Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Thơ : TIẾNG DÉP MÁ TÔI - Trần Thà Thiệt.

 



TIẾNG DÉP MÁ TÔI


Sáng má thức giấc lấy bàn chải nhỏ

Ra sau hè nhè nhẹ đánh răng 

Rồi má nấu nồi cơm sôi nhỏ

Hâm cá kho luộc ít rau lang.


Má lặng lẽ tấn mùng coi muỗi

Rồi nhẹ chân đôi dép xa dần

Trong tiếng chó xa xa gà gáy 

Buổi sáng mờ trong những làn sương. 


Những buổi sáng... Không nghe tiếng dép 

Tiếng nồi cơm ùng ục chái hè 

Những buổi đó má đâu còn nữa 

Chợt thèm nghe...tiếng dép 

thân thương. 


TRẦN THÀ THIỆT. 

Thơ : BẤT CHỢT YÊU NGƯỜI - Thạch Thảo BD.

 



BẤT CHỢT YÊU NGƯỜI


Xòe bàn tay,  có tình yêu mới nhú

Hương tỏa quanh cành,  trái ngọt oằn sai.

Dành dụm chắt chiu mấy mùa bão lũ

Gió bụi mưa bùn,  nắng táp,  sương bay.


Nâng niu giấu,  một tình yêu vừa chín

E ấp tặng người,  buổi chớm heo may.

Ngày thơm thảo,  chiều lao xao lá gió

Quả đầu mùa ngan ngát mộng đầy tay.


Dành tặng người một tình yêu mới bói

Trăng đã về,  mùa xuân ngủ trên hoa.

Bỗng dưng  thấy mình tự nhiên giàu có

Bất chợt yêu người. Yêu đến thiết tha.


Thạch Thảo BD

Ngẫm : LÝ DO ĐẮT - DieuLe sưu tầm.




LÝ DO ĐẮT


Một du khách nước ngoài vào cửa hàng bán chim chỉ vào một con chim rất đẹp và hỏi giá.

- 500 USD.

- Sao đắt vậy?

- Ồ con này hót rất hay biết trò chuyện đơn giản bằng 5 thứ tiếng khác nhau.

- Tuyệt vời. Còn con kia có tài cán gì và giá bao nhiêu? - Du khách chỉ vào chú chim khác và hỏi.

- Con ấy 2.000 USD. Nó không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn biết cộng trừ nhân chia rất nhanh.

Du khách chỉ vào một chú chim lụ khụ, xấu xí trong cái lồng rất đẹp treo trên cao, và hỏi:

- Con chim này chắc giá rẻ? Tôi sẽ mua con này.

Chủ cửa hàng mỉm cười:

- Ngài nhầm rồi. Con này giá 10.000 USD đấy.

Khách trợn tròn mắt:

- Cái gì? Thế thì nó phải là nhà thông thái thực sự?

Nó giỏi ngoại ngữ?

Nó có bằng tiến sỹ?

Nó là đỉnh cao trí tuệ?

- Không, nó chẳng biết gì, chẳng là gì, không học hành gì, chẳng biết gì sất...

- Vậy tại sao đắt?

- Vì nó là lãnh đạo của mấy con kia.😂😂😂  

———

DieuLe_St

Thơ: KHÔNG AI BẰNG EM ĐƯỢC - Thúy Nguyễn.

 



KHÔNG AI BẰNG EM ĐƯỢC 

Trong mắt anh không ai bằng em được

Em giản đơn, chẳng xinh đẹp mĩ miều 

Nhưng chính em -- người phụ nữ anh yêu

Nên đẹp nhất trong vạn người anh gặp.


Em trong anh như mặt trời vừa mọc

Ủ ấm anh khi đông lạnh tràn về

Em là ai để anh mãi si mê

Lúc xuân xanh tới tóc giờ điểm bạc.


Em của anh luôn nồng nàn, ấm áp 

Nhỏ nhẹ, nhu mì, chẳng chua chát điêu ngoa

Em ngọt ngào như một bản tình ca

Anh thích nghe cả đời này, em ạ!


Chẳng kiêu sa như loài hoa hồng đỏ

Mà dịu dàng bông hoa dại anh yêu

Dù bây giờ nếp nhăn cũng đã nhiều 

Nhưng với anh, em vẫn là đẹp nhất.


Ở ngoài kia có muôn vàn cạm bẫy

Họ đẹp xinh, ăn nói cũng ngọt ngào 

Anh đàn ông có thể cũng xuyến xao

Nhưng không thể anh lạc đường, em ạ.


Bởi trong anh, em luôn là tất cả 

Như thuở đầu ta đã ngỏ lời yêu

Hãy nghe anh, đừng lo lắng chi nhiều 

Nhớ một điều: -- Em luôn là tất cả..!


    Tác giả: THÚY NGUYỄN 

Tản mạn : NHỮNG GÌ CÒN LẠI - NNT.

 



NHỮNG GÌ CÒN LẠI 

"Tôi bắt đầu tin, một người không chỉ sống cho riêng mình, rằng chết chưa phải là hết, hồi ức của người đời không vì thế mà đứt lìa, vùi theo người vào đất.

Hồi ngoại trồng mấy cây xoài cát bên hè, không biết có ý đó, hay đơn giản chỉ là thấy đất trống thì trồng, lấy trái ăn. Nhưng ngoại khuất mặt rồi, cậu Năm giữ cây không cho đốn, dù chúng già cỗi lâu nay chẳng hoa lợi gì. Hôm rồi cây bị sâu đục thân chết đứng, cậu ngó bó xác khô giữa trời, ngậm ngùi như tiễn ngoại đi lần nữa. Ít ra là cuộc ra đi khỏi vùng tưởng nhớ của cháu con, cậu nghĩ vậy. Một người đàn bà cả đời ẩn hiện trong bếp, ngoài vườn và trên mảnh ruộng của mình, lúc về đất không để lại gì ngoài tấm ảnh thờ và mấy cây ăn trái trong vườn. Mớ kỷ vật ít ỏi ấy, giờ cũng mất.

Nhưng mỗi lần nhìn thấy mấy góc nhà giắt đầy mớ túi nylon mục rã, suốt từ hàng ba tới bếp là những thứ đồ dùng sứt sẹo, tụi nhỏ đều phải buột miệng “cậu Năm y chang ngoại, thứ gì cũng để dành”. Cậu không nhận ra chính mình mới là một bản sao hoàn hảo, khiến ngoại chưa bao giờ bị quên lãng trong hồi ức của người ở lại. Không cần bận tâm hư vô, bà ngoại vẫn ở lại trong dáng đi của đứa cháu, trong tính khí của thằng con, trong cái hương vị món bánh canh thịt vịt nước cốt dừa mà bà truyền dạy.

Bà vẫn ở bên ta hoài, theo một cách riêng của bà, thí dụ gặp khuôn bánh, ai đó vô tình buột miệng, “bà ngoại hồi đó hay nướng bánh kẹp, bánh bông lan…"

Làm gì có người nào sống mà không để dấu. Ngay cả một người vô dụng nhất, chẳng ra tích sự gì, lúc qua đời cũng tốt đất xanh cây."


- Nguyễn Ngọc Tư

Chuyện đời : ĐỘC TỐ GIẾT CHẾT... - PQD sưu tầm.

 



ĐỘC TỐ GIẾT CHẾT ĐÀN ÔNG


Ngày xưa, một cô gái xinh đẹp cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân và muốn giết người bạn đời của mình.

Một buổi sáng, cô ấy chạy đến bên mẹ và nói với mẹ "mẹ ơi, con mệt mỏi với chồng con lắm rồi, con không còn muốn chung sống với anh ấy nữa. Con muốn giết anh ấy nhưng sợ Luật Pháp bắt con phải chịu trách nhiệm, mẹ có thể giúp được không?"

Người mẹ trả lời: Được, con gái của mẹ, mẹ có thể giúp con, nhưng có một nhiệm vụ nhỏ kèm theo.

Cô con gái hỏi "nhiệm vụ gì”? Con sẵn sàng và sẵn sàng đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào kèm theo để đưa anh ta biến mất"

OK, người mẹ nói:

1. Con sẽ phải làm hòa với chồng con, để không ai nghi ngờ con khi anh ta chết.

2. Con sẽ phải làm đẹp bản thân để trông trẻ trung và hấp dẫn hơn với chồng con.

3. Con phải chăm sóc chồng con thật tốt và trân trọng anh ấy.

4. Con phải kiên nhẫn, yêu thương và ít ghen tuông hơn, có thái độ lắng nghe hơn, tôn trọng và vâng lời hơn.

5. Thường xuyên bí mật kiểm tra ví và nhét tiền của con vào ví cho anh ấy.

6. Đừng lên tiếng phản đối, hãy khuyến khích hòa bình và dành tình yêu thương, để con không bao giờ bị nghi ngờ khi chồng con chết.

Người mẹ hỏi: Con có thể làm tất cả những điều đó?

Cố ấy đã trả lời: Vâng con có thể!

OK! Bà mẹ nói.

Con hãy lấy bột này và cho vài thìa vào bát cháo bữa tối hàng ngày của nó, nó sẽ từ từ giết chết nó.

Sau 30 ngày cô gái về với mẹ và nói: Mẹ ơi, con không có ý định giết chồng nữa. Đến bây giờ con càng yêu chồng con hơn vì anh ấy đã hoàn toàn thay đổi, chồng con giờ là một người chồng vô cùng ngọt ngào so với những gì con tưởng tượng!

Con có thể làm gì để ngăn chất độc giết chết anh ấy?

Mẹ ơi giúp con với!

Cô ấy cầu xin với một giọng điệu buồn bã.

Người mẹ trả lời: Đừng lo lắng con gái của mẹ. Những gì mẹ đưa cho con hôm trước chỉ là thuốc bổ dương thôi, nó sẽ không bao giờ giết anh ta.

Trên thực tế, lâu nay con là liều thuốc độc đang dần giết chết chồng con. Đó là khi con bắt đầu yêu, tôn trọng và trân trọng chồng con, con mới thấy anh ấy thay đổi thành một người chồng tốt và ngọt ngào.

Đàn ông không thực sự xấu xa, nhưng cách chúng ta phán xét họ quyết định phản ứng và cảm xúc của họ đối với chúng ta.

Là phụ nữ nếu con biết thể hiện sự tôn trọng, tận tâm, yêu thương, chăm sóc thì anh ấy sẽ 200% ở bên con.

PHAN QUỐC DZŨNG st.

Thơ : KHÁT NƯỚC Ở MIỀN TÂY - Bùi Chí Vinh.

 



KHÁT NƯỚC Ở MIỀN TÂY 


Em kể về miền Tây anh nghe 

Trời có mây, dưới nước có ghe 

Khiến cho anh biến thành con cá 

Mắc lưới, làm sao nhớ lối về 


Em kể về miền Tây hôm qua 

Còn hôm nay châu thổ xót xa 

Kinh rạch sông hồ trơ cạn đáy 

Hạn hán lòng em hết đậm đà 


Em kể về miền Tây hôm kia 

Còn hôm nay đất nứt chia lìa 

Sáu câu vọng cổ đau vành nón 

Thức cùng em hứng nước nửa khuya 


Em kể về miền Tây hôm xưa 

Còn hôm nay thương mấy cho vừa 

Hồn anh xơ xác như ngọn cỏ 

Ngóng đợi cùng em một chút mưa 


Thôi em đừng kể, em đừng kể 

Mới kể sơ sơ đủ chết người 

Miền Tây đã mất dần vựa lúa 

Giờ thêm cơn khát tự do ơi ! 

10-4-2024 

BÙI CHÍ VINH. 

Suy ngẫm : LÒNG HIẾU THẢO - Hà Lê sưu tầm.

 


LÒNG HIẾU THẢO. 

Có một ông gần 70 tuổi, góa vợ. Ông có 5 người con hiếu thảo và sống rất hòa thuận với nhau. Đứa nào cũng có gia đình riêng khá giả và thành đạt. Ông rất hài lòng, tin tưởng, tự hào về con cái mình. 

Xét thấy tuổi cao sức yếu, ông muốn chia toàn bộ gia sản cho con cái để chúng có thêm điều kiện phát triển cơ nghiệp. Ông nghĩ con mình ngoan, hiếu thảo thì mình sống với bất cứ đứa nào cũng tốt.

 Căn nhà đang ở, giao cho vợ chồng đứa út và ông sống cùng nó. 

 Phần tài sản lớn được chia gần như đều nhau cho các con. 

Được vài tháng, không khí trong nhà trở nên ngột ngạt. Vợ chồng nó hay xì xào điều gì mà ánh mắt không mấy thiện cảm. Vợ nó hay đụng thúng đá nia, chửi chó mắng mèo những chuyện đâu đâu làm ông nghe , cảm thấy chạnh lòng. Vợ chồng nó thường xuyên cãi nhau, ai cũng trở nên nóng nảy. Con vợ la to: của cải chia đều mà mình phải nuôi ổng thật là không công bằng. Ông buồn, bỏ sang ở với vợ chồng thằng thứ 2, con thứ 3, thằng thứ 4, con thứ 5, mỗi nhà cũng chỉ được vài tuần là có chuyện. Chúng hành xử như thể ông là người ở đậu, là của nợ. Chúng họp nhau căng thẳng phân chia nhiệm vụ nuôi báo cô ông. Chúng bốc thăm theo tháng, đứa trúng tháng 2 (28 ngày) cười vui vẻ, đứa trúng tháng 31 ngày, méo mặt. Cứ đến chiều cuối tháng, chúng đẩy ông ra cổng. Ông ôm bọc quần áo, ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ, đứa kế mới đến đón. Quá buồn và thất vọng, ông hay ngồi trước mộ bà, nước mắt chảy dài, chỉ biết tâm sự cùng với bà cho khuây khỏa, trông mong một ngày sẽ đi cùng bà, được sống mãi những tháng ngày hạnh phúc và kiếp sau không mong có những đứa con này.

Thấy tình cảnh bi đát của ông, bạn ông (cũng khá giàu có) tổ chức bữa tiệc, mời tất cả 5 người con của ông đến dự. Trong men say là đà, ông rỉ tai từng đứa, dẫn đến căn phòng kín, chỉ vào chiếc rương to với nhiều ổ khóa và nói: đây là một nửa gia sản của ba tụi con gửi và ủy quyền cho chú, sau này sẽ chia cho tụi con. Di chúc đã lập chỉ chờ điền % cho từng đứa vào là xong. 

Lạ thay, ngày hôm đó chúng tranh nhau chăm sóc ông, đứa nào cũng muốn ông ở với nó. Tình thương đối với cha lai láng còn hơn lúc trước khi chia tài sản. Ông hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cảm động rơi nước mắt và nghĩ:  đây mới chính là những đứa con thân yêu, những  dâu hiền, rể thảo của mình. Ông được sống những ngày tháng sướng nhất cuộc đời mình. Thời gian màu hồng cứ thế trôi đi thêm hơn mười năm nữa thì ông ngã bệnh, tiên lượng không qua khỏi trong vài ngày tới. 

Chúng khóc lóc, nắm tay cha không nỡ buông ra, giây phút âm dương chia biệt ngậm ngùi. 

Chiếc rương được bạn ông tức tốc chở đến đám tang và được đặt trịnh trọng cạnh quan tài, dưới hàng chục ánh mắt đau đáu nhìn vào. 

Tang lễ được cử hành trang trọng, đầy tốn kém, phần mộ uy nghi bên cạnh mộ bà và ước nguyện theo bà của ông cũng đã thành.

Sau phần tang lễ là chiếc rương được chúng nhanh chóng bật nắp mà trong lòng ai cũng hy vọng mình được phần lớn trong di chúc do công chăm sóc, tình thương và hiếu thảo của mình với cha. Nắp rương được mở...một rương đầy cát, một tờ di chúc với nét chữ thân thuộc xiêu vẹo và chữ ký của cha ./.

HÀ LÊ st.

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Thơ : VỊNH ĐÁ BA CHỒNG - Kha Tiệm Ly.

 



VỊNH ĐÁ BA CHỒNG *


Chẳng là Tô Thị, chẳng Nam Xương

Một dạ trung trinh mới lạ thường

Bốn tiết gió mưa gìn tứ đức

Ba tầng son sắt vẹn tam cương

Ngàn thu bão táp bền gan đá

Chín lớp mây che vững mối giường 

Sừng sững ngang trời, cao khí tiết

“Ba chồng”, ai bịa nghĩ mà thương!


KHA TIỆM LY


* Đá Ba Chồng ở Định Quán, Đồng Nai

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Thơ : CÔNG THANH & NỖI NHỚ - hathuthuy.




 CÔNG THANH và NỖI NHỚ 

Tặng cho em những tâm tình cô giáo

Và lời thương êm ả ngát môi mềm

Hát lên em! Bài đồng dao yêu dấu

Gọi chim về ngậm nhánh cỏ bình yên .


Tặng cho em... Lời ru trong bài giảng

Có cánh cò bay lả trắng đồng xanh

Có tiếng võng giữa trưa hè im ắng

Tiếng mái chèo khua sóng nước long lanh.


Tặng cho em tình thương trong con điểm

Đỏ rực ráng chiều cuối bãi đầu sông

Đã bao năm ... Cô đưa đò lặng lẽ

Giờ xa rồi... Ngàn nỗi nhớ mênh mông.

hathuthuy 

(Trường Tân Phú - Quận Công Thanh - Tỉnh Biên Hòa 1972)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Phim ảnh : SỰ LÂY NHIỄM - Lê Quang Huy.

 



SỰ LÂY NHIỄM ( CONTAGION )

(Nhân đọc được tin một nam sinh ở Khánh Hòa tử vong vì mắc cúm gia cầm H5N1)

 Một chiếc xe ủi trong lúc làm nhiệm vụ dọn dẹp rừng ở Trung Quốc đã đốn hạ một cây chuối, làm xáo trộn môi trường sống tự nhiên của bầy dơi. Khi một con dơi lạc loài tìm đến trang trại nuôi heo để trú ẩn, nó làm rơi một mẩu chuối xuống đất và mẩu này bị một con heo ăn mất. Sau đó con heo này bị đem về một sòng bạc ở Macau giết mổ và làm thịt, rồi tay đầu bếp mổ heo truyền virus cho cô Beth Emhoff thông qua một cái bắt tay, khởi đầu cho một cơn đại dịch. 

 Đó là cảnh hồi tưởng cuối bộ phim truyện Contagion (Sự lây nhiễm), một phim hay về dịch bệnh. Được sản xuất năm 2011, đây là một tác phẩm điện ảnh dự báo hơi “mạnh tay” (vào thời điểm đó) của đạo diễn Steven Soderbergh về đại dịch và phản ứng của giới khoa học trước một cơn khủng hoảng y tế.  

 Phim hay và lôi cuốn do đạo diễn Steven Soderberg đã khai thác nhiều nội dung khác nhau đan xen, như các yếu tố gây hoảng loạn đám đông, quá trình ngăn chặn đại dịch, xung đột giữa những động cơ hành vi cá nhân với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, những mặt hạn chế và hệ quả của phản ứng y tế công cộng… Về kỹ thuật, Steven Soderbergh đã sử dụng lối kể chuyện từ nhiều góc nhìn, chuyển cảnh liên tục giữa các vị trí địa lý và con người cách xa nhau. 

 Trong thể loại phim về đề tài dịch bệnh, có lẽ phim Contagion có nhiều yếu tố gần gũi với dịch bệnh Covid-19 nhất, dù đó là một tác phẩm điện ảnh được ra đời trước đại dịch này gần 10 năm. Có lẽ vì vậy mà khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới khiến người dân các nước phải cách ly trong nhà thì bộ phim Contagion bất ngờ được nhiều người tìm xem bởi nội dung mang tính dự báo từ 9 năm trước.

Điểm đáng lưu ý là trong phim lẫn diễn biến dịch Covid-19 ngoài đời thực, mầm bệnh đều bắt nguồn từ Trung Quốc và căn bệnh đều được kết luận là truyền nhiễm từ loài dơi.

LÊ QUANG HUY. 

Huyền diệu : NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG - St trên FB.

 



NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG

 

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. 

Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. 

Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. 

Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả. 

Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, Thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua! Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. 

Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giêsu cao một mét bảy. - Nhưng thưa ông, Chúa Giêsu là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi? Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân: -Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp… 

Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách: - Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài. 

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận! Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở! 

Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này! Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy! Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! cái điệp khúc “Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao! Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông sắp chết, nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông. 

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giêsu phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và má-u thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?”, mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại! Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giêsu đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giêsu thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông. Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị. Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa! Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi… 

 Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chế-t dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt nhìn lên Thánh Giá!


Sưu tầm trên FB. 

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Thơ : PHƯỢNG CŨ XA RỒI - Thạch Thảo BD.

 



PHƯỢNG CŨ XA RỒI.


Đây đó ve ca. Đường phượng đỏ

Hạ về, nắng mới. Tóc em thơm.

Áo bay trắng xoá trời thương nhớ

Gợi lại mùa xưa. Biệt mái trường.


Ngày ấy xa rồi. Thu mắt biếc

Có nàng ngọc nữ tuổi hồn nhiên.

Vô tư sách vở cùng bè bạn

Thân ái bên nhau. Mộng rất hiền.


Rồi mùa hạ đó, mình chia biệt

Mỗi đứa đường riêng. Gót hải hồ.

Năm tháng áo cơm. Mờ xóm cũ

Vẫn hằng đau đáu những ngày thơ.


Chiều nay nắng mới, thênh thang gió

Ve gọi hè sang, phượng đỏ cành.

Nhắc nhớ mùa xa, lòng rưng rức

Đâu rồi biêng biếc, mắt em xanh?


Gọi thầm nho nhỏ ngày xưa ấy

Bè bạn thầy cô…Thân ái ơi.

Giờ biết tìm đâu? Yêu dấu hỡi

Đầy trời thương nhớ… Ngậm ngùi thôi.


Ngày 17-3-24

THẠCH THẢO BD

Bài hát : GỞI EM - Kim Dung.

 


Bài hát hay : GỞI EM

Sáng tác : KIM DUNG

Tiếng hát : NGỌC MINH

Về bài thơ : TRỐNG THỦNG. HXH - Hoài Nguyễn.

 




TRỐNG THỦNG - Hồ Xuân Hương

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được người đời mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”, có nghĩa là những bài thơ theo Đường luật đã được bà “Việt hóa” và gần gũi với ngôn ngữ bình dân của người Việt mình.

Trong thơ của bà, có “thanh cao mà hàm ý tục” và người đọc nếu hiểu ý cũng chỉ tủm tỉm cười thầm. Hay nhất trong thơ của Hồ Xuân Hương là cách bà nhấn mạnh vào hai câu kết!

Người ta cho rằng Hồ Xuân Hương bị lận đận trong đường tình duyên, chỉ là phận lẻ mọn nên chuyện “chăn gối” với bà chỉ “lẻ tẻ” chẳng bõ bèn gì với nhu cầu thực nên bà mượn thơ ca để “xả stress” ví dụ như : "Năm thì mười họa hay chăng chớ. Một tháng đôi lần có cũng không", hoặc qua các bài thơ tựa như : Đánh đu, Dệt cửi, Trống thủng, Đá ông Chồng bà Chồng …

Chính từ điểm này mà một số người cho rằng Hồ Xuân Hương "khủng hoảng tình dục". Họ cho rằng Hồ Xuân Hương trẻ đẹp, đầy sức sống nhưng tình duyên trắc trở, thèm khát dục vọng, mà viết nên những bài thơ dâm ấy!

Nhưng kỳ thực, Hồ Xuân Hương nhìn cuộc đời với thế giới quan hết sức bình thường theo kinh Dịch của Nho học, có Âm thì phải có Dương đó là một sự tương giao tự nhiên trong vũ trụ để tồn tại. Không như một số văn nhân thi sĩ né tránh đụng chạm đên những vấn đề mang tính “nhạy cảm”, Hồ Xuân Hương xem sự tương giao giữa âm dương, giống đực và giống cái, giữa đàn ông và đàn bà … là chuyện bình thường như chuyện ăn mặc, ngủ thở .. để con người mọi vật sinh sôi nảy nở và tồn tại theo quy luật tự nhiên của đất trời.

Cái nhìn của bà cũng như mọi người trong mối quan hệ âm dương ấy đưa ta đến gần với tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng thời nguyên thủy xa xưa.

Thời Hồ Xuân Hương, cách đây vài trăm năm, chắc các lễ nghi mang tính phồn thực hãy còn sống trong môi trường văn hóa ấy, con người thông minh tuyệt vời ấy với trí tuệ sắc sảo của mình, đã không bỏ qua mà tìm trong đó một khía cạnh phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình. Một mặt là nhằm làm nổi lên ý nghĩa cơ bản sâu xa của việc cầu chúc có tính ma thuật để cho sản xuất được bội thu là trở về với một quan niệm đã thành tín ngưỡng đơn giản: cái gốc của sự sinh sôi nảy nở, cái gốc của sự sống là ở sự giao hòa của hai vật khác giống. Kinh Dịch của Nho gia sẽ cho biết thêm hai vật khác giống ấy được quy vào hai khí âm dương. Từ đó những lễ nghi phồn thực chẳng còn có gì là tục tằn, càng chẳng có gì là dâm đãng. Ngược lại, nó thiêng liêng, cao quý vì nó cầu cho con người có được đời sống dồi dào hơn, tốt đẹp hơn.

Cũng ở mức độ tự nhiên, cái nhìn với phụ nữ trong mối quan hệ âm dương sẽ đưa tới một quan niệm bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Nếu âm dương phối hợp thì sinh ra sự sống, nghĩa là làm nên sự sống ắt phải có âm có dương, có âm thì có dương, có dương thì có âm, hai bên phối ngẫu với nhau trên bình diện ngang nhau, do đó, âm dương hoàn toàn bình đẳng. Từ đó chuyển lên mức độ xã hội, nhất định cũng phải thế.

Hồ Xuân Hương không những quý trọng thương yêu sự sống mà nhân đó còn đề cao vai trò to lớn và không thể thiếu được của phụ nữ trong chức năng thiêng liêng là sinh ra sự sống. Sinh ra con người là phải có đàn bà, đâu chỉ có đàn ông. Và thân phận phụ nữ cũng được tạo hình từ thịt xương như nhau cả, cần phải có sự bình đẳng chứ người phụ nữ không thuần túy là “đồ chơi” của mấy ông!

Trong nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, tôi cũng từng họa một số bài như “Đèo Ba Dội” … nay họa thêm bài “Trống Thủng” để tiện đường cho các bạn hiểu thêm về nữ sĩ tiền bối và tài hoa này.

Bài “Trống Thủng” được Hồ Xuân Hương làm theo luật Bằng nhưng tôi họa lại theo luật Trắc và vẫn giữ nguyên vận ….

*Trống Thủng


Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,

Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi,

Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,

Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi,

Khi giang thẳng cánh bù khi cúi

Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.

Nhắn nhủ ai về thương lấy với,

Thịt da ai cũng thế mà thôi.


Hồ Xuân Hương


*Dùi Cong


Chửa đánh mà nghe đã ngậm ngùi

Xưa nay phận mỏng chỉ là dùi

Tùng tùng mấy phát chừng như mệt

Cắc cắc vài canh đã bở hơi

Lúc mới hăm he mong gặp trống

Khi mòn lác đác cố ăn xôi

Dùi nào đánh mãi mà không thế!

Đánh trống bỏ dùi chỉ thế thôi!


HOÀI NGUYỄN  – 03/11/2015

Tản mạn : CHỮ DẠ TRÊN MÔI - St trên FB.




 CHỮ DẠ TRÊN MÔI


Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ  ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. 

Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. 

Chữ ‘dưới’ ở đây được hiểu là người nhỏ tuổi hơn trong xã hội, hay vai em/con/cháu trong gia đình.

Mình đi dạy kèm. 

Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. 

Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn:  

“Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”. Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói:  

“Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”

Điều đặc biệt là mỗi câu trả lời của bác luôn có chữ ‘Dạ’ đệm ở đầu câu:  

“Dạ, hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô.”,  

“Dạ, cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút.”,  

“Dạ, xin lỗi cô, hai bác bên nhà năm nay chắc còn mạnh?”.

Những năm sau này không tiện ghé thăm bác mình gọi điện hỏi thăm. 

Ngôn ngữ bác dùng trên điện thoại lại càng trang trọng hơn:  

“Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”,  

“Dạ thưa cô năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không còn được như xưa”,  

“Dạ, bà nhà tui kỳ này cũng ít còn may vá”.

Mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô”,  

“Thưa cô con đọc bài” 

nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại. 

Dạo còm-men thấy dân tình đối đáp có chữ dạ, chữ thưa sao mà thấy vui quá. Mình dạy tiếng Anh nên không ác cảm với chữ “OK” như một số người hiểu lầm là lối nói xấc xược. 

Nhưng thấy mọi người hay chốt câu chuyện bằng chữ  “Dạ anh”, “Dạ chị”, “dạ chú”, “Dạ bác” thì vẫn thấy vui hơn chữ “OK” gọn lỏn.

Những gia đình còn cố giữ lễ nghi, phép tắc vẫn dạy con luôn có chữ “Dạ” đầu câu. 

Cô hỏi con mới đi Đà lạt về hả, trò trả lời

“Con mới về á cô.”

Mẹ quay qua nhắc con: 

“Con phải nói dạ con mới về”.  

“Con 5 tuổi”, 

con phải nói là 

“Dạ thưa cô con 5 tuổi”,  

“Con ăn rồi.”, 

con phải nói là  

“Dạ con ăn cơm rồi”.

Lang thang quán xá, 

“Chị ơi tính tiền.”, 

“Dạ, của em 5 chục nha”. 

Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, ngại quá bảo anh cứ để em,  

“Dạ, không sao chị. Chị cứ để tui.”

Xứ Đàng Trong, chữ “Dạ” đệm đầu câu cho câu nói thêm dịu dàng, khiêm tốn, và để thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải đớn hèn, nhục nhã gì đâu! 

Chỉ sợ sau này thứ văn hóa xuống cấp thì 2 mẫu tự tạo nên chữ ngọt ngào ấy cũng sẽ tuyệt chủng.


Chuyện của Sài Gòn

Sưu tầm

Thơ : TRỞ LẠI TRƯỜNG YÊU - Trâm Nhân.

 



TRỞ LẠI TRƯỜNG YÊU

(Trâm Nhân thương tặng các cựu học sinh trường Trung học tư thục Minh Đức, Pleiku khối tú tài IBM 1974 nhân dịp về thăm trường cũ)


Nắng sân trường rực rỡ sáng tháng ba

Vài tiếng ve đan cài trong vòm lá

Chùm phượng vỹ lửng lơ bên thềm hạ

Gió xạc xào reo khúc hát hoan ca


Em có về, mình hò hẹn tháng ba

Áo trắng sân trường, rưng rưng ngày hội khóa

Sống lại một thời hoa niên trong trẻo quá

Kỷ niệm ùa về giăng ký ức xanh rêu


Năm mươi năm ta trở lại trường yêu

Đây góc lớp, đây chỗ ngồi thân thuộc

Hành lang đó, mỗi ngày ta đếm bước

Khoảng sân này ghi dấu những bàn chân


Năm mươi năm, mái tóc đã hoa râm

Vết thời gian in hằn trên khóe mắt

Bạn bè xưa, người đã đi xa lắc

Để người còn một khoảng lặng chơi vơi


Ta trở về nguyên vẹn tuổi đôi mươi

Khung trời cũ mênh mang màu mực tím

Tà áo trắng vương hồn ta xao xuyến

Bài thơ tình viết mãi vẫn chưa xong


Em có về hò hẹn tháng ba không?

TRÂM NHÂN. 

Pleiku, 19/03/2024

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thơ : NẮNG THÁNG BA - Xuân Duyên.

 



NẮNG THÁNG BA.

Nắng tháng ba sao dịu dàng thế nhỉ?

Lúng liếng cười trao ánh mắt đưa duyên

Đoá súng hiền ngoan ngoãn cạnh bên hiên

Nghe hoang hoải bỗng trầm im đến lạ

Mây bay đi như bặt chim tăm cá 

Vạt nắng vàng có để lại trong tôi

Tháng ba ơi ,còn đọng ở bờ môi

Hồng lên nhé, cho cuộc đời xanh mãi

Ai rẽ lối cho thuyền ra bến bãi 

Nhớ ân tình ,hoa sẽ dạt về đâu? 

Tháng ba ơi ,còn bao chuyện bể dâu

Cây thay lá ..thời gian dần tan tiến

            XUÂN DUYÊN  - 3/2024

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Suy ngẫm : BẠN THẬT MAY MẮN... Sưu tầm.

 



BẠN THẬT MAY MẮN KHI SỐNG QUA ĐƯỢC TUỔI 65


Cảm ơn ai đã tổng hợp số liệu thống kê này !

Đọc để hiểu chúng ta may mắn như thế nào nếu đã ở trên tuổi 65 và có nhà, có đủ cơm ăn và áo mặc.

Dân số hiện tại của Trái đất là khoảng 7,8 Tỷ người. Tuy nhiên, ai đó đã cô đọng 7,8 Tỷ người trên thế giới thành 100 và sau đó thành các thống kê tỷ lệ phần trăm khác nhau.

Kết quả phân tích tương đối dễ hiểu hơn nhiều.

* Trong số 100 người có: 11 ở Châu Âu, 5 ở Bắc Mỹ, 9 ở Nam Mỹ, 15 người ở Châu Phi và khủng khiếp khi nghĩ có tới 60 người Châu Á.

* Trong số 100 người: 77 có nhà riêng và 23 không có chỗ ở.

* Trong số 100 người: 21 người được nuôi dưỡng quá mức; 64 có thể ăn no; 15 người thiếu dinh dưỡng.

* Trong số 100 người: 87 có nước uống sạch, 13 hoặc thiếu nước uống sạch hoặc tiếp cận với nguồn nước bị ô nhiễm.

* Trong số 100 người: 75 có điện thoại di động và 25 không có.

* Trong số 100 người: 30 người có quyền truy cập internet, 70 không có điều kiện lên mạng.

* Trong số 100 người: 7 nhận được giáo dục đại học và 93 đã không được học đến bậc đại học.

* Trong số 100 người: 83 người có thể đọc còn lại 17 người mù chữ.

* Trong số 100 người: 33 người theo đạo thiên chúa, 22 người theo đạo Hồi, 14 người theo đạo Hindu, 7 là Phật tử, 12 là các tôn giáo khác và 12 người không có tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy Phật tử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và tỷ lệ này ngày càng giảm.

* Trong số 100 người: 26 sống dưới 14 năm, 66 người chết từ 15 đến 64 tuổi, 8 người trên 65 tuổi.

Bạn thật may mắn khi đã sống trên 65 tuổi, nghĩa là trong số 100 người, có 92 người phải chết trước tuổi 65.


KẾT LUẬN:


- Nếu bạn có nhà riêng của mình,

- Ăn đầy đủ các bữa ăn và uống nước sạch,

- Có điện thoại di động,

- Có thể lướt internet và đã đi học đại học,

- Bạn đang ở trong một lô nhỏ - rất nhỏ - có những đặc quyền mà 93% nhân loại KHÔNG được hưởng.

🌹Và quan trọng là bạn hiểu tại sao người ta chọn tuổi 65 để được hưởng lương hưu và các phúc lợi xã hội? Há há 😂

Trong số 100 người trên thế giới, chỉ 8 người có thể sống hoặc vượt quá 65 tuổi. Nếu bạn trên 65 tuổi. Hãy bằng lòng và biết ơn. Bạn đã là người có phúc giữa nhân loại.

Hãy chăm sóc sức khỏe của chính mình thật tốt vì không ai quan tâm tới bạn hơn chính bạn!

Và ta nên cư xử với mọi người như với chính mình. Không phân biệt giai cấp, giới tính, đảng phái chính trị ... 


Sưu tầm!