Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Tản văn : NGƯỜI THẦY NĂM XƯA ( phần cuối ) - Hùynh Văn Huê.


                                    ( 1939 - 2016 )

           NGƯỜI THẦY NĂM XƯA ( phần cuối )

CHÀNG TRAI TỈNH LẺ
 
Ngày tháng tiếp tục cứ trôi đi... . Với nhiều nỗ lực và quyết tâm, chàng trai tỉnh lẻ rồi cũng được trúng tuyển vào Học viện Quốc gia Nông nghiệp. Thủ đô của miền Nam, Sài Gòn hoa lệ năm xưa là nơi chốn chứng kiến tôi trở thành một sinh viên đại học. Nơi đây các thầy-cô có học vị rất cao, khiến chúng tôi ai nấy đều... nức lòng. Các vị hầu hết đều có bằng MS, PhD... và được đào tạo từ nước ngoài. Không cần phải nói ra ai ai cũng biết chúng tôi... "thần tượng" các thầy-cô lắm.

   Trong số các vị này tôi "ấn tượng" đặc biệt một vị, (xin mời hãy đọc thêm sẽ biết). Hiện nay thầy vẫn còn mạnh khỏe (*), thầy có về nước thăm lại quê hương mấy lần... . Bản thân người học trò này cũng có được niềm hạnh phúc khi gặp lại thầy đến... hai lần: một lần ở cà phê ĐV, một lần trong cuộc họp mặt cựu SV... .
 
   Ngày đó với chế độ học tập và thi cữ nghiêm chỉnh, trong đó có HVQGNN của nơi chúng tôi học. Tôi nhớ rằng để được tốt nghiệp hoặc lên lớp mỗi năm về điểm số sinh viên phải đạt được trung bình tất cả các môn học là:12, nhưng kèm theo điều kiện ( gay go ) là cũng không có bất cứ môn nào điểm   dưới... 12/20 ! Có lẽ ít ai biết được suýt chút nữa là tôi ở lại năm thứ tư ! Nhưng sau cùng, trong cái dở có cái... hay, rốt cuộc tôi vẫn lảnh được cái "Chứng Chỉ Tốt Nghiệp" để rồi tiếp theo sẽ lảnh bằng và trở thành chàng kỹ sư ở tuổi 22 như phần  đông các bạn cùng khóa ... .                                                     
   Cũng ít ai biết rằng đầu năm thứ ba tôi theo chuyên khoa KINH TẾ NÔNG NGHIỆP vì lời giảng năm xưa trên giảng đường của thầy vào năm thứ... nhất. Tất cả vì thầy đã gây... "ấn tượng" nơi tôi. Tôi nhớ, thầy với nét mặt trang trọng và có vẻ... thách thức (?) đã nói trong bài giảng đầu năm ( đại ý ) rằng : "... các anh chị vào đây nên biết ngành nông nghiệp là một ngành... nghèo !!!... ".

   Ở thời điểm đó tôi chắc rằng không phải chỉ có riêng tôi là phân vân dao động đâu, nhưng tiếp theo ( nhất là hơn hai năm sau khi đã chính thức theo chuyên khoa KTNN ) thầy đã khéo léo lưu ý cho chúng tôi biết (đại ý): " ... thời nay, bất kỳ những sản phẩm nào, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, khi được sản xuất ra đều phải hướng đến kinh doanh... ".

   Bốn mươi  năm trước thầy đã nhắc chúng tôi như thế đấy. Vậy là khi chọn chuyên ngành "KINH bang TẾ thế " trong nông nghiệp ít ra cũng giúp tôi quản lý điều hành 1 trang trại gia đình, một công việc nhà khiêm tốn thì cũng tốt thôi. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản như vậy... .

   Sau này khi đã chính thức học khoa KTNN kể từ năm thứ ba, phải nói đầu óc tôi "sáng" ra, ngộ thêm những vấn đề về kinh tế do thầy truyền đạt. Vừa ngoài ba mươi tuổi (?)  thầy đã nhận được bằng tiến sỹ từ một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới ( cho đến tận bây giờ vẫn chưa... xuống hạng ! ), do vậy tuy rằng các kiến thức chỉ trên lý thuyết và có thể đã... "biến hóa" so với thời hiện tại... . Nhưng với tôi các kiến thức ấy thật hữu ích và diệu kỳ mỗi khi gặp phải những vấn đề liên quan... .

   Nói vui nhưng ý hoàn toàn nghiêm túc, tôi thầm so sánh những kiến thức thầy (cũng như những thầy-cô khác từ xưa đến giờ) truyền đạt cho tôi được ghi vào tâm trí cũng giống như túi... bửu bối của mèo máy Đô-rê-mon vậy! Kiến thức ở đâu đó trong đầu, khi cần chúng ta chỉ việc lấy(trúng) ra là... ok !

   Lấy một thí dụ từ... bản thân trong lần tôi đi phỏng vấn để được tuyển dụng vào Nha Kinh tế Nông nghiệp ( thuộc Bộ Canh Nông ). Trong rất nhiều câu hỏi, vị Chánh sự vụ sở Thị trường có hỏi :
   - Anh hãy kể các nguyên nhân quan trọng làm giảm sản lượng lúa gạo ?

   Tất nhiên ai cũng biết có rất nhiều nguyên nhân, tôi moi óc nói ra hết, nhưng đặc biệt tôi nhớ lại trong lúc giảng bài (nói về cái... yếu kém của nông nghiệp VN !) thầy có nói "tình cờ" rằng trong một cuộc hội nghị quốc tế, bs Lê Th ( cũng là một giáo sư ở trường ) đã phát biểu là tại VN chuột cũng là một mối nguy hại lớn làm hư hao và giảm sản lượng lúa gạo... . Thế là tôi bổ sung thêm ý vừa nhớ. Sau khi trả lời xong, nhìn nét mặt hài lòng, thích thú của ông Chánh sự vụ, tôi biết ngay mình rất có cơ hội được... tuyển dụng. ( Sau đó, quả thật tôi đã được tuyển vào làm trong Nha Kinh Tế Nông Nghiệp ).
 
   Đặc biệt nhất, mặc dù có bằng PhD ( Tiến Sỹ ) từ Hoa Kỳ, ngoài những lý thuyết kinh tế của các học giả Âu-Mỹ, có lần  thầy đã giảng giải khá lâu về lý thuyết... Âm-Dương ! Thầy vẽ trên bảng vòng tròn Bát quái và nói về... tương đối: " Trong đại dương có tiểu âm và trong đại âm cũng sẽ có tiểu dương ! ĐẠI có lúc suy yếu biến thành TIỂU... ". Thầy đưa những thí dụ như trong thế mạnh sẽ có điểm yếu và... ngược lại trong thế yếu (ÂM) cũng vẫn có điểm mạnh (DƯƠNG) !...

   Ngay lúc ấy tôi đã vô cùng chú ý và thích thú. Trong khoa KTNN, tôi học không có gì... nổi trội. (xin thú thật chỉ vì đam mê cô gái Nhật tên là "Honda dame" nên tôi phải mất nhiều thời giờ đi dạy học để... trả nợ ! ). Nghĩ lại trước đây mình đậu tú tài 2 cũng có... hạng, giờ lại thua kém bạn bè hay sao? Thế là với quyết tâm và nỗ lực, tôi được hạng nhất môn "Kinh Tế VNCH " do thầy Tiến sĩ Ng. v. Ngôn phụ trách. Tôi vui sướng trong lòng lắm và thầm nghĩ, phải chăng mình cũng đã đạt được tiểu DƯƠNG trong... đại ÂM ?!
 
   Lần gặp thầy tại cà phê ĐV, giữa đông người, tôi chỉ đến chào vấn an thầy và nhắc lại rằng vẫn nhớ lời giảng "trong đại dương có tiểu âm... ". Lòng tôi lâng lâng hạnh phúc khi thầy mỉm cười ý nhị bằng cả ánh mắt và với... gương mặt kín đáo rạng ngời.
 
   Những tình tiết kể trên không thể nào nói hết "túi càn khôn" thầy đã truyền đạt năm xưa. Duy nhất chỉ vì tấm lòng kính mến sắt son với bậc trưởng thượng "sư như phụ",cũng như câu " nhất tự vi sư... " .

   Đến đây có lẽ các bạn học cùng khóa đã nhớ đến tên thầy rồi... .Những éo le, trắc trở, đắng cay... trong cõi nhân sinh ( trong đó có thầy và cả... chúng ta ) nếu đã có xảy ra ( với thầy và cả... chúng ta ) thì cũng chỉ là tiểu âm hiển hiện trong đại dương được xoay dần theo quy luật mà thôi./.
     
HUỲNH VĂN HUÊ. (20-11-2013)
------------------
(*) Bài viết năm 2013. Thầy đã tạ thế 2016 ở nước ngoài 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét