Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

Thơ: MỘT THỜI LÀM CÔ GIÁO - Thuy Hà.




MỘT THỜI LÀM CÔ GIÁO 

 Dư âm ngày hai mươi

Nồng nàn ngày hai mốt

Tươi thắm những nụ cười

Ngọt ngào ngày tương ngộ.

 

Gặp nhau cùng nhắc nhớ

Một thuở làm học trò

Được thầy cô dạy dỗ

Khôn lớn nối tiếp nghề. 


Đưa học trò sang sông

Người chèo đò đứng lại

Đường học vấn mênh mông

Xuân thì dù đã hết 

Mà tâm vẫn bâng khuâng

Một thời làm cô giáo.

THUY HÀ. 

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Đời sống : HÃY UỐNG CÀ PHÊ - Van Hieu Pham (fb)

 



HÃY UỐNG CÀ PHÊ. 

Bản tin từ báo New York Times về một khảo cứu công bố trên báo Y học Annals of Internal Medicine cho thấy uống từ 1 đến 3 tách cà phê mỗi ngày là viên thuốc trường sinh. Bất kể là bạn uống cà phê có 1 muỗng đường hay cà phê đen và kể cả cà phê decaf (gần như không có caffeine, là loại cà phê được loại bỏ ít nhất 97% caffeine),bạn đều giảm được tử vong so với người cùng tuổi không uống cà phê.


Trong Y học hiện nay, chưa có một thuốc nào không dùng để chữa bệnh mà có thể giúp người tiêu thụ sống lâu hơn như vậy. Do đó, chúng ta có thể gọi cà phê là một thuốc “trường sinh” vì cà phê không phải là một chất dinh dưỡng. Tách cà phê buổi sáng và buổi trưa giúp hưng phấn tỉnh táo và cũng là thuốc trường sinh  .


Ngày xưa thì trà được cho là tốt cho sức khỏe, nhưng những năm sau nầy thì trà xuống hạng mà ca phê lên hàng đầu sau kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu được công bố gần đây. Người ta sợ trà vì cách trồng ở vùng Á châu xài thuốc trừ sâu bừa bải trên lá trà. 


Cà phê nằm bên trong trái nên khi chế biến thì ít còn dư lượng thuốc trừ sâu hơn.

"Cà phê là một chất có ích cho sức khỏe. " "Nó có rất nhiều chất chống oxy hóa”

VAN HIEU PHAM (FB) 

Ngày Nhà Giáo: NGƯỜI THẦY KHÔNG DẠY CHỮ - Dương Quốc Chính.

 



NGƯỜI THẦY KHÔNG DẠY CHỮ. 


 Nếu xét theo câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thì bác không phải là thầy mình, vì bác chả dạy mình chữ nào, nhưng bác lại vẫn là thầy mình, là thầy dạy vẽ. Bác Ngư có lẽ là người thầy dạy mình với thời gian ngắn nhất, chỉ khoảng 4 tháng, nhưng lại để lại những kỷ niệm khác thường.

 

 

 Khác với đa số bạn cùng học đại học khác, nghề kiến trúc đến với mình hơi tình cờ. Hồi bé mình thích đọc truyện trinh thám nên thích làm thám tử, nhưng lại không thích làm công an (vì công an có vẻ hơi nhiều bạo lực). Mình thích điều tra kiểu các luật sư ở bên Tây cơ, vì họ phá án mà không cần phải đánh nhau, bắn giết đì đùng. 


Mơ ước được nuôi dưỡng đến năm lớp 11 thì mình lờ mờ phát hiện ra là LS ở VN không được đi điều tra và phá án thì phải cần nhiều bạo lực. Hơn nữa, học trường Luật thì có vẻ cần môn văn hơi nhiều, trong khi mình lại dốt và ghét môn văn.


 Ngoài truyện trinh thám, mình còn thích vẽ linh tinh, vẽ truyện tranh Tây Du Ký, Tam Quốc… Hồi cấp 1 thì lấy phấn vẽ đầy nền nhà, lớn lên thì vẽ ra quyển sổ (nếu vẽ ra ra tờ giấy lẻ thì bọn trẻ hàng xóm sẽ xin mất hết). 


Từ lớp 9 vào học chuyên thì thú vui này bị gác lại, năng khiếu vẽ chỉ giúp mình học tốt môn hình học, vẽ hình không bao giờ cần dùng thước kẻ và thỉnh thoảng giả chữ ký bố mẹ bọn bạn khi chúng nó mắc lỗi, bị viết giấy thông báo cho gia đình. 


Mẹ mình bảo, mày cãi nhau giỏi thì đi học luật cũng được, nhưng mà thích vẽ và toán thì học kiến trúc hay hơn. Khốn nỗi là Thái Nguyên lúc đó chả có ai dạy vẽ luyện thi kiến trúc. Các loại ước mơ của mình có vẻ bế tắc cho đến khi mẹ mình biết bác Ngư, là người có thể dạy vẽ. Thế là hai mẹ con đến gặp bác, đó là vào năm học lớp 12, khá muộn để bắt đầu học vẽ luyện thi kiến trúc.


Bác Ngư là KTS, hình như bác có học thêm cả trường Mỹ thuật nữa. Ấn tượng đầu tiên khi gặp là bác nói oang oang, cười ha hả như mấy đại hiệp trong phim chưởng, tính bác rất nóng, mắng học sinh thì có mà sợ són đái. 


Hai mẹ con lò dò đến xin học thì bác ngó nghiêng mình từ đầu đến chân rồi bảo mẹ mình đọc ngày tháng năm sinh để…bác xem tử vi! Xem một hồi, bác bảo thằng này số lận đận lắm, nhưng mà không sao (còn đoạn sau không tiện kể!), nó học được, nhưng mà vẫn phải thử đã. Bác đưa cho mình cái bút chì và tờ giấy, bảo cháu vẽ cho bác con trâu xem nào. 


Quả thật lúc đó mình cũng hơi run, vì 3-4 năm nay có sờ đến bút vẽ đâu, lại chả được học vẽ ngày nào, thôi thì vẽ bừa, không được thì ta làm luật sư, lo gì. Mình vẽ xong đưa bác xem, hình như cũng chả được đẹp, trông giống giống, không nhầm với con chó thôi. 


Bác xem xong rồi đăm chiêu bảo mẹ mình “Tôi thấy thằng này vẽ rất lạ, bình thường người ta hay vẽ trâu ăn cỏ, cúi đầu, đây nó lại vẽ con trâu lại đang ngẩng đầu. Cô bảo nó kiếm đứa nào học cùng cho vui chứ mình nó học vẽ thì lại chán”. Thế là mình qua vòng gửi xe.

 

 Mình về rủ thêm được thằng D và H (cùng lớp Toán) với C (lớp Văn), sau này có thêm 1 thằng cu em, để thành lớp vẽ đầu tiên. Vì bọn mình là lớp đầu tiên nên mẫu vẽ rất đơn sơ, có mấy cái lọ hoa, ấm chén, chai lọ và có đúng 1 cái tượng. 


Bọn mình gọt bút chì bằng con dao bổ trầu cán gỗ, bút chì Tàu, kẹp giấy vẽ vào cái bảng gỗ dán bằng kẹp phơi quần áo hoặc đinh ghim . Sau này về thi vẽ ở trường Kiến trúc mình há hốc mồm khi thấy thằng bên cạnh rút xoẹt ra con dao trổ, lưỡi thò ra thụt vào được, nó lôi ra 1 nắm bút chì toàn của Tiệp, đầu vót nhọn hoắt, mình thấy tự ti ghê gớm.


 Bác Ngư dạy bọn mình cách dựng hình, chia tỷ lệ, đánh bóng… toàn là kiến thức cơ bản để vẽ tranh chứ chả có các thủ pháp như các bạn ở HN (kiểu mưa rơi, kẻ lưới...).


 Học vẽ cùng cần tính kiễn nhẫn, ngồi 1 chỗ 3-4 tiếng không phải đơn giản nếu không có sự say mê. Thằng H vẽ được độ 2 tiếng là xong, nó lừa lừa lúc bác xuống nhà là lăn quay ra ngủ nên bị bác mắng mấy lần, nó tự xin nghỉ vì thấy không hợp với môn vẽ. May cho nó, sau này nó thành KS kết cấu, rồi làm quản lý dự án, buôn BĐS, rồi thành đại gia có tiền tỷ. Chứ mà nó thành KTS thì chắc giờ này ngồi chém gió FB như mình.

 


Học được 4-5 tháng thì đến ngày đi thi, bác Ngư dặn dò 3 thằng bình tĩnh tự tin là sẽ đỗ (cho dù bọn mình chưa học xong đánh bóng), chắc tại bác xem tử vi rồi! 


Bác bảo là lo cho thằng C, vì nó học chuyên Văn, Toán Lý sợ không chắc bằng mình với D. Bọn mình phải nghỉ ôn thi tốt nghiệp 1 tháng để về HN học thêm môn vẽ. Kết quả là C trượt, cho dù nó có vẻ mê kiến trúc hơn cả.

 

 

 Sau này thành SV, rồi KTS, mình và D vẫn đến chơi thăm bác, vẫn tiếng nói sang sảng, cười ha hả như xưa. Sau khóa mình học lớp vẽ của bác có tiếng dần, mỗi năm dạy hơn 10 học sinh, rồi con trai bác cũng dạy vẽ. Bác bảo luôn kể với các em khóa sau về 2 thằng học trò đầu tiên. Lần nào đến chơi bác cũng đem công trình của bác thiết kế ra khoe. 


Rồi một ngày mình nghe tin bác mất, bác đột tử do đột quỵ, huyết áp cao. Hình như những ai nóng tính thì đều hay bị huyết áp cao và cũng dễ đột quỵ? Mình viết bài này để tưởng nhớ đến bác Ngư, người thầy không dạy chữ.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH (FB) 

20/11/2013

Ngày Nhà Giáo : THẦY CỨU ! - Canh Tranthanh.

 



THẦY CỨU!

Hồi học đại học có câu, học tài thi phận. Học không lại, vào phòng thi còn có thầy cứu, bạn cứu! Chuyện này thì qua trải nghiệm cá nhân, tôi biết rõ, thấm lắm!

Có một kỳ thi vào mùa Hè, ôn thi trong vòng có độ tháng rưỡi mà bọn tôi phải thi 7 môn. "Học trường Y thi trường Dược"! Thi được một kỳ ở trường Dược Hà Nội xong, cứ như vừa qua một cuộc chiến tranh khốc liệt không bằng! Năm ấy trời cực nóng, thi xong được 6 môn, tôi cảm thấy oải lắm rồi! Cứ thức triền miên đọc sách thông đêm, sáng ra người bồng bềnh như trên mây...Còn môn cuối cùng "Kinh tế chính trị", đọc chối tỉ, tôi ngán quá, bụng bảo dạ, thôi chấp nhận out môn này để hè lên thi lại cho đỡ mệt! Xác định thế xong, bèn lấy xe máy đánh võng ra Hàng Rươi, Văn Miếu...xem có mánh gì kiếm ăn được thì làm! Chẳng là tôi vốn bộ đội xong mới về đi học, lại đã từng buôn bán đất thổ đu rồi nên biết khá mánh. Thời nhập nhoạng giữa bao cấp và kinh tế thị trường, nếu biết, kiếm tiền cực dễ...

Tôi ra nhà người quen trên phố Hàng Rươi đóng ít hàng, xong ra đầu phố ngồi hàng trà chén thư giãn. Thế quái nào, sau 5 phút ông thầy dạy môn Kinh tế chính trị cũng vào quán! Thầy đi mua thuốc về cho nhà thuốc bán lẻ của mình. Hai thầy trò chào nhau như những đồng nghiệp thân thiết. Bởi ông thày này gốc dược sĩ, làm tiến sĩ chính trị, nhưng vẫn giữ nghề mở nhà thuốc kiếm ăn. Thầy kiếm ăn được nên có vẻ thương sinh viên. Lên lớp toàn nói chuyện xã hội và cách kiếm tiền chứ chẳng giảng Mác Lê câu nào! Thầy bảo: "trên lớp thầy trò nói chuyện với nhau cho vui, mở mang đầu óc. Còn đi thi, viết theo sách nhé!"

Cơ mà đọc sách Kinh tế chính trị học Mác Lê thì biết rồi đấy! Chối đến tận củ tỉ âm ti...

Hai thầy trò ngồi uống trà đá.

Thầy hỏi: "Thi thố kỳ này thế nào?"

Trò: "Em qua được 6 môn rồi. Môn của thầy, đọc không vào, thôi em xác định hè lên sớm thi lại!"

Thầy cười khì khì, bảo: "Thôi cứ cố mà đọc sách đi!"

Thầy trò thân ái chia tay nhau sau chầu trà đá vỉa hè.

Mấy hôm sau, lên phòng thi. Hai giám thị trẻ đang đọc danh sách, số báo danh vào phòng thi thì ông thầy tới (thầy cũng là trưởng bộ môn luôn!). Thầy comple, catap cực diện, nói: " Tôi coi thi phòng này"!

Thấy vậy, tôi thầm reo trong bụng: "có khi thầy đến cứu mình đây!"

Là vì ở trường Dược, theo kinh nghiệm của đám sinh viên, các thầy càng học vị cao, càng giỏi càng thương sinh viên, dễ bỏ qua lỗi lầm của chúng. Còn các thầy cô trẻ thì...thôi rồi lượm ơi, hơi ngọ nguậy là "go out" lập tức!

Vào phòng thi, cô giám thị trẻ đọc chép đề, còn thầy đứng dưới quan sát. Sau đó, thầy đến ngồi cạnh chỗ tôi, mở catap, lấy tờ báo ra mở rộng hết cỡ che lấp cả tôi và chăm chú đọc!

Ba mươi phút sau, thầy quay sang hỏi: "xong chưa?" "dạ thưa, em xong rồi ạ!"

Thầy cất báo, xách catap đứng lên, bảo cô giám thị trẻ: "Tôi đi họp với ban giám hiệu, cô trông nốt!"

Và tôi qua môn Kinh tế chính trị học một cách ngoạn mục!

Ps1: sinh viên đi thi có câu: "phi phao bất thành sinh viên!". Nên đi thi hầu như đứa nào cũng thủ ít "phao" trong người. Thày cô mà dễ, cho dùng thì xử! Còn không thì thôi, nhưng phải có sẵn lận trong người cho yên tâm! Tôi cũng chẳng ngoại lệ, nhất là cái môn chết giẫm này! Thế nên khi thấy thầy mình ngồi xuống bên cạnh, mở báo ra...Tôi cũng bèn rút phao ra, và chép với tốc độ ở trường đua F1! Xong ngay...

Ps2: cũng từ ấy đến giờ, tôi chưa từng gặp lại thầy lần nào! Thầy chắc cũng chẳng chấp, thậm chí chẳng nhớ đến đứa sinh viên mình đã "cứu"! Bởi thầy vốn nổi tiếng nhân hậu, trong đời dạy học của mình đã cứu không biết bao sinh viên qua cái môn "phải gió" của thầy!

Nhẽ lúc nào nên đến chào thầy một lần, ông Đỗ Hưng Vượng , ông Vũ Văn Minh nhỉ?

CANH TRANTHANH (FB) 

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Thơ vui: QUỐC TẾ ĐÀN ÔNG - Vui Cường (fb)




QUỐC TẾ ĐÀN ÔNG 

Thấy bè bạn chúc mừng

Nay quốc tế đàn ông

Thật tình cũng không biết

Biết rồi phải đấu tranh 

Với gái ngang, vợ lười


Sau một hồi cam go

Họ cũng cho bình quyền

Duyệt cho mình được nghỉ

Chỉ phải làm việc nhẹ

Mừng quốc tế đàn ông


Mình không phải rửa bát

Miễn đổ rác quét nhà

Giặt áo quần được nghỉ

Chỉ đi chợ , nhặt rau

Nấu nướng không phải làm


Cảm ơn ngày quốc tế !

Thoát nô lệ một ngày

Mai lại lo hầu hạ

Nhà cửa sạch tinh tươm

Thương phận mình số nhọ !

VUI CƯỜNG (FB) - 19-11-2022

Tản mạn : CHUYỆN TRÁI MÍT - Dung Nguyen (FB)

 


( Cây mít ta dù không được quan tâm chăm sóc, nhưng vẫn cho ra được những trái chín mà dù cách hàng chục mét vẫn nghe được mùi thơm... )

CHUYỆN TRÁI MÍT ...

Đất nước VN, vùng nhiệt đới với đủ loại trái cây, trong đó có trái mít. Một loại trái cây rất được mọi người ưa chuộng.

Thế mà vừa rồi, đi qua mấy tỉnh miền Tây từ Bạc liêu, Châu đốc, Cần thơ, Tiền Giang.... tôi vẫn không mua  được miếng mít xưa (mít ta) - tôi dùng chữ này để phân biệt với mít Thái hiện nay- Hỏi thăm người bán lẫn người trồng đều nói: Nông dân đốn hết để trồng mít Thái.

Cách đây hơn 10 năm, tôi có đứa cháu bán trái cây. Lúc đó mít ta chỉ có 15 ngàn/1kg. Trong khi mít Thái rất hiếm, giá lại cao: 60 ngàn/ 1 kg. Người nông dân VN bắt đầu đốn hết mít ta để trồng mít Thái. Lúc đó tôi nghĩ sẽ có ngày mọi thứ sẽ ngược lại. Giá mít Thái sẽ bị hạ và mít ta sẽ không còn có mặt trên thị trường nữa. Nếu có sẽ rất đắt. Giờ đây nhận xét ngày đó của tôi  gần như chính xác. Mít Thái hiện nay trồng quá nhiều nên bị rớt giá, có lúc chỉ còn hơn 3.000 đ/1kg*

Người VN mình cũng thật lạ. Dễ dàng chặt đốn gần như tất cả những giống mít xưa của mình để trồng mít Thái. Người ta không buồn? Không thương? Không tiếc hay sao nhỉ? Mít Thái ngoài cho năng xuất cao, dễ trồng, có thể xấy khô... thì không ngọt, không thơm như mít xưa của mình. Mà không phải chỉ so sánh ngọt hay không ngọt, thơm hay không thơm, nó còn là cái hồn của quê hương nữa. Có đốn ít ra cũng chừa lại một ít để bảo tồn những trái cây đặc thù của xứ sở mình chứ sao lại...??? 

Rồi một ngày những đứa trẻ lớn lên nó chỉ còn biết mít Thái mà không hề biết VN đã từng có những giống mít thật ngọt ngào, thơm tho như thế nào. Lúc đó có nói, tụi nhỏ cũng không tin vì nó chưa từng thấy và cũng chưa từng ăn qua. Thật buồn! 

Khi tôi viết những dòng này, cũng là lúc tôi đọc được một bài viết có chị nông dân miền Bắc đã làm giàu nhờ gầy dựng lại được "giống mít xưa".** Mít ta của mình ngày xưa đó. Rất mong rằng nhiều người cũng làm như chị để chúng ta còn giữ lại được những trái cây của riêng nước Việt mình. 

Riêng tôi, đến giờ tôi vẫn thích ăn mít Ta hơn mít Thái vì sao? Vì ngoài sự thơm, ngọt... còn có cả hương vị của quê hương. 

Giờ này ngoài kia nhiều người đang lao đao với tiền gởi ngân hàng, trái phiếu, đất đai , nhà ở... thế mà tôi lại chỉ quan tâm đến chuyện trái mít. Thiệt là......

DUNG NGUYEN (FB) 

_____________

*https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/mit-thai-rot-gia-nong-dan-dong-thap-thua-lo-20220425154710823.htm 

** https://nld.com.vn/dia-phuong/nho-giong-mit-xua-cua-cha-ong-con-chau-song-khoe-20190628093320309.htm

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Truyện xưa : TRUYỆN CỔ NƯỚC TÀU - Sưu tầm trên mạng.

 




TRUYỆN CỔ NƯỚC TÀU 

Tại nước Sở, có một người đàn ông sinh sống bằng việc nuôi khỉ, mọi người gọi ông là Thư Công. Vào mỗi buổi sáng, Thư Công đều tập trung tất cả đàn khỉ vào trong sân nhỏ, sau đó phân công nhiệm vụ cho chúng. Trong đó, con khỉ lớn tuổi nhất đàn sẽ làm nhiệm vụ dẫn cả đàn khỉ lên núi hái rau quả. Đến tối, con khỉ ấy lại dẫn cả đàn trở về nhà.


Thư Công quy định rằng số hoa quả mà đàn khỉ mang về nhà sẽ giữ lại một phần để chúng ăn và một phần để cung cấp nuôi dưỡng ông chủ. Nếu như con khỉ nào không giao nộp cho ông chủ, Thư Công sẽ dùng roi đánh nó thật đau, thậm chí đánh cho đến chết. 


Vì thế mà tất cả những con khỉ ấy đều rất sợ hãi và trong lòng cũng rất oán giận. Dù sống trong cảnh sợ hãi như vậy nhưng từ trước đến giờ vẫn không có con khỉ nào dám cãi lời Thư Công.

Bỗng nhiên một hôm, một con khỉ nhỏ trong chúng hỏi những con còn lại trong đàn: 

- Có phải trái cây trên núi này là do Thư Công trồng không?

Những con khác đồng thanh trả lời: 

- Không phải! Là trời ban cho đấy!

Con khỉ nhỏ lại hỏi cả đàn: 

- Có phải nếu không có Thư Công thì không ai biết, hay không ai có khả năng lên núi hái quả không?

Những con khác lại nói: 

- Không phải! Bất luận là ai cũng đều có thể lên núi hái quả!

Con khỉ nhỏ lại hỏi tiếp: 

- Nếu đã là như vậy thì việc gì chúng ta phải dựa vào Thư Công, lại còn bị ông ta sai khiến, phải làm nô dịch cho ông ta?

Khi con khỉ này còn chưa nói hết thì những con khỉ trong cả đàn đều như bừng tỉnh ngộ.

Đêm hôm ấy, lợi dụng lúc Thư Công còn đang ngủ say, cả đàn đã phá hủy hàng rào, phá bỏ lồng sắt đựng trái cây và mang đi hết. Trên đường đi, chúng không ngừng giúp đỡ nhau chạy nhanh, chẳng mấy chốc đã trốn được vào rừng sâu. 

Từ đó, không một con khỉ nào trở về nhà Thư Công nữa... lúc này ông đã già yếu, mà không có con khỉ nào nuôi dưỡng, nên cuối cùng đã chết vì đói.

Một quốc gia, nếu như việc trị quốc chỉ dựa vào thủ đoạn, dựa vào bạo lực mà không phải là dựa vào đạo lý, pháp luật thì chỉ có thể trấn áp được dân chúng trong nhất thời chứ không thể thực sự thu phục được lòng người và cũng không thể lâu dài bền vững được. 

Một khi có người khai đạo cho những người dân còn đang sống cảnh cam chịu ấy, thì người thống trị dù có cao minh đến đâu, quyền thuật chống chỏi giỏi đến cỡ nào cũng sẽ sụp đổ như bức tường mục kia.

ST TRÊN MẠNG. 

Suy ngẫm : NHÀ VUA MUA XOÀI - St trên FB.

 


( Hình ảnh sưu minh họa sưu tầm trên mạng )

NHÀ VUA MUA XOÀI

Một ông vua ngồi trong hoàng cung nghe thấy tiếng rao ngoài cửa sổ: "xoài đây, xoài ngon đây!" Nhà vua nhìn ra thấy một ông già đẩy chiếc xe bán xoài, có đông người mua đứng xung quanh.


Vua thấy thèm ăn bèn gọi quan Nhất phẩm đến và nói: "Đây là năm đồng tiền vàng, hãy đi mua xoài cho ta".


Quan Nhất phẩm cho gọi quan Cửu phẩm và nói: "Đây là bốn đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua xoài".


Quan Cửu phẩm gọi quan bộ Lễ và nói: "Đây là ba đồng vàng, hãy chạy đi mua xoài".


Quan bộ Lễ gọi đội trưởng thị vệ và nói: "Đây là hai đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua xoài."


Đội trưởng thị vệ gọi một người lính canh và nói: "Đây là một đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua xoài".


Tên thị vệ bước ra và tóm cổ ông già: "Này, ông đang hò hét cái gì vậy, xéo khỏi đây ngay, tịch thu hết xoài."


Thị vệ quay trở về và nói: "Đây, thưa đội trưởng. Một đồng tiền vàng được một nửa xe xoài".


Đội trưởng đem đến quan bộ Lễ: "Đây, thưa ngài, hai đồng tiền vàng được một bao tải xoài".


Quan bộ Lễ gặp quan Cửu phẩm: "Đây, ba đồng tiền vàng được một túi xoài".


Quan Cửu phẩm đến gặp quan Nhất phẩm: "Đây, bốn đồng tiền vàng được một nửa túi xoài. Biết làm sao được, thưa ngài, lạm phát mà."


Quan Nhất phẩm xuất hiện trước mặt vua: "Thưa bệ hạ, như ngài đã ra lệnh, năm trái xoài đây ạ."


Vua ngồi trong cung điện ngẫm nghĩ: "Năm trái xoài, năm đồng tiền vàng, mỗi trái xoài một đồng tiền vàng mà dân chúng tranh giành để mua. Cần tăng thuế đánh vào dân.”


Thế là....giá mọi thứ hàng hóa đều tăng... giá trái cây, rau quả, ngũ cốc tăng, củi đốt tăng, giá dầu tăng… khiến cuộc sống của người dân càng khốn khó!


Khi mà nạn tham nhũng tràn lan trong toàn hệ thống điều hành đất nước thì người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là thường dân./.

SƯU TẦM TRÊN FB. 

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Vui cười : TÔI BIẾT TẤT CẢ... - Van Hieu Pham.

 




"TÔI BIẾT TẤT CẢ SỰ THẬT "

Một chú bé được một cậu bạn cùng lớp rỉ tai rằng tất cả người lớn đều có những bí mật riêng và rất dễ tống tiền họ bằng câu: "Tôi biết tất cả sự thật". Về nhà, chú bé quyết định sẽ thử điều này với mẹ:

- Con đã biết tất cả sự thật.

- Đừng nói gì với bố nhé! Mẹ cho cậu 10 nghìn đồng. 

Hiệu nghiệm quá, bố đi làm về, cậu lại đọc "thần chú" vào tai ông. 

Ông bố ngay lập tức rút ví cho cậu 50 nghìn đồng cùng một đề nghị giữ kín chuyện. 

Vô cùng hài lòng với phương pháp kiếm tiền mới của mình, hôm sau, khi gặp bác đưa thư trước cửa nhà, cậu nói ngay:

- Bây giờ tôi đã biết tất cả sự thật rồi! Bác đưa thư đứng lặng người, cặp kính trắng mờ đi, ông giang hai tay ra và nghẹn ngào nói với cậu bé:

- Nếu con đã biết hết sự thật rồi thì... lại đây với bố đi con!....

VAN HIEU PHAM (FB) 

Thơ : NHỚ CHÚT TÌNH XƯA - Thuy Hà.

 




NHỚ CHÚT TÌNH XƯA. 

Gặp lại nhau khi tóc đen đã bạc

Bạn bè xưa... Người mất...Kẻ đi xa

Một quãng đời... Có thủy chung... bội bạc

Chút tình riêng còn thất lạc quê nhà.


Bên đây sông còn cây bàng lá rũ

Bên kia sông vẫn xanh mát hàng dừa

Làm chứng nhân cho ngọt bùi chuyện cũ

Tuổi hai mươi... Thương biết mấy cho vừa.


Tình yêu ấy trong ngần như nắng sáng

Như gió hồn nhiên đưa sóng vỗ bờ

Đâu biết được trong yêu còn khoảng lặng

Cơm áo gạo tiền xóa lấp mộng mơ.


Trong chông chênh chợt ngoảnh đầu nhìn lại

Thấy xuân thì đã tím bởi hoàng hôn

Bước ngược xuôi trong đời thường dầu dãi

Nhớ chút tình xưa cũ... Ấm lòng hơn.

THUY HÀ (11-2021)

Thơ : KHÔNG ĐỀ - Kim Dung.

 



KHÔNG ĐỀ.

Cứ sống như loài cây cỏ thôi

Như con búp- bê biết nói cười

Càng suy càng nghĩ càng đau khổ

Càng thấy đơn côi giữa chợ đời


Lất lay cũng hết một kiếp người

Đừng hỏi rằng tôi có gì vui

Có tiếc ngày qua sao quá vội 

Chưa xanh tươi đã héo hon rồi 


Gọi người em nhỏ tận phương trời 

Em cũng buồn như nỗi buồn tôi

Hai đứa hai nơi sầu lặng lẽ

Ngoài kia lác đác lá vàng rơi

KIM DUNG 

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Thơ : LỠ LÀNG TRĂM NĂM - Thạch Thảo BD.

 



LỠ LÀNG TRĂM NĂM


Cho xin trải chút hồn sầu

Nhỏ dòng lệ ứa. Nhuốm màu phôi pha.

Dẫu tình cỏ lá chia xa

Nghe đêm thổn thức. Người ta dỗi hờn.


Cho dù ai đó hết thương

Vẫn còn sót lại chút hương lụa là.

Những chiều thơ thẩn nhớ xa

Có đôi mắt ướt, trầm kha…dại khờ.


Tay người ngón hoạ ngón thơ

Nhạc ru sáo trúc, mà dờ dật ai.

Tóc em nhấp nhánh sao cài

Hồn hoa lảng đãng. Thở dài. Tình ơi! 


Ngày đi chẳng nói một lời

Cho người ở lại cả đời héo hon.

Đành thôi! Tình đã không tròn

Lẽ nào năm tháng dỗi hờn chưa tan?


Buồn riêng chút phận hồng nhan

Một lần thương, để lỡ làng …trăm năm.


Thạch Thảo Bình Dương

Ngày 1-11-2022

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Đời sống : NGƯỜI NÔNG DÂN ĐÃ... ?- Van Hieu Pham.

 


( Hình ảnh sưu tầm trên mạng : trái sầu riêng được nhúng hóa chất! )

NGƯỜI NÔNG DÂN ĐÃ HẾT THẬT THÀ? 

Đến nhà nông dân, bạn sẽ thấy họ trồng riêng một mảnh ruộng, một mảnh vườn “đồ nhà”, tức là không bón phân xịt thuốc, để dành riêng nhà họ ăn. Họ biết rõ bón phân xài thuốc là rất độc nhưng họ vẫn làm – để lúa có năng suất cao, rau cải xanh tốt – để bán cho người khác ăn. Riêng gia đình họ chỉ ăn đồ nhà. Chưa hết, nếu ngày xưa mua gạo về để lâu trong khạp, bạn thấy có mọt. Giờ kiếm không ra con mọt nào đâu, gạo đều đã được xử lý chất bảo quản, để bao lâu cũng không mọt, không mốc. Còn rau cải, người đi chợ có xu hướng tìm rau cải có sâu để bảo đảm không bị xịt phân thuốc, nhưng làm gì tìm ra được. Rau xanh mướt, nhưng đem về nhà để tới chiều là bấy nhầy ra, ủng thối.


Nhà nông bây giờ khỏe re, nuôi heo không còn lo cám gạo rau muống và xắt chuối cây như ngày xưa. Tất cả heo gà vịt cá tôm đều nuôi bằng thức ăn công nghiệp có chất tăng trọng lượng một cách mau lẹ . Vì thế mà con người cũng béo phì hơn xưa , ăn thịt toàn chất tăng trọng cơ mà. Nuôi gà ăn toàn thuốc và thực phẩm công nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, mở đèn, mở máy lạnh cho gà ăn suốt ngày đêm.

VAN HIEU PHAM (FB) 

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Thơ: KHÔNG VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ - Ta Trung.

 




(Trường xưa : năm 1970 có tên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp. Giữa là đại lộ Cường Để chia trường thành 2 khu nhà. )



KHÔNG VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ(*)

Năm năm không về thăm trường cũ

Những ước mơ xưa đổi khác nhiều

Ta vẫn miệt mài thân lãng tử

Cát bụi phai dần những mến yêu


Năm năm ta bỏ trường đi biệt

Góc biển đầu non sống hững hờ

Hoa bướm thư sinh quên lãng hết

Chuyện lòng như một thoáng thu sơ


Có một đôi lần ta ghé phố

Về ngang trước cổng thấy buồn tênh

Em vẫn hồn nhiên cùng sách vở

Đâu biết đời ta nhiều lênh đênh


Bây giờ ta chẳng còn mơ ước

Như thuở chờ em trước cửa trường

Bao nhiêu hoài bão trôi theo nước

Mộng cũng chia xa mấy ngã đường


Những lúc vô tình trên gác vắng

Ta ngồi nhớ lại bạn bè xưa

Không dưng mà cả hồn mây trắng

Mây trắng hồn ta mãi chẳng vừa


Ta rót nhục vinh đầy chén rượu

Một mình uống cạn hết buồn vui

Hình như hoa cúc tàn trong chậu

Rụng xuống lòng ta chút ngậm ngùi

TA TRUNG (FB) 

___________

(*) Vì tác giả không đề tựa, MCHX blog mạn phép dùng lời trong bài thơ làm tựa.

Bài hát hay : LÁ TƯƠNG TƯ - Trương Như Thoại.


 Bài hát : LÁ TƯƠNG TƯ 

Thơ : Nguyễn Phước Ái Duyên 

Phổ nhạc : Trương Như Thoại

Ca sĩ : Hồng Vân

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Thế sự: THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT... - Quan Võ st>.

 



THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT ĂN CHÙA! 

Vị hành khách "thủ đoạn" trên được cho là ngày nào cũng có mặt trong phòng chờ hạng nhất ở sân bay Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, Metro cho biết.

Người này luôn thay đổi lại ngày bay của mình sau khi ăn uống no nê. Sự việc chỉ được phát hiện khi nhân viên sân bay nhận ra rằng anh ta thay đổi lịch bay hơn 300 lần.

Ngay thời điểm biết rằng nhân viên sân bay đang nghi ngờ, hành khách trên liền hủy vé máy bay, nhận khoản tiền hoàn lại và lặng lẽ biến mất.

Theo người phát ngôn của China Eastern Airlines, hiện hãng không có cách nào để ngăn hành động "hiếm có" này.

QUAN VÕ st & gt.

Truyện ngắn :MỘT CHUYẾN LÊN TRẦN - Nguyễn Ba.

 



Truyện ngắn : MỘT CHUYẾN LÊN TRẦN


- Con chào cụ Bá!

- Á a! Ai như anh Chí ấy nhỉ?

- Thưa cụ! Là con đây ạ!

- Xuống dưới này có vẻ anh trở nên tử tế quá nhỉ! Còn rượu bí tỉ nữa không đấy?

- Thưa cụ! Xuống đây được sống đời lương thiện, chả cần ăn vạ ai, con còn nghĩ chi đến rượu chè, chộp giật nữa ạ! Đúng là phúc đức cho nhà con!

- Mừng cho anh! Thế chị nhà thì thế nào? Còn sống với nhau chứ hả?

- Ơn cụ đã quan tâm đến vợ chồng con! Thưa, Nở đã xuống ở với con đúng như lời cô ấy hứa hẹn lúc gào khóc tiễn con ở nghĩa địa làng Vũ Đại. Ối anh Chí Phèo ơi, anh không bỏ được em đâu! Dẫu nào em cũng tìm đến anh dù có phải lật tung cả âm ti địa ngục lên, anh ơi là anh ơi ời ời...!

- Gớm cho cái nhà anh chị này! Cứ như Lan và Điệp ấy! Nghe nói đến tận bây giờ, ở trên trần, nhắc đến mối tình của anh chị khối đứa còn thèm rỏ giãi đấy!

- Dạ, con cũng nghe nhời đồn thổi. Mà quả, bây giờ làm gì trên ấy còn có nổi bát cháo hành thơm lòng mát dạ như bát cháo Nở bón cho con!

- Ừ! Trên ấy... Giờ chỉ... Bát nháo thì đầy ra. Riêng về cái bát nháo, thời tôi với anh cứ là phải gọi bây giờ bằng kị nhá!

- Thưa! Thế cụ vẫn đi về trên ấy ạ?

- Chả giấu chi anh! Thỉnh thoảng tôi vẫn lộn lên trên ấy, vài năm một lần. Một là ngao du thăm thú cảnh xưa, hai là xem cái bọn đã đấu tố, xử tử tôi giờ sống lành dở thế nào anh ạ!

- Thưa, hình như hôm nay cụ ăn vận phong thanh sương khói thế, chắc là cụ lại...

- Ờ, anh đừng nói với ai, nhé! Hôm nay tôi thấy nóng hết cả bộ cốt, như có dòng nước sôi chạy trong các ống xương. Chắc trên ấy có chuyện gì ghê gớm, tôi phải lên xem sao anh ạ!

- Hay là, nhân tiện, cụ cho con theo cụ lên một chuyến nhé?!

- Ơ... Thôi, cũng được! Kể ra người anh chưa sạch hơi trần tục, lên đó dễ gặp bất an. Nhưng đi với tôi thì được, miễn nhất nhất phải nghe lời tôi.

- Dạ! Con xin luôn vâng ý cụ!

      

   *   *  *


- Á! Tiên sư mày! Đi đứng láo nhờ! Mày có biết bố mày là ai không?

- Ấy! Ấy! Anh Chí lại chửi bậy rồi!

- Ôi! Con xin lỗi cụ! Lên trên này lại phải văng tục mất thôi. Chúng đi đâu mà cứ như đi ăn cướp thế nhỉ? Phóng ngược phóng xuôi bạt mạng!

- Trên này bây giờ sống gấp, chẳng còn cảnh thảnh thơi trăng thanh gió mát ngày xưa. Ra đường đứa nào cũng như bị ta đuổi. Nghèo phóng đường nghèo, giàu phóng đường giàu; dân phóng đường dân, quan phóng đường quan. Ta lên đây, vô hình vô bóng, chả ai thấy mình nên phải hết sức cẩn thận. Mà nếu có thấy lù lù, chúng cũng cứ tương bỏ mẹ ấy chứ.

- Chao ôi! Đường xá to đẹp gấp mấy ngày xưa mà sao vẫn nhung nhúc là người, xe hỗn loạn thế!

Nhưng phải nói là bây giờ giàu có ghê gớm cụ ạ! Phố xá, nhà cửa, hàng hóa lộng trời thế kia, nhìn không chán mắt!

- Mỗi thời có cái thú mà cũng có cái chán riêng! Ăn mãi thịt gà đến lúc còn không nuốt nổi!

- Dạ vâng! Nhưng giàu có thế này, chắc là chẳng còn ai phải đói ăn, phải nằm vạ, phải trộm cắp nữa. Chắc giờ chả ai phải đòi được sống lương thiện như con trước đây phải đòi?!

Lão Bá Kiến đổ một tràng cười của con người, lão vừa quên mình là một bóng ma. Tiếng cười khoái trá của lão vừa ồm ồm vừa khé khé vang lên ngay cột đèn đường ngã tư Sở làm hết thảy mọi người chung quanh chợt  ớn lạnh, ngơ ngác dáo mắt ngó quanh. Dứt tràng cười lão đưa mắt nhìn sang Chí, trở về giọng ma, kẻ cả:

- Anh nhầm to rồi! Ngày xưa anh phải bò ra để xin được sống đời lương thiện, nhưng bây giờ, người ta đua nhau vất hết mẹ cái thiện lương trong con người đi, nhá!

- Vô lí! Cụ nói thế, có vẻ vô lí lắm ạ! Trông người ta sang trọng, lịch lãm thế kia!

- Trông thế mà không phải thế đâu anh Chí ơi! Đấy, anh có thấy cái biệt phủ lấp lóa nắng trời trên các tòa tháp và đám xe sang kia không?

- Có ạ!

- Đấy là nhà một tay bộ trưởng đấy. Hắn mặc áo trắng, bị công an còng tay tống vào chiếc xe chở phạm nhân màu xám đấy. Nghe nói hắn tham nhũng trong vụ kit test gì đấy gây tang thương xuyên suốt 65 tỉnh thành.

- Ghê nhỉ!

- Còn cái lũ áo quần sọc dưa kia, cũng tướng tá cả. Mới vào trại năm ngoái. Nào là buôn lậu, nâng khống giá cả, dàn xếp đấu thầu, cướp đất đai, bán ghế chức quyền, đánh bạc, ăn hối lộ... chả còn thiếu tội gì mà chúng không làm, rõ khiếp!

- Vâng khiếp thật! Nhưng đó là bọn quan lại. Chắc người dân thì chả có cơ hội phạm tội, họ sẽ vô tội chăng?

Xuýt nữa thì lão Bá Kiến lại xổ ra một tràng cười. May lão kịp đưa bàn tay xương xẩu bụm cái bộ răng cái mất cái còn vàng khè lại:

- Có mà vô tội đầy lên đấy! Dân á, trước hết là cái tội tham gia giao thông vừa láo vừa ngu. Cái này thì anh vừa chứng kiến rồi nhá! Còn... Anh có thấy mấy con mẹ đang ngồi chạng hãng kia không? Đang bơm bột thạch cao vào tôm để bán cho tăng kí đấy! Góc chợ Hôm kia, mấy thằng nhà quê đang hạ từng vác rau xanh nõn xuống, toàn rau phun thuốc sâu. Bên kia là hai dãy hàng gà công nghiệp, con nào con ấy ngu ngơ như đại biểu dự hội nghị, ấy là do ngày nào cũng ngậm đủ ba loại thuốc chống rù giây và tăng đề kháng nhá! Còn mấy anh chị bóng bẩy đi xe máy xịn kia, toàn là giáo viên!

- Chắc các thầy cô giáo thì...

- Thì sao? Anh tưởng họ khá hơn hả?

- Dạ,...

- Họ mà khá hơn thì lại phúc cho cái dân tộc chết dẫm này rồi. Anh có biết vì sao giờ là lúc tan trường mà họ phi như gió thế không? Tranh thủ cướp đường về nhà dạy thêm cho học sinh để vớ bẫm đấy! Ở trường thì dạy chớt lớt rồi gò con người ta về nhà để dạy thêm thu tiền vô tội vạ. Cả bộ máy lúc nào cũng thổi phồng sự quan trọng của điểm thi lên để hù dọa người ta, bắt người ta thành cái rọ để nhồi nhét đủ loại bài vở, ăn tiền. Tiền bán sách học, ôi trời, nói đến mà thốn cả... à quên, không được nói bậy!

- Nói thế... Ra ngày xưa, cụ chửa là gì nhỉ?!

- Ta thì... có gì đâu? Gọi là cụ bá, nhưng ta chả cường hào với ai. Anh đến nhà ta, tự anh rạch mặt anh ra chứ ta có dám động tay đâu? Còn bảo ta bóc lột người nghèo nên giàu thì, nói thật, dân bấy giờ đến cái khố còn rách thì lột cái nỗi gì? Vụ nào ta chả vung thóc ra cho vay cho mượn để cứu đói. Họ nợ vụ gối nợ vụ, có lấy lại được đâu! Qui cho ta bóc lột, bây giờ có đứa còn chả thèm bóc lột, mà nó đẽo, nó vạc người ta trắng hếu ra kìa.

- Nhưng cũng có cái cụ được hơn người!

- Hihi... Nói đến cái hơn người bây giờ, ta đúng là hơn được cái ba vợ! Kể cũng sướng thật! Nhưng các quan bây giờ thì tha hồ bồ nhí. Nào là hoa hậu, người mẫu, diễn viên... Rồi nhà nghỉ, hotel, resort... mọc lên như nấm. Nói thật với anh, các anh bây giờ chơi một cái giá những sáu trăm triệu là hơi bị cao. Có bố lão Bá Kiến đây cũng chả dám!

- Hi, cụ mà còn sợ thì...

Cụ ơi! Đây là đâu mà thấy mùi có vẻ quen quen á cụ?

- Để xem nào? Đây là đê Yên Phụ! Kia là làng Nhật Tân. Tiên sư cái mùi thịt chó, vẫn thơm choang như ngày nào! Heo may không có mùi mộc tồn, không phải heo may! Hà Nội không thoảng hương chả chó nướng không phải Hà Nội. Đúng là ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Các cụ thánh thế chứ lị!

Hai ông con lão Bá Kiến, Chí Phèo mải xúm vào nhau không phát hiện ra bóng lão Hạc vừa vật vờ đi xuống lối dốc đê nghi ngút khói. Lão Hạc thấy nhưng ngại chào hỏi hai người nên lạng lẽ lẩn đi. Hàng năm, cữ đông sắp sửa mang cái xám lạnh về, nhớ con Vàng, lão lại lần mò ra Yên Phụ hi vọng thấy bóng nó chạy nhảy trên đê...


NGUYỄN BA.

(Gõ một lèo smartphone từ 21h30 đến 23h37, ngày 24-10-2022.)