Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Từ phương xa: CÔ GIÁO TỴ NẠN- Nguyễn Khắp Nơi.








Một chuyện tình cô giáo và học viên tuyệt đẹp, một cuộc hôn nhân dị chủng thật thơ mộng, và một gia đình Việt & Úc rất hạnh phúc !

CÔ GIÁO TỴ NẠN JENNIFER RAMM 
​T​rại ​T​ỵ nạn Galang, Nam Dương 
   * Nguyễn Khắp Nơi *

Cô Giáo Tỵ Nạn mà tôi và các bạn đề cập tới ngày hôm nay, không phải là cô giáo ở Việt Nam đi vượt biên, sống tạm thời tại các trại tỵ nạn, mà là cô giáo người Úc, từ Úc tới các trại tỵ nạn để dậy tiếng Anh cho những người dân Tỵ Nạn đang sống ở đó.

Cô giáo người Úc này tên là Jennifer Joy Ramm.

Cô Giáo Jenny đang nhận quà Giáng Sinh do đại diện trạitỵ nạn traotặng, năm 1982.
Cô Giáo Jenny đang nhận quà Giáng Sinh do đại diện trại tỵ nạn trao tặng, năm 1982.

Sau năm 1975, dân Việt một số đã bỏ xứ ra đi tìm Tự Do, vì không thể sống dưới chế độ bạo lực, tù đầy và sự trả thù dã man của bọn Cộng Sản. Cả thế giới dang rộng vòng tay và lòng từ thiện thiết lập những trung tâm tỵ nạn tại các hòn đảo trong vùng Á Châu Thái Bình Dương để chúng ta có nơi tạm trú chờ đi định cư ở các quốc gia khác.

Trong thời gian tạm trú này, đã có rất nhiều thiện nguyện viên nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, ở khắp mọi nơi trên thế giới tới các trại tỵ nạn để giúp đỡ chúng ta tìm thân nhân thất lạc cũng như học Anh ngữ. Một trong những người trẻ đó là cô Jennifer Joy Ramm mà các bạn hữu và các học viên thường gọi cô bằng cái tên ngắn gọn và đầy tình thân: “Chị Jenny”.

Jenny là con cả trong một gia đình gốc Anh, sinh sống ở vùng Burra Burri thuộc Tiểu bang Queensland. Đến khi lớn lên, gia đình đã chuyển về Cooroy để cô có thể tiếp tục học bậc trung học ở Noosa.Tốt nghiệp trung học, Jenny được học bổng của chính phủ Liên Bang để tiếp tục học ở Đại Học Queensland.

Sau khi tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Văn Chương tại Queensland, cô đã xuống Melbourne học thêm để lấy chứng chỉ về Giáo Dục tại Đại học La Trobe.

Là thành viên của nhóm người trẻ tình nguyện hoạt động ở ngoại quốc “Australian VolunteersAbroad – AVA”, vào năm 1976, cô Jenny được cử đi dậy Anh ngữ tại một trường trung học ở Mukah, thuộc Malaysia. Với giọng nói nhẹ nhàng, vui tươi và thái độ cởi mở, Cô giáo Jenny đã thu phục được nhân tâm của các học sinh và phụ huynh của Mukah, đến nỗi có gia đình đã đặt tên con của họ là Jenny để ghi nhớ thời gian cô dậy học cho các em học sinh tại đây.

Năm 1979, cô lại được cử đến trại tỵ nạn Ban Vmai ở Thái Lan, để lập ra một chương trình giảng dậy tiếng Anh cho 60.000 người Hmong đang sống ở trại tị nạn này. Để có thể dậy tiếng Anh một cách hữu hiệu, cô đã theo cách thức của các nhà truyền giáo là học tiếng bản địa trước. Jenny đã bỏ ra bốn tháng trời để chuyên tâm học tiếng Thái Hmong cho thật trôi chẩy, rồi sau đó mới dùng chính ngôn ngữ của họ mà dậy tiếng Anh cho họ. Trong vòng hai năm trời, cô đã xây dựng lên một trung tâm giảng dậy với nhiều lớp học, thuê giáo viên địa phương và mua cả một chiếc xe chở hàng nữa.

Với những kinh nghiệm giảng dậy này, vào khoảng cuối năm 1981, cô đã được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc mới đi dậy tiếng Anh cho các Thuyền Nhân Việt Nam tại trại Tỵ Nạn Galang, thuộc Indonesia.

Tại Galang, công vỉệc của Cô Giáo Jenny không chỉ đơn giản là dậy tiếng Anh cho người Việt Nam, cô con phải giúp đỡ họ chuẩn bị cho cuộc sống mới ở các nước Tây Phương, mà ở đó, không những họ chỉ phải đương đầu với sư khác biệt về ngôn ngữ, mà còn cả những khác biệt về phong tục tập quán, cách thức ăn uống và những sinh hoạt hàng ngày nữa. Các học viên của cô, gồm đủ mọi trình độ, đủ mọi lứa tuổi và đủ mọi ý thích. Từ đó, cô Jenny mới chia lớp học ra thành nhiều nhóm khác nhau: Nhóm nhỏ bạo dạn hơn, nói lung tung mà không sợ bị chê là sai, nên học nhớ chữ mau hơn và nói đúng giọng hơn. Nhóm lớn tuổi, trí nhớ kém đi và hay bị mặc cảm nên khó nhớ mặt chữ và giọng đọc cứng hơn. Một nhóm đặc biệt mà chỉ có ở trại tỵ nạn Việt Nam, đó là nhóm trai tráng đã đi lính, bị Việt Cộng bắt đi tù “Cải Tạo” rồi trốn về hoặc được thả về. Nhóm người này đa số biết nói một chút ít tiếng Anh, một số nói rất khá.Họ rất chăm chỉ học và cố gắng nói thật nhiều để cô sửa giọng cho họ.Đối với nhóm cựu quân nhân này và những nhóm lớn tuổi, cách giảng tiếng Anh của cô là kể những câu chuyện về đời sống hàng ngày tại Úc và dậy cho họ những câu đối thoại cần thiết.

Theo kinh nghiệm dậy học cho người Hmong, ngoài giờ dậy học, Jenny thường hay tới thăm viếng những láng trại của người Việt tỵ nạn để nói chuyện với họ, tìm hiểu cách thức sinh sống của họ và nhất là . . . học tiếng Việt bằng cách . . . nói tiếng Anh với người Việt. Từ những buổi tiếp xúc này mà cô giáo Jenny quen biết rất nhiều bạn bè và biết ăn cơm, biết cầm đũa. Một cô thợ may đã đo và may tặng cho Jenny một chiếc áo dài, cô mặc thử, thấy đẹp quá, về thư viện, cô đã tìm sách đọc thêm, và sau khi biết chíêc áo này được coi là quốc phục của người Việt Nam, cô đã khuyến khích các cô gái Việt trên đảo giữ truyền thống áo dài của mình bằng cách . . . tổ chức một cuộc thi áo dài ngay trên đảo tỵ nạn.

Cô Giáo Tỵ Nạn tổ chức thi Hoa Hậu Áo Dài mừng xuân Quý Hợi 1983 tại trại tỵ nạn Galang.
Cô Giáo Tỵ Nạn tổ chức thi Hoa Hậu Áo Dài mừng xuân Quý Hợi 1983 tại trại tỵ nạn Galang.

Trong một buổi giảng dậy, cô giáo Jenny để ý thấy có một cậu trai luôn luôn lảng vảng phía ngoài lớp học, nhưng không bao giờ vào dự lớp học của cô.Nghĩ rằng anh này có thể . . . còn ngại ngùng gì đó, nên cô giáo đã đích thân ra mời anh vô lớp để học cho vui, nhưng anh mắc cở đỏ mặt chạy đi nơi khác.Một lúc sau, anh ta lại quay trở lại, nhưng cũng vẫn đứng ở ngoài lớp học chứ không vô trong lớp.Lâu dần, cô không thắc mắc nữa, mà chỉ giảng và đọc lớn hơn để người đứng ở ngoài có thể nghe rõ hơn mà thôi.

Đến năm 1983, cô giáo Jenny trở về lại Melbourne, tiếp tục dậy tiếng Anh tại Trung Tâm Anh Ngữ Cho Những Người Di Dân Lớn Tuổi (Adult Migrant English Service-AMES), tại đây, Jenny cũng vẫn giúp đỡ người dân tỵ nạn Việt Nam bằng cách khuyến khích họ làm những công việc mà họ có khả năng từ hồi ở Việt Nam, và dậy họ nói Tiếng Anh về chính ngành nghề họ có thể làm, muốn làm và đang làm. Cô giáo Jenny thành công ở chỗ, cô có thể nói tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, để nghe người Việt nói ra những điều họ muốn biết, muốn học, do đó đã giúp người Việt có hứng thú khi học tiếng Anh và vì thế mà họ học mau hơn, tiến bộ hơn. Jenny lại có sáng kiến tổ chức những buổi barbecue tại nhà của mình, mới các bạn trẻ người Úc và người tỵ nạn Việt Nam cùng tham dự, để cả hai bên hiểu rõ nhau hơn và nhất là để các bạn trẻ người Việt có cơ hội nói chuyện, trau dồi khả năng Anh ngữ của mình. Nhiều cô giáo đã rất ngại ngùng phải dậy học cho đám trẻ thiếu niên đi tỵ nạn một mình, vì các em . . . khó dậy, không chịu tiếp xúc . . . Riêng đối với Jenny, cô không thấy có gì trở ngại cả, vì cô hiểu tâm tình của đám trẻ này, cứ để cho các em tâm sự với cô về những khó khăn của cuộc sống, cô nhờ nhân viên xã hội giải quyết những điều các em mong muốn, rồi sau đó mới dậy học cho các em nhỏ này. Việc quan trọng nhất mà Jenny muốn hướng dẫn họ là, nên đi học trở lại để có kiến thức và có một tương lai tốt đẹp hơn. ( còn tiếp )

NGUYỄN KHẮP NƠI. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét