Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Thơ : MẸ GÓA - Thạch Thảo.





 MẸ GOÁ

Hai sáu tuổi. Mẹ thành goá phụ

Tả tơi bão gió. Cánh hoa đồng.

Thân cò lặn lội nuôi con lớn

Tứ đức tam tòng. Vẹn thuỷ chung.


Chinh chiến người đi không trở lại

Cô phòng thao thức. Vọng chinh phu.

Vai gánh mẹ già, tay bế trẻ

Canh thâu vò võ, nỗi riêng sầu.


Tháng tám mùa thu. Vàng lá rụng

Nương chiều phía núi, hạc theo mây.

Lung linh bóng mẹ. Bao nhung nhớ 

Lạc lỏng. Nghìn trùng. Giọt mắt cay.


Mỗi năm giỗ mẹ. Nhìn di ảnh

Thương nhớ vơi đầy. Mẹ goá ơi!


Vĩnh Long ngày 27-9-2021

Thạch Thảo Bình Dương

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Hương xưa: NỤ HÔN NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - Sưu tầm.

 





Kỷ niệm 112 năm sinh GS. Nguyễn Mạnh Tường:

NỤ HÔN NGUYỄN MẠNH TƯỜNG 


Tiến sĩ Luật khoa Đào Quang Huy, học trò Giáo sư - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở trường Bưởi kể lại một về một phiên tòa diễn ra ở làng Xuân Thọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình, vào thời kỳ 1947-1949.

Vụ án như sau:Một thanh niên nông dân đi làm đồng về, thấy anh Đại đội trưởng đóng tại nhà, đang ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phang một cái, Đại đội trưởng chết ngay.

Phiên tòa mở ra với ý định xử thật nghiêm tội giết người và làm mờ nhạt các tình tiết khác để giữ uy tín cho bộ đội. Chủ tọa là Luật sư Lê Văn Chất. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình.

Diễn biến phiên tòa đúng như chủ định: Anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng. Anh nhìn Chánh tòa, nhìn Luật sư, ngập ngừng nói: “Xin phép được ôm hôn bà Chánh tòa một lần trước khi chết”. Bị bất ngờ, Chánh tòa không kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám hỗn láo, nói liều.

Ls Nguyễn Mạnh Tường nói: “Thưa ông Chánh tòa, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn, mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế. Phương chi, anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”.

Kết quả cuối cùng, anh nông dân được giảm án, thực chất là tha bổng vì hồi ấy Thái Bình đâu có trại giam. Luật sư Lê Văn Chất, có người vợ trẻ, đẹp và ông này rất ghen. Biết thóp này Ls Tường chỉ dùng một mẹo nhỏ nhưng bị cáo đã được cứu mạng.

Dân gian gọi vụ án đó là vụ “nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường”.


Sưu tầm

Thơ : MỘT CHÚT CHIỀU - Lan Phương.






 MỘT CHÚT CHIỀU


Có gì trong bóng tà huy

Mà như ai tiễn chiều đi xa vời 

Có gì như thể mây trôi

Bao lênh đênh của đời trôi theo cùng 

Chút lòng xao xác mông lung

Nghe chiều nay đứng trông chừng chiều xưa 

Sông dài bờ cỏ lưa thưa 

Có dòng sông chết mới vừa hôm qua.


Lan Phương

DaNang (24-8-21)


***

Bài hoạ


Phong thu một bóng tà huy

Sợi buồn ai chiết chiều ni rủ về

Cõi trần lạc dấu chân quê 

Thì xin quét lá Bồ Đề nơi tâm.


Vọng Thanh.

Thơ : VẾT THƯƠNG LÒNG - Gia Bảo.

 




VẾT THƯƠNG LÒNG...!!!


Trả lại anh tất cả những lời thương

Bởi giờ đây mình không còn chung lối

Yêu thương xưa đã cách xa vời vợi

Đau một lần, ngược lối rẽ.. bình yên


Giọt lệ mềm em khóc giữa màn đêm

Mùa trở gió còn mình em đơn độc 

Yêu thương kia ai nỡ đành chẻ dọc

Hạnh phúc thắm nồng phút chốc hoá sầu đau


Cứ ngỡ rằng mình mãi nắm tay nhau

Nào ngờ đâu người quên mau hẹn ước

Trái tim em hằn in bao vết xước 

Sợi tơ lòng ngân mãi khúc thương đau

 

Em buông rồi .. em chẳng níu nữa đâu

Thanh xuân em úa vàng màu hoa cải

Dãi nắng.. dầm mưa.. giăng nỗi sầu xa ngái

Hoa cải trổ ngồng.. bung nở lặng thầm rơi


Chẳng còn thương.. ta lặng lẽ chia phôi

Đừng tiếc nữa người ơi… bình yên nhé..

Nhắc làm chi cho tim em rơi lệ

Bởi vết thương lòng.. chạm khẽ.. vẫn còn đau…!


GiaBảo

Tản mạn: NGƯỜI VIỆT - Lê Tạo.

 




NGƯỜI VIỆT. 


Hồi đó, vì công việc, tôi thường bay đi nhiều nơi. Trong một lần, đi công tác ở South Carolina, buổi chiều tôi lái xe ngang qua một thị trấn lạ, tìm một chỗ ăn. Lái vào con đường chính của thị trấn, chạy vào một shopping nhỏ. Trên bảng hiệu của khu này, tôi thấy có hai tiệm ăn: một Thái và một Tàu. Tôi đậu xe, đi vào hướng tiệm ăn Thái.  Khi đi ngang qua một tiệm sửa quần áo, bất ngờ, tôi nghe tiếng một người đàn ông đang nói chuyện điện thoại.  Nhìn vào, tiệm không có khách, chỉ mình ông. Tiếng của ông vang vang.  Tôi ngừng lại, giả bộ cúi xuống cột dây giày, lắng nghe thử.

“Con nhớ nấu mì cho em ăn nghen. Tí xíu Ba đóng cửa tiệm, rồi chạy vô trỏng thăm má mày. …”

“…”

Thì thùng mì dưới ga-ra đó. Nếu em thích thì con đập cho nó cái trứng nghen”.

“…”

“Ba muốn đóng cửa tiệm để ở trỏng với bả mà bả hổng chịu cứ bảo mở được giờ nào cứ mở. Ráng làm để dành tiền cho tụi bay ăn học.  Chiều giờ có 2 cái lai quần chứ mấy… Ừ hình như có khách, để Ba gọi lại”.

Tôi nối kết những gì người cha đang nói, tôi hiểu tờ mờ “trỏng” là ở đâu, tại sao “bả” không chịu đóng cửa tiệm, “hai cái lai quần” là khách muốn lên lai, v.v.

Không biết dân tộc khác ra sao, chứ mẩu đối thoại (mà tôi nghe chỉ một phía) mang cả một trời văn hóa. Chỉ vậy thôi, vậy mà nước mắt tôi chực trào ra.

***

Lần khác, đi chợ đêm ở Đài Loan, tôi nghe tiếng 2 người phụ nữ phía trước tôi, đang trò chuyện. Họ đang tính mua cái gì đó gởi về cho gia đình. Trong cách họ nói, có lẽ đang tìm một món đồ chơi, được điều khiển bằng “remote control”, gởi về cho một cháu trai nào đó. Người phụ nữ bên cạnh nói: thôi, mua đại cho rồi, tui nghĩ nó thích. Người kia nói: tui cũng nghĩ nó thích, mà mắc quá bà ơi. Mà thôi, tui với bà đi vòng trở lại mua cho rồi. Mất nửa tháng lương cũng chịu chứ biết sao, con mình vui là được ….

***

Tôi xa quê, sống ở xứ người hơn 2 lần thời gian sống ở VN. Cái tật của tôi là đi tới một chỗ xa lạ nào đó, tôi thèm nghe tiếng Việt. Cứ nghe tiếng Việt là tôi dừng lại, giả vờ làm cái gì đó, nhưng lại lắng nghe. Biết là tật xấu nhưng không bỏ được. 

Mà mỗi lần nghe những mẩu chuyện như thế, tim mình cứ thổn thức. Lòng mình cứ xốn xang. 

Tại sao? Có lẽ dù sống ở bất cứ xó xỉnh nào trên quả địa cầu, tôi mãi mãi là người Việt. 

Lê Tạo

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Thơ : DUYÊN CƠ LỠ PHÚC - Thuần Châu.





 DUYÊN CƠ LỠ PHÚC

(Thuận - Nghịch độc)


Thuận :


Nghiêng chiều nắng toả ngút ngàn cây

Lá úa sầu rơi gió ngật ngầy

Thiên nguyệt đá mòn chân cát bụi

Hải hồ sương nhuộm áo trăng mây

Thuyền neo bến đậu chim ngơ ngẩn

Nước cạn bờ soi cá guộc gầy

Huyền ảo khúc thương miền đắng chát

Duyên cơ lỡ phúc lộc vơi đầy.


Nghịch :


Đầy vơi lộc phúc lỡ cơ duyên

Chát đắng miền thương khúc ảo huyền

Gầy guộc cá soi bờ cạn nước

Ngẩn ngơ chim đậu bến neo thuyền

Mây trăng áo nhuộm sương hồ hải

Bụi cát chân mòn đá nguyệt thiên

Ngầy ngật gió rơi sầu úa lá

Cây ngàn ngút toả nắng chiều nghiêng.

                         THUẦN CHÂU.

Thơ : LẼ NÀO KHÔNG NHỚ TUI SAO - Thạch Thảo.

 




LẼ NÀO KHÔNG NHỚ TUI SAO


Nửa khuya thức giấc. Nhớ người

Có con chim lạc. Cuối trời xa xăm.

Có đôi mắt ướt âm thầm

Có tình vời vợi. Trăm năm ru buồn.


Lẽ nào ngần ấy yêu thương

Tình thu đăm đắm. Trầm hương ngọt ngào.

Thật lòng không nhớ tui sao?

Bao nhiêu kỷ niệm. Dạt dào. Lung linh.


Lời ai thủ thỉ. Thơm lành

Vai ai chìm giấc. Dỗ dành. Xanh xao.

Vườn xưa chín nẫu trái sầu

Lẽ nào không nhớ tui sao. Bớ người.


Nghêu ngao bản nhạc không lời

Để thương. Để nhớ. Cuối trời...Gió mưa.

Biết sao quên nhớ cho vừa

Mình ên khờ dại. Dại khờ. Về đâu?


Nâng niu hoài mộng ban đầu

Lẽ nào không nhớ tui sao? Bớ chàng!


Vĩnh Long ngày  23- 9-2021

THẠCH THẢO Bình  Dương

Lịch sử: NỖI HẬN KHÔN NGUÔI - Quỳnh Giao.

 



 

NỖI HẬN KHÔN NGUÔI. 

Trung Hoa có bốn nàng tuyệt sắc. Ðẹp đến nỗi chim sa như Tây Thi, làm cá lặn như Vương Chiêu Quân. Ðến nguyệt thẹn như Ðiêu Thuyền, hoặc hoa nhường như Dương Quý Phi. Những chữ “chim sa, cá lặn, hoa nhường, nguyệt thẹn” để mô tả tứ đại mỹ nhân này đã là thành ngữ.


Nhưng, không hiểu sao, cả bốn nàng đều liên hệ đến những biến cố chính trị trong lịch sử Trung Hoa. Cùng tiếng khen lại có ngay lời bình, làm cho khuynh quốc khuynh thành, có khi làm mất nước. Chả hoá là sắc đẹp phụ nữ có sức mạnh đến vậy sao? Hay là vì sự yếu đuối của các đấng mày râu?


Lên tới đỉnh cao nhất rồi trượt vào vực sâu nhất của thảm kịch, có lẽ là thân phận của Dương Quý Phi, nàng quý phi họ Dương.


Con nhà quan, quan nhỏ thôi, nàng có sắc đẹp và lại giỏi nghề múa hát cầm ca nên từ 13 tuổi đã được nhập cung, làm vương phi cho một vị Vương tên là Lý Mạo, con trai thứ 18 và còn rất nhỏ tuổi của Ðường Huyền Tông.


Huyền Tông Lỳ Long Cơ là ông vua hùng tài, cháu nội của Võ Tắc Thiên. Khi còn trẻ đã khởi binh dẹp loạn Vi Hoàng Hậu trong triều và lên ngôi với ý chí khôi phục lại hào quang của thời Ðường Thái Tông. Trong mấy chục năm đầu, khi nhà Ðường của ông còn niên hiệu Khai Nguyên, ông đạt được mục tiêu nhờ biết dùng các bậc hiền thần. 


Quá tuổi trung niên, ông bị kiêu chí làm mờ trí tuệ và dung túng gian thần trong triều, khởi đầu là Lý Lâm Phủ. Kể từ đó, nhà Ðường của ông gặp họa, là thời kỳ ông đổi niên hiệu thành Thiên Bảo. Lịch sử về sau mới nói về cùng một triều đại mà thời Khai Nguyên thì thịnh trị, qua 15 năm thời Thiên Bảo là đại họa.


Nhưng, cái họa lớn nhất của Huyền Tông là họa hồng nhan.


Ông là người đa tài mà hiếu sắc và đặc biệt là lãng mạn mê đắm các người đẹp trong cung.  Vị Hoàng Ðế này có thể là người tình tuyệt vời với từng người đẹp. Nhưng cùng lúc ông lại có rất nhiều người, trong số ba ngàn cung tần mỹ nữ được tuyển vào tam cung lục viện. Ông có trước sau 59 người con, 30 trai 29 gái, chưa kể ba con bị mất của bà Huệ Phi họ Vũ, là người đẹp ông quyến luyến nhất và cũng thương tiếc nhất khi nàng tạ thế.


Cho đến ngày Huyền Tông liếc thấy nàng phi của con trai là nàng Dương Ngọc Hoàn.


Nàng có cái tên rất đẹp là Thái Chân thì cũng do Huyền Tông đặt cho: Dù là Hoàng Ðế mà cướp vợ của con thì cũng kỳ! Nhà vua phải dẫn nàng đi qua một đường vòng, cho nàng đi tu, làm nữ đạo sĩ dưới tên Thái Chân. Sau đó cả năm mới đưa nàng về cung. Năm đó, Ngọc Hoàn mới 18, Huyền Tông tuổi gần gấp ba, 52 tuổi.


Kể từ đó, ba ngàn mỹ nữ kia trở thành bóng mờ. Nàng đã là trời một phương. Ðược cất lên làm Quý Phi, nhưng dùng nghi trượng của Hoàng Hậu.


Nếu suy theo thời nay, Quý Phi có lẽ không cao lớn, vì có khi còn múa được trên mâm đồng. Khi lớn tuổi hơn một chút, lại rất ham ăn uống không chịu kiêng khem, nàng thuộc loại da thịt đẫy đà, dưới làn da trắng hồng dường như lại ửng chút mỡ màng, râm rấp mồ hôi. Nhưng sắc đẹp Quý Phi thì không bút nào tả xiết, lại gẩy tỳ bà, gõ khánh ngọc, biết múa, biết hát, biết chiều vua. Lại còn biết hờn ghen nữa, làm nhà vua càng mê mẩn. 


Nhờ Dương Quý Phi mà cả họ Dương được hiển đạt, đã giàu, còn sang, và trong tay nắm giữ cả binh quyền. Ðương thời, nhiều nhà mới tiếc là vì sao không sinh con gái, có khi cả họ được nhờ. Cũng nhờ nàng mà hoa mẫu đơn và quả vải mới đi vào văn học sử.


Rồi cũng nhờ Dương Quý Phi mà nhiều kẻ gian nịnh được làm quan lớn, trước hết bằng cách nịnh chính nàng. Khi kẻ gian nịnh vào triều thì trung thần chỉ còn biết cúi đầu đi ra, nếu như còn giữ được cái đầu. Sau Lý Lâm Phủ, hàng ngũ gian thần có thêm Cao Lực Sĩ và An Lộc Sơn, cả hai đều biết chiều vua bằng cách nịnh nọt Quý Phi.


Nổi tiếng tài hoa, Ðường Huyền Tông cũng biết quý trọng thi nhân, nhờ vậy mà có lúc Lý Bạch đã vào làm thơ giữa triều. Ông được triệu tới... phổ thơ vào nhạc, để lại cho hậu thế ba bài Thanh Bình Điệu ngợi ca sắc đẹp Quý Phi... Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung.... Xiêm áo tựa mây, dung nhan tựa hoa. Bài thơ trở thành ca khúc, có sự phụ họa của dàn nhạc cung đình gồm 16 nhạc cụ. Người thổi sáo ngọc đệm đàn chính là Huyền Tông. Thời nay, có lẽ ông là người giữ nhịp phách, đánh trống chầu.


Nhà thơ tất nhiên biết yêu cái đẹp nhưng cũng thấy nhợn với lũ nịnh thần huyên náo chung quanh, nên làm nhục Cao Lực Sĩ, và vì vậy gây bất hòa với Quý Phi. Nhờ thế, Lý Bạch khỏi là ca nhân của cung đình, ông thong dong bước ra ngoài, như con hạc thần bay lên cõi tiên.


Trong khi ấy, vị vua hùng tài thời trẻ bắt đầu già nua và quẫn trí bỏ bê triều chính, cho đến ngày chính An Lộc Sơn làm phản và cầm quân đánh vào kinh đô Trường An. Kẻ gian năm nào đã vào nhận làm con nuôi của Quý Phi nay làm triều đình rung chuyển. Anh trai của Quý Phi là Dương Quốc Trung là kẻ bất tài, chỉ nhờ em gái mà lên Tể tướng nắm binh quyền. Không gian thì cũng hèn nên Quốc Trung lại khuyên Huyền Tông bỏ chạy vào đất Tây Thục để lánh nạn.


Trên đường tháo chạy, ba quân nổi loạn vì oán giận gian thần và gây áp lực không chịu đi nếu Hoàng Ðế không giết Quốc Trung. Và cả nàng em gái đã khiến nhà vua mê đắm mà làm loạn nước.


Kết cuộc thì Ðường Huyền Tông đành tự cứu mạng và cho người thắt cổ Quý Phi tại gò Mã Ngôi, vào đêm mùng bảy tháng Bảy, đêm Thất Tịch... Năm đó, Dương Quý Phi 36 tuổi, Huyền Tông đã bảy mươi. Sau đó, loạn An Lộc Sơn cũng tan, ông vua già Huyền Tông lụ khụ trở về, nhưng nhà Ðường bắt đầu xuống dốc từ đấy.


Mối hận tình ở Mã Ngôi Pha được lưu truyền mãi và gợi hứng cho nhiều thi nhân về sau. Trong số này, trác tuyệt nhất có Bạch Cư Dị và bài Trường hận ca, bài trường thi 118 câu, mỗi câu lại là vàng ngọc tuôn trào như lệ.


Nhưng không hiểu sao, các bậc tu minh nam tử tài trí ở đời, cứ có chuyện là đổ lỗi cho khách quần hồng.


Ða mang, hiếu sắc và mê muội trong đường tình ái thì hiếm có ai bằng Huyền Tông, nào có phải vì nàng họ Dương? Con người đó không gặp Ngọc Hoàn, thì tất cũng sẽ có nàng khác lên thành Quý Phi. Mà mê muội như vậy, ông không nuôi ong tay áo thì cũng dắt cọp vào nhà. Nếu quả thật là yêu Quý Phi còn hơn triều chính và mạng sống của mình, ông tất phải dắt tay nàng cùng bước vào cõi Thiên Thai, theo đúng lẽ mà Bạch Cư Dị đã viết: như chim liền cánh, như cây liền cành.


‘Trẫm có tội với bá tánh vì nghe lời nịnh thần và bỏ bê triều chính. Trẫm cũng coi Quý Phi là tri kỷ trong đời. Nên sẽ cùng nàng dừng chân tại đây. Tội là ở Trẫm, Mã Ngôi Pha sẽ là nơi mai táng mối tình của Trẫm với nàng.”


Dám nói vậy thì trong đám tòng vong của triều đình ai dám bắt ông chết?


Mà nếu có chết thì chẳng là xứng đáng sao. Xứng đáng với trọng tội hôn ám của mình, và nhất là xứng đáng với mối tình cùng nàng Ngọc Hoàn.


Thời đó, ít người dám coi ngai vàng và mạng sống như cỏ rác và tình yêu mới là tôn quý trên đời. Ba ngàn cung tần mỹ nữ khiến cho ông có quyền chọn nên chỉ thiết tha với tình yêu đến ngần đó thôi.


Vì vậy, Dương Quý Phi thành người đàn bà có tội. Công lý và chân lý của đàn ông vì thế cũng chỉ có ngần đó thôi.


Nhưng, may là chúng ta còn có Bạch Cư Dị.


Ông sinh ra khi Huyền Tông đã mất đuợc gần 10 năm, làm quan được hơn mười năm thì chán nản xin về trí sĩ. Những bài thơ u uẩn và nổi tiếng nhất của ông như “Tỳ Bà Hành” hay “Trường Hận Ca” có lẽ được viết trong giai đoạn thứ nhì của cuộc đời, cực hay về từ điệu và ngôn ngữ mà cũng cực buồn về ý thơ, về tư tưởng.


Bài Trường Hận Ca của ông là tuyệt tác mà lại không phổ biến trong chúng ta bằng Tỳ Bà Hành. Phần đầu bài thơ tả sắc đẹp và trí tuệ của Ngọc Hoàn. Không có trí tuệ thì làm sao vượt qua ba ngàn yểu điệu để ngự trị trong tim của Huyền Tông? Phần thứ hai, rất đột ngột, kể về sự biến An Lộc Sơn và cuộc chạy loạn dẫn đến Mã Ngôi Pha. Phần thứ ba bắt đầu tách khỏi lịch sử để nói về nỗi ân hận khôn nguôi của Huyền Tông khi trở về kinh đô Trường An. Lúc đó, ông sống thật, với mối tình đã chết.


Phần thứ tư, Bạch Cư Dị khai thác đến cùng óc thần bí đời Ðường để nói về chuyện một đạo sĩ được sai đi vào núi tiên và tìm gặp được Dương Quý Phi. Phần cuối, nhà thơ tả nỗi xót xa của nàng Ngọc Hoàn về thảm kịch tình yêu và nhờ đạo sĩ trao lại cho nhà vua nửa chiếc thoa vàng với lời thề nguyện thủy chung: trên trời thì nguyện làm đôi chim liền cánh, dưới đất nguyện làm hai cây ghép cành.


“Liền cánh chim tung hoành trời biển,


“Cây liền cành quyến luyến trần gian.”


Lời dịch đó là của ông Trịnh Ðình Thắng, một người yêu Thơ Ðường và cứ phàn nàn mãi là ít ai dịch bài Trường Hận Ca. Bản của Tản Ðà, cũng dịch theo thể song thất lục bát là


“Xin kết nguyện chim trời liền cánh


“Xin làm cây cành nhánh liền nhau.”


Có lẽ, Nguyễn Du của chúng ta cũng cảm được nỗi niềm đắng cay của Dương Quý Phi. Tố Như dùng ngay ý thơ Bạch Cư Dị trong Trường Hận Ca cho Thúy Kiều... nói thách, nói hờn với Kim Trọng:


“Trong khi chắp cánh liền cành


“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.”


Không rẻ rúng sao mà sau 18 năm mặn nồng, khi hữu sự Hoàng thượng lại tặng thiếp chiếc khăn thắt cổ, để di hận tới thiên cổ...


Ông vua này xét ra cũng thường, chỉ hay ở những giấc mơ của ông, cho đời sau được vui rầm tháng Tám với điệu vũ nghê thường ông mơ thấy trên cung Quảng, hoặc được tê tái với Trường Hận Ca, vào một đêm thất tịch của Ngưu Lang và Chức Nữ.



QUỲNH GIAO  (21 tháng 9, 2004)

Thơ : NẮNG THU VÀNG - Lê Xuân Duyên.

 




NẮNG THU VÀNG

Chút nắng thu vàng trong sớm mai

Mang theo giấc mộng thấy u hoài

Trả đầy mơ tưởng nghe thương nhớ

Lẽ bóng thu tàn chiếc lá xoay

Xôn xao mấy nắng thu vàng úa

Ủ rũ bao mưa lá đỏ dài

Em tìm màu mắt hay màu tóc?

Để nắng thu vàng cứ mãi bay

         LÊ XUÂN DUYÊN - 8/2021.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Thơ: RU TÌNH VÀO THIÊN THU - Thuy Hà.

 





RU TÌNH VÀO THIÊN THU.

Giữa đường trần nắng bụi

Anh dầu dãi phương trời

Thơ em như dòng suối

Mát hồn anh chơi vơi.


Trong thơ em có mây

Mong anh là ngọn gió

Về rung cành lá nhỏ

Chim bay về chiều nay.


Hỡi nụ hồng mới nở

Ươm trong lòng giấc mơ

Trong thơ em có nhạc

Ru tình vào thiên thu.

THUY HÀ. 

Thơ: HƯƠNG THẦM TRONG ÁO - Thạch Thảo.

 



HƯƠNG THẦM TRONG ÁO


Gói kín hương thầm trong túi áo

Tháng ngày lãng đãng gió mây bay.

Thu gầy chợt đến khua hồn lá

Thao thức trăng vàng rơi tóc ai?


Sáng nhớ chiều thương đêm mộng mị

Phập phồng tim nhỏ những băn khoăn.

Ngập tràn bóng dáng người dưng ấy

Tự hỏi lòng trong có vội không?


Có một mùa yêu, hồn hoá trẻ

Ríu ran chim hót suốt con đường.

Bảng đen phấn trắng thơm mùi mực

Cả học trò lười cũng...dễ thương.


Gói kín hương thầm trong túi áo

Nghe chiều trăn trở gió heo may

Vòng tay nào ấm hồn thạch thảo?

Tự hỏi...rồi mai...biết có gì?


 THẠCH THẢO - Bình Dương

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

Thơ : MÙA THU TRÊN NGÀN - Duong Trieu (Facebook)




 MÙA THU TRÊN NGÀN

Chạnh lòng  ngồi nhớ  thu xưa 

Hắt  hiu với những  cơn mưa  cuối mùa 

Vui buồn  giọt  nặng  giọt  thưa 

Đồi trà  xanh ngắt  dưới cơn mưa chiều 

Nhớ người  lòng  dạ  buồn  thiu 

Người đi viễn  xứ  tình yêu mất  rồi  

Chiều  thu vắng  lặng một  thời

Còn  trong tâm tưởng một  đời  nhớ  nhau 


DUONG TRIEU (FB) 

Sài Gòn    11  / 09  / 2021

Truyện lịch sử: BA LẦN TRÓI SỨ... - Hoàng Quốc Hải.

 







BA LẦN TRÓI SỨ THIÊN TRIỀU!

‘’Chém tướng giặc đuổi quân về Ải Bắc”

Tác giả : Hoàng Quốc Hải

      Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 8 năm Đinh tỵ (1257) sứ Mông Cổ vào Thăng Long đòi gặp vua Trần Thái tông.

              

Bất chấp các lễ nghi giao tiếp mà triều đình đã soạn sửa đón sứ, và cũng là nơi hai bên hội kiến tại điện Diên Khánh. Nhưng viên chánh sứ nằng nặc đòi cho cả đoàn gần hai chục đứa mặt mũi, y phục gớm ghiếc như một lũ ngựa hoang vào điện Thiên An. Quân cấm vệ ngăn lại, chỉ cho 3 tên qua Ngọ môn.

             

Lại chỉ một viên chánh sứ được phép vào trong điện Thiên An. Hắn đi sồng sộc như một con ngựa sổng chuồng. Lính cận vệ đem ghế tới sát chân, y không thèm ngồi. Nom y tựa một thân cây chết đứng giữa nơi triều hội đông đúc các quan văn võ. Giọng oang oang, huơ chân múa tay, y nói:

            

- Ta phụng mệnh Thiên tử Đai Hãn, đến tuyên cáo cho vua tôi nước An Nam biết, các ngươi phải sửa soạn tiếp đón đại quân Thiên triều đi qua nước ngươi, để vào đánh nhà Nam Tống vẫn chưa chịu đầu hàng, và dâng nốt phần đất còn lại. Trước đây, Thiên triều đã mượn đường qua đánh Champa, các ngươi viện mọi lý lẽ để khước từ. Việc ấy, Thiên tử đã cho qua; nay thì núi sông liền một dải, quân Thiên triều đi một mạch từ Đại Lý về Thăng Long, rồi thẳng đường sang tận Ung, Liêm nhà Tống. Vậy là thuận cả cho Thiên triều và nước các người. Thế là ta đem thời cơ đến cho vua tôi nước Nam lập công với Thiên tử. Bình xong Trung nguyên, công của vua tôi các người lớn lắm.

                 

Cả triều đình bầm gan tím ruột nghe tên giặc vừa ngạo mạn, vừa ngông nghênh xấc xược, như nói ở chỗ không người. Quan đô úy Trần Khuê Kình mắt xếch ngược, tay sờ vào đốc kiếm. Thái sư Trần Thủ Độ thu mình như một trái núi, vừa đưa mắt dõi theo tên giặc vừa lừ mắt cho Trần Khuê Kình không được manh động. Ông lặng lẽ nhìn Trần Thái tông xem nhà vua xử lí việc này ra sao.

                   

Vua Trần Thái tông thong thả bước ra khỏi long ngai, hướng về phía tên sứ Mông Cổ:

       

- Sứ giả kia, nghe ta nói – Ngươi về tâu với Thiên tử rằng, nước ta nhỏ, rừng núi ken dầy, sông ngòi chi chít, chúng ta đi lại chủ yếu bằng thuyền bè. Nước ta không có đường lớn, đường thẳng để quân kỵ nước ngươi có thể hành binh thần tốc được. Ngươi về tâu với Thiên tử, tìm đường khác mà đi.

         

Sứ Mông Cổ lập tức đổi giọng: - Nước các ngươi không chỉ phải vâng mệnh Thiên triều, mở đường nghênh đón đại quân qua đánh nhà Nam Tống, mà còn phải đem quân hiệp tác với quân Thiên triều cùng đánh. Tưởng như thế mới tỏ lòng trung.

              

Trần Thái tông gõ mạnh nhài quạt lên mặt án thư ba tiếng, dõng dạc nói: - Viên sứ thần kia, hãy nghe ta nói - Nước ta nhỏ, ta tôn trọng vai trò nước lớn của các ngươi. Song điều đó không có nghĩa nước ta là thuộc quốc của các người. Hai Thiên triều đánh nhau, là việc của các người. Ta không dính líu. Nước ta không hiệp tác với một nước nọ để đánh lại nước kia. Nên nhớ, nước ta vốn không có thù oán gì với cả hai nước, chớ mượn cớ vu vơ để gây sự.

            

Sứ Mông Cổ liền quát: - Nếu An Nam dám chống lại Thiên triều, thì chỉ cần một đạo binh nhỏ, cũng đủ xéo nát vương đình này, mồ mả tổ tiên của các người phút chốc sẽ biến thành tro bụi! Hắn giơ ngón tay chỉ về phía nhà vua thét – Chỉ có một Thiên triều của Đại Hãn thôi. Lũ thỏ, chuột ở Lâm An, Thiên tử Đại Hãn bắt lúc nào xong lúc đó, sao ngươi dám gọi chúng là Thiên triều.

           

Đô tướng Trần Khuê Kình đứng cạnh, thấy tên chánh sứ có cử chỉ vô lễ, bèn nắm khẽ cổ tay y vặn chéo, buộc nó phải hạ xuống.

          

Sứ thần Mông Cổ to lớn đẫy đà, vận kiểu kỵ sĩ có vẻ oai phong lẫm liệt, bỗng nhói người nhăn mặt, vội giật tay ra. Y nhìn thẳng vào mặt Trần Khuê Kình với vẻ căm tức, toan hành hung, nhưng nghĩ thế nào y lại quay về phía nhà vua, đang định nói một điều gì đó, nhưng không kịp nữa rồi.

            

Vua đã sai: - Gô cổ nó lại, đưa về giam tại nhà Công quán!

   

Bị trói bất ngờ, tên sứ giặc ngơ ngác không hiểu điều gì vừa xảy ra. Y tự hỏi, dưới gầm trời này, lại có nước nào dám chống lại Thiên triều Đại Hãn?

             

Sứ giặc đi rồi, các triều quan ai về chỗ đó. Không khí triều đình im phăng phắc. Lát sau, có tiếng thì thầm giữa các hàng ghế... Vua ta xử thế là phải – Lúc ấy tôi chợt thấy Khuê Kình thò tay vào đốc kiếm mà lo quá. Vì rằng, chém sứ tức là tuyên chiến – May có cái lừ mắt của Thái sư, nếu không thì cầm chắc sẽ nổ ra chiến tranh – Rồi đấy các ông xem, chẳng có sự gì nó cũng đánh mình – Đó là căn bệnh trầm kha cố hữu của bọn bá quyền.

              

Trong không khí tĩnh lặng đến nghi ngờ, Nhà vua nhìn khắp lượt các triều quan, thấy gương mặt mọi người rất bình thản. Vua tự nghĩ, thế là các quan biết ý ta, vua tôi đồng lòng. Ta lo nhất là có ai đó chỉ lo cho thân mình, không còn biết đến  liêm sỉ, đến nỗi nó mạt sát vua mình, nó lăng mạ tổ tiên mình, nó đe đào mồ cuốc mả nhà mình mà vẫn cúi đầu run sợ. Nếu triều đình có những loại quan lại ấy, thì sớm muộn nước cũng mất. Bởi chính những kẻ hèn nhát đó, trước sau cũng sẽ tìm đường đến với giặc. Và nếu như quyền lực rơi vào tay chúng, thì việc chống giặc giữ nước sẽ vô cùng gian nan. Đôi khi dẫn tới mất nước. May quá, xem ra khí phách các bề tôi của ta còn vượng lắm. Kẻ thù chưa làm gì nổi ta.

 

Đoạn vua quay xuống hỏi các quan:


- Việc ta ‘’tiếp’’ tên sứ giả ngạo mạn và vô lễ kia như thế, liệu có gây lo ngại gì cho đất nước không? Trẫm muốn biết cao ý của các quan.

             

Thái sư Trần Thủ Độ ngồi tại ban của mình xin nói:


-Tâu bệ hạ, chính bệ hạ đã truyền cho chúng thần khí phách Đại Việt, lòng tự trọng và biết thế nào là liêm sỉ ở đời. Qua buổi tiếp sứ này, cái lớn nhất mà bệ hạ ban cho chúng thần là pháp Vô Uý của nhà Phật. Theo thần, đó là bảo bối để giữ nước. Nói xong, Thái sư hướng về phía nhà vua vái một vái, rồi ông bình thản ngồi xuống.

        

Để các triều quan tự bàn thảo cho thỏa mãn, sau đó nhà vua phán: Sớm muộn gì Hốt-tất-liệt cũng đánh ta. Vậy từ nay, các khanh phải xem như giặc sắp tới biên thùy, giặc đang tới biên thùy. Xin Thái sư cùng bàn bạc với Đô Thái úy lo gấp việc quân. Nhất định giặc sẽ tràn vào đất ta qua  hai ngả, đường bộ từ Đại Lý (Vân Nam), đường thủy lấy đường Sông cái (Sông Hồng) của ta từ thượng nguồn. Việc cắt đặt thế nào tùy Thái sư, nhưng có hai vị tướng này Trẫm biết rất rõ, nên tiến cử ngay với Thái sư. Một là Trần Quốc Tuấn cho lên kết hợp với người Man, chặn giặc từ biên cương. Hai là Trần Khánh Dư,  cho trấn tại ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì).

             

Thái sư lo ngay cho một đoàn sứ, gọi là sang cống nhà Tống như thường lệ, cốt để che mắt bọn người Thát-đát đang rình mò như một loài cú vọ tại Thăng Long. Cốt để báo cho vua tôi Tống Lý tông (1225-1272) biết mà lo đối phó với quân Thát-đát (Tartare, chỉ quân Mông Cổ), rằng họ mượn đường của Đại Việt qua đánh vào mặt nam nhà Tống, nhưng chúng tôi đã cự tuyệt. Đó là cái tình của Đại Việt chúng tôi đối với Thiên triều. Vì vậy chúng tôi sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ của Hốt-tất-liệt. Lúc này chúng tôi không thể làm gì hơn với quí quốc...

             

Lê Tần, một tướng kiêm thông văn võ, xuất ban:


- Tâu bệ hạ, lòng nhân của bệ hạ thật như trời biển, Tống Lý tông đang trong cơn hấp hối mà bệ hạ vẫn còn muốn cứu. Vào địa vị người cầm quyền Trung Hoa mà gặp khi ta vận hạn, họ sẽ không từ bỏ việc thôn tính. Vả lại trong lúc này, mọi sự trợ giúp với vua tôi nhà Tống đều vô ích. Dân họ là dân anh hùng, nước họ có cả rừng nhân tài. Nhưng công việc của triều đình nhà Tống hiện nay là truy bắt các thủ lĩnh cầm đầu nghĩa quân chống giặc, để nộp cho giặc, cốt làm hài lòng giặc. Binh lính triều đình thay vì đánh quân xâm lược Thát-đát, thì họ buộc  phải đi đánh dẹp các lực lượng đang kháng giặc của người dân. Vậy ai có thể cứu được nhà Tống đây?


- Sao ta không biết các việc Lê Tần nói. Nhưng ta muốn thể hiện lòng nhân ái của Đại Việt ta, ta còn muốn bộc lộ cái khí khái của người quân tử thay vì cách ứng xử tiểu nhân như các hoàng đế Trung Hoa. Ta lưu ý các khanh, các cống phẩm phải tinh tế và tinh sạch, để biểu lộ tấm chân tình của ta đối với họ trong lúc hoạn nạn. Ngay cả việc ta cự tuyệt cho Hốt-tất-liệt mượn đường, cũng có một phần trong ý đồ ta muốn cứu nhà Tống đấy.


- Cả nước đang âm thầm làm việc theo tinh thần thời chiến. Tháng 9 năm ấy, Hốt-tất-liệt lại cử một đoàn sứ giả sang Thăng Long. Thằng này vừa mở miệng hống hách liền bị trói và tống giam luôn. Lại tháng 11 cùng năm, đoàn sứ thứ 3 sang cũng cùng chung số phận. Tháng 12 năm ấy (Đinh tỵ thời điểm này đã bước qua năm 1258), giặc đem 5 vạn quân sang đánh ta. Trần Thái tông đích thân làm tướng dàn binh cự giặc suốt từ giờ Dần (3-5g sáng) đến đầu giờ Dậu (5-7 giờ chiều) tại mặt trận xưa gọi là Bình-Lệ-Nguyên nay vẫn còn dấu tích thuộc vùng Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phúc. 


- Quân ta thất trận rút về vùng sông nước Mạn Trù. Trong tình hình tạm thời thất lợi, vua Trần Thái tông ngồi thuyền lướt tới thuyền các quan, hỏi kế kháng giặc. Gặp thuyền Thái úy Trần Nhật Hiệu, vua hỏi - Quân Tinh Cương đâu? (Tinh Cương là quân bản bộ của Nhật Hiệu). Thái úy đáp - Gọi không đến. Vua hỏi kế kháng giặc. Nhật Hiệu run không nói được, bèn lấy ngón tay nhấp nước viết lên mạn thuyền phía ngoài hai chữ: “NHẬP TỐNG”. Khi Trần Thái tông lướt thuyền đến hỏi ý thái sư Trần Thủ Độ. Thái sư lấy tay sờ lên cổ mình rồi tâu - Bệ hạ, khi đầu thần còn chưa rơi, xin bệ hạ chớ lo.


- Lại nói, khi giặc vào tới Thăng Long, việc đầu tiên là chúng sục tìm cứu mấy tên chánh sứ. Khi tới nhà công quán, vẫn còn đủ 3 tên đang bị trói, nhưng một tên bị trói chặt quá, đã chết.  Giặc mở yến tiệc thâu ngày đêm, trong một kình thành giầu có mà chúng vừa chiếm được. Hàng ngày, chúng sục sạo mọi ngóc ngách Thăng Long để truy tìm của cải, đem về chất đống tại nơi đồn trú. Và chúng yên tâm chờ đợi ngay vua tôi nhà Trần đến đầu hàng.


- Khoảng một tuần sau yên nghỉ, bỗng nửa đêm, quân Đại Việt như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên, bốn phương tám hướng tiếng nổ như sét đánh, lửa khói soi sáng khắp kinh thành. Quân giặc vô phương chống đỡ, tranh nhau lên ngựa trốn chạy. Chúng không kịp đem theo bất cứ một thứ gì cướp được. Ngay cả vũ khí. Vì vậy dọc đường dù gặp người gặp vật, bất cứ một thứ gì cũng làm chúng sợ hãi. Không cướp của, không giết người, chỉ có chạy và chạy... Vì thế dân gọi chúng là ‘’GIẶC PHẬT’’!


- Ôi, nếu ngày ấy Trần Thái tông nhút nhát, vô sỉ mà lùi bước trước sự nhục mạ của kẻ thù, ắt con cháu không đủ dũng khí để sống chứ chưa nói đến việc làm nên chiến thắng Chương Dương – Hàm Tử – Vạn Kiếp – Bạch Đằng, khiến Thoát-hoan phải chui rọ chạy trốn như một con chó. Các tướng hùm sói chưa từng có đối thủ khắp gầm trời, đều lần lượt bị giết, bị bắt làm tù binh của quân dân Đại Việt. Và tới năm 1293 nhà Nguyên hoàn toàn từ bỏ mộng xâm lăng Đại Việt, Nguyên Thánh tổ cho sứ giả tới Thăng Long tuyên cáo bãi binh. Và buộc phải thừa nhận nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt. Quan hệ hai nước trở lại bình thường.


Ngay năm đó, Trần Nhân tông nhường ngôi cho con. Và năm sau (1294), Ngài xuất gia tu Phật tại ngôi chùa Khai Phúc nơi hành cung Vũ Lâm, do chính ông nội ngài là Trần Thái tông tạo lập.


Đại Việt, ôi Đại Việt của ta là thế đó. Nếu kẻ nào không muốn bị trói, bị tiêu diệt, chớ có manh tâm đụng đến Việt Nam!


Xóm vắng Pháo Đài Láng mùa chống Dịch.

Ngày 11 tháng 9 năm 2021.

H.Q.H

Vui cười: THI ĐẤU KIẾM - Tuấn Đặng (FB)




THI ĐẤU KIẾM 

 Một ngày kia , Nhật Bản tổ chức cuộc thi xem ai sử dụng kiếm Nhật giỏi nhất.

Vô chung kết còn 3 nước : Nhật , Trung Quốc và Việt Nam.

Anh TQ ngạo nghễ thi trước, sau một tiếng rẹt, BTC thấy 1 con muỗi bị chẻ làm đôi!!Mọi người hoan hô kịch liệt.

Anh Nhật nóng máu cũng quyết ra tay thi thố, ảnh cũng chém rẹt một cái và trên lưỡi kiếm có cái chân của con muỗi.Mọi người vỗ tay ầm ầm luôn.

Anh VN từ từ đi ra thi, cũng rẹt rẹt như điện xẹt chém con muỗi như 2 tay kia , có điều lạ con muỗi vẫn bay bình thường sau khi bị chém..

Không lẻ chém hụt? Mọi người thắc mắc..

Ảnh mĩm cười:

"Nó đã bị triệt sản!!"(*)

Kể từ đó đám vo ve hết chích ai được luôn.... hehehe

TUẤN ĐẶNG (FB) 

--------------

(*) Để thêm phần thâm thúy, người sưu tầm xin thêm : " Nó đã bị triệt sản!! Đ.ị.t... m... , không tin bắt nó lại kiểm tra đ...ê...ê.... "

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Suy ngẫm: ĐIỀU TO TÁT HƠN - ST trên FB

 




ĐIỀU TO TÁT HƠN. 

Trước đây, tôi xem bức ảnh này nhưng không hiểu hết ý nghĩa, chỉ biết là chú mèo thấy cái đuôi rắn thò ra từ 1 cái lỗ bé và chú mèo cứ nghĩ đó là đuôi chuột, lấy chân vờn định kéo ra.

Sau này, tôi mới biết bức ảnh này là một tác phẩm nổi tiếng của họa sỹ người Ý Marco Melgrati, dưới bức ảnh có chú thích rằng:

"Bạn sẽ không bao giờ biết được bạn đang chơi với ai, vì vậy xin hãy luôn tôn trọng mỗi người trong suốt cuộc đời bạn".

Trong cuộc sống, những gì mà bạn nhìn thấy chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật, những gì bạn chưa nhìn thấy như phần chìm của tảng băng trôi! Đôi khi, bạn nghĩ không ai biết bạn đang làm gì, nhưng kỳ thực họ đã nhìn thấu bạn là ai từ lâu rồi, nên bạn hãy cẩn trọng trong phát ngôn và hành động, bởi bạn không biết điều gì xảy ra khi bạn làm tổn thương họ.

Hãy luôn làm đầy ngân hàng cảm xúc, hãy dùng sự chân thành, hoà hiếu, yêu thương của bạn để đối đãi với người.

Hãy luôn sống với cái tâm của mình để đối đãi với mọi người xung quanh, đó cũng là cách cho mình một cuộc sống nhẹ nhàng và vui vẻ nhất.


St

Thơ : ÁO THU BAY - Thạch Thảo.





 ÁO THU BAY.

Rồi con bướm trắng không sang nữa

Để gót thu buồn bước ngẩn ngơ

Sáng nay đến lớp sầu lên mắt

Nắng nhớ mưa thương cũng hững hờ.


Chợt đến chợt đi - tình vội vã

Chiều hoang hun hút gió heo may

Ừ chấp nhận thương lòng hóa sẹo

Ủ hương thầm năm tháng mơ phai.


Rồi con bướm trắng không sang nữa

Để nắng thu gầy vương áo bay.


THẠCH THẢO  Bình Dương

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Thơ: HỒN SE SẮT NHỚ -Thuy Hà.

 




HỒN SE SẮT NHỚ. 

Ngọn thu phong làm hồn se sắt nhớ

Khăn choàng vai vương tóc rối bềnh bồng

Vẫy tay chào... Hôm người đi kẻ ở

Nhạt nhòa màu khăn thấm đẫm chờ mong.

Mây thu trôi trên nền trời lam thẫm

Trọn kiếp lang thang không bến không bờ

Có vạt cỏ khô vàng trong ảm đạm

Lay lắt bên đồi hoa tím thờ ơ.

Mùa thu rơi rơi trên cụm hoa nhài

Tỏa ngát hương tách trà vừa kịp ủ

Anh đi rồi nên vườn xưa hoang hoải

Bàn ghế lạnh lùng hoa rụng sầu thu.

Đóa hoa hồng trên cành vừa mới nở

Đã lìa cành trong hiu hắt thu phong

Tiếng lá vàng rơi ngập ngừng bỡ ngỡ

Chao xuống chạm vào giữa chốn mênh mông. 

THUY HÀ. 

Ngẫm: SUY NGHĨ CỦA CON NGƯỜI - Hứa Y Định.

 



SUY NGHĨ CỦA CON NGƯỜI. 

Rạng sáng ngày 26/9/1983, hệ thống theo dõi tên lửa của Liên Xô vang lên cảnh báo. [1] Nó phát hiện các tên lửa được phóng đi từ Mỹ đang hướng thẳng đến nước này.

Trong vài phút, Oko, tên của hệ thống, thông báo có năm quả tên lửa đang nhắm đến Liên Xô.

Stanislav Petrov, trung tá thuộc Lực lượng Phòng không Chiến thuật, là người chịu trách nhiệm chính cho việc theo dõi hệ thống Oko vào lúc đó.

Nhiệm vụ của Petrov, như trong quy trình đề ra, là lập tức nhấc điện thoại lên, thông báo cho chỉ huy cấp cao nhất, và, theo quy trình, thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đáp trả.

Đó là thời điểm căng thẳng dâng cao của Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ lẫn Nga đều chuẩn bị sẵn các tên lửa hạt nhân nhắm vào nhau.

Trước đó chỉ vài tuần, vào ngày 1/9/1983, một chiếc máy bay dân dụng của Hàn Quốc bay lạc hướng vào không phận của Liên Xô đã bị không quân nước này bắn hạ vì nhầm tưởng là hành động thù địch. [2] Toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có một nghị sĩ Mỹ.

Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ phóng tên lửa tấn công Liên Xô sẽ không phải là chuyện bất ngờ. Những sĩ quan như Stanislav Petrov đã được huấn luyện kỹ càng để chuẩn bị và phản ứng với tình huống đó.

Petrov cần phải phản ứng ngay lập tức. Chỉ một phút chần chừ có thể sẽ khiến lực lượng phòng không nước này không kịp trở tay, bị các tên lửa hạt nhân của đối phương phá hủy. Hàng triệu người Liên Xô sẽ thiệt mạng vì cuộc tấn công của Mỹ mà không có cơ hội đáp trả.

Nhưng Petrov đã không làm theo lệnh.

Thay vì làm đúng quy trình, thông báo cho cấp trên và yêu cầu tấn công đáp trả, Petrov dừng lại suy nghĩ.

Ông chất vấn tính chính xác của hệ thống cảnh báo hiện đại bậc nhất vào thời điểm đó.

Ông đặt câu hỏi: nếu là một cuộc tấn công tổng lực, vì sao lại chỉ có năm quả tên lửa được phóng đi?

Petrov kết luận rằng hệ thống đưa ra cảnh báo sai, và kiểm tra xem lỗi xuất phát từ đâu.

Hơn hai mươi phút sau đó, mọi người trong phòng chỉ huy của hệ thống đều thở phào nhẹ nhõm. Radar phòng không xác nhận không có tên lửa nào của Mỹ phóng đến Liên Xô.

Petrov đã cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân bằng việc không tuân theo mệnh lệnh và quy trình đã đề ra.

Ông làm việc đó bằng cách chất vấn, tự suy nghĩ, và tự tìm cách giải quyết vấn đề.

***

Câu chuyện về Stanislav Petrov được kể lại trong quyển sách “One plus one equals three” (1 + 1 = 3) của Dave Trott, một cuốn sách chia sẻ về tư duy sáng tạo (creative thinking). [3]

Rất nhiều người khi nghe chuyện của Petrov sẽ không nghĩ đến hai chữ “sáng tạo”. Với họ, sáng tạo là cái gì đó gắn liền với nhà phát minh hoặc nghệ sĩ hay thứ gì đó hoành tráng ghê gớm, một loại năng lực bẩm sinh, thiên phú và không phải ai cũng có được.

“1 + 1 = 3” có thể khiến họ nghĩ lại. Cuốn sách tập hợp muôn hình vạn trạng các mẩu chuyện nhỏ về sáng tạo để độc giả nào cũng có thể nhìn thấy mình trong đó.

Câu chuyện về Petrov là một điển hình để người đọc định nghĩa lại cách hiểu về sáng tạo: thay vì răm rắp làm theo quy trình hay mệnh lệnh, chỉ cần biết dùng cái đầu của chính mình để suy nghĩ thì đã là một con người sáng tạo.

Cuốn sách của Dave Trott thường được giới thiệu như cẩm nang tư duy cho người làm quảng cáo, nhưng cả chuyện này cũng nên được định nghĩa lại. Bìa sách: Amazon, We Create.

Đó cũng là điểm thiếu nhất trong những xã hội và thể chế như Việt Nam, vốn đề cao sự đồng thuận và phục tùng vô điều kiện.

Người ta vẫn được nghe hai chữ “sáng tạo” được nhắc đi nhắc lại trong trường học, trên báo chí và từ miệng của các quan chức lãnh đạo. Nhưng “sáng tạo kiểu Việt Nam” luôn luôn nằm trong những cái lồng mang tên định hướng, khuôn khổ hay chỉ đạo.

Nếu có ai thắc mắc vì sao người Việt Nam thừa sức sáng tạo nhưng lại thiếu đột phá, thì đó chính là lý do. Nếu có ai tự hỏi vì sao cũng là người Việt Nam đó, nhưng chỉ cần sống trong một môi trường khác là có thể đạt những thành tựu bứt phá không thua kém bất kỳ ai, thì đấy cũng là lý do.

Một cách công bằng, làm theo đám đông cũng là một loại trí khôn. Trong đa số trường hợp, đó là cách để tồn tại đơn giản và hiệu quả nhất. Không chỉ có con người, hầu như động vật nào cũng có thứ trí khôn đám đông đó.

Nhưng trong những trường hợp khủng hoảng, làm theo đám đông lại dễ dẫn đến thảm họa.

Câu chuyện một chiếc máy bay rơi ở Congo được nêu trong sách là minh họa cho hậu quả của việc tư duy theo đám đông trong hoảng loạn.

Chiếc máy bay dân dụng nhỏ rơi khi sắp hạ cánh. Tổng cộng có 19 hành khách và hai phi công. Hai mươi người thiệt mạng ngay tại chỗ. Người duy nhất sống sót bị thương nặng được đưa vào bệnh viện.

Tiến hành điều tra, người ta không thể tìm ra nguyên nhân của tai nạn. Chiếc máy bay vận hành tốt. Động cơ không bị trục trặc. Phi công đều có kinh nghiệm. Thời tiết khi đó hoàn toàn thuận lợi. Không ai biết lý do vì sao máy bay rơi, cho tới khi người duy nhất sống sót tỉnh lại.

Theo lời kể của ông, một trong những hành khách đã giấu một con cá sấu nhỏ trong túi hành lý. Toàn bộ hành lý được xếp ở phần đuôi của máy bay. Khi máy bay sắp hạ cánh, con cá sấu chui thoát ra khỏi túi. Tiếp viên nữ nhìn thấy liền hoảng sợ chạy ra phía trước thông báo cho phi công. Các hành khách nhìn thấy cô sợ hãi bỏ chạy vì con cá sấu cũng hò hét chạy theo về phía trước. Phần đầu của máy bay hứng trọng lượng của toàn bộ hành khách khiến nó chúi mũi xuống đất. Phi công yêu cầu mọi người quay lại, nhưng đã muộn. Chiếc máy bay cắm đầu lao thẳng xuống đất khiến 20 người chết.

Con cá sấu ở phần đuôi của máy bay lại không hề hấn gì, bò thoát ra ngoài, trốn trong bụi rậm gần đó. Một người dân địa phương khi phát hiện đã đập chết con cá sấu mà không biết rằng nó từ máy bay chui ra.

Nếu không có người sống sót kể lại, sẽ không ai biết được thảm họa xảy ra chỉ vì đám đông hoảng loạn làm theo người khác.

Con cá sấu nhỏ nhét vừa chiếc túi hành lý cùng lắm sẽ chỉ làm bị thương ai đó nếu cắn. Nhưng cuối cùng nó lại khiến 20 người gặp nạn vì trong thời khắc hoảng loạn, không ai dừng lại để suy nghĩ vì sao mình phải bỏ chạy.

***

Khó có thời điểm nào thích hợp hơn lúc này, khi đất nước đang chìm trong khủng hoảng, để mỗi người suy nghĩ về… khả năng tự suy nghĩ của chính mình.

Những chính sách rập khuôn theo chỉ đạo tạo ra nhiều hệ lụy hơn là giải quyết vấn đề. Những thuộc cấp  răm rắp nghe lời bám lấy từng con chữ của cấp trên mà không dám chất vấn tính hợp lý của nó. Và những đám đông để nỗi sợ hãi dẫn dắt sẵn sàng làm mọi thứ theo bản năng hoặc để mặc cho người khác ra lệnh, nghĩ rằng thứ tốt nhất mình có thể làm là ngoan ngoãn vâng lời.

Một cuốn sách chia sẻ về sự sáng tạo là cách tốt để mỗi người tự nhắc nhở, rằng bộ não trong đầu mình là thứ có một không hai, và nó sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân lẫn xã hội khi được chính chủ nhân sử dụng, thay vì ký gửi cho kẻ khác.

Nếu ngày đó Stanislav Petrov tuân lệnh như một cỗ máy, và Liên Xô ngay lập tức đáp trả một cuộc tấn công tưởng tượng từ phía Mỹ, thì hậu quả, như quyển sách dẫn lời một Đại tướng Liên Xô kể lại, là “một nửa nước Pháp, một nửa nước Đức, 30% nước Mỹ và toàn bộ Vương quốc Anh đã bị phá hủy”.

Đó, tất nhiên, chưa tính đến việc Mỹ và đồng minh phản công. Phần lớn Liên Xô và các nước đồng minh có lẽ đã cùng chung số phận bị hủy diệt.

Thảm họa đó đã không xảy ra, nhờ vào một người lính biết tự mình suy nghĩ.


Chú thích

1.  Chan, S. (2017, September 19). Stanislav Petrov, Soviet Officer Who Helped Avert Nuclear War, Is Dead at 77. The New York Times. https://www.nytimes.com/2017/09/18/world/europe/stanislav-petrov-nuclear-war-dead.html

2.  Korean Air Lines flight 007 | Missiles, Investigation, & Facts. (2021). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/Korean-Air-Lines-flight-007

3.  One Plus One Equals Three: A Masterclass in Creative Thinking : Trott, Dave: Amazon.sg: Books. (2021). Amazon. https://www.amazon.sg/One-Plus-Equals-Three-Masterclass/dp/1447287053

 HỨA Y ĐỊNH – 24 AUG 2021

Vui cười: NẾP NHĂN - Sưu tầm.

 






CHỒNG GIÀ VÌ VỢ DÙNG MỸ PHẨM

- Anh ạ! Loại mỹ phẩm này tuy đắt thật nhưng nếu dùng nó sẽ làm mất các nếp nhăn trên mặt em đấy!

- Anh thì nghĩ nó có tác dụng phụ.

- Tác dụng phụ gì hả anh?

- À, nó làm xuất hiện các nếp nhăn trên mặt... anh.

- !?!
SƯU TẦM