Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Sưu tầm : QUÀ CỦA THƯỢNG ĐẾ - St trên mạng.





QUÀ CỦA THƯỢNG ĐẾ

Ở Mỹ có một cậu bé sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đến khi đi học cậu chỉ mang mỗi một đôi giày rách. Cậu bé nghe nói vào lễ Giáng Sinh, khi đến bất cứ cửa hàng nào, chỉ cần nói với Thượng Đế thứ mình muốn thì chủ cửa hàng sẽ thỏa mãn yêu cầu của mình.
Vào hôm Giáng Sinh, cậu bé nhìn thấy trong một cửa hàng giày có bày bán những đôi giày rất đẹp nên đã bước vào cửa hàng và nói với ông chủ rằng: “Hôm nay là Giáng Sinh, cháu rất thích đôi giày này, chú có thể giúp cháu nói với Thượng Đế để Ngài cho cháu đôi giày này có được không ạ?”
Ông chủ nhìn xuống chân của cậu bé và hiểu ngay vấn đề, ông ấy cầm lấy đôi giày rồi nói: “Được thôi cháu bé, bây giờ ta sẽ nói với Thượng Đế”. Sau đó ông ấy cầm đôi giày và đi vào bên trong.
Một lúc sau, ông chủ đi ra, nhưng trên tay chỉ cầm có mỗi một chiếc giày rồi đưa cho cậu bé và nói: “Cháu bé, Thượng Đế nói rằng Ngài chỉ cho cháu một chiếc giày thôi, cháu phải tự nghĩ cách kiếm tiền để mua chiếc còn lại.”
Cậu bé hỏi: “Vậy cháu phải kiếm bao nhiêu tiền thì mới mua được chiếc giày còn lại?”
Ông chủ nói: “2 đô la.”
Cậu bé lại nói: “Được rồi ạ, cháu sẽ nghĩ cách kiếm tiền, nhưng chú nhất định phải giữ cho cháu chiếc giày còn lại nhé.”
Ông chủ cười nói: “Cháu cứ yên tâm.”
Sau khi về nhà và tiết kiệm được 2 đô la bằng cách nhặt ve chai, cậu bé vui vẻ chạy đến cửa hàng để trả tiền. Ông chủ đã khen ngợi cậu bé và đưa cho cậu chiếc giày còn lại. Kể từ đó, cậu bé đã có một đôi giày mới rất đẹp.
Khi lớn lên, cậu bé đã từng làm nhiều nghề như nhân viên cứu hộ, bình luận viên, phát thanh viên rồi bước vào giới nghệ thuật và trở thành một ngôi sao nổi tiếng. Vào năm 1980, cậu bé ấy đã trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, cũng chính là Tổng thống Ronald Reagan.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có một lần ông Ronald Reagan được phóng viên hỏi về việc có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự trưởng thành của ông là gì, ông đã kể về câu chuyện “Thượng Đế chỉ cho 1 chiếc giày” khi ông còn nhỏ.
Ông Reagan cho biết: “Sau này tôi mới biết được giá gốc của đôi giày đó là 38 đô la, một nửa giá cũng đến 19 đô la nhưng ông chủ cửa hàng chỉ lấy của tôi 2 đô la để dạy cho tôi một điều rằng: Thượng Đế sẽ không cho bạn tất cả những gì bạn muốn, Ngài chỉ cho bạn một phần mà thôi, bạn phải tự mình nỗ lực để lấy phần còn lại.”
Thượng Đế sẽ không cho bất cứ ai quá nhiều hay quá ít. Ngài cho bạn một phần và bạn phải tự mình nỗ lực để có được phần còn lại.
***********
ST

Tùy bút : SÀI GÒN TRONG TRÁI TIM TÔI - St trên FB.






SAIGON TRONG TRÁI TIM TÔI..

          Tôi chính thức là dân Saigon năm tôi lên 4 tuổi . Nhưng từ lúc giáp thôi nôi thì tôi cũng đã từng sống quanh quẩn ở Saigon . Những biến động theo dòng lịch sử như ngày 01.11.1963 hay mùa mùa Xuân năm Mậu Thân 1968 tôi cũng có ít nhiều trông thấy qua cái nhìn ngơ ngác của trẻ thơ ,hay theo những dòng chữ nghệch ngoạc , lem luốc  trên những trang giấy báo in chỉ một màu mực đen duy nhất bốn chữ TỰ Ý ĐỤC BỎ.

         Những hình ảnh xuống đường của thanh niên Học Sinh Sinh Viên ,của những người lao động thợ thuyền hay của những nhà sư dấn thân vào đường chính trị vì lý do gì thì chỉ những nhà sư nói trên mới là người thấu hiểu . Như cuộc đời của ông Thượng toạ Thích Trí Quang vừa viên tịch  hôm 08.11.2019 tại chùa Từ Đàm Huế . Một ngôi chùa đầu tàu gây nên cuộc chính biến chấm dứt triều đại cai trị nền dân chủ đệ nhứt cộng hoà của gia đình vị tổng thống họ Ngô Đình .
           
         Một tuổi thơ êm đềm đuổi hoa bắt bướm , cũng có những buổi chiều trốn học để rong chơi , về nhà bị đòn mếu máo khóc nhè , nước mắt đầm đìa lăn dài trên gương mặt vì sợ đòn roi, rồi vụt chạy cười dòn nắc nẻ khi được xí xoá khỏi đòn roi.
           
       Một tuổi thơ đêm đêm nằm nghe tiếng đạn bay xé không gian , hay những khi tiếng đạn bác rú gầm vang vọng ở xa xa , những đêm hoả châu sáng rực cả nữa góc trời . Những xác chết của thú nuôi và lẫn cả con người nổi lình bình trên dòng nước xanh trong của con kinh Tàu Hủ , những  tiếng nổ đì đùng của nòng pháo 12 ly 7 từ chiếc tàu sắt Hải Quân bên cạnh gốc Cây Đa già , nằm cạnh bến đò Bình Tây bắn sang, làm cháy sạch cả cái xóm nghèo ngã ba Cồn Trấu ,cái xóm nghèo ven đô mà dân có tiền không bao giờ muốn đến .
         
         Đến những cái giựt nẫy người nhảy dựng lên rồi nằm im Vĩnh viễn  của những anh lính sư đoàn 7BB bên vệ đường Thiệu Trị gần ngã tư Phú Lâm ,trước cửa trường tư thục tiểu học Huệ Tâm , xưởng cơ khí Phan Thanh Tòng trong đợt công kích lần thứ 2-3 mùa xuân Mậu Thân  năm 1968 đã in hằn trong ký ức tuổi thơ của tôi mà không thể nào bôi xoá được .
         
        Saigon thời đó có những con đường có lá me bay , mà nhiều nhà văn thêu dệt ca tụng với những mối tình thơ ngây của tuổi học trò ,trên những cuốn tiểu thuyết mini Tuổi Hồng , Tuổi Ngọc mà ngoài bìa có những bức tranh minh họa của họa sĩ Vivi . Nhưng đối với tôi thì me chỉ là một loại cây ăn trái nếu là me non , me đậu phọng . Còn me ván ,me chua thì dùng để nấu canh ,nhất là lá me non dùng để nấu canh chua với cá úc hay là cá chốt thì ngon tuyệt cú mèo , hơn những gì mà các nhà văn đã tả

      Hay những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo loang lỗ , những ổ voi , ổ gà ứ đầy nước mưa đỏ lòm sền sệt ,  khi những chiếc xe thổ mộ chạy qua lún lầy , khiến con ngựa già hý vang vì kéo xe lên còn không muốn nổi , mỗi khi xe đi ngang chòng trành thiếu điều lật ngữa , khách bộ hành phải nắm níu lẫn nhau , rồi chợt ngượng ngùng phát hiện ra người mà mình bám chặt lại là một người dưng khác họ lạ hoắc , lạ hươ .
             
         Saigon hồi xưa đường không to nhưng thoáng và rộng , vì người qui hoạch luôn dành một không gian mênh mông cho nhà dân và khách bộ hành bằng hai dãy hành lang an toàn là những vỉa  hè gần gấp đôi con lộ chính . Có vỉa hè lót gạch bông khía , có nơi lót bằng đá hộc chẻ ,có nơi tráng bằng đá rửa sỏi được khai thác từ các mỏ ở miệt Bình Dương . Chớ không có những con đường lộng lẫy xa hoa ,lót vỉa hè bằng đá garnit nhưng tình nghĩa con người nhạt thếch còn thua nước ốc luộc .
           
         Và Saigon hồi xưa cũng có khá nhiều con đường ,được phủ bằng những hàng cây xanh rộp trời che bóng mát , ngoài những hàng cây me thì có những hàng sao ,sến,  hàng cây sọ khỉ hay những hàng cây dầu ráy cao chót vót ,vươn những cành nhánh dài thậm thượt phủ kín cả một góc trời mơ ước . Ở dưới những tàn cây có những nhà chờ trạm dừng xe buýt , có những xe đẩy cóc ổi , mía ghim , sương sa hột lựu , có những xe gỏi đu đủ trộn khô bò , ruột vịt chua chua và cay xé họng khi khách choai choai đòi phải chan thêm mắm ớt , của những chú chệt già mặc quần tà lõn rộng thùng thình ,khoác chiếc áo 3 túi để đựng tiền ,đầu đội cái nón cối bằng nhựa màu trắng mà nay nó đã ngã qua màu ngà ,vì mưa nắng trái trời bao năm tháng , thường hay xí xoá cười xoà khi lũ tiêu yêu vòi thêm món nầy món nọ .

          Tôi nhớ lắm những vòi nước công cộng trên vỉa hè đường Thiệu Trị , trước cửa hãng giấy Thanh Bình  hồi năm Mậu Thân 1968 , thỉnh thoảng lúc yên bình sau công kích bắn nhau , đám nhỏ ở trại tạm cư lạ hoắc ,lạ hươ , rồi bổng chốc trở thành quen thân , sẵn lòng chia nhau vài cục kẹo , hay dùng chung hộp nho Mỹ mà cả đám nhảy dựng reo hò réo gọi hai tiếng Ô Kê , khi đoàn công voa lính Mỹ chạy qua trước cổng sân trường Mạc Đĩnh Chi quăng xuống , ăn xong khát nước chạy ù qua mở vòi uống vội . Nhớ nhất là hai cái phông tên nước bên đây và bên kia cầu Rờ Nôn (Renault) trước cổng hai ngôi chùa Phước Long và Phước Thạnh , mà sau 4 năm mài đũng quần ở ngôi trường Quốc Việt , có những buổi trưa tan trường nắng cháy da đầu ,mà trong túi không tiền,  khát khô cổ họng ,quăng chiếc xe đạp vội bên đường rồi nhoẽn miệng cười cầu hoà xin các chị , các dì cho há họng vô vòi uống hụp hửi , nước mắt nước mũi chảy ròng vì bị sặc bởi nước chảy quá mạnh không bớt được , vì cái rô bi nê đã hỏng lâu ngày mà không ai thèm sửa chửa , vì trụ nước có ngừng được lúc nào đâu mà phải khoá .
           
        Saigon hồi xưa đất có chật không , nói thật lòng thì cũng có chổ có , chổ không . Người ta chen chúc nhau sống ở nội đô vì an toàn xa chiến sự , chớ rìa ven đô thì trái lại đất rộng người thưa . Đô thành Saigon hồi xưa chưa tới 2 triệu dân . Sống rải đều trên 8 quận rồi sau mở rộng ra thành 11 quận đô thành , theo dòng người khắp các nơi lũ lượt rời bỏ xóm quê , làng mạc ruộng vườn , mồ mả ông bà quê cha đất tổ , nhằm né tránh cảnh đạn lạc bom rơi .
         
        Rồi sau này lớn khôn lên thì những quán cóc vỉa hè , nơi bán cà phê vợt , cà phê phin , ở những góc phố ngã ba , ngã tư đường có một ông lão già nua , hay chị phụ nữ ngồi co ro rồi bất chợ gục đầu ho rũ rượi bên những tủ nhỏ thuốc lá lẻ ven đường , vì cái lạnh , lùng bùng bởi những làn gió bấc hiu hiu chuẩn bị cho mùa xuân về tết đến

        Tôi nhớ lắm những đêm khuya lúc 2-3 gIờ sáng nơi bến tạm ngã tư Bình Tiên , cả đám tài xế trẻ già ngồi quây quần uống những ly cà phê rang , mà mùi bắp khét đen còn nhiều hơn hương vị cà phê , hay những ly trà Huế chẳng có vị , có mùi còn nghi ngút khói , Ngồi để đợi để chờ rước những khách bạn hàng Saigon , chở ra bến xe đò xa cảng miền Tây ,để kịp chuyến xe tài đầu , về các tỉnh đồng bằng mua mấy món hàng mà người dân Saigon ưa chuộng , cái thuở mà giới con buôn đều chắc lưỡi kêu trời vì món hàng nào cũng là hàng quốc cấm , dù đó là những ký gạo , để nuôi sống con người trong thời củi quế gạo châu của cái năm lũ lụt miền Tây , kèm theo cái lạnh run người mùa đông năm 1979 .
       
        Rồi chợt ngậm ngùi khi nghe băng cassette nhà ai vọng lại bài hát của nhạc sĩ Y Vân Saigon đẹp lắm Saigon ơi ! Saigon ơi .....

Saigon hai mùa mưa nắng 2020
(Ảnh trên mạng)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Vui không cười: CHUYỆN VỀ GIỚI "TINH HOA" - Sưu tầm.




CHUYỆN VỀ GIỚI "TINH HOA".

Tinh hoa thông minh hay bình dân thông minh?  Chắc chắn là tinh hoa thông minh hơn rồi, họ học hành và có nhiều bằng cấp thế cơ mà. Có câu chuyện sau :

Trên một chuyến tàu tốc hành, trong toa xe có 2 hành khách, một là giáo sư đại học, một là bác nông dân miền núi. Đường xa buồn chán, ông giáo sư gạ :"Tôi với bác chơi trò giải đố, ai thua thì mất tiền".Bác nông dân nói :" Không dại, ông là giáo sư, tôi là nông dân. Tôi thua là chắc".

Ông giáo sư nói :" Để cho công bằng, nếu tôi thua thì mất 10 đồng, bác thua thì mất 1 đồng". Bác nông dân đồng ý.  Giáo sư hỏi : " Tôi đố bác, ai phát hiện ra Thuyết tương đối?" Bác nông dân im lặng rút 1 đồng ra trả. Ông giáo sư tiếp : " Trong nguyên tử Hydro có bao nhiêu hạt nhân?" Bác nông dân im lặng rút 1 đồng ra trả. Giáo sư khoái chí cất tiền vào túi, giục :" Giờ đến lượt bác".

Bác nông dân đố :" Tôi đố ông, con vật gì khi lên núi có 2 chân, đến khi xuống núi thì lại có 3 chân?" Ông giáo sư vò đầu, bứt tai mãi không đoán ra, đành phải móc 10 đồng ra trả.

Tàu sắp vào ga, ông giáo sư chịu không nổi hỏi : " Đằng nào tôi cũng thua rồi, xin bác cho biết con vật đó là con gì?" Bác nông dân im lặng rút 1 đồng ra trả.

Thế đấy, bình dân thua thì im lặng chấp nhận. Tinh hoa thua thì vẫn thắc mắc.

SƯU TẦM.

Tản mạn : MỘT BÀI THI TUYỂN... - N. Ánh st và gt.





MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ !

Một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học thuộc loại xuất sắc. Anh tự tin dự tuyển vào vị trí quản lý tại một công ty lớn. Anh vượt qua các vòng đầu tiên và đến vòng cuối cùng, đích thân giám đốc phỏng vấn anh để đưa ra quyết định tuyển dụng. Khi xem qua hồ sơ xin việc của chàng trai, vị giám đốc nhận thấy trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Từ trường trung học cho đến khi vào đại học và thi tốt nghiệp, không năm nào chàng trai này không đạt danh hiệu xuất sắc.

Vị giám đốc hỏi:
- “Trong bốn năm đại học, anh có đi làm thêm không?”.

“Dạ không thưa ông”, chàng trai trả lời.

- “Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”.

- “Cha tôi mất từ năm tôi một tuổi, vì vậy toàn bộ tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.

- “Mẹ anh đang làm công việc gì?”

- “Mẹ tôi giặt quần áo thuê cho người ta.”

Vị giám đốc nghe vậy bèn đề nghị chàng trai trẻ đưa bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay của anh khá đẹp và mềm mại.Ông hỏi:
- “Anh đã bao giờ giúp đỡ mẹ trong việc giặt quần áo chưa?”.

“- Chưa bao giờ”, chàng trai thẳng thắn đáp.

“Tôi cần tập trung học cho thật tốt. Hơn nữa, mẹ tôi giặt thì nhanh hơn tôi chứ.”

Nghe vậy, vị giám đốc nói,
- “Tôi có một yêu cầu nhỏ. Hôm nay về nhà, anh hãy rửa hai bàn tay cho mẹ. Rồi sáng hôm sau anh đến đây gặp tôi”.
Chàng trai trẻ cảm giác cơ hội trúng tuyển của mình rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và đề nghị rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy khó hiểu trước yêu cầu của con trai nhưng vẫn đưa hai tay ra cho con rửa.
Chàng trai chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của anh rơi xuống khi anh rửa tay cho mẹ. Lần đầu tiên, anh nhận ra đôi bàn tay của mẹ không chỉ nhăn nheo, mà còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn là rất đau đớn vì anh cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh nhúng tay mẹ vào nước.
Đó cũng là lần đầu tiên chàng trai nhận ra chính đôi bàn tay này đã ngày ngày cần mẫn giặt quần áo để có thể trang trải tiền học phí cho anh. Những vết sẹo trên đôi bàn tay mẹ cũng là cái giá cho những bảng điểm xuất sắc của anh.
Sau khi rửa sạch đôi bàn tay mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt chỗ quần áo còn lại trong ngày.
Tối hôm đó, mẹ con anh đã trò chuyện với nhau rất lâu.
Sáng hôm sau, chàng trai quay lại công ty. Vừa nhìn thấy anh, vị giám đốc hỏi,

- “Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được gì trong ngày hôm qua không?”.

- "chàng trai khóc và trả lời: Tôi đã rửa tay cho mẹ và cũng giặt nốt chỗ quần áo còn lại”.

- “Cảm giác của anh như thế nào?”, vị giám đốc hỏi.

Chàng trai trả lời trong nước mắt tầm tã,

- “Thứ nhất, tôi hiểu rằng nhờ có mẹ mà tôi mới có được ngày hôm nay.

- Thứ hai, tôi hiểu mọi người kiếm tiền vất vả thế nào.

- Và thứ ba, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình đối với mình”.

Vị giám đốc nói: “Đó cũng chính là điều tôi cần tìm ở một quản lý. Tôi muốn tìm những ứng viên biết ơn khi được người khác giúp đỡ, thấu hiểu công sức lao động của người khác và không xem tiền bạc là mục đích sống duy nhất. Anh đã hiểu được những điều đó, vì vậy chúc mừng anh gia nhập công ty chúng tôi”.

Đằng sau sự thành công của mỗi người là mồ hôi , nước mắt có khi cả máu thịt của mẹ cha !!!

St

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Thơ : CHÚT TÂM TƯ... - ST




 CHÚT TÂM TƯ.

CON BUỒN...

          

Từ ngày Con được sinh ra 

Hình như Cơn thấy Ông Bà không vui 

Có mình Bố con là trai 

Bây giờ Bố lại sinh hai gái liền 

Ông Bà nghĩ ngợi muộn phiền 

Sau này thờ cúng tổ tiên thế nào 

Con buồn chẳng hiểu tại sao 

Sinh Con phận gái lẽ nào không thương

Chỉ vì cái chuyện tông đường 

Con người ta nỡ tầm thường thế ư  

Mẹ ngồi trầm mặc suy tư 

Nhìn vào mắt Mẹ dường như Mẹ buồn 

Mai này Con Mẹ lớn khôn 

Chăm ngoan học giỏi đáp đền mẹ cha 

Những suy nghĩ của Ông Bà 

Trọng Nam khinh Nữ đã là cổ xưa 

Trời buồn trời đổ cơn mưa 

Con buồn, Con nghĩ vu vơ Mẹ à ...

(St)


Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Tản mạn : NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH - Sưu tầm.

 


NHỮNG NGƯỜI YÊU SÁCH. 


Nhiều người sợ rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn ai đọc sách in trên giấy nữa, vì đã có CDRom, Ebook… tiện lợi hơn nhiều!


Thực ra, với những người yêu sách, mê sách, thì không có lý do gì để phải…hoảng sợ! Bởi vì sách không chỉ để đọc mà còn để nhìn, để ngắm, để ngửi, để nghe…. Thời còn in typo, xếp chữ chì, bước vào nhà in  nghe cái mùi mực, mùi chì,  riết rồi ghiền. Nhìn những người thợ xếp chữ ở trần trùng trục, hai tay thoan thoắt bắt chữ, xong vỗ một cái cộp lên giấy, ta có ngay một bản vỗ (morasse) còn ướt mực, nóng hổi, “vừa thổi vừa đọc”! Rồi nhìn ông thầy “cò” (correcteur) ốm nhom, râu lỏm chỏm như nhiều ngày quên cạo, chăm chú móc từng chữ sai trong bản vổ, hí hóay lòng vòng như vẽ bùa – chỉ có những người thợ xếp chữ mới biết ông ta muốn gì- để sau đó, ta có bản vỗ thứ hai rồi thứ ba, cho đến lúc sạch trơn không còn sai một lỗi nhỏ. Thật là kỳ công mà cũng thật là…thú vị! Hiện nay, trên một vài phố nhỏ ở Paris, người ta còn thấy trưng bày trong tủ kính những trang bản thảo do chính những nhà văn nổi tiếng tự sứa morasse. Ta như có dịp thấy Victor Hugo, Lamartine, Marcel Proust…  ngồi trước mặt mình, chăm chú, hí hóay.. móc từng dòng từng dòng, xóa, xóa, thêm, thêm…



Có một thời mỗi lọai sách có kiểu giấy riêng. Thơ được in trang trọng nhất trên giấy có hoa văn, mùi thơm thoang thỏang, khổ to, chữ bự, cứ như một bức tranh. Tiểu thuyết, sách nghiên cứu… dùng những lọai giấy khác nhau.  Mỗi nhà xuất bản thường “chơi” một lọai giấy riêng, cách đóng riêng, trình bày riêng. Nhìn qua là biết ngay nhà xuất bản nào. Có “nhà” không dùng giấy trắng láng mà in trên giấy dày, xù xì, màu gỗ như gạo lứt, thô ráp, rờ đủ sướng. Sách lại không xén sẵn mà để nguyên từng “cahier” cho người đọc đựơc cái thú tự rọc lấy. Khi rọc – với một con dao không bén ngót- chẳng những được nghe tiếng sòan sọach, lít rít, mà còn được thấy giấy vụn bươm ra,  tung tóe như cánh bướm, được ngửi mùi gỗ thơm vương vít trong bụi giấy… Tóm lại, ngửi, nghe, nhìn, sờ… đủ kiểu trước khi sách được đọc. Mà vẫn chưa đọc ngay đâu. Hẳn coi cái cách người ta trình bày bìa, trình bày sách, kiểu chữ, dàn trang ra sao cái đã. Hẳn coi những dòng ghi ở cuối sách, cho biết in lần thứ mấy, bao nhiêu cuốn, có bao nhiêu cuốn đặc biệt được đánh dấu riêng, dành cho tác giả…  cái đã. Rồi đọc.  Đọc nhâm nhi hay đọc ngấu nghiến. Đọc ngồi hay đọc nằm, đọc đứng, đọc đi, tùy. Nhưng khi đọc, thường  có cây viết chì cùn, dắt ở mép tai, thỉnh thỏang đánh dấu chỗ này chỗ nọ, ghi chú điều này điều khác. Tóm lại, người mê sách đã biến cuốn sách đâu đâu thành thân quen, gần gũi, riêng tư của mình.…. Vài chục năm sau, một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa, nét xưa… không khỏi ngậm ngùi!


Sách còn một chức năng khác: Một ông bạn kể chuyện ông mê cô hàng xóm xinh đẹp, không dám nói, một hôm gởi tặng nàng cuốn “Hình như là tình yêu” của Hoàng Ngọc Tuấn (ông chưa hề đọc) rồi hồi hộp chờ đợi. Khá lâu sau, nàng gởi tặng lại ông cuốn “Tâm tình hiến dâng”, bản dịch thơ Tagore ( cũng chưa hề đọc). Thế rồi hai người cùng đọc với nhau tới bây giờ… chưa biết chán!


Người mê sách còn phải luôn cảnh giác vì người xưa có nói :”Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, trong sách có cô gái đẹp như… ngọc. Nên phải hết sức cẩn thận. Không khéo có hôm nàng hiện ra, “hỏi không đáp…” thì nguy!


Tóm lại, còn lâu mới “diệt” được sách in.


Thế nhưng gần đây sự phát triển ồ ạt của sách in lại có mặt đáng lo khác! Sách ngày càng nhiều, ngày càng đẹp.  Bìa hoa hòe hoa sói có, thiếu nữ khỏa thân có… bên cạnh những cuốn sách triết học đông tây kim cổ dày cộm có… Các đại gia nhà cao cửa rộng bắt đầu say mê sách! Họ trưng bày nhiều tủ sách trong nhà nhưng không phải để đọc mà để khoe như khoe quầy rượu, tủ quần áo, giày dép hàng hiệu… Có lần tôi đến một khách sạn lớn để dự một buổi ra mắt sách. Ôi chao! Căn phòng rộng mênh mông của khách sạn đầy sách là sách! Các tủ sách kín bưng bọc quanh bốn bức tường khiến khách như bị ngộp trong một hang động… sách! Đủ các loại, tây tàu nga mỹ nhật hàn…cổ kim dày mỏng đều có, ngập từ dưới sàn nhà cho đến tận trần nhà. Không ngờ một “ nơi ăn chốn ngủ” giữa Thành phố thế này mà văn hóa đọc cao đến thế! Tôi tắm tắc lần mò dò đọc các gáy sách với lòng thán phục rồi hỏi nhỏ người phụ trách có cho mượn không, anh thiệt thà bảo chỉ toàn là gáy sách đó thôi, chớ có sách vở gì đâu, chỉ trưng bày cho đẹp căn phòng “văn hóa” đó thôi! Thì ra vậy. Cứ tưởng thiệt thì lỗi tại ta!


(ĐHN)

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Vui cười: CHUYỆN TỐI THỨ 7 - St trên mạng.

 


CHUYỆN TỐI THỨ 7.


Tối thứ 7 sang nhà hàng xóm uống trà chơi, vừa vào đến cửa đã nghe thấy vợ chồng hàng xóm rúc rích trong nhà...

Vợ: Anh.. từ từ thôi đau chết đi được..

Chồng: mèn ơi, lỗ thì bé tí teo, em lấy 2 tay banh ra một chút đi... Ờ ! đúng rồi.

Vợ: á... đau, anh từ từ hãy rút ra, phải thụt ra thụt vào mấy cái đã chứ, anh không biết làm gì cả.

Chồng: Đây thụt ra thụt vào như này được chưa.. đỡ đau chưa em?

Vợ: Nếu anh thấy được thì rút nhanh ra nhé

Chồng: Ờ...

Vợ: Nhanh thế anh đã rút ra rồi à?

Chồng: .. nhưng chưa xong, em cứ nằm yên, lấy tay giữ nguyên cái dái như này cho anh, để anh bôi thêm cái này vào để đút vào cho trơn....

Vợ: úi sao to, dài thế anh? anh mà làm rỗng lỗ của em là em bắt đền đấy.

Chồng: rồi, không nói nữa, lấy tay kia banh ra để anh từ từ đút vào không lại đau. đấy đấy... đúng rồi... có còn đau không em?

Vợ: Không đau.. vào chưa chồng?

Chồng: vào rồi, thôi em đưa nhanh tai bên kia để anh làm cho nhanh để anh còn xem bóng đá nào, 

Vợ: anh phải nhớ lúc nào đeo được anh phải mua cho em đôi bông tai xịn đấy nhé...

Chết tiệt.. chỉ việc đeo bông tai cho vợ mà làm mình lắng tai nghe .. mõi cả cổ nữa chứ


SƯU TẦM TRÊN MẠNG. 

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Tranh vui : CẦU QUA DỊCH - St trên FB.

 

  ( Sưu tầm trên FB )

Thơ : HOA GIẤY NGÀY TRỞ VỀ - Sienglevan.



 HOA GIẤY NGÀY TRỞ VỀ


Nay trở về thăm lại mái trường xưa

Nhìn hoa giấy nhớ một thời xa lắc

Màu trắng hồng dưới nền trời xanh ngắt

Tô thắm sân trường nét đẹp chiều buông…


Gió lay cành gợi nỗi nhớ bâng khuâng

Hoa rơi nhẹ khẽ khàng trong thinh lặng

Vẫn còn đây bài thơ mình viết tặng

Cảm xúc buồn theo làn gió chao nhanh…


Ngắm nhìn hoa màu sắc thắm trên cành

Bên thềm cũ trong nắng chiều nghiêng bóng

Nghe khơi xa biển rì rào tiếng sóng

Bầu trời xanh mây trắng lững lờ trôi…


Hoa bây giờ màu sắc cũ đấy thôi

Vẫn bay khẽ trong trời chiều nhẹ gió

Lặng lẽ thả mình rơi từng cánh nhỏ

Vẫn mãi là cánh giấy mỏng mong manh…


Bách bộ sân trường lối cũ dạo quanh

Tìm kỉ niệm trong buồn vui tiếc nuối

Xa mái trường buổi chia tay lần cuối

Lưu luyến lặng nhìn đôi mắt cay cay…


Chùm hoa vẫy chào khi ngọn gió lay

Biết ít dịp được ngắm nhìn hoa nữa

Vẫn khoảng trời xưa một mình đứng giữa

Có cánh hoa nào rơi nhẹ trên tay…

              (Sienglevan - chiều 12/7/2020)

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Thơ : MỘT BÀI THƠ KỲ DIỆU - ST trên FB.



 MỘT BÀI THƠ KỲ DIỆU! 


Tiếng Việt của chúng ta thật tuyệt vời! 

Phải nói là bái phục bài thơ kỳ lạ này. Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học (Đinh Trọng Hiếu) từ Paris đăng trên Khuôn Mặt Văn Nghệ.


