Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

Thơ vui : BÀ NGOẠI EM - Ngô Lương.






 BÀ NGOẠI EM

                                   ***

“Bà ngoại em vẫn chưa già

Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường

Mắt bà vẫn rất tinh tường

Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày

Nhưng Bà em vẫn rất hay

Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm

Công việc bà vẫn ôm đồm

Chăm lo con cháu sớm hôm không nề

Hôm nay cô giáo ra đề

Bắt em phải tả viết về Bà em

Em tả giống hệt bên trên

Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:

Đã Bà là phải rụng răng

Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời

Bà cũng không được ăn chơi

Vì mắt phải kém và môi nhai trầu

Đã Bà là phải ngồi khâu

Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề

Nhất là không được ghi đề

Tuyệt đối không được phóng xe ào ào

Em nghe chẳng hiểu thế nào

Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này

Tả sai thì lại không hay

Tả đúng thì lại có ngày ăn roi

Kiểu này phải bảo mẹ thôi

Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”


NGÔ LƯƠNG. 

Tản mạn : MỘT THỜI... - ST trên FB




MỘT THỜI... 


 Sau năm 75 chừng vài năm . Coi báo thấy mấy ông nhà văn , nhạc sĩ nổ quá trời về cây hoa sữa . Mình nghỉ thầm trong bụng chắc hoa nầy có cái gì quyến rủ dữ dằn lắm ...ai dè .

           Xóm tui cũng có một người trồng ...rồi mong nó trổ hoa , Đến chừng nó trổ mùa thứ hai ,bông đang đùm đề ,đã phải vội vàng đốn bỏ vì không chịu nỗi "mùi thơm khó chịu" của sữa , và cũng vì mít lòng chòm xóm khá nhiều .

           Thời gian sau nữa , thì báo Tuổi Trẻ đưa tin Trà Vinh , một thủ phủ cây xanh cổ thụ của miền Tây , cũng vội vàng đốn bỏ hàng loạt cây hoa sữa , vì dân tp Trà Vinh không chịu nỗi cái nhức đầu của anh hoa sữa ...

             Nhìn cây hoa sữa chợt nhớ nhiều giai thoại một thời ...........


SƯU TẦM TRÊN FB. 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Thư giãn: ĐỜI HÊN VÀ XUI ! - Sưu tầm.





 ĐỜI....HÊN & XUI.

         “Két! Kéttt! Kéttttt!... Rầm!!!” 

Bà giáo bóp kịch phanh nhưng con Lead của bà vẫn bị tông vào chiếc Mercedes S400 đang dừng bên đường. 

Cửa xe mở, một gã trong xe lao ra hùng hổ. 

Thế nhưng, khi thấy bà giáo, gã khựng lại ngạc nhiên, rồi chuyển giọng: “Ơ… Con chào cô!”. 

Bà giáo còn đang ngác ngơ thì gã đó đã tiến tới nắm tay bà đầy tình cảm: “Cô không nhận ra con ạ? Con là Hên, lớp 7A3 ngày xưa, 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh cá biệt, chuyên gia đội sổ của lớp nói riêng và của trường nói chung đây mà!”. 

Bà giáo nhìn cậu học trò ngờ ngợ, rồi thốt lên: “A! Cô nhớ rồi! Nhưng sao 7 lớp mà lại chỉ có 6 năm cá biệt nhỉ?”. “Dạ, năm lớp 7, chưa kịp bình bầu thì con bị đuổi học vì rình trộm nhà vệ sinh nữ ạ!”. 

Như chợt nhớ ra, gã mở cốp xe, lấy ra hộp gì đó rất sang trọng, giọng lễ phép: “Con có một công ty thời trang chuyên sản xuất áo dài. Con tặng cô một chiếc để cô mặc đi lễ tết. 

Con chúc cô 20.11 vui vẻ ạ!”. 

Nói rồi, cậu học trò đội sổ vội vã phóng con Mercedes S400 đi, nghe nói là đang có khách hẹn ký cái hợp đồng gần trăm tỉ. 

Va chạm khá nặng nên con xe Lead của bà giáo vẫn phải để lại ở tiệm cho thợ sửa, còn bà bắt xe Grab về. Tới nhà, bà giáo móc tiền ra trả, nhưng cậu xe ôm không lấy. 

Bà giáo còn đang ngác ngơ thì cậu xe ôm đã tiến tới nắm tay bà đầy tình cảm: “Cô không nhận ra con ạ? Con là Xui, lớp 7A3 ngày xưa, 6 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc, chuyên gia thủ khoa của lớp nói riêng và của trường nói chung đây mà!”.

Bà giáo nhìn cậu học trò ngờ ngợ, rồi thốt lên: “A! Cô nhớ rồi! Nhưng sao 7 lớp mà lại chỉ có 6 năm xuất sắc nhỉ?”. “Dạ, năm lớp 7, chưa kịp bình bầu thì con chuyển sang học trường chuyên ạ!”. 

Như chợt nhớ ra, cậu xe ôm mở điện thoại nhấn nút “hoàn tất chuyến xe”, giọng lễ phép: 

“Con tặng cô cuốc xe này! Chúc cô 20.11 vui vẻ ạ!”. 

Nói rồi, cậu học trò xuất sắc vội vã phóng con xe đi, nghe nói là đang có khách đặt cuốc xe gần trăm nghìn… 

_20/11/2020, Cô giáo có ký ức ùa về thật khó tả...


SƯU TẦM. 

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Cuộc sống: CON RẮN VÀ CÁI CƯA - Sưu tầm.

 



  

CON RẮN và CÁI CƯA 


 (Hãy luôn ứng xử bằng thái độ ôn hoà và tình thương yêu chân thật, đừng nghĩ đến sự thù hận và trả thù. Câu chuyện về con rắn và cái cưa sẽ giúp chúng ta thức tỉnh.)

Một con rắn bò vào một cửa hàng bán đồ làm mộc và bò đến góc nhà. Khi bò ngang qua 1 cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương. Lập tức, nó quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn, nó lại càng bị thương ở miệng.

Sau đó, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nghĩ rằng cái cưa đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình. Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi 1 cái cưa vô tri vô giác.

Đôi khi, chúng ta phản ứng với sự giận dữ với ý định sẽ làm tổn thương những người đã đối xử tệ với mình nhưng thực ra chúng ta đã làm tổn thương chính bản thân mình.

Trong cuộc sống, có những lúc tốt hơn là mặc kệ sự việc có tồi tệ ra sao, là con người đừng nghĩ đến thù hận và sự đáp trả. Bởi vì hậu quả khi đã xảy ra là không thể đảo ngược và thảm khốc. Tốt hơn là luôn ứng xử với họ bằng thái độ ôn hoà, và tình yêu thương nhân hậu mặc dù phải nỗ lực rất nhiều!

Khi bạn đọc đến đây, tôi xin chúc bạn có một cuộc sống tốt đẹp, luôn vui khỏe, thành công và hạnh phúc,...


Sưu Tầm

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Truyện : CON RUỒI - Nguyễn Nhật Ánh ( NL st và gt )

 

Con Ruồi

Nguyễn Nhật Ánh


Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu, vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tày đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

Tôi ốm. Ðiều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khỏe mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, “đẹp” kinh khủng!
Thế là mọi chuyện bắt đầu.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tôi đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không, thì cứ gọi là thức trắng đêm.

Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.
Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:
– Sao vậy anh?
Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:
– Có người chết trôi kia kìa!
Vợ tôi cầm ly sữa lên:
– Chết rồi! ở đâu ra vậy cà?

– Còn ở đâu ra nữa? Ố! Tôi nhấm nhẳng: Ố! Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à?

