Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Truyện vui: ... CÒN MAY MẮN HƠN - Hoài Nguyễn (phóng tác)

 



... CÒN MAY MẮN HƠN 

Sau cuộc "gặp gỡ” dữ dội ở bụi chuối sau vườn bà cô của Thị Nở, Chí Phèo đâm ra ngất ngây cô ả nên nhờ cậy Lão Hạc cùng Giáo Thứ mai mối và tổ chức cưới hỏi Thị Nở cho gã. Tổ ấm thì vẫn cái lò gạch bỏ hoang từ thuở nào…

Thấm thoát mà vợ chồng Chí Phèo cũng chung sống được chục năm trời với bốn đứa con hai trai hai gái “truyền nhân” của vợ chồng gã và cả những đứa con có triển vọng nối nghề của bố!

Bá Kiến cũng thay đổi thái độ thù ghét gã, cung phụng cho Chí Phèo rượu thịt đủ đáp ứng nhu cầu của gã nên công việc đòi nợ thuê của Chí cũng phát triển tốt đẹp…

Một hôm Chí xách chai rượu ra ngồi nhâm nhi một mình trước cửa lò gạch tổ ấm của nhà gã thì Thị Nở trong lò gạch chui ra, vừa cầm cái gương soi vừa khóc nức nở cứ như khóc bà cô của ả vừa mới chết già!

Ả cầm cái gương soi đi soi lại cái mặt của ả rồi thận trọng đặt chiếc gương dưới đất, ngồi xuống bên cạnh Chí Phèo, ả bật tiếng thở dài:

- Giời ạ! Tôi đã già, béo và xấu xí đến mức này sao?

Chí Phèo cũng chẳng mảy may nghe ả nói cái gì, cứ cầm chai rượu nốc vài hớp rồi cầm miếng dồi chó nhai ngấu nghiến…

Thị Nở tiếp tục than vãn …

- Làm đàn bà đúng là số khổ! Chung sống với ông mới có mười năm trời, đẻ cho ông bốn lứa mà nhan sắc tôi tàn tạ hơn xưa kia quá nhiều, đến mức không còn dám soi cả gương, chỉ quanh quẩn trong cái lò gạch chứ đừng nói là đi đây đó trong cái làng Vũ Đại này…

Nhai xong miếng dồi chó, tu thêm hớp rượu đế, Chí Phèo đưa mắt nhìn vợ phá lên cười rồi lè nhè:

- Bà nhận xét nhan… nhan sắc bà là… là hoàn toàn chính xác đó! Nhưng bà còn… còn may mắn hơn tôi, còn… còn sung sướng hơn tôi nhiều, còn… còn than thở cái nỗi gì nữa chứ!

Lúc này Thị Nở mới bực mình tru tréo:

- Ối giời ơi! Làng nước ơi! Đàn ông các ông chỉ ăn nhậu suốt ngày, có lo lắng việc nhà việc đồng áng gì đâu mà xuống sắc! Lại còn cạnh khóe với tôi là may mắn, sung sướng hơn ông? Hơn cái chỗ nào, ông nói thử xem?

Chí Phèo tiếp tục tu thêm hớp rượu rồi thủng thẳng nói…

- Này nhé! Tôi nói cho bà biết! Bà mới chỉ ngắm bà trong gương có chút xíu thôi mà đã đau khổ, than thở như vậy rồi…Còn tôi đã phải ngắm nhìn bà ngày này qua ngày nọ, cả mười năm nay rồi mà tôi có than vãn tiếng nào đâu!

Lúc này Thị Nở bật khóc - Ối giời ơi! Cái đồ chết giẫm… Chồng ơi là chồng…

------------------------------

Hoài Nguyễn phóng tác – 09/12/2020

Quanh ta : MÓN QUÀ NHỎ - Bạch Cúc.

 


MÓN QUÀ NHỎ

Cách đây chỉ hơn tháng, vào những ngày Đà Nẵng có bão nên mưa trắng trời trắng đất, tôi có việc phải ra ngồi quán cafe sát lề đường, rồi tôi thấy:

Một anh bán vé số bị tật toàn thân, người nhỏ thó như cậu bé, xương sống và chân tay vẹo vọ, thân hình rúm ró trong chiếc áo mưa mỏng dính dưới cơn mưa rất nặng hạt. Anh bước đi từng bước vô cùng chậm chạp, phải khó nhọc lắm anh mới lê được từng bước chân, từ lòng đường bước lên vỉa hè, đôi tay anh run rẩy vì giá lạnh, cầm xấp vé số mỏng dính được gói cẩn thận trong túi nilong trắng, nhưng cũng muốn chực rớt. Có lẽ, anh đã cố sức lắm, mới lê bước được đến chỗ tôi ngồi, và gần như là kiệt sức, anh cứ đứng yên một chỗ, vừa thở vừa nhìn tôi, không thốt được một lời. Còn tôi:

Tôi ngồi bất động, ngây người nhìn anh, tôi cũng câm lặng không thể thốt được câu nào. Hai đôi mắt nhìn nhau, và hình như có gì đó đau đớn bóp nghẹt trái tim tôi, rồi truyền giao cảm, thương cảm đến người đàn ông đó, khiến cả 2 cùng nhìn nhau, mắt cùng trào lệ!

Tôi bắt đầu nói, nói một cách vô ý tứ, tôi bảo anh: "Sao mưa lớn thế này, mà anh lại đi bán?"

Lời nói vô ý thốt ra, không kịp phanh lại nữa! Đến giờ phút này, tôi vẫn cho rằng đó là 1 lời  nói "nhẫn tâm", và vô duyên thậm tệ, bởi, sau câu nói của tôi, anh cúi đầu thinh lặng trong ít giây, rồi chậm rãi nói những câu nhát gừng, vô cùng e ngại:

"Không... không đi bán... không được cô à, tôi,... tôi... không có tiền mua đồ ăn!"

Câu nói ấy khiến tâm tư tôi thật sự rúng động, nước mắt tôi trào ra, tôi lúng túng, cúi gầm mặt xấu hổ, và, ít giây sau, tôi lục ví, gửi biếu anh ấy vài tờ tiền mệnh giá rất nhỏ, tôi bảo tôi không biết dò vé số, mong anh dò dùm tôi!

Và, người đàn ông ấy bỗng nở một nụ cười hiền lành, vô cùng thánh thiện, ánh mắt anh long lanh, tràn ngập sự ngạc nhiên lẫn bối rối. Anh cứ đứng ngây người nhìn tôi, như rất ngạc nhiên, rồi lúng búng trong miệng hỏi lại:

"Cô cho tôi thật hả? Cô cho tôi thật ư?..."

Tôi gật đầu, và lúc này là òa khóc thật sự! Tôi không kìm được cảm xúc, chỉ bởi tại cơn mưa làm tôi khóc! Chỉ tại cái đói, cái khổ cực của đồng bào khắp nơi nơi khiến tôi khổ tâm! Tôi nào giúp được gì được cho ai, ngoài vài đồng lẻ cho những mảnh đời nhọc nhằn, mưu sinh vất vả trên hè phố!

Và có một sự thật, là đã nhiều năm rồi, tôi luôn có 1 thói quen, đó là gom góp, tích trữ rất nhiều tiền lẻ trong ví, mệnh giá cao nhất chỉ là 20k đồng, nhưng đa số là tờ 10k đồng, bạn biết vì sao không?

Vì, Việt Nam mình là đất nước thiên đường, nơi có rất, rất nhiều người già, người tàn tật, trẻ em bán vé số, bán hàng rong, ăn xin lê la khắp nơi nơi! 10k đồng với bạn và với tôi, không là gì cả, nhưng với họ, lại là một món quà quý báu!

Thật lòng, tôi không khá giả, tôi hiếm hoi lắm mới có thể đóng góp được chút gì đó cho các quỹ từ thiện. Thế nên tận đáy lòng tôi, luôn là sự ray rứt, buồn khổ, tôi thấy mình bất lực trước thực trạng nghèo đói, cùng cực của đồng bào tôi trên khắp mọi miền tổ quốc, mà tôi chẳng thể làm được gì. Thế nên, chẳng còn cách nào khác, tôi chỉ biết dành dụm những đồng bạc lẻ, nó có thể là vô giá trị với rất nhiều người, nhưng lại là món quà quý cho những người già cả, người khuyết tật, trẻ em nghèo khó, mồ côi, đang nhọc nhằn mưu sinh trên khắp mọi nẻo đường!

Bạn cứ nhẩm tính mà xem, để bán được 1 tờ vé số 10k đồng, người bán chỉ lời được 1.1k đồng. Vậy, một ngày họ phải lội bao nhiêu cây số, chịu sự dằn hắt, lắc đầu, từ chối của bao nhiêu người, phải nhọc nhằn lê chân từ sáng sớm đến tối khuya, bất kể là trời mưa, trời nắng hay gió bão để bán được 100 tờ vé số? Và, một ngày cao nhất họ bán được bao nhiêu tờ? Phải chịu đựng bao nhiêu xui rủi, lỡ chẳng may gặp quân lừa đảo, khốn nạn giựt dọc, hay bán ế không kịp trả đại lý, là ôm sô nguyên cọc vé số. Vậy, tiếp theo họ phải bán bao nhiêu tờ vé số, mới bù đắp được thiệt hại này?

Và, tôi đã từng lặng rơi nước mắt, không thể kìm nén cảm xúc, khi tờ 10k của tôi, dù chỉ là 1 món quà nhỏ nhưng trân trọng trao đi, kèm câu nói: "Con không biết dò vé số, ông/bà giữ dùm con 1 tờ và dò dùm con!" đã nhiều lần... bị từ chối!

Sự thật, có những con người nghèo khổ, cùng cực kiếm từng đồng xu, nhưng đầy lòng tự trọng, họ run run đôi tay, đẩy lại tờ 10k cho tôi với cái lắc đầu thận trọng, bởi họ không phải là kẻ ăn xin! Hoặc, họ không tin đó là món quà nhỏ được trao tặng một cách dễ dàng, bởi với họ, kiếm được 1k đồng là phải nhọc nhằn lắm. Vì thế, họ luôn dè dặt hỏi lại tôi: "Cô cho tôi hả?", với đôi mắt đầy nghi hoặc, nhưng đã bắt đầu ầng ậc nước!

Tôi không giàu có, tôi chỉ có một tấm lòng, đơn giản chỉ là một chút quà nhỏ đơn sơ, dành tặng cho người bảo vệ giữ xe, hay bất cứ ai già cả, khuyết tật, trẻ em vô tình gặp trên đường đời, mời tôi tấm vé số hay món hàng rong. Cũng như, bao năm nay, tôi nhọc tâm viết từng câu truyện, dành tất cả thời gian tôi có, để gửi đi rất nhiều thông điệp, dành tặng miễn phí cho các bạn!

Và, không ai biết, tôi đã phải cắn răng chấp nhận nuốt giận, khi chính những người thân yêu nhất, và rất nhiều bạn bè, cho tôi là "háo danh, ngáo like, ảo tưởng bản thân"! Ngay cả đứa con trai bé bỏng, nó buồn lòng, luôn oán trách, phàn nàn tôi viết chi lắm thế, có đẻ ra tiền được đâu? Có lẽ, con trai tôi, và chính các bạn không biết:

Tôi tận lực viết trên Fb này, dồn mọi tâm tư vào nó, viết phục vụ độc giả, không cần nhận được 1 xu, chỉ với 1 mục đích duy nhất:

Mong các bạn ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã mà tôi kêu cầu! Tôi không có nhiều tiền để cho bất cứ ai, tôi chỉ có thể kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng, cho những hoàn cảnh tôi biết rõ họ đã vào bước đường cùng. Các bạn để ý sẽ thấy, tôi chưa bao giờ đưa số tài khoản của chính mình lên công khai, bởi đó là sự minh bạch, là lòng tự trọng, nguyên tắc bất di bất dịch của chính tôi. Tôi chỉ là cầu nối chuyển giao thông tin, tôi không nhận tiền từ thiện, tôi sợ mang tai mang tiếng, nhân phẩm mình không ai hiểu, bị vấy bẩn thì ai rửa cho mình?

Và, tôi hân hoan, tự tạo rất nhiều món quà nhỏ, thì mong bạn cũng tự tạo cho chính mình những món quà, chỉ để trao ban... Dù chỉ là một món quà nhỏ, nhưng đó lại là một biển ân tình, và xin hãy để gió cuốn đi, mang hơi ấm tình người phủ khắp nhân gian!

Những món quà nhỏ được trao đi, không phải chỉ là hạnh phúc, là may mắn cho người nhận, mà là:

Ân phước và bình an cho chính chúng ta!

Yêu thương tất cả các bạn! ❤️

BẠCH CÚC.

Tản mạn : " BÀI THÁNH CA BUỒN" - Le Van Quy st.

    Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời      thanh niên (1968) Ảnh do tác      giả cung cấp.


BÀI THÁNH CA BUỒN. 

 “Hầu như tất cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ khi hát Bài Thánh Ca Buồn của tôi”

-Nhạc Sĩ Nguyễn Vũ


Mỗi dịp Giáng sinh về, từ làng quê cho đến thành phố, đâu cũng vang lên giai điệu vui tươi rộn ràng của những bài hát quen thuộc như: Jingle Bells, Last Christmas hay We Wish You a Merry Christmas… Để rồi cũng trong không khí ấy, người nghe bỗng nhiên thấy lòng chùng lại bởi một giai điệu sâu lắng trầm buồn đến nao lòng: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Lời hát ray rứt, khắc khoải đầy hoài niệm và tiếc nuối về một cuộc tình đã xa.

Nguyên bản lời ca Bài Thánh Ca Buồn tôi viết nguyên bản là “Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ cũng như các bản in đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Cái sai cơ bản ở đây ở đây rất khó chấp nhận được là chữ “thay” của tôi bị đổi thành chữ “phai”. Hai chữ này về mặt ý nghĩa rất khác nhau”.

Tôi viết: Áo trắng thay màu, có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đã đã đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây từ chiếc áo nữ sinh đã thay qua màu áo cưới. Nếu như hiểu theo kiểu “áo trắng phai màu” thì tôi không hiểu nó “phai” kiểu gì nữa. Áo trắng mà đã phai thì chắc từ trắng đổi thành màu cháo lòng à (?!)”.

Trong ca khúc Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ, có đoạn ca sĩ hát khi nghe có vẻ rất hợp lý đó là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Thật ra đây là đoạn ca từ bị nhiều ca sĩ hát nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong bài hát được của tôi Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”.


Vì sao không phải là “thánh đường” mà lại “thế trần”? :

Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel đã trở thành một lễ hội chung của mọi người. Tất cả đều hân hoan đón đợi lễ Giáng Sinh và đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Chính vì điều đó, tôi chọn câu: “Thế trần đón Noel”. “Thế trần” ở đây là đảo ngược hai từ “trần thế” có nghĩa là “thế gian” là cõi của tất cả mọi người.Tôi rất mong các ca sĩ và mọi người hát đúng nguyên theo nguyên bản bài hát và ca từ của tôi”.

Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ ra đời vào tháng 10.1972 từ lời đề nghị của một nhà sản xuất âm nhạc nhân mùa Noel năm ấy. Nhiều ngày liền, Nguyễn Vũ loay hoay tìm đề tài thì bất chợt giai điệu của bài hát bất hủ Silent Night (Đêm thánh vô cùng, lời: Josef Mohr, nhạc: Franz Xaver Gruber) vang lên tại nhà. Bài hát này gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc để hồi tưởng về thời thơ ấu. Thuở khi tôi chỉ là cậu bé 14 tuổi. Lúc đó, nhà tôi ở cạnh con dốc lên nhà thờ Con Gà (Đà Lạt). Mỗi lần chuông nhà thờ đổ, tôi lại thấy bóng dáng một người con gái rất xinh đi lễ ngang nhà. Tôi lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng Sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên…

Về mặt nghệ thuật âm nhạc, Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ được viết theo tiết tấu của giai điệu slow rock, giọng La trưởng (A). Tác giả dùng hình thức ba đoạn đơn (ABA’), một cấu trúc thường gặp trong nhiều bản tình ca trong âm nhạc thế giới cũng như tân nhạc Việt Nam. Hình thức ba đoạn đơn có một đặc điểm, trong đa số trường hợp, đoạn A’  không giống hoàn toàn đoạn A. Sự tái hiện đó có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp cho tác phẩm đạt tới tính như trước về mặt cấu trúc.

Ca khúc Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ mang đầy đủ những điều căn bản để làm nên một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Đến nay, ca khúc này vẫn luôn là một trong những bài tình ca Việt Nam tinh tế trong giai điệu lẫn ca từ, thấm đẫm tâm hồn lãng mạn, nồng nàn của một nhạc sĩ.

“Tôi bất ngờ xúc động khi nghe cô nhẩm hát theo bài Đêm Thánh Vô Cùng với một chất giọng khá hay. Vì vậy, nghe lại bài hát này, trong tôi, kỷ niệm xưa chợt ùa về và những giai điệu cứ thế tuôn trào. Chỉ trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi đã ký âm xong bài hát và khi cầm đàn guitar chơi lại, chính tôi cũng cảm thấy xúc động. Ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên hát bài hát này và ngay sau đó, nó trở thành ca khúc ‘hot’ nhất trong mùa Giáng sinh năm đó”.

Mỗi mùa Giáng sinh về, Bài thánh ca buồn của Nguyễn Vũ lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: “Đến nay, Bài thánh ca buồn vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ Bài thánh ca buồn của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?”.

Tôi, Nguyễn Vũ muốn nói về một ca sĩ cố tình hoặc vô tình hát sai ca từ của tác phẩm âm nhạc cũng là trăn trở chung của rất nhiều nhạc sĩ hiện nay. Khi sáng tạo nghệ thuật, người nhạc sĩ luôn để lại những dấu ấn, tâm tư cá nhân trong mỗi tác phẩm cụ thể. Mỗi ca từ đều là sự chọn lọc rất tinh tế để gửi gắm  những ý nghĩa của mình. Hát đúng và trung thành với nguyên bản của tác phẩm là tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm nghệ thuật và tôn trọng người sáng tác ra tác phẩm đó.


Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời thanh niên (1968) Ảnh do tác giả cung cấp


LE VAN QUY Sưu tầm 


Thơ: THÁNG CHẠP - Đồng Ánh Liểu.

 



THÁNG CHẠP. 

Đông rét mướt ủ hương nồng tháng chạp

Cả đất trời e ấp sắp vào xuân 

Hàng cây cũ đã trút lá bao lần

Chờ chồi mới dâng nàng Xuân tươi đẹp


Mà cuối năm thời gian sao chật hẹp 

Ngày nối ngày khép lại những lo toan

Người hối hả xuôi ngược với gian nan

Người tĩnh lại trầm ngâm dòng suy nghĩ


Một năm nữa đã sắp qua rồi nhỉ

Mình già thêm ... ngơ ngác mừng tuổi đời

Chẳng như thời con trẻ mong Xuân tươi

Được hớn hở theo mẹ đi chợ tết


Giờ Xuân sang trán hằn thêm từng vệt

Nếp thời gian ghi dấu những thăng trầm

Đời  mỗi người trĩu nặng gánh mưu sinh

Mấy khi ngồi ngẫm nhân tình thế thái 


Thời gian trôi có bao giờ trở lại

Tóc xanh rồi dần bạc trắng như mây

Ta còn đây đâu phải mãi sum vầy

Nay gặp gỡ mai ly tan có thể


Ừ! Cuối năm giữ tâm mình vui vẻ

Sống chầm chậm cảm nhận vị bình yên

Dòng thời gian cứ tất bật triền miên

Đời bao lần đếm Xuân sang mỗi độ?


Cứ An nhiên ngắm mai đào đua nở

Tạ ơn đời còn được đón Xuân sang!

Đồng Ánh Liễu


Xứ người : ĐIỂM BÁO SÁNG NAY - Thu Nguyen.

 



ĐIỂM BÁO SÁNG NAY


Cô gái mồ côi gốc Việt sinh ra tại Cần Thơ thành sao Hollywood: "Tôi không biết mẹ ruột mình là ai, còn sống hay đã chết"

Cái tên Lana Condor bắt đầu được biết đến tại Hollywood lần đầu tiên vào năm 2016 qua vai diễn dị nhân Jubilee trong phim X-men: 

Apocalypse. Vai diễn đầu tay đã được tham gia vào một series bom tấn, đây là điều bất cứ diễn viên nào tại Hollywood cũng đều khao khát.

Sau thành công trong X-men, Lana tiếp tục nhận một vai nhỏ trong phim Patriots day có tài tử Mark Walhberg đóng chính. Và chỉ vỏn vẹn 2 năm sau, cô gái sinh năm 1997 đã thuận lợi có được vai nữ chính trong một bộ phim điện ảnh của Hollywood. To all the boys I've loved before - bộ phim tình cảm do Lana đóng chính vừa ra mắt trên kênh Netflix đã gây được tiếng vang lớn, tiếp nối làn sóng trỗi dậy của các diễn viên gốc Á tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Lana mang trong mình dòng máu 100% thuần Việt, là một đứa trẻ bị bỏ rơi được cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi tại một trại cô nhi ở Cần Thơ khi mới 2 tháng tuổi. Tâm sự với tờ Elle, Lana cho hay mọi người thường thấy ngại ngùng khi đề cập đến việc cô là con nuôi nhưng bản thân cô gái gốc Việt lại rất cởi mở về nguồn gốc của mình.

"Bố mẹ tôi thường mặc đồ truyền thống Việt Nam trong ngày di sản ở trường. Bố mẹ còn muốn tôi thử ăn đồ Việt Nam để biết về nguồn cội của mình", nữ diễn viên trẻ kể.

Sinh ra là người châu Á nhưng lại có bố mẹ da trắng, Lana cảm thấy dễ dàng liên hệ được với nhân vật mà mình thủ vai trong To all the boys I've loved before bởi cô gái trong câu chuyện có gốc Hàn Quốc, sống với bố người Mỹ.

Kể về người mẹ ruột Việt Nam của mình, Lana chia sẻ: "Tôi không biết gì về mẹ ruột. Tôi có suy nghĩ về người mẹ sinh ra mình nhưng tôi không biết bà là ai, bà đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Từ khi còn nhỏ tôi luôn coi mẹ nuôi là mẹ mình và yêu bà bằng cả trái tim".

Năm 1997, bố mẹ nuôi của Lana - ông Bob Condor và bà Mary Haubold đã lặn lội nửa vòng Trái đất đến Việt Nam xa xôi với mong muốn nhận nuôi một bé gái. Cặp vợ chồng người Mỹ kết hôn khá muộn, khi cả hai đã 35 tuổi nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc có con. Bà Mary Haubold sảy thai nhiều lần và phải từ bỏ việc sinh con dù khao khát có được một gia đình trọn vẹn.

Đầu tiên, hai vợ chồng muốn nhận nuôi con tại Trung Quốc vì nơi đây có quá nhiều bé gái bị bỏ rơi, đó là hậu quả của chế độ chỉ cho phép sinh một con. Nhưng rồi định mệnh đưa ông bà đến với Việt Nam vì có lời đồn rằng việc nhận con nuôi tại đây nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Suốt nhiều tháng rong ruổi khắp các cô nhi viện từ Bình Dương đến TP HCM, ông bà Condor tiêu tốn hàng chục nghìn đô la tiền đặt cọc làm hồ sơ cũng như chi phí sinh hoạt tại nơi đất khách quê người nhưng vẫn không có được một cơ may nhận con. Những hy vọng tưởng như sắp tắt, thần may mắn đã mỉm cười với họ. Một cô nhi viện tại Cần Thơ đã gọi điện cho họ với lời quảng cáo rằng ở đó có rất nhiều "bé trai vô địch".

Lặn lội đến tỉnh miền Tây trong một ngày mưa gió, lội qua nhiều con đường bùn đất, hai ông bà mới tìm được tới cô nhi viện.

Khi vừa tiếp xúc với những đứa trẻ tại đây, ông Bob Condor đã bị thu hút ngay bởi một bé gái xinh xắn, và ông có cảm nhận rằng cô bé chính là con gái mình. Bé gái có tên khai sinh là Trần Đồng Lan, lập tức được ông bà Condor nhận nuôi và đặt tên là Lana với ý nghĩa gần với tên gốc của cô. 

Quá xúc động trước hoàn cảnh của các em bé mồ côi Việt, ông bà quyết định nhận nuôi thêm một bé trai hơn Lana 3 tháng tuổi và đưa cả 2 anh em về Mỹ.

Tuy thiệt thòi vì là cô nhi nhưng Lana Condor lại may mắn khi được một gia đình Mỹ giàu có và học thức nhận nuôi. Bố nuôi Lana là một nhà báo hai lần nhận đề cử giải thưởng Pulitzer danh giá.

Cô lớn lên trong sự bao bọc của gia đình, có riêng bảo mẫu người Việt Nam, được theo học các trường nghệ thuật danh tiếng hàng đầu nước Mỹ. 

Và bằng tài năng của mình, cô gái mồ côi gốc Việt đã có được chỗ đứng tại Hollywood, nơi vốn không có nhiều sự ưu ái cho các gương mặt châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Và năm nay, "cơn sốt mới nổi" Lana Condor là một minh chứng cho những nổ lực của tài năng mang trong mình dòng máu thuần Việt.


(THU NGUYEN)

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Thư giãn : KẾT BẠN... - Trần Vãn (FB)

 


Bài hát hay: MƯA - Kim Dung.


 SÁNG TÁC : KIM DUNG

TRÌNH BÀY : THÁI HÒA

Thơ : MẮT NAI RƠI - Xuân Duyên.

 



MẮT NAI RƠI..

Đầu đông sao vẫn mưa? 

Không nhiều, hạt lưa thưa

Đủ ướt bàn tay mõi

Em đứng chờ hay chưa?

Thôi thì cứ mãi ngày xưa

Tóc em tuyết trắng theo mùa bóng mây

Cô nàng má đỏ hây hây

Tự tình nho nhỏ ..đường bay lưng trời

Tuổi em cứ chơi vơi

Hoa bên rèm ai với

Trăm năm nghìn dâu bể

Còn lại mắt nai rơi

                XUÂN DUYÊN - 12/2023

Thơ : CÂY ĐỦNG ĐỈNH - hathuthuy.

 



CÂY ĐỦNG ĐỈNH 

Đủng Đỉnh ơi! Đủng Đỉnh à!

Ngày xưa ba má về nhà với nhau

Bước qua vòm lá cổng chào

Kết bằng Đủng Đỉnh trái dào dạt buông

Tên cây nghe thật dễ thương

Như lời chúc phúc chung đường bên nhau

Mâm trầu xanh với buồng cau

Bước qua Đủng Đỉnh bạc đầu thủy chung

.  .  .  .  .  .  .  .

Gió đưa ba má về trời

 Đủng Đỉnh ở lại vời vời nhớ thương

Chiều nay đi dạo quanh vườn 

Nhìn cây Đủng Đỉnh vấn vương bùi ngùi.

hathuthuy

Ngẫm : RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU - vanhoaphatgiao.

 



RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU. 

Câu ca dao của người xưa, thật là sâu sắc

“Ruột Đau Chín Chiều”: đó là những chiều nào?

Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?

Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?


Ta thường nghe câu ca dao: 

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Hoặc:

Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau


Thực ra nói đến chín chiều là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, người xưa thường dùng “cửu tự cù lao - chín chữ cù lao” là 09 điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là: 

1 - Sinh (sanh đẻ) 

2 - Cúc (nâng đỡ)

3 - Phủ (vuốt ve, trìu mến)

4 - Súc (cho bú mớm)

5 - Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)

6 - Dục (dạy dỗ)

7 - Cố (trông nom)

8 - Phục (xem tính nết mà uốn nắn)

9 - Phúc (bảo vệ)

Vì vậy mới có câu: ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...

Nhân những ngày cuối năm tìm hiểu và tự nhắc nhở mình đôi điều về chín chữ cù lao để gọi là xin đền đáp trong muôn một thâm ân cha mẹ.


Nguồn: vanhoaphatgiao

Thơ : ĐÃ LỠ THƯƠNG RỒI - Thạch Thảo BD.

 



ĐÃ LỠ THƯƠNG RỒI


Nhà thờ chuông đổ. Đêm sao sáng

Rực rỡ đèn hoa. Chúa Giáng trần.

Cùng sánh vai anh, bên máng cỏ

Dẫu mình ngoại đạo…biết ăn năn.


Áo hoa khép nép, quỳ chân Chúa

Ngoan ngoản cùng anh, cũng nguyện cầu.

Hạnh phúc cho mình và tất cả

Nhà nhà thân ái, mãi bền lâu.


Đã lỡ thương rồi, đâu có ngại

Dẫu em ngoại đạo vẫn theo chàng.

Tình yêu vun đắp cho tròn kiếp

Thương hết đời nhau. Nhé…nhé thương.


Noel rực sáng trời hoa nến

Xin Chúa ban ân thơm phước lành.

Cho dẫu con là người ngoại đạo

Vẫn tin có Chúa ở cao xanh.


Đã lỡ thương rồi, đâu có ngại

Dù tam tứ núi…quyết lòng qua.

Sông sâu biển lớn…mình cùng vượt

Mới thấy tình yêu rất mặn mà.


Hồn lỡ sa vào trong ánh mắt

Thương yêu rồi, mãi nhớ vì nhau.


TX Noel 2023

THẠCH THẢO - BD