Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Truyện truyền kỳ: KHỔNG TỬ VÀ LA THÁM HOA - Kha Tiệm Ly.

 



Truyện truyền kỳ

KHỔNG TỬ VÀ LA THÁM HOA

Một buổi Khổng Tử cùng học trò dạo chơi, bỗng thấy một người áo rách lưng mang bầu rượu, miệng vui vẻ ca hát đang tử xa tiến tới. Khi nhận ra là La Thám hoa, Khổng Tử bèn xuống xe, vòng tay thi lễ:

- Tiên sinh vì cớ chi mà cao hứng như vậy?

- Ở đời ngoài sức khỏe dồi dào, thân không mang thương tật, thì không gì quý hơn tự do tự tại. Ta không có lợi nên chẳng lo còn hay mất, không có danh nên chằng sợ đục hay trong, không vướng quan trường nên không sợ đấm đá, sát hại nhau. Đói thì ăn rau rừng, khát thì uống nước suối; dù chẳng là sơn hào hải vị nhưng ta rất tự hào là rau sạch nước trong. Lòng dạ nhẹ nhàng, lương tâm thanh thản. Cớ sao lại không vui?

Khổng Tử ngần ngừ:

- Ta muốn cùng ngài đi bình thiên hạ, ý ngài nghĩ sao?

La Thám hoa hớp ngụm rượu, rồi cười lớn, rượu sặc ra đầy đất:

 -“Bình thiên hạ?” Ngài vẫn còn nằm mơ, hay cố tình đem cái tư tưởng mơ hồ ấy để mê hoặc quần sinh?

Khổng tử cau mặt:

- Sao ngài lại…

Thám hoa chỉ tay vào đám đồ đệ của Khổng tử rồi nói:

- Chừng nào trong đám đệ tử của ngài trí tuệ như nhau, không có kẻ cao người thấp; và chính ngài thương yêu chúng như nhau thì tôi sẽ đi cùng ngài.

 Hớp ngụm rượu rồi tiếp:

- Tôi thấy ngài ra đường thì ngài ngồi chễnh chệ trên xe, còn quý huynh đệ kia phải đẩy khòm lưng, thì “bình” ở chỗ nào? Khi ngài bịnh, ngài có đại phu (thầy thuốc) riêng, còn quý  huynh đệ kia có người phải tự chữa bằng mấy nắm lá rừng, thì “bình” ở chỗ nào? Khi ngài dùng bữa, ngài ngồi mâm trên, các huynh đệ kia ngồi mâm dưới, thì “bình” ở chỗ nào? Trước mắt sờ sờ còn không thể “bình”, thì “bình thiên hạ” có phải mơ hồ quá không, thưa ngài?

Đoạn chỉ tay lên trời:

- Ngài chỉ nhìn thấy ánh sáng đẹp của sao Bắc Đẩu chớ không bao giờ đi tới được, vì nó ngoài vạn dặm thiên hà!

Lại hớp ngụm rượu rồi quay đi, không lời chào biệt.


KHA TIỆM LY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét