Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

Bình luận : VỀ TRANH CHẤP BÀI HÁT... ( p.cuối ) - Phong Luu.




VỀ TRANH CHẤP BÀI HÁT...
Kết Thúc Vở Kịch TÔI XA HÀ NỘI của Khúc Ngọc Chân (kỳ 2_Hết)

NHỮNG TRÒ CHỤP MŨ…

Chụp mũ là một trò vu cáo khả ố và đáng ghê tởm nhất, trò này là không cần bằng chứng, không cần lý lẽ, cứ chụp đại cho đương sự một tội, hay một chuyện gì đó mà họ không có làm, kẻ chụp mũ tự mặc định đây là sự thật, rồi lấy đó làm cơ sở để phê phán để lên án, để giành phần thắng trong tranh luận, hay trong chuyện tranh chấp.

° ° °
( Ns Anh Bằng lúc ở Hoa Kỳ )



1/ Chụp mũ về việc Nhạc sĩ Anh Bằng không dám trả lời.

Nguyễn Thụy Kha viết: “Sau ngày 30.4.1975, Anh Bằng sang Mỹ, cư trú tại Houston, bang Texas. Ông vẫn hoạt động văn nghệ trong cộng đồng người Việt và hiện là cố vấn Trung tâm Asia Entertainment tại Houston.”
“Cho tới nay tôi đã gửi rất nhiều lá thư sang cho ông Anh Bằng rồi nhưng không hề có một sự trả lời nào cả. Tôi nghĩ rằng nếu như ông ấy là người thực sự viết bài này thì ông ấy sẽ từ tốn nói chuyện tôi viết như thế nào, ra làm sao nhưng hoàn toàn ông ấy không có một ý kiến gì cả, tôi thấy cũng hơi kỳ ở chỗ đó.”

- Gia đình nhạc sĩ Anh Bằng và Trung Tâm ASIA chưa bao giờ sinh sống hay xây dựng sự nghiệp âm nhạc gì ở Houston - Texas.
Anh Bằng đã rời Sài Gòn vào ngày 29-04-1975, đến Connecticut, rồi sau đó về Enumclaw ngoại ô Seattle tiểu bang Washington. Sau đó chuyển đến Quận Cam thành phố Westminster và thành lập Trung Tâm Asia.

Đây là một kiểu chụp mũ có tính toán, mục đích cho đọc giả tin rằng Anh Bằng sợ “sự thật” nên không dám đối chất. Nguyễn Thụy Kha không biết địa chỉ nhạc sĩ Anh Bằng sống và làm việc ở đâu thì viết thư gửi xuống địa ngục à?

Nhà báo nhà văn kiêm nhà phê bình âm nhạc kiểu gì? Mà toàn viết những chuyện sai sự thật, nói láo không biết ngượng như:
“… cũng như sau Tôi xa Hà Nội, ông còn viết Biển và em, Thu Hà Nội vẫn với “air nhạc” như Tôi xa Hà Nội…”
“Và sau đó thì tôi có xem thêm một số bài hát nữa của anh Chân khi chị Hằng vào Nam như bài Biển, bài Mùa thu cho em …cái air nhạc của ảnh thì tôi biết ngay, mình làm nhạc mình biết, mình thấy nó đúng một cái air như vậy.”

PL mời các bạn thử tìm xem có bài nào trên đây mang tên Khúc Ngọc Chân không?
Biển Và Em, Mùa Thu Cho Em là của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Không có bài nào tên Biển, và Thu Hà Nội.
Có lẽ 2 ông chuẩn bị trước, để mai mốt nói Ngô Thụy Miên ăn cắp nhạc của 2 ông nữa chăng?

° ° °

2/ Chụp mũ về chuyện nhạc sĩ Anh Bằng ăn cắp nhạc và lời của Khúc Ngọc Chân, nhưng nói phần lời là thơ của Nguyễn Bính.

- Nguyễn Thụy Kha viết: “Còn về ca từ, Anh Bằng đã khéo léo gắn vào đó tên của một nhà thơ tình nổi tiếng là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là nhà thơ đã từng tham gia chiến tranh tại Nam bộ và có bài thơ Tiểu đoàn 307 được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc rất hoành tráng. Nhưng sau Hiệp định Genève, ông đã ra tập kết ở miền Bắc. Có lẽ thông tin này, Anh Bằng không biết, nên ông đã tự “vu” cho Nguyễn Bính chịu trách nhiệm ca từ này.”.
“Phổ thơ cũng được nhưng đấy là cái sai lầm nhất của Anh Bằng. Toàn bộ gia tài Nguyễn Bính không có bài thơ nào như lời bài “Nỗi lòng người đi”. Mà lúc đấy Nguyễn Bính tập kết ra Bắc ra Hà Nội rồi, không dính dáng đến miền Nam nữa mà viết cái đó. Đấy là kẽ hở của câu chuyện”.

