Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Truyện phương xa BÀI HỌC CỦA BIỂN CẢ - Arthur Gordon ( Phong Luu giới thiệu )

Thơ tranh LÁ NGHIÊNG MÌNH QUA CỬA... Hà Thu Thủy.


Em gái viết cho anh ANH TÔI... - Ngọc Sương.


(MCHX blog xin được giới thiệu bài viết vô cùng cảm động của một người em gái viết về người anh vừa quá vãng... )



ANH TÔI, NGUYỄN NGỌC XUÂN.
Mùa xuân là mùa đầu tiên của 4 mùa xuân hạ thu đông trong thiên nhiên, là mùa tuơi trẻ nhứt của một đời người. Mùa xuân tượng trưng cho sự bắt đầu phấn khởi, hy vọng tràn trề, sung mãn mọi điều. Anh tôi mang tên Xuân mà Ba tôi đặt trong ý hướng đó. Anh tôi có dáng người cao thanh lịch như những tài tử nổi tiếng Pháp thời Alain Delon, Jean Paul Belmondo... Tính tình anh nghệ sĩ phóng khoáng, chơi đàn guitar rất hay nhứt là loại nhạc classic.
Khuôn mặt anh hình chữ điền nên anh thông minh vả học giỏi. Suốt quãng đời học sinh, từ lúc anh học trường tiểu học Nguyễn Du, trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa rồi cho đến khi anh tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Saigon, anh hoạt động, học hỏi, tìm tòi, trao dồi kiến thức nên hầu hết thầy cô bạn hữu đều quí mến anh. Anh tôi ít nói, tánh hiền hậu, cho nên dù học giỏi biết nhiều mà không khi nào "gáy" hay "nổ" như những người thường tình khác. Chính vì vậy mà thời trai trẻ, " học giỏi đẹp trai con nhà ... không giàu", anh có nhiều bạn gái cảm tình đặc biệt với anh. Ngày anh tốt nghiệp QGHC giữa năm 1973, các bạn học của anh có người về làm phó quận hay phó tỉnh nội an ở địa phương, anh được ở lại Saigon và được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Quỹ Ứng Trước thuộc cục thông tin quốc nội, tại Phủ Tổng Uỷ Dân Vận mà Tổng Trưởng là ông Hoàng Đức Nhã, ông muốn trẻ trung hoá bộ máy hành chánh, ông giao các sinh viên trẻ mới ra trường đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong phủ. Lúc đó anh tôi mới 22 tuổi. Phiên họp đầu tiên khi anh nhận nhiệm vụ, các nhân viên của anh đa số là những người đáng tuổi cha chú. Trong bụng anh lo nhưng bề ngoài anh ra vẻ cương nghị lãnh đạo, sau nầy tôi nghe anh tâm sự với Ba tôi như vậy, nhưng anh nói nhờ vậy mà anh trưởng thành ra. Anh có một người bạn gái thân dạo đó là chị Thành, em của chị thư ký của anh. Chị Thành là phó giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, chi nhánh đường Triệu Đà trong Chợ Lớn. Anh và chị Thành thân nhau đến nỗi tính chuyện hôn nhân. Đùng một cái, biến cố lịch sử của đất nước xảy ra, hoàn cảnh người dân cũng thay đổi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Anh tôi và chị Thành mất liên lạc, sau nầy anh tôi mới biết trong lúc hỗn loạn, chị Thành đã vội vã theo gia đình lên tàu ra ngoại quốc.
Quyển vở đã sang trang, anh tôi cố gắng quên hết quá khứ vàng son tuổi thanh niên, thích ứng cuộc sống mới theo bánh xe lịch sử, và anh luôn hy vọng. Trong năm đầu sống trong chế độ mới, vì có khả năng âm nhạc, anh tham dự làm việc cho đoàn văn công thành phố. Và cũng chính cơ duyên nầy anh đã gặp ca sĩ Trang Mỹ Dung. Anh đàn, chị Dung hát, cảnh sinh tình, rồi 2 người quyết định lấy nhau. Đám cưới được tổ chức ở Saigon, không phải đám cưới chạy giặc, dù đơn giản nhưng có nghi thức đàng hoàng giữa sự chứng giám của 2 họ trai và gái. Từ 1975 cho đến khi VN mở cửa năm 1989 bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, giới nghệ sĩ ở miền nam ở lại thường theo các đoàn văn nghệ đi lưu diễn ở miền tây và các tỉnh miền trung. Chị Trang Mỹ Dung cũng là 1 trong những nghệ sĩ đó. Và dĩ nhiên khi chị Dung đi lưu diễn là có anh tôi đi cùng. Vợ đâu chồng đó mà, lại là vợ chồng son nữa. Anh nói từ miền tây sông nước đến miền trung khô cằn sỏi đá, ra Huế cổ kính buồn lặng lẽ, tỉnh thành đến thôn quê nơi nào anh cũng biết. Còn tuổi trẻ còn xông pha nhưng đi mãi cũng chùn chưn, anh quay về Saigon làm kế toán trưởng trường cao đẳng vật tư, mà hiệu trưởng là chị Nguyệt, chị bà con của chị Dung. Trong giai đoạn nầy đời sống dân miền nam rất cơ cực, luật lệ xã hội không rõ ràng, đời sống thụt lùi đến bần cùng, gạo không đủ ăn phải độn thêm khoai, lương của một người đi làm công chức (lúc đó gọi là công nhân viên nhà nước) gói ghém lắm cũng sống chí 1 tuần đến 10 ngày, cho nên ai cũng bương chải tìm đủ cách để tranh đấu cho sự sống. Ai có khả năng bương chải giỏi, biết lợi dụng thời cơ lúc giao thời, có thể được "giải thoát" ra khỏi cảnh bần hàn. Anh tôi, cũng như rất nhiều người khác mang tư tưởng của kẻ sĩ, anh không quen chụp giựt bon chen giữa một xã hội rất khác trước.
Anh và chị Dung từ từ có quan niệm sống không tương đồng để đi đến ly dị sau hơn 12 năm sống chung, mặc dù anh đã chọn chữ tình trên tất cả ngay trong ngày hôn lễ, khi có một người bạn thân học chung ở QGHC, chạy tất tả từ Nha Trang vô Saigon rủ anh đi vượt biên, vì nhà anh bạn đóng tàu, và còn chỗ dành cho anh tôi. Anh tôi đã không đủ bản lĩnh để quyết định tức thời. Một quyết định mà có thể đã thay đổi vận mệnh của anh. Thời kỳ đó trong nước đời sống đói khổ ai ai cũng bôn ba trôi dạt nơi nầy nơi khác để tìm đường sống. Đa số bạn bè anh tôi tìm đường bôn ba xứ người, còn anh thì bôn ba "quốc nội" cũng chì vì chữ tình của anh tôi quá nặng. Anh thương Ba thương Má, thương vợ, thương em. Anh nói: "không đâu bằng quê hương mình cho dẫu nó đang khó thương, người ta sống được thì mình cũng sống được". Anh nói vậy nhưng sau thời gian anh làm việc ở nhiều chỗ như là manager cho Minh Tâm hotel ở quận 5, hay manager cho hãng giày Biti's và nhiều chỗ khác tôi không nhớ rõ, anh tôi than vãn "bây giờ tụi nó làm việc 'ngộ 'quá...!". Anh bỏ chỗ làm nầy rồi làm chỗ khác, rồi anh gặp chị Hạnh, người vợ sau của anh. Chị Hạnh không phải là người của công chúng. Như những người phụ nữ Việt Nam bình thường khác, chị Hạnh biết chịu thương chịu khó, chăm chút cho anh tôi từ bữa ăn giấc ngủ, chu đáo để ý đến sức khỏe và cả tinh thần của anh. Khi anh tôi phán quyết chuyện gì, chị phục tùng tuyệt đối. Cũng vì cảm kích đức tính của chị Hạnh, nên khi chị đề nghi với anh tôi ra Đà Nẵng sống để phụ giúp đứa con gái lớn mở công ty dán giấy tường ngoài đó, anh đã đồng ý. Ra ĐN sống, anh bắt đầu "về hưu non". Ngày ngày, anh lái xe hơi đưa rước cháu ngoại đi học, dạy dỗ tụi nó. Buồn thì anh ra mấy quán cà phê mà anh gọi là "café romantic" đọc sách coi Internet, viết văn làm thơ, viết bài cho site nhà NQ. Nghe anh kể, những lúc thời tiết đẹp, anh hay đi bộ vào sáng sớm hoặc chiều xuống dọc bờ biển ĐN. Biển ĐN rất đẹp. Gió biển rất tốt cho sức khỏe. Anh đã nhìn tận mắt chỗ mà thủy quân luc chiến Mỹ đổ bộ đầu tiên vô VN năm 1965.
Ở ĐN an lành nhưng anh cảm thấy buồn vì không có bạn bè cùng thời, xa quê nhà Tân Ba. Cho nên mỗi năm 2 lần, tết và mùa Vu Lan, anh vô Saigon và về nhà Tân Ba để gặp các em, để đốt nhang Ba Má, và nhứt là anh muốn gặp các bạn học NQ ngày xưa như anh Thu, anh Tùng, anh Dũng và nhiều anh khác nữa. Tội nghiệp anh tôi, 2 năm gần đây nhứt, anh cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe sa sút dần anh muốn về Biên Hòa Tân Ba nhưng không được, cho tới ngày gia đình TB vĩnh biệt anh. 
Làng quê Tân Ba, nơi anh tôi lớn lên cùng gia đình ruột thịt, cũng như những vùng nông thôn khác, đa số dân sống bằng nghề nông gồm trồng lúa và hoa mầu, còn vườn cây ăn trái chỉ là phụ ,chỉ một số tư gia có đất rộng mới có. Tuy vậy, vì Tân Ba gần Biên Hoà, cũng là một xứ thương mại có Chợ, có lò gạch, trại cưa, v. v... Anh tôi cùng nhiều anh bạn học cùng quê về học chung lớp ở trường trung học NQ như anh Thu, anh Châu, anh Danh, anh Phát. Ba tôi và Ba anh Trầm Vĩnh Châu là nhà giáo, Ba anh Diệp Cẩm Thu là nhà mua bán, ba anh Phạm Sơn Danh là nhiếp ảnh gia, chủ tiệm chụp hình Phạm Lung ở Biên Hoà, Ba anh Phát là công chức ở Ty Công Chánh Biên Hòa.
Sống và lớn lên giữa vùng dân quê, nhứt là trong lúc quê hương còn chiến tranh, tôi biết anh tôi có mang hoài bão. Anh muốn mang sở học, sự hiểu biết của mình, làm cái gì đó, không phải chỉ là chuyện vinh thân phì gia, mà có ích nước lợi dân, khai hoá dân trí. Những ngày anh còn làm việc cho chính phủ VNCH, anh nói con đường quan lộ của anh mà thẳng tắp, thì khoảng 30 tuổi anh phải là bộ trưởng, để có cơ hội thực hiện các ước vọng của anh. Nhưng, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", dòng đời đưa đẩy với số phận nghiệt ngã, sự yếu mềm tình cảm của anh đã thắng tài năng của anh.
Cuộc đời anh tôi là những chuỗi ngày đầy hối tiếc. Tết năm 2015, vợ chồng tôi từ xa về thăm quê nhà TB, anh cũng từ ĐN bay về, anh em vui mừng gặp nhau dưới mái nhà Ba Má để lại. Trưa mùng 3 tết, lúc chỉ có tôi và anh tôi, 2 anh em ngồi bên tách trà nhâm nhi miếng mứt, nói chuyện xưa nay, tôi nhớ anh nói : "thời thế bây giờ tạo ra nhiều loại anh hùng lắm, anh 5 (anh tôi thứ 5 trong nhà) thì dở quá, không có chút anh hùng nào hết trong thời thế nầy !...".Tôi nói với anh :"Em suy ngẫm ra 1 điều. Con người không ai hay hơn ai hết, chỉ là may mắn và không may mắn mà thôi. Anh cứ sống vui sống khỏe đi, anh em gặp nhau vầy là vui rồi. Que sera sera!... lâu rồi sao không thấy anh 5 chơi đàn?" . Anh cười nhẹ nói: "cung đàn đã lỡ rồi, chơi gì nữa !...". Tôi không ngờ định mệnh an bày, đó là lần cuối cùng tôi gặp anh tôi. Biết rằng ai cũng một lần chết, nhưng anh tôi ra đi hơi sớm và đột ngột quá. Dù người Mỹ hay nói chết không theo lịch, không theo tuổi tác (dead no calendar), gia đình tôi đau đớn tột cùng khi biết không bao giờ gặp anh tôi nữa trong cõi đời vô thuờng nầy. Nếu, nếu thực sự có kiếp nầy và kiếp sau, tôi cầu nguyện cho anh tôi mãn nguyện tất cả hoài bão anh có từ kiếp anh mới vừa buông tay sang kiếp mới nhẹ nhàng sáng sủa. Trong lúc viết những dòng nầy, tôi nghẹn ngào thương nhớ anh tôi. Mong thời gian là thần dược giúp tôi giảm bớt cơn đau nầy. Tôi xin cúi đầu cảm tạ tất cả quí Thầy Cô và quí thân hữu gần xa đã thương tưởng và cầu nguyện cho anh tôi, Nguyễn Ngọc Xuân.
Nguyễn Thị Ngọc Sương - Rochester, MN
đầu thu 2017.




anhtoi2
Nguyễn Ngọc Xuân, Đệ Nhứt B1, Ngô Quyền



anhtoi
Xuân, Lâm, Châu, Tâm



anhtoi3

Nguyễn Tất Nhiên, Thọ, Tâm,  .., Diệp Xuân, Lâm, Ngọc Xuân

anhtoi1
Lâm, Tâm, Thu, Liễu

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Chuyện phương xa AI LÀ BẬC VĨ NHÂN... - Phong Luu giới thiệu.





Ai Là Bậc Vĩ Nhân Của Em?.

Tôi để cho các học sinh của tôi vô lớp và lặng lẽ ngồi xuống, trước mặt tôi, em nào vào chỗ nấy. Tôi bắt các em ngồi im một lát như vậy, và ngó lén các em, thích thú về cái uy tín của tôi lắm. Còn chúng thì đã bắt đầu ngài ngại rồi. Chúng đã đoán được hôm nay tôi tính "trác" chúng cái gì chăng?
Khi đã áp chế được chúng rồi, tôi mới bảo:
- Lấy một tờ giấy ra!
Chúng nhao nhao lên phản đối:
- Thưa thầy đừng! Để hôm khác, thầy.
Tôi yêu chúng lắm, như bầy con của tôi! Tôi yêu cái tánh hay phản đối, ranh mãnh, dại dột, làm biếng của chúng. Tôi yêu em Kobert mập lù kia, cứ ba ngày thì hai ngày quên không mang sách; tôi yêu em Annette nhỏ xíu không lần nào nộp một bài mà không có vết mực; yêu em Herve nữa không làm sao nhớ được những lỗi chánh tả dễ dàng nhất; và em Philippe nữa mà không có sức mạnh nào trên đời này có thể ngăn em viết leo ra ngoài lề được. Tôi yêu hết thảy các em và các em biết như vậy lắm. Đã nhiều lần tôi suýt mềm lòng, chiều các em năn nỉ, đòi cái này cái nọ!
- Nào mau lên chứ! Chép đầu đề tác văn.
Thấy các em vội vàng lấy giấy, tôi hiểu rằng lúc này, các em ngại tôi ra bài ám tả. Có vài em càu nhàu đấy, nhưng rồi giấy trắng, giấy chặm và viết máy đã hiện đủ trên mặt bàn. Rồi hết thảy đều ngước mắt nhìn tôi, và trong cặp mắt chúng, tôi chỉ thấy vẻ lo ngại, đợi đầu đề.
Tôi sẽ bỏ suốt ngày chủ nhật tới để chấm bài tụi con nít này đây, còn chúng thì chúng sẽ chỉ bỏ ra một phút để phê phán tôi tùy đầu đề tôi sắp ra. Tôi hồi hộp lo ngại cũng gần như chúng:
- Trò phục vĩ nhân nào nhất, bất kỳ vĩ nhân trong lịch sử, trong thời này hoặc trong truyền thuyết. Cho biết tại sao lựa vĩ nhân đó.
Bao nhiêu cái đầu cúi xuống đều ngửng lên cả. Hầu hết đều toét miệng cười, chắc chắn chúng sẽ chăm chú làm bài. Chúng thích đầu đề đó, và tôi khoái lắm. Trong thâm tâm chúng, thế nào chúng chẳng phê cho tôi một điểm tốt.
- Thôi bây giờ làm bài đi... Hễ chuông đổ là thầy thu bài đấy...
Chúng lại cúi đầu xuống. Có em ngậm đầu một cây viết chì, có em vẽ nguệch ngoạc lên giấy để suy nghĩ, rán nhớ lại những danh nhân đã được biết. Rồi bỗng có mấy em đưa ngón tay lên xin hỏi:
- Thưa thầy, con lựa Chúa Kitô được không ạ?
A! Có biết bao ý nghĩ kỳ dị trong đầu óc những em nhỏ đó! Mà chúng làm cho mình nhiều khi lúng túng chứ, chịu chúng thật!
- Ờ… được chứ, dĩ nhiên. Nhưng thầy ngại rằng lựa vĩ nhân đó, con sẽ khó viết đấy...
- Thưa thầy, bà Jeanne D'Arc phải là một vĩ nhân không ạ?
- Thưa thầy, lựa một con vật nổi danh, có được không ạ?…
Tôi đành để cho mỗi em tự lãnh lấy trách nhiệm và bảo chúng thôi đừng hỏi nữa, làm bài đi. Một lát sau, viết chì và viết mực bắt đầu đưa tít trên giấy và trong cảnh im lặng của lớp học, chỉ thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng vò một bản nháp hoặc tiếng một cây thước kẻ rớt xuống sàn.
Nhưng tôi nhận ngay ra rằng trong khi các em khác đã viết hết hàng này tới hàng khác thì em Benoit Trévol vẫn để tờ giấy trắng. Em có vẻ do dự lung. Em rất siêng năng. Không phải là hạng giỏi nhất trong lớp nhưng nhiều lần thấy em chuyên cần mà tôi cảm động. Có ý tứ, và thiện chí thì tôi chắc là không em nào bằng. Đầu đề như vậy mà em có vẻ lúng túng, hoang mang, thì nhất định là có lý do gì quan trọng đây. Thấy em ngơ ngác ngó tôi, tôi ra dấu bảo em lên. Em đứng dậy, rón rén đi qua lớp học rồi bước lên bục, lại sát ghế của tôi. Em đăm đăm ngó tôi, muốn nói mà vẫn còn do dự.
Tôi nói nho nhỏ để em dễ kể nỗi lòng:
- Sao Benoit, tại sao con không làm bài? Có cái gì khó khăn không?
Em thu hết can đảm lại, mặt đỏ bừng, đỏ hơn chiếc áo lạnh em bận nữa, ghé sát tai tôi, hỏi:
- Thưa thầy, con có thể lựa ba con được không?
Nghề giáo viên quèn của chúng tôi chẳng có danh vọng gì mà gần như vô vọng nữa. Nhưng có lúc chúng tôi được hưởng những niềm vui thầm kín, nhờ vậy mà quên được hết thảy mọi nỗi chán nản: một em nhỏ mười tuổi, nhón chân lên, tin cậy mình, thì thầm hỏi mình có quyền được nhắc tới ba của em không, cái đó đủ an ủi mười năm âm thầm tận tụy với nghề rồi! Thử hỏi trên đời này, có ông lớn nào, có bậc thiên tài nào, bậc vua chúa nào được nhận bảo vật đó không: những ánh sáng đầu tiên lóe trong óc một em nhỏ, sự nảy nở của một tình cảm mới mẻ! Tôi cảm động vô cùng, và phải gắng bình tĩnh lắm mới khỏi để lộ cho em thấy:
- Con tin rằng ba con thực là một vĩ nhân sao?
Benoit thốt lên, giọng tràn trề quyết tín:
- Dạ!
- Vậy thì làm bài mau lên và coi chừng chánh tả đấy nhé!
Một lát sau, ngọn bút của Benoit cũng đưa lia lịa trên giấy như chúng bạn. Lưỡi thè ra, em chăm chú làm bài cho tới hết giờ.
Trong thị trấn nhỏ này, ai cũng biết rõ ông Trévol, thân phụ của em, nhưng chắc chắn là danh vọng của ông không bao giờ vượt ra khỏi quận. Vừa xúc động, vừa ngài ngại nữa, tôi thắc mắc tự hỏi không hiểu ông có cái gì mà con trai ông coi ông là bậc vĩ nhân. Ông trạc tứ tuần, chẳng có nét nào giống Tyrone Power hay Frenandel [*].
Từ khi lại ở thị trấn này, ông làm kỹ sư trong một hãng thuộc da nhỏ ở ngoại ô. Theo tôi biết thì chức vụ của ông trong hãng chẳng có gì quan trọng đặc biệt, và ngày nào ông cũng đi xe điện lại hãng như hầu hết các nhân viên khác. Ông ở tầng dưới một biệt thự có đủ tiện nghi, nhưng chẳng có gì sang trọng, cùng với vợ và hai đứa con. Thỉnh thoảng bà Trévol và nhà tôi gặp nhau ở ngoài phố hoặc ở chợ. Cũng như các bà nội trợ khác, họ hỏi nhau ít câu về giá cải hoa hoặc bơ nhập cảng. Chính tôi cũng đôi khi trò chuyện với ông Trévol. Ông hỏi thăm tôi về sự học, khả năng, sự gắng sức của Benoit. Tôi khen em, nên ông và tôi tử tế với nhau, buổi chiều thứ bảy, ở trong rạp chiếu bóng ra, hễ thấy nhau là nhã nhặn chào nhau. Tôi không nghe ai nói rằng ông có làm chính trị, các công tác xã hội, hoặc ở trong một đoàn văn nghệ, thể thao nào cả. Cũng như mọi người, ông bị động viên năm 1939, nhưng được làm ở lại hãng vì hãng ông cung cấp cho quân đội. Hồi bị quân địch chiếm đóng, ông không hợp tác với địch mà cũng không gia nhập kháng chiến. Ông quả là một người lương thiện, dễ thương, nhưng nói cho ngay, tôi chẳng thấy ông có một chút xíu gì là "vĩ nhân", hiểu theo cái nghĩa tầm thường nhất của tiếng này. Tôi mong được con trai ông phát giác cho tôi biết cái phong độ vĩ nhân của ông ra sao.
Vì vậy buổi tối hôm đó về nhà, tôi vội vàng lật xấp bài tác văn để tìm bài của Benoit Trévol. Tôi coi sơ sơ các bài khác để xem học sinh của tôi đã lựa những vĩ nhân nào. Vercingetorix, Mermoz, Robin des Bois, Tarzan, Lyautey, Charlot, De Gaulle được nhiều em lựa hơn cả. Tôi nhận thấy có một bài viết về Staline, một bài viết về Thánh Francois ở Assise. Bài của em Annette lại bị lem một vết mực bự, còn Philippe thì cũng lại viết leo ra ngoài lề nữa. Sau cùng tôi gặp được bài của Benoit, và tôi đọc liền, thích thú lạ lùng. Bài đó như sau:
- Vĩ nhân bậc nhất thế giới mà con được biết, mà con ngưỡng mộ nhất là ba con. Ai cũng biết ba con. Chủ nhật khi gia đình chúng con dạo mát trong công viên, mọi người luôn luôn chào: "Chào ông Trévol". Và con lấy làm hãnh diện. Ba con nắm tay con. Ba can đảm. Buổi tối, tới giờ đi ngủ, ba ra ngoài khép cửa rào lại. Ba không bao giờ biết sợ. Ba cũng rất mạnh nữa: có khi ba bồng má trong tay mà leo cầu thang. Ba cũng rất thông thái. Con thấy cái gì ba cũng biết, biết cả tên các ngôi sao, cũng biết các động cơ chạy ra sao nữa. Hôm nọ máy may gãy, ba đã sửa lại. Ba cũng biết trồng bông trong vườn nữa, và tới mùa xuân, bông nở. Ở hãng, ba chế tạo thứ da tốt nhất thế giới. Vậy mà không bao giờ ba khoe cả, ba không diễn thuyết trong ra-dô, không đăng hình mình lên báo như những người khác. Nhưng chắc chắn là không có bậc vĩ nhân nào hơn ba, cả ở Paris hay ở Mỹ cũng không có.
Có vài ba lỗi chánh tả nhẹ. Nhưng bài đáng được 18 điểm trên 20. Tuần đó, Benoit Trévol đứng đầu sổ. Dĩ nhiên, bài của em, chỉ hai thầy trò chúng tôi biết với nhau thôi.❤️

Maurice Pons
_____

[*] Những nhân vật nổi danh trên màn ảnh.

Thơ TÔI VẪN LUÔN TÌM - Mai Hồng Thu.



TÔI VẪN LUÔN TÌM (*)

Tôi vẫn luôn tìm một màu trời
Của ngày xưa cũ tuổi thơ ơi
Của hồn ngây dại luôn chới với
“Vật đổi sao dời” tim xé đôi
Tôi vẫn nhủ lòng gắng sáng soi
Tin yêu hy vọng bớt đua đòi
Chữ tình chữ nghĩa tâm luôn dõi
Rũ sạch bụi trần chậm bước thôi.
Tìm chi dĩ vãng đã xa xôi
Cảnh xưa người cũ mộng phai rồi
Việt Nam, Tổ Quốc, đành cáo lỗi
Ta cười, nhạt nhẽo rối vành môi.
Sài Gòn xưa cũ đã quên tôi!
Nó của hôm nay tan tác rồi
Không còn thơ mộng vờ nông nổi
Mà dạ bây giờ ngỡ điếm hoang
Nói thế nghe sao quá phũ phàng
Nhưng sự thật đấy chẳng nói oan
Sài Gòn thanh lịch đà mất dạng
Lòe loẹt muôn màu nhái ngoại bang!

MAI HỒNG THU.
(September 10th 2017)

Mến chúc bình an và vui khỏe.
____________
(*) Tựa của MCHX blog. 

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Thơ tranh TÌNH THƠ XỨ BƯỞI - Phạm Tùng.


Viết từ phương xa CÁI SỐ MỆNH PHỤ... (p.cuối) - Jim Dieu







CÁI SỐ MỆNH PHỤ THỜI THƯỢNG. (phần cuối) 

Hơn thế nữa, trước ngày đi sang Mỹ, Nam đã căn dặn Diệu là nên đem theo nhiều quần áo để mặc tạm trước khi mua sắm đồ mới thì nàng gọi Nam là “đồ bần tiện” không muốn bỏ tiền để cho nàng đi đua đòi với thiên hạ, cho nên khi sang tới Mỹ nàng chỉ mang vỏn vẹn có vài ba bộ quần áo mà nàng thích nhất. Ngày hôm sau, Nam phải chở Diệu ra ngoài mall để Diệu đi mua sắm tốn mất cả ngàn đô và mất suốt cả ngày trời làm cho Nam phải méo mặt lên. Theo như Diệu nghĩ, mình là vợ của kỹ sư thì phải ăn mặc bảnh bao hàng hiệu theo kiểu kỹ sư mới đúng mode chứ ai lại đi ăn mặc xoàng xĩnh bao giờ.

Trong sáu tháng đầu, Diệu phải đi học nail và học tiếng Anh chỉ vì Nam nói rằng mọi người ở bên Mỹ này đều phải đi làm cả chứ ở nhà ngồi không thì buồn lắm. Thật ra thì Diệu cũng chỉ muốn ngồi không ở nhà thôi chẳng muốn đi làm gì hết, nhưng vì nhịn chồng bước đầu cho nên Diệu mới làm theo. Ban ngày thì Diệu đi học nghề còn mỗi tối người con gái duy nhất của Nam là Tina lúc đó đang học năm thứ ba đại học đều bỏ vài tiếng đồng hồ để dạy kèm Diệu cách phát âm của ngôn ngữ mới cho nên Diệu học rất lẹ. Vả lại hai người cũng gần bằng tuổi nhau cho nên họ hiểu nhau và thân mật hơn đồng thời công việc học hỏi mọi thứ trên nước Mỹ cũng dễ dàng hơn đối với Diệu. Còn một điểm mà Diệu thích ở Tina nhất là cái giọng nói lơ lớ nửa Việt nửa Mỹ, chỉ vì Tina sinh đẻ và trưởng thành tại nơi đây. Bởi thế trong trời gian này, Diệu đã âm thầm cố gắng tập cái giọng nói lơ lớ này để mai sau chứng tỏ cho người ta biết rằng là mình cũng ở Mỹ lâu năm rồi. 

Khi lấy bằng nail xong, Diệu xin được việc làm trong một tiệm nail cách nhà khoảng hơn hai mươi lăm dặm. Ngày đầu tiên đi làm, Diệu cảm thấy tủi thân vì nàng chưa bao giờ phải phục vụ cho ai cả nhưng giờ đây phải hầu hạ tay chân cho người khác cho nên cái ý tưởng viển vông trở thành mệnh phụ phu nhân của Diệu nay đã tan thành mây khói. Diệu tự hỏi tại sao thằng chồng của nàng lại để nàng đi làm việc tồi tàn như thế? Ít ra nó cũng phải để nàng đi ăn học đàng hoàng tới nơi tới chốn giống như con Thủy bạn của nàng vậy. Nhưng tại sao nó chỉ là một công nhân xoàng của hãng điện thôi mà nó dám mạo nhận nó là kỹ sư điện nữa chứ, đúng là một tên láo khoét gian manh. Khi xưa Nam còn nói là Nam phải ở cảnh “gà trống nuôi con” vì mẹ của Tina bỏ nhà đi theo người yêu, nhưng khi biết ra thì Nam và người vợ trước đã ly dị cũng tại vì vấn đề tiền bạc mà thôi. Giờ đây mọi sự thật đều lộ ra Diệu cảm thấy rất là ấm ức trong lòng, có ngày thì mày cũng biết tay của bà, nàng nghĩ thầm trong bụng. 

Qua đến ngày thứ hai, vì đến trễ cho nên khi Diệu bước vào trong tiệm thì Diệu ngỡ ngàng gặp lại Thủy đang ngồi làm móng chân cho khách. Diệu rất là ngạc nhiên vì cứ tưởng Thủy là một dược sĩ thì phải làm cho một dược phòng lớn lao của Mỹ nào đó mà tại sao giờ đây đi làm nghề nail ở trong tiệm này? Thoạt đầu Diệu thấy Thủy rất là bối rối và thẹn thùng khi gặp lại Diệu tại đây, trong một hoàn cảnh éo le, nhưng sau đó thì Thủy cho biết sự thật là gia đình của Thủy được hưởng tiền trợ cấp của nhà nước vì họ được liệt kê trong hạng gia đình nghèo với đông con cái. Còn chuyện chồng của Thủy làm lớn trong nhà nước của Mỹ đó là chuyện họ nói đùa với nhau cho nghe hách dịch thế thôi, vì ăn được tiền trợ cấp của nhà nước cũng như là đã làm việc cho họ rồi, Thủy cắt nghĩa cho Diệu nghe như thế. Còn về việc trở thành dược sĩ, Thủy cũng biện minh cho rằng người Việt kiều nào về nước cũng phải nói cho thật nổ để thiên hạ nghe mà phục mình chứ ai mà về nước lại nói mình đi làm nail bao giờ. Diệu nghe thấy cũng có lý và tự nhủ chắc có lẽ một ngày nào đó mình sẽ nói như vậy thôi chứ không thì mấy đứa bạn trong xóm cười cho thúi đầu lên. Vả lại Diệu nghĩ nếu nói như thế thì đâu có mất mát gì đâu mà ngược lại người ta còn phục mình ra phết.

Suốt bốn năm chung sống với Nam, Diệu cảm thấy thương nhau thì rất ít mà gây gổ với nhau lại nhiều, nhất là hai năm trước đó khi Tina lấy chồng và đi ra ở riêng. Có nhiều lần Diệu đi làm về thì Nam hỏi: “Hôm nay em về trễ thế?” thì Diệu nghĩ là Nam đã có ý kiểm soát bước đi của nàng từng phút từng giây. Còn sau khi Diệu nói chuyện trên điện thoại với ai đó thì Nam hỏi: “em đang nói chuyện với ai mà vui thế?” thì nàng nghĩ rằng Nam đang kiểm soát cử chỉ của nàng từng ly từng tí. Hoặc là nhiều lúc Diệu đang ngồi thừ suy nghĩ mông lung thì Nam hỏi: “em đang suy nghĩ gì đó?” thì nàng lại nghĩ rằng Nam đang kiểm soát tư tưởng của nàng. Thường xuyên những câu hỏi như thế đưa đến sự cãi vã của hai người và sau đó thì Diệu lại kết án Nam là muốn chiếm đoạt cả tinh thần lẫn thể xác của nàng. Rồi cuối cùng Diệu đe dọa là sẽ ly dị nếu như Nam không từ bỏ những ý định ấy.

Sự bất đồng và gây gổ liên tục đã làm cho Diệu bực mình cho nên mỗi khi rảnh rỗi ngồi không ở trong tiệm nail, Diệu đều kể cho những người thợ làm chung hoặc là khách quen của nàng nghe. Khi kể xong, Diệu còn chê là Nam đã già và nàng cũng nói rằng “lấy phải thằng chồng già như thế thật là xấu hổ”. Trong số những người nghe chuyện này của Diệu có một người Mỹ tên là John, tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng lại là khách quen và rất sộp của Diệu. John có cảm tình với Diệu từ lâu. Nhiều lần khi nghe Diệu kể xong chuyện gia đình nàng thì ông ta mỉm cười rồi nói đùa với Diệu là: 

“Cô ly dị chồng cô đi, tôi sẽ lo cho cô trọn cuộc đời này. Cô không phải đi làm gì cả.” 

Lúc đó Diệu cũng đùa lại và hỏi rằng: “Có thật như thế không?”

“Thật chứ, tại sao ai để một người xinh đẹp như cô làm việc cực nhọc như thế này?” 

Ông ta trả lời và trước khi ra về ông ta có để lại số điện thoại cho Diệu. Rồi sau đó ông thường đem quà đến tặng Diệu trong những dịp lễ.

Cuối cùng sau một trận xào xáo và chửi bới với Nam, Diệu thu xếp tất cả đồ đạc của mình rồi gọi điện thoại cho John tới để đưa nàng về sống chung. Chỉ vài tháng sau đó với sự hướng dẫn tận tình của John và luật sư của ông ta, Diệu đã ly dị Nam. Nàng đã hoàn toàn lấy lại sự tự do để đi theo bước đường mệnh phụ phu nhân của mình và đúng như lời chú Tư Thành nói trước đây Diệu không cần phải làm việc gì hết, chỉ nằm nhà mà hưởng.

--- oOo ---

Sau hơn sáu năm trời sống tại nước ngoài và một ngày vào đầu mùa xuân, Diệu đi cùng với John trở về thăm gia đình ở Việt Nam lần đầu tiên. Diệu rất là hãnh diện vì mình nay đã trở thành một Việt kiều và điều hãnh diện hơn thế nữa là đã trở về cùng với một ông chồng người Mỹ giàu có. Mỗi lúc đi ra hoặc đi vào trong xóm với John, lúc nào Diệu cũng sổ những tràng tiếng Anh líu lo líu lít, rồi một điều cũng “honey”, hai điều cũng “honey” với John. Có nhiều lúc những người quen cùng xóm tới hỏi thăm Diệu thì nàng trả lời bằng cái giọng lơ lớ mà nàng đã học ở Tina trước đó. Thậm chí có nhiều lúc nàng chỉ nhìn họ trân trân như là không hiểu họ nói gì nữa, sau đó Diệu chỉ lắc đầu làm như không còn nhớ tiếng Việt rồi chỉ ra dấu cho Trang thông dịch lại. Trang, lúc đó cũng đang học Anh ngữ để chuẩn bị lấy chồng Việt kiều, đành phải làm một thông dịch viên bất đắc dĩ cho chị của mình. Những câu đối đáp, thông dịch lại giữa Trang và Diệu đã làm cho những người trong xóm nhìn họ một cách khâm phục. Cũng vì thế làm cho Diệu hỉnh mũi lên một cách thích thú. Diệu thầm nghĩ giờ đây ta mới chính hiệu là một mệnh phụ phu nhân rồi.

Trong một ngày đẹp trời, Diệu cùng với John nắm tay nhau thơ thẩn đi trong xóm thì Diệu bất chợt nghe giọng nói của bà Thanh rổn rảng phát ra từ nhà của bà ta:

“Chị Sáu ơi, cái con Diệu vậy mà giỏi quá đi. Mới đi ra nước ngoài có mấy năm mà nó lấy được thằng chồng người Mỹ giàu có là giỏi lắm rồi đó. Đi đâu tụi nó cũng nói tiếng Mỹ như sấm như sét vậy, tôi phục nó quá đi. Tôi còn nghe nói dạo này nó quên hết tiếng Việt nữa đó nghe bà.”

Nghe nói như thế lỗ mũi của Diệu từ từ nở to ra. Trong lòng Diệu đắc ý và đầy sảng khoái. Mấy bà già này cũng biết đều lắm đó, biết trọng nàng như thế là tốt lắm rồi, Diệu nghĩ thầm trong bụng. Nàng làm một cái ghi chú nho nhỏ trong đầu là chiều nay sẽ kêu con Trang đem vài cục kẹo sô cô la qua tặng cho họ. Vừa nghĩ tới đó Diệu lại nghe giọng the thé của bà Sáu vang lên: 

“Trời ơi, con Diệu quỷ này tệ quá xá rồi. Mấy năm trước, thằng chồng Việt kiều trẻ măng về cưới nó. Mà thằng đó coi cũng đẹp trai lắm chứ, nhưng không hiểu tại làm sao nó lại bỏ người ta đi? Tội nghiệp cho thằng đó hết sức vậy đó. Còn bây giờ lại dắt về một ông Mỹ già khằng khú đế, mình mẩy đầy lông lá, vậy mà nó cũng chịu được tui cũng không hiểu được nữa. Đồ con gái gì đâu mà lăng nhăng quá đi.” 

Khi nghe tới đây Diệu cảm thấy đầu óc của mình nóng bừng bừng và tức cành hông lên được. Tại sao bà Sáu này dám cả gan nói xấu nàng như thế? Diệu muốn đi thẳng vào nhà của họ để chửi cho bà Sáu một trận tơi bời cho biết tay và cũng để cho những người trong xóm này đừng có nói xấu nàng nữa. Nhưng lúc đó nàng cũng suy nghĩ kịp thời là mình đang đóng vai chính trong một vở bi hài kịch: “người Việt kiều không còn nhớ tiếng Việt Nam nữa”. Nếu như mình không còn nhớ tiếng Việt thì làm sao mà biết họ nói xấu mình đây? Diệu thầm nghĩ.

Tối hôm đó, Diệu vùi đầu trong giấc ngủ đầy hậm hực và tức tối.

Jimmy V. Jim Dieu
10/26/2010

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

NGƯỜI CAO TUỔI ĐI BỘ... - Bs Huỳnh Bá Lĩnh.





NGƯỜI CAO TUỔI ÐI BỘ:  LỢI VÀ HẠI



  Trong chúng ta, nhiều người thường nhầm lẫn vấn-đề phòng bệnh với chữa-bệnh!!! Phòng bệnh là các phương-pháp được áp-dụng cho những người khỏe-mạnh hoặc có yếu-tố nguy-cơ của một bệnh nào đó. Còn chữa-bệnh là những phương-pháp được áp-dụng để chữa khỏi các căn-bệnh đã thể hiện ra! Ví-dụ, người ta phòng-ngừa loãng xương bằng cách uống sữa từ khi còn trẻ! Chứ không phải đợi đến lúc bị loãng xương rồi mới tìm sữa để uống!!!
   Ði bộ được xem là một phương-pháp phòng-bệnh hơn là chữa-bệnh!!! Nó tiện-lợi vì bất cứ ai cũng có thể luyện-tập được! Không cần trang-bị dung-cụ gì ngoài một đôi giày! Không cần thể-lực cường-tráng cũng như năng-khiếu!!! Vì thế, được những người cao tuổi rất ưa-chuộng!!!

  NGƯỜI CAO TUỔI CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?

   Giống như mọi môn thể-thao khác, đi bộ giúp tăng-cường sức-khỏe cho cơ-thể. Nó thích-hợp cho những bệnh-nhân tim mạch! Vì không cần tốn nhiều sức-lực, động-tác đơn-giản, có thể tự điều-chỉnh cường-độ và thời-gian luyện-tập!!! Tuy nhiên, không phải ai tập đi bộ cũng cho kết- quả tốt! Có nhiều người càng đi lại càng bị đau nhiều hơn, đặc-biệt là những bệnh nhân đau khớp!
   Với những khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng-lượng cơ-thể, tức vào khoảng 25-40kg! Người càng béo thì tải-trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời-gian đi càng dài! Ðiều này giải-thích nguyên-nhân vì sao một số người cảm thấy đau gối sau khi tập đi bộ!!! Cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ-thuận với thời-gian đi bộ, trọng-lượng cơ-thể và mặt dốc, độ gập-ghềnh của đường tập!!!
   Trên thực-tế, nhiều bệnh-nhân đau khớp dù thấy đau cũng cố- gắng tiếp-tục tập đi bộ! Vì vậy, có thể dẫn đến hậu-quả là khớp ngày càng tổn-thương nhiều hơn!!! Mà đau chính là dấu-hiệu báo- động của cơ-thể, khi đó cần phải giúp cơ-quan bị bệnh được nghỉ- ngơi để hồi-phục trở lại!!! Khớp xương cũng vậy, khi đau nhức là do bị viêm khớp, sự nghỉ-ngơi lúc này rất cần-thiết và cũng là phương-pháp giúp giảm đau! Nếu cứ đi bộ trong khi viêm khớp gối, chắc-chắn bệnh- nhân sẽ bị đau hơn!!!
   Ða số người cao tuổi, ai cũng bị thoái-hóa khớp gối (osteoarthritis). Thực-chất của bệnh là tình-trạng lão-hóa của khớp gối qua nhiều năm; Các lớp sụn khớp bị hư-hỏng, trục xương cong vào trong! Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư them!!! Lý-do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái-hóa. Lớp sụn đó có tác-dụng hấp-thu lực đè ép. Nay tác-dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương! Gây ra hiện-tượng viêm khớp!!! Từ đó, dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh-nhân đứng hay đi. Vì thế, với những bệnh-nhân này, người ta khuyến-cáo phải hạn-chế đi lại! Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng-đỡ để giúp giảm tải-trọng lên bề mặt khớp hư!!!
   Với những lý-do trên, các chuyên-gia về xương khớp đã đánh-giá đi bộ không phải là môn thể-thao tốt đối với người cao tuổi!!!

 TẬP-LUYỆN MÔN GÌ THÍCH-HỢP CHO NGƯỜI CAO TUỔI?

   Những người cao tuổi không có triệu-chứng đau gối, vẫn có thể tập đi bộ! Nhưng cần lưu-ý đến cường-độ và thời-gian tập-luyện sao cho phù- hợp với cơ-thể! Khi có triệu-chứng đau nhức! Cần giảm bớt mức-độ tập- luyện hay nghỉ-ngơi một thời-gian rồi mới tập lại!!! Có nhiều người tập đi bộ từ thời còn trẻ, không có vấn-đề gì! Nhưng một ngày nào đó, khi tuổi đã cao bỗng thấy có vấn-đề ở đầu gối! Ðó là vì họ không biết giảm bớt sự vận-động cho phù-hợp với tuổi-tác!!! Chỉ cần đi ít lại, chậm hơn một chút sẽ giúp cơ-thể dễ chịu ngay!!!
   Người cao tuổi rất cần có sự vận-dộng, nhưng phải phù-hợp với thể- trạng. Nguyên-tắc vận-động ở người cao tuổi là nhẹ-nhàng, chậm và liên-tục! Tại sao phải như vậy? Vì cơ-thể người cao tuổi như một cái máy cũ- kỹ, quá-trình lão-hóa khiến các hệ-thống cơ-bắp, dây chằng không còn tính đàn-hồi tốt nữa! Những cử-động vừa nhanh, vừa mạnh có thể làm tổn-thương các cơ-bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng! Tính giãn nở đã yếu nhiều!!! Sự cử-động chậm và nhẹ sẽ giúp co giãn từ từ các dây-chằng và cơ-bắp. Nếu luyện-tập liên-tục và đều-đặn! Nó sẽ giúp cải-thiện rất nhiều sự dẻo-dai của các khớp xương!!!
   Với người cao tuổi, đi xe đạp tốt hơn đi bộ. Tốt nhất là tập võ dưỡng- sinh. Ðặc-điểm của các động-tác trong bài quyền được thực-hiện thật chậm-rãi, phong-thái nhẹ-nhàng, đặt ý-nghĩ và hơi-thở đi theo động-tác của tay chân. Nguyên-lý này hoàn-toàn phù-hợp với thể-chất của người cao tuổi! Thực-tế cho thấy nhiều người tập đã cảm thấy cơ-thể ngày càng khỏe hơn, ít bệnh-tật đau-ốm vặt! Tuy nhiên, cần lưu-ý môn võ dưỡng-sinh hiện nay đã bị người ta cải-biến rất nhiều! Mỗi người them-thắt một chút, khiến nó không còn giữ được cái thần-khí nguyên- thủy của người xưa! Ví dụ người ta cho các cụ ông, cụ bà tập những bài tập khởi-động của các môn thể-dục thể-thao phương Tây như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ! Những động- tác này rất hại cho các khớp, đặc-biệt là cột sống thắt lưng và khớp gối!!! Chúng chỉ thích-hợp cho thanh-niên luyện-tập các môn thể-thao mạnh- mẽ! Chứ không phù-hợp với cơ-thể người cao tuổi!!!

   BỆNH-NHÂN TIM MẠCH CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?

   Với những bệnh-nhân trẻ tuổi, hệ-thống khớp xương gân cơ còn tốt, thì đi bộ là môn vận-động hàng đầu được chọn-lựa để luyện-tập, có thể giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của tim. Tuy nhiên, sự vận-động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình-trạng suy tim và bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có những bệnh-nhân tử-vong trong khi đi bộ do cố-gắng tập quá sức! Thời-gian đi bộ và quãng đường đi cần được theo-dõi và giám-sát bởi bác-sĩ.
    Với người cao tuổi bị bệnh tim mạch thì sao? Sở dĩ bác-sĩ khuyên những bệnh-nhân tim mạch nên đi bộ vì đây là một môn vận-động nhẹ- nhàng, không tốn nhiều sức! Ai tập cũng được vì nó đơn giản, không cần sân tập và trang thiết bị kèm theo. Nhưng một khi đã có vấn-đề xương khớp, tại sao bạn không chọn lựa những môn khác tốt hơn như tập võ dưỡng-sinh, thể-dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội? Khi tập đi bộ, cần cân nhắc cường độ theo tuổi tác; Thời gian tập và quãng đường đi cần phải giảm dần theo thời gian (là điều căn bản khác với khi còn trẻ). Ði tập vào buổi sáng cần giữ ấm và mang giày thích-hợp với bàn chân. Khi có triệu-chứng đau gối hay đau lưng thì lập tức phải nghỉ-ngơi hoặc giảm ngay thời-gian đi!!!

BS. HUỲNH-BÁ-LĨNH 


-- 

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Viết từ phương xa BỎ LẠI CON ĐÒ- Nguyễn Hữu Hạnh.



BỎ LẠI CON ĐÒSÔNG ĐỒNG NAI
( Xin phép bạn Nguyễn Hữu Hạnh được đăng bài này để tưởng nhớ anh Nguyễn Ngọc Xuân, đàn anh học trên một khóa trường Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa # MCHX blog # )

Sau đêm tham dự văn nghệ Biên Hòa, về khuya nhưng không thức muộn. Những tiếng lay động liên hồi từ cell phone với những mối dây liên lạc thân tình qua facebook, với những lời vấn an, những lời cầu nguyện cho  một người bạn, chia sẻ cùng người bạn đời của anh từ một nơi cách xa nửa vòng trái đất. Bạn tôi đang đối diện trước sự chung cuộc của một đời người, như một giòng sông sắp bỏ lại con đò.

Cùng một con đò trên một giòng sông với những con nước ròng rồi nước lớn. Cũng giống như đời người trôi xuôi theo vận mệnh.  Lần cuối cùng trở về thăm Biên Hòa tôi đã có lần dừng lại bến đò Hóa An, bến vẫn còn đây nhưng con đò đó không còn nữa. Lòng bỗng dưng bồi hồi cảm xúc bao kỹ niệm ấu thơ vẫn còn trong trí nhớ. 

Hôm nay ngồi lại viết vài hàng về anh như nhớ thời của chúng tôi của những năm đầu bước vào trường trung học Ngô Quyền, những đứa học trò từ Tân Hạnh, Tân Ba Tân Uyên, Hóa an muốn qua học trường tỉnh Ngô Quyền đều phải qua bên đò Hóa An. Cùng trên chuyến đò này chúng tôi đã quen biết và gần gũi nhau Nguyễn Ngọc Xuân, Diệp Cẩm  Thu, Trầm Vĩnh  Châu, Bảnh, Hội v.v...

Tôi có duyên có quen biết và thân tình với các lớp đàn anh, trên mình một khóa cả Anh văn và Pháp văn, những lớp bạn đàn anh thân quen phải nói là những học sinh ưu tú một thời của khóa 7.  Pháp văn có Nguyễn Ngọc Xuân, Diệp Cẩm Thu, Trầm Vĩnh Châu.  Anh văn có Phạm văn Xuân,  Đỗ Thái Hùng, Hồ Chí Tường. Tôi đã cùng các bạn chia sẻ sự thương tiếc của những người bạn đã ra đi trong chiến tranh với Lại Minh Lâm bỏ mạng tại Lai Khê, Trần Quang Tuyên Tiểu đoàn Trâu Điên trong trận Hạ Lào, Đinh Công Minh tử trận tại Tiền Giang sau ngày hiệp định ngừng bắn 1972 và Lâm Phước Dân mất ngay giờ thứ 25 tại Quang Trung...

 Riêng tôi vẫn luôn nhớ đến những người bạn đã sớm bỏ chúng tôi sau 1975 với bệnh tật hành hạ và tuổi già đến sớm Đỗ Thái Hùng, Trương văn Út, Phạm văn Xuân, Lê Quang Luật...
Bài viết dở dang tôi muốn dừng lại nơi đây, tôi muốn cầu nguyện sự an lành cho một người bạn quen biết xa nhau đã lâu. Chúng tôi có một thời tuổi trẻ may mắn có, gian nan có, những người bạn dang dở học hành làm thân lính chiến. Còn lại các bạn, người thì tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn,  du học Paris, người thì ra trường kiến trúc, riêng Xuân tốt nghiệp QGHC vê làm việc tại TUDV. Vận mệnh đất nước sau 1975 đã thay đổi những mãnh đời, nhưng tình cảm tình bạn chung trường chúng tôi vẫn giữ. Sau hơn năm năm tù từ ngày quăng áo lính, tôi gặp lại Xuân một lần tại nhà người bạn tù của tôi N.Đ. Dũng cũng là người bạn thân của Xuân, chỉ được biết bạn đã thành hôn với cô ca sĩ nỗi tiếng một thời theo chân các đoàn hát để được yên ổn cuộc đời. 

Với những đổi thay cuộc đời Xuân đã lưu lạc ra ngoài miền Trung xây dựng cuộc đời mới. Những ngày định cư  ở Hoa Kỳ tôi vẫn còn liên lạc với Xuân qua những hình ảnh sinh hoạt gia đình, những bài viết của Xuân được gởi từ Đà Nẵng và những cuốn đặc san Biên Hòa được gởi từ California…
Qua tin người bạn đời của Xuân báo tin bạn đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, từ một nơi xa tôi chỉ biết cầu nguyện, vì đời là một sự vô thường của chuyện tử sinh. Chúng tôi sinh cùng thời cùng năm, có những kỹ niệm về một ngôi trường, những chuyến đò ngang. Bạn đã lớn lên từ Tân Ba, Tân Uyên, tro cốt của bạn cũng sẽ trở về với Tân Uyên Tân Ba với vùng đất hiền hòa nuôi nấng và sản sinh bao người tài hoa. 
Như một lời từ giã, vĩnh biệt bạn bè như giòng sông Đồng Nai cứ trôi trôi mãi... như những người bạn đã ra đi ... bỏ lại con đò...

Nguyễn Hữu Hạnh

Thơ XEM NHƯ MÌNH CHƯA HẸN - Văn Châu.

Viết từ phương xa CÁI SỐ MỆNH PHỤ - Jim Dieu.


Cái Số Mệnh Phụ Phu Nhân Thời Thượng

“Xuân chưa qua đòi xem nắng Hạ
Đến độ Thu về kiếm gió Đông”

Diệu đang ngồi trước cái gương lớn trong phòng ngủ thẫn thờ suy nghĩ về việc trọng đại ngày hôm nay trong cuộc đời mình, đó là lễ cưới của nàng cùng một Việt kiều tên là Nam. Người đàn ông này lớn hơn Diệu mười tám tuổi, gần bằng cái tuổi của cha nàng. Cũng chính vì thế, có nhiều người trong gia đình của Diệu cho Nam là già rồi. Nhưng Diệu thầm nghĩ thì Nam cũng chẳng già gì cho lắm, vả lại nước da của chàng hồng hào trẻ trung ra phết và cũng điển trai nữa chứ, “Việt kiều mà lỵ”, mới có bốn mươi ba tuổi mà già cái gì.

Diệu còn được mấy người trong xóm gọi là Diệu Ù vì thân hình của nàng có hơi đẫy đà, nở nang và phần mông căng phồng của nàng cũng hơi to lớn hơn những cô con gái cùng lứa tuổi. Nước da của Diệu rất trắng chỉ vì nàng may mắn được làm việc bên trong nhà thường xuyên chứ không phải đi ra đường buôn bán cực khổ như những cô gái khác. Khuôn mặt của nàng tròn trịa theo sự phát triển của cơ thể mình. Diệu có đôi lông mày khá đậm chạy dài trên đôi mắt đầy khiêu gợi mà chú Tư Thành ở ngoài đầu ngõ đã nói với Diệu đó là đôi mắt của người “mệnh phụ phu nhân” hai tháng trước đây khi Diệu đến đưa thiệp cưới để mời ông ta đi dự. Mới hơn ba mươi tuổi đầu nhưng chú Tư Thành trông rất già dặn qua mái tóc muối tiêu và khuôn mặt đầy hẻm hốc của ông và cũng chính vì thế mà Diệu gọi bằng chú mặc dầu họ đã chơi đùa chung với nhau rất thân khi còn bé. Ngoài ra chú Tư Thành còn nói là số của Diệu sau này rất sướng, không cần phải làm gì cả mà cũng có ăn, cho nên ông ta muốn “quan hệ mật thiết” với Diệu nhiều hơn trước khi Diệu sang bên Mỹ. Trời đất ơi, ông già dịch già dê ơi. Ông già này nghèo mà còn ham nữa, Diệu thầm nghĩ.

Mỗi khi cười thì hai làn môi bên phải của Diệu cong xuống đầy quyến rũ làm cho mấy thằng con trai trong xóm chết điếng cả người lên, bởi thế Diệu trải đời rất sớm. Đám bạn gái của Diệu sau khi xem xong cuốn phim “Charlie Angels” thì họ nói Diệu có vài nét giống như nàng tài tử Hoa Kỳ Drew Barrymore. Điều này đã làm cho Diệu kiêu căng hơn trước nữa mỗi khi tiếp xúc với bạn bè vì ta đây sắp làm mệnh phụ phu nhân và ta đây cũng giống một minh tinh màn bạc chứ bộ. Lúc đó Diệu nhờ Trang, đứa em gái của Diệu, tập cho nàng một kiểu cách thật giống và một nụ cười đầy tình tứ của vị tài tử này. Sau khi quen được Nam vài tháng, Diệu đòi Nam phải tìm mua cho bằng được những bộ quần áo giống như cô minh tinh Drew này đã mặc để cho nàng giật le với thiên hạ.

“Trời ơi, cái bà này làm lẹ lên đi họ trai đến rồi đó!”

Tiếng của Trang gọi làm cho Diệu trở về với thực tại. Nàng mở nụ cười bất hủ của mình, nụ cười mà Diệu đã cho là nụ cười đáng gía nghìn vàng của minh tinh điện ảnh, rồi nhìn người em gái qua cái gương một lúc lâu rồi thủng thẳng trả lời:

“Làm gì mà phải gấp gáp dữ vậy, nó chờ hơn cả năm nay còn được mà chờ thêm vài phút nữa thì chết sao?”

Nói xong Diệu nhờ Trang đội cái vương miện cô dâu lên đầu của mình rồi nhí nha nhí nhảnh tiếp tục nhìn ngắm khuôn mặt của nàng trên gương thêm vài lần rồi mới chịu đứng lên. Diệu kéo đứa em gái của mình tới sát bên cạnh người để cả hai cùng ngắm vào cái gương. Diệu giờ đây nhận thấy Trang lúc đó mới mười sáu tuổi thôi mà có vẻ đã trưởng thành rồi và cũng không kém phần xinh đẹp, có thể nói là xinh đẹp hơn Diệu nữa.

Ngắm gương và sửa soạn xong, hai chi em hớn hở nắm tay nhau cùng đi ra ngoài phòng khách để chào đàng trai và hai họ, nhưng lúc đó trong lòng của Diệu cảm thấy lâng lâng một cách kỳ lạ. Khi hai chị em bước ra tới bên ngoài, Diệu cảm thấy căn phòng đột nhiên im lặng một thời gian ngắn rồi bắt đầu có tiếng xì xào, có lẽ là họ đang bàn tán về sắc đẹp của cô dâu, Diệu nghĩ thầm. Và sau khi nhìn thấy mọi người đều nhìn về hướng nàng như để trầm trồ khen ngợi, Diệu nở mũi lên lớn hơn. Tim nàng đánh thình thịch trong lòng ngực cả chục lần chỉ vài giây đồng hồ còn tai nàng dường như bị ù lên và Diệu thấy kiêu hãnh vô cùng. Phải như vậy mới được chứ, vì ta là mệnh phụ phu nhân đấy mà, Diệu tự nhủ.

Sau khi làm lễ chào ông bà và cha mẹ xong, Diệu cùng chú rể và cả gia đình đi ra ngoài đầu hẻm để lên xe hoa đi đến nhà thờ Đức Bà chụp ảnh. Lúc đi ngang qua nhà của bà Thanh, chỉ cách nhà của Diệu vài căn, thì Diệu nghe bà Thanh đang lớn tiếng xí xọn với bà Sáu trong xóm:

“Con Diệu ù này sao tốt số quá, nó lấy được thằng chồng Việt kiều bảnh bao như thế là nhà nó có phước lắm rồi đó.”

“Kiếp trước chắc nó đi tu dữ lắm cho nên nó mới lấy được thằng chồng này đó, nếu không thì nó cũng còn cù cưa với thằng bồ củ của nó thì cũng chẳng ra gì rồi.” bà Sáu nói hùa theo.

Diệu tức gần tới hộc máu ra được khi nghe bà Thanh gọi nàng là con Diệu ù, còn bà Sáu thì nhắc tới chuyện thằng bồ củ của cô ta. Tại sao mấy bà già này không biết điều gì cả? Tại sao lại đem ra cái tên mà Diệu rất ghét ra để gọi chứ, nhất là trong ngày trọng đại trong cuộc đời của Diệu? Tại sao các bà này to gan lớn mật như thế? Ngày hôm nay nàng sắp sửa trở thành bà Việt kiều rồi và đường đường cũng là một mệnh phụ phu nhân chứ bộ mà tại sao còn dám gọi là con Diệu ù? Mẹ kiếp, Diệu chửi thầm trong bụng, sau này có dịp bà đây sẽ cho mấy con mẹ cà chớn này một cú mới được.

Khi ra tới đầu hẻm, Diệu thấy một chiếc xe hoa Toyota màu trắng nhưng không được mới cho lắm gắn đầy bông giấy màu hồng rẻ tiền chờ sẵn. Diệu trề môi thầm nghĩ tại sao thằng chồng của cô lại trùm sò như thế? Tại sao nó không mướn được chiếc xe mới hơn để cho nàng và gia đình nàng hãnh diện với làng xóm chứ? Tại sao lại đi mướn chiếc xe cũ xì như thế nầy mà thậm chí cũng không có treo được một giàn hoa hồng thật nữa? Thiệt là một thằng đàn ông bủn xỉn, keo kiệt và bần tiện, thế mà cũng gọi mình là Việt kiều nữa, Diệu càng nghĩ càng thấy tức.

Diệu nhớ lại cái đám cưới lộng lẫy của con Thủy, bạn của nàng ở cuối xóm trước đây. Tụi nó mướn được một chiếc xe hoa láng bóng. Chồng của nó còn chơi sang đi mướn thêm vài chiếc xe Toyota 12 chỗ ngồi để chở cả hai họ đi ra nhà hàng gọn bơ và điều đó đã làm cho ba má của nó nở mặt nở mày với người ta lúc đó. Tám năm sau, vợ chồng con Thủy dắt theo ba đứa con của nó về thăm nhà lại còn ăn mặc quần áo bảnh bao và mode nữa. Con Thủy nói lại là chồng của nó học rất giỏi và đang giữ chức vụ lớn ở trong nhà nước của Mỹ cho nên gia đình của nó ở tại Quận Cam tiểu bang California được nhà nước cấp nhà cho ở không cần phải trả tiền, kể cả tiền điện lẫn tiền nước nữa. Còn hai đứa con lớn của nó đi vào học trong trường công được ăn trưa miễn phí và còn được xe đưa xe rước đến tận nhà. Diệu thầm nghĩ tại sao người ta sung sướng đến như thế mà thằng chồng của mình chẳng làm đươc cái đếch gì cho mình cả? Sau đó con Thủy còn khoe là nó đã tốt nghiệp bằng dược sĩ với tiền lương cả tháng gần chục ngàn đô la và nó đã gửi tiền về để cất nhà lầu ba bốn tầng. Khi về thăm nhà, hai vợ chồng tụi nó lúc đi ra vào trong xóm, chúng nó nói tiếng Mỹ nghe rơm rớp chẳng khác nào như là người Hoa Kỳ thứ thiệt. Diệu thầm phục hai vợ chồng chúng nó quá.

Về chuyện của Nam, Diệu còn nhớ lúc ban đầu người quen của Diệu giới thiệu Nam là kỹ sư điện tốt nghiệp trường đại học có tiếng ở bên California. Khi Nam về Việt Nam lần thứ hai để thăm Diệu và đề cặp đến vấn đề hôn nhân thì ba mẹ của Diệu và Diệu đều mừng quýnh lên tưởng là gặp được của bở rồi. Nhưng sau này nó chỉ gởi về tặng được hai trăm đô la mỗi tháng làm cho Diệu thất vọng vô cùng. Nó muốn Nam gửi cho nó ít nhất cũng phải một ngàn đô thì mới coi cho được nhưng chẳng dè lại gặp phải thằng kỹ sư trùm sò. Diệu thầm nghĩ nếu biết như vậy thì nàng đi lấy chồng Đài Loan còn sướng hơn.

Chiếc xe hoa chở Diệu và Nam đi ra nhà thờ Đức Bà giữa buổi sáng trời thật trong, nhưng Diệu cảm thấy tương lai mình chắc sẽ bị u mờ chỉ vì tên chồng già này. Trước đó Diệu đã cố tình lập đi lập lại cho Nam nghe là nàng mong muốn được đi trên cái xe hoa giống như là cái xe hoa của Thủy ngày xưa vậy để cho nàng nở mặt với bạn bè trong xóm và nàng hy vọng Nam sẽ làm như thế. Nhưng giờ đây sự thật quá ê chề. Chẳng những nàng phải đi trên chiếc xe hoa bù ệch mà gia đình nàng cũng phải chạy theo phía sau trên chiếc xe hai chục chổ ngồi rẻ tiền. Diệu cảm thấy mình dường như bị mất cả chì lẫn chài rồi cho nên nàng chỉ ngồi thừ người ra.

Khi xe chạy gần tới nhà thờ thì cơn bực tức của Diệu đã giảm đi rất nhiều nhưng ngược lại nàng cảm thấy ngột ngạt bởi vì mảnh áo cưới dày cui mà nàng đang mặc trên người. Đồng thời cái lớp phấn mà Diệu được tô trên mặt khi sáng nặng chình chịch như là đang đeo cái mặt nạ vậy. Hơn nữa, mùi thuốc lá đang bám trên người của Nam và trên cái áo của người tài xế ngồi ở phía trước đã làm cho Diệu khó thở vô cùng. Nhưng Diệu chẳng biết làm gì hơn chỉ ngồi im và ao ước cho mình được tới nơi thật nhanh để đi ra ngoài xe được hưởng làn không khí trong lành. Lúc nàng liếc mắt nhìn Nam qua cái kiếng chiếu hậu thì thấy khuôn mặt của Nam chẳng giống là Nam khi xưa mà nàng lần đầu tiên mới gặp. Mặc dầu Nam cũng bảnh bao trong bộ đồ veston màu xanh đậm lịch thiệp với cái cà vạt màu đỏ rực rở, nhưng Diệu cảm thấy có một điểm gì là lạ. Khi Diệu nhìn thẳng trên khuôn mặt của Nam thì thấy nước da hơi ngăm ngăm đen của chàng gần giống như là màu da của những người phu lao động thường xuyên dãi nắng dầm mưa. Ở phía cuối quầng mắt thâm đen của Nam đã có nhiều đường cong hằn lên một cách rõ rệt mỗi khi Nam cười hay là nhắm mắt lại.

Lúc đó Diệu mới công nhận Nam thật là già.

--- oOo ---

Sau chín tháng trông chờ dài cả cổ họng, cuối cùng Diệu cũng được cấp giấy tờ đi sang Mỹ để đoàn tụ với gia đình. Nhưng trước đó hai tháng, mỗi lần Nam gọi điện thoại về nói chuyện vớ va vớ vẩn xong thì hai người lại cãi lộn với nhau. Diệu cứ trách là Nam không muốn cho nàng qua Mỹ sớm cho nên để mặc hồ sơ lơ đễnh chẳng ngó ngàng gì tới. Chỉ vì lúc ban đầu khi Nam làm giấy tờ bảo lãnh, Diệu nghe lời của những người bạn thêu thùa là nên đưa tiền cho những dịch dụ ngoài Sài Gòn để họ làm thủ tục cho nhanh hơn. “Trả tiền càng hậu thì đi càng nhanh,” theo như lời Diệu nói, nhưng Nam một mực nói là công việc của Mỹ là người Mỹ sẽ quyết định chứ người ở Việt Nam không có thể dính dáng vào được gì cả. Chẳnng những không nghe lời phân tích của Nam, Diệu lại còn trách Nam là đồ keo kiệt. (còn tiếp)

JIM DIEU ( 10/2010 )