Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Biên khảo TÚC CẦU CÓ NHỮNG TÁC DỤNG... - Người Xứ Bưởi.



Túc cầu có những tác dụng "kỳ diệu" khác ? 
 Môn thể thao túc cầu thường được đa số mọi người coi như một trò chơi giải trí thuần túy: "Mua vui cũng một giờ rưỏi thôi". Bởi vì trận đấu chỉ có 90 phút "phù du" thôi.
Thế nhưng cũng có một số nhỏ lại có quan điểm khác không coi đó chỉ là một trò chơi giải trí vì từ đó có thể có những tác dụng "kỳ diệu" khác.
Bản thân người viết từ thời thơ ấu đến nay đã là nhân chứng cho điều đó. Bởi vậy cuối tuần rồi đọc được một biên khảo của tác giả Nguyên Giácvới tựa đề "Tây Tạng, Phật Giáo và Bóng Đá" . Trong đó tác giả đưa ra một phân tích cho rằng cộng đồng tỵ nạn Tây Tạng "lưu giữ hồn nước cho thế hệ kế tiếp" qua 3 yếu tố, mà trong đó có môn thể thao túc cầu , bởi vì "khi quả banh lăn ra sân, già trẻ lớn bé đểu sôi nổi" (xem phụ đính 1 phía dưới bài) .
Đọc bài báo đó khiến người viết cảm thấy tâm đắc vì thấy có "thêm một người" nhìn thấu rõ tầm quan trọng của môn túc cầu, mà hiện nay đang gây sôi nổi trên thị trường đầu tư cũng như trên bàn cờ tranh chấp quốc tế.

Đam mê Túc cầu "hạ đo ván" Sức mạnh Tình yêu
1) Trong giải vô địch túc cầu Âu Châu Euro 2016 vừa qua có nhiều sự kiện thú vị đã xảy ra. Chẳng hạn không ai ngờ nổi là 2 hội tuyển Wales và Island được lọt vào thật sâu trong vòng tứ kết. Điều này đã khiến rất nhiều giới mộ điệu bị "kẹt" vấn đề thời gian khi phải ở lại thêm trên xứ Pháp cả tuần lể để ủng hộ hội tuyển nhà. Trong số đó có nhiều cặp tình nhân đã quyết định hủy bỏ ngày làm đám cưới từng dự định tổ chức trước ngày tứ kết.
Bình luận về sự kiện này một ký giả thể thao Âu châu "dí dỏm" cho rằng túc cầu quả có sức mạnh "vô địch". Bởi vì ai cũng từng biết tình yêu thì "khiếp đảm" lắm, luôn có lý lẽ riêng mà lý trí không thể nào hiểu nổi . Thế mà bây giờ phải giơ tay "đầu hàng" đành hủy bỏ ngày làm đám cưới trước sức hấp dẫn "kinh khủng" của môn thể thao túc cầu .
2) Trong giới mộ điệu lại thường xảy ra tình trạng đi coi đá banh mãi riết rồi "quen mặt bắt lòng" mê nhau rồi cưới nhau . Nhưng đôi khi xảy ra chuyện "trớ trêu" là fan của đội banh này "lỡ phải lòng" fan của đội banh "thù nghịch" . Thương nhau lắm rồi có thể "ly dị" nhau , nhưng tuyệt đối không bao giờ xảy ra vụ "thay mặt đổi lòng" bỏ không làm fan của đội banh nhà để đi "đầu quân" làm fan của đội banh khác . Hiện tượng đặc biệt kỳ lạ này chỉ tìm thấy duy nhứt trong tập thể hướng đạo sinh :  “Hướng Đạo một ngày, là Hướng Đạo suốt đời”. 

