Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Hồi ức : BUỔI LIÊN HOAN CUỐI CÙNG... - LPQ





BUỔI LIÊN HOAN CUỐI VỚI NGƯỜI “HỌC TRÒ GIÀ” NGUYỄN TẤT NHIÊN

Khi vài cơn mưa đầu mùa đã rơi sớm giữa tháng 5, tôi lại nhớ về Nguyễn Tất Nhiên. Nhân ngày sinh của anh 30/5 sắp tới, tôi viết về một kỷ niệm ghi nhớ mãi dưới mái trường chung của anh và tôi: trường Trung học Ngô Quyền - Biên Hoà, buổi liên hoan cuối với sự có mặt của người “học trò già” Nguyễn Tất Nhiên.

Đầu năm 1973, sau khi kết thúc mùa báo Xuân chúng tôi tổ chức buổi liên hoan tất niên tại Thư viện trong sân trường, có Nguyễn Tất Nhiên và vài người bạn lớp đàn anh cùng sinh hoạt văn chương, văn nghệ về tham dự. Năm nào trường Ngô Quyền chúng tôi cũng có hai truyền thống: một là bầu cử Ban đại diện học sinh vào đầu năm học và hai là làm báo Xuân vào mùa Tết. Niên khoá 1972-1973, tôi cùng các bạn lập một liên danh ra tranh cử Ban đại diện học sinh và được đắc cử, tôi “bị” giao trách nhiệm làm Trưởng khối Văn nghệ & Báo chí. Thời trước, sinh hoạt hiệu đoàn trong nhà trường chủ yếu nổi bật là hai mảng Văn nghệ và Báo chí, nên Khối tôi phụ trách luôn sôi nổi và bận rộn nhất, khiến tôi phải bỏ nhiều giờ học trên lớp mà trong bụng lo lắng vì năm này thi viết Tú Tài toàn phần (tốt nghiệp lớp 12). Nhưng có lẽ nhờ có máu tổ chức “Hướng đạo” trong người nên tôi cùng các bạn trong Ban đại diện HS niên khoá 72-73 đã liều lĩnh tham gia tổ chức một Đại nhạc hội hoành tráng gây quỹ tại rạp hát Biên Hùng, có các ca sĩ Saigon và nhóm Du ca Nguyễn Đức Quang cộng tác góp sức. Lập Đội văn nghệ Ngô Quyền đi biễu diễn và bán báo trong các căn cứ quân đội, ở các hiệu buôn lớn....tạo nên một “kỳ tích” chưa từng có trong truyền thống của nhà trường là báo Xuân bán hết sạch không còn tờ nào. Thầy Tổng Giám học Phạm Khắc Thành đã kêu tôi lên văn phòng BGH bảo rằng: “Trường Ngô Quyền mình từ trước tới nay làm báo Xuân năm nào cũng lỗ, nhưng đặc biệt năm nay thu hồi vốn lại có lãi, thầy khen các con!”. Thế là BGH vui vẻ quyết định trích ra một khoản tiền rộng rãi để chúng tôi tổ chức liên hoan một tất niên tưng bừng, và đó cũng là buổi liên hoan cuối của chúng tôi, với Nguyễn Tất Nhiên và các bạn dưới mái trường thân yêu.

Trước ngày tổ chức tất niên một tuần, tôi lập danh sách khách mời đến gặp thầy Đoàn Hữu Ý (Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư kiêm phụ trách Văn nghệ-Báo chí), thầy xem và nói: “Để thầy kêu thằng Hải cho, khỏi phải viết thiệp mời cho nó, còn mấy người khác thì Quan viết thư mời đưa thầy ký tên”. Hải là tên thật của Nguyễn Tất Nhiên, sau nầy tôi có nghe rằng Nguyễn Tất Nhiên muốn gặp thầy Ý để hỏi về bài viết gửi cho báo Xuân Ngô Quyền mà không được Ban biên tập chọn đăng trong Giai phẩm Xuân năm nầy. Khi đó Nguyễn Tất Nhiên đã là nhà thơ nổi tiếng với các tác phẩm đã được Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy phổ thành ca khúc hay mà cả miền Nam nhiều người biết và rất thích như: Vì tôi là linh mục/ Em hiền như ma soeur/ Thà như giọt mưa/ Cô Bắc kỳ nho nhỏ...Năm đó, bạn Nguyễn Thị Minh Thủy (sau nầy trở thành vợ duy nhất của Nguyễn Tất Nhiên) học cùng khoá với tôi làm Trưởng ban Biên tập báo Xuân, việc Nguyễn Tất Nhiên có gửi bài hay không thì chỉ có Minh Thủy mới biết mà thôi. Bọn học trò chúng tôi chỉ biết học, sinh hoạt và cũng kín đáo thầm thương trộm nhớ tình yêu tuổi học trò, còn Nguyễn Tất Nhiên thì sau Duyên, sau Oanh đã si tình tới một người con gái khác nữa...là Minh Thủy bạn học cùng khóa của tôi.

Quay trở lại buổi liên hoan tất niên cuối cùng 1973 mà tôi làm trưởng ban tổ chức. Hôm đó tôi còn nhớ chương trình bắt đầu lúc 8g sáng mà hơn 9g Nguyễn Tất Nhiên mới đến, tôi đón và kéo anh đến ngồi chung bàn với các thầy như thầy Hà Tường Cát, thầy Đoàn Hữu Ý và anh Hồ Văn Lưu khóa đàn anh cũng là bạn thân của Nguyễn Tất Nhiên. Bao nhiêu cặp mắt học sinh ngó thấy anh vô cùng ngạc nhiên vì hôm nay sao Nguyễn Tất Nhiên ăn mặc chỉnh tề quá, quần xanh đen và còn gắn thêm huy hiệu Ngô Quyền trên áo trắng nữa, trong khi  anh đã rời khỏi trường hơn hai năm rồi. Anh Hồ Văn Lưu và tôi cùng chơi Hướng đạo, cùng sinh hoạt phong trào Du ca, qua đó đã nối kết chúng tôi lại với anh Nguyễn Đức Quang, một huynh trưởng Hướng đạo cũng là một trong những người đầu tiên giúp thành lập và phát triển phong trào Du ca ở Biên Hoà. Sau phần phát biểu khai mạc của bạn Nguyễn Văn Tất (Tổng thư ký Ban đại diện Hs 72-73), thầy Đoàn Hữu Ý lên tuyên dương chúng tôi cùng Ban biên tập báo Xuân và tiếp đến là các tiết mục văn nghệ. Hồ Ngọc Khanh (em ruột của Hồ Văn Lưu) là người dàn dựng chương trình văn nghệ của buổi liên hoan đã mời Nguyễn Tất Nhiên lên góp vui, cả khán phòng của Thư viện trường vỗ tay quá chừng, và anh bước lên bục, hai tay đưa lên vuốt lại mái tóc dài phía sau ót, một thói quen của chàng thi sĩ học trò. Bài hát đầu tiên Nguyễn Tất Nhiên góp vui cùng liên hoan là bài “Vì tôi là linh mục” thơ của anh, Nguyễn Đức Quang phổ nhạc, hát tới một đoạn, anh tự sửa lời như sau:
....Vì tôi là linh mục/ Giảng lời tình nhân gian/ Nên không cần kinh thánh/ Nên không cần giáo xứ/ Nên tôi có con chiên/ Chê tôi giống tên điên/ Quanh năm chỉ làm phiền...

Các thầy và các bạn chúng tôi cười ngắc nghẻo tưởng là anh pha trò cho vui, nhưng hoá ra sau nầy mới biết Nguyễn Tất Nhiên muốn nhắn gửi lời tình si của chàng thi sĩ thiên tài đến cô em Trưởng ban biên tập. Đang tính bước xuống thì nhiều người nhao nhao bis bis yêu cầu Nguyễn Tất Nhiên hát “Thà như giọt mưa”. Trước khi hát tiếp thì anh cũng tự diễu cợt:
... Xin cám ơn quí vị, tiếp theo đây, thể theo lời yêu cầu, tôi xin trình bày bản “thà là giọt mưa rớt trên tượng đá”, cũng thơ của tôi, Phạm Duy phổ nhạc. Bài nầy tôi xin riêng tặng thầy Đoàn Hữu Ý, vì từ hồi còn học đệ tam (lớp 10) tới giờ, tôi năm nào cũng cộng tác với báo Xuân Ngô Quyền một cách bình thường, riêng năm nay thầy Ý đã đặc biệt làm “xẩy” tờ báo khỏi tay tôi, thầy Ý đã làm việc âm thầm, rồi đùng một cái gặp tôi bảo xong hết rồi, em tới trễ quá! Vậy, xin lập lại lần nữa, tôi đặc biệt dành tặng giọng hát tôi hôm nay cho thầy Đoàn Hữu Ý, xin các bạn cho tôi tràng pháo tay...
Khi đó, tôi đang ngồi phía dưới bàn bên cạnh thầy Ý, thấy thầy vừa vỗ tay vừa cười hắc hắc nói: thằng Hải khùng! (một biệt danh thân mật mà bạn bè Ngô Quyền đặt cho Nguyễn Tất Nhiên).

Đến gần cuối buổi liên hoan, các bạn học sinh ái mộ, đa phần là nữ đã đến vây quanh xin chữ ký của Nguyễn Tất Nhiên. Người thì đưa sách, đưa sổ tay lưu bút, có em xin bạn rứt tờ giấy vở tập chờ lấy chữ ký của Nguyễn Tất Nhiên. Anh ký tên hàng loạt, dưới mỗi chữ ký đều viết hoài một câu “Học trò già trở lại trường xưa”. Loay hoay ký tên đến khi xong hết, Nguyễn Tất Nhiên đảo mắt về phía bàn của Minh Thủy, nhưng cô bạn ấy đã ra về sớm từ lâu.
Tàn buổi, Nguyễn Tất Nhiên nhờ tôi đưa anh về. Tôi đạp xe chở anh ngồi phía sau, anh nói: “mầy chở tau vòng xuống bờ sông!”. Từ trường xuôi dốc Kỷ Niệm, qua rạp hát Biên Hùng xuống hãng Dầu, vòng qua phía bờ sông, tới vòng xoay nhà thờ chánh tòa anh kêu tôi thả anh xuống để anh tự đi bộ về nhà. Ngoái đầu lại nhìn, tôi thấy anh lặng lẽ ngước mắt nhìn lên cao, Nguyễn Tất Nhiên rất thích đứng một mình nhìn thánh giá trên nóc cao nhà thờ...

Bây giờ, những ngày cuối của tháng Năm, tháng sanh của Nguyễn Tất Nhiên và cũng là tháng sanh của tôi. Thơ của Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều và rất nhiều câu thơ hay nhắc đến Mưa, những dòng chia sẻ nầy như là những giọt mưa rơi đầu mùa nhắc lại kỷ niệm. Với tôi, Nguyễn Tất Nhiên vẫn mãi mãi là Thi sĩ Học trò, mưa trong thơ của anh cũng là mưa Ngô Quyền, mưa của tuổi học trò chúng tôi:

...Gió đưa mây về, trời mưa bong bóng vỡ
  Chàng đưa tình về, xót ngọn cỏ may...

...Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
   Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa...

Mưa tháng Năm, mưa học trò, tôi nhớ về Nguyễn Tất Nhiên, anh bây giờ có lẽ đang nhìn xuống trần gian trong mưa...

29/5/2019
LPQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét