Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Thơ : HOA SÚNG TÍM SÂN NHÀ - Xuân Duyên.






HOA SÚNG TÍM SÂN NHÀ 

Giọt mưa đều lấm tấm
Như mối tình lặng câm
  Gió ngập ngừng thỏ thẻ
  Đón chiếc lá mùa thu 
  Hoa súng còn một nụ
  Vẫn chung thuỷ luyến lưu
Ta đi tìm chiếc lá
Biết em ở nơi mô?
Xoay xoay trên mặt hồ
Để nỗi lòng nhấp nhô
          
 XUÂN DUYÊN - 7/2020
(hoa súng tím sân nhà)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Hồi ức : KÝ ỨC NGÀY XƯA - Phạm Văn Phước.


KÝ ỨC NGÀY XƯA.

Ký ức về những bài học thuộc lòng thời còn là học sinh thập niên 1950, 1960.. Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc Tiểu Học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các Thầy Cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách.

Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.

Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp, chỉ được dùng một thứ bút duy nhất là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phễu, dưới nhỏ, trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò.

Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lỗ tròn vừa vặn, khoét sẵn trên bàn học cho bình mực khỏi ngã, đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy hấp dẫn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng.

Các Thầy Cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm thì sợ khi học trò lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Mỗi lớp học chỉ có một Thầy hoặc một Cô duy nhất phụ trách tất cả các môn..

Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con, chứ không xưng em với Thầy. Về việc dạy dỗ, không Thầy nào dạy giống Thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông, viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ; lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học nào giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng....

Cứ mỗi năm lại có các Ban Tu Thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới, giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các Thầy Cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo Dục là được.
📷

Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên, khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài. Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là gây ấn tượng hơn nhiều.

Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ, rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn Dân Tộc Việt.

Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng từ rất hoa mỹ là túc cầu:

Trận Cầu Quốc Tế

Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng
Ta tuy bé, nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…

Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết là lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”…

Tuy không biết chơi đá banh, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên… thuộc lòng luôn.

Càng đọc, càng ngẫm nghĩ đó đâu phải là bài thơ chỉ nói về đá banh mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một Dân Tộc tuy nhỏ bé, nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục!

Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại, còn những lời ''đao to, búa lớn ồn ào'' chắc chi đã làm được việc.

Nói về môn Lịch Sử, hồi đó gọi là Quốc Sử, đã có sẵn bài học thuộc lòng như sau:

Giờ Quốc Sử

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc Sử.

Thầy tôi bảo: “Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thuở trước của Giang San,
Đã đổ máu vì lợi quyền Dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí Tiền Nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân Tộc Việt vẫn là dân anh liệt..
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc!”

Hình ảnh ông Thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của Thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau, chúng tôi vẫn nhớ như in.

Lại có bài song thất lục bát về ông Thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình minh họa Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa:

Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, Thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương,
Biển Đông, trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo Thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…
Rồi với giọng trầm hùng, Thầy giảng:
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc Thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông!
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con…”

Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa lý trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ?

Lời của Thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng, vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp.

Phạm Văn Phước


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Cuộc sống: NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI - Sưu tầm.





NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI !

Bà ngồi co ro bên này đường, chờ cho cửa hàng phía đối diện tắt điện, đóng sập cánh cửa sắt nặng nề xuống mới chống tay vào gối đứng dậy, khó nhọc bước qua đường. Cánh cửa này có mái hiên rộng, chủ nhà dễ tính, lỡ bà có ngủ quên dậy muộn thì người ta cũng chỉ nhẹ nhàng gọi bà dậy, kêu bà đi chỗ khác để mở hàng chứ không quát mắng xối xả, đốt vía như những chỗ khác. Vậy nên, mấy tháng nay rồi, dù đi xin ở xa hay gần, bà đều trở về dưới mái hiên này để tá túc.
Ngồi xuống mái hiên bà bắt đầu thở dốc. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay bà thấy cơ thể mệt mỏi, rệu rã quá. Cũng chẳng trách được. Bà đã ngoài tám mươi. Nhiều người ở tuổi này có khi đã nằm liệt một chỗ, con cái phải hầu hạ, phục dịch. Bà còn lê la khắp các phố để xin ăn được coi như trời còn thương mà cho sức khỏe. Đôi khi bà nằm nghĩ ngẩn ngơ, có khi trời thương bà, biết bà có ốm nằm liệt giường liệt chiếu thì cũng chẳng có ai ngó ngàng tới nên ban cho bà sức khỏe.
Nhưng mà bà cũng mệt lắm rồi. Cơn tức ngực kéo đến làm bà khó thở. Bà lôi trong mấy cái bao cũ mấy tờ báo cùng vài tấm bìa cát tông làm gối, quay mặt vào phía cánh cửa. Ác thay trời lại lất phất mưa. Bà khó nhọc ngồi dậy, lôi ra cái áo mưa cũ quấn quanh người. Mưa làm chân tay bà tê nhức. Bà không ngủ được. Bà lần tìm trong nải một tấm ảnh cũ, ngồi khom khom quay lưng lại phía đường để nước mưa không tạt được vào tấm ảnh. Bà nhìn tấm ảnh, lẩm bẩm như trò chuyện với một người bạn.
– May mà ông ốm một trận rồi đi luôn. Đi nhẹ nhàng thanh thản chứ không cũng lại phải lê lết ngoài đường giống tôi. Mà chân ông yếu thế, đi làm sao được.
Bà đưa bàn tay vuốt vuốt khuôn mặt trong tấm ảnh. Giọng đã bắt đầu nghẹn nước:
– Mà ông có thương tôi, sao không cho tôi đi cùng ông với ông ơi…
Mưa bắt đầu nặng hạt. Bà quấn tấm áo mưa chặt vào cơ thể, dí sát người vào cánh của mái hiên. Tiếng mưa tạt vào tấm áo mưa lộp… bộp… lộp… bộp nghe lạnh buốt và tê tái.
Bà cũng đã từng có một mái nhà. Một mái nhà bình dị đơn sơ nhưng ấm áp, hạnh phúc. Nghĩ đến căn nhà cũ bà nén tiếng thở dài tức nghẹn trong lồng ngực. Cất tấm ảnh vào sâu trong đáy, ôm vào lòng, khép chặt tấm áo mưa cho khỏi ướt, bà quay người lại đối diện với màn mưa. Đôi mắt già nua ướt nhoèn, mờ mịt những hồi ức cũ.
Ông bà cưới nhau được chục năm mới sinh được đứa con gái nêu yêu chiều nó lắm. Hôm bà sinh con ở trạm xá, ông mừng tới nỗi ôm con khóc tu tu như một đứ trẻ trước bao cặp mắt lạ lùng của mọi người.
Ông chăm con từng li từng tí, theo dõi từng ngày lớn lên của con. Đi học, những hôm mưa gió. Ông cõng nó trên lưng. Nó lớn lên một chúc, ông tằn tiện mua cho con cái xe đạp mi ni.Máy chục năm trời, ông không dám mua một cái áo mới, ai cho gì mặc nấy để khi nó vừa thành thiếu nữ, ông dành dụm đủ để xây một căn nhà ngói nhỏ ba gian. Ông bảo bà:
– Nó là con gái, ở nhà lụp xụp quá, bạn bè đến chơi, nó mặc cảm.
Mưa càng lúc càng nặng hạt hơn. Trong mưa, bà thấy khuôn mặt ông bừng sang hạnh phúc. Bà không thể nhầm được. Đó là khuôn mặt ông trong đám cưới con gái. Nhà rể ở ngay xóm trên. Lúc lấy con gái bà, nó hãy còn là một chàng trai mới lớn, hiền lành, chân chất và khỏe mạnh. Đám cưới con gái, khuôn mặt ông rạng rỡ mà mắt lại rưng rưng. Ông nói, con gái đi lấy chồng, ông mừng lắm. Nhưng ông cũng buồn vì phải xa con. Vẫn biết nó lớn thì phải rời xa vòng tay ông, phải lấy chồng mà sao ông vẫn thấy hụt hẫng. Bà cưới bảo ông chưa già đã lẩn thẩn. Nó lấy chồng ngay xóm trên, cách có độ mươi phút đi bộ mà ông cứ như thể gả con gái đi lấy chồng ở tận đẩu tận đâu. Ông cũng cười bảo không biết tại sao ông lại yếu mềm hơn cả bà.
Cơn họ kéo đến như muốn xé toang lồng ngực. Bà chống tay vào cửa, ho rũ rượi rồi đưa tay đấm nhẹ vào ngực. Cơn ho dứt, bà thở dốc. Lúc bà ngước lên, bong ông trong mưa đã biến mất. Bà lẩm bẩm:
– Cũng may là ông đi trước khi mở đường qua nhà. Chứ không thì…
Ông ốm một trận rồi đi. Nhẹ nhàng như không còn vương vấn điều gì trên cõi đời này nữa. Bà thui thủi một mình. Thấy thế, đứa con gái bàn với bà:
– Nhà chồng con tới ba anh em trai, chật chội lắm. Hay u cho bọn con về đây ở, cũng là để sớm hôm đỡ đần u…
Bà mừng rỡ đồng ý ngay. Ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Bà già rồi, thui thủi một mình cũng cô quạnh. Bà cũng muốn được quay quần với con cháu. Bà chỉ có mỗi đứa con gái, được sống cùng vợ chồng con cái nó thì còn già bằng. Có gì chúng nó chăm sóc bà, bà lại đỡ đần vợ chồng nó chuyện cơm nước, con cái. Chúng nó ở với bà, chắc nơi chín suối ông cũng mát mẻ, thanh thản.
Bà chỉ có mỗi một đứa con gái. Bà không bù trì, vun đắp cho nó thì để cho ai. Bà chết đi cũng có mang theo được đâu. Vậy mà đứa con gái bà mang nặng đẻ đau lại bàn mưu cùng chồng đẩy bà ra đường.
Bà già rồi, chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước và chăm mấy đứa cháu, có biết gì đến chuyện đất cát mà hàng xóm xì xào bàn tán đâu. Con gái và con rể thì thụt những gì, bà cũng chẳng biết. Chỉ thấy một buổi nhập nhoạng tối, đứa con gái chìa trước mặt bà tờ giấy:
U kí vào đây đi. Chỗ cuối tờ giấy này để xác nhận diện tích đất nhà mình. Ít nữa họ xây đường qua đây họ còn đến bù u ạ.
Bà nghe ờ ờ, cạc cạc. Mắt kém, lại tin tưởng con, cộng với việc bà ngại mấy thứ liên quan đến giấy tờ nên ký luôn mà không đọc lại. Mãi đến khi người ta đến lấy nhà, chồng cho vợ chồng con gái bà một đống tiền, số tiền mà cả đời hai ông bà chưa cũng chưa từng nhìn thấy thì bà mới biết chúng nó lừa bà ký giấy để bán nhà. Nhưng nước mắt chảy xuôi, bà nghĩ cái nhà đấy cuối cùng cũng để cho chúng nó, đất đang sốt, chúng nó bán cũng là hợp lý.
Hai vợ chồng đứa con gái mua một miếng đất ở trong xóm, xây một căn nhà hai tầng khang trang. Nhưng rồi từ lúc có tiền, tình tình thằng con rể bắt đầu thay đổi. Nó ham mê rượu chè, bồ bịch. Lúc đầu bà còn ngại “rể khách” nên nói nhẹ nhàng, bóng gió, sau dần những lời đồn thổi càng nhiều, vợ chồng nó suốt ngày đánh chửi nhau, bà góp ý thẳng thắn với con rể. Nó không nghe, một lần uống rượu say còn đánh bà gãy tay, bị đưa lên xã phạt tiền. Sau vụ đó, nó càng hằm hè với bà hơn. Vợ nó- con gái bà cũng vào hùa với chồng, trách móc bà làm vợ chồng nó mất tiền, làm nhà nó xấu mặt với hàng xóm. Những lời bóng gió xa xôi về việc bà ở nhờ tăng dần. Những bữa cơm chúng nó cố tình ăn trước không gọi bà ngày một nhiều. Tủi thân, bà quyết định gửi ông lên chùa rồi bỏ làng đi lang thang trong một đêm mưa gió, bắt đầu những ngày vất vưởng xin ăn.
Bà xách theo một cái bị nhỏ, một tấm áo mưa và tấm ảnh của ông. Hàng ngày bà lê la khắp các phố xin ăn. Tối đến lại về cái mái hiên này ngủ nhờ. Bà cứ trông ngóng, mòn mỏi hy vọng sự ra đi của bà sẽ khiến vợ chồng đứa con gái hối hận mà nghĩ lại đi tìm bà. Nhưng một năm, hai năm rồi năm năm lê la khắp phố xá rồi mà chưa một lần bà nghe phong thanh gì về tin tức chúng đi tìm bà. Cũng có lần, bà lén về làng, đứng trước cửa nhà vợ chồng nó, thấy hai đứa nó vẫn vui vẻ, không một chút áy náy, bà lại lặng lẽ ra đi.
Mưa như trút nước. Bà cảm thấy cơ thể rệu rã, không còn chút sức lực nào nữa. Bóng ông lại hiện ra trong mưa, mỉm cười hiền hòa nhìn bà. Ông đưa tay về phía bà. Bà biết thời khắc này cuối cùng cũng đến. Bà cố chút sức lực cuối cùng, lê người về phía khoảng giữa mái hiên bà trú với căn nhà bên cạnh. Nhà người ta là nhà làm ăn tử tế, bà không muốn chết trước cửa của cửa hàng, không muốn cái chết của mình phiền hà đến họ.
Ông bước đến gần bà, cúi xuống. Bà run run đưa cánh tay lên. Thanh thản, nhẹ nhàng, bà theo ông. Mọi oán hận, trách móc của cuộc đời bà bỏ lại phía sau, nơi kiếp người trên dương thế.
Sáng sớm, người ta phát hiện xác một cụ già nằm ở khoảng trống giữa hai căn nhà. Bà chết trong một tấm áo mưa trùm kín người. Nhưng trên môi còn phảng phất một nụ cười.

Sưu tầm

Vui cười : ĐỨA BÉ THÔNG MINH - Trâu Đen.





ĐỨA BÉ THÔNG MINH. 

Huỳnh Văn Tẹo năm í 6 tuổi học trường tiểu học lớp 5, thời VNCH hồi nẳm. Học được một tuần thì Huỳnh Tẹo ngháp dài dài òi ko chịu làm bài vở nữa. Cô giáo bèn hỏi nguyên nhân tại sao thì bé Nghé Tâu đây, ngồi cạnh bạn Huỳnh Tẹo, trả lời rằng do chương trình học quá thấp so với trình độ của đồng môn Tẹo.

Mấy hôm sau, Huỳnh Tẹo xin cô cho lên học bậc trung học. Cô giáo (hình dư cũng họ Huỳnh) dẫn bé Tẹo lên văn phòng ông hiệu trưởng Nguyễn Văn Nguyên Xi, trình bày đầu đuôi câu chuyện. Ông hiệu trưởng bán tín bán nghi, bàn với cô giáo là ông sẽ hỏi bé Tẹo một số câu hỏi về khoa học còn cô giáo sẽ Huỳnh Tẹo về kiến thức tổng quát, nếu bé Tẹo trả lời đúng ông sẽ cho nhảy lớp.

- Hiệu trưởng: 25 lần 25 là bao nhiêu?
- Bé Tẹo: Dạ là 625

- Hiệu trưởng: Công thức tính diện tích vòng tròn?
- Bé Tẹo: Dạ là bình phương bán kính nhân Pi

- Hiệu trưởng: Nước bốc thành hơi khi nào?
- Bé Tẹp: Dạ khi nước sôi ở 100 độ C
....
Sau 1 tiếng "tra tấn", câu nào Huỳnh Tẹo cũng đáp đúng hết , ông hiệu trưởng rất hài lòng về kiến thức khoa học của bé và giao cho cô giáo hỏi về kiến thức tổng quát:

- Cô giáo: Con gì càng lớn càng nhỏ?
Ông hiệu trưởng hết hồn nhưng bé Tẹo trả lời ngay:
"Dạ là con cua nó có càng lớn và càng nhỏ".

- Cô giáo: Cái gì trong quần em có mà cô không có?
Ông hiệu trưởng xanh cả mặt.
- Bé Tẹo: Dạ là 2 cái túi quần

- Cô giáo: Ở nơi đâu lông của đàn bà quăn nhiều nhất?
Ông hiệu trưởng run lên.
- Bé Tẹo: Dạ ở Phi Châu

- Cô giáo: Cái gì cô có ở giữa 2 chân của cô?
Ông hiệu trưởng chết điếng người.
- Bé Tẹo: Dạ là cái đầu gối

- Cô giáo: Cái gì trong người của cô lúc nào cũng ẩm ướt ?

Ông hiệu trưởng hóc mồm ra.
- Bé Tẹo: Dạ là cái lưỡi

- Cô giáo: Cái gì của cô còn nhỏ khi cô chưa có chồng và rộng ra khi cô lập gia đình?
Ông hiệu trưởng ra dấu không cho bé Tý trả lời nhưng bé Tẹo đáp ngay:

"Dạ, là cái giường ngủ ạ"..

- Cô giáo : Cái gì mềm mềm nhưng khi vào tay cô một hồi thì cứng ra?

Ông hiệu trưởng không dám nhìn cô giáo
- Bé Tẹo: Dạ là dầu sơn móng tay

- Cô giáo: Cái gì dài dài như trái chuối, cô cầm một lúc nó chảy nước ra?

Ông hiệu trưởng gần xỉu.
- Bé Tẹo: Dạ là cây kem ạ

Ông hiệu trưởng đổ mồ hôi hột ra dấu bảo cô giáo đừng hỏi nữa và nói với bé Tý: Thầy cho con lên thẳng đại học bởi vì con là thần đồng. Nãy giờ thầy không trả lời đúng 1 câu nào hết.

TRÂU ĐEN.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Viết từ phương xa: TÌNH YÊU THỜI COVID (*) - NTDH


TÌNH YÊU THỜI COVID (*)

Betty và Curtis Tarpley học cùng lớp thời Trung học ở Illinois. Sau Trung học, họ gặp lại nhau, yêu nhau, và cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc ở California. 
Khi hai con đã lớn, ông bà Tarpley chuyển về sống ở Texas. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thành công hay thất bại, ông bà vẫn gắn bó và yêu nhau như ngày mới hẹn hò ở ven biển miền Tây Hoa Kỳ.
Tháng 6 năm nay, bà Betty đã bắt đầu bước vào tuổi 80, bị sốt, và thấy khó thở. Bà được đưa vào Texas Health Harris Methodist Hospital ở Fort Worth ngày 9 tháng 6, và được chẩn đoán là bị nhiễm Coronavirus. 
Chỉ hai ngày sau, ông Curtis cũng nhập viện với triệu chứng và bệnh trạng y hệt như người vợ. Cả hai ông bà đều nằm ở ICU nhưng thuộc hai phòng khác nhau. Tình trạng của ông Curtis (79 tuổi) khả quan hơn, trong lúc sức khỏe bà Betty càng lúc càng xấu đi. Bà dùng hết tàn lực gọi phone cho hai con, cho biết đã sẵn sàng để vĩnh biệt cuộc đời (I was ready to go).
Những cô y tá trong bệnh viện biết tình hình sức khỏe của bà Betty, và ngưỡng mộ "tình đầu cũng là tình cuối" vẫn đẹp như thời mới rời Trung học của ông bà Tarpley, đã phá lệ, đẩy giường bệnh của bà Betty qua cạnh giường của ông Curtis.
Khi các y tá cho ông biết bà đang ở cạnh ông. Ông Curtis mở mắt, đôi lông mày nhướng lên, cố thu hết tàn lực nhìn vợ lần cuối. Cả hai ông bà đều không còn sức nói với nhau tiếng nào, chỉ có hai bàn tay cằn cỗi, yếu ớt nắm lấy nhau.


blankblank
( Đôi uyên ương lúc còn trẻ cho đến về sau này )



Hai mươi phút sau bà ra đi, bàn tay lạnh dần trong tay ông. Nhân viên bệnh viện nhẹ nhàng gỡ tay bà ra khỏi tay ông, và đưa bà ra khỏi ICU.
Hình như biết vợ đã từ trần, Curtis buông xuôi, không còn ý chí bám vào sự sống. Chỉ 45 phút sau, Curtis  cũng về thế giới bên kia cùng với Betty sau 53 năm hạnh phúc ở trần gian từ Illinois, qua California, đến Texas. 
Ngay cả COVID-19 cũng không chia lìa được họ

NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG.
______________
(*) Tựa của MCHX blog.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Thơ : NHỚ MÃI NGÀY HÔM NAY... - Hà Thu Thủy.






NHỚ MÃI NGÀY HÔM NAY...
(7-7-2020)

Có một ngày đầy yêu thương như thế
Bằng hữu bên nhau chan chứa thân tình
Đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể
Ngô Quyền xưa vẫn rực thắm tình nồng.

HÀ THU THỦY.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Cuộc sống: TIẾNG ĐÓNG CỬA- Sưu tầm.


TIẾNG ĐÓNG CỬA

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới. Cứ gần nửa đêm, lúc ngủ ngon nhất, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng dép lộp cộp rất khó chịu.

Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.

Mẹ tôi khuyên: "Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm".

Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người hàng xóm.
Có người khuyên: "Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu ... ".
Người ấy nói tiếp: "... Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được. Tiếng đóng cửa, tiếng dép đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm !"
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi.

Tôi tự nhủ: "Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi".
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra.

Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở. Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: "Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn ...".

Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.

Mẹ tôi an ủi: "Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được...".

Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất. Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.

Tôi nói với mẹ: "Mẹ nói đúng thật!".

Bỗng bất ngờ... khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ. Mẹ tôi nghẹn ngào nói: "Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn. Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi"

Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian đi viếng người phụ nữ ấy.

Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: “"Dì ! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi ".

Cậu nói trong tiếng nấc: "Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ. Cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ. Nay mẹ cháu không còn nữa. Dì ạ ...".

Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra ...

Tôi quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người

ST

Thơ : MƯA HẠ - Xuân Duyên.




MƯA HẠ

Mưa hạ bao lần đến với hoa
Bâng khuâng em gọi tím mượt mà
Soi vầng nắng nhạt khô cánh mỏng
Ô cửa thưa dần hạt nước sa
  Mát mẻ trời thanh hồn lắng đọng
  Chôn giấu nỗi niềm tím hương hoa
  Sắc màu thắm đượm tình tri kỷ
  Ấm áp lòng yêu buổi chiều tà
         
XUÂN DUYÊN - 7/2020

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Tản mạn : NGƯỜI VIỆT ĂN UỐNG... - Sưu tầm.




Người Việt ăn uống như thế nào?

    Thật ra, tôi rất ngại khi cầm viết ghi lại những câu hỏi đã trả lời cho những bạn bè người nước ngoài khi họ hỏi tôi, người Việt Nam ăn uống thế nào? Hay là cách nấu ăn của người Việt có khác người Trung Quốc hay chăng? Vì đó chỉ là những phần nhận xét đã được nhanh chóng đúc kết để đưa ra những câu giải đáp kịp thời chớ không phải do một sự sưu tầm có tính cách khoa học. Trong câu chuyện, một vài bạn trong báo Tuổi Trẻ thấy nhận sét sơ bộ của tôi có phần nào lý thú, nghe vui tai nên nhờ tôi ghi ra thành văn bản. Nể lời các bạn, tôi xin gởi đến các bạn đọc vài mẩu chuyện có thật về cách ăn và nấu ăn của người Việt chúng ta, và xin các tay nghề nấu ăn trong nước đừng cười tôi dốt hay nói chữ, dám múa búa trước cửa Lỗ Ban, đánh trống trước cửa nhà Sấm.

Trong một buổi tiệc, một anh bạn Pháp hỏi tôi:
- Chẳng biết người Pháp và người Việt Nam ăn uống khác nhau như thế nào?
- Tôi rất ngại so sánh, tôi trả lời, vì so sánh là phải biết rõ rành mạch cả hai yếu tố để so sánh. Thỉnh thoảng tôi có ăn uống theo người Pháp nhưng làm sao biết cách ăn của người Pháp bằng người Pháp chính cống như anh. Tôi thì có thể nói qua cách ăn uống của người Việt chúng tôi để cho anh dễ nhớ, tôi chỉ đưa ra ba cách nấu ăn của người Việt, rồi anh xem người Pháp có ăn như vậy chăng?
Người chúng tôi ăn toàn diện, ăn khoa học, ăn dân chủ.
1. Ăn toàn diện:

Chúng tôi không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi, mà bằng cả ngũ quan. Trước hết ăn bằng con mắt, do đó, có nhiều món đem dọn lên, nhiều màu sắc chen nhau như món gỏi sứa chúng tôi chẳng hạn: có giá màu trắng, các loại rau thơm màu xanh, ớt màu đỏ, tép màu hồng, thịt luộc và sứa màu sữa đục, đậu phộng rang màu vàng nâu v.v... Có khi lại tạo ra hình con rồng, con phụng, trong những món ăn nấu đãi đám hỏi, đám cưới.
Sau khi nhìn cái đẹp của món ăn, chúng tôi thưởng thức bằng mũi, mùi thơm của các loại rau thơm như húng quế, ngò, hoặc các mùi đặc biệt của nước mắm, của cà cuống. Răng và nứu đụng chạm với cái mềm của bún, cái dai của thịt luộc và sứa, cái giòn của đậu phộng rang để cho xúc cảm tham gia vào việc thưởng thức món ăn sau thị giác và khứu giác. Rồi lỗ tai nghe tiếng lốc cốc của đậu phộng rang, hay tiếng rào rào của bánh phồng tôm, hay tiếng bánh tráng nướng nghe rôm rốp. Sau cùng lưỡi mới nếm những vị khác nhau, hòa hợp trong món ăn: lạt, chua, mặn, ngọt, chát, the, cay v.v... Chúng tôi ăn uống bằng năm giác quan, về cái ăn như thế gọi là ăn toàn diện.
2. Ăn khoa học:

Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhất là ở Nhật Bổn thường hay sắp các thức ăn theo "âm" và "dương".
Nói một cách tổng quát thì những món nào mặn thuộc về dương, còn chua và ngọt thuộc về âm. Người Việt thường trộn mặn với ngọt làm nước mắm, kho thịt, kho cá, rang tép, ướp thịt nướng, luôn luôn có pha một chút đường; mà ăn ngọt quá như chè, ăn dưa hấu hay uống nước dừa xiêm thì cho một chút muối cho âm dương tương xứng. Người Tây khi ăn bưởi thật chua lại cho thêm đường, đã âm lại thêm âm thì âm thịnh dương suy, không đúng theo khoa học ăn uống. Người Việt phần đông không nghiên cứu về thức ăn, nhưng theo truyền thống của cha ông để lại thành ra ăn uống rất khoa học. Người Việt chẳng những để ý đến quân bình âm dương giữa các thức ăn mà còn để ý đến quân bình âm dương giữa người ăn và thức ăn. Khi có người bị cảm, người nấu cháo hỏi: cảm lạnh (bị mắc mưa, đêm ra ngoài bị cảm sương) thì nấu cháo gừng vì cảm lạnh (âm) vào người phải đem gừng (dương) vào chế ngự. Nếu cảm nắng (bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người phải nấu cháo hành (âm). Lại nghĩ đến âm dương giữa người ăn và môi trường; mùa hè thời tiết có dương nhiều nên khi ăn có canh chua (âm) hoặc hải sâm (âm); mùa đông thời tiết có âm nhiều nên ăn thịt nướng. Ta có câu: "mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển".
Quân bình trong âm dương còn thể hiện qua điếu thuốc lào thuốc lá phơi và đóm lửa (dương) hít một hơi cho khói qua nước lã trong bình (âm) để hơi khói thuốc vào cơ thể, nguồn hút có cả dương và âm, không kể nước đã lọc bớt chất nicotine có hại cho buồng phổi.
Chẳng những cân đối về âm dương mà còn hàn nhiệt nữa: thịt vịt hay thịt cá trê - hàn thì chấm với nước mắm gừng - nhiệt. Cách ăn của người Việt Nam khoa học vì phù hợp với nguyên tắc âm dương tương xứng hàn nhiệt điều hòa. Ngoài ra trong một món ăn thường đã có chất bột, chất thịt, chất rau làm cho sự tiêu hóa được dễ dàng.
3. Ăn dân chủ:

Trên bàn dọn bao nhiêu thức ăn, nhưng chúng tôi có thể ăn những món chúng tôi thích, hoặc phù hợp với vấn đề bảo vệ sức khỏe của chúng tô. Ăn ít hay ăn nhiều thì tùy theo sức chứa bao tử của chúng tôi, chớ không phải ăn những món không ăn được, hay là ăn không nổi. Như vậy cách của người Việt Nam rất dân chủ.
Anh bạn người Pháp thích chí cười to: ăn toàn diện, chúng tôi chỉ nghĩ đến là về thính giác, ăn mà nghe tiếng động là vô phép nên ăn bớt ngon. Ăn khoa học, thì chúng tôi chỉ nghĩ đến calori mà không biết âm dương và hàn nhiệt. Còn ăn dân chủ, thì hoàn toàn thiếu sót vì đến nhà chúng tôi có một thực đơn mà mỗi người một đĩa, ăn không hết sợ vô phép nên nhiều khi không ngon lắm hoặc quá no cũng phải cố gắng ăn cho hết. Tôi xin hoàn toàn hoan nghinh cách ăn của người Việt Nam.
Về cách ăn uống Việt Nam lại có thêm:
4. Ăn cộng đồng:

Thức ăn đầy bàn mà có một nồi cơm, một tô nước mắm để mọi người cùng xới cơm và chan nước mắm ở một nơi.
5. Ăn lễ phép:

Con lớn lên đã theo học ăn, học nói, học gói, học mở. Học ăn là trước nhứt, khi ăn phải coi nồi, ngồi coi hướng.
6. Ăn tế nhị:

Ăn ớt cử cách cắn trái ớt, có khi phải ăn ớt xắt từng khoanh, ớt bằm, ớt làm tương. Nước chấm nhứt là ở miền Trung rất tinh tế ăn món chi phải có nước chấm đặc biệt: bánh bèo, bánh lá, bánh khoái đều có nước chấm khác.
7. Ăn đa vị:

Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành cuốn vào bánh tráng lạt lạt, có chút bún, rau thơm, ớt (cay), chuối sống (chát), khế (chua), tương ( ngọt, mặn cay) có pha hột điều hay đậu phộng xay (béo). Ăn có năm vị chánh: ngọt, mặn, chua, cay, béo, có cả ngũ sắc đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi hơn thế nữa.
Một lần khác, một anh bạn của tôi khai trương một tiệm ăn lớn tại Paris. Anh có mời đài phát thanh và báo chí đến để cho biết rằng tiệm của anh có cả thức ăn Trung Quốc và Việt Nam. Các phóng viên muốn biết Việt Nam và Trung Quốc nấu ăn có khác nhau như thế nào. Hai đầu bếp Việt Nam và Trung Quốc được mời ra để báo chí hỏi thì hai người đều khẳng định là cách nấu ăn rất khác, nhưng phải xuống bếp coi mới thấy.
Nhà bếp nhỏ không chứa được mấy chục phóng viên, và ai cũng ngại hôi dầu hôi mỡ nên ông chủ tiệm nhờ tôi tìm câu trả lời cho các nhà báo Tuy không phải là một chuyên gia về nghệ thuật nấu bếp, nhưng tôi cũng phải tìm câu trả lời thế nào để cho các nhà báo bằng lòng. Tôi mới nói rằng, tôi không đi vào chi tiết nhưng chỉ đưa ra ba điểm khác nhau trong cơ bản.
1. Cách dùng bột:

Người Việt Nam thường dùng bột gạo trong khi người Trung Quốc thích dùng bột mì, cho nên Việt Nam có phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; mà người Trung Quốc thì chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm. Người Việt làm bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; người Trung Quốc thì bánh bao. Chả giò người Việt Nam cuốn bằng bánh tráng bột gạo; còn người Trung Quốc thì cuốn tép trong bánh bằng bột mì.

2. Nước chấm cơ bản của người Việt nam là nước mắm làm bằng cá; còn nước chấm của người Trung Quốc là xì dầu làm bằng đậu nành.

3. Người Việt thì thường pha mặn ngọt; người Trung Quốc thích chua ngọt.
Chỉ nói đại khái như vậy mà các phóng viên đã hài lòng; về viết bài tường thuật nêu lên những điểm khác nhau ấy. Ông giám đốc tạp chí Đông Nam Á, sau lời nhận xét đó, cho phóng viên đến phỏng vấn tôi thêm và hỏi tôi có biết yếu tố nào khác đáng kể khi nói về cách nấu ăn của người Việt khác người Trung Quốc ở chỗ nào? Tôi trả lời cho phóng viên trong 40 phút. Hôm nay tôi chỉ tóm tắt cho các bạn những điểm chính sau đây.

a. Về rau: người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm, mà người Trung Quốc không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

b. Về cá: Người Trung Quốc biết kho, chưng, chiên như người Việt Nam. Nhưng người Trung Quốc có cá mặn không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm v.v... Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

c. Về thịt: Người Trung Quốc biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế v.v...

d. Người Trung Quốc ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn như người Việt. Khi chúng ta ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: lạt lạt của bánh tráng, bún, hơi mát mát ngọt ngọt như dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, và có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú.
Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng ta. Khi dạy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta. Ra đường phải biết "ăn bận" hay "ăn mặc" cho phải cách phải thế. Đối với mọi người không nên "ăn thua" làm chi cho bận lòng. Làm việc gì phải cẩn thận "ăn cây nào, rào cây nấy". Trong việc tiêu tiền phải biết "liệu cơm, gắp mắm" và dẫu cho nghèo đi nữa "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Không nên ham ăn quá độ vì "no mất ngon, giận mất khôn". Ra làm ăn phải quyết tâm đừng "cà lơ xích xui" chạy theo "ăn có" người khác. Phải biết "ăn chịu" với người làm việc nghiêm chỉnh thì công việc khỏi bị "ăn trớt". Không nên "ăn gian, ăn lận" hay bỏ lỡ cơ hội thì "ăn năn" cũng muộn. Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng "ăn hại" "ăn bám" người khác. Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho "ăn" với giọng ca, hòa đàn cũng phải "ăn" với nhau, "ăn ý", "ăn rơ" thì mới hay. Các bạn thấy chăng? Cái "ăn" cũng khá quan trọng nên mới lọt vào một số từ ngữ của tiếng nói Việt Nam.
Tuy chúng ta không như người Trung Quốc "dĩ thực vi tiên" nhưng phải có ăn mới làm nên việc vì có "thực mới vực được đạo".