- Khúc Ngọc Chân thì nói: “Ngày đất nước thống nhất, khi cùng Dàn nhạc Giao hưởng vào biểu diễn ở Sài Gòn vừa giải phóng, tôi đi tìm người yêu qua họ hàng thân thiết thì biết tin người yêu vò võ đợi chờ ngày gặp lại đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo khi mới vào tuổi 30. Tuy nhiên, khi vào đây tôi mới thấy bài hát chính thức của tôi được đổi tên thành Nỗi lòng người đi nhạc Anh Bằng, đề là phổ thơ Nguyễn Bính...”
May cho tôi là khi kể chuyện này với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và một số người bạn, có người lên mạng đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác đề rằng Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính.
Tuy nhiên, sau bài viết đầu tiên của Nguyễn Thụy Kha được đưa lên mạng thì đến ngay cả Thụy Kha đi tìm bản đề thơ Nguyễn Bính cũng không có nữa mà chỉ đề là tác giả Anh Bằng thôi, bỏ phần thơ đi. Nếu mà sự thực phổ thơ Nguyễn Bính thì vẫn để nguyên chứ. “

Sau đó, Khúc Ngọc Chân, huyên thuyên giải thích ý nghĩa ca từ của bài Nỗi Lòng Người Đi, rồi trân tráo nói: “Những từ như thế này ngay cả Nguyễn Bính cũng không có, phải là từ của tôi, người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.”.

……………..

- Các ông nghĩ dân Việt Nam toàn là một lũ ngu ngục hay sao vậy? nói nhăng nói cuội như thế thì gạt được ai? Nếu Nguyễn Thụy Kha và một số người bạn đã copy được bản nhạc Anh Bằng sáng tác đề rằng Nỗi lòng người đi, nhạc Anh Bằng, thơ Nguyễn Bính… thì sao các ông không đưa ra?

Cái mũ chụp và lý luận ba trợn của các ông là thế này: Các ông tự nói Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng là phổ từ thơ Nguyễn Bính, nhưng thơ Nguyễn Bính không bài có nào như vậy, Anh Bằng đã nói gian, cho nên bài hát này phải là của Khúc Ngọc Chân. 

Thực tế thì trong bài Nỗi Lòng Người Đi, chỉ ghi tác giả là Anh Bằng, không hề có ghi lời Nguyễn Bính hay thơ Nguyễn Bính gì trong đó.
Hình 1: Trang bìa bản nhạc
Hình 2: Nhạc sĩ Anh Bằng
Hình 3: Có ghi tên chỉ mình tác giả Anh Bằng.

Nhân đây nói thêm, nhạc sĩ Anh Bằng có hàng ngàn tập thơ của các nhà thơ vì ngưỡng mộ và yêu mến tặng cho ông, có những nhà thơ chưa nổi tiếng, nhờ ông phổ nhạc mà người ta biết đến họ, như ca khúc Anh Còn Yêu Em phổ thơ Phạm Thành Tài, phổ thơ của ai thì ông ghi tên người đó. Hơn nũa Nguyễn Bính rất nổi tiếng, phổ thơ Nguyễn Bính mà không nói thì người ta biết ngay, chửi cho sấp mặt.

 ° ° °

PHẢN ỨNG TỪ PHÍA ANH BẰNG và TRUYỀN THÔNG HẢI NGOẠI

- Nhạc sĩ Anh Bằng ngày 16-10-2014, từ Hoa Kỳ đã gửi phản hồi đến mọi nơi quan tâm rằng:
 “Cảm ơn đã quan tâm đến ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI của tôi đang bị cướp đọat một cách trắng trợn.
 Bản nhạc được in và phát hành năm 1967 tại Sài Gòn chỉ có tên Tác gỉa là ANH BẰNG trong ca khúc NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI. Tuyệt đối không có tên Thi sĩ Nguyễn Bính in bên cạnh như kẻ gian manh, xáo quyệt, vô lương tâm, vô liêm sỉ bịa đặt.”.

- Từ Canada, nhạc sĩ Lê Dinh, người bạn đồng sáng tác trong nhiều ca khúc với Anh Bằng cũng gửi đi lời phản đối với Khúc Ngọc Chân, khẳng định rằng ông biết rõ tác giả là ai, cũng như thách thức ông Khúc Ngọc Chân có thể trình ra được văn bản gốc, là văn bản viết tay vì năm 1967, kỹ thuật in ấn chưa có dấu ấn của máy điện toán hiện đại.

- Tại hải ngoại, BBC, RFA, SBTN, và rất nhiều trang báo trang mạng có đưa tin về vụ tranh chấp này, những người trong giới âm nhạc, những người từng sống cùng thời với nhạc sĩ Anh Bằng trước 1975 tại miền Nam rất tức giận, bùng lên một làn sóng phản đối 2 ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân, gọi thẳng 2 ông này là phường ăn cắp, quân nói láo.

° ° °

Khúc Ngọc Chân Trả Lời Phỏng Vấn:

Thethaovanhoa.vn:
* Tại sao đến tận bận bây giờ ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?

Khúc Ngọc Chân:
- Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được.
Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi.

Thethaovanhoa.vn:
* Ông nói rằng Nỗi lòng người đi không phải của Anh Bằng, vậy chỉ cần ông đưa ra bằng chứng xác đáng đó là của ông và nếu thực sự là của ông thì dù cho nhiều người chưa biết thì sẽ biết đến ca khúc này là của ông?

Khúc Ngọc Chân:
- Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả.

° ° °

Nói Một Đàng Làm Một Nẻo

Nguyễn Thụy Kha viết: “Ông Chân kể lại câu chuyện này với tôi không hề có ý đòi hỏi gì về bản quyền và tranh chấp với Anh Bằng. Ông chỉ muốn kể ra một sự thực của một ca khúc do ông viết ra.”.
Khúc Ngọc Chân nói: Ông khẳng định không có ý tranh chấp tác quyền: “Tên ai không thành vấn đề. Chính giai điệu của mình mà được hát chỗ này chỗ kia là mình thích rồi. Chứ mình còn nhiều bài hay hơn…”

- Nói để cho đối phương không đề phòng, nhưng vào cuối tháng Tư năm 2014, ông Khúc Ngọc Chân gởi tới Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Việt Nam (VCPMC) ở Hà Nội ca khúc Tôi xa Hà Nội viết trên máy tính, cùng với bài báo của ông Nguyễn Thụy Kha để làm bằng chứng, nhờ cơ quan này chứng nhận ông là tác giả bài hát.

Cái vụ ăn đàng sóng nói đàng gió, nói một đàng làm một nẻo, hứa rồi nuốt lời, đánh trộm đánh lén đánh úp bất ngờ này, thấy… quen lắm nè.

° ° °

Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Việt Nam (VCPMC) lên tiếng:

- VCPMC là đơn vị vẫn trả tác quyền bài Nỗi Lòng Người Đi cho Anh Bằng, khi phát hiện có sự trùng lặp về bài hát, đã nhiều lần liên lạc với Anh Bằng để làm rõ vấn đề bản quyền.

- Ngày 7-9-2014 nhạc sĩ Anh Bằng hồi âm với nội dung ngắn gọn: “Theo lời yêu cầu của VCPMC, tôi xin kính gởi Trung Tâm một bản scan xuất bản phẩm Nỗi Lòng Người Đi do nhà xuất bản Mỹ Hạnh phát hành năm 1967, để VCPMC làm tư liệu nhanh chóng kết thúc việc xác nhận tác giả của nhạc phẩm Nỗi Lòng Người Đi”.

- Ông Phan Phương, người phụ trách mảng tác giả tác phẩm của Trung Tâm kể lại:
“Tôi là người phụ trách mảng tác giả và tác phẩm trong Trung tâm bản quyền Việt Nam. Tôi phát hiện ra sự song trùng của hai bài ấy và cảm thấy tất cả những bài do ông Thụy Kha viết về ông Khúc Ngọc Chân nó chỉ là một bài văn hư cấu chứ không phải là phóng sự điều tra để khẳng định rằng đây là tác giả chính hay tác giả phụ. Vì nó là bài văn hư cấu có nghĩa là nó không đáng tin cậy, có nghĩa như chúng ta viết văn thì có thể tưởng tượng được cái này hay cái khác. Đây không phải là một phóng sự điều tra vì phóng sự điều tra thì nó phải có đầy đủ chứng cứ. Trong luật thì anh biết rồi nhất là luật sở hữu trí tuệ quốc tế nó quy định cứ anh nào có bằng chứng thì anh ấy thắng.
Việc này đâu chỉ riêng Việt Nam mới có đâu mà ở Mỹ cũng đã có những trường hợp như thế. Việc này cơ quan của chúng tôi phải thực thi pháp luật rất nghiêm chỉnh. Tôi cũng xin báo cho anh biết không có một âm mưu chính trị nào trong cái bài viết ấy đâu mà đây chỉ là một sự cẩu thả.”

- Nguyên văn điện thư của Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó Qủan Lý, đặc trách ngọai vụ của Trung Tâm gửi nhạc sĩ Anh Bằng về tác quyền như sau:

 From: "Dinh Thu Phuong" <phuong.dtt@vcpmc.org>
Date: September 24, 2014 at 1:08:06 AM PDT
To: <anhbangasia@gmail.com>,<anhbangasia@yahoo.com>
Subject: Fwd: NOI LONG NGUOI DI

Kính gửi Nhạc sĩ Anh Bằng,

Cháu nhận được email kèm theo bản nhạc của bác đã lâu, nhưng phải chờ thẩm định, rồi lại vì bận nhiều việc quá nên hôm nay cháu mới hồi âm tới bác được, mong bác thứ lỗi.

Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân ủy quyền cho VCPMC ca khúc Tôi xa Hà Nội từ ngày 24.4.2014, tuy nhiên sau đó phát hiện có sự song trùng với ca khúc Nỗi lòng người đi của bác. VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội. Điều đó có nghĩa VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Cháu xin chúc mừng bác ạ.
Đây là việc thường xuyên phải giải quyết của VCPMC, mong bác giải thích với mọi người rằng chỉ thuần túy là việc tranh chấp dân sự bình thường, ai không đủ chứng cứ là thua, có thế thôi, không phải là âm mưu chính trị gì đâu (như có bài viết ở hải ngoại phỏng đoán) vì sự việc nó quá tầm thường không đáng để suy diễn làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam.
Để thực hiện khoản 1, 2 Điều 3 của Hợp đồng ủy quyền (mà cô Trương Mỹ Dung – học trò của bác ở Việt Nam đã thay mặt bác ký với VCPMC) một lần nữa cháu đề nghị bác vui lòng gửi qua email cho cháu toàn bộ ca khúc của bác mà bác đang có, nếu đã là xuất bản phẩm trước 1975 tại Sài Gòn thì bác scan cho cả mặt ngoài và mặt trong của bản nhạc khổ giấy A3, ca khúc nào chưa xuất bản hoặc viết sau 1975 chưa in thì bác gửi cho cháu bản chép tay cũng được. Cháu cảm ơn bác trước.

Cháu xin gửi kèm theo đây 1 quyết định của Giám đốc VCPMC và 1 mẫu Hợp đồng ủy quyền để bác tham khảo.
Trân trọng kính chào bác – người nhạc sĩ tài danh mà tác phẩm luôn hướng tới và dành cho tình yêu con người cùng quê hương đất nước Việt Nam. Chúc bác vui khỏe và dồi dào sức sáng tạo.
Kính thư,
--
Dinh Thi Thu Phuong (Ms)
DeputyManager of External Relations Divison,
Cellphone: +84 91 660 5156

Vietnam Center for Protection of Music Copyright (VCPMC)
66 Nguyen Van Huyen Str, Cau Giay District., Hanoi, Vietnam
Phone: +844 3762 4718 (ext: 268) / Fax: +844 37624717
Officehour: 8am - 5pm GMT+7, Mon-Fri
www.vcpmc.org.

- Ngoài ra, Giám đốc Trung Tâm, Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng ra Quyết định ngày 12 tháng 09 năm 2014 có 3 điểm, nguyên văn như sau:
Điều 1: Ngừng bảo vệ quản lý và khai thác 1 ca khúc “Tôi xa Hà Nội” của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân.
Điều 2: Những ca khúc khác của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân vẫn được bảo vệ, qủan lý và khai thác bình thường.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các phòng ban chức năng củaTrung tâm chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
(Phó ĐứcPhương-Ký tên và đóng dấu).

Hình 5: Quyết định Vv/ Ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc “Tôi xa Hà Nội” của Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân.

° ° °

Cố Đấm Ăn Xôi Để Được Lên Chương Trình Giai Điệu Tự Hào.
.
Ông Kha nói:
“Tôi làm việc này hết sức công tâm. Tối mai tôi có phát biểu ở truyền hình nó có đưa cái này lên. Tôi nói rằng dù là cha nuôi hay cha đẻ thì bài hát này nó cũng đã được sống một thời gian rất là dài và rất cảm ơn anh Anh Bằng nhưng mà cái gì của Cesar thì phải trả cho Cesar.”
Khúc Ngọc Chân xuất hiện trong trường quay Giai Điệu Tự Hào với tư cách là tác giả Nỗi Lòng Người Đi
https://thethaovanhoa.vn/bong-da/ai-la-tac-gia-noi-long-nguoi-di-trong-giai-dieu-tu-hao-n20141015135945444.htm

- Việc trình diễn trên truyền hình VTV 1 mà nhà báo Nguyễn Thụy Kha nêu ra được ông Phan Phương cho biết ý kiến:
“Cái vụ ông Kha với cô Phan Huyền Thư làm chương trình Giai Điệu Tự Hào này đưa tác giả Khúc Ngọc Chân lên cách đây đã lâu khi tôi chưa xử lý vụ Anh Bằng-Khúc Ngọc Chân, nó đã thu hình từ trước đó rồi. Bây giờ sáng nay nếu đúng là VTV phát hình thì tôi sẽ gọi điện cho đài truyền hình và cái này thì lỗi nếu có là do sự vô tình của đài truyền hình là cứ tin vào ông Thụy Kha thôi. Nhưng về pháp luật thì chả có giá trị gì cả.”

° ° °

Hài Hước vụ Cha Đẻ Cha Nuôi

- Nguyễn Thụy Kha túng thế nên ở trên có nói về vụ cha nuôi và cha đẻ, với ý nghĩa cha đẻ Nỗi Lòng Người Đi là Khúc Ngọc Chân, đẻ nhưng không dám nhìn, đứa con đó lưu lạc vào Nam, nhạc sĩ Anh Bằng “lượm được” mang về nuôi, nhưng bây giờ thì phải trả lại cho “cha đẻ” của nó.

Thực ra, cái vụ cha nuôi cha đẻ này, không phải là ý tưởng của Nguyễn Thụy Kha, cũng là ăn cắp của Jason Gibbs nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Ông Tây nhiều chuyện này không hiểu nội tình nên nói nước đôi như thế này:
“Nếu Khúc Ngọc Chân được công nhận là cha đẻ, thì Anh Bằng vẫn là bố nuôi. Một người bố nuôi đàng hoàng như thế cũng phải có quyền theo pháp luật. Theo một cách nói khác Anh Bằng (và cộng đồng người Việt di cư, tị nạn) được một bài ca, nhưng mất Hà Nội. Khúc Ngọc Chân được Hà Nội, nhưng mất một bài ca. Thế nào là giá cao hơn?”

Cha đẻ cha nuôi chỉ đúng khi nào Khúc Ngọc Chân chứng minh được ông có sáng tác bài này, rất tiếc những gì mà 2 ông nói và làm, chỉ là những trò lừa bịp, vu khống chụp mũ cho nhạc sĩ Anh Bằng.

Cơ hội cuối cùng để ông Chân vớt vát chút sĩ diện cho cả 2 người, là đưa ra được một bài hát nào khác, có giá trị tương đương như Nỗi Lòng Người Đi, để người ta còn chút nghi vấn, đàng này suốt hơn 70 năm sau ngày “ông 18 tuổi sáng tác bài này” thì ông chẳng có lấy một bài nào nghe được. Tìm kiếm theo tên các bài mà ông Kha đưa ra, cho là nhạc của ông Chân nghe hay như Nỗi Lòng Người Đi, thì hoặc là không có, hoặc là tên của người khác.

° ° °

KẾT LUẬN:

- Màn kịch của ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân coi như kết thúc ở đây rồi, nhưng PL thấy có rất nhiều người còn gọi Nỗi Lòng Người Đi là Tôi xa Hà Nội, nên PL thấy cần phải phân biệt cho rõ.
Trong âm nhạc của miền Nam trước 1975 không có bài nào là Tôi xa Hà Nội, chỉ có 1 bài Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng.

- Không hiểu vì lý do gì, sự việc đã được giải quyết một cách triệt để và dứt khoát rồi. Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Việt Nam (VCPMC) đã công nhận ca khúc Nỗi Lòng Người Đi là của nhạc sĩ Anh Bằng, mà cho đến bây giờ tại Việt Nam chưa có bất cứ tờ báo nào đăng được các thông tin trên cho người dân được biết.😄

Phong Luu 02-04-2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét