Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Bình luận VỀ TRANH CHẤP BÀI HÁT... - Phong Luu.



( Hình ns Anh Bằng lúc trẻ và cảnh đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Chú ý là dòng người đi thẳng lên tàu chứ không cần phải trung chuyển qua ghe nhỏ như có người nói trong bài ... . )

Bình Luận Về Tranh Chấp Bài Hát NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI (kỳ 1)

Khoảng giữa thập niên 60, có một bài hát rất thịnh hành ở miền Nam Việt Nam thời đó, bài Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng, nói về tâm trạng của một chàng trai trẻ xa Hà Nội để vào sinh sống ở Sài Gòn, chàng trai ấy nhớ về người xưa chốn cũ, giữa Sải Gòn hoa lệ vẫn mong rằng có một ngày sum họp với người yêu.

Bài hát với ca từ cảm động sâu lắng, giai điệu ngọt ngào u uẩn, ngay lập tức nhận được sự yêu thích của tất cả người dân tại miền Nam, chứ không riêng gì 1 triệu người Bắc di cư vào Nam trong năm 1954 - 1955, khi Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, người dân dân có quyền lựa chọn để sống dưới thể chế nào.
Cả miền Nam Việt Nam trước 1975, và cả nước sau này, những người yêu âm nhạc đều biết bàì hát Nỗi Lòng Người Đi là của nhạc sĩ Anh Bằng,.

° ° °

Thế nhưng vào năm 2012-2013-2014 bài hát Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng bị đổi tựa đề thành Tôi xa Hà Nội, sửa lại nhịp điệu và một vài ca từ, công bố quyền tác giả là một người không ai biết đến, tên Khúc Ngọc Chân nhạc công đàn cello, sinh năm 1936, sống tại Hà Nội.

Các bài viết liên quan:

Gặp tác giả thật ca khúc “Nỗi lòng người đi”
http://www.giaidieuxanh.vn/news/13208/gap-tac-gia-that-ca-khuc-noi-long-nguoi-di.html 

Nghi án Nỗi lòng người đi
https://www.tienphong.vn/van-nghe/nghi-an-noi-long-nguoi-di-768982.tpo 

Ai là tác giả ‘Nỗi lòng người đi' trong Giai điệu tự hào?
https://thethaovanhoa.vn/bong-da/ai-la-tac-gia-noi-long-nguoi-di-trong-giai-dieu-tu-hao-n20141015135945444.htm 

° ° °

Kịch bản được dàn dựng trước tiên bằng một bài báo nhằm mở đường cho việc giành tác quyền, có tựa đề “Gặp tác giả thật ca khúc Nỗi Lòng Người Đi” do ông Nguyễn Thụy Kha đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 804, sau đó trang Giai Điệu Xanh đăng lại ngày 21/12/2012. Có nội dung cho rằng ông Khúc Ngọc Chân mới là tác giả, còn kêu gọi nhạc sĩ Anh Bằng hãy lên tiếng và trả lại bài hát cho ông Chân.
http://www.giaidieuxanh.vn/news/13208/gap-tac-gia-that-ca-khuc-noi-long-nguoi-di.html 

Hai ông, Khúc Ngọc Chân trong vai tác giả bài Tôi xa Hà Nội và ông Nguyễn Thụy Kha trong vai nhà báo khám phá ra “sự thật”, chỉ bằng vào “trực giác” mà ông Kha biết ông Chân mới chính là tác giả. Hai ông đã cùng nhau sáng tác ra câu chuyện tình lâm ly bi đát nhưng không có lấy một phần sự thật, thể loại này người dân miền Nam trước 1975 hay gọi mỉa mai là “tiểu thuyết ba xu”.

Trong tiểu thuyết này, ông Khúc Ngọc Chân vào năm 18 tuổi, có người yêu 16 tuổi là cô Nguyễn Thu Hằng, lúc gia đình cô Hằng xuống Hải Phòng để di cư vào Nam, ông Chân tới thăm và đã viết bài Tôi xa Hà Nội tại khách sạn Cầu Đất – Hải Phòng. Ngay sau khi viết ông tập cho người yêu hát thuộc lòng bài ấy. 

NHỮNG ĐIỂM VÔ LÝ TRONG CÂU CHUYỆN

1/ Vô Lý Về Sự Việc Xảy Ra Khi Đưa Tiễn:
TRÍCH: Ngày đưa tiễn nàng và gia đình xuống tàu há mồm di cư vào Nam, chàng và nàng cùng xuống một chiếc thuyền con ở bến Bính để đi ra nơi tàu đậu ngoài cửa biển. Thuyền cứ trôi, còn chàng thì cứ bập bùng guitar và hát Tôi xa Hà Nội cho nàng nghe. Nàng thì vừa nghe vừa đập nhịp bằng tay lên mạn thuyền. Một cảnh tượng chia tay thật lãng mạn như trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn…(hết trích).

- Hi hi, đọc tới đây PL cứ bụm miệng sặc cười, may mà không phải lúc ăn cơm hay uống nước, đúng là tiểu thuyết ba xu… chứ tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn đâu có sến chảy nước, sến như con hến vậy?

Ai cấm? Lý do gì và mắc mớ gì mà tàu không vào đậu cảng Hải Phòng, để việc đón dân di cư vào Nam được nhanh chóng dễ dàng và thuận lợi? Người dân đi công khai vào Nam, dưới sự hổ trợ tàu bè của nhiều nước và có sự giám sát của Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến, chứ có vượt biên đi trốn như sau 1975 đâu, mà phải đi thuyền con ra ngoài tàu lớn đậu ngoài cửa biển? Vào tháng 11 tháng 12, biển Hải Phòng rất động, sóng to gió lớn vì gió mùa từ biển Đông thổi vào. Cha mẹ nào trong tình cảnh gấp rút, hoang mang hỗn loạn để lên tàu lúc ấy, lại cho đứa con gái 16 tuổi của mình phiêu lưu như thế? 

Thực tế thì những người trong cuộc di cư đều kể là họ phải làm thủ tục giấy tờ cả tuần mới được lên tàu đậu tại cảng Hải Phòng, hình ảnh còn lưu lại cho thấy rõ điều này.
Hình 2: Tàu há mồm tại cảng Hải Phòng.
Hình 3: Tàu há mồm tại cảng Hải Phòng.
Hình 4: Tàu của Ủy ban Tị nạn Việt Nam Hải quân LST tại Hải Phòng.
Hình 5: Tàu USS Montague của Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón người di cư tại cảng Hải Phòng.

Chỉ trong điểm này cũng đủ thấy, chuyện không đúng sự thật thì dù có dàn dựng công phu, thêu dệt vẽ vời cách mấy, nó cũng xì ra chỗ này, lòi ra chỗ kia những điều gian trá…

° ° °

2/ Vô Lý Về Bài Hát Hay, Xuất Hiện Tại Sài Gòn Hơn 10 Năm Mà Không Ai Biết:   

TRÍCH: Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng. Và đương nhiên, một ca khúc hay như thế đã lọt vào thẩm âm của nhiều nhạc sĩ lúc đó cũng đã lìa xa Hà Nội. Chắc chắn trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng…(hết trích).

- Hai ông Nguyễn Thụy Kha và Khúc Ngọc Chân đều là dân sinh ra, lớn lên ngoài Bắc, chuyện trong Nam thời trước 1975 các ông hoàn toàn không biết, các ông làm gì thấy được cảnh phồn hoa đô hội của Sài Gòn? Làm gì thấy được sinh hoạt ca nhạc của miền Nam, được nghe ca sĩ hát trong phòng trà, trong vũ trường như thế nào? Nên các ông hư cấu tiểu thuyết trật lất, chẳng đâu vào đâu.

Theo bài viết của Nguyễn Thụy Kha, thì người yêu của ông Chân là một cô gái đẹp và có khả năng văn nghệ, cô này đã hát bài Tôi xa Hà Nội rất nhiều lần, có nhiều nhạc sĩ nghe, trong đó có nhạc sĩ Anh Bằng. 
Nhưng các người kia không ai ăn cắp, chỉ có nhạc sĩ Anh Bằng “chôm” bản nhạc này làm của riêng mình. Tại sao Anh Bằng làm chuyện xấu mà các nhạc sĩ kia không ai nói gì hết? Các nhạc sĩ đó là ai? Ở đâu? Tên gì?   

Nếu đúng như các ông nói, thì đây sẽ là sự việc chấn động làng âm nhạc miền Nam thời đó, bởi những bài nhạc hay vào khoảng 1954 chưa có nhiều. Một cô gái đẹp, hát hay, hát một bản nhạc chưa ai biết tới thì không có lý do gì báo giới, ký giả không vào cuộc săn lùng, các nhà làm chương trình âm nhạc không lôi kéo nàng về phía mình, danh vọng và tiền tài đến với nàng đâu có khó? 

Trước 1975 tại miền Nam, không thiếu gì những nữ ca sĩ đi hát rất sớm từ lúc 15-16 tuổi như Bạch Yến, Thanh Thúy, Thanh Tuyền…
Thanh Thúy từ một cô gái nghèo chưa ai biết tới, đi hát chỉ để kiếm tiền nuôi mẹ già đau bệnh và đám em thơ nheo nhóc, đã vụt tỏa sáng trong một sớm một chiều, trở thành một ca sĩ ăn khách nhất vào thời đó, là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ khi viết về nàng.

Thông thường, ca sĩ nào cũng đều có một nghệ danh, ít ai dùng tên thật của mình, ca sĩ hạng bét góp vui trong đám tiệc đám cưới vẫn có nghệ danh như thường. Cô người yêu của ông Chân có nghệ danh gì?

Khi trình diễn ca nhạc, phải giới thiệu tên bài hát và tên tác giả của bài hát, đây là một thủ tục cần phải có trong bất cứ chương trình âm nhạc nào, dù là trên đài phát thanh, đại nhạc hội, vũ trường, phòng trà, hay một quán bar. Lời giới thiệu có thể do người dẫn chương trình, hoặc do chính người hát tự giới thiệu, chẳng hạn:
- Thái Thanh xin hát tặng quý vị khán thính giả bài Biệt Ly của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn… 

Vậy cô gái này khi hát trong quán bar, sẽ giới thiệu nghệ danh của mình và xuất xứ của bài hát như thế nào? 

Tại sao cô không nói bài hát tên Tôi xa Hà Nội, tác giả là Khúc Ngọc Chân? Nếu lo sợ vì ông Chân đang sống ngoài miền Bắc, thì cứ nói tránh một tên nào đó? Mà có nói tên thật thì cả hai miền Nam - Bắc, có ai biết Khúc Ngọc Chân là ai đâu? 

Tại sao một người con gái đẹp, hát một bản nhạc thật hay chưa ai biết tới trong suốt 14 năm (di cư vào Nam năm 16 tuổi, mất năm 30 tuổi, tức vào năm 1969) mà không để lại một dấu vết gì? Chỉ cần tính phỏng con số khiêm nhường mỗi ngày cô hát 2 lần bài này, thì trong 10 năm thôi, đã trên 7000 lượt hát, vậy số người đã từng nghe qua bài này là bao nhiêu chục ngàn người? 

Tại sao chỉ đến khi nhạc sĩ Anh Bằng phổ biến bài này vào năm 1965, và xuất bản dưới tên Nỗi Lòng Người Đi năm 1967, cả miền Nam người ta mới biết đến nó? 

Cô Thu Hằng người yêu của ông Chân đến năm 1969 mới qua đời, trong hai năm đó chẳng lẽ cô nín thinh, khi thấy nhạc sĩ Anh Bằng chôm bài hát của người mình yêu? Chẳng lẽ các nhạc sĩ và rất nhiều chục ngàn người đã từng nghe qua cô này hát, lại không ai lên tiếng khi nhạc sĩ Anh Bằng ăn cắp nhạc? Bất cứ ai khi nghe qua bài hát, dù không nhớ hết lời, nhưng cái tên Tôi xa Hà Nội và giai điệu của nó thì chỉ một lần là không thể nào quên, vậy mà không ai nhớ gì hết là sao?  

° ° °

3/ Chuyện Dóc Thì Sẽ Lòi Đuôi:

Nguyễn Thụy Kha còn đặt dấu hỏi tại sao mãi tới năm 1967, Anh Bằng mới đăng ký bản quyền bài hát đầu tay. 
TRÍCH: “Phải chăng ông đưa ra vào thời Ngô Đình Diệm sẽ không ăn vì khá nhiều người di cư vào Nam cũng biết bài này, ông sẽ bị phản bác ngay?…(hết trích).

- Thật lý sự dở hơi. Không hiểu sao một người đã tốt nghiệp đại học, có mác nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà làm phim, nhà phê bình âm nhạc, nói một câu hết sức ấu trĩ mà không biết ngượng mồm. Có lẽ do đủ thứ nhà dột cột xiêu, chẳng đâu vào đâu nên mới lý luận… cùn đến thế! 

Chẳng lẽ chỉ trong 13 năm (1954-1967) cả chục cả trăm ngàn người đã từng nghe cô Thu Hằng hát bài Tôi xa Hà Nội đều lăn ra chết hết? nhạc sĩ Anh Bắng biết họ chết cả rồi nên ung dung chôm bài Tôi xa Hà Nội, đổi tên thành Nỗi Lòng Người Đi rồi mang ra xuất bản?

Các ông nên biết xã hội miền Nam rất ghét những trò đạo văn, đạo nhạc, những trò ăn cắp, cướp công của người khác. 
Nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc bài Kỷ Vật Cho Em, đã lấy ý từ bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của thi sĩ Linh Phương, trong các bản in ban đầu, ông ghi tên tác giả bài thơ là Vô Danh, có thể do ông không biết tên tác giả, chỉ vậy mà khiến dư luận và báo chí làm rùm beng đặt nhiều câu hỏi, có báo còn đưa tin Linh Phương sẽ kiện Phạm Duy ra tòa. Phạm Duy phải gặp Linh Phương để trả tiền tác quyền. Và những bản in sau này đều ghi rõ thơ Linh Phương nhạc Phạm Duy. 

- Các ông cũng quên rằng: Trước đó ông Khúc Ngọc Chân đã nói sáng tác Tôi xa Hà Nội của ông, chỉ có 2 người là ông và người yêu biết với nhau. Thì ở đây các ông lại nói có khá nhiều người di cư vào Nam cũng biết bài này. Chứng tỏ đây là câu chuyện không có lấy một phần sự thật, tiền hậu bất nhất, chuyện trước đá chuyện sau.

- Kế đó lại tả ông Chân vào Sài Gòn sau năm 1975, nhờ gặp thân nhân của người yêu, mới biết nàng đã mất vào năm 1969 “Chính vì người yêu đã mất, nên ông không sao hiểu nổi bằng cách gì mà ca khúc Tôi xa Hà Nội của ông lại lọt vào tay nhạc sĩ Anh Bằng…” 
Các ông đã nói cô này hát trong quán bar, có nhiều nhạc sĩ nghe được, nhạc sĩ Anh Bằng cũng nghe được và chôm bản nhạc này rồi mà? Sao ở đây lại nói không hiểu nổi bằng cách gì mà nhạc sĩ Anh Bằng có bản nhạc? Viết lung tung thế? 

Ý NGHĨA CA TỪ và HOÀN CẢNH SÁNG TÁC BÀI HÁT

Xét về tổng thể ca từ thì rõ ràng đây là lời của một người đã trưởng thành, già dặn kinh nghiệm sống, người đó ĐÃ rời xa Hà Nội vào Sài Gòn từ khi còn rất trẻ, người đó mang một nỗi nhớ khôn nguôi về chốn cũ bên hồ Gươm thơ mộng, bên người yêu tuổi vừa 16 trăng tròn, người đó ĐANG SỐNG ở Sài Gòn mới có thể hoài niệm về Hà Nội, mới có tư cách có khả năng để nói về Sài Gòn trong thì HIỆN TẠI đang xảy ra:

Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi.

Người đó chính là nhạc sĩ Anh Bằng. Ông bắt đầu có cảm hứng viết bài Nỗi Lòng Người Đi từ lúc lên tàu di cư vào Sài Gòn, năm đó ông 28 tuổi, nhưng trong bài hát phải viết là 18 để có thể hát được. Chàng mười tám nàng mười sáu vừa xuôi tai, vừa nghe lãng mạn hơn.
Nhưng phải mất tới mười năm, sửa chữa nhiều lần và đến năm 1965 nhạc sĩ Anh Bằng mới cho phổ biến bản này (được in và phát hành tại Mỹ Hạnh năm 1967) tức lúc đó ông đã 41 tuổi rồi. Việc thứ tự thời gian của tác phẩm có trước nhưng lại in sau là chuyện bình thường. Nhạc sĩ Phạm Duy có bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà viết từ năm 1949, mãi đến 1971 mới ra mắt công chúng. 

- Ông Khúc Ngọc Chân nói Nỗi Lòng Người Đi là do ông sáng tác và nó có tên là Tôi xa Hà Nội vào năm 18 tuổi, nhưng ông có đi có xa Hà Nội bao giờ đâu? Ông có di cư vào Nam sống ở Sài Gòn đâu mà tả cảnh:
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi

Ai ĐANG thấy Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui? 
Ai ĐANG đi trong tâm tư sầu vắng, trong bùi ngùi giữa Sài Gòn hoa lệ?
Chắc chắn không phải ông Chân, cũng không phải người yêu của ông, vì ông nói bài hát này ông viết vào năm 1954 tại Hải Phòng, trước lúc tiễn đưa người yêu lên tàu di cư vào Sài Gòn. Ông và người yêu không thể vừa ĐANG ở Hải Phòng, lại vừa ĐANG ở Sài Gòn trong cùng một lúc. Cho nên cái việc ĐANG xảy ra “Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui - Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi” với ông Chân là điều không thể có.
Câu đó là của nhạc sĩ Anh Bằng nói lên tâm trạng của ông, Nỗi Lòng Người Đi vào Nam, ĐÃ và ĐANG sống 10 năm ở Sài Gòn, cảm nhận vào một ngày lang thang trên phố…

Chữ sầu vắng thì ông Chân sửa thành sầu não (nghe rất chướng), ngoài ra ông còn sửa nhiều chữ khác, với mục đích để nói “hồi xưa tôi viết như vậy” Anh Bằng đã đổi lời của tôi. 

Tất cả những chỗ ông Chân sửa nó đều thô vụng, khập khiểng so với lời chuẩn của nhạc sĩ Anh Bằng. Ngay cả cái tựa đề Tôi xa Hà Nội cũng cho thấy điều đó, và được ông giải thích là lúc đó ông về quê, tạm xa Hà Nội mấy chục km (bởi ông có rời khỏi Hà Nội vào Nam luôn đâu, mà dám để là Nỗi Lòng Người Đi mang ý nghĩa rời bỏ quê hương)

Nếu lời bài hát Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng đẹp lung linh như chiếc áo gấm, thì lời bị ông Chân sửa thành Tôi xa Hà Nội, nó giống y như cái áo gấm rách bươm, vá chằng vá đụp những mụn vá thô thiển vô cùng xấu xí.

- Ông Chân còn biểu diễn thêm tài... làm thơ, nhưng đọc thơ của ông, người ta lại càng không tin ông viết Tôi xa Hà Nội vào năm 18 tuổi. Ngay cả bây giờ, trình độ ông cũng chẳng tài nào viết được những câu như:
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan…

- Ông Chân nhiều lần bắt bẻ chữ “nước trong” của nhạc sĩ Anh Bằng trong câu: 
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa…

Ông sửa khói tan thành khói bay, nghe nó vừa thiếu chất thơ vừa không thực tế, vì khói làm sao bay theo mây chiều được?

Khua nước trong thì ông sửa lại thành khua nước chơi, và cho là nhạc sĩ Anh Bằng không phải là người Hà Nội gốc như ông, nên không hiểu hồ Gươm còn có tên là hồ Lục Thủy, nước hồ màu xanh chứ không có khái niệm nước trong, do vậy Anh Bằng không thể là tác giả bài này. Ông nói cứ y như chỉ người Hà Nội mới biết hồ Lục Thủy có nước màu xanh! Phải là người Hà Nội gốc thì mới viết được bài ca về Hà Nội. 

Ông có biết nước hồ Lục Thủy màu xanh, nhưng nó rất trong không? Người ta vẫn thường nói nước hồ trong xanh, nước biển trong xanh nhìn thấy đáy… Hồ Gươm có trên 20 loài tảo, trong đó có loại tảo xanh (tảo lục) chính nó làm cho nước hồ như có màu xanh. 

Hồ Gươm (hồ Lục Thủy) sau này bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải của hơn 30 cống lớn nhỏ xả vào đó, cặn lơ lửng trong nước rất nhiều, hồ bị lắng bùn có chỗ gần 2m, chứa nhiều kim loại nặng, chứa nhiều khí độc, nước hồ đục ngầu như nước phù sa, có chổ màu đen sủi bọt và bốc mùi hôi thối, cá chết hàng loạt. Môi trường kinh khủng này khiến cụ rùa cuối cùng của hồ Gươm phải chết sớm vào đầu năm 2016.
Đầu năm 2018, sau đợt nạo vét với quy mô lớn. Hồ Gươm có dấu hiệu hồi sinh, nước hồ dần trong xanh trở lại. 

Nhạc sĩ Anh Bằng viết “khua nước trong như ngày xưa” là hoàn toàn chính xác và dùng từ rất trang nhã, ông Chân sửa “khua nước chơi như ngày xưa” đọc thấy mắc cở miệng làm sao hát? Người nghe có thể liên tưởng không biết “khua nước chơi” là chơi cái gì?… 

- Câu Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi… ông Chân giải thích là “khi viết Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi, là viết rất thực về những ngày luồn lủi, nơm nớp sợ bắt lính, sống không yên chút nào trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm, và gia đình xin tôi làm sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. làm ở đây không bị bắt lính”.

Nhưng sự thật thì những người sinh năm 1936 như ông Chân, vào năm 1954 không có ai bị Pháp bắt đi lính, sau đó họ di cư vào Nam, vẫn tiếp tục học Trung Học bình thường.
Hơn nữa ông còn nói: Ông làm sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội, làm ở đây không bị bắt lính. Ông quá sướng so với hàng vạn những người cơ khổ khác. Vậy ông “Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi” là ngậm cái gì? Ngậm cục đường phèn chăng?

Nhạc sĩ Anh Bằng mới thực sự là người “Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi”. Vì gia đình ông bị nhiều tai ương dội xuống, các anh của ông người bị giết, người phải chạy trốn, bản thân ông bị giam giữ và có án tử hình, không còn mong gặp mặt vợ con. Sau hiệp định Genève ông mới được thả, kế đó là không phương sinh sống phải di cư lưu lạc vào đất Sài Gòn.

- Câu “Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi”
Ông Chân cho rằng “Sài Gòn ơi mộng với tay cao hơn trời” là tôi viết để miêu tả dáng dấp của tượng nữ thần Tự Do, đồng thời cũng thể hiện mộng ước xa vời gặp lại người yêu. 

Một giải thích vô cùng ngớ ngẩn. Tượng nữ thần Tự Do ở đâu ra vậy ông Chân? Nếu là tượng nữ thần Tự Do tại New York (do người Pháp tặng) thì tượng ấy ở quá xa, ông có thấy được đâu mà miêu tả, hơn nữa Việt Nam thời đó chịu ảnh hưởng của Pháp, không hiểu biết gì nhiều về nước Mỹ.

Nếu là tượng nữ thần Tự Do tại Hà Nội, thì sau nhiều lần dời đổi, lần cuối cùng pho tượng đặt tại vườn hoa Neyret ở phía đông hồ Gươm từ năm 1896, đến năm 1945 thì bị giật đổ. Năm 1945, ông Khúc Ngọc Chân mới có 9 tuổi. Pho tượng nữ thần Tự Do mà ông Chân có thể thấy chính là tượng này, và tượng chỉ cao có 3m, nhưng dù có cao hơn 70m như nữ thần Tự Do tại New York (tính luôn cả bệ) cũng không thể nào “với tay cao hơn trời” được, đây là một cách giải thích quờ quạng do không hiểu nghĩa, chính vì không hiểu câu “Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi” có nghĩa là gì, nên ông mới sửa thành “Ai nhắn thay tôi đôi lời, chỉ ước mơ mong đẹp đôi” để tiện bề giải thích. Nhưng ông đang ngồi trên thuyền đàn hát tình tứ với người yêu, mà ông kêu ai nhắn người yêu giùm ông, là sao?

Nhạc sĩ Anh Bằng đã kết bài hát bằng câu: 
“Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi”
Có nghĩa rằng: Ông nói với Sài Gòn, mơ mộng mình sẽ với tay cao hơn trời, hái tặng cho đời những đóa hoa tiên (trong thần thoại) để ước mơ cùng người yêu có một ngày sum họp. 
Trong mơ thì với tới đâu mà chẳng được? Hai câu này liên kết chặt chẽ ý nghĩa với nhau, chứ không rời rạc đầu Ngô mình Sở như cách hiểu của ông Chân. 

KHẢ NĂNG SÁNG TẠO CỦA ĐÔI BÊN:

Nhạc sĩ Anh Bằng:

Nếu nói về tài hoa và khả năng của nhạc sĩ Anh Bằng, e rằng trong 3 bài viết dài cũng chưa thể nói hết, nên PL chỉ tóm lược nhũng nét chính:

- Là nhạc sĩ sáng tác, ông có trên 650 ca khúc, có lẽ hơn 1/3 trong số đó được nhiều người biết đến và yêu thích. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam, ngoài ra ông còn là thành viên của nhóm sáng tác chung, lấy tên Lê Minh Bằng (gồm Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng). 

Nguyễn Thụy Kha nói: 
“…nhờ Nỗi lòng người đi, Anh Bằng đã chính thức bước vào làng nhạc để rồi tạo ra trung tâm âm nhạc “Lê - Minh - Bằng”.
 “Người thay ông Chân nhận làm tác giả ca khúc và đổi tên là Nỗi lòng người đi, là nhạc sĩ Anh Bằng thì đã nhờ những giai điệu này mà nổi tiếng, có cuộc sống tốt từ đó đến nay.” 

Trong các câu này có 2 cái sai: 
1/ Không đưa ra được bất kỳ chứng lý nào, nhưng cứ luôn miệng cho rằng nhạc sĩ Anh Bằng ăn cắp nhạc, trong khi sự thật thì ngược lại.
2/ Tuy Nỗi Lòng Người Đi được Anh Bằng xem là sáng tác đầu tay, nhưng phải 10 năm sau ông mới phổ biến nó, cho nên không phải nhờ nhạc phẩm này ông mới nổi tiếng, và cũng không ai chỉ nhờ vào một bản nhạc mà có cuộc sống tốt, đó là lời nói vô căn cứ và thiếu hiểu biết.   

Nhạc sĩ Anh Bằng đã nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 60. Sau đây là một số nhạc phẩm của Anh Bằng xuất bản trước Nỗi Lòng Người Đi, nhiều bài hay không kém gì Nỗi Lòng Người Đi:

Nếu Vắng Anh là ca khúc đầu tiên của Anh Bằng được in trên giấy (nhạc tờ) với số lượng bán rất cao.
Giấc Ngủ Cô Ðơn
Ðôi Bóng (11-04-1963)
Nửa Ðêm Biên Giới (26-12-1963)
Tiếng Ca U Hoài (30-05-1964)
Lẻ Bóng
Sầu Lẻ Bóng (3-5-1965)
Căn Nhà Ngoại Ô (12-10-1966)

Nỗi Lòng Người Ði (15-04-1967)
Sài Gòn Thứ Bảy (14-11-1967) ghi Vũ Chương, là tên khác của Anh Bằng.

Cần chú ý, cũng trong năm 1967, nhạc sĩ Anh Bằng còn sáng tác thêm bài Sài Gòn Thứ Bảy, lời nhạc và giai điệu rõ ràng là cùng một tác giả với Nỗi Lòng Người Đi:
Sài Gòn thứ bảy ngàn hoa trên đường... 
Lòng mình cứ tư¬ởng mùa xuân yêu đư¬ơng 
Đời tôi năm tháng phong sư¬ơng… 

- Là tác giả của nhiều vở kịch đoạt giải nhất thời đó như kịch thơ, kịch tình cảm, hài kịch, bản thân ông cũng là một người có tài ca hát và diễn kịch.

- Là người kinh doanh có tầm nhìn xa, trước 1975 ông đã có nhiều hoạt động đa dạng về âm nhạc như: Điều hành hệ thống âm nhạc ở các đài Phát Thanh Quốc Gia và các chương trình Phát Thanh Thương Mại. Hợp tác phát hành, phân phối của trung tâm Dĩa Sóng Nhạc, nhà xuất bản Sóng Nhạc (nhạc bản) 

- Anh Bằng đã từng là người dìu dắt cho các ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy, Thanh Tuyền. Sau này khi nhóm Lê Minh Bằng của ông mở lớp dạy nhạc thì có thêm Trang Mỹ Dung và Giáng Thu...

- Trước 1975, Anh Bằng đi lại bằng xe Toyota đời mới nhất, không nhạc sĩ sáng tác hoặc nhà văn nào có thể giàu bằng.

- Sau 1975 ở hải ngoại, Anh Bằng vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc mới rất nổi tiếng, cùng với người cháu là Trần Thăng sáng lập ra Trung Tâm Dạ Lan sản xuất băng nhạc khoảng năm 1984. Sau đó là Trung Tâm ASIA với những thành công vượt bậc, rồi giao lại cho ca sĩ Thy Vân (con gái của ông) điều hành.

° ° °

Nhạc công đàn cello, ông Khúc Ngọc Chân:

Trong khi nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác Nỗi Lòng Người Ði mất 10 năm, phát hành vào năm 41 tuổi, thì ông Chân cho rằng bài này ông sáng tác vào năm ông 18 tuổi.

Một người vừa chớm lớn, mới học nhạc chập chững, lại có thể viết nên một giai điệu cực hay, với lời lẽ tài hoa và hết sức già dặn, ĐANG ở Hà Nội mà ĐI giữa Sài Gòn thì quả là bậc kỳ tài. Người… nhạc sĩ này chắc chắn phải hơn đứt Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và vô số nhạc sĩ tài danh khác.

Chính thiên tài Khúc Ngọc Chân cũng tự nói về mình:
“… Bài này của tôi bình thường, tôi còn nhiều bài hay hơn, tiếc là chưa bài nào được vang lên!”.-

Thật tiếc quá, cho đến bây giờ ông đã 82 tuổi rồi, mà người yêu âm nhạc vẫn còn chưa được nghe bài nào của ông cất lên cả... 

Cho nên, sự thật không thể chối cãi: 
- Đối với nhạc sĩ Anh Bằng, có hay không có bài Nỗi Lòng Người Ði, chẳng chút ảnh hưởng gì đến khả năng tài chánh, tiếng tăm, địa vị rất cao của ông trong làng âm nhạc. 
- Đối với ông Chân, nếu ông không “vịn” vào bài Nỗi Lòng Người Ði của nhạc sĩ Anh Bằng, giờ này người ta vẫn còn chưa biết ông là ai, ở đâu, mấy tuổi…
- Một bên là chủ sở hữu thực tế của hơn 650 tác phẩm, một bên chỉ sáng tác bằng cách nói, nói và… nói. 

° ° °

Năm 2014, ông Khúc Ngọc Chân đã nộp hồ sơ để bảo vệ sáng tác Tôi xa Hà Nội bằng bản nhạc viết trên máy tính, có sửa lại giai điệu và một vài từ của bài Nỗi Lòng Người Đi. 

Nhờ bằng chứng này thiên hạ mới biết, hóa ra nhạc sĩ Anh Bằng từ thời quá khứ của năm 1967, đã đi tới tương lai của năm 2014, chôm bài Tôi xa Hà Nội của Khúc Ngọc Chân rồi chạy trở về quá khứ, sửa lại tên thành Nỗi Lòng Người Đi và xuất bản vào ngày 15-04-1967.😄

Phong Luu 31-03-2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét