Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Truyện VẾT ROI - Minh Diện. (CNL sưu tầm và giới thiệu)

(Phần đầu)
VẾT ROI.
Minh Diện. (CNL sưu tầm và giới thiệu.)

Kỳ thi đại học năm ngoái, con gái tôi thiếu nửa điểm, thế là bao nhiêu hy vọng háo hức của cả nhà tiêu tan. Nhìn con bé héo quắt, khóc đỏ mắt, vợ chồng tôi đứt ruột! Vợ tôi gọi điện cho mấy người bạn, rồi lau nước mắt bảo tôi:

– Em mượn bạn được ngàn rưỡi đô, chắc đủ mua nửa điểm cho con gái.

Tôi giật mình:

– Mua ai? Nhà mình có bao giờ làm việc đó đâu?…

Vợ tôi nói rất tự tin:

– Người ta mua bán đầy! Mình đến vợ chồng anh Lập là xong.

Anh Lập là con bác ruột tôi, anh là giáo sư tiến sĩ, đang làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm khoa Triết trường Đại học nơi con gái tôi dự thi. Chị Dung vợ anh cũng là tiến sĩ, làm Trưởng phòng Giáo vụ trường ấy. Tuy anh em chú bác ruột, cùng ở Hà Nội nhưng chúng tôi vẫn có một khoảng cách. Vợ chồng anh Lập thuộc tầng lớp trí thức, là cán bộ đảng viên ở cương vị lãnh đạo. Còn vợ chồng tôi chưa học hết lớp 12, chỉ là chủ một đại lý gas, chênh lệch nhau rất xa. Thỉnh thoảng chúng tôi đến thăm anh chị, cứ len lét như rắn mùng năm. Hễ chúng tôi lân la bàn đến chuyện tiêu cực ngoài xã hội là anh Lập và chị Dung mắng té tát… Vậy mà bây giờ bảo đến gặp anh chị ấy mua điểm cho con? Uống mật gấu tôi cũng không dám!

Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, sáng sớm hôm sau, tôi lấy xe máy chở vợ về Hải Phòng. Phải đánh bài liều nhờ bố tôi sang nói với anh chị Lập xem sao?

Quốc lộ 5 xe nườm nượp ngược xuôi. Tôi gập mình mở hết ga, chiếc xe hơn 100 phân khối phóng đi giữa giá rét. Gió rít ù ù, buốt cả tai. Về đến nơi thì bố mẹ tôi không có nhà. Cô em gái út nói:

– Thầy bu về quê tìm mộ bác Quang và giỗ bà rồi. Anh chị ăn cơm, chiều về quê với chúng em.

Còn bụng dạ nào mà ăn? Tôi uống đầy bụng trà đá cho đã khát rồi ngược đường Mười về Thái Bình.

Quê tôi làng Giành. Bố tôi trước đi bộ đội đóng quân ở Hải Phòng, năm 1975 ông chuyển ngành, làm cán bộ Sở Thương binh Xã hội. Ông đưa gia đình theo. Tôi lấy vợ người Thanh Hóa, lên Hà Nội bươn chải làm ăn. Cái cảnh một chốn bốn quê làm tôi tất bật chẳng lo được chỗ nào trọn vẹn, đến nỗi ngày giỗ bà nội mà không nhớ!…

Làng Giành kia rồi! Tháp chuông nhà thờ Giành nhọn hoắt như cây thông cao vút. Tôi nhấn ga, chiếc xe bon nhanh. Con đường láng nhựa giữa cánh đồng mới gặt thơm nồng mùi rơm rạ. Lòng tôi nao nao. Thấy nhiều người lom khom gần bến sông Cô, tôi chậm xe nhìn, nhận ra bố tôi trong đám người ấy. Có lẽ mọi người đang tìm mộ bác Quang tôi?…

Hơn năm mươi năm trước, một đêm cuối năm, bác Quang tôi bị giặc Pháp tra tấn ở chân tháp chuông nhà thờ, rồi lôi ra bến sông Cô bắn. Mấy người xóm Bến chôn bác dưới gốc cây ruối, không có áo quan, chỉ phủ lên người bác mấy viên gạch. Cây ruối đã đã bị chặt lâu rồi. Những người chôn bác tôi, kẻ thì phiêu bạt, kẻ mất. Mấy chục năm nay hài cốt bác tôi vẫn lạc ở ven sông… Đúng là bà con trong họ tôi đang tìm hài cốt bác Quang. Thấy vợ chồng tôi đến, mọi người ùa tới mừng rỡ. Bố tôi tỏ vẻ hài lòng, cười trách:

– Năm nay vợ chồng anh nhớ ngày giỗ bà nhỉ?