Bây giờ, chúng ta hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của bài thơ này :


1* Bài thơ gốc :


Ta mến cảnh Xuân ánh sáng ngời 

Thú vui thơ rượu chén đầy vơi

Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc 

Lá quyện hương Xuân sắc thắm tươi 

Qua lại khách chờ sông lặng sóng 

Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người 

Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng

Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười 


2* Đọc ngược bài gốc từ dưới lên :


Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha 

Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa

Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược 

Sóng lặng sông chờ khách lại qua

Tươi thắm sắc Xuân hương quyện lá

Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa

Vơi đầy chén rượu thơ vui thú

Ngời sáng ánh Xuân cảnh mến ta


3* Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược về bên trái từ dưới lên trên :

( Sẽ là 1 bài thơ ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng) 


Cảnh Xuân ánh sáng ngời 

Thơ rượu chén đầy vơi 

Giậu trúc cành xanh biếc 

Hương Xuân sắc thắm tươi 

Khách chờ sông lặng sóng 

Thuyền đợi bến đông người 

Tiếng hát đàn trầm bổng 

Bóng ai mắt mỉm cười 


4* Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc  ngược từ dưới lên trên:

(sẽ là 1 bài thơ ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng. )


Mắt ai bóng thướt tha 

Đàn hát tiếng ngân xa 

Bến đợi thuyền xuôi ngược 

Sông chờ khách lại qua 

Sắc Xuân hương quyện lá

Cành trúc giậu cài hoa

Chén rượu thơ vui thú

Ánh Xuân cảnh mến ta


5* Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc :


Ta mến cảnh Xuân 

Thú vui thơ rượu 

Hoa cài giậu trúc 

Lá quyện hương Xuân 

Qua lại khách chờ 

Ngược xuôi thuyền đợi 

Xa ngân tiếng hát 

Tha thướt bóng ai 


6* Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :


Cười mỉm mắt ai 

Bổng trầm đàn hát 

Người đông bến đợi 

Sóng lặng sông chờ 

Tươi thắm sắc Xuân 

Biếc xanh cành trúc 

Vơi đầy chén rượu 

Ngời sáng ánh Xuân 


7* Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc :


Ánh sáng ngời 

Chén đầy vơi 

Cành xanh biếc 

Sắc thắm tươi 

Sông lặng sóng 

Bến đông người 

Đàn trầm bổng 

Mắt mỉm cười 


8* Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài thơ gốc, ta đọc ngược từ dưới lên :


Bóng thướt tha 

Tiếng ngân xa 

Thuyền xuôi ngược 

Khách lại qua 

Hương quyện lá

Giậu cài hoa

Thơ vui thú

Cảnh mến ta. 

 

Thật là kỳ diệu !! 

Đến nay, vẫn chưa tìm ra tác giả bài thơ này là ai!? nhưng có lẽ đây là một tuyệt tác mà khi đọc xong chúng ta vô cùng khâm phục sự tinh tế và cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả.

Ta lại càng thêm yêu quý trân trọng để giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà, vẫn có người còn bày ra những thứ cải tiến (cải lùi ) nhảm nhí, nó không mang lại lợi ích gì về mặt tinh thần mà chỉ cốt muốn phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt  chính là cái hồn của dân tộc Việt là di sản văn hóa được bao đời tổ tiên ta gìn giữ để lại cho con cháu chúng ta đến muôn đời. 

(HoàngTran st)

MỪNG SINH NHẬT THẦY... - Nguyễn Hữu Hạnh.

 MỪNG SINH NHỰT THẦY PHAN THANH HOÀI 

thầy Hoài3

( Bài viết cho sinh hoạt Ngô Quyền năm 2012 ghi lại để tưởng nhớ Thầy Phan Thanh Hoài vừa qua đời ngày 7 tháng 8 năm2020)

 thằy Hoài

“Sinh Nhựt Thầy ngày nào, chúng em sẽ tổ chức mừng Thầy” đó là câu hỏi của người học trò dành cho người Thầy luôn luôn khả kính và chúng tôi vẫn nhớ. Nhưng thời gian vẫn dần trôi với bao họp mặt tiếp tân, Thầy vẫn luôn đến để chia vui và xẻ buồn với bao người. Buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Thương biết mấy tình cảm của Thầy tôi không còn bụi phấn, thiên chức thiêng liêng đã mờ nhạt với đôi người, nhưng với chúng tôi Thầy vẫn là chùm sao Đại Hùng đã dẫn dắt chúng tôi, biết tìm hướng đi trong đêm tối. Với cả tấm lòng tri ơn chúng tôi đã đến mừng ngày sinh nhựt của Thầy Phan Thanh Hoài chiều 10 tháng 2 năm 2012.

Buổi tiệc mừng sinh nhựt Thầy Phan Thanh Hoài được một nhóm cựu học sinh Ngô Quyền tổ chức, như là một buổi cơm gia đình tại nhà hàng Seafood Cove Nam California. Vì tuần trước Quý Thầy Cô đã dự tiệc mừng Thầy, nên hôm nay chỉ có những học trò Mai Trọng Ngãi, Lữ Công Tâm, Ma Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Thị Tất Ứng, Trương Lê Minh Phương, Đinh Hoàng Vân và Nguyễn Hữu Hạnh. Đặc biệt lại có sự tham dự của Thầy Cô Huỳnh Thanh Mai.
thầy Hoài1thầy Hoài
Tuy chỉ một bàn nhưng những tiếng cười vui lúc nào cũng rộn rã, hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng. Được Thầy cho biết thầy sinh năm 1932 Nhâm Thân, Nguyễn hữu Hạnh đã trổ tài bói quẻ cho Thầy Hoài một thời cao sang và lịch lãm trước mặt cô Huỳnh Thanh Mai.

“Trai nhâm nữ quý thì sang

Nữ nhâm trai quý gian nan chữ tình”

Người em Ngọc Dung từ xa không đến được đã gọi điện thoại đến chúc mừng Thầy, chị Nguyễn thị Tất Ứng đã ép mình trong chay lạt cũng còn xài sang mua hoa tặng Thầy Phan Thanh Hoài và Cô Huỳnh Thanh Mai. Qua từng ánh mắt của từng người học trò, của Thầy Cô cũng đủ nói lên tình cảm thân thiết nhất. Thầy Cô Huỳnh Thanh Mai biểu lộ niềm hạnh phúc khi được tham dự buổi tiệc vui và có ý nghĩa. Từ những câu chuyện trường lớp, chuyển qua đời lính tráng, tù tội đến chuyện thoát hiểm mưu sinh và tìm ăn để sống. Hình như chúng tôi cùng gặp nhau một điểm, quan trọng vẫn là tư cách. “ Con người ta sống chỉ một lần, phải biết sống sao cho đáng sống” để còn được ngước mặt nhìn đời, nhất là gặp lại bạn đồng môn.

Tiệc rượu phải chấm dứt vì các tay tứ chiến ám ảnh những trạm check point dành cho người uống rượu trên các đại lộ dẫn vào little Sài Gòn. Thầy trò lưu luyến chia tay, cũng không quên chúc một đêm với giấc ngủ yên lành. Trương Lê Minh Phương cũng vội vàng tặng Thầy Hoài món quà kỷ niệm. 

Thầy trò chúng tôi là thế đó… Trên đường về những đèn xe nối dài trên xa lộ 22, những ánh đèn chỉ lối trong đêm, tôi nhớ đến những Thầy Cô còn lại. Thầy Nguyễn văn Phố, Thầy Hoàng Phùng Võ, Cô Đặng Thị Trí. v.v. Tôi chợt nghĩ ngày vui sẽ qua mau và thời gian không còn nữa…

Nguyễn Hữu Hạnh
10/02/2012
ngo-quyen.org

 

Hồi tưởng : CHUYỆN TÌNH ( phần cuối ) - Sưu tầm trên FB.

 


CHUYỆN TÌNH 

Thế là suốt mùa don, cô bé Thuyền ít có buổi sáng nào vắng mặt. Ăn hoài tôi đâm ghiền. Ngày nào Thuyền không đến là suốt ngày đó tôi thấy trống vắng lạ thường.. Tôi nhớ hương vị của don, tôi nhớ khuôn mặt của Thuyền. Suốt ba tháng hè tôi không về quê lấy cớ học bài thi. Có lẽ nhờ ăn don mà thân thể tôi đẫy đà. Da dẻ tôi thêm hồng hào trắng mịn. Bà chị tôi phát giác sự “thay da đổi thịt” của thằng em út. Chị chế nhạo: “Nghèo nghèo, nợ nợ kiếm cô vợ bán don.. Mai sau có chết cũng còn cặp ui”.


Năm đó tôi đậu bằng Trung Hoc Đệ Nhất Cấp, cha mẹ tôi cho tôi theo người anh họ vào Sài Gòn tiếp tục học. Tôi từ biệt Quảng Ngãi mà nghe lòng mình buồn tê tái. Tôi ra đi lúc trời chớm Thu, những cơn mưa đầu mùa đã làm cho nước sông dâng cao. Tôi còn nhớ lời Thuyền dặn: “Khi nào nước sông dâng cao thì don không còn nữa. Chừng ấy em sẽ không còn dịp gặp anh, chỉ còn biết hẹn anh vào mùa don tới đầu tháng Hai âm lịch”.


Biết như thế nhưng sáng nào tôi cũng trông tiếng rao của Thuyền.. Tôi mong gặp nàng để nói lời từ biệt. Giờ phút chót ngồi trên xe đò mà tôi vẫn dõi mắt đợi chờ, hy vọng Thuyền xuất hiện. Khi xe chuyển bánh, mẹ và chị tôi mắt rưng rưng lệ nắm tay tôi từ giã. Tôi không cầm được xúc động đã òa khóc. Lần đầu tiên tôi xa mẹ xa chị, xa gia đình cách gần ngàn cây số. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn như đè nặng lên lồng ngực mình. Tôi thương mẹ, thương chị. Nhưng tình của tôi đối với Thuyền vừa nồng nàn vừa xót xa. Tôi xót thương vì cuộc sống của nàng quá lam lũ. Tuổi vừa lên ba, cha Thuyền đã tử nạn theo tàu đánh cá ngoài khơi khi bị cơn bão bất ngờ ập tới. Mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi Thuyền ăn học hết bậc Tiểu học. Mới chừng ấy tuổi mà phải từ giã ghế nhà trường, lăn lộn vào trường đời. Mẹ nấu don, Thuyền gánh bán dạo hàng ngày đi về trên mười cây số.


*   *  *


Những đêm đầu tiên ở Sài Gòn, tôi nhớ day dứt nụ cười rạng rỡ của Thuyền. Nhớ đôi bàn tay nhỏ nhắn của nàng run run trong bàn tay tôi. Nhớ đến hương vị thơm lừng của tô don với chất béo của ruột don trộn mùi cay nồng của ớt, mùi bánh tráng nướng, mùi hành lá tươi. Nó tổng hợp thành hương vị không có món ăn nào so sánh được. Don Quảng Ngãi chiếm lĩnh cương vị độc tôn đối với người dân Quảng Ngãi bởi nó là món ăn quê hương. Và đối với riêng tôi có pha cả mùi hương con gái của Thuyền.


Xa nơi chôn nhau cắt rún lần đầu, tôi nhớ nhất là những chuyến đi chơi với bạn bè trên núi Thiên Ấn. Sau một hồi leo giốc mệt bở hơi tai, khát nước khô cả cổ chỉ cần uống mấy ngụm nước giếng của nhà chùa là cơn mệt cùng mồ hôi tan đi hết. Có người bảo đó là nước của Tiên Phật độ trì. Một truyền thuyết kể rằng có một vị sư đến đào giếng này suốt cả năm trời, khi giếng có nước thì vị sư ấy biến mất. Ngôi chùa Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh núi có mặt bằng vuông vức, cao hơn mặt nước biển trên trăm mét, nhưng nước giếng trong và ngọt cung cấp cho chùa không bao giờ cạn. Quả là điều rất hiếm. Đây là “Đệ nhất thắng cảnh” của quê nhà có tên là “Thiên Ấn Niêm Hà” do quan Tuần Vũ Nguyễn Cư Trinh đặt tên trong mười hai bài thơ Đường Luật... Mỗi bài ca ngợi một thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Đứng trên đỉnh núi nhìn bao quát ta thấy dòng sông Trà Khúc óng ánh bạc uốn mình theo những lũy tre xanh đến tận cùng cửa Cổ Lũy trước khi nhập vào biển Đông. Nơi đây ta có thể thưởng ngoạn thêm “Đệ nhị Thắng cảnh” của quê hương, đó là “Cổ Lũy Cô Thôn” nằm im lìm nơi cửa biển, nước bủa mênh mông. Nhìn chệch qua bên trái là mũi Ba-Tâng-Gâng phơi mình với sóng bão đại dương. Để hồn trải rộng đến cuối chân trời, ta có cảm tưởng như người được thoát tục về nơi tiên cảnh. Kẻ nào có tham vọng, mang ý đồ đen tối mà đối diện với cảnh sắc nầy, trong thoáng chốc cũng tạm thời quên đi.


Vào những ngày sắp nghỉ Hè, tôi nhận được thư của chị tôi : “…Đầu mùa don năm nầy, con bé bán don trở lại. Sáng nào nó cũng đặt gánh don trước cửa nhà chị. Lâu lâu nó rao lên “Ai ăn don hông” rồi đứng đó đợi chờ.. Người ta không biết nó đợi chờ ai, nhưng chị, thì chị đoán biết. Thời gian kéo dài cả tháng trời, chị thấy tội nghiệp nên thỉnh thoảng kêu don của nó cho cả nhà ăn buổi sáng. Đôi mắt nó thật buồn, cứ lén nhìn sâu vào trong nhà mà không dám hỏi. Một hôm, cầm lòng không được, chị cho nó biết là em vào Sài Gòn học đã gần một năm. Sau đó chị không còn thấy con bé bán don trên con đường nầy nữa…”


Đêm đó tôi nằm mơ nghe thấy tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..ông” như tiếng chim cuốc lẻ đôi khắc khoải gào khan suốt mùa Hè thương nhớ rồi cuối cùng chết khô theo con trống, chung tình. Thuyền ơi, hãy tha thứ cho tôi. Những rạo rực tình yêu đầu đời đã làm cho con tim em phải se thắt vì phân ly.


Rồi thời gian trôi qua, ba năm miệt mài đèn sách đã giúp tôi quên hình ảnh cô gái bán don ngày nào. Sau khi lấy xong bằng Tú Tài toàn phần, tôi về thăm Quảng Ngãi. Vào buổị sáng, tôi dậy sớm cùng chị tôi chuẩn bị về quê thăm cha mẹ. Đang xếp áo quần vào va-li chợt tôi nghe tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông”. Tôi vội vàng chạy ra ban-công gọi :


– Ê ! Cô bán don.


Tôi nhanh chân xuống thang gác mở cửa. Cô bán don đứng đợi dưới mái hiên nhà. Thoáng nhìn, tôi tưởng một thiếu phụ nào khác không phải Thuyền. Nhưng không, làm sao tôi nhầm lẫn được. Âm thanh tiếng rao của Thuyền như mọc rễ trong ký ức của tôi. Cũng thân hình mảnh khảnh đó nhưng cao hơn và già dặn hơn. Chính là Thuyền của ba năm về trước.Tôi hỏi:


Thuyền phải không? Nàng nhìn tôi đăm đăm, rồi những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tôi thấy loáng thoáng trên ngực áo nàng vết ố của những giọt sữa đã khô. Đứng sát vào Thuyền, tôi đặt tay lên vai nàng bảo:


– Em để gánh xuống đây, múc don cho anh ăn nhé.


– Không. Don em đã cuối mùa, gặp luồng nước bạc (nước lụt), em không bán cho anh đâu.


Nói xong, nàng đưa tay áo quệt nước mắt, trở gánh quay lại con đường cũ. Tôi đứng nhìn theo nàng mà nghe hồn trĩu nặng. Tôi cố lắng nghe tiếng rao “ai ăn don ho..o..ông” lần cuối cùng của Thuyền lẫn lộn với tiếng rao hàng khác nhưng tuyệt nhiên im lặng, chỉ còn sót lại hương don thoảng bay trong gió.


*   *   *

Chiều Thứ Bảy, Thung bỏ tôi trước căn nhà số 28… trên đường White Forge thành phố Sugarland. Căn nhà lầu ở khu mới xây khá đồ sộ. Vách tường áp gạch màu nâu đỏ trông thật mát mắt. Tôi đứng tần ngần một hồi lâu mới bấm chuông. Người phụ nữ ở quán Cổ Lũy hôm trước mở cửa, gục đầu chào rồi mời tôi vào khu phòng khách trang hoàng lộng lẫy. Bộ sô-pha da màu vàng nhạt choán cả một góc phòng. Chiếc TV cỡ lớn cùng dàn karaoke với hệ thống âm thanh chiếm trọn góc phòng đối diện. Bà chủ rót trà :


– Mời anh dùng nước, nàng trao tôi tách nước rồi tự giới thiệu:


– Tôi tên là Mary, chồng tôi là người Mỹ đưa tôi sang đây từ năm 1972. Xa quê mình lâu quá, nay gặp người đồng hương tôi mừng lắm. Và đặc biệt là dân ở Quảng Ngãi mà lại thích ăn don như anh.


– Bà ở huyện nào ? tôi tò mò hỏi :


– Huyện Tư Nghĩa xã Tư Nguyên.


Bà Mary nhìn tôi định hỏi tiếp điều gì, nhưng bà lại đổi thế ngồi, xoay người sang hướng khác bưng bình trà rót thêm nước vào tách cho tôi. Bà nói :


– Thôi, để lát sau mình nói chuyện tiếp, giờ mời anh dùng món ăn quê nhà kẻo nguội mất.


Tôi theo nàng đến phòng ăn. Mùi don từ trên bếp bốc hơi thơm lừng. Bà chủ nhà bưng hai tô don hơi lên nghi ngút đặt trên bàn có cả bánh tráng nướng, đĩa ớt xiêm và lá hành xắt nhỏ.


Bà tươi cười bảo :


– Đây là don chính hiệu từ Quảng Ngãi đấy nhé. Người ở ngoài tỉnh cứ hiểu lầm don là hến. Thực ra don và hến là hai loại ốc khác nhau. Ốc don dài, vỏ mỏng, ruột don có tua màu hồng thoạt trông như cái đuôi. Nước don ngọt và ít nồng hơn hến vì don chỉ sống nơi vùng sông nước lợ gần cửa biển. Tôi bưng tô don ăn ngon lành, ăn thật tình. Ớt cay, don nóng, tôi hít hà, nước mắt nước mũi chảy ra. Bà chủ nhà đưa tissues cho tôi với ánh mắt đầy xúc động. Một tô rồi hai tô, bà ngồi nhìn tôi ăn và khuyến khích thêm tô nữa nhưng tôi vỗ bụng lắc đầu từ chối. Nàng bảo :


– Anh sợ vỡ bụng đấy à?


Câu nói của bà chủ khiến tôi sực nhớ đến Thuyền, cô gái bán don thời tôi còn trung học ở Quảng Ngãi. Cô bé đã từ chối bán cho tôi tô thứ tư với câu : “Coi chừng bể bụng”. Tôi ngước nhìn bà Mary, tâm sự:


– Ăn don hôm nay khiến tôi nhớ đến kỷ niệm thời niên thiếu ở quê nhà. Tôi là khách ăn thường xuyên của cô gái bán don tên Thuyền. Tôi thương nàng và tội nghiệp hoàn cảnh cô ấy. Mới mười mấy tuổi đầu đã phải bỏ học thay Mẹ đi bán don dạo. Buổi sáng nào Thuyền cũng gánh don đến trước nhà tôi trọ học và chăm sóc tô don cho tôi như người chị lo cho em. Sau nầy tôi vào Sài Gòn học đã quên bẵng cô bé bán don. Ba năm sau trở về Quảng Ngãi, tôi tình cờ gặp lại nàng cũng với gánh don trên vai, nhưng cô bé đã trở thành thiếu phụ. Thuyền đã từ chối không bán don cho tôi còn bảo… Vừa nói đến đây, chợt bà Mary cướp lời tôi, lên tiếng :


– Em không bán cho anh đâu, don em cuối mùa lại gặp luồng nước bạc!


Bà chủ nhà đã nói lên nguyên văn câu nói của Thuyền ngày xưa, ẩn chứa sự trách móc giận hờn, khiến tôi giật mình sửng sốt. Tôi nhìn vào mắt bà Mary, hình như long lanh ánh nước. Tôi kêu lên:


– Thuyền phải không?


Thuyền ngày xưa không trả lời câu hỏi của tôi chỉ đưa tay áo lau dòng lệ. Mary bây giờ với giọng ngậm ngùi:


– Vâng, em là Thuyền của 37 năm về trước. Em đã nhận ra anh ngay khi anh cho biết chỗ ở trước kia là đường Quang Trung. Đó là con đường dạt dào hạnh phúc trên mỗi bước đi của em hồi đó, mà cũng là con đường mang đầy xót xa thương nhớ ngày anh rời xa. Thuyền đứng dậy đến ôm vai tôi :


– Cảm ơn anh đã cho em một tình cảm trân quý, dù là đối với một cô gái bán don nghèo hèn. Suốt quảng đời đen tối về sau này, tình anh là ngọn đèn thắp sáng cho em trong những đêm mịt mù sương tuyết. Hạo ơi – cái tên nghe lạ quá – ngày đó em đã nói với anh như thế. Nhưng sau nầy mỗi khi gặp những đau khổ chất chồng, chính cái tên Hạo trở nên thân thương sưởi ấm lòng em.


Tôi nắm lấy tay nàng, nói như một triết gia:


– Đời như một dòng sông, chuyển đổi không ngừng. Xưa kia Thuyền là cô gái bán don, ngày nay Mary là chủ một nhà hàng lớn nhất nhì ở đây. Chúc mừng em. Chúc mừng người đồng hương Quảng Ngãi đã nắm bắt được cơ hội vươn lên trên xứ người.


Sau buổi hàn huyên, Thuyền đưa tôi ra tận xe khi bạn tôi đến đón. Lên xe rồi, tôi thấy nàng còn quyến luyến nhìn theo, đưa mấy đầu ngón tay áp vào môi hôn. Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, chợt nghe hương don còn nồng trong hơi thở.( HẾT )


SƯU TẦM TRÊN FB. 

Thơ : CÙNG LỐI,CHUNG TRƯỜNG - Văn Châu.





 Thuở nao 

         cùng lối, chung trường

”Người ta” đâu biết

         …ta thương một người

Thẹn thùng

         không dám tỏ lời

Để bây giờ

        cả một đời nhớ mong.

.

Tiếc rằng

        sáo vội sang sông

May,

        Người hạnh phúc

               - khiến lòng ta vui!


          Văn Châu ( 8-2020 )

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Vui chút : CUỘC CHIA TAY... - Sưu tầm.



    

CUỘC CHIA TAY NƠI SÂN GA.

 Hai bợm nhậu chia tay nhau tại ga tàu... Ôm nhau, khóc lóc, nhìn thiệt là thảm thiết đau lòng.


Rồi còi tàu ngân dài, đã đến lúc biệt ly, một chàng nhảy lên tàu... hai người vẫy tay chào quyến luyến từ biệt... hành khách nhìn thấy ai cũng rơm rớm nước mắt theo.


Tàu từ từ chuyển bánh rồi tăng tốc, chàng dưới sân ga vừa khóc lóc, vừa với tay chạy theo tàu mỗi lúc một nhanh, miệng thì hét lên một câu gì đó...


Lực lượng bảo vệ ga và mọi người lao theo giữ lại phòng khi anh ta bị cuốn vào đường ray. Càng giữ anh ta càng giãy, càng giãy thì mọi người càng giữ chặt.


Khi tàu đi đã xa, mọi người mới dám thả anh ta ra và an ủi:


- Cớ sao lại thảm thiết như vậy, khóc lóc chia tay như thế đủ rồi để người ta đi, rồi sẽ có lúc gặp lại, chạy theo làm chi nữa.


Thở dốc một hồi, chàng ta mới thều thào:


- Khốn nạn thật, say quá tôi quên, tôi mới là thằng đi, còn thằng kia là thằng tiễn.


SƯU TẦM 

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Hồi tưởng: CHUYỆN TÌNH ( phần đầu ) - Sưu tầm trên FB.

 


CHUYỆN TÌNH 

(CÂU TRUYỆN TÌNH RẤT CẢM ĐỘNG)


Đến định cư tại miền Bắc California Hoa Kỳ hơn nửa năm, bỗng một hôm, tôi nhận được cú điện thoại của Thung từ Texas gọi qua. Thung là bạn học, cũng là chiến hữu của tôi ngày xưa. Hắn đề nghị gởi vé máy bay mời tôi qua Houston chơi. Nhân tiện thăm viếng khu vực dễ làm ăn và giá nhà cửa cũng dễ thở hơn nhiều so với San Jose. Tôi đồng ý. Một tuần lễ sau, một vé máy bay và một cái check 300 Mỹ kim trong bì thư gởi đến. Đây là một món quà khá hậu hỉ ở đất lạ quê người. Ba ngày sau, tôi lên máy bay của hãng Continental Airlines đi Texas. Bay suốt bốn tiếng đồng hồ, chiếc Boeing mới hạ cánh xuống phi trường Houston. Thung đón tôi tại lối ra của khu hành khách. Lần gặp nhau cuối cùng ở quê nhà vào năm 1973, tại Đại Học CTCT Đà Lạt. Ngày ấy, trông hắn rắn rỏi, khuôn mặt sạm nắng mà hôm nay, sau mười sáu năm định cư tại Mỹ, hắn hoàn toàn lột xác. Nước da trắng hồng đỏ au, cái bụng căng tròn, dáng người bệ vệ trông “rất ông chủ”. Mà chủ thực. Thung làm chủ cái chợ bán đồ biển. Vợ và con quản lý còn Thung lo chạy vòng ngoài.

    Ngày hôm sau Thung đưa tôi đến thăm cơ sở làm ăn của gia đình. Nào phòng mạch nha sĩ của đứa con trai đầu lòng, phòng dịch vụ về bảo hiểm của đứa con gái. Sau đó Thung mời tôi đi ăn trưa. Nhà hàng có tên Cổ Lũy Restaurant tọa lạc tại khu sầm uất nhất của người Việt và Hoa tại thành phố Houston.. Vào giờ xế trưa, nhà hàng vắng khách nên chúng tôi chọn chiếc bàn đặt gần quầy thu tiền. Người bồi bàn trao cho chúng tôi bản thực đơn. Cái tên Cổ Lũy nghe quen thân quá. Tôi nghĩ, có lẽ chủ nhà hàng là người Quảng Ngãi. Bởi Cổ Lũy là tên một cửa biển từ hai dòng sông Trà Khúc và Sông Vệ nhập vào. Nơi đây thuyền bè tấp nập ra vào bến tàu Phú Thọ. Trong tờ thực đơn có món “Hến xúc bánh tráng”. Nhìn thấy hến mình lại nhớ đến món don. Chẳng cần xem tiếp tờ thực đơn, tôi gọi ngay một tô don. Cô bồi bàn giọng miền Nam nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:

– Don là món gì vậy, nghe lạ quá hỡ ông? Thực đơn nhà hàng này không có món đó.

– Cái món “Hến xúc bánh tráng” trong thực đơn có ghi, tại sao lại không có món don ?

       Tôi vừa cự nự (kiểu Quảng Ngãi hay co) vừa chỉ cho cô chạy bàn cái món ruột hến, rồi tiếp:

– Nếu không có don thì cho tôi cái món số 15 này.

     Cô gái bồi bàn đi vào bếp. Ngay sau đó, một phụ nữ đứng tuổi ăn mặc sang trọng từ quầy thu tiền đi thẳng đến bàn chúng tôi. Bà có mái tóc ngắn làm nổi bật khuôn mặt trái soan đầy đặn với làn da trắng mịn. Thung khều chân tôi nói nhỏ : “Bà chủ”

– Chào hai anh. Người đàn bà nở nụ cười thân thiện.

– Chào bà chủ, Thung đáp lễ.

– Vị nào thích món don ? bà chủ tươi cười hỏi.

– Thưa bà, tôi ạ.

– Xin lỗi, anh người quê Quảng Ngãi ?

– Tại sao bà biết ?

– Tôi chỉ đoán thôi, bởi vì chỉ có dân sống tại Quảng Ngãi mới thấy thích thú món don.

- Thế bà cũng là người Quảng Ngãi, đúng không?

-- Anh nghĩ sao mà đoán ra thế?

– Chỉ nhìn cái tên hiệu Cổ Lũy của nhà hàng là biết ngay.

– Nầy ông anh, trước kia ở Quảng Ngãi, anh sống ở huyện nào vậy?

– Tôi ở thị xã, trên đường Quang Trung.

    Người đàn bà nhìn tôi một chặp lâu rồi quay vào bên trong nhà hàng. Lát sau, món ăn được bưng ra. Một tô bún chả cá cho Thung và một dĩa ruột hến xúc bánh tráng cho tôi. Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại mùi hến. Hến ở quê nhà ruột nhỏ, dai và thơm. Còn hến đóng hộp nhập cảng con lớn, mềm lại mất hết mùi vị. Ngày xưa, mỗi lần đi Huế, tôi nhất định phải ăn cho được một lần cơm hến. Đi đâu xa trở về Quảng Ngãi, tôi không thể nào quên ăn một bữa don cho đã cơn ghiền.

    Cô bồi bàn bưng hai ly nước cam vắt đến bàn chúng tôi nói của bà chủ mời, có kèm theo một tấm danh thiếp trao cho tôi. Mặt sau danh thiếp là chữ viết của bà chủ nhà hàng mời riêng tôi đến nhà vào chiều Thứ Bảy. Đặc biệt, bà khoản đãi món don do bà nấu. Phần dưới là số phone và địa chỉ nhà riêng. Trên đường về, tôi hỏi Thung:

– Cậu nghĩ sao cái trường hợp lạ lùng này ? 

     Ở quê người, nhớ cố hương, gặp người Việt đã mừng rồi huống chi lại là đồng hương Quảng Ngãi. Bà ấy mời cậu đến nhà có lẽ để hỏi thăm tin tức bà con ở quê nhà. Cứ nhìn dáng dấp bà ấy với cái cơ ngơi nầy là cậu hiểu ngay bà ta là dân trụ ở đây khá lâu. Biết đâu cơ may đem đến cho cậu công ăn việc làm ở thành phố này. Bạn tôi suy luận như thế. Riêng tôi, vì lạ đất lạ người nên có phần bồn chồn, áy náy.


* * *


Hương vị của món hến xúc bánh tráng làm tôi nhớ đến kỷ niệm ngày mới lớn nơi quê nhà. Tôi từ trên quê xuống tỉnh học, ở trọ nhà người chị thứ Tư trên đường Quang Trung Thị xã Quảng Ngãi. Anh chị dành cho tôi căn phòng trên căn gác lửng. Có ban-công nhô ra làm mái hiên cho tầng dưới. Thông thường mỗi sáng, tôi thức dậy học bài rất sớm. Đường phố vẫn còn sương mù vướng mắc đó đây. Hàng cây bên đường trĩu nặng những hạt sương khuya, dấu kín bóng đêm trong vòm lá sum sê. Khi chân trời vừa rựng đỏ khuất sau hàng tre hướng Đông, là tiếng rao hàng ăn buổi sáng bắt đầu râm ran trước đường nhựa. Nào xôi, bánh bột lọc, cháo gà, bánh canh, bánh mì… đủ các loại hàng ăn vặt, và cũng đủ các loại âm thanh. Tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng hơi khàn, giọng Huế, giọng Bắc, giọng Nam… Duy có tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..o.. ông” là khiến tôi để ý. Tiếng “ho..o..o..ông” sau cùng kéo dài không đủ hơi chứng tỏ người rao hàng không phải giọng của người đứng tuổi. Tiếng rao nghe lánh lót như chim non mới tập hót, âm điệu ngây thơ rời rạc. Tôi ngồi học mà vẫn để ý đến tiếng rao bán don vang lên trước nhà. Tiếng rao như bị sương lạnh buổi sáng sớm làm đông lại không thoát ra được, nó nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút mất ngoài xa.

     Một hôm, tôi đang đứng tập mấy động tác hít thở trên ban-công, chợt tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” quen thuộc vang lên phía dưới đường. Tôi vạch bức mành nhìn xuống thấy một người con gái mặc chiếc áo bà ba trắng thân hình mỏng mảnh với gánh don trên vai.

“Ê don”, tôi gọi cô nàng đứng lại rồi vộï vàng xuống thang gác..

Gánh don đã được đặt trước hiên nhà, nàng đứng đó chờ tôi mở cửa.

– Anh ăn don? Nàng hỏi khi tôi nhẹ nhàng lách mình qua cánh cửa sắt. Là một cô bé ước chừng mười mười bốn, mười lăm. Mái tóc vừa chấm vai che một bên khuôn mặt trái soan còn măng tơ. Tôi nhìn vào ngực cô bé, đôi nhũ hoa hồng hồng như hai núm quả cau nhú bên trong làn vải mỏng không áo lót, khiến cô bé cúi mặt thẹn thùng. Bạn học của tôi, những cô nữ sinh cùng cỡ tuổi đã bắt đầu chưng diện se sua, áo ngoài áo trong, phần trên phần dưới đủ cả, không khác chi người lớn. Còn cô bé, với chiếc quần đen, áo bà ba trắng mộc mạc nổi bật nét đẹp của người con gái chân quê.

– Anh ăn don?

Cô bé nhắc lại lần nữa, tôi sực tỉnh trả lời :

– Không ăn don, kêu cô lại làm gì?

Cô bé chợt hiểu nở miệng cười chữa thẹn khoe hàm răng trắng đều như những hạt bắp nếp. Nụ cười hồn nhiên khiến người đối diện cũng thấy lòng dạt dào, xao xuyến. Cô bé hai tay thoăn thoắt múc don. Mùi don thơm nồng pha chút hương biển từ ui don bay lên ngào ngạt. Cô bé trao cho tôi tô don còn bốc hơi cùng với chiếc bánh tráng nướng và hai trái ớt xiêm tươi xanh. Ăn don đâu cần phải bàn ghế. Tôi đặt bát don xuống nền xi măng, bẻ bánh tráng bỏ vào tô giằm luôn hai trái ớt. Nước don ngọt và béo. Cái ngọt độc đáo không phải vị ngọt của thịt, cá mà vị ngọt rất đậm đà hương vị quê hương. Lại thêm vị nồng cay của ớt, mùi thơm của bánh tráng nướng nó quyện vào lưỡi, ngấm vào chân răng, kích thích tận cùng tế bào vị giác. Nước don nuốt tới đâu ấm tới đó. Trời lạnh mà ta ăn don vào buổi sáng thì mới thưởng thức được hết cái thú ăn don ở quê nhà. Miếng don cuối cùng để lại trong miệng, trong cổ của ta vị ngọt ngọt, cay cay, nồng nồng, béo béo quyến rũ lạ kỳ. Nó khiến người ăn don không muốn dừng ở tô thứ nhất.


Tôi ăn ngon lành. Miệng hít hà vì ớt cay. Cái lưỡi tê tê mùi cay nồng của loại ớt xiêm vô cùng hấp dẫn làm cho nước mắt nước mũi tuôn ra. Nhìn cách ăn rất thật tình của tôi, cô bé cứ che miệng cười. Một tô, hai tô rồi ba tô. Cô bé trợn trừng đôi mắt, đôi mắt bồ câu đen lay láy. Cô kêu lên :

– Coi chừng bể bụng đó, anh Hai !


Ô, lần đầu tiên tôi được một người con gái gọi bằng anh. Anh Hai. Mười sáu tuổi, học lớp đệ Tứ rồi đấy nhé. Thế mà cha mẹ, anh chị cứ gọi tôi là Út Đẹt. Mẹ tôi thường nhắc chuyện hồi tôi còn nhỏ. Đã bốn, năm tuổi rồi mà vẫn còn bú và ăn cháo. Các bà chị tôi chế nhạo hoài mỗi lần tôi ôm vú mẹ. Chị Hai tôi hay trách mẹ tôi nhiều nhất :

– Mẹ ơi, mẹ cưng chiều nó quá làm sao nó thành người lớn. Mẹ tôi cười, nhỏ nhẹ bảo :

– Các chị lớn cả rồi còn em nó út ít mà”. Chị tôi bực mình bảo:

– Chừng đó tuổi mà chưa chịu dứt sữa. Chẳng lẽ đến khi đi học, mẹ phải mang vú đến trường cho Út sao?

Chị Hai nói xong bỏ đi. Mẹ vò đầu tôi, tóc còn ướt nhẹp mồ hôi, âu yếm :

– Giàu út ăn, khó út chịu, Mẹ có sữa con nhờ.

Cái hòn đá bàn dưới bến sông, nơi để giặt áo quần là chỗ ngủ của tôi trong những buổi trưa hè. Nền nhà lót gạch trước bàn thờ là giường ngủ của tôi trong những đêm nóng bức. Các chị tôi thường hay đùa cợt:

– Thằng Út cứ ăn chay nằm đất kiểu nầy, lớn lên nó trở thành thầy chùa là cái chắc.

Tôi là đứa con thứ bảy trong gia đình. Những tá điền, người làm cho cha mẹ tôi đều gọi tôi là cậu Bảy Út. Thế mà bác Tám Đang ở xóm dưới dám đặt cho tôi biệt danh “Bảy Thưa” chỉ vì mấy cái răng cửa của tôi mọc hơi sưa một chút. Cái thân hình của tôi hồi đó mỏng như thân con nhái bén. Da dẻ sần sùi khô khốc bởi suốt ngày cứ để lưng trần chạy ngoài nắng. Mỗi lần bạn bè rủ tôi đá banh trên ruộng lúa mới cắt, chúng nó cứ la oang oang cái tên “Bảy Thưa” nghe chẳng đẹp tý nào ấy:

– Ê, Bảy Thưa đưa banh qua cho tao. Nào, Bảy Thưa banh đây sút vào…

Tức lắm, tôi bèn ra một điều kiện:

– Nếu bọn bay còn gọi cái tên “Bảy Thưa” nữa là tao bỏ chơi. Nhóm thằng Thới xóm Thọ Đông đang chiêu dụ tao đó. Liệu hồn!…

 Nầy cô bé, sao không múc tiếp một tô nữa?

– Anh à, em chưa hề thấy người nào ăn đến ba tô don mà còn kêu thêm nữa, ăn no quá mất ngon, thôi để ngày mai nghe anh,

Tiếng “nghe anh” của cô bé sao mà êm đềm quá, ngọt ngào quá. Bỗng nhiên tim tôi đập rộn ràng. Tôi muốn hỏi tên cô bé nhưng cứ ngại ngùng, đành phải móc tiền ra trả. Cô bé đi rồi, tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” đã văng vẳng ngoài xa mà tôi vẫn còn đứng nhìn theo thẫn thờ. Sáng hôm sau, cô bé cất tiếng rao hàng rồi đặt gánh don trước hiên nhà chờ đợi. Tôi lại vội vàng mở cửa :

– Này, đằng ấy tên gì vậy ?

– Em tên Thuyền

Cô bé trả rồi dạn dĩ nhìn tôi hỏi:

-Thế còn tên anh ?”

– Hạo. Hạo, cái tên lạ quá ! Cô bé nhắc lại tên tôi rồi cười bẽn lẽn. Đôi tay Thuyền múc don lẹ làng, vén khéo không hề rơi rớt. Tôi để ý lần này, cô bé đem theo một cái tô cỡ lớn hơn, khác hẳn với những cái tô khác chồng trên miệng ui. Cô tự ý bẻ bánh tráng cho vào tô trước khi đổ don vào. Vừa làm cô bé vừa giải thích :

– Làm thế nầy don còn giữ được độ nóng, và hương don không bị loãng.

Cô bé trao tô don cho tôi, vô tình tôi đặt bàn tay chạm phải tay nàng. Bé cúi mặt thẹn thùng khiến hai tai nàng rựng đỏ, Thuyền bảo :

– Mỗi sáng anh ăn hai tô nầy là đủ rồi.

Từ đó, sáng nào tôi cũng ăn don của cô bé Thuyền. Thỉnh thoảng chị tôi mua ốc don tươi về nấu. Thông thường chị thêm vào nồi don cả thịt bằm, tóp mỡ, nhưng tôi ăn một cách lơ đãng chẳng thấy hấp dẫn tý nào. Chị tôi chế giễu :

– Thằng Út nó đâu có mê don, chỉ mê con nhỏ bán don.

Có lần tôi cố tình giữ bàn tay Thuyền bên dưới tô don, cô bé cứ để nguyên nhìn tôi với ánh mắt long lanh tình tứ.

Chặp lâu sau, nàng rút tay về hối thúc:

– Người ta thấy kìa, ăn đi kẻo nguội..

( Còn tiếp )

SƯU TẦM TRÊN FB. 

Thơ tranh : EM MÃI LÀ MƯỜI TÁM - Nguyễn Thị Thêm.

 

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Thơ: LÓNG NGÓNG MIỀN XA - Thạch Thảo.

 



LÓNG NGÓNG MIỀN XA


Đường đời cách núi ngăn sông

Không dưng có nỗi chờ mong rất là…

Hương thầm bất chợt đơm hoa

Cho đêm lúng liếng môi xa bỗng gần.


Chiều lóng ngóng, tối bâng khuâng

Trăng nghiêng chóp núi, tần ngần thuyền quyên.

Biết rồi mai…biết có duyên?

Sợ dang dở, sợ nhận thiên lũng sầu.


Xòe tay hứng giọt mưa ngâu

Mà thương lữ thứ giang đầu biệt xa.

Có yêu xin chút mặn mà

Trau tria mộng nhỏ, lụa là trầm hương.


Ngõ đời trăm hướng nghìn phương

Nghe lòng thương hết con đường chàng qua.

Quét gom lá rụng chiều tà

Chút duyên tình muộn; biết là về đâu?!


  Thạch Thảo Bình Dương

Tạp ghi: CHÀNG LUKE SỐ ĐỎ - Quỳnh Giao.

 


CHÀNG LUKE SỐ ĐỎ.


Bài tạp ghi kỳ trước nhắc đến những băng hình thuở nhỏ và truyện chàng phóng viên Tintin. Bài viết làm nhiều độc giả nhớ lại thời xưa ở Sàigon. Quỳnh Giao thì nhớ đến hai người mà mình gọi là chú.


Trong loạt truyện Tintin, có hai nhà thám tử thuộc loại đoảng nhất cổ kim. Đó là hai anh em Dupont và Dupond, giống nhau như hai giọt... mực. Lúc nào cũng áo quần màu đen, mũ quả dưa màu đen và đôi ria mép màu đen trên cây batong cũng màu đen. Đi đâu cũng như bóng với hình, họ làm độc giả nực cười vì lời đối thoại ngô nghê. 


Hình như là chúng ta có dịch loạt truyện này ra tiếng Việt và hai nhân vật đó được Việt hoá cái tên thành Văn Đen và Văn Đến. Quỳnh Giao có gặp họ ngoài đời.


Đó là hai ông cao nhòng, đi đâu cũng như bóng với hình, Mai Thảo và Hoài Bắc Phạm Đình Chương! Vì vậy, bạn bè mới chọc ghẹo mà gọi hai ông là Văn Đen và Văn Đến.


Kỳ này, Quỳnh Giao xin nói về một nhân vật khác, cùng tuổi nhưng khác phái, mà đã quen nhau từ thuở ấu thơ. Nói vậy cho vui chứ mình chỉ gặp chàng trong bộ truyện hoạt hoạ....


Lucky Luke là chàng hào kiệt đó. Một tay cao bồi thần xạ, có khả năng bắn còn nhanh hơn bóng mình!


Lucky Luke, hay là "Chàng Luke Số Đỏ", là nhân vật đã xuất hiện dưới nét họa của tác giả Morris từ năm 1946, nghĩa là xa lắm rồi. Morris là bút hiệu của họa sĩ Maurice de Bevere, người Bỉ ngồi bên Mỹ, đọc và vẽ cho các tạp chí hý họa của Mỹ và vẽ truyện về cho báo Pháp, nhờ cốt truyện của một tác giả Pháp là René Goscinny mà ông gặp... tại Hoa Kỳ! 


Xuất xứ của Lucky Luke nó ly kỳ và quốc tế như vậy đó. 


Chỉ vì từ năm 1949, Morris đã qua định cư tại Mỹ. Say mê không khí đầy sáng tạo của truyện bằng tranh tại Hoa Kỳ, ông cộng tác với tạp chí địa phương và tìm tòi, khảo cứu về lịch sử khai phá của nước Mỹ. Chính là trong thư viện, Morris mới tìm ra mấy anh em ăn cướp có thật là Dalton, rồi dựng thành bốn tên cướp ngây dại nhất nước là "Les Frères Dalton" trong truyện Lucky Luke.


Cũng nhờ xuất xứ đặc biệt này mà mới lên ba, là từ năm 1949 trở về sau, Lucky Luke trở thành nhân vật tinh khôn có nét, khác hẳn hình ảnh nít nôi ngờ nghệch ban đầu! Trên đất Mỹ, Morris được giới thiệu với Goscinny, cha đẻ của nhân vật Astérix, và cốt truyện Lucky Luke do Gocinny viết lên mới trở thành thần sầu! Nét vẽ của Morris và khả năng châm biếm cao độ của Goscinny đã đưa Lucky Luke lên đài danh vọng. . 


Những chuyện về xuất xứ như vậy, thì sau này mình mới biết, chứ ngày xưa ở nhà thì lũ trẻ chỉ nghĩ rằng đó là sách hình của Tây và say mê sự duyên dáng rất lạnh của Lucky Luke. Đấy là một anh cao bồi đơn độc, chỉ có con ngựa Jolly Jumper làm bạn, vừa bạn đồng hành vừa bạn đánh cờ, vì con ngựa này còn láu hơn chủ! Đôi khi Lucky Luke mang họa vì chú chó Rantanplan, một con chó khó có thể nào ngu xi hơn trong loài cẩu mà rất thiết tha chạy theo Lucky Luke và làm nhiều phen hư bột hư đường!


Đã có một thời mà trẻ em say mê nhân vật chỉ mặc quần Jean xanh, áo vàng, cột khăn đỏ, với khẩu súng bắn đâu trúng đó. Trong tâm tư lũ nhỏ, Lucky Luke là người hùng của miền Viễn Tây và càng khôn lớn thì mình càng hiểu thêm sự dí dỏm của tác giả.


Morris lấy đất Viễn Tây của Hoa Kỳ làm khung cảnh, và dựng thành truyện châm biếm. 


Bộ truyện Lucky Luke là một thiên anh hùng ca của nước Mỹ vào thời khai phá, nhưng với tư tưởng phá phách và ngộ nghĩnh khiến trẻ em đã mê mà người lớn cũng thích. Lucky Luke gặp những nhân vật có thật của Mỹ: nàng Calamity Jane ngổ ngáo; tay súng Billy the Kid nổi tiếng bắn nhanh mà bị Lucky Lucke nọc ra đét đít; ông toà Roy Bean hơi mù chữ, vừa bán rượu vừa thi hành công lý; và dĩ nhiên là bốn đối thủ có hạng là anh em Dalton.


Hơn thế nữa, Morris còn đem hình ảnh nhiều nhân vật của điện ảnh Hoa Kỳ vào trong truyện. 


Còn bé, lũ trẻ ngày xưa đều sướt mướt với phim "Shane", thời ấy ở nhà chỉ được xem từ ấn bản Pháp là "L'Homme des Vallées Perdues". Phim này do Alan Ladd thủ vai chính với nhạc phim rất hay và... lời Pháp rất đẹp. 


Trong phim, có một tay đại sát thủ quần áo màu đen, cưỡi ngựa ô và mỗi khi sắp ra tay giết người thì đeo găng tay đen trông rất hắc ám. Tài tử thủ diễn vai này chính là Jack Palance. Trong một truyện Lucky Luke, nhân vật Phil Defer, hay là "dây kẽm gai" theo lối chơi chữ của các giả, chính là Jack Palance trong vai kẻ giết mướn! 


Cũng vậy, nhiều tài tử điện ảnh của Mỹ đã tái xuất hiện trong truyện Lucky Luke, kể cả Kirk Douglas trong vai Nebraska Kid hay James Coburn trong vai Pistol Pete, hoặc Christopher Lee trong vai một tay buôn bán bất động sản đầy xảo trá....


Nhớ lại thì truyện Lucky Luke năm xưa cũng có... người Á châu đấy. Đó là nhân vật nhỏ thó, vàng ệnh, lúc nào cũng mặc quần áo màu đen vì là người Hoa chuyên thu dọn chiến trường: là tay nhà đòn, được gọi là "croque-mort"! Ngoài ra thì còn có "mọi da đỏ" nữa chứ, với tên của từng bộ lạc như Chân Xanh hay Chân Vàng.


Nực cười và khó quên nhất là mối thâm thù giữa hai gia đình, một nhà thì con cháu tai to như lá mít, một nhà thì có mũi bằng quả cam Bố Hạ. Nhờ Lucky Luke mà về sau hai gia đình này giảng hòa và còn kết thông gia. Đẻ con với cái tai cái mũi ra sao thì mình cũng đoán ra.


Độc giả tại Sàigon được xem truyện Lucky Luke vào quãng 1960, cho đến khi chiến tranh bùng nổ và lũ con nít lớn dần. Những đứa con trai có khi nhập ngũ, lũ con gái thì bắt đầu ưa chuyện khác. Nhưng hễ cứ vớ được một cuốn Lucky Luke là phải đọc cho hết, có duyên và buồn cười hơn truyện Tintin nhiều lắm.... 


Ra tới bên ngoài, và vào đến nước Mỹ thì chúng ta lãng quên dần. Cho đến một ngày nào đó khi đọc thấy một địa danh của Texas hay Arizona thì bỗng dưng lại thấy quen quen. Vì mình đã đến miền Viễn Tây đó từ lâu lắm rồi, từ thời Lucky Luke ở nhà!


Chẳng hiểu do cơ duyên nào người viết có vài cuốn Lucky Luke ở trong nhà. Bây giờ xem lại thì thấy buồn buồn, vì chú cao bồi này vẫn cô đơn đi về hướng mặt trời lặn trong ánh hoàng hôn. Và thấy giật mình vì người hùng vẫn thích chơi súng, lại còn hút thuốc vấn nữa chứ! Toàn là những thói quen mà người lớn không muổn trẻ con bị tiêm nhiễm.


Chúng ta đã thay đổi trong một thế giới đã thay đổi, và đang sống tại miền Viễn Tây, Quỳnh Giao vẫn nhớ Lucky Luke của Sàigòn năm xưa.... 


-----

Quỳnh Giao viết bài này ngày 17 tháng 5, 2011. Hình bên là các nhân vật trong bộ truyện Lucky Luke!