Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Thơ : XIN GỌI MÂY VỀ - Phượng Huỳnh.



XIN GỌI MÂY VỀ.

Em vẫn là em tình vẫn đầy...
Vẫn còn mộng mị vẫn mê say
Vẫn hồn phiêu lãng ngoài sân vắng
Đợi nắng về tô sáng mắt ai...

Em vẫn là em vẫn đợi chờ...
Vẫn gom nhung nhớ dệt thành thơ
Vẫn ngồi khung cửa nhìn mưa đổ
Đếm những giọt sầu ngập lối mơ

Em vẫn là em vóc liễu gầy
Vẫn còn ngập ngượng vẫn thơ ngây
Vẫn thầm thì nhắn cùng cơn gió
Xin gọi mây về phủ tóc bay...

PHƯỢNG HUỲNH ( 6/2019 )

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Thơ : ĐƯỜNG HOA TIỄN BIỆT - Trần Lực.



(Hình sưu tầm trên mạng - Một con đường của một tỉnh miền Tây)

ĐƯỜNG HOA TIỄN BIỆT

Tôi không muốn nước mắt rơi
​Khi tình xa vời vợi
​Nên tôi đã kìm lại
​Không nói lời yêu em
​Ngày chia tay
​Tôi tặng em một đường hoa tiễn biệt...
​          Hoa rơi
​               con phố nhỏ
​          Chia tay buồn lẫn vào hồn
​Lỡ mai sương lạnh ai còn nhớ ai ?

TRẦN LỰC ( 2007 )

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Thơ : BÔNG HỒNG MÙA XUÂN - Lý Thụy Ý.





BÔNG HỒNG MÙA XUÂN

"Bán cho tôi một bông hồng đi, cô bé!
Đoá nào tươi còn búp nụ mịn màng."
Tôi ngước lên: "Xin ông chờ tôi lựa.
Một bông hồng vừa ý nghĩa, vừa sang!"

Khách mỉm cười: "Cô thật tài quảng cáo!
Thế... hoa hồng mang ý nghĩa sao, cô?"
Tôi bối rối: "Hình như người ta bảo
Nó tượng trưng tình nồng thắm vô bờ."

"Cám ơn cô! Giá bao nhiêu đấy nhỉ?"
Tôi lắc đầu: "Thôi, xin biếu không ông,
Một đoá hoa không đáng bao nhiêu cả
Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng."

Khách bỗng nhìn tôi, mắt như xoáy lốc.
"Cô bé lầm! Tôi không tặng người yêu.
Thằng bạn thân chiều qua vào nghĩa địa
Một bông hồng cho nó bớt quạnh hiu.

Nhưng cô bé phải nhận tiền tôi chứ!
Hoa cho không, rồi mẹ mắng làm sao?"
Tôi cúi mặt: "Xin gửi người xấu số,
Chuyện của ông làm tôi bỗng nghẹn ngào!"

Khách quay đi, áo hoa rừng đã bạc,
Dáng cao gầy khuất hẳn bóng chiều nghiêng.
Tôi bất chợt đưa tay làm dấu thánh
Mẹ giữ gìn cho người ấy bình yên!

Trời đầu xuân còn vương vương sắc lạnh,
Nắng vàng mơ, má con gái thêm hồng.
Tôi bâng khuâng nhớ đến người khách lạ.
Mình nhớ Người, Người có nhớ mình không?

Chiều hai chín phố phường sao tấp nập
Người ta vui từng cặp đẹp bên nhau.
Mắt tôi lạc... rồi bỗng dưng bừng sáng
"Phải anh không? Người khách của hôm nào?"

Tim đập mạnh sau áo hàng lụa mỏng,
Anh đến gần, lời nói cũng reo vui:
"...Sao cô bé... hàng hôm nay đắt chứ?
Còn nhớ tôi... hay cô đã quên rồi!

Hành quân xong, tôi vừa về hậu cứ,
Ghé ngang đây xin cô một bông hồng
Và mong cô cho tôi xin lời chúc:
"Rất mong ông làm người đẹp vừa lòng."

Tôi bỗng nghe như tim mình thắt lại,
Gượng tìm hoa, rồi trao tặng tay Người.
Khách nhìn tôi, mắt bỗng dưng dịu xuống,
Đầy đăm chiêu và nghiêm lại nụ cười:

"- Xin lỗi cô, nếu lời tôi đường đột,
Nhưng thật tình tôi không thể nào quên
Người con gái trong một lần gặp gỡ,
Nhớ thật nhiều... dù chưa được biết tên

Một bông hồng - như hôm nào cô nói:
Là tượng trưng tình nồng thắm vô bờ."
Tôi run tay, nhận hoa hồng Người tặng
Sự thật rồi... mà cứ ngỡ đang mơ.

Lý Thuỵ Ý
(Đăng trong Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Saigon 1968)

Thơ : LOÀI HOA MUỐNG BIỂN - Hà Thu Thủy.



LOÀI HOA MUỐNG BIỂN

Có chàng trai mang tên là Biển
Hẹn thề cùng cô Muống bên nhà
Họ yêu nhau như mây và gió
Cần nhau như sóng vỗ mạn thuyền.
Giông tố mang Biển vào vô tận
Muống thương sầu tan mộng phu thê
Từ đó có loài hoa muống biển
Tím ngọt ngào chung thủy đam mê
Lá xanh rờn nằm trên cát nóng
Hoa dõi về bát ngát trùng khơi.
Đọt vươn dài vòng tay mong ngóng
Ngoài khơi xa thương nhớ dáng người.
Theo tháng ngày mưa tuôn nắng cháy
Hoa tím buồn vẫn thế đợi trông
Biển sóng trào từ khơi xa ngái
Khắc khoải tìm nhau đá cũng mềm lòng.

HÀ THU THỦY ( 6/2019 )

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Chuyện phương xa : NƠI NƯỚC MỸ - St trên mạng.

    NƠI NƯỚC MỸ...

Chuyện ít biết có liên quan đến cái chết của nhà sáng lập Apple




Steve Jobs được làm phẫu thuật ghép gan vào năm 2009 – 2 năm trước khi ông qua đời. Và trước khi ca phẫu thuật được thực hiện, có một chuyện rất đáng ngẫm đã xảy ra.

Vào năm 2009, CEO của Apple khi đó là Steve Jobs được phát hiện mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Bác sĩ nói với ông rằng, cần phải lập tức làm phẫu thuật ghép gan mới có thể giữ được sinh mạng.
Steve Jobs đồng ý với phương án phẫu thuật ghép gan. Phía bệnh viện lập tức đăng ký cho ông tại trung tâm ghép gan California và chờ đợi nguồn gan.
Tuy nhiên phía bệnh viện thấy rằng, số người phải làm phẫu thuật ghép gan quá đông, nếu xếp hàng thì ít nhất, nhà sáng lập Apple khi đó phải đợi ít nhất là 10 tháng.
Để cứu chữa cho Steve Jobs một cách nhanh nhất có thể, bệnh viện đã tiến hành đăng ký cho ông ở các bang khác của nước Mỹ và việc này được luật pháp chấp nhận, mục đích là để tranh thủ từng giây, từng phút để cứu người bệnh.
Trong số các bang được phía bệnh viện đăng ký thì Tennessee là bang nhanh nhất, chỉ cần đợi 6 tuần. Và như thế, Steve Jobs là bệnh nhân cuối cùng trong số các bệnh nhân cần ghép gan trong vòng 6 tuần đó.
Đối với các bệnh nhân cần ghép gan, mỗi giây đều vô cùng quý giá. Và do đó, có người đã tìm gặp riêng viện trưởng của Viện Cấy ghép Bệnh viện Đại học Methodist ở Memphis, Tennessee nơi Steve Jobs sẽ phẫu thuật, hi vọng ông có thể dùng đặc quyền của mình một chút để nhà sáng lập Apple được làm phẫu thuật trước.
Thế nhưng nghe xong lời đề nghị đó, vị viện trưởng cau mày, nét mặt lộ rõ vẻ kinh ngạc. Ông nhún vai trả lời: "Tôi làm gì có đặc quyền để Jobs được làm phẫu thuật trước? Nếu để ông ấy làm trước, vậy thì những bệnh nhân khác phải làm sao? Tất cả các sinh mệnh đều bình đẳng kia mà?"
Người kia nghe vậy đành phải lầm lũi rời khỏi phòng của vị viện trưởng.
Lại có người tìm gặp thống đốc bang Tennessee - Phil Bredesen, hi vọng ông có thể giúp đỡ, sử dụng một chút đặc quyền của mình để nói với phía bệnh viện một tiếng, hoặc phê chuẩn một công văn để Jobs được làm phẫu thuật sớm hơn, nếu không, tính mạng của Jobs sẽ bị đe dọa. 
Phil Bredesen nghe xong, nụ cười trên gương mặt ông lập tức vụt tắt. Ông nghiêm nghị nói:
"Tôi làm gì có đặc quyền đó? Nói với bệnh viện ư? Hay phê chuẩn một công văn ư? Ý của anh là gì? Tôi không hiểu! Không ai có đặc quyền có thể cho phép ai làm phẫu thuật ghép gan trước, ai làm phẫu thuật ghép gan sau. Tất cả mọi sinh mệnh đều bình đẳng, mọi người chỉ có thể chờ đợi lần lượt theo trình tự mà thôi."
Rồi lại có người nói với Steve Jobs: "Anh xem có thể bỏ thêm chút tiền cho người có liên quan để họ sắp xếp cho anh làm phẫu thuật trước hay không?"
Steve Jobs nghe xong, ông cũng kinh ngạc không kém những người trước: "Điều này không thể được! Vậy chẳng phải là phạm pháp sao? Tính mạng của tôi và tính mạng của những người khác đều như nhau, mọi người chỉ có thể đợi theo đúng trình tự thôi!"
Không ai có thể giúp đỡ Jobs kể cả bản thân ông. Những người đang chờ đời ghép gan trước ông, có người là nhân viên công ty, có người là chủ gia đình, có người già, người thất nghiệp, họ cũng đều phải đợi theo thứ tự để được làm phẫu thuật.
Sinh mạng, với ai cũng thế, đều vô cùng quý giá
 Sáu tuần sau, cuối cùng Steve Jobs cũng nhận được một lá gan. Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi lâu, các tế bào ung thư của Steve Jobs đã di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể ông. Ca ghép gan chỉ kéo dài sự sống của ông được khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, ông không hề hối tiếc.
Trong 2 năm cuối đời, ông vẫn tiếp tục phát triển ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo cho Apple, cứ như thế cho đến phút cuối của cuộc đời.
Walter Isaacson – một nhà văn và cũng là một nhà báo người Mỹ đã nói rằng: "Sinh mạng không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, tất cả đều bình đẳng. Bình đẳng không phải là khẩu hiệu, càng khôi phải là sự trao đổi. Nó là biểu hiện sinh động nhất, cụ thể nhất trong cuộc sống này."
Cho dù bạn là ai, ông chủ một tập đoàn danh tiếng, người quét rác bên đường, hay một ông cụ đã ở tuổi gần đất xa trời, thì khi đứng trước sự sống và cái chết, ai cũng như nhau.
Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật ở đời. Vậy điều gì trong đời người mới là quan trọng? Chính là trong quãng đời được tạo hóa ban tặng ấy, ta đã sống như thế nào để sau này không phải hối tiếc, ân hận về những năm tháng đáng quý trọng đã đi qua.
Theo Trí Thức Trẻ

Người của hương xưa : ĐỜI NHẠC SĨ - St trên mạng.


Đám tang nghèo của nhạc sĩ Châu Kỳ, Thanh Sơn
Khác với những nhạc sĩ lớn trên thế giới, chỉ cần một bài hát nổi tiếng, có thể nhờ vào tiền tác quyền, sống sung túc đến cuối đời. Nhạc sĩ Việt Nam có hàng chục tác phẩm đi vào lòng công chúng, cái nghèo vẫn đeo bám đến lúc giã từ nhân thế.
Nhạc sĩ Thanh Sơn
Nhạc sĩ Thanh Sơn mất ngày 4.4.2012, sau 74 năm rong chơi cuộc đời. Ông mất tại nhà riêng, trước sự bất ngờ của người thân. Trưa đó, ông còn ăn tô bún bò và muốn ăn thêm vài chiếc chả giò…
Trước khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, ông là một ca sĩ. May mắn cho nền tân nhạc Việt Nam, Thanh Sơn đã không thành công trong nghề ca hát. Ông bắt đầu chuyển hướng sang sáng tác vào năm 1963.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông để lại cho đời hơn 500 tác phẩm, tiêu biểu như: Nỗi buồn hoa phượng, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Nhật ký đời tôi, Vầng trán suy tư, Hành trình trên đất phù sa, Đoản xuân ca, Màu hoa anh đào…
Những tác phẩm của ông có ca từ và giai điệu mộc mạc, gần gũi với đời sống, dễ hát nên được phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Đám tang của nhạc sĩ Thanh Sơn diễn ra trong một con hẻm nhỏ, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Quận Bình Thạnh). Giống như đám tang của nhạc sĩ Châu Kỳ, đám tang của vị nhạc sĩ Nỗi buồn hoa phượng cũng diễn ra trong cảnh nghèo.
Đêm khuya, khách viếng lác đác vài người. Một vài ca sĩ đến viếng, sau khi đi hát về tiện thể ghé ngang thắp cho ông nén hương. Một ông bạn già đến đưa tiễn bạn cho trọn tình nghĩa…
Trong đêm khuya thanh vắng, bà Lê Thị Hương, vợ nhạc sĩ Thanh Sơn chia sẻ: “Đến giờ này, tôi sống với ổng được 53 năm, có với nhau 7 đứa con, vừa trai vừa gái.
Tôi làm nội trợ, ổng viết nhạc bán cho ca sĩ, lấy tiền nuôi các con ăn học. Suốt cuộc đời viết nhạc, ổng không dư giả gì. Cuộc sống chật vật lắm”.
Theo lời người vợ hiền của nhạc sĩ Thanh Sơn, lúc sinh thời, ông sống tốt bụng và phóng khoáng với mọi người. Những ca khúc của ông, nhiều ca sĩ tự ý thu âm, không xin phép, không trả tiền tác quyền.
Ông không giận, so đo, chỉ cười: “Họ quý mình mới hát ca khúc của mình. Thôi kệ!”. Với những ca sĩ trẻ, chưa làm ra tiền, hầu như ông đều để họ hát miễn phí.
Lê Duy Lâm, người con thứ 5 của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Ba tôi nghèo nhưng tự trọng.
Bị tai biến mạch máu não, suốt một năm nằm liệt giường, kinh tế khó khăn nhưng ông không bao giờ than vãn. Trong cuộc đời nghèo khó của mình, tôi chưa bao giờ thấy ông thoải mái về tiền bạc”.
“Những ngày cuối đời, ba tôi rất sợ nghe nhạc. Nghe tiếng nhạc là ông sợ hãi, la hét. Ông chỉ muốn sự yên tĩnh. Trước lúc mất, ba tôi có ý nguyện muốn thiêu, thả tro cốt ra sông, không làm đám tang ồn ào, tránh làm phiền hàng xóm.
Và quan trọng, trong tình cảnh khó khăn, ông không muốn vợ con phải chạy vạy lo đám tang cho mình. Má và anh em chúng tôi phản đối, ông đành chấp nhận phương án lập mộ ở Bình Dương” – Anh Lê Duy chia sẻ.
Trưa ngày 5-4, khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ca sĩ Thanh Tuyền đã đến thẳng nhà của nhạc sĩ Thanh Sơn. Bà khóc và hát bài Nỗi buồn hoa phượng trong niềm xúc động khiến cho những ai có mặt đều không cầm được nỗi xót xa. Đến dự đám tang của nhạc sĩ Thanh Sơn còn có các nghệ sĩ: Thành Lộc, ca sĩ Phương Dung, Trang Mỹ Dung, Hương Lan, Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Trung Hậu, Trọng Phúc, Hà My…
Nhạc sĩ Châu Kỳ
Trưa ngày 6.1.2008, “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh gọi cho tôi nói: “Con ơi, chú Châu Kỳ mất khuya nay rồi. Con tìm địa chỉ giúp, cô chú đi viếng ngay. Thương quá, mới thấy đó mà mất rồi”.
Cuộc đời của vị nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng với nhiều ca khúc: Đón xuân này nhớ xuân xưa, Sao chưa thấy hồi âm, Được tin em lấy chồng… đã dừng lại ở tuổi 85.
Tôi đi viếng tang nhạc sĩ Châu Kỳ cùng vợ chồng ca sĩ Giao Linh. Hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra căn nhà của vị nhạc sĩ nổi tiếng ở Thủ Đức. Đó là một căn nhà nhỏ rất bình thường, nằm trong một xóm lao động.
Không biết có phải do ông vừa mới mất hay không, khách đến viếng rất thưa thớt. Ngoài ca sĩ Giao Linh có mặt, gần như không thấy một nhân vật nổi tiếng nào.
Chiếc quan tài đơn sơ nằm ở gian chính căn nhà nhỏ, chật hết lối đi. Trước sân nhà, bày ít bàn, ghế. Trên bàn là một bình trà, ít bánh men để khách đi viếng dùng. Đám tang hiu quạnh, vắng người… chỉ có điều không buồn như những đám tang khác.
Theo ý nguyện của nhạc sĩ Châu Kỳ, trong đám tang mở những ca khúc do ông sáng tác, thay cho tiếng đờn cò, gõ mõ não nùng.
Và một điều nữa: Tuy có cuộc sống không dư giả, nhưng ông dặn dò bà Kha Thị Đàng (vợ ông) dành toàn bộ tiền phúng điếu đám tang làm từ thiện.
Thực hiện ý nguyện đó, người nhà vị nhạc sĩ nổi tiếng tổ chức đám tang cho ông rất khiêm tốn, nhằm tiết kiệm.
Bà Kha Thị Đàng, cựu nữ sinh trường Gia Long đã tạo cho nhạc sĩ Châu Kỳ cảm hứng viết ca khúc nổi tiếng Em gái miền Nam.
Bà đã gắn bó với cuộc đời ông từ năm 1956, sau một lần người đàn ông tài hoa này đổ vỡ hôn nhân và trải qua nhiều mối tình khác.
Có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống “chung cái nghèo” với người chồng nhạc sĩ đến tận cùng cuộc đời, kéo dài suốt 52 năm.
Trong đám tang, bà Kha Thị Đàng lặng lẽ ngồi một góc sân, nâng niu quyển sách nhạc hơn 300 ca khúc của chồng. Đó là tài sản duy nhất, quý báu ông để lại cho vợ sau những ngày rong chơi giữa cuộc đời.
Vợ nhạc sĩ cho biết: “Ông nhà tôi sáng tác ca khúc đầu tiên là Trở về, lúc mới 19 tuổi. Ca khúc cuối cùng ông viết, trước lúc mất là Ánh đạo vàng. Ông có một cuộc sống nhẹ nhàng, không ham danh lợi, tiền bạc, tập trung hết tâm trí vào sáng tác”.
Trước khi mất, nhạc sĩ Châu Kỳ nằm liệt giường trong suốt 2 tháng ròng. Không phải ca sĩ nào đã từng hát các ca khúc của ông cũng biết tìm đến thăm.
Những ca sĩ lớn tuổi thành danh nhờ vào những ca khúc của ông, đa phần đang sống ở hải ngoại, họa hoằn mới có người về Việt Nam ghé thăm người nhạc sĩ già.
Ông không buồn và cũng chẳng bận tâm. Nhạc của ông, nhiều ca sĩ hát và thu âm, bán đĩa thu lợi nhuận, ai có lòng thì tìm đến ông gửi chút tiền tác quyền, còn không ông cũng chẳng cần….
Và đám tang của ông cũng diễn ra lặng lẽ…
Mỗi độ xuân về, người Việt Nam lại nhớ đến ông. Mọi ngõ ngách của đất nước lại vang lên lời hát xao xuyến lòng: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ươm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo làn gió. Em nói rằng em viết thành thơ…”.
Trong những ngày tết, nghe “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung hát Đón xuân này nhớ xuân xưa, người nghe như thấy thời gian lắng đọng, lòng chơi vơi, ký ức ùa về…
Giai điệu, ca từ buồn sâu thẳm nhưng không chút ủy mị, đẹp, lãng mạn và trữ tình, thể hiện trọn vẹn không khí ấm áp, sum vầy của người Việt trong ngày tết.

(Sưu tầm trên mạng) 

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Thơ : NÓI VỚI BÓNG ĐÊM - hoangthilangmay.


Khoa học : CON NGƯỜI CON SỨA VÀ... - St trên mạng.



Con người, con sứa và giấc mơ trường sinh bất tử

Con người luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng trường sinh bất tử.

Chúng ta nhìn vào mọi thứ, từ tôn giáo, các hành tinh, công nghệ trữ đông xác chết để chờ hồi sinh (cryogenics), và thậm chí cả những suối nguồn tươi trẻ hoang đường.

Trong khi chúng ta mải mê đi tìm kiếm từ chín tầng mây cho tới trong khoa học và ở mọi ngóc ngách trên Trái Đất, thì bí mật về sự bất tử có lẽ lại đang dập dềnh trôi nổi trong đại dương - trong hình dạng sứa.

Khi nghĩ tới sứa, hầu hết chúng ta đều mường tượng ra đó là một "giai đoạn Medusa", tức giai đoạn thứ hai của cuộc đời con sứa. Chúng trải qua giai đoạn này của cuộc đời trong hình hài như những trái bóng bay trong suốt, trôi dạt trong làn nước với những xúc tu dài dập dềnh.

Nếu sứa khởi đầu cuộc đời một cách đầy ly kỳ thì cái chết của nó còn kỳ lạ hơn
Cuộc đời sứa khởi đầu là ấu trùng, có hình như điếu xì gà nhỏ xíu xoay xoắn trong làn nước, tìm kiếm một tảng đá hay một thứ gì đó để bám dính vào.

Một khi đã tìm được nơi chốn, ấu trùng biến thành polyp, khá giống với con hải quỳ tí xíu. Đám lớn các polyp này được hình thành khi poly tự nhân mình ra, khiến một cụm dày đặc có thể phủ kín cả một bãi neo đậu tàu chỉ trong vài ngày.

Có một số loại polyp tạo thành những vùng trông như những bụi cây khổng lồ.

Khi gặp điều kiện thích hợp, các polyp này nở bung về số lượng; khi nở, các nụ polyp trở thành những con sứa non.

Sự khởi đầu cuộc đời sứa đã kỳ lạ như vậy, nhưng cái chết của nó thậm chí còn ly kỳ hơn. Khi 'sứa bất tử' (tên khoa học là Turritopsis dohrnii) chết, nó chìm xuống đáy biển và bắt đầu phân huỷ.

Đáng ngạc nhiên là các phân tử của nó sau đó lại tái hợp, không phải là để tạo thành một con sứa mới, mà là thành các polyp, và từ những polyp đó sinh ra những con sứa mới. Sứa bỏ qua một giai đoạn đầu đời để bắt đầu đời sống 'kiếp sau'.

"Điều này khiến tất cả chúng tôi thật là phải vò đầu bứt tai," Tiến sỹ Lisa-ann Gershwin, người chuyên nghiên cứu sứa, làm việc tại Tasmania và là giám đốc trung tâm tư vấn về đời sống sinh vật biển, Marine Stinger Advisory Service, nói. "Đây là một trong những phát hiện kỳ diệu nhất trong thời đại chúng ta."

Sứa trăng rất đẹp đẽ được đặt tên theo hình dáng vỏ chuông trong nhờ nhờ của nó. Chúng có phần tua rua ngắn thay vì các xúc tu dài như ở hầu hết các loài sứa khác
Không chỉ có sứa bất tử mới từ tro tàn của chính nó sống lại.

Hồi 2011, một sinh viên theo học về ngành sinh vật biển ở Trung Quốc giữ một con sứa trăng (aurelia aurita) trong một cái bể. Khi con sứa này chết, người sinh viên đã giữ xác nó trong một cái bể khác. Ba tháng sau, một polyp mới, tí xíu, đã mọc lên từ phía trên của con sứa trăng. Tiến trình tái sinh này cho tới nay đã được phát hiện ra là có ở khoảng năm loài sứa khác nhau.

Vậy bên cạnh việc có cuộc sống trường sinh bất tử, bản thân sứa được lợi gì từ tiến trình này? Tại sao nó lại làm vậy? Vấn đề là khi nó trở nên yếu đi, vì lý do tuổi tác hoặc do bệnh tật, hoặc khi nó đối diện với những hiểm nguy, sứa có thể dùng khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc này để thoát hiểm rồi hồi sinh.

Một khi tiến trình diễn ra, phần cơ thể giống như cái chuông hay cái dù, là phần nằm trên đầu sứa, và các xúc tu bắt đầu suy yếu. Nó trở lại thành một polyp, tìm cách tự gắn mình vào một bề mặt nào đó và bắt đầu phát triển thành con sứa, và tiến trình này có thể lặp đi lặp lại mãi mãi.

Một phần của những gì thực sự xảy ra với sứa trong tiến trình tái sinh được gọi là sự chuyển biệt hoá, hoặc sự tách biệt hoá (transdifferentiation). Các phân tử của sứa thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, tạo ra một cơ thể hoàn toàn khác.

Dẫu Tiến sỹ Gershwin nói rằng bà không nhìn thấy bất kỳ mối liên hệ nào hiện nay giữa sự bất tử của sứa với con người, nhưng điều đó không có nghĩa là việc cắt chia một số loại gene nào đó sẽ là bất khả thi trong tương lai. Ai mà biết chắc được chuyện sau này chứ?

Với một số ít gene của sứa là chúng ta đều có thể giống như Doctor Who, tự tái tạo bản thân bất cứ khi nào ta cảm thấy tự chán bản thân.

(Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.)

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Chuyện xa mà gần: TÌNH CHA - H Thanh Thủy st và giới thiệu.


TÌNH CHA
(Tựa gốc : TIẾNG ĐÀN PIANO)

  Một ngày, anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt:
- Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây?

Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong hổ thẹn:
- Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm!

Chị sầm mặt xuống:
- Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc lên đầu lên được. Hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?
Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều mà anh muốn nhờ. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối:

- Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa!

Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối:
- Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được. Anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi. Chỉ cần nửa năm hay vài ba tháng gì cũng được. Em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh sẽ lại đón nó về.

Chị thở dài:
- Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi. Thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã. Có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.

Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi, tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Ðông Ðức. Chị theo học Ðại Học Sư Phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây Ðức. Chị tốt nghiệp đại học, về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Ðức.

Vừa sang Ðức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán, chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu: Ðể có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Như vậy mà anh đã không dám mạo hiểm ra làm ăn.

“Ðồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...” đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó: Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị. Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn. Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá.

Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới. Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé. Nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ Giáng Sinh nữa.

Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Chị chỉ hiểu, dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà...

Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.

Ði học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Ðứa em trai cùng mẹ của nó, cũng như mẹ nó và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Em trai nó học thêm piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn piano rất đẹp để ở phòng khách.

Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lõm bõm: “...đàn... đàn...klavia...con muốn...” Anh thở dài và hát cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần.

Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó giở chứng.

Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.

Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì... Và chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... sống với cha êm như làn mây trắng... Nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con...với tháng năm nhanh tựa gió... Ôi cha già đi, cha biết không...”

Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lồng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.

Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Ðại ý là nó diễn đạt rằng:

- Bố lên ở trên Thiên Ðường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con...”

Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ. Ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg... ./.

(Một câu chuyện không rõ tác giả, thật cảm động và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về cuộc sống... . Vì nghe người ta kể lại chuyện này, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát “Người Cha Yêu Dấu” bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Ðức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.)

SƯU TẦM ( Khuyết danh )

Thơ : BÀI TÌNH THƠ THÁNG SÁU - Sương Lam.

Bài thơ nhân "Ngày Từ Phụ" ( Happy Father's Day )

Thơ : VÙNG KỶ NIỆM - Hát Bình Phương.

( Hình ảnh có tính cách minh họa )


Vùng Kỷ Niệm

Mười mấy năm dài xa cách quê
Nhớ mái nhà xưa ta trở về
Ngập ngừng chân bước trên đường đất
Nghe lòng xao xuyến, dạ tái tê...

Cảnh cũ, người xưa gặp gỡ nhau
Nhớ về bao kỷ niệm năm nào
Ông bà, con cháu cùng chung sống
Rộn rã tiếng cười, vui biết bao!

Ngôi nhà cũ kỹ phủ rong rêu
Kẻ còn ở lại xót xa nhiều
Người nơi xứ lạ lòng lưu luyến
Khói bếp vờn bay mỗi buổi chiều…

Hàng dừa cằn cỗi cạnh dòng sông
Còn đâu cây mận trái chín hồng
Chẳng nghe thoang thoảng mùi hoa bưởi
Cây nhãn sau hè vắng bướm ong.

Đâu tiếng chuông chùa buổi sớm mai
Trên đồng không thấy bóng trâu cày
Ta tìm nơi ấy con diều biếc
Trên khoảng trời xanh phất phới bay.

Ngôi trường vắng hẳn tiếng ê a
Cây phượng mùa hè chẳng nở hoa
Đâu còn cánh phượng rơi ngập lối
Mỗi độ hè về rộn tiếng ve.

Ta trở về đây để tỏ tường
Nỗi lòng lữ khách nhớ cố hương
Tìm vùng kỷ niệm mà không thấy
Đất khách quay về, dạ vấn vương

HÁT BÌNH PHƯƠNG. 

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Hồi ức : MỘT MẢNH ĐỜI TÔI - Gs Lê Quý Thể.



( Admin MCHX blog có học thầy năm 69 -70, năm thi tú tài 2. Thầy có kiến thức và kỹ năng vô cùng tuyệt vời ! Thầy đến lớp giảng dạy chỉ bằng khối óc với... hai tay không, chẳng hề mang theo bất cứ tài liệu gì!...) 

MỘT MẢNH ĐỜI TÔI. 

(Lâu lâu tôi cũng muốn viết vài dòng trên trang Ngô Quyền, trước là để góp mặt và sau có lẽ quan trọng hơn là để các anh chị biết tôi vẫn sống vui và sống khỏe, nhưng suy nghĩ mãi mà không tìm ra được đề tài. Sáng tác văn chương ư, điều đó vượt quá khả năng của tôi. Bình luận về chính trị ư, mỗi người một ý chắc không ai chịu nhường ai, tốt hơn không nên đụng đến. Nghiên cứu về khoa học ư, chắc là khô khan lắm không ai đủ kiên nhẫn đọc. Thôi tôi xin mạn phép viết về cuộc đời tôi, đó là một điều tôi biết rất rõ. Tôi tin chắc có một hai anh chị hiếu kỳ muốn biết cái gì đã xẩy ra trong đời tôi từ ngày tôi rời xa quê hương đất tổ. Tôi đã và đang sống như thế nào trên đất nước Mỹ? Tôi cố gắng viết về giai đoạn nầy của đời tôi một cách trung thực không màu mè để gởi đến một hai anh chị hiếu kỳ đó.)

