Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Thư giãn : ĐI TÌM HẠNH PHÚC - Phuc Minh Nguyen (FB)

 




ĐI TÌM HẠNH PHÚC

Đọc xong bài báo cũ về xếp hạng hạnh phúc quốc gia, nhà thơ Ấn Độ nói với vợ rằng: Nàng ở nhà chăm sóc con cái, ta làm một chuyến hành Đông Dương để trải nghiệm và giải mã hạnh phúc. Gió buổi chiều trên sông Hằng thổi lồng lộng, vợ nhà thơ ôm cái chân mình rên rỉ: Ôi, sao mà tui đau khổ thế này ...!

Vừa ra khỏi cổng sân bay, nhà thơ gặp 3 thiếu gia đang ngồi ăn mì gói. Thiếu gia ngồi giữa ăn gói mỳ giá không đổi nhưng trọng lượng tăng thêm tới 20% nên ăn đã đời chưa hết. Hai thiếu gia kia ăn gói mỳ trọng lượng như cũ nên vèo cái hết liền, ngồi nhìn thiếu gia kia một cách thòm thèm và ngưỡng mộ. Nhà thơ Ấn Độ nhủ thầm: Bà vợ của ta ăn mỳ gói cách ly mới có hai ngày đã la oai oái. Trong khi các thiếu gia đây ăn mỳ với trạng thái tinh thần vui vẻ, sảng khoái, thèm thuồng như vậy chẳng phải là hạnh phúc đó sao?

Đi tới cổng một siêu thị, nhà thơ gặp một cô gái đẹp, thời trang lộng lẫy đang trên đường đi tìm người đàn ông của đời mình.  Cô gái nói với chàng trai khôi ngô vừa đi tới: Em muốn tìm một người đàn ông đã từng trải chua cay thực sự. Chàng trai búng tay cái tách reo vui: Chua cay thực sự trong đời anh chẳng phải là Omachi có một không hai đó sao! Sau khi cô gái ăn ngon lành tô mỳ thơm ngon đến giọt cuối cùng, cô nắm tay chàng trai theo về một phương trời ... vô định. Bỏ lại sau lưng quê nhà hạn mặn xác xơ! Nhà thơ Ấn Độ nhìn theo chớp con mắt bên phải mà rằng: Ôi chẳng phải đó là hạnh phúc tình yêu đó sao!

Đi về hướng ngoại thành, nhà thơ gặp hai mẹ con nhà nọ nấu cơm. Sau khi nếm thử món canh con gái nấu, bà mẹ lắc đầu quầy quậy đưa cho nó gói hạt nêm làm từ thịt. Nêm xong thì nồi canh ngon tuyệt vời, vừa lúc một chàng hoàng tử cỡi con bạch mã đi qua. Chỉ cần ăn thử vài muổng canh, hoàng tử liền mời cô gái lên ngựa, đưa nàng về dinh mà không cần phải ướm thử đôi hài hay phép màu ba hạt dẻ cái con mẹ gì trọi! Nhà thơ chớp con mắt bên trái nhìn theo: Ôi chao , đó chẳng phải là hạnh phúc đó sao!

Chập choạng tối trời lại mưa, nhà thơ ghé vô một ngôi nhà tranh cũ nát bên đường. Phía đôí diện bên kia là ngôi nhà mới xây điện sáng lung linh rực rỡ. Vợ chồng chủ nhà mới bên đó đang lả lướt một điệu tango: Từ ngày xài mái tôn này/ Nhà mình mát quá trời...! Nhà thơ nhìn thấy đôi vợ chồng rách nát bên này nhìn sang và nuốt nước bọt ừng ực, mắt thì sáng long lanh như họ đang mơ về một giấc mơ hạnh phúc. Hỏi ra mới biết cả hai vợ chồng đều thuộc diện thụ hưởng của gói kích hoạt sáu mươi hai ngàn tỷ đồng. Ui chao! Giấc mơ mà cũng hạnh phúc đó thôi!

Sau một ngày dài vất vả, nhà thơ ngâm mình thư giãn trong bồn tắm nhà trọ. Đang lơ mơ nghĩ lại cái cảnh lúc chiều khi đi ngang qua một vùng rừng: Cô gái hỏi chồng: Mình đi đâu đấy? Anh chồng cười vui: Đi lên núi. Cô gái cầm lon nước tăng lực, ỏn ẻn: Mình uống đi cho khỏe!  Chớp chớp hai con mắt, nhà thơ nghĩ tủi phận mình!

Chợt nhà thơ lắng nghe phía bên ngoài, vợ chồng nghệ sỹ nọ song tấu: Đau lưng, mỏi gối, tê tay/ Đau nhức xương khớp có ngay Tâm Bình . Nhà thơ tung cửa phóng ra ngoài, miệng la ơi ới Eureka! Eureka! Bà chủ nhà trọ ngăn lại, la oai oái: Ê Du! No chăm chăm ! Quay lại với tắm khăn quàng, nhà thơ thủ thỉ: Bà vợ tui đau nhức xương khớp hơn mười năm nay rồi, hơn mười năm tui không một ngày hạnh phúc! Nay có món thuốc này rồi, ngày mai tui sẽ mang về ngay cho bả. Bất giác nhà thơ giả giọng Quang Linh : Răng không cô gại trên sông ( Hằng). Ngày mai cô sẹ từ trong ra ngoài ... Bà chủ nhà trọ chỉ tay vào ... hắn và nói : Ê Newdelhi! Tanemi! Quahopo! ( tạm dịch: Ê mày, tau nể mày, quá hớp!). Khi không mà được khen, được nể, nhà thơ Ấn độ reo vui: Hạnh phúc là đây chớ còn đâu nữa chời chời! 

Sáng hôm sau nhà thơ bay về sớm mà không kịp nghe câu chuyện Đường Nhuệ và mỗi người chết năm trăm ngàn để xin về thế giới bên kia!

PHUC MINH NGUYEN (FB). 

Thú vị: ĐỌC ĐỂ TỰ BIẾT... -Donry Nguyen (fb).



( Hình ảnh chỉ có tính cách minh họa st trên mạng) 



 ĐỌC ĐỂ TỰ BIẾT MÌNH THẾ NÀO 


Số liệu thống kê thú vị và hơn thế nữa

Điều quan trọng và quan trọng nhất khiến tất cả chúng ta phải giật mình là tỷ lệ phần trăm người trên thế giới sống trên 65 tuổi! Ý nghĩa - Nếu bạn đang đọc e-mail này, thì bạn và tôi là một trong số rất ít những người may mắn đó.

THỐNG KÊ DÂN SỐ CỦA TRÁI ĐẤT: Dân số Trái đất liên tục thay đổi, nhưng vào thời điểm này, dân số khoảng 7,9 tỷ người.

Đối với hầu hết mọi người, đây là một con số khó hiểu. Tuy nhiên, nếu chúng ta cô đọng 7,9 tỷ đó thành 100 người, và sau đó cô đọng thêm thành các số liệu thống kê phần trăm khác nhau, thì kết quả phân tích tương đối dễ hiểu hơn:


Trong số 100 người:

 -11 ở Châu Âu

 -5 ở Bắc Mỹ

 -9 ở Nam Mỹ

 -15 người ở Châu Phi

 -60 ở Châu Á


 -49 sống ở nông thôn

 -51 sống ở các thành phố


 -75 có điện thoại di động

 -25 không


 -30 có quyền truy cập internet

 -70 không có khả năng truy cập trực tuyến


 -7 đã nhận được giáo dục đại học 

 - 93 không theo học đại học


 -83 có thể đọc

 -17 người mù chữ


 -33 người theo đạo Thiên chúa

 -22 người theo đạo Hồi

 -14 người theo đạo Hindu

 -7 là Phật tử

 -12 là các tôn giáo khác

 -12 người không có tín ngưỡng tôn giáo


 -26 sống dưới 14 năm

 -66 người chết từ 15 đến 64 tuổi

 -8 người trên 65 tuổi


Hãy suy nghĩ về điều này - Nếu bạn sống trong nhà riêng của mình, có thức ăn đầy đủ và uống nước sạch, có điện thoại di động, có thể lướt web và đi học đại học, bạn đang ở một tỷ lệ nhỏ dân số và là một trong số rất ít những người hưởng được đặc ân này.

(Điều này tương đương với việc nằm trong danh mục dưới 7%)

Trong số 100 người trên thế giới - chỉ 8 người sẽ sống hoặc vượt quá 65 tuổi.

Nếu bạn đã hơn 65 tuổi - hãy bằng lòng, biết ơn và cảm tạ Chúa;  trân trọng cuộc sống, nắm bắt từng khoảnh khắc.

Nếu bạn không rời khỏi thế giới này trước năm 64 tuổi, giống như 92 người đã đi qua trước bạn, bạn thực sự là người có phúc giữa nhân loại.  Hãy chăm sóc sức khỏe của chính mình thật tốt.  Hãy trân trọng từng giây phút còn lại.


Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị mất trí nhớ, nó được gọi là chứng mất trí nhớ & trở nên thú vị.

Trong phân tích sau đây, Giáo sư người Pháp Bruno Dubois, Giám đốc Viện Trí nhớ và Bệnh Alzheimer (IMMA) tại Bệnh viện La Pitié-Salpêtrière - Paris, giải quyết vấn đề này theo một cách khá yên tâm:


"Nếu bất cứ ai nhận thức được các vấn đề về trí nhớ của họ, họ KHÔNG mắc bệnh Alzheimer."


 1 Bạn biết bạn quên tên của các gia đình.

 2 Bạn biết bạn không nhớ nơi bạn đặt một số thứ, nhưng bạn nhớ bạn đã có chúng.


Điều này thường xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên và họ phàn nàn rằng họ đang mất / thiếu trí nhớ .. "Tất cả thông tin vẫn còn trong não, nhưng thiếu" bộ xử lý "."

Một nửa số người từ 60 tuổi trở lên có một số triệu chứng do tuổi tác hơn là do bệnh.


Một số trường hợp phổ biến nhất là:

 - quên tên của một người,

 - đi đến một căn phòng trong nhà và không nhớ tại sao chúng ta lại đến đó,

 - quên tiêu đề phim, nam diễn viên, và

 - tìm kiếm nơi chúng ta để kính hoặc chìa khóa.


Sau 60 năm, hầu hết mọi người đều gặp một số khó khăn, điều này cho thấy rằng đó không phải là một căn bệnh mà là một đặc điểm do năm tháng trôi qua.  Nhiều người lo ngại về những sơ suất này, do đó tầm quan trọng của các tuyên bố sau:

1. "Những người có ý thức về sự đãng trí không có vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ."


 2. "Những người bị bệnh mất trí nhớ hoặc Alzheimer không nhận thức được những gì đang xảy ra."

Giáo sư Dubois, trấn an phần lớn những người lo ngại về sự sơ suất của họ: "Chúng ta càng phàn nàn về việc mất trí nhớ thì khả năng mắc bệnh mất trí nhớ càng ít."


Nào, bây giờ chúng ta cùng thực hiện một bài kiểm tra thần kinh nhỏ: 

Chỉ sử dụng mắt của bạn thôi nhé 


1- Tìm chữ C trong bảng dưới đây!


OOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOCOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOO


 2- Nếu bạn tìm thấy chữ C, hãy tìm số 6 trong bảng dưới đây.


999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999699999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999999


 3- Bây giờ tìm chữ N trong bảng dưới đây.  Chú ý, nó khó hơn một chút!


MMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMNMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMM


 Nếu bạn vượt qua ba bài kiểm tra này mà không có vấn đề gì:

 - bạn có thể hủy chuyến thăm khám bác sĩ thần kinh hàng năm của mình.

 - bộ não của bạn đang ở trong hình dạng hoàn hảo!

 - bạn còn lâu mới có bất kỳ mối quan hệ nào với bệnh Alzheimer.


Chúng ta thực sự may mắn, vì vậy hãy chia sẻ điều này với hơn 65 người bạn của bạn, và nhắc họ hãy tận hưởng cuộc sống và yên tâm.


•Phỏng dịch từ email bằng tiếng Anh của Tan Truong.

DONRY NGUYEN ( FB )

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Thư giãn : ĐỂ ĐẤY TAO LÀM CHO... - Dũng Minh (fb)

 



ĐỂ ĐẤY TAO LÀM CHO NHANH 

Anh kỹ sư thiết kế làm từ đêm qua tới giờ không xong cái bản vẽ cho khách. Đói quá nên đặt đồ ăn qua mạng để có sức tiếp tục làm.

Lúc sau thấy bác giao hàng lò dò lên tận cửa giục ra trả tiền. Anh kỹ sư bảo:

- Đợi em 5 phút. Em làm nốt cái chi tiết này... Sắp xong rồi!

15 phút sau, bác giao hàng mất bình tĩnh hất tay em ra bảo:

- Để đấy tao làm nốt cho, lấy tiền trả tao đi, tao còn phải đi giao tiếp chứ?

Quả nhiên sau 5 phút,  thì bác giao hàng đã làm xong, anh kỹ sư trầm trồ hỏi:

- Bác đỉnh thật sự ấy. Bác trước học trường gì thế?

- Tao bằng đỏ Kiến trúc, Thạc sĩ thiết kế trường Mỹ Thuật công nghiệp, giờ đang bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường Xây Dựng. Chạy xe Ôm lấy tiền ăn học thôi! 

Anh kỹ sư thụp xuống vái lấy vái để :

- Xin lỗi tiền bối, em đắc tội rồi... 

DŨNG MINH (FB) 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Thơ: NẮNG THU VÀNG - Xuân Duyên.

 




NẮNG THU VÀNG

Chút nắng thu vàng trong sớm mai

Mang theo giấc mộng thấy u hoài

Trả đầy mơ tưởng nghe thương nhớ

Lẽ bóng thu tàn chiếc lá xoay

Xôn xao mấy nắng thu vàng úa

Ủ rũ bao mưa lá đỏ dài

Em tìm màu mắt hay màu tóc?

Để nắng thu vàng cứ mãi bay

         XUÂN DUYÊN - 8/2021.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Bài hát hay : NGƯỜI ĐI BUỔI ẤY - Thơ Thạch Thảo.

 


Lời hát: phổ thơ Thạch Thảo 
Nhạc và trình bày: NS Quang Đẩu

Thơ : NGƯỜI ĐI BUỔI ẤY - Thạch Thảo.

 



NGƯỜI ĐI BUỔI ẤY


Người đi buổi ấy từ lâu lắm

Bỏ bóng trăng sầu đêm lẻ loi.

Bỏ con sáo nhỏ trong lồng vắng

Khãn cổ kêu vang ơi ới người.


Làm sao biết được hồn ai khóc

Bảng lảng chiều ngã bóng hoàng hôn.

Làm sao biết được lòng ai nhớ

Kỷ niệm buồn vui... những dỗi hờn...


Thèm lắm bàn tay ai vuốt tóc

Dịu dàng ngan ngát ngón tay thơm.

Thèm lắm bờ vai ai ấm áp

Ngã đầu nũng nịu giấc mơ ngoan.


Khi xa mới biết bên nhau quý

Giờ hiểu ra thì quá muộn màng.

Có tiếc thương thôi đành ngậm đắng 

Phai phôi rồi chút phận hồng nhan.


Người đi buổi ấy từ lâu lắm

Để nhớ thương sầu. Môi cắn môi.

Người đi buổi ấy, không về nữa

Tình chết rồi. Tôi giết tình tôi.


THẠCH THẢO (Bình Dương)

Ngày 22-8-2022

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Tản mạn : MỐI TÌNH ĐẦU - Ngoc Hanh Nguyen (fb)

 



MỐI TÌNH ĐẦU.

Có lần Ốc(*) đã đọc được ở đâu đó :

Trong tim mỗi chúng ta đều có một ký ức không bao giờ muốn xóa đi, đó là ký ức mang tên “mối tình đầu”

Mối tình đầu nhè nhẹ như làn khói bếp bay trên mái nhà ai.

Mối tình đầu như vầng trăng sáng ngày rằm, treo lơ lững trên ngọn trúc đầu làng.

Mối tình đầu như hương thơm lúa mới trổ bông, mùi thoang thoảng nhẹ nhàng khi ta đi qua cánh đồng lúa đang dậy thì con gái.

Mối tình đầu như bờ sông xưa cũ, nước lững lờ có đám lục bình trôi.

Mối tình đầu như tiếng chim hót líu lo ,báo ta biết bình minh đang rực rỡ.

Mối tình đầu là những vầng mây trắng, bồng bềnh trôi không định hướng ,định hình.

.......

Mối tình đầu như bức tranh tuyệt đẹp. Chỉ có trong tưởng tượng những kẻ đang yêu.

Người yêu đầu có thể là một nhân vật với cái gì cũng đẹp, cũng tuyệt vời như hoàng tử , như công chúa trong truyện cổ tích.

Khi đã xa nhau, một làn sương mỏng ,một áng mây bay, một dòng sông chảy, một ánh trăng vàng cũng làm lòng xao xuyến nhớ đến mối tình đầu.

Nếu mối tình đầu không sâu đậm, không thiết tha thì Thi sĩ Hà Thu Thủy đã không sáng tác được  những vần thơ buồn man mác, những lời thở than ray rứt lòng người.


Bốn mươi năm chờ đợi

Hoa tàn, trăng tận,sông quằn mình trăn trở

Bốn mươi năm nhớ mong

Lá héo,sao mờ,biển cồn cào dậy sóng

Bốn mươi năm khó nhọc

Rẫy cằn,ao cạn,đồng khô nứt chờ mưa

Bốn mươi năm khắc khoải

Lửa tàn,nến tắt,đêm mòn mỏi thở dài

Bốn mươi năm lặn lội

Ngõ mòn,suối kiệt,rừng khép lá âu sầu

Bốn mươi năm đau đáu

Nắng úa,chiều tàn,hoàng hôn rơi buồn bã

Bốn mươi năm đằng đẵng

Mù sương giăng mờ mịt,lối về trùng khơi xa tắp

Tóc bạc,vai gầy,mắt mỏi hắt hiu

Chỉ bốn ngăn tim là vẫn thế

Chung thủy đập điệp khúc đợi chờ.( Thơ HTT)


Thế nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Người xa xưa trong ký ức của mình làm sao bằng một nửa hiện hữu đang cận kề bên ta.

Chàng hoàng tử hào hoa phong nhã ngày xưa bây giờ chỉ là một ông già lụm cụm ,chống gậy liêu xiêu, hom hem đầy bệnh tật, không chừng còn rượu chè be bét, phong kiến bảo thủ....

Còn nàng công chúa nhỏ ngày nào theo thời gian cũng da mồi, tóc bạc,lưng khòm...một bà già trái tính, trái nết, khó khăn , khó gần...

Thôi thì hãy

Thương làm sao khi tóc bạc vẫn còn thương.

Một nắng hai sương nghĩa vợ chồng.

Tóm lại mối tình đầu thì bao giờ cũng là một hồi ức đẹp, nhưng người yêu đầu đời chưa hẳn giống như tâm tưởng của mình.

Hãy là hai đường thẳng song song đồng hành với nhau trong cuộc sống, đừng như hai đường thẳng giao nhau một lần rồi mãi mãi cách xa.

Hãy để có thể nghĩ về nhau với những gì tốt đẹp nhất.

Để trong tim không quên được " mối tình đầu ".

NGOC HANH NGUYEN (FB) 

______________

(*) Ốc: tên "đặc biệt" của tác giả. 

Thơ: BUỒN VÀO THU - Kim Dung.




 (Trời đã vào thu, tìm thấy lại bài thơ cũ.... )

BUỒN VÀO THU.


Trời đã vào thu anh biết không

Gió thu se sắt lạnh trong lòng 

Buồn về vây kín hồn cô lẻ

Đêm thật dài cho những nhớ mong


Em còn nhớ một lần anh nói

Là mùa thu mùa của lứa đôi

Của ánh mắt, bờ môi e ấp

Của rừng thu ngập lá thu rơi


Anh ơi em vẫn ngồi đây đợi

Nhìn lá vàng thu rụng cuối trời

Không biết phương xa anh có nhớ

Bên thu một bóng hắt hiu đời

Kim Dung

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Thơ : LẦN CUỐI BÊN NHAU - Thuy Hà.

 




LẦN CUỐI BÊN NHAU. 

Chân trần bước trên đường vương cỏ may

Gió đan tay trong nắng trải miệt mài

Cỏ lau dịu dàng tử đằng ngát tím

Tháng tám thu về cho lá vàng bay.


Em cúi xuống thì thầm cùng hoa cỏ

Buồn vô cùng khi vắng bước chân quen

Cũng muốn khóc bởi tim hồng vẫn nhớ

Dù đã xa  mù mịt cả nẻo về.


Xin hãy thắp cho tình xưa chút nắng

Sương ngang trời giăng nhòa nhạt hanh hao

Ngàn thu sau có về cùng mây trắng

Vòng tay ấm nồng lần cuối bên nhau.

THUY HÀ. 

BÚN BÒ HUẾ - Lien Huong Phanta (FB)

 




BÚN BÒ HUẾ.


Cô bầu đi đâu không nhớ, gọi là cô vì cô còn trẻ lắm, cô đi về hướng phố; quần satin đen, áo xoè, không phải là áo bầu vì cái bụng cô còn nhỏ lắm, che nghiêng chiếc nón lá đi chậm rãi, nhà cô ở đầu đường Trần Hưng Đạo (Gia-Long cũ ) nắng sáng vàng óng mặt đường, hít thở cái không khí thân thuộc mà cô nhớ thiết tha từ khi phải về sống nhà chồng ở quê. 

Phố Qui-Nhơn buổi sớm mai còn thưa thớt xe cộ, mùi gió biển từ hai phía đầm Thị-Nại và đường Nguyễn Huệ mặn mà, chợt thoảng đâu trong gió mùi sả, mùi mắm ruốc...mùi hành ngò...mùi nước lèo, mùi thịt bò;  Cô bầu cứ đi, mùi thơm sả càng đậm, mũi cô hỉnh lên hít cái không khí thơm tho vừa bắt gặp, hình như bụng cô thót lại, nước miếng đã ứa ra ở chân răng cô biết mình chưa ăn sáng...bây giờ cô thấy đói. 

Bà hàng bún bò Huế ngồi ngay trên vĩa hè lề đường, hai đầu gánh là rổ bún trắng nuốt và đầu kia là nồi lớn nước lèo đỏ tươi màu ớt, giửa hai đầu gánh là mâm nước mắm ớt cắt lát, hành ngò cắt rí, rổ rau thơm hoa chuối xắt mỏng.... Cô bầu đi gần ngang qua gánh, có hai người khách đang ngồi chồm hổm sì sụp, cô đi ngang qua gánh che nghiêng chiếc nón lá để không ai thấy cô nuốt nhẹ nước miếng...

Cô đi quá khỏi gánh bún bò vài bước, cô thoáng thấy miếng huyết trên đôi đũa anh chàng ngồi chồm hổm; Nhớ đến ngày xưa còn đi học áo dài trắng rũ nhau qua quán bún bên kia đường, cả nhóm chui tuốt ra phòng sau vì không dám ngồi bàn trước sợ dị, sợ thiên hạ nói "con gái ăn hàng", ăn xong uống ly nhỏ trà gừng, len lén xỉa răng nhìn lên tấm kiếng trên tường cho chắc ăn không còn dính xí huyết nâu nào trên hàm răng trắng đều như ngọc, cả nhóm kéo nhau về lớp học. 

Gió thổi ngược về hướng cô đi, mùi mắm ruốc thơm nồng đuổi theo bước chân cuốn quýt, bụng cô sôi réo, hai chân bủn rủn, muốn quỵ xuống, không được !... Không được ! Cô lắc đầu tự nhủ mình. Cô bầu là tiểu thơ thời xa xưa, chuyện ăn hàng lê la không có trong tự điển của các cô thời ấy, dù bây giờ bị mất giá không còn là "tiểu thơ" cũng không thể...

   Hay là ! Cô bầu quay lại bước chân ngại ngùng, bà hàng bún nhanh nhẹn đẩy chiếc đẩu thấp về phía cô:

-  ngồi đi con, ăn chi cô múc...móng giò, nạm huyết hỉ ? 

   Thấy cô bầu còn ngần ngại, bà nói nhanh:

-  Đây múc cho con miếng đầu gối ni ăn giòn dễ gặm, thêm con miếng thịt bò ăn bổ hỉ ? Bầu bì chi mà xanh lướt...

   Bà hàng bún trao tay đôi đũa và tô bún giò bốc khói thơm, bà rưới nhúm hành ngò rồi nhanh tay tát thêm muỗng nước mắm tươi có vài lát ớt đỏ. Bà mỉm cười nhìn cô bầu ngồi khép nép bên quang gánh, khuôn mặt cô lấm tấm mồ hôi da trắng xanh, rồi bà nhìn lên đôi tay thon lóng ngóng đôi đũa, bà thấy rõ cô nuốt nước miếng trước khi chạm đôi môi khô lên chiếc muỗng sâu húp chút nước lèo trong vắt; bà chép miệng tội nghiệp cô bầu vì bà biết cô cũng lâu, trước khi cô đi lấy chồng,  chồng cô con nhà giàu cũng thường đi ngang qua...

     Cô còn đang loay hoay gặm miếng đầu gối heo béo giòn, miệng hít hà ớt cay, mắt cứ liếc chừng sau vành nón vì sợ gặp người quen, đây là lần đầu tiên cô ăn hàng bên lề đường. Ơ ! Có ai đang đi tới mà dáng như... chàng. Thôi rồi ! anh đang thẳng đường về hướng cô, đã nhìn thấy cô, bước chân anh như ngập ngừng... Cô bối rối đứng lên, tay vẫn bưng tô bún ăn dỡ, khuôn mặt đỏ bừng không biết vì ớt màu cay quá hay vì cô xấu hổ ! Cô lắp bắp :

-  Em đói bụng...Anh có muốn ăn không?

   Chồng cô lắc đầu :

-  Em ăn đi, anh có hẹn bạn bè café CLB, anh đi trước. 

   Cô bầu thấy choáng váng, cô ngồi xuống chiếc đẩu thấp, nghẹn ứ ! Nhưng cô phải ăn hết tô, cô còn tiếc miếng nạm bò giòn sựt, cả miếng huyết ngọt tươi thơm mùi sả. Ôi ! Sao số cô xui xẻo quá, lần đầu tiên ăn hàng, lần đầu tiên ăn lén lại bị chồng bắt gặp... Mà ! cô có lên tiếng mời lơi, cũng may... Anh từ chối, nếu không cô đâu có đủ tiền để trả cho hai tô.

Hai vợ chồng lấy nhau vì "YÊU" ấy mà, chẳng nghề nghiệp vốn liếng gì, Anh con nhà giàu nhưng không có việc làm, cô đang làm cho hãng cặp giấy phấn viết, phải bỏ về quê làm dâu, nhà anh đồ ăn thức uống không thiếu. Cô làm dâu nên ngoài việc trại gạch cô còn phải làm việc nhà, cơm nước xong dọn lên mâm bát thì cô mệt đứt hơi, mà cô lại không thích ăn thịt, cô chỉ thích gặm xương, xương gà vịt, xương đầu cá  ( cái sở thích gặm xương chỉ có sau 1975, cô phải nhường phần nạc cho các em nhỏ, giống Má cô.) Gặm xong cái đầu cá thì đã hết bữa cơm...

Cô bầu gắp cục huyết cuối lủm gọn ghẻ, húp gần cạn muỗng nước lèo bún bò giò heo, nhận chén trà vối tươi thơm gừng, cô húp từng ngụm nhỏ chén trà nóng. Cảm giác thoải mái no đủ, hài lòng. Cô đứng lên trả tiền, hai chân cô hết bủn rủn, cô chân sáo đi nhanh trong nắng sớm, cô cảm thấy đứa nhỏ trong bụng cô cũng hân hoan... A! đúng rồi ! Giờ thì tôi nhớ ra cô bầu đang trên đường đến trạm xá Phường khám thai, cái thai bốn tháng mà cô đã ốm nghén lăn lóc, không ăn không uống, cô ói ra các thứ mà cô cố gắng ăn vào, ói hết mật xanh mật vàng ...

Sau ốm nghén, cô không thèm ăn chua, không thích ăn ngọt, cô chỉ thích ăn thịt bò tái  (sống ), mỗi khi làm món bò thưng hay bò xào cho nhà Chồng, cô hay lén lấy một miếng nướng sơ qua lửa than... ăn vụng ! Cô không muốn ai nhìn thấy miếng thịt cô ăn còn nguyên máu tươi...

    Bây giờ, mấy mươi năm sau, nồi bún bò Huế cô Hương Móm nấu ở Mỹ lúc nào cũng được chồng con cô chiếu cố tận tình; và dù ghé các tiệm nổi tiếng nhất Qui-Nhơn, chồng con cô vẫn luôn luôn cho rằng bún bò cô Hương Móm là nhất...


Tháng 5- 2015

Tản mạn : SÀI GÒN... - ST trên mạng.







 SÀI GÒN…

Năm 1954, cả trăm ngàn dân Bắc di cư vào Sài Gòn, mang theo đủ loại kiểu sống bó trong luỹ tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xoà đón nhận.

Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xinê cọp. Dễ giận dễ quên.

Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà … Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.

Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn. Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?

Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tuỳ lúc. To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1–11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức… còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2.

Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào luỹ tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.

Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa. Không cứ khách tỉnh, dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường.

Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai.

Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.

Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.

Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, mười tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản Kiếp nghèo và khá giả từ đó.

Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước. Chợ hoa là một chút văn hoá của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.

Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có thằng bạn Bắc Kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi: “Sài Gòn còn mưa không?” – “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài: “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ!” Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.

Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly cà phê. Giọng Thanh Thuý sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…” Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo …” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì phải xin nhập tịch?”


(Khuyết Danh)

Thằng Bờm st

Sài Gòn Xưa

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Tản mạn : MẸ ... - Thanh Bình Nguyễn (fb)

 



MẸ...

   Thời trung học trước 75  , môn Việt Văn gồm 3 phần : Cổ văn , Kim văn và Luận văn . Cổ văn , học những tác phẩm văn vần như Bích câu kì ngộ, Văn tế cá sấu , Cung oán ngâm , Chinh phụ ngâm , Kiều...Kim văn , học những tác phẩm văn xuôi , thơ được viết bằng chữ Quốc ngữ...Luận văn  , học các phương pháp giải thích,  nghị luận,  bình giảng một vấn đề...

    Nhớ, đề bài của một bài luận văn do giáo Sư ( giờ là giáo viên) bộ môn tự chọn . Không bao giờ trích dẫn câu nói của các lãnh tụ chính trị để bắt học sinh phải ca ngợi một cách dối trá...

     Nhớ hồi đệ tứ ( lớp 9 ) Thầy dạy giảng văn cho một đề bài thi đệ nhất lục cá nguyệt ( thi học kì 1 ): " Anh , Chị hãy giải thích và bình giảng câu ngạn ngữ sau đây : TRÊN THẾ GIỚI CÓ LẮM KÌ QUAN , NHƯNG KHÔNG CÓ KÌ QUAN NÀO ĐẸP BẰNG TRÁI TIM NGƯỜI MẸ "...

    Đó  là tiêu đề một bài luận văn đã  qua hơn nửa thế kỉ,  nhưng những suy tư luôn còn sống động trong lòng những thế hệ học trò ngày đó , bối cảnh hiện tại,  một xã hội mà nền Giáo Dục và Đạo đức băng hoại vượt qua giới hạn tối thiểu : mua , bán  !

     Hằng ngày,  nếu  không vô tâm, không lãnh đạm giữa xã hội mà bạn đang sống ; ắt hẵn ai cũng phải buông tiếng xót thương từ tận đáy lòng trước bao mảnh đời cơ cực của bao người Mẹ Việt Nam đang tha phương cầu thực trên chính quê hương mình...! 

    Hỡi những người con ,có bao giờ ngồi trên ghế nhà trường, các bạn đã phải nhíu mày suy tư viết về người Mẹ rất đời thường của mình chưa...?! Có bao giờ bôn ba tìm kiếm mưu sinh giữa phố thị bụi mù bạn dừng lại đôi phút để gởi đôi dòng tin nhắn cho Mẹ mình chưa...?! 

      Đừng đợi rằm tháng bảy mỗi năm đến chùa thắp nén hương nói lời tạ tội với Mẹ và nhốn nháo để cài lên ngực những đóa hồng giả tạo. Tôi muốn nói với bạn rằng, dù bạn đi khắp năm châu bốn biển...nhưng không có kì quan nào đẹp bằng bàn tay nhăn nheo và khuôn mặt đan chằng chịt những vết hằn năm tháng của Người Mẹ . Ẩn sâu bên trong tấm thân bị tàn phai bởi thời gian và lòng hi sinh vô bờ đó là MỘT TRÁI TIM luôn ấm áp,  bao dung của một Vị Thánh, một Bồ tát ngay trong mái tình của bạn.  Mẹ  , hãy gọi ngay cho Mẹ khi còn có thể   , bạn nhé ...!

THANH BÌNH NGUYỄN (FB) 

     Saigon phố 14 tháng 7 Nhâm Dần 2022

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Thơ : MÙA THU VÀNG... - Nguyễn Đằng.




 MÙA THU VÀNG TRÊN ĐẤT CỐ ĐÔ 

Mùa thu vàng - mơ màng dòng sông vắng ,

Nắng phai màu - gió vờn mây trắng bay ,

Người ở ngoài kia lòng có đổi thay ,

Tôi ở phương nầy đong đầy nỗi nhớ .


Mùa thu lá bay - chiều ni ngoài nớ ,

Đường Lê Huân phố đi bộ về đêm ,

Đường Đoàn Thị Điểm cành phượng ru êm ,

Cửa Ngọ Môn đêm đêm chờ ánh nguyệt .


Chiều hoàng hôn - dòng Hương Giang đẹp tuyệt ,

Cầu Trường Tiền quyến luyến bóng giai nhân ,

Chiếc thuyền rồng đưa đón khách ân cần ,

Để cho ta - bâng khuâng nghe ca Huế .


Mùa thu vàng - sao mà đẹp đến thế ,

Gió heo may - quê Mẹ đã sang thu ,

Cánh đồng lúa vàng phơi trắng sương mù ,

Để cho ta - luyến lưu Ô Lâu xanh mát .


Mùa thu về - ta tìm chốn an lạc ,

Chùa Huyền không Sơn Thượng gió mát trăng thanh ,

Ngày rằm tháng bảy Lễ hội Vu Lan ,

Để cho ta - nhớ công ơn Phụ Mẫu .


Mùa thu về - ta thăm sông An Cựu ,

Dòng sông đổi màu - nắng đục mưa trong.

Nam Giao Bến Ngự - bến hẹn chờ mong ,

Để cho ta - ngóng trông O áo tím .


       Nguyễn Đằng - 06/8/2022 .

       Ảnh trên : sông Hương Huế ( đoạn sông gần cồn Hến ) .

Thơ : THU VÀNG ÚA LÁ - Thuy Hà.

 



THU VÀNG ÚA LÁ.

Đã năm mươi mùa thu vàng úa lá

Làm dày thêm giòng ký ức đợi chờ

Thời gian trôi qua vô cùng nghiệt ngã

Phôi pha dần những yêu dấu ngày thơ.

 

 Đã năm mươi mùa mưa nghiêng nghiêng đổ

Ngược đường về chỉ ánh mắt trao nhau

Con đường xưa mưa vẫn đầy thương nhớ

Mà người xưa đã xa cách mịt mờ.

THUY HÀ. 

Thơ: MỘT CHÚT NẮNG VÀNG - Kim Dung.

 



KHÔNG ĐỀ

( MỘT CHÚT NẮNG VÀNG )*


Nhìn ngày với tháng vội qua

Nhìn em cũng đã nhạt nhòa sắc hương

Chưa đi đã hết con đường

Chưa yêu thương trọn đã vương nỗi sầu

Một đời đếm mấy niềm đau

Đếm bao nhiêu giọt lệ sầu trong đêm

Sông kia vẫn chảy êm đềm

Dòng đời sao chẳng dịu êm chút nào

Nhìn đâu cũng thấy lòng đau

Bất công ganh ghét đủ màu dối gian

Cho em xin chút nồng nàn

Cho em một chút nắng vàng cuối thu

Gió chiều reo khẽ vi vu

Trăm năm người có luyến lưu hỡi người

KIM DUNG.

______________

* Tựa viết nghiêng của MCHX blog, từ chính lời thơ của tác giả. 

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Tản mạn : QUÁN NHẬU... - Hoang Ngoc Dieu.

 




QUÁN NHẬU, HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI VIỆT?


Mấy bạn Úc đi Việt Nam về kể đủ thứ chuyện. 

Mình hỏi một đứa: "Mày đi Việt Nam, cái gì làm cho mày ngạc nhiên nhất?"

Nó trả lời không hề đắn đo: "Quán nhậu!"

Mình hỏi: "Tại sao mày ngạc nhiên chuyện quán nhậu?"

Nó nói:

"Tao đi gần hết thế giới, chưa thấy có quốc gia nào nhiều quán nhậu như ở Việt Nam. Tao đi từ Hà Nội vô tới Sài Gòn, dừng lại ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, không có thành phố nào mà không tràn ngập quán nhậu. Ở Ireland, nơi tao sinh ra và ở Úc, quê hương thứ hai của tao, mỗi thị trấn chỉ có một cái pub và dăm ba cái club, có thị trấn không có club. Đó là Úc và Ireland được xếp loại là dân uống rượu có tầm cỡ thế giới. Ở Việt Nam thì pub và club khắp nơi".

Mình hỏi: "Mày nghĩ quán nhậu ở Việt Nam nhiều như vậy là không tốt?"

Nó đáp:

"Tất nhiên! Một xã hội mà thanh niên và thiếu nữ không biết đi đâu, không biết làm gì khác ngoài việc đi vào quán nhậu thì đó là biểu hiện của sự bế tắc ở cấp độ từng cá nhân và nếu có vô số những đám đông với những cá nhân như vậy, đó là sự bế tắc của cả xã hội. Họ tìm đến với cồn để tạm quên những vấn đề trước mắt".

Mình hỏi thêm: "Vậy thì mấy cái chỉ số đo lường hạnh phúc các quốc gia là sai?"

Nó nói:

"Đúng và sai. Đúng ở chỗ, dân Việt Nam tỏ vẻ hạnh phúc khi họ ngồi trước cốc bia và tạm quên những thử thách trước mắt nhưng sai ở chỗ, họ vẫn phải đối diện với những thử thách sáng hôm sau".

***

Mình tự hỏi, tại sao một người Úc thòi lòi có thể thấy và có thể nhận xét về xã hội Việt Nam ở mức độ bản chất như vậy?


Hoàng Ngọc Diêu

Thơ vui: CON MÈO 4 CHÂN - Van Hieu Pham (Fb)

 



CON MÈO 4 CHƯN.

Em một đời vẫn mãi

con mèo 4 chưn .

Anh như loài bướm lạ

Thơ thẩn khắp mọi nơi

Dưới trời xa lắng đọng

Đôi cánh mỏi mòn bay

VAN HIEU PHAM (FB) 

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Thư giãn : LÀM DÂU PHỐ CỔ - St trên FB.

 




LÀM DÂU PHỐ CỔ


Khi em ngỏ lời muốn lấy tôi làm chồng, tôi đã hỏi em rằng: “Có sợ khổ không?”. Em trả lời: “Không! Lấy zai phố cổ thì đời nào lại khổ! Mẹ em bảo, nếu Hà Nội là miếng trứng ốp-lếp thì Phố Cổ là cái lòng đỏ, là tấc đất tấc vàng!”. 

Có lẽ khi ấy, em cũng giống như bao nhiêu người khác, chỉ biết đến Phố Cổ với những nhà hàng, cửa hiệu hào nhoáng, có những ông Tây lang thang trên những con phố lung linh, ngợp lá thu vàng, mà không thấy rằng, phía sau những ánh đèn long lanh ấy là rất nhiều những con ngõ nhỏ gày gò, ẩm thấp, là những dãy nhà xập xệ, xuống cấp, là những căn phòng chật chội, tối tăm.

Chỉ đến khi tôi dắt em về nhà tôi ra mắt, vào một chiều mưa lay lắt, tôi mới thấy nỗi buồn của em dâng lên trong mắt chập chờn. Em phải gửi chiếc Attila ở cửa hàng hoa, bởi con ngõ quá nhỏ khiến cái xe không thể lọt qua! Mình phải đi bộ một đoạn khá xa mới vào được nhà. Vừa đi, tôi vừa nắm tay em, cười xòa:

- Ở đây, ai đi xe ga cũng đều phải gửi ở ngoài như vậy cả! Xe số muốn qua cũng phải cụp gương, bẻ gập tay ga, được cái là xe đạp thì vô tư em à!

Em cười trừ, cố nén tiếng thở dài hoang hoải. Nhưng đến khi bước vào nhà thì em đã không thể nén thêm được nữa, bởi sự ngỡ ngàng đã nằm ngoài sức chịu đựng, bởi thực tế phũ phàng đã vượt xa khả năng tưởng tượng...

- Sao nhà bé thế anh?

Đó là câu đầu tiên em thốt lên khi nhìn thấy căn phòng rộng chửa đầy 20 mét vuông với những vệt loang lổ trên tường, không chiếu, không giường, chỉ có lổm nhổm những người ngồi đứng ngổn ngang. 

Đó là bố tôi, là vợ chồng con cái anh chị tôi, cả thảy bảy người trong một căn phòng nhỏ và chật chội như một chiếc nôi. Có lẽ, em cũng hiểu vì sao nhà tôi lại không chiếu, không giường, không bàn uống nước. Bởi nếu kê mấy thứ đó ra thì chẳng còn chỗ để ngồi, chẳng còn đường đi lối lại. Tôi quay sang em, giải thích bằng giọng ngài ngại:

- Ở khu này, nhà nào cũng thế cả em à!

Trong bữa cơm, em gần như chẳng nói gì, chỉ im lặng, rồi cuối cùng mới ngập ngừng ghé tai tôi thì thầm:

- Tối cả nhà ngủ ở đâu anh?

- Thì trải đệm nằm dưới nền nhà! Em thấy cái rèm kia không, là của anh trai và chị dâu đấy, lúc nào muốn làm việc riêng thì quây rèm kín lại, làm xong thì lại kéo rèm lên!

- Thế đêm tân hôn, mình động phòng ở đâu?

- Ở đây chứ ở đâu! Anh sẽ làm thêm cái rèm nữa, giống như của anh chị ấy!

- Có vẻ là không ổn anh à, bởi anh chưa biết đấy thôi, chứ những lúc bị kích động, em thường la hét ầm ĩ, rồi vớ được cái gì là túm, là giựt cái đó, em sợ là mình sẽ giựt đứt cả cái rèm xuống mất?

- Thật vậy sao? Được rồi, để anh tính!

Em thở dài, cúi đầu ăn tiếp. Nhưng có vẻ như ăn đồ ăn nhà tôi không hợp với em thì phải, bởi chỉ lát sau, tôi thấy em ôm bụng nhăn nhó:

- Nhà vệ sinh đâu anh? Em đau quá!

- Ở đầu ngõ! Em đi nhanh đi kẻo không kịp!

Tôi vừa nói vừa vội vàng lấy cuộn giấy vệ sinh và một miếng bìa carton nhỏ đưa cho em. Dẫu đang nhăn mặt vì đau thì em vẫn không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:

- Gì đây anh?

- Bìa carton để em che, vì nhà vệ sinh không có cửa....


Sưu tầm trên FB. 

Thư giãn : CHỈ CÓ THỂ LÀ... - St trên FB.





 CHỈ CÓ THỂ LÀ NGƯỜI DO THÁI 

Một người Do Thái ở Nga nhận được giấy phép chuyển về quê hương Israel sinh sống. Khi làm thủ tục xuất cảnh, nhân viên hải quan Nga kiểm tra hành lý của ông ta phát hiện một bức tượng bán thân Lênin.

- Cái này là cái gì?

Người Do Thái:

- Sao anh lại hỏi như vậy? Anh nên hỏi tôi thế này: "Ông ấy là ai?". Lênin là người đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân Nga. Tôi mang bức tượng bán thân này theo để kỷ niệm những ngày tươi đẹp đã qua.

Anh nhân viên hải quan Nga rất ấn tượng với câu trả lời:

- Chà, đúng vậy, ông có thể đi qua!

Tại sân bay Tel Aviv, nhân viên hải quan Isael khi nhìn thấy bức tượng bán thân cũng hỏi:

- Cái này là cái gì?

Người Do Thái:

- Câu hỏi "Cái này là cái gì?" là câu hỏi sai! Anh phải hỏi thế này: "Ông ấy là ai ?". Đây là Lênin. Tôi phải rời khỏi Nga vì nhân vật phản diện điên rồ này! Tôi mang theo, để tôi có thể nhìn thấy mỗi ngày và nguyền rủa ông ấy!

Nhân viên hải quan Israel cũng rất ấn tượng:

- Chà, đúng vậy, ông có thể đi qua!

Người Do Thái về đến nhà mới của mình ở Israel, trang trọng đặt bức tượng bán thân Lênin lên tủ và mời đông đảo người thân tới dự tiệc mừng lưu dấu ngày trở về. Một đứa cháu trai của ông trông thấy bức tượng liền hỏi:

- Ông ấy là ai?

Người Do Thái:

- Câu hỏi "Ông ấy là ai?" là câu hỏi sai! Cháu phải hỏi thế này: "Cái này là cái gì ?". Đây là 10 kilôgam vàng 24 cara, không đóng thuế, thuế suất nhập khẩu cũng được miễn trừ và cũng không cần phải trả thuế giá trị gia tăng!

St trên FB BÀN TUẤN NĂNG.

Tản mạn : MẸ !... - Đinh Trực.

 




MẸ....!

Nhà anh ở giữa thành phố, có máy giặt, tivi, tủ lạnh..., đầy đủ tiện nghi.

Cuối tuần anh dẫn con đi siêu thị chơi, ăn các món ngon, mua quà bánh, đồ chơi…

Vậy mà hai năm rồi anh lo mải mê kiếm tiền, danh lợi, nay xui khiến sao chạnh lòng nhớ mẹ mới về quê....!

Ghé vào bếp xem mẹ ăn uống thế nào, anh thấy một ngồi cá khô, có lẽ kho đã kho từ hai ngày rồi...                                          

– Mẹ, tiền con gửi về đâu, sao mẹ lại ăn uống thế này...!

Mẹ nhìn anh cười :

- “Mẹ thích ăn vậy, tiền mẹ để dành cho tụi con, tiền xe cộ mắc mỏ..., mẹ sợ con không về quê được, lỡ khi nào không có tiền mua vé về thì mẹ cho lại.”

Anh nhớ lại năm anh 5 tuổi, mẹ nói: -“Mẹ không thích ăn thịt...!”.

Anh nhớ năm anh 8 tuổi, mẹ nói: 

-“Mẹ không thích ăn bánh...!”.

Anh nhớ năm anh 15 tuổi, mẹ nói ngán:

-“Mẹ không thích uống sữa...!”.

Anh nhớ năm anh học Đại học, mẹ mừng và khóc như đứa trẻ con, đợi anh về quê, liền bắt gà làm thịt, tròn gỏi nấu cháo cho anh ăn...

Mẹ lại nói: “Mẹ không thích ăn thịt gà...!”.

Năm anh 30 tuổi, mẹ mua 2 kí cua gạch son hấp gừng cho hai vợ chồng ăn. Anh mời mẹ ăn chung.

Mẹ lại nói: “Răng mẹ rụng gần hết rồi...!”.

Năm anh 32 tuổi, nghe tin anh bị tai nạn, mẹ cuống cuồng chạy ra ngõ, vấp phải cục đá chắn ngang, trán sưng to, chảy máu thật nhiều...!

Vậy mà với cái đầu băng vải, dáng tiều tuỵ, ngày đêm mẹ luôn có mặt trong phòng bệnh để chăm sóc cho anh...!

Thì ra.. mẹ để dành tất cả miếng ăn và tình thương cả cuộc đời cho anh...!

Bây giờ anh đi làm có tiền, nhậu một buổi gần chục triệu, vợ con anh mỗi bữa đều ngán ngẩm mâm cơm đầy thịt, cá....

Anh viện cớ không về quê chỉ vì bận công việc, bận tiếp khách, bận dẫn vợ và con đi mua sắm,... chứ không phải vì không có tiền.

Hôm nay, anh về thăm mẹ, xuống chái bếp đầy khói đen, các nồi treo trên giá tre đen đúa vì đã lâu không được ai chùi khói bếp...

Nhìn đến nồi cá kho của mẹ cạn đáy..., hồi lâu..., mắt anh cay xè ...!

*Nước mắt chảy xuôi: Chỉ làm nguôi kí ức...!

*Nước mắt chảy ngược: Mới đẫm được niềm đau...!

Mẹ ơi...! Con thương mẹ thật nhiều..!

Mẹ ơi...! Con có tội với mẹ muôn phần..., tha lỗi cho con... mẹ hỡi...!

Đinh Trực

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Thơ : HOÀI NIỆM - Thuy Hà.





HOÀI NIỆM 

 Đếm thời gian bằng lá hoa rơi rụng

Trước hiên nhà quanh đường cỏ đìu hiu

Mùa qua mùa buồn như kinh nhật tụng

Người xa người quạnh quẽ bước liêu xiêu.


Đong hoài niệm bằng mưa rơi ngoài ngõ

Giăng trắng trời theo lối gió chơi vơi

Nhắc nhớ ngọt ngào một thời tuổi nhỏ

Đi dưới mưa chiều tóc rối buông lơi.

THUY HÀ. 

Tản mạn : NGƯỜI VIỆT CÓ... - Nguyễn Phan Quế Mai.

 

(Hình ảnh sưu tầm trên mạng) 

NGƯỜI VIỆT CÓ HUNG DỮ KHÔNG ? 

     Trong một buổi giao lưu giữa những người nước ngoài hiện sống và làm việc tại thành phố Jakarta (Indonesia) tôi gặp một phụ nữ Mỹ gốc châu Phi. Trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc, chị hỏi tôi từ đâu đến. Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị chợt im lặng, cuối đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt tôi, chậm rãi nói : " Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng người Việt của bạn là những người hung dữ "

     Câu nói của người phụ nữ làm tôi choáng váng. " Tại sao chị lại nghĩ như vậy " - Tôi vội hỏi và chị giải thích rằng vừa đi qua Việt Nam du lịch.

     Chị cho biết trong khoảng ba tuần ở Việt Nam chị đã quan sát thấy trong nhiều hoàn cảnh : Người ta không chịu xếp hàng mà sẵn sàng chen lấn, xô đẩy. Người ta bóp kèn inh ỏi trên phố để cố nhanh hơn vài giây, vài phút. Khi va quệt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sừng cổ, lao vào nhau. Người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt. Khi trả giá mua hàng, chị bị người bán nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn xúc phạm đến nguồn gốc da đen châu Phi của chị.

     Người Việt có hung dữ không ? Câu hỏi ấy đã đeo đẳng tôi suốt nhiều tháng trời để rồi khi về Việt Nam lần gần đây nhất, tôi đã có câu trả lời. Tại con hẽm nhỏ ở quận Gò Vấp, tôi chạy xe kế bên người mẹ vừa đón con đi học về. Giây phút hội ngộ của hai mẹ con sau một ngày làm việc và học tập vất vả đáng lẽ là những giây phút hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười, nhưng không phải. Người mẹ vừa chạy xe vừa ra rả rủa xả con mình trong khi cô con gái nhỏ co rúm vì sợ hãi. 

     Người mẹ chửi con vì bài kiểm tra toán hôm đó không như ý bà mong đợi. Nhìn nét mặt đau khổ của cô con gái, tôi tự hỏi người phụ nữ đang dạy con những gì ? Hay bà đang cố gắng gieo mầm mống của sự hung dữ vào tâm hồn trẻ nhỏ.

     " Người Việt là những người hung dữ ", câu nói đó không hẵn là đúng, nhưng tôi thấy sự hung dữ ngày càng lộng hành và bộc phát không chỉ ở ngoài đường phố mà còn trong các gia đình, trong trường học và cả trên mạng xã hội.

     Tôi đã nghe cha mẹ tôi kể những câu chuyện rất xúc động về sự tử tế của con người trong những năm tháng khi đất nước chúng ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Điều đáng buồn là khi chiến tranh đã lùi xa, sự tử tế cũng đang dần biến mất ở nhiều nơi.

    NGUYỄN PHAN QUẾ MAI.

( Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, sinh năm 1973. Thạc sĩ ngành viết văn Trường Đại học Lancaster ( Anh quốc )

   Nguồn : Báo Tuổi Trẻ.

Bài hát hay : TÌNH ANH - Kim Dung.

 


Sáng tác và trình bày : Kim Dung.