Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Đời sống: CĂN BẢN VỀ RƯỢU VANG - Nguyễn Tuấn.

 



CĂN BẢN VỀ RƯỢU VANG. 

Nhân ngày Chủ Nhật, tôi muốn chia sẻ với các bạn về ... rượu vang. Cứ mỗi cuối tuần là hay ngồi tán gẫu với bạn bè bên chai rượu vang, và hay tài khôn giải thích cho các bạn rượu. Họ bảo tôi nên viết ra một cái note để họ hiểu hơn về rượu vang, và đây là cái note đáp ứng yêu cầu đó: giải thích những thuật ngữ và phân biệt các loại rượu vang. 


Nhiều bạn tôi ở Úc, sau một thời gian định cư, bắt đầu thích rượu vang hơn là thích bia. Rượu vang của Úc, đặc biệt là Shiraz, rất ngon (theo tôi). Nhưng đa số than phiền rằng họ không phân biệt được các loại rượu vang, chẳng biết cái nào là Shiraz và cái nào là Pinot Noir, cũng không biết cách đánh giá rượu nào có chất lượng cao thấp ra sao. Có bạn tôi nói họ thấy rượu vang nào cũng giống giống nhau! 


Còn ở Việt Nam, mấy năm gần đây rượu vang cũng bắt đầu có được một thị trường khá tốt ở thành phố. Thật ra, ở Sài Gòn và Hà Nội có những 'tụ điểm' rượu vang rất phong phú so với Úc. Những tụ điểm đó có đủ rượu từ Âu sang Mĩ (kể cả Nam Mĩ) và Úc nữa. Nhưng có vài thực khách trong các tụ điểm đó không phân biệt được rượu và chất lượng rượu vang. 


Tôi thì chẳng phải am hiểu gì về rượu vang, nhưng vì có thời đi học về nó và có nhiều năm trải nghiệm. Do đó, tôi có thể chia sẻ vài kiến thức hết sức căn bản về rượu vang, với mong giúp các bạn thưởng thức tốt hơn về loại rượu này. Tôi sẽ bàn về loại rượu và những thành tố làm nên chất lượng của rượu vang. 


1.  Phân biệt theo màu: Trắng, hồng, đỏ 


Chữ "rượu vang" là cách dịch từ chữ "vin" trong tiếng Pháp, có nghĩa tương đương với tiếng Anh là "wine". Rượu vang thường được làm từ nho. Có rất nhiều loại nho mà chúng ta dễ thấy từ màu của da nho: nho xanh, nho đỏ, nho đen. Màu của rượu vang cũng mang màu da của nho. 


Thật ra, tôi mô tả quá đơn giản! Trong thực tế, có cả 1000 loại rượu vang tuỳ thuộc vào loại nho và cách lên men. Tôi không thể nào biết hết vì chỉ là người uống thôi. Tựu trung lại, rượu vang có thể xếp thành 3 nhóm chánh theo màu:


• Rượu trắng (white wine): không nói ra thì các bạn cũng biết đây là loại rượu mà nước màu trắng, nhưng không trắng như rượu đế, mà là trắng vàng. Những rượu trắng tiêu biểu làm từ giống nho Chardonnay, Semillon, Marsanne, Sauvignon Blanc, Riesling, Moscato và Pinot Grigio. 


• Rượu hồng (Rosé wine): đây là loại rượu màu hồng hồng, chớ không phải màu hồng như chúng ta hay thấy. Một số nho tiêu biểu để làm rượu hồng là Grenache, Syrah và Zinfendel. 


• Rượu đỏ (red wine): đây là loại rượu thường 'mạnh' hơn rượu trắng và hồng. Rượu đỏ có thể làm từ nhiều loại nho, nhưng tiêu biểu phải kể đến Pinot Noir, Beaujolais, Merlot, Shiraz, Malbec và Cabernet Sauvignon. 


2.  Phân biệt theo vị: Khô và ngọt 


Rượu vang có thể phân biệt theo mùi vị, và có 2 loại chánh: dry (khô/nhạt) và ngọt. Rượu nhạt là loại có nồng đồ đường dưới 1%, và do đó khi uống vào chúng ta không có cảm giác 'vương vấn'. Còn rượu ngọt (còn gọi là 'wet wine' - rượu ướt) thì có mùi vị ngọt với nồng độ đường trên 20%.


3.  Phân biệt theo nồng độ alcohol: nhẹ, trung, đậm 


Thuật ngữ quan trọng nhứt ở đây là 'Body', có nghĩa là 'hương vị' (chớ không có nghĩa không có nghĩa thông thường là 'thân thể'). Hương vị là yếu tố rất quan trọng để định hình một loại rượu vang. Hương vị không có liên quan gì đến chất lượng của rượu. Nồng độ alcohol trong rượu là yếu tố chánh để xác định hương vị. Dựa vào nồng độ alcohol, người ta chia rượu vang thành 3 nhóm: nhẹ, trung và đậm. 


3.1. Rượu Nhẹ (light-body)


Nói nôm na, đây là loại rượu nhẹ, với nồng độ alcohol chừng 12.5% hay thấp hơn. Rượu light-bodied thường ngọt ngọt, nhưng vẫn có mùi alcohol. Do đó, những rượu loại này thường được phục vụ như là món khai vị, khởi đầu buổi tiệc. Dưới đây là một số loại rượu trong nhóm này: 


• Rượu sùi (sparkling wine): Đây là loại rượu nhẹ và như tên gọi là nó có bọt, thường có vị ngọt. Loại này bao gồm 3 rượu chánh: Champagne, Prosecco và Cava.  


• Rượu trắng nhẹ (light bodied white wine) Đây là loại rượu trong nhóm light-bodied, tức nồng độ alcohol thấp hơn 12.5%, nước rất trong, và nên để trong tủ lạnh trước khi uống. Rượu này rất dễ uống trong mùa hè và có thể dùng với rất nhiều thực phẩm khác nhau như hải sản, salad, thịt gà, cheese, v.v. Có 3 loại rượu rất phổ biến trong nhóm này: Sauvignon Blanc, Pinot Grigio, Soave. 


• Rượu trắng ngọt: Đây là loại rượu tương đối ngọt và thơm vì làm từ loại nho có mùi thơm. Nó thường thuộc nhóm 'rượu khô/nhạt' (dry wine). Mùi vị của loại rượu này thường có mùi trái cây và hoa. Loại rượu này đi rất 'êm' với các món ăn Thái (như canh chua) và các món tráng miệng: Riesling, Moscato. 


• Rượu tráng miệng (dessert wine): Đây là loại rượu dùng sau bữa ăn để làm tăng sự thăng hoa của bữa ăn. Rượu loại này được làm từ loại nho ngọt, nên vị của nó cũng ngọt nhưng mùi thì có chút mãnh liệt. Các nhãn phổ biến trong nhóm này bao gồm: Port, Sherry, Madeira. 


• Rượu đỏ nhẹ (light bodied red wine): Đây là loại rượu có màu đỏ nhạt và hương vị nhẹ, rất phổ biến với các món ăn nấu bằng kem và cheese: Pinot Noir, Beaujolais. 


3.2. Rượu Trung (medium-body)


Nhóm này có nồng độ alcohol từ 12.5 đến 13.5%. Mùi vị của rượu trong nhóm này thường là nhạt, phẳng, và có khi ngọt ngọt, rất dễ uống. Đây là loại rượu dành cho những người muốn thưởng thức rượu mà không quá quan tâm đến các chi tiết về kĩ thuật và chất lượng. 


• Rượu rosé: Như tên gọi, đây là rượu có màu hồng (xuất phát từ da của trái nho). Rượu loại này thường có mùi vị trái cây, trong veo, và có thể 'khô' và 'ngọt'. Loại rượu này nằm giữa khoảng cách rượu trắng và rượu đỏ, và có thể đi cùng các món ăn như thịt gà chiên, thịt heo nướng và các món ăn Hi Lạp. Một số loại phổ biến là: Grenache, Syrah, và Zinfendel. 


• Rượu đỏ trung (medium bodied red wine): Đây là rượu làm từ nho da đỏ đậm, có hương vị 'thăng hoa'. Rượu này thường dùng với các món ăn Ý, hamburger, súp, và thịt nướng: Merlot, Grenache, và Zinfandel. 


3.3.  Rượu Đậm (full-body)


Đây là loại rượu có nồng độ alcohol trên 13.5%. Do đó, mùi vị của rượu thường được mô tả là mạnh và vững chãi (robust). Đa số rượu đỏ thuộc nhóm này, nhưng dĩ nhiên một số rượu trắng cũng có thể là full-bodied. Rượu loại này thường được lên men trong gỗ sồi và làm từ loại nho có vỏ dày, được trồng ở những vùng có nhiệt độ ấm. Dân thưởng thức rượu vang rất thích loại rượu này vì không chỉ mùi vị mạnh mà còn 'vương vấn' ở miệng sau khi uống. 


• Rượu trắng 'đậm' (full-bodied white wine): Rượu này như tên gọi vẫn là rượu trắng, có nồng độ alcohol cao hơn 13.5%, được làm từ nho xanh. Mùi vị rất êm và mịn như kem. Đây là rượu có thể 'đi' với hải sản, thịt gà, và cheese. Tiêu biểu là Chardonnay, Semillon và Marsanne. 


• Rượu đỏ đậm (full-bodied red wine): Như tên gọi, đây là loại rượu có màu đỏ đậm, vì làm từ loại nho da đen hay da đỏ đậm. Hương vị của nó thường rất sắc và dày. Loại rượu này thường đi với các món ăn như thịt bò steak, thịt xông khói, thịt nướng, v.v. Những nhãn hiệu phổ biến trong nhóm này bao gồm: Shiraz, Malbec, và Cabernet Sauvignon.  


4.  Đánh giá chất lượng rượu 


Đây là đề tài quan trọng và là đề tài của rất nhiều nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, thế nào là rượu ngon và thế nào là rượu dở thì rất ư là chủ quan, vì mỗi người một sở thích riêng. Người thì thích rượu trắng, kẻ thích rượu đỏ, lại có người thích rượu hồng. Do đó, đánh giá chất lượng rượu không nên dựa vào loại nho, mà nên dựa vào tiêu chuẩn khoa học. Có 5 tiêu chuẩn khoa học chánh để đánh giá chất lượng rượu: tính phức hợp, tính cân đối, tính tiêu biểu, cường độ, và độ sâu của rượu. 


Để hiểu 5 tiêu chuẩn đó, cần phải làm quen với vài thuật ngữ quan trọng. Chữ acidity có nghĩa là vị chua khi chúng ta uống rượu. Chữ tingling có nghĩa là cảm giác râm ran trên lưỡi. Chữ typicity rất khó dịch nhưng tôi muốn hiểu nó như là 'tính tiêu biểu'. Khi chúng ta uống một li Shiraz và một li Pinot Noir, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng hai loại khác nhau, và cảm giác đó có tên là typicity. 


Tiêu chuẩn 1: tính cân đối (balance)


Rượu có 5 vị chánh: chua, ngọt, chát (thuật ngữ rượu là 'tannin'), alcohol, và trái cây. Rượu có chất lượng cao là loại rượu cân đối 5 vị này. "Cân đối" ở đây hiểu theo nghĩa khi uống vào chúng ta không thấy bất cứ mùi vị từ một trong 5 thành phần đó. Để đạt được tính cân đối đó, rượu thường phải già tuổi. (Nhưng không phải rượu già tuổi nào cũng là chất lượng cao). Tuy nhiên, tôi cũng phải ghi thêm rằng có những rượu loại 'cao cấp' nhưng không hẳn phải cân đối tất cả 5 thành phần, mà có khi có một thành phần như alcohol thể hiện rõ rệt. 


Tiêu chuẩn 2: tính phức hợp (complexity)


Rượu vang có nhiều mùi và vị, và 2 yếu tố này làm nên tính phức tạp của rượu vang. Rượu chất lượng thấp thì mùi vị thường đơn giản và thường không để lại 'ấn tượng' gì trên lưỡi. Ngược lại, rượu có chất lượng cao thường có mùi vị phức tạp.


Tiêu chuẩn 3: tính tiêu biểu (typicity)


Mỗi loại rượu vang đều có một sắc diện và vị giác có giống rượu hay không. Chẳng hạn như rượu Burgundy nó phải có màu đỏ tía sẫm, hay rượu Shiraz của Úc phải có màu đỏ đậm và hương vị tràn trề. Khi chúng ta uống một li rượu Shiraz và thấy rằng nó không lầm lẫn với Pinot Noir, thì đó chính là phản ảnh tính tiêu biểu. Rượu có chất lượng cao có tính tiêu biểu cao. 


Tiêu chuẩn 4: cường độ (intensity) 


Rượu chất lượng cao thường để lại hương vị mạnh trên lưỡi sau khi uống một hớp. Nếu bạn thử một loại rượu mà hương vị nó biến mất ngay sau khi uống thì đó không phải là rượu ngon. 


Tiêu chuẩn 5: chiều sâu (depth)


Rượu có chất lượng cao thường có 'mùi vị đa tầng'. Mùi trái cây, mùi chocolate, mùi cà phê, hay mùi đậu phộng là thể hiện tính đa tầng của rượu. Để biết một chút về chiều sâu của rượu, các bạn có thể xoáy li rượu một hai vòng và uống thử. Chú ý xem mùi vị có phải 'đa tầng' không. Chẳng hạn như ngoài mùi nho, còn có mùi chocolate hay mùi khác không. 


***


Tóm lại, rượu vang là một loại rượu rất phong phú vì giống nho được dùng cho việc chế biến và kĩ thuật lên men. Ở các nước phương Tây, thưởng thức rượu vang là cả một văn hoá và nghệ thuật. Ở Việt Nam chúng ta, tách trà là đầu câu chuyện, còn ở phương Tây thì li rượu vang có thể mở đầu cho một cuộc đối thoại. Do đó, kiến thức căn bản về rượu vang rất cần thiết cho các bạn nào muốn hội nhập với bạn bè phương Tây, và đó chính là mục đích của cái note này. 


Rượu vang có thể phân chia theo màu (trắng, hồng, đỏ), hay theo vị (khô, ngọt), hay theo nồng độ alcohol (nhẹ, trung, đậm). Chất lượng rượu có thể đánh giá qua 5 tiêu chuẩn: tính cân đối, tính phức tạp, tính tiêu biểu, cường độ và chiều sâu. Hi vọng rằng những kiến thức căn bản này đã giúp các bạn hiểu hơn về rượu vang.


Chúc các bạn thưởng thức rượu vang!

NGUYỄN TUẤN. 

Cuộc sống: ĂN CƠM CHƯA? - Bình Nguyên Lộc.

 



ĂN CƠM CHƯA? (食飯未?) 🍵 

◘Bình Nguyên Lộc


[LỜI CHÂN THẬT CỦA MỘT NGƯỜI HOA - Tôi là người gốc Triều Châu nhưng từ nhỏ đến lớn chỉ học tiếng Việt và chỉ giao du với bạn Việt Nam và ngay cả cái nhà tôi ở cũng ngay trung tâm thành phố (ngay trước Hội Đồng Xã Tân An - Cần Thơ) và xung quanh là nhà của các công chức Việt Nam. Vốn liếng tiếng Tiều của tôi lúc đó rất ít nhưng lớn lên, cho đến giờ tôi vẫn có một suy nghĩ: Tại sao người ta gặp nhau hay hỏi "Anh khỏe không?" hay "How are you?" "你好嗎?" nhưng duy nhất thời đó người Triều Châu ở VN gặp nhau lại hỏi là "食飯未?" (“chẹ bừng quề”) có nghĩa là "Ăn cơm chưa?"

Tôi cho tới giờ vẫn còn bâng khuâng đó nên vẫn muốn tìm hiểu tại sao người Tiều ở VN gặp nhau hay hỏi "Ăn cơm chưa?" mà không bao giờ hỏi "Khỏe không?" vẫn không thấy gì giải thích nào thỏa đáng trên mạng; nhưng lại may mắn tìm được một truyện ngắn của tác giả Bình Nguyên Lộc (phía dưới). Đọc hết câu chuyện trong bài viết, tôi cảm thấy nghẹn ngào, rưng rưng có lẽ nó bây giờ thắc mắc đã được giải đáp dù cho chưa thỏa mãn, nhưng cũng đáp ứng phần nào cho chút suy tư của tôi.

• Lưu Khâm Hưng]


🌾


ĂN CƠM CHƯA ?  (食飯未 ?) - Bình Nguyên Lộc


Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đã thấy. Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.


Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.  Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ là tôi sắp chết đến nơi.


Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn mặc thường phục.


Bà sơ theo sau nói:


- Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống “Potion de Todd,” bác sĩ nhé! 


- Phải đấy.


Đoạn bác sĩ hỏi tôi: 


- Ông nghe thế nào? 


- Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ.


- Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm, vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.


Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó. Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:


 - Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay… Ngoan lên nhé!


Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi luôn.


Như vừa được tái sanh! Tôi không nói quá đâu. Vi trùng bệnh thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm. Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông dừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.


Trưa hôm đó, bác sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi. Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm, vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó. Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần thiết) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.


🌿  


Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi. Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.


Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con cá khô. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.


Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua “Sérum Glucosé” cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm. Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.


Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi… Cứ theo người cùng trại với “Á Lìl,” tên cô, thì cô ta là một đứa bé được “mua.” Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc. Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì quý vị biết, con bé ấy rẻ là dường nào.


Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.


Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác. Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.


Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một “ả nô tỳ,” cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, cô ta là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.


Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được...


Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch. 


Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước “An Nam,” con “nô tỳ” nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả. Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc “bi-da-ma,” lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.


Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra. 


Má Á Lìl cạn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.  Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú “chệt” già đại phú nào đây, một ngày kia.


Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với “hàm-yũu.” Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra. Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.


Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một “gàu-mên” cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa... Tôi hỏi: 


- Nhà đem cơm từ bao lâu rồi? 


- “Ngóa” thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.


- Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?


- Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng Annam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.


Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:


- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.


- Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.


Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:


- Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho “ngóa” chết mà “ngóa” không chết, nên ổng bỏ đói cho “ngóa” chết đó...


Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:


- Ăn cơm với gừng nấu dấm thì tốt lắm, như người “An nam” ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.


Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Mẹ Bề Trên, người cai quản các bà Sơ, từ Sàigòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl. Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa. Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.


Khi tôi giựt lấy “gàu-mêm” cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:


- “Cố lứ” nói thương “ngóa,” sao không cho “ngóa” ăn cơm?


- Vì thương mới không cho ăn.


Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa “nô tỳ” nầy.


Lìl cười gằn hỏi:


- Thương gì lại bỏ đói?


- Vì ăn thì chết ngay.


- Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.


Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn. 


Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.


Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.


Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:


- Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy. Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.


Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như cha chết mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:


- “Ngóa” nhớ tía má của “ngóa” quá. Tía má “ngóa” vì không có cơm ăn nên chết. Tía “ngóa” chết đi được một tháng, thì má “ngóa” bán “ngóa” cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của “ngóa” ăn. Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!


Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”


Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.


Vả lại, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được. Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện.”


Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách “gàu-mên” mà đi.  Sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.


 💦


Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.  Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:


- Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng.  Người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.


- Trời ơi! Sao lại chết?


Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.


Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:


- Chảy máu ruột!


- Sao lại chảy máu ruột?


- Vì ăn!


- Trời ơi!


Bà lão ho, rồi lại nói:


- Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.


- Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?


- Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.


Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:


- Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ...


- Sao vậy?


- Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó; Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?


Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to…


Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:


- Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?


- Có. Nó có kêu thầy...


- Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?


Nó kêu khóc rằng:


“Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết.. ‘Ngóa’ nghèo dốt, biết đâu. Trước kia tía má của ‘ngóa’ nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ‘ngóa’ nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”


Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi. Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm. 


Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơm chưa?” tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn mối tình thương đầu của tôi.


✪Bình Nguyên Lộc

Tản mạn: VÌ SAO NGƯỜI MIỀN TÂY... - ĐPC sưu tầm.

 




VÌ SAO NGƯỜI MIỀN TÂY THÍCH ĐEO VÀNG...


Người miền tây nhiều khi nhà cửa lụp xụp, tạm bợ nhưng đeo vàng đỏ tay. 

Người miền khác đôi khi lấy làm lạ. Nhưng thói quen đó được truyền qua rất nhiều đời.

Thời xưa, khi lưu dân từ các miền khác tới khẩn hoang Nam Bộ, người ta kiếm được  miếng  đất cắm dùi, rồi đốn cây, chặt lá làm cái chòi che mưa che nắng.

Làm lụng kiếm tiền, trúng mùa lúa người ta sắm vàng để dành đặng hậu thân.

Ngặt một nỗi nhà trống trước trống sau chỗ đâu mà cất, nên có bao nhiêu thì đeo trên người. Riết rồi thành thói quen người ta đánh giá giàu nghèo qua cách đeo vàng.

Các cô gái trẻ thường đeo đôi bông tòn teng, tay đeo bộ xi men sáng chói, cổ đeo dây chuyền. Mấy bà già thì tai đeo bông tiền điếu, bông mù u, cổ đeo hai ba cọng dây chuyền, tay trái đeo vòng cẩm thạch, tay phải đeo lắc nhận mặt hột dưa, mấy ngón tay đeo vài cá rá vàng.

Thói quen sắm vàng của người miền tây cũng có thể bắt nguồn qua nhiều năm chiến tranh loạn lạc, người ta không xây nhà cao cửa rộng, sợ u bích bắn tới cũng tan tành, người ta sắm vàng lận lưng, chạy giặc hay tới đâu cũng không lo đói.

Người xứ khác nhiều khi nói người miền tây khoe của, còn người miền tây chơn chất thật thà nói...

Tui có của tui đeo cho sáng nước da sao lại dèm pha?..

Ừa thì chuyện đeo vàng của người miền tây là thói quen nhiều đời để lại.

Đi đám hay lễ tết là phải đeo vàng cho có với người ta.

Tới đám cưới đám hỏi sính lễ đàng trai ít nhất cũng phải có đôi bông vàng 24, rồi bà con cô bác khá giả chút bữa chịu lạy cũng cho cô dâu vàng làm của hồi môn.

Sắm vàng, cất vàng hay đeo vàng trở thành thói quen nhiều đời của người miệt vườn.

Thói quen lâu dần trở thành cách thể hiện bản sắc riêng của người miền tây, trông có vẻ quê mùa nhưng chơn chất như con người của vùng đất Phương Nam này....

ĐPC sưu tầm. 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Thư giãn: DÂNG SAO GIẢI HẠN- Pencti Black.

 



DÂNG SAO GIẢI HẠN

Nguồn: Pencti BLack

Đêm nay đúng 23h35 hai vợ chồng tôi mới về được đến nhà, vừa dắt xe vào nhà bà vợ tôi vội dâng lễ trên ban thờ. Miệng vừa lẩm nhẩm khấn vái vừa giục tôi;

Chồng mau đem lộc ra để còn bày lên cho đủ lễ.

Vừa mệt, vừa buồn ngủ díp cả mắt, tôi thò tay vào áo đưa phần lộc cho vợ tôi sắp vào đĩa rồi tôi đi ngủ...chưa kịp ngả lưng, tôi thấy vợ tôi thét lên kinh hoàng;

Giời ạ, các của nợ gì thế này?

Vội chống mắt ngó vào đĩa lộc, tôi tự dưng á khẩu và đứng hình trong giây lát

-Từ trước tết hơn một tháng, bà vợ tôi đã lo lắng và bảo;

Sang năm chồng sao Thái Bạch đó, tôi phải tìm chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho khỏi tai ương. Các cụ nói “Thái Bạch bán sạch cửa nhà” đó, nghe vậy tôi bèn nói;

khiếp, nhiều đứa lô đề cờ bạc vẫn bán nhà đó thôi, cần gi phải sao Thái Bạch hay sao Thái Dương; đương nhiên bà vợ tôi mắng át đi;

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, ông đừng nhiều chuyện phá ngang nhé.

Biết không cãi được nên tôi đành kệ , sau nhiều lần hỏi han bạn bè. Bà vợ tôi phấn khởi thông báo;

Đầu năm tới nhà mình sẽ dâng sao giải hạn tại chùa cây Đề nhé, đó là ngôi chùa vô cùng linh thiêng... sao bà biết nó thiêng, tôi vặn lại?

Thì tôi nghe nhiều người nói là nó thiêng, còn vì sao thì ai mà biết được...chắc xưa kia nó có thánh tích của Đức Phật chứ sao nữa.

Thôi thì đành chiều theo ý bà vợ, ngay từ 20 tết, ai vợ chồng tôi đã phải đến chùa làm lễ đăng ký. Vợ tôi nói, chùa thiêng nên đông lắm, nếu chậm chân là nhà chùa chốt sổ không nhận thêm nữa đâu.

--Bà vợ tôi nói cũng không sai, sau khi nghe nói việc dâng sao giải hạn của vợ tôi, bà vãi giúp việc trong chùa chắc kiêm luôn thư kí, kiêm thu ngân cho sư trụ trì mở sổ ra và nói;

Sao Thái Bạch sẽ giải hạn đúng ngày rằm tháng hai nhé, chị nộp tôi 800 ngàn, còn 4 người khác trong nhà chị sao không xấu, mỗi người 500 ngàn. 

Vị chi là 2 triệu 800 ngàn. Nghe đến số tiền khổng lồ đó tôi suýt ngất, có mỗi cái lễ mà mất gần 3 triệu đúng là giết người không dao.

Nhìn vào cuốn sổ, tôi thấy tên nhà tôi cũng đang ở số 780 rồi. Chắc từ giờ đến lúc làm lễ phải tầm 2 ngàn người. Thấy bà vợ nộp một mớ tiền mà tôi thấy bần thần cả người, trên đường về tôi nói;

Cứ tính bình quân 500 ngàn một người, vậy nhân với 2 ngàn người là có 1 tỷ rồi, buôn gì cho lại. Chưa tính các sao xấu như; sao La Hầu, sao Kế Đô... đúng là làm giàu không khó, lại không mất xu thuế nào...cứ theo dòng suy nghĩ như vậy cho đến khi về nhà, bà vợ tôi nhìn nét mặt đầy tâm trạng của tôi bèn hỏi; Ông nghĩ nghĩ thế;

Biết thế ngày xưa tôi đi tu cho nhàn, tự nhiên có một mớ tiền tha hồ tiêu. Thích điện thoại xịn, có ngay...thích xe ô tô 7 chỗ cũng có ngay, tôi trả lời mà lòng đầy luyến tiếc. Nghe thấy thế bà vợ tôi mắng luôn;

Giời ạ, ông chỉ nói linh tinh, xe ô tô là để các sư thầy đi hoằng dương đạo pháp, lấy đâu mà đi chơi, người như ông có mà tu hú, tu trên chùa lô đề ý. Không buồn tranh luận với vợ, tôi chỉ bận tâm về mấy mớ tiền mà nhà cùa thu được vào mỗi dịp lễ mà thôi. Đúng là giàu nghèo có số thật.

Như lịch hẹn từ trước tết, đúng ngày 15 tháng hai, nhà tôi chở nhau đến chùa, quả đúng như tôi dự đoán, hôm đó trong chùa lẫn ngoài sân đông nghẹt người, hai vợ chồng tôi chen mãi không vào nổi gian tam bảo để đặt lễ. Nghe nói có người đã đi xí chỗ từ 9h sáng, dù 18h mới bắt đầu làm lễ. Cứ mỗi chiếc ghế nhựa con để ngồi trong sân chùa là mất phí 20 ngàn, dù chiếc ghế đó ra chợ mua chắc cũng giá đó. Nhưng vì đi muộn nên nhà tôi cũng chả còn chỗ để mà ngồi, trong gian chính thì khỏi bàn...không bao giờ có suất ngồi gần sư trụ trì rồi.

Đang tìm chỗ thì một bà vãi chỉ ngay sang dãy nhà đối diện chùa và nói;

Trong này đông lắm, hết chỗ rồi cô chú sang bên kia mà ngồi, Phật tại tâm mình nên bái vọng từ xa vẫn được. 

Nghe thấy vậy hai vợ chồng tôi lại kéo nhau sang dãy nhà dân ngay gần chùa, hầu như nhà nào cũng có dịch vụ trông xe máy và ô tô với giá cắt cổ. Thấy tôi bà củ nhà nói luôn;

Ngồi trên ban công tầng 3 vái vọng sang thì cho chị xin 50 ngàn một suất, có phục vụ trà nóng. Ngồi trên sân thượng thì 30 ngàn và chỉ có nước lã đun sôi, cô chú chọn chỗ nào. Vợ tôi tặc lưỡi; cái áo còn lo được nữa là cái dải áo;

Thôi bác cho xin 2 suất ngồi ban công, nộp xong 100 ngàn nhà tôi lên ban công ngồi hóng sang sân chùa đợi chính lễ. 

Ngoài ban công có hơn chục ghế và cũng gần đủ người, một thằng cu tầm 16 ngồi ngay gần đó thông báo;

Các bác đi tè cho cháu xin 5 ngàn, đi ị nhà cháu thu 10 ngàn nhé. Đúng là dịch vụ quá chi li, Ngồi từ 6h đến nửa đêm, kiểu gi chả đi tè, vậy là nhà này lại thu được mớ tiền. 

Tranh thủ lúc chưa đến giờ làm lễ, tôi mò lên sân thượng, trên đó lố nhố gần 30 con người đứng ngồi lố nhó, trên này cũng có một thằng cu đang thông báo; các bác đi tè nhà cháu xin 3 ngàn nhé, không có có chỗ đi ị đâu. Thấy lạ tôi bè hỏi;

Này sao đi tè ở trên này rẻ thế;

Nó bèn chỉ cho tôi chỗ thoát nước mưa ở góc sân thượng và nói, trên này chỉ đứng và tè vào đây thôi nên rẻ hơn bác nhé. Quả là hợp lý trong các mức dịch vụ, nhìn sang tất cả các nhà dân bên cạnh, hầu như nhà nào cũng có dịch vụ y chang như vậy. Tôi thấy dịch vụ ở đây giống như dịch vụ đi máy bay vậy, trên sân thượng là hạng phổ thông economy, còn dưới ban công là hạng thương gia business. Ngó nghiêng chán chê, tôi quay xuống hạng thương gia của mình.

Đúng 6h tiếng gõ mõ tụng kinh bắt đầu vang lên, báo hiệu lễ dâng sao giải hạn bắt đầu, do nhà chùa đầu tư hệ thông loa có công suất lớn cho nên ngồi trên này tôi nghe khá rõ. Lúc đọc tên làm lễ theo danh sách dài dằng dặc cũng là gần 22h đêm rồi, đúng là uông nước trà bồm pha với nước chưa sôi nên tối đó, không riêng tôi mà các vị ngồi hạng thương gia đều phải vào nhà vệ sinh vài lần, riêng khoản phí xả thải này nhà đó cũng thu thêm được mớ tiền.


********

Đang gà gật bỗng vợ tôi kêu;

Ông mau xuống lấy lộc đi, nhanh không hết bây giờ. Ngó xuống sân chùa tôi thấy có kê một cái bàn khá dài và phủ miếng vải đỏ, trên đó cơ man nào là hoa quả để phát cho các phật tử; gọi là đem về thụ lộc.

Khi xuống đến sân chùa, một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra, vì khuya rồi nên ai cũng muốn có lộc để còn về, thế là không ai chịu nhường ai, cảnh tranh cướp ngay sân chùa chả khác gi cảnh phá kho thóc của Nhật năm 1945. Cố chen vào gần bàn để lễ mà tôi vẫn bị bật ra mấy lần vì biển người xô đẩy nhau. Ai lấy được lộc rồi phải nhanh tay cho ngay vào người, nếu không sẽ bị cướp mất. Có mẹ chen khỏe quá tụt cả váy mà không sao cúi xuống kéo lên được vì sự xô đẩy chen lấn.

Mất 15 phút mà tôi vẫn không sao len vào được, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cái bàn lộc ngay tầm tay nhưng đông quá, tôi bèn nghiêng người rồi thọc mạnh tay qua đám người xô đẩy. Bàn tay tôi cũng tóm được một quả mềm mềm, tôi đoán là Thanh Long, vừa tóm vừa thu về mà không có được, tiếng la hét ầm ĩ khắp nơi. Nghiến răng tôi giật mạnh một phát, thoáng nhìn thấy miếng vải lộc màu đỏ, tôi nhét vội vào trong người và lại sấp ngửa chen ra ngoài để về.

Thấy tôi đầu tóc xơ xác, mồ hôi nhễ nhại, vợ tôi an ủi;

Một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần, thôi thì mình chịu vất vả chút nhưng bù lại cả năm mọi việc hanh thông ....

Khi nghe bà vợ hét ầm lên vì đĩa lộc, tôi ngó vào và giật mình; hóa ra cái mà tôi tưởng miếng vải đỏ của nhà chùa lại là một nửa cái coóc xê ren đỏ của mẹ nào đó.

Thôi chết rồi, đến đây thì tôi hiểu ra. Cái mà tôi tưởng là quả thanh long và túm bằng được là cái gi rồi... 

lúc đó quá hỗn loạn nên mọi tiếng la hét đều không nghe rõ được.

Chả hiểu sao tôi lại giật được nửa cái áo này nhỉ, cứ nghĩ lại cảnh đó tôi thấy ái ngại quá.

Chắc tôi phải mua lễ tạ lỗi ngay, khổ thân mẹ nào hôm nay bị tôi bóp cho bẹp tí... chắc thù tôi cả năm.

Thiện tai, thiện tai.

SƯU TẦM. 



- Từ FB Lê Văn Quy.




MẸ GIÀ. 

 Nhớ lại dạo tôi chuẩn bị gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ tôi mắc chứng đãng trí từ nhiều năm, để bà ở nhà có thể ảnh hưởng đến an toàn của bà và cả nhà, vì đã có lần bà bật bếp ga rồi quên không đóng.

Mẹ tôi thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy tôi hoặc con dâu, bà chỉ khẽ cười. Đôi khi tôi hỏi mẹ đang nói gì vậy thì bà trả lời: “Mẹ có nói gì đâu!”

Vợ tôi thường phàn nàn: “Em sợ cái cảnh này quá”!

Thậm chí có những đêm, vợ tôi thức dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy một cái bóng đen đen lù lù trong phòng khách, thì sợ đến nỗi hồn bay phách lạc. May đúng lúc đó, tôi cũng tỉnh dậy, ra bật điện, thấy mẹ đang ngồi đó không nói năng gì. Tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại ngồi đây thế?” Bà đứng dậy, lắc đầu, đến bản thân bà cũng không biết vì sao mình lại ngồi đây.

Quay về phòng, vợ tôi vẫn thao thức. Cô giận dỗi: “Ngày nào cũng như thế này thì làm sao mà sống nổi đây”. Nói xong, cô đề nghị: “Hay chúng ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.

Tôi suy nghĩ mãi rồi vẫn phải lắc đầu, thở dài, quyết định thế nào cũng không xong.

Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha, chỉ có mẹ tôi một mình tần tảo nuôi tôi nên người. Tôi nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi bước nữa, và đó đều là những đàn ông tương xứng với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi nhất quyết cự tuyệt, mẹ tôi sợ rằng lấy người khác rồi thì tôi sẽ chịu ấm ức.

Mẹ tôi hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi tôi, một đời ngậm đắng nuốt cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ tôi cũng nuôi tôi học đến đại học, dạy tôi thành trang nam tử, cho tôi kĩ năng phấn đấu trong sự nghiệp. Đến nay mẹ tôi vẫn chưa được hưởng ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà chẳng lẽ tôi lại nhẫn tâm đưa mẹ vào viện dưỡng lão sao? Vợ tôi thấy chồng nói vậy thì thôi không nói gì, nhưng trong tâm thì không hài lòng, thường quay mặt tránh nhìn tôi.

Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Cơm đã chín, nhưng bà lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Vợ tôi vừa nhìn nồi cơm vừa trách: “Mẹ, sao mẹ lại ấn nút hai lần?”

Bà nín nhịn hồi lâu, cuối cùng nói một câu: “Mẹ quên”.

Lần khác, mẹ tôi ra ngoài, khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.

Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm tôi cũng bắt đầu dao động. Tôi nghĩ: “Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…” Hôm đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, tôi bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.

Mẹ tôi ngồi lặng thinh, không nói lời nào.

Vợ anh ngồi bên, được thể nói: “Mẹ, mẹ đến đó rồi, nếu thực sự không quen, thì chúng con lại đón mẹ về nhà mà”.

Bà thở dài gật đầu, tối đó bà thu dọn. Đồ đạc được chuẩn bị cũng rất đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho nhỏ. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng. Vợ tôi nói: “Mẹ, để nó ở nhà đi”. Bà đáp trả: “Không, mẹ phải mang nó theo!”

Từ khi mắc bệnh thì cái gì mẹ tôi cũng quên. Chỉ có chiếc hộp sắt là không lúc nào bà quên mang theo bên mình. Đôi khi vợ lôi tôi ra, chỉ vào trán hỏi: “Anh có ngốc không? Có biết có cái gì trong hộp không”? Tôi lắc đầu, từ trước tới giờ tôi thấy mẹ tôi luôn coi chiếc hộp đó như một bảo vật, tôi chỉ biết có vậy thôi.

Vợ tôi nói: “Cả đời người, ai chả có một bảo vật, hay chút tiền vàng trong tay. Trong chiếc hộp của mẹ anh chắc chắn là những thứ đó”.

Tôi vừa nghe vậy, tự nhiên thấy động lòng. Tôi biết, nhà ngoại tôi trước kia là địa chủ giàu có. Nếu thực sự trong hộp có thứ gì đáng giá, đưa mẹ tôi mang theo rồi bị mất hay bị kẻ trộm lấy thì thật đáng tiếc.

Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ, mẹ đưa hộp đây con xem được không?”

Bà lắc đầu, giữ khư khư bên mình và nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ tôi nhìn thấy vậy thì lầm bầm vài câu. Hôm đó vợ chồng tôi chưa đưa mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Đến đêm khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi và vợ mới nhẹ nhàng mở hộp ra, bất chợt tôi nhìn thấy những vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, vợ chồng tôi cũng không đưa mẹ tôi đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau chúng tôi cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.

Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy ghi lại thời gian tôi thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. Ở quê tôi có một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không được phép vứt đi mất, nếu không giữ cẩn thận, đứa trẻ đó sẽ ốm yếu triền miên và chết yểu…

Mẹ có già, có lẫn, mẹ có thể quên đi hết mọi thứ trên đời, quên đi cả chính bản thân mình nhưng tình yêu dành cho con thì vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của mẹ. Con chính là cả cuộc đời của mẹ.

Từ fb LÊ VĂN QUY.


Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Thơ : CÕNG MẸ - NT.



( Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng )

 CÕNG MẸ.

Mẹ là báu vật trong đời
Mẹ là biển cả, Mẹ là trời xanh
Mẹ là gió mát trong lành
Mẹ là nắng ấm làm xanh cánh đồng
Mẹ là cây lúa, nụ bông
Mẹ là nước chảy từ trong suối nguồn
Cho dù phải chịu khổ buồn
Nuôi con khôn lớn Mẹ luôn quên mình
Đời Mẹ trọn chữ hy sinh
Làm sao trả hiếu, trả tình, Mẹ ơi?
Cho tôi cõng lại Mẹ tôi
Gian lao Mẹ đã cả đời cõng con
Hãy yêu khi Mẹ vẫn còn
Còn hơn ghi lại dấu son muộn màng!

NT
QLD 18/02/22

Đời sống: BỆNH CHỤP HÌNH- Thanh Mai.

 


( Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng )


BỆNH CHỤP HÌNH. 

Nói về bệnh chụp hình thì bệnh nhân phần nhiều là phụ nữ ở lứa tuổi “quá hồi xuân” vì ngày xưa, thời còn trẻ trung xinh đẹp mấy nàng đâu có điều kiện để chụp hình nhiều. 

Điều kiện kinh tế là một phần vì phần đông thời học sinh chỉ đủ tiền quà vặt còn khi ra đời phải lo cơm áo gạo tiền làm gì có thời giờ õng ẹo khoe dáng. Ngoài ra, chụp hình thời đó phải mua film và đi tiệm rửa vừa tốn tiền vừa mắc công nên có chụp cũng không được nhiều.

 Bây giờ thì ngược lại. Tuổi hết còn xuân mà là “Quá luôn cái tuổi hồi xuân” nhưng tiền bạc rủng rỉnh, có tiền có thời giờ, có luôn smart phone chụp hình rẹt rẹt thoải mái không hạn chế. Cứ bấm máy một lần cả trăm cái cũng được sau đó xem lại xoá bớt, rồi chỉnh sửa màu sắc, ánh sáng, hình nền nên tha hồ mà chụp. 

Hơn nữa ngày nay còn có nhiều website để photo shop xoá mụn và nếp nhăn, làm mịn trắng da như trứng gà bóc, hoặc làm mắt to ra, ốm thon, chân dài mênh mang còn sướng hơn đi thẩm mỹ viện vì khỏi tốn tiền và khỏi đau đớn. Nên mấy bà mấy cô ngu sao không chụp cho đã!

Nhỏ bạn hỏi tôi sao thấy mi chụp hình hay đeo kính râm vậy? Tôi giải thích:

- Mắt bây giờ có túi mỡ lại còn sụp mí. Đeo cái kính râm vô để che dấu vết thời gian rồi nhe răng cười là hình chụp ra sẽ tươi rói thôi. Và lỡ có nháy mắt hoặc nheo mắt vì chói nắng cũng không ai thấy!

Vậy là sau đó, thấy một đám bạn khi chụp hình đứa nào cũng đeo kính râm như tôi. Nhìn hình “tập thể” cứ như một đội binh hiệp sĩ mù! Tức cười lắm. Chụp ngoài trời đeo kính mát thì còn có lý chứ chụp trong nhà cũng đeo kính đen thui trông kỳ cục chẳng giống ai!

Có nhiều người bệnh nặng, ghiền đến nỗi cứ một cảnh mà nghiêng đầu qua, ẹo đầu lại, đứng lên, ngồi xuống, làm dáng đủ kiểu. Chụp xong banh cái hình ra xem kỹ từng sợi tóc, môi cười, ngón tay rồi bắt chụp lại. Họ đâu biết rằng ai mà có thời giờ banh cái hình của họ ra mà săm soi đâu chứ.

Người mang bệnh chụp hình sẽ làm khổ hoặc làm phiền cho thợ chụp hình bất đắc dĩ vô cùng vì cứ tưởng tượng cùng nhau đi chơi mà cứ bị bắt làm phó nháy. Không được thưởng ngoạn thì chớ mà cứ chụp cho họ xong là bị bắt sửa chụp đi chụp lại. Sùng gan thấy tía mà hổng dám than!

Chụp hình xong dĩ nhiên ai cũng chọn những tấm đẹp nhất khoe lên Facebook cho bạn bè xem. Thế là thiên hạ nhào vô lịch sự khen trẻ, khen đẹp túi bụi chứ dám chê à! Thế là càng chụp, càng khoe mới chết chứ vì hình như mình thấy mình cũng đẹp thật. Mưa lâu thấm đất mà!

Nhớ một ngày kia cô bạn chung sở gặp tôi nói:

- Dạo này chị Thanh đi chơi chụp hình đăng Facebook trông trẻ đẹp ghê hổng giống bên ngoài tí nào!!!

Ha ha ha! Lời nói hay nhất trong năm! Không biết có ai được khen giống tôi không nhỉ??? 

Bệnh chụp hình này là bệnh thời đại Smart Phone và Facebook. Nhiều người vì nó mà bỏ mạng vì rán kiếm hình độc đáo khoe Face như đứng chụp ở triền núi, bờ vực, thác nước, sóng lớn, trên đường rày xe lửa trước chuyến tàu đang phóng tới…v.v. Tôi cũng có lần đi bộ băng sông đang đông đá để chụp hình và quay phim khoe bạn bè trên Facebook. Giờ nghĩ lại mà thấy sợ vì trên mặt sông tuyết che phủ hết nhưng biết đâu bên dưới có chỗ chỉ đông một lớp đá mỏng, mình sụp chân xuống là dòng nước cuốn đi ngay không thể nào ngoi lên được. 

May mà tôi chưa tới số chết để tự thú căn bệnh chụp hình của mình! Và cũng may nó không phải là bệnh nan y nên tôi đang tự chữa được sơ sơ. Mong là mọi người ý thức căn bệnh thời đại này để tự chữa cho mình khỏi cần đi gặp bác sĩ! Hi hi!

THANH MAI. 

Đời sống: THỨC TỈNH - LTN

 


( Hình ảnh sưu tầm trên mạng chỉ có tính minh họa )


THỨC TỈNH...

(VALENTINE 2022)


Ham lấy vợ đẹp Việt Nam, việt kiều Mỹ mới biết ác mộng thực sự là như thế nào

Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như quay cuồng. Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho “thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt đầu qua đây.

Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều. Tôi vốn ở Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm nghành Anh Văn và học xong. Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chãi kiếm sống vì gia đình tôi không thể chu cấp mọi chi phí.

Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện “lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình. Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.

Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì thu nhập trung bình hàng năm của người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7 ngàn có sao đâu. Nhưng thánh thần ơi, đó là thu nhập, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,… Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.

Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm. Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả nai để được đi Mỹ.

Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn máy).

Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng có tiền.

Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm.

Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến vi tính, uống tóc đến móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.

Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo yêu cầu tôi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.

Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.

Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.

10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có biết tiếng Anh xin làm dễ hơn,....

Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm 2 việc để có hơn 24 ngàn đô-la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có gì.

Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa nước mắt ân hận.

Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong thân hình tiều tuỵ của hắn làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho hắn.

Tôi dễ dàng kiếm việc và hắn nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra viện. Tôi ráng bươn chãi thêm việc cuối tuần để hòng giúp hắn có tiền mua xe khác và cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt hơn.

Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.

Hắn từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức. Tôi muốn có con với hắn để hắn yên lòng vì thế tôi và hắn phải nhịn 6 tháng để hòng hắn có đủ sức lực theo lời bác sĩ.

Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Hắn hạnh phúc và sức khoẻ dần dần tốt hơn. Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khá. Hắn chỉ đi làm việc nhẹ và tôi gánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong hắn khoẻ mạnh trở lại chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.

Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn tôi là hắn.

Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ bị giới hạn. Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ.

Tôi đã sai và sửa sai.

Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.


LTN.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Thơ vui: BÀ MỚI CỦA EM - Thanh Mai.





 BÀ MỚI CỦA EM.

 Bà em tuổi mới hăm ba

Ông em vừa cưới về nhà vài hôm.

Bà trông như ngọn cỏ non,

Xanh tươi mơn mởn bên con trâu già.

 Ông em thì mới…bảy ba,

Hơn có năm bó thôi mà có sao.

Tiền ông rủng rỉnh hầu bao,

Muốn gì có nấy bà nào có than.

 Kim cương, lắc bạc, vòng vàng,

Cả người lấp lánh hào quang sáng ngời.

Bà luôn rạng rỡ xinh tươi,

Mi-ni váy ngắn khoe đôi chân dài.

 Bà mê đi shop tiêu xài,

Làm ông cà thẻ mặt dài héo queo.

Ông buồn nhưng chẳng dám kêu,

Cưới con vợ trẻ phải chiều đó thôi.

 Chỉ cần bà trẻ ỉ ôi,

Vuốt ve nũng nịu “Cưng ơi Cưng à”

Là ông quên hết ta bà,

Cỏ non trước mắt trâu già gặm mê.

 Sợ rằng già yếu bà chê,

Linh đan thần dược gởi về lia chia.

Ông còn nhuộm tóc nhuộm ria,

Đổi gu cho hợp nửa kia phĩnh đời.

 Ra đường thiên hạ hết lời,

Khen ông bà xứng nhưng cười sau lưng..

Em mừng ông được hồi xuân,

Nhờ ơn bà trẻ đã ưng ông già.

 Bà tuy không đảm việc nhà,

Chỉ là chuyện nhỏ tình già đủ vui.

Nhớ ngày xưa cũ xa xôi,

Bà xưa tuy đảm lôi thôi chán phèo

Bà mới ăn mặc hơi .... nghèo

Ông em thương lắm bám theo suốt ngày.

Hết còn than vãn la rầy

Hết ngồi một đống, loay hoay hầu bà.

Cơm dâng, nước rót, Massage

Bà em thật sướng chắc là ... biết tu!

Lấy chồng già thật khỏe ru?

Kiếp sau em cũng sẽ...tu như bà!!!!


THANH MAI.

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Thơ: CHIỀU PHAI... - Tống Ngọc Nga.

 



c h i ề u p h a i...


chiều dần buông chầm chậm

giọt nắng chẳng chịu tan

cánh chuồn kim thiu ngủ

mơ giấc xưa đại ngàn


chiều dần trôi chầm chậm

hoa chùm gửi thưa bay...

chút mùa như nán lại

đợi mỏi cơn mưa dài


chiều giọt buồn rượu cay

người đàn bà ngồi hát

"... tưởng rằng tình đã quên...!?

tưởng rằng tình đã phai.."


chiều nâng niu lọn nhớ

bạc tóc trời mây bay

dòng thời gian hao hụt

lếch thếch già , không hay


chiều nay chiều mai nữa

tiếng buồn gieo trên cây

thương cánh hoa chùm gửi

chết trên ngọn lưu đày


Tống Ngọc Nga 


   🍁


p h i ê n k h ú c

 t ì n h y ê u 


sao không là bóng râm

che đời em hoang vắng

sao không là bếp lửa

sưởi ngực em giá băng


sao không là hạt mưa 

tưới vào tim si dại 

sao chẳng là sợi nắng

cuối chiều hoàng hôn phai


sao chẳng là mây bay

che đời em bão tố

sao không là sóng vỗ

dịu mát bãi bờ khô


sao không là của em

lời thề xưa vụng dại

giờ anh vui bên người

ôi ngày xưa xa mãi


sao chẳng là sợi nắng

cuối chiều hoàng hôn phai...


Tongngocnga 

.

Xứ người: CÓ MỘT TẤM LÒNG- Đinh Trực st.

 



CÓ MỘT TẤM LÒNG...!

Người Nhật khi dời trụ điện bằng gỗ đã bị mục nát đề thay bằng trụ điện bê tông thì những người thi công vô tình phát hiện ra trên cây trụ điện gỗ đang có một tổ chim. Thế là họ vẫn tiến hành trồng cây trụ điện mới và khéo léo để lại đoạn cây trụ điện có tổ chim kia...!

Cũng vậy, người Tây khi làm nhà mái ngói họ thiết kế ra một góc nhỏ có gắn sẵn cái tổ chim để chim thiên nhiên có thể trú ngụ mà không phải cất công sức làm tổ nữa...

Người Nhật còn phải mua ngũ cốc, thóc gạo rải trên các cánh đồng khi mùa đông về, tuyết che trên các cánh đồng cho chim sếu và chim đi cư, chim trời ăn vì sợ chúng không kiếm được mồi...!

Nhân bản đến thế...!

Đinh Trực

Đời người: MÙA XUÂN CỦA MẸ - Trần Thiên Hương.

 



MÙA XUÂN CỦA MẸ

Chiều cuối năm , bà Hai nhận đuợc một triệu bảy trăm ngàn tiền lì xì mừng năm mới , ba đứa con gái của bà gửi đến từ một người chạy xe ôm công nghiệp

Chúng để tiền trong cái phong bì như là đuợc làm từ giấy dầu , thứ giấy mà người ta thường xếp các loại túi giấy đựng chút hàng tạp hóa

Bà Hai cầm số tiền trong tay , bà cũng không biết nên buồn hay vui nữa

Đêm giao thừa qua đi trong sự cô tịch , hững hờ giữa không gian nhỏ bé của căn nhà nhỏ xíu , bà Hai vẫn chờ đợi một điều gì đó.

Các con bà ở Quận Tân Phú , bà thì ở Gò Vấp

Nào có xa xôi gì đâu , chỉ cách nhau có 8 km thôi mà.....

Sáng mồng một , bà Hại đã đi Chùa lễ Phật từ rất sớm , chừng như bà sắp xếp trong đầu , đi sớm về sớm , kẻo các con có về thăm thì không bị nhỡ cuộc gặp mặt đầu năm , bà đã chuẩn bị chút thức ăn , kẹo bánh và trái cây mà năm xưa các con của bà rất thích , trên môi bà thoáng nụ cười khi nghĩ đến lúc các con vừa ăn vừa xuýt xoa khen _ Ngon quá Mẹ ơi !...

Bà Hai chờ từng tiếng xe , từng bóng người qua vội trước cửa nhà... 

Buổi sáng , bà Hai nghĩ rằng  _ Chắc đêm qua tụi nó thức khuya đón giao thừa nên sáng nay ngủ bù

Buổi trưa bà hy vọng theo từng tiếng đồng hồ , chút nữa cơn của bà sẽ về , đến hơn mười bốn giờ bà lại nghĩ _ Trời nắng nóng quá , chắc tụi nó đợi bớt nắng mới về ...

Nắng chiều đã nhường chỗ cho màn đêm , mang theo sự chờ đợi của bà Hai tắt lịm

Không gian tĩnh lặng như nỗi niềm của bà vậy

Một ngày đầu năm trôi qua trong nỗi buồn của người Mẹ cô đơn.

Cả đêm qua , bà Hai thao thức suốt, hình ảnh ngôi nhà nhỏ ở miền quê sông nuớc rợp sắc Mai vàng , Vạn Thọ , Mồng Gà , nở đầy khắp sân vuờn, các con của bà xúng xính trong bộ quần áo mới , hăm hở chờ chúc Tết Mẹ để nhận đuợc  bao  lì xì đỏ thắm ,  đứa cắn hạt dưa , đứa cười tít mắt , khi một đứa kể chuyện tiếu lâm thật là có duyên..... Mẹ con quấn quýt bên nhau nói cười rôm rả......

Mồng hai Tết đã trôi qua hơn nửa ngày rồi

Bà Hai không còn chờ đợi nữa ,  bởi bà chợt hiểu ra rằng . Chúng đã đi du lịch ở đâu đó rồi.....

Giờ thì ... bà không còn quan trọng Tết hay thời gian nữa

Cơ hội đoàn viên của bà và các con trong mấy ngày Tết đã thành vô vọng.

Bà thắp nén nhang dâng lên bàn thờ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát , cầu nguyện cho các con của bà năm mới nhận đuợc nhiều sức khỏe, bình an và làm ăn suôn sẻ

Bà hứa từ nay sẽ tha thứ tất cả những tội bất hiếu của các con đã vì dại khờ mà nên .

Rồi bà tự trải lòng qua mấy câu thơ

Con ơi !... Chớp bể mưa nguồn

Con càng khôn lớn Mẹ buồn nhiều hơn !

.... 

Mùa Xuân của Mẹ không còn nữa

Từ ngày nhà thiếu vắng các con

Ngoài kia trên bầu trời mây xám lững lờ trôi

Như cảm giác lặng lẽ trong lòng Người Mẹ ấy !...


TTH Viết vào Trưa Mồng Hai Tết  năm 2022

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Thơ : ĐẤT TRỜI ĐÂU CŨNG XUÂN- Thạch Thảo.





 ĐẤT TRỜI ĐÂU CŨNG XUÂN.


Rôm rả chào xuân mai thắp nụ

Vườn sau chim chóc ríu ran ca.

Thọ lan đào cúc hương ngan ngát

Ngõ phố tinh tươm...khắp mọi nhà.


Mừng xuân nhộn nhịp bầy con nít

Áo đỏ vàng xanh...khoe mới tinh.

Lính đảo miền xa về phép Tết

Mắt môi cười tỏa nắng lung linh.


Lể mể tươi hoa,mâm ngũ quả

Bàn thờ phảng phất  khói hương bay

Tất lòng con cháu vui sum họp

Chúc phúc cầu mong những mắn may.


Xuân mới hẹn chàng đi lễ Phật

Nghe chừng cỏ lá rộ bình yên

Vườn sai trái ngọt đồng xanh lúa

Đằm thắm tình quê.Thơm ngát duyên.


Chàng là tất cả mùa xuân chín.

Chợt thấy đất trời đâu cũng xuân. 


         Thạch Thảo NTTT

  Masteri Thảo Điền ngày 4-1-2019

Thơ: VALENTINE - Thuy Hà.

 




VALENTINE

Em tự hái 

Chùm hoa cỏ nhỏ nhoi

Để nghĩ anh là Gió

Thiên di đến ngàn phương

Quên mất đường trở lại

Em như nhành Cỏ dại

Mềm yếu mọc bên đường

Nhìn Gió bay vời vợi

Mắt nhạt nhoà rưng rưng

Mơ... Một ngày Tình Nhân

Gió sẽ về bên Cỏ

Lay tóc mượt bờ vai

Như... Ngày xưa tuổi nhỏ

Chưa biết buồn bâng khuâng

Anh là Gió...Em là Cỏ

Bên nhau hồn nhiên hát

Bản Tình Ca thiên thu.

THUY HÀ. 

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

Thơ: TA VẪN CÒN TA - H.V.H




      ( Mấy "chàng trai xưa" trên 70 uống xuống đô rồi! Trong đó có 3 "chàng" uống nước suối và nước ngọt! Chưa kể 2 "chàng"  uống nước suối đã... về trước!...) 

 TA VẪN CÒN TA.(*)


Mười hai tháng mười hai

Chúng mình về họp mặt 

Ghi nhớ năm bảy mươi(**)

Ta tuổi xuân phơi phới 

Đường đại học thênh thang 


Khóa mười hai năm ấy 

Nông-Lâm-Súc thân thương 

Tuổi hồn nhiên mười tám

Mình làm quen giảng đường 

Thấm đẫm bao mến thương 


Rồi vật đổi sao dời 

Bao nhiêu năm gian khó

Kẻ ở người đi xa

Nhưng trái đất vẫn tròn 

Nên ta vẫn còn ta…


H.V.H - (12-2-2022)

______________

-CHÚ THÍCH :

- (*) - Để liền một mạch với mấy bài thơ theo đường link dưới đây, tựa bài thơ đã được sửa đổi. Xin cảm ơn và mong quý đọc giả thông cảm.

http://huynhvanhuehvh.blogspot.com/2016/12/tho-ta-van-con-ta-2016-huynh-van-hue.html


http://huynhvanhuehvh.blogspot.com/2017/12/tho-ta-van-con-ta-2017-huynh-van-hue.html


http://huynhvanhuehvh.blogspot.com/2018/12/tho-ta-van-con-ta-2018-huynh-van-hue.html


- (**)- Khóa 12 năm 1970.

(Định họp mặt thường niên vào 12-12-21, nhưng vì dịch bệnh nên dời sang ngày mừngTân Niên 12-2-22.)

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Cuộc sống: BẠN CŨ- Ngô Vũ Cát Tường (FB)




 BẠN CŨ


Nó học rất giỏi, là cây văn nghệ phong trào của khoa, được nhiều bạn bè thương mến, là crush của nhiều cô gái Đại học Kinh tế K35 năm đó.

   Đang năm 3, cả lớp bất ngờ khi nó tự tổ chức 1 bữa tiệc ngọt để chia tay bạn bè về quê do gia đình không kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn.

...

10 năm sau

...

   Vất vả cơm áo gạo tiền khiến nó già trước tuổi, gánh nặng gia đình làm cho thể xác nó càng thêm còm cõi, những vết chân chim hằn sau đuôi mắt làm cho ánh nhìn của nó lúc nào cũng đau đáu tâm tư.

   Một số ae K35 Khoa Kinh doanh Quốc tế tìm hiểu được biết nó hiện nay đang chạy xe ôm, sống vất vả trong 1 phòng cho thuê miết tận Tân Kì-Tân Quý và quyết định dành cho nó 1 sự bất ngờ.

...

   Chiều hôm đó, đang ngáp ngắn ngáp dài chờ khách ở Vòng xoay Hàng Xanh nó nhận được 1 cú điện thoại lạ, người khách yêu cầu mua cho họ 32 cái phong bì và ship đến phòng VIP 3 của 1 nhà hàng nổi tiếng Sài gòn trên Quận 1, phí ship là 150k, yêu cầu là trước khi vào phòng phải gọi điện thoại cho họ để xác nhận.

   Mừng thầm vì bữa tối nay gia đình có được thêm món ăn ngon, nó xoay đầu xe 180 độ trực chỉ về khu trung tâm...

   Choáng ngợp với khung cảnh sang trọng của nhà hàng, nó rụt rè nhờ nhân viên phục vụ dẫn đến phòng VIP mà người khách lạ đã dặn.

Sau cuộc điện thoại xác nhận, nó đẩy cửa bước vào...

   Không tin vào mắt mình, đứng dọc lối vào sau cánh cửa là hai hàng những con người áo quần sang trọng đồng loạt gọi tên, vỗ tay, ôm hôn nó, tự nhủ chắc họ nhầm mình với ai đó, rồi nó càng ngạc nhiên hơn, họ gọi đúng tên mình mà...

   Định thần sau vài giây, nó nhận ra đây là tập thể K35 Khoa Kinh doanh QT yêu thương thưở nào. Một số đi công tác xa thì không có mặt, cả nó nữa là 33 người.

   Thằng Tường lớp trưởng sau khi nhận cái túi đựng phong bì rỗng bèn đưa nó vào 1 căn phòng rộng hơn, trong đó bàn tiệc đã sẵn sàng để chờ 1 mình nó.

   Bạn bè gặp nhau mừng mừng tủi tủi cùng ôn lại chuyện cũ, ai cũng tránh không nhắc tới chuyện gia đình nó hiện thời.

   Rồi cuộc vui tàn, bạn bè chia tay, Tường trước khi tiễn nó về cầm lại túi phong bì nhét vào trong áo khoác sờn vai của nó, kéo khoá cẩn thận và nói:

   - Sợ mời mày không đến nên bọn tao phải dùng hạ sách này, mong mày thông cảm.

   Đêm đó nó về tới nhà khoảng 9h, lòng vui vì gặp lại lứa bạn bè thành đạt, nhìn lại mình cũng thoáng buồn vì tết nhất đến nơi mà chưa sắm sửa được gì cho vợ và con.

   Vợ nó đón ngay cổng, phụ đẩy chiếc xe cà tàng lên cái cầu cao dắt vô nhà, sẽ sàng cởi cái áo khoác của nó ra. Quái lạ, sao hôm nay cái áo nặng vậy, vợ nó hỏi:

   - Anh bỏ cái gì trong này à?

   Nó nói: mấy cái phong bì không thôi mà.

   Tò mò, vợ nó mở ra xem. Ui chao, trong phong bì nào cũng cơ man tiền, tiền Việt có, đô Mỹ có, đô Úc có. Vợ nó vội lay hắn, lúc này đã thấm mệt:

   - Anh, tiền đâu ra nhiều vậy, phong bì nào cũng tiền?

   Nó vùng dậy, hết đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đọc được tờ giấy do Tường viết: 

Đây là số tiền ae lớp tạm hỗ trợ cho mày và gia đình đón Xuân Kỷ Hợi, đừng suy nghĩ gì cả. Đó là tấm lòng của các bạn mình.

   Mắt nó nhoà đi và lòng nó ấm lại như bếp lửa hồng của nồi bánh tét ai đó đang nấu bên hông khu trọ...

Chia sẻ từ fb Ngô Vũ Cát Tường

Tản mạn: TÔI VÀ SÀI GÒN - DODUYNGOC

 



🌉TÔI VÀ SÀI GÒN


   Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy. Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.


      Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố. Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ. Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Cường Để, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.


     Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm(bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.


   Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.


   Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.


Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn năm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể quên.


Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.


    Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gồc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954. Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.


     Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm. Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của ngưởi Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.


     Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa. Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.


    Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên. Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.


    Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc. Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.


    Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.


15.4.2018


DODUYNGOC

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Thơ vui: MA NÀO ĐÁNG SỢ?- Lê Xuân Sang.




 MA NÀO ĐÁNG SỢ ?

Ma tuý đáng sợ từ lâu

Già trẻ,lớn bé đi chầu tổ tiên

Một khi vướng phải cơn ghiền 

Nhà cửa bán hết ,bạc tiền đi đong


Ma Pham ( ma femme = vợ)) ăn hiếp ông chồng

Tay nào làm bậy.sao lòng chẳng run ?

 Bé nào lóc chóc ,lung tung

 Chắc phải sợ hãi cái bà Ma Măng ( maman = mẹ)

 Nhưng gần đây  nhất ,thật căng

 Cái bịnh thế kỷ gọi rằng Cô Vi

 Ai mà vướng vào dễ “đi”

 Chầu tiên tổ sớm ,tức thì như chơi

 Chuyện này đâu nói khơi khơi

 Nói ,mách có chứng một lời khuyên răn

 Cảnh giác ,không được nhì nhằng 

 Con  Ma này dữ mọi người biết chăng ?

  tên mới của nó là thằng  .....Ma Cô !

😀😀😀😀😎😎

LÊ XUÂN SANG 

6.2.2021


Chú thích :

Ma nào cũng đáng sợ hết ,nay có thêm bịnh mới là Cô vi nên ghép tếu lại là : MA CÔ .😀

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Nhân sinh: VÙNG KÝ ỨC TRẮNG- Nguyễn Anh Đào.





 VÙNG KÝ ỨC TRẮNG

Đứa con gái hai mươi sáu tuổi hét lên trước mặt ông:

- Thậm chí người đàn bà đó về nhà mình làm osin chưa chắc con đã đồng ý!

Ông không kìm chế được nữa, đưa tay giáng thẳng một tát vào má của đứa con gái mà suốt hai mươi sáu năm qua ông chưa một lần đánh nó. Nó lao ra khỏi nhà tay ôm một bên má lằn đỏ và đôi mắt đầy nước. Ông buông người xuống ghế, không còn một chút sức lực nào nữa để đứng lên. 

   Có những sai lầm mà khi muốn sửa sai với người này, ông lại buộc phải phạm sai lầm với người khác.

Ông xếp vài bộ quần áo bỏ vào vali rồi ném lên chiếc ghế bên cạnh chỗ ông ngồi lái, ông chạy thẳng về phố huyện. Ra khỏi thành phố, trời sầm sập đổ mưa. Tim ông thắt lại khi nhớ ngày ông gặp lại bà Lựu, khi bà đang đẩy xe bánh canh đi bán dạo. Bà cười với ông, hồn nhiên hỏi “tô đặc biệt nhen!” rồi hồn nhiên múc cho ông, còn ông chưa hết ngỡ ngàng nhìn người đàn bà mình đã phụ bạc hai mươi sáu năm trước.

Ông ngồi bên vệ đường ăn hết tô bánh canh bà đưa cho mà nước mắt ông chực rơi, ông muốn hỏi rằng: suốt hai mươi sáu năm qua bà đã sống thế nào, tại sao với từng đó số vốn ông đã cho, bà vẫn không có cuộc sống sung sướng mà phải sống cuộc đời cơ hàn như thế này? Nhưng- hình như bà không nhớ ông là ai hết dù ông đã ngồi rất lâu. Đến khi ông đứng lên thanh toán tiền,thấy ông vội vàng quệt nước mắt, bà sững nhìn ông vài giây.

- Bánh canh tui nấu không ngon hả?

Ông bối rối nhìn bà:

- À, không phải, bà nấu ngon lắm, tự dưng ăn làm tui nhớ đến một người cũng từng nấu ngon như vầy cho tui ăn!

Bà Lựu lại cười một cách hồn nhiên nhất có thể:

- Cám ơn ông!


Ông vào xe ngồi đợi và đi theo bà cho đến khi bà về nhà, ngôi nhà nhỏ xíu lọt thỏm trong một con hẻm nghèo nàn, đường nhão đất đỏ của phố huyện. Hai đứa con trai ra đẩy xe vô cho bà, hai đứa con chừng mười bảy mười tám tuổi.


***

Ngày ông ôm đứa con gái mới được bốn tháng tuổi rời phố huyện theo lệnh của mẹ mình, ông kịp để lại toàn bộ tài sản mà ông được chia lúc đó cho người đàn bà còn đang say ngủ kèm một lá thư, người đàn bà đó thay vì thức dậy trong hạnh phúc với chồng và con, thì chỉ còn lại mớ tiền dày cộm dưới gối và một bức thư tuyệt tình đến nhẫn tâm.

Thầy bói bảo rằng bà có số sát phu, nên mẹ ông nhất định không chấp nhận đứa con dâu như bà, dẫu bà đã sinh cho ông một đứa con gái, dẫu ông bỏ nhà cao cửa rộng để đến ngôi nhà rách nát tồi tàn của bà mà ở. Nhưng khi mẹ ông tu ừng ực chai thuốc trừ sâu trước mặt ông, khi bà phải cong người để chịu súc ruột trong bệnh viện và hôn mê đến mấy ngày mới tỉnh, thì ông buộc mình phải đặt hai phía trên một bàn cân. Ông chọn mẹ, con gái và ra đi. Ông từ bỏ bà và tất cả tài sản ông có, đủ để có một căn nhà khang trang, đủ cho bà làm lại cuộc đời.

Ông trốn chạy khỏi phố huyện, trốn chạy sự bội bạc của mình, ông quằn quại với những giấc mơ ma mị, ông xé lòng với tiếng khóc khát sữa của con. Những lúc quá sức đau đớn, ông tự nhủ rằng, thời gian sẽ xóa được, ít nhất thì mình hãy ráng chờ đợi đến khi mẹ qua đời mới trở về tìm người đàn bà đã trao hết tình yêu đầu đời ngọt ngào nhất cho ông, dẫu chỉ là quỳ xuống xin bà tha thứ chứ không còn đủ tư cách xin nối lại tình xưa.

Có lúc ông nhớ bà đến nỗi muốn đi tìm bà ngay, nhưng mẹ ông luôn để chai thuốc trừ sâu trên đầu giường ngủ khiến ông sợ. Ông nhu nhược đến nỗi suốt hai mươi mấy năm, cố quên một người đàn bà không được, ông thành một đứa con bất hiếu chỉ mong mẹ mình già yếu mà chết đi để ông được sống cuộc đời của mình.

Mẹ ông đã dùng chai thuốc trừ sâu đó để ép ông cưới hai lần vợ, nhưng chưa lần nào sống với nhau nổi hai năm, hai bà vợ của ông đều rời bỏ ngôi nhà đó sau khi nhận thấy làm vợ quá cô đơn khi chồng mình có trong tim một bóng hình khác. Càng nhìn con gái mình lớn, ông càng nhớ bà, nó giống bà quá, chỉ có tính tình của nó, vì được bà nội cưng chiều nên nó lớn lên với tính cách ông không mong muốn. Nên khi nó biết ông về phố huyện tìm một người đàn bà nửa tỉnh nửa điên, nghèo rớt, nó cho rằng chính bà đã quyến rũ ông vì gia sản của gia đình. Ông ngỡ ngàng nhận ra hình bóng của người đàn bà mà ông yêu thương hết mực đã mất dần trong chính giọt máu của mình. Nhưng ông phải nói thế nào cho nó biết rằng, chính cha nó đã làm mẹ nó đến nông nỗi như hôm nay?

Ông cảm thấy xé lòng với câu hỏi đó? Ông phải làm sao?


***

Ai cũng có thể cần tiền và phải bán mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu của mình để có tiền, nhưng nhất định không phải bán con. Bà Lựu cũng vậy, nên với một núi tiền dưới gối nằm mà mất đi đứa con gái vài tháng tuổi, bà gần như điên dại. Ban đầu, bà thất thểu chạy khắp nơi để tìm con và tìm người đàn ông nhẫn tâm của bà, suốt nhiều năm như thế, bà không thể tìm ra. Bà về ngồi lại trong căn phòng mình, ôm những chiếc gối thơm mùi sữa của con mà ru à ơi hàng đêm, rồi khi sực tỉnh, bà lấy đống tiền của ông để lại, cắt nát từng tờ một, nát đến không thể nhận ra đó là những tờ tiền.

Bà Lựu trở thành “bà điên” từ đó. Nhưng không biết trời đang thương hay ghét bà, một năm bà có mấy tháng tỉnh táo, mấy tháng đó bà đi làm, bà nấu bánh canh rồi gánh đi bán, sau này người con lớn tìm đâu được mấy cái bánh xe cũ, về đóng cho bà cái xe đẩy, từ đó bà đẩy đi. Những tháng ngày nhớ con điên loạn, bà đi tìm con, rồi đói lả, rồi ngủ lăn lóc ở đâu đó ven đường. Thằng con trai nhỏ là kết quả của một đêm ngủ vật vờ bụi bặm, bị gã say nào đó hãm hiếp, mà chính bà cũng không nhớ mình đã bị những gì, cơ thể rách nát ở đâu?

Ngày bà chuyển dạ sinh con, có thằng nhỏ ăn xin mồ côi chừng mười tuổi đi ngang, nó la làng kêu người cứu, rồi từ đó nó ở luôn với bà, nó kêu bà là mẹ, nó đi xin ăn rồi nuôi cả mẹ lẫn em. Sau khi sinh con, bà tỉnh lại. Nhưng cái ký ức đau thương của những ngày mất con thì không còn nữa, xóa thành một vùng trắng tinh. 

   Hình như đó cũng là sự thương xót cuối cùng của ông trời dành cho người đàn bà bất hạnh này.


***

Ông chỉ còn cách bà mấy bước chân, nhưng ông phải nói thế nào đây, phải giới thiệu mình là ai, phải làm gì để có thể chuộc lại những lỗi lầm mà ông đã gây nên đau thương cho người phụ nữ này gần hết cuộc đời?

Khi bà nhìn ra ngoài màn mưa, bắt gặp ánh mắt ông từ xe nhìn vào, bà mỉm cười, cúi chào. Ông vội vàng đưa tay quẹt nước mắt mình rồi bung cây dù xuống xe bước đến, bà ngỡ ngàng hỏi:

- Ông... ông ăn bánh canh nữa hả?

Ông vội vàng lắc đầu, lúng túng chưa biết nói sao, thì thằng con lớn của bà nhanh nhảu:

- Bạn mẹ hả? Xưa giờ con mới thấy mẹ có bạn đó!

Ông lắp bắp:

- Ừ, ừ phải... ta là bạn mẹ con!

Trong câu chuyện hôm ấy giữa gia đình bà, ông nghẹn lại rất nhiều lần, nhưng sự thật về ông, ông vẫn không dám nhắc, bởi trong bà bây giờ - khoảng ký ức ấy trắng tinh.

Rồi ngày mai, ngày kia, ông lại trở về làm một người bạn của bà, sẽ kể cho bà nghe những kỷ niệm rất đẹp thuở xưa, còn những đau buồn, ông sẽ không kể lại, để khoảng ký ức đó của bà, vĩnh viễn là vùng trời đẹp nhất.


NGUYỄN ANH ĐÀO