Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Vài kỷ niệm dưới mái trường Pétrus Ký


image001
 “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (phải);
Tây Âu khoa học yếu minh tâm (trái)”
 (tạm dịch nghĩa: (Tam) cương (ngũ) thường Khổng Mạnh nên khắc cốt - Khoa học Tây Âu ghi tạc trong lòng).


Là một người suốt đời thích đi đó đi đây mà phải bó gối ngồi nhà trong suốt hơn nửa năm qua, thật là một cực hình đối với tôi. Với tình trạng hiện nay không biết bao giờ lại được lang thang trên các nẻo đường của thế giới. Có lẽ không còn cơ hội nữa, một phần vì tình trạng sức khỏe không cho phép mạo hiểm, phần khác tuổi già sức yếu nên đi lại chắc chắn có phần khó khăn hơn nhiều. Là một người thích làm việc nhưng để tránh tiếp xúc ở chỗ đông người, tôi đã quyết định về hưu. Để giết thì giờ tôi đã tìm đủ mọi cách để sửa sang mọi thứ trong nhà cũng như ngoài vườn nhưng vẫn còn quá nhiều thì giờ rảnh rỗi không biết phải làm gì. Một cái khó nữa là tôi cố gắng nhắm mắt bịt tai để không thấy không nghe những chuyện thời sự xẩy ra hàng ngày. Điều tối thiểu cần thiết của tôi hiện nay là phải giữ tâm trí không bị khủng hoảng, không làm những chuyện điên rồ. Nhớ lại quá khứ, ước gì tôi được sống lại những ngày hồn nhiên, vô tư không lo nghĩ của tuổi học trò dưới mái trường Pétrus Ký hay Quốc Học. 
***
Tôi được cha mẹ cho đi học trường làng rất sớm. Một trường làng hẻo lánh mà thầy dạy được vài hôm thì có thầy bị Pháp bắt, có thầy bị Nhật bắt, có thầy phải chạy trốn nên việc học hành của tôi bữa có bữa không. Rồi theo anh theo chị vào Saigòn và được học trường tỉnh với giờ giấc đầy đủ và nay tôi bước vào trường trung học Pétrus Ký với một niềm tự hào.

Niềm tự hào của một cậu bé mười ba tuổi chỉ hoàn toàn dựa vào khả năng của chính mình để được vào học một trường lớn nhất và nổi tiếng nhất miền Nam. Trường quá lớn, quá đẹp. Chỉ nhìn cổng trường với tấm bảng ghi tên trường và hai câu đối bằng chữ Hán ghi trên hai cột cổng cũng đủ thấy trường uy nghiêm thư thế nào. Tôi nhớ không lầm thì trong suốt ba năm học tại trường tôi chưa bao giờ dám bước vào trường bằng cổng chính nầy.
Trong ba niên học từ năm 1952 đến năm 1955 tôi học các lớp đệ thất, đệ lục và đệ ngũ. Lúc này trường Pétrus Ký có hai chương trình, chương trình Việt dần dần thay thế cho chương trình Pháp. Các môn học thì quá nhiều: Việt, Anh, Pháp, Hán văn, công dân, sử địa, toán, lý hóa... Tôi thích nhất là môn hóa học vì được vào giảng đường để xem thầy làm thí nghiệm.
Tình hình chính trị thời này không được ổn định lại cộng thêm những cuộc biểu tình đẩm máu của học sinh và sinh viên toàn quốc. Tôi nhớ ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn hay xuống thăm các lớp, luôn luôn có hai người đi theo ông, đó là hai người cận vệ trong mình có súng lục.

Trong suốt ba năm học tôi có rất nhiều thầy giáo, cô giáo, nhưng hai thầy giáo mà tôi nhớ nhất là hai thầy năm đệ thất. Thầy Ưng Thiều người Huế dạy Hán văn và cũng là người viết hai câu đối ghi trước cổng trường và thầy Nguyễn Văn Ba người Nam dạy Pháp văn. Giờ học của hai thầy thì hoàn toàn trái ngược, giờ của thầy Hán văn thì cả lớp im lặng, không ai dám nhúc nhích, giờ của thầy Pháp văn thì cả lớp ồn ào, vui cười suốt giờ. Nhưng không phải đó là lý do tôi nhớ hai thầy mà là chuyện khác. Mỗi lần có chỉ dụ của Vua Bảo Đại, thầy người Huế bắt cả lớp đứng dậy, mọi người phải vòng tay và đứng im lặng. Thầy trừng mắt nhìn mọi người rồi mới đọc chỉ dụ. Về sau có đứa thắc mắc hỏi thầy tại sao phải làm vậy, thầy nói như vậy là đã quá châm chước, đáng lẽ mọi người phải quỳ để nhận chỉ dụ của Vua. Tôi nhớ thầy người Nam vì thầy hay kể chuyện và đọc thơ trong lớp. Một hôm thầy dùng viết Bic gỏ vào bàn để mọi người chú ý rồi từ từ ngâm thơ: “Đêm trăng em dạo vườn chè, ...”. Tay vừa gỏ nhịp, miệng vừa ngâm tiếp ba câu thơ kế. Khi thầy chấm dứt, tụi nhỏ chúng tôi cười ngả, cười nghiêng, vừa đập bàn, đập ghế lâu sau mới chấm dứt. Bài thơ gồm bốn câu lục bát lời thanh nhưng ý rất tục. Đó là thầy chuyên kể chuyện và ngâm thơ tục cùa tôi.

***

Niên học 1954-1955 là thời  kỳ di cư, tình hình chính trị rất là sôi động. Tôi nhớ năm đó tôi học lớp đệ ngũ. Lớp học của tôi ở tầng trệt cuối dãy sát với đường đi từ cổng phụ vào. Vào khoảng 11 giờ trưa ngày 28/4/1955 tiếng súng nổ chát tai, cả thầy lẫn trò không ai bảo ai đều chun xuống gầm bàn. Đó là tiếng súng giao tranh đầu tiên giữa quân đội Cộng Hòa và quân đội Bình Xuyên tại trạm gác ở cổng phụ của trường, đây là trạm gác của nhóm Bình Xuyên đóng sau trường Pétrus Ký và nhóm Bình Xuyên này chống trả rất mãnh liệt. Cuộc giao tranh này kéo dài cả giờ. Gần 1 giờ trưa thì tiếng súng im bặt, có lẽ ngưng chiến. Thầy trò chúng tôi được lệnh chạy ra khỏi trường càng nhanh càng tốt. Sau đó có tin cuộc chiến tiếp tục và tối đó nhóm Bình Xuyên bị đánh bật ra khỏi nhiều sào huyệt và rút khỏi Saigòn. Nói thêm Bình Xuyên đứng đầu là Bảy Viễn là nhóm được Pháp bảo trợ, họ tổ chức sòng bài Kim Chung và nhiều ổ mại dâm công khai ở Saigòn, gọi là bình khang.

Các dãy nhà phía sau trường Pétrus Ký cũng là những lớp học tạm thởi của trường di cư Chu Văn An. Nhiều trận chiến khác cũng đổ nhiều máu xẩy ra hàng ngày tại công viên xe lửa cạnh trường giữa học sinh trường Pétrus Ký và học sinh trường Chu Văn An.

***

Sau đó thành phố Saigòn trở lại ổn định và tôi học hết năm đệ ngũ. Nếu nói riêng về nam sinh thì trường trung học Chasseloup Laubat (trường Lê Quí Đôn sau nầy) là trường của con em những người vai vế trong xã hội thực dân còn trường trung học Pétrus Ký là trường của con em những người bản xứ thấp cổ bé miệng. Nhưng điều đó không có nghĩa học sinh trường Pétrus Ky thua kém học sinh trường Chasseloup Laubat. Thật vậy, tôi xin kể câu chuyện sau để thấy trình độ học vấn của học sinh trường Pétrus Ký thời nầy giỏi như thế nào.

Nếu kể về thứ hạng năm nay cũng như hai năm trước tôi cũng chỉ đứng trên trung bình một chút, trong lớp có quá nhiều bạn học giỏi hơn tôi. Tuy vậy tôi đã đạt được một kết quả làm tôi luôn cảm thấy hãnh diện.

Thằng bạn hồi tiểu học và tôi học khác lớp nhưng chúng tôi thường gặp nhau. Gia đình nó có một cái sạp bán tạp hóa ở chợ Nancy, ngay ngả tư Nancy và Galliéni (ngả tư đường Nguyễn Văn Cừ và Trần Hưng Đạo ngày nay). Tôi hay đến sạp này ngồi chơi với nó, tôi thấy gia đình nó nghèo, em út quá đông. Một hôm nó nói với tôi nó muốn học nhảy lớp để mau xong chương trình trung học đệ nhất cấp để đi làm. Muốn được vậy cuối niên học nầy nó phải thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp (bằng brevet du premier cycle du second degré chương trình Pháp tương đương với bằng trung học đệ nhất cấp chương trình Việt, phải đậu bằng nầy mới được học tiếp lớp 1ère année secondaire chương trình Pháp hay lớp đệ tam - lớp mười - chương trình Việt) . Nó nhớ chuyện ngày trước nên nó rủ tôi đi học lớp luyện thi với nó. Hai đứa ghi tên học lớp luyện thi và tôi lấy học bổng để đóng tiền học mà không cho chị Năm tôi biết. Thầy dạy là thầy Pháp văn ở trường Pétrus Ký. Thế là ba tháng cuối niên học này sáng học lớp đệ ngũ trường Pétrus Ký, chiều học chương trình luyện thi tương đương với chương trình lớp đệ tứ. Thầy chỉ dạy hai môn Pháp văn và toán, các môn khác phải tự học lấy.

Hai đứa chúng tôi cùng đi nạp đơn, cùng đi thi bên trường Chasseloup Laubat chung với học sinh các trường Chasseloup Laubat, Marie Curie... của chương trình Pháp. Bài thi gồm thi viết và thi vấn đáp, phải đậu thi viết mới vào thi vấn đáp, cố nhiên tất cả các phần thi đều bằng tiếng Pháp. Sáng ngày đầu thi dictée (chính tả) và luận văn, chiều thi toán. Tôi vẫn còn nhớ tựa bài dictée là "Le Paysage Laotien"  do một bà đầm người Pháp đọc. Bài dictée này nếu quá sáu lỗi thì bị loại. Vì sợ chị Năm tôi biết nên tôi lén mua báo để xem kết quả. Dò bài dictée tôi thấy sao tôi phạm nhiều lỗi thế, chắc không có hy vọng. Đến ngày tuyên bố kết quả hai đứa chúng tôi cùng đi xem. Một ông thầy người Pháp đứng giữa sân trường đọc kết quả (có anh chị nào được hưởng cái cảm giác hồi hộp khi lắng nghe người đứng giữa sân trường đọc kết quả một kỳ thi không?). Tôi không biết có bao nhiêu thí sinh đậu thi viết nhưng tôi nhớ ông thầy người Pháp chỉ cầm trong tay một mảnh giấy. Hình như tôi có nghe tên tôi. Rồi ông dán mảnh giấy lên một tấm bảng đen. Sau một lúc chen lấn đến gần tấm bảng, nhìn kỹ mảnh giấy một lúc lâu tôi mới chắc tôi đã đậu thi viết. Hôm sau vào thi vấn đáp, nhưng tôi không học một chữ nào cho những bài vấn đáp nên tôi thi hỏng. Bạn tôi thì đậu ngay khóa đầu, còn tôi mãi hai tháng sau mới thi đậu bằng brevet khóa hai.

Qua câu chuyện trên cho thấy không phải riêng hai chúng tôi mà rất nhiều học sinh lớp đệ ngũ của trường Pétrus Ký có đủ trình độ học giỏi để thi đậu bằng brevet của chương trình Pháp như những học sinh học trường Pháp. Theo tôi biết thì trường không ngăn cấm chuyện thi cử đó, vì khi chúng tôi xin nghỉ học để đi thi thì trường đều cho phép, nhưng trường công không cho phép nhảy lớp như vậy sau khi đậu bằng brevet và muốn học nhảy lớp thì phải ra trường tư học tiếp và tôi biết có nhiều bạn trong lớp đã làm như vậy.


Lê Quý Thể
9/2020

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Vui cười : CỨ TƯỞNG... - Sưu tầm.


CỨ TƯỞNG...


Sưu tầm : NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG - Ngan Le Nguyen st và gt

Ba Tôi, Nhạc Sĩ Trúc Phương !!!
( 19-9-2020 )
alt

Từ trước đến nay, có rất nhiều tờ báo cũng như bài viết nhận định về cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương, có người nói ông sau 1975 có cuộc sống khốn khó, có người viết rằng ông sống quá bi đát, rồi cũng có tờ báo nói rằng khi qua đời ông chẳng còn gì cả …..
Những điều này có đúng là sự thật hay không ? xin mời quý vị xem qua lời tâm tình của những người con nhạc sĩ Trúc Phương.

_____________________________________________________

Chị Trúc Loan, một người con gái của nhạc sĩ Trúc Phương tâm sự như sau :

Ba tôi sinh năm 1933, tại xã Mỹ hòa, quận Cầu ngang, tỉnh Trà vinh. Quê nội tôi hiền hòa, chơn chất, nhưng nghèo khó nên ba tôi đã đi lên Sài gòn từ nhỏ. Ông vừa học, vừa làm, và cũng để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình.

Ba tôi viết nhạc và nổi tiếng từ rất sớm nhờ dòng nhạc boléro chậm, trữ tình của ông dễ nhớ, dễ nghe. Ngoài cây đàn guitar thường xuyên bên cạnh, ba tôi còn biết chơi thành thạo các nhạc cụ khác.  Hồi còn nhỏ xíu, có lần theo ba đi Đại nhạc hội, ba tôi còn đàn contrabass trong dàn nhạc nữa, lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì cây đàn quá to này, ba phải đứng mới cầm được nó… Khi chơi với các con, ba tôi thường lấy cây harmonica ra thổi…

Ba gặp má tôi khi bà còn đang đi học. Ba cưới ngay khi má chỉ 16 tuổi ! Tôi được sinh ra vào thời điểm ba tôi viết nhạc nhiều nhất.. dù sau đó, tôi còn có thêm 5 đứa em nữa, nhưng ba vẫn luôn cưng tôi nhất nhà.

Ba tôi là một người đàn ông rất yêu gia đình, thương vợ thương con. Ba tôi cũng là 1 người con, người cháu rất có hiếu. Ngày xưa, dù nghèo, ở nhà thuê, nhưng ba tôi cũng nuôi bà cố tôi chu đáo. Khi làm có tiền, ba hay mua sắm đồ đạc mang về quê cho bà nội tôi… Ba tôi hiền lành, chân thật , rất lạc quan và tốt bụng. Có lẽ vì vậy nên ai cũng quý mến. Tính ba tôi lại rất nghệ sĩ, không vụ lợi, không tính toán nên không có dư. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, má tôi phải gánh vác từ lúc ba tôi phải nhập ngũ..

altChị Trúc Loan, con gái nhạc sĩ Trúc Phương.

Sống trong thời chiến, lại phải làm lính xa nhà, nên có lẽ ba tôi là người hiểu ,cảm nhận được tâm tình của người lính nên các sáng tác của ông lúc này là luôn dành cho những người lính : Kẻ ở miền xa, Bông cỏ may, Trên 4 vùng chiến thuật, Để trả lời 1 câu hỏi, Đêm trên vùng đất lạ, Một người đi xa, Người nhập cuộc… Hàng trăm bản nhạc của ông, được biết rộng rãi chưa đến 20 bài, theo danh mục cho phép của nhà nước… Nhạc của ba tôi không vui, không xập xình ồn ào, nhưng âm thầm lắng đọng, lặng lẽ đi vào lòng người nghe bởi cái chân thật, ngọt ngào. Bởi vì khi viết , ba tôi sáng tác với cả tấm lòng, mỗi bài nhạc đều ẩn chứa những lời tự sự, những nỗi buồn…

Đọc bài viết về Trúc Phương trên trang wikipedia, đoạn cuối: rõ ràng là người viết không biết gì nhiều về ông, gia đình tôi rất bức xúc về điều này. Có những bài viết không chính xác, “tam sao thất bổn”, không khách quan, không đúng về ba tôi. Trước khi mất khoảng vài tháng, năm 1995, trong 1 bài phỏng vấn , ba tôi có nói chuyện về cuộc sống sau khi vượt biên không thành, bị bắt, năm 1976. Trở về , căn nhà ở số 301 nguyễn văn Thoại, (nay là Lý thường Kiệt), phường 15, quận 11 bị mất. Không có nhà ở, không giấy tờ, phải mướn chiếu ngủ ngoài bến xe miền tây vì công an thường xuyên kiểm tra hộ khẩu, không ai dám chứa .. nhưng trong thời điểm đó, ai cũng khó khăn, khổ toàn xã hội , không riêng gì ba tôi, nhưng chưa bao giờ ông phải “đi chân không” hay “khi chết chỉ còn lại đôi dép..” như bài viết nào đó… Những người viết đó có lẽ không biết nhiều về ba tôi, về gia đình tôi, làm cho người đọc bàng hoàng, thương hại, đó là điều xúc phạm đến gia đình tôi…

(Trúc Loan)


_____________________________________________________
Và dưới đây là trả lời của nhạc sĩ Trúc Linh, một người con trai của nhạc sĩ Trúc Phương :

Ok, tui không biết Ông Nguyễn Trung này là ai, nhưng ông này viết bài này có mục đích bôi bác Ba tôi và cả gia đình tui, nên tôi phải lên tiếng.

1- Ba tui sanh năm 1933

2- Ba tui không bao giờ uống rượu .

3- Ba tui lấy Má tui trong những năm cuối 50, năm nay tui củng 5 bó rồi, hehe

4- Má tui con nhà giáo, gia đình cũng khá, nhưng nhà ở Bến Tre

5- Chiều Làng Em là bài Ông viết cho Má tui .

6- Ba tui không phải tự học nhạc, mà có thầy dạy đàng hoàng

7- Xung quanh nhà bà nội tui không hề có tre trúc gì ráo, nhà Má tui thì có.

8- Gia đình tui cũng không nghèo, Ba tui thường lái Mazda và Peugeos 404 . Thời xưa củng có thời khó khăn, lúc Ông còn viết nhạc, nhưng sau này Ba Má tôi làm ăn thì củng khá lắm . Khi giải phóng vào, thì có hơi sa sút . Nhưng đó là tình trạng chung của tất cả dân miền Nam, thời bao cấp .

9- Gia đình tôi có tới 6 anh chị em, có nghĩa là Ba và Má tôi chung sống củng khá lâu . Họ ly dị vào khoảng năm 79 .

10- Tác giả Nguyễn Trung viết rằng khi ông qua đời gia tài chỉ còn đôi dép là nói LÁO . Ông không giàu có gì, nhưng củng không đến nổi thê thảm như vậy . Tôi đã từng về thăm ông 3 tháng trước khi ông mất cho thấy điều này ông Trung quá bôi bác gia đình chúng tôi. Nói như thế có nghĩa là các con của ông không hề quan tâm tới ông. Điều này KHÔNG ĐÚNG sự thật. Chúng tôi lúc nào cũng quan tâm đến ông.

Cái bài lá cải này, Nguyễn Trung không biết nhiều chi tiết nhưng đã viết rất nhiều như chính Trung là nhân vật chính. Đọc bài này xong tôi rất là bất bình vì có quá nhiều chi tiết không đúng sự thật mà có quá nhiều người đọc. Đến nổi MC Việt Dzũng của trung tâm Asia cũng lấy bài viết này làm tài liệu và cũng có lên trên chương trình trên Asia nói rằng khi Ba tôi mất, Ông chỉ còn đôi dép. MC Việt Dzũng còn nói rằng đám ma Ba tôi, phải nhờ bạn bè quyên góp để làm mộ cho Ông . Điều này củng không đúng . Gia đình chúng tôi đã làm đám cho Ông đàng hoàng mà chưa từng lấy 1 Đồng tiền phúng điếu của ai cả. Đây là điều không công bằng với Má tôi vì tôi có đọc vài bài, họ tả Má tôi như là 1 ngừời đàn bà không đàng hoàng . Thực sự Má tôi đã từng khổ vì Ba tôi tánh hay bay bướm, họ ly dị vì chính nguyên nhân này .

(Trúc Linh)

altAnh Trúc Linh, con trai nhạc sĩ Trúc Phương.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Thơ : NHÀ VĂN NHẬT TIẾN ĐÃ... - Hư Vô.


NHÀ VĂN NHẬT TIẾN ĐÃ RỜI KHỎI THỀM HOANG.
(Kính dâng hương linh nhà văn Nhật Tiến)

(Nhà văn Nhật Tiến và Hư Vô)

Tiếng chim hót trong lồng thảng thốt
Báo tin Người bỏ cuộc trần ai
Tháng chín bàng hoàng như chiếc lá
Vụt lìa cành theo gió ngàn bay.

Người đi một chuyến không quay lại
Hà Nội – Sài Gòn chưa kịp chào nhau
Bốn mươi năm mang đời tỵ nạn
Giọt máu trong tim vẫn dạt dào.
Từ thuở xuôi nam vào đất lạ
Đã khai nguồn văn học nhân văn
Hồn ngôn ngữ như mây bàng bạc
Còn thơm tho tận cõi vĩnh hằng.

Cảm ơn Người một thời chữ nghĩa
Cuộc lữ hành vào chốn nhân gian
Dâng đời những sợi tơ óng ả
Rồi phủi tay nhẹ bước lên ngàn.

Tiễn đưa Người cuối đường nhang khói
Hương trầm bay lãng đãng mênh mang
Người đi đã khuất bên kia núi
Dấu chân còn bỏ lại thềm hoang…

Hư Vô
( Nguồn : nguoitinhhuvo.wordress.com )

Thơ vui : THÍCH GẢ CHỒNG GẦN - St trên FB.








 THÍCH GẢ CHỒNG GẦN

(Vui thôi nhé ai không thích thì có thể bỏ qua)

Con gái ... thì gả chồng xa
Chứ đừng có dại ... mang ra gả gần
Nó mang cho bát canh cần
Để rồi nó vét , nó khuân ... sạch nhà !

Bạn vừa biếu cặp vịt ta
Nó rằng : "bố ngại làm à ... để con"
Đám rau chửa dám bán non
Nó làm nửa luống ... nó dồn vào bao .

Túm hành ... treo tít trên cao
Nó chồng hai ghế ... dùng cào ... lôi ra
Ngoài chuồng có ổ trứng gà
Tiện tay nó cũng ... hót "pà" còn đâu .

Vừa xong nồi thịt kho tầu
Còn chưa kịp nguội , nó "xâu" ... nửa già .
Cái chổi vừa bện hôm qua
Nó cũng xin để quét nhà ... chẳng chê .

Cái bô thủng ... vứt sau hè
Nhặt lên nó bảo mang về ... trồng hoa .
Đôi dép ... đồng nát ... quy ra
Thấy còn chỗ giắt , thế là ... nó vơ ...

Thế mà đã chẳng ... biết dơ
Còn nhờ bố chụp để mờ ... câu "lai"
Thế rồi trước lúc ... bái bai
Nó còn dặn với : ... "thứ hai con về" !

Nói ra ... các bạn cười chê
Nó về lần nữa ... còn giề nữa không ?
Lần sau nếu có gả chồng
Lão thề dứt khoát ... cho "lồng" thật xa !
🤣🤣🤣 !!!
Sưu tầm
Ảnh trôm trên mạng

Thơ : MÙA HÈ ĐÃ XA - Phước Liêu.





MÙA HÈ ĐÃ XA

Thu sang lại nhớ hè qua
Nhớ bao kỷ niệm phôi pha tình hồng
Hè về phượng nở mênh mông
Chia tay bỗng thấy trong lòng nhớ thương
Xa rồi sao chợt thấy buồn
Phải chăng tình đã vấn vương khi nào
         Phước Liêu  21/9/20

Tranh vui : MÙA THU !... - Sưu tầm.


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Tản mạn : TÌNH CHÚ BÁN SÁCH XÔN - Kha Tiệm Ly






TÌNH CHÚ BÁN SÁCH XÔN

Hồi trước 75 mỗi tối có một “quầy” sách xôn ngay đầu Cầu Quây đối diện với dãy bar dọc bờ sông (vị trí chỗ khách sạn Sông Tiền bây giờ). Chủ nhân là một chú lùn lùn, tánh tình vui vẻ.

Vào năm tôi học lớp đệ lục (1961), mỗi tối tôi thường lại quầy sách của chú để coi… cọp, chú thông cảm cho học sinh nghèo không có tiền nên cũng không la rầy gì hay lấy làm khó chịu, mà cũng có lẽ vì học sinh hồi trước khi đi ra đường cũng mặc đồng phục sạch sẽ, mặt mày hiền từ, ăn nói dễ thương và nhứt là những đứa đẹp trai… như tôi (khửa khửa!) nên dễ gây thiện cảm với mọi người chăng?

Một lần tôi phát hiện tại quầy sách của chú có cuốn tự điển Anh – Việt bỏ túi của GS Lê Bá Kông, tôi mừng quýnh: Học sinh ngữ mà không có tự điển thì bực thế nào các bạn cũng biết, nên tôi chồm lấy, rồi hỏi chú:

- Cuốn tự điển nầy bao nhiêu vậy chú?

- Năm đồng! (lúc đó 5 đồng mua được tô hủ tiếu đặc biệt)

- Trời ơi!

Chú chau mày, lần đầu tiên chú tỏ vẻ giận với thằng coi cọp kinh niên:

- Mua không mua thì thôi! Mầy “Trời ơi” là sao?

Tui bèn phân bua:

- Không phải con chê mắc đâu chú! Con nói “trời ơi” là vì con tiếc con chỉ có hai đồng, không đủ tiền!

Chú có vẻ ân hận:

- Vậy cháu cứ trả trước hai đồng, chú cho con thiếu ba đồng!

Tôi ngần ngừ một hồi rồi trả lời:

- Dạ, con hổng dám… Lâu lắm con mới có ba đồng. Cám ơn chú.

Tôi chào chú rồi đi đến rạp Vĩnh Lợi coi… chợ Tết! Những ngày giáp Tết khu rạp Vĩnh Lợi náo nhiệt hơn vì các sòng bầu cua cá cọp. Một ý nghĩ lóe lên trong óc tôi: “Mình có hai đồng cũng không làm gì, hay là chơi bầu cua, nếu hên, mình mua được cuốn tự điển!”. Tôi đứng coi một hồi rồi ngồi xuống đặt ngay ô “cua” mà tim đập thình thịch!

Chủ sòng:

- Bỏ tay ra! Khui! Ba con cua!

Tôi mừng hết nói! Vậy là vốn lời tôi được tám đồng! Tui chạy nhanh lại quầy sách, lấy cuốn tự điển và trả chú năm đồng.

Chú ngạc nhiên:

- Hồi nãy nói khó có ba đồng, sao giờ có nhanh vậy?

Tôi thuật lại mọi việc, chú cảm động nói:

- Thôi chú bán cháu giá vốn, ba đồng thôi. Nhưng từ đây về sau cháu đừng chơi cờ bạc nhe!

Tôi mừng lắm, dạ rối rit, cám ơn chú lia lịa.

Về nhà, tôi lấy giấy trắng còn dư trong các cuốn tập năm trước, (và xin các bạn), đóng thành nhiều cuốn tập dày mỏng khác nhau; rồi chép ra từ cuốn tự điển mỗi ngày 5 từ để học thuộc lòng. Đến năm đệ tứ, thì cuốn tự điển đã sút xổ; bù lại tôi có cuốn “tự điển”… chép tay mà tự vựng trong đó tôi tiếp thu muốn hết! Nghe việc nầy, thầy tôi là giáo sư Anh văn LPT nói: “Em có chí, đừng bỏ cuộc!”; rồi thầy viết vào tờ giấy câu “ Don’t give up! Play a man!” rồi bảo tôi dịch; dịch xong, thầy rất hài lòng.

Từ năm Mậu Thân, quầy sách xôn bao năm trước không còn nữa. Sau nầy mỗi lần đi qua đó, cảnh vật đều đổi khác, tôi bùi ngùi nhớ đến chú bán sách: nhớ ơn chú bán vốn cho cuốn tự điển và lời khuyên: “Đừng chơi cờ bạc nhe!”

Kha Tiệm Ly

Thơ : THU CÓ CÒN... - Xuân Duyên.




THU CÓ CÒN...

Thu có còn không em.?
Hay tan vào con sóng
Tình em là biển rộng
Miên trường vẫn hoài trông
  Thu có còn không em?
  Đợi chờ trong hoang hoải
  Chỉ mùa thu ở lại
   Để bến bờ xa bay
           
XUÂN DUYÊN - 9/2020

Thơ : CÒN MUỐN CHIÊM BAO - Thạch Thảo.






CÒN MUỐN CHIÊM BAO

Trưa hôm ấy nắng tơ vàng óng ả
Bướm chập chờn giao mộng cánh lung linh.
Và bất chợt có bàn tay nhè nhẹ
Vuốt tóc mây thơm, len lén dỗ dành.

Làm sao? Cứ làm sao…lạ lẫm
Mây ở trên trời như muốn ngừng trôi
Gió nhẹ bâng khuâng chòng chành nhịp thở
Kỳ diệu, xuyến xao; giây phút bồi hồi.

Ơi bàn tay ngập ngừng năm ngón ấm
Của buổi tinh khôi giấy trắng học trò.
Thấp thoáng dịu dàng trăng treo mười sáu
Môi đỏ, lòng trong chưa biết âu lo.

Từ hôm ấy hương bàn tay đậu lại
Trên tóc mây thơm. Khó tả. Dạt dào.
Chút hương thầm mà xôn xao ngõ nhỏ
Để đến bây giờ còn muốn chiêm bao.

   Thạch Thảo Bình Dương.
   ( 9-2020 )

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Cuộc sống: CHA VÀ CON - Sưu tầm.





CHA VÀ CON.

     Sáng nay đi ăn bát bún cá, gặp hình ảnh cha con cảm động quá...
Anh con trai đưa bố vào quán và gọi bát bún cá rô to, rồi chia ra một bát nhỏ... lấy thìa con xúc từng thìa đút cho bố, thủ thỉ "Bún cá Thái Bình đó bố",... ông bố móm mém thưởng thức thìa bún con trai đưa cho, có vẻ rất thích thú,... "Ngon con ạ...".
Anh con trai thêm thìa nữa và bảo "Thế bố ăn hết bát này đấy nhé,...".
Được mấy thìa, ông bố có vẻ mệt, thở gấp,... anh con trai vội vuốt ngực, vuốt lưng cho bố,... nhẹ nhàng "cứ từ từ bố ạ"... thế rồi hai bố con thủ thỉ hết chuyện này đến chuyện kia,... thỉnh thoảng con trai lại hỏi bố "Ngon không bố... hơn quê mình ấy nhỉ...",
và ông bố lại móm mém trả lời "Ngoong,..."... cứ thế mà hết bát bún cá to,...
Hạnh phúc là thế, khi còn bé, cha mẹ nâng niu chúng ta... đến khi ta lớn cha mẹ già rồi,... nếu không làm được điều gì cho cha mẹ vui thì hãy đừng để cha mẹ buồn,...
Chứng kiến cảnh này thấy ấm áp trong lòng quá.

SƯU TẦM.

Cuộc sống : CÂU CHUYỆN CÁI LỖ - Sưu tầm.






CÂU CHUYỆN CÁI LỖ

    Một thợ sơn được yêu cầu sơn lại một chiếc thuyền. Anh đem sơn & cọ đến làm theo yêu cầu của khách hàng. Trong khi sơn, anh phát hiện một lỗ nhỏ trên thân thuyền và lặng lẽ bít cái lỗ lại. Xong việc anh nhận tiền và về nhà.

Vài hôm sau, chủ thuyền đến gặp và tặng anh một món quà, giá trị cao hơn nhiều so với khoản thanh toán tiền sơn. Anh rất ngạc nhiên và nói rằng ông đã trả đủ tiền sơn rồi còn gì!
- Nhưng đây không phải là tiền cho dịch vụ sơn. Đó là tiền cho dịch vụ bít lỗ thủng trên thuyền.
- À, chuyện nhỏ lắm, chắc không đáng để trả số tiền cao như vậy đâu thưa ông!
- Chuyện là thế này, khi tôi yêu cầu anh sơn lại cái thuyền, tôi quên nói đến cái lỗ. Khi thuyền khô và lúc tôi không có ở nhà, những đứa trẻ con tôi lấy thuyền đi câu cá. Chúng không biết có một cái lỗ nguy hiểm nhường nào.
Khi tôi trở về nhà, chúng đã đi rồi, tôi lo lắng và tuyệt vọng vô cùng.
Tôi rất vui khi thấy chúng trở về, tôi liền kiểm tra chiếc thuyền và thấy rằng anh đã bít cái lỗ! Anh đã làm gì? Anh đã cứu sống con tôi! Tôi thậm chí không có đủ tiền để trả cho hành động tốt "nhỏ bé" đó của anh.

( Hãy làm hết sức với cái tâm của mình và làm điều đúng đắn, chính những điều đó sẽ mang đến may mắn và thành công cho bạn ).

Nguồn: Sưu tầm


Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Viết từ phương xa: ÔI ĐÀN BÀ - Dung Dinh.







ÔI ĐÀN BÀ .


    Một hôm tôi đi làm về thì thấy một cái sân chơi rất đẹp , như một cái công viên cho con nít chơi . Tôi mới lấy làm lạ , ủa ! Nhà mình có còn con nít đâu ? mà xây ba cái thứ này , tôi nghĩ ở đây bỏ thêm một cái cầu tụt nữa là rất đẹp.
Tiếng điện thoại reng : hello em hả đang ở đâu thế ? em làm sân chơi cho con nít chơi hả ? sao không có cầu tụt ? Không ! em mướn người đến làm chuồng gà . Hả em nói sao ? Chuồng gà ! Chuồng gà gì mà có cả nhà lầu , sân chơi , sỏi đá thế kia ! sao không mua luôn xe ô tô , làm sân tennis cho nó đủ bộ . Mai có người đến làm một căn nhà trong đó cho gà đẻ . Cái gì ? Chưa xong nữa hả em ! Chưa xong đâu anh , còn đèn , còn làm chỗ cho nó ăn và uống nước nữa . Em làm như là nuôi con nít vậy ! Em nuôi gà tre nên phải làm chuồng đẹp anh ạ . À mai họ làm xong anh ký dùm em cái ngân phiếu trả tiền công và tiền mua đồ cho tụi nó . Bao nhiêu ? $7.350 đô ,  Cái gì ? Trời ơi ! sao em không hỏi ý kiến của anh ? Xin lỗi em muốn cho anh sự ngạc nhiên . Ngạc nhiên cái cóc gì ? gà  ở Việt Nam anh đã nuôi nhiều rồi , chuồng gà anh tự làm lấy cũng được , chỉ tốn vài trăm đô là cùng . Anh đâu có phải là thợ mộc đâu mà làm cho đẹp được . Chuồng gà cũng phải làm cho đẹp sao ? Em đang ở đâu đó ? Em đang lựa gà , em mua mười con gà trống và mười con gà mái . trời ! Em muốn đổi nghề bán gà sao ? Không đâu anh ,em muốn mỗi sáng nghe tiếng gà gáy . Úi zời. ! Nó gáy làm sao mà ngủ được em ! Anh không rửa chuồng gà đâu ? Thôi mua nhanh còn về nấu cơm . Em còn mua nhiều thứ lắm anh cứ tìm cái gì ăn đi nhe ! Em đang bận , xíu em về nói chuyện với anh sau ok . alo..alo..Thế là bã cúp máy . hai tiếng sau , một cái xe chở gà , đồ ăn cho gà , và cả đống đồ lặt vặt . Bà xã chạy vào nói : anh ra coi gà . Mình cũng không vui gì ? nhưng cũng làm bộ vui vẽ cho bả khỏi buồn . Đúng là gà tre rồi ! Bả nói mỗi con đực phải nhốt riêng một chuồng còn con cái thì thả chung  một chuồng bên kia . Trời ! nghe sao mà giống như khu chung cư thế em ! Vậy em có làm cầu tụt và hồ bơi cho nó không ? Bà xã nhìn tôi cười ...Anh lại trêu em rồi .
Tối hôm đó hai giờ sáng tiếng gà kêu la hét om xòm , bật đèn lên nhìn ra cửa sổ thấy một bầy chồn cở năm con màu đỏ đang bu quanh cái chuồng gà . Bà xã giật mình thức dậy và nói cái gì đấy anh ? Gà của em đã mời khách về . Hả ! nói xong bà xã nhảy xuống giường chạy ra cầm  con dao . Tôi vội nói em làm cái gì đó ? Nhưng bã đã phóng ra như biết phi thân , chớp một cái đã thấy bà cầm con dao đuổi mấy con chồn chạy ra xa , nhưng chúng vẫn đứng đó nhìn vào cái chuồng gà . Tôi đi ra ngoài hỏi : em có sao không ? Bã ngồi thở và nói em phải ngồi đây coi chừng . Em nói cái gì ? Thôi đi vào ngủ sáng mai còn đi làm . Bả ngồi thẩn thờ một lúc rồi cũng đi vào trong . Nguyên một tối hôm đó tiếng gà kêu ầm ỉ Nguyên một đêm không có ai ngủ được . Hai ngày sau đang làm việc thì bả gọi lại khóc tùm lum làm mình hết hồn . Có chuyện gì thế em ? Có một con gà bị con rắn rung chuông cắn chết . Hả sao em biết rắn cắn ? Em thấy nó chạy chui vào dưới gầm cái chuồng gà và nghe tiếng cái chuông của nó kêu . Em đừng có vào chuồng gà nhe ! để anh chạy về xem sao ? Mười lăm phút sau tôi đã có mặt ở nhà . Những con gà kêu la , chạy nhẩy tùm lum . Hình như tụi nó cũng có cảm giác nguy hiểm đâu đây . Tôi chạy vào trong nhà lấy cái bình chửa lửa xịt vào dưới chuồng gà cở hai phút sau con rắn chắc bị lạnh bò ra cái chuông vàng khè rung lên liên hồi nghe mà rùng mình . Bà xã tôi cầm cái cuốc đập túi bụi đến khi con rắn đứt ra làm mấy khúc nhưng cái đuôi vẫn còn nhúc nhíc và cái chuông vẫn còn kêu . Bà xã tôi lại đập túi bụi , vừa đập vừa nói : tao đã trả thù cho mày rồi gà ơi ! Nói xong rồi bã xách con gà chết mang đi chôn . Nhìn bã vừa đào cái mộ cho con gà vừa chẩy nước mắt nhìn cũng thấy thương tâm . Một tuần sau , mấy con gà buổi tối không ngủ trong chuồng nữa mà chúng bay lên cây ngủ hết . Hình như chúng cũng biết nguy hiểm ở dưới đó, ban ngày thì chúng lại bay xuống . Tôi thấy vậy cũng mừng thầm ai dè đâu một tuần sau đang ở sở làm thì bà xã lại gọi về : anh ơi về gấp , có chuyện gì vậy em ? Anh ơi có một bầy chim ưng đang đậu trên cây hình như tụi nó muốn ăn thịt gà , em đang đứng coi chừng anh về ngay đi . Úi trời ! Em làm anh khổ vì mấy con gà ! Mất con này thì mua con khác chứ có gì mà phải lo lắng như thế . Tôi chạy về thì thấy bả cầm cái chổi đứng trong chuồng gà nhìn lên cây canh chừng . Bà nói anh chạy đi mua dùm em cái lưới để che cái chuồng gà lại . Rõ khổ với mấy con gà này . Tôi chạy đi mua lưới và nhân tiện ghé vào mua một khẩu súng trường . Về nhà tôi làm một cái bia để dạy cho bã bắn súng . Tôi dạy cho bã bắn mà bã bắn đâu trúng đó còn tôi thì viên nào cũng trật lất .
Sau ngày có khẩu súng và bao lưới cho chuồng gà và rãi thuốc cho rắn sợ không dám tới nữa thì bây giờ cũng yên tịnh rồi , nhưng không biết rồi đây sẽ ra sao ? Ôi đàn bà ! Có thì khổ , không có cũng khổ ... Hình như ông trời chế ra người đàn bà để làm khổ người cho người đàn ông hay sao đấy ? Nhưng trong cái khổ cũng có cái vui và hạnh phúc đấy mấy ngài ạ.

DUNG DINH.

Tản mạn : NẤM MỐI - Trang Thùy.




    NẤM MỐI. 

Nó thức dậy lúc trời mới tờ mờ sáng dù ngoài kia trời mưa và lạnh lắm. Mưa suốt mấy ngày ni nên thấm đất thấm đai, và cái lạnh đầu mùa đã tràn về khiến nó rùng mình vì một cơn gió thoảng tới tốc lên mái tóc còn bù xù chưa chải của nó.

     Chẳng hề chi vì suốt đêm hôm qua nó chờ mong cho trời mau sáng để nó ra vườn, giây phút hồi hộp kể từ chiều qua tới giờ khi nó nhìn lên mấy dòng ghi ngày tháng và địa chỉ trên vách nhà (ghi một nơi bí mật chỉ mình nó biết): Ngày vườn có nấm mối! Này nhé, ngày 2 - 11: góc có bụi tre gai nhiều gần cây dừa, ngày 6 -11: góc gần giếng Chùa có cây mít, ngày 9-11: góc bụi sim to nhảy qua khe nước là tới...

     Hôm nay, nơi nó ra tìm sớm nhất đó là góc vườn có ụ mối to nơi gần phía cây dâu. Quả nhiên, nấm đã mọc lên rất nhiều, từng búp, từng búp nhú lên trông thật ngon mắt. Những búp nấm mập mạp, mạnh khoẻ, thân trắng muốt cắm sâu xuống đất, đầu nấm như những chiếc mũ màu nâu sẫm bóng bẫy, cứng cáp khiến lòng nó hân hoan khôn tả. Nó tưởng tượng ánh mắt bất ngờ của ba mạ, sự thán phục của các chị em nó khi nhìn thấy công trạng của nó là một gói nấm ngon mắt trên tay. Nghĩ đến đó nó hồi hộp lắm. Nhưng nó không vội vì biết chỉ mình nó biết nơi bí mật này, kể cả mấy đứa ở sát nhà nó, nên nó thủng thẳng với tay bẻ ngọn lá vả, đoạn nó từ từ nhổ từng cây nấm, nhẹ nhàng từng tai một, còn một chút gốc nó cũng cẩn thận đào nhổ cho hết mới thôi.

     Nhưng nó khôn và không triệt đường sống của nấm như những kẻ tham lam lấy là lấy cho kì hết, mà nó chừa những cây còn nhỏ mới nhú để dành đó cho lần sau (cái tật này đôi khi hại nó vì cũng có lúc người khác phát hiện nhổ mất, hu hu!)

     Có những đám nấm mọc nơi ven đường, nơi này thuộc phạm vi "công cộng" không thuộc quyền sở hữu của ai cả thì nó chịu, nên có nhiều lúc thấy có người trong mùa này lại lom khom trong bụi rậm, mắt dáo dác và tay thì cầm que vạch lá tìm kiếm thì đích thị là kẻ đó đang tìm nấm mối rồi.

     Những kỉ niệm cùng lũ bạn hàng xóm rủ nhau đi tìm nấm mối là vui nhất. Hễ phát hiện nơi nào có nấm là ôi thôi không kể chi gai cào muỗi cắn (mưa xuống không khí ẩm nên muỗi rất nhiều), cứ vậy mà chen chân vô nhổ xới. Đôi lúc còn tranh giành nhau, xí phần nhau, nhổ nấm cứ nhổ đại cho nhanh, xong rồi mới quay lại nhổ tiếp phần bị đứt gốc. Vui rứa đó, cực rứa đó cái chuyện nhổ nấm mối.

     Nhưng vì nấm mối là một loài nấm quá ngon và hiếm, mỗi năm chỉ có vài ngày đầu mùa mưa nên nấm mối quyến rũ nó vô cùng. Những tai nấm còn tươi ngon cứng cáp được gọt bỏ lớp đất bên ngoài rồi ngâm vào nước muối pha loãng, chừng vớt ra rồi bắt đầu chế biến các món: xào, hấp, nấu cháo, nấu xôi... thì ôi thôi không có món ngon gì trên đời sánh bằng đối với nó. Duy một món đến bây giờ thật sự nó vẫn chưa ăn nhưng nghe nói là ngon tuyệt lắm đó là nấm mối nướng. Nghe người lớn kể là ngon lắm, ngon lạ ngon lùng nhưng nếu mình đem nấm đó nướng thì nơi có nấm mối năm sau sẽ không mọc nữa. Không biết có thật vậy không nhưng nghe nói vậy là nó tuyệt đối không dám làm món đó. Nó sợ năm sau sẽ không còn nấm cho nó nhổ nữa.

     Một kỉ niệm mỗi lần nhớ lại trong mùa nấm mối lại làm lòng nó rưng rưng, đó là có hôm cả nhà dáo dác phát hiện mạ nó đi từ sáng sớm đến chiều mà không thấy về. Hồi đó không như bây giờ mọi phương tiện liên lạc chưa có, mạ nó lại có bệnh trong người nên cả nhà lo cuống quýt. Chừng hai giờ chiều mạ nó về, người ướt hết, lạnh cóng làm môi mạ tím nhưng mạ cười vui, đưa ra một cái nón đầy ắp nấm mối. Khỏi phải nói nhà nó hôm ấy vui như hội. Chị em nó phụ mạ gọt nấm, đứa đãi nếp, đứa bóc hành và hôm đó nhà nó có món cháo nấm ngon nhức răng, thơm nức mũi. Vừa ăn chúng nó vừa hít hà, nghe trong từng tấc lưỡi vị ngọt ngào của nấm mối, hoà quyện mùi tiêu hành và cả ánh mắt trìu mến của mạ nó, ngoài trời vẫn mưa lâm thâm.

      Chiều nay, nó dừng xe bên đường mua mớ nấm mối. Không nhiều như mùa nấm tràm mà chỉ lác đác bán một vài nơi thôi. Trả tiền xong thấy nó còn đứng tần ngần, chị bán nấm hỏi nó: "Em muốn mua thêm nữa à"? Nó lắc đầu, nó biết nó muốn mua một thứ mà người bán nấm không thể và không bao giờ có để bán cho nó, đó là những tai nấm ngày thơ!

     Thẩn thờ, nó đi tìm nó: con bé mái tóc rối chưa kịp chải đã vội chạy ra vườn tìm nấm mối, gai cào xước tay!

Trang Thùy
( yeunuocvietnam.org )

Chuyện nhân sinh: MỘT NGƯỜI DŨNG CẢM - Sưu tầm.





MỘT NGƯỜI DŨNG CẢM.

Nếu anh có thể sống, hãy quay lại thăm cái cây này
Tù binh bị đồng đội căm hận và báo thù đến chết, 60 năm sau, phát hiện từ một gốc cây gây chấn động nước Anh!.

Vào chuyện : Roddick là một tù nhân chiến tranh người Anh. Anh bị bắt trong một lần kém may mắn và giống như nhiều tù nhân khác, Roddick bị áp giải đến một trại tập trung ở Đức.Trong trại tập trung có gần 1000 tù binh, toàn bộ đều là người Anh. Họ bị đối đãi thậm tệ đến mức khó có gì lột tả hết, không khác gì loài vật và phải làm những công việc vô cùng nặng nhọc.May mắn là, Roddick là một binh sĩ huấn luyện kỹ năng lái xe tải trong quân đội Anh.

Trong trại tập trung của Đức, vị trí này lại thiếu rất nhiều nên tại đây, anh được chiêu mộ làm lái xe.Tất nhiên, trong số những tù binh Anh ở trại tập trung đó, không ít người có kỹ năng lái xe nhưng chẳng ai tình nguyện làm công việc đó, bởi nhiệm vụ của việc lái xe là chuyên vận chuyển những chiến hữu chết đói và bị sát hại mỗi ngày đến nơi chôn cất.Tuy nhiên, Roddick lại tỏ ra rất nhiệt tình với công việc này. Anh nói mình sẽ vui vẻ làm tốt công việc được giao.Và như vậy, Roddick cuối cùng đã là một lái xe của Đức quốc xã và cũng kể từ đó, anh trở nên thô bạo và tàn nhẫn với chính đồng bào mình.Không chỉ quát tháo, lớn tiếng với các tù nhân, anh còn dùng bạo lực, nắm đấm hướng về phía họ. Thậm chí, có tù nhân rõ ràng chưa chết, anh vẫn cố tình vứt lên xe.Lẽ dĩ nhiên, tất cả những tù binh đều tỏ ra căm hận con người này, đồng thời dùng nhiều cách khác nhau để cảnh cáo Roddick.

Nghe xong, anh vẫn bỏ ngoài tai, việc mình mình làm. Các tù binh không tiếc lời mắng nhiếc Roddick là tên cẩu tặc, kẻ bán nước, loài chó săn…Nhưng cũng chính nhờ đó, quân Đức quốc xã càng lúc càng thích thú và tín nhiệm Roddick. Ban đầu, khi anh lái xe ra khỏi trại tập trung, binh sĩ Đức quốc xã đều chặn xe lại kiểm tra, giám sát từng cử động nhưng về sau, anh có thể ra vào thoải mái mà không hề bị kiểm soát.Chiến hữu của Roddick cũng ngầm công kích anh, không ít lần thiếu chút nữa thì bị họ đánh cho mất mạng.Sau một lần bị đánh thừa chết thiếu sống, Roddick vĩnh viễn mất đi một cánh tay, đồng thời, anh cũng mất đi giá trị lợi dụng. Không còn có thể tiếp tục lái xe, Roddick như chiếc bị rách bị quân Đức quốc xã vứt ra bãi rác.Không còn được quân Đức bảo hộ, Roddick nhanh chóng rơi vào trận địa báo thù vô tình của các tù nhân chiến tranh Anh.

Một ngày mưa, trong một hoàn cảnh cô độc đến thê lương, anh chết cạnh một góc tường ẩm ướt trong trại tập trung của người Đức.60 năm đã trôi qua, người dân ở quê hương Roddick dường như sớm đã quên mất anh còn những người trong gia tộc cũng cố tình né tránh tất cả những việc làm liên quan đến con em mình.Cứ như thế, Roddick bị chôn vùi trong cát bụi của thời gian.Thế nhưng bỗng nhiên có một ngày, một tờ báo có lượng phát hành không nhỏ của nước Anh đã đăng tải một bài viết có tựa đề :"Người cứu tôi, là người tôi hận nhất" ở ngay vị trí bắt mắt nhất trang nhất.Nội dung bài báo như sau:Trong tại tập trung của Đức quốc xã có một tên phản đồ tên Roddick, cam tâm bán mạng cho tụi Nazi (ám chỉ Đức quốc xã).

Ngày hôm đó, tôi ốm nhưng chưa chết, thế nhưng anh ta vẫn vất tôi lên xe tải và nói với bọn Đức là đem tôi đi chôn.Tuy nhiên, điều khiến tôi không thể ngờ đến là, khi xe chạy được nửa đường, Roddick dừng xe, nhấc tôi đang thoi thóp ra khỏi xe và đặt tôi xuống dưới gốc một cây cổ thụ, để lại vài mẩu bánh mì đen và một bình nước, vội vã nói với tôi:- Nếu như anh có thể sống, hãy đến thăm cái cây này rồi cấp tốc lái xe đi mất.Sau khi câu chuyện ngắn ngủi này được đăng không lâu, tòa soạn báo liên tục nhận được điện thoại gọi đến và không một ai ngoại lệ, tất cả đều là cựu binh chiến tranh Thế giới thứ hai và đều là những chiến binh già không may từng bị bắt làm tù binh.
Một điều nữa càng khiến người ta không tưởng tượng được là không một ai ngoại lệ, 12 cựu chiến binh gọi điện đến đều từng ở cùng nhau trong một trại tập trung của Đức – đó là trại tập trung mà Roddick đã ở.Những câu chuyện do chính 12 cựu quân nhân kể ra, dường như đều là bản sao của câu chuyện đã được đăng tải trên mặt báo: Họ đều được Roddick đặt xuống dưới gốc cây và nhờ đó mà thoát chết.Điều khiến người ta chú ý hơn là mỗi lần Roddick lái xe ra khỏi trại tập trung, anh đều nói với các chiến hữu rằng:

- Nếu anh có thể sống, hãy quay lại thăm cái cây này.Người biên tập và giới thiệu bản thảo của bài viết là một cựu biên tập từng tham gia chiến tranh. Dựa vào trực giác nghề nghiệp, ông phán đoán một cách nhạy cảm, rằng cái cây mà Roddick nhiều lần nhắc đến, nhất định phải chứa đựng nội dung gì đó.Và ông lập tức tổ chức các cựu binh, hợp thành nhóm 13 người, men theo con đường năm xưa họ trốn chạy để tìm cái cây vốn không thể phán đoán liệu có tồn tại hay không.Khi đoàn người đến được điểm đến, rừng núi vẫn như xưa, cái cây cổ thụ vẫn ở đó.

Một cựu binh không kiềm chế được cảm xúc, chạy về phía trước ôm thân cây, khóc lớn. Trong một cái hộc ở gốc cây, người này phát hiện một cái hộp sắt đã hoen rỉ từ bao giờ.Khi mọi người xúm lại lấy và mở chiếc hộp ra, họ phát hiện một cuốn nhật ký nhiều trang đã loang lổ và trong đó là một tấm ảnh đã mốc theo thời gian. Nhẹ nhàng lật giở cuốn nhật ký, cựu biên tập viên bắt đầu đọc:- Hôm nay mình lại cứu được một chiến hữu, đây đã là người thứ 28 rồi… cầu mong anh ta có thể sống được…

- Hôm nay, 20 chiến hữu của mình đã chết…

- Đêm qua, các chiến hữu lại một lần nữa mạnh tay với mình… Nhưng mình phải kiên quyết đến cùng, cho dù thế nào đi nữa mình cũng không được nói ra sự thật, như thế, mình mới có thể cứu được thêm nhiều người khác…

- Các chiến hữu thân yêu, tôi chỉ có một hy vọng, nếu các bạn còn sống, xin hãy quay lại thăm cái cây này.Giọng của vị cựu biên tập ứ nghẹn lại, những cựu binh khác đã rơi nước mắt tự khi nào không hay. Những mái đầu hoa râm đứng dưới tán cây cổ thụ, cho đến lúc đó mới hoàn toàn nhận thức thật rõ ràng rằng Roddick đã cứu tất cả 36 tù binh của Anh Quốc.Hôm nay, những người còn sống trên đời, có lẽ không chỉ có 13 người đi tìm lại gốc cây năm xưa.

Cuốn nhật ký và tấm ảnh liên quan đến trại tập trung được lưu lại ở hốc cây, đó là bằng chứng thép vạch trần tội ác của Đức quốc xã với thế giới, nó cũng là bằng chứng thép cho thấy Roddick không tồi tệ như các chiến hữu năm xưa đã đánh giá về anh.Chia tay với các cựu binh, vị cựu biên tập nhanh chóng cho đăng tất cả những câu chuyện đủ hay, đủ sức lay động hàng triệu triệu trái tim trên khắp thế giới trên trang bìa của tờ báo mình đang cộng tác.Vì được báo chí đưa tin mà khung rừng già cùng gốc cây lưu lại dấu tích của Roddick kia bỗng trở nên náo nhiệt. Không ít người đã tự tìm đến đây, cúi đầu trước người chiến binh thực sự vĩ đại, thể hiện sự tôn kính của họ dành cho anh.Lẽ đương nhiên, Roddick trở thành anh hùng của nước Anh.

Một tác giả đến thăm khu rừng này, bó một bó họa rừng không rõ tên đặt trước bia kỷ niệm mộc mạc và ngồi lại dưới gốc cây thật lâu.Về sau, ông ta lấy bút ra viết một đoạn cảm xúc ra cuốn sổ của mình.

Ông cảm giác, mình có trách nhiệm phải nói với mọi người:- Sự hoàn mỹ luôn cần có cái giá để đánh đổi, không có tinh thần trách nhiệm lớn lao, không có sự hy sinh bất khuất, không có một tinh thần thép, tuyệt đối không thể làm được!Khát vọng hoàn mỹ là quyền của mỗi con người.

Có những lúc, sự hoàn mỹ đó vì bị môi trường thúc ép mà hình thức biểu hiện của nó trở nên khác với nguyện vọng ban đầu, vì thế mà tạo nên sự hiểu lầm, dẫn đến những ánh mắt thù địch.Điều này nhất định sẽ hình thành nên một loại áp lực xã hội vô cùng lớn. Thế nhưng người có thể vì sứ mệnh cao cả của sự hoàn mỹ, từ đầu đến cuối chấp nhận mọi oan ức, đau đớn, hiểu lầm…

Tên tuổi của anh ta sẽ trở thành một lá cờ luôn đương giương cao, cao mãi.Roddick là một người như thế.Và trên thế giới này, tôi kính phục nhất một kiểu người mà trong hoàn cảnh ác liệt và tồi tệ, họ thà chấp nhận gánh nặng trên vai và bước tiếp thay vì sống vô trách nhiệm, để mặc đời muốn trôi đến đâu thì đến!

Jacques NGUYỄN HIẾU LIÊM

Sưu Tầm
Ảnh ! ANH KHÁNH

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Hương xưa : SÀI GÒN XƯA,CHỢ NANCY - Sưu tầm.


SÀI GÒN XƯA, CHỢ NANCY 
Ông bạn lớn tuổi dạy tiếng Anh biết tôi đang viết về những ngôi chợ trên đất Sài Gòn gọi điện hỏi thăm “Chợ Năn Xi” còn không? Chợ Nancy không còn.
Bây giờ vị trí mảnh đất của ngôi chợ ở gần ngã tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Cừ (trước là Cộng Hòa) đã bị giải tỏa. Ông bạn tôi quan tân đến chợ vì nhớ nhiều kỷ niệm đẹp ngày xưa, còn tôi lại để ý khi ông gọi tên chợ “Năn Xi” theo cách phát âm thuần Việt. Ông nói ở Sài Gòn duy nhất có ngôi chợ này mang cái tên rặt Tây mặc dù đường Nancy vào thời ông Diệm đổi thành Cộng Hòa.


SAIGON 1968-69 - Ngã tư Trần Hưng Đạo-Cộng Hòa (nay là ngã tư Trần Hưng Đạo -Nguyễn Văn Cừ)
SAIGON 1968-69 – Ngã tư Trần Hưng Đạo-Cộng Hòa (nay là ngã tư Trần Hưng Đạo -Nguyễn Văn Cừ). Ảnh được chụp tại ngã tư này đường THĐ hơi bị gãy góc về bên phải trong hình trên. Đường Cộng Hòa phía bên trái là ra chợ Nancy. Người chụp nhìn về phía đi vào Cholon. Cây xăng Caltex ở bìa phải hình trên cũng nhìn thấy trong hình dưới với hướng nhìn ngược lại hình trên.

Tôi thích gọi những cái tên Tây của các công trình cầu đường còn lại trên đất Sài Gòn một cách thuần Việt. Việt hóa cách phát âm nghe gần gũi và bình dân hơn là sửa miệng để nghe người Việt nói tiếng Tây với người Việt như kiểu hài trong một tuồng cải lương hồi nhỏ mà tôi không nhớ tên là gì lại đi nhớ một câu nói duy nhất, “sọt ti đờ le ra gốc me ngồi chờ”. Tuy rằng cách việt hóa này đôi khi mang lại sự nhầm lẫn cho người nghe nhưng cũng thật .
Ở thành phố Fort Worth nơi tôi cư ngụ có một con đường mang cái tên “Concho” rất ngộ nghĩnh. Nhưng mấy ông già bà cả ở đây lại gọi là đường “Con Chó” cho dễ nhớ. Concho là tiếng Tây Ban Nha được Mỹ hóa như một từ nguyên và người ta lấy tên Concho đặt tên cho đường phố ở Fort Worth, Dallas, Houston hay nhiều nơi khác nữa.
Nghe các cụ già gọi đường “Con Chó” làm tôi nhớ hồi nhỏ, cạnh nhà có ông đạp xe ba gác thỉnh thoảng rảnh rỗi kể cho tụi nhỏ xóm chúng tôi nghe chuyện thành phố Sài Gòn thời Pháp. Ông kể tên các con đường “Năn Xi” (Nancy), Mặc Má Hồng (Mac Mahon)… bằng thứ tiếng Pháp Việt một cách lưu loát. Tôi khoái chí lắm, Mặc Má Hồng chắc là tên bà đầm nào thích trang điểm phấn son, sau này tôi mới biết, té ra là Công tước Patrice de Mac Mahon sau làm Tổng thống Pháp.

SAIGON 1968-69 - Đường Trần Hưng Đạo
SAIGON 1968-69 – Đường Trần Hưng Đạo. Nhìn từ ngã tư THĐ-Nguyễn Biểu. Phía trước là ngã tư Trần Hưng Đạo-Cộng Hòa. Đi về bên phải là ra cầu Chữ Y. Người chụp nhìn về phía ra Saigon.

Còn Nancy là ai? Tôi đoán là tên của một “bà đầm” có tiếng tăm nên người Pháp mới lấy tên đặt cho một con đường lớn ở Sài Gòn ngày trước. Ở Paris có con đường Rue de Nancy hay một thành phố nào đó ở Pháp mang tên nàng Nancy là chuyện bình thường. Nhưng ngay cả ở Mỹ cũng có con đường mang tên Nancy kiều diễm.
Một lần tôi đi Nam Florida theo tàu câu sang dãy đảo đến một khu nghỉ mát sang trọng, thật bất ngờ khi thấy bảng tên đường Rue de Nancy bằng tiếng Tây hẳn hoi. Hỏi vài người ở đây sao lại có tên đường mang đúng tên tiếng Pháp. Câu trả lời ngắn gọn: Nơi đây là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Còn đối với nhà văn Mạc Can khi nhắc đến cái tên Nancy thì lại nhớ đến một người con gái, một chuyện tình lãng mạn tràn đầy nỗi nhớ trong bài tản văn Nancy, chốn cũ – người xưa: “Với tôi, cái tên Nancy luôn gợi trong lòng tôi cảm giác khó giải thích.

Saigon 1964-68. Chợ Nancy được chụp bởi Dennis Jax
Saigon 1964-68. Chợ Nancy được chụp bởi Dennis Jax

Một lý do khác thường, và cũng có phần trữ tình lãng mạn, khi tôi khoảng chừng mười lăm mười sáu tuổi, tôi liền có một… mối tình cỏn con. Gia đình tôi có quen với một người đàn bà đẹp, mà cô con gái chừng mười bốn mười lăm tuổi của bà… cũng đẹp.
Nhà hai mẹ con bà ở cuối chợ Nancy. Từ nhà tôi tới chợ Nancy không xa, mẹ tôi thường sai tôi đạp xe tới chợ để mua ít đường, chút nước mắm, hay là trái ớt, hoặc túi hạt tiêu… Những người lớn của hai gia đình đã giao kèo với nhau trong nụ cười, khi nào hai đứa tôi trưởng thành thì kết đôi vợ chồng. Cô gái ấy tên gì, tôi cũng không nhớ, nhưng tôi gọi cô bé là Nancy”.
Nhưng tôi khoái nhất lúc đọc tới đoạn: “Nhưng lúc lớn lên, chúng tôi không gặp nhau. Cho tới bây giờ, khi đã là một ông già, lúc nào đi qua khu Nancy tôi đều mỉm cười nhớ tới cô bé xinh đẹp ngày nào. Hôm nay Nancy ở phương trời nào, nào tôi có biết; có khi em đã là bà nội, hay bà ngoại rồi”.
Nancy với tôi không lãng mạn như Nancy của Mạc Can mà Nancy đơn thuần là một cái chợ tuổi đời chừng bằng bà sơ hay bà cố của tôi. Chợ Nancy hình thành từ lúc nào khó mà xác định thời gian chính xác.
Nhớ thằng bạn học nhà trong con hẻm lớn ngay Chợ Nancy, ba bạn chạy Taxi nhưng hồi còn trai trẻ từng làm thư ký cho Toà bố Gia Ðịnh thời Pháp.
Ông già nói tiếng Pháp rất hay nhưng vẫn gọi Chợ Năn Xi như những người bình dân từng gọi Chợ Thái Bình là Chợ Lăng Xi Bền do hãng Blancsubé được mở ra ngay góc đường Frères Louis và Arras (sau này là Võ Tánh-Cống Quỳnh).
Ông kể Chợ Nancy cũng theo tên đường Nancy mà hình thành. Từ thuở nhỏ ông đã biết cái chợ từ nhóm này, mỗi khi mẹ cho vài đồng tiền xu, ông đều chạy u ra đầu chợ mua vài ba cục kẹo ú.
Thời gian sau này, vào thời ông Diệm, ngôi chợ lớn dần ra buôn bán chiếm cả lòng đường khiến nhiều người sống ở khu vực này ra vô rất bất tiện.
Chuyện ngôi chợ lấn chiếm lòng lề đường xảy ra từ rất lâu, hồi còn thời Pháp thuộc. Hồi đó, đoạn cuối của đường Nancy từ ngã tư Boulevard Galliéni (Trần Hưng Ðạo) đến bến Hàm Tử teo nhỏ dần (vào thời ông Diệm đoạn đường nhỏ này đặt tên là Khải Ðịnh nhưng sau một thời gian ngắn nhập một gọi là Cộng Hòa). Ông già thằng bạn mỗi sáng từ nhà đi bộ ra ngã tư Ga xe điện Nancy đón xe đi đến đầu đường Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) giáp bến Bạch Ðằng, đổi tàu điện để đến Toà bố Gia Ðịnh, chiều tan sở cũng đi tuyến xe điện ấy mà về nhà.

ây là ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu.Bên trái là cây xăng Shell,bên phải là rạp Văn Cầm ngày xưa và gần nhất là Trạm y tế dự phòng. Từ cây xăng,băng qua dường Nguyễn Biểu là trạm điện CEE với 2 cửa sắt màu xanh (hiện nay vẫn còn),cạnh đó hiện nay là Công Ty Cho Thuê Tài Chính Agribank (422 Trần Hưng Đạo)
Đây là ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu.Bên trái là cây xăng Shell,bên phải là rạp Văn Cầm ngày xưa và gần nhất là Trạm y tế dự phòng. Từ cây xăng,băng qua dường Nguyễn Biểu là trạm điện CEE với 2 cửa sắt màu xanh (hiện nay vẫn còn),cạnh đó hiện nay là Công Ty Cho Thuê Tài Chính Agribank (422 Trần Hưng Đạo)

Phía cuối đường Nancy đã hẹp nhỏ, người mua kẻ bán lan tràn hai bên đoạn đường này rất khó cho xe cộ qua lại. Rồi lại phía dưới bến Hàm Tử có một bến ghe từ khắp nơi đổ về lên xuống hàng nông sản đặc biệt là các vựa thơm nằm ngay bến sông. Ðây mới chính là khu vực Chợ Nancy. Phía xích vô trong trên đường Nancy là vựa mía (dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ ngày nay), người ta xây một nhà lồng nhỏ, tường vách, mái ngói đàng hoàng để buôn bán hàng cá mắm, bên ngoài hàng quán mọc lên san sát, gọi là Chợ Cầu Kho người dân quanh vùng vẫn quen gọi chung chung là Chợ Nancy (sau năm 1975 chợ này được đổi thành chợ phường Cầu Kho thuộc cấp phường quản lý).
Tôi xin dài dòng nói thêm một chút về khu vực Cầu Kho ngày xưa để chúng ta có thể hình dung ra được sự thay đổi của vùng đất từ thời khẩn hoang lập ấp vào thời Chúa Nguyễn chưa hoàn thiện thiết lập bộ máy hành chánh ở đất Gia Ðịnh. Quan sở tại cho dựng kho Quản Thảo để thu trữ thuế khoá, chi cấp lương bổng (thuế biệt nạp đóng bằng lúa gạo).
Trong bài phú Cổ Gia Ðịnh phong cảnh vịnh có ghi: “Kho Cẩm Thảo chứa thuế vua, mạch nước sữa dân ai dám phá”. Theo lịch sử và hiện trạng bản đồ do Trần Văn Học vẽ năm 1815, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, kho Quản Thảo nằm ở vị trí nhà thờ Cầu Kho ngày nay.
Sở dĩ có tên Cầu Kho là do quan cai trị cho đào kênh dẫn từ kênh Tàu Hủ vào các kho chứa thuế để ghe thuyền tiện việc vận chuyển. Bên ngoài lại có con đường đất dọc theo kênh (sau này là đường Hàm Tử, hiện nay là đại lộ Ðông – Tây), người ta dựng một cây cầu gỗ bắc qua cho tiện giao thông đường bộ.
Khu vực Cầu Kho hình thành từ đó, người dân Ngũ Quảng tiếp tục di dân vào khai phá đất phương Nam dần dần định hình một khu dân cư đầu tiên trên vùng đất nhỏ dựa theo kênh rạch mà sau khi người Pháp chiếm được Gia Ðịnh lần hồi lập nên thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Vùng đất Cầu Kho là ranh giới giữa hai thành phố Sài Gòn (quận 1 ngày nay) và Chợ Lớn (quận 5), trở thành nơi thu hút dân chúng khắp nơi tụ về cư ngụ ngày càng đông cho đến khi Sài Gòn-Chợ Lớn sát nhập làm Ðô thành Sài Gòn rộng lớn.
Sau nhiều lần sát nhập, phân chia địa giới qua từng giai đoạn quản lý hành chánh, phường Cầu Kho vẫn còn giữ cái tên xưa đến tận bây giờ.
Ngày nay, Chợ Nancy hay Chợ Cầu Kho không còn tồn tại nữa do sự nhếch nhác buôn bán tự phát tràn lan làm mất vẻ mỹ quan và do phát triển đô thị cần phải giải tỏa xây cầu lớn khi mở rộng đường Hàm Tử thành xa lộ Ðông – Tây.
Chuyện mất đi cái cũ xấu xí để thay thế cái mới tốt đẹp hơn là điều cần thiết.
Thế nhưng lòng người cố cựu sống trên đất Sài Gòn vẫn xao xuyến khi nhắc tới những điều đã mất như vừa đánh rơi một vài kỷ niệm ngày xưa nào giờ luôn giữ trong lòng.
Sưu tầm.