ST

Tình yêu : KIẾP SAU ANH SẼ KHÔNG YÊU EM - Sưu tầm trên FB




KIẾP SAU ANH SẼ KHÔNG YÊU EM.

Anh một chàng sinh viên nghèo. Làm thêm vất vả để kiếm thêm tiền trang trải học phí. Em tiểu thư cành vàng lá ngọc con nhà giàu có khá giả, gia đình có tới mấy osin. Lần đầu tiên về quê đến cây tỏi tây và cây hành em cũng không phân biệt được

Anh gặp em lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Em đứng đó vui cười với đám bạn, mải mê làm đổ cốc coca lên váy trắng. Ngượng ngùng anh đưa em áo khoác che v
ết loang. Giây phút ấy em mãi không quên anh.

Bốn năm học đại học, em muốn giúp anh nhiều lắm, muốn cuộc sống anh đỡ vất vả vì phải vừa học vừa làm. Đưa tiền anh đâu có nhận, anh nói anh không làm được cho em thì thôi...

Tốt nghiệp, đáng lẽ chia tay, chỉ là tình yêu thời đại học thôi mà. Nhưng em đã quyết định theo anh. Gia đình em phản đối quyết liệt, nhưng em vẫn chọn cho mình người đàn ông của cả cuộc đời

Nên vợ nên chồng, về quê sống trong căn nhà tồi tàn của anh. Rồi em mang thai, nhiều khi trái gió trở trời người đau ê ẩm. Anh thương em, đông cũng như hè đi làm kiếm thêm tiền nuôi vợ

Thế rồi trong một tai nạn xe, anh liệt đôi chân. Nằm một chỗ ở nhà, tất cả mọi việc đều trông cậy vào em. Bố mẹ em thương đến đón em về nhưng em từ chối. Chữa bệnh cho anh em bán hết mọi thứ trong nhà, cuối cùng cũng hết. Bố mẹ em thấy con khổ lại cho tiền.

Cứ thế cuộc sống nghèo ở một vùng quê, em làm giáo viên, anh nằm nhà viết sách. Em đã trút bỏ hình ảnh lá ngọc cành vàng năm nào để trở thành người vợ đảm. Đi chợ mặc cả, quần áo bình thường, cân đo đong đếm còn tốt hơn những người phụ nữ khác

Bác sĩ bảo chồng bà không còn đi được nữa, nhưng em không tin, hàng ngày vẫn bóp chân cho anh , hi vọng một phép màu sẽ đến. Ngày ấy em nghe có một bác sĩ châm cứu giỏi. Em đèo xe 50km đưa anh đi châm cứu hai ngày một lần không kể ngày nắng ngày mưa ngày lạnh ngày nóng

Anh nhìn em khóc: Nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em nữa, em quá khổ vì anh

Một năm sau phép màu đến thật, chân anh hồi phục cũng là lúc anh nhận được giải thưởng quốc tế từ những cuốn sách anh viết. Không ai nghĩ sẽ có ngày hôm nay

Rồi họ mời sang Pháp thuyết trình ba năm, anh do dự, em nói: phải đi, cơ hội không đến hai lần.

Nhìn lại quãng đời, em đâu còn trẻ đẹp như xưa...Chồng, con, vất vả, thân hình gầy gò ốm yếu. Pháp là đất nước của tình yêu, nhiều người nói anh đi sẽ không trở lại. Em chỉ mỉm cười đáp lại: em và anh đã trải qua bao nhiêu sóng gió, vì một việc thế này em ko sợ mất anh.

Ba năm sau anh về, không báo trước, muốn dành cho em một sự bất ngờ. Nhưng vừa xuống xe anh đã thấy em đứng đó. Anh hỏi sao biết anh về mà ra đón, em trả lời: Em chờ ở đây mỗi ngày, chỉ cần là xe từ sân bay về là em không bỏ qua chuyến nào.

Anh chỉ khóc mà nói: nếu còn có kiếp sau, anh sẽ không bao giờ yêu em, tình yêu của em làm anh đau lắm đau lắm, tình yêu của em quá nhiều khổ đau...

Em đáp trả lời anh: tình yêu luôn luôn là khổ đau cay đắng. Tình yêu như một bông hoa sen, hoa sen đẹp nhưng nó có cái nhụy sen, hạt sen rất đắng. Nếu còn có kiếp sau, em sẽ vẫn muốn được yêu anh

ST

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Cuộc sống: CÂU CHUYỆN CON LỪA... - Sưu tầm.





CÂU CHUYỆN CON LỪA VÀ BÀI HỌC CUỘC SỐNG

Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng.
Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì.
Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả.

Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình.

Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt.

Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.

Sưu Tầm

Chuyện vui phương xa: VUI CƯỜI - Thoa Nguyen chia sẻ qua email.



VUI CƯỜI. 

1-Có một tên ăn cướp nọ , ở Colorado Spring, vào một tiệm 7-11 chỉa súng vào người "cashier" bắt np hết tiền trong tủ sắt. Sau khi người cashier thồn tiền vào bao giấy cho tên cướp thì hắn bỗng nhìn thấy một chai rượu Whisky hảo hạng trên kệ hàng sát tường,hắn liền ra lệnh cho người cashier bỏ chai rượu vào túi tiền đó luôn. Người cashier chớt  nhìn vào khuôn mặt non choẹt của tên cướp rồi nói:
-”Luật pháp chỉ cho phép bán rượu cho ngừời 21 tuổi trở lên mà thôi, nếu khong thì mất license bán rượu.Trông anh thì chắc chắn anh chưa đủ 20 tuổi, nên tôi không thể đưa chai rượu này cho anh được.” 
 Tên cướp cự lại và hét lên rằng anh ta đã quá 21 tuổi ,thế nhưng người cashier nhất định không tin và vẫn không chịu giao chai rượu  cho hắn. Cãi qua cãi lại một hồi tên cướp chắc sợ kéo dài thời gian sẽ bất lợi nên hắn bực mình mở bóp lấy driver’s license đưa cho người cashier coi. Người cashier coi căn cước của tên cướp thì quả thật hắn đã quá 21 tuổi nên đồng ý đưa chai rượu mạnh cho tên cướp luôn.Có được chai rượu ngon rồi tên cướp khoái trá liền ba chân bốn cẳng chạy vụt ra khỏi tiệm và quên ..không lấy lại bằng lái….!
Khi tên cướp vừa ra khỏi tiệm, người cashier liền gọi điện thoại cho cảnh sát và cho biết đầy đủ tên tuổi và địa chỉ của tên cướp. Hai giờ sau đó tên cướp bị …múm ngay tại nhà mình.

 2-Một bà kia bị một tên lưu manh  "chôm" mất cái xe hơi. Bà bèn báo cảnh sát và cho biết trong xe của bà có cái "cell phone" của bà nữa. Ngày hôm sau cảnh sát gọi số điện thoại đó và tên trộm xe trả lời. Cảnh sát liền phịa rằng đọc quảng cáo thấy anh ta bán xe nên muốn đến coi xe để mua. Tên trộm xe liền hẹn giờ giấc và địa điểm để mang xe đến… Thế là xe được trả về cho chủ và tên trộm xe bị còng  đi tù. 

 3-Một anh chàng cướp  bước vào Bank of America ở San Francisco, hắn cũng gets line như mọi người và chờ tới lượt mình .Trong khi chờ đợi đến lượt mình chàng ta lấy một tấm "deposit slip" viết mấy chữ: "Tôi có súng, hãy bỏ hết tiền vào bag này nếu không tôi shoot you". Tuy nhiên trong khi chờ đợi anh ta lại chợt lo ngại rằng có người nào đó trong ngân hàng đã nhìn thấy những gì anh đã viết và họ có thể đã báo cảnh sát rồi; thế cho nên anh ta ra khỏi Bank of America và bước vào bank Wells Fargo bên kia đường. Chờ vài phút thì tới phiên mình, chàng ăn cướp liền đưa mảnh giấy deposit slip cho cô "teller" của Wells Fargo. Cô này đọc qua nhưng trả lại ngay cho hắn ,cô  lại còn chê hắn viết sai chính tả và bảo hắn rằng cô không thể đưa tiền cho hắn được vì hắn viết trên cái "deposit slip" của ….Bank of America chú không phải của Wells fargo. Bây giờ hắn phải viết lại trên "deposit slip"của Wells Fargo còn không thì hắn phải trở lại Bank of America. 
Thấy rắc rối quá tên cướp liền trở lại Bank of America. Sau khi tên cướp đi rồi cô "teller" của Wells Fargo liền gọi cảnh sát, và ít phút sau tên định ăn cướp ngân hàng bị bắt trong khi đứng xếp hàng chờ trong Bank of America. 
4- Anh chàng kia ở bên Anh, một hôm  lái xe quá vận tốc giới hạn ngay ngã tư chỗ cảnh sát đặt máy camera chụp hình tự động mà chàng ta không biết là xe mình đã bị ghi hình và sẽ bị phạt"ticket". Ít ngày sau nhận được thư của sở cảnh sát báo là anh bị phạt 40 mươi bảng Anh và cảnh sát còn kèm mấy tấm hình chụp xe của anh ta ở "phạm trường". Thay vì gửi tiền nộp phạt chàng này lại…gửi nộp tấm hình chụp của 40 Anh kim mà thôi... 
Ít ngày sau anh ta lại nhận được thư trả lời của sở cảnh sát, mở ra xem thì anh ta thấy bên trong có tấm hình chụp của cái còng số 8. Hoảng quá Anh ta liền gửi tiền nộp phạt ngay lập tức. 

5-Anh chàng nghiền cocain Christoper Jasen bị đưa ra tòa ở  Pontiac (Michigan) cãi chầy truớc tòa rằng cảnh sát đã khám xét người anh ta mà không có lệnh của tòa (warrant). Bên biện lý nói rằng không cần phải có lệnh tòa vì cái túi "Jacket" của Chris phồng lên như có súng trong đó kiến cảnh sát nghi ngờ nên có quyền khám. Chris nổi sùng c lại: "không có chứng cứ cụ thể. Cái "jacket" của tôi nó như vậy chứ súng ở đâu mà có? ".
Ngẫu nhiên bữa ra tòa Chris cũng vẫn mặc cái "jacket" hôm bị bắt. Để chứng tỏ áo jacket của  mình  không ….có súng  ,Chris liền cởi "jacket" đưa cho quan tòa coi, không biết vô tình hay vô ý cái áo Jacket của Chris bữa nay cũng…. phồng lên như hôm bị cảnh sát khám . Quan toàn ngắm nghía cái "jacket" rồi thò tay vào túi xem thử ra sao. Trước con mắt ngạc nhiên của Chris, quan tòa lôi ra hai gói cocain và ông ta phá lên cười mấy phút  mới ngưng được để ra lệnh cho cảnh sát tống giam chàng Chris. 

Qua email của THOA NGUYEN.