Túc cầu tạo "cơ hội" cho Tình yêu được "thăng hoa"
Hồi xưa đi xem đá banh ở sân vận động VN thì chỉ thấy khán giả toàn là dân "đực rựa" . Hiếm bao giờ thấy một bóng hồng "phất phơ tơ liểu" trong sân banh. Nói đâu cho xa, cách đây hơn chục năm thôi theo thống kê thì nam khán giả vẫn còn chiếm đa số, nên bán bia nhiều nhứt.
Nhưng từ khi xứ Đức tổ chức giải vô địch túc cầu World Cup 2006 thì tình thế hoàn toàn thay đổi và bước vào "khúc quanh lịch sử" . Giới phụ nữ khám phá ra một trò chơi mới "hấp dẫn 100 %" là rủ nhau đi coi đá banh và được dịp khoe "sắc" luôn. Họ tràn ngập trên đuờng phố xứ Đức xem các trận đấu qua các màn ảnh "đại vĩ tuyến khổng lồ" tại các  "public viewing". Ông bà mình xưa há chẳng nói cho đám con cháu "gái" biết: "tìm chồng ở chốn ba quân". Cầu trường chính đích là chiến trường và ba quân đúng là đám nam khán giả "ngu ngơ" vì mê mệt túc cầu.
Vã lại xứ Đức khi đó có một Nữ Thủ Tướng tên là Merkel rất "chịu chơi" khoái xuất hiện trong các giải túc cầu quan trọng và chờ khi đội banh nhà đá vô gôn là bả biểu diễn màn mừng rở "nhảy tưng tưng" thiếu điều muốn "tụt lưng quần" luôn. Có lẽ vì vậy giới phụ nữ khoái lắm cũng làm "y chang" và kết quả hiển nhiên là chiếm đa số trong khán giả tại cầu trường làm cho nước ngọt bây giờ bán nhiều hơn bia.

NQ01-Nhin lon trai banh
Trọng tài nhìn "lộn" chỉ thấy 2 trái banh mà không thấy gôn (EURO2012)

Dĩ nhiên sau mổi mùa đá banh hay giải túc cầu quốc tế thì con số cặp tình nhân quen nhau rồi thương nhau qua "môi giới" của "bà mai" túc cầu qua thăm dò thống kê cho thấy gia tăng khủng khiếp theo "cấp số cộng".

Thành công đường đời & đường tình với .... túc cầu 
Ở Âu Châu rất thích và rất trọng môn túc cầu , cho nên nếu biết "chút đỉnh" thì có lợi thế nhiều khi cần giao dịch ngoại giao trên đường đời .
Bản thân người viết đã biết nhiều trường hợp xảy ra như vậy. Điển hình là người em trai "kết nghĩa" đã trải qua và cho biết những cú làm ăn thành công bất ngờ và rực rở trong nghề nghiệp là nhờ biết đá banh & biết nói chuyện túc cầu "lưu loát".
Lúc ban đầu chúng tôi gặp gở quen nhau trên sân cỏ, sau đó cùng nhau trong "đội tuyển SV" hàng năm đi tham dự  Đại Hội Thể Thao VN tại Âu Châu và đoạt giải vào năm 1977 (xem Nguồn 1). Tốt nghiệp đại học mỗi đứa đi một nơi và lâu lâu kể cho nhau nghe những chuyện "đổi thay".
Nhờ đó được biết người em này có được một cô bạn đời VN tri kỹ nhờ rủ nhau đi coi đá banh . Bởi vì đi cruise (du thuyền) chung thì  "sức mấy"  mà dám nên cuối cùng "chịu" đi coi đá banh với nhau. Riết rồi quen nhìn cái cảnh mổi lần banh lọt lưới thì khán giả "hồ hởi" tha hồ ôm nhau "mi" nhau,  cô ta đâm bạo dạn cũng cho phép 1 rồi 2 rồi còn tình tứ "chổ nào cũng được" !