Tôi nháy vợ. Giờ mà hở chuyện đi tìm bố nhờ chạy điểm cho con thì rách việc. Tôi cầm chiếc thuốn, đứng vào hàng người tìm mộ. Khu vực bến Cô đã chăng dây chia lô, mọi người dàn hàng ngang, xăm hết chỗ này đến chỗ khác, từ ruộng đến bờ, chỗ nào cũng xăm. Mỗi lỗ xăm cách nhau khoảng gang tay, hễ nghe tiếng “kịch” là hồi hộp nín thở, rồi thắp hương khấn vái, để quả trứng gà luộc lên đầu chiếc đũa. Người ta nói nếu quả trứng đậu trên đầu đũa dựng đứng đến tàn nhang thì phía dưới ắt là hài cốt người thân. Mấy ngày qua xăm nát cánh đồng mà quả trứng chẳng chịu đứng yên trên đầu đũa. Nhưng mọi người vẫn không nản. Bố tôi nói:

– Trước khi mất bà nội trăn trở không nhắm mắt được vì chưa tìm được hài cốt bác Quang… Mặt trời như trái hồng chín rơi xuống dòng sông Cô, nước ngũ sắc ánh lấp loáng. Tiếng chuông nhà thờ Giành ngân vang, tan buổi lễ chiều chủ nhật. Bố con tôi và bà con dung dăng kéo nhau về nhà thờ họ… Dù chưa tìm được mộ bác Quang, đám giỗ bà nội tôi vẫn tổ chức linh đình. Vợ chồng anh Lập đánh xe con bóng lộn về, cả họ chạy ra đón mừng tíu tít.

Ngày bác Quang hy sinh, anh Lập mới lên năm. Bác gái gửi con cho bà nội và bố mẹ tôi nuôi. Vài năm sau bác gái cũng hy sinh. Năm anh Lập mười lăm tuổi, là con liệt sĩ, anh được nhà nước đưa sang Liên Xô học. Vợ anh là chị Dung cũng học ở Liên Xô, là con một cán bộ cao cấp. Bác Quang là hình ảnh thiêng liêng của dòng họ thời quá khứ. Anh Lập con bác là niềm tự hào của dòng họ thời hiện đại. Anh như tấm gương sáng để người trong họ soi. Con cháu có đứa nào làm điều gì khuất tất thì người lớn nói: “Mày còn dám nhìn anh Lập không?” Mỗi khi có chuyện hệ trọng, người trong họ đều hỏi ý kiến anh Lập. Anh là người học rộng hiểu nhiều.

Giờ đây, đối với tôi, việc “chạy” điểm cho con gái đầu vào đại học quả rất hệ trọng. Trong khi tôi trù trừ thì vợ tôi nhanh nhẩu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cô ấy thủ thỉ với mẹ chồng, mẹ tôi vì thương cháu đã nói nhỏ với bố tôi chuyện đó. Bố tôi nghe xong, mặt đỏ lựng. Ông không nói gì với vợ chồng tôi mà mời tất cả mọi người lớn bé già trẻ lại. Ông thắp ba nén nhang lên bàn thờ rồi hỏi:

– Mọi người có biết tại sao bên cạnh bài vị bác Quang lại có chiếc roi mây không?

Quả thật bây giờ tôi mới để ý đến cái roi mây dựng bên bài vị bác Quang. Tôi ngơ ngác nhìn chung quanh… Mấy người lớn tuổi tủm tỉm cười, tỏ ý biết nguồn gốc chiếc roi mây đó, còn hầu hết đều ngạc nhiên chưa hiểu.

Bố tôi chậm rãi kể:

– Giáp Tết năm 1946, anh Quang tôi về nửa đêm khuya. Quanh người anh ấy quấn một ruột tượng đầy nhẫn, lắc và dây chuyền vàng. Mẹ tôi hỏi: “Vàng ở đâu nhiều thế?” Anh Quang nói: “Vàng dân ủng hộ chính phủ đấy mẹ ạ. Cấp trên giao cho con mang số vàng này sang Lào để mua súng đạn đánh Tây” Rồi anh nói: “Hồi sáng tới giờ con chưa có miếng gì vào bụng. Nhà còn cơm nguội không bu?” Anh tôi thế đấy: Đeo một ruột tượng vàng mà nhịn đói. Tôi nhìn anh, nhìn cái ruột tượng đầy vàng mà cảm phục, rồi lại không tin… Hôm đó anh Quang ăn hai bát cơm nguội rồi rúc vào ổ rơm ngủ. Lừa lúc anh ngủ say, tôi lẻn vào buồng bới cót thóc moi ruột tượng vàng giấu trong đó. Tôi trộm ba chiếc nhẫn – mỗi chiếc một chỉ, rồi mò sang nhà ông Khán Thủ đánh tổ tôm. Đến gà gáy tôi thua hết ba chỉ vàng ấy.

Hôm sau anh Quang nói với mẹ tôi: “Con đi lần này chắc lâu mới về. Bu ở nhà động viên thằng Chính tòng quân. Nó 17 tuổi rồi, ở nhà lêu lỏng lớ ngớ bị bắt đi lính ngụy thì khốn”. Mẹ tôi nói: “Ừ. Để bu lo” Rồi vào buồng lấy ruột tượng vàng mang ra cho anh Quang. Tôi dửng dưng không mảy may lo sợ vì nghĩ chả ai biết tôi ăn trộm vàng. Nhưng khi anh Quang cầm ruột tượng vàng quấn vào người, anh chăm chú nhìn chỗ thắt nút… Thì ra anh đã dán niêm phong vào đó. Đêm qua nhập nhoạng tối tôi không để ý. Thấy mất dấu, anh Quang biến sắc, vội cởi nút ruột tượng đổ vàng ra chiếu, tỉ mẩn đếm lại từng thứ… Tôi hồi hộp lo lắng, lại nghĩ một đống vàng thế kia mất ba chỉ có trời mới biết. Mà vàng của chính phủ chớ có phải của riêng ai? Anh Quang đếm đi đếm lại nhẫn, lắc, dây chuyền… Miệng lẩm bẩm: “Thiếu ba chiếc nhẫn vàng”. Tôi nghĩ anh Quang nói thế thôi, chắc không truy kẻ trộm đâu. Mấy nghìn chiếc nhẫn, mất ba chiếc ăn thua gì. Vả lại vàng của chính phủ chứ đâu phải của anh.

Không ngờ anh Quang bóp trán suy nghĩ rồi quay ra hỏi tôi: “Chú lấy ba chiếc nhẫn phải không?” Tôi ấp úng… Anh Quang nạt: “Phải không?” Tôi cúi đầu đỏ mặt: “Em trót!…” Rồi thú nhận đã lỡ dại trộm ba chiếc nhẫn vàng đánh tổ tôm thua hết rồi. Anh Quang gằn giọng hỏi: “Mày có biết đấy là vàng của ai không?” Tôi đáp: “Của… chính phủ…” Anh Quang quát: “Đó là xương máu của dân”.

Rồi anh đứng lặng, răng cắn chặt vào môi bật máu, nước mắt nhỏ từng giọt, từng giọt… Anh đùng đùng vào bếp lấy dao chặt sợi mây làm roi, chỉ mặt tôi dằn từng tiếng: “Làm người phải sống trong sạch nghe chưa?” Dứt lời anh quất thẳng chiếc roi mây vào người tôi. Mỗi phát roi anh hỏi: “Nhớ chưa?” Tôi đau điếng nẩy lên, buốt nhói! Roi mây dứt từng miếng thịt trên lưng tôi, máu phụt ra ướt đẫm. Tôi đau đớn quằn quại ngất đi… Khi tỉnh dậy tôi nghe tiếng anh Quang nói với mẹ: “Khi thầy còn sống, dạy con đói cho sạch rách cho thơm. Con theo Đảng, một lòng chí công vô tư. Ba chỉ vàng đó là xương máu của dân đóng góp cho chính phủ. Thằng Chính lỡ ăn cắp đánh bạc thua, gia đình mình phải bồi thường không thể thiếu một phân mẹ ạ!”

Ngay hôm đó, mẹ tôi bán bò mua ba chiếc nhẫn vàng bù vào số vàng tôi đã trộm. Anh Quang im lặng đắp vết thương cho tôi.

Trước khi ra đi anh lau nước mắt cho tôi và nói: “Từ nay đừng làm điều gì khuất tất em nhé?”. ( còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét