Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Thời thơ mộng: TÌNH ĐẦU - Quân Nguyễn.

 





TÌNH ĐẦU 


Năm học 12, tui thương một nhỏ bạn chung lớp đã học với nhau từ năm lớp 9. Hai đứa chơi rất thân với nhau trong suốt những năm tháng học chung. Nhỏ bạn rất xinh, dễ thương, học giỏi lại biết ca hát nữa nên được nhiều anh lớp lớn để ý. 


Đến năm học cuối, khi tình đã dâng cao, không thể giữ mãi trong lòng được nữa, tui quyết định tỏ tình, một phần vì sợ khi hết lớp 12 sẽ không còn cơ hội. Tui viết lá thơ nói bóng nói gió cho người ta hiểu là tui đang bị ...chết ở trong lòng một ít (theo bài thơ Yêu của Xuân Diệu). Tui không dám bỏ lá thơ trong hộc bàn của người ta, lỡ có đứa nào phát giác thì chỉ có nước độn thổ. Hồi thời tụi tui hay có cái vụ trong bụng thì thích người ta lắm rồi, nhưng ngoài mặt thì tỏ vẻ cho mấy thằng bạn thấy rằng “tao không có thích nhỏ này đâu nha”. 


Tôi bèn đem lá thư bỏ bưu điện cho chắc ăn. Sau một thời gian bồn chồn chờ đợi, cũng khá là lâu, định gởi tiếp bài hát “Sao chưa thấy hồi âm” cho người ta thì bổng nhận được hồi âm. Mở lá thơ ra, thấy người ta chép lại nguyên bài thơ Yêu của Xuân Diệu, tui hiểu người ta đã ...thuận lòng. Một niềm vui sướng dâng trào trong...cổ họng đến nỗi tui không thể ăn uống gì được trong suốt mấy ngày liền. Đêm nằm thao thức, tưởng tượng đến ...cái hun đầu tiên...


Bước kế tiếp là hẹn đi chơi riêng, thời đó bọn tui hay gọi là “đi mọp”. Nghe chữ “mọp” có vẽ hơi kỳ kỳ, giống như đi làm chuyện gì mờ ám. Thực ra, hễ cứ đi chơi riêng với bồ thì gọi là “đi mọp” (tức là không đi chung nguyên đám bạn bè với nhau). Lần đầu tiên trong đời được “đi mọp” với bồ, thiệt sướng và hồi hộp hết biết. Chiều đến, tui lật đật làm vài hột dằn bụng, tắm rửa sạch sẽ, kiếm bộ đồ vừa ý nhứt xỏ vào, đạp xe ra chổ hẹn đứng đợi nàng, vừa đi tới đi lui, vừa lóng ngóng tay chân hệt như tuồng Lá Sầu Riêng do Kim Cương và Vân Hùng đóng (nghe hơi sến ha). Khoảng 10 phút sau thì nàng đạp xe tới. Phải công nhận hồi đó không có tin nhắn messenger xẹt xẹt như bây giờ, mà cuộc hẹn nào cũng diễn ra đúng phóc, không hề bị “leo cây”.


Tui rủ nàng đạp xe ra hướng cầu Rạch Hàu (trước khi đến cầu Cỏ Mây ra Cấp là cầu Rạch Hàu) ngồi hóng mát, có mang theo gói đậu phọng nấu cho nàng ...nhai đở buồn. 


Hồi đó gần cầu Rạch Hàu có mấy tảng đá to cạnh bờ sông, leo lên đó ngồi nhìn ra sông rất mát mẻ. Hai đứa tui ngồi trên một tảng đá nhìn ra mặt sông. Trời tối thui nghe cũng hơi ớn ớn, vì hồi đó tui nghe người lớn kể câu chuyện, có 3 cô gái lái xe hơi Traction từ Sài Gòn ra Cấp chơi, bị tai nạn chết ngay cầu Rạch Hàu, nên cầu này còn gọi là cầu Ba Cô. Ngày đó người ta có dựng một cái miếu nhỏ gần cây cầu này để nhang khói cho 3 cô gái.


Mà ngộ lắm nha, lúc còn là bạn bè, ca hát vui đùa với nhau, nắm tay hay quàng vai nhau nghe bình thường. Còn bây giờ, khi đã thổ lộ tiếng yêu, muốn nắm bàn tay nàng, nghe ngại ngại sao đó. Sau một hồi mạnh ai nấy tự ...vân vê tà áo của mình, tui quyết định phải hành động. Tui giả bộ hỏi nàng có sợ ma không, mục đích là để ngồi sát vô nếu nàng nói “sợ”. Ai dè nàng đáp tỉnh bơ “ma cỏ gì mà sợ”. Câu trả lời trớt quớt làm tui nghe có chút ...chùn bước. Tới phiên tui làm bộ sợ ma, nhích từ từ sát bên nàng rồi giả bộ nói “sao tay tui lạnh quá”, không ngờ nàng liền cầm tay tui rồi nói “lạnh hồi nào đâu?”. Được dịp, tui nắm chặt tay nàng luôn...Nàng để yên tay nàng trong tay tui. Tay trong tay  nghe êm ái sao đâu, cảm giác giống như được chạm vào một cái gì mà mình hằng mơ ước từ rất lâu.


Lần đi mọp đầu tiên chỉ nắm tay vậy thôi, chưa dám hun cái nào. Đến lần mọp thứ hai, tui mới xin nàng cho hun cái, nàng im lặng không trả lời nên tui làm ...tới luôn. Thiệt tình, cái hun đầu tiên nó đã không thể nào tả nổi...Từ hôm đó, tụi tui xưng hô anh anh em em với nhau trong lúc đi mọp, còn khi đi chung với nhóm bạn, vẫn xưng tui gọi tên như trước giờ. Hai đứa ngồi nói chuyện với nhau đến gần 9 giờ thì nàng đòi về. Tui vẫn còn muốn nán thêm chút nữa, nhưng nàng sợ về trễ má la. Đành chịu! 


Đến lần mọp thứ ba, lần này nàng ngỏ ý rủ tui trước. Nàng hỏi “tối rảnh hôn, ra cầu Rạch Hàu ngồi hóng gió”. Tui nghĩ thầm trong bụng,  coi bộ nàng ...chịu tui dữ lắm rồi! Lần này tui bạo dạn hơn lần trước, hai đứa tui trao cho nhau những nụ hôn dài thật nồng ấm...Tới khi tui quay đầu ra sau lưng, dòm chừng hai chiếc xe đạp, thì thấy chiếc xe của nàng...không cánh mà bay mất tiêu. Tay ăn trộm này chắc rình tụi tui mấy bữa nay, hắn lựa đúng cái lúc mà hai đứa tui đang “cao trào” nhứt mà ra tay, nên tui đành thúc thủ. 


Tui đành phải đèo nàng về nhà rồi đưa chiếc xe đạp của mình cho nàng để sáng mai nàng có xe đi học, còn tui, lủi thủi lết bộ về nhà nằm gậm nhấm nổi đau ...chờ nghe bà già ...chửi. 


Hai đứa tui đi mọp với nhau được 3 năm thì nàng xuống ghe đi vượt biên cùng với gia đình, chuyến đi của nàng cũng khởi hành tại bến sông gần cây cầu Rạch Hàu này. Trước hôm nàng ra đi, hai đứa đã ngồi với nhau suốt đêm, nàng gục đầu vào vai tui khóc nức nở, còn tui chỉ biết thầm mong cho chuyến đi của nàng được suôn sẻ, không gặp điều gì bất trắc.


Người đi một nữa hồn tui mất...Không đúng, hồn tui đã mất gần hết. Hai năm đầu, nàng còn viết thơ cho tui kể chuyện bên Mỹ, gửi cho tui thùng đồ có mấy cái quần jean, mấy cái áo pull, mấy cục xà bông Camay thơm phức, thêm đôi giày das rất đúng mode thời đó. Sau hai năm, tui không nhận được lá thơ nào nữa cho đến giờ, dù tui đã gởi cho nàng mấy chục lá thơ. Lúc đó tui trách ông Phạm Duy sao mà sáng tác chi cái bài “Nghìn trùng xa cách”, để mỗi lần nghe muốn ...đứt ruột.


Thời gian 3 năm yêu nhau tuy không dài, nhưng cũng không ngắn. Chừng ấy cũng đủ in đậm trong tui đầy ắp những kỷ niệm của một thời rón rén mối tình đầu. Chúng cứ mãi ẩn hiện đâu đó trong một góc nhỏ của trái tim, để mỗi khi tình cờ đi ngang qua những nơi chốn ngày xưa cùng nàng đi dạo, chúng lại ùa về như những cơn gió mát, lùa vào tâm hồn tui một nỗi nhớ miên man...


Không biết bây giờ nàng đang ở đâu trên nước Mỹ, có nhớ về chiếc cầu Rạch Hàu với những lần cùng tui đi mọp không. Biết đâu chừng, khi nàng đọc được bài viết này trên facebook, sẽ liên lạc với người viết, rồi hai người...già cùng chia sẻ cho nhau những tấm hình của ...mấy đứa cháu ngoại, cháu nội coi đở buồn. 


Tình đầu lúc nào cũng không thành, hình như phải dang dở mới gọi là tình đầu. Còn nếu như “tới luôn bác tài” để thành vợ thành thành chồng, thì gọi là ...tình cuối.


Cám ơn em đã cho anh những kỷ niệm thật đẹp để gìn giữ. Cám ơn em đã cho anh một mối tình đầu thật dễ thương và nồng ấm. Anh hiểu hết nỗi khó khăn trong năm tháng đầu tiên em đặt chân lên xứ người. Sự trách móc đã nhường chỗ cho sự cảm thông trong anh từ rất lâu rồi em à! 


Này em hỡi, con đường em đi đó, 

Con đường em theo đó, đúng đấy em ơi!

Nếu chúng mình có thành đôi lứa

Chắc gì ta đã, thoát ra đời khổ đau.


QUÂN NGUYỄN. 



Thư giãn: XÔNG ĐẤT - ST

 




XÔNG ĐẤT


Vợ chồng Ba Nguy thuộc vào hạng “rớt mồng tơi”. Thông thường, hễ kẻ bần hàn thì thường khép nép, đi đứng rụt rè. Trong bàn tiệc thì ăn chẳng dám gắp miếng ngon, uống chỉ từng hớp nhỏ. Ba Nguy cũng không ngoại lệ.

Tết đến, anh bàn với vợ, dù ăn mắm ăn muối gì cũng phải ráng mà mua cho được con gà để “Tết” ông bà nhạc, chứ “đã bao năm mình “làm thinh” hoài, coi sao được!”.

Thế là sáng mồng một, anh tranh thủ đến sớm. Dù có con gà tiếp sức, nhưng cái nghèo nặng nề quá nên dũng khí xem ra không tăng được bao nhiêu. Ông nhạc thì vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng cố hữu với “thằng rể bất tài” nầy.

Sựng rựng một lát, thấy không ai hỏi han, không ai để ý đến sự hiện diện của mình. Anh thấy tay chân thừa thải quá! Bộ ván gõ bóng lộn, và cái nền gạch mát lạnh như cũng chẳng muốn tiếp anh. Mặt anh nặng xuống. Ở thì nhục, mà về thì cũng ngại. May sao Hai Phú, chồng chị Hai, bạn “cột chèo” với anh đến, giọng rang rảng:

- Ủa, Dượng Ba đến chúc tết Ba sớm dữ ha?

Với giọng điệu khá mỉa mai, nhưng cũng hơn, vì còn có người biết rằng mình là người chứ không phải khúc gỗ, khúc cây!

Người giàu có khác. Ăn to nói lớn, và tự nhiên đến nỗi mang cả giày vào nhà. Ông nhạc thờ ơ “hứ’ một tiếng, trả lời cho chàng rể quý:

- Mới tảng sáng nó đã vác mặt tới rồi…

Về nhà Ba Nguy khóc với vợ, vợ anh cũng khóc. Anh tức tửi:

- Phải chi để con gà lại cho các con ăn còn hơn, lại khỏi mang nhục!

Vợ anh lấy tay áo quẹt nước mắt, quẹt mũi:

- Má đâu? Má thương anh lắm mà!

- Biết đâu! Không thấy, mà không dám hỏi!

Thật tội cho cái lỗ miệng của kẻ bần cùng. Dường như trời sanh ra nó cốt để lùa cơm, ực nước!

Anh thề không đến nhà ông nhạc nữa, trừ khi ông chết. Nhưng ổng lại không chết mà đàn bò của ông lại bị lở móng, long mồm, và lần lượt bị làng xã buộc đem chôn! Và anh cũng phải bị mất lời thề: Anh không muốn đến, nhưng ông nhạc buộc phải đến để... nghe chửi:

- Mầy là Nguy. Mồng một Tết mầy xông đất nhà tao, mầy thấy tai hại chưa?

Anh Ba đứng như cây khô để nhận mọi bão táp từ cái tên Nguy cúng cơm của mình! Mặt nặng buồn, nhưng lòng lại thấy dễ chịu, vì nay ông nhạc đã còn biết anh là người nên dùng tiếng người để nói với anh, dù những lời đó không êm ái gì. Vẫn còn hơn đầu năm, ông xem anh là cái bàn, cái ghế không hơn!

Bà nhạc:

- Tội nghiệp con nó mà ông! Vậy chớ nó đâu có lại nhà mấy chủ bò khác mà bò của họ cũng chết hết vậy? Cái nầy là “dịch” chứ nào phải xông đất, xông điếc gì!

Năm sau, Hai Phú, ông rể quý là người đến nhà ông nhạc đầu tiên vào ngày mồng một. Người giàu, lại mang tên Phú mà xông đất thì hết chỗ chê! Nhưng kỳ cục thật! Năm đó đến phiên trại heo của ông nhạc lại bị lở mồm long móng! Vườn tiêu, vườn điều của ông cũng “tiêu điều” vì nạn bọ xít, bọ rầy. Ông lại bịnh liên miên, có khi thở chẳng ra hơi nhưng vẫn còn đủ sức chửi gằn từng tiếng:

- Đ.m nó hại tui. Mồng một mà nó lại vác mặt đến, thì làm sao làm ăn nên thân nên hình gì! Cái thằng Nguy nầy, nó muốn cho tui tàn mạt như nó chắc?...

Bà nhạc:

- Ủa? Năm nay thằng Nguy nó đâu có tới nhà ông. Thằng Phú mà. Ông quên rồi sao?

Ông nhạc nạt:

- Bà biết gì! Nó là Ba Nguy thì... ba năm mới hết nguy!

Bà nhạc cười méo. Biết tỏng ông chồng lúc nào cũng bênh vực thằng rể giàu sang. Không biết nói để chọc chồng chơi hay là bà muốn nói một sự thật hiển nhiên:

- Thứ ba là con Ba nhà mình. Nó thứ mười đó ông ơi!

Dù cơn suyễn làm mệt, nhưng ông cũng đủ sức trừng mắt, đập mạnh tay xuống giường:

- Bà còn trù ẻo nữa! Ba năm là đủ chết rồi!

Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc”. Không sai. Vợ chồng Ba Nguy làm ăn ngày càng khấm khá, như dòng sông đã mệt mỏi qua hết khúc thác ghềnh, giờ thảnh thơi đến miệt đồng bằng thênh thang, êm ả. Đến năm thứ tư, từ khi được ông nhạc mời qua để chửi về việc đã làm đàn bò ông chết, thì anh đã giàu mút chỉ!

Lại có câu “lên voi xuống chó”. Cũng đúng. Hai Phú, cột chèo của anh bị xuống dốc như xe đổ đèo!

Ba Nguy tuy giữ lời thề, mà vẫn tròn hiếu đạo. Mỗi tháng anh bảo “sắp nhỏ” về biếu ông ngoại, bà ngoại đúng mười triệu để ăn trầu, hút thuốc! Trầu nầy chắc của cô Tấm têm, nhưng thuốc điếu chứ nào phải thuốc phiện đâu mà xem quá đắt!

Chị Ba thường khuyên chồng nên bỏ qua chuyện cũ, và nên sắp xếp về thăm cha mẹ vợ. “Tụi nhỏ nó nói ông bà ngoại nhắc anh hoài”. Anh ậm ự cho qua. Nhưng rồi một ngày cuối năm, anh quyết định về nhà ông nhạc “xông đất”.

Bữa tiệc đầu năm thật vui. Vợ con anh, nhất là anh được xem như thượng khách. Vợ chống Hai Phú cũng có mặt, nhưng xem chừng năm nay anh ít nói hơn, ăn nói dè dặt hơn, không bàn chuyện làm ăn với “ông già”, không “dzô, dzô” xôm tụ như bốn năm trước. Rượu cạn ly không dám rót. Chờ “tới tua” mới uống! Những hiện tượng thay đổi khá đột ngột nầy làm anh ngài ngại, suy gẫm: Tiền bạc và cái vó giàu sang của anh đã khai tử, hay ít ra không còn ai muốn nhớ cái tên Nguy của thằng Nguy mạt rệp năm nào! Anh lặng lẽ hớp một miếng rượu , gấp miếng thỉt “đưa cay”. Khổ nỗi, mấy bà xắt thịt ra sao mà nó kéo cả dây, không chịu lìa ra! Hai Phú có dịp “giúp” thằng em cột chèo, đưa đũa phụ rứt mà cũng không được. Ba Nguy “dện” luôn vào chén, chắc lưỡi:

- Không biết hồi trước tôi gắp miếng thịt sao nó cứ rớt lên rớt xuống. Còn bây giờ, chỉ gấp một cái mà nó lại dính cả chùm!


Sưu Tầm

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Chuyện phương xa: TÌNH NGƯỜI HÀNG XÓM - ST

 




TÌNH NGƯỜI HÀNG XÓM. 


Nguồn : Lê Văn Thông / Thanh Trúc biên dịch 


Vào đầu thế kỷ 20, một gia đình người Nhật di cư đến San Francisco (Hoa Kỳ) và làm nghề trồng hoa hồng ở đó.


Hàng xóm của họ đến từ Scotland cũng trồng và bán hoa hồng, cả hai gia đình đều thành công dựa vào sự lao động cần cù và uy tín, hoa hồng của họ rất được yêu thích ở San Francisco.


Tất nhiên họ luôn là đối thủ cạnh tranh về kinh doanh. Và vào ngày 7/12/1941, nổ ra sự kiện Trân Châu Cảng, cuộc tập kích bất ngờ của Nhật Bản nhằm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ đã bị trừng phạt mạnh mẽ.


Khi đó, đa số thành viên trong gia đình người Nhật này đã là người Mỹ rồi, nhưng cha của họ vẫn giữ quốc tịch Nhật; trong tình hình hỗn loạn này, cả gia đình họ bị bắt giữ.


Trước khi đi, gia đình người Nhật nói với nhà hàng xóm người Scotland rằng: “Các bạn có thể chăm sóc vườn hoa của chúng tôi được không?”. Những người hàng xóm đã đồng ý, nhưng gia đình Nhật này hoàn toàn không có hy vọng vào tương lai được nhìn lại vườn hoa hồng của nhà mình.


Họ bị lưu đày đến Colorado, xung quanh đầy dây kẽm gai và binh lính vũ trang.


Một năm trôi qua, không hề có bất cứ sự thay đổi nào. Năm thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, đến khi chiến tranh kết thúc, gia đình người Nhật này mới được thả ra, họ đi xe lửa quay về San Francisco.


Điều khiến người ta cảm thấy rất ngạc nhiên đó là gia đình đình người Nhật này đã gặp nhà hàng xóm người Scotland của họ ở nhà ga xe lửa. Thì ra là gia đình hàng xóm cố ý đến để đón họ.


Khi họ quay về căn nhà xa cách đã lâu, họ thật sự không tin vào quang cảnh trước mắt mình. Vườn hoa hồng của họ vẫn gọn gàng, tươi tốt như xưa, sinh sôi nảy nở dưới ánh nắng mặt trời, nhà của họ cũng được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp như thể họ chưa từng rời khỏi.


Trên chiếc bàn trong phòng khách có đặt một quyển sổ tiết kiệm ngân hàng, trong đó ghi rõ số tiền của mỗi hợp đồng bán hoa hồng mấy năm qua.


Trên bàn còn có một cành chồi hồng đỏ tươi đang hé nụ, đây là món quà gặp mặt mà những người hàng xóm tặng cho họ…


***


“Tặng gai cho người, chính tay ta sẽ bị chảy máu – Tặng hoa hồng cho người, tay ta sẽ lưu lại dư hương. Người trong lòng có một đóa hoa hồng, cuộc đời người đó sẽ là một biển hoa”.


Trong cuộc sống, mỗi người đều có những lúc bị vấp ngã, và khi gặp phải khó khăn, chúng ta đều khao khát kì tích sẽ xuất hiện. Nếu có thể thì liệu bạn có đồng ý làm người tạo nên kì tích đó hay không?./.


Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Thơ: MÙNG NĂM KỶ DẬU TRỌN ĐỜI KHÔNG QUÊN - Trần Lễ Nguyên.

 





MÙNG NĂM KỶ DẬU TRỌN ĐỜI KHÔNG QUÊN


Mấy trăm năm đã trôi qua 

Lòng ta vẫn nhớ Đống Đa năm nào

Quang Trung máu đẫm chiến bào

Ba quân tướng sĩ đi vào sử xanh.


Mấy chục vạn quân nhà Thanh

Giết người cướp của ô danh muôn đời 

Chiến công hiển hách rạng ngời 

Núi rừng Tam Điệp vang lời sử thi.


Thời gian dù có qua đi

Đống Đa - Nguyễn Huệ dễ gì lãng quên 

Mùng Năm trống trận vang rền

Ba quân giết giặc đáp đền núi sông.


Hướng lòng về tận phương Đông 

Tình yêu Tổ Quốc thề không đổi dời

Tây Sơn hào khí ngất trời 

Mùng Năm Kỷ Dậu trọn đời không quên.


Trần Lễ Nguyên 

Ngày 16 tháng 2, năm 2021.




Thơ : VAY TRẢ NỢ TÌNH - Thuần Châu.

 





VAY TRẢ NỢ TÌNH

(Thuận - Nghịch độc)


THUẬN:


Vay trả nợ tình mối khổ đau

Phượng loan chia cách mộng ly sầu

Say mê trái ngọt thơm trời đất

Nuối tiếc trăng đầy ngập bể dâu

Dày dạn nắng sương chiều ngã bóng

Trở trăn xuân hạ lối phai màu

Gầy khô giọt lệ vương mai trúc

Cay đắng bụi trần cõi lắng sâu


NGHỊCH :


Sâu lắng cõi trần bụi đắng cay

Trúc mai vương lệ giọt khô gầy

Màu phai lối hạ xuân trăn trở

Bóng ngã chiều sương nắng dạn dày

Dâu bể ngập đầy trăng tiếc nuối

Đất trời thơm ngọt trái mê say

Sầu ly mộng cách chia loan phượng

Đau khổ mối tình nợ trả vay

                          Thuần Châu

Tự trào đầu năm: ÔNG CHẠY XE ÔM - Huỳnh Văn Huê.

 



(... với cháu nội )



Tự trào đầu năm : ÔNG CHẠY XE ÔM.

( Năm Tân Sửu - 2021 )


Ngũ thập niên tiền… hai mươi tuổi (*)

Năm nay Tân Sửu đã bảy mươi

Ông vẫn khỏe, không lười vận động 

Lâu lâu cũng biết… chạy xe ôm 

"Khách hàng" tưởng ai, là cháu nội 

Đâu mấy khi ông được "hành nghề" 

Bù đắp cho vài chuyến xe ôm

Hai xe hai lái cùng phục vụ

Tuổi già ăn uống có là bao 

Đi đó đây, biết thêm đây đó

Được cái làm ông nội rất khoái

Hai lái xe (đều) gọi "khách" là… Ba


Huỳnh Văn Huê ( 14/2/2021- Mồng 3 năm Tân Sửu )

-------------

(*) - Đáng lẽ viết luôn là : Ngũ thập niên tiền nhị thập niên (?) Nhưng "pha trộn" vậy cho… vui !





(... với con trai lớn, sinh 1980 )


( ... và con trai nhỏ, sinh 1989 )

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Thơ: NGÀY XƯA ƠI ! - Hà Thu Thủy.

 





NGÀY XƯA ƠI!


Mùng một tết giữa muôn ngàn hoa cỏ

Nghe xôn xao của rừng rực mai vàng

Tiếng lao xao của nụ hồng lấp ló

Tiếng đợi chờ hoa giấy đỏ ,quỳnh trang.

Về góp nhặt bao yêu thương hoài niệm

Còn rơi rơi trên đồng cỏ hàng cây

 Tìm lại những dấu yêu thời thơ dại

Tết ngày xưa ơi !Đau đáu nỗi niềm.


HÀ THU THỦY.  12-2-2021 ( Mồng 1 Tết Tân Sửu )

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Cuộc sống: KIẾP NGƯỜI - ST trên FB





  KIẾP NGƯỜI.                                                   


Tôi đang ngồi xem tin tức thế giới trên màn hình chiếc máy tính Bảng hiệu Apple, cái máy ấy tuy là thứ vô tri vô giác, thế nhưng bây giờ lại chính là bạn, là con, là cháu của tôi trong những tháng ngày còn lại , của cuộc đời trong cái Viện dưỡng lão Club Health care này đây, tôi sống trong một phòng riêng vì là còn tự chăm sóc bản thân được, không như những người khác lú lẫn , mất tự chủ thì phải sống chung phòng lớn 2-3 người, để còn tiện hổ trợ nhau trong việc bấm chuông gọi điều dưỡng khi cần giúp.

Bổng chuông điện thoại reo vang :

- Hello.

Đầu dây bên kia giọng cô con gái thứ của tôi lên tiếng :

- Con chào Ba , Ba có khoẻ không ?

- Ba khoẻ, ăn uống ngon miệng, ngũ tốt, nói chung là Ba khoẻ tụi con đừng lo lắn , ở đây Ba sống thấy rất thoải mái.

- Ba ơi ! Ba còn nhớ câu chuyện về đứa bé lai Mỹ đen , mà khi xưa Ba kể Ba tính nhận nuôi , khi người Mẹ muốn bỏ ở Quân Y Viện Nha Trang , nhưng Mẹ không chịu vì thằng bé là lại Mỹ đen, nên Mẹ sợ người đời dị nghị đó không B .

- Ừ Ba nhớ, nhưng sau hả con ?

- Hôm nay, con có khám mắt cho một người, khi đọc hồ sơ thì con khá ngạc nhiên là anh ta có ngày tháng năm sinh trùng với con và cả nơi sinh luôn. Cho đến khi gặp anh, thì Ba biết không anh ấy là người Việt lai Mỹ đen luôn, thật quá trùng hợp phải không Ba.

- Trời, không lẽ quả đất tròn đến vậy sao?

- Trong khi thăm khám mắt, chúng con có hỏi chuyện nhau, thì anh ấy cũng rất ngạc nhiên và muốn được gặp Ba, nên con gọi điện để hỏi ý Ba đây.

- Ồ tốt thôi, con cứ nói anh ấy có thể đến gặp Ba bất cứ lúc nào nha.

- Dạ, để con thông báo lại cho anh ấy.

- Nè con, thằng Kevin và con Tina tụi nó vẫn chơi đùa khoẻ chứ?

- Dạ , hai cháu khoẻ và quậy phá lắm Ba à, để con sắp xếp cuối tuần nào đó sẽ chở hai cháu vào thăm Ba nghen.

- Ừ, vậy đi, chớ Ba nhớ tụi nó lắm rồi.

- Vậy thôi con tiếp tục làm việc đây, Ba nhớ giữ gìn sức khoẻ đó nghen, con chào tạm biệt Ba.

- Ừ.

Tiếng đặt máy đánh “cộc“ khô khan từ phía bên kia vọng lại , như tiếng gõ của vị quan toà khi kết án một người, nó gọi bằng điện thoại bàn của Bệnh Viện Mắt đó mà.

               


Tôi năm nay mới 67 vừa mới đúng tuổi về hưu năm ngoái, vợ của tôi đã mất cách đây 5 năm Năm ngoái sau khi về hưu, đêm đó bị tôi bị tai biến mạch máu não, nên đưa vào Bệnh Viện nằm điều trị , sau một thời gian tôi phục hồi hẳn, chỉ bị liệt nhẹ một bên cơ mặt , nhưng không hiểu sao .. sau đó tôi lại được chuyển thẳng vào cái Viện dưỡng lão này , chứ không được về nhà ... thật là tủi thân! Sau đó tôi có hỏi nhân viên Văn phòng tại đây để biết lý do, thì mọi sự mới vớ lẽ... đến bẽ bàng cho đời tôi.

Số là tất cả mọi người già được người thân gởi vào đây, chủ yếu là do nguyên nhân lú lẫn, hay quên hoặc mất tự chủ trong vấn đề vệ sinh cá nhân. Họ vào đây từ nhà của họ và sau khi họ đã trò chuyện với con cái, rồi thống nhất đi đến quyết định .. vậy họ đỡ tủi hơn tôi rồi, vì họ được một phần quyền quyết định.


Riêng tôi, khi ở Bệnh Viện chuẩn bị xuất viện, thì con cái tôi đã nói chuyện với Bác Sĩ và than phiền rằng tôi hay lú lẫn, quên trước quên sau .. ôi trời ! tụi nó còn trẻ mà đôi khi còn quên tắt bếp nấu , quên nồi nước đang sôi, chứ huống hồ tôi .. luật ở Mỹ nó thế, Đất mước văn minh mà, nghe vậy là hợp lệ rồi , đây là người cần sự chăm sóc và theo dõi thường xuyên, vậy thì các cơ sở Viện dưỡng lão mới mọc như nấm , ăn nên làm ra được chớ và rồi con được tiếng là Đất nước có chế độ chăm sóc người già tốt nhất nhì thế giới nửa chứ .. ôi ! cái sự đời đầy nghịch cảnh chát .. chua .

Tôi có đến ba đứa con , 2 trai , 1 gái .. con trai đầu là kỹ sư đang làm việc cho NASA , đưa con gái thứ hai là Bác Sĩ Mắt và thằng con trai út CEO của tập đoàn Dầu khí ESSO MOBIL và hai cháu ngoại , bốn cháu nội tất cả còn nhỏ , đứa lớn nhất chỉ 7 tuổi ... một gia thế khủng , được chăm lo nuôi nấng ăn học từ đôi tay của người Ba già nua này , nhưng già mà sức khoẻ tôi còn rất tốt , đi đứng nhanh nhạy , đầu óc minh mẫm ... thế mà thật cay nghiệt .

Ba ngày sau , tôi được thông báo có người muốn gặp , đã biết trước nên tôi đồng ý .

Bước ra , tôi trông thấy một người đàn ông trung niên , ừ tuổi bằng con gái tôi là 39 đúng rồi , anh ta là Mỹ lai đen , thân hình khá phốp pháp , cao to như di truyền của Cha anh ta vậy .

Gặp tôi anh đứng dậy bắt tay :

- Con chào Bác , rất mừng vì Bác đã cho phép con được gặp mặt .

- Chào Cậu , Cậu có muốn uống cafe , hút thuốc để nói chuyện được lâu và thoải mái không ?

- Ôi quí quá , mới gặp Bác lần đầu mà con đã cảm thấy nhẹ nhõm , thoải mái với sự ân cần của Bác rồi đấy . Dạ như vậy cũng được ạ .

- Vậy để tôi thông báo với người chịu trách nhiệm ở đây , về yêu cầu của mình nha .

Tôi đi vào trong nói chuyện với nhân viên , để họ cho phép khách của tôi bào phòng riêng và sau đó ra vườn đi dạo .

Tôi dẫn chàng trai đi vào phòng mình , để pha cafe xong :

- Bác cháu mình đem cafe ra ngoài sân vườn uống và nói chuyện nha .

- Dạ .

Chúng tôi song bước ra ngoài vườn , đi trong im lặng như để cho đối phương đủ thời gian để cảm nhận về nhau và suy nghĩ về những gì cần nói .. ra đến nơi có bàn ghế đá và bóng râm , gió mát , chủng toii ngồi xuống , đốt điếu thuốc tôi hỏi :

- Sao ? bây giờ tôi có thể giúp anh điều gì nào ?

- Bác có thể kể cho cháu nghe về tất cả những gì Bác biết không ạ .

Nhìn về xa xăm , như một cuộc phim quay chậm đang được tua lại cách đây 39 năm ...

- Sáng hôm ấy vào thăm vợ của tôi đang nằm ở Bệnh Viện Quân Y Nha Trang , nghe vợ kể đêm qua có một người phụ nữ vừa sanh một bé trai lai Mỹ đen , đang muốn cho .. tôi đi qua nhìn thấy một đứa bé da ngâm đen nhưng thật dễ thương , trông nó còn đẹp hơn cả đứa con gái mà vợ tôi mới sinh , trán có ba nếp nhăn giống tôi , trán vồ , mũi gãy .. tôi nói với vợ hay xin nó về nuôi luôn một thể , có gì thuê người trông nom phụ , nhưng vợ tôi không chịu vì sợ người ngoài đàm tiếu sanh đôi mà một đứa đen , một đứa trắng , vậy là đi lang chạ sao ? thế nên chịu .. Mẹ cậu là một người đàn bà cao đẹp , nghe nói có chồng thường xuyên đi công tác xa , có lẽ bà có cuộc sống phóng túng nên khi sanh , phải từ Đà Nẳng vào tận Nha Trang để sanh , nếu là đứa con thuần Việt thì bế về nuôi , còn không thì ... chứ làm sao ăn nói với chồng đây , lúc đó thời chiến nên những đứa trẻ như cậu sẽ được đưa vào Trại cô nhi viện chăm nuôi , nếu có ai nhận làm con nuôi thì cho ... Tôi chỉ biết có vậy thôi , không biết còn giúp gì được cho cậu nữa không ?

- Thưa Bác , suốt thời gian qua cháu chỉ thắt mắc về lý do tại sao Mẹ lại bỏ cháu mà thôi. Bây giờ qua chuyện Bác kể cháu đã biết lý do rồi .. cháu cũng vì thắc mắc lý do đó, mà đem lòng thù hận đàn bà và chấp nhận sống độc thân cho tới tận bây giờ.

Bổng bất ngờ không kiềm chế được, tôi bật cười vang .. ha .. ha .. ha .. tiếng cười chất chứa một sự chua chát, khinh thường cái sự đời, như luôn chớ trêu phận người.

- Có gì mà Bác cười nghe cảm giác chua chát đến vậy ạ.

- Tôi cười vì chợt nhận ra anh suy nghĩ ấu trĩ và tôi thì ngu muội đến phũ phàng .. anh thử nghĩ mà xem, sau giải phóng tôi vượt biên sang Mỹ , một thân một mình đi cày bán mạng để dành dụm tiền bạc gởi về phụ vợ nuôi con và lo mua nhà để bảo lãnh vợ con sang đoàn tụ .. bảo lãnh vợ con sang , thì phải cày bán mạng hơn nửa để lo cho con ăn học .. nay ba đứa con đã lo cho yên bề gia thất, học vị kỹ sư, Bác Sĩ, Tổng gián đốc .. nhưng rồi sao? tụi nó thông đồng quyết định tống khứ Ba của tụi nó vô đây, mặc dù tôi tỉnh táo không lú lẫn, khoẻ mạnh nhanh nhẹn không mất tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, mặc kệ người Ba đã tận tuỵ dầy công , hy sinh nuôi chúng khôn lớn thành đạt như hôm nay .. nhưng cũng lỗi ở tôi , vì đi làm nhiều quá không có thời gian để dạy bảo chúng thành người trước .. thay vì thành danh .

Thế nên , anh hãy quẳng cái suy nghĩ hận thù đàn bà ấy đi , cho tâm trí nó nhẹ nhàng và vui vẽ sống những năm tháng còn lại của cuộc đời , đừng quá đau đầu về nó mà uổng phí tuổi trẻ , nghe không ?

Tôi mà biết trước cái sự đời như thế vậy, tôi đã mặc kệ vợ con ở Việt Nam , mà ăn chơi bay nhảy cho khỏi uổng phí tuổi trẻ của tôi rồi.

Tiếng cười chua chát lại vang lên nghe thắt ruột , nhưng lần này là kèm theo hai dòng lệ tuôn rơi đầy đau xót.

Anh cám ơn và từ giã Bác ấy ra về, anh thầm cảm ơn buổi nói chuyện nay , chẳng những giúp anh biết rõ lý do vì sao Mẹ bỏ mình, mà còn chứng kiến và hiểu hơn về mãng đời còn tăm tối hơn cả mình, thế mà chính người đang mang mãng đời đầy cay nghiệt đó , vẫn cố tiếp sức cho anh đi tiếp quãng đời còn lại bằng chính câu chuyện của đời mình . Nhưng Bác ấy đâu biết rằng, anh đã không kể hết về đời mình .. rằng anh đi ghép với một GĐ cũng có ba con nhỏ , khi qua Mỹ anh xem họ như GĐ mình , vì là anh lớn .. anh không đi học mà đi làm luôn để phụ giúp GĐ nuôi các em , cho đến khi các em học xong Bác Sĩ , kỹ sư và sắp chuẩn bị kết hôn , thì Cha Mẹ bảo anh ra riêng sống .. chỉ vì sợ mang tiếng với thông gia .. thế là anh đành xách valy ra đi, với vốn tiếng Anh ít ỏi lụm lặt từ cuộc sống khi đã gần 40.

Bổng anh chợt bật cười khanh khách một mình .. mắt cay nồng , tim đau nhói .. cho kiếp người của Bác ấy và cho anh!!!


St

Từ phương xa: NGƯỜI ĐƯA THƯ - Nguyên Nhung st.

 





NGƯỜI ĐƯA THƯ


Thời gian mới định cư ở Hoa Kỳ, khi đến cư ngụ khu chung cư nhiều người Việt tôi đã thấy ông ta. Đó là người đưa thư, có bộ râu hung hung xồm xoàm viền quanh miệng, khiến thoạt nhìn người ta thấy ông có nét một ông già Santa Claus mỗi mùa Giáng sinh. Nụ cười hiền, đôi mắt xanh mông mênh màu biển, ông là người đều đặn mang niềm vui cho đám cư dân sống ở chung cư, đa số mới từ Việt Nam sang, thường ngóng những cánh thư ở quê nhà.


Ông ta trạc độ ngoài năm mươi, dáng dấp khỏe mạnh, khó đoán tuổi cho chính xác vì bộ râu xồm xoàm đó. Mỗi buổi chiều, khi chiếc xe của Bưu Điện chạy vào con dốc đầy ổ gà, nơi đặt mấy thùng thư đã thấy có người đứng đợi. Đa số là người già, không biết làm gì cho hết ngày, đi lấy thư cũng là một cái thú. Ông ta bỏ thư vào từng hộp thư của mỗi nhà trong xóm, xong lái xe đi, không quên giơ tay vẫy mấy đứa trẻ đang chơi đùa trên khoảng sân trống.


Mãi cho đến một hôm, trời mùa đông lại mưa tầm tã, tôi thấy người đưa thư ngừng xe trước cửa căn chung cư, rồi chạy ào vào hiên gõ cửa, đưa cho tôi một lá thư. Lá thư của người bạn học từ Việt Nam gửi sang, đề trúng tên người gửi và địa chỉ "zip-code", nhưng thiếu số nhà của căn chung cư, không hiểu sao ông ta lại biết là của tôi. Chính vì thế mà tôi biết ông đọc được tiếng Việt, lại còn quen cả tên của người nhận thư, rồi vì sợ thư không đến tay người nhận, thay vì trả lại cho Bưu Điện, ông mang thư đến thẳng nhà tôi.


Hôm ấy trời bão rớt, mưa suốt từ sáng đến chiều chưa ngớt, bầu trời xám xịt khiến mùa Đông càng có vẻ rét mướt. Tôi cảm động nhận lá thư từ tay ông, nhìn ông ướt át trong chiếc áo mưa màu vàng, những bụi mưa còn đọng trên mái tóc đã ngả bạc với bộ râu hung hung viền quanh miệng. Ông hỏi, bằng tiếng Việt:

" Xin lỗi, có phải tên cô không?"


Tôi ngạc nhiên, vì lần đầu nghe ông ta nói tiếng Việt, chực nhớ lại bà con trong khu chung cư, gặp nhau ngoài thùng thư vẫn hay nói chuyện này nọ về xứ Mỹ và người Mỹ, có lẽ ông đã nghe được cả. Tôi nhận đúng là tên mình, rất cảm kích vì tấm lòng của người đưa thư. Ái ngại khi thấy mưa vẫn như trút nước, rặng cây ven đường như mờ mịt đi dưới màn mưa trắng xóa. Tôi hỏi ông, bằng tiếng Anh:

"Ông có vội lắm không? Mời ông vào nhà chơi, mưa lớn quá."


Ông nheo đôi mắt xanh nhìn trời, cười hiền hậu, nói một câu thành ngữ tiếng Anh:

"It's raining. . . cats and dogs..."

Đoạn ông ta nói bằng tiếng Việt:

"Mưa lớn quá, giống như mưa ở Việt Nam."

Tôi mở to mắt nhìn ông thán phục:

"Ông nói tiếng Việt giỏi quá, ông học ở đâu vậy?"


Người đưa thư giơ tay vuốt những giọt mưa trên tóc, trên mặt, giọng thoáng một niềm vui, thật xa vời:

"Từ Việt Nam. Tôi đã từng ở Việt Nam, cách đây ba mươi năm. Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi."


Tôi mỉm cười, một câu xã giao mà người Mỹ nào cũng học qua, nhưng sao ở người đàn ông này, tôi không thấy sự giả dối. Một lần nữa, tôi mời ông vào nhà , không khách sáo, trước khi bước vào căn phòng ấm, ông tháo đôi giày để ngoài cửa, giọng dí dỏm:

"Người Việt thường cởi giày trước khi vào nhà, có phải vậy không?"

Ngạc nhiên vì câu hỏi của ông, một người Mỹ hiểu cả thói quen của người Việt, thật là hiếm, như vậy ông ta chắc phải tha thiết với xứ sở của tôi nhiều lắm, tự nhiên tôi thấy có cảm tình với ông. Như hai người đồng hương đã lâu không gặp nhau, ông thổ lộ:


"Tôi nhớ Việt Nam nhiều lắm, nhớ "người" Việt Nam lắm..."

“Người Việt Nam” ở đây thì nhiều lắm, sao ông lại nói câu ấy với nhiều cảm xúc trong ánh mắt mà tôi có thể nhìn được. Rồi đưa mắt nhìn khắp căn phòng được bài trí theo kiểu Á Đông, ông dừng lại một bức tranh trên tường vẽ cảnh mùa Xuân, con ngõ nhỏ với hai hàng mai nở vàng thật đẹp. Ông thảng thốt reo lên, giọng lơ lớ:

"Đấy có phải là hoa mai?"


Tôi gật đầu, cảm phục một người Mỹ biết nhiều về xứ sở của mình:

"Ồ! Ông cũng biết hoa mai? Nó là loại hoa biểu tượng cho mùa Xuân ở quê hương tôi, và chỉ nở vào mùa Xuân."


Ông gật đầu, đôi mắt xanh thoáng một nét bâng khuâng, nhìn theo những sợi mưa nghiêng nghiêng đan nhau trong khung trời mờ tối:

"Tôi biết, vì cô ấy tên Mai, Mai là tên người yêu của tôi, cô học trò bé nhỏ…"


Hình như ông xúc động, yên lặng để dấu đi nỗi buồn. Tôi cũng ngạc nhiên không ít, khi khám phá ra mối tình của người đưa thư, một mối tình có lẽ rất đẹp mấy chục năm trước vẫn ấp ủ trong trái tim ông, từ những ngày trẻ tuổi.


Buổi chiều mưa hôm đó, một chiều mưa trên xứ người, nghe câu chuyện tình của người đưa thư, tự nhiên tôi cảm thấy dâng lên trong lòng một nỗi buồn rất Việt Nam, cả cái không khí lãng đãng một chút ngậm ngùi theo từng giọt mưa rớt xuống hàng hiên ẩm ướt. Trong khi chờ mưa ngớt hạt, người đưa thư bồi hồi kể tôi nghe chuyện tình của ông ba mươi năm trước.. ..


* * *


David sinh trưởng ở Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California. Vùng đất phì nhiêu màu mỡ có rất nhiều cánh đồng trồng rau và trái cây, đủ cung cấp cho hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cả nhà sống trong một trang trại trồng hoa quả vùng ngoại ô, David có bản chất một người đồng quê rất hiền lành và thật thà, yêu thiên nhiên.


Học hết Trung Học, David rời gia đình đến Nam Cali để tiếp tục việc học. Sau bốn năm Đại Học, vốn bản tính hiền lành, thích làm việc thiện, David tình nguyện sang Việt Nam làm công tác giáo dục và thiện nguyện. Do đấy, chàng có một thời gian dài đến gần bốn năm phục vụ trong các trung tâm Việt Mỹ, dạy tiếng Anh cho những người Việt trẻ tuổi.


Lúc ấy David còn trẻ lắm, mới hai mươi hai tuổi. Trước khi sang Việt Nam, chàng được học tiếng Việt sáu tháng, cho nên lúc đến Việt Nam chàng đã bập bẹ nói được những câu xã giao thông thường với người bản xứ. Năm David tới Việt Nam, chiến tranh đang thời kỳ leo thang, nhưng ở thành phố tương đối người dân vẫn sống trong yên bình, chưa nhìn thấy bao nhiêu sự đe dọa của chiến tranh. David chỉ ở Sài Gòn một thời gian ngắn, sau đó được đưa về Cần Thơ. Chính nơi này, thành phố thơ mộng ven bờ sông Hậu, đã khiến David lúc quay về Mỹ, mang theo một vết thương lòng.


David đã có dịp đi lại mấy lần trên nẻo đường mang nhiều sắc thái miền Tây Nam Phần, đó là quốc lộ 4. Những cánh đồng lúa bát ngát, những vườn cây xanh, những mái tranh nghèo khuất sau hàng dừa rủ bóng trên giòng sông đục ngầu phù sa, lắc lẻo nhịp cầu tre bắc ngang sông rạch. Chàng thích nhất những chuyến phà qua sông Hậu Giang, nhất là khi chiều về, vài cọng hoa lục bình màu tím lênh đênh trên sóng nước. Phong cảnh Việt Nam thật lạ lẫm, mới mẻ nhưng gần gụi biết bao, không hiểu sao khi nhìn thấy miền đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên, David đã cảm thấy yêu mến vùng đồng bằng, êm ả như vùng quê nơi chàng sinh trưởng, dù mỗi nơi đều có nét khác biệt nhau.


Vì là nhân viên dân sự, David may mắn chỉ ở thành phố, không đối diện với chiến tranh như những người lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, và cũng không hề giao tiếp với giai cấp phụ nữ bám theo đoàn quân viễn chinh. Cho nên, những ngày dạy học tại Trung Tâm Việt Mỹ, David thật thơ ngây khi lần đầu tiên trong đời, chàng đã trao trái tim mình cho cô bé Việt Nam, Mai là một cô học trò rất chăm chỉ, ngoan hiền trong lớp học căn bản của Trung Tâm này.


Mai đẹp lắm, ít là dưới mắt của David, một vẻ đẹp Á Đông rất ưa nhìn. Mái tóc đen mượt, đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn, nét ngây thơ dịu dàng của cô con gái Á Đông khiến con tim chàng trai Mỹ mới biết yêu lần đầu, đã thổn thức vì nhớ thương. Như câu ca dao Việt Nam,"Yêu ai yêu cả đường đi lối về", David cũng yêu cái mênh mông của dòng sông Cửu Long, yêu hàng dừa lơi lả nơi bến sông, nhìn những đợt sóng nhấp nhô vào những buổi hoàng hôn, David tưởng như nó chuyên chở bao nhiêu tình tự dân tộc, hiền hòa, vui tươi và đầy thiện cảm. Mỗi buổi sáng, David say sưa ngắm nhìn những tà áo trắng bay bay như những cánh bướm, trên chiếc xe đạp thong thả của đám nữ sinh mỗi buổi đến trường. Cả thành phố dậy lên sức sống, người ta đi lại đông đảo, đàn bà xách giỏ đi chợ, vài chiếc xe chất đầy rau quả, những đứa trẻ con ngoan ngoãn đi học với nhau, chiến tranh hình như chưa hiện diện nơi đây. David có được những tháng ngày thật tuyệt vời với công việc của mình, một biệt thự xinh đẹp tọa lạc trên con đường trung tâm thành phố.


Năm ấy Mai độ mười bảy tuổi, tư chất thông minh cộng thêm nét ngây thơ của cô bé mới lớn, đã chinh phục trái tim ông thầy trẻ tuổi. Cách biểu lộ tình cảm của mỗi dân tộc có khác nhau, David không hề dấu diếm tình yêu của mình với cô gái trẻ, trong khi Mai cố tình né tránh, dù nàng rất có cảm tình với ông thầy vừa đẹp trai, lại rất hiền hậu nữa. Sau nhiều lớp ở Trung tâm Việt Mỹ, Mai là một học sinh xuất sắc được chọn là người phụ giáo cho những lớp học vỡ lòng, trong thời gian này hai người cùng làm việc chung, David càng thấy gần gũi nàng hơn.


Với bản tính thẳng thắn của người Mỹ, David tỏ tình và đề cập với Mai về chuyện hôn nhân, chàng nghĩ nó rất đơn giản như bao cuộc hôn nhân trên xứ sở chàng. Nhưng điều làm cho David đớn đau hơn cả, không ngờ Mai đã từ chối kết hôn với chàng, nguyên nhân chỉ giản dị là không cùng chủng tộc, cha mẹ nàng coi đấy là điều không thể chấp nhận, dù David là một chàng trai học thức. David không hiểu tại sao Mai không quyết định được chuyện hôn nhân của mình, dù rằng Mai cũng cảm thấy mình yêu thương chàng trai Mỹ tóc vàng, mắt xanh hiền lành ấy. David thắc mắc thì Mai chỉ im lặng thở dài, rồi cho chàng biết những gia đình Việt Nam bảo thủ, không bao giờ chấp nhận chuyện con cái kết hôn với người ngoại quốc.


Sống ở Việt Nam khá lâu, ăn những món ăn Việt Nam, học được cách cư xử của người Việt, David hoàn toàn chấp nhận tất cả những đòi hỏi theo phong tục, tập quán người Việt nhưng vẫn bị từ chối. Thật sự chàng không thể nào hiểu nổi dân tộc này, trong cái thân thiện bên ngoài hình như họ vẫn dấu kín những thành kiến bí ẩn, có lẽ đã ăn sâu vào gốc rễ trong tâm hồn họ. Không lấy được Mai, nhiều lúc thất vọng đến chán chường, David còn muốn tìm cái chết để quên đi hình bóng diễm kiều của cô gái Việt. Cuối cùng, bị khủng hoảng tinh thần, David không thể tiếp tục làm việc, với ý nghĩ một ngày nào đó Mai thuộc về người khác. David được hồi hương trước thời gian ấn định, lúc chia tay, lần cuối cùng gặp nhau, Mai đã khóc và nói với chàng :

" Nếu không được kết hôn với anh, em sẽ không bao giờ lấy ai nữa."


* * *


Câu chuyện tình của người đưa thư tưởng đến đấy là hết, bất ngờ David hỏi tôi:

"Tại sao dân tộc cô lại có cái nhìn khe khắt như thế? Một tình yêu khác chủng tộc có phải là điều tội lỗi?"


Tôi bối rối nhìn ông, không làm sao cắt nghĩa cho ông hiểu. Đúng, tình yêu tự nó đâu có gì tội lỗi, nhưng dưới con mắt lệch lạc của những người có nhiều thành kiến, họ vẫn không chấp nhận. David lại nói tiếp:


"Ba mươi năm nay tôi vẫn không quên điều đó, vẫn tìm tòi văn hóa Việt, và tôi hiểu tại sao dân tộc Việt Nam không tiến lên được. Trong một vấn đề giản dị đó, họ đã không có cái nhìn rộng rãi, thì những vấn đề lớn hơn, họ cũng khó mà thay đổi."


Tôi thở dài nói với David:

"Tôi nghĩ không chỉ người Việt Nam chúng tôi mới có quan niệm thiển cận như thế, ngay những người Mỹ, cũng đâu có thích con cái họ lấy một người không cùng sắc tộc với mình. Hơn nữa người Việt Nam lấy chữ hiếu làm đầu, cho nên ít khi chống đối lại cha mẹ, và họ chấp nhận điều ấy như là một thứ định mệnh đã đặt để, ông thông cảm cho. Nhưng thưa ông, đấy chỉ là những suy nghĩ của thời gian đó, bây giờ mọi điều đã thay đổi..."


Giọng David đều đều như tiếng mưa rơi ngoài hiên, ông nói:

"Cô có biết tôi đã đau khổ biết bao nhiêu khi không lấy được Mai, tôi đâm ác cảm với tất cả người Việt vì lối suy nghĩ của họ. Khi về nước, lâu lắm tôi vẫn không quên được người con gái ấy, rồi lại nhớ đến câu nói cuối cùng của Mai nói với tôi, tôi không nghĩ rằng Mai đã thực hiện được. Khi đất nước cô bị rơi vào tay Cộng Sản, tôi vẫn hy vọng là sẽ gặp Mai trong đám người Việt di tản sang Hoa Kỳ, nếu cô ấy chưa lấy ai thì trên xứ sở này không ai cấm cản Mai kết hôn với tôi cả".


Tôi ngắt lời David:

"Ông có gặp lại cô ta không?"


David gật đầu, đôi mắt xanh chợt buồn, để rồi lại toát ra một tia nhìn ấm áp:

"Có, tôi đã gặp lại Mai, nhưng bấy giờ tôi là người dừng lại, vì Mai đã là một nữ tu đang săn sóc cho đám trẻ mồ côi đem từ Việt Nam sang. Lần này tôi thực sự cảm thấy mình không có quyền theo đuổi con người cao quý đó. Mai đã hy sinh tình yêu, tuổi xuân để phục vụ cho một nghĩa vụ cao cả hơn, đấy là tình nhân loại. Tôi vẫn yêu Mai, nhưng không có quyền giữ lấy nàng làm của riêng, khi nhìn thấy bản chất cao đẹp trong tâm hồn nàng."


Giọng ông ta chợt bùi ngùi:

"Đồng thời tôi cũng hiểu được ý nghĩa lời nói của Mai, khi đã khóc và nói với tôi câu nói cuối cùng trước khi chia tay nhau. Nàng là người con gái Việt Nam thuần túy có những suy nghĩ theo tính cách của dân tộc nàng, nhưng trong tình yêu, tôi hiểu nàng cũng yêu tôi, thích hợp với đời sống và việc làm của tôi, nhưng vẫn không dám chống đối lại cha mẹ. Để rồi cuối cùng cô đã chọn con đường ấy, con đường phục vụ cho tha nhân."


Đôi mắt xanh buồn buồn của người đưa thư lại hướng về bức tranh có những bông mai vàng óng ả treo trên tường, thật dịu dàng ông nói tiếp:

"Từ đấy, tôi muốn mình cũng như Mai, làm một điều gì đem lại niềm vui cho mọi người, dù rất nhỏ nhoi. Nếu không hỏi cô, có lẽ lá thư này sẽ bị trả lại cho người gửi, bạn cô mất đi một niềm hy vọng, và ngay cả cô cũng mất niềm vui được đọc một lá thư. Bao nhiêu năm rồi tôi có nhiều cơ hội để tìm một việc làm tốt hơn, nhưng tôi vẫn vui thích với nghề nghiệp hiện tại, khi nghĩ mình đã đem đến cho mọi người những gì họ chờ đợi, nhất là trong những muà Lễ, Tết. Tôi cũng hiểu rằng từ miền đất xa xăm nghèo khổ kia, họ đã phải tiết kiệm như thế nào mới có đủ tiền để gửi một lá thư cho người phương xa."


Tôi cảm động nghe ông ta nói, tự thấy xấu hổ với mình khi chính tôi có lúc đã rất hững hờ với những lá thư từ bên nhà gửi sang, cũng chỉ vì sợ phải giúp đỡ. Ngược giòng thời gian, tôi như nhìn thấy mình trong quá khứ, trong lúc cùng cực vẫn trông chờ một niềm hy vọng, vậy tại sao tôi lại không có được tấm lòng như người đưa thư này. Lúc ấy, nhìn đôi mắt xanh của ông ta, chòm râu hung hung viền quanh mặt, trông ông hiền hậu và dễ thương như ông già Noel đem niềm vui cho trẻ con mỗi mùa Giáng Sinh. Tôi nói với ông rất thành thật:

"Tôi cám ơn ông, một người Mỹ rất có tình với quê hương tôi, dân tộc tôi, dù trước kia ông đã bị đau khổ vì sự suy nghĩ của họ."


Mưa đã ngớt, chưa tới sáu giờ mà trời mùa Đông đã tối xầm lại. David đứng dậy, ông còn phải trở về Bưu điện, đem theo những lá thư người trong chung cư nhờ ông gửi giùm. Ông chào tôi rồi mang đôi giày vào chân, mỉm cười nhìn những bóng đèn màu chớp tắt trên cây Giáng Sinh ở góc phòng. Tôi nhìn theo người đưa thư bước ra đường, lòng dâng lên một niềm ấm áp cho dù đang là mùa Đông ở xứ người. Câu chuyện của David đã làm tôi suy nghĩ. Tình yêu muôn thuở vẫn chỉ là Tình yêu, nhưng vượt lên trên đó, nó có một sứ mệnh thật cao cả khi người ta nhìn ra cái đẹp của nó, và sống với cái đẹp của tình yêu.


Giờ này, ở một nơi nào đó trên đất Mỹ, Mai, cô gái Việt Nam năm xưa, có lẽ nay đã đứng tuổi, vẫn hăng say phục vụ tha nhân trong lãnh vực của cô. Không biết cô có hiểu rằng, chính tình yêu của cô đã làm cho David, người đưa thư quen thuộc của khu chung cư, cũng đang đi con đường của người ông yêu tha thiết năm xưa, cũng với mục đích đem niềm vui đến cho mọi người.


Giá tất cả thế nhân đều nghĩ đến nhau với một tấm lòng như thế, thì có lẽ chiến tranh đã chấm dứt từ lâu trên trái đất.


Nguyên Nhung


Từ phương xa: CHUYỆN MỘT NGƯỜI CHA - Sưu tầm.

 




CHUYỆN MỘT NGƯỜI CHA.

Rob chưa bao giờ nói thật với con gái mình về công việc mà anh làm. Khi cô bé nũng nịu hỏi ba làm gì để kiếm tiền lo cho cho gia đình, thì anh nói anh làm việc trong văn phòng, và điều này khiến cô bé hài lòng, không thắc mắc gì thêm.

Thật ra Rob chỉ là một người lao công quét dọn trong các building của thành phố. Và mỗi ngày trước khi về nhà, anh đều tắm rửa cẩn thận trong các phòng tắm công cộng, không để lại tí mùi hôi nào khi ôm hôn vợ con. Anh vốn được sinh ra trong khốn khó, và chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ ngay cả trong họ hàng của mình.

Rob chưa bao giờ dám mua ngay cả một đôi giày mới cho riêng mình, anh chỉ mua những đôi giày cũ còn dùng được trong cửa hàng bán quần áo cũ. Anh tiết kiệm từng đồng để lo cho con gái. Anh muốn con mình được bạn bè trong lớp tôn trọng, nên không thể để người khác biết anh là người quét dọn rác. Bởi vì anh hiểu, dưới con mắt của mọi người trong xã hội, những người phu quét dọn như anh thường bị khinh khi, nhưng anh nhất quyết không để con mình bị nhục.

Năm tháng trôi qua, rồi con gái của anh cũng học xong high school và chuẩn bị vào college. Ngày được giấy báo vào trường, con gái mừng rỡ khoe với ba, kèm theo một lá thơ với số lệ phí mà con anh phải đóng để đăng ký nhập học. Số tiền không quá lớn đối với người khác, nhưng với anh, đó thật là một vấn đề nan giải.

Trước ngày cuối phải đóng tiền cho con, anh đi làm với tâm trạng rối bời. Anh không còn tâm trí để tập trung cho công việc. Khi các bạn đồng nghiệp chia nhau làm việc, anh ngồi thẫn thờ cạnh đống bao rác hôi thối, lòng buồn bã nghĩ đến con gái sẽ thất vọng biết bao khi anh không mang đủ tiền lệ phí về cho con đêm nay.

Kết thúc ngày làm việc, các đồng nghiệp kéo đến và hỏi anh: "Rob, cậu có coi tất cả chúng ta là anh em không?". Khi anh vẫn còn đang ngơ ngác, trả lời "Dĩ nhiên là vậy rồi", thì tất cả đều xòe tay ra. Trên tay mỗi người đều có số tiền mặt tương đương với một ngày công, và tất cả gom lại đưa cho anh.

Rob hoảng hốt từ chối, anh không thể lấy số tiền của những đồng nghiệp nghèo khó đã vất vả kiếm được suốt cả ngày. Nhưng một người trong số đó vẫn dúi tiền vào tay anh và nói: "Chúng ta tất cả đều có thể nhịn đói ngày hôm nay, nhưng con gái của chúng ta nhất định phải vào Đại Học".

Lần đầu tiên trong đời, Rob trở về nhà với bộ quần áo lao công, không tắm rửa hay sửa soạn, anh không thể nói dối mãi với con gái về công việc của mình và tấm lòng nhân hậu của các bạn đồng nghiệp.

Năm tháng qua đi, con gái anh giờ đã tốt nghiệp Đại Học và tìm được một công việc khá. Cô nhất quyết không cho ba đi làm nữa. Nhưng điều lạ nhất là, cô hay cùng ba đi thăm những người đồng nghiệp xưa của anh, và cô luôn mua nhiều thức ăn đem đến cho họ.

Một ngày cô cùng cha lại đến thăm, một trong những người bạn cha cô vừa cười vừa hỏi: "Này con gái, tại sao con luôn mang thức ăn đến cho chúng tôi thế?".

Vừa dọn thức ăn ra bàn, con gái anh mỉm cười trả lời: " Bởi vì tất cả các chú đã nhịn đói ngày hôm đó, để con có được ngày hôm nay. Con ước gì có thể mua thức ăn đến cho các chú mỗi ngày ..".


Coppy FB CHI NGUYỄN

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

Phương xa: TÌNH NGƯỜI TRONG IM LẶNG - Sưu tầm

 




TÌNH NGƯỜI TRONG IM LẶNG 

Đằng sau sự im lặng là sự tôn trọng và ấm áp, đây là cảm nhận của cá nhân tôi khi ở Đức.

Một buổi xế chiều mùa đông, như thường lệ, tôi xếp hàng vào dòng người chờ xe buýt để về nhà. Có năm, sáu người xếp hàng lặng lẽ và yên tĩnh. Vào lúc đó, một người dắt một chú chó, từ phía xa đến. Dưới ánh hoàng hôn, những chiếc đèn đường chiếu rọi vào họ tạo một hình bóng với lớp ánh vàng rất đặc biệt.

Khi họ đi đến gần, chỉ thấy đó là một chàng trai cao to vạm vỡ. Nắm chặt trong tay anh là sợi dây kết nối với chú chó chỉ đường chuyên nghiệp của Đức dành cho người mù – đó là phương thức tiêu chuẩn dành cho chú chó dẫn đường cho người mù. Ồ, thì ra là một người mù.

Chàng trai từ từ đi về hướng trạm xe buýt, sau đó đứng cách 1 đoạn cùng xếp hàng với dòng người chờ đợi xe. Không có một ai bắt chuyện với chàng trai mù, còn tôi cũng đang do dự không biết có nên tiến về phía trước dắt anh ta hay không. 

Thế nhưng ngay lúc đó một cậu bé đứng ở hàng đầu tiên rất nhanh đã gập cuốn sách đang đọc dở trên tay, bước tới xếp phía sau chàng trai mù, những người xếp hàng còn lại cũng lần lượt đứng ra phía sau không một chút ầm ĩ. Đứng cạnh tôi một cô gái có mái tóc ngắn màu đỏ liếc nhìn chú chó chỉ đường, có lẽ cô sợ mùi thuốc lá ảnh hưởng đến thị giác của nó, vội bóp chặt đầu thuốclá vừa mới châm xong.

Lại có thêm một người nữa xếp hàng đợi xe, người này cũng lẳng lặng đứng phía sau người mù và chú chó. Giữa những người xa lạ mặc dù không nói với nhau một lời nào nhưng lại rất hiểu ý của nhau quả khiến tôi ngạc nhiên.

Cứ như vậy, cho đến khi xe buýt tới. “Đợi một chút,” tôi nói. Tài xế vừa rời khỏi ghế lái chuẩn bị bước xuống để dắt chàng trai mù lên xe, chàng trai liền lịch sự từ chối:

- “Cám ơn, không cần đâu.”

Chàng trai tiếp tục theo sự chỉ đường của chú chó, tự mình bước lên xe. Đúng lúc giờ cao điểm tan sở, trên xe khách đã chật kín người. Ngồi sau lưng tài xế, là một cậu nhóc khoảng 5-6 tuổi cạnh đó là mẹ của cậu, bà mẹ nhanh chóng bế bổng cậu bé ra khỏi chỗ ngồi để nhường ghế, mặc dù hành động của bà mẹ rất đột ngột thế nhưng không thấy cậu nhóc tỏ vẻ không hài lòng.

Chú chó chỉ đường nhìn lên thấy chỗ trống liền nhanh chóng dẫn chàng trai mù ngồi vào ghế, sau đó lặng lẽ nằm bên cạnh chủ. Tất cả những sự việc diễn ra này, chàng trai mù không hề biết.

-“Cho hỏi anh muốn đến đâu?”

-“Tôi muốn đến đường Morre.”

-“Vâng, thưa bệ hạ!”

Câu trả lời đầy hài hước của tài xế khiến mọi người trong xe đều bật cười vui vẻ. Cứ thế chiếc xe chở đầy sự hân hoan vui vẻ của mọi người tiếp tục tiến về phía trước.. …

Trên xe, mọi người đều thầm quan sát chú chó chỉ đường: cho dù những lúc xe thắng gấp hay chuyển ngoặt, chú chó cũng vẫn giữ được tư thế rất tập trung và mắt hướng nhìn phía trước. Khác hẳn với những chú chó khác, không có ai có ý định đến vuốt ve hoặc dùng điện thoại để chụp hình nó.

Cạnh tôi là cậu bé xếp ở hàng đầu tiên đã nhường vị trí cho chàng trai mù, cậu lấy tay tách một nửa chiếc bánh bao định cho chú chó ăn, thế nhưng mẹ cậu nhóc lúc nãy đã nhanh chóng ngăn chặn và nói nhỏ:

- “Chú chó đang làm công việc của nó, cần có trách nhiệm với công việc này, không nên làm ảnh hưởng đến nó.”

Nghe thấy từ “Công việc” cậu bé lập tức rút tay lại từ bỏ ý định cho chú cho ăn.

Thành phố không quá lớn, rất nhanh đã đến trạm cần đến, chàng trai mù nhanh chóng chào tài xế, sau đó cùng chú chó chỉ đường xuống xe.

Không khí trầm lặng bao trùm trong xe. Còn tôi lúc đó, có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng của sự yêu thương chăm sóc, sự tôn trọng sâu sắc. Ngoài cửa xe, gió vẫn đang thổi mạnh. Nhưng trong lòng lại cảm thấy thật ấm áp…

Câu chuyện này tôi đặc biệt yêu thích, không chỉ vì khi chàng trai mù đến mọi người đã tự giác vòng ra sau lưng anh xếp hàng, cũng không chỉ vì khi lên xe được một cậu bé nhường chỗ, hay như khi mọi người tự đứng lại gần nhau chịu chật chội ở trên xe để dành chỗ trống cho chàng trai mù và chú chó.

Điều mà tôi quan tâm đó là, đằng sau tất cả những hành động trên là sự tôn trọng không nói nên lời.

Yêu thương không nhất thiết phải nói ra hay nói với người được yêu thương rằng chúng tôi rất tôn trọng bạn, chúng tôi đang yêu thương chăm sóc bạn, bởi đôi khi sự yêu thương chỉ rất đơn giản bình thường như ở trên thôi, thế nhưng bạn có thể cảm nhận được.


Sưu tầm

Cuộc sống: TÌNH BẠN CAO QUÝ - Sưu tầm.

 





TÌNH BẠN CAO QUÝ 


Gần 12:00 giờ đêm, có hai người đàn ông ngồi cạnh nhau đếm tiền, một người ôm cây đàn, hốc mắt lõm xuống, một người tóc muối tiêu, mở tiền trong cái túi nhỏ bỏ vào nón và đếm. 


Tiền 2.000, tiền 5.000, 10.000, 20.000 và thoảng có vài tờ 50.000 hay 100.000. Tôi đi bộ ngang nên cứ nghe và thấy được vài điều vài câu. 


“Hôm nay người ta đi nhậu nhiều ông ạh”

“Uh, gần Tết nên Tất niên vui vẻ”

“Vui nên có mấy khách cũng cho sộp lắm”

“Uh, tôi cũng mong có kha khá mua mấy món Tết cho mấy đứa nhỏ”


Tò mò nên tôi ghé hỏi : 

“Hai chú là anh em ạh?”

“Không, hai chú là bạn, ông bạn chú tật nguyền từ nhỏ”


“Rồi chú chở chú này đi hát bao lâu rồi?”

“Chú làm việc ban ngày, ban đêm chở bạn mình đi hát, ai thương thì cho ít cho nhiều, ổng không chịu ngồi đường chờ bố thí, cũng không chịu để người nhà nuôi”


“Hai chú chở nhau đi như vầy bao lâu rồi”

Lúc này chú mù mới nói

“Cũng hai mươi mấy năm rồi con, ổng là đôi mắt, đôi chân đưa chú đến nơi chú có thể hát cho người nghe. Ngày xưa ổng chở chú bằng xe đạp, sau này ổng mua được xe máy thì chở chú bằng xe máy”


“Mỗi ngày hai chú làm xong rồi chia nhau thế nào?” Tôi cũng hơi tò mò

“Được nhiêu chia đôi, chú chịu tiền xăng” chú sáng mắt trả lời.


“Chúc hai chú nhiều sức khoẻ nhé, Tết thật ấm áp bên gia đình”

“Cám ơn cháu, cháu cũng vậy nhé”


Tôi lại đi, một vòng, hai vòng sau, theo thói quen lại nhìn 2 chú. Chợt thấy điều lạ lạ. 


Chú sáng mắt dúi vào tay bạn mình một sấp tiền, đa số là tiền 100.000, 50.000 và 20.000

Còn trên tay chú là tiền 10.000 và một số 5.000, 2.000

“Đây phần của ông đây, tôi đã chia đôi rồi đó”

“Cám ơn ông, bao nhiêu năm ông đều giúp tôi đi và chia đều cho tôi”


Mắt tôi chợt cay cay, 😭 “Chia đôi” đâu đồng nghĩa là 2 phần bằng nhau. 😭😭

Người bạn mù thì tin bạn mình hoàn toàn

Người bạn sáng thì muốn cho bạn mình phần hơn.


Sống trên đời phải chăng có những người có rất nhiều tiền, và ở đây có 2 chú là những người THẬT SỰ GIÀU CÓ


Cuộc sống này còn quá nhiều điều tốt đẹp, Tết đang về, đôi mắt ướt mà con tim sao đập rộn rã tình yêu thương con người. ☺️


Tết sum vầy

Xuân hạnh phúc 


ST

Cuộc sống: BÁM RỄ - Sưu tầm.

 




BÁM RỄ

    Có 2 người hàng xóm sống cạnh nhà nhau. Một người là thầy giáo về hưu, còn người kia là một anh nhân viên bảo hiểm – là người rất chú trọng về mặt kỹ thuật. Cả hai người đều trồng rất nhiều loại cây trong vườn nhà mình. Ông thầy giáo về hưu thường tưới ít nước cho cây của mình và có vẻ ít quan tâm đến chúng, trong khi đó anh hàng xóm coi trọng về mặt kỹ thuật kia thường tưới nhiều nước và chăm nom cây rất cẩn thận. Cây trồng của ông thầy giáo phát triển bình thường, còn cây trồng của anh nhân viên bảo hiểm nọ trông rất tươi tốt và xum xuê. Một hôm, trời mưa to gió lớn suốt cả đêm vì có bão. Đến sáng hôm sau, cả 2 người đều ra vườn nhà mình để kiểm tra xem mức độ thiệt hại thế nào. Anh nhân viên bảo hiểm thấy đám cây của mình đều bị trốc rễ gần hết, trong khi đó cây trồng của ông thầy giáo vẫn y nguyên và không hề bị hư hao gì cả. Thấy thế, anh hàng xóm rất lấy làm ngạc nhiên, anh ta đến gặp ông thầy giáo hỏi: “Cả hai chúng ta đều trồng cây như nhau, hơn nữa, tôi còn chăm bón và tưới tắm cho cây nhà tôi tốt hơn của nhà thầy, ấy thế mà cây nhà tôi bị bật gốc sạch trơn, còn cây nhà thầy chẳng bị làm sao cả. Thế là thế nào nhỉ?”

 Ông thầy giáo mỉm cười đáp: “Cậu chăm chút đám cây của mình và tốn bao công sức chăm bẵm, tưới tắm cho cây, chính vì thế mà chúng không cần phải tự cố gắng làm gì nữa. Cậu đã quá dễ dãi với chúng rồi. Còn tôi chỉ cần tưới vừa đủ nước, còn lại để tự chúng bắt rễ sâu xuống đất. Nhờ thế mà, rễ của chúng ngày càng ăn sâu hơn và làm cho chúng trở nên cứng cáp, vững vàng. Đó là lý do tại sao cây của tôi còn trụ được sau cơn bão đấy”

 • Bài học: Câu chuyện ngụ ý về vai trò của cha mẹ đối với những đứa con của mình. Nếu chúng ta chu cấp cho chúng đầy đủ mọi thứ, chúng sẽ không hiểu được rằng phải lao động nặng nhọc như thế nào để có được những thứ đó. Chúng sẽ không chịu học hỏi cách làm việc để có được những thứ cần thiết cho cuộc đời và không biết tôn trọng những thứ mình có. Đôi khi cách tốt nhất là chỉ dẫn cho chúng cách làm thế nào để đạt được thành quả, thay vì đem cho chúng những thứ sẵn có. Nên dạy bảo chúng cách bước đi nhưng hãy để cho chúng tự bươn chải trên con đường đời.

 TQst

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Tết đến: NGÀY XUÂN ĂN TẾT - Nguyễn Thị Thêm.

 Nguyễn Thị Thêm - NGÀY XUÂN ĂN TẾT



Ngày Xuân Ăn Tết Tựa

 

Tết Tết Tết, Tết đến rồi

Tết đến trong tim mọi người.

 

Có thế chứ. Trong trái tim người Việt Nam ngày Tết thiêng liêng lắm. Như con bé rời VN năm 7 tuổi thế mà nó vẫn nhớ như in tiền lì xì đầu tiên nó có. Cái thời ăn độn, tiền không có mua gạo lấy gì cho nhiều. Thế nhưng đó là kỷ niệm. Kể cả bộ đồ mới ngày Tết, má may tay bằng chiếc áo dài cắt ra sửa lại. Những đường chỉ may tay chắc là không đẹp nhưng ban đêm dưới ngọn đèn dầu lù mù má ngồi nắn nót từng đường chỉ là hình ảnh đẹp. Bóng má rọi trên vách nên dù má có xấu hay đẹp, cái bóng đó cũng bao trùm lấy nó, che chở cuộc đời nó. Nó với má là cuộc sống là niềm vui. Ngày Tết nó mặc áo mới may còn thơm mùi phấn và mùi của má. Ngày Tết nhà nghèo nhưng đẹp hơn bao giờ hết.

 

Nó ăn Tết đúng nghĩa vì được ăn thịt. Miếng thịt heo béo ngậy ngon hết biết. Thịt kho với tàu hũ trong cái nồi nho nhỏ chan lên chén cơm nóng làm cho ngày Tết huy hoàng và nhớ đời. Nó chạy nhảy tung tăng, được mặc mồ mới, được tiền lì xì, được ăn ngon. Đúng là Ăn Tết.

 

Hôm nay má nói ngày mai đưa ông táo về trời. Nó nhìn lên tờ lịch treo trên tường không có ngày ta. Công nhận má nó nhớ kỹ thật. Ngày mai ông Táo về trển sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng điều gì?

 

Táo quân với hai ông một bà, một gia đình không đi đúng luật hôn nhân, vậy mà nhà trời chấp thuận và cho làm tiên. Hay ở thiên đình theo chế độ mẫu hệ? Thế đàn bà VN ráng ăn ở thật tốt để được lên trên đó tha hồ điều khiển chồng. Bỏ những lúc ở dương gian chồng ham vui nhậu say về đánh vợ bầm dập. Bỏ những lúc chồng năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên phải thờ chỉ một chồng. Nó nhớ chị Bảy hàng xóm ngày xưa. Nó thương chị vô cùng. Chị bán bánh canh mỗi buổi sáng. Chị thức dậy không biết từ lúc nào mà khi nó còn ngủ nướng trên giường đã nghe chị rao vang ngoài ngõ:

- Bánh canh n..ó..n.g đay...đây.

Dáng chị nhỏ dần bên đôi quang gánh kĩu kịt trên đường. Cửa nhà chị vẫn đóng im chứng tỏ anh Bảy vẫn còn ngon giấc. Vậy rồi anh dậy với tô bánh canh nóng hổi và một vài cục xí quách bên chai rượu. Anh ngồi nhâm nhi tận hưởng cuộc sống. Anh nói không tìm được việc làm và để vợ lo sinh kế. Sướng quá sinh hư, anh lại rủ bạn bè ăn nhậu, ca hát, đề đóm. Chị lại oằn lưng trả tiền ghi sổ nợ ở quán cho chồng. Trả nợ anh vay xã hội đen đánh đề. Nhưng chưa yên thân đâu, thỉnh thoảng nhậu say anh còn đánh chị lên bờ xuống ruộng. Đi bán mà cái mặt bầm tím đôi mắt sưng vù. Sáng chị bán bánh canh, chiều gom mua ve chai. Chị tất tả để kiếm miếng ăn và trả nợ mà chồng không thương. Thử hỏi làm sao chị không mơ ước lên trời để làm tiên nữ ăn no mặc đẹp rồi múa hát tưng bừng.

 

Ước cũng không được, chị mãi vướng cái nợ trần gian. Khi anh uống rượu quá nhiều bị viêm gan nằm nhà thương chị lại một phen vay nợ lãi để lo cho chồng. Một thời gian chống chọi, anh chết đi để lại cho chị một mớ nợ với lãi mẹ đẻ lãi con chị phải gồng mình trả. Chồng chết tưởng chị được thoát nợ, nhưng không chị phải phu tử tòng tử. Chị không được sống cho mình, phải nai lưng làm để nuôi thằng con "Con giống cha là nhà có phúc"

 

Chị đã khóc với nó chiều 30 Tết, chị không dám về nhà vì phải trốn xã hội đen đến đòi tiền thằng con vay để cá độ. Chị cúi mặt xuống, lau hai dòng nước mắt:

- Chị biết lấy gì Ăn Tết bây giờ.

Nó nắm lấy tay chị Bảy, bàn tay đã múc bánh canh ngày nào, bỏ thêm cho nó thêm một miếng thịt và cười thật tươi với nó:

- Ăn cho nóng rồi đi học. Thêm cho em miếng thịt nè.

Ăn Tết có còn vui không khi cái tết làm con người thêm mủi lòng theo số phận. Thương chị Bảy, thương cho một phận đời. Thương cho người phụ nữ Việt Nam kiên trinh, cam chịu.

 

Việt Nam ăn Tết lớn lắm. Dường như mọi người đổ ra cả ngoài đường để vui chơi, ăn uống. Khắp các thành thị, huyện, thị xã nơi nào cũng có tụ điểm ăn chơi và du lịch. Nói đúng theo chữ nghĩa bây giờ là "Hoành tráng" Những địa điểm vui Xuân choáng ngợp với hoa với cảnh với thú đẹp với hình ảnh 3D bắt mắt. Nam thanh nữ tú áo quần đủ màu đủ kiểu. Tay nắm tay, hạnh phúc trong mắt trong tay, trong những món hàng đắt tiền. Việt Nam ăn Tết chưa chắc nước nào sánh kịp vì sự tổ chức choáng lộn, thức ăn bắt mắt, rất nhiều loại hấp dẫn cỡ nào cũng có.  Con người VN dường như dồn hết sức, dùng hết tiền cho ba ngày Tết.

 

Năm vừa rồi Tết con chuột. Ngoài đời nhìn con chuột là phát khiếp. Nhưng vào năm 2020, con chuột được tô điểm thiên hình vạn trạng, khoác lên mình một lớp mạ màu vàng. Thì ra con chuột vàng đem tài lộc đến cho mọi nhà. Trên mọi địa điểm du lịch người ta chụp hình với chuột, chơi trò chơi có chuột và em đẹp nhất năm... con chuột.

 

Bố khỉ, con chuột năm 2020 chả phải là con chuột tài lộc mà là con chuột được nuôi trong phòng thí nghiệm. Nó nhiễm bệnh dịch và nó chui ra ngoài. Thế là dịch bệnh lan khắp mọi nơi. Cả thế giới chết không kịp chôn, chết cô đơn, chết thê thảm, chết uất ức vì không có thuốc chữa, thuốc ngừa. Gần suốt một năm nghiên cứu, tiêu không biết bao nhiêu tiền, làm bạc đầu những nhà khoa học thuốc chủng mới ra đời. Con chuột sau một vòng rong chơi 365 ngày nó hết nhiệm kỳ nên giao thế giới này lại cho anh trâu. Tàn dư nó để lại nằm trong những người dính dịch. Nếu biết đề phòng và kịp chích thuốc ngừa thì thế giới qua được cơn hiểm họa. Còn không, con cháu của Covid 19 sẽ phát triển sinh sôi thế hệ mới nguy hiểm hơn thành Covid 20. Chỉ còn một tuần nữa nó sẽ “say Goodbye” và mỉm cười hài lòng vì thành tích phá hoại một năm hết sức "chuẩn, hoành tráng, vĩ đại". Nó là đồ khốn.

 

Có nhiều người không biết, tưởng rằng "Cầu, dừa, đủ, Xoài" là 4 loại  trái cây đầy đủ ý nghĩa trong mâm ngũ quả. Không đâu. Bây giờ trên mâm đó thay đổi theo thời đại mới. Không chỉ 5 loại mà thứ nào đắt tiền nhất là ý nghĩa nhất. Nhất là loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc chưng Tết chắc ăn... như bắp, để bao lâu cũng không hư vì được ám xì bùa ngâm thuốc hoặc chích. Đặc biệt năm Canh Tý có một phong trào chơi cây kiểng rất lạ là chưng trước nhà rất nhiều cây bắp. Cây bắp đang trổ trái gần ăn được là bứng lên, trồng vào chậu đem bán như cây kiểng để chưng Tết. Theo phong trào, mỗi nhà ít nhất cũng có hai chậu đặt ở phía trước để có ý nghĩa ngày Tết. Sang hơn chơi 4 hoặc chục cây. Ở những khu vui Xuân trang trí như một vườn bắp với những trái đầy đặn ngon lành. Đố quý vị lý do vì sao? Vì "Chắc Ăn Như Bắp"

Chỉ bốn chữ thôi thổi vào tâm hồn người dân VN thích suy diễn và hiểu nghĩa sâu xa khiến mấy ông chủ vườn bắp hốt bạc tỷ. Khâm phục mánh khóe làm ăn.

 

Năm nay năm con trâu. Con trâu có được gì đâu. Cả ngày cày ruộng mệt muốn ngất ngư con tàu, lại bị ông chủ đánh vào lưng vào mông đau điếng. Thả cái cày ra chỉ được ăn tí rơm khô. Phải ăn cho lẹ, nuốt cho mau như mấy ông lính mới huấn luyện trong quân trường, hay thời kỳ tù tội nhai nuốt cho kịp kẻo hết giờ. Ban đêm khi mọi người ngủ, con trâu phải nằm đó thức trắng ói rơm ra nhai lại. Thật khổ cho cái thân trâu.

Vậy đó, năm nay con trâu nhận bàn giao từ cho chuột tinh ranh hôi hám một tài sản chưa bao giờ tệ hơn. Con trâu to con nhưng hiền lành, đưa tay nhận ấn tính bàn giao mà nước mắt ròng ròng.

Một thế giới còn chìm ngập trong dịch bệnh. Số người nằm trong bệnh viện vẫn còn đầy ở các phòng cấp cứu. Thuốc chủng ngừa mới tìm ra chưa đủ cung cấp kịp thời cho toàn dân thì nó lại biến thể.

Cả năm nay thế giới đóng cửa, người buôn bán không bán được, máy bay không bay, ngành du lịch dừng lại lỗ vốn. Các công ty do tình hình dịch phải đóng cửa. Nói chung kinh tế xuống dốc thê thảm. Tinh thần người dân cũng xuống dốc và stress vì lo sợ và tù túng.

Trường học đóng cửa chỉ học online, trẻ em rồi sẽ hư mắt phải đeo kiếng cả thôi. Vì ngoài nhìn trên màn hình để học, các cháu lại mê game, thích chơi trên iphone, ipad. Các cháu sẽ có khuynh hướng cô lập bản thân, thích chơi và sinh hoạt với người ảo, hình ảo và niềm vui ảo. Một hình thức suy thoái tinh thần và thể chất cho giáo dục vì tác hại của học online.

Còn nữa, song song dịch bệnh và kinh tế là tình hình chính trị đảo lộn cả thế giới. Nước Mỹ với kỳ bầu cử Tổng Thống có một không hai đã ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc như kiếm sĩ rút gươm sau khi hoàn thành bí kíp.  Đài Loan, Hồng Kông, biển đảo đang dậy sóng. Tình hình Liên Xô và các nước Âu Châu cũng không yên. Tại Mỹ hai đảng phái cũng đang tranh chấp kè cựa. Cựu Tổng Thống Trump dù hết nhiệm kỳ cũng vẫn là đề tài nóng bỏng trên chính trường nước Mỹ. Ngài tân Tổng Thống ký sắc lệnh liên tục làm những nhà phân tích chính trị bình luận hết cả giấy mực. Dân chúng đang thấp thỏm chờ tiền cứu trợ đợt ba. Năm 2021, Tổng thống tân nhiệm xóa tất cả những chính sách tiền nhiệm và làm mới. 

Năm nay các bạn biết VN có khuynh hướng chưng cây gì vào dịp Tết không? Cây Bắp hả? Xưa rồi Diễm. Năm nay chơi kiểu khác ý nghĩa hơn. Chơi cây lúa. Nghe nói năm nay sẽ dùng cây lúa cho vào chậu trang trí trước nhà như cây bắp năm 2020. Vì lúa biểu tượng cho nông nghiệp là nghề của chàng trâu. Lúa tượng trưng cho no đủ. Lại nhớ đến đồng tiền của VNCH xưa có hình bông lúa. Đừng nghĩ "Lúa là xuống dốc, tàn đời hay nhà quê như Hai Lúa nha" Hãy nghĩ lạc quan hơn một chút là sung túc, thịnh vượng, no đủ.

Tuy nhiên với tình hình du lịch còn đóng cửa, dịch bệnh đang lan mạnh và biến thể, chưa biết người VN có chơi Tết lớn như năm con chuột không?

 

Ngày mai đưa ông Táo về trời. Má nó đã chuẩn bị ngâm đậu và đã mua trái cây. Bà sẽ nấu chè tiễn Táo Quân sớm. Nó hỏi má nó :

- Ổng bả về trời bằng gì? Không máy bay, không cá chép?

Má nó cười bảo:

- Các ngài là thần tiên cần gì mấy cái đó. Nó đâu có chịu thua nó hỏi

- Vậy sao người ta mua cá chép để thả xuống sông?

Má nó không trả lời. Bà nhìn đâu đâu xa vắng. Nó biết bà đang nhớ về thời nghe chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa nên “Xưa bày nay bắt chước”. Nó không đề cập hay tranh luận với mẹ về những niềm tin mà nó cho là không hợp lý. Cùng một bến sông, chỗ này thả cá tạo phước, chỗ kia lưới bắt lại đem bán. Cũng như tục lệ phóng thích chim. Những con chim bị đặt bẫy, giăng lưới đem bán và thả ra làm phước. Xong cũng con chim đó bị bắt lại để chờ phóng sinh. Phóng sinh đâu không thấy, chỉ thấy chim bị chết không biết bao nhiêu. Tại sao không để chúng sống với rừng xanh, nước biếc, một cuộc sống tự do chim trời, cá nước. Cái vòng luẩn quẩn tham lam của loài người. Chỉ tội cho những con vật sống không yên, chết cũng không yên.

 

Năm hết Tết đến, nó vẫn đi cày mày miệt, đóng thuế ứ hự. Con cái vào đại học chẳng được ưu tiên giúp đỡ như những gia đình nghèo dù học giỏi. Lý do là ở income vừa cán mốc quy định. Đành thôi phải đem căn nhà ra thế chấp để cho con tiếp tục con đường học vấn.

Nó ước, giá như những nhà làm luật nghĩ lại một chút cho những người làm Healthcare Worker. Trong một năm nay, nó và đội ngũ ngành y chăm sóc sức khỏe chạm mặt tử thần, đối diện với sống chết, giành giật với con Covid 19 cứu bệnh nhân. Sự hy sinh, mệt nhọc, căng thẳng, nguy hiểm và vô cùng bất an. Giá... giá như đừng có nói ngoài miệng cám ơn suông mà hãy có một quy định giảm thuế nào đó hay giúp đỡ gì cho họ thì có ý nghĩa hơn không.

Nó nhớ câu hát ngày xưa ba nó hay ngân nga: "Đừng yêu lính bằng lời.." thì bây giờ nó cũng muốn nói về nghề nghiệp của nó ý nghĩa y chang như vậy.

 

Ngày Xuân ở nước Mỹ ăn Tết không vui. Năm nay ai ở nhà đó. Chùa không làm lễ mừng Xuân Di Lặc, không có hội Xuân. Thầy, Sư Cô cũng như Phật tử đặt sự an toàn lên trước. Vào chùa mặt đeo khẩu trang bịt kín lạy Đức Thế Tôn. Ngài nhìn xuống từ ái khoan dung.

- Rồi mọi tai biến sẽ qua. Trái tim bình an thế giới bình an. Tâm hồn thanh thản, cuộc sống hạnh phúc. Tâm không vướng mắc, sức khỏe tráng kiện. Biết đủ để an vui, tâm hồn thanh thản.

Sao mà dễ dàng, sao mà đơn giản chỉ gộp lại một chữ Tâm. Nhưng suốt đời con người lặn ngụp trong đời sống, mấy ai đã giác ngộ, mấy ai đã tâm an.

 

Nó đã nghĩ ra một điều khá lý thú. Hãy sống bình dị như con trâu, con vật biểu tượng cho năm Tân Sửu. Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.

 

Nguyễn thị Thêm