NQ01-Hoi Tuyen SV Stuttgart
Đội banh đoạt giải vô địch trong Đại Hội Thể Thao VN tại Âu Châu 1977
Sức mạnh "thực sự" của túc cầu
"Vô địch" hay không thì chắc còn "tuỳ người đối diện" , nhưng chắc chắn là túc cầu có rất nhiều ảnh hưởng "tuyệt vời" đối với hành tinh này . Không tin ư ? . Chỉ cần nghe một nhân vật được coi như có uy tín nhứt nhân loại phát biểu về túc cầu:
"Túc cầu giúp cho con người vượt thắng được quan niệm ích kỷ cá nhân để đạt được tình nhân ái huynh đệ và sống hài hòa trong cộng đồng nhân loại"
Đó chính là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI của Giáo hội Công giáo đã phát biểu ý tưởng trên nhằm ca ngợi vai trò hữu ích tuyệt vời của môn thể thao túc cầu trước giải túc cầu EURO 2012.
Về phía bên Phật giáo thì có nhân vật có lẽ hiện nay uy tín nhất thế giới là Đức Đạt Lai Lạt Ma, không những ca ngợi mà còn là fan của Hội tuyển quốc gia Tây Tạng và được trao tặng áo cầu thủ nổi tiếng số 10 của Pelé (xem Nguồn 2) . Biết Đức Đạt Lai Lạt Ma  thích môn thể thao này, nên "khi mẫu thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ trần năm 1981, dân Tây Tạng lưu vong ở Dharamsala đã khánh thành giải Gyalyum Chenmo Memorial Gold Cup (GCMGC) Soccer Tournament để tưởng nhớ bà với một cúp biểu tượng làm bằng vàng và bạc, trong đó có những viên đá nửa phần quý (semi-precious stones) "( xem phụ đính 1) .

NQ01-Tay Tang Dat Lai Lat Ma
Đức Đạt Lai Lạt Ma & Hội tuyển quốc gia Tây Tạng (lưu vong) 2011

Ngoài ra, ôi thôi còn biết bao cả trăm ngàn thí dụ "điển hình" từ cấp lãnh đạo số 1 cho đến dân ngu khu đen và hầu như cả nhân loại đều "mê mệt" vì môn thể thao "vua" này.  Chính vì vậy càng ngày môn thể thao túc cầu càng trở nên một yếu tố quan trọng cho cuộc đời này.

Túc cầu bảo vệ một dân tộc sống còn trước bạo lực Trung Cộng
Không biết có phải Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra đề nghị kiến thành lập Hội tuyển quốc gia Tây Tạng vào năm 2001 hay không , nhưng sáng kiến này quả thực là xuất sắc và khiến Trung Cộng phải nổi "cơn điên" làm áp lực tới tấp đến các quốc gia tiếp đón Hội tuyển này. Vì vậy khiến bộ mặt "xấu xa" của Bắc Kinh hiện ra rõ rệt cho cả thế giới thấy và cảm tình nồng nhiệt dành cho người dân Tây Tạng lưu vọng .
Thành ra sự sống còn & hiện hữu của dân tộc Tây Tạng trong dư luận thế giới cho đến nay cũng một phần nhờ những sinh hoạt túc cầu. Phải chăng Đức Đạt Lai Lạt Ma và ê kíp lãnh đạo Tây Tạng trong lúc "tu phước & tu huệ" sáng suốt đã tìm ra những phương cách hữu hiệu để chống trả được những mưu mô thâm độc của Trung Cộng muốn tiêu diệt dân tộc mình (xem phụ đính 2).

Có lẽ đó cũng là dụng ý chính của tác giả - Cư sĩ Nguyên Giác -, khi viết ở cuối bài:
"Đó cũng là những trận banh lưu giữ hồn dân tộc Tây Tạng… Bên cạnh những đỉnh cao của Phật giáo Tây Tạng.
Cũng là điều để suy nghĩ về những gì luu giữ được hồn nước Việt... khi phải sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ phương Bắc"
Đúng vậy, Việt Nam mình e rằng sẽ mất vào tay Trung Cộng như Tây Tạng từng "nếm mùi" cách đây 66 năm , nếu mọi người dân Việt không biết sáng suốt đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết.

Người Xứ Bưởi
     30/07/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét