Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Cuộc đời: BỐ ĐI BƯỚC NỮA ĐÂY! - Cậu Bảy.

 




BỐ ĐI BƯỚC NỮA ĐÂY!

Mẹ bệnh nặng rồi mất. 

Hôm đưa tang, Bố khôngn khóc, chỉ lặng lẽ quỳ xuống hôn nhẹ lên quan tài Mẹ thầm thì: 

“ mình cứ yên tâm an nghỉ, các con để anh lo”. 

Mẹ ra đi để lại cho Bố 3 đứa con, Cúc 12 tuổi, Lan 8 tuổi và thằng Út mới có 3 tuổi đầu.

Vậy mà bố lo được. 

Đi làm về, Bố lo nấu ăn, giặt quần áo và dọn dẹp nhà cửa trong lúc các con làm bài. Cuối tuần, Bố đi chợ và làm sẵn vài món ăn để vào tủ lạnh. Bố không còn thời giờ để uống cà phê với bạn bè của Bố nữa. 

Có người hỏi Bố bao giờ đi thêm bước nữa, Bố chỉ cười:

 "Đợi các con nó xong đại học đã."

Rồi lần lượt Cúc và Lan xong cử nhân, có chồng ra ở riêng. Khi thằng Út tốt nghiệp đại học, Bố gọi các con về làm mâm cơm cúng Mẹ. Lúc nầy mới thấy Bố khóc, nước mắt ràn rụa rồi ôm ngực ho rũ rượi …

Bệnh viện bó tay. 

Xe đưa Bố về nhà. Bố lặng lẽ vẫy các con đến gần, thì thào: 

"Bố sắp đi thêm bước nữa đây, Bố đi về với Mẹ!"

CẬU BẢY.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Đời sống: LÀM GIÀU NHỜ TIỀN ĐIỆN TỬ - Lê Tây Sơn.

 

             ( Puerto Rico về đêm )


LÀM GIẦU NHỜ TIỀN ĐIỆN TỬ, BÀI HỌC PUERTO RICO

​​​​​​​(LÊ TÂY SƠN-21.1)

 

Những người khai hoang tiền điện tử (Crypto colonizers) đang cố gắng bán cho người dân địa phương Puerto Rico giấc mơ làm giầu nhanh. Một làn sóng mới các nhà đầu tư tiền ảo đang di chuyển đến hòn đảo này. Người dân địa phương chào đón họ với sự phấn khích, và cả nỗi nghi ngờ vì họ từng là “con chim gặp tên” một lần.

​​​O O O O O O

     +Giấc mơ vàng Puerto Rico

     Gustavo Diaz Skoff đã gặp những người nuôi “giấc mơ thiên đường” về tiền điện tử vào năm 2018 khi cơn bão Maria vừa tàn phá Puerto Rico. Chỉ sáu tháng sau khi tốt nghiệp đại học, anh bị thu hút bởi tầm nhìn “đổi mới” của họ trong kế hoạch xây dựng lại hòn đảo bị tàn phá này và quyết định làm việc cho một nhà đầu tư tiền điện tử, người đã có lời hứa sẽ quyên góp 1 tỷ USD phục hồi đảo. Nhưng chỉ một phần nhỏ của số tiền được hiện thực hóa. Hiện Skoff, 26 tuổi đang quan sát trong sự hoài nghi về mối quan hệ của đất nước mình với làn sóng thứ 2 những người tuyên truyền “giấc mơ Puerto Rico”. Đảo quốc có Đạo luật 22 giảm thuế hào phóng để thu hút người giàu, các nhà quản lý quỹ đầu cơ, cùng với các triệu phú tiền điện tử, nhưng cuộc tranh luận về việc ai được lợi nhất nhờ giảm thuế trong ngành công nghiệp tiền điện tử trị giá 3 ngàn tỷ USD bùng nổ này? Câu trả lời chưa có nhưng giá nhà đã tăng vọt ở các khu vực của thủ phủ San Juan duyên dáng nằm bên bờ biển, số cư dân mới đến tăng gần gấp ba khi luật cho phép những người đến kiếm tiền từ tiền điện tử và các khoản đầu tư khác được miễn thuế. Giữa những cáo buộc thành phần được hưởng lợi ích thuế này không hề tạo được việc làm và cũng không hề giúp đỡ cộng đồng địa phương, các thành viên của đảng độc lập cánh tả đang thúc giục bãi bỏ Đạo luật 22. Đáp lại, đám đông đào tiền điện tử sau lần thất bại đầu tiên trước đại dịch nay đang cố gắng tự đổi mới và tăng phúc lợi cho cộng đồng, trong một chiến dịch quảng bá lớn kéo dài đến tận Thung lũng Silicon của bang California. Trong các chủ đề đưa lên  Twitter và trước các thành viên của Quốc hội, họ tranh luận là blockchain, công nghệ lưu trữ thông tin hỗ trợ thị trường tiền điện tử, sẽ mang lại một Internet dân chủ hơn, Các giám đốc điều hành tiền điện tử đến tận Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ để vận động thông qua các quy định nhẹ nhàng hơn cho ngành công nghiệp đang bùng nổ này. Ở Puerto Rico, đám đông khai thác tiền ảo hy vọng sẽ chứng minh khả năng của tiền điện tử trong việc tạo ra lộ trình dẫn đến thịnh vượng. Tháng trước, hàng trăm người tham dự “Hội nghị thượng đỉnh Metaverso” tại Bảo tàng nghệ thuật Museo de Arte de Puerto Rico để cổ vũ cho “ý nghĩa công nghệ và văn hóa” của các bộ sưu tập kỹ thuật số được gọi là “mã thông báo không thể thay thế” (non-fungible tokens) hoặc NFT. Các sự kiện CryptoCurious hàng tuần ở San Juan luôn thu hút đám đông ổn định. Có cả các cuộc hội thảo chuyên đề “How to mint your first NFT” để dạy trẻ em địa phương cách đúc NFT đầu tiên! Nhiều người dân Puerto Rico bị tiền ảo mê hoặc. Vào một ngày thứ Tư gần đây ở Condado, một khu phố du lịch nằm trên bờ biển phía bắc của thành phố, chàng trai 22 tuổi chỉ kiếm được 8 USD một giờ nhờ quản lý hàng loạt dịch vụ cho thuê xe tay ga điện tử nay tự hào có trong tay 2.000 USD tiền điện tử trong Ether (một sàn giao dịch tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng trong thế giới bitcoin và có thể trở thành loại tiền điện tử hàng đầu). “Ngày nay, ngay cả những người như ông bà cố của tôi cũng hiểu tầm quan trọng của bitcoin - Pedro Cruz, 28 tuổi, đồng sáng lập LooperVR, một công ty khởi nghiệp chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc thực tế ảo (VR) cho khán giả Mỹ La tinh nhận xét – Ai cũng muốn tham gia”. Sự phấn khích và nghi ngờ xung quanh tiền điện tử vừa được thể hiện tại một bữa tiệc ra mắt gần đây tạp chí mới Based do Skoff chủ biên với mục đích quảng bá cho các doanh nhân tiền ảo cây nhà lá vườn của Puerto Rico. Những người sáng lập công ty địa phương trộn lẫn với những người chính trị gia Bay Area ở Bắc California khi một ban nhạc bốn người chuyển từ nhạc salsa sang baladas trong sân của một không gian làm việc chung có từ thế kỷ 19. Hai nhà phát triển phần mềm người Puerto Rico Ernesto Ojeda và Steven Rivera, đều 25 tuổi (cũng là người khám phá ra tiền điện tử trực tuyến vào năm 2016), đã mang đến tầm nhìn triển vọng của một công nghệ có thể làm chuyển đổi nền kinh tế. Trong khi nhấm nháp rượu sâm panh, họ chào hàng trò chơi Neftify và khả năng của nó để giúp những người ở Puerto Rico, Venezuela và Philippines đủ điều kiện đầu tư vào các trò chơi blockchain “để kiếm tiền”. Ojedo nói nếu không có những trò chơi như vậy, những người từ các nước nghèo hơn sẽ “bị loại khỏi giấc mơ làm giầu bằng tiền điện tử”. Bên kia sân, Jose Domingo Soto Rivera, 23 tuổi, giám đốc điều hành của ACOMERPR, một tổ chức an ninh lương thực phi lợi nhuận chuyên cung cấp thực phẩm cho người già, thuộc số người không tin vào quảng cáo. “Tôi vẫn chưa nhận được khoản đóng góp từ những người giàu tiền điện tử như đã hứa, dù họ được giảm thuế để đóng góp cho các tổ chức từ thiện địa phương”. Skoff đứng gần lối ra, cảm ơn khách khi buổi party sắp kết thúc. Trong khi đánh giá cao khả năng của công nghệ blockchain, Skoff cho biết anh vẫn cảnh giác với việc những người từ Mỹ mang đến đây phong cách của những người đổ xô tìm vàng của các thế kỷ trước.“Quảng cáo mù quáng về mỏ vàng tiền ảo có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm” – anh nói.

     +Thất bại lần đầu

     Puerto Rico trở thành thiên đường thuế cho những người giàu từ năm 2012. Trong nhiều thập kỷ, chính sách thịnh vượng chung của nước Mỹ đã dựa vào các ưu đãi thuế như một chiến lược tăng trưởng, thu hút các ngành như sản xuất và dược phẩm. Khi các công ty này đóng cửa, chính quyền quyết định thử một điều gì đó khác biệt để thu hút những người giàu có trong khu vực dịch vụ như tài chính và luật, tức những người có khả năng mua nhà, mở tài khoản ngân hàng, thuê cư dân địa phương để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu của hòn đảo. Kết quả là Đạo luật 22 ra đời để cung cấp cho những người sống trên đảo ít nhất 183 ngày một năm lợi nhuận miễn thuế đối với các khoản đầu tư của họ, nếu không họ sẽ phải chịu thuế liên bang lên đến 37%. Nhưng những người đã sống trên đảo trong 15 năm qua đều không đủ điều kiện (hầu hết người Puerto Rico bản địa) để hưởng lợi từ giảm thuế. Sau đó, năm 2017, tai họa ập đến. Cơn bão Maria đã gây ra thiệt hại thảm khốc, giết chết gần 3.000 người và khiến hầu hết 3,4 triệu cư dân không có điện, nước sinh hoạt hoặc dịch vụ điện thoại di động. Hòn đảo tuyên bố phá sản. Ngay lúc đó, thị trường tiền điện tử phát triển vũ bão trên thế giới đã kéo theo một lượng lớn các nhà đầu tư tiền điện tử mới nổi đến Puerto Rico và họ được đón cháo như “cứu tinh” và “những người phân phát giấc mơ”. Được dẫn dắt bởi nhà đầu tư Brock Pierce, chủ tịch của Tổ chức phi lợi nhuận Hội Bitcoin (Bitcoin Foundation), làn sóng người định cư đầu tiên hứa hẹn sẽ biến đảo quốc thành một thiên đường tiền điện tử bằng cách xây dựng một thành phố mới chạy trên blockchain. Nhưng họ chỉ nói sơ sài về kế hoạch. Vào thời điểm đó, blockchain có rất ít ứng dụng khả thi ngoài tiền ảo, trong số những người chấp nhận nó ban đầu, có nhiều người theo chủ nghĩa tự do, coi blockchain như một công cụ để lách thuế và các hình thức giám sát khác của chính phủ. Sự bùng nổ năm 2017 được thúc đẩy bởi cái gọi là “các dịch vụ tiền xu ban đầu” (initial coin offerings-ICOs), trong đó các nhà đầu tư bơm tiền vào các dự án mang tính đầu cơ để đổi lấy token. Một số người nhanh chóng huy động thêm người mới đến để làm giàu nhanh và tận dụng lúc hòn đảo gặp khó khăn để viết ra các quy tắc của riêng họ. Người dân địa phương đặc biệt tập trung vào Pierce, một cựu diễn viên nhí nổi tiếng đóng vai Gordon trong “The Mighty Ducks”. Pierce là một nhân vật phân cực ngay cả trong cộng đồng bitcoin. Anh là đồng sáng lập một công ty video kỹ thuật số digital video với Marc Collins-Rector, người sau đó bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ em. (Pierce bị nêu tên trong một vụ kiện chống lại Marc, nhưng hai trong số các nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường, nguyên đơn thứ ba cũng làm thế sau khi Pierce trả 21.000 USD chi phí luật sư). Khi Pierce lần đầu tiên được bầu vào hội đồng quản trị của Bitcoin Foundation vào năm 2014, ít nhất 10 thành viên của quĩ từ chức vì bất đồng. Tại Puerto Rico, ông ta tìm kiếm sự chú ý của giới truyền thông bằng lời hứa giúp đỡ hòn đảo và cam kết tài trợ 1 tỷ USD! Khi gặp Pierce, Skoff đang lái xe vòng quanh đảo để thu thập thông tin về nhu cầu địa phương sau cơn bão. Anh cũng làm việc với các công ty vệ tinh để giúp thiết lập một hệ thống chuyển lợi ích điện tử (EBT) đến các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão để họ có thể nhận được hỗ trợ tài chính. Skoff bị hấp dẫn bởi các đề xuất của ​​Pierce về việc sử dụng một hệ thống EBT để phân phối tiền tài trợ và dùng blockchain để thiết lập một lưới năng lượng phi tập trung. Nhờ no, các lãnh đạo cộng đồng đã sử dụng năng lượng mặt trời để khôi phục điện năng cho hàng trăm ngôi nhà. Khi một hội nghị do Pierce tổ chức dẫn đến làn sóng phản đối từ người dân địa phương (họ “giác ngộ nhờ” tham dự “Ngày lắng nghe”) và yêu cầu những người đào tiền điện tử rời đi, Skoff đề nghị kết nối nhóm của Pierce với các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương và tư vấn cho nhóm cách tiếp cận cộng đồng. “Nhưng chỉ đến đó là dừng lại. Không có sự liên tục. Không có sự nhất quán!” - Skoff nói. Mới đây, trả lời cuộc phỏng vấn của tờ The Washington Post, Pierce (từ nhà riêng tại một khu đô thị do Ritz-Carlton xây dựng ở Dorado, ngoại ô San Juan) tuyên bố năm 2021 ông đã quyên góp 8,9 triệu USD cho các tổ chức trên đảo, nhưng cam kết $1 tỷ trước đó không dành riêng cho Puerto Rico và cũng chỉ mới là…cam kết! Khi thị trường tiền điện tử sụp đổ vào năm 2018, một số người hy vọng sẽ sớm qua “mùa đông tiền điện tử”, trong khi số đông khác rời Puerto Rico. Cruz, người sáng lập công ty khởi nghiệp VR, nhận định: “Rất nhiều người ra đi vì tiền cạn kiệt, và tất cả mất tiền cùng một lúc”.

​     +Hồi sinh

     Chính đại dịch coronavirus đã giúp tiền điện tử sống lại ở Puerto Rico. Bị kẹt trong nhà, không có việc làm và cố tìm mọi cách kiếm tiền, nhiều cư dân đảo đã chuyển sang mạng xã hội và tìm gặp những người hướng dẫn bằng tiếng Tây Ban Nha để giúp giải thích cách đầu tư. NFT bỗng trở nên phổ biến vì nó làm cho các khái niệm tiền điện tử dễ tiếp cận hơn. Metaverso tổ chức tranh giải và trao thưởng cho các hacker địa phương, mở một cuộc đấu giá tranh NFT để giúp hai tổ chức phi lợi nhuận địa phương có kinh phí tổ chức khoá học miễn phí về NFT và blockchain. Sau khi chết chìm trong vài năm, tiền điện tử tái hiện mạnh mẽ ở Puerto Rico. Nhưng thay vì ồn ào nópi đến việc xây dựng lại hòn đảo “tốt đẹp hơn” sau cơn bão, các môn đệ tiền ảo chuyển sang nhấn mạnh lợi ích tiềm năng của tiền điện tử đối với người dân địa phương và dạy cho người Puerto Rico về blockchain như một cách tăng nhanh thu nhập. Giá trị của tiền điện tử bắt đầu tăng mạnh trở lại và một số người dân địa phương đã thấy giá trị ròng của họ nhân lên. Tài xế taxi Jose Santana Torres cho biết anh đã có thể trả 100.000 USD tiền mặt cho một căn hộ nhìn ra đại dương vào năm 2021 nhờ tiền ảo. Anh khuyên các tài xế taxi khác nên chấp nhận tất cả các loại tiền điện tử. Tuy nhiên, khi sự phản kháng đối những người kinh doanh tiền điện tử giảm dần thì việc chống lại các ưu đãi thuế lại dữ dội hơn. Các đảng viên Đảng Dân chủ nổi bật trong Quốc hội (như Thượng nghị sĩ New York Charles E. Schumer và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez) đã kêu gọi giám sát nhiều hơn trước khả năng trốn thuế. IRS ước tính Đạo luật 22 đã gây thiệt hại cho chính phủ liên bang Mỹ hàng trăm triệu đôla mỗi năm do thất thu thuế và đã phát động chiến dịch kiểm tra những người thụ hưởng Đạo luật 22. Các quan chức địa phương cũng bắt đầu lên tiếng sau khi một phân tích cho thấy những người được giảm thuế chỉ tạo ra 4.400 việc làm mới từ năm 2015 đến 2019. María de Lourdes Santiago Negrón, một thành viên của Thượng viện Puerto Rico thuộc đảng độc lập cánh tả đã đệ trình dự luật bãi bỏ Đạo luật 22, sau khi ngôi sao YouTube Logan Paul tuyên bố sẽ chuyển sang đảo sinh sống để né thuế California! Phần lớn chi tiêu của những người hưởng lợi theo Đạo luật 22 đã được đổ vào bất động sản hạng sang (khoảng 1,3 tỷ USD) khiến giá nhà đất bị đầy lên cao. Thượng nghị sĩ Juan Zaragoza, một thành viên của đảng Dân chủ Bình dân, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Puerto Rico, cho biết, mặc dù việc bãi bỏ Đạo luật 22 là khó xảy ra, nhưng quốc hội đang xem xét sửa đổi. Sau khi ra mắt vào Tháng Sáu, Hiệp hội Thương mại Blockchain Puerto Rico (PRBTA) đã mở một cuộc hội thảo miễn phí kéo dài 4 tuần có tên “CryptoCurious” để giải thích các khái niệm blockchain như NFT. Vào tháng 12, Tuần lễ Blockchain Puerto Rico khai mạc với các cuộc nói chuyện về tài chính và tác động của tiền điện tử đối với cuộc sống hàng ngày của người dân. Lên phát biểu có cả tham luận viên Giomar Alvira, một tài xế Uber (người đã bắt đầu giao dịch tiền điện tử vào năm ngoái nhờ tình cở chở Giám đốc điều hành PRBTA Keiko Yoshino). Tiếp theo trong lịch trình của Tuần lễ Blockchain là Hội nghị thượng đỉnh NFT, Metaverso và lễ trao 27.500  USD giải thưởng cho các hacker địa phương. Một cuộc đấu giá NFT quyên góp được $268,827 cho hai tổ chức phi lợi nhuận địa phương để hợp tác với Câu lạc bộ Nam và Nữ (Boys & Girls Clubs) mở khoá giảng dạy miễn phí về NFT và blockchain. Amanda Cassatt, người sáng lập và giám đốc điều hành công ty tiếp thị Web3 Serotonin, đến Puerto Rico vào năm 2019 để…né thuế cho biết: “Bằng cách tìm hiểu các công nghệ mới, những người trẻ tuổi có thể khởi động sự hòa nhập của chính họ”. Pierce cũng đang phát huy tầm ảnh hưởng của mình, bao gồm cả việc đưa ra một cuộc trò chuyện bên lề tại một hội nghị riêng biệt trong Tuần lễ Blockchain. Vào Tháng Một, cảnh sát Puerto Rico cho biết sẽ điều tra xem Pierce có vi phạm tư cách cư dân đảo hay không khi phát động chiến dịch tranh cử ghế Thượng viện Mỹ ở tiểu bang Vermont!

Nhưng Cruz, người sáng lập công ty khởi nghiệp VR (từng điều hành dự án hackathons cho Pierce và Metaverso) cho biết sự khác biệt lần này là những người thụ hưởng thuế đang hướng đến những doanh nhân tiền ảo lớn lên ở Puerto Rico và tự xây dựng cộng đồng tiền điện tử như ông ta. Cruz, người bắt đầu lập trình khi mới 11 tuổi và bắt đầu tìm hiểu về blockchain vào năm 2013 bộc bạch: “Tôi vẫn làm tốt công việc của mình dù có hoặc không có người Mỹ tới đây”. Không thể tham gia ngành tài chính truyền thống, nhiều người da màu đang chuyển sang sử dụng tiền điện tử. Tuy nhiên, một số câu chuyện thành công được chia sẻ bởi đám đông cho thấy tiền điện tử là “cơn sốt vàng mới” hơn là một “Internet dân chủ hóa”.

Đời thường: HÌNH XƯA BÓNG CŨ - NPQT.

 



HÌNH XƯA BÓNG CŨ. 

Dân Thủ Dầu Một những năm sau 75 chắc đều không lạ với hình ảnh một bà lão người Hoa cặp cái thúng ngang hông, bên trên đậy cái nón lá rách đi bán bánh kẹo trên đường phố xứ Thủ. Không biết bà tên gì, nhưng dân xóm tui - xóm trường Nam Châu Thành vẫn quen kêu bả là Bà Kẹo.

Bà Kẹo không có nhà, người dân xóm chùa Bà thương tình dựng cho bả cái chòi nhỏ xíu nằm kế bên gốc me, bên hông chùa Bà. Lúc đó là vào những năm 79-80, bà Kẹo tầm bảy mươi tuổi, hàng ngày cắp thúng đi bán bánh dạo, tối về cái chòi kế gốc me mà ngủ.

Nói là bán bánh chớ chắc một ngày bán chỉ được vài cái, bả sống chủ yếu nhờ vô lòng hảo tâm của chòm xóm và bà con người Hoa ở chợ Thủ. Vài bữa một lần, bả ghé nhà tui hỏi còn cơm không, cho bả ăn với. Đó là những năm đói kém, nhưng má tui lần nào cũng bới cho bả một tô lớn, tuy lớn tuổi nhưng bả ăn rất mạnh, chỉ một chút xíu là sạch tô cơm. Bả nói bả tuổi con pò (có lẽ 1913?), lúc đó ai cũng cười vì bả lẫn lộn tiếng Việt giữa bò với trâu, sau nầy mới biết bả nói đúng. Sửu -ngưu đúng là con bò, con trâu thì phải kêu là thủy ngưu mới đúng. Như trong Tây Du Ký có nhân vật Ngưu Ma Vương là con bò chớ không phải con trâu như mọi người vẫn tưởng.

Nghe nói bà Kẹo có bà con ở dưới chợ lớn, nhưng vì bả thích lang thang nên ở với bà con bị tù túng, bả chịu không nỗi. Lâu lâu mấy đứa cháu lên Thủ Dầu Một đem bả xuống Chợ Lớn, nhưng chỉ một vài tháng là bả bỏ về Thủ. Mấy tháng ở Chợ Lớn, bả mập mạp, trắng trẻo ra, ai cũng mừng cho bả, nhưng bả nói ở Chợ Lớn tuy cuộc sống no đủ, nhưng toàn ở trong nhà nên thấy tù túng, bả thèm sống cuộc sống lang thang ngoài đường. Má tui nói chắc bả kiếp trước sao đó nên kiếp nầy bị trời trả báo, phải sống cuộc sống cực khổ.

Hồi đó tối tui thường vô chùa Bà chơi, tui thấy bà Kẹo cứ chừng hơn bảy giờ là bước qua chùa gom một bó lớn nhang đang cháy đem về cái chòi của bả, chắc là để hun muỗi. Bả ở cái chòi đó, sáng đi tối về, không phiền tới ai, vậy mà cũng không yên thân.

Một bữa nọ, khi bả rời chòi đi bán bánh thì ông Cẩu giữ chùa đốt cháy rụi cái chòi kế gốc me của bả. Tới chiều tối về, bả khóc hu hu khi thấy cái mái lá của mình đã hoá tro than. Từ đó bả chánh thức bước vô kiếp sống lang thang rày đây mai đó...

Sau khi bị đốt chòi, bà Kẹo dời đô qua ngay cổng trước nhà thờ Phú Cường. Mấy lần tui ghé hỏi chuyện, bả than ở trước nhà thờ buổi tối ưa bị mấy thằng nhỏ du đãng giựt tiền, đó là tiền được người ta cho, bả dành dụm bấy lâu nay giờ bị mấy thằng cô hồn giựt hết. Đã vậy bả còn bị đám con nít chọc ghẹo. Mỗi khi bị chọc ghẹo tui thấy bả hay chửi "pằng pằng chi co lo", tui không hiểu câu chửi đó tiếng Triều Châu có nghĩa gì, nhưng có lẽ đó là câu chửi độc. Mấy đứa con nít cũng bắt chước bả chửi "pằng phằng" thì bả chửi bằng tiếng Việt: "pằng pằng là thằng cha mầy nó pằng pằng, pằng pằng là cái con lỉ mẹ mầy nó pằng pằng..."

Ngày tháng trôi đi, bà Kẹo càng ngày càng yếu vì tuổi tác,  nhưng bả vẫn cắp cái thúng đi lang trên đường phố đất Thủ, trong cái thúng là vài cái bánh đã mốc meo vì lâu ngày không ai mua, miệng thều thào "pánh pánh, kẹo kẹo", dáng bà Kẹo phất phơ trong gió như một bóng ma, bà Kẹo sống những ngày cuối đời như để trả nợ những hơi thở cuối cùng cho một kiếp nhân sinh. Bẵng một thời gian, tui không thấy bả đâu nữa, nghe nói con cháu bả rước bả về Chợ Lớn sống những ngày còn lại, có lẽ bả quá yếu để quay về xứ Thủ để sinh tử trọn kiếp giang hồ!

Chiều nay, trong cơn mưa Tháng Bảy, hình ảnh một bà cụ bán vé số thất thiểu ngang nhà làm tui nhớ tới Bà Kẹo, nhớ về một thời xa lắc, cuộc sống tuy đói khổ nhưng luôn đầy ắp tình người của người dân Nam Bộ, dẫu là lá rách, nhưng vẫn sẵn sàng đùm bọc lá nát...

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?


(Tân Qui, những ngày dịch vật

NPQT)

FB #Bình Dương ngày cũ 

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Tản mạn: NHỚ LẮM !... - Đinh Trực.





 NHỚ LẮM...! TIẾNG "DẠ THƯA CÔ...!"

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, một thời gian gần cả một đời người, ngồi ngẫm lại, bây giờ thầy cô chúng tôi kẻ còn người mất, nhưng chắc chắn rằng mất thì nhiều, còn thì… ít!

Những ông thầy bà cô ngày ấy, nếu còn thọ thì chắc cũng đang trên đường về phía hoàng hôn, chập tối...!

Ngày xưa, khi bước chân vào lớp học đầu tiên . Cô giáo đầu đời dạy ngay khi trò được hỏi, được gọi thì câu nói đầu tiên phải là: "Dạ thưa Cô!", các con nhớ nhé...!

Học trò  ngồi trong lớp học mà cứ ngong ngóng ra đường, chờ tan trường ùa nhau mua đồ ăn quà vặt. Chờ mẹ đón về... Thời đó, trẻ con theo ba mẹ ra đồng bắt cá bắt cua.., thích thú hơn đi học nhiều...!          

Chúng tôi những đứa học trò ngày xa xưa cũ rích cũng đang lần theo ánh mặt trời ở buổi xế chiều.

Nhớ những ngày đầu trần chân đất ăn vội chén cơm nguội hoặc một tay cầm củ khoai, ung dung… đến trường. Hình như ngày ấy ăn sáng là điều xa xỉ, không chỉ trẻ con đến trường mà ngay cả những người đi làm đồng cũng chỉ có hai buổi cơm trưa và cơm chiều....

Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất, nghĩ lại có nhiều cái để nhớ, nhưng riêng tôi, tôi lại nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ đến cồn cào là thèm được nghe và nói tiếng “Dạ thưa cô”. Vâng, “dạ thưa cô” cụm từ ấy đi kèm với haitay khoanh trước ngực, đầu cúi nhẹ, ánh mắt như van lơn.... nghe và nhìn thấy, sao mà trìu mến, thân thương, nó bùi tai và ngọt thấm đến tận đáy lòng....!

“Dạ thưa cô… em nghỉ học vì má bắt giữ nhà ”. “Dạ thưa cô… mai em nghỉ, ở nhà phụ ba ra đồng xách nước uống”. “Dạ thưa cô… em không thuộc bài vì  đêm qua nhà không còn dầu lửa để thắp đèn”, "Dạ thưa cô, con nhức răng quá..!", "Dạ thưa cô, con nhớ má quá...!".

“Dạ thưa cô… em nghỉ học vì má bắt ở nhà xuống ao hôi cá”. “Dạ thưa cô… mai em nghỉ, ở nhà phụ ba vá lưới”. “Dạ thưa cô… tại nó kêu tên Ba Má con cho các bạn biết... nên con xé tập nó..!".

Đằng sau tiếng “Dạ thưa cô” ấy là những gì cô giáo không lường trước được, toàn là những lý do “chính đáng” của lũ học trò nhỏ ngây thơ, tóc khét mùi nắng, da đen sạm vì chơi ngoài nắng thường, quần áo lấm len vì mực vẩy vào, học trò đói nghèo, tóc khét mùi nắng, da mốc meo vì tắm sông, bắt cá trên đồng, quần áo “có gì mặc nấy”, phần đông quần xà lỏn áo bà ba chằng chịt những miếng vá...! Tất cả đến trường, đến lớp học: vì mê… cô giáo đẹp, tóc dài buông xỏa, áo dài nhiều màu sắc và mê chơi hơn mê học...!                                               

Hồi tưởng lại… tôi không thể tin được một cô giáo dáng tiểu thư đài các mới ra trường lại chịu nhận về dạy một ngôi trường nhỏ quê tôi, chỉ có nhà vệ sinh nhỏ thôi. Cô hỏi: không có nhà vệ sinh thì các em làm sao...? "Dạ thưa cô… tìm chỗ vắng ạ...!". Ngày đầu nhận lớp, cô "thất kinh hồn vía" trước lũ học trò “to xác” mà mới đi học. Cô hỏi, cả lớp nhau nhau dành phần trả lời: "Dạ thưa cô, tại....". Cô chỉ từng em để biết tên. "Dạ thưa cô… em tên Đực, Mực, Bé, Mười, Út, Rớt, Lượm… 

Đó là tên trong giấy khai sinh, tôi lắng nghe mà thầm nghĩ trong lòng: "Sao tụi nó có tên "xấu quá vậy"...!" nhưng đâu có hiểu thời đó người lớn tuổi đặt tên con theo "sự kiện" và không dám đặt tên đẹp vì sợ "Ông Bà bắt đi..!"

Cả lớp cười vang vì nghe bạn nói tên của mình, mà cũng lạ tụi nó cũng chẳng mắc cỡ hay xấu hổ gì..!            

Vẫn vô tư bởi ba má chúng đặt cho...! Nhớ lắm cụm từ thân thương ấy lắm! Bởi khi nghe gọi lại, lòng tôi bồi hồi, ngậm ngùi lâng lâng, lại được quay về những kỉ niệm thật vui của ngày xưa...!

Chúng tôi vẫn nhớ điều Cô dạy năm học lớp Nhì: "Dạ, thưa cô”, “Dạ, con cảm ơn cô”…, khi mỗi sáng đi học, lúc trưa tan tầm về nhà, gặp ông bà cha mẹ, người lớn tuổi, các con phải "Dạ thưa...!", bất cứ ai cho hay giúp ta điều gì thì phải "Con cảm ơn...!"

Chúng tôi đã học được từ Cô những bài học nhỏ mà ý nghĩa thật lớn để mang theo suốt cuộc đời. Đúng như ngày xưa Cô nói: bất cứ ai ta gặp trong cuộc đời này, người đó đều có thể là "thầy" ta. Và khi nhún mình xuống để tôn trọng người khác, đó là không hề hạ thấp mình mà ngược lại, làm người đối diện tôn trọng sẽ mình hơn.... Người đối diện sẽ đắn đo suy nghĩ về điều sai của ta, sẽ không còn giận dữ, sẽ bớt nóng nảy…. khi nghe một tiếng “Dạ, thưa…!"

Ôi...! Nhớ lắm: "Dạ thưa Cô...!".

ĐINH TRỰC. 

Người xưa: NHÂN VẬT VĂN HỌC - Nguyễn Thị Bích Hậu (FB)




 Người trong hình chính là ông Hà Mai Anh, dịch giả của Tâm hồn cao thượng, cuốn sách gối đầu giường của tôi từ bé thơ. Hà Mai Anh quê ở Thái Bình, ông đậu bằng Cao Ðẳng Tiểu học và trường Sư phạm, từng làm giáo học và hiệu trưởng ở các tỉnh ở Bắc Kỳ. 

Ông trở thành tác giả giáo khoa. Ngay từ năm 1938 cuốn Công dân giáo dục do ông viết đã được xuất bản tại Nam Định và được  sử dụng làm SGK thời đó. Vào những năm đầu 1940, ông dịch cuốn Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore) đoạt Giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1943, dịch từ tiếng Pháp.

Ông cũng dịch cả Vô gia đình (Sans Familles), Trong gia đình (En Famille) và Về với gia đình của Hector Malot; Guy-Li-Ve du ký (Gulliver's Travels) của Jonathan Swift; 80 ngày vòng quanh thế giới (Le Tour du monde en quatre-vingts jours) của Jules Verne cũng được nhiều người biết đến.

Năm 1954 ông di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp ở Sài Gòn rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu thư và Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của VNCH. Ông tỵ nạn qua Mỹ và mất vào  20 tháng 8 năm 1975 tại San Bernadino, Ca, thọ 70 tuổi. 

Cuốn Tâm hồn cao thượng do ông dịch đã giáo dục lòng biết ơn, khơi gợi sự trắc ẩn, lòng yêu nước, thương người cho biết bao thế hệ học sinh từ thơ ấu. Cuốn sách này như khuôn vàng thước ngọc, là kim chỉ nam giúp người ta biết giá trị đích thực của mỗi một người hiện hữu trên thế gian này. Như một đoạn trích trong sách sau đây"

"An di ơi! Mai sau, con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài các nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nẩy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc tàn sinh cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con."


Theo Fb:Nguyễn Thị Bích Hậu.

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Đời sống: CẢNH GIÁC VỚI... - Lê Tây Sơn.

 





CẢNH GIÁC VỚI BỘ XÉT NGHIÊM GIẢ VÀ CÁCH PHÁT HIỆN

​​​(LÊ TÂY SƠN-9.1)

*

     Các cơ quan y tế chuyên trách Mỹ đang cảnh báo công chúng về các bộ (kit) xét nghiệm Covid-19 giả. Bạn cần biết cách phát hiện ra chúng.

​​​​            O O O O O O

     +Các trường hợp dương tính với Covid-19 tiếp tục tăng đột biến, dẫn đến hàng dài người chờ đợi mệt mỏi nhiều giờ tại các địa điểm xét nghiệm miễn phí. Các kệ bán kit tự xét nghiệm cũng trống rỗng tại các cửa hàng, nơi luôn có sẵn trước đó. Vấn đề khan hiếm chưa được giải quyết xong thì nay lại xuất hiện một vấn nạn khác: Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) vừa cảnh báo người dân về các bộ xét nghiệm giả được bán trực tuyến cho những người tuyệt vọng cần xét nghiệm sớm tại nhà. Tuần này, FTC ra thông cáo báo chí, nêu rõ: “Không có gì ngạc nhiên khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (CDC) cảnh báo về các bộ xét nghiệm tại nhà giả và trái phép đang được rao bán trên mạng internet bởi những kẻ lừa đảo tận dụng cơ hội nhu cầu tăng vọt để thu lợi”. Theo CDC, tự kiểm tra Coronavirus - còn được gọi là xét nghiệm tại nhà hoặc xét nghiệm không có đơn kê của bác sĩ - là một trong các biện pháp giảm rủi ro và có thể bảo vệ người khác, thay vì chờ đợi hoặc vẫn đi làm do không biết mình dương tính. CDC cho biết tự xét nghiệm có thể làm ở bất cứ đâu, dù đã chủng ngừa chưa hoặc có triệu chứng chưa. Nó cũng dễ sử dụng và cho kết quả nhanh chóng trong vòng trên dưới 20 phút. Tuy nhiên, khi bộ xét nghiệm khan hiếm và đắt, một số người quay sang tìm mua trên mạng hoặc bất cứ nơi nào có bán, khiến các cơ quan y tế phải khuyến cáo người dân nên cảnh giác với những kẻ lừa đảo bán bộ xét nghiệm giả. Nhưng làm thế nào để phát hiện đó là giả? FTC đề nghị nên làm theo bốn lời khuyên sau trước khi mua và sử dụng:

     1. Chỉ mua các nhãn hiệu xét nghiệm đã được FDA cho phép chính thức. Hiện trang web của FDA có liệt kê danh sách hơn 40 loại bộ xét nghiệm tại nhà được phép, một số xét nghiệm có giới hạn độ tuổi và có thể mua trực tuyến, tại các hiệu thuốc và cửa hàng bán lẻ (luc chưa cháy hàng).

     2. Kiểm tra danh sách tên các nhãn hiệu xét nghiệm Covid-19 được FDA khẳng định là giả để đảm bảo không mua phải chúng.

     3. Nếu muốn mua trên mạng, hãy cẩn thận duyệt qua nhiều nguồn bán và so sánh các đánh giá đáng tin cậy từ các chuyên gia y tế hoặc tổ chức y tế trước khi quyết định mua. FTC cũng khuyên bạn khi tìm trên mạng những người bán bộ xét nghiệm tại nhà nên kèm theo những từ như “scam”, “complaint” hoặc “review” (lừa đảo, phàn nàn, đánh giá) để bắt bọn lừa đảo.

     4. Nếu phải chọn mua bộ xét nghiệm trên mạng, bạn hãy thanh toán bằng thẻ tín dụng để có thể lấy lại tiền khi phát hiện bị lừa. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra xem bộ dụng cụ sắp mua có còn hạn sử dụng không. Thông báo của FTC nhấn mạnh: “Sử dụng những sản phẩm giả cho kết quả sai không chỉ lãng phí tiền bạc, tiếp tay cho kẻ gian mà còn vô tình làm lây lan Covid-19 và không được điều trị kịp thời nếu bị nhiễm”.

     +Sự quan trọng của tự xét nghiệm

     Các triệu chứng nhiễm Omicron thường là không có hay rất nhẹ đối với những bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là xem nhẹ nó, đặc biệt là đứng ở góc độ hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải. Nguy cơ bệnh trở nặng thấp hơn ở mỗi cá nhân, nhưng không có nghĩa là ở cấp độ xã hội cũng thế. Omicron rất nguy hiểm vì dù tỷ lệ trở nặng nhỏ nhưng do số ca nhiễm mới quá lớn nên số nhập viện tăng, áp lực nặng nề lên hệ thống y tế”. Một số chuyên viên y tế khuyến cáo không nên nhìn vào tỷ lệ trở nặng thấp của Omicron để xem nhẹ tác hại của nó mà nên nhìn vào số người phải nhập viện. Một điều đáng quan tâm nữa là nhiều ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là nhiễm Omicron không kèm theo triệu chứng mất khứu giác, vị giác nên rất giống cảm lạnh và cúm thường. Coronavirus luôn thay đổi nên những hướng dẫn chống lại chúng cũng phải thay đổi. Trong khi biến thể Omicron lây lan cao tiếp tục làm tăng số ca nhiễm Covid-19, số ca nhập viện ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, các chuyên gia y tế cho rằng người dân Mỹ rất cần duy trì các biện pháp an toàn để ngừa bệnh. Một trong những cách tự bảo vệ tốt nhất là xét nghiệm thường xuyên, ngay cả khi không cảm thấy bệnh và không có triệu chứng bệnh. Theo tiến sĩ Mara Aspinall, giáo sư thực hành tại Trường Cao đẳng Giải pháp Y tế thuộc Đại học tiểu bang Arizona, dù nguồn cung bộ xét nghiệm không đáp ứng kịp nhu cầu, nhưng việc Omicron lây lan nhanh hơn rất nhiều, xét nghiệm càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Chúng ta đang ở vào một thời điểm rất, rất bấp bênh – bà nói – Xét nghiệm là lối thoát đơn giản duy nhất trong tất cả các giải pháp”. Tiến sĩ Sarah Ash Combs, bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Trung ương có lời khuyên: “Cách duy nhất để biết chính xác là…xét nghiệm và xét nghiệm”Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến 7.1.2022, Covid-19 đã giết chết ít nhất 859,046 người và lây nhiễm cho khoảng gần 61 triệu người ở Mỹ, số ca nhiễm mới trong ngày 7.1 là 468.081.

Thơ xưa: EM CÓ VỀ THĂM - Nguyễn Kim Sơn st.

 



EM CÓ VỀ THĂM*


Em có về thăm Bình Đại không

Hình như trời đã sắp vào xuân

Hình như gió bấc lùa trong tết

Những chuyến xe đò giục bước chân


Em có về thăm Bình Đại không

Mùa xuân thương nhớ má em hồng

Nhớ môi em ngọt người xứ táo

Nhớ dáng thuyền trôi trong mắt trong


Em có về thăm Bình Đại xưa

Con đường sỏi đá vẫn quanh co

Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc

Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ


Em có về thăm Bình Đại yêu

Ba năm như một thoáng mây chiều

Ba năm vườn cũ chim bay mỏi

Áo trắng chân mềm tôi hắt hiu...

________________

*Trích Đặc San Xuân 1972, Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Nửa thế kỷ đã qua... Không thể nhớ tên người viết, đành xin lỗi tác giả... Hình như bài thơ bị sai, sót vài khổ... Mời ai nhớ, xin bổ sung dùm... 

Xin cảm ơn và chúc mọi sự như ý.

NGUYỄN KIM SƠN (FB)

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Nếp sống: DẠ ! - Mui Thị Mài.




 DẠ!

Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ  ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. Chữ ‘dưới’ ở đây được hiểu là người nhỏ tuổi hơn trong xã hội, hay vai em/con/cháu trong gia đình.

Mình đi dạy kèm. Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn: “Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”. Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói: “Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”. Điều đặc biệt là mỗi câu trả lời của bác luôn có chữ ‘Dạ’ đệm ở đầu câu: “Dạ, hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô.”, “Dạ, cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút.”, “Dạ, xin lỗi cô, hai bác bên nhà năm nay chắc còn mạnh?”. Những năm sau này không tiện ghé thăm bác mình gọi điện hỏi thăm. Ngôn ngữ bác dùng trên điện thoại lại càng trang trọng hơn: “Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”, “Dạ thưa cô năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không còn được như xưa”, “Dạ, bà nhà tui kỳ này cũng ít còn may vá”.

Mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô”, “Thưa cô con đọc bài” nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại. 

Dạo còm-men thấy dân tình đối đáp có chữ dạ, chữ thưa sao mà thấy vui quá. Mình dạy tiếng Anh nên không ác cảm với chữ “OK” như một số người hiểu lầm là lối nói xấc xược. Nhưng thấy mọi người hay chốt câu chuyện bằng chữ “Dạ anh”, “Dạ chị”, “dạ chú”, “Dạ bác” thì vẫn thấy vui hơn chữ “OK” gọn lỏn.

Những gia đình còn cố giữ lễ nghi, phép tắc vẫn dạy con luôn có chữ “Dạ” đầu câu. Cô hỏi con mới đi Đà lạt về hả, trò trả lời “Con mới về á cô.”. Mẹ quay qua nhắc con: “Con phải nói dạ con mới về”. “Con 5 tuổi”, con phải nói là “Dạ thưa cô con 5 tuổi”, “Con ăn rồi.”, con phải nói là “Dạ con ăn cơm rồi”.

Lang thang quán xá, “Chị ơi tính tiền.”, “Dạ, của em 5 chục nha”. Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, ngại quá bảo anh cứ để em, “Dạ, không sao chị. Chị cứ để tui.”

Xứ Đàng Trong, chữ “Dạ” đệm đầu câu cho câu nói thêm dịu dàng, khiêm tốn, và để thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải đớn hèn, nhục nhã gì đâu! Chỉ sợ sau này thứ văn hóa Đ.mm, đ.éo biết, đ.ịt con m.ẹ mày, bố mày lên ngôi thì 2 mẫu tự tạo nên con chữ ngọt ngào ấy cũng sẽ tuyệt chủng.


nguồn Mui Thị Mài

Hình trên:

 Một bữa cơm tối đong đầy bao nhiêu là niềm hạnh phúc và sự ấm cúng với các món ăn ngon được bày trí trên bàn ăn và đầy đủ mọi thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau.

Việt Nam 1970.

Tình mẹ : NHỮNG CHIẾC RĂNG... - Đỗ Huỳnh Hoa.

 




NHỮNG CHIẾC RĂNG VÀNG CỦA MÁ


Năm 1976, má dẫn chị Bảy và hai đứa em tôi về quê ở Dĩ An (Bình Dương) - nơi có mộ ba tôi và ông bà - để làm bánh tráng sống qua ngày. Tôi ở lại Sài Gòn cùng hai chị buôn bán kiếm sống.

Mới mười hai tuổi, tôi đã phụ các chị ra chợ Cầu Muối mua bắp về nấu rồi tối mang sang ngã tư Hoàng Diệu - Đoàn Văn Bơ (Q.4) bán đến khuya. Hết bán bắp, mấy chị chuyển sang leo xe lửa về Thủ Đức mua rau muống đem về chợ Calmette bán mỗi sáng. Còn tôi đội mâm bánh phục linh đến trước cổng Trường Khai Minh ngồi từ giờ ra chơi đến giờ học sinh tan học mới về.

Năm đầu của lớp 6 Trường Cô Giang (nay là Trường Thalmann), tôi chỉ học bữa đực bữa cái. Cho đến một buổi trưa, má tôi từ Bình Dương lên thấy tôi ngồi giữa nắng với mâm bánh trước mặt thì má quyết định: bán căn nhà ở Sài Gòn về quê sống.

Được hơn một năm thì nhà tôi ly tán: người ôm con theo chồng về Bến Tre, người được phân công về Lâm Đồng, người nhận nhiệm sở ở Vũng Tàu. Má tôi lại theo người quen xuống Gò Công mua gạo và rượu nếp về bán kiếm sống qua ngày. Tôi một buổi đi học ở Trường cấp II Xuân Hiệp, một buổi cắt cỏ nuôi bò. Lớp phải nuôi mấy đứa con đi học, lớp phải dành dụm cho thêm mấy đứa con đi làm nhà nước - lúc đó chỉ được mấy đồng lương ít ỏi - nên đồ đạc trong nhà dần đội nón ra đi.

Tôi nhớ cái ngày tôi cứ chảy nước mắt mãi khi má đem con búp bê của tôi ra chợ Thủ Đức bán buổi sáng thì buổi trưa gọi ông mua đồ dạo vào để bán cái ly thủy tinh đặt trên bàn thờ ba tôi mà khi sống ông vẫn dùng. Cứ thế ngày qua ngày, cho đến khi trong nhà không còn món gì để bán. Không còn bò, tôi bắt đầu bán báo dạo, được đồng nào là mua vài lon gạo, cho đến ngày tôi thi đậu vào Trường Trung học Thủ Đức

Ngôi trường cách nhà gần tám cây số. Năm giờ tôi đã bắt đầu đi bộ đến trường. Những sáng cuối năm trời lạnh căm nhưng tới cổng trường áo tôi đã ướt đẫm mồ hôi, những buổi chiều mưa dầm ướt sũng nước. Chẳng mấy khi trong túi tôi có tiền, quần áo thì không có cái nào là không vá chằng vá chịt ở lưng áo. “Đói cho sạch, rách cho thơm” - má tôi luôn nhắc đi nhắc lại mỗi khi cả nhà quây quần bên nồi khoai bốc khói do má con tôi trồng.

Ngày ấy, tất cả khổ cực tôi đều chịu đựng được, nhưng có một điều tôi không thể chịu đựng được là ánh mắt thương hại của những người bạn trong lớp. Nhiều lần bạn bè đã ép tôi lên xe cho quá giang về đến gần nhà. Một cái ruột xe vá đi vá lại, vỏ xe bánh - ta - lông vẫn được khâu lại dùng nên ngồi ké xe bạn bè, dù ngồi trước hay sau, cũng là một cực hình với tôi. Trốn tránh bạn bè mãi - bằng cách đi học thật sớm và về thật trễ để không gặp ai - cũng không xong, mùa hè chuẩn bị lên lớp 11 tôi có một quyết định sai lầm là bỏ học !

Má tôi không nói gì. Thế nhưng má tôi hiểu hết. Mấy ngày sau má tôi đi đâu đó đem về một chiếc xe đạp màu xanh lá mạ, em tôi mới nói má đã xuống tiệm răng nhổ đi mấy chiếc răng vàng má làm từ lâu để lấy tiền mua xe cho tôi đi học. Tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào lòng vì biết má tôi đã đau đớn thế nào bởi khi đó làm gì có thuốc tê như bây giờ. Không có tiền trồng răng lại, miệng của má từ ngày đó móm hơn. Mỗi bữa ăn, nhìn má nhai cơm trệu trạo và khó nhọc, tôi nghe miệng mình đắng ngắt.

Từ đó, tôi cặm cụi học dù dầu thắp đèn hôm có hôm không. Chiếc xe đạp tôi tự sửa lấy mỗi khi hư và dùng nó đi mua gạo về bán. Lời thì ít mà hàng xóm mua thiếu mãi nên hết vốn. Tôi lại định buông xuôi. Thế nhưng nghĩ đến những chiếc răng vàng của má, tôi lại cố gắng vượt qua. Hết phổ thông rồi mấy năm ở trường ngân hàng và hơn 33 năm đi làm, tôi vẫn lấy câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” má vẫn thường nói để thẳng lưng đi tới. 

Tôi không bao giờ có thể là tôi ngày hôm nay nếu không có những chiếc răng vàng mà má tôi phải chịu đau đến tận óc khi cạy lấy ra ngày đó.

ĐỖ HUỲNH HOA.



Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2022

Cuộc sống: NGẪM... ! - Quan Võ st và giới thiệu.

 



NGẪM... !!! 

Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về cây chuối. Có một lần nhìn thấy một cây chuối có buồng, tôi hỏi ba tôi:

“Ba , trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”

“Chỉ một buồng duy nhất thôi con ạ.” - ba tôi trả lời.

Tôi ngạc nhiên về câu trả lời của ba . Tôi cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.

“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” - ba tôi nói thêm.

Về sau, tôi có dịp được nhìn một cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ, xác xơ và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình - chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá - để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hóa ra lâu nay hằng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Và bạn biết không, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, tôi nhìn thấy chồi non của một cây chuối mới. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu…

Hình ảnh cây chuối mang một quày chuối nặng trĩu không xa lạ đối với chúng ta ; nhưng có bao nhiêu người nghĩ rằng cây chuối chính là hình ảnh của người mẹ hiền. Ta chỉ nhìn những quày chuối to béo, nõn nà mà quên đi những thân chuối xác xơ, héo tàn. Có khi ta dành gần cả cuộc đời để đi tìm cái đẹp tận đẩu tận đâu mà quên những cái đẹp tuyệt vời ở gần bên ta...❤


SƯU TẦM. 

Câu chuyện xưa: HỌC TRÒ TIỂU HỌC - Đinh Trực.

 




HỌC TRÒ TIỂU HỌC NGÀY XƯA....!

*Khi người khác rót nước cho mình, đừng chỉ ngồi yên nhìn người ta mà hãy đưa tay ra nâng cốc, điều đó thể hiện phép lịch sự...!

*Khi người khác nói chuyện với mình, thì phải nhìn vào người đó và ít nhất cũng phải đáp lại người ta một câu cho phải phép...!

*Dùng bữa xong nên nói: “Tôi ăn xong rồi...!".

*Lúc ăn cơm nên cầm chén  lên, không được dùng đũa đảo lộn thức ăn, không gõ chén...!

*Người đi vào cuối cùng nên đóng cửa...!

*Rửa tay xong không nên tùy tiện vẩy tay, để nước bắn lên người khác sẽ rất bất lịch sự...!

*Khi đưa dao hoặc vật nhọn cho người khác, nên đưa phần chuôi hướng về họ...!

*Khi người khác nói chuyện với mình hãy chú ý vào người ta, đừng đảo mắt nhìn xung quanh...!

*Đừng bao giờ thấy người tàn tật mà bắt chước để làm trò cười như thế là thất đức, là tội ác...!

*Khi rót trà hay rót nước cho người khác xong, không nên quay vòi ấm về phía họ...!

*Đi, đứng, ngồi, nghỉ cần phải đúng tư thế, có phong cách khiêm tốn...!

*Nói được phải cố gắng làm cho được. Nếu không làm được thì đừng hứa...!

*Nếu trong phòng có người, khi ra ngoài nên đóng cửa nhẹ nhàng...!

*Khi đưa đồ cho người khác mà ở giữa cách một người, không nên đưa thẳng ra trước mặt người ta mà nên vòng qua phía sau...!

*Học cách dịu dàng và biết lắng nghe...!

*Đến chơi nhà người khác, đừng tùy tiện ngồi lên giường nhà người ta...!

*Ăn cơm cố gắng đừng phát ra tiếng...!

*Lúc nhặt đồ hoặc đi giày nên ngồi thấp xuống chứ đừng cúi người, khom lưng...!

*Khi bị chê trách, dù người khác có sai đi chăng nữa cũng đừng vội phản đối, nên đợi họ nói xong bình tĩnh lại  rồi hãy giải thích...!

*Làm việc gì cũng nên có điểm dừng thích hợp, đúng lúc dù đó là đang ăn món mình rất thích hay khi  tức giận một điều gì đó...!

*Đến nhà bạn ăn cơm nên chủ động cùng tham gia rửa chén hay xếp dọn bàn ăn...!

*Bạn đối xử với người khác thế nào, người ta sẽ đối xử lại với bạn như vậy...!

*Học hành là chuyện cả đời. Chỉ học kiến thức trong sách thôi là chưa đủ, phải học cả kiến thức xã hội. Thực tế cuộc sống luôn phức tạp hơn những gì bạn được học...!

*Khi lau bàn hay gom thức ăn thừa trên bàn nên lau hướng về phía mình...!

*Đừng khạc nhổ hoặc vứt rác bừa bãi. Nếu nơi đó không có thùng rác, hãy cầm rác về vứt vào thùng rác nhà mình...!

*Bất kể trong hoàn cảnh nào cũng nên đánh răng cẩn thận, đặc biệt là vào buổi tối...!

*Tuyệt đối đừng bao giờ bỏ bữa sáng. Nếu không ăn sáng thì cũng phải uống nước hoặc uống sữa...!

*Phép lịch sự nên áp dụng đối với tất cả mọi người, bất kể đó  là người lớn tuổi, là nhân viên phục vụ hay là cô chú lao công bên đường...!

*Gặp đám tang đi trên đường, phải dừng lại, đứng nghiêm, im lặng, ngả mũ ra chào...!

*Gặp người lớn tuổi cần qua đường, phải giúp đỡ...!

*Trên đường đi học hay đi chơi, nếu thấy lính tráng hay người lớn đứng nghiêm chào cờ thì phải đứng lại, nghiêm trang, giở nón cùng chào cờ cho xong mới đi tiếp...!

*Khi đưa hay nhận đồ phải giơ cả hai tay...!

*Phải biết nói: "Cảm ơn" khi người khác giúp đỡ. Phải biết nói: "Xin lỗi" khi lỡ làm phiền người khác...!

*Khi gặp người già cả, tàn tật muốn qua đườnghay xách đồ nặng thì nên giúp đỡ họ...!

*Trên đường đi, nếu gặp Thầy Cô trong trường thì phải đứng lại, khoanh tay, "Con (Em) chào Thầy...!".

*Đến lớp học, vì không học bài, làm bài chưa xong..., bị Thầy Cô phạt (đánh đòn), về không dám nói lại với Cha Mẹ. Và Cha Mẹ không bao giờ vào trường "nói chuyện phải quấy" với Thầy Cô. Có chăng là lời cám ơn vì đã dạy dỗ cháu nên người...!

*Học trò đa phần đều sợ và kính Thầy Cô hơn Cha Mẹ khi còn đi học...!

*Dưới "con mắt" của học trò Tiểu học, Thầy Cô là người thông thái và biết tất cả mọi điều trên thế giới...! Chỉ có một "cái miệng", Thầy thao thao bất tuyệt mọi chuyện trên đời. Chỉ có một viên phấn trắng, Thầy nhẹ nhàng giải bài Toán đố mà cả lớp không giải được, chỉ những viên phấn trắng, màu thôi. Thầy dẫn học trò đi khắp đất nước Việt Nam, Thầy giảng về đường tiến quân của Trần Hưng Đạo, Quang Trung đánh tan giặc Tàu xâm lược, dẫn đường tháo chạy của giặc... Chỉ viên phấn thôi, Thầy cho học trò biết nguyên nhân của mưa?, cây xanh lớn lên như thế nào?, vẽ những con vật quen thuộc trong chớp mắt, khoanh hai nửa vòng tròn trái đất thật đẹp trong một nốt nhạc ..., dưới sự kính nể, khâm phục của học trò...!

"Mai mốt tao lớn lên, học giỏi để làm Thầy giáo...!"- Đó là lời ước nguyện của chúng tôi...!

*Trước khi đi học, cũng như lúc đi học về, phải chào Cha Mẹ mới là con ngoan và phải phép...!

*Ở lớp học, Thầy luôn dạy: Nếu mỗi cá nhân các em biết quí mạng sống của mình, thì không thể xem thường mạng sống của kẻ khác...!

*"Hãy cố gắng học thật giỏi..., để sau này lớn lên sẽ được thành Nhân thành Danh...!"- Đó là lời của Thầy-Cô luôn dạy học trò...!

Đinh Trực

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Thế giới: HÃNG HÀNG KHÔNG AN TOÀN... - Lương Thái Sỹ.

 




HÃNG HÀNG KHÔNG AN TOÀN NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2022 

​​(LƯƠNG THÁI SỸ-7.1)

*

     Danh sách “Các hàng không an toàn nhất thế giới năm 2022” (The world's safest airline for 2022) vừa được công bố, trong đó Air New Zealand đứng đầu Top 20. Qantas của Úc nhiều lần vô địch nay rớt xuống hạng 7!

​​            O O O O O O

     Năm 2021 tiếp tục là năm vô cùng khó khăn đối với các hãng hàng không thế giới khi sự sụt giảm về du lịch đường không tiếp tục diễn ra trong suốt năm do tác động của đại dịch tái đi tái lại. Hai năm sau khi Covid-19 xuất hiện, số chuyến bay và hành khách đi máy bay vẫn rất khiêm tốn. Hết Alpha đến Delta và nay là Omicron thống trị các cuộc thảo luận về an toàn hàng không, dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong danh sách hàng năm các hãng hàng không an toàn nhất thế giới của AirlineRatings.com, một trang web uy tín về đánh giá sản phẩm và an toàn hàng không thế giới. Năm nay, hãng hàng không New Zealand Air New Zealand nhảy lên đứng đầu bảng dựa vào khảo sát 385 hãng hàng không trên toàn cầu, dựa vào chấm điểm các yếu tố như hồ sơ tai nạn, sự cố nghiêm trọng, tuổi của đội máy bay, cũng như các qui định an toàn Covid- 19 và đổi mới hoạt động. Theo Geoffrey Thomas, tổng biên tập của trang web có trụ sở tại Úc này, hãng hàng không mang cờ của New Zealand được trao giải nhất “do thành tích xuất sắc về an toàn, mức cải tiến buồng lái, đào tạo phi công và độ tuổi rất thấp của đội máy bay”. Etihad Airways (hãng hàng không quốc gia của Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất-UAE) hạng hai, trong khi Qatar Airways hạng ba. Singapore Airlines và TAP Portugal hạng tư và hạng năm. Đáng chú ý thiếu vắng trong top 5 là Qantas, hãng hàng không đã giữ danh hiệu an toàn nhất thế giới từ 2014 đến 2017, và từ 2019 đến năm 2021 (không có người chiến thắng trong năm 2018). Hãng máy bay mang cờ Úc này chiếm vị trí thứ bảy do “sự cố tăng nhẹ cùng với độ tuổi của đội máy bay” (Tháng 10.2021, một chiếc Qantas Boeing đang đi từ thành phố Perth đến Adelaide ở Tây Úc thì phải chuyển hướng do mất cân bằng nhiên liệu, một vấn đề được xem là “nghiêm trọng”). Thomas giải thích: “Hai năm qua là vô cùng khó khăn đối với các hãng hàng khi hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng do Covid nên các biên tập viên của chúng tôi đặc biệt tập trung vào khoảng thời gian các hãng hàng không dành cho việc huấn luyện lại phi công trước khi hoạt động trở lại. Air New Zealand dẫn đầu đào tạo lại với qui mô lớn. Hãng cũng dẫn đầu thế giới về tăng cường an toàn bay hành trong bốn thập kỷ qua. Trong các sáng kiến ​​khác nhau của hãng có cả việc gần đây trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thử nghiệm sử dụng công nghệ Assaia Apron AI để cải thiện thời gian bố trí máy bay của mình. Nói chung, Air New Zealand đã xuất sắc khi để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất về an toàn bay và chăm sóc rất tốt phi hành đoàn, những người phải làm việc dưới áp lực đáng kể thời Covid”.

      Thường thì AirlineRatings chỉ nêu tên người chiến thắng (về đầu), danh sách còn lại liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái. Nhưng gần đây trang web đã chuyển qua xếp hạng từng hãng trong Top 20 và nêu rõ những lý do thăng hoặc xuống hạng. Ví dụ, Emirates từ hạng 5 trong danh sách 2021, nay xuống hạng 20 trong khi Southwest Airlines từ hạng 13 rơi khỏi top 20 mới. AirlineRatings.com cũng công bố danh sách “Các hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất thế giới” nhưng liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái vì “đồng hạng”. Đó là: Allegiant Air, easyJet, Frontier Airlines, Jetstar Group, Jetblue, Ryanair, Vietjet Air (hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam), Volaris, Westjet và Wizz Air. Sau đây là danh sách đầy đủ “Các hãng hàng không an toàn nhất năm 2022” của AirlineRatings.com:

1. Air New Zealand

2. Etihad Airways

3. Qatar Airways

4. Hãng hàng không Singapore

5. TAP Air Portugal

6. SAS

7. Qantas

8. Alaska Airlines 9. EVA Air

10. Virgin Australia / Virgin Atlantic

11. Cathay Pacific Airways

12. Hawaiian Airlines

13. American Airlines

14. Lufthansa

15. Finnair

16. KLM

17. British Airways

18. Delta Air Lines

19. United Airlines

20. Emirates

Xứ người: PHIÊN TÒA NGÀY 30 - Trần Mộng Tú.





 PHIÊN TOÀ NGÀY 30

•Trần Mộng Tú


Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên. Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30 Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử đã định ngày. 


Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa.


Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ biết bà là người có nhà cho thuê phòng. 


Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở đến xem phiên tòa xử bà Hằng.


Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà này.


Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng:


- Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu. Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo chí, máy truyền hình. 


Trong tám năm có kẻ ra người vào. Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về. Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào. Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già.


Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách trọ: Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70, một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn năm.


Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi cơn ác mộng.


Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những giấc mơ đêm trước.


Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường. Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi tiểu bang khác. Một người con ở gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con.


Chánh Án:


- Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già 70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không?


Nguyễn Thị Hằng:


- Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló đầu vào.


Trần văn Định:


- Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ:


“Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.” 


Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng.


Chánh Án:


- Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không?


Nguyễn Thị Hằng:


- Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều gọi tên bà Vân này.) Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật.


Chánh Án:


- Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà. Bà làm như thế này mấy lần rồi?


Nguyễn Thị Hằng:


- Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn với cả ba người khách trọ kia nữa.


Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất, ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ. 


Trần Văn Định: 


- Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi.


Chánh Án:


- Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho 

ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ?


Nguyễn Thị Hằng:


- Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho thuê phòng trong nhà tôi:


•Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi, hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực. Có khi tôi làm vợ ông, vào nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối, rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.” 


Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi.


•Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình. Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ. 


Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay. Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước. Không phải nước biển mà là nước mắt. Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ, nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: "Bé Mi hay Bé Na đấy?" Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi.


•Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất lai Mỹ đen, thì lúc nào cũng cần mẹ. Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô 

nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi.


Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống lên gọi mẹ.


Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên.


•Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là công việc làm ăn rất bận. 


Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến.


Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình, nói như chỉ để nói với bốn người đó:


- Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước.


Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt.


Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác.


Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát ra từ buồng ngủ của khách trọ.


Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa.


Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ. Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải thắc mắc tự hỏi: "Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?"


Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định, báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn.


Có người biết chuyện, kể lại rằng: "Ông Trần Văn Định, sau đó coi như giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa. Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ.


Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con bỏ rơi trên quê người."


•Trần Mộng Tú


Đời người bi kịch tha hương

Lòng sao cảm thấy vừa thương vừa buồn.

Tản mạn: TÁM PHỐ SÀI GÒN - Sưu tầm.

 





TÁM PHỐ SÀI GÒN XƯA

        

1.Trong một lần “trà dư tửu hậu” có đủ các tay văn nghệ sĩ của cả ba Miền nước Việt ở 81 Trần Quốc Thảo, một anh Bạn bỗng cao hứng ngâm mấy câu thơ :

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…

Tám phố Sài Gòn, Nguyên Sa

  Rồi đặt câu hỏi với mọi người: 

- Theo nhà thơ Nguyên Sa thì Sài Gòn có… tám phố, vậy mấy Ông ở Sài Gòn lâu năm có biết đó là tám phố nào không?

Cuộc cãi vã, tranh luận ì xèo nổ ra, nhưng rốt cuộc cũng chẳng Ông nào, Bà nào xác định đủ Sài Gòn có bao nhiêu phố? 

2.Khác với Hà Nội xưa được mặc định với 36 phố phườngvà gắn với cái tên “Hàng” như Phố Hàng Bạc, Hàng Thau, Hàng Đào… Sài Gòn được thành lập từ năm 1698 với tên là Phủ Gia Định, và sau này trở thành “Đô thành Sài Gòn”, Thủ đô của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, song cũng chẳng có quy định nào về phân chia cụ thể từng phố, ngoại trừ khu vực tập trung về văn hóa và giải trí ở quận Nhất, bao gồm các con đường lớn như Bonard - Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ, kéo dài từ rạp Rex đến chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa thời bấy giờ là những địa điểm tấp nập nam thanh, nữ tú, người dân khắp nơi đổ về dạo chơi mua sắm vào mỗi chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật thời bấy giờ và đó cũng là khoảng thời gian mà nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ “Tám phố Sài Gòn” , khoảng cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Bài thơ được ông Nguyễn Đình Vượng đăng trên báo Văn, tờ tạp chí có uy tín nhất về văn học lúc đó ở miền Nam.

  Tám phố Sài Gòn” được tiếp nối với khổ đầu mà anh Bạn văn nghệ vừa ngâm nga là “Sài Gòn phóng solex rất nhanh”, rồi ở khổ thứ ba là “Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm”. Đấy là “Thư viện Quốc gia” nằm ở đường Gia Long , nay là Lý Tự Trọng, thu hút rất đông những người trí thức, sinh viên, học sinh đến đọc sách và cũng là thú vui thanh nhã của người Sài Gòn. Ở khổ thơ thứ tư, Nguyên Sa viết “Sài Gòn tối đi học một mình”, chỉ về thời gian và chắc nhắc đến các lớp học ngoại ngữ, vì lúc đó Sài Gòn rất ít nơi học thêm và cũng ít người học thêm.

Rồi Ông chuyển sang “Sài Gòn cười đôi môi rất tròn”, “Gối đầu trên cánh tay”, “Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa”… là những trạng thái tâm lý tình cảm của những con người yêu nhau và cái chính là họ “Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard”, một đại lộ chính, trung tâm như đã nói ở trên để đến rạp Rex, Vĩnh Lợi, hay ghé thương xá Tax, vào các quán bar hay vũ trường lả lướt bay bướm trong các bước nhảy tân kỳ của lớp trẻ bấy giờ… Để rồi cuối cùng ở khổ thơ thứ tám nhà Thơ viết: 

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng/ Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân/ Lưng trời không có bầy chim én/ Thành phố đi về cũng đã Xuân….

Rõ ràng, toàn bài thơ cũng chẳng nói đến cụ thể một phố nào cụ thể ở Sài Gòn, ngoại trừ tên đại lộ Bonard lúc ấy người Sài Gòn ai cũng biết!

3.Phải đến hôm nay, khi ngồi viết về thơ Nguyên Sa, ngẫm nghĩ về người Thầy giáo dạy Triết Trần Bích Lan, cùng những giai thoại về Ông, cùng nguyên nhân ra đời của bài thơ cũng rất hóm hỉnh, khi ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn, đề nghị nhà thơ Nguyên Sa viết bài cho tạp chí với yêu cầu “viết về Xuân” Ý cho báo Xuân, sau đó lại mở rộng ra là… “viết gì cũng được”.

Nguyên Sa đã viết và  nộp bài thơ “Tám phố Sài Gòn”, gồm tám khổ thơ, 32 câu thơ và duy nhất chỉ có câu thơ cuối cùng có một chữ “Xuân” - Thành phố đi về cũng đã Xuân và chợt ngộ ra trong những câu chuyện rất… tiếu lâm của nhà thơ khi kể chuyện cho học sinh trong giờ dạy Triết, Ông hay sử dụng từ “bát phố”, có nghĩa là “đi chơi phố, đi dạo phố” , người Sài Gòn thấy hay hay nên cũng nói theo. Mà “Bát” là từ Hán Việt, Có nghĩa là “rời, ra khỏi nhà, đồng âm với từ “Bát” có nghĩa là “tám”, bài thơ cũng có “tám khổ” do đó nhà thơ thuận tay đặt luôn là “Tám phố Sài Gòn”, tức dạo phố Sài Gòn, chứ Sài Gòn nào có “tám phố” mà tranh cãi.  

       - Đúng không mọi người?

Facebook TRANG VĂN  CHƯƠNG MIỀN NAM.

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Suy ngẫm: MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ - Sưu tầm.

 




MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ. 

*Mười một người trên một sợi dây thừng dưới một chiếc trực thăng. 

 Họ gồm 10 người đàn ông và 1 người phụ nữ. Vì sợi dây không đủ chắc để giữ tất cả họ, họ quyết định rằng một người trong số đó nên buông tay khỏi sợi dây.

 Họ không thể tìm ra ai buông sợi dây, vì vậy người phụ nữ nói rằng cô sẽ là người buông dây, vì phụ nữ quen từ bỏ mọi thứ để có lợi cho con và chồng mình, cho đàn ông mọi thứ mà không cần nhận lại bất cứ thứ gì, và đàn ông là người đầu tiên được Chúa tạo ra xứng đáng để tồn tại, bởi vì họ cũng là những người mạnh nhất, thông minh nhất và có khả năng lập những chiến công lớn...

 Khi cô ấy nói xong, tất cả các ông bắt đầu vỗ tay...!!! 

 Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh và sự thông minh của một NGƯỜI PHỤ NỮ.  

- Cang Huỳnh lược dịch từ tạp chí Cuộc sống thật đẹp.


UNE FEMME.

*Onze personnes étaient suspendues à une corde sous un hélicoptère.

C'étaient 10 hommes et une femme.

Comme la corde n'était pas assez solide, pour les tenir tous, ils décidèrent que l'un d'eux devait lâcher la corde.

 Ils ne réussissaient pas à déterminer qui.Alors la femme dit que ce serait elle qui lâcherait la corde,

 car les femmes sont habituées à tout lâcher en faveur de leurs enfants et époux,donnant tout aux hommes sans rien recevoir en retour, et que les hommes en tant que le premier créé par Dieu,

 méritaient de survivre, car ils étaient aussi les plus forts, les plus intelligents et capables de grands exploits...

 Quand elle eut fini de parler, tous les hommes commencèrent à applaudir...!!!

 Ne sous-estimez jamais   le pouvoir et l'intelligence d'une FEMME.

- La vie est Belle.


SƯU TẦM

Đọc thơ : HOÀI THƠM TÓC GIÓ - NVC

 

.


( Rất cảm ơn nhà thơ Thạch Thảo đã gửi tặng tập thơ. Không biết nói gì hơn, xin đăng lên MCHX blog một bài bình thơ sâu sắc và tuyệt vời của NVC )

    

 LẶNG LẼ MỘT MÌNH “HOÀI THƠM TÓC GIÓ”

(Đọc thơ lục bát trong “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo -

NXB Hội Nhà văn - 2021)


Tôi biết và đọc thơ Thạch Thảo cũng đã hơn chục năm rồi. Và, tôi cũng rất thích cách ngắt nhịp câu thơ vừa quen vừa lạ của thơ lục bát khiến cho từng câu thơ có sức nặng lan tỏa hơn cách ngắt nhịp bình thường. Những câu thơ tôi đọc đã lâu: “Lay phay gió/lâm thâm mưa//Tình buôn buốt/lạnh lưa thưa/ muộn chiều”(“Chiêm bao gặp người” trích “Mắt tình”) hay “Dáng hiên ngang/tóc bồng bềnh//lênh loang bóng/cứ rập rình/đêm mơ” (“Liu riu giọt nhớ” trích “Miền thương”). Đến hôm nay, cầm trên tay tập thơ “Hoài thơm tóc gió” của Thạch Thảo, tôi lại chỉ chú ý đến những bài lục bát trong tập. Có thể nói “Hoài thơm tóc gió” (NXB HNV, 2021) là tập lục bát vì thơ lục bát chiếm 67 bài trong toàn tập gồm 99 bài. Tôi đã chọn những bài lục bát để nói về thơ Thạch Thảo.


1. Mãi thương dáng núi ngọc ngà dấu yêu


Thơ là tiếng nói trữ tình; những lời riêng, bộc lộ tình cảm cá nhân nhưng lại chạm đến tâm tư tình cảm của nhiều người. Thơ của Thạch Thảo viết về tình cảm cá nhân, về gia đình, về cha mẹ, về người thân... là những câu thơ viết về những người cụ thể với số phận cụ thể. Một người cha:“ Bể dâu gục ngã chiến trường/ Ba hai tuổi sớm vô thường đời trai/ Biển ôm cha lịm hình hài/ Sóng ôm cha khóc, mãi hoài trở trăn”(Cha tôi), hoặc một người mẹ: “Bước đời trăm ngả liêu xiêu/ Gập ghềnh đá sỏi. Đánh liều phù du/ Dẫu ai bạc bẽo... cho dù.../ Lòng con có mẹ... lời ru ngọt lành” (Sao vừa nhớ thương); đó là người cha, người mẹ cụ thể của Thạch Thảo, nhưng đến khi:

Ngày của cha, bỗng nặng hồn

Xót xa con đứng bên sông... ngậm ngùi

Bao năm chinh chiến qua rồi

Vết thương chưa khép. Lở bồi... Nhớ cha!

(Ngậm ngùi nhớ cha)

Hoặc:

Mẹ giờ mây trắng cuối trời

Lòng con hụt hẫng, bời bời nhớ thương

Chung chiêng dâu bể vô thường

Bỗng dưng nhớ mẹ khôn lường mẹ ơi!

(Nghẹn ngào mắt thu)

Sẽ không còn là chuyện của một gia đình, một người cha của một cá nhân, cũng như một người mẹ của những đứa con dưới một mái nhà. Đó là nỗi đau chung của những người con không còn cha mẹ bên cạnh. Sức khái quát của thơ để người đọc còn tìm đến thơ vì điều ấy. Trong thơ Thạch Thảo, người đọc không khó để tìm ra những câu như vậy.  Khi nói về người thầy giáo của mình thì:

“Đâu đây sáo trúc la đà

Nhớ thầy bóng xế chiều tà lẻ loi

Thầy như mây trắng ngậm lời

Trầm hương lan tỏa cho đời chút vui”

(Chiều muộn)

Khi nhà thơ nói về người chị của mình nhưng những ai có chị đều chung một tâm trạng:

“Lòng em ngào nghẹn lệ tuôn

Đời chị tất cả cho chồng vì con

Chị người phụ nữ vẹn toàn

Trong em bóng chị mãi còn tôn vinh”

(Chị ơi)

Thơ của Thạch Thảo không chỉ quẩn quanh trong gia đình bé nhỏ mà cũng đã bước ra cuộc sống. Hiện thực cuộc sống của đất nước ta dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn bao cô gái “chưa thấy bình minh lên trên đất nước quê mình” mà “khóc thầm”:

“Lại thương đất nước quê mình

Sau chinh chiến chưa thấy bình minh lên

Lòng cô gái guộng buồn tênh

Biết ai chia sẻ. Mình ên... khóc thầm.”

(Gái quê ra phố)

Cũng như từ sau năm 1975, chuyện chùa chiền, tu hành không được ủng hộ; có lúc còn bị phỉ báng, đánh đổ nhưng dần dần được xã hội chấp nhận. Thạch Thảo lại hòa mình vào niềm tin chung của mọi người:

“Cửa thiền rộng mở ngõ tu

Thấy mình bé nhỏ, phập phù quỷ ma

Hương trầm thoang thoảng la đà

Cầu xin linh hiển Phật Bà độ con”

(Tịnh xá Hương Lâm)


2. Ngóng trông bóng nhạn trăng thề cũ xưa


Nói đến thơ Thạch Thảo mà không nhắc đến mảng thơ tình thì bỏ sót một khoảng tâm hồn đầy ắp yêu thương của nhà thơ rất nữ tính này:

“Có gì bối rối rất riêng

Xuyến xao khó tả chút duyên lặng thầm

Ai đem hạ đỏ ngấm ngầm

Trao em mộng mị lâm thâm mưa chiều.”

(Có ai yêu hạ như mình)

Trong tình yêu của người phụ nữ thì người yêu là tất cả. Người ấy sẽ cho nàng tất cả sự bình yên và hạnh phúc: “Chàng là tất cả an lành/ Mùa em xuân chín. Long lanh mắt chiều...”(Long lanh mắt chiều). Khi người phụ nữ đã yêu thì trăm ngàn băn khoăn, trăm ngàn câu hỏi, trăm ngàn trăn trở:

“Nghe mùa hú gọi trăm năm

Nghe đêm thao thức đằm đằm giọt khuya

Hỏi duyên ấy biết có gì

Hỏi người dưng, hỏi trăng thề có hay?”

(Chút riêng gửi gió)

Rồi, lại nữa... người phụ nữ đang yêu nhận hết những thiệt thòi, chấp nhận thua thiệt trong tình yêu để người mình yêu được hạnh phúc khi mình “ríu ran” để “san sẻ niềm vui”: 

“Bao nhiêu vụng dại khẽ khàng

Em xin nhận hết. Ríu ran, đứng ngồi

Không anh sầu héo mắt môi

Lấy ai san sẻ lở bồi niềm vui”

(Lở bồi buồn vui)

Khi yêu, người con gái có thể ghen tỵ với cả người không bằng mình từ nhan sắc đến cuộc sống. Thạch Thảo cũng không ngoại lệ: “Cháo hành Thị Nở có ngon?/ Mà làm xiêu vẹo tim son Chí Phèo/ Thơ em nhan sắc còn nghèo/ Làm sao nói hết đôi điều... thương ai!” (Thơ ngắn bốn câu). Bởi trong mắt nàng: “Chàng là mắt bão bình yên/ Cho em núp bóng thuyền quyên... lỡ mùa.” (Mắt bão). Nàng thấy tài năng và tâm hồn của mình quá bé nhỏ để giữ hạnh phúc nhưng không ai có thể ngăn cản được ước mơ: 

“Chút thơ nhạc, chút lở bồi

Lòng thăm thẳm gói cả trời hoài hương

Mái tranh, ngõ trúc, sân trường

Sông quê gió hát, bờ tường trăng soi”

(Đủ thương hết đời)

Hoặc là hờn trách vô cớ người mình yêu: “Biểu đừng thương nhớ người ta/ Sao chiêm bao cứ la đà... bóng ai/ Xa nào lăng lắc có hay/ Gọi tên... yêu dấu. Quắt quay... nhớ... và...” (Biểu đừng thương nhớ người ta). Dặn người khác “đừng thương nhớ người ta” mà mình thì: “Ai hay tình bậu khó quên/ Buồn lòng mãi gọi hoài tên một người” (Tình bậu khó quên). Nếu không “sáng nắng chiều mưa” trong tình yêu thì không thể là phụ nữ, không thể là Thạch Thảo:

“Chiều trôi trôi. Nghẹn... lỡ làng

Giận mình cứ giận. Thương chàng cứ thương

Lạy trời đất. Lạy mười phương

Cho con quên được tình vương kiếp nào”

(Anh tàn nhẫn lắm anh yêu ạ)

Và nàng thơ cũng gắng níu kéo mọi thứ trong vòng tay yếu ớt của mình để được yên bình trong vòng tay yêu: “Mượn thơ nắm níu xuân thì/ Mượn đàn dạo khúc từ ly dỗ mình” (May mà còn có chút yêu). Nhưng sự đời luôn nằm ngoài tầm tay của con người:

“Thoắt thành dâu biển đâu ngờ

Bão giông lũ giật. Tàn mơ mộng chìm

Mưa dầm giá lạnh khuya đêm

Gió lùa buôn buốt cứa mềm lòng đau”

(Lẽ nào không nhớ tui sao!?)

Trong tập “Hoài thơm tóc gió” có rất nhiều bài thơ nói về sự tan vỡ, chia ly, sự tủi phận của những người bị chia cách. Thạch Thảo viết về những điều “đứt ruột”  nhưng “đành” một cách nhẹ bâng:

“Dùng dằng ta nắm tay buông

Nghe chiều đứt ruột cuối đường từ ly

Đành thôi chẳng có duyên gì

Đành thôi tủi phận. Người đi không về”

(Dùng dằng sợi nhớ sợi thương)

Còn có thể làm gì được nữa khi tình yêu đã vỗ cánh bay xa. Ngồi đấy mà than thở, hờn trách, hay chấp nhận đều là những cung bậc tình cảm mà khi bị phản bội, khi bị hoàn cảnh phải chia cách là tình cảm bình thường của con người. Không hờn trách và xem đó là chuyện thường tình của cuộc sống để chấp nhận giữ kỷ niệm mà vui khi “Xa rồi bỗng nhớ quắt quay/ Bao nhiêu kỷ niệm tháng ngày còn nhau/ Chẳng hờn chẳng trách chi đâu/ Nhủ lòng nước chảy qua cầu. Vậy thôi!” (Ngậm ngùi nhớ quên)

“Dẫu gì chẳng trách ai đâu

Phận mình... chìm nổi, bể dâu vô thường

Thôi! Về nhặt lá mùa thương

Nghe xào xạc cũ còn hương... lụa là.” 

(Còn hương lụa là)

Cũng không thể dễ quên khi “Đêm nghe vẳng tiếng ai ca/ Ngỡ người thuở ấy yêu ta... vẫn còn.” (Ru đêm 2). Mọi người sẽ già đi, nhan sắc người phụ nữ sẽ tàn phai theo năm tháng nhưng tình yêu luôn luôn nõn xanh, trái tim luôn trẻ trung mà người xưa gọi đó là lòng chung thủy hay là sự chấp nhận: “Thôi về ru giấc chiêm bao/ Thấy mình chết đuối. Chìm vào lãng quên.” (Cuối miền phù vân):

“Bóng tình yêu đã xa rồi

Vẫn ngôi thần tượng. Đứng ngồi tôn vinh

Cuối mùa nhan sắc tội tình

Trái tim vẫn trẻ. Dẫu mình đã... xưa”

(Dẫu mình đã xưa)

Thôi thì cũng cảm ơn đời, cảm ơn người cho ta một tình yêu để thương, để nhớ, để đợi, để chờ cho cuộc đời thêm sắc màu, dẫu rằng kết cục như thế nào:

“Ơn người ta có câu thơ

Để thương nhớ để đợi chờ rất riêng

Cảm ơn tình dẫu không duyên

Vẫn đầm sâu giấc mộng hiền cỏ hoa”

(Cảm ơn)


3. Nợ duyên ngần ấy... cũng thừa... buồn vui


Tôi đã đi dọc đường thơ lục bát của Thạch Thảo trong “Hoài thơm tóc gió” nhưng không thể nói là đã kỹ và chính xác về mảng thơ này. Trong tập thơ còn nhiều bài thơ khác với nhiều thể loại cũng rất ấn tượng nhưng tôi lại bị hút hồn bởi sự trong veo, hồn hậu và đậm đà chất truyền thống của thơ lục bát. Thạch Thảo đã làm mới thể thơ lục bát với cách ngắt nhịp 3/3//3/3/2 đã làm người đọc hứng thú và cảm xúc được thăng hoa hơn. Cũng nhờ cách ngắt nhịp sáng tạo mà người đọc hứng khởi đi vào vườn hoa lục bát cũ xưa nhưng lại được làm  mới bởi Thạch Thảo. “Lệ tràn đêm/ ướt đẫm mi// Tủi duyên phận,/ buổi người đi/ chưa về// Những chiều hun hút sơn khê// Ngóng trông bóng nhạn/ trăng thề cũ xưa” (Còn mãi dại khờ)

Cuối cùng, từ gia đình đến người yêu đã là “Hoài thơm tóc gió” trong lòng Thạch Thảo, mặc dù:

“Dòng xanh lờ lững chảy xuôi

Cho tôi ném hết tình trôi sóng dìm

Ơ hay! Sông nước im lìm

Sao lòng giông bão, chết chìm riêng ta!”

(Dẫu thành kẻ lạ)

Tập thơ có đến 99 bài chắc chắn người đọc sẽ bắt gặp đâu đó vài hạt sạn về diễn đạt, về cũ mòn nhưng trên hết, “Hoài thơm tóc gió” là tập thơ tình đáng đọc. 

Cảm ơn nhà thơ Thạch Thảo đã tặng sách.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

NVC


Ai muốn đọc bản đẹp thì bấm vào liên kết này:

https://ngovancu.blogspot.com/2022/01/lang-le-mot-minh-hoai-thom-toc-gio.html

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Đó đây: GIẦY BỐT UGG... - Lương Thái Sỹ.





 GIÀY BỐT UGG HỒI SINH NGOẠN MỤC NHỜ ĐẠI DỊCH 

​​(LƯƠNG THÁI SỸ-25.12)

*

     Liệu xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ Y2K (đánh dấu chuyển giao Thiên niên kỷ 1000 sang 2000) có tái hiện với các mặt hàng chủ lực trong tủ quần áo cách nay 20 năm? Có lẽ đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bốt Ugg (Ugg boot), một đại diện của Y2K, từng làm mưa làm gió trở lại vinh quang trên thị trường thời trang thế giới. Kể từ khi doanh nhân người Úc Brian Smith bán thương hiệu vào năm 1995 với giá 15 triệu USD (tương đương 27,7 triệu USD hiện nay), doanh thu Ugg đã tăng vọt lên 1,5 tỷ USD (tờ New York Times đưa tin).

​​            O O O O O O

     +Nhìn lại ịch sử của Ugg

     Trong năm 2021, các phiên bản cải cách của đôi bốt Ugg da cừu màu be phỏ biến một thời đã được phát hiện trên chân của những người nổi tiếng như Hailey Bieber (người mẫu kiêm ngôi sao phim truyền hình Mỹ), Bella Hadid (người mẫu Mỹ), và những người có ảnh hưởng trên TikTok như Victoria Paris và Lauren Wolfe (hai người cộng lại có 1,6 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram). Trong một vlog Halloween tiêu đề “Ugg season”, Emma Chamberlain - một ngôi sao YouTube 20 tuổi, người gần đây đã tham dự Met Gala (Gala thời trang hàng năm ở New York) với tư cách là đại sứ Louis Vuitton - thú nhận với 11 triệu người đăng ký kênh của mình là cô đã quay trở về với quần vớ dài legging và đi ủng Ugg. “Tôi nghĩ mình đang biến thành một thứ mà mình chưa bao giờ nghĩ đến - cô nói, cười - Điều gì sẽ xảy ra với danh tính của tôi ngay bây giờ trong hai phụ kiện cổ điển này?”. Dù bạn yêu hay ghét chúng, bốt Ugg từ lâu đã trở thành phụ kiện “không thể thiếu” của nhiều người nổi tiếng. Vào những năm chuyển giao sang Thiên niên kỷ thứ 3 (2000), không có dịp nào quá trang trọng và không có cuộc tự tập nào quá bình thường để đôi bốt này xuất hiện. Sự hiện diện của chúng dường như xuyên suốt thời gian, không gian và phá vỡ mọi quy chuẩn ăn mặc. Bữa tiệc nào, trang phục nào, sự kiện nào cũng mang Ugg được. Vào năm 1996, nữ diễn vien Minnie Driver đã mặc một đôi bốt màu be cao cổ cho buổi ra mắt thảm đỏ bộ phim “Scream”, trong khi Leonardo DiCaprio, Julia Roberts, Beyoncé và Kate Moss bị bắt gặp làm những việc lặt vặt trong đôi giày vải thấp sũng nước của họ. Có những người mang Ugg nổi tiếng đến mức chỉ cần nhìn thấy Ugg bây giờ cũng đủ gợi lại những ký ức mạnh mẽ về nhóm “môn đệ” nhiệt thành với bốt của thập niên 2000. Phong cách quần jean cạp trễ, mũ phớt lệch tâm của Paris Hilton (ngôi sao chương trình thực tế kiêm người mẫu, doanh nhân) đã khắc sâu vào “phong cách bốt”. Nhưng câu chuyện của Ugg bắt đầu từ nhiều năm trước khi các tay săn ảnh của trang tin lá cải TMZ chụp được những bức ảnh mang Ugg trên một bãi biển đầy cát ở San Diego, cách xa những đại lộ đầy sao của Los Angeles. Chính vận động viên lướt sóng Úc Brian Smith đã thiết kế mẫu Ugg đầu tiên vào năm 1978 sau khi anh chuyển đến sống tại nam California. Màu sắc trang nhã không sặc sỡ, mềm mại và bo góc tròn trịa, Ugg lúc đó giống hệt với phiên bản sau này được các nghệ sĩ hạng A của Hollywood tôn vinh trong phong cách thể thao. Phát minh của Smith đã bị thị trường giày truyền thống “hắt hủi” vào thời điểm đó. Nhưng cộng đồng lướt sóng của SoCal (Nam California) đã nhanh chóng làm cho Ugg thích nghi với hoạt động của họ. Ủng được lót vải lanh có thể xỏ vào mà không cần vớ vì vải khô nhanh. Sau khi Ugg được “văn hóa lướt sóng” chấp nhận, Smith đã có thể tiến sâu hơn vào ngành công nghiệp quần áo thể thao. Phần lót trong ấm áp của giày được những người đam mê trượt tuyết và lướt ván tuyết chào đón. Đến thập niên 1980, lực lượng hâm mộ lớn nhất của Ugg là các đội khúc côn cầu (hockey) tại các trường trung học ở miền trung tây và miền đông nước Mỹ, tạo cú huých cho Ugg lan rộng trong môi trường sinh viên học sinh. Trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thoại tại nhà riêng ở San Diego, Smith nhớ lại: “Áp lực từ bạn bè đối với sinh viên học sinh lúc đó rất căng thẳng. Nếu bạn không có một đôi Ugg thời thượng, bạn sẽ không…cool!”. Bước sang năm 1990, Smith muốn đưá con cưng của mình được nhiều người đón nhận hơn. Trong khi ngồi trên máy bay, anh phát hiện một hành khách chăm chú nhìn vào tạp chí People với những ngôi sao điện ảnh. Lập tức anh quyết định phải đến Hollywood và thử đột nhập vào thế giới người nổi tiếng. Smith viết thư cho 400 nhà tạo mẫu thời trang xin tặng một đôi Ugg miễn phí cho bất kỳ người nổi tiếng nào quan tâm đến nó. Smith kể lại: “Lời đề nghị của tôi nhận được phản hồi tích cực của các diễn viên Neil Young, Brooke Shields, Tom Cruise và Kate Hudson”.

     +Công lớn của Oprah Winfrey

     Nhưng phải đến năm 2000, 5 năm sau khi Smith bán công ty cho tập đoàn giày dép da Deckers Outdoor Corporation tên tuổi, Ugg mới “nóng” lên thực sự. Bromley Group, một công ty tiếp thị ở New York do Deckers thuê, tiếp tục sử dụng chiến lược ve vãn những người nổi tiếng của Smith bằng cách đưa Ugg đến tận phim trường với hy vọng các ngôi sao có thể mang chúng giữa các lần quay cho thoải mái đôi chân. “Mục tiêu là để quảng bá cho một mẫu giày không trọng hình thức, tiện dụng, dễ mang như một món thời trang bạn có thể mang với cả một chiếc váy mini khi đi mua sắm” - Julie Nuernberg, người phụ trách quảng cáo của Bromley Group, giải thích tại Tuần lễ PR năm 2003 và 20 năm sau bà nhắc lại. Chẳng bao lâu, một chiếc váy mini và một đôi Ugg đã trở thành “đại diện nổi bật” của thương hiệu Deckers nhờ các nhà sáng tạo Y2K Nicole Richie, Britney Spears và Lindsay Lohan. Giống như bất kỳ thứ gì được tạo ra bởi một người đàn ông bị ám ảnh bởi sự nổi tiếng, số phận của Ugg phụ thuộc vào khả năng tìm được một người rất nổi tiếng quan tâm đến nó. Không phải chờ lâu, người đó chính là Oprah Winfrey, một ngôi sao Talkshow từng là nhân vật giải trí giàu nhất và có thế lực nhất nước Mỹ. Bà chú ý đến Ugg, đưa nó vào danh sách “Favorite Things” (Những thứ yêu thích của tôi) năm 2000, đồng thời tặng 350 đôi Ugg cho nhân viên và tiếp tục quảng bá nó cho hàng triệu khán giả trung thành theo dõi chương trình phỏng vấn truyền hình được yêu thích của bà. Smith nhận định: “Nike đã thành công nhờ phong trào chạy bộ, Reebok nhờ thể dục nhịp điệu, Zoom phất lên nhờ đại dịch, còn đối với Ugg, đó là nhờ…Oprah! Oprah đã đua Ugg ra toàn thế giới, thu hút hàng tỷ người”. Oprah tiếp tục vai trò “nhà vô địch” quảng bá cho Ugg suốt hơn 20 năm, kể cả bộ sưu tập Ugg màu được giới thiệu trên “Favorite Things” năm 2003 và phiên bản đính cườm năm 2010. Ngay cả “Favorite Things” gần đây nhất của Winfrey cũng có chỗ cho Ugg. Đối với công chúng toàn cầu, Ugg đã kết hợp hoàn hảo phong cách “off-duty” (nghỉ ngơi sau giờ làm việc) với phong cách SoCal trong các chương trình truyền hình như “Laguna Beach” và “The OC”. Từ năm 2002-2003, doanh số bán tăng 300%! Có người phải chờ hàng tháng mới nhận được đôi bốt đặt mua vì các nhà sản xuất cung ứng không kịp. Theo tờ New York Magazine số ra năm 2003, một đôi Ugg cũ được bán lại trên eBay với giá cao hơn giá gốc 200% . “Trên đường phố lúc đó, mọi thứ trông rất căng thẳng khi có những khách hàng phải ‘chiến đấu’ thật sự, thậm chí khóc lóc mới có được một đôi!” - một chủ cửa hàng nói với tờ báo. Nhưng khi nguồn cung bắt kịp nhu cầu và hàng giả được bán vô tội vạ trên kệ, Ugg coi như hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử”, phải chuyển từ “một phụ kiện mang chân sang trọng” sang “giày xẹp thông thường”. Thị trường trở nên bão hòa với những đôi bốt màu caramel. Sự tỏa sáng nhờ người nổi tiếng cũng bị lu mờ với sự thừa mứa khắp nơi của những người mang Ugg giả và nhái trên đường phố. Năm 2009, tờ Independent của Anh đã bỡn cợt khi gọi Ugg là “Đôi giày dành cho ai muốn lòi…mắt cá chân”. Ngay cả những ngôi sao như Sienna Miller và Cameron Diaz cũng không thể tạo cho Ugg chút ánh sáng mới nào. Kết quả, Ugg không còn là thời trang mà chỉ được sử dụng trong nhà, giống như đôi dép bình thường. Trong khi sự thoải mái của Ugg là không thể phủ nhận, nó không còn là dấu hiệu của “sự sang trọng môt cách giản dị, khiêm tốn” mà thay vào đó bị chê bai là “xuề xòa, bầy hầy đáng xấu hổ!”.

     +Hồi sinh ngoạn mục nhờ đại dịch

     Tuy nhiên, một thập kỷ trôi qua, thị hiếu lại một lần nữa thay đổi: các tìm kiếm trên Google cho từ “Ugg” đã tăng 90% vào tháng 11.2021. Smith hồ hỡi nói: “Gần đây tôi đã đến Paris và không thể tin được rằng mình đã nhìn thấy quá nhiều Ugg!”. Giống như thời kỳ phục hưng của Crocs (loại giày làm vườn bằng xốp gần đây lại bán chạy nhờ các ca sĩ Post Malone và Justin Bieber), đại dịch có thể là nguyên nhân giúp Ugg quay trở lại. Nói như Lucila Saldana, chiến lược gia về giày dép và phụ kiện tại công ty dự báo xu hướng WGSN thì “Sự thoải mái đã lên ngôi vua trong năm 2020 và 2021. Thời trang đơn giản ‘dễ tháo dễ mang’ được chú ý. Những đôi giày đi bộ, thoải mái mang ở nhà và bên ngoài với đầy đủ chức năng để làm những việc vặt đã bùng nổ như một sự chọn lựa về thiết kế và kinh tế trong thời kỳ đại dịch”. Đó chính là “cơn bão hoàn hảo” cho sự hồi sinh của Ugg. Một đôi giày mềm mại gợi lại những ngày đầu thập niên 2000, thời điểm có ảnh hưởng to lớn đối với thời trang và hồi sinh từ 2018. Hiện một nhóm nhà thiết kế thời trang cao cấp đang sôi nổi sáng tạo thêm cho Ugg để mở cánh cửa đón các nhóm khách hàng mới. Tháng 2.2019, nhãn hiệu đình đám bicoastal Eckhaus Latta đã tung ra thị trường những đôi giày Ugg mũi vuông tại Tuần thời trang New York. Năm 2020, nhà thiết kế thời trang danh giá người Anh Molly Goddard chế tạo bộ sưu tập Ugg ba món gồm giày cao đế thô màu chanh, dép len lông xù và giày bốt đính cườm. Tháng 10.2021, Thương hiệu thời trang cao cấp giá cả phải chăng Telfar đã được mời hợp tác để tạo ra bộ sưu tập Ugg, giúp tăng 94% lượng tìm kiếm “Ugg” trên Google trong 48 giờ (theo trang web thời trang Lyst). Đầu tháng này, nhà thiết kế người Trung Quốc Feng Chen đã phát hành một phiên bản Ugg có quai khóa. Dù không phải ai cũng thích phong cách mới mẻ của Ugg, các phiên bản giới hạn và quan hệ đối tác với thời trang cao cấp đã giúp giữ cho nhãn hiệu 43 tuổi này luôn tươi mới đồng thời duy trì tính độc quyền như liều thuốc giải độc nguyên nhân làm cho Ugg “chết” cách nay hơn 10 năm. Có vẻ chiến lược này đang phát huy tốt. Tìm kiếm Ugg trên trang Pinterest ở Mỹ trong tháng 12 đã tăng 60% so với tháng 1.2021. Dữ liệu cũng cho thấy tìm kiếm cụm từ “trang phục Ugg” tăng 300% ở Anh. Vậy người sáng lập có hối hận về quyết định từ bỏ một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng, đặc biệt là trước cơn sốt thứ hai đáng ngạc nhiên không? “Không! Tôi thực sự hạnh phúc - Smith nói – Và thích thú giống như dắt con gái xuống lối đi để lên bàn thờ ngày cưới. Tôi thực sự tự hào đã khai sinh ra Ugg. Nhưng tôi cũng biết rằng muốn giúp nó phát triển thỉ phải có bàn tay của nhiều người khác”.