Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Thơ : MỘT HÔM THỨC DẬY - Văn Châu.



MỘT HÔM THỨC DẬY

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Trời ạ!- Kiếp người sao bể dâu?
Ngày nao cũng là ngày ly biệt
Lòng như chất chứa vạn cơn sầu.

Hào khí gì ta- tên cuồng sĩ
Bạn bè vui miệng chỉ đùa chơi
Mơ được sang sông làm thích khách
Mà áo cơm đâu giỡn với người.

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Soi gương tóc bạc trắng nhiều rồi
Thì dám mơ chi làm Hạng Vũ
Đem sức hèn ra địch muôn người. 

Chỉ mong chút phận làm dân dã
Khi buồn vui thú rượu - thơ chơi
Không nhận rằng mình là Ninh Thích
Xem cái công danh- cũng nực cười!

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Cứ như là Tôn Tẫn giả điên
Vợ con hết dỗ dành, an ủi
Rước thầy về cúng giải ma điên.

Hàn Tín luồn trôn ngay giữa chợ 
Mà rồi: thỏ hết chó thay thôi
Chim trời đã tiệt, cung tên phế
Gớm!- Đời phản trắc, bạc như vôi.

Một hôm thức dậy ta ngồi hát
Khúc Phụng Cầu Hoàng của Tương Như
Nào đâu thấy có em nào để ý
Chỉ có mình ta ngồi ốm tương tư.

Một hôm thức dậy ta ngồi nhớ
Như Đường Minh Hoàng nhớ Quý Phi
Như Kim Trọng nhớ Thúy Kiều lưu lạc
Ta nhớ em chẳng thấm chút gì!

Sáng nay, thức dậy lòng nghe mỏi
Ừ, cũng phải thôi- đã lục tuần
Sự nghiệp, công danh- Hề...mây khói!
Nâng tách trà, nước mắt cứ rưng rưng.

Văn Châu ( 27-7-2018 )

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Xa-Dau-Mat-Troi-Hong-Nhung/ZWZ97Z90.html

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Vui cười : LỜI NÓI THẬT LÒNG - Huynh Van Diep.




LỜI NÓI THẬT LÒNG. 

   Ông chồng đi nhậu về, vừa bước vào nhà, bà vợ thấy vậy liền chạy ào ra cấu xé vào người ông chồng và khóc bù lu bù loa

- Ông giết tôi đi, giết cho tui chết sớm đi để rảnh rang mà bay nhảy

Ông chồng liền trả lời

- Đó là niềm mơ ước bấy lâu nay của tui

HUYNH VAN DIEP (Facebook) 

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Thơ: LỤC BÁT BÌNH YÊN - Đỗ Mỹ Loan


Vui cười : CON PHẢI GIỐNG BỐ - Sưu tầm trên mạng.





CON PHẢI GIỐNG BỐ 

Mary nhìn đứa bé trầm trồ xong lại quay sang chồng thở dài. Chồng Mary lo lắng hỏi:

- Em làm sao thế?

- Em lo quá anh ạ. - Mary đáp.

Chồng cô bối rối:

- Em lo chuyện gì?

Mary khẽ nhìn chồng:

- Nhìn con nhà người ta kháu khỉnh đáng yêu như thế, em chỉ sợ sau này con mà giống anh thì... xong đời rồi.

Chồng Mary nghe thế liền lườm vợ:

- Nó mà không giống anh, người xong đời là em đấy.

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Thơ : GIÓ LÊN CHÂN MẸ NGẬP NGỪNG - Thạch Thảo





GIÓ LÊN CHÂN MẸ NGẬP NGỪNG
          Về mẹ dấu yêu

Lành lạnh trời-gió se se
xuân bay én liệng nắng về
rưng rưng
mũi cay cay-nhớ vô chừng
vai mẹ gánh
nặng ngập ngừng gió lên
Hai sáu tuổi-mẹ buồn tênh
thân cò vạc bước
lênh đênh chín trời
thương mẹ góa
nước mắt hời
khoắt khuya gối mõi-ngậm lời bão giông.

Ngày mưa rét-ngày thu không
bùn lem gót mẹ chất chồng
quạnh hiu
đèn khêu bấc lụi tiêu điều
mẹ âm thầm
bóng liêu xiêu bước mòn.

    Thạch Thảo

Tản mạn : NGƯỜI SÀI GÒN XƯA - NT




Tặng người Sài gòn  xưa
 TN
NGƯỜI SAIGON…XƯA!!!
Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học.
Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y.
Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.
Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại. 
''Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu.''

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.
Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn rán vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô !”. 
Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: 
“Anh chị đi đâu ?”.
– Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu ?
Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.
Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: “Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường”.

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước bỏ của chạy lấy người. Xuống giọng: 
“Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm”.
Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà !”. 
Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.
Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy !
Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào 
Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: 
“Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá !”.
Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. 
Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.
Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn ? (mua ly giấy, uống xong vứt…. mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách thập phương dùng).
Có người đã phát giác, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn !.
Bi giờ còn vậy nữa không ? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người SàiGòn !
Tui hỏi anh cyclo :
“Đạp từ rạp Rex về cầu Chông (nhà tui) giá bao nhiêu ?”. Anh nói “20 ngàn”. Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”. 
Anh cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui cũng nói như cũ. 
Anh cyclo tưởng tui là thằng này khùng và nói 
“Thôi lên xe đi”. 
Đến nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn. 
Năm 1978 khi ra cải tạo tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi tui :
“Về đâu ?”, 
nhưng khi nhìn thấy bộ đồ tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời 
“Lên đi thằng ông nội, tui chở về…Không có tính tiền đâu“.
  
Làm sao tui quên được câu nói đó.

Người Sài Gòn là như vậy bạn ơi !
Dù bạn sinh quán ỏ đâu, trước 1975 đã sống lâu tại Sài Gòn, bạn vẫn là: 
                          NGƯỜI SÀI GÒN!
*** Đó là “Người Sài Gòn Xưa”, còn “Người Sài Gòn Nay” thì chẳng biết
 !!!  Mong vẫn còn Người Saigon Xưa hiện nay.

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Sưu tầm :AI ĐÃ ĐẶT TÊN... - Sưu tầm từ aihuubienhoa.com




Ai đã đặt tên cho các đường phố Sài-Gòn trước 1975?
Vũ Linh Châu & Nguyễn Văn Luận
saigon1saigon2
Nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát, người Bạc Liêu và việc đặt tên đường phố Sài-Gòn năm 1956.
Nhưng thật là bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc, khi qua tài liệu đính kèm của tác giả Nguyễn văn Lun, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử này đã được hoàn thành bởi… một người. Người đó là ông Ngô văn Phát, trưởng phòng họa đồ thuộc tòa đô chánh Saigon
saigon3saigon4

Từ lâu, tôi đã có dịp bày tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục về việc đặt tên cho các đường phố tại Saigon vào năm 1956, ngay sau khi chúng ta giành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Vì đây là một công việc quá xuất sắc và quá hoàn thiện, nên tôi vẫn đinh ninh rằng đó phải là một công trình do sự đóng góp công sức và trí tuệ của rất nhiều người, của một ủy ban gồm nhiều học giả, nhiều sử gia, nhiều nhà văn, nhà báo…
Nhưng thật là bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc, khi qua tài liệu đính kèm của tác giả Nguyễn văn Luận, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử này đã được hoàn thành bởi… một người. Người đó là ông Ngô văn Phát, trưởng phòng họa đồ thuộc tòa đô chánh Saigon.
Nhà văn Ngô văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, sinh quán tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Nhân đây, tôi cũng xin được gửi lại một vài ý kiến liên hệ của tôi:
“… Nói vào chi tiết hơn, vua Lê Thánh Tôn đã mở mang bờ cõi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Rồi sau đó, chúa Nguyễn Hoàng và con cháu đã vượt đèo Cù Mông, đánh chiếm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vĩnh viễn xóa sổ nước Chiêm Thành khỏi bản đồ thế giới. Rồi còn tiếp tục mang về cho dân tộc cả một đồng bằng Nam Phần mênh mông bao la, từ Đồng Nai đến Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc... Cũng phải kể luôn cả “Hoàng Triều Cương Thổ” (vùng đất mà thực dân Pháp dành riêng cho các vua nhà Nguyễn) là vùng Cao nguyên Trung phần trù phú mầu mỡ hiện nay. Dĩ nhiên công cuộc mở mang bờ cõi này cũng bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa nữa.
Nghĩa là hơn một nửa diện tích đất liền của Việt Nam hiện nay là do giòng họ của Chúa Nguyễn Hoàng đã mang về cho dân tộc Việt Nam!
Riêng Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, là người đã có công rất lớn trong công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là Chúa Hiền Vương đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc bình định và chinh phục vùng đất Gia Định ngày xưa. Gia Định ngày xưa bao gồm Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long, Long An, Mỹ Tho, Gia Định, Saigon... bây giờ. Cho nên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã lấy tên của Ngài để đặt cho một trong hai con đường chính từ hướng Bắc dẫn vào trung tâm Thành Phố Saì Gòn. (... hiện nay đã thay Hiền Vương bằng tên của Võ thị Sáu – Đường Nguyễn Hoàng bị đổi thành Trần Phú…).
Loại bỏ tên của Chúa Nguyễn Hoàng, của Chúa Hiền Vương và các vị ân nhân của dân tộc trong công cuộc Nam Tiến ra khỏi bản đồ Sài Gòn và các thành phố Miền Nam là điều lạ lùng!! ".
Đấy là chưa nói tới giấc mộng...Tây Tiến chưa thành. Hai vị trung thần nhà Nguyễn là Lê Văn Duyệt và Trương Minh Giảng đã mở mang bờ cõi nước ta tới tận biên giới… Thái Lan bây giờ, đã thiết lập thêm một Trấn mới là Trấn Tây Thành, (hai Trấn kia là Trấn Bắc Thành và Trấn Gia Định Thành). Phải chăng chính vì vậy mà ngay từ khi vừa dành được chủ quyền từ tay thực dân Pháp, hai con đường lớn từ trung tâm Sài Gòn hướng về Bà Quẹo để sang thẳng đất Miên qua ngả Gò Dầu, đã được mang tên hai vị Anh Hùng Tây Tiến nổi danh này. Đó là đường Trương Minh Giảng và đường Lê Văn Duyệt. Phải chăng đó cũng như là một nhắc nhở cho các thế hệ mai sau về một sứ mạng chưa thành, một “Mission unaccomplished”...
Nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát và việc đặt tên đường phố Sàigòn năm 1956.
Trong những năm làm việc tại Tòa Đô Chánh Saigon, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Tây (Chợ Lớn) gồm 6 quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Saigon Đông (Saigon) gồm 5 quận 1, 2, 3, 4 và 9. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Sai Gòn xưa

Qua bao nhiêu năm lịch sử của thành phố, hầu hết đều có tên Tây như:
· Boulevard Charner
· Boulevard Galliéni
· Boulevard Kitchener
· Boulevard Norodom ..v.v...
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho chính phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu việc dành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sàigòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô cùng hiếm hoi.
Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên Vua “Trần Nhân Tôn” và Tướng “Trần Hưng Đạo”, người làm dưới trướng của Vua, để đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi nhỏ như vậy còn thấy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc bấy giờ công việc này được giao cho Ty Kỹ Thuật mà Phòng Hoạ Đồ là phần hành trực tiếp. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn Phát**, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ chức Trưởng Phòng Hoạ Đồ.
Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với điạ thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khiá cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
· Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.
· Đường đi ngang qua Bộ Y Tế thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
· Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp Đình Sài-Gòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công lý và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.
· Đại lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sàigòn nối từ Toà Đô Chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
· Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
· Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước của các ngài.
· Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.
· Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa.
· Bờ sông Sàigon được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông cổ, chống Nhà Nguyên cuả Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.
· Cụ Nguyễn Du, mà thầy đồ Thiệp, người dạy học vỡ lòng cho tôi, khi nói chuyện với cha tôi, bao giờ cũng gọi với danh xưng Cụ Thánh Tiên Điền. Cuốn truyện Kiều của cụ ngày nay được chúng ta dùng như là khuôn mẫu cho tiếng Việt, khi có sự tranh luận về danh từ hay văn phạm, người ta thường trích một câu Kiều làm bằng. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm, lại đi ngang qua công viên đẹp nhất Saigon, vườn Bờ Rô, và đi ngang qua Dinh Độc Lập, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô cũng được đổi tên thành Vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang.
· Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, cũng cho mang tên một con đường ở địa thế rất quan trọng, đi ngang qua một công viên góc đường Tự Do, và đi trước mặt Toà Đô Chánh.
· Trường nữ trung học Gia Long lớn nhất Sài gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Trường nữ mà lại mang tên nam giới! Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn làm một chút gì cho trường nữ trung học công lập lớn nhất thủ đô có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Chùa Xá Lợi nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan thấy cũng nhẹ nhàng.
· Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có bệnh viện Da Liễu có lẽ cũng xứng hợp.
Ông Nhà Văn - Trưởng Phòng Họa Đồ quả là sâu sắc.
Rất tiếc là lúc vào làm việc thì Thuần Phong Ngô văn Phát đã về hưu nên tôi không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này mới có dịp đọc tiểu sử của ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này.
*** Nhà văn, nhà họa đồ Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, Tố Phang, Đồ Mơ, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Thuở nhỏ học ở Bạc Liêu, Sài Gòn, đậu bằng Thành Chung rồi nhập ngạch họa đồ ngành công chánh. Ông ham thích văn chương từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, từng có thơ đăng trên Phụ nữ tân văn, họa mười hai bài Thập thủ liên hoàn của Thương Tân Thị... Có lúc ông dạy Việt văn tại trường Pétrus ký Sài Gòn.
Năm 1957 ông có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia - Britannica ở Luân Đôn (Anh Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn.
Năm 1964 chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn). Cùng năm này Trường Cao học Sorbonne (Paris), ông cũng có chuyên đề Nguyễn Du et la métrique populaire (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyen Du (Tạp luận về Nguyễn Du).
Những năm 70 ông được mời giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.
Ông mất năm 1983 tại Sài Gòn.
(Nguồn : Vũ Linh Châu & Nguyễn Văn Luận)

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Vui cười : CHƯA CHẮC ĐÂU CHỊ - Sưu tầm trên mạng




CHƯA CHẮC ĐÂU CHỊ !

- Báo cho bà chị một tin vui, để chị mừng cho tôi. Giám đốc sắp về hưu, chồng tôi là phó. Có lẽ ông ấy sẽ lên thay.

Bà kia chép miệng nói:

- Chưa chắc đâu chị! Chồng tôi làm phó mấy chục năm nay mà có bao giờ lên trưởng đâu.

- Thế anh làm phó gì?

- Thì nhà có tiệm chụp hình, thiên hạ thường gọi ổng là bác "phó nhòm" !!!

- !?!

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Cuộc sống : MỘT CÁCH GIÁO DỤC - Sưu tầm trên mạng.



MỘT CÁCH GIÁO DỤC 

Tôi có một người bạn sống lâu năm ở Mỹ về Việt Nam, trong một lần mời bố con người bạn cũ đi ăn, chúng tôi đã có một buổi nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng đến khi thanh toán thì bạn tôi nhất quyết đòi chia tiền ăn chứ không để tôi trả. Tôi có phần không vui, nhưng người bạn này đã kể cho tôi nghe một câu chuyện, và nó đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của tôi.

Ở một trường trung học tại tiểu bang Wisconsin có một học sinh Việt Nam và 1 học sinh Mỹ cùng nhau đi leo núi.

Trong khi hai cậu học sinh này đang leo núi thì bỗng nhiên họ bị những tảng đá ở trên sạt lở rơi xuống và bị kẹt ở trong đó. Học sinh người Mỹ bị tảng đá rơi vào chân và cậu cho rằng xương đã bị gãy.

Nếu như đợi đến buổi tối khi thời tiết lạnh và đói khát thì có thể sẽ khiến cho họ bị hôn mê bất tỉnh, thậm chí là lấy đi sinh mệnh của họ. Sau đó cậu học sinh người Mỹ đã bắt đầu thử trèo lên, những vết máu do bị thương ở đùi đã chảy khắp cả phiến đá. Khi trèo đến tảng đá cao nhất, do chân cậu bị thương nên không thể dẫm lên những mỏm đá. Cậu không thể tiếp tục treo lên chỉ bằng 2 bàn tay nên lại bị rơi xuống dưới.

Đã bị thương lại còn bị thương nặng hơn nữa, cậu bé người Mỹ gần như tuyệt vọng nằm trên bãi đá. Nhưng chỉ hơn 10 phút sau, cái lạnh và những vết thương đã khiến cho cậu bắt đầu cảm thấy tê dại, cậu cảm thấy rằng nhất định phải mau chóng thoát khỏi đây. Sau đó cậu bé người Mỹ này đã quyết định thử trèo lên một lần nữa, và lần này cậu đã thành công. Khi đã trèo lên tảng đá lớn nhất, nhưng việc trèo xuống để đi ra ngoài đối với đôi chân bị đau là việc không thể. Cậu đã nhắm mắt, và để cho cơ thể mình tự lăn xuống dưới…

Không ai ngờ được cậu học sinh người Mỹ này lại có thể kiên trì bò được về đến thị trấn. Thông qua kiểm tra cho biết, chân trái của cậu bé đã bị gãy, xương sườn cũng bị gãy 2 cái do lăn từ tảng đá xuống đất. Mọi người đã vội vã đưa cậu đến bệnh viện và phái người đi cứu cậu học sinh người Việt Nam. Trong cái giá lạnh và sợ hãi, học sinh người Việt Nam đang nằm thoi thóp thở, nếu nhân viên cứu hộ đến muộn chút nữa thì rất có thể sẽ khiến cậu mất đi tính mạng.

Khi bạn tôi kể đến đây, tôi phát hiện ra con của bạn tôi mặt hơi đỏ và nói, “chú ơi, học sinh Việt Nam đó chính là cháu.”

Bạn tôi hỏi, “tại sao học sinh người Mỹ kia lại kiên cường hơn con tớ, cậu có biết không?”, tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.

Bạn tôi trả lời, “thực ra nguyên nhân đằng sau là vô cùng đơn giản, bởi vì trẻ em Mỹ từ rất nhỏ, khi đi ra ngoài ăn đều phải tự trả tiền. Họ đều dạy con cái của mình lý do của việc tự trả tiền, đó là “cho dù có gặp phải chuyện gì thì cũng không có ai có thể trả tiền cho con, cho dù là bố mẹ, người thân hay bạn bè của con.”

Do đó cậu học sinh người Mỹ này hiểu được rằng, cho dù tình huống có nguy hiểm đến mấy, nếu muốn tiếp tục sống thì nhất định phải dựa vào chính bản thân mình.

Còn học sinh Việt Nam thì lại nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, cho dù là họ không hành động thì rất có thể sẽ mất đi sinh mệnh, nhưng họ đã quen với việc chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác.

“Không có ai sẽ trả tiền cho bạn”, chỉ một câu nói đơn giản nhưng đã tạo dựng lên một nét đặc trưng về sự tự lập và nghị lực của người Mỹ

Sau khi nghe xong, tự nhiên tôi cũng muốn về nhà và kể cho con tôi nghe câu chuyện này, tôi muốn nói cho chúng biết, “đôi khi tiền không phải là vấn đề, giúp đỡ con cũng không phải là vấn đề, nhưng trong cuộc sống sau này, sẽ không có ai trả tiền cho con”.
ST

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Truyện NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ - Lê Khánh Mai





NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẠP XÍCH LÔ
Lê Khánh Mai
                                        
 
    Kết thúc đợt công tác ở Hà Nội, tôi trở về trên chuyến tàu Thống Nhất, đến ga Nha Trang lúc 12 giờ đêm. Chị phát thanh viên đón chào hành khách bằng cái giọng trầm khàn vọng vào đêm sâu làm cho cả con tàu bừng tỉnh giấc. Niềm háo hức của người đi xa, về với nơi thân thuộc gắn bó khiến bước chân tôi nhanh nhẹn lạ thường. Nhoáng một cái tôi đã ở ngoài phố. Thật yên tĩnh: vườn hoa với những chiếc ghế đá trầm ngâm; con đường thoáng đãng, mải miết chạy dài về phía biển. Tôi gọi xích lô để được về thật nhanh với ngôi nhà ấm cúng, nơi có những đứa con kháu khỉnh, mà những ngày xa lòng tôi nôn nao nhớ. Một người đạp chiếc xích lô tiến lại. Dưới ánh điện nhập nhoà, tôi thấy đó là một thanh niên dáng dong dỏng, mặc chiếc áo sẫm màu vá nhiều miếng to, chiếc mũ lá rộng vành sụp xuống mặt. Cậu ta còn quá trẻ - tôi  đoán vậy
- Về phố Cửu Long bao nhiêu em?
  Tôi hỏi giá, vì nghe nói giá xe ban đêm gấp đôi ban ngày, vả lại túi tôi đã cạn sau chuyến đi dài.
- Dạ mười ngàn .
  Chàng trai đáp một cách từ tốn và rất nhỏ. Tôi nghĩ, không phải đi bộ quãng đường hai cây số, mà chỉ mất chừng ấy tiền thì không nên đắn đo. Nhưng tôi có quyền mặc cả cơ mà:
     - Năm ngàn nhé!
     - Dạ.
     Tiếng "dạ” có vẻ nhỏ hơn. Tôi lên xe, thầm nghĩ chàng trai này dễ chịu thật, loại người chăm chỉ đây, chắc hoàn cảnh khó khăn nên mới phải làm lụng đêm hôm vất vả thế này.
     Thành phố ngủ say. Không có tiếng động nào ngoài tiếng xích xe nhịp đều đều theo đôi chân mải miết của chàng trai. Những vòm cây, những mái nhà tôi đã bao lần đi qua, dừng lại, ngắm nhìn, vậy mà trong đêm, tất cả trở nên lạ lẫm. Tất cả đột ngột hiện ra rồi lặng lẽ lùi vào vắng vẻ.
     Tôi yêu sự yên tĩnh này bằng một cảm xúc mới mẻ như lần đầu tiên tôi nhận ra cái thơ mộng của phố xá lúc đêm khuya. Tôi hít sâu vào lồng ngực, hưởng lấy chút không khí trong lành ẩm ướt hơi sương. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thì xe đã dừng lại trước cảnh cổng sắt sơn xanh ẩn giữa bờ hoa giấy. Tôi trả tiền, chàng trai không nhận, chỉ vội vã quay xe, rồi nói, vẫn cái giọng rất nhỏ:
    - Cô về nghỉ ạ, em đi.
    Bây giờ tôi mới ngẩn nhìn chàng trai:
    - Phương!
    Tôi thốt lên ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhận ra cậu học trò lớp 12A mà tôi đang chủ nhiệm. Không nói được gì thêm, tôi đứng trân trân giữa đường nhìn theo bóng Phương lẫn vào phố vắng. Một cảm giác xấu hổ làm tôi đau nhói. Tôi trách mình sao vô tình đến thế? Sao tôi không nhận ra Phương. Phải vì em mặc chiếc áo vá nhiều miếng to? Tôi lại còn mặc cả tiền bạc nữa chứ. Điều này có vẻ mâu thuẫn với những những gì hay ho mà tôi say sưa rao giảng trên lớp. Những ý nghĩ xót xa dày vò khiến tôi đứng ngoài phố một lúc lâu mới gọi người nhà mở cửa. Đêm ấy tôi trằn trọc cho đến khi đài phát thanh thành phố truyền đi bản nhạc quen thuộc đầu tiên trong ngày.
                                                                        * * *
     Tôi đến lớp với tâm trạng buồn khó tả. Câu chuyện hôm qua giúp tôi hiểu rằng không thể đánh giá học sinh một cách hời hợt, nông cạn. Năm mươi học sinh ngồi đây là năm mươi thế giới bí ẩn. Tâm hồn các em như cầu vồng bảy sắc mà ta bất chợt nhìn thấy nhờ những tia sáng mặt trời.
     Phương vẫn ngồi kia, góc cuối lớp, nét mặt không gì đổi khác, mà sao bây giờ tôi mới nhìn kỹ, cái mũi cao thẳng trên khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt luôn ngời lên ánh nhìn thông minh và ngay thật. Bao giờ Phương cũng chỉnh tề với mái tóc gọn gàng, áo sơ mi tém trong chiếc quần xanh ngay ngắn. Cái dáng cao và nước da trắng làm nên vẻ thư sinh, khiến tôi không nhận ra em trong "vai” chàng trai đạp xích lô đêm qua.
     Tôi nhớ lại những cuộc họp hội đồng giáo dục, nhiều ý kiến phản ánh tình hình học sinh. Để tiếp tục cắp sách đến trường đối với các em không đơn giản chút nào. Có em phải bán trứng luộc trên tàu, bán hành rong ngoài bờ biển, gánh nước thuê, đạp xích lô… Tôi cho rằng đó là những thực tế không tránh khỏi của miền Nam sau giải phóng, nhưng lại đinh ninh rằng lớp tôi không có những trường hợp như vậy, bởi vì ánh mắt các em bình thản, vô tư lắm. Hoá ra lâu nay tôi toàn nhận xét học sinh theo cảm tính. Tôi có biết đâu, đằng sau tiếng cười hồn nhiên của các em là một cuộc sống đầy vất vả, lo toan.
Tôi không thể làm ngơ trước một học trò như Phương được. Tôi phải tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của em, ý nghĩ đó thúc bách tôi mạnh mẽ. Giờ nghỉ, tôi gọi  Phương ra hành lang.
    - Hôm qua cô có lỗi là không nhận ra em. Cám ơn em đã đưa cô về nhà, nhưng tại sao em lại có vẻ tránh cô thế nhỉ?
    - Thưa cô, Em thực sự không muốn cô phải bận lòng nhiều vì chúng em…
    - Sao em phải đạp xích lô ban đêm?
    - Dạ, em thuê chiếc xích lô này. Chủ xe đi ban ngày, ban đêm họ nghỉ, cho thuê.
    - Đêm nào cũng vậy, còn thời gian nào mà nghỉ ngơi?
    - Thường lệ cứ 7 giờ tối, em đi các phố đón khách, sau đó lên ga chờ khách xuống tàu. Em về nhà lúc 2 giờ sáng ngủ đến 5 giờ dậy, đi học.
    - Ngủ ít vậy mà cô  không thấy em ngủ gật?
    - Dạ, em quen rồi.
    - Cô còn mắc nợ em đấy, chủ nhật cô đến nhà thăm em được chứ?
    Phương "dạ” một tiếng rồi đi vào lớp, hoà trong đám học sinh đang gõ bàn hát ầm ĩ. Tôi nghĩ, em không thể sống vô tư.
                                                                        * * *
     Phương ở trong hẻm một khu phố lao động. Căn nhà chật chội, với những đồ vật sơ sài sắp đặt không được hợp lý lắm. Tất cả muốn nói rằng cái "hậu phương” của em chẳng có gì là vững chắc. Phương kéo ghế, mời tôi ngồi, cử chỉ chững chạc, lễ độ và tự nhiên, không có sự khúm núm mà tôi thường gặp ở một số học sinh. Vừa rót nước ra những chiếc ly thủy tinh, em vừa kể:
    "Bố em là lính, mất tích trước 1975. Mẹ em cũng mới mất cách đây hai năm. Bệnh hen suyễn đã hành hạ bà suốt cuộc đời. Cho đến giờ em vẫn không thể nào quên hình ảnh mẹ khô gầy, hố mắt trũng sâu, đêm đêm không ngủ được, mẹ phải dựa lưng vào vách, há miệng ra thở những hơi thở khò khè, nặng nhọc. Căn bệnh hiểm nghèo, nên mọi sự chữa chạy đều vô hiệu. Mỗi lần lên cơn khó thở, mẹ co rúm người, vật vã khổ sở. Mẹ bảo chỉ mong chết. Em ước mình là bác sĩ để cứu mẹ. Mẹ mất, cuộc sống chúng em càng khó khăn. Hai đứa em nhỏ cũng đang tuổi ăn học. Mấy lần em tính bỏ học, đi làm kiếm tiền nuôi các em, nhưng xa lớp, xa các bạn, nhớ quá, không chịu nổi. Mới lại em ước mơ trở thành bác sĩ nên  phải cố gắng cô ạ…”
      Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Phương học giỏi. Mỗi sự vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, đều có một động lực bên trong. Từ đó, mỗi khi giảng bài, tôi thường nhìn vào mắt em, ở đó niềm hy vọng đang cháy lên và tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
                                                                        * * *
 
     Bẵng đi một thời gian dài, dễ đến bảy, tám năm, tôi đã là bà giáo thâm niên trong nghề. Bao nhiêu lớp học sinh đi qua cuộc đời, bao nhiêu gương mặt lưu lại trong tâm trí, có những điều bị xoá nhoà, lãng quên, có những niềm vui, nỗi buồn khắc sâu thành kỷ niệm. Tôi bắt đầu ngấm mệt, bắt đầu cảm nhận những bất cập và cả nỗi buồn của nghề dạy học.
     Một buổi sáng, sau khi dạy xong bốn tiết văn, tôi bước ra khỏi lớp bỗng thấy đầu choáng váng mắt nhoà đi, cổ họng đau cứng như có vật gì to lắm chẹn lại, ngực tức tựa hồ ai đem đặt vào đó một tảng đá. Tôi ho rũ và khạc ra một cục máu đỏ bầm to bằng đầu ngón tay. Không tin ở mắt mình, tôi nhìn kỹ lại, thì đúng là một cục máu. Tôi bàng hoàng kinh sợ, nghĩ đó là dấu hiệu của bệnh "lao” và rùng mình nhớ đến những đồng nghiệp của tôi đã chết vì lao phổi. Hai mươi năm cầm phấn, viết và nói, tôi đã hít không biết bao nhiêu vi trùng. Những hạt bụi trắng, li ti mà những người làm thơ, làm nhạc đã tha thiết ngợi ca. Tuổi trẻ vốn tin vào những gì đẹp đẽ. Tôi cũng một thời thi vị hoá bụi phấn. Cứ để  mặc cho phấn nhuộm trắng bàn tay như một bông hoa huệ; Cứ để phấn bám đầy quần áo, rắc mịn màng lên tóc, bay vào mũi, vào miệng, đó mới thật sự yêu nghề, xả thân vì đạo. Cứ gào lên mà giảng, chẳng hề băn khoăn về hai lá phổi. Mấy lần thấy đau cuống họng, ngậm vài viên ômai ngòn ngọt, dìu dịu lại nói rất say sưa. Có lúc mệt lử tự dặn mình đừng hăng quá, phí sức, nói nhỏ lại, ít đi, chậm rãi hơn, nhưng gặp chỗ tâm đắc, hứng lên, lại thao thao bất tuyệt. Chợt nhớ mình quá đà thì cổ họng đã sưng tấy lên rồi.
      Lần này không thể xem thường, tôi phải đến bệnh viện. Phòng khám khá đông. Tôi lấy cuốn sách "Giáo dục con người chân chính” của Xu-khôm-lin-xki ra đọc, chờ đến phiên mình.
     - Chào cô ạ - Một người mặc áo bơ - lu trắng, mang kính cận, nhìn tôi, cười:
     - Thưa cô, cô khám bệnh ạ, cô có nhận ra em không?
     Trong giây lát, những gương mặt học trò lần lượt hiện lên trong trí nhớ.
     - A, Phương! – Tôi khẽ reo lên - Thế ra bây giờ em không tránh cô như dạo trước nữa.
     - Dạ. Sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa, em về làm việc bệnh viện này. Thưa cô, mời cô vào phòng khám.
     Hôm ấy, chính Phương đã khám bệnh cho tôi, đôi mắt em nheo lại, đăm chiêu dõi theo từng nhịp thở của tôi qua chiếc ống nghe. Sự bình tĩnh và thành thạo của Phương làm cho tôi hoàn toàn tin cậy. Tôi đâu còn là cô giáo của em như ngày nào trang nghiêm trên bục giảng. Tôi là bệnh nhân, còn em là thầy thuốc. Phương đưa tôi đến phòng khám tai mũi họng, khoa X quang chụp phổi. Cử chỉ của Phương khẩn trương, dứt khoát, tôi chỉ biết phục tùng như một cái máy. Sau đó, tôi đến ghế đá vườn hoa giữa bệnh viện ngồi chờ kết quả xét nghiệm. Một chiếc lá xanh non khẽ chạm vào tay tôi như một cử chỉ dịu dàng. Chẳng có cơn gió nào giật đi chiếc lá như trong truyện của O. Henry. Vây quanh tôi là muôn nghìn con mắt lá, tràn trề hy vọng. Ngồi ở vườn hoa tôi có thể nhìn toàn cảnh bệnh viện. Một chiếc cáng đưa một bệnh nhân vừa chết xuống Nhà vĩnh biệt, những tiếng khóc dữ dội đi theo. Một anh thanh niên ngồi ở ghế đá bên cạnh nở một nụ cười sung sướng khi có người đến báo tin vợ anh vừa sinh con trai đầu lòng. Ở đây sự sống và cái chết diễn ra trong khoảnh khắc. Nếu có khi nào ta đứng trong khoảnh khắc ấy sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hạnh phúc và khổ đau. Những người thầy thuốc là những chiến sĩ gan góc, họ đang chiến đấu âm thầm, giành lại sự sống, niềm hạnh phúc cho con người, mà sao bây giờ tôi mới thấm thía điều này. Phải chăng, chỉ lúc nào ta là bệnh nhân, bị nỗi đau thể xác dày vò, ta mới suy nghĩ về công lao của người thầy thuốc?
     Chị bạn tôi là bác sĩ phàn nàn rằng "nghề Y khổ sở lắm. Mổ bụng người, cắt cả khúc ruột thừa, mà tiền bồi dưỡng không bằng tiền trả cho anh thợ ngồi ở đầu đường vá cái ruột xe”. Ồ, thế thì nghề dạy học của tôi có hơn gì? Tiền bồi dưỡng cho một giờ dạy học ngoài tiêu chuẩn, gọi là giờ phụ trội, chỉ mua được một quả chanh. những chuyện như thế thật vô cùng, làm sao có thể ghi hết bằng vài trang truyện? Có điều là tôi, chị và tất cả mọi người vẫn sống, vẫn làm việc. Chúng ta là những trí thức không thể lạc quan theo kiểu A-Q nhưng chắc chắn còn có một sức mạnh vô hình nào quyết định sự sống của ta. Bát cơm, manh áo, chẳng đơn giản chút nào, nó làm ta chóng mặt. Nhưng đáng sợ hơn khi trái tim ngủ yên, bộ óc ngủ yên…
     Có những lúc tôi tưởng mình sắp ngã xuống giữa bục gíảng cao và vững chãi như cái điểm tựa kia. Nhưng rồi lòng tự trọng đã buộc tôi phải đứng lên với một tư thế đàng hoàng. Mỗi giờ dạy thất bại khiến tôi đau đớn hơn cả nỗi đau thể xác. Mỗi một giờ dạy thành công thì niềm hạnh phúc ùa đến ngập tràn, như được hồi sinh. có khác gì niềm vui của người thầy thuốc giành lại sự sống cho người bệnh từ tay thần chết…
    Có lẽ tôi sẽ còn nghĩ ngợi miên man nếu Phương chưa trở lại. Em cầm trong tay tấm phim to bằng trang giấy học sinh. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một phần cơ thể của mình trên hình ảnh, hồi hộp, lo âu. Chỉ một lời nói của Phương lúc này là quyết định phần đời còn lại của tôi. Nếu tôi bị lao phổi có nghĩa là tôi phải vĩnh viễn rời xa bục giảng.
    Phương giơ tấm phim lên, chỉ vào từng vùng sáng tối giải thích:
    - Thưa cô, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng sức khỏe của cô hiện thời không đáng lo ngại. Không có dấu hiệu bệnh nguy hiểm. Cô chỉ bị yếu phổi. Hiện tượng ho ra máu là do viêm họng, xung huyết. Cô cần được nghỉ ngơi ít ngày và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn, nếu thấy trong người còn mệt cô trở lại đây.
    Tôi run run đón lấy tấm phim từ tay Phương, khẽ nói "cám ơn em” mà nỗi xúc động như muốn vỡ òa.
    Phương tiễn tôi ra cổng bệnh viện. Quãng đường ngắn không cho phép cô trò nhắc nhiều về kỷ niệm, nhưng hình ảnh cậu học trò mặc chiếc áo vá nhiều miếng to, đạp xích lô và căn nhà chật chội trong hẻm hiển hiện trong tâm trí tôi. Sực nhớ điều gì tôi hỏi:
    - Hai em của Phương thế nào?
    - Dạ, tốt nghiệp đại học hết cả rồi cô ạ. Một đứa Bách khoa, một đứa kinh tế.
    - Ôi trời ! Giỏi quá. Làm thế nào mà nuôi nhau ăn học?
    - Dạ, cũng tự lao động kiếm sống thôi ạ. Chật vật, gian nan lắm, nhưng rồi cũng qua.
    - Em làm cô bất ngờ quá đấy Phương ạ. Sự thành đạt của các em là bài học làm người.  
    - Em vẫn nhớ, khi giảng bài, cô thường nói: Hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng nghị lực vươn lên không ngừng.
Tôi tin Phương thành thật, vì em nói điều đó sau những trải nghiệm của chính cuộc đời mình
     Chia tay Phương, tôi ra khỏi bệnh viện trong trạng thái nhẹ nhõm như chưa từng đau ốm. Phần vì Phương đã cho tôi biết tôi không bị lao phổi, nhưng lý do quan trọng hơn khiến tôi trở nên khỏe khoắn là vì tôi vừa được chứng kiến "thành quả” của mình. Người thầy giáo thường mang tâm sự buồn vì nghề dạy học vất vả, âm thầm nhưng chẳng bao giờ được nhìn thấy "sản phẩm”. Thì đây, sản phẩm của nghề dạy học là những con người, những thầy thuốc, kỹ sư, nghệ sĩ, nhà kinh tế, nhà lãnh đạo…
 
     Tôi sung sướng nhận ra, với tôi, không có chỗ đừng nào tốt đẹp hơn chỗ đứng trên bục giảng.

Trang NÔNG LÂM SÚC ĐỊNH TƯỜNG ( nlsdinhtuong.com )