Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Tạp ghi: CHÀNG LUKE SỐ ĐỎ - Quỳnh Giao.

 


CHÀNG LUKE SỐ ĐỎ.


Bài tạp ghi kỳ trước nhắc đến những băng hình thuở nhỏ và truyện chàng phóng viên Tintin. Bài viết làm nhiều độc giả nhớ lại thời xưa ở Sàigon. Quỳnh Giao thì nhớ đến hai người mà mình gọi là chú.


Trong loạt truyện Tintin, có hai nhà thám tử thuộc loại đoảng nhất cổ kim. Đó là hai anh em Dupont và Dupond, giống nhau như hai giọt... mực. Lúc nào cũng áo quần màu đen, mũ quả dưa màu đen và đôi ria mép màu đen trên cây batong cũng màu đen. Đi đâu cũng như bóng với hình, họ làm độc giả nực cười vì lời đối thoại ngô nghê. 


Hình như là chúng ta có dịch loạt truyện này ra tiếng Việt và hai nhân vật đó được Việt hoá cái tên thành Văn Đen và Văn Đến. Quỳnh Giao có gặp họ ngoài đời.


Đó là hai ông cao nhòng, đi đâu cũng như bóng với hình, Mai Thảo và Hoài Bắc Phạm Đình Chương! Vì vậy, bạn bè mới chọc ghẹo mà gọi hai ông là Văn Đen và Văn Đến.


Kỳ này, Quỳnh Giao xin nói về một nhân vật khác, cùng tuổi nhưng khác phái, mà đã quen nhau từ thuở ấu thơ. Nói vậy cho vui chứ mình chỉ gặp chàng trong bộ truyện hoạt hoạ....


Lucky Luke là chàng hào kiệt đó. Một tay cao bồi thần xạ, có khả năng bắn còn nhanh hơn bóng mình!


Lucky Luke, hay là "Chàng Luke Số Đỏ", là nhân vật đã xuất hiện dưới nét họa của tác giả Morris từ năm 1946, nghĩa là xa lắm rồi. Morris là bút hiệu của họa sĩ Maurice de Bevere, người Bỉ ngồi bên Mỹ, đọc và vẽ cho các tạp chí hý họa của Mỹ và vẽ truyện về cho báo Pháp, nhờ cốt truyện của một tác giả Pháp là René Goscinny mà ông gặp... tại Hoa Kỳ! 


Xuất xứ của Lucky Luke nó ly kỳ và quốc tế như vậy đó. 


Chỉ vì từ năm 1949, Morris đã qua định cư tại Mỹ. Say mê không khí đầy sáng tạo của truyện bằng tranh tại Hoa Kỳ, ông cộng tác với tạp chí địa phương và tìm tòi, khảo cứu về lịch sử khai phá của nước Mỹ. Chính là trong thư viện, Morris mới tìm ra mấy anh em ăn cướp có thật là Dalton, rồi dựng thành bốn tên cướp ngây dại nhất nước là "Les Frères Dalton" trong truyện Lucky Luke.


Cũng nhờ xuất xứ đặc biệt này mà mới lên ba, là từ năm 1949 trở về sau, Lucky Luke trở thành nhân vật tinh khôn có nét, khác hẳn hình ảnh nít nôi ngờ nghệch ban đầu! Trên đất Mỹ, Morris được giới thiệu với Goscinny, cha đẻ của nhân vật Astérix, và cốt truyện Lucky Luke do Gocinny viết lên mới trở thành thần sầu! Nét vẽ của Morris và khả năng châm biếm cao độ của Goscinny đã đưa Lucky Luke lên đài danh vọng. . 


Những chuyện về xuất xứ như vậy, thì sau này mình mới biết, chứ ngày xưa ở nhà thì lũ trẻ chỉ nghĩ rằng đó là sách hình của Tây và say mê sự duyên dáng rất lạnh của Lucky Luke. Đấy là một anh cao bồi đơn độc, chỉ có con ngựa Jolly Jumper làm bạn, vừa bạn đồng hành vừa bạn đánh cờ, vì con ngựa này còn láu hơn chủ! Đôi khi Lucky Luke mang họa vì chú chó Rantanplan, một con chó khó có thể nào ngu xi hơn trong loài cẩu mà rất thiết tha chạy theo Lucky Luke và làm nhiều phen hư bột hư đường!


Đã có một thời mà trẻ em say mê nhân vật chỉ mặc quần Jean xanh, áo vàng, cột khăn đỏ, với khẩu súng bắn đâu trúng đó. Trong tâm tư lũ nhỏ, Lucky Luke là người hùng của miền Viễn Tây và càng khôn lớn thì mình càng hiểu thêm sự dí dỏm của tác giả.


Morris lấy đất Viễn Tây của Hoa Kỳ làm khung cảnh, và dựng thành truyện châm biếm. 


Bộ truyện Lucky Luke là một thiên anh hùng ca của nước Mỹ vào thời khai phá, nhưng với tư tưởng phá phách và ngộ nghĩnh khiến trẻ em đã mê mà người lớn cũng thích. Lucky Luke gặp những nhân vật có thật của Mỹ: nàng Calamity Jane ngổ ngáo; tay súng Billy the Kid nổi tiếng bắn nhanh mà bị Lucky Lucke nọc ra đét đít; ông toà Roy Bean hơi mù chữ, vừa bán rượu vừa thi hành công lý; và dĩ nhiên là bốn đối thủ có hạng là anh em Dalton.


Hơn thế nữa, Morris còn đem hình ảnh nhiều nhân vật của điện ảnh Hoa Kỳ vào trong truyện. 


Còn bé, lũ trẻ ngày xưa đều sướt mướt với phim "Shane", thời ấy ở nhà chỉ được xem từ ấn bản Pháp là "L'Homme des Vallées Perdues". Phim này do Alan Ladd thủ vai chính với nhạc phim rất hay và... lời Pháp rất đẹp. 


Trong phim, có một tay đại sát thủ quần áo màu đen, cưỡi ngựa ô và mỗi khi sắp ra tay giết người thì đeo găng tay đen trông rất hắc ám. Tài tử thủ diễn vai này chính là Jack Palance. Trong một truyện Lucky Luke, nhân vật Phil Defer, hay là "dây kẽm gai" theo lối chơi chữ của các giả, chính là Jack Palance trong vai kẻ giết mướn! 


Cũng vậy, nhiều tài tử điện ảnh của Mỹ đã tái xuất hiện trong truyện Lucky Luke, kể cả Kirk Douglas trong vai Nebraska Kid hay James Coburn trong vai Pistol Pete, hoặc Christopher Lee trong vai một tay buôn bán bất động sản đầy xảo trá....


Nhớ lại thì truyện Lucky Luke năm xưa cũng có... người Á châu đấy. Đó là nhân vật nhỏ thó, vàng ệnh, lúc nào cũng mặc quần áo màu đen vì là người Hoa chuyên thu dọn chiến trường: là tay nhà đòn, được gọi là "croque-mort"! Ngoài ra thì còn có "mọi da đỏ" nữa chứ, với tên của từng bộ lạc như Chân Xanh hay Chân Vàng.


Nực cười và khó quên nhất là mối thâm thù giữa hai gia đình, một nhà thì con cháu tai to như lá mít, một nhà thì có mũi bằng quả cam Bố Hạ. Nhờ Lucky Luke mà về sau hai gia đình này giảng hòa và còn kết thông gia. Đẻ con với cái tai cái mũi ra sao thì mình cũng đoán ra.


Độc giả tại Sàigon được xem truyện Lucky Luke vào quãng 1960, cho đến khi chiến tranh bùng nổ và lũ con nít lớn dần. Những đứa con trai có khi nhập ngũ, lũ con gái thì bắt đầu ưa chuyện khác. Nhưng hễ cứ vớ được một cuốn Lucky Luke là phải đọc cho hết, có duyên và buồn cười hơn truyện Tintin nhiều lắm.... 


Ra tới bên ngoài, và vào đến nước Mỹ thì chúng ta lãng quên dần. Cho đến một ngày nào đó khi đọc thấy một địa danh của Texas hay Arizona thì bỗng dưng lại thấy quen quen. Vì mình đã đến miền Viễn Tây đó từ lâu lắm rồi, từ thời Lucky Luke ở nhà!


Chẳng hiểu do cơ duyên nào người viết có vài cuốn Lucky Luke ở trong nhà. Bây giờ xem lại thì thấy buồn buồn, vì chú cao bồi này vẫn cô đơn đi về hướng mặt trời lặn trong ánh hoàng hôn. Và thấy giật mình vì người hùng vẫn thích chơi súng, lại còn hút thuốc vấn nữa chứ! Toàn là những thói quen mà người lớn không muổn trẻ con bị tiêm nhiễm.


Chúng ta đã thay đổi trong một thế giới đã thay đổi, và đang sống tại miền Viễn Tây, Quỳnh Giao vẫn nhớ Lucky Luke của Sàigòn năm xưa.... 


-----

Quỳnh Giao viết bài này ngày 17 tháng 5, 2011. Hình bên là các nhân vật trong bộ truyện Lucky Luke!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét