Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Một thời: CỌP DÊ - Quân Nguyễn.

 




CỌP DÊ !


Thời đi học chắc ai cũng có ít nhứt một lần cọp dê bài của bạn kế bên khi bị bí hoặc lỡ bữa đó ... bài. Tui thì dỡ nhứt là môn địa lý nên khi làm bài kiểm môn này là phải liếc hai con mắt hết cỡ để cọp dê bài của thằng kế bên, chỉ mong sao cho đủ điểm trung bình là mừng hết lớn. Cọp dê cũng phải có chút “kỷ thuật” chứ cứ chăm chăm sao y bổn chánh là coi chừng bị bể mánh và ăn trứng ngỗng như chơi, vì thầy cô rất tinh ý, nhìn bài làm là biết ai cọp dê ai liền. Chưa kể nếu lỡ như bài kiểm của mình bằng hoặc cao hơn điểm của nó thì coi chừng lần sau nó không cho mình cọp nữa. Do đó phải canh làm sao cho bài của mình chỉ vừa đủ 5 hoặc 6 điểm là ăn tiền. 


Cọp dê xuất xứ từ chữ copier của tiếng Pháp (còn tiếng Anh là copy). Có một lần tui cọp dê thằng bạn ngồi kế bên bài kiểm về lớp trầm tích của quả địa cầu, bữa đó không biết mắc cái chứng gì mà tui viết được tới 8 điểm, còn thằng bạn cho tui cọp dê chỉ có 7 điểm. Nó tức quá nên lần sau không cho tui cọp dê bằng cách lấy bàn tay che bài của nó lại. Tui bí quá không biết làm sao đành phải lấy “bùa” trong hộc bàn ra chép thì bị thầy bắt quả tang ngay tại chỗ và ăn liền hai cái trứng ngỗng. Từ đó tự ái dồn dập, tui ráng học bài và không thèm cọp dê nữa. 


Cọp dê cũng có cái lợi là thay vì dành thời gian học bài các môn phụ thì mình dành thời gian để “gạo” những môn chánh như toán, vật lý, hoá học, sinh ngữ. Tuy nhiên có cái hại là mình sẽ dần dần mất căn bản những môn phụ. 


Thằng bạn hay cho tui cọp dê môn địa lý rất giỏi về môn này, bài kiểm của nó thường được 9, 10 điểm. Sau này lớn lên, nó nghiên cứu thêm về địa lý phong thủy theo cách của mấy ông thầy địa lý, tức là coi hướng nhà cửa đất đai, rồi theo đuổi việc kinh doanh địa ốc và khá thành công. Lúc đầu tui không tin lắm về cái chuyện phong thuỷ địa lý, nghĩ ai làm địa ốc thì ít nhiều gì cũng trúng vì nhà đất luôn có xu hướng tăng giá, cùng lắm là huề vốn chứ ít khi nào bị lỗ do giảm giá. Nhưng từ lúc tui được thằng bạn giỏi địa lý giải thích rằng phong thủy địa lý là một khoa học chứ không phải là mê tín dị đoan, tuỳ theo mục đích tốt hay xấu của người sử dụng phong thuỷ, tôi đã tin vào phong thủy. Đơn giản như khi mình bước vào một ngôi nhà nào đó liền nghe tâm hồn thư thái, dễ chịu thì đó chính là một nơi có luồng sinh khí âm dương đề huề. Nó sẽ làm cho mọi ưu phiền trong tâm mình dễ dàng tan biến, suy nghĩ của mình luôn luôn sáng suốt và hướng thiện, mà khi đầu óc sáng suốt sẽ giúp mình đưa ra mọi quyết định đúng đắn hơn trong cuộc sống. Một giải thích nghe rất là logic. 


Ông bà xưa còn nói “đất lành chim đậu”, chữ “lành” ở đây bao hàm nghĩa bóng là vùng đất có sinh khí phong thủy tốt ngoài cái nghĩa đen là an lành, tức là nơi đó có mưa thuận gió hoà, có nước (thủy) xung quanh tạo nên sự mát mẻ một cách tự nhiên. Bạn tui đã áp dụng nguyên tắc này trong mua bán nhà cửa như chọn những vị trí đất gần ao hồ, sông suối để mua bán, và trở nên rất thành công. Ngoài ra hắn còn giải thích câu “địa linh nhân kiệt”, tức là vùng đất linh sẽ tạo ra anh hùng hào kiệt. Quả thực trong sử sách có chép rằng : tổ tiên của vua Lê Thái Tổ là cụ Lê Hối, khi nhìn thấy một vùng đất gần chân núi có nhiều đàn chim bay lượn hội tụ thì cụ chọn nơi đó để sinh cơ lập nghiệp. Một thời gian sau cơ nghiệp của cụ Lê Hối trở nên vững mạnh và giàu có. Người anh hùng Lê Lợi đã được sinh ra từ vùng đất này, là con cháu 4 đời của cụ Lê Hối, đã đứng lên lãnh đạo quân đội đánh đuổi quân Minh của Tàu trong 10 năm (1418-1428) và lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ. 


Câu chuyện trên cho thấy rằng giỏi các môn như địa lý, sử ký như bạn tui rất có ích trong cuộc sống và công việc làm ăn, chứ không hẳn chỉ có toán lý hoá mới là quan trọng cho tương lai. Chỉ cần mình am hiểu về một lãnh vực nào đó và chịu khó học hỏi thì sẽ thành công. 


Trở lại chuyện cọp dê, thật ra đó cũng là chuyện bình thường của thời học trò, vì có câu : 


Nắng mưa là bịnh của trời

Cọp dê là bịnh của thời học sinh

(cúp cua cũng vậy).


Hoặc là


Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn thi mà đậu phải liều ...cọp dê


Quan trọng là không quá lạm dụng chuyện cọp dê rồi trở nên ỷ lại, không chịu học để mất căn bản luôn. Chứ còn lâu lâu...kẹt quá... cọp dê chút chút cũng không sao. 


QUÂN NGUYỄN. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét