Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Vui ngắn: NHƯ NHAU CẢ THÔI - St trên FB.






 NHƯ NHAU CẢ THÔI.

Một nhà nghiên cứu khoa học tính tình hay đa nghi nên ông ta đã nghiên cứu chế tạo ra một loại robot phát hiện nói dối.

Ngày chế tạo thành công, ông đem ra thử con trai. Cậu con trai vừa đi học về ông ta đem robot ra hỏi:

- Sao con đi học về trễ vậy?

- Con qua nhà bạn mượn sách về học.

Robot phát hiện nói dối, đánh cho cậu con trai một cái.

Ông bố cười:

- Đó con thấy chưa, nói dối là phải chịu phạt. Lúc bằng tuổi con, bố không dám nói dối ông nội nửa lời.

Ngay lập tức, robot đạp ông ta một cái bay vô tường.

Người vợ thấy cậu con trai bị đánh đòn đau bèn nói:

- Sao anh làm thế với con, dù sao nó cũng là con của anh mà!

Robot nắm đầu bà vợ, đánh túi bụi

SƯU TẦM. 

Tản mạn : PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ - Cao Thoại Châu.





 Một chút tản mạn về PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ 


Khi nghe “Nghe mãi điếc cả tai” và “Nghe miết điếc con ráy” thì biết ngay đó là sự khác nhau của hai phương ngữ Nam và Bắc. Hiểu ngay vì trong phương ngữ có tính thông hiểu và tính quen dùng. “Tôi đụng bả hồi nẳm” (tôi lấy bà ấy hồi năm ấy) thì “đụng” vốn là va chạm cơ học mạnh nhưng trong trường hợp này lại là sự êm ái của yêu thương, là từ có tính thông hiểu ở phương ngữ Nam Bộ, giá trị địa phương của nó cao.


Là ngôn ngữ của người sống giữa thiên nhiên hài hòa và da dạng, đồng ruộng bao la, sông ngòi chằng chịt, cây trái xanh thẳm bốn mùa... nên phương ngữ Nam bộ có nhiều tiếng đầy ắp hình tượng cụ thể lấy từ những con những cây hay vật dụng: uống mật gấu – mật gấu đắng kinh khủng, uống là rất liều; Dai như trâu đái - đúng là có trâu xả tiểu khá lâu vì nhiều; Ăn như xáng múc - cái gàu múc cả thước khối đất thì ăn chi mà dữ thần vậy cha? Làm như lục bình trôi – lờ đờ, chậm rãi, ầu ơ dzí dzầu tức... làm biểng! Lời nói thiếu hình tượng và so sánh là lời nói thiếu sức mạnh, thiếu sắc thái, nghèo nàn. Phương ngữ làm nhiệm vụ sáng tạo hình ảnh một cách tích cực và có hiệu quả hơn ngôn ngữ phổ thông toàn dân hay ngôn ngữ văn học chuẩn mực.


Sông ngòi chi chít, về sự chuyển động của dòng nước, người ta không những phân biệt nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ) mà còn thêm nhiều từ ngữ khác như: nước ròng, nước kém, nước trồi, nước dềnh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm, nước chừng, nước nhửng, nước ương, nước chết, nước sát, nước rặc, nước quay v.v... Lạ thay, nước cũng biết... nhảy, đứng, nằm, bò, chết... vốn là những động tác của sinh vật, nhưng đó là cách tiếp cận sự vật của người Nam bộ!


Tương tự, các loại động vật sống ở sông nước thậm chí trong cùng một loại cũng được thông qua ngôn ngữ mà phân biệt nhau rất tỉ mỉ, chẳng hạn con tôm có: tôm bạc, tôm càng, tôm châm, tôm chấu, tôm chì, tôm gọng, tôm hùm, tôm kẹt, tôm lóng, tôm lúa, tôm mắt tre, tôm quỵt, tôm rồng, tôm sắc, tôm sú, tôm thẻ, tôm tích, tôm tu, tôm vang, v.v... Thật hết sức phong phú! Mỗi loài đều có tên riêng đủ thấy phương ngữ phải phong phú phải “chẻ” ra để đáp ứng được tư duy của con người.


Cường điệu và khuếch đại trong ngôn ngữ Nam bộ không phải bốc đồng, làm to chuyện một cách vô lý mà là phục vụ mục đích tâm lý của con người Nam bộ luôn sống cởi mở, lạc quan và hướng về cái lớn, muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét một cách rõ ràng, dứt khoát. Cường điệu trong phương ngữ Nam Bộ mang tính hình tượng, so sánh và cụ thể nhưng cũng thật bất ngờ, thú vị: cao trật ót-cao ngất nghểu đến mức phải ngẩng cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như bị gập lại; no lòi bản họng - đã no tràn ra ngoài miệng rồi, có đâu ăn thêm vào được nữa; đói queo râu – đói mờ mắt là chuyện bình thường có tính lô-gíc, còn đói mà liên hệ đến bộ râu thì thật bất ngờ thú vị, người không có râu (và phụ nữ) cũng vẫn bị đói queo râu như thường. Tức cành hông, rầu thúi ruột, sợ thót dái, cay té đái, muồi rụng rún... cũng đều như thế. Khi nói đến mức độ của cái nghèo, nghèo lắm lắm, tiếng Việt phổ thông có các từ: nghèo xơ xác, nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có đồng xu dính túi..., phương ngữ Nam Bộ còn thêm nghèo mạt rệp, và bất ngờ thay nghèo không có đồng xu cạo gió, nghèo không có hột thóc nhổ râu, nghèo cháy nóp thì thật là nghèo hết biết, mà vẫn đượm vẻ lạc quan hóm hỉnh.


Người dân Nam Bộ sống nổi bật với một tinh thần lạc quan, sôi nổi, cởi mở, thích trẻ trung, dí dỏm, hài hước. Tỏ tình với người yêu là chuyện tế nhị, bay bướm, thế mà lời lẽ thật hồn nhiên, ngộ nghĩnh: “Hai ơi, qua thương Hai thiệt mà / Thôi đi cha nội, Xạo hoài à / Xạo xe cán qua chết luôn đó / Trời đất, thề chi đổ nhà đổ cửa vây trời. Mà thương rồi sao??? Mở đầu có vẻ căng nhưng ăn tiền ở cái xuống giọng đó!


Tính hài hước, dí dỏm trong phương ngữ Nam Bộ rất nổi bật đi đôi với tính giản dị, mộc mạc, gây nên cái cười, cái vui tự nhiên, thoải mái. Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong phương ngữ Nam Bộ, đâu đâu cũng thấy toát lên tính tươi vui, dí dỏm, có cái bộc trực, có cái vui ngầm:


Hột châu nhỏ xuống kẹt rào

Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông

Không biết vì sao mà những từ như: rất, lắm, quá, vô cùng, hết chỗ nói... lại đẻ ra nhiều từ riêng lột tả hết ý mình muốn nói: quá tay, quá xá, quá trời quá đất, quá cỡ thợ mộc, hết sảy, tản thần, tràn đồng, tùm lum tà la, tứ tung binh tàng... vừa để một phần nhấn mạnh ý nghĩa, vừa chủ yếu biểu đạt tâm lý của con người. Từ đó tạo ra khá nhiều từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa. Tương đương với hai từ “mềm xèo” và “mềm nhũn”, phương ngữ Nam Bộ có thêm các từ mềm èo, mềm ẻo, mềm lũn, mềm lụn, mềm mủm, mềm múm, mềm mụm, mềm múp, mềm mụp, mềm xùm, mềm xúm, mềm xụm.


Và đàn ông nào không thấy ớn:


- Anh tính về sớm đón em nhưng kẹt quá....

- Khỏi! (vợ giận nói)


Nhiều thứ ở Nam Bộ đã và sẽ mất đi hoặc bị thay thế trong tiến trình hiện đại hóa, cái xe thổ mộ ở Sài Gòn là một thí dụ rõ nhất. Nhưng đã là cư dân vùng sông nước này dù đến từ thời nào, nguồn nào thì ai mà không bị quyến rũ bởi tiếng lách cách nghe từ trong hẻm lên đến những chung cư, là tiếng mì gõ?


Có chuyện về mì gõ như thế này.


Chú bé từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn kiếm cơm từ một xe mì gõ vỉa hè. Được bao cơm và một tô xí quách vào đêm cùng với tháng 300 ngàn. Là đứa biết tiết kiệm, mỗi tháng chú bé gửi chủ xe 100 ngàn đặng cuối năm có tiền về quê. Tết đến, xin lại tiền nhưng gã chủ có máu bất lương không trả cốt giữ thằng bé lại bán vào dịp Tết, thế là với nỗi nhớ nhà, tiếc của, cũng là sự uất ức của người thân cô thế cô, tiếng lách cách vừa đi dài vào hẻm vừa khóc.


Một đám choai choai thấy lạ hỏi. Máu giang hồ nổi lên, các đại ca vốn bị mang tiếng quậy phá xách búa ra gặp chủ xe mì. Bảo một là trả tiền sòng phẳng cho thằng bé, hai là “nghe tiếng búa này”.


Lấy lại được tiền, xử theo luật giang hồ thằng bé gửi tiền cà phê cho đại ca nhưng đại ca quắc mắt nói: “Giang hồ thấy sự bất bằng thì ra tay, nghĩa hiệp không lấy tiền công.”


Tiếng lách cách nhất là vào đêm khuya lọt vào trái tim bụi đời của anh Hai người Sài Gòn như thế.


Và hơn vậy, chẳng ai không để cho phương ngữ Nam Bộ thấm dần thấm dần vào máu! Mọi ý định làm mai một dòng phương ngữ Nam Bộ, thậm chí sát nhập nó, xét cho cùng đều bất khả.


Cao Thoại Châu 

Ngôn Ngữ số 4, 1.11.2019

Muôn loài : CUỘC ĐỜI ĐAU THƯƠNG... - Sưu tầm.






 CUỘC ĐỜI ĐAU THƯƠNG CỦA LOÀI CHIM YẾN


Có 1 lần lâu lắm rồi tôi có gặp người bạn nói ngày xưa ở VN trước năm 75 có lần ông trúng thầu để lấy tổ yến…

Sau lần đó ông giải nghệ luôn vì thấy ác độc quá…Ông nói tội lắm cô ơi…đôi khi phải vứt trứng yến hay chim non xuống biển để lấy tổ…Chim mẹ bay về quanh quẩn nơi tổ yến đã mất kêu thảm thiết lắm…Nghe ông nói mà tôi ứa nước mắt thương cho chim mẹ…


CHUYỆN CỦA CHIM YẾN

Câu chuyện ray rức lòng người.Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.Yến, sống trung thành – chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.

Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quảng đời còn lại.

Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có “nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.

Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.

Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.

Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn xác đẫm máu mang tên “Yến Sào”.

Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được một số giống người man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”…

Cuộc đời loài chim yến hiện nay thật quá thương tâm, vì lòng tham và sự tàn nhẫn của con người chưa từng giảm bớt…Hãy dừng lại việc nuôi yến, bán tổ yến cho đến tiêu thụ các sản phẩm từ chim yến.

Nhân nào quả đấy, nếu mình phá hoại nhà cửa của người ta, chia rẽ gia đình người ta, cướp đoạt cái mà chẳng phải thuộc về mình, ăn nuốt vật phẩm dựa trên máu, nước mắt và sinh mạng của chúng sanh thì tương lai gia đình mình, con cháu mình, và cá nhân mình chẳng lẽ không bị quả báo tương tự hay sao?

Vì vậy: Trước khi làm điều gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó.

SƯU TẦM. 

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

Thơ : THƯƠNG QUÁ MIỀN TRUNG - Van Sieng Le.

 





THƯƠNG QUÁ MIỀN TRUNG

Cùng dõi về nơi mảnh đất miền Trung

Cả đời phải sống chung cùng lũ bão

Mãi khó nghèo vẫn một đời dựng tạo

Bão lũ về cuốn cào hết… xót đau !


Nước ngập làng, ngập cả hàng cau

Nhà cửa ngập, lợn trâu bò cũng chết

Trắng đôi tay chẳng còn gì nữa hết

Sức lực tàn dân đói khổ thiếu ăn !


Đã qua rồi thời khói lửa chiến tranh

Thuở đổ máu cận kề bờ sinh tử

Đất nước thanh bình khép dòng quá khứ

Vượt đói nghèo xây dựng lại quê hương...


Thủy quái điên cuồng gây hại đau thương

Trận hồng thủy nước cuốn phăng lũ quét

Mất mát chết người nỗi đau quặn thắt

Lũ qua rồi, liệu cuộc sống bình yên ?


Đã bao lần chống chọi với thiên nhiên

Vẫn nghèo đói bao chất chồng gian khổ

Mong bình yên chẳng năm nào có chỗ

Hết nắng hạn lại thủy quái bủa vây...


Lũ cũng qua, rồi cuộc sống sao đây ?

Nhà vẹo – đổ, bùn thì đầy sân ngõ

Lúa ngập thối – nghẹn ngào đành phải bỏ

Muốn yên bình nào trời có cho đâu ?


Đến mùa mưa chống chọi những đêm thâu

Miền đất khổ, gánh nỗi lo vô cớ...

Năm vài lần thiên nhiên như đòi nợ

Phải gồng mình thương thương lắm miền Trung...


Cả nước sẻ chia tương trợ nhau cùng

Cuộc sống hồi sinh xanh màu hi vọng

Triệu trái tim ngày đêm luôn mong ngóng

Cầu miền Trung sớm trở lại yên bình...

VAN SIENG LE.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Bài học xưa: BÚP MĂNG NON - Bảo Vân.

 Có ai còn nhớ bài học thuộc lòng lớp năm ( lớp một ) nầy ko ? Nếu có thiếu sót xin gđ HNMNMT bổ sung thêm . Tiếc nuối giáo dục một thời ...





   Học thuộc lòng : 

                      BÚP MĂNG NON.

Các em là búp năng non

Là đàn chim nhỏ , dưới vòm trời cao

Là hoa tươi thắm nắng đào

Là hy vọng của đồng bào Việt Nam

Mai nầy gánh vác giang san

Làm cho nòi giống , vẻ vang hùng cường . 

             Tác giả : Bảo Vân

Thơ : LỜI CẦU NGUYỆN CỦA RỪNG - Sưu tầm.

 




"HỒN TỔ QUỐC NGỰ GIỮA RỪNG SÂU THẲM...

 RỪNG ĐIÊU TÀN LÀ TỔ QUỐC SUY VONG! "

(Trích)


 Một bài thơ hay:

“Lời Cầu Nguyện Của Rừng” 

Dẫn: Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục được thành lập tại Blao năm 1955.  Mãi đến năm 1957, bài thơ “Lời Cầu Nguyện Của Rừng” mới phổ biến trong các sinh viên theo học tại Trường lúc bấy giờ.  Bài thơ do Ông Nguyễn Hữu Đính, một kỹ sư Thủy Lâm lão thành ở Huế, gởi tặng cho Trường cùng với bảng danh từ Lâm Học Pháp Việt.  Chỉ biết là Ông Đính mang bài thơ nầy về khi đi dự một hội nghị về Lâm nghiệp ở Miền Bắc. 


Bao Nguyen Quang xin được giới thiệu bài thơ này đến với tất cả:


LỜI  NGUYỆN  CẦU  CỦA  RỪNG !

Người hỡi! 

- Người có biết, những đêm đông giá lạnh, ta bốc hơi lên ấm lửa hun nồng; 

- Người có biết, những ngày nắng gắt, ta cho tàn mát rượi ánh thiêu nung; 

- Người có biết, dười sườn nhà đồ sộ, ta cho người dầu dãi nắng mưa chan; 

- Người có biết, trên nếp giường êm ấm, người nương ta an giấc điệp mơ màng; 

- Người có biết, kìa con thuyền vượt sóng, ta đưa người du ngoạn khắp năm châu; 

- Người có biết, nọ chuôi cày xới đất, ta vun cây cho nảy nở hoa màu. 

- Chính ta đã rước người vào cuộc thế, trong chiếc nôi âu yếm mẹ đưa ru. 

- Rồi ta sẽ tiễn người khi vĩnh biệt, làm áo quan ấm áp giấc nghìn thu. 


Người hỡi người, nghe lời ta cầu nguyện, 

Chớ hại ta mà vũ trụ âu sầu. 

Để ta sống, ta điều hòa mưa nắng, hoa xinh tươi cây cối nẩy thêm tươi. 

Để ta sống, ta ngăn luồng vũ bão; chận cát bay làn gió bốc tung trời. 

Để ta sống, ta đùn mây quyện gió, gieo mưa tuôn đầm ấm cõi trần gian. 

Để ta sống, ta cản dòng nước lũ, cứu nhân dân cơn thủy nộ lầm than. 

Ta là Mẹ của muôn nền hưng thịnh, làng hưng phong xây dựng nước hưng phong. 

Ta tô điểm non sông nên gấm vóc, cây xanh cao lá biếc lớp trùng trùng 


Người hỡi! 

Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm, 

Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong! 


( Phỏng dịch từ bài La Prière de la Forêt)


✪ La Prière de la Forêt:


- Homme, je suis la chaleur de ton foyer par les froides nuits d'hiver. 

- L'ombrage ami lorsque brule le soleil d'été. 

- Je suis la charpente de ta maison, la planche de ta table. 

- Je suis le lit dans lequel tu dors et le bois dont tu fais tes navires. 

- Je suis le manche de ta houe et la porte de ton enclos. 

- Je suis le bois de ton berceau et de ton cercueil. 

- Je suis le pain de la bonté et la fleur de la beauté. 

écoute ma prière: Ne me détruis pas. 

  Au plus profond des bois, la Patrie a son coeur 

  Un peuple sans forêt est un peuple qui meurt. 


Sau đây là bài thơ tiếng Anh: Prayer of the Forest dịch nguyên văn từ bài Prière de la Forêt: 


 ✪ THE PRAYER OF THE FOREST

 

Man, I am the warmth of your home in the cold winter night, and the protective shade when summer’s sun is strong. 

I am the framework of the roof to your house and the top of your table, the bed in which you sleep and the timber with which you fashion your boat. 

I am the handle to your hoe and the door to your hut. 

I am the wood of your cradle and the boards of your coffin. 

I am the bread of your kindness and the flower of beauty. 

Hear my prayer: "Destroy me not". 


@ Bao Nguyen Quang ST & T/h

GIAI THOẠI VUI VỀ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG - Sưu tầm.

 





GIAI THOẠI VUI VỀ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG.

Một hôm Bùi Giáng ghé trụ sở hội Nhà Văn chơi. Lúc bấy giờ nhà thơ Thu Bồn, một ủy viên ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam, đang đứng trò chuyện với nữ sĩ Thu Ba, trông thấy ông bèn gọi lại bảo rằng:

– Nghe đồn ông có tài xuất khẩu thành thơ, làm một bài cho anh em nghe chơi.

Bùi Giáng gãi tai trả lời:

– Lâu quá tui không có làm thơ, quên mất cả rồi.

Thu Ba năn nỉ:

– Làm đại một câu lưu niệm đi mà. Bấy lâu chỉ kiến văn kỳ thanh hôm nay mới kiến diện kỳ hình ông đó.

Bùi Giáng cười :

– Nhưng tui làm dở, đùng có cười tui nghe!

Thu Bồn giục:

– Thôi mà đừng khiêm tốn nữa, không ai cười đâu.

Bùi Giáng tằng hắng một tiếng rồi đọc:

Thu Ba khen ngợi Thu Bồn

Thu Bồn cảm động sờ vai Thu Ba

Thu Ba nhăn mặt:

– Ý dà, ông làm thơ lục bát chi mà chẳng có vần có điệu gì hết trơn.

Bùi Giáng đáp:

– Thì sức tui chỉ có vậy, cô muốn thơ có vần thì kiếm chữ khác thay vào đi.

Thu Ba bỗng đỏ mặt hứ lên một tiếng. Bùi Giáng lại cười một cách ngây thơ rồi quay đi trước cái nhìn giận dữ của Thu Bồn.

SƯU TẦM. 

MỪNG NGÀY 20-10 - MCHX blog

 


     MỪNG NGÀY 20 - 10 - 2020

   (MỘT CHÚT HƯƠNG XƯA blog)

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Thư giãn : HỌC VÀ HÀNH - Thảo Dân.





HỌC VÀ HÀNH.

 Bé lớp 1 vừa đi học về, nói với mẹ:

- Mẹ ơi con đói, lấy cơm cho con "đớp" đi mẹ.!

- Đừng nói hỗn.! Con nhớ nói cho lễ phép nghe chưa.?

- Vậy hai cái bánh mua cho con lúc đến trường đâu.?

- Con "chén" hết rồi mẹ ạ, mà giờ lại đói quá.!

- Ôi trời.! Mẹ đâu dạy con ăn nói kiểu đó bao giờ?

-  Thầy giáo dạy trong Sách Giáo Khoa Cánh Diều mà mẹ!

- Thôi! Chết Mẹ...rồi???

---

Thảo Dân

----------------

Ghi chú : Những từ nằm trong ngoặc kép "..." là trong sách Tiếng Việt lớp 1. Do nhà xuất bản Cánh Diều Vàng biên soạn và phát hành đầu năm 2020. 

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Vần thơ xưa: QUÊ EM - Thanh Giang




QUÊ EM


 Quê em nhà cửa liền nhau,

Mái tranh, mái ngói chen màu xinh xinh.

Quê em có miễu, có đình,

Có con sông nhỏ uốn mình trong tre.

Có đồng có ruộng bao la,

Nông dân làm lụng hát ca bên đồng.

Lúa xanh đang trổ đòng đòng,

Một mùa mơn mởn đẹp lòng dân quê.

Nương dâu xanh ngắt bốn bề,

Bắp, mì, khoai, đỗ, lang, mè tốt xanh.

Sớm hồng trời đẹp trong lành,

Sương mai rung động trên cành chim ca.

Vàng son lơ lửng chiều tà,

Đồng quê thơ mộng bao la xanh rờn.


    Thanh Giang

    (Tiểu học nguyệt san, tháng 10/1958)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Thơ : YÊU & THƯƠNG - Ngọc Bích.






 YÊU &THƯƠNG 


 Thương thương lắm cái nết hiền hiền  

Yêu sao vòng tay ấm thân thương  

Thương lời nói ai đầy cảm xúc  

Yêu lắm tình ai rất đậm đà  

Thương chúng mình hai đầu nỗi nhớ  

Yêu nhau mãi mãi 

tình không phai


NGỌC BÍCH (17-10-2020)

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Thơ : ĐẦY VƠI - LPQ

 


 Tác giả : LPQ

Thư giãn : KARAOKE MÙA MẶC DỊCH - Phong Luu

 





KARAOKE MÙA MẮC DỊCH


Mùa dịch China virus, bị cách ly không đi đâu được nên nhiều nhà lôi Karaoke ra hát, lúc đầu hát ít, riết rồi hát tối ngày sáng đêm luôn với đủ thể loại nhạc, từ dân ca, cải lương, nhạc trẻ, cho đến nhạc xanh nhạc đỏ nhạc vàng...

Nghe anh em trên mạng than phiền quá trời:


- Con mẹ kế nhà tao có cái Vùng lá me bay, mà vùng lá um tùm của con mẻ bay từ sáng tới chiều còn chưa hết lá.


- Hàng xóm nhà tao hát bài Giây phút chia xa, lời nhạc là "đoàn tàu lăn bánh rời bến" mà lần nào nó cũng hát thành "đoàn tàu lăn bến rời bánh". Thế nào thằng Mạnh củ chuối nghe cũng phải phát khùng.


- Thằng kế nhà tao thì cực kỳ bất hiếu, 1 giờ trưa nắng gần chết mà nó cứ đòi "cho con gánh mẹ" đi phơi nắng.

Đã vậy, đến tối nó lại "cho con gánh mẹ một lần..." nữa, thiệt hết sức ba trợn, tối không để mẹ ngủ cứ đòi gánh bà già đi đâu hoài không biết.


- Hàng xóm nhà tao mấy hôm nay bỗng dưng bị mất con ngựa ô, tối ngày nó cứ chỉa micro qua nhà tao mà la làng “ngựa ô ai cướp, ai cướp con ngựa ô, ngựa ô ăn cướp...”, mà nhà nó có nuôi ngựa và tao có ăn cướp con ngựa của nó hồi nào đâu?


- Còn thằng bên cạnh nhà tao hình như mấy chục con bồ của nó vừa chết vì China virus, nó “đắp mộ cuộc tình” ngày 3-4 cử, mà đắp cả tháng trời vẫn chưa xong.

Ông cụ hàng xóm nổi điên nói với nó: “mày ra cái mả cha mày mà đắp mộ đi, chứ mày trù ẻo đắp mộ ở đây hoài thì còn ai sống nổi?

Thế là nó thôi “đắp mộ cuộc tình” nó lại quay qua tụng cho ổng nghe bài “cho một người nằm xuống”.


- Mụ hàng xóm nhà tao cả chục đời chồng, mà con mẻ cứ khoe “tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau” lại còn "phận là con gái chưa 1 lần yêu ai” khiến tao mắc cở đến sởn tóc gáy mày ạ.


- Hàng xóm nhà tao mới ghê, 12h đêm rồi vẫn cứ 5 anh em trên 1 chiếc xe tang. Nó xạo thôi chứ nhà có mỗi mình nó, làm éo gì ra tới 5 anh em.


- Ông người Huế cạnh nhà tao thì ngày nào cũng khoan khoan hò khoan 3 cử: Khoan ngang khoan dọc này (dô dô hò khoan) khoan trên rồi khoan dưới này (dô dô hò khoan) khoan trước rồi khoan sau này (dô dô hò khoan). Mẹ kiếp, không biết sức đâu mà ổng khoan cả ngày không biết mệt.


- Tao ở kế nhà thằng hổng biết thù oán gì với cây đàn mà ngày nào nó cũng đòi đập vỡ, chả biết nó đập kiểu gì mấy tháng trời cây đàn vẫn cứ y nguyên.


- Thằng ngang nhà tao cứ khi say bí tỉ là nó nhừa nhựa: "chim trong quần chim bay ra, con chim nó nhảy lên đầu nhà... hót đi chim hót đi chim. Ôi thương quá cúc cu Việt Nam" 


- Đù moá thằng ngang mặt nhà tao, cứ vô chừng 4-5 lon là nó bắt chước Chế Linh rên rỉ: “đường thương đau đày ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người”. Tao tức quá chỏ mồm sang: "hổng là người thì là chó hả?". Nó vác dao ra địt một hồi, đòi giải phóng nhà tao.🤣


Phong Luu

Thơ : GIẤU - Văn Châu.

 





GIẤU


Em giấu mùa thu trên bím tóc

Để cho màu nắng bớt hanh vàng

Ta giấu em vào trong ký ức

Để nguyên còn chút mộng đài trang...


Văn Châu

Thư giãn: BÍ QUYẾT GIẢM NHẬU - St trên mạng.






 BÍ QUYẾT GIẢM NHẬU

1. Ông không uống là không tôn trọng tôi

    ***Xin lỗi tôi hầu như không tôn trọng ai ép tôi uống.

2. Cả bàn uống, ông không uống mất vui.

     ***Ông xem cả bàn vẫn vui và bằng chứng là họ vẫn uống.

3. Không uống được nhiều thì cũng làm một chén

     ***Với tôi một chén cũng là nhiều rồi.

4.  Cứ uống hết mình đi, say bạn đưa về.

      ***Khi say là tôi không về, mà không về là không được, không được tức là tôi phải về, mà muốn về thì tôi không được say.

5. Nốt chai này rồi anh em mình về

     ***Đây có phải công việc đâu mà “nốt cho xong”

6. Nể nhau thì uống nốt chén này đi!

     ***Nếu ông coi tôi uống để chứng minh tôi nể ông thì.. tôi không uống, chắc ông hiểu chứ?

7.. Rượu bất khả ép, ép bất khả từ.

     ***Câu này hay này, vế đầu là do thầy dạy, vế sau do người đời thêm vào mà tôi thì không chấp nhận thêm như vậy !

8. Chén này uống vì …

     ***Tôi không uống rượu làm thước đo…

9. Trăm phần trăm

     ***Ông vội thì đi trước đi

10. Chỉ có thằng sợ vợ mới không dám uống 

     ***Chỉ có thằng làm chuyện đúng đắn mới không sợ vợ

11. Đàn ông ai lại đi uống nước ngọt

      ***Uống rượu cũng chắc gì đã là đàn ông!

(Sưu tầm trên mạng. Chúc dân nhậu vận dụng được 50% là quá tốt rồi !)

Thơ : THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG - Phước Liêu.






 THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG


Chiều nay có chút nắng vàng 

Trong lòng bỗng thấy vô vàn mến 

thương 

Yêu vì sợi nắng còn vương 

Nắng ơi xin hãy yêu thương trở về 

Miền Trung nước ngập tràn trề 

Khổ cho dân chúng bộn bề lo toan


PHƯỚC LIÊU (10-2020)

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020

Câu chuyện phương xa: MỘT NGƯỜI VÔ GIA CƯ

 




MỘT NGƯỜI VÔ GIA CƯ.


Người đàn ông trong hình là 1 người vô gia cư ở Tulsa, Hoa Kỳ. Ông bị bệnh không lao động được, nhưng không muốn phải nhờ vào bảo trợ của nhà nước nên ông sống lang thang, làm nghề lượm lon, lượm đồ phế thải bán kiếm tiền ăn qua ngày.

Một hôm tình cờ trong lúc bươi rác, ông tìm thấy giấy tờ tùy thân, bằng lái xe và 1 số vật dụng khác vứt vương vãi trong đống rác. Ông lượm lên xem thì thấy có tên và hình ảnh của 1 phụ nữ.

Người đàn ông vô gia cư nghèo này bèn bươi rác lượm lại hết những giấy tờ và vật dụng cá nhân đó, chất lên xe đẩy rồi đội mưa tìm đến tận nhà để trả cho khổ chủ.

Người phụ nữ trong hình 2 ngày trước bị trộm viếng, đã lấy đi ví cùng nhiều vật dụng khác. Kẻ trộm sau khi moi hết tiền và nữ trang đã vứt số đồ còn lại vào đống rác.

Bà rất vui mừng khi lấy lại được giấy tờ bị mất, và chiếc ví vì trong đó có hình ảnh con cái và gia đình. Nếu bà phải đi làm lại hết giấy tờ thì sẽ phải đóng phí lên đến mấy trăm đô . Bà muốn được trả ơn bằng cách tặng tiền , nhưng người đàn ông vô gia cư nhất định từ chối, ông chỉ đồng ý cho bà chụp 1 tấm hình kỷ niệm thôi.

Ông nói : Nếu tôi bị mất đồ thì tôi cũng mong ai đó tìm được sẽ đem trả lại cho tôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi ".

Theo bạn, thì người vô gia cư này có nghèo không ??


Nguồn : Sưu Tầm.



Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Thơ : GỪNG CAY MUỐI MẶN - Hà Thu Thủy

 




GỪNG CAY MUỐI MẶN


TỪ CỦ GỪNG CAY NỒNG NÀN ẤM NÓNG

MỘT CHÚ CHIM GỪNG BÉ NHỎ THƠ NGÂY

CHỌN NGAY ĐÊM TRĂNG KHUYA VỀ SÁNG

HÓA  CHIM ĐUÔI DÀI XINH XẮN HAY HAY .


SẼ LÀ CHIM BAY VÀO BẦU TRỜI RỘNG?

HAY MÃI LÀ KIẾP MUỐI MẶN GỪNG CAY

ĐỂ MỘT ĐỜI SỐNGTHỦY CHUNG CÙNG ĐẤT

GỪNG CAY MUỐI MẶN TRỌN VẸN CÂU THỀ.??


Hà Thu Thủy ( 10-2020 )

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Thơ xướng họa: CẢM HOÀI - Lê Thiên Minh Khoa.



Chùm thơ xướng họa: 

Xướng: CẢM HOÀI - Lê Thiên Minh Khoa

Có phải đi rồi đi mãi đâu !

Người đi để lại những đêm thâu

Mòn khuya chỉ một mình em thức

Nhầu tóc còn bao nửa sợi sầu

Nhìn ngọn Chứa Chan chan chứa nhớ

Trông dòng Thương Bạc bạc thương đau

Chừ tang thương quá, thương thương lắm

Chưa thấy trùng dương đã trắng đầu!

LÊ THIÊN MINH KHOA


BÀI HỌA (mượn vần): BIẾT ĐÂU - Lê Trường

Gặp thời  ly loạn biết đi đâu

Thoát nạn nơi nao để hết sầu

Ngày chạy hoang mang tàn bóng xế

Đêm nằm lo lắng tận canh thâu

Gánh gồng chen chúc tìm phương sống

Bồng ẩm lết lê tránh nỗi đau

Quê cũ đành xa từ dạo ấy

Lưu vong kiếp nạn chốn giang đầu !

 LÊ TRƯỜNG

   (Xuân Lộc, Đồng Nai, 05.10.2019, nhớ lại những ngày chạy loạn trong “Mùa hè đỏ lửa” 1972)



Thơ : VIẾT VỀ CHA - Thạch Thảo.



VIẾT VỀ CHA

Cha tôi người lính Hải Quân

Dáng cao Từ Hải phong trần đẹp trai.

Thơ đàn, lãng tử, hát hay

Tháng năm sông nước dọc dài quê hương.


Bể dâu gục ngã chiến trường

Ba hai tuổi sớm vô thường đời trai.

Biển ôm cha lịm hình hài

Sóng ôm cha khóc, mãi hoài trở trăn.


Giỗ cha tháng tám bao lần

Trăng thu quấn quýt tần ngần khói hương.

Xót người ngắn ngủi đời thường

Lòng con thương nhớ vô lường cha ơi.


Vườn sau lá rụng tơi bời

Nghe như bản nhạc nghẹn lời cha ca.


  Masteri Thảo Điền ngày 23-9-2020

     THẠCH THẢO  Bình Dương

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Thư giãn : CÂU CHUYỆN ĐÊM MUỘN - Sưu tầm.




 CÂU CHUYỆN ĐÊM MUỘN 

Một người đàn ông vừa nhận phòng khách sạn xong, thấy có máy vi tính trong phòng, ông ta liền quyết định gửi email cho vợ mình.

   Viết xong, ông ta nhấn gửi nhưng không ngờ rằng đã đánh sai địa chỉ email.

   Người chủ của địa chỉ email này thực ra là một quả phụ vừa trở về nhà sau khi đưa tang chồng.

      Bà quả phụ này định kiểm tra hộp thư điện tử của mình để trả lời những lời chia buồn của bạn bè và người thân của hai vợ chồng.

       Sau khi đọc thư đầu tiên, bà té ngửa và ngất xỉu.

        Anh con trai nghe tiếng động lớn liền chạy vào phòng và nhìn thấy mẹ mình ngã dưới đất, máy tính vẫn đang hoạt động và trên màn hình là một bức thư. Bức thư viết:

      "Gửi đến bà xã thân yêu, anh biết em sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được thư anh.

   Ở đây cũng có máy vi tính nữa và anh được phép sử dụng để liên lạc với người thân.

-Anh vừa mới xuống tới. 

-Em và mấy nhỏ ổn không? 

Dưới này thật sự rất đẹp nhưng anh thì cô đơn quạnh quẽ.

  -Anh đã sắp xếp mọi thứ cho em xuống đây vào ngày gần nhất.

  Mong gặp em từng giờ. 


                             Chồng em........!"


                            . Sưu tầm.

Thư giãn: CON ĐƯỜNG... SỐNG!!?? - St và cải biên.

 




CON ĐƯỜNG... SỐNG!!?? 


Con mèo tát nhẹ vào đầu con chuột rồi hỏi:

- 1+1 = mấy?

- Dạ! = 2 ạ!

"Pặc", con mèo tát 1phát thật mạnh với đầy đủ móng vuốt : Mày đã biết quá nhiều.

Vẫn câu hỏi đó, con chuột thứ 2 suy nghĩ rồi run rẩy trả lời:

- Dạ! em không biết ạ!

"Pặc" con mèo lại tát cực mạnh : Loại dốt nát như mày không nên sống.

Đến con chuột thứ 3, mèo vẫn hỏi lại câu hỏi đó. Con này suy nghĩ rồi trả lời:

- Biết thì sao mà không biết thì sao?

"Pặc" ! : Nguy hiểm như mày thì càng phải chết.

Tiếp tục con chuột thứ 4, lại là câu hỏi đó, con này suy nghĩ rồi trả lời:

- Trả lời anh giết, không trả lời anh giết, trả lời sai anh giết, trả lời đúng cũng giết luôn, thì em biết phải làm sao?

"Pặc" ! : Mày phải chết vì mày nói quá nhiều.

Đến con chuột cuối cùng, vẫn câu hỏi cũ, con này nhanh nhảu trả lời:

- Dạ thưa anh! Với những câu hỏi hóc búa như vậy, thì chỉ có những người cao siêu như anh mới có đáp án chính xác ạ!

Con mèo khoái chí bảo: Mày được, theo tao!

....

Sống ở đời...

Thông minh cũng chết, dốt nát cũng chết, thủ đoạn cũng chết, lý luận nhiều cũng chết. Chỉ có nịnh bợ là sống sót. ka ka ...

.(Sưu tầm và cải biên) 

Thơ : MƯA THU - Xuân Duyên.



 MƯA THU

Mưa thu đã đi qua
Tình ai đã đi xa
Lá thu rơi đi nhé
Nhẹ nhàng chút tình ta
   Có nghe gió hát lời ca
   Ngát mùi hương cỏ, thơm hoa trong vườn
  Giọt mưa thắm lá vấn vương
  Mùa thu ở lại, yêu thương nồng nàn
      .    
XUÂN DUYÊN - 10/2020

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Thơ : LÁ RỤNG CHIỀU THU - Phước Liêu.

 




LÁ RỤNG CHIỀU THU 


Mùa thu đầy những lá vàng 

Cho ai mong đợi ngập tràn tim ai

Lá vàng trong nắng chiều phai

Để bao hờn dỗi yêu ai thật lòng 

Trời chiều lá rụng mênh mong 

Lá ơi có biết trong lòng ai đau


PHƯỚC LIÊU - 7/10/2020

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Viết từ phương xa: CÂU CHUYỆN PHƯƠNG XA - Sưu tầm.

 

( Bò tót lai F1 sau một "dự án khoa học" tiền tỉ !!!... )

CÂU CHUYỆN PHƯƠNG XA.


Mình sống tại thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Texas , nước Mỹ. 

Vì là thị trấn nhỏ nên ai cũng biết ai. Mình nuôi rất nhiều gia súc cho vui và ngăn chia ra thành nhiều khoảng đất nhỏ. 

Có 1 lần cảnh sát đến nhà. Vì trước cổng mình treo bảng “No Trespass” và cổng đóng 24/24. Chỉ khi nào đi ra ngoài mới mở cổng.  Viên cảnh sát đứng trước cổng. Con gái mình lúc đó học lớp 8 đang đứng gần cổng chơi vì lúc đó khoảng 6 giờ chiều. 

Viên cảnh sát hỏi cháu: Có ba ở nhà không?  Cháu trả lời: Tôi không trả lời câu nói này vì tôi không biết ông là ai. 

Viên cảnh sát lên xe cảnh sát đi về trụ sở. Cháu chạy vội vào nhà và nói với mình:  Ba à! Có 1 người cảnh sát muốn gặp ba. Con nói con không trả lời ... Mình nghĩ mình không có làm gì xấu thì cảnh sát đến tìm mình làm gì. Chắc là hiểu lầm gì đây nhưng “kệ mẹ nó đi”. Sáng hôm sau viên cảnh sát đó đến nhà. Lúc đó mình ở ngoài vườn nên ra gặp. Viên cảnh sát này có 1 lần đến mượn đồ phụ tùng xây nhà. Vì là bạn của Kirk (bạn Mỹ rất thân của mình) nên mình cho mượn. Mình nhận ra ngay và hỏi: anh đến đây có gì không?  Anh ta nói tao muốn vào chỗ kia (anh ta chỉ tay chỗ nuôi heo). 

Mình hỏi: Để làm gì?  Mình mở cửa cổng cho vào và dẫn anh ta đi. Trên đường vào anh ta nói: Tôi có gặp con gái anh hôm qua nhưng cháu không nói chuyện. 

Anh ta hỏi mình: Anh chỉ cần chỉ cho tôi chỗ uống nước của con heo là tôi đi ra không cần phải vào trong đó. 

Mình chỉ cái chậu nước màu vàng và nói: Đó là chậu nước. 

Viên cảnh sát nói: Đủ rồi. Tôi có thể đi ra. Có người báo là anh nuôi heo nhưng không cho uống nước nên tôi vào xác minh. 

Mình bực lên và hỏi:  ai báo cho anh?

Viên cảnh sát nói:  Tôi không thể nói cho anh biết được. 

Mình tức lên nên nói to tiếng: Hôm qua mày đến đây, mày làm con tao sợ. Mày có biết là mày không được nói chuyện với nó không? Tao đưa mày ra Toà vì sau 5 giờ lúc không có ai ở nhà mày đến làm con tao sợ. 

Viên cảnh sát: Tôi xin lỗi, tôi không có ý làm con anh sợ. Tôi chỉ đến để xác minh nhưng tôi không thể cho anh biết ai là người báo. 

Chuyện xảy ra lâu rồi nhưng nay mình kể lại vì tại Việt nam thuộc tỉnh Bình Thuận nuôi bó tót hệ F1 ốm như thây ma, chỉ còn bộ xương. Ở Mỹ mà nuôi nghiên cứu kiểu đó thì ông tiến sĩ bị đi tù, đàn bò được đưa ra cho bác sĩ thú y cứu liền chứ không đưa lên báo rồi im. 

Nhưng ở trong tình cảnh như hiện nay thì làm gì được?! Con người đôi khi còn lâm cảnh tệ hơn vậy nữa thì con bò tót hệ F1 là cái thá gì.


SƯU TẦM TRÊN MẠNG. 

Cuộc sống: KỸ NĂNG QUAN TRỌNG - Sưu tầm trên FB.

 




KỸ NĂNG QUAN TRỌNG 


Kỹ năng quan trọng bậc nhất cho 1 đứa trẻ con là gì? 

Mình sang Anh tu nghiệp ngắn hạn, lúc ở Tp Coventry thì ở nhà anh Luke, người bản xứ còn ở Tp Manchester thì ở nhà chị Hoà, Việt Kiều. Anh Luke là chủ doah nghiệp lớn về công nghệ sinh học. Hôm ở nhà anh Luke, mình bị lệch múi giờ nên khó ngủ, lúc 12h đêm rồi mà vẫn không nhắm mắt được. Bỗng nhiên mình thấy thằng con trai anh, cỡ 10 tuổi, đi vô bếp dọn dẹp 1 tí (dù mẹ nó đã dọn xong như nó vẫn double-check tức kiểm tra lại), rồi ra bật đèn ngoài sân, kiểm trả cửa cổng đã đóng chưa, coi con chó đã yên vị trong cái chuồng nó trên bãi cỏ chưa, rồi mới vào khoá cửa nhà, tắt điện, nhẹ nhẹ đi vô phòng của nó để ngủ. 


Mình ngạc nhiên ghê lắm, sáng sớm ăn sáng hỏi thì nó nói đó là môn học Home Maintenance, trường nó bắt buộc phải làm từ lớp mẫu giáo, cha và mẹ nó làm cùng với nó cả 2 năm nay. Sau 2 năm nó đã quen, không sợ ma khi ra ngoài sân nữa, có ma là con Ken (con chó của nó sẽ sủa bảo vệ nó ngay). Nó nói tối qua nó thức khuya để nghiên cứu tài liệu cho buổi thuyết trình vào tuần sau, nên mới thức khuya vậy. 


Anh Luke nói cái kỹ năng Home Maintenance này do gia đình hướng dẫn chủ yếu, mùa đông thì dọn tuyết này nọ kiểu khác, mùa hè thì trồng cây cắt cỏ. Nhưng tối trước khi ngủ phải double check 1 vòng, sáng dậy, sau khi vệ sinh cá nhân là phải đi tắt đèn sân, bật đèn nhà, cho chó cho mèo ăn, tưới cây cỏ nếu không mưa, dọn dẹp phân chó phân mèo, để đồ ăn cho chim trên cành cây trước sân, đẩy xe rác ra ngoài nếu ngày đó họ đi lấy rác. Cuối tuần, con anh Luke phụ anh làm vườn, trồng hoa, tắm và sấy chó mèo, hoặc rảnh thì tập trung bạn bè lại, pha nước chanh đứng bán ở góc đường, nhằm gây quỹ từ thiện. Chúng nó tự lên kế hoạch, tự hái chanh, tự mua nước đường, tự làm và dọn dẹp mọi thứ dù chỉ mới có 10-11 tuổi. 


Còn lúc mình ở nhà chị Hoà thì thấy tối, con cái chị giải bài tập xong thì lăn ra ngủ. Trên bếp vẫn nồi bún riêu nấu dở dang, thùng rác thì đầy ắp đồ. Sáng dậy thì chị phải gõ cửa phòng kêu tụi nó ra ăn sáng, các con chị dậy vứt chăn mền đó chứ không gấp, chị phải làm vừa làm vừa cằn nhằn. Con chị ăn xong thì vứt bát trong bồn, rồi vội thay đồ để đi học. Cây cỏ nhà chị héo úa, vật nuôi thì chẳng có con nào vì chồng chị nói "nuôi tụi nó cho ăn dọn phân mệt lắm". Anh làm công nhân nhà máy dược phẩm cách khá xa còn chị đi phụ nhà hàng, dù ở Việt Nam cả hai đều đang là giảng viên ĐH. Anh chị từng học thạc sĩ ở đây ngay xưa, nên khi có con thì tìm cách sang học tiến sĩ nhưng bỏ học, ra ngoài, xoay sở tìm cách định cư. 


   Chị nói "anh chị hy sinh để cho con cái học môi trường quốc tế tốt nhất, nhằm phát huy hết năng lực, và 1 số trường công bên này miễn phí". Ngoài giờ học, chị chở con đi học đàn, học cờ, học võ, học toán tư duy, học vẽ, học thêm tất cả vì chị nói, tụi nó học trường công, mấy môn này học qua loa chứ không được dạy kỹ như bên trường tư. Mình hỏi có môn Home Maintenance không, chị Hoà nói chưa nghe, chắc trường này không có, chắc bên trường tư mới dạy. Sau này mình hỏi anh Luke thì ảnh nói đúng rồi, trường công mà, nó chỉ dạy cái cơ bản thôi, thế mới miễn phí, không tiền thì đành chịu học ở trường công chứ có tiền thì nên "mua sản phẩm giáo dục". Còn như con anh, học trường tư học phí cả chục ngàn bảng/năm, thì mới có các môn kia. Anh nói cũng tuỳ, vì giáo dục 1 đứa trẻ, nhà trường 30, gia đình 70, tức phải có sự phối hợp của gia đình nữa. Ví dụ cái Home Maintenance kia, mà cha mẹ cũng lười, chẳng cắt cỏ bón phân, không yêu chó mèo, không chịu khó làm lụng dọn dẹp....thì con cái chẳng thể có được. 


Khi về Việt Nam, mình ngồi trên máy bay và nghĩ. Hoá ra, cái để một người có thể làm lãnh đạo, làm quản lý, làm chủ...không phải là kiến thức mình học ở trường, mà là cái tích luỹ mỗi ngày ở nhà. Nhiều người cứ ngây ngô tìm ĐH Kinh tế, ĐH quản trị kinh doanh để học và nghĩ là học ra sẽ trở thành chủ lớn, trở thành big boss, nhưng không thể. Nó là một quá trình từ ấu thơ, được gia đình dạy dỗ khuôn phép về sự quán xuyến và làm lụng, óc quan sát và sắp xếp, sự chăm chút và tỉ mỉ trong công việc hàng ngày. 


Một người nếu cái giường ngủ cũng bẩn, cái phòng trọ cũng bẩn, cái bếp cũng để bẩn, cái tủ lạnh cũng để đồ lộn xộn, cái thùng rác đầy ụ và bốc mùi...thì dù chữ nghĩa bằng cấp thế nào đi nữa, cũng không thể trở thành lãnh đạo hay quản lý được. Họ không biết như thế là bẩn, là lộn xộn, là bất cập....để có thể thay đổi. 


(St)

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Thơ : MONG BẠN NGỦ YÊN - Huỳnh Văn Huê

 


(Từ năm 1970 bạn T.H.P du học CHLB ĐỨC rồi thành tài và sinh sống tại nơi đây cho đến nay 2020. Suốt 50 năm qua tác giả và bạn P chưa hề gặp mặt, chỉ biết đến nhau nhờ vài lần emails qua lại và sau đó là qua những bài viết trên trang web trung học Ngô Quyền) 

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Viết từ phương xa: BÁNH ĐÚC CÓ XƯƠNG - Sưu tầm.


 


BÁNH ĐÚC CÓ XƯƠNG. 

Nghe tin Tư khăn gói dọn ra khỏi nhà chồng làm ai cũng ngạc nhiên. Ô hay mới cưới nhau chưa đầy tháng đã cơm không lành canh không ngọt? Mà đâu phải vợ chồng son trẻ thiếu chính chắn gì cho cam? Cả hai đều đã một lần dang dỡ. Nàng đã từng có chồng, nhưng duyên không nợ nên rồi lại đường ai nấy đi. Chàng thì ...goá vợ, gà trống nuôi 2 đứa con thầm thoát cũng mấy năm rồi. Duyên lành đun rủi cho hai tâm hồn cô đơn gặp nhau. Vậy mà...

 Hỏi lý do nào Tư phải bỏ đi?

 Nàng trả lời:

 -Bả ở trong nhà vậy ai chịu nỗi.

 - Bà nào ở? Tôi thắc mắc

 - Vợ cũ ổng chứ ai

 - Không phải vợ ổng mất lâu rồi sao?

 - Mất thì mất, ai cấm bả...không ở trong nhà?

 - Không hiểu

 - Là bả…không chịu đi, mà cứ ở trong nhà chứ sao nữa.

 - Giỡn hả em? Thời buổi này còn nói chuyện ma quỷ ?

 - Thiệt đó anh.

 Và theo lời Tư kể:

Mới về nhà ổng có mấy ngày là em thấy âm khí trong nhà nặng nề, biết ngay đang có người âm trú ẩn, quả nhiên là bà ấy.

Wait, Chuyện ma quỷ có thiệt hay không anh không chắc, nhưng nếu có thiệt như em nói thì em làm sao biết có âm khí trong nhà và chắc là linh hồn của bà ấy còn đó?

 Tư cười:

- Nói anh nghe cũng không sao. Ông nội em là thấy pháp chuyên trừ tà đuổi quỷ ở Tây Ninh. Tía em cũng có chân truyền từ ông nội cho nên em cũng được học hỏi từ nhỏ tuy chưa học hết để đủ sức bắt ma trừ tà như ông nội, hay tía em, nhưng có thể thấy ma, và nhất là không sợ ma .

 - À… Vậy sao giờ sợ?

 -…Đâu sợ, mà bực thôi. Anh nghĩ mình ở trong nhà, tự nhiên lâu lâu thấy bả đứng gần đó xua tay như muốn đuổi mình ra khỏi nhà. Em không sợ vì đã từng thấy nhiều ma trước rôi, và biết nó chẳng làm gì được mình, nhưng mà khó chịu lắm anh. Nhất là buổi tối hai vợ chồng riêng tư với nhau, bỗng thấy bà đứng đó có khổ không chứ?

 - A, vậy là bả ấy ghen. Nhưng theo anh biết người mất rồi phải siêu thoát đi nơi khác về thiên đàng hay địa ngục gì đó tùy mỗi người, tại sao bà này còn ở trong nhà?

 - Cũng có những trường hợp họ bị vương vấn nặng nợ trần chưa đành lòng đi, bởi vậy mới có ma chứ anh. Trường hợp bà vợ cũ của ảnh không đi chắc vì thương con quá ra đi không nỡ nên trốn ở lại.

- Vậy muốn cho bà ấy ra đi thì phải làm sao?

- Phải mời một cao tăng đắc đạo tới nhà tụng kinh khai nhỡn cho bà ấy thấy được lẽ luân hồi mà siêu thoát. Nhưng ông chồng em đời nào tin mấy chuyện này mà tính mời tăng!

- Em có cho anh ấy biết chuyện này?

Có, nhưng ảnh nhứt định không tin, còn sạt em nhảm nhítức không?

- Khó nhỉ! Ông ấy không tin cũng không thể trách. Hay là nói ông nội hay ba em …mời bả ra khỏi nhà?

 Tư trầm ngâm nói:

- Nếu kêu tía em đang ở VN qua thì ông có thể đem bà ấy ra khỏi nhà, nhưng sao mà nỡ làm vậy anh ơi. Bà ấy vì quá thương chồng thương con, chưa muốn chết mà phải chết. Nghe kể là bà bị tai nạn xe cộ chết bất ngờ quá nên không cam tâm siêu thoát mới ra cớ sự. Tía em có thể trục bà ấy ra khỏi nhà và dán bùa không cho bà trở vô, nhưng không thể dẫn dắt cho vong linh bà. Bà sẽ trở thành một con ma hoang không nơi nương tựa, dễ sa vào kiếp ngạ quỷ tội nghiệp lắm. Phải có cao tăng dẫn dắt bà đến nơi siêu thoát mới là biện pháp hay nhứt.

 - Nhưng chồng em đã không tin mấy chuyện này mà !

 - Bởi vậy mới khổ. Chắc là duyên phần của em vậy để mình em chịu chứ em không nỡ làm đâu anh. Dù sao cũng là nhà cửa, gia đình của bả. Bà ấy chưa dứt được tơ tình muốn ở lại với chồng con thì phải chịu. Khi nào có cơ duyên được dẫn dắt, bà sẽ tự siêu thoát ra khỏi nhà.

 Và Tư đã quyết định ra đi, trả lại chồng và con cho con ma ấy.

 ***

 Đâu chưa đên hai tháng, Tư tới báo cho biết đã…dọn về lại.

 Câu chuyện “dọn về” của Tư còn li kỳ hơn.

 Nàng kể:

“… Hôm đó em đang ngủ ở nhà, chợt như có ngưòi kéo chân thức dây. Hoảng hồn luôn: anh biết ai hôn? Bả chớ ai! Em bực quá la lên: “Này chị, tui đã trả ảnh lại cho chị rồi. Chị còn tới đây kiếm tui chi nữa”. Bỗng nhiên em nghe như trong tâm thức tiếng chị ấy nói nhờ em tới nhà cứu đứa con gái út tên Alyssa đang bệnh sốt nặng trong phòng một mình, nguy hiểm quá.

 Nghe đến chữ Alyssa là em tỉnh ngủ liền. Nó là đứa con gái sau của hai người mới 7 tuổi thôi. Lúc còn ở nhà, em thương con bé lắm, mà nó cũng thương em. “Anh Tân đâu?” Em hỏi. “Anh Tân đi out of town ngày mốt mới về. Nhà chỉ có 2 anh em” “Sao chị không thức thằng Brian dậy. Nó lớn rồi biết lấy thuốc cho em nó” “Không được em ơi. Chị là mẹ nó thiệt nhưng không thể liên lạc với nó. Chị chỉ liên lạc được với em thôi. Em làm ơn tới cho con Alyssa uống thuốc giùm chị chứ để lâu bị coma nguy hiểm lắm.”

 Tuy vẫn còn ấm ức, nhưng nghe nói con bé Alyssa bệnh là em quên hết giận hờn. “Nhưng mà kẹt rồi chị. Tui đâu có chìa khóa vô nhà? Tui trả hết chìa khóa cho anh Tân rồi ”

 “Đừng lo. Em cứ tới nhà chị chỉ cho cách”

 Vậy là giữa đêm khuya khoắt 1, 2 giờ sáng em tức tốc lái xe đi. Đến nơi bả chỉ dưới 1 viên gạch trong vườn có để cái chìa khóa sơ cua từ hồi bả còn sống để phòng trường hợp đi đâu bị quên hay mất chìa khóa vô nhà. May mà chìa khóa bao bọc cẩn thận nên không bị rỉ sét gì cả,

Em mở cửa bước ngay vào phòng con Alyssa. Quả nhiên con bé không biết trúng gió hay gì mà lên cơn sốt, người nóng như lửa đang nằm rên hừ hừ. May em biết chỗ để thuốc men trong nhà nên lấy ngay cho con bé uống và lấy khăn ướt lau người nó để giảm nhiệt. Được chốc sau con bé đã hạ nhiệt và tỉnh dần nó thấy em đang ôm nó nên mếu máo "Mẹ ơi mẹ đừng đi nữa, ở lại đây với con nha!" Không biết nó đang nói mẹ là em, hay là nó đang nhớ đến mẹ ruột nó. Em mủi lòng đến chảy nuớc mắt, còn bà ta thì đứng ở góc phòng khóc ngon lành. Dĩ nhiên là chỉ có em biết còn con bé và thằng Brian (lúc này thì thằng anh nghe tiếng động nên đã tỉnh chạy sang phòng con em) hoàn toàn không biết mẹ ruột của chúng nó lúc đó cũng đang ở trong phòng.

 Đợi sáng em để sẵn thuốc dặn thằng anh cho em uống, gọi điện thoại cho ổng biết con gái bệnh phải về chăm sóc con. Em chỉ làm được tới đây thôi.

 

-Ổng có hỏi tại sao em biết con bé bệnh mà tới nhà giữa đêm khuya như vậy? Tôi hỏi:

 - Có, và em có sao nói vậy. Ảnh tin hay không tin mặc kệ. Em không care.

 -Vậy ổng có tin?

 - Ban đầu thì không, nhưng sau đó cũng phải tin. Ảnh xin lỗi và năn nỉ em trở lại với ảnh.

 - Và em đã chịu ?

 - Dạ. Tư trả lời

- Vậy còn …bả?

- Chị ấy đi rồi anh.

- Đi đâu? Sao em biết?

- Sau vụ con Alyssa, chị lại hiện về lần nữa nói chuyện với em. Chị ấy xin lỗi bấy lâu nay u mê không biết nên đã phá em. Nhất là chỉ sợ mấy đứa con bị cảnh mẹ ghẻ con chồng. Nhưng bây giờ thì chị hiểu là em cũng thương con chỉ như con em. Đêm hôm khuya khoắt nghe con bé bệnh là bỏ tất cả chạy tới ngay. Con bé Alyssa tinh thần lẫn thể chất yếu đuối, nó cần một người mẹ bên cạnh thực sự thương yêu và chăm sóc cho nó. Chị ấy có thương con tới đâu cũng không thể làm gì được. Bây giờ thì chị đã yên tâm siêu thoát về thế giới của chị, không nuối tiếc gì nữa vì biết rằng gia đình, con cái chị từ đây đã có em thay thế chăm sóc. 

***

Đã mười mấy năm trôi qua, gia đình Tư sống hạnh phúc. Hai người không có thêm đứa con nào, nhưng hai đứa con chồng thương Tư như mẹ ruột của chúng.

Có lần tôi tò mò hỏi sau lần đó, bà vợ cũ có bao giờ hiện hồn về thăm chồng con và thăm Tư không? Cô mỉm cười nói " Bí mật. Thiên cơ bất khả lậu".

 Và tôi nghĩ đến câu ông bà hay nói:"Mấy đời bánh đúc có xương- Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng". 

Well, cũng có khi bánh đúc có xương...


 Sưu tầm từ FB CHI NGUYEN

Thơ : LỖI MỘNG - Sưu tầm.






LỖI MỘNG
(ngũ ngôn tứ độ thanh)

Lạc bước ngõ tìm đâu?
Ngày yêu bạc lối sầu
Hồn ngơ đà lỗi mộng
Lệ đổ đã tàn châu
Lặng lẽ hờn yêu cuối
Nhìn nhau thẹn buổi đầu
Tơ tình sao tẻ lạnh
Hạnh phúc phải vùi sâu

 SƯU TẦM

Thơ : CHỈ... - Lương Đình Lân ( st )

      



               

CHỈ 

Chỉ uống một ngụm trà mà thức trắng cả đêm 

Chỉ nếm một chút buồn mà lang thang một tối 

Chỉ tìm một khóe môi mà nửa đời chờ đợi 

Chỉ yêu một nụ cười mà chết vội vu vơ

Chỉ nắm một bàn tay mà hạnh phúc đơn sơ 

Chỉ một ánh mắt nhìn mà thấy lòng ấm áp 

Chỉ trao một nụ hôn mà cả đời bão táp

Chỉ một chút thờ ơ mà lạnh giá vô cùng

Chỉ một chút cợt đùa mà suy nghĩ mông lung 

Chỉ một chút quan tâm mà chợt lòng xao xuyến 

Chỉ mới cách xa mà đã như thuyền nhớ bến 

Chỉ mới hiểu lòng mà đã vội mến cùng thương

Chỉ một bước xảy chân mà đi hết con đường

Chỉ một thoáng lỡ lời mà thành thiên tiểu thuyết 

Chỉ một chút  giận hờn mà cả đời đoạn tuyệt 

Chỉ một chút mềm lòng mà hối hận ngàn năm

Chỉ yêu một nụ hồng mà tim toạc gai đâm

Chỉ phạm một lỗi lầm mà tột cùng sám hối 

Chỉ lạc một lần mà cả đời tìm lối

Chỉ một lòng chí thành mà ta mãi gần nhau!

                 Tác giả: Vô danh - Lương Đình Lân sưu tầm -  ( 2016 )

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Thơ : NHỚ QUẢNG NAM - Tâm Võ.







NHỚ QUẢNG NAM.

     
 Quảng Nam ơi ! mình xa nhau ngày đó.

Sao trong lòng cứ vò võ nhớ thương.

Nhớ Hội An , nhớ những con đường.

Nhớ giọng nói dễ thương người Phố Hội.

Nhớ Hoài giang hằng trăm năm không đổi.

Vẫn hiền hòa, chưa mang tội với ai.

Vẫn một lòng sống chung thủy không thay.

Bên Phố Hội, sánh vai cùng năm tháng.

Nhớ Chùa Cầu soi bóng hình lơ đãng.

Dưới nắng chiều bản lãng tím hoàng hôn.

Nhớ những món ăn, quốc tuý, quốc hồn.

Khi nhắc đến thấy bồn chồn trong dạ.

Không cao sang...mà vô cùng dân dã.

Không cầu kỳ... nhưng chi lạ là ngon.

Nhớ HẾN XÀO CAY , HOÀNH THÁNH CHIÊN GIÒN.

Nhớ BÁNH ĐẬP ,sắt son cùng chén mắn.

Vị cay cay mà lòng như sưởi ấm.

Chút nghĩa tình sâu đậm đất Hội An.

Đĩa nước chấm thơm,BÁNH VẠC sẵn sàng.

BÔNG HỒNG TRẮNG chứa chan đầy hương vị.

Với đôi tay món ăn toàn hoa mỹ.

Ẩm thực lưu truyền  kỳ bí của chủ gia.

Nhớ quán : MINH- HƯƠNG- NGA- KIỆT cơm gà.

Với BÀ BUỘI , nhớ thiết tha đĩa gỏi

Mùi "húng lủi " hương thơm sao khó nói.

Chút nồng nàn len lỏi tận nơi đâu.

Nhớ biết bao nhiêu, nào món CAO LẦU.

Nhớ CHÈ BẮP mùi thơm đâu...lảng vảng.

Nhớ quả ớt xanh bên tô mì Quảng.

Nhớ thật nhiều ,dầu năm tháng trôi qua.

Quảng Nam ơi ! Sao mà nhớ thiết tha.

Như nơi đó chính là...QUÊ HƯƠNG MẸ....
                    

Thơ Tâm Võ.

Sưu tầm : MỘT ĐỜI NGƯỜI - St trên FB.

MỘT ĐỜI NGƯỜI. Ngày đầu tiên Thượng Đế tạo ra loài chó, Ngài bảo với nó: Hãy ngồi trước cửa nhà và sủa vào mặt bất cứ ai bước vào và bước ra. Ta sẽ cho ngươi 20 năm sống. Chó nói: Những 20 năm làm cái công việc sủa chán òm đó sao? Xin Người cho con 10 năm thôi, còn 10 năm con tặng lại cho Người. Thượng Đế đồng ý. Ngày thứ hai Ngài tạo ra loài khỉ, Ngài bảo: Hãy dùng trò khỉ của ngươi để mua vui, làm trò cười cho thiên hạ. Ta sẽ cho ngươi 20 năm sống. Khỉ nhún vai: Làm trò hề đến 20 năm ư? Thôi, con trả lại cho Người 10 năm, con chỉ nhận 10 năm sống là quá đủ. Thượng Đế hài lòng. Ngày thứ ba Ngài tạo ra loài bò. Ngài bảo: Ngươi sẽ ra đồng cày với người nông dân, chịu đựng mưa nắng, sinh ra đàn bê, sữa của ngươi sẽ để nuôi bê và nuôi cả con người. Ta sẽ cho ngươi 60 năm sống. Bò buồn bã: Cuộc sống khổ sở thế mà Người bắt con chịu đựng đến 60 năm ư? Thôi con chỉ nhận 20 năm, còn lại 40 năm con tặng lại cho Người. Ngày thứ tư Thượng Đế tạo ra con người, Ngài bảo : Này, ngươi có quyền ăn, ngủ, chơi, yêu đương lập gia đình và hưởng thụ. Ta cho ngươi 20 năm sống. Con người gào lên: Hả, chỉ có 20 năm thôi sao? Thế này nhé, con sẽ nhận 20 năm của con, 40 năm của con bò, 10 năm của con khỉ và 10 năm của con chó. Vậy là 80 năm, Ngài đồng ý nhé! Thượng Đế gật đầu độ lượng. Đó là lý do tại sao con người chúng ta có 20 năm đầu đời để ăn, ngủ, chơi, hưởng thụ cuộc sống. Rồi 40 năm kế tiếp chúng ta vất vả cày cuốc như trâu bò không quản mưa nắng để chăm lo cho gia đình. Rồi 10 năm kế tiếp chúng ta bày ra những trò khỉ để mua vui cho lũ cháu chắt ngây ngô. Và 10 năm cuối đời, chúng ta ngồi chò hõ trước cửa nhà để ngóng con cháu đến chơi. (Sưu tầm trên FB.)