nhà với dáng dấp đói khát - tiều tụy -  xác xơ, thậm chí còn mang thương tích trên mình ?!! Sao lại có chuyện... “nghịch lý” đến như vậy?

 

Rồi mọi việc sẽ được phơi bày thôi... ! 

Như lệ thường cuối năm là thương lái các nơi về đây để thu mua lúa. Nhà ông chánh là mối mang lâu năm trước giờ của đám lái buôn lúa gạo hạng cá mập. Ôi thôi, chỉ một đợt này thôi mà con kênh lớn trước nhà ông lố nhố ghe bầu trên chục chiếc đậu một hàng dài chờ... ăn lúa. Khoảng đất trống chung quanh kho lúa hiện giờ như biến thành một... cái chợ quê. Người ta tụ tập bán thêm nước giải khát, các thứ ăn vặt như bánh ít, bánh ú, bánh cam... ; cho đến khoai lang, bắp nấu... . Trẻ con hôm nay đúng vào ngày nghỉ học cũng đến tụ tập vui chơi và... hóng chuyện... . Riêng đứa nào siêng năng và giỏi giang thì rổ khoai hay rổ bắp nấu cũng có thể giúp tụi nó kiếm chút tiền !

Nhưng không kém quan trọng là những lực điền-tá điền ( có thể còn gồm cả vợ con của họ nữa ) trong điền đất ông chánh được dịp bán thêm... sức lao động để sắm sửa thêm chút ít cho cái Tết cũng gần tới rồi. Kho lúa được mở rộng cửa cho việc ra vào chuyển lúa được dễ dàng thuận lợi... . Lúa trong bồ bắt đầu được xúc ra... .


     Chợt mọi người nhốn nháo xì xào, họ đã phát hiện ra dưới lớp lúa trong bồ có những thứ lạ lùng gì đó. Ông chánh đứng đó bực bội lẫn thắc mắc quát to...

Lần lượt mọi người moi ra và thu nhặt hết những “vật lạ” được giấu trong mấy bồ lúa bấy lâu nay để trong một cái thúng rồi đem ra trước mặt ông chánh !

Các thứ này đều khô mốc và quắc queo vì được cất giấu đã đủ lâu trong mấy bồ lúa, tuy nhiên chúng đều có dấu hiệu bị ăn hết một phần : mấy con khô ( thứ khô rẻ tiền dành cho nhà nghèo !) -- một miếng thịt heo quay ( trong đám đông có người lên tiếng cho biết tháng trước nhà có đám giỗ, trước là để tưởng nhớ người thân, sau là để cải thiện bữa ăn cho sắp nhỏ, họ bấm bụng mua miếng thịt quay về chưa kịp chặt ra cúng thì... ! ) -- một con cá trào khá lớn bị ăn mất chỗ ngon nhất là một phần lưng ( có tiếng của thằng bé nào đó nói chính nó đã câu được con cá này, về vừa để sau bếp đi lên nhà trên cởi áo ra, lúc trở xuống thì... ! ) -- còn nhiều thứ nữa, toàn là thức ăn của nhà dân nghèo chung quanh... !. Các thứ này có chung đặc điểm là đã bị mèo nhấm nháp ăn hết một phần và còn thừa lại thì được đem cất giấu ( ... cho đến hư hỏng - mốc meo ! ) trong mấy bồ lúa nhà ông chánh ! Có mèo của dân nghèo nào dám mạo hiểm xông vào kho lúa nhà ông chánh mà cất giấu những thứ này ?! Ngay trong nhà chủ mà tụi nó còn bị bọn “tứ quý” xông đến cắn đuổi đi kia mà !

      Có người còn uất ức nói thêm, chính đám mèo 4 con này còn đến nhà họ cắn đuổi mèo nhà rồi sau đó chính tụi nó lại bỏ đi để cho chuột tha hồ phá phách ! 

Có ai đó lại lên tiếng thống thiết, thật lạ đời, mèo phá phách không chưa đủ hay sao mà lại còn... “bảo kê” cho chuột phá thêm !


Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này. Bề ngoài, trước mặt ông bọn nó giả vờ đàng hoàng với công việc được giao. Bọn nó giả vờ chấp nhận sự ban phát hạn chế của ông chánh, để cho ông tự đắc-tự hào . Rồi sau lưng ông bọn chúng lại đi ăn cắp của cải dân nghèo, ăn tiêu phung phí - thừa mứa, không hết còn đem cất giấu !

Ông chánh đứng yên một chỗ. Hai bên thái dương mồ hôi rịn ra rồi lăn dài... . Gương mặt ông ửng đỏ lúc đầu giờ chuyển sang... xám ngoét ! Theo thói quen của một kẻ... cả với nhiều tiền bạc lẫn quyền uy. Ông một bàn tay để ngữa sau thắt lưng, một cánh tay khua lên... không trung, ông... ra lệnh gom các “vật lạ” lại cho thật hết, để lúa nhà ông được... sạch sẽ ! Nói xong ông bước những bước nặng nề trở lên nhà và nói vọng lại, cố ý nói lớn như để mọi người đều nghe. ( Ai lại không biết rằng ông nói chỉ để... chữa thẹn ! ) Quan trọng là không ai nghe ông nhắc gì đến những thiệt hại, mất mát mà người dân nghèo phải gánh chịu ! Chỉ nghe rằng ông nhất định sẽ có cách khiến lũ mèo của ông trở thành những con mèo biết tuân thủ kỷ cương - quy định của ông, và ông còn nhấn mạnh là nếu không có chúng thì làm sao bảo vệ được số lúa trong các bồ lúa nơi kho của... ông !!! ./. HẾT


HUỲNH VĂN HUÊ  (12 - 2022)

Tản mạn : LỜI CHÚC THỰC TẾ - Gs Phan Văn Trường.

 



LỜI CHÚC THỰC TẾ 


Nhiều nhà báo xin tôi một lời chúc Tết cho độc giả của báo. Tôi xin vui vẻ làm chuyện này, mặc dù từ 77 năm tôi sống, 77 năm tôi nghe lời chúc, chưa bao giờ tôi thấy có điều chúc nào trở thành thực tế. Không biết lời chúc có tầm quan trọng thực của nó không, tuy nhiên nếu bạn đọc còn khoái chí khi nghe lời chúc thì tôi cũng sẵn sàng chúc bạn một năm Quý Mão hạnh phúc, thịnh vượng và an khang.

 

Bạn ạ, viết xong những thứ xã giao xong rồi, thì tôi mới gửi luôn theo đây những lời khuyên thực tế.

 

Đối với các bạn cao niên, tôi sẽ chỉ xin chúc sức khoẻ. Nhưng sức khoẻ không đơn thuần nằm trong lời chúc. Nó là không khí chúng ta thở, thức ăn chúng ta nuốt, nước chúng ta uống, và thuốc chúng ta tiêu thụ từng nắm, từng đống, mỗi buổi sáng. Không khí tại Hà Nội cũng như tại Sàigòn chất lượng xấu, không phải tôi nói mà các đài chuyên môn xác nhận. Vậy tại sao, đối với các bạn nào có khả năng, các bạn không dọn đi ở những nơi vô cùng đẹp, trong lành, suốt miền duyên hải hoặc núi đồi của nước ta khi bạn hoàn toàn tự do đối với công việc. Đó là vì các bạn cao niên sợ thay đổi, sợ sống xa con cháu, sợ không có người phụng dưỡng bên cạnh. Làm vậy bạn sẽ yếu đi nhanh hơn mỗi ngày bạn có biết không. Lời khuyên của tôi, mà tôi áp dụng cho chính bản thân, là bạn hãy sống xa con cháu, tự lực, tự cường, tự quản với những lứa người cùng tuổi, cùng thế hệ khi bạn còn đủ sức. Bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn mang nhiều ý nghĩa hơn là suốt ngày phiền rầy con cháu, chỉ vì bạn chẳng có việc làm nào khác trong những ngày dài đằng đẵng. Tôi vẫn đi chợ, vẫn làm cơm, vẫn thể thao, vẫn sáng tác, vẫn văn nghệ đủ mọi kiểu, và vẫn xa chính những đứa con, bọn này sẵn sàng quấy rầy bạn để giữ con, và đôi khi còn mượn tiền bạn nữa. Bạn nghe tôi đi, bạn sẽ trẻ ra 20 tuổi, bạn sẽ yêu đời vì một lý do đơn giản: như thế bạn mới sống!

 

Đối với các bạn trung niên, tôi chỉ xin có một lời chúc: bạn hãy trân trọng với hạnh phúc và kéo đồng tiền xuống ưu tiên chót. Bạn nghĩ thử đi, tất cả những khổ đau của bạn là do đồng tiền mà ra. Nói thế có đúng không, có công bằng không? Xưa kia, vào những thế kỷ trước, đồng tiền quan trọng lắm một cách chính đáng vì nhà nhà nào cũng thiếu thốn. Thời nay, chúng ta nên quên đi cách lý luận đó. Chung quanh chúng ta đầy rãy những người không có tiền hoặc ít tiền mà sung sướng hơn chúng ta nhiều. Đó là vì vào thời nay việc nuôi thân đơn thuần không còn là một việc khó nữa. Không ăn gà 500 nghìn tại quán sang, thì ăn gà 15 nghìn tại những quán khác. Còn nếu ăn cánh gà tự nấu thì chắc chỉ cần vài xu.

Nhưng bạn ạ, nghĩ đến tiền nhiều quá là bạn sẽ đi vào một vòng xoáy của sự tranh giành, tranh chấp, hơn thiệt, cao thấp, tự ái đáng ghét của bạn sẽ bị chất tiền xúc tác và biến bạn thành một con người kẻ thù của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, và tệ nhất là đối với người bạn đời của bạn và ngay…chính bạn. Bạn sẽ tự khinh mình vì xe ô tô của mình ngắn hơn xe bạn 5 phân, thấp hơn 2 phân, và rẻ hơn vài món tiền mọn. Vậy để đạt hạnh phúc bạn phải làm gì:

Bạn hãy bắt đầu bằng yêu người chia sẻ tất cả mọi thứ trong cuộc đời của bạn: người bạn đời, người “một nửa”đấy. 80% dân tộc đàn ông không yêu vợ thiết tha cho dù 80% người vợ sẵn sàng hy sinh hết cho chồng. Lạ thật !

Sau đó bạn hãy chăm sóc con, dạy dỗ con. Nhưng ở đây tôi cũng lại khuyên bạn nên dạy con tự lập, tự lực, tự cường, tự quản, tự học, tự tạo và tái tạo, tự vệ để cho đứa con nuôi dưỡng tính tự hào đúng chỗ.  Nhưng khối gia đình cho con tiền, diện quá chớn con cái để chúng nó biến chứng tự hào không đúng chỗ. Chết đấy, vì khi phụ huynh làm vậy, thì tự mình phá vỡ tan tương lai của chính mình và của gia đình. Cứ ngoan cố đi rồi biết. Vậy ở đây tôi chỉ xin có lời chúc là bạn trung niên đừng ngoan cố. Đứa con của bạn phải bắt đầu ngay việc làm giường khi ngủ dậy buổi sáng. Gọi thế là bước cơ bản để trở thành con người nề nếp.

 

Đối với những bạn thanh thiếu niên, tôi cũng chỉ cho một lời khuyên: hãy sống tuổi của mình đi thay vì mơ tới bằng cấp và địa vị. Cái này nhập khẩu từ cha mẹ sai lầm, không phải địa vị hay tài sản không quan trọng, nhưng vì những thứ đó phải tự tay mình xây giá trị thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Các bạn hãy tự lập, hãy tự quản và luôn luôn thực hiện hai việc vô cùng quan trọng: một là tập sử dụng tất cả những dụng cụ mà Vũ trụ tặng bạn không, đôi tay, đôi chân, đôi mắt, đôi tai, cái mũi, và nhiều cái khác nữa. Hãy sử dụng chúng nó đi, vì Vũ trụ tự nhiên muốn thế. Luật tự nhiên mà cha mẹ các bạn muốn bạn quên đó, để rồi dồn bạn vào những đêm học những rác rưởi chẳng bao giờ sử dụng và cũng chẳng bao giờ hữu dụng. Thứ hai là tự học không ngừng. Tự học không phải là mua sách hay đơn thuần, mà hãy mua những sách của những người đã thực sự làm những gì họ nói (chứ không phải những người viết sách để làm ăn nhờ sách) và hãy chọn một hai mentors, những người dẫn đường nhiều kinh nghiệm. Rồi phần chính của sự tự học là hãy tự mình trả lời một câu hỏi duy nhất : tại sao, tại sao như thế, tại sao làm thế, tại sao phải tránh thế…Và bây giờ bạn hãy biết rằng bạn sẽ không bao giờ thành công thực sự nếu bạn không biết sử dụng chân, tay, miệng, nếu bạn không hiểu trăm điều tại sao: ví đơn giản bạn không sống. Ngày nay khó lòng không thành công, vì ai cũng cần bạn thành công để chính họ thành công! Nhưng muốn thành công thì cần và chỉ cần hiểu người, hiểu giá trị mình tạo ra, hiểu lợi ích mình đem tới cho mọi người.

Bạn sẽ hỏi tôi, vậy bằng cấp để làm gì? Có chứ, với điều kiện bạn học thực và đạt thực những giá trị thực cho xã hội. Học những gì vô ích chỉ làm bạn mụ mị thêm. Các công ty lớn trên thế giới nay không còn đọc CV của bạn nữa tuy họ vẫn hỏi để kiểm tra lại khi cần. Họ sẵn sàng đưa bạn vào vị trí bạn muốn, nhưng họ sẽ không đợi quá hai tuần, thậm chí vài ngày, họ sẽ hất bạn đi nếu bạn không mang chút giá trị nào lại cho họ. Bạn hãy ngẫm Ronaldo CR7 đó. Lúc trẻ có giá trị cao các đội bóng tranh nhau mua CR7 với bất cứ giá nào. Chỉ chạy chậm chút xíu khi sang tuổi, họ ném CR7 đi như cái chổi cùn. May mà có đội muốn mua CR7 già, vì họ còn muốn khai thác những giá trị khác của ông vô địch già. Dù sao, bạn đừng bao giờ mơ tới làm giống CR7, vì rút cục tên đó chỉ là một anh đánh mướn chồng chất tiền và danh vọng mà chỉ vài năm nữa mọi người sẽ quên.

 

Điều duy nhất tôi chúc tất cả các bạn: Xin chúc các bạn già trẻ lớn bé: chúc may mắn. Nhưng e rằng lời chúc này lại thừa, vì Vũ trụ yêu dân tộc ta, yêu thương tất cả các bạn nên đã gắn sẵn may mắn với tế bào của mỗi chúng ta khi ra đời. Chỉ có cái có nhiều bạn sẵn làm những điều vô nghĩa để mất luôn đi cái gì được cho không. Thật vô lý. Bạn nhé, bạn muốn gìn giữ may mắn thì bạn chỉ cần tránh hết mọi điều tiêu cực, không đúng luật chơi, không theo lương tri và đạo đức. Đừng âm mưu, đừng toan tính, đừng lợi dụng, đừng lừa đảo, thậm chí nặng hơn. Mà cứ tự tại để hồn nhiên, thẳng thắn, tích cực trong tinh thần của một dân tộc bình đẳng và may mắn nhất hoàn vũ.

 

GS. PHAN VĂN TRƯỜNG, những ngày cuối của năm Nhâm Dần. (2022-2023)

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

Truyện năm Quý Mão(2023): BỌN MÈO "TỨ QUÝ" (p. đầu) - Huỳnh Văn Huê.

 




BỌN MÈO “TỨ QUÝ”


Hồi đó làng tôi có gia đình một ông nhà giàu, rất giàu... . Thời ấy giàu lớn như thế là do ông bà tổ tiên ông ta mấy đời tích lũy nhiều ruộng đất cộng thêm với công việc mua bán lúa gạo. Con cháu ông được đưa đi học trường Tây tận Sài Gòn, hàng tháng có tài xế riêng lái chiếc trắc - xông ( Traction - xe của hãng Renault - Pháp ) đen bóng rước về thăm nhà. Tại địa phương, ông xã trưởng với ông được coi như em út trong nhà dù không phải ruột rà, ông hầu như nói gì thì ông ấy nghe nấy. Rồi ở đình làng, đương nhiên chức chánh tế thuộc về ông, mà có đến 3 ngôi đình gần xa như vậy ông đều làm chánh tế tất, không nghe ai nhắc đến... hai tiếng “nhiệm kỳ” hay “bầu cử” gì cả. Mà xin nói thật, nếu có bày ra chuyện bầu cử ông ấy cũng... “trúng” tuốt mà thôi ! Chưa hết đâu, giàu có thực lực như thế này ông còn ngắm đến chức huyện hàm mà vào thời ấy có thể... “mua” được từ chính quyền thuộc địa Pháp.


Nhưng mà thôi, chuyện huyện hàm là chuyện tương lai sắp tới, với ông hiện tại công việc bận rộn nhất có lẽ là việc trông coi bán lúa rồi... đếm tiền  vào cuối năm ! Ngoài ra, các việc trong nhà ngoài ngõ đều có người làm - vốn là những... lực điền mạnh khỏe và chất phác -  phụ giúp dưới sự giám sát của chính vợ ông. Vì vậy ông còn nhiều thì giờ nhàn nhã, cho nên ông phải có thú giải trí gì đó cho xứng tầm trưởng giả của ông chứ? 

Thời ấy về phương diện giải trí hãy còn đơn sơ và hạn chế chứ không được “phong phú” như bây giờ đâu. 


Thoạt đầu, ông chánh (mọi người thường nể nang gọi ông như vậy theo... “chức” chánh tế ở đình ấy mà !) ... chơi chim! Ôi thôi chung quanh nhà ông lủ khủ các loại các kiểu lồng chim lớn nhỏ. Cứ nghe ở đâu có giống chim hay chim lạ là ông đích thân hay cho người tin cẩn tìm mua về cho bằng được. Sáng sớm ngồi trước hiên nhà uống trà ngắm hoa - kiểng và nghe bao nhiêu là tiếng chim hót líu lo rộn rã cũng tạo được một niềm vui ấy chứ. Nói nào ngay, thú nuôi chim của ông cũng giúp cho tụi nhỏ nhà nghèo chung quanh kiếm được tiền ăn bánh (?). Chẳng qua tụi nó đi bắt cào cào, bắt dế cơm non cho chim ông ăn và được ông trả công cho... mấy cắc ! Nhưng rồi, năm đó trong làng có bệnh dịch gì mà gà vịt hàng loạt chết la liệt, lần hồi có hiện tượng chim hoang dã trên trời có một số con cũng tự nhiên sa xuống đất mà chết. Thời ấy người ta chưa phát hiện ra bệnh “cúm gia cầm” nên không biết bệnh dịch vừa nói có liên quan gì đến cúm gia cầm thời nay hay không? Chỉ biết số chim quý của ông lần lượt chết! Trước lai rai, sau chết hàng loạt... !  

     

Chán nản ông cho dẹp tất... ! Người giàu có như ông bắt đầu một môn giải trí mới thì đâu có gì khó khăn, đâu phải là vấn đề. Thời đó, những gì ông có là quá đủ, chỉ trừ chức huyện hàm trong tương lai không xa nữa mà thôi. Ông đâu có các nhu cầu của thời nay như : sắm siêu xe, xây biệt phủ, mua nhà ở mấy nước phương Tây cho con đi du học, hay mua căn hộ cao cấp cho bồ nhí, hoặc đi... đánh golf !!! Ông chuyển sang nuôi mèo, bọn mèo “tứ quý” ra đời từ đấy !

     

Vốn giàu có nhất vùng, một khi nuôi con gì thì ông chánh muốn mình luôn luôn nổi trội cho người đời phải... nể trọng. Ông nuôi một lúc bốn con mèo đủ dòng giống lẫn nguồn gốc, ông nói cần phải như vậy cho may mắn vì được... tứ quý, là một con số đẹp! 

Mèo nhà giàu có khác, chỉ qua một tháng là các con mèo trở nên mau lớn phổng phao - mượt mà... . Mèo của ông ăn uống phủ phê thừa mứa, cho đến con của tá điền nghèo nhìn thấy cũng phải thèm thuồng. Nhưng rồi một hôm đi đâu về ông chợt đổi ý. Ông nói với mọi người cần phải cho lũ mèo ăn uống hạn chế chừng mực để bọn chúng mới phục tùng ông, mới siêng năng bắt chuột bảo vệ kho lúa của ông. Ông hào hứng nhắc lại tích xưa rằng Trạng Quỳnh còn khiến được mèo của vua phải ăn cơm thừa... .

     

Vạn sự khởi đầu nan, thoạt tiên mấy con mèo được cho ăn theo khẩu phần giống như cũ nhưng được giảm lượng lẫn chất dần dần. Một việc tưởng khó khăn nào ngờ êm xuôi trót lọt đến không ngờ ! Sau mấy ngày xáo trộn, đám mèo chỉ ăn uống loáng cái rồi rút lui trong im lặng hòa bình ?! Chưa hết đâu, ông chánh còn áp dụng một thử thách nghiệt ngã theo nguyên lý... “mỡ treo miệng mèo”: ông cho để nguyên một dĩa đầy cá khô (loại đặc sản cao cấp mà những nhà giàu có lâu lâu dùng đến để đổi món khi đã ngán cá-thịt!) phơi trước nhà, rồi ông ra sau và đi vòng quanh nhà giả vờ làm việc nọ việc kia... .Tất nhiên ông luôn để ý theo dõi đám mèo. Và... ,trên tay ông có cầm lăm lăm theo cây roi bằng nhánh tre gai  gân guốc, được uốn thẳng vàng hực ! . Nếu có con mèo nào theo bản năng, lén phén xa xa bước lần đến dĩa cá khô, mũi nghếch lên đánh hơi, lập tức ông chánh gầm gừ và ngọn roi tre được ông quất mạnh trong... không khí ! Chỉ là... đòn gió thôi, nhưng đố có con mèo nào dám bước lại gần thêm. Sau thời gian thử thách đủ lâu, dĩa cá khô ngon lành qua nhiều lần đem chưng bày vẫn còn.. nguyên vẹn ! 


Ông chánh thấy kết quả ngoài mong đợi như vậy nên vô cùng thích thú và quá đổi... tự hào ! Ông tuyên bố với mọi người, với bất kỳ ai mà ông gặp : nào là mèo nhà ông nuôi rất dễ dạy, ông muốn gì tụi nó đều răm rắp nghe theo ; nào là ông trả “lương”- ( ý ông muốn nói là cho ăn ) - định mức hạn chế nhưng dám mèo vẫn ngoan hiền và làm việc rất tuyệt vời ; rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát ! ( còn tiếp ).

HUỲNH VĂN HUÊ ( 12-2022 )

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Suy ngẫm : BỊ CẮT GỐC RỄ - Osho..

 




BỊ CẮT GỐC RỄ. 


Ở Nhật Bản người ta trồng những cây hàng bốn, năm trăm tuổi mà chỉ cao có 15cm. Họ coi đó là nghệ thuật. Điều đó đơn thuần chỉ là sự giết chóc. Hàng thế hệ người làm vườn đã kìm giữ những cây đó trong tình trạng như vậy.


Và cái cây năm trăm tuổi ấy... bạn có thể thấy cành nó dù nhỏ nhắn nhưng đã già cỗi; nó là một cụ già bé nhỏ, nhưng sự già nua của nó thể hiện qua cành, thân, lá. Để có được một cây như vậy, người ta làm thế này: họ trồng cây trong một chiếc chậu nhỏ không đáy, họ cắt rễ của nó liên tục - họ trồng nó trong chiếc chậu không có đáy. Khi rễ cây mọc dài và cố đâm xuống đất, họ lại cắt chúng đi. Họ chẳng động chạm gì đến cây cả, họ chỉ làm một việc đơn giản là cắt rễ cây đi. Và năm trăm năm qua người ta vẫn tiếp tục nối nhau làm công việc đó. Cây bonsai này có thể sống hàng ngàn năm nhưng nó sẽ không bao giờ lớn mạnh, không bao giờ khai hoa kết trái.


Toàn bộ mọi người trên khắp thế giới này cũng bị đối xử tương tự như vậy. Gốc rễ của mọi người đã bị cắt đi từ lúc mới chào đời.


Đứa trẻ nào cũng phải biết vâng lời. Bạn đang cắt đi rễ của nó. Bạn không cho nó cơ hội suy nghĩ xem nên trả lời có hay không. Bạn không cho nó tự đưa ra quyết định của chính mình. Bạn không trao cho nó trách nhiệm - bạn tước đi trách nhiệm của nó, đằng sau những từ hết sức đẹp đẽ 'biết nghe lời.' Bạn tước đi tự do của nó, tước đi cá nhân của nó, bằng một việc làm rất đơn giản - cho rằng nó chỉ là một đứa trẻ, nó chẳng biết gì. Cha mẹ mới là người quyết định, còn con cái phải tuyệt đối vâng lời. Một đứa trẻ biêt vâng lời mới là đứa trẻ đáng được trân trọng.


Thế nhưng điều đó hàm ẩn quá nhiều đến nỗi bạn đang hủy hoại hoàn toàn đứa trẻ đó. Nó sẽ lớn lên, già đi, nhưng nó không trưởng thành. Nó sẽ già đi mà không nở rộ, không đơm hoa kết trái. Nó sẽ sống, nhưng cuộc đời của nó sẽ không như một vũ điệu, không như một bài ca, không chút lý thú. Bạn đã phá hủy khả năng cơ bản để một người có thể trở thành cá nhân, đích thực, chân thành, đem lại cho người ấy một sự chính trực nhất định.


Sự vâng lời làm bạn trở nên què quặt - bạn không thể nói không, bạn buộc phải nói vâng. Nhưng khi một người không còn biết nói không nữa thì lời nói vâng của người đó cũng chẳng còn ý nghĩa gì; người đó hoạt động như một cái máy. Bạn đã biến người đó thành một con robot.


Trong thế giới này, tự do, tự tại, tự quyết định bằng nhận thức của chính mình, hành động theo ý thức của chính mình đã trở thành điều không thể. Khắp mọi nơi - trong nhà thờ, trong chùa, đền, trường phổ thông, đại học, trong gia đình - khắp nơi người ta đều buộc bạn phải vâng lời.


Mọi người chỉ thực sự là nhân loại khi điều này trở thành một nguyên tắc được chấp nhận. Thế nhưng cho đến nay, nguyên tắc được mọi người chấp nhận vẫn là phá hủy hoàn toàn một con người bằng cách biến người ấy thành tên nô lệ, dễ bảo trước mọi loại quyền lực, cắt trụi gốc rễ để tranh đấu cho tự do, tranh đấu cho cá nhân, cho bất kỳ điều gì. Lúc đó anh ta sẽ có một chút cuộc sống cho phép anh ta sống cho đến khi cái chết giải thoát cho anh ta khỏi kiếp nô lệ mà anh ta đã chấp nhận suốt cuộc đời mình. Trẻ con là nô lệ của cha mẹ; vợ là nô lệ, chồng là nô lệ, người già là nô lệ của người trẻ có quyền lực. Nhìn quanh, tất cả mọi người đều sống trong cảnh nô lệ, che giấu những vết thương đằng sau những lời lẽ đẹp đẽ.


Gốc rễ chỉ có thể khỏe mạnh nếu chúng ta dừng lại tất cả những việc mà bấy lâu nay chúng ta vẫn đang làm, và làm điều ngược lại. Mọi đứa trẻ phải có cơ hội để tư duy, suy nghĩ. Chúng ta nên giúp trẻ con gọt giũa trí thông minh của chúng. Ta nên giúp chúng bằng cách cho chúng cơ hội tự đưa ra quyết định của chính mình. Ta nên hiểu rằng không ai bị ép buộc phải vâng lời, và tất cả mọi người đều được tiếp xúc với cái đẹp và sự cao quý của tự do. Lúc đó gốc rễ mới có thể khỏe mạnh được.


OSHO.

Thơ : TÔI ƯỚC TRỞ VỀ... - Nhung Trần.

 



Tôi ước trở về thăm chốn xưa

Tìm lại tuổi thơ dưới bóng dừa

Lũ trẻ nô đùa chơi cút bắt 

Bên hàng dâm bụt gà gáy trưa


Tôi nhớ ngày xưa thích tắm mưa 

Mẹ ngồi vá áo cạnh song thưa

Nhắc con tắm vội coi chừng lạnh

Mãi mê giỡn nước chẳng biết vừa!


Tôi nhớ cô nàng ở cạnh hiên

Má lúm đồng tiền nhoẻn cười duyên

Bím tóc thỏng dài qua ngang ngực

Mắt tròn mơ mộng trông rất hiền 


Tôi nhớ cánh đồng lúa ngát xanh

Gió đùa sóng dợn lướt qua nhanh

Trên đê thong thả diều bay lượn

Khói tỏa lam chiều trên mái tranh


Tôi nhớ “hoả lò” tên xóm tôi

Bà con trộn đất với tro, vôi

Đắp thành ông Táo ba đầu chụm

Nghề phụ từng vang tiếng một thời!


Những ngày thơ ấu lắm mộng mơ 

Gia đình êm ấm đẹp như thơ

Bên Cha, cạnh Mẹ bao yêu dấu 

Ký ức hằn sâu chẳng phai mờ 


NHUNG TRAN (TL K12)

Queensland 16/09/2022


*Tên cũ: Xã Lại An, Huyện Hàm Thuận, Tỉnh Bình Thuận (trước 1975), cách Thị xã Phan Thiết 5 km về phía Bắc.

Thơ : TÌNH PHAI - Bé Năm.

 



TÌNH PHAI


Rũ mùa tơi tả úa vàng

Bâng khuâng nỗi nhớ lang thang lối buồn.

Bới tìm ánh tím hoàng hôn

Nhặt về đôi mảnh dỗi hờn tình xưa.


Lệ lòng ướt đẫm như mưa

Mấy mươi năm lẻ mà chưa hết sầu.

Trăng mơ chết đuối chân cầu

Tình xanh phai bạc…trắng đầu mây bông.


Ngược tìm ký ức mênh mông

Mắt thăm thẳm dõi hư không chân trời...


BÉ NĂM

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Một thời : LAN MAN - Trần Thanh.




 LAN MAN .

Pleiku trước 75 được coi là thành phố của lính. Mà đúng như vậy: Các anh địa phương quân, lính không quân từ phi trường Cù Hanh ra, nhưng nhiều nhất là các anh lính trận về nghỉ tạm sau cuộc chiến.

Tất cả hoà quyện với nhau thành một cuộc sống hối hả: Cà phê - ăn nhậu - ken cung - gái gú...tất tần tật. Lính trận mà.

Cái câu "Đi dăm phút đã về chốn cũ" trong bài hát nào đó, theo tôi (Ý cá nhân thôi nha) là nói về khu phố ở công viên Diệp Kính, nó...bé tẹo, tôi đã từng ngồi vỉa hè gặm bánh mì nhìn mọi người qua lại nên tôi nghĩ vậy.

Nếu bạn đã từng ở Pleiku thì bạn phải biết cà phê Dinh Điền, quán không có bảng hiệu, không nhạc, không có mấy em sexy. Quán nhìn chán chết luôn, nhưng nếu sáng bạn vào lúc khoảng 8g thì...về đi nha, không có bàn đâu. Quán này chỉ món cà phê sữa đá là số một La mã, đại đa số khách vào đều gọi món này.

Nhưng cái ấn tượng nhất với tôi ở thành phố này là con đường từ phố về phi trường (Tôi là lính không quân).

Thường thì các anh pilot ra phố bằng xe pickup, lúc nào cũng cho lính quá giang, tối về cũng vậy, mấy anh luôn rước tất cả.

Nhưng đôi khi tôi lại thích đi bộ, dù đường từ phố về phi trường sáu, bảy cây số.

Bạn có biết không? Những con dốc nối tiếp những con dốc, dài và xa. Con đường bụi đỏ như lời một bài hát nào đó.

Hàng cột điện với ánh đèn vàng vọt của một thời xa cũ.

Tôi cứ đi...cứ đi.

Có lần vào cuối đông, tôi phát hiện một quán cà phê giữa hai con dốc còn mở đèn, thế là tạt vào, quán chẳng còn khách nào.

Cô chủ quán chừng như mệt mỏi sau một ngày, cái casset rè rè "Dài tay em mấy thủa mắt xanh xao"

Nếu ai ở Pleiku thì sẽ biết sương mù từ trên đồi "Trôi" xuống thế nào. Tôi ngồi trong quán nhìn ra và thấy rất rõ.

Tôi ra khỏi quán, đi về giữa hàng sương mù dày đặc, chợt thấy buồn vì chưa kịp có cuộc tình nào để nhớ.

Gần năm mươi năm đã trôi qua, tôi giờ tóc đã bạc, chân đã run, ngồi nhớ về chuyện xưa, cũng chẳng biết nên buồn hay vui.


TRẦN THANH.

Tản mạn : NÓI DỐI NHƯ CUỘI - Van Hieu Pham.





 NÓI DỐI NHƯ CUỘI ( đầu năm đừng nói dối ) ,


Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Ăn cơm với cá, mà mơ chị Hằng .


Nói dối là nói sai hay nói ngược lại với sự thật nhằm đạt mục đích như để lừa, để bịp, để che dấu, để chối, để cãi, để vờ vịt, để chạy tội 

Nói dối xẩy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ai cũng biết nói dối cả. Và có người thích nói dối, đến nỗi nói dối cả những điều không cần phải nói dối. Nói dối đã trở thành cái "tật", không nói dối thì cái mồm trở nên lúng túng ngọng nghịu mỗi khi cần phải nói thật .


"Dối" thường đi với "gian" để trở thành "gian dối" hay "Ăn gian nói dối" là thế .

Nói dối có nhiều trình độ và thứ bậc khác nhau. Nói dối là cả một nghệ thuật tinh vi, thuộc về một thứ nghệ thuật cao cấp vì nó phải hội đủ nhiều yếu tố phức tạp và bén nhậy cả về tâm lý lẫn hiểu biết để nói dối sao cho người ta tin.


Anh này có tính gian tà,

Đi ra dối bạn về nhà dối con.

-Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ  qua cầu gió bay. ( nói dối dễ thương )


Vì cái tật hay " nói dối " của Cuội ,nên bị ông trời bắt " ôm cây " dài dài.....Bạn nào muốn ôm cây thì......

VAN HIEU PHAM. 

Thơ : MIỀN KHÁT - Thúy Ngân.




 MIỀN KHÁT 

( đồi cát bay Mũi Né- Bình Thuận )


Gió rát mặt

Hạt cát đến từ đâu?

Kết thành triền sống mênh mông nắng vàng


Cát nóng

người để lại dấu chân rộp bỏng

Gió phiêu bồng hôn cát mềm môi…


Chơi vơi lưng đồi

Em gieo hạt giữa miền cát khát

Tưới bằng niềm tin, hy vọng!


Những doi cát xoay vần trong cơn lốc

Hạt nhỏ nhoi một nắng hai sương…

Ươm giấc nghê thường..!


THÚY NGÂN -  9/1/2022

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Thơ : RA ĐÀ LẠT PHỐ... - Tạ Trung.

 



RA ĐÀ LẠT PHỐ... 

Ra Đà Lạt phố thăm em

Nghe lòng mang nặng nỗi niềm xa xưa

Một thời tan học đón đưa

Em vừa đôi tám tuổi chưa biết buồn


Anh thì biết thú yêu thương

Cùng đàn lỡ nhịp đời vương nợ tình

Nên khi chỉ có một mình

Khi em xa vắng thất tình triền miên


Biết đời dâu bể trầm luân

Lúc tan lúc hợp muôn phần đổi thay

Cho nên gom những đoạ đày

Làm hành trang để chờ ngày gặp nhau


Thả trôi theo sóng chìm mau

Sông ôm khắc khoải niềm đau tủi hờn

Đưa ta trở lại cội nguồn

Buông đi phiền muộn cho hồn thảnh thơi.

TẠ TRUNG.

Thơ : XUÂN ĐỢI - Thạch Thảo BD.

 




XUÂN ĐỢI


Ấy ơi! Xuân mới đã về

Đào mai, lan cúc…tràn trề sắc hương.

Nghe chừng nắng gió muôn phương

Cũng âm âm gọi, nhớ thương ùa về.


Bóng chiều vời vợi phía quê

Bóng người biền biệt, sông mê nhạt nhoà?

Ấy ơi! Còn chút tình xa

Sao không xích lại cho tha thiết gần?


Xuân về sè sẹ bâng khuâng

Đường trăm ngả rẻ, mấy lần buồn vui?

Vói tay hái mộng bên trời

Nhịp tim thút thít. Tuổi đời dần qua.


Hoàng hôn bóng ngã xế tà

Nghe chiều thương nhớ. Người ta quên mình.

Sao khuya lấp lánh lung linh

Chiêm bao, thấp thoáng. Bóng hình đã xưa.


Ấy về phố cũ hay chưa?

Biết bao nhung nhớ cho vừa nhớ thương.

Tim quen ăm ắp mộng thường 

Tình xa lãng đãng. Vô lường dấu yêu.


Xuân sang hoa cỏ mỹ miều

Lòng ta ấy vẫn yêu kiều.Lắm luôn.

Ấy ơi! Chín nhớ mười thương 

Gửi về bên đó một phương. Đợi chờ.


Thạch Thảo Bình Dương 

Xuân Quý Mão 2023

Thơ : TỰ TÌNH - Kim Dung.





 TỰ TÌNH 

Chúa đã mang con đến cuộc đời

Nhưng con nào đâu muốn Chúa ơi

Trần gian buồn lắm cô đơn lắm

Thiếu vắng tình thân thiếu tiếng cười


Dù muốn dù không cũng lỡ rồi

Cũng đành rong ruổi cũng đành thôi

Xuân vừa quay gót sầu lá rụng

Thoắt cũng qua mau một kiếp người

Kim Dung

Thơ : ĐẦU NẰM KHAI BÚT - Donry Nguyen.

 




ĐẦU NĂM KHAI BÚT 


Đón Xuân này ta được bảy mươi 

So người xưa kể quá thọ rồi 

Thời tuổi trẻ công danh chẳng có 

Nên về già rảnh nghiệp rong chơi 

Văn mấy chữ bày trò viết lách 

Thơ vài dòng cũng đặt lên ngôi 

Con một đám gái trai đủ vẻ 

Cháu cả đàn nội ngoại đông vui 

Trời cười ngất bảo thằng số hưởng 

Thôi cho mày sống tiếp mà coi…


-Chàng Đông Ry Nguyễn

Thơ vui: ĐÃ HƠN BẢY BÓ - Lê Xuân Sang.





ĐÃ HƠN BẢY BÓ.

 (Nhân dịp năm mới, tư tui gửi tặng các bạn bài thơ kỷ niệm cuộc đời thăng trầm 10 con giáp của mình, lúc lên voi, lúc xuống... mèo mà vẫn "no star". Ta vẫn là ta. Năm nay là năm tuổi. 😄😄😀: TÂN MẸO)

Thoáng qua mà đã mười con

giáp đi, giáp đến lon ton gọi mời

Đời là một cuộc rong chơi

Hai tay chèo chống, lúc lời, lúc thua

Thua là tại tánh a dua

Người ta làm bậy mình hùa chạy theo

Rồi thành con mẽo mèo meo

Mình mẫy ướt nhẹp, trùm mền còn run 

Nhưng đời như sợi dây thun

Hết co rồi dãn rối tung rối mù

Buồn mãi chẳng lẽ đi tu ?

Lấy kính lúp rọi xem... "ngu" chỗ nào!

Xá gì mấy chuyện tào lao

Vươn vai đứng dậy đón chào bình minh

Chẳng qua là cũng tại mình

Đi đứng vấp ngã, thường tình vậy thôi

Nghĩ lại từ lúc trong nôi

Đến nay kinh nghiệm đầy nồi ....lẫu lươn

Mong rằng đời hết tai ương

Vui vẻ, hạnh phúc lên hương cuộc đời

Đời là một cuộc rong chơi

Đã hơn bảy bó, còn chờ đợi chi

Niềm vui còn được mấy khi

LÊ XUÂN SANG 

Sáng tác, 01.01.2023

Thơ : CHÚT KỶ NIỆM BUỒN - hathuthuy.

 



CHÚT KỶ NIỆM BUỒN. 

Đếm thời gian đọng trên tầng lá cũ

Nhớ dáng người quanh lối cỏ đìu hiu

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội

Người xa người quạnh quẽ bước liêu xiêu.


Tìm dấu xưa nhạt nhòa trên cánh lá

Chút kỷ Đếm thời gian đọng trên tầng lá cũ

Nhớ dáng người quanh lối cỏ đìu hiu

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội

Người xa người quạnh quẽ bước liêu xiêu.


Tìm dấu xưa nhạt nhòa trên cánh lá

Chút kỷ niệm buồn còn  lại đâu đây

Đóa bồ công anh vội vàng bung xõa

Bay theo gió ngàn khuất nẻo chân mây.

hathuthuy buồn còn  lại đâu đây

Đóa bồ công anh vội vàng bung xõa

Bay theo gió ngàn khuất nẻo chân mây.

hathuthuy

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Tạp ghi: ẤM ÁP XUÂN VỀ - Huỳnh Văn Huê * Nguyễn Đức Tường.

 .



[ Từ trái qua : anh Thông (k8), anh Tùng và anh Hy (k7). Hình hơi ngược sáng vì muốn có phông là dòng sông Đồng Nai . Cuối bài còn nhiều hình ảnh, mời tất cả vào tìm lại bạn bè ngày xưa! ]

ẤM ÁP XUÂN VỀ.


Qua đỉnh điểm cuồng nộ của cơn đại dịch, phận người mong manh bé nhỏ trước “tự nhiên” nghiệt ngã ( hay... “nhân tạo” ? ) rồi cũng xem như đã vượt qua !... .

Cuối năm nay có nhiều đồng bào từ phương xa trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, trong đó có nhiều cựu học sinh Trung học Ngô Quyền như : các anh N.X.Dũng (k8) trở về VN và đã trở ra nước ngoài, và gần đây có T.A.Dũng, Đ.H.Vân cùng bà xã N.N.Thưởng, T.V.Mạnh (k8), anh Hy và chị Tuyết (k7)... .

Đặc biệt lần này anh Hy cùng anh Tùng (k7) muốn tổ chức lại ngày họp mặt cuối năm “Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền” như thời gian trước đây vào 31tháng 12 hàng năm. Liên tục suốt trong 20 kỳ họp mặt ( 1993- 2012 ), ban Tổ Chức đã mời được nhiều Cô Thầy về dự, và con số người tham dự giai đoạn đó đã lên đến số trăm ! (?). Bằng tinh thần cầu thị và chu đáo, sau nhiều lần “họp mặt cà phê” để bàn bạc với nhau, cuộc họp mặt cuối năm lần này được tổ chức lúc 11g trưa ngày 31-12-22 tại cà phê Thúy Nga. Đây là quán cà phê tồn tại hàng mấy chục năm nay mà có thể nói người Biên Hòa không mấy ai không biết đến. Theo thiển nghĩ, có lẽ giới nữ trong số cựu học sinh Ngô Quyền đã “tinh tế” có ý kiến chọn địa điểm nói trên (?) vì nơi này có view nhìn ra sông lớn Đồng Nai, khung cảnh rộng rãi thoáng đãng, được bài trí khá bắt mắt với nhiều mảng màu xanh mát của lá và tươi thắm của hoa... . Đây sẽ là nơi chụp ảnh khá lý tưởng để chia sẻ trên... mạng với bạn bè khắp nơi ! Vì vào dịp họp mặt quý giá như thế này nếu không chọn một không gian tương đối tốt, chúng ta lại thu thập phải một số hình ảnh với font nền hơi... “tệ” !Trong khi chúng ta có quyền chọn lựa chứ?! Và biết đâu (nếu muốn) có thể trong lần họp mặt sau chúng ta lại có một địa điểm tốt và thuận tiện hơn nữa ?

Trong thời tiết cuối mùa Đông của miền đất phương Nam, có nắng ấm nhưng khá  mát mẻ cùng với làn gió từ dòng sông rộng đưa vào... . Lần tái hợp này tuy chỉ bốn mươi bảy cựu học sinh về họp mặt, nhưng những tâm tình được trao đổi râm ran, những kỷ niệm thời áo trắng được nhắc lại cùng với những tiếng cười giòn giã như là tiếng cười vui của các cô cậu học sinh NQ năm nào !... . Điều đáng nói, người phương xa cách trở hàng ngàn cây số thì đã hiện diện tại đất Biên Hòa rồi, nhưng có một số bạn vốn là người Biên Hòa giờ lại từ Sài Gòn hớn hở về chốn xưa để gặp lại bạn bè xưa ! Đó là các bạn : N.T.Lực và N.T.Liêm. Thật tràn đầy cảm xúc... .

Và... rồi cũng đến lúc... chia tay! Quây quần chụp hình kỷ niệm và hẹn hò tiếp nối sẽ còn gặp nhau...

Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “. Thể loại bài viết dạng “tường thuật” này với người viết thật... “mới mẻ”... .Nếu có những gì thiếu sót và chưa chính xác xin được chân thành đón nhận các góp ý thân tình... .

Cuối cùng xin kính chúc quý Cô Thầy, các anh chị bạn bè gần xa một năm mới Quý Mão AN KHANG - THỊNH VƯỢNG./.


       Viết bài HUỲNH VĂN HUÊ

       Hình ảnh NGUYỄN ĐỨC TƯỜNG