Tôi rời nhà ngày 1 tháng 1 năm 1980. Mười một tháng sau tôi bước những bước đầu tiên trên vùng đất của thành phố Vancouver, thành phố lớn thứ ba sau Toronto và Montréal của Canada. Xứ Canada đã mở rộng cánh tay để tiếp nhận những ngưởi như tôi và cung cấp đủ mọi thứ tối thiểu cần thiết để chúng tôi có thể sống như những người dân bình thường. Tám tháng sau tôi có trong tay tấm giấy Carte D’identité của xứ Canada cấp, giấy nầy tương đương với Passport Canada cấp cho những người thường trú chưa có quốc tịch.
Nhận được tấm giấy Carte D’identité hôm trước, không kịp từ giã bạn bè sáng sớm hôm sau với bao áo quần trong tay tôi ra trạm xe bus Greyhound mua vé qua Mỹ. Sau khi mua vé, trong túi chỉ còn chưa tới một trăm dollars tiền Canada, nhưng tôi đã quyết định sẽ không quay về Canada nữa.
Lúc qua biên giới Mỹ Canada không có gì trở ngại. Dọc đường phong cảnh rất là đẹp. Lúc đến thành phố Portland của tiểu bang Oregon, xe bus tạm nghỉ. Tôi thấy thành phố quá đẹp nên đi dạo quanh vài đường phố, lúc quay lại thì xe bus của tôi đã chạy mất. Tuy đến Mỹ lần đầu, cái gì đối với mình cũng lạ nhưng tôi rất bình tĩnh trình bày với cô bán vé là tôi đã trể chuyến xe và muốn mua vé khác để đi tiếp. Cô bán vé bảo tôi đưa vé xe và cho cô biết có gì trên xe không. Tôi nói có một bao áo quần màu xanh. Cô bảo tôi ra ghế ngồi chờ cô một tí. Mười phút sau cô gọi tôi lại và đưa tôi một vé xe mới, cô giải thích rõ ràng chờ xe ở đâu, xe số mấy, giờ nào khởi hành và cho biết đến trạm xe Los Angeles mà nhận bao áo quần. Tôi móc túi định trả tiền vé, cô bán vé nhìn tôi cười và nói “no charge”. Tôi cám ơn cô. Đó là tiếp xúc đầu tiên của tôi với một xã hội văn minh như xã hội Mỹ.
Lúc đến trạm xe Los Angeles tôi nhận bao áo quần và đi tiếp đến thành phố Santa Ana. Tôi phôn cho cháu gái và được hai vợ chồng cháu tôi đến đón. Tôi tạm trú nhà cháu gái tôi ở thành phố Westminster hơn một tháng. Trong thời gian nầy cháu gái tôi dẫn tôi đi thăm  nhiều nơi như Disneyland, Universal Studios, đường phố Hollywood...
Sau đó tôi bay qua Dallas, Texas. Cả gia đình một cháu gái khác ra phi trường đón tôi. Người em trai của cháu rể tôi cho biết anh đã tìm được người lập hôn thú với tôi để tôi có thể chính thức ở lại Mỹ. Bà nầy qua Mỹ đã lâu và hiện sống chung với một người bạn trai. Từ ngày lập hôn thú đến ngày chính thức ly hôn là đúng một năm. Tôi được giấy thường trú và có giấy phép làm việc. Như vậy tôi đã chính thức định cư ở Mỹ.
Tôi tới Dallas chưa tới một tháng thì có người giới thiệu vào làm việc cho Continental Electronics, một công ty chuyên sản xuất máy transmitters AM, FM cho các đài phát thanh trên khắp nước Mỹ và thế giới và máy phát tin hiệu dùng cho hệ thống RADAR trong quân đội. Tôi phu trách làm những cables gồm hơn hai trăm đường giây với mức lương 5.50 dollars một giờ. Lúc ở Canada tôi có thi đậu bằng lái xe và được đổi bằng lái xe Mỹ mà không phải thi lại. Tôi mua một chiếc xe Ford cũ để đi làm. Như vậy đời sống của tôi ở Mỹ tạm ổn định.
Lúc còn là một học sinh tôi có một mơ ước là được đi du học ở nước  ngoài. Tôi cũng biết rõ chỉ là một mơ ước mà thôi. Nay tình thế đưa đẩy tôi được định cư ở những nước văn minh như Canada và Mỹ, tôi không muốn gì khác hơn là được đi học. Lúc đó tôi đã 41 tuổi nhưng tuổi tác không thể ngăn cản tôi quay lại trường học.
Tôi ý thức được rằng muốn học Đại học tôi phải thông thạo Anh văn. Do đó tôi dành tất cả thời gian ở Canada để học Anh văn mà không đi làm kiếm tiền như nhiều người khác. Tôi sống rất nghiêm túc, không rượu chè, không cờ bạc, không trai gái, suốt ngày trao dồi Anh văn qua những lớp học, qua những báo chí, qua những chương trình TV về thể thao vừa có tính cách giải trí vừa nghe tiếng Anh. Tôi học tất cả những lớp Anh văn đủ mọi trình độ dành cho những người di dân đến từ các nước Tàu, Nhật, Nga, Ba Lan, Ý, Chi Lê, Việt Nam và cả dân Canada vùng Montréal nói tiếng Pháp nữa.
Tháng 9 năm 1981,  đúng vào đầu semester tôi ghi tên học trường Community College gần nhà ở Dallas, nhưng trường chỉ cho tôi ghi tên học một lớp độc nhất là English 090, một lớp Anh văn không được hưởng chứng chỉ coi tôi có đủ trình độ Anh văn để học những lớp Đại học khác hay không. Thế là nguyên một semester đầu tôi chỉ học Anh văn ba giờ mỗi tuần. Sau thời gian đó tôi được ghi tên học những môn mình muốn.
Cứ thế ngày làm đêm học kéo dài hơn tám năm không ngưng nghỉ. Mỗi năm học full time hai semesters và lớp hè. Tôi học hai trường Community Colleges gần nhà rồi chuyển qua trường UTD, University of Texas at Dallas. Tất cả học phí, tiền mua sách vở, tiền parking lot đều do công ty trả. Sau hơn ba năm tôi đậu bằng AA, Associate of Art. Ba năm nữa tôi đậu bằng BSEE, Bachelor of Science in Electrical Engineering. Hai năm cuối tôi đậu bằng MSEE, Master of Science in Electrical Engineering. Ở công ty tôi từ một người assembler trở thành một Electronic Technician rồi cuối cùng là một Electrical Engineer.
Tôi đã trải qua mười ba năm của cuộc đời để học Đại học gồm năm năm ở Việt Nam và tám năm ở Mỹ. Tôi có ba bằng Bachelors và một bằng Master. Như vậy tôi từ một giáo sư ở Việt Nam trở thành một kỹ sư ở Mỹ. Nghe có vẻ quá dễ dàng nhưng thật sự tôi đã bỏ quá nhiều thời gian ngày đêm chuyên cần học tập để đạt được thành quả đó.
Nhờ trường đời huấn luyện khi ở trại học tập cải tạo và khi ở trại tỵ nạn nên trong chín năm đầu ở Mỹ tôi sống một mình rất thoải mái. Tôi ở với gia đình cháu tôi một năm và sau đó dọn ra ở riêng. Tôi thuê một studio ở lầu hai trong một khu apartment khá sang trọng với đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, microwave, TV có cable, phone, PC . Sáng 8 giờ làm việc, chiều 4 giờ rưởi tan sở, ăn sáng, ăn trưa tại hãng, đồ ăn do xe mang đến bán. Tối 6 giờ vào lớp học, 8 giờ rưởi tan học. Về đến nhà vừa nấu ăn vừa tắm rửa, phải tự nấu ăn vì vùng nầy không có food to go. Cứ thế bốn ngày mỗi tuần. Ba ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật không có lớp học thì chiều chiều mang vợt ra khu trường học đánh tennis. Thứ bảy, chủ nhật học bài và làm bài cho cả tuần, cũng là ngày giặt áo quần và quét dọn nhà cửa. Tôi hầu như không giao thiệp với ai. Sau một năm thì tôi cho xe cũ và mua trả góp một chiếc xe sport hai cửa mới toanh hiệu Datsun 200SX mà sau nầy đổi tên là Nissan. Những ngày lễ cuối năm thì được nghỉ làm nghỉ học nên tôi lái xe mới một mình qua Miami thuộc tiểu bang Florida thăm cháu trai con chị Năm tôi và có dịp nghỉ mát trên các bãi biển nổi tiếng của thế giới. Chuyến đi phải mất hai ngày xuyên qua các tiểu bang Texas, Lousiana, Mississippi, Alabama và Florida. Chuyến về phải mất ba ngày vì lúc thì ghé Disney World ở Kissimmee, thăm Epcot Theme Park, lúc thi thăm Cape Canaveral, nơi phóng phi thuyền không gian, lúc thì ghé thành phố New Orleans ở tiểu bang Lousiana vừa ăn đồ Pháp vừa nghe nhạc jazz...  Đời sống như vậy đối với tôi không còn gì thú vị hơn.
Cuộc đời tôi lại một lần nữa bị xáo trộn. Hai tháng trước khi tốt nghiệp bằng Master tôi bị layoff. Đó là năm 1990 của tổng thống Bush cha (tổng thống Mỹ thứ 41). Thời nầy nạn thất nghiệp lan tràn khắp nước Mỹ. Tôi còn nhớ hình ảnh đăng trên báo của một kỹ sư người Mỹ da trắng ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cặp xách, đứng ở ngả tư đường, cổ mang một tấm bảng có ghi "Engineer, need job for food".  Vì tôi là một kỹ sư mới ra trường nên được công ty cho đi trước. Vừa ăn tiền thất nghiệp vừa đi học, tôi đậu bằng Master năm tôi đúng 51 tuổi.
Khi hay tin tôi bị thất nghiệp, giáo sư chính của tôi ở trường UTD offer tôi một job làm phụ tá ở phòng thí nghiệm của ông. Một giáo sư khác là một cựu chiến binh Việt Nam hiện làm ở e-Systems đề nghị sẽ xin cho tôi một job trong department của ông. Tôi cám ơn hai vị giáo sư đó và cuốn gói về Cali ở với gia đình chị Năm tôi.
Sau một thời gian dài vừa làm vừa học tôi cũng hơi mệt mỏi nên quyết định nghỉ xả hơi một lúc. Tôi không ngờ một lúc đó lại kéo dài 11 năm, từ năm tôi 51 tuổi đến năm tôi 62 tuổi. Vì là một kỹ sư điện mới ra trường chưa có kinh nghiệm, tuổi quá lớn lại là người da màu nên xin việc quá khó khăn. Tuy là thất nghiệp nhưng ở với gia đình chị nên không lo chỗ ăn chỗ ở. Sáng cà phê cà pháo rồi vào thư viện đọc sách đọc báo, chiều xách vợt ra sân Mile Square Park đánh tennis đến tối mới về. Cứ như thế ngày nầy qua tháng khác cuối cùng cũng đâm chán. Ở tuổi nầy nếu về hưu cũng là chuyện thường nhưng tôi vẫn muốn làm việc. Tôi quyết định liệng hết những bằng cấp vào thùng rác không một chút thương tiếc và thi vào bưu điện USPS làm một công nhân bình thường. Sau ngày thi tôi phải chờ gần sáu năm mới được gọi đi làm. Tôi đi làm việc lại khi tôi ở tuổi 62 cho đến bây giờ ở tuổi 80 tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc.
Công việc của tôi hiện nay thật quá nhẹ nhàng so với những công việc khác ở bưu điện USPS. Tôi là một Electronic Technician với bực lương khá cao không thua kém gì lương của một kỹ sư và benefits thì quá tốt. Mỗi tuần làm việc 40 giờ và được hưởng 4 giờ nghỉ thường niên và 2 giờ nghỉ bịnh, mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ có lương, có bảo vệ sức khỏe, có bảo vệ nhân mạng, khi về hưu thì có tiền hưu bổng khá cao. Công việc quá nhàn nhã, đi lại quá dễ dàng là một phần khiến tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc. Tôi dùng những ngày nghỉ thường niên để đi du lịch. Mỗi năm tôi đi du lịch hai kỳ, hai hay ba tuần mỗi lần. Tôi có thể nói tôi đã đi du lịch khắp năm châu bốn bể, gần 50 nước khác nhau trên thế giới. Từ Mỹ sang Âu sang Á tôi đã đi vòng quanh trái đất quá nhiều lần.
Tóm lại đời sống của tôi hiện nay ở Mỹ là quá đầy đủ không thể mong ước gì hơn nữa. Tôi là một người tự do có trách nhiệm, không bị gia đình ràng buộc, không bị giới hạn về tiền bạc, sức khỏe tương đối ổn định nên tôi muốn làm gì tôi làm, tôi muốn đi đâu tôi đi, không có gì có thể ngăn cản tôi.
Từ một cậu bé ngây ngô ở trong một làng hẻo lánh đến một ông già vẫn còn ham vui, tôi đã bước một quãng đời quá dài, một quãng đời đầy chông gai với không biết bao nhiêu lần vấp ngã. Vấp ngã vì tình, vì tiền, vì cuộc đời đưa đẩy... nhưng cám ơn đời đã nhiều lần cho tôi đủ quyết tâm và can đảm để đứng lên mà bước tiếp...
 Lê Quý Thể

Thơ : MỘT HÔM THỨC DẬY - Văn Châu.




MỘT HÔM THỨC DẬY

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Trời ạ!- Kiếp người sao bể dâu?
Ngày nao cũng là ngày ly biệt
Lòng như chất chứa vạn cơn sầu.

Hào khí gì ta- tên cuồng sĩ
Bạn bè vui miệng chỉ đùa chơi
Mơ được sang sông làm thích khách
Mà áo cơm đâu giỡn với người.

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Soi gương tóc bạc trắng nhiều rồi
Thì dám mơ chi làm Hạng Vũ
Đem sức hèn ra địch muôn người.

Chỉ mong chút phận làm dân dã
Khi buồn vui thú rượu - thơ chơi
Không nhận rằng mình là Ninh Thích
Xem cái công danh- cũng nực cười!

Một hôm thức dậy ta ngồi khóc
Cứ như là Tôn Tẫn giả điên
Vợ con hết dỗ dành, an ủi
Rước thầy về cúng giải ma điên.

Hàn Tín luồn trôn ngay giữa chợ
Mà rồi: thỏ hết chó thay thôi
Chim trời đã tiệt, cung tên phế
Gớm!- Đời phản trắc, bạc như vôi.

Một hôm thức dậy ta ngồi hát
Khúc Phụng Cầu Hoàng của Tương Như
Nào đâu thấy có em nào để ý
Chỉ có mình ta ngồi ốm tương tư.

Một hôm thức dậy ta ngồi nhớ
Như Đường Minh Hoàng nhớ Quý Phi
Như Kim Trọng nhớ Thúy Kiều lưu lạc
Ta nhớ em chẳng thấm chút gì!

Sáng nay, thức dậy lòng nghe mỏi
Ừ, cũng phải thôi- đã lục tuần
Sự nghiệp, công danh- Hề...mây khói!
Nâng tách trà, nước mắt cứ rưng .

VĂN CHÂU. ( 6/2019 )

Thơ : BUÔNG TIẾNG TẠ TỪ - Hà Thu Thủy.

BUÔNG TIẾNG TẠ TỪ 


Thơ : LẠC MẤY DÒNG TRÔI - Thạch Thảo.




LẠC MẤY DÒNG TRÔI

Nắng chiều bảng lảng xuyên cành lá
Dõi bóng chim di chạnh nhớ người
Lăng lắc chia xa từ dạo ấy
Để sông buồn lạc mấy dòng trôi.

Tôi biết người đi chẳng nhớ tôi
Mà sao mưa gió cứ bồi hồi
Mà sao trăng cũ hoài thao thức
Hờn dỗi nào còn mãi đắng môi.

Ừ thôi!Chỉ có duyên ngần ấy
Cũng chúc người đi thỏa ước mong
Ngõ vắng xôn xao trời trở gió
Nghe như bão lũ dậy trong hồn.

Ừ thôi!Chỉ có duyên ngần ấy
Cũng chúc đường vui thơm cỏ hoa.

   Thạch Thảo-Bình Dương
      BD ngày 12-6-2019