Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Truyện hương xa SÀ BÌ CHƯỞNG LÀ MÓN GÌ? - Hồ Đình Nghiêm ( DH giới thiệu)


... hay NHỊ VỊ HƯƠNG QUÁN

Quán Nhị Vị Hương nằm trên đường Côte des Neiges, đông khách hơn quán Ngũ Vị Hương ở phố Beaubien. Năm gia vị, nhiều hương liệu đâm thất bại; trong khi chỉ cần hai vị, đơn sơ ít pha phách chế biến, thực đơn lại mặn mòi, đuổi khách đi không hết.

Lý lịch sơ sài của ông bà chủ quán: Chồng, anh Tư, người Đà Nẵng. Vợ, chị Tám, người Huế. Vợ đứng bếp. Chồng gồng mình lo từ hạ tầng cơ sở lên đến thượng tầng kiến trúc. Cả anh lẫn chị tánh tình vui vẻ, xởi lởi với khách Việt: Tám cộng Tư ra mười hai, nhiều quá, tới một tá lận. Bọn tui giản lược bớt, một cộng một bằng hai. Đặt tên quán là nhị vị do bởi cái cô đọng ấy. Gừng cay muối mặn, phải không bà xã? Anh Tư từng trải lòng.
Quán có món “đưa cay” mà ai cũng thích gọi: Tôm rang muối tiêu hành nước mắm tỏi. Chúng tôi từng thử qua nhiều chỗ, sau chốt lại ở Nhị Vị làm nơi hẹn hò gặp gỡ. Anh Tư chị Tám gần như đã thuộc khẩu vị của từng cá nhân trong số chín người chúng tôi. Ông ăn chả bà ăn nem thì đâu có gì để bàn cãi, đằng này tới chín cái mồm, chín vùng chiến thuật khác nhau hội tụ thì muốn dẹp yên e chỉ có mỗi Nhị Vị Hương Quán mới đủ hoả hầu.


Một lần nữa, chị Tám, vô tình làm thơm thảo tài nghệ nấu ăn của một người nữ chánh quán Huế. Tuy vậy khi thử dùng món bún bò, mọi người xuýt xoa thì chị Tám chẳng ưỡn ngực ra: Dạ xin thưa thiệt với mấy anh, món ni do chính tay anh Tư làm từ a tới z. Em không noái láo mô tề! Em không cướp công trạng của ông dôn em.


Anh Tư, như bao người đàn ông khác, khi được vợ khen, hai mắt ảnh nhắm tít. Lúc đó thực khách nhặng xị cỡ chúng tôi tha hồ làm tình làm tội ông chủ quán:


- Cho thêm nước đá nghen.
-  Trời, ớt trái nhiêu đó đâu đủ anh.
-  Không ăn giá sống đâu, trụng nước sôi giùm.
- Ông này chả ăn nước mắm, anh cho ổng chén xì dầu. Ừ, tàu vị yểu, có Maggi thì tốt hơn…

Quay như vụ. Quay mà không chóng mặt đã đành, còn biểu lộ cái sướng khi được quay, thấy thương hết biết.


Nhị Vị Hương Quán có đăng cái quảng cáo nhỏ trong tờ tuần báo ở địa phương. Thi thoảng báo ấy là nơi gửi gấm chút tâm sự của anh em chúng tôi, vì vậy cả anh Tư lẫn chị Tám vẫn “tranh thủ” ghé mắt đọc qua mỗi bận quán vắng. Bài có đăng ảnh, ảnh có khi chụp ở trong “bổn tiệm” thành thử anh Tư chị Tám rất mết bọn tôi. Ngoài tâm đắc chuyện thơ văn lại chẳng ngờ được quán ta là nơi dừng chân của mấy “ông nội” kia, do vậy khi nghe đòi hỏi thứ này thức nọ buộc đôi vợ chồng hèn tui cung kính không bằng phụng mạng.


 Trước cửa quán có đóng khung một bài báo do anh chàng phóng viên Tây tà địa phương ca ngợi hết mực món ngon vật lạ của Nhị Vị Hương và cái ông Rắc ông Răng nào đó đã rộng lòng chấm điểm tới 4 sao. Chị Tám tâm sự:


- Phải mời nó ăn lia chia, phải trả nhuận bút hẳn hòi mới có được trang nhật báo màu mè nớ chớ giỡn chơi chi nơi. Lạ, chúng nó cứ đè mấy món dở mà khen cố xá. Bún bò ngon dàng trời, ăn nhức răng lại chẳng dám thử. Được cái tụi nó dễ tính lắm nghe, đa số đều ưa xơi "Sà Bì Chưởng"


- Í, ngộ hén, là thức gì mà nghe tợ môn kung-fu dị anh Tư?

Anh chồng đứng sau lưng vợ, hai mắt lại biết cười:


- Là cơm sườn bì chả đó.

-Wow, hay à nghen, không ấy anh thử diết dăn mần thơ đi.



 Chị Tám vội khiêng cái bình phong tới:


- Mấy bác cứ vẽ đường cho hươu chạy, chúng cháu hổng dám mô, kính nhi viễn chi. Động dao động thớt mới có tiền vô tiền ra chứ múa bút thì xưa nay chúng cháu chưa nghe ai thành đạt cả. Nghề gì kỳ cục!


Bữa đó xem chừng món ăn nào mang ra cũng thấy nhạt mồm. Lời thật thường mất lòng. Chị Tám tuy vô tư mà vô số tội. Nhậu đang bắt, đang phừng phừng khí thế khi không bị bả dội một thau nước lạnh. Thiệt là chẳng biết kính trên nhường dưới, không đẳng cấp chút nào! Dễ chia tay quán vắng quá. Sao kinh doanh nhà hàng mà chẳng biết câu “khách là thượng đế”.
Mấy vị thượng đế đó thuộc dạng đặc sản ít đụng hàng, bởi nữ nhân muốn đẹp tới cỡ nào họ cũng dư sức vẽ rắn thêm chân. Chương một đề cao thằng đẹp trai con nhà giàu học giỏi, qua chương hai buồn tình biểu nó chết là nó chết, rất mực quyền uy. Thật là bức xúc nếu thượng đế ra đường mà trong túi không có đô-la để chêm. Gió hiu hiu chẳng màng nhưng lỡ gặp cuồng phong hổng chừng nó thổi bay thượng đế. “Trên trời có một vì sao, dưới đất có mỗi mình tao anh hùng”. Câu này quá sức lạc hậu. Hiu hiu tự đắc dễ bắt đi cải tạo. “Thương tôi chỉ ngọn núi cao, hiểu tôi riêng có vì sao cuối trời”. Câu này dễ chấp nhận, làm ra sau thời gian vừa trải qua cải tạo? Có chút lễ độ.


Một hôm lợi dụng vợ lui cui sau bếp, anh Tư cầm chai bia đi quanh bàn đòi cụng chai. Bọn thượng đế chúng tôi ai nấy tửu lượng đều kém. Ba say đã chai, tuy vậy cũng chẳng nề hà chuyện tới bến. Lạ hén, cha chủ quán hổm rày in tuồng có mang tâm sự, đột biến tâm tư. Cà kê dê ngỗng một hồi, luỹ mới nhập đề:


-Thú thật với các bác, giá như mà trong số các bác có cảm tình với bọn cháu để vui lòng viết một bài về cái quán Nhị Vị Hương này thì…


Thiệt khéo ăn khéo nói, cắt ngang xương cũng có cái ưu điểm của nó. Đi không hết đường đôi khi lại tốt hơn chạm đích. Dễ thôi. Một bác nói. Vui thôi mà! Một bác khác bổ sung. Hai bác đã xong phần thân bài, anh Tư còn đợi gì mà không viết nốt phần kết luận? Chưa ra đầu ra đũa thì cái phong linh bắt sau cửa kêu tiếng vui tai. Khách vô làm anh Tư vui xuân không quên nhiệm vụ. Đặt chai bia xuống bàn, cầm tấm thực đơn lên, đang lề mề thoắt cái lanh lợi trở lại. Phục vụ là nghề của chàng.
Mấy bác ngồi đăm chiêu, tợp lắm chất lỏng có nồng độ cao làm ai nấy thảy biến dạng thành Quan Công, mặt đỏ au như tôm cua luộc chín. Cả đời chưa biết nắm Thanh Long đao chưa cỡi Xích Thố nhưng vốn là bạn cật ruột với Mao Tôn Cương, bèn có lời bàn:


- Hổng biết thằng cha Tư có chơi đẹp không, chứ ai sức đâu bỏ công viết chùa cho nó. Đôi khi ta phải nên lộ hàng cho nó hay là văn chương tuyệt đối chẳng rẻ như bèo đâu nhớ.

- Bỏ đi tám, chớ ngộ nhận rằng bọn ta chảnh! Có thực mới vực được đạo, câu vỡ lòng ấy nhà ngươi nên khắc ghi.

Có bữa mát trời ông địa, chị Tám giỏi chân từ nhà bếp mang ra một món gỏi thật "hoành tráng", ngó xôm tụ cỡ tiểu đội đủ quân số mới tiêu thụ hết.


- Dạ cái ni nằm ngoài chương trình, mời các bác xơi lấy thảo.

- Ui, sự cố nào đã xúi thế? Kỷ niệm mười năm thành hôn của hai ông bà? Hay sinh nhật quán được năm tuổi?

Anh Tư tay bưng chồng chén tới làm đồng minh không hề tháo chạy, lần này thì hai mắt đương sự mở lớn:


      - Dạ chẳng giấu gì, mụ vợ tui mới bảo lãnh được cô em gái từ cố đô sang. Quán phải cần trợ thủ mà cái o ni thì rất đảm đang quyết xắn tay áo giúp sức. Trước khi qua đây o nớ bỏ tiền đi tầm sư học đạo trau dồi tay nghề, món gỏi này do o đích thân nhào nặn ra, không mặn miệng không ăn tiền.


Trong mấy bác hiện diện có bác bà con với Trương Phi, tính nóng như lửa:


- Người đẹp đâu rồi, sao chưa khoan thai di dời gót ngọc vén màn lộ diện? Dạ em nó đang đốt lò thử nghiệm một món lẫu đặc sản Sài Gòn Gia Định, gia công xong hẳn bước ra chào cũng chưa muộn.

- Nói nghe được a! Vậy thì hổng chừng mai này quán sẽ đổi tên thành Bát Vị hoặc Thập Lục Vị? Ăn riết bún phở cháo nghe cũng oải. Sà bì chưởng xét ra cũng xoàng. ( còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét