Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

CẢM ƠN CUỘC ĐỜI- Quan Võ st>

 




CẢM ƠN CUỘC ĐỜI

Nếu hàng ngày phải cặm cụi nấu cơm 

Chứng tỏ rằng ta chưa từng bị đói

Nếu con cháu khiến tâm ta mệt mỏi 

Chứng tỏ ta đang có một gia đình

Nếu ngày ngày phải vất vả mưu sinh 

Chứng tỏ ta đắm mình vào cuộc sống 

Nếu thỉnh thoảng phải sửa đèn thông cống

Chứng tỏ ta đang có một ngôi nhà

Nếu tốn tiền để được đổ xăng xe

Chứng tỏ ta dư sức làm tài xế 

Nếu bị chê sao làm thơ dở thế

Chứng tỏ ta còn sức khỏe tinh thần 

Nếu ngày ngày quét lá rụng ngoài sân

Chứng tỏ ta chưa phải nằm một chỗ

Nếu vợ chồng còn cằn nhằn gây gổ

Chứng tỏ rằng ta vẫn đủ cả đôi

Nếu còn nghe một ai đó nhạo cười 

Chứng tỏ ta vẫn có người nhớ đến 

Nếu phải nghe tiếng ồn ào mỗi sớm

Chứng tỏ mình đang được sống bạn ơi 

Nói lời cám ơn tha thiết cuộc đời 

Dù hiện hữu không ít điều khó chịu

Bởi cuộc sống là món quà vi diệu

Mà mẹ cha đã ban tặng cho mình!

VĨNH NAM.



Thơ: RU EM TRONG GIẤC MƠ MÀNG - Thuy Hà.



RU EM TRONG GIẤC MƠ MÀNG. 

 Gửi gắm niềm vui vào trong thơ

Vì  nỗi buồn không sao quên được

Tìm vớt dưới đáy hồ tâm thức

Những vui buồn không tuổi không tên.


Có những thứ đẹp như mây sớm

Có thứ buồn tựa ánh sao đêm

Thứ rộn ràng reo vui như nắng

Thứ bâng khuâng gió thổi qua thềm.


Loay hoay nhớ điều này thứ nọ

Xếp thành hàng lối dọc lối ngang

Lối đưa anh vào ngàn cách trở

Lối ru em trong giấc mơ màng.

THUY HÀ.

Tản văn: CÁ NÀO MỒI ĐÓ - Kha Tiệm Ly.

 



CÁ NÀO MỒI ĐÓ

Câu cá là thú tiêu khiển thanh tao, là lối hưởng nhàn của các cụ ngày xưa. Sau khi cuốn cần, nếu có cá để “đưa cay” cho ly rượu thêm đậm đà thì tốt;  không có cũng chẳng sao! Nhưng với những người coi cần câu cá là cần câu… cơm lại là chuyện khác: Nếu ngày nào câu không được cá thì kể như ngày đó phải ăn “thịt cọp”*. Cho nên họ phải nghiên cứu thế nào để được “bội thu” nhất. Muốn như vậy, ngoài việc phải biết tập tính của từng loài cá, người ta còn phải tìm hiểu xem chúng “hảo” loại thức ăn nào nhứt, để cho dù no, mà thấy mồi “bắt”, cho dù biết sẽ mắc câu, chúng cũng “phập” một phát cho đã thèm!

Để cho cá ăn câu không phải chuyện đơn giản! Không tin quí bạn thử thả mồi xuống ao cá tra xem sao: Cá đặc gậc như vậy nhưng bạn chờ mỏi tay cũng chẳng có con nào đến táp mồi (thường là chuối chín); chỉ vì bạn thả mồi nhẹ tay quá! Muốn cho cá táp mồi, bạn phải quăng cục mồi mạnh xuống, kêu một cái “chủm”, thì mới có cơ may! Bởi nó tưởng là “cục mồi” hàng ngày nên tranh nhau đớp! Nhưng muốn bắt chúng dễ dàng không gì bằng con ong bầu: Bắt con ong bầu, ngắt một cánh rồi thả xuống ao (không cần lưỡi câu), ong bị ngắt cánh không bay được vì mất thăng bằng, nó sẽ quay vòng vòng dưới nước; chỉ vài giây sau là cá đớp liền, và cũng chỉ vài giây sau, cá sẽ phình bụng nổi lên vì nọc độc của ong phát tán! Thế là chỉ việc lấy vợt vớt lên!

Cá lóc thường thích mồi chạy, còn gọi là mồi sống, tức là con mồi phải còn sống, còn hoạt động lanh lợi. Khi cắm câu, mồi sống thường dùng là nhái, nhưng chớ dùng nhái bầu, mà dùng nhái bén, vì nhái bén sống dai hơn; cũng không nên móc trên lưng mà phải móc ở hàm trên hay trên đùi để nhái khỏi bị ngộp nước. Khi cắm, canh làm sao cho bụng nhái vừa chấm mặt nước để nó có thể bơi tới bơi lui mà dụ cá lại. Với câu cắm, mồi nhái thông dụng nhất vì nó khá nhạy, nhưng nếu được con dế nhủi thì không gì bằng: Cá dù no mổi cũng vẫn táp một phát cho dù tới đâu thì tới! Có thể nói, với mười con dế nhủi thì có thể bắt được chín con cá lóc, còn con kia chạy vuột vì … lưỡi câu bị hoác!

Với cá rô, mồi tép không nhạy bằng trứng kiến vàng, nhưng chỉ có con nhền nhện mới khiến nó biết chết cũng lao vào!

Với cá bông lau, gián đất là món khoái khẩu nhất!

Trên những bãi bồi ven sông, người ta thường cắm chà để dụ tôm vào ở, lâu lâu giở chà một lần; có chà cả bốn năm kí tôm, có chà lại chẳng đủ một buổi lai rai! Chẳng qua trường hợp trước là họ biết món khoái khẩu của loài tôm là gì mà thôi: Đó là hột vịt thối! Lấy một mớ hột vịt thối, đập nhẹ nhẹ cho giập rồi cũng nhẹ tay lột bỏ vỏ ngoài, chừa lại vỏ lụa; không cần lột hết, mỗi hột chỉ cần lột ba bốn điểm lớn bằng lóng tay là được, rồi thả xuống đám chà. Cứ chín mười ngày làm lại một lần. Chuyện đơn giản, rẻ tiền, mà hiệu quả vô song!

Khác với cá lóc, cá trê chỉ thích mồi chết – thường là trùn đất- và cần phải cắm cho lưỡi câu đụng đáy. Trước khi cắm phải quậy nước chỗ đó cho đục thì cá mới dễ mắc câu hơn - có lẽ nhờ lưỡi câu được ngụy trang trong lớp bùn. Độc chiêu để dụ cá trê lại là đốt một cục gạch cho nóng rồi thả vào một chảo mỡ chó đã được thắng sẵn:  Khi mỡ chó đã bị gạch hút no, người ta tìm chỗ nào có nhiều cá trê thì thả xuống; Thế là bao nhiêu họ hàng chúng đều tụ tập lại để câu hay bị quăng chài! Thế mới hay loài cá còn " ghiền" thịt cầy thay!

Với lươn, lươn hiếm khi ăn câu nên phải đặt trúm: Đó là hai ống tre mà mắt giữa được chọt cho thông để có độ dài. Một đầu kín là đáy có gắn mồi - thường là cua đồng đập giập hay cá thòi lòi chặt khúc; một đầu trống là miệng trúm được tra chặt bởi một cái hom. Lươn chui qua hom tìm mồi, lọt vào trúm và nằm đó chờ bị trút vào đụt! Với mồi nầy, một trăm trúm lươn thông thường chỉ “vô” được chừng vài chục trúm là cùng, mà mỗi trúm cũng chỉ được một con, hiếm khi hai con. Thế nhưng nếu có tuyệt chiêu lại là chuyện “trên cả bất ngờ”: Cơm nguội quết với cá mòi Sumaco chánh hiệu Maroc (loại cá mòi khác chưa thử lần nào nên không dám nói). Quết xong thì vò viên bằng trái chanh, bỏ vào mỗi trúm hai viên; không cần nhiều cho hao, vì chỉ dùng được một lần. Khi trúm được đặt xuống, dầu từ viên mồi nổi lên, theo dòng nước chảy lừ đừ, dẫn đường cho cha con nhà lươn tìm đến, rồi tranh nhau chui vào hom. Khi “ra” tuyệt chiêu nầy, lần đầu tiên thăm trúm ai cũng phải kinh ngạc vì ba bốn anh chị lươn nằm chật trong đó! Hiếm khi trúm chỉ có một con; trúm không có con nào chỉ vì nơi đó không còn lươn nữa!

📷

Ếch sinh sống ở hồ ao, bàu đầm . Bởi là loài lưỡng thê nên đôi khi chúng phải lên bờ để nghỉ ngơi hoặc kiếm ăn. Cho nên, nếu hồ ao, bờ đầm nào có cái “cù lao”, là nơi lý tưởng cho chúng ở, và cũng lý tưởng cho… người câu chúng! Ếch dễ câu mà cũng khó: Dễ là với bất cứ mồi gì, như chỉ cần một cái hoa nhỏ trắng trắng,  một chút “tim” của cây mì, … móc khéo vào lưỡi câu rồi nhử nhử trước mặt, là nó đớp liền! Khó là khi động, nó nhảy “chủm” xuống nước!

📷

Sau nầy có người phát hiện móc mồi bằng bông dâm bụt thì ếch khoái đớp hơn. Nhưng tất cả những loại mồi kể trên chỉ thuộc vào hàng “nhập môn”,  chỉ để cải thiện bữa ăn chứ không có giá trị kinh tế. Muốn bắt “không sót một con” thì trong…. cửu âm chân kinh (!) dạy như vầy: Đầu cá biển, mắm nêm, hai thứ quết chung cho nhuyễn, gia thêm một ít dầu chuối (loại xịt vô sương sa hột lựu). Đến “cù lao” mà ếch thường nghỉ như đã nói trên; lấy một mớ “mồi” trét ven bờ, mục đích việc làm nầy là cho mồi tỏa mùi cho ếch tìm đến. Một mớ vò viên nhỏ nắn vào lưỡi câu, rồi cắm chỗ nào thấy thuận tiện. Xong lên bờ… ngồi chờ! Thời gian sau, mỗi lưỡi câu đều có môt con ếch tòn teng! “Sát thủ” chỉ việc lội xuống gỡ ếch bỏ vào giỏ rồi móc mồi khác, đến khi nào khu vực đó… không còn con ếch nào nữa thì thôi!

Như võ công, mồi câu cũng có thế phản đòn, nên phải cẩn thận đề phòng: Chỉ cần ai đó lén nhỏ vào  ổ mồi vài giọt dầu lửa thì kể như công toi, bởi không có “con ma” nào tìm tới!

Người viết bài nầy có tuổi thơ cực kì nghèo khổ, hàng ngày sau buổi học, có khi thức suốt nhiều đêm, hoặc phải ngủ bờ ngủ bụi để cắm câu bắt cá đổi gạo; mà cũng bữa đực bữa cái, bữa giáng bữa thăng! May nhờ có “ân sư” thương tình truyền … khẩu quyết, mà đời sống lúc đó có khắm khá hơn! Nay người viết không làm nghề đó nữa, nên viết bài nầy để tặng kẻ có “duyên”. Chớ như xưa kia hả, dễ gì!

📷

Kha Tiệm Ly

* “Thịt cọp”: (tiếng lóng) muối ớt! Ớt đâm với muối kêu “cộp, cộp”


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Xứ người: SÁNG KIẾN GIÚP ĐỘNG VẬT... - Lương Thái Sỹ.

 




SÁNG KIẾN GIÚP ĐỘNG VẬT QUA ĐƯỜNG AN TOÀN

(​​​​​LƯƠNG THÁI SỸ-26.4)

*

   California bắt đầu xây dựng cây cầu vượt trên cao dành cho các động vật hoang dã để chúng có thể vượt qua 10 làn đường của đường cao tốc Quốc lộ 101 ở phía tây bắc Los Angeles một cách an toàn. Đây cũng là công trình loại này lớn nhất thế giới.

​​​           O O O O O O

     Các loài động vật hoang dã ở Nam California sẽ sớm có thêm bãi cỏ để dạo chơi ngay phía trên dòng xe cộ qua lại với tốc độ cao nhờ “đường giao thông động vật hoang dã lớn nhất thế giới” giúp liên kết môi trường sống bị chia cắt và cung cấp lối đi an toàn từ rặng núi Santa Monica, băng qua xa lộ vào Đồi Simi thuộc rặng núi Santa Susana. Sư tử núi (mountain lion), thường kiếm ăn và giao phối trên vùng lãnh thổ dài 150-200 dặm, sẽ thuộc số các động vật được hưởng lợi chính từ cây cầu vượt mới. “Tuần này, một con sư tử núi 18 tháng tuổi vừa sống tự lập khỏi mẹ khi một mình qua đường đã bị xe tông chết trên xa lộ 405” - Ana Cholo, phát ngôn viên của Dịch vụ Công viên Quốc gia (NPS) nói với truyền thông. Cầu vượt Wallis Annenberg Wildlife Crossing kinh phí $87 triệu được đặt tên theo chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hội Annenberg Foundation, một quỹ gia đình hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận. Ông Tony Tavares, quyền giám đốc của CalTrans thuộc Bộ Giao thông Vận tải California nhận định: “Hơn 5,000 cá nhân đã đóng góp xây dựng cầu vượt. Công trình dành cho thú này cũng sẽ bảo vệ những người lái xe khỏi tai nạn không mời mà đến!”. Thượng nghị sĩ Mỹ Alex Padilla phát biểu tại lễ khởi công dự án: “Cầu vượt là minh chứng chúng ta có thể bảo vệ các hệ sinh thái của California mà không gây nguy hiểm cho giao thông vận tải và việc phát triển cơ sở hạ tầng rất cần cho dân số ngày càng tăng”. Thống đốc California Gavin Newsom, cùng dự lễ khởi công, hứa sẽ chi $50 triệu cho các dự án tương tự trên toàn tiểu bang với quy mô nhỏ hơn.

     Cầu vượt Annenberg Wildlife Crossing là “điểm sáng” sự hợp tác giữa Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (National Wildlife Federation) và Tổ chức Bảo tồn Núi Santa Monica (Santa Monica Mountains Conservancy). CalTrans chịu trách nhiệm xây dựng cây cầu. Wade Crowfoot, thư ký tài nguyên thiên nhiên của California nhận định: “Dự án thực sự đáng kinh ngạc. Nhiều thập niên sau, khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy cầu vượt cho thú đã mở ra một kỷ nguyên mới về bảo tồn và kết nối lại thiên nhiên bị chia cắt”. Tổ chức nghiên cứu báo sư tử NPS, có kinh nghiệm nghiên cứu về báo sư tử ở khu vực Los Angeles trong hai thập niên, cho biết: “Sư tử đòi hỏi một lãnh thổ rộng lớn nên việc chia nhỏ thành những ‘hòn đảo đô thị’ khiến chúng khó hẹn hò do đường cao tốc ngăm cách. Sư tử núi sẽ phát triển mạnh khi có một lãnh thổ rộng lớn gơn để săn bắt và giao phối. Chúng ta đang đưa những con sư tử núi trở lại lãnh thổ mênh mông củ chúng”. Dân biểu Adam Schiff, chủ tịch Uỷ ban Tình báo Ha viện châm biếm nói: “Tôi bị sốc khi nghe nói về tình trạng thiếu thức ăn hoặc tình dục ở…Hollywood! Nhưng đối với sư tử núi, đó là sự thật”.

     P-22, một trong những con sư tử núi đang được NPS theo dõi rất nổi tiếng vì hay vì đi lang thang qua Hollywood Hills. Nó từng bị bệnh vì ăn phải thuốc diệt chuột và giết chết một con gấu túi tại Vườn thú Los Angeles ở Công viên Griffith. Có tài khoản mạng xã hội riêng mình, có “Ngày P-22” hàng năm và có thương hiệu sản phầm, con sư tử này đã thu hút được một lượng lớn người theo dõi. Theo NPS, những con báo cougar của California đang nhận được sự chú ý của sư tử, đe dọa sự tồn vong của chúng trong không gian hẹp; nay lãnh thổ được mở rông, nguy hiểm sẽ ít hơn. Cầu vượt cũng cung cấp môi trường sống rộng hơn cho sói đồng cỏ, linh miêu, hươu, nai, rắn, thằn lằn, cóc và thậm chí cả…kiến! Nhà từ thiện Wallis Annenberg bộc bạch tại lễ khởi công: “Chúng ta có thể cùng tồn tại song song với tất cả các loài hoang dã thay vì chia cách với chúng. Một giải pháp khéo léo cho động vật hoang dã và hệ sinh thái đô thị như cầu vượt không chỉ giúp chúng tồn tại mà còn phát triển. Sự kết nối sẽ hòa quyện các lãnh thổ lân cận với nhau, có lợi cho cả đất đai và các loài thực vật bản địa. Quỹ Santa Monica Mountains Foundation đã tạo ra một vườn ươm đặc biệt để tất cả các loài động vật sử dụng khi cây cầu hoàn thành vào năm 2025”.

Thư giãn: CHUYỆN VUI TỪ DẤU PHẨY - Sưu tầm.




 CHUYỆN VUI TỪ DẤU PHẨY

            Đã có nhiều câu chuyện trái ngược hẳn đi khi đặt sai dấu phẩy .Sau đây là một số chuyện vui ở Việt Nam  về dấu phẩy bị đặt sai hoặc thiếu :

1/ Trong số Bảo hiểm đúng là phải ghi : 

   _ Về hưu , không được làm việc.

Nhưng không biết sao lại ghi là :

  _Về hưu không được, làm việc. 

Thế là hằng ngày vẫn phải vất vả nữa ! 

2)Trong phiên tòa xử vụ ly dị, tòa phán với ông chồng:

– Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ.

Ông chồng về nhà đưa bản án cho bà vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:

– Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ.

3) Khẩu hiệu : Gia đình nên có 2 con , vợ chồng hạnh phúc .

Lại là : Gia đình nên có 2 con vợ , chồng hạnh phúc .

 Thế là các ông chồng rất thích câu này !

4) Trong lời thương tiếc cho người cha bị tai nạn chết  khi đi thăm con gái sinh đẻ , có người đã viết lai :

   - Con sinh ba ra làm chi , để  ba phải  chết !

 Đọc xong mọi người phê phán cô con gái có lời lẽ không đúng .Nhưng viết đúng phải là :

   - Con sinh , ba ra làm chi để ba phải chết !

 5) Trên một đơn phê duyệt ở một xã nọ ghi :

  -Trâu cày không được , giết bán thịt !

Sau đó thấy người dân giết trâu , biết đã viết sai nên sửa lại :

   - Trâu cày, không được giết bán thịt

 6) Trên thông báo ghi :

 - Nam sinh bỏ áo vào quần nữ sinh mặc áo dài .

 Đọc xong ,  ai cũng ngơ ngác không hiểu gì hết . Sau đó có người sửa lại là :

   - Nam sinh  bỏ áo vào quần , nữ sinh mặc áo dài .

      

 Tuy chỉ bé xíu thôi nhưng phẩy rất là quan trọng !


  . Sưu tầm

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Thư giãn: BIẾT ƠN VẠN BỘI - Lê Xuân Sang st>.

 



BIẾT ƠN VẠN BỘI


( trích từ quyển NHỮNG NGƯỜI THÍCH ĐÙA của Azit )


-Bạn thân mến. Tôi mới quen một thiếu phụ. Duyên may thật sự !


-Nàng đẹp lắm hả?!


-Còn phải hỏi. Anh xem ảnh của nàng đây.


-Đẹp thật đấy ! .... Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy. 

-Hẳn đi chứ .... Anh có biết tôi say đắm    đến thế nào không.?


– Nhưng nàng có chú ý đến anh không?


- Hẳn   là có.


-Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng.


                            o O o


-Tình hình thế nào, có gì hay không đấy ? 

-Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể    anh nghe rằng tôi có một nàng...


- A, thế nào rồi ?


- Tôi yêu, yêu đến mất trí.


 -Nhưng nàng có yêu anh không?


-Chưa biết


- Phải làm sao cho nàng  yêu anh!


- Làm thế nào ?

- Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể là hoa, đặc biệt là tử đinh hương... Sau đó đến một thứ gi hơn... Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất   thông minh.


-Hay đấy, tôi sẽ cố theo lời anh nói.


                                                     o O o

                                                     


– Trời ơi, tôi không biết nói sao để cám ơn anh cho hết !

 - Mọi việc tốt đẩy chứ? 

 - Bạn thân mến, anh thật hiểu    lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi làm gì bây giờ ?


-Anh phải mời nàng xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể    là một chuyện gì bi thảm, một hài kịch nhẹ nhàng, hoặc một màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết là phải va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô cô la và phải mời nàng ăn luôn,


- Thế nào tôi cũng làm đúng lời anh dặn. Tôi yêu đến hóa điên rồ.


                                                  o O o


-Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô   cô la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem vani. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thầm mỹ tinh tế. Tuần này tôi  định đi chơi xa. Nhân danh Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ?


-Theo tôi, các bạn nên ra đảo Hoa cương. Nên thuê hai con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy Valse thôi đấy

— Lạy Chúa !... Làm sao tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ!


-Anh cứ theo đúng lời tôi, mọi việc đâu   sẽ vào đấy ! 

-Tôi thật không biết cám ơn anh thế nào cho hết. 

-Không cần... Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi.


                                           o O o


- Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy ?


-Đi chứ !... Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may...


-Sao vậy ?


-Hóa ra nàng có chồng rồi. Chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa. 

-Thế nàng có yêu chồng không?


-Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa,chẳng hiểu gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là một buồng tối .


-Một thiếu phụ đáng thương! Vì   sao nàng không ly dị đi ?


– Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngay hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì.. 

- Chớ để  mất nàng!


                                           o O o

                                           


-Công việc của anh thế nào?


- Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa một lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi. 

- Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa *Xan đan ấy. Sau đó tôi cũng không biết...

-mua một loại vải đẹp đi.. Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lơ hoặc là xanh nhạt.


– Ngộ chồng nàng biết thì sao?


-Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hớ ra rằng      hắn ta là một gã khờ kia mà. Nếu anh muốn tôi sẽ đi chọn vải giúp anh.


– Hay quá.. Ta đi luôn nhé


                                                          o O o


- Tình hình thế nào rồi?


- Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên . Bạn  ơi, tôi đang hớn hở như một cậu học trò. Anh bảo tôi phải làm gì để       có nàng trọn vẹn ?


– Anh hãy đọc cho nàng nghe những vần thơ của I-khi Kêman. Phải thề    thốt sẽ lấy nàng.   làm vợ. Phải hối thúc nàng mau mau ly dị gã khờ kia....


                                                                 o O o


– Lâu nay anh trốn biệt đi đâu thế?


- Bận quá, không cặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy !

- Thế   anh vẫn quyết lấy nàng đấy   chứ ?

- Tất nhiên.


-Vậy thì phải nhanh nhanh lên, kẻo.....


                                                               o O o


– Tôi không biết lấy gì đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có được gia đình, có vợ, có người yêu thương. 

– Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cám ơn anh mới đúng chính anh đã cho tôi      hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con vợ yêu quái của tôi đấy!

LÊ XUÂN SANG (St và gt trên FB) 

Quê nhà: QUÁN PHỞ 49 BÁT ĐÀN - Dương Quốc Chính.

 

QUÁN PHỞ 49 BÁT ĐÀN.


Mình ở HN cũng gần 30 năm rồi, vợ mình thì sinh ở HN, nhưng đều chưa từng ăn phở ở đây. Chủ yếu là vì ngại xếp hàng. Hôm giỗ tổ được nghỉ mình mới nổi hứng dụ vợ đi trải nghiệm. Thế là giai nhà quê dắt gái Hà lội gốc đi thưởng thức đặc sản phở phố cổ.

Khoảng 9h sáng bọn mình tới quán, đã thấy 2 hàng người đứng xếp hàng, mỗi bên cỡ 10 người rồi, kéo dài tới hết vỉa hè trước quán. Gửi xe ở vỉa hè bên cạnh xong mình phi vào xếp hàng còn vợ thì đi xí chỗ ngồi.


Xếp hàng mất đúng 15 phút nên mình có thời gian chụp ảnh quanh quán. Quán rộng khoảng gần 5x5m và thêm cái ngõ bên cạnh diện tích cỡ 2,5x10m nữa. Vì thế việc phải xếp hàng là khó tránh khỏi do diện tích quán thuộc loại hẹp cho 1 “thương hiệu quốc gia”.


Phần trong nhà thì tiện nghi có vẻ sang trọng hơn ngoài ngõ, có bàn ghế gỗ. Còn ngoài ngõ thì bàn ghế nhựa y chang quán trà đá vỉa hè. Phở thì đồng hạng cả trong lẫn ngoài, chỉ khác mỗi bàn ghế. Độ bẩn và các thứ bày trên bàn thì như nhau. Vì không có người phục vụ.

Quán chỉ có phở bo`, gồm phở tái, nạm và chín, giá từ 50-60ng/bát. Bảng giá đóng lên tường. Quán không có trang trí gì, đại khái như các quán từ thời bao cấp. Vào đây để ăn phở chứ ngắm nghía thì đi chỗ khác.

2 hàng người châu đầu vào 1 cái tủ kính che cái bàn chế biến thức ăn, như bất kỳ quán cơm, phở bình dân nào ở khắp các miền quê. Đứng sau tủ kính là 4 người, cậu đứng giữa dự là người của chủ nhà, chắc là CEO. Anh này đứng giữa 3 người khác để nhận tiền và chỉ đạo 3 người 2 bên.

Chị bên phải làm nhiệm vụ thái thịt từ mấy cục thịt bo`, dùng đến đâu thái đến đó. 2 Anh bên trái thì làm nhiệm vụ bốc phở, hành chẻ và đổ nước dùng. Chị thái thịt thì có găng tay, còn anh bốc hành thì không cần. Tất nhiên tay đó dùng cả để ngoáy mũi, gãi và bốc luôn, không ai thắc mắc. Thắc mắc lên phường. Rộng chỗ cho thằng đứng sau.

Mất 15 phút thì đến lượt mình order 2 bát chín (50ng/bát), tiền tươi đưa luôn, nhưng không có biên lai và máy rung như cafe Highlands đâu. Anh chủ hất hàm hỏi mình xem có bàn chưa, rồi chỉ mình chỗ đứng chờ hàng về chứ không phải về bàn ngồi đâu. Về bàn thì anh chủ sẽ không thể nhớ được là đã cầm tiền của ai và đã order cái gì. Thế nên cứ phải đứng lảng vảng ở chỗ mà anh nhìn thấy. Đừng dại mà phi về bàn ngồi nhé. Hàng về nhanh hay chậm là do trí nhớ của anh CEO.

Mình ở HN gần 30 năm nên đã nhận thức sâu sắc được việc đó. Chứ mấy chú khách du lịch Nam Kỳ ra du lịch trải nghiệm cứ tưởng trả tiền rồi mà ghế trên ngồi tót sỗ sàng thì chắc chờ dài cổ.

Trong lúc đứng chờ hàng về thì mình quan sát tiếp bên ngõ. Ngõ kiêm hàng phở nên cũng được ốp lát gạch, với bộ bàn ghế nhựa xanh thần thánh thường thấy ở các quán nước vỉa hè. Dọc hè này được bày 5 nồi nước dùng, loại dùng điện, không rõ mỗi nồi có những gì bên trong. Thỉnh thoảng thấy cậu nhân viên ra vặn vòi nước lấy từ nồi ra cái xô để đổ thêm vào cái nồi cuối mà người ta lấy nuôi múc ra các bát phở. Mình nghĩ bí kíp gia truyền của quán là ở mấy cái nồi đóng vung kín này. Đại khái nó cũng như bí kíp pha chế Coca Cola vậy.



Chờ cỡ 5-10 phút trong tầm mắt anh chủ quán thì cũng đến lượt mình lấy hàng, cũng y như Highlands Coffee thôi, anh em NK đừng có chửi BK phải tự phục vụ nha.

Đem được 2 bát phở về đến bàn mà vợ đang canh mình thấy nể mình về độ kiên nhẫn quá. Có lẽ tại hôm đó trời mát lại vào ngày nghỉ nên rảnh háng.

Phở làm đúng kiểu truyền thống miền Bắc, tức là chỉ có hành chẻ (rất nhiều) và hành lá, không có giá sống hay rau thơm loại khác. Quẩy và trứng thích ăn thì gọi riêng. Trên bàn chỉ có ống đũa và khăn giấy, lọ dấm và tương ớt, không thấy đĩa chanh. Mình không dám gọi, chả biết gọi ai, vì không muốn làm phiền nhân viên cửa hàng! Được ăn là tốt lắm rồi.


Đặc điểm nổi bật nhất của bát phở là nước dùng trong và rất ngọt, có khi còn ngọt hơn cả mì chính, nghe đồn là phở nhà này không dùng mì chính (bột ngọt). Hi vọng là đúng, nhưng người ta bỏ vào nồi từ trước thì thua. Bánh phở mềm, thái nhỏ gần như bún, thịt bo` mềm, không bị khô. Nói chung về bánh phở, thịt bo` và hành thì không có gì ghê gớm vì nhiều quán cũng làm được. Chỉ riêng nước dùng ở đây là 1 đặc trưng riêng.

Vợ chồng mình ăn xong thì biết điều cắp đít đứng dậy ngay, vì thấy bao cặp mắt đang tìm chỗ ngồi hau háu, chỉ chờ mình đứng dậy. Quán không có trà đá hay gì tráng miệng như các quán bình dân khác nên đứng dậy phải tìm quán khác mà uống nước, tốt nhất là nên đem chai nước lọc theo.

Mình đã ăn phở Lý Quốc Sư, phở Thìn Lò Đúc, phiên bản nhượng quyền thương hiệu (hay fake?), thì thấy cũng bình thường vì độ ngon. Nhưng đổi lại thì quán sạch sẽ, lịch sự, không phải xếp hàng và có nhân viên bê phở, trà đá. Chắc vẫn phải tới trải nghiệm bản xịn ở gốc xem sao. Đi qua Lý Quốc Sư thì thấy vẫn phải xếp hàng, hi vọng là ngon hơn bản nhượng quyền.

Còn quán này thì đi ăn thử cho biết thôi chứ mình không định quay lại, vì chờ lâu và không có dịch vụ gì, thấy không đáng.

Mình không hiểu sao chủ quán không thuê 1 vị trí rộng hơn và nâng cấp dịch vụ, không bắt khách phải đứng chờ nữa? Mình nghĩ với thương hiệu này thì chỉ cần gọi vốn cái là có trăm người xin được đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân rộng thương hiệu. Trước đây mình đã đặt câu hỏi với kem Tràng Tiền và cuối cùng thì họ cũng đã nâng cấp dịch vụ thêm rất nhiều, dù khách vẫn phải ăn kem đứng.

Trước đây thì kem Tràng Tiền chính là di sản của mậu dịch quốc doanh. Bây giờ có lẽ phở Bát Đàn cũng là hình ảnh của phở mậu dịch. Anh em Việt kiều hay Nam Kỳ muốn trải nghiệm ăn uống kiểu HTX thì đây là 1 trải nghiệm tốt, đỡ sốc hơn bún chửi Ngô Sĩ Liên.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH. 


    Quê nhà: BƯỞI BIÊN HÒA.

     




    BƯỞI BIÊN HÒA.

     Hồi đó, trái cây chín theo mùa chứ không  phải  lúc nào cũng có như  bây giờ. Muốn ăn đủ loại trái cây thì rán đợi đến tết mùng năm tháng năm. Bưởi thì nhiều nhất là tết trung thu và tết nguyên đán.

    Quê ngoại của ốc ở Bình ý. Nhà dì tám ở Tân Triều. 

    Thích nhất là đi theo má về thăm quê  ngoại. Ông cậu, bà dì, bà mợ, các cậu, các dì...ai cũng yêu thương con bé Hạnh đen thui, nhỏ xíu, ốm nhom, ốm nhách như con cò ma.

    Có hai bà mợ, bà mợ nhà giàu thì khi  đến  nhà ,bao giờ ốc cũng được ăn một  ly trái vãi đóng hộp. Chỉ có 2 trái vãi thôi nhưng quý lắm vì bà mợ nói " cái này của cậu sáu đi cảnh sát ở Sài gòn  mua về  ,chỉ để dành cho ông cậu, chỉ có mình con được  ăn ké thôi."

    Bà mợ nhà nghèo già hơn, ở trong ngôi nhà tranh lụp xụp. Lần nào về, bà cũng lụm cụm mở cái tủ nhỏ củ kỷ đóng bằng cây tạp đưa cho ốc gói bột bình tinh và 2, 3 trái bưởi ổi bằng trái cam khô queo, khô quắt. Mấy dì nói "má bả lui cui đào bình tinh giã ra làm bột ,cất kỷ trong tủ để dành cho con bé Hạnh..." khi đó ốc chỉ sung sướng  vì mình được cưng, sau này  mỗi lúc nhớ lại, cảm động vô cùng.

     Bây giờ mỗi lần khuấy bột săn dây lại nhớ bột bình tinh của bà mợ. Riêng món bưởi ổi khô quắt, ngâm nước  cho mềm vỏ ,lột ra ,ngọt lịm,thơm lừng thì không làm sao tìm lại được 

    Xuống nhà bà ngoại thì được ăn bưởi đường dì tám đem từ Tân Triều về, ngọt ơi ngọt. Nhà ngoại còn có một cây bưởi ruột đỏ nhưng chua ơi chua chỉ để trộn gỏi chung với đu đủ , cám mít và tép mòng ( cậu xúc ở rạch sau nhà )

    Tết má với mấy dì chơi đánh bài tới, bộ bài bây giờ không  còn thấy nữa, ốc chỉ nhớ có : ông ầm, mỏ đỏ, tám tiêu, củ cải....

    Bây giờ bưởi chỉ còn thấy hai loại là da xanh  và đường  lá cam. Trái nào cũng ngọt, cũng ngon, nhưng hương  vị ngày xưa hình như chỉ còn trong hồi ức  ...

    NGOC HANH NGUYEN.

    Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

    Thơ : KHẮC KHOẢI CHIẾN TRANH - Thuy Hà.




    KHẮC KHOẢI CHIẾN TRANH. 

     Lạc An mùa Thương Khó

    Năm một chín bảy ba

    Bên dòng sông nước đổ

    Nhấp nhô cụm đá hàn

    Xóm Đạo nhỏ hiền hòa

    Chuông nhà thờ thư thả

    Bài Thánh Ca miên man

    Mùa Phục Sinh nhớ mãi

    Trong khắc khoải chiến tranh

    Bom đạn không từ ai

    Bạn đớn đau nằm xuống 

    Mãi mãi tuổi hăm hai

    Ánh mắt hiền Thánh Nữ 

     Chúa đón bạn về trời

    Bỏ bạn bè ở lại

    Năm mươi mùa Thương Khó

    Tôi vẫn mềm môi gọi

    Mai Hiên ơi! Bạn ơi!


    .

    Thư giãn : CÂU CHUYỆN CÓ NHIỀU... - Quan Võ st và gt

     




    CÂU CHUYỆN CÓ NHIỀU THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ NHẤT. 

    Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đứng núi này trông núi nọ, già kén kẹn hom, ghét của nào trời trao của ấy. Chị nọ phận hẩm duyên ôi, kết tóc xe tơ với một anh chàng mặt nạc đóm dày, xấu ma chê quỷ hờn lại đần độn, ngốc nghếch, vô tâm vô tính, ruột để ngoài da, thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, mười tám cũng ừ mười tư cũng gật, học chẳng hay, cày chẳng biết, lúng túng như thợ vụng mất kim, chỉ được cái sáng tai họ điếc tay cày là giỏi!


    Trăm dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm, hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu. Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hàng xóm láng giềng kháo nhau: ”chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù vớ được cá rán”.


    Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?


    Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia không trót, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong họ ngoài làng.


    Một hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.


    Được lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy, vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò. 


    Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.


    Giữa đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa kêu làng kêu nước mà than thân trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn thiu như đưa đám.


    Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao:

    - Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…

    Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẽ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa:

    - Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?

    Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần:

    - Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.


    Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng:

    - Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!


    (Sưu tầm trên mạng, không rõ tên tác giả)

    Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

    Thơ : ĐAU ĐÁU VỀ MỘT PHƯƠNG- Trần Kiêu Bạc.

     ĐAU ĐÁU VỀ MỘT PHƯƠNG.

    Cau_Mat-content (Công viên Biên Hòa xưa với Cầu Mát bên bờ sông Đồng Nai)


    Đêm dài thao thức nhớ quê hương

    Giờ đã quan san vạn dặm trường

    Có phải xa xôi lòng vẫn nhớ

    Hay là chia biệt dạ còn vương

    Bao lần mong dứt dù thương ghét

    Lắm bận muốn về mặc ghét thương

    Đau đáu một phương hồn viễn xứ

    Quê nhà vẫn nhớ dẫu hai phương!

     

    TRẦN KIÊU BẠC
    (Tặng  người em Nguyễn Hữu Hạnh)