Vợ tôi nhăn mặt:

– Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!
– Hứ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết?
Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:
– Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.
Tôi vẫn chưa nguôi giận:
– Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi.
Vợ tôi trố mắt:
– Nó còn trong ly kia mà!
– Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.
– Anh thấy, sao anh còn uống?
– Ai mà thấy!
– Không thấy sao anh biết có hai con?
Tôi tặc lưỡi:
– Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.
Vợ tôi bán tín bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:
– Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Ðể em…
Tôi là tôi chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:
– Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?
Vợ tôi giật mình:
– Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?
– Chứ không phải sao?
– Không phải!
A, còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:
– Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?
– Thì có làm phải có sai sót chứ! Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em?
– Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà…
Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:
– Em đâu có nói vậy!
– Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!
Vợ tôi nhún vai:
– Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy? Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khóa tủ, phải cạy tủ ra mới lấy được đồ đạc?
Tôi khoát tay:
– Nhưng đó là chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?
– Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?

Cứ như thế, như có ma quỷ xui khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm từng từng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới lớp bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt radio đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya, v.v…và v.v… chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật chẳng thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:
– Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa. Tôi ngán tới tận cổ rồi!
Vợ tôi lạnh lùng:
– Tùy anh!
Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:
– Ðược rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ.
Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoáng trên giấy với tốc độ 100 km/giờ. Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được?
Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.
– Cô định làm gì đấy?
– Ðem đổ đi chứ làm gì?
– Không được, để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến tòa án làm bằng cớ.
Ðặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hùng hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.

Nguyễn Nhật Ánh

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Thư giãn : BÀ CỤ TRÚNG SỐ - Sưu tầm.

 





BÀ CỤ TRÚNG SỐ. 

Có một cụ bà ngoài 80 tuổi, ở nhà buồn, cụ quyết định chơi xổ số để giải trí. Rồi một ngày kia cụ trúng số độc đắc trị giá 200 triệu USD.

Các con sợ cụ sốc quá khi biết tin vui nên thống nhất thuê một bác sĩ tâm lý để báo cho cụ. Một bác sĩ tài giỏi nhất thành phố đã được chọn để giải quyết vấn đề này. Dưới đây là phương pháp bác sĩ đã áp dụng với bà cụ.

- Thưa cụ, năm nay cụ bao nhiêu tuổi?

- Tôi năm nay 86 tuổi.

- Nếu cụ trúng xổ số 5 đôla, cụ sẽ làm gì?

- Tôi sẽ mua cho cháu một chiếc cặp sách mới.

- Nếu trúng 20 đôla, cụ sẽ làm gì?

- Tôi sẽ mua một ít vật dụng trong gia đình.

- Nếu trúng 100 đôla, cụ sẽ làm gì?

- Tôi sẽ mời cả gia đình đi ăn nhà hàng.

- Và cứ thế tiếp diễn cho đến lúc ông bác sĩ tâm lý nhận thấy, cụ già đủ bình tĩnh để nghe tin trúng xổ số độc đắc.

Ông nói:

- "Nếu trúng xổ số 200 triệu đôla, cụ sẽ làm gì?"

Cụ già đã mệt mỏi vì những câu hỏi của vị bác sĩ nên trả lời cho qua:

- "Một nửa số tiền đó thuộc về ông!!!".

Ông bác sĩ lăn đùng ra ngất xỉu vì không đủ bình tĩnh để nghe một tin giật gân ngoài sức tưởng tượng của mình. Ông đã ra đi mà không kịp nhìn thấy số tiền đó.

Sưu tầm.

#ncctv

Thơ : BIỂN LẠI BUỒN - Phước Liêu.






 BIỂN LẠI BUỒN 


Biển buồn là bởi vì ai 

Ôm sầu đơn lẻ chiều nay một mình 

Trời xanh mây trắng hữu tình 

Vì sao ai lại một mình nơi đây 

Chiều về nhìn ngọn gió bay

Dạt dào sóng biển nhớ ai phương 

trời


PHƯỚC LIÊU ( 11-2020 )

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Cuộc sống: TRỞ THÀNH TỈ PHÚ. - Sưu tầm.

 







TRỞ THÀNH TỶ PHÚ .


MỘT NHÀ TRIỆU PHÚ NGƯỜI MỸ nghĩ hè ở một làng chài bên vịnh Mêhicô. Chiều chiều khi những thuyền cá kéo nhau cập bến , ông lại rảo bộ ngắm cảnh tấp nập ồn ào , hít ngửi làn gió tanh tanh mằn mặn .

Một chiều nọ , đứng trên bờ ông thấy một cô bé lấy tay che bớt ánh nắng và nhìn ra biển . Nhà triệu phú bước tới bắt chuyện :

CHÁU CHỜ AI VẬY ?

__Cô bé đáp : cháu chờ cha cháu đi khơi về để lấy cá đi bán .

Thường cha cháu đánh được nhiều cá không ?.

__Dạ , không nhiều đâu , mấy con cá ngừ....nhưng cha cháu chỉ đi có một loáng rồi về .

Thế sao cha cháu không câu nhiều cá hơn nữa ?.

__Dạ , ngần ấy đủ cho nhà cháu sống rồi ạ !.

Thế thời gian còn lại cha cháu làm gì ? 

__Cha cháu chơi với cháu , dạy chúng cháu vá lưới , sửa đồ trong nhà . Cha giúp Mẹ cháu trồng cây , chặt củi , vét giếng. Thỉnh thoảng cha chơi Ghita hát hò với mấy chú hàng xóm. Cháu thấy cha cháu bận cả ngày ấy !

Nhà triệu phú nhún vai nói :

Cháu biết ta là ai không ?. Ta là triệu phú , ta có bằng thạc sĩ kinh tế của trường Harvard . Ta sẽ chỉ cho cha cháu phải năng đi biển hơn , đi đủ bảy ngày mỗi tuần , từ sáng tinh mơ tới nửa đêm , câu thật nhiều cá bán lấy tiền . Rồi nhờ tiền đó , ông mua một chiếc thuyền to hơn , có thuyền to , ông có thể ra xa bờ nơi có nhiều cá hơn .

Chẳng bao lâu cha cháu sẽ có đủ tiền sắm thêm vài chiếc thuyền , thuê người ra khơi . Khi có nhiều cá hơn nữa , cha cháu đừng bán cá cho lái mà phải mở xưởng đóng cá hộp riêng , tổ chức hệ thống bán lẻ riêng.....

Lúc đó , cha con cháu sẽ rời bỏ ngôi làng chài heo hút và chuyển lên Mexico City , rồi sang Mỹ , ban đầu thì ở Los Angeles , sau dời tới New York , cha cháu sẽ làm chủ cả một vương quốc đánh bắt , chế biến và tiêu thụ cá biển , cha cháu sẽ sống trong các biệt thự trị giá vài chục triệu đô la , mặc đồ thời trang khiến các minh tinh Holywood phát thèm...

__ Dạ , thế mất chừng bao lâu mới được vậy ạ.?

hhọọahừng 15 _ 20 năm gì đó .

__Dạ , rồi sau đó thì sao ạ !

Rồi cha cháu phát hành cổ phiếu , đăng ký tham gia thị trường chứng khoán . Ồ lúc đó cha cháu sẽ rất giàu , là triệu phú như ta hiện nay .... BIẾT ĐÂU CHA CHÁU TRỞ THÀNH TỶ PHÚ KHÔNG CHỪNG....

__Dạ , tỷ phú ? Rồi sao nữa ạ ?..

SAU CÙNG , CHA CHÁU VỀ HƯU . Ông sẽ chơi với các con , dạy con vá lưới , phơi cá , sửa đồ trong nhà . Cha cháu sẽ giúp mẹ trồng cây , chặt củi , vét giếng .... thỉnh thoảng ông chơi Ghita hát hò với mấy chú hàng xóm . Rồi Cha cháu cũng bận rộn cả ngày ấy ..!

__ Khi nghe xong , cô bé bình thản nói :

Thế thì cha cháu chẳng cần làm tỷ phú thưa ông . CHA CHÁU ĐÃ CÓ TẤT CẢ SAU CÙNG MÀ ÔNG VỪA NÓI RỒI Ạ ...!!


( Lời bình : Đừng bất chấp tất cả để bán rẻ cái tôi cho đồng tiền . Làm việc gì cũng được , miễn sao " TÂM HỒN " được thanh thản . Làm điều gì cũng được , miễn sao " THÂN THỂ " luôn bình an .... )


ST. ( # ncctv )



Hồi ức: SÀI GÒN XƯA: MÓN ĂN DĨ VÃNG - Vũ Thế Thành.

 





Sài Gòn xưa: MÓN ĂN DĨ VÃNG.


Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì “những người muôn năm cũ”. Họ là phần ký ức nhỏ trong một khoảng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được…


Mùa đông năm 1975, Sài Gòn lạnThànủng khiếp, lòng người cũng lạnh. Chiều xuống là nhậu. Còn biết làm gì lúc đó bây giờ? Nuối tiếc quá khứ, hoang mang với hiện tại và nghi ngờ ở tương lai. Vô vài xị với bè bạn cho ngấm mùi đời. Nửa đêm lửng lơ đạp xe về nhà, táp vô xe cháo huyết gần trường Lê Bảo Tịnh, đường Trương Minh Giảng (bây giờ là Lê Văn Sỹ). Chủ quán, một ông già Tàu, không biết nấu cháo kiểu gì, mà ngon kinh khủng.


Cháo huyết ngon, ngon từ cháo tới huyết. Cháo ngọt thịt và huyết mềm và dai, với vài khoanh chào cháo quẩy mỏng dính, cho ớt bằm thiệt cay, ấm lòng say xỉn. Hình như cháo huyết này được nấu với tôm khô và mực khô, cháo đã ngon, mà sao miếng huyết vừa dai vừa mềm thế!


Ông già Tàu tính kỹ, kích thước tô cháo nhỏ xíu, cháo múc chỉ tới nửa tô. Phải ăn tới 5 tô mới tạm đủ… Hôm nào hẻo, kêu một tô, cho ớt thiệt cay, uống nhiều trà đá, cũng đỡ vã.


Mười năm sau, ông già Tàu không bán nữa, để xe cháo lại cho vợ chồng người con trai. Thằng con vẫn nhận ra khách quen, bàn tay múc cháo của nó nhuần nhuyễn như ông già, vẫn “cháo nửa tô”, đúng chuẩn!


Rồi mười năm sau nữa, vật đổi sao dời… xây cất nhiều, cảnh đổi thay, chẳng biết xe cháo trôi dạt về đâu…


Năm nay Sài Gòn lạnh, lạnh bất thường. Mỗi tối, tôi vẫn đi bộ qua con đường cũ, đôi khi nhớ ông già Tàu, nhớ “cháo nửa tô”, nhớ ớt cay che khuất cơn đói, nhớ cả tâm trạng của thằng say xỉn lỡ cỡ…


Tôi có thể nói mà không lưỡng lự, cháo huyết ở đó ngon, chắc chắn ngon nhất đời…


Quán cháo lòng chiều

Gọi là quán cho bảnh, chứ đó chỉ là cái sạp, ngó xéo sang chợ Đa Kao ở đường Nguyễn Huy Tự. Quán chỉ bán buổi chiều, từ 2 giờ đến 5 giờ là vãn.


Bà chủ quán trạc 35, chưa chồng, chảnh… Khách chiều bả, chưa thấy bả chiều khách bao giờ. Mặt lạnh, dễ quạu, ít cười. Ít không có nghĩa là không, thỉnh thoảng cũng thấy cười…


Cháo lòng là phải đủ bộ: huyết, tim, gan, phèo, phổi… Huyết không có gì đặc biệt, thua xa cháo huyết đêm của ông già Tàu, nhưng tim gan phèo phổi, bả cắt nhát nào ra nhát nấy, to và dày. Dồi làm mới tuyệt! Khúc dồi to như ống nước, và chỉ nhồi thịt, không biết bả làm cách nào mà chiên dòn, ăn đã không chịu được. Khách thích, muốn mua dồi về nhậu, không bán! Mua cháo và dồi, cũng không bán! Chảnh thế đó!


Cháo hầm xương, nên ngọt, nhưng hậu vị không dai dẳng như cháo huyết hầm tôm khô mực khô nói trên. Cháo lòng ăn với hành củ tím thái mỏng, ngâm dấm, ớt bằm…


Cháo ngon, nhưng hơi đắt, tới 4 đồng/tô. Lương tôi hồi đó 73 đồng, trừ tiền gạo, nhu yếu phẩm này nọ, còn chừng 35 đồng, làm sao đủ nhậu cho cả tháng đây?


Tiêu chuẩn tháng, gạo (13kg), đường (500 gr), bột ngọt (50gr), thịt mỡ (600gr) mang về nộp cho bà già. Còn mấy thứ khác thẩy ra chợ trời tuốt. Thuốc lá đen (3 gói), đẩy ra lấy thuốc rê hút. Sữa hộp, làm phòng lab nên Nhà nước “bồi dưỡng độc hại” mỗi tháng 1 hộp. May quá bà già tôi không biết uống sữa, nên sữa cũng chạy ra chợ trời luôn… Đẩy “hàng” ra chợ trời hồi đó cũng dễ, có bà bán thuốc lá ngồi trước cổng cơ quan (đối diện chợ Đa Kao) thu gom, đắt rẻ một chút, thôi kệ, hơi đâu trả giá.


Tô cháo lòng 4 đồng là xa xí phẩm. Thèm, nhiều khi thèm, xuân thu nhị kỳ mới dám rớ tới. Hồi đó thèm đủ thứ, thèm thịt, thèm cá, thèm chả lụa, thèm phở, thèm điếu thuốc thơm… Coi như trên đời không có protein. Bỏ hết! Nhịn hết! Nhưng nhịn rượu, thì không. Mỗi tối, không ngồi bên quán cóc, không đong đưa vài ly rượu, không san qua xẻ lại nỗi lòng với mấy thằng bạn, người đi kẻ ở, tù tội chín phương, lừa vàng mất bạc, tình người điên đảo. Không ngấm qua men rượu, không nói được ra lời, làm sao ngủ được, sức đâu mà chịu nổi những bế tắc trước mắt, những giả dối của ngày mai khi bước chân vào cơ quan…


Lương kỹ sư hồi đó đại khái là vậy. Thời hậu chiến, người ta cho rằng, trong ba dòng thác cách mạng, thì cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Thứ then chốt này được “ưu đãi” đại khái như thế, còn sống sao thì tùy. Mỗi năm ôm một đề tài nghiên cứu, sáng chiều mặc áo blouse, nghía qua nghía lại mấy cái ống nghiệm, becher, burette… tối về đi “cảo” xích lô kiếm tiền nhậu. Thường thì tôi đi dạy luyện thi đại học nhiều hơn. Hồi đó chưa có lò, nên chỉ dạy kèm, dạy nhóm. Học trò đa phần là con cán bộ từ rừng, trình độ quá yếu, dạy phải hạ thấp, hạ thấp nữa, căn bản của căn bản. Vậy mà tụi nó đậu, đậu Y Dược hẳn hòi. Có vài em rất giỏi, nhưng lại rớt. Học tài thi phận, cái phận lý lịch buồn từ trong nhà ra tới ngoài đời. Mấy em bây giờ ở đâu?


Viết tới đây bỗng dưng khựng lại. Đang nói tới cháo lòng heo, sao lại quay sang nói lòng… người thế này?


Quán cháo lòng nằm ngay trước cửa cơ quan tôi, coi như chòm xóm, vậy mà lâu lâu cũng phải “hót” bả một chút mới được việc. Bà chủ chảnh, nhưng cũng có khi dễ chịu. Cuối tháng lãnh lương, cỡ 2 giờ chiều, đang dọn hàng còn ít khách, tôi ra quán gạ bả:


– Chị cười, sao tôi thấy ngồ ngộ…


– Ngộ cái gì ?


– Ngộ là đẹp đó, chẳng lẽ tui nói huych toẹt ra. Chị coi được mắt, làm đồ mồi ngon, sao giờ chưa chịu lấy chồng? Thằng nào phụ chị, đâu chị nói tui nghe thử, tui đá cho nó mấy cái…


Thế là bả xả ra hàng chùm hàng loạt, nào là bả đào hoa thế nào, nào là thằng nào thầm yêu trộm nhớ mà bả không chịu…


Khách tới đông, tôi xin kiếu vô làm việc lại, nhưng không quên dặn nhỏ bà chủ: “Hôm nay tui lãnh lương, đãi mấy thằng bạn nhậu. Tui quảng cáo món dồi chiên của chị quá xá. Chị bán cho tui một tô, không lấy cháo, chỉ lấy lòng và dồi, càng nhiều đầu dồi càng tốt. Cho vào bao nylon, lát về tui lấy…” Chất lượng hàng hóa hôm đó, ngon rẻ đẹp bền (bền là lần sau mua cũng khuyến mãi như thế), vượt trên mức mong đợi.


Lắm khi tôi tự hỏi, phịa đại một câu, vô thưởng vô phạt, làm người khác sướng, mà mình cũng có lợi, có phải là hành vi đạo đức? Thế giới này cả ngàn nhánh khổ rồi. Giây phút nào buồn? Giây phút nào vui đây?


Năm 84, tôi chuyển chỗ làm khác, chỉ thỉnh thoảng mới ghé quán cháo lòng Đa Kao. Giữa thập niên 90, trở lại quán cũ, thì người khác ngồi bán. Nghe nói, bà chủ cũ chơi đề, vỡ hụi hay sao đó, đã bỏ đi xa rồi.. .


Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì “những người muôn năm cũ”. Họ là phần ký ức nhỏ trong một khoảng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó.


Lúc đầu định viết “Món ăn dĩ vãng”, viết hết đủ món, viết một lần cho xong, nhưng mới viết tới cháo huyết cháo lòng đã thấy dài, đã thấy mỏi tay. Rồi tôi sẽ viết tiếp nếu còn người muốn đọc. Mà dù không còn người đọc, tôi cũng viết. Viết để trả nợ quá khứ, một quá khứ chẳng đâu vào đâu.


Còn gỏi khô bò, còn sò lông, còn bia lên cơn, còn rượu Cây Lý… Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần… tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này.


Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá!



VŨ THẾ THÀNH.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Thơ: NGHỊCH LÝ - Thạch Thảo.


NGHỊCH LÝ 


Thương người 

hơn cả thân tôi 

nên 

không dám hé…nửa lời 

chia tay. 

Sợ...trời buồn buổi sớm mai 

Sợ... đôi mắt ướt tù đày 

đêm đen. 

Nếu...lòng còn nghĩ đến em 

xem như mộng đẹp ngủ quên 

đêm rằm. 

Dẫu em...đâu đó 

xa xăm 

Mắt trong còn nhỏ giọt thầm 

yêu anh. 


Thạch Thảo Bình Dương

(11-2020)

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Địa danh xưa: NỮ TU VIỆN BIÊN HÒA - Sưu tầm.






NỮ TU VIỆN BIÊN HÒA 

 Tu Viện này là một cơ sở tôn giáo, có thể được xem lâu đời ở Biên Hòa (1860s) 

Có một câu chuyện đã lâu lắm rồi; mỗi khi nhớ lại hay kể cho người thân nghe, lòng vẫn thấy bồi hồi. 

Ngày đó bên một quán nước ven bờ sông Đồng nai, có một bạn trẻ làm chân tiếp viên, luôn vui vẻ, hoạt bát và năng động; tôi rất mến và hỏi chuyện, không ngờ chủ quán nói:

- Thấy dzậy đó mà đời nó buồn lắm anh!

- Sao vậy, thấy nó khi nào cũng tếu táo và ồn ào, vui vẻ lắm mà?

- Ừa thấy dzậy chứ nó là trẻ mồ côi, sống trong tu viện Thánh Phao-lô , quán vắng nhưng thấy nó tội nghiệp, tui kêu rảnh ra phụ, kiếm tiền học thêm, nó siêng năng học giỏi lắm!

….

Ngày ấy, những  tháng ngày đầu năm 1975 đầy sôi động và đau thương; một hôm, có một người lính trẻ, ôm một đứa bé trai mới vài tháng tuổi, đến Viện gởi nhờ các Sơ chăm sóc giúp ít lâu, và “ Hẹn sẽ quay lại! ”

Thời gian trôi qua, đứa bé được tình thương các Sơ chăm sóc, lớn lên bên các bạn nhỏ đồng cảnh ngộ; nhưng từ khi có trí khôn và nghe được câu chuyện về người lính năm xưa; nó nhất quyết không rời xa tu viện (dù có nhiều nhà hảo tâm muốn xin làm con nuôi. Bao lần nó đứng xa xa, nước mắt lưng tròng, chia tay các bạn đang vui mừng trong vòng tay của bố mẹ nuôi mới!)

Các Sơ thấy lạ, hỏi:

-Con không thích theo cha mẹ nuôi? về nhà mới nè, nhiều đồ ăn nè, sướng lắm!

Nó khóc, lắc đầu quầy quậy, không nói; các Sơ gặng mãi nó mới trả lời:

- Các Sơ nói ông lính sẽ quay lại đón con mà!

...

Mọi người lặng đi khi nghe nỗi lòng của nó…ngày ấy, mỗi buổi chiều, khi các bạn đang chơi đùa trong sân, riêng nó ngồi xa một góc,dòi dõi nhìn ra cổng…

Bẳng đi khoảng 10 năm sau, gặp lại, em khoe đang làm tại công ty liên doanh lớn, thu nhập cao và mua được nhà riêng…

….Vài năm sau nữa, tình cờ gặp tại một quán nhỏ, hỏi thăm chuyện vợ con, em cười:

-Em chưa có anh ơi!

-Ủa sắm nhà riêng rồi, sao không lấy vợ?

-Hi hi, ai mà lấy em, à mà em vô lại ở trong trại, rảnh rỗi thì phụ việc thêm cho mấy Sơ!

Trong mắt em, tôi thấy có nét gợn buồn, nên không dám hỏi thêm…

....

Năm nay, tiết trời lạnh hơn mọi khi, nhà nhà đang chuẩn bị đón tết, niềm vui sum họp gia đình, đang làm cho những người tha hương nao nao; chợt nhớ tới em, không biết em có còn chờ đợi người lính năm xưa?  Đã 40 năm rồi mà ! Còn người lính ấy thì bao giờ trở lại?

(cuối đông Giáp Ngọ)

Thu Anh Tran, Hàng Trần Minh LongLy NguyenKatie Le NguyenPhan Tan LocChau Nguyen

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Thơ : ĐI BÊN NHAU - LPQ






 ĐI BÊN NHAU


Đi bên nhau để lặng một giờ

Một lời tình giấu kín trong tim

Đôi tay rung lời chưa kịp tỏ

Thì vội vàng về ngõ mưa mau


Đi bên nhau để đếm một ngày

Nhìn lá vàng dưới bước chân qua

Sợi hoàng hôn sót chiều ngơ ngẩn

Đường về nhà ngập bóng trăng pha


Đi bên nhau để suốt một mùa

Kéo mây về giăng phủ đá xưa

Một mùa yêu mưa đan áo mộng

Viết lời tình trên áo hư không


Đi bên nhau để mất một đời

Chưa bao giờ ôm hết vòng môi

*Dưới hiên xưa chở chiều phai nắng 

Dấu chân về vương vấn tình tôi


**Bóng thiên thu vơi đầy thắp lửa

Nắng nghiêng chiều chia nửa vàng xưa...


LPQ

11/2020

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Chuyện nhân sinh : AI THẮNG, AI THUA ?- Sưu tầm.

 




AI THẮNG, AI THUA?


Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Thưa hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, – cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi.”

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi.” Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu.” Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.

Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy.”

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ.”

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói:

“Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao? Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết.”

Câu chuyện có thể rất đơn giản nhưng đó là bài học cho chúng ta trong cuộc sống. Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Có những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hề hay biết.


SƯU TẦM. 

Hồi ức: TIẾNG HÁT TỪ MIỀN ĐẤT LẠNH - Nguyễn Văn Đông.

 




TIẾNG HÁT TỪ MIỀN ĐẤT LẠNH (*)

Năm 1964, tôi đi nghỉ dưỡng sức ở Đàlạt. Bạn bè thân hữu ở Đài Phát Thanh đến thăm hỏi, có giới thiệu giọng hát cô bé Như Mai nhiều triển vọng. Cô là nữ sinh Trường Bùi Thị Xuân, hàng tuần có tham gia hát ở Đài Phát Thanh Đàlạt. Rồi nhân dịp nghỉ hè, Trường Bùi Thị Xuân tổ chức phát thưởng bế giảng năm học, mời tôi đến dự lễ. Đến phần văn nghệ, người dẫn chương trình giới thiệu “nữ sinh Như Mai hát tặng cho khách quý đến từ Saigòn”. Giọng cô nữ sinh Bùi Thị Xuân lảnh lót cất lên, khỏe khoắn đầy nội lực thanh xuân, âm vang làm rộn rã cả sân trường.

Tôi nghe cháy bỏng một ước mơ, một hy vọng mà cô bé như muốn ngỏ cùng ai. Khi chấm dứt bài hát, Như Mai ngước nhìn tôi. Tôi hiểu ý nên mời cô bé lên gặp tôi trên khán đài và hỏi: “Cháu có muốn trở thành ca sĩ không ?”. Như Mai xúc động gật đầu. Sau đó tôi gập thân sinh của Như Mai và bàn chuyện đưa cô bé về Saigòn để đào tạo thành ca sĩ. Khi ấy, tôi còn độc thân, ngày ngày ăn cơm chợ, tối tối ngủ ở đơn vị, thật không tiện chút nào để đở đần một cô gái trẻ xa nhà như vậy. Thế nên, sau khi bàn bạc với Ban Giám Đốc Hãng Dĩa Continental, tôi nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát lên Đà Lạt rước Như Mai về Saigòn, tá túc trong gia đình của ông, cũng là gia đình của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Diệu – Mạnh Phát thời bấy giờ. Mọi phí tổn ăn ở do Hãng Đĩa Continental đài thọ. Tôi lên chương trình đào tạo và đặt tên mới cho Như Mai là Thanh Tuyền, ý muốn nói là giòng suối xanh của Cao nguyên Đàlạt.

Chỉ trong vòng 8 tháng có mặt ở thủ đô Saigòn, Thanh Tuyền đã có đĩa và băng nhạc giới thiệu với người yêu nhạc. Như con chim lạ từ xứ sương mù, một bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương, Thanh Tuyền nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của người yêu nhạc thủ đô, sánh vai cùng đàn anh đàn chị trên Đài Phát Thanh, trên sân khấu Đại Nhạc Hội, phòng trà ca nhạc, được báo giới Sàigòn không tiếc lời ca ngợi. Năm ấy, Thanh Tuyền vừa đúng 17 tuổi.

Riêng đối với tôi vẫn còn xanh mãi một kỷ niệm về ngày khởi đầu đi hát của Thanh Tuyền tại Sài Gòn. Theo chương trình, Thanh Tuyền hát ra mắt lần đầu tiên ở phòng trà Bồng Lai và Vũ trường Quốc Tế đường Lê Lợi Saigon. Tôi đích thân đi mua son phấn để cho Thanh Tuyền trang điểm khi đi hát.

Tôi thật bất ngờ khi biết Thanh Tuyền chưa từng sử dụng hộp phấn cây son trước đó. Khi đến giờ trình diễn, tôi đưa Thanh Tuyền đến Viện Thẩm Mỹ, Salon Make Up, nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa vì trời đã khuya. Quá lo lắng, tôi kéo Thanh Tuyền chạy men theo đường Lê Lợi mong tìm người quen giúp đở. Nhưng không gập được ai mà thời gian lại gấp rút nên thầy và trò đành ngồi bệt ngay trên vỉa hè Lê Lợi. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi đánh phấn tô son cho Thanh Tuyền mà trước đó, tôi cũng chưa từng biết gì về cây son hộp phấn Chanel. Rồi Thanh Tuyền chạy bay lên lầu phòng trà Bồng Lai để kịp giờ trình diễn, còn tôi lòng ngập tràn cảm xúc khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên, đánh dấu ngày khởi nghiệp của ca sĩ Thanh Tuyền giữa thủ đô Sàigòn hoa lệ...

(Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông)

--------------

Ghi chú :(*) Tựa của MCHX blog.

Thơ : XỨ HUẾ YÊU THƯƠNG - Hà Thu Thủy.

 




XỨ HUẾ YÊU THƯƠNG. 

Nắng rưng rưng trên cổ thành Đại Nội 

Hoài niệm về đường xưa cũ rêu phong 

Từng viên gạch in dấu hài mòn mõi

Tôn thất,Công tằng khuất bóng hư không. 

Mưa sụt sùi trên đồi lăng Tự Đức 

Tượng đá kiên gan thao thức canh phòng 

Cành liễu rũ,rừng thông buồn day dứt 

Mây đỉnh ngàn vẫn giăng trắng thong dong. 

Nắng nhạt nhòa trên dòng Hương xanh biếc 

Nón bài thơ, áo tím níu chân người 

Qua cầu Tràng Tiền ngoảnh đầu nuối tiếc 

Tóc thề bay ,thôn Vĩ mặt chữ điền. 

Mưa nghiêng nghiêng mịt mù lăng Minh Mạng 

Giọt vắn dài ray rứt Ngự Bình xa 

Giọt buồn thương nỉ non trên đồi vắng 

Hàng đại già cổ thụ chẳng còn hoa 

Nắng hiu hiu trên tháp gầy Thiên Mụ 

Tiếng chuông chùa-tiếng vọng thời gian 

Đánh thức cỏ cây mơ màng yên ngủ 

Thức tiếng gà trưa gáy vọng qua làng


HÀ THU THỦY ( 11-2014 )

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

Thư giãn: NGỤ NGÔN CHÂU PHI - Huỳnh Văn Huê.

 







Ngụ ngôn châu Phi

SƯ TỬ VÀ LINH CẨU. 


   Tốn rất nhiều công sức khó nhọc, sư tử mới bắt được một con linh dương ngon lành. Nó chưa vội vào tiệc mà nằm kề bên để giữ con mồi giá trị và cũng để nghỉ mệt… 

   Có con linh cẩu dơ dáy, chắc là lang thang đói khát đâu từ hồi nào thấy món mồi của sư tử ngon quá nên tuy biết oai của sư tử và sẽ là phạm luật cũng như rất nguy hiểm nếu giành mồi của một vị chúa tể nơi lãnh địa này. Linh cẩu nghĩ kế đi vòng quanh xa xa, từ miệng nó nước dãi chảy thành từng sợi thật là khiếp! … .

   Sư tử biết hết, nhưng nó tự tin ở sức mạnh cũng như lẽ phải của mình nên nó làm thinh, chỉ vẫy vẫy hai tai rồi cuối xuống liếm láp bộ lông mượt mà của con mồi giá trị. 

   Vừa đói lại nhìn thấy mồi ngon trước mắt, không chịu được linh cẩu giả vờ lên tiếng :

   -Linh dương ơi, em ở đâu vậy? 

   Tất nhiên linh dương không trả lời. Linh cẩu mon men tới gần hơn và hỏi tiếp :

   -Linh dương ơi, bãi cỏ nơi đây đẹp và yên tĩnh quá. Em cho anh đến thăm em nghe ?

   Linh cẩu lại giả vờ hỏi và nhích thêm vài bước nữa… . Tất nhiên đáp lại chỉ là sự im lặng! 

   Con sư tử bực tức lắm rồi. Đuôi của nó bắt đầu đưa qua đưa lại chầm chậm như uy lực như cây cờ lệnh. Nhưng rồi nó dằn lòng, không lẽ nó lại ăn thua với con linh cẩu bẩn thỉu kia hay sao? Nó dịu ánh mắt xuống và tiếp tục dùng 2 chân trước xoay con mồi, lưỡi của nó không quên liếm lướt qua thân thể con mồi. Nó chuẩn bị ăn… 

   Con linh cẩu thấy vậy tưởng rằng sư tử… sợ nó (?! ). Dù không dám tiến gần thêm nhưng nó bắt đầu tru lên :

-Tên sư tử kia! Ngươi là…  là…  tiểu nhân ( đúng ra phải gọi là tiểu thú ! ). Ngươi không xứng đáng là bạn của… tao!!!

Chịu đựng hết nổi, sư tử đứng dậy quắc mắt gầm lên:

-Ngươi hãy nhìn lại mình đi rồi hãy nói ai là tiểu nhân! Đừng để ta phải hành động! 

Trảng cỏ Châu Phi vào cuối mùa khô, ngươi ta chỉ thấy bụi mờ bốc lên phía sau đuôi con linh cẩu xấu xa…  ./.


HUỲNH VĂN HUÊ (11-2020)

( Viết bằng điện thoại phỏng theo một clip trên youtube )


   

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Tản mạn : NỖI SẦU THA HƯƠNG - Sưu tầm.

 



(Ca sĩ Anh Khoa trước đây và sau này bên vợ) 



Ca sĩ Anh Khoa - NỖI SẦU THA HƯƠNG  trên xứ Hungary

       *****************

Đầu thập niên 60, Anh Khoa lúc khoảng 14 tuổi, học sinh Anh Khoa đại diện thị xã Phan Thiết ra Nha Trang dự thi giải hát toàn quốc xếp hạng nhất vòng bán kết rồi sau đó vào Sài Gòn thi chung kết đoạt giải nhất với bản Nếu Một Mai Tôi Biệt Kinh Kỳ “ Người ơi một mai nếu tôi đi rồi. Thì vạn lời thương cũng thế mà thôi…”


Giải thưởng mang tên Quốc Sách Ấp Chiến Lược thời đó là bằng khen của Tổng thống và tiền mặt 5000 đồng (lương lính tháng chỉ khoảng mấy trăm đồng). Đó là kỷ niệm đáng nhớ thời tuổi trẻ của ca sĩ Anh Khoa, chỉ tự học hát không có ai dạy dỗ thế mà đoạt giải.


Sau đó Anh Khoa vẫn tiếp tục học trung học. Vào những năm 1965, 1966 anh có lập một ban nhạc rồi cuối tuần ra Nha Trang đàn hát cho các câu lạc bộ dành cho quân nhân Hoa Kỳ; lúc này anh chuyển sang hát nhạc Mỹ.


Sau năm 1968, Anh Khoa vào Sài Gòn lập nghiệp bằng con đường ca hát. Anh vừa đánh đàn Bass vừa hát trong một ban nhạc ở câu lạc bộ cho quân nhân Mỹ ở quận Tân Bình.


Một đêm nhạc sĩ Võ Đức Xuân con trai nhạc sĩ Võ Đức Thu là trưởng ban nhạc vũ trường Tự Do ở Sài Gòn lên chơi thấy Anh Khoa đàn hát nhuần nhuyễn nên kéo anh về chơi cho vũ trường này và anh vừa đàn Bass vừa hát nhạc ngoại quốc thập niên 60, 70 của Beatles, The Animals, Bee Gee…


Hồi đó ban nhạc Anh Khoa chơi dưới lầu và trên lầu là vũ trường sang trọng hơn. Một đêm ca sĩ chính của vũ trường trên lầu bị bệnh và ông chủ là ca sĩ Jo Marcel bèn kêu Anh Khoa lên hát thay thế.


Và lần này chỉ hát nhạc Việt Nam mà thôi mà không đánh đàn. Khi Anh Khoa cất giọng bản Bài Không Tên Số Ba của Vũ Thành An: “Yêu nhau cho nhau nụ cười, thương nhau cho nhau cuộc dời…”, khán giả vỗ tay nồng nhiệt và anh tiếp tục các bản Bài Không Tên Số Hai và Không Tên Cuối Cùng.


Tình cờ đêm đó có mặt nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả ca ngợi tiếng hát Anh Khoa hợp với dòng nhạc của ông.


Hôm sau ông chủ Jo Marcel ký hợp đồng mời ca sĩ Anh Khoa hát cho vũ trường trên lầu, lúc đó là đầu năm 1970, con đường ca hát của anh bắt đầu thênh thang.


Đến tuổi nhập ngũ, Anh Khoa vào binh chủng Không quân và biệt phái vào đoàn văn nghệ. Ngoài thời giờ làm việc ban ngày hoặc đi hát ở những phi đoàn ở căn cứ xa, ban đêm Anh Khoa được phép hát ở các vũ trường Sài Gòn như Maxim, Tự Do, Olympia, Ritz…


Ngoài hát vũ trường, Anh Khoa còn thu băng cho các trung tâm. Anh nổi tiếng với công chúng qua bản Bài Không Tên Cuối Cùng ( Vũ Thành An), Bao Giờ Biết Tương Tư, Phượng Yêu, Còn Chút Gì Để Nhớ, Mùa Thu Chết (Phạm Duy), Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Nghẹn Ngào (Lam Phương), Gợi Giấc Mơ Xưa (Lê Hoàng Long).


Mặc dù chỉ trong vòng 5 năm từ 1970 đến 1975, Anh Khoa đã thu băng hàng trăm ca khúc để lại dấu ấn cho tên tuổi anh trong làng ca nhạc Việt Nam.


Một kỷ niệm đẹp trong đời ca sĩ là Anh Khoa đi hát cho phi đoàn ở Cần Thơ thì anh được bằng hữu không quân chở bằng trực thăng để ngắm khung cảnh thành phố Cần Thơ ban đêm rất đẹp.


Sau tháng 4 năm 1975, Anh Khoa phải đi hát chui ở các tỉnh cùng đoàn văn nghệ của ông bầu Ngọc Giao được bà con yêu thích. Sau đó anh về cộng tác đoàn Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng ở thành phố . Những năm kế tiếp ca sĩ Anh Khoa vẫn tiếp tục nghề ca hát ở các tụ điểm ca nhạc và rời Việt Nam sang định cư tại nước Hungary vào cuối năm 1989.


Chuyện tình của ca sĩ Anh Khoa với con gái ông đại sứ Hungary tại Việt Nam cũng vô cùng đặc biệt.


Vào những năm thập niên 80, ở Sài Gòn bắt đầu có sinh hoạt vũ trường và một đêm khoảng năm 1987, khi Anh Khoa vừa hát xong một số tình khúc ngoại quốc trong đó có bản Love Story thì được mời tới bàn của mấy vị khách Tây Phương để họ tỏ lòng mến mộ. Các vị khách đó là gia đình của ông đại sứ Hungary, trong đó có cô con gái xinh đẹp của ông. Họ trao đổi với nhau bằng Anh ngữ. Cô này đã nhiều lần đến vũ trường Maxim để nghe Anh Khoa hát và đem lòng yêu mến anh.


Mối tình nảy nở và hai người trở thành vợ chồng. Cuộc hôn nhân này được dư luận chú ý vì Anh Khoa là một ca sĩ nổi tiếng từ thời Sài Gòn của chế độ cũ và người phối ngẫu là tiểu thư của một gia đình danh giá đất nước Hungary xa xôi. Vợ anh là con nhà ngoại giao biết được 4 ngôn ngữ và tánh tình nhu mì giống Á Đông. Và trong cặp mắt của cô thì Anh Khoa có nét đẹp của một chàng trai Tây phương, mũi cao và vóc dáng không thấp và dĩ nhiên là có giọng hát truyền cảm.


Qua nước Hungary, Anh Khoa cảm thấy cô đơn, nhớ quê hương vì ở đây có ít người Việt Nam. Anh được nhận vào một ban nhạc bản xứ và trình diễn những ca khúc ngoại quốc mà anh đã từng hát ở Sài Gòn trước đây.


Sau đó một người quen mời Anh Khoa sang hát cho cộng đồng Việt Nam ở nước Áo mùa lễ Vu Lan năm 1992 và đồng hương mới biết tin anh đang ở Hungary. Rồi trung tâm Thúy Nga mời anh thu hình tại Paris với bản Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi (Vũ Thành An), đánh dấu sự trở lại của ca sĩ Anh Khoa với cộng đồng hải ngoại.


Năm 1994 Anh Khoa sang Cali tiếp tục thu hình bản Giọng Ca Dĩ Vãng (Bảo Thu) hát chung với Dalena, rồi xuất hiện trên trung tâm Asia năm 2005 với bản Gợi Giấc Mơ Xưa và thu băng cho nhiều trung tâm và đi lưu diễn ở một số tiểu bang Hoa Kỳ.


Cứ vài năm Anh Khoa từ Hungary sang Hoa Kỳ để thăm bà con và bạn bè và trình diễn cho đồng hương nghe. Anh có một cô con gái lai hai dòng máu Việt Nam và Hungary rất xinh đẹp.


Tháng 6/2015, tình cờ gặp ca sĩ Anh Khoa ở San Jose; anh sang thăm người anh ruột và thu âm một số bài hát mới và sẽ ra mắt tại Quận Cam mùa hè này. Nghe anh tâm tình và ghi lại những dòng này.


Ước mơ văn nghệ của anh là được trình diễn với một dàn nhạc lớn và thu hình để làm kỷ niệm cho cuộc đời. Mặc dầu vẫn đang sống cùng vợ con ở Hungary và yêu thương họ; nhưng nỗi sầu tha hương vẫn ray rức trong lòng người ca sĩ có chất giọng truyền cảm của xứ nước mắm Phan Thiết nổi tiếng. ( Trần Chí Phúc )

Tùy bút: CÂU CHUYỆN TÂM LINH - Nguyễn Quang Phúc.

 






CÂU CHUYỆN TÂM LINH



 Cách nay 15 năm vì thất bại trong công việc, tôi phải quay lại nghề cũ: Sửa đồng hồ tại 18 Lê Công Kiều quận 1 để mưu sinh.


 Vào một buổi chiều tối có người đàn ông lại bán cái bình bằng đồng. Bình vuông vức, cao hơn gang tay chạm trổ rất tinh xảo nhìn bắt mắt. Tôi quyết định mua cái bình giá vài trăm ngàn (khoản 5 phân vàng thời điểm đó) với ý định sáng mai sẽ bán lại kiếm lời.


 Qua hôm sau tôi đem bình đi bán. Anh Bảo Tâm (tiệm 20 Nguyễn Thái Bình) trả tôi có lời nhưng tôi chưa bán vì hy vọng sẽ bán được giá cao hơn.


 Một lát sau tôi lấy bình ra mời anh Sơn đầu bạc (chủ tiệm đồ cổ 5 Lê Công Kiều). Sau một lúc xem xét anh Sơn bảo:


- Đây là cái hũ cốt mày xem liệu mà bán đi.


Tôi ngạc nhiên trả lời:


- Đừng giỡn đại ca, nếu thật thì anh chứng minh đil


 Anh Sơn chỉ tay vào góc bình rồi lặng lẽ quay đi. Tôi lấy kính nghề đeo vào và bàng hoàng khi thấy ở góc bình có hàng chữ rất mờ do đã có ai đó cố tình bôi:


Dương Văn Út sanh 1963 ngày mất..... hưởng dương......


 Tôi chết lặng vội cất cái bình vào tủ miệng lâm râm vái: Anh Út ở tạm đây đi để từ từ tôi tính (dù tôi chưa biết tính thế nào).


- Đem vào chùa thì tôi không có tiền.


- Đem bán thì vật này không phải để bán.


- Lén vứt đi thì lý trí muốn làm nhưng lương tâm không cho phép.


- Đem về nhà ư? Tôi không dám và không muốn việc đó.


 Tôi như người mất hồn làm việc không nổi, ăn không ngon ngủ không yên hai ba ngày. Mặt không có nổi nụ cười trong lòng buồn và rối rắm.


 Vợ tôi nhận ra sự khác lạ của chồng nên gặng hỏi mãi. Cuối cùng tôi cũng kể cho vợ nghe sự việc, hai vợ chồng ngao ngán nhìn nhau vì không có số tiền nhỏ để giải quyết việc nhỏ.


 Thời gian đó vợ tôi bán mướn quần áo ở chợ An Đông sạp 214. Sáng ra đi làm vợ tôi kể cho chị em tiểu thương câu chuyện của tôi và cô Thủy chủ sạp 214 ra tay giúp đỡ.


 Thủy điện thoại cho tôi:


- Anh Phúc, em đã nghe sự việc của anh. Giờ thì anh hãy đem hũ cốt đến tịnh xá Ngọc Vân (ngay chân cầu vượt Suối Tiên hướng đi về cầu Sài Gòn) gửi mọi chi phí em lo hết.


 Nghe như người chết đuối vớ được phao. Ngay chiều hôm đó tôi cùng vợ sắm một ít hương hoa và đem hũ cốt đi gửi.


 Xong việc trên đường về trong lòng rất sảng khoái vì dù mất một số tiền nhưng tự an ủi là mình đã làm được một việc tốt.


 Quay lại cuộc sống hàng ngày tôi dần quên việc đó cho đến 6 tháng sau vào một buổi sáng.


 Tôi có cuộc điện thoại trên mà hình hiển thị số nước ngoài gọi đến. Đầu bên kia là giọng nữ Việt


- Chào anh, anh có phải là anh Phúc sửa đồng hồ không?


- Ok Phúc đây. Chị gọi tôi có việc gì vậy?


- Dạ tôi nghe anh có mua được hũ cốt. Không biết anh có biết tên người trong   hũ cốt không?


Tim tôi bắt đầu loạn nhịp nhưng vẫn trấn tĩnh:


- Dương Văn Út ngày sanh.... ngày mất...... hưởng dương.... và tôi hỏi lại chị ta:


- Vì sao chị có số ĐT của tôi và làm sao chị biết tôi mua hũ cốt


Người phụ nữ đó bỗng nấc lên vừa khóc vừa nói:


- Dạ tôi là chị ruột của thằng Út đây. Gia đình tôi định cư ở CANADA từ lâu không may em tôi vắn số. Tôi đã hỏa táng và gởi cốt về VN theo ý nguyện của em. Tôi gởi vào chùa ở Gò Vấp (ngay ngôi chùa bị lùm xùm về tro, cốt) không hiểu sao lại thất lạc hũ cốt. Tôi đã cố tìm kiếm, đăng báo rất nhiều lần nhưng không tìm được. Nay tôi tìm được anh đúng là người mua hũ cốt chắc là em tôi linh thiêng mách bảo.


 Tôi rất là ngạc nhiên và sợ, tay chân đã ra mồ hôi nhưng vẫn bình tĩnh nói với chị ta:


- Hũ cốt của ông Út tôi đã gởi vào chùa chị hãy nhờ người thân tới liên hệ nhưng làm sao chị biết tôi mua nhầm hũ cốt.


Chị ta chậm rãi kể (thì ra sự việc như vầy).


Khi vợ tôi kể chuyện hũ cốt cho cô Thủy thì câu chuyện lan truyền ra nên nhiều tiểu thương ở chợ An Đông biết


Tình cờ có một chị tiểu thương du lịch CANADA rồi gặp chị ông Út trong siêu thị.


Hai bà Tám VN gặp nhau trên đất khách họ nói với nhau đủ việc trên đời. Vô tình chị ông Út than thở về việc thất lạc hũ cốt ở VN.


 Nghe thế chị tiểu thương bảo: Ở An Đông tôi có nghe việc người ta mua nhầm hũ cốt để tôi gọi về VN xin số cho chị rồi chị hỏi thăm thử xem sao? Biết đâu may thầy, phước chủ......


Từ nửa vòng trái đất chỉ một cuộc ĐT chị ta đã tìm được hũ cốt của em mình sau 2 năm thất lạc.


 Từ một người thợ sửa đồng hồ ở lề đường (lại đang thiếu nợ) 3 năm sau tôi đã trở thành chủ tiệm đồ cổ khá lớn ở Lê Công Kiều quận 1.


Mỗi lần cô Thủy chủ sạp 214 gặp tôi đều nói:


- Từ khi anh Phúc mua hũ cốt đến nay em thấy anh làm ăn rất khá. Thay đổi từng tháng đó anh, có lẽ ông Út phù hộ anh đó.


 Tôi cười và bảo với Thủy:


- Chuyện tâm linh thì khó lý giải nhưng khi anh mua hũ cốt gởi vào chùa thì ở LCK và chợ An Đông nhiều người biết. Họ mến việc làm của mình nên họ giúp đỡ làm ăn. Trong cuộc sống mà nhiều người giúp thì công việc thuận lợi hơn.


 Qua câu chuyện này tôi xin nhắn gởi tới những bạn đang khó khăn hoặc chưa thành công:


- Hãy cố gắng hết sức và luôn sống đúng lương tâm, đạo đức. Trời không phụ người tốt.


NGUYỄN QUANG PHÚC 

 Sài Gòn 2-10-2020



Thơ : ... XINH SAO ! - Xuân Duyên.





 ...XINH SAO!!

Một màu hoa đỏ dáng xinh sao!

Buông treo theo ngõ gởi câu chào

Nắng sớm vui đùa lơi cánh mỏng. 

Chạnh lòng em đón gió về mau

      Còn chăng ngày tháng màu hoa nhớ

      Gợi phút chân tình mãi xôn xao

      Long lanh ánh mắt bâng khuâng quá. 

      Sân nhà bình lặng nắng hanh hao

                XUÂN DUYÊN - 11/2020

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Thơ : QUÊ HƯƠNG - Nguyễn Ngọc Hạnh.





 QUÊ HƯƠNG 


Quê hương tôi  những ngày thơ ấu.

Từng cánh diều no gió bay cao.

Tiếng sáo diều vang xa trầm bổng.

Thật bình yên, thanh thản nhẹ lòng.

Quê hương xưa tre xanh rợp bóng.

Hai bên đường che mát trưa hè.

Gió thoảng qua lá tre rơi rụng.

Quét gom về hun khói chuồng trâu.

Những buổi trưa lấy manh đệm củ.

Dưới gốc tre chơi bán đồ hàng.

 Hoa dâm bụt bờ rào thái nhỏ.

Lá khoai mì xắt nhuyễn để riêng.

Hoa quỳnh vàng, móng tay tím trắng.

Lấy vỏ sò làm chén bán buôn.

Cũng mua , cũng bán, cũng mời ăn. 

 Lấy lá mít làm tiền chi trả.

Con chim nhỏ thiết tha mời gọi.

Chán bán buôn lại tập hát tuồng.

Lấy lá chuối xé làm râu giả.

 Cây khoai mỳ làm kiếm cũng oai.

Hát ê a mấy câu vọng cổ.

Đứa này quên đứa khác nhắc  tuồng.

Ôi ngày xưa cái gì cũng đẹp.

Cảnh thanh bình giờ chỉ trong mơ.


NGUYỄN NGỌC HẠNH. 


(Hình minh họa của Nguyễn Đức Tường)

Tản mạn: CÁCH CẦM CẦN CÂU - LPQ

 




CÁCH CẦM CẦN CÂU


Mẹ tôi là người con gái quê, học chưa hết lớp một trường làng.

Khi tôi còn bé, vì mẹ học ít nên không thể dạy con cái học chữ, nhưng mẹ lại dạy tôi cách cầm cần câu.

Phía sau nhà tôi là con rạch có nhiều cá, nhất là cá rô. Sau những buổi học về tôi thường xách cần câu ra sau rạch, vừa câu cá vừa ôn bài đọc sách dưới tàng dừa xanh mát. Mẹ thường nhắc tôi là:

“Con ngồi câu phải ngồi cho thẳng lưng”

Ngờ nghệch tuổi ấu thơ, tôi vấn hỏi thì mẹ giải thích rằng khi mẹ còn nhỏ cũng thường theo nhóm bạn đi câu ngoài sông nhỏ, đứa nào ngồi khom lưng thì hay bị tụi bạn giỡn lén xô xuống sông, nên ngồi thẳng lưng là cách đề phòng. Thật ra, đó là cách ngoại dặn dò để mẹ bớt cong lưng vì con gái quê từ tuổi nhỏ đã gánh nước, gánh lúa, vác rơm cỏ quanh năm. Mẹ không muốn tôi bị khòm lưng như ngoại và mẹ.

Có một hôm đi học về, vừa cất cặp xong tôi chạy ù ra sau rạch thăm câu cắm chiều hôm qua. Thấy cần câu của anh Giỏi trong xóm dính con cá trê bự bằng bắp chuối chân, thằng bé học lớp ba thơ ngây bèn tráo cần câu hớn hở xách vô nhà khoe. Mẹ tôi tinh ý nhìn cần câu biết không phải của tôi, mẹ kêu phải lập tức đem trả lại người ta. Buổi cơm chiều hôm đó mẹ phạt tôi chỉ được ăn cơm trắng chan nước mắm. Mẹ dạy:

“ Con phải luôn nhớ rằng thành quả cuả chính mình làm ra mới là của mình, không bao giờ ăn cắp cái cuả người khác ! "

Chú bé theo năm tháng thành người lớn. Mỗi khi nhìn chén nước mắm trên mâm cơm, tôi thấy có cả hương lẫn sắc. Hương của quê hương mình tinh tuý, sắc của hình bóng mẫu từ với lời dạy về bài học nhân cách đầu tiên: Thẳng lưng kiếm cơm, không bao giờ ăn cắp cái của người khác.

Hôm nay tháng Năm, con thẳng lưng cúi đầu nhớ ơn Mẹ.


LPQ

Tháng Năm 2020.

P/s: viết trong những ngày con số 17 đầy ám ảnh. Có những kẻ làm quan chuyên lợi dụng chức quyền ăn cắp trên mồ hôi nước mắt cả máu xương người khác. Họ chỉ biết cúi đầu, không bao giờ thẳng lưng.

Thơ : KHÚC RU NGƯỜI - Văn Châu.

 



KHÚC RU NGƯỜI


Xin được làm bóng mát

Che chở trái tim Người

Xin nguyện làm sóng- hát

Ru chút tình... à ơi!


Cát ngoan, đừng bỏng nhé

Làm đau gót hài xinh

Gió ơi, xin rất khẽ

Đủ tóc mây bồng bềnh.


Thời gian ơi- dừng lại

Trên má hồng thanh xuân

Dáng kiêu sa, đài các

Cho bướm hoa ngập ngừng


Yêu Người- Ta độ lượng

Dâng hết tình cuồng si.

Gom mây trời và mộng

Đem dệt khúc kinh thi

 

Hãy ngủ ngoan- Người nhé!

Cho đầy giấc mơ hoa

Ta cúi hôn thật nhẹ

Lên mắt môi ngọc ngà.

 

VĂN CHÂU. 

Thơ : NHỚ VỀ NƠI XA - Phước Liêu.





 NHỚ VỀ NƠI XA 

Bỗng dưng lại nhớ người xa 

Thật lòng muốn biết người ta nghĩ gì 

Chuyện đời cũng thật lạ kỳ 

Tò mò tới chuyện nghĩ suy của người 

Nói ra xem thật buồn cười 

Trong lòng luôn nghĩ về người nơi xa

PHƯỚC LIÊU (11-2020)