Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Tản văn TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA - Huỳnh Văn Huê.



TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA.
 thay_huan_va_hoc_tro_nq-large-content

 Mùa Thu có thể là mùa của gió heo may về, của lá vàng gieo rắc nên ý nhạc vần thơ… . Nhưng mùa Thu cũng là thời điểm khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn biết bao mái đầu xanh: mùa tựu trường! 

   Thời đó năm 1963, tôi là một học sinh lớp cuối của bậc tiểu học trường làng, trường mang tên một xã cù lao bốn bề là sông nước của dòng Đồng Nai, – Cù lao phố Hiệp Hòa - riêng lớp Nhất, cả trường chỉ có hai: một lớp nam, một lớp nữ. Tuy làng chỉ cách trung tâm tỉnh khoảng 3 cây số, nhưng vào lúc ấy sao tôi thấy cái chợ Biên Hòa nó xa lắc xa lơ! 

   Từ lớp Năm đến lớp Nhất - tức là lớp 1 đến lớp 5 bây giờ - kết quả học tập cuối năm bao giờ tôi cũng lãnh thưởng hạng danh dự hoặc dưới một cấp là hạng nhất. (Nói ra chỉ là ôn lại kỷ niệm chớ không phải… khoe khoang gì đâu, vì bây giờ có khá nhiều học sinh VN rất giỏi – trong nước cũng như ở nước ngoài – đi thi các giải quốc tế đã đoạt được huy chương vàng, huy chương bạc…) Cái thời còn ít người được đi học, theo tôi nghĩ chỉ cần siêng năng cộng thêm chút… “sáng dạ” là có kết quả như vậy thôi. 

   Sau lớp Nhất là bước qua Trung học đệ nhất cấp gồm từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Tứ (lớp 6 đến lớp 9). Trước tôi, có một người anh và một người chị chỉ vì rớt thi tuyển ( hay vì lý do gì đó không nộp đơn thi ?) vào lớp đệ Thất trường công - duy nhất là trường trung học Ngô Quyền - mà đành phải… ở nhà, từ từ tính chuyện học trường tư sau! Nhắc lại để mọi người hiểu cho, đối với tôi - thật ra phải nói là cả đám chúng tôi - kỳ thi tuyển vào trung học này vô cùng quan trọng…

   Lúc đó học sinh trên tỉnh - trường tiểu học Nguyển Du tên tuổi - còn chưa chắc ai cũng được đến lớp luyện thi huống hồ là dân trường làng như tôi. Anh tôi mượn đâu được quyển “141 bài toán luyện thi đệ thất” đem về, vậy là tôi cứ cặm cụi giải cho thông thạo hết tất cả. Ngoài ra các môn như: Quan sát, Địa lý, Sử ký… cố gắng sao cho thuộc nằm lòng là được. Thật ra, thầy H.V.P là thầy dạy lớp tôi và cũng là thầy Hiệu trưởng, thỉnh thoảng có đạp xe một vòng đến nhà các “sĩ tử” học trò để nhắc nhở và kiểm tra xem tụi nhỏ học hành thế nào. Đối với gia đình và cả nhà trường nữa, tôi là một niềm hy vọng lớn lao. 

   Theo lẽ thường tình, nếu học sinh trường nào đậu nhiều, và đặc biệt trong đó có người đạt thứ hạng cao trong kỳ thi này thì đương nhiên trường đó sẽ nổi tiếng và biết đâu còn được khen thưởng nữa!? Riêng tôi về sau này, lớn lên một chút, khi hồi tưởng lại, tôi mới hiểu ra là lúc đó thầy P kỳ vọng rất nhiều vào… tôi.

    Ngày thi tuyển kết thúc, đã quá rõ sức học của các học trò mình, thầy P lại đi một vòng để biết thêm tình hình, khi gặp tôi thầy rất vui vẻ, phấn chấn, vì thầy biết độ khó của đề thi vừa rồi đối với tôi chỉ trên mức trung bình thôi.
 Nhưng rồi, đường đời không bằng phẳng và chuyện đời cũng không đơn giản… . Tôi thật thà và có cả chút vô tư (!) kể hết chuyện ở phòng thi cho thầy nghe.

   Gặp đề toán không khó lắm đối với mình, nhưng tôi vẫn làm bài theo trình tự hướng dẫn của thầy và những khuyên bảo của người lớn ở nhà. Làm bài trước ngoài giấy nháp, dò đi dò lại cẩn thận, sau khi thấy chắc chắn trúng rồi mới chép lại vào giấy (làm bài) thi! Xong xuôi hết, ước chừng còn dư thời gian khoảng hơn 15 phút, tôi đọc lại bài thêm lần nữa rồi sắp xếp bút, thước, các thứ ngay ngắn trước mặt và ngồi… khoanh tay chờ hết giờ! 

    Tôi không dám nộp bài vì trước khi đi thi mẹ tôi cũng đã dặn đi dặn lại rằng dù có làm xong bài sớm cũng ngồi dò lại, không được nộp sớm (!?). Cho đến tận bây giờ, dù người mất đã lâu, tôi cũng đã quá… trung niên rồi, nhưng vẫn không hiểu có phải vì như vậy cho… chắc chắn hay vì thể hiện tính khiêm tốn!?

   Chợt cô giáo gác thi đến bên hỏi tôi làm bài xong chưa mà ngồi im như vậy. Khi biết tôi làm xong rồi, cô lấy bài của tôi lên xem và ra khỏi cửa phòng thi, nhanh chóng thôi, cô ấy quay vào hỏi thêm rằng tôi học trường nào, cuối năm được xếp hạng mấy… (tôi thật thà có sao nói hết!). Sau đó, với vẻ mặt trang trọng, cô ấy cho biết tôi làm sai rồi, nên sửa lại như… thế này, thế này! (Chuyện “hiếm có” và cũng khó tin nhưng lại có thật vì chính tôi là người… trong cuộc! 

   Đâu có qui chế thi nào chấp nhận một loạt các hành động như vậy!?? Nhưng thôi xin chớ lo, vì kết thúc cũng có… hậu!)Tôi điếng hồn, tim đập loạn xạ, trong lòng phân vân cực độ! Rõ ràng mình đã làm đúng rồi! Nhưng sau cùng, liên tục bị áp lực trước những lời lẽ chắc nịch của cô giáo, đứa nhỏ nhà quê 11 tuổi trong tôi ngoan ngoãn vâng lời… . Tay cầm thước cẩn thận(!) tôi gạch bỏ các kết quả bài toán mình làm, nắn nót viết vào kế bên những con số khác do cô giáo “tốt bụng” chỉ dẫn!!
 Lần đầu tiên tôi thấy thầy tôi giận dữ, tức tối với tôi đến như vậy! Mẹ tôi buồn bã, xót xa, ba tôi mất đã mấy năm rồi, nếu không sau khi thầy về có lẽ tôi… no đòn!

   Thôi, thi tuyển mà làm sai một bài toán đố, trong khi môn toán lại có hệ số rất cao, vậy là chắc chắn… rớt rồi. Trong thời gian chờ kết quả, do có mối quan hệ bà con, bà thím ở một tỉnh lân cận muốn đón tôi qua nhà… chơi(!?). Một phần vì cũng đang buồn, và cũng cảm thấy mình có lỗi, tôi đành chấp nhận… .Qua đón tôi về, bà thím đã dẫn tôi đi bộ ước chừng đến hai mươi cây số, khi len lỏi đường làng, có lúc cũng được bước lên đường tráng nhựa, vì lý do cho đỡ… tốn tiền xe! 

   Được mấy ngày, lạ nơi, lạ chốn, làng Tân Khánh của tỉnh Bình Dương lúc đó heo hút, buồn hiu… .Tôi nhớ, sau cơn mưa đầu mùa khá lớn, mặt cái sân đất trước nhà trở nên phẳng lì, một mình lẻ loi hơn bao giờ hết, buồn tình lẫn nhớ nhà, tôi lấy nhánh tre vẽ trên đó hình ảnh cây cầu sắt bắc qua sông và bến nước trước nhà mình…! 

   Bà thím thấy tôi buồn, khuyến khích tôi theo cô – con gái bà, chỉ hơn tôi vài tuổi – ra đồng phụ trông coi đàn bò gần đến hai mươi con (Bà cũng thuộc hàng “giàu có” ở xóm này đấy!). Có lẽ đây mới là mục đích chính chuyến đi “chơi” của tôi? Nhưng tôi vẫn một mực đòi về, sau cùng – lúc đó theo tôi nghĩ- có lẽ biết không giữ được tôi, bà thím đành phải… chịu thua!

   Chỉ một ngày sau khi về nhà, tôi biết được thêm là bà thím mới vừa qua kể khổ với mẹ tôi, rằng tôi không “được việc” gì hết, và có lẽ vô tình bà tiết lộ về chuyện tôi vẽ trên mặt sân cảnh vật trước nhà mình. Mẹ tôi đã… rơi nước mắt! Nhanh chóng đề nghị để tôi mau mau được trở về nhà. Rồi kết quả thi tuyển vào lớp đệ Thất trường Ngô Quyền đã có nhưng cả nhà tôi không ai đi xem. Kết quả đã biết trước rồi còn gì ?! Nhưng ở đời có cái xấu nhưng vẫn còn có nhiều cái tốt, trong rủi có… may, thầy tôi đi xem kết quả cho cả hai lớp Nhất,về nói rằng tôi đã… đậu! Thật không thể tả hết được nỗi vui mừng của cả nhà. 

   Tôi đã đậu được vào trường Ngô Quyền! Nhưng vì sai một bài toán đố nên tôi đứng hạng 231 (trong câu chuyện, có thể có vài tiểu tiết tôi nhớ không chính xác lắm, nếu có như vậy, thứ hạng của tôi còn… thấp hơn nữa!) trong số học sinh trúng tuyển, tức là đứng trong tốp… cuối. Tiếp theo, thay vì theo nguyện vọng sinh ngữ chính là Anh văn, tôi buộc phải chấp nhận Pháp văn. Quá vui mừng vì thi đậu, cái việc thay đổi môn sinh ngữ lúc đó không quan trọng lắm, vì khi lên lớp đệ Tam sẽ học thêm sinh ngữ Anh Văn thôi. Hôm nay khi viết lên những dòng này, mùa Vu Lan tháng 7 âm lịch rồi đến Tết Trung Thu cũng vừa thoáng qua không lâu, những người con nào- dù mang trên ngực áo hoa hồng đỏ hay trắng- lại không nhớ đến mẹ của mình!

     Những ngày sau, không biết có nguồn tiền dành dụm từ lúc nào, mẹ tôi cùng tôi đi xe… ngựa(ngày đó tại Cầu Hang, nơi tiếp giáp quốc lộ 1, đầu làng cù lao Phố Hiệp Hòa cũng còn có xe “lam” nữa, khi gặp xe nào thì đi xe đó thôi) lên chợ Biên Hòa: mua cho tôi cái cặp màu đen bằng da một trăm phần trăm, vải vóc để may đồng phục, một đôi giày “săng-đan”, một đôi giày “bố” trắng (để mặc đồng phục toàn trắng chào cờ vào mỗi sáng thứ hai) sau cùng kết thúc bằng việc ghé vào xe mì “ông Mập”nổi tiếng ăn một tô mì ngon nhất trên đời. Riêng phần chụp hình tại tiệm Phạm Lung để làm hồ sơ nhập học đã có người chị chịu trách nhiệm dẫn tôi đi, xong xuôi có một bữa xem phim Ấn Độ tại rạp Vạn Khánh Hưng, khi ra về lại có thêm ly nước mía lạnh thật lạnh… .

   Về sau tôi mới biết - dù người không bao giờ nói-, mẹ tôi đã dành dụm sẵn tiền từ trước, vì đã rất tin tưởng con mình sẽ… thi đậu. Đến bây giờ tôi đã có15 mùa Vu Lan với hoa hồng trắng trên ngực áo… . Văng vẳng bên tai tôi từ đâu đó của tiềm thức, mấy câu thơ hình như(?) của nhà thơ Kiên Giang: “Mẹ già như chuối ba hương. –Như xôi nếp một, như đường mía lau”. Mẹ ơi! “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau” giờ biết tìm đâu!?

   Đến lúc gần nhập học cũng không lâu, tôi được biết thầy P có đến nhà gặp và nói với mẹ tôi, đại ý: “Thằng H đậu được là nhờ may mắn và cũng nhờ… học giỏi(?!). Vì học giỏi nên các môn khác và câu hỏi phụ trong đề toán có điểm cao, mới bù lại được bài toán đố! Và may mắn vì gặp giám khảo có tình và… tinh ý, khi thấy bài toán đố làm đúng 100% rồi lại còn cẩn thận gạch ngang để sửa lại, do vậy có thể vị này – hoặc cả hội đồng chấm thi - đã chấm điểm nới tay một chút chăng ?!”

   Việc đã qua rồi, dù sao tôi cũng trúng tuyển. Mùa Thu khai giảng năm học 1963 tôi đã là một học sinh Ngô Quyền! Chuyện… “tai nạn” trường thi lúc nào, thời nào cũng có thể xảy ra, khác chăng là mức độ và hậu quả mà thôi! Thời phong kiến vẫn có nhiều bậc tiền bối tài danh nhưng thi mãi, gặp hết chuyện này đến chuyện khác vẫn không đậu đó sao?! Hay như ngay thời của tôi có P.T.Th (Đệ Nhất B1, trong lớp ngồi gần Tr.h.Ph) là một trong những học sinh rất giỏi của lớp, ra thi bị… thí sinh bên cạnh giật bài thi sao đó mà đành phải rớt tú tài II một cách oan uổng! Với tôi vậy là còn may mắn hơn nhiều… .

   Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh.

   . Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta. Và còn biết bao kỷ niệm ngày xanh với bạn bè… . Rồi, cũng giản dị thôi, nhưng cũng… khó quên: con đường đến trường! Vì nhà ở bên kia cầu Rạch Cát, lúc đạp xe đến trường theo QL1, khi đến rạp hát Biên Hùng tôi phải lên một con dốc, người tỉnh lỵ Biên Hòa gọi là dốc dài, hay dốc … Ngô Quyền. Riêng có một nhà thơ đã thành danh, tài hoa nhưng… vắn số! – Nguyễn Tất Nhiên, cũng là cựu học sinh N.Q –Tôi nhớ con dốc có lẽ (?) đã được nhà thơ chân tình lưu dấu trong bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát : “Em hiền như ma soeur”
 “. . . . . . . .
 Đưa em về dưới mưa
 Xe lăn đều lên dốc
 Chở nhau tình mệt nhọc!
 . . . . . . . .”
  Trường Ngô Quyền và Thầy, Cô, bạn bè thân yêu ơi… ! Dốc dài ơi…! Dốc Ngô Quyền ơi…! 

 H.V.H (9-2010)

huynh_van_hue-content

(Huỳnh văn Huê vào đệ thất năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa… Nhân đây xin có lời cảm ơn đến N.Dung, BBT trang web NQ đã gửi cho tôi nguyên bài thơ “Ma soeur” của N.T.N)



Tản văn GIÀ ĐẦU CÒN MÊ... - Vũ Thế Thành.


CẬU BÉ THÔNG MINH - Trần Xuân Hòa sưu tầm và giới thiệu.




Bạn có biết bằng cách nào mà người ta có thể cho một quả ổi, táo, lê… vào trong chiếc chai để ngâm rượu không? Cậu bé lớp 1 trong câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi này!
Vừa qua, trên trang Webtretho, tài khoản Dangvi201 đã chia sẻ câu chuyện cậu bé sắp bước vào lớp 1, cùng mẹ đến công ty chơi và đã khiến cả sếp lẫn nhân viên ở đây phải “ngã mũ” khâm phục trước câu lời đầy sức thuyết phục. Câu chuyện được chia sẻ lại như sau:
Hôm qua con được nghỉ học nên em dẫn trai chuẩn bị vào lớp 1 lên công ty chơi. Vừa đúng lúc chị sếp up tấm hình này lên facebook và đố mọi người: Làm sao để nhét trái ổi này vào cái chai?Tất cả mọi người trong phòng nhốn nháo đi tìm câu trả lời và ấn tượng với một vài giải pháp vô cùng sáng tạo của một fbker:
– Dùng dao kim cương cắt bỏ đít chai nhét trái ổi vào sau đó hàn lại đổ rượu vào…
– Dùng phép thần thông của Tôn Ngộ Không đẩy vào….

Hahaha… mỗi đáp án đưa ra là một tràng cười đầy sảng khoái cho tất mọi người trong phòng trong buổi sáng đầu ngày, vẫn không có câu trả lời nào thuyết phục. Bỗng thằng con trai em la lên:
– Bỏ 1 hạt ổi vào sau một thời gian nó mọc thành cây, ra hoa kết trái, trái ổi to như trong hình… sau đó đổ rượu vào cái cây sẽ tèo mình lấy cái cây ra và còn lại trái ổi…
– Con biết rồi?
– Biết sao? – Mọi người đồng thanh hỏi
– Dạ, trái ổi lúc nó còn nhỏ á, mình cho vào cái chai và từ từ nó lớn lên xong mình hái trái xuống, đổ nước vô cái chai
Câu trả lời của con trai em khiến tất cả mọi người trong phòng đều đứng hình và công nhận có lý. Sếp em thì cứ tròn mắt nhìn con em rồi xuýt xoa khen (câu trả lời chính xác của sếp em ở cuối bài ạ):
– Con quá giỏi, quá thông minh. Mà vì sao con biết điều này, con đã nghe ai nói rồi hả?
– Dạ không ạ!
– Thế vì sao con lại nghĩ ra?
– Dạ vì hôm bữa mẹ có cho con xem hình con rùa bị sợi dây mắc ngang lưng khiến nó không lớn lên được, người cứ như bị chia đôi ra. Mẹ giải thích là lúc con rùa còn nhỏ, nó bị sợi dây mắc vào không ai giúp nó gỡ ra, cứ thế nó lớn dần lên với sợi dây buộc ngang bụng. Tự nhiên khi nãy nhìn hình trái ổi con bỗng nghĩ đến con rùa và con trả lời.
– Quá giỏi luôn, hôm nay cô thưởng cho con ăn gà rán nha!

Bà mẹ trong câu chuyện này cũng chia sẻ lại bí quyết dạy con của mình trước sự ngưỡng mộ của các đồng nghiệp, chị nói:
Thật ra em cũng không có bí kíp gì, một phần là tư chất thông minh con có sẵn, còn phần khác là do em:
+ Thường xuyên đọc chuyện, kể chuyện cho con nghe từ lúc con 3 tuổi. Khi con lớn thì mua sách cho con đọc, khuyến khích con đọc sách mỗi ngày chừng 15 – 30 phút. Em hay đưa con đi nhà sách lắm và cho con mua bất cứ loại sách gì con thích miễn là phù hợp với tuổi con.
+ Dành thời gian xem tivi cùng con, giải thích cho con cặn kẽ những gì con vừa thấy, vừa nghe. Ví dụ vụ con rùa. Em mở hình lên cho con xem, giải thích cho con hiểu vì sao con rùa lại bị như thế, xong sau đó nói đến vấn đề rộng hơn là việc bảo vệ mọi trường, không vứt rác thải bừa bãi như thế vừa khiến môi trường bị ảnh hưởng, vừa tội nghiệp những con vật khác không thể tự bảo vệ mình.
+ Không bao giờ từ chối bất cứ câu hỏi nào của con. Với bất kỳ câu hỏi nào của con em đều ngừng việc của mình lại trả lời. Câu nào biết thì trả lời, không biết hẹn lại trả lời sau, hoặc 2 mẹ con cùng tìm hiểu cho kỳ được mới thôi. Không bao giờ em nói không với con đâu ạ!
+ Giúp con phát huy khả năng tưởng tượng, sự liên tưởng. Với mỗi câu chuyện kể cho con, bao giờ em cũng đặt ra rất nhiều giải thuyết để con suy nghĩ và trả lời. Còn sự liên tưởng, xung quanh có rất nhiều cái ạ, các mẹ cứ chỉ vào bất cứ gì đó và hỏi con nhìn nó con liên tưởng đến gì, hoặc kể cho bé nghe một tình huống rồi hỏi bé xem sự việc đó giống với sự việc nào con đã từng thấy, từng biết. Nếu các mẹ chịu khó rèn con như vậy, khả năng liên tưởng, tư duy của con sẽ tốt lên từng ngày.
Giải đáp cho câu đố “Làm sao để nhét trái ổi vào cái chai?”. Thật ra, trái ổi non trên cây được người ta cho vào chai, treo luôn chiếc chai ở đó. Tới lúc trái ổi lớn và chín thì người ta cắt xuống, rửa sạch rồi cho rượu vào ngâm. Kỹ thuật này được khá nhiều người dân áp dụng để làm những trái dưa hấu thỏi, bưởi hồ lô…
Bảo Nguyên tổng hợp

Thơ HOA TÍM MỘNG MƠ - Hà Thu Thủy.



Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Thơ TÌM KỶ NIỆM XƯA - Phạm Văn Đạo.




Chiều nay gió thổi hây hây ,
Bên dòng sông vắng, nhớ ngày ấu thơ .
     Đi tìm về kỷ niệm xưa ,
Dòng sông năm cũ xa mờ còn đâu !
     Sông sâu nước chảy qua cầu ,
Gập ghềnh một chiếc thuyền câu lững lờ .
    Trăng vàng trải lụa như thơ ,
Cá tăm bóng nước mờ mờ xa xa .
     Dáng cây soi nước mượt mà ,
Tựa dòng tóc mượt lòa xòa đong đưa .
     Thương sao biết mấy cho vừa ,
Một vùng quê cũ đã mờ bóng mây .
             
 Biên hòa 6/8/15

Đoản văn ĐỪNG NHÌN VÀO... - Trúc Phạm sưu tầm và giới thiệu.



‘ĐỪNG NHÌN VÀO SAI LẦM MÀ QUÊN ĐI CỐ GẮNG CỦA HỌ

Có câu chuyện về chiếc bánh bị cháy, bạn đã nghe bao giờ chưa?
Một người phụ nữ phải làm việc 8h/ngày lại còn chăm sóc gia đình và làm hết mọi công việc của một người nội trợ! Một ngày nọ cô mệt nhoài với hàng tá công việc ở cơ quan khiến cô có cảm giác như kiệt sức! Về nhà cô còn phải dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn cho chồng và con của cô! Khi người chồng đón con từ trường về, cũng là lúc cho nướng xong mẻ bánh quy trong lò! Thế nhưng vì quá mệt nên cô đã để quên nó một lúc khiến cho một vài chiếc bị cháy!
Lúc ăn tối, đứa con quan sát xem có ai nói gì về những chiếc bánh cháy đó không nhưng chẳng có ai lên tiếng cả! Khi dọn bắt đĩa, người vợ ngỏ ý xin lỗi về những chiếc bánh cháy nhưng người chồng dịu dàng nói: có gì mà em phải xin lỗi chứ, hơn nữa mùi vị nhưng chiếc bánh ấy rất ngon! Người vợ mỉm cười hạnh phúc!
Khi đưa con đi ngủ, nó thì thầm hỏi bố nó: có thật bố thích ăn bánh quy cháy không? Không con ạh, anh ta nói với con! Nhưng hôm nay mẹ con rất mệt mà vẫn phải chuẩn bị bữa ăn cho bố con chúng ta! Không nên làm mẹ buồn mà một vài chiếc bánh cháy có ảnh hưởng đến ai đâu chứ!
Thế đấy, có bao nhiêu người không để ý đến một vài chiếc bánh cháy trên đĩa bánh? Không nhiều lắm phải không bạn! Cũng như vết mực đen trên tờ giấy trắng! Có lúc chúng ta chỉ biết nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm của người khác để rồi lên tiếng chỉ trích mà quên rằng họ đã cố gắng rất nhiều!“