Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Truyện (2) CÂY LÝ BÊN SÔNG ( phần cuối ) - Huỳnh Văn Huê.


  CÂY LÝ BÊN SÔNG.
           (phần cuối)

  ... .Chợt nó ngưng khóc, lấy tay lau nước mắt, nó men sát gốc cây lý, hớt nước sông lên rửa mặt... . Nó nghe tiếng xe đạp Ba nó đi đâu đó về. Chiều nay nó biết tới lượt nó phụ giúp xách nước tưới cây với ông ấy. Nó cố gắng tỏ ra bình thường. Vì với Má nó nó còn dám hỏi này hỏi nọ, chớ còn với Ba thì còn lâu... .
   Đúng như thằng Hà nhớ, trong nhà Ba nó đang gánh đôi thùng thiếc đi xuống bến sông. Không đợi phải nhắc hay kêu gọi, nó cố gắng tỏ ra tươi tỉnh hơn nữa rồi đi vô nhà lấy cặp thùng xách tay nhỏ...  .
   Mùa khô, cây trong sân vườn rất cần phải tưới. Ba thằng Hà tưới những cây lớn như mấy gốc bưởi, mấy bụi chuối già lùn, cây ổi xá lỵ... . Phần nó tưới mấy cây nho nhỏ như mấy bụi sả, mấy cây ớt, mấy gốc bông trang kế bên bàn thiên... . Thằng Hà không dám hỏi Ba nó về chùm trái lý, nhưng hôm nay nó không thể nói chuyện tự nhiên với Ba nó được. Khi nào Ba nó nói gì thì nó... "dạ" , hoặc biểu gì thì nó nghe nấy. Lúc này nó càng... "thương" cây lý quá. Cây lý "của" nó không cần tưới nước chi hết!
   Ba nó làm sao không hiểu cớ sự hôm nay. Nhưng ông chỉ cười mỉm qua ánh mắt rồi giữ im lặng. Xong việc tưới cây, trong bữa cơm chiều, thằng Hà kiếm cớ bưng tô cơm ra ngồi ăn riêng dưới gốc cây lý. Dù ăn xong, nó vẫn nhấn nhá tiếp tục ngồi lại tại chỗ. Nó tức tối nghĩ đến chuyện chùm trái lý đã bị cho thằng Lý. Dù lâu nay nó chẳng thân tình hay ưa gì thằng này - cũng đúng thôi, vì thằng này có lên bờ chơi với nó được đâu ! - nhưng giờ thì nó ghét cay ghét đắng cái thằng nhỏ đó. Đến cách ngồi chèo ghe của "nhà" Lý nó trở nên cũng thấy... ghét, dù trước đây nó vẫn trầm trồ hâm mộ. Nó làu bàu trong bụng một suy nghĩ kỳ cục: Bộ tưởng nó tên Lý rồi thì được cho không chùm trái lý ngon lành sao.
   Nhưng rồi nó bỗng nhiên bối rối và... hồi hộp... . Ba nó đang ném cây tăm xỉa răng xuống đất và thông thả bước hướng về phía nó. Ông ngồi xuống gần bên, trầm ngâm một chút rồi giải thích. Với một đứa trẻ thì chỉ nói đơn giản thôi:
  " Người miền Nam trước đây phần lớn cũng từ miền Bắc, miền Trung vô đây lâu đời rồi, cuộc sống nếu chưa giàu có thì cũng đã ổn định. Bây giờ những người Bắc này mới vô đây thôi, họ còn khó khăn lắm. Mình phải đối xử tốt với họ, nếu có giúp được gì thì càng nên giúp... "
   Nhìn đứa con trai mình với ánh mắt nghiêm trang nhưng âu yếm và tràn đầy yêu thương, ông nói tiếp qua lập luận chất phát của người... miền Nam:
  " Người miền Nam gọi những đồng bào mới vô đây là "dân di cư" hoàn toàn không có ý coi thường chút nào hết! Tiếng " dân" ở đây hoàn toàn chân thật và chan chứa tình người. Như mình nói dân xóm chợ, dân xóm gò cát... , chỉ như vậy mà thôi. Ờ, còn nữa, hay  như Ba đây, do làm trên sở Trường Tiền nên có người gọi là... "dân Trường Tiền" có sao đâu ! "
   Xong xuôi màn dạo đầu, tiếp theo ông kể cho thằng Hà biết đầu đuôi câu chuyện chùm trái lý vì sao đã đem cho thằng nhỏ... "dân di cư" :
   Trưa hôm đó ông nằm nghỉ trước hàng ba của nhà mình. Qua tiếng người giọng Bắc, một lớn một nhỏ, ông biết ngay là "bố-con" thằng Lý. Họ bàn tán về những chùm trái lý tỏa ra mùi thơm lạ... . Chiếc ghe tắp ngay vào bờ đến sát gốc cây. Ông hé mắt quan sát nhưng vẫn nằm im. Ý định ông là để nếu lỡ' có gì thì họ không phải mắc cỡ' (!) vì một hai chùm trái lý thì cũng không đáng gì. Đồng thời ông trong lòng cũng mong rằng chuyện... "xấu" đừng xảy ra!
   Người "bố" bước hẳn lên bờ níu tay kéo chùm trái lý xuống, cẩn thận tháo túi giấy bọc ra, chìa sát chùm trái vô mũi mình rồi... ngửi. Tiếp theo ông ấy cẩn thận, từ tốn kéo nhánh có chùm trái chín xuống thấp hơn nữa để... chạm vào mũi đứa nhỏ. Xong xuôi, trong lúc đứa nhỏ nói gì đó, ông lần nữa cẩn thận còn hơn lúc nãy, cho chùm trái vào bao giấy, cột lại như trước !... . Nhánh lý được buông ra cẩn thận, chậm rãi cùng chùm trái trở về vị trí cũ... .
   Khi chiếc ghe bắt đầu rời xa bờ sông nơi có gốc cây lý. Ba thằng Hà ngồi dậy, bước nhanh ra phía sông, ông gọi ghe nhà thằng Lý vô và bẻ cho nó chùm trái đang chín tới... .
   Nghe Ba nó kể xong câu chuyện, bộ dạng cú rủ nào giờ của thằng Hà biến đâu mất! Lần này Ba nó trìu mến lấy trong túi ra hai đồng cho nó, nói để mai đi học, và nói thêm phần này là của ông ấy... cho thêm. Thằng Hà ngần ngừ, lúng túng, nửa không dám từ chối và nửa cũng không muốn nhận. Nhưng sau cùng, khi nhìn thấy ánh mắt tuy trìu mến nhưng... nghiêm khắc của Ba mình, nó đành nhận nhưng còn lí nhí nói :"... khi nào thằng Lý có tới, con sẽ hái cho nó chùm trái lý nữa... , còn tiền này con sẽ mua thêm hũ mực ". Người ta thấy ánh mắt Ba nó tràn ngập niềm yêu thương khi ông vui sướng nhìn đứa con trai của mình... .
         *   *   *
   Chủ Nhật tuần sau... . Vào buỗi chiều giống như tuần trước. Thằng Hà cũng đang quanh quẩn trước nhà, dĩ nhiên là gần... gốc cây lý. Chiếc ghe nhà thằng Lý rẽ nước tắp ngay vào bờ. Ba thằng Lý gương mặt vui tươi, cất tiếng nói lớn với thằng Hà: " Cháu vào nói với... "Ba" có nhà Lý đến thăm... ".
   Ba thằng Hà bước ra. Bằng gương mặt niềm nỡ' lẫn chút ngạc nhiên, ông gật đầu chào và nói lớn... : "... chào... "Bác" đến chơi ".
   Thằng Hà tất nhiên đứng đó nhìn thằng Lý bằng ánh mắt có phần... thiện cảm, hơn hẳn trước đây.
   Sau đó hai người lớn nói chuyện qua lại xã giao với nhau. Thằng Hà để ý, nó nghe Ba nó cố dùng mấy tiếng miền Bắc bằng giọng Nam! Riêng Ba thằng Lý thì bỏm bẻm mấy tiếng miền Nam bằng giọng... Bắc. Nhìn hai ông "hòa hợp hòa giải" với nhau mà thấy thương ! Hai ông đâu phải là người ở hai đầu chiến tuyến!? Càng không phải là các nhà chính trị hay các... giáo sư tiến sĩ về lý luận... .  Thế mà thật đơn giản: một "dân" vạn chài lam lủ, một "dân" lao động bình thường đã "hòa hợp hòa giải" với nhau như thế đấy. Hai ông đâu có biết rằng kể từ thời điểm này cuộc chiến hai bên vĩ tuyến 17 ngày càng về sau càng ác liệt! Có biết đâu rằng hàng triệu thanh niên VN vào độ tuổi con cháu các ông thuộc cả hai miền Nam-Bắc sẽ phải hy sinh!... .
   Rồi Ba thằng Hà có mời Ba thằng Lý lên nhà chơi, Ba thằng Lý cảm ơn nhưng từ chối, hẹn hôm khác vì hôm nay e trễ "con nước". Đoạn ông ấy cúi xuống, chui vào trong ghe lấy một hộp thịt viện trợ của... Liên Hiệp Quốc, ông nói biếu Ba thằng Hà. Từ chối mãi không được Ba thằng Hà bước vào trong sân, hái cặp bưởi lựu chín vàng, lớn dễ đến gần bằng... trái dừa đem ra đáp lễ... .
   Thằng Hà đã biết đọc nhật trình(*) của Ba nó đem về rồi, danh từ Liên Hiệp Quốc nó đọc được vài lần đâu đó và Ba nó cũng có giải nghĩa. Nhưng trên hộp thịt có cái hình ngồ ngộ: hai bàn tay bắt tay nhau. Tuy nó không biết ý nghĩa là gì. Nhưng nó dự định rồi sẽ hỏi Ba nó, nhất là phải xin cho được cái lon thịt sau khi dùng xong để... đựng đồ chơi... . /.

                            HUỲNH VĂN HUÊ. (2015)
________________________
-Chú thích : (*) Danh từ xưa trong miền Nam để gọi tờ nhật báo.

6 nhận xét:

  1. Bài viết của anh Huê rất hay và đầy tình tự quê hương.
    Hình minh họa dòng sông, hoa lý và trái lý cùng với bài văn đã đưa em trở về chốn quê nhà Cù Lao Phố của những ngày xưa thân ái!
    Vườn nhà Nội cũng có cây lý và em đã từng quấn quýt bên cây lý vào mùa trái chín để thưởng thức những trái lý thơm ngon.
    Giờ thì hương thơm và vị ngọt của trái lý chỉ còn là hoài niệm...
    Hát Bình Phương

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn HBP đã có ý kiến cũng tràn đầy... "tình tự quê hương"... .
    HVH

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét của bạn Khoa Vo trên facebook :
    Đọc bài của anh làm tôi bồi hồi nhớ thuở ấu thơ, một GĐ đầm ấm trong một xóm nhỏ bên dòng sông trong vắt, chiều chiều lu trẻ trong xóm ra đó tha hồ ngụp lặn tắm táp .Trong vườn nhà tôi cũng có cây lý già cao nghệu, cây có nhiều trái rất ngọt nhưng trên đó cũng có nhiều ổ kiến vàng to tướng, mỗi lần tôi leo hái đều bị chúng đốt ₫au rát cả hai tay. GĐ tôi cũng quen thân và giúp đỡ cho một GĐ người Bắc di cư ... nhưng rồi bao tang thương đã xảy ra trên đất nước... bây giờ, cây lý ấy đã bị chặt bỏ tự lâu rồi, dòng sông đã ₫ổi màu đen kịt khg còn ai dám bước xuống nữa , và đau lòng hơn , người Bắc và Nam bây giờ khg gần gủi thân mật cảm thông thương yêu đùm bọc nhau như ngày xưa ! ... !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Khoa ơi. Cảm ơn bạn đã viết lên những nhận xét chí tình. Thôi thì cứ nhìn chút đẹp đẽ trong quá khứ để mà... hoài niệm!!

      Xóa
  4. Một nhận xét khá dài qua Zalo của một người từ ấu thơ đã sống bên khúc sông êm đềm này... :

    "Câu chuyện khắc họa lên hình ảnh một gia đình lao động sống ở một vùng quê yên bình . Cuộc sống êm đêm như dòng nước ĐN hien hòa trôi chảy. Những đứa trẻ cứ thế dần lớn lên trong sự bao dung,tạo tần của mẹ, lòng yêu thương có phần nghiêm khắc của cha. Ngoài ra chúng còn được học hành day do bởi những bậc thầy cô đa'ng kính, mẫu mực rất yêu nghề.Tuy không được hưởng thụ vật chất đầy đủ như thế hệ trẻ bây giờ. Nhưng, nếu được xin một lần trở về với tuổi thơ,tung tăng bơi lội thỏa thích trên sông, được uống từng ngụm nước trong vắt, ma't lành của dòng ĐN mà không lo bị ô nhiễm. Được ăn bữa cơm dân dã mẹ nấu mà không phải ngại ngần vì dự lượng hay độc tố trong thực phẩm... Nhất là được tư do hít thở không khí trong lành mà không vướng víu cái khẩu trang chết tiệt... Tất cả chỉ là còn là hoài niệm...(...Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó....) "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn "đọc giả đặc biệt" đã đóng góp những lòi bình luận thân thương và rất... chân phương ! Vì đọc giả này là... chị ruột của tác giả !

